Đi Đây Đi Đó

Tìm hiểu về đất Cần Thơ xưa

Cùng tìm hiểu về đất Cần Thơ xưa qua bài khảo cứu của tác giả Huỳnh Minh do nhóm dịch thuật Lightway tổng hợp và giới thiệu.

260 views

Tổng hợp từ sách Cần Thơ xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh. Sách được số hóa và đăng tải trên tve-4u.org. Các bạn có thể xem thông tin và tải sách tại đây.

Là Thủ-đô kinh tế của miền Tây Nam-Việt, trục giao thông quan trọng, vú sữa nuôi sống quốc gia, Cần-thơ cũng là Thủ đô văn-hóa của miền Nam: ngày xưa từng làm trung tâm chiêu tập khách tao-đàn, một chi nhánh quan trọng của Mạc-gia Chiêu-anh-Các, quê hương của những văn hào lỗi lạc như cụ Bùi-hữu-Nghĩa và cụ Cử Phan-văn-Trị. Cần-thơ sau một thế kỷ âm thầm lặng lẽ, lại vươn mình lên khôi phục địa vị cũ của mình. Với phong-trào xúc-tiến sự thành lập khu Đại học ở miền Tây, ngôi sao của Cần-thơ sắp chói rạng trên nền trời văn học.

Trôi dòng lịch-sử, cùng nước non trải qua bao cuộc thăng trầm, cơn quốc biến, Cần-thơ đã hy-sinh xương máu chống xâm-lăng. Từ những anh hùng Cần-vương chống Pháp như Đinh-Sâm, Nguyễn-Thần-Hiến, đến những du kích quân tầm vông vạt nhọn tạo chiến công oanh liệt ở bưng biền, Cần-thơ xưa và nay đã đóng góp rất nhiều tài nguyên và sinh lực vào cuộc đấu-tranh sống còn của dân-tộc.

Âm thầm đóng góp, im lặng hy-sinh, Cần-thơ qua bao nhiêu biến chuyển đã biểu lộ rõ rệt « dân tộc tánh » của người Việt-Nam: ít nói, ham làm, thiết thực hy-sinh hơn là khoe-khoang khoác lác. Có lẽ vì thế mà miền Tây luôn luôn bị bỏ quên. Miền Tây sánh như người mẹ hiền quanh năm cầy cuốc lo nuôi sống cho đại gia-đình, chỉ được những đứa con nhớ đến khi nguy khốn, cần nhờ đến mẹ quay về tìm lẽ sống, nguồn an-ủi và sinh lực ở trong lòng đất mẹ.

Phong-Dinh Khoảng Đầu Thế Kỷ Thứ XVIII Tức Huyện Trấn-Giang Trong Dư-Đồ Việt-Nam

Trong khi Saigon nghiễm nhiên là Thủ-đô của miền Nam nước Việt, tỉnh Phong-dinh ở về phía Tây cũng nghiễm nhiên được mệnh danh là Tây-đô. Có quá đáng chăng? – Không, Nếu Saigon còn được xưng tặng thêm với những danh-từ “hoa-lệ”, “hòn ngọc Viễn-Đông” thiết tưởng Phong-dinh được coi như Thủ-đô của miền Tây kể cũng xứng-đáng phần nào, qua những bằng chứng mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày.

Giữa lúc vua Lê, chúa Trịnh ghìm nhau ngoài đất Bắc, các đời chúa Nguyễn ráo-riết lo củng-cố địa-vị ở đàng trong tức vùng Trung-Phần trở vào Nam. Trên bước đường Nam tiến, đồng thời với việc thôn tính nước Chiêm-Thành bắt đầu từ năm Tân-hợi 1611 đời chúa Tiên là Nguyễn-Hoàng (sau truy dâng miếu hiệu là Thái-Tổ Gia-Dũ), trải 7 đời chúa kế tiếp mở bờ cõi lần xuống miền Đồng-nai phì nhiêu.

Hơn một thế kỷ (1623-1739) các chúa Nguyễn ấy nối tiếp nhau thừa lúc Chân-Lạp có nội loạn mà lần hồi thâu phục đất đai. Lại khéo dùng các tướng của nhà Minh lưu vong không phục nhà Thanh như Mạc Cửu, Dương ngạn Địch, Huỳnh Tấn v.v… mượn tay họ khai-thác mà mở rộng dư-đồ nước Việt. Lịch-trình diễn-tiến như sau:

– Năm 1658 mở rộng đất Mô-xoài (Bà-rịa, Biên-hòa)

– Năm 1698 mở mang đất Sàicôn (Gia-định, Saigon)

– Năm 1731 khai triển đất Định-tường (Mỹ-tho) và Long-hồ (Vĩnh-long).

Riêng Mạc-Cửu sau khi bình định xong vùng Hà-tiên, năm Giáp-ngọ 1714, Mạc-Cửu dâng đất Hà-tiên và hòn Phú quốc cho chúa Nguyễn-phúc-Chu. Đến năm Ất-mão 1735 Mạc-Cửu mất, con là Mạc-thiên-Tứ nối nghiệp, mở mang thêm vùng đất Hậu-giang. Năm Kỷ-vị 1739, hoàn thành cuộc khai thác miền Tây, Mạc-thiên-Tứ lập thêm bốn huyện:

1. Long-xuyên (miền Cà-mau)

2. Kiên-giang (Rạch-giá)

3. Trấn-giang (miền Cần-thơ)

4. Trấn-di (miền Bắc Bạc-liêu)

Thế là từ năm Kỷ-vị 1739, tỉnh Phong-dinh ngày nay vốn là phần đất nằm trong khu vực huyện Trấn-giang xưa, do công Mạc-thiên-Tứ khai hoang.

Bấy giờ Trấn-giang (Cần-thơ) còn là một vùng rừng tràm xen lẫn rừng đước, thú dữ tràn đầy. Thế mà tiền nhân đã dầy công phá rừng mở đất, dần-dần biến thành nơi văn-vật, thật đáng cho các thế hệ sau hinh hương sùng bái tinh-thần dũng-cảm ấy, đề cao công-trình vô cùng gian nan khổ nhọc ấy.

Mạc-thiên-Tứ hết lòng mở mang đất Hà-tiên thế nào, thì ông cũng tận tụy xây-dựng vùng Trấn-giang (Cần-thơ) như thế ấy. Ông đã sáng suốt nhận định tình-hình, xem Trấn-giang là một vị-trí chiến-lược làm hậu-thuẫn cho Hà-Tiên, nên Ông hằng lo lắng xếp đặt cho Trấn-giang ngày càng phát-triển tốt đẹp về mọi mặt. Cho nên, dưới sự chăm-sóc của Ông, Cần-thơ bấy giờ cũng đã có tiếng là đất văn-vật chẳng kém gì Hà-tiên bao nhiêu. Một bằng chứng là khi Hà-tiên lâm nguy vì binh Xiêm công phá (năm Nhâm-thìn 1772), Ông lui ngay về Trấn-giang mà nương tựa, chờ cơ quật-khởi. Và chính con Ông là Tham tướng Mạc-tử-Sanh cũng đã gởi xác nơi vùng Trấn-giang trong cơn binh cách, mà khoảng cầu Tham tướng ở Cần-thơ ngày nay là di tích còn lưu để (ở đoạn sau chúng tôi sẽ ghi chép rõ hơn về đoạn lịch-sử vị Tham tướng họ Mạc này).

    Những chỗ Mạc-thiên-Tích và con là Mạc-tử-Sanh đã đốc-xuất dân quân xây dựng tiền đồn để phòng thủ, cho đến đời vua Minh-Mạng hãy còn dùng đến, tới năm thứ 16 (Giáp-ngọ 1834) mới bỏ đi.

    Nơi nào có dấu vết họ Mạc mở mang, nơi ấy thường tấp-nập dân cư vui nghiệp. Nhà cửa phố xá kiến thiết khang trang. Cuộc thương-mại thạnh-vượng. Nền kinh-tế vững-chãi, trình-độ văn hóa của dân chúng được nâng cao.

    Nhóm “Chiêu-anh-các” do Mạc-thiên-Tứ thành-lập, ngoài 32 nhân-vật ưu-tú của Hà-tiên trong đó thành phần gồm có người Việt và người Tàu, ai nấy thảy đều là trang tài tuấn, hào hoa phong-nhã. Cho đến các vị đại-thần như Nguyễn-cư-Trinh cũng phải nghiêng mình thán-phục công-nghiệp của họ Mạc, thường lui tới đàm luận văn-chương thao-lược, xướng họa thi ca với các bậc tài-danh trong nhóm Chiêu-anh-các.

    Nằm trong kế hoạch phòng thủ miền Tây, nếu Hà-tiên ví như tiền đồn ngăn ngừa những cuộc công phá của Xiêm-La và Chân Lạp, Trấn-giang tức là miền Cần-thơ bây giờ nghiễm-nhiên là hậu cứ, hẳn là Mạc-thiên-Tứ đã đem biết bao tâm huyết công-phu xây dựng cho vùng này. Và chịu ảnh-hưởng chính-trị, kinh-tế, văn-hóa khả-quan, dân-chúng Trấn-giang hẳn đã sống một thời bừng hương sắc đậm đà về mọi mặt.

    Huống-chi, bấy giờ huyện Trấn-di tức vùng Bạc-liêu hẻo lánh cũng vẫn được họ Mạc cho di dân đến đấy mở-mang, Bạc-liêu khi ấy mà còn phồn-thịnh lên, thì Cần-thơ chắc chắn đã hoa lệ lắm rồi.

    Phương-chi, Trấn-giang cũng từng là bãi chiến trường lắm hãi-hùng, tranh-đấu giữa quân dân ta với quân Xiêm-La, Chân-Lạp, và sau này chống với Tây-Sơn khi chúa Nguyễn-Ánh chạy tới đây, nếu mức sinh-hoạt và trình-độ dân chúng Trấn-giang chưa được nâng cao, thì tinh-thần anh-dũng của dân chúng Trấn-giang đâu đã được đề cao như lịch-sử từng ghi chép?

    Phong-Dinh Dưới Triều Võ-Vương Nguyễn-Phúc Khoát, Trực-Thuộc Guồng-Máy Hành-Chánh Long Hồ Dinh

    Từ năm Kỷ-Vị 1739, đất-đai Cần-thơ đã được Mạc-thiên-Tứ khai-thác hẳn-hoi, mang danh là huyện Trấn-giang. Cố-nhiên sau đó Mạc-thiên-Tứ đem dâng chúa Nguyễn, sáp-nhập vào dư-đồ Việt, cũng như thân-phụ Ông là Mạc-Cửu đã dâng đất Hà-tiên từ năm 1714.

    Bấy giờ chúa trị-vì Đàng Trong là Võ-Vương Nguyễn-phúc-Khoát. Hơn hẳn các vị chúa Nguyễn trước, Võ-Vương là bậc anh-minh, hăng-say hoạt-động, thích làm chuyện lớn, mưu tính xa rộng. Theo định-hướng đã trù-hoạch về viễn-đồ đất nước, Ngài hằng phô-trương uy-thế, quyết ý mở rộng lãnh-thổ vào Nam. Tiếp thu thêm phần đất bốn huyện mới khai-thác: Long-xuyên (Cà-mau), Kiên-giang (Rạch-giá), Trấn-giang (Cần-thơ) và Trấn-di (Bạc-liêu), Ngài càng thêm phấn-khởi xây dựng đất nước.

    Năm Canh-thân 1740, Ngài định lại phép thi: những người đậu kỳ đệ-nhất gọi là nhiêu học, được miễn sai 5 năm; đậu kỳ đệ-nhị và đệ-tam được miễn sai chung thân; đậu kỳ đệ-tứ gọi là hương cống, được bổ làm Tri-phủ, Tri-huyện. Do sự đặc-biệt ưu-đãi giai cấp sĩ phu này, dân chúng trong Nam dần dần cảm phục sẵn sàng phụng sự đất nước dưới quyền lãnh đạo của chúa Nguyễn. Và do Sắc-lịnh canh cải khoa cử này, tạo thêm điều kiện hoạt động mạnh về văn hóa cho nhóm Chiêu anh Các của Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên, Cần Thơ vậy.

    Đến năm Giáp Tý 1744, Ngài xưng vương-hiệu (Võ Vương), tổ chức nội các gồm 6 Bộ. Bộ về văn hóa gọi là Hàn Lâm. Đạo vệ binh gọi là Võ Lâm. Chế tạo sắc phục mới cho các quan văn võ trong triều. Lại ra lịnh cho dân gian phải đổi y phục, ăn mặc cho văn vẻ nhu nhã hơn xưa. Chia lãnh thổ ra làm 12 dinh.

    Riêng phủ Quảng Ngãi và phủ Qui Nhơn ở miền Trung thì trực thuộc Quảng Nam dinh; đất Hà Tiên ở miền Nam thì đặt thành trấn.

    Năm sau (Ất Sửu 1745) Ngài cho mua kẽm bên Âu-Châu về chế ra thêm thứ tiền kẽm. Thế là về mặt tiền tệ, dân nước xài hai thứ tiền: tiền đồng và tiền kẽm.

    Mọi ngành sanh hoạt vào thời kỳ này được phát triển đồng đều, nhất là nông nghiệp và thương nghiệp khuếch trương, sung-mậu phồn thạnh, tạo cho nhân dân an hưởng được cuộc sống thái bình thạnh-trị.

    Gặp hoàn cảnh thuận tiện như thế, trong Nam dưới sự lãnh đạo của vị Đô đốc tài ba như Mạc Thiên Tứ, vùng Trấn Giang tự nhiên cũng được lợi thế phát triển mạnh.

    Hơn thế nữa, để hoàn thành công cuộc Nam tiến, đôn đốc các cấp thừa hành ở từng địa phương cần khai thác triệt để các vùng đất phì nhiêu ở miền Nam, đến năm Quý Dậu 1753, Võ Vương phái vị Ký lục Bố chánh dinh là Nguyễn Cư Trinh vào Nam, mưu toan việc lớn.

      Phong Dinh Trong Cơn Sóng Gió Tây-Sơn Nguyễn-Chúa Tranh Hùng

      Đánh dẹp ngoại xâm khó, nhưng bình-định nội loạn cũng chẳng phải dễ! Đất nước bị nạn ngoại xâm là thảm họa cho dân chúng, nhưng thê thảm hơn nữa là cảnh đồng chủng tương tàn vì tranh chấp quyền vị. Suốt thời kỳ chúa Nguyễn Ánh và binh Tây Sơn đánh đuổi nhau trong Nam, cho đến khi non sông thống nhất, trải hơn 26 năm (1777-1802) khói lửa đã dập vùi xương máu dân chúng miền Nam nhiều vô số kể, điêu tàn thảm khốc nhất là dân chúng miền Tây. Nào Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Cà Mau lần lượt biến thành bãi chiến trường kinh khủng. Nơi đâu có dấu vết Nguyễn Ánh thì ở đấy có cuộc xung sát với Tây Sơn.

      Đặc biệt mở màn cho những trận thư hùng ghê rợn giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh sau này, Cần Thơ 2 trước đó còn phải trải qua nạn binh Xiêm đánh phá. Ấy là việc xảy ra trong năm Nhâm Thìn 1772. Vua Xiêm là Phi Nhã Tân xua binh sang đánh cướp Hà Tiên. Đô đốc Mạc Thiên Tứ dàn quân chống cự quyết liệt. Binh Xiêm ồ ạt tấn công. Thành trì thất thủ, dân chúng trong thành đều bị giết hại cả. Mạc Thiên Tứ lui giữ Cần Thơ.

      Nhờ trước kia đã tiên liệu dự phòng, nên các đồn lũy ở Cần Thơ đủ để họ Mạc nương tựa mà ngăn chống. Binh Xiêm từng đợt tràn tới Cần Thơ đều bị Thiên Tứ đuổi ra khỏi vùng. Tuy nhiên, sinh mạng và tài sản dân chúng chẳng khỏi tổn thất nặng nề.

      Vừa yên giặc Xiêm, lại đến chuyện chúa Nguyễn chạy vào Nam. Tin chúa Nguyễn bôn ba tẩu quốc đưa đến Cần Thơ, dân chúng lại một phen thắc thỏm lo âu. Vì người người đều cảm thấy tình hình bất ổn, sớm muộn ắt phải vương họa binh đao thảm khốc nữa chớ chẳng không.

      Tây Sơn kéo vào Nam giao chiến, chiếm lấy Gia Định. Chúa Nguyễn chạy xuống Cần Thơ, rồi thẳng đường chạy luôn xuống Cà Mau. Mạc Thiên Tứ ra sức chống ngăn Tây Sơn chẳng nổi, đành chạy theo bảo vệ chúa Nguyễn. Con Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Sanh chống nhau với Tây Sơn nơi Cần Thơ, đương đầu nhiền trận kinh hồn. Cuối cùng sa cơ, Tham tướng Mạc Tử Sanh bỏ mình (khoảng rạch Tham tướng, cầu Tham tướng ở Cần Thơ hiện giờ, dấu vết Mạc Tử Thiên vì nghĩa liều mình)

      Đinh Dậu, Tây Sơn tiến binh thẳng xuống Cà Mau, bắt sống được chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông), áp giải về Gia Định hành quyết. Người cháu của chúa Định Vương là Nguyễn Ánh thay nắm binh quyền. Mạc Thiên Tứ vẫn trung thành cùng chúa Nguyễn, tách mình sang Xiêm cầu viện, chẳng quản gì hiềm khích cũ khi binh Xiêm đã tàn phá Hà Tiên, Cần Thơ. Bởi thế, Thiên Tứ lâm nguy ở đất Xiêm vì bị vua Xiêm là Phi Nhã Tân nghi ngờ, bạc đãi. Thiên Tứ phẫn uất, tự sát trên đất nước người.

      Mất Mạc Thiên Tứ và Mạc Tử Sanh, chúa Nguyễn Ánh mất trang rường cột, khá đau xót và đáng ngại cho bước tiến trình của mình. Tuy nhiên, anh hùng hào kiệt trong Nam bấy giờ hầu hết đều đứng về phe ủng hộ chúa Nguyễn. Đó là sự an ủi và khích lệ nhiều cho chúa Nguyễn vững lòng phấn đấu. Và đó là công trình tuyên truyền cho hiệu quả của Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ khi trước vậy.

      Trên bước đường lưu vong của chúa Nguyễn Ánh khi vào Nam, nếu chẳng có sự dọn đường trước của Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ, khiến nhân dân miền Nam đều đã sẵn có cảm tình với chúa Nguyễn, thì dễ gì Nguyễn Ánh thu phục được nhân tâm đồng bào trong Nam, để đi đến sự thắng lợi cuối cùng, thống nhất non sông. Đúng như lời ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật; trích quyển “Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi Vải”

      Cái chết của Mạc Thiên Tứ ở trên đất nước Xiêm cũng là một điều kiện đã giúp chúa Nguyễn thêm được lực lượng quân đội Xiêm sẵn sàng tán trợ cho sau nầy và dọn đường dễ dàng cho chúa Nguyễn và đám tòng thần sang trú ngụ nơi Vọng-các. Vì có cái chết hào hùng của Mạc Thiên Tứ làm xúc động được lòng vua Xiêm, giải được mọi nỗi bất hòa về trước. Vì có cái chết của Mạc Thiên Tứ, các văn nhân võ tướng miền Nam bấy lâu hằng chịu ảnh hưởng giáo hóa và tuyên truyền của họ Mạc, thêm thán phục hơn về sự trung kiên của họ Mạc, mà không còn ngần ngại gì nữa, đứng vào hàng ngũ ủng hộ chúa Nguyễn chống Tây Sơn quyết liệt.

        Phong Dinh Dưới Triều Gia Long

        Gia Long năm thứ 2 (Quý Hợi 1803), định lại dư đồ, đổi địa giới dinh Long Hồ là dinh Hoằng Trấn, rồi đổi gọi là Vĩnh Trấn, đến năm Gia Long thứ 7 (Mậu Thìn 1808), lại đổi làm trấn Vĩnh Thanh, dưới quyền cai trị của quan Trấn Thủ, Hiệp Trấn và Tham Hiệp. Vùng Cần Thơ bấy giờ trực thuộc trấn Vĩnh Thanh, phủ Định Viễn.

        Gia Long năm thứ 12 (Quý Dậu 1813), cắt đất phân ranh lại, lập thêm huyện Vĩnh Định là vùng phì nhiêu nhất. Cần Thơ khi ấy tức là huyện Vĩnh Định, vẫn trực thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

        Năm sau, Gia Long thứ 13 (Giáp Tuất 1814), vùng huyện Vĩnh Định (Cần Thơ) được đặc biệt quan tâm nhất. Các quan địa phương đốc suất nhân dân mở mang đường sá, xây cất chợ búa phố phường, việc buôn bán càng ngày càng phồn thịnh, dân tứ xứ kéo đến định cư lập nghiệp ngày một thêm đông đúc.

        Vùng Cần Thơ khi xưa đất đai như thế nào? Cứ xem một đoạn tả cảnh con sông Cần Thơ vào khoảng đời Gia Long – Minh Mạng, chúng ta sẽ ý thức được một vài tình trạng sinh hoạt của dân cư Cần Thơ thuở ấy.

        Con sông Cần Thơ và Hậu Giang ngày xưa mặc dầu chưa thuận tiện mấy về mặt giao thông, thế mà đã là một nguồn lợi to tát, đủ rõ người xưa đã rất chú ý mở mang đường thủy đồng thời với sự giao thông đường bộ. Do đó, nền kinh tế miền Tây lúc bấy giờ khá thịnh vượng.

        Bởi con sông Hậu Giang như mạch máu của miền Tây, tiện ích cho dân chúng vô cùng, nên khoảng Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), nhà vua cho đúc 9 cái đỉnh, có chạm hình sông Hậu Giang vào Huyền đỉnh và năm Tự Đức thứ III (Canh Tuất 1850) có ghi vào tự điển. 9 cái đỉnh nầy hiện nay để trước sân nhà thái miếu thành nội Huế. Quí du khách có dịp đi viếng cố đô vô đến hoàng thành sẽ thấy những kỷ vật nầy trơ gan cùng tuế nguyệt, ghi lại bước đường bôn tẩu của nhà vua.

        Phong Dinh Dưới Triều Minh Mạng

        Đầu thế kỷ XIX, dưới triều Gia Long, như chúng ta đã rõ, Cần Thơ là vùng huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Kinh tế thịnh vượng, dân cư đông đúc.

        Đến năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn 1832), trấn Vĩnh Thanh đổi tên là trấn Vĩnh Long, phân hạt gọi là tỉnh Vĩnh Long, đem hai huyện Tuân Nghĩa, Trà Vinh, nguyên thuộc phủ Lạc Hóa (trước trực thuộc thành Gia Định) nay thuộc tỉnh Vĩnh Long, còn hai huyện Vĩnh Định (tức Cần Thơ xưa), Vĩnh An và đạo Châu Đốc cải thuộc tỉnh An Giang, và lập thêm huyện Vĩnh Trị, thuộc phủ Định Viễn. Xem thế, ta nhận thấy Cần Thơ bấy giờ (huyện Vĩnh Định) đã tách ra khỏi Vĩnh Long, mà thuộc về tỉnh An Giang, và thuộc phủ Tân Thành chớ không thuộc phủ Định Viễn như trước.

        Năm Minh Mạng thứ 20 (Kỷ Hợi 1839), vùng đất Cần Thơ lại mang tên là huyện Phong Phú, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, gồm có 3 tổng, 31 xã thôn.

        Thời kỳ nầy, Cần Thơ (huyện Phong Phú xưa) càng thêm phồn thịnh. Về hành chánh, huyện trị ở địa phận thôn Tân An, châu vi 50 trượng, trồng rào tre. Viên tri huyện coi sóc toàn huyện. Đầu tỉnh thì có quan Tổng đốc, một vị Bố chánh và một vị Án sát. Tổ chức hành chánh ở các tổng, xã đủ để đảm bảo an ninh cho dân chúng.

        Về mặt quân sự, ngoài những đồn, bảo, đặt rải rác ở những vùng quê, nơi tỉnh lỵ và huyện lỵ thì có những đồn bót lớn hơn gọi là Thủ, có nghĩa là cơ sở phòng thủ nghiêm ngặt vững chãi. Thủ sở Trấn Giang (Cần Thơ) ở về bờ phía Tây Hậu Giang thiết lập từ năm Kỷ Dậu 1789, đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long, vì giang san đã thống nhất, nên tạm thời Thủ sở Trấn Giang này bãi bỏ. Đến đời Minh Mạng, vì có nhiều biến cố dồn dập, Thủ Trấn Giang tái thiết hẳn hoi. Đồng thời Thủ sở Trấn Di (miền Bắc Bạc Liêu) cũng tái thiết để ngừa nội loạn và ngoại xâm.

        Ở bờ phía Tây Hậu Giang có thủ Trấn Giang hay Đông Xuyên, giao liên chặt chẽ với thủ Trấn Di, thì ở bờ phía Đông Hậu Giang có những đồn Vĩnh Hùng, Thuận Tấn, Cường Uy. Và ở Xao Châu (phía Bắc cửa biển Mỹ Thanh) có đặt binh lính đóng giữ cực kỳ hùng hậu.

        Khoảng năm Quý Tỵ (1833) xảy ra cuộc Lê Văn Khôi gây biến loạn, sau khi quân của Lê Văn Khôi bị binh triều phá vỡ, tàn quân chạy xuống miền Tây, vùng Phong Phú (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu) bị rối loạn không ít. Hơn nữa triều đình lùng bắt dư đảng Lê Văn Khôi, nhất là những người Hoa Kiều có dính líu, ẩn náu ở Cần Thơ, Bạc Liêu khiến lòng dân xôn xao náo động.

        Tuy nhiên, qua cơn sóng gió, trời yên bể lặng như thường. Huyện Phong Phú vẫn là vùng đất có tiếng thạnh trị, an ninh hơn khắp mọi vùng ở miền Tây lúc bấy giờ.

        Về mặt thương mại, có ba ngôi chợ được thiết lập, rất trù phú: chợ Sưu ở gần bến sông Cần Thơ, chợ Tân An ở gần bến sông Bình Thủy và chợ Thái An Đông ở gần sông Ô Môn.

          Cần Thơ Với Chúa Nguyễn Trong Khi Tẩu Quốc

          Nơi phần đầu, trình bày lịch sử tỉnh Cần Thơ, chúng tôi đã nói sơ lược về cuộc Tây Sơn – Nguyễn chúa tranh hùng, mà Cần Thơ từng là bãi chiến trường đẫm máu. Để quý bạn đọc có ý niệm rõ ràng hơn nỗi đau thương của dân chúng Cần Thơ trong cơn khói lửa từng chập từng hồi ấy, chúng tôi xin ghi thêm tỉ mỉ những cảnh binh đao diễn tiến, biết bao dấu vết tang thương mà Tây Sơn, Nguyễn chúa, Cao Miên lưu để trên mảnh đất Cần Thơ hơn một thế kỷ qua.

          Bắt đầu từ năm Đinh Dậu 1777, Tây Sơn tấn công mãnh liệt, chiếm lấy Sài Gòn lần thứ hai, (lần thứ nhất vào năm Bính Thân 1776) do chính Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy đại đội hùng binh. Chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông) chạy xuống Long Hưng (gần Rạch Gầm, Mỹ Tho) rồi chạy vào Cần Thơ, trong khi Tân chánh vương Nguyễn Phúc Dương ẩn náu nơi Ba Vát (Bến Tre). Bấy giờ vào khoảng tháng tư tại Cần Thơ, cha con Mạc Thiên Tứ đã chuẩn bị sẵn sàng lâm chiến để cứu nguy cho chúa Nguyễn khi Tây Sơn đuổi đến. Dân chúng Cần Thơ sống trong cảnh phập phồng tranh chiến.

          Rồi thì khói lửa lan tràn, từ Sài Gòn Nguyễn Huệ tiến đánh Bến Tre, bắt sống Đông cung Dương (tức Tân chánh Vương), tại Ba Vát. Hay tin chẳng lành, tháng 8 chúa Định Vương lìa Cần Thơ chạy xuống Cà Mau với cháu là Nguyễn Ánh.

          Binh Tây Sơn tràn xuống Cần Thơ. Ngút trời khói lửa. Dân chúng hãi hùng chứng kiến cảnh máu rơi, cửa nhà tan nát. Tham tướng Mạc Tử Sanh anh dũng chiến đấu nhưng không chống nổi sức hùng liệt của đoàn hổ báo Tây Sơn, đành bỏ mình tại vùng Tham tướng. Bấy giờ Cần Thơ thất thủ, khắp nơi tràn đầy quân sĩ Tây Sơn chiếm đóng, sát khí đằng đằng.

          Tạm chiêu an dân chúng Cần Thơ xong, quân đội Tây Sơn kéo rốc tới đánh Bạc Liêu, Cà Mau (lúc nầy còn mang tên cũ là huyện Trấn Di, (Long Xuyên), cũng như Cần Thơ là huyện Trấn Giang. Thế mạnh như chẻ tre, Tây Sơn đánh đâu thắng đó, bắt sống chúa Định Vương tại Cà Mau trong khoảng tháng 9, giải về Gia Định hành quyết.

          Nguyễn Ánh lên thay điều khiển binh quyền. Trong tình thế nguy cấp, nhờ ngự chiếc thuyền nhỏ nhẹ mang hiệu “Thủ quyển” vượt nước rẽ sóng mau lẹ, Nguyễn Ánh do ngã sông Ông Đốc thoát ra hòn Thổ Châu. Rồi từ ấy ngậm đắng nuốt cay, nuôi chí phục hận, dần dần đánh chiếm lại được thành Gia Định.

          Đến năm Giáp Thìn (1784), tháng 6 chúa Nguyễn Ánh từ Xiêm trở về, có hai viên đại tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 300 chiến thuyền và 20.000 quân theo giúp. Lần lượt, chúa Nguyễn lấy lại Rạch Giá, Cần Thơ, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít và Sa Đéc. Thế là Cần Thơ rơi vào tay chúa Nguyễn.

          Nhưng dân chúng Cần Thơ vẫn chẳng yên được lâu, đến tháng 10, sau khi Châu Văn Tiếp tử trận tại Mân Thít, tình thế binh chúa Nguyễn có chiều nao núng. Rồi thì tháng chạp, chính Nguyễn Huệ thân chinh chỉ huy quân Tây Sơn đánh tan quân Xiêm tại Rạch Gầm. (Trận nầy là một chiến công oanh liệt nhất của Tây Sơn, đến đỗi tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương phải bỏ cả binh thuyền, lên bộ chạy về Vọng Các. Chúng tôi sẽ thuật rõ trong quyển “Định Tường xưa và nay” sẽ xuất bản).

          Sau trận đại bại Rạch Gầm, chúa Nguyễn Ánh cả kinh quay lại Cần Thơ, binh Tây Sơn tái chiếm Cần Thơ, dân chúng nơi đây thêm một lần nữa phải điêu đứng vì chiến họa. Chúa Nguyễn tách dặm băng ngàn, từ Cần Thơ ra hòn Thổ Châu lánh mình như trước.

          Đinh Vị 1787, tháng 8 chúa Nguyễn lại từ Xiêm về, đốc xuất quân sĩ phản công Tây Sơn. Đôi bên đánh nhau nhiều trận lớn tại Trà Ôn (Cần Thơ) và Ba Rài (Mỹ Tho). Rồi bị Tây Sơn đánh bại tại cù lao Giung Hổ Châu, ở cửa sông Hậu Giang. Tuy nhiên, từ tháng 10, đóng đại bản dinh tại Nước Xoáy (Sa Đéc) binh tướng chúa Nguyễn dần dần khôi phục khí thế, dõng cảm đương đầu với Tây Sơn, đẩy lui Tây Sơn khắp nơi. Bấy giờ Cần Thơ cũng đã được chúa Nguyễn thâu phục lại.

          Sang tháng 10, có tin tướng Cao Miên là Ốc Nha Long theo Tây Sơn nổi loạn, đánh chiếm Cần Thơ, đóng đồn tại địa điểm nầy, khiến dân chúng đã khổ sở lại càng khổ sở. Chúa Nguyễn lập tức đem đại quân từ Sa Đéc đến Cần Thơ dẹp loạn.

          Ốc Nha Long không chống cự nổi, nhưng càng thua to chúng càng quấy phá dữ tợn. Đây là lần thảm khổ nhất của dân chúng Cần Thơ. Nhưng cuối cùng rồi cũng dẹp yên loạn được, chúa Nguyễn vỗ an lê thứ, trao quyền cho một viên đại tướng ở giữ Cần Thơ, còn Ngài thì trở về đại bản dinh ở Nước Xoáy. Và cũng từ đây Tây Sơn suy yếu, lần lượt bị binh chúa Nguyễn đánh bật khỏi miền Tây. Đến tháng 8 năm Mậu Thân (1788) chúa Nguyễn khắc phục Sài Gòn, giữ vững mãi, cho đến năm Nhâm Tý (1792) thì bắt đầu tiến ra đánh miền Trung, Bắc.

          Rồi từ Nhâm Tý (1792) mãi đến 9 năm sau, ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Hợi, chúa Nguyễn mới khắc phục được kinh thành Huế, thống nhất non sông. Đoạn sắp đặt trị an thêm một năm nữa, đâu đó đã yên, ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long (miếu hiệu Thế Tổ Cao hoàng đế).

          Phong Dinh Dưới Triều Tự Đức Và Thời Pháp Thuộc

          Trải các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, miền Nam nước Việt vẫn chia làm 6 tỉnh, nên dân gian thường quen gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Cho đến thời Pháp thuộc, dẫu người Pháp đã chia đất miền Nam nầy (gọi là Nam Kỳ) làm 20 rồi 21 tỉnh, dân gian vẫn quen gọi Nam kỳ là lục tỉnh. Ấy là:

          Biên Hòa (miền Đông)

          Gia Định (miền Đông)

          Định Tường (miền Đông)

          Vĩnh Long (miền Tây)

          An Giang (miền Tây)

          Hà Tiên (miền Tây)

          Do Hòa ước ngày 5 Juin 1862, miền Nam bị đặt dưới quyền đô hộ của Pháp. Nhưng sĩ phu miền Nam há dễ chịu ép một bề? Lần lượt sĩ phu miền Nam đứng lên phản kháng, hoặc đem bút lưỡi mà khích động dân tâm tranh đấu, hoặc lấy sắt máu mà chống chọi với cường quyền bạo lực. Nhóm sĩ phu đánh giặc bằng bút, có: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Lạc v.v… Nhóm lấy sắt máu đánh đuổi kẻ tham tàn, có: Trương Định ở Gò Công, Đỗ Đình Thoại, Nguyễn Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho v.v…

          Riêng về miền Tây, từ sau ngày 25 Juin 1867 (năm Đinh Mão) là ngày ba tỉnh miền Tây Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên đều đã lọt vào tay quân Pháp, sĩ phu miền Tây cũng oanh liệt chống cự. Nhân dân huyện Phong Phú (Cần Thơ) từng nổi lên đánh các đồn bót do quân Pháp thiết lập. Chúng thất điên bát đảo, tức giận phóng hỏa đốt rụi nhiều thôn xóm. Lửa loạn bao trùm tang tóc miền Tây lúc bấy giờ!

          Dần dần quân Pháp nhờ có đông đảo đám tay sai người Việt phụ tá, chẳng hạn như Đội Lộc (sau nầy là Tổng Đốc Trần Bá Lộc), Lãnh binh Tấn (tức Huỳnh Công Tấn) dùng uy lực đàn áp, thiết lập nền cai trị.

          Ngày 1 tháng giêng năm 1868, do Nghị định Thống Đốc Nam kỳ là Bonard, huyện Phong Phú (Cần Thơ) sáp nhập với Bai sau đặt thành một quận, dưới quyền cai trị của một viên quan Pháp, lập Tòa Bố (Hành chánh) tại Sa Đéc.

          Lòng dân nhớ nước cũ nên hãy còn bồng bột phẫn uất, đâu dễ một ngày một buổi mà chịu yên bề. Trong vùng Cần Thơ, vị lãnh tụ dân quân kháng chiến đầu tiên nổi lên chống quân Pháp, chính Đinh Sâm. Để cảnh cáo những ai sớm vội bán nước buôn dân, cam tâm làm tay sai cho giặc, Đinh Sâm xướng nghĩa, giết ngay viên Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh, rồi chiếm đóng một vùng Láng Hầm (nay là vàm kinh Ba láng). 8

          Khói lửa lại bao trùm vùng Cần Thơ, Ba Láng, Phong Điền. Cơn ly loạn xiết bao điêu đứng thảm khổ dân tình. Chẳng bao lâu Đinh Sâm bị quân Pháp và đội binh mã tà (như đám thân binh thời gần đây) do Trần Bá Lộc chỉ huy dẹp tan dưới bạo lực đàn áp dã man khốc liệt!

          Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống Đốc Nam kỳ lại ra nghị định, sáp nhập Phong Phú (Cần Thơ) với Bắc Tràng là một vùng thuộc phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long lập Tòa Bố tại Trà Ôn.

          Nhưng tình thế vẫn không yên. Nhiều nơi trong tỉnh vẫn vùng lên chống đối. Đối phó với nghĩa quân, nhà cầm quyền người Pháp càng thẳng tay đàn áp, dùng sức mạnh súng đạn làm phương tiện để mong chinh phục lòng người, để ổn định cho kỳ được guồng máy hành chánh theo như ý thực dân.

          Tòa Bố thiết lập tại Trà Ôn để điều khiển các cơ cấu cai trị khắp vùng Phong Phú (Cần Thơ), đặt dưới quyền kiểm soát của một viên quan Pháp, chỉ được một năm thì phải dời về đặt ở Cái Răng (hiện giờ là quận lỵ Châu Thành, cách tỉnh lỵ Cần Thơ Phong Dinh 6 cây số). Rồi do Nghị định của Soái phủ Sài Gòn, ngày 23 Février 1876, vùng Phong phú lập thành tỉnh, mang tên Cần Thơ. Tòa Bố (Hành chánh) đặt tại tỉnh lỵ Cần Thơ, Trà Ôn thì trở thành quận.

          Viên quan Pháp đầu tiên trấn nhậm tỉnh Cần Thơ là Đại úy Nicolai, chức Tham biện hạng nhì. Đại úy Nicolai ngồi chức Chánh Tham biện (tức như Tỉnh trưởng bây giờ), Cần Thơ ngót 10 năm, khai thác đất đai, mở rộng đường xá, xây cất chợ búa.

          Tuy nhiên, sĩ phu miền Tây vẫn còn một số đông bất phục. Nhưng trong tình trạng khôn bề chống đối, các sĩ phu giữ tiết tháo đành sống đời ẩn dật. Trong số nầy đáng kể có: Cử Trị (Phan Văn) lánh thân ở Phong Điền, cụ Thủ khoa Nghĩa (Bùi Hữu) ở Bình Thủy, Long Tuyền. Cho đến vị Cai tổng Lê Quang Chiểu sau này cũng tự giải chức từ quan, còn được tiếng thơm.

          Người đầu tiên đến thông ngôn cho ông Nicolai, tỉnh trưởng Cần Thơ là ông Cao Văn Tình 9, hiện nay con ông là Cao Văn Hùng còn sống trên 80 tuổi.

          Năm 1877, Nam kỳ có tất cả 19 Chánh tham biện.

          Một số hình ảnh Cần Thơ xưa

          Tìm Hiểu Hai Tiếng Cần Thơ Do Đâu Mà Có?

          Danh từ Cần Thơ đã có từ lâu. Xưa kia là huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, nay đổi lại Phong Dinh.

          Phần đầu chúng tôi đã trình bày nguồn gốc tiếng địa phương qua sự diễn tiến của thời đại vào đầu thế kỷ XVIII, của đất Trấn Giang, về phần lịch sử.

          Riêng hai tiếng “Cần Thơ” trong sử không có ghi chép rõ ràng như các tỉnh khác.

          Tương truyền lúc Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu vào Nam dấu chân của Ngài đều trải qua các nơi trên lãnh thổ để lẩn tránh Tây Sơn mưu đồ phục quốc. Lúc bấy giờ Ngài ngự trên một chiếc thuyền đi ngang dòng sông Hậu, thuộc địa phận huyện Phong Phú thả thuyền theo sóng gió lênh đênh trên mặt nước, bỗng nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ xa vọng lại giữa đêm trường canh vắng. Ngài chạnh lòng nhớ đến bước đường lưu lạc trong lúc bơ vơ xứ lạ quê người, khiến tâm cang thêm xúc động. Ngài mới có một cảm nghĩ ban cho con sông này cái tên đẹp đẽ mỹ miều, đầy thơ mộng là “Cầm Thi giang” con sông của thi ca đàn hát. Lần lần hai tiếng Cầm Thi được lan rộng ra trong dân chúng, có người đọc trại là “Cần Thơ” 13, và danh từ ấy nghe cũng hay hay, nên được người ta dùng mãi đến ngày nay.

          Còn một truyền thuyết khác nữa do các bô lão địa phương kể lại, nơi đây khi xưa có trồng rất nhiều loại rau cần và rau thơm, mỗi khi chủ vườn cắt rau đem đi bán, rao cùng đường: ai mua rau cần thơm không?

          Rau Cần, rau Thơm xanh mướt,

          Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn.

          Thiên hạ xúm nhau mua hai loại rau nầy rất nhiều, lâu ngày chầy tháng, danh từ rau Cần rau Thơm được giới bình dân phổ biến thành câu ca dao:

          Rau Cần lại với rau Thơm,

          Phải chăng đất ấy rau Thơm có nhiều.

          Cũng có người lẩn thẩn gọi đại tên xứ đó là xứ Cần Thơ.

          Hai giả thuyết nầy, không biết giả thuyết nào đúng? Hoặc giả một địa danh mà có đến hai sự kiện xảy ra trùng hợp nhau?

          Hai tiếng Cần Thơ trở thành một địa danh từ thời bấy giờ.

          Qua thời Pháp thuộc đến chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam phần và lập tòa bố tại Cần Thơ do nghị định ngày 23-2-1876 cũng vẫn giữ nguyên hai chữ Cần Thơ. Muốn cho phân biệt từ tỉnh một, Cần Thơ được mang con số 19, mỗi chiếc ghe ở trước mũi có khắc số, đi tới đâu người ta cũng nhận ghe số 19 của tỉnh Cần Thơ từ người lính garde civile locale của tỉnh, kêu là lính mã tà, mỗi lần di chuyển từ tỉnh nầy qua tỉnh nọ, hoặc giải tội nhơn lên Sài Gòn, trên cổ áo đều có gắn số 19 cũng như các tỉnh trong Nam Kỳ đều có một sắc thái tương tợ, nhưng chỉ khác biệt là con số tỉnh, để cho người ta phân biệt mà thôi.

          Dưới chánh thể Việt Nam Cộng hòa, ngày 16-9-1958 tỉnh Cần Thơ lại thay tên đổi họ một lần nữa, đổi tên là tỉnh Phong Dinh, để nhắc lại cái tên cũ của thời xưa, cũng như Mỹ Tho đổi lại là Định Tường, Rạch Giá đổi lại Kiên Giang, Bến Tre đổi lại Kiến Hòa, chánh quyền có mỹ ý rất hay: gợi lại tinh thần tồn cổ với ý nghĩa cao đẹp của nó tự ngàn xưa, cốt làm sống lại tinh thần dân tộc.

          Đây là một ít tài liệu tra cứu để giúp ích cho quí bạn đọc tìm hiểu qua danh từ xuất xứ của tỉnh Cần Thơ.

          Ngày nay, Cần Thơ lại được mệnh danh là Tây đô văn vật.

          Danh nhân đất Cần Thơ xưa

          Mạc Thiên Tứ

          Người đã kiến lập vùng đất Trấn Giang từ năm 1793 tức nay là tỉnh Phong Dinh.

          Thẳng thắn mà nói, miền Nam này, nhất là vùng Hậu Giang, một phần lớn công lao đã do cha con Mạc Linh Công (Mạc Cửu) đóng góp tâm não, máu xương bồi đắp mở mang ra. Phát tích từ đất Hà Tiên, cha con Mạc Cửu dần dần khai thác đất đai khắp miền Tây, hoàn thành 4 huyện đem dâng chúa Nguyễn: huyện Long Xuyên (Cà Mau), huyện Kiên Giang (Rạch Giá), huyện Trấn Di (Bạc Liêu) và huyện Trấn Giang (Cần Thơ). Chính huyện Trấn Giang có duyên nợ với Mạc Thiên Tứ và con là Mạc Tử Sanh nhiều nhất, nên ở phần hoài niệm danh nhân có nhiều thành tích với Cần Thơ, chúng tôi xin phép ghi chép tiểu sử họ Mạc vào đây cho hợp lý.

          Mạc Thiên Tứ, cũng gọi là Mạc Thiên Tích, vốn tên thật là Mạc Tông, tự Sĩ Lân. Ông là con trưởng của Đại tướng Võ Nghi Công Mạc Cửu.

          Tính Ông khí khái, học thức uyên bác, tài gồm văn võ. Ông đã cùng với cha dầy công khai thác đất đai Hà Tiên. Đến khi thân phụ Ông mất (1763), Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu trọng vọng, phong cho làm Đô Đốc trấn Hà Tiên. Nối chí cha, Ông mở mang thêm vùng Hậu Giang, khai hoang lập ấp, tổ chức nội an, sắp đặt cơ cấu quân sự để phòng ngừa giặc ngoài và trừ dẹp trộm cướp trong xứ, đem lại yên vui cho dân chúng.

          Đinh Sửu 1757, Cao Miên có nội loạn, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên. Ông giúp đỡ cho, hộ tống Nặc Tôn trở về an toàn. Nặc Tôn cắt đất dâng tạ. Ông càng phấn chấn bồi đắp non sông.

          Nhâm Thìn 1772, vua Xiêm là Phi Nhã Tân đem quân tràn sang đánh phá Hà Tiên. Ông bất cẩn thất thủ thành trì. Quân giặc giết cả dân chúng trong thành. Ông lui về giữ Trấn Giang (Cần Thơ). Nơi đây, ông đã thiết lập mọi cơ cấu phòng thủ vững chãi, phòng khi nguy biến thì tiện đường rút lui mà củng cố hàng ngũ lại, quật khởi tấn công.

          Mộ Mạc Thiên Tứ
          Mộ Mạc Thiên Tứ

          Đã từng mến mộ oai đức của Ông, nên dân chúng Trấn Giang đều sẵn sàng ủng hộ, làm hậu thuẫn cho Ông. Do đó Ông đẩy lui được quân Xiêm, đồng thời càng thêm nỗ lực tô điểm Trấn Giang ngày một tốt đẹp hơn lên cả về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự.

          Có thể nói, sau cuộc tấn công của quân Xiêm mà Ông phải lui về Trấn Giang, Ông mới cảm thấy yêu mến Trấn Giang hơn bao giờ hết, nên dốc lòng tô điểm cho Trấn Giang chẳng kém gì công trình Ông đã xây dựng Hà Tiên.

          Chẳng bao lâu, Tây Sơn xua quân tràn xuống Hậu Giang. Miền Tây binh lửa dậy. Thảm họa nội chiến tràn lan. Con Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Sanh cầm binh chống nhau với quân Tây Sơn, bị địch giết chết. Thấy con đã hy sinh cho chúa Nguyễn, nhân dân Trấn Giang đã đóng góp máu xương khá nhiều trong trường chinh chiến, Ông đau lòng khôn xiết.

          Đinh Dậu 1777, chúa Định Vương chạy xuống huyện Long Xuyên tức là Cà Mau, Tây Sơn đuổi theo và bắt sống chúa Nguyễn tại đấy, giải về Gia Định hành quyết. Nguyễn Ánh lên thay cầm binh quyền. Liệu thế không chống nổi, Mạc Thiên Tứ tách dặm băng ngàn sang Xiêm cầu viện.

          Vua Xiêm là Phi Nhã Tân khi trước đã đem binh sang Hà Tiên, Trấn Giang đánh nhau với Mạc Thiên Tứ. Nay thấy Mạc Thiên Tứ sang cầu viện, lấy làm ngờ. Triều thần Xiêm lại lắm kẻ gièm pha, khiến Phi Nhã Tân càng hồ nghi Ông hơn nữa, ngờ Ông lập cơ mưu sang Xiêm dọ thám tình hình, để thừa dịp chiếm đoạt.

          Nỗi buồn lo cho chúa Nguyễn đang cơn nguy khốn, nỗi hận gặp cảnh không may đến đỗi bị ngờ oan, Ông bèn nuốt vàng mà tự tử. Phái đoàn do Ông cầm đầu sang Xiêm lúc bấy giờ gồm có: Tôn Thất Xuân, hai người con của ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thượng và 50 tên quân đều chết theo ông, nhằm năm Canh Tý 1780.

          Vì Mạc Thiên Tứ và con là Mạc Tử Sanh có duyên nợ nhiều với Phong Dinh, nên chúng tôi ghi lại vài nét tiểu sử cuộc đời Mạc Thiên Tứ vào đây, để quý bạn đọc thưởng thức chút văn tài của một vị Đô Đốc hào hoa phong nhã. Và bao nhiêu cảnh trí hữu tình, thơ hay về Hà Tiên, xin quý bạn đón xem ở quyển “Hà Tiên xưa và nay”, cùng một tác giả, sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc trong ngày gần đây.

          Mạc Tử Sanh

          Tử nghĩa nơi rạch Tham tướng – Cần Thơ trong trận chống Tây Sơn

          Đã dày công khai thác miền Nam, lại tận trung, tận lực với chúa Nguyễn đến thịt nát xương tan chẳng quản gì, thật không ai hơn họ Mạc. Từ đời cha cho đến đời con, đời cháu, không ai là không trung thành phục vụ đồng bào miền Tây, mặc dầu họ Mạc không phải là người Việt chính tông.

          Đọc tiểu sử Mạc Thiên Tứ, chúng ta đã thấy Thiên Tứ từng hoạt động ở Trấn Giang (Cần Thơ) mà con ông là Mạc Tử Sanh càng phục vụ nhân dân Trấn Giang nhiều hơn nữa. Thậm chí Mạc Tử Sanh đã bỏ mình nơi Trấn Giang, mà vùng rạch Tham tướng ngày nay là nơi lưu dấu vết Ông.

          Mạc Tử Sanh, con của Quốc lão Đô đốc Quận công Mạc Thiên Tứ. Ông đã từng sát cánh với cha trong việc khai thác vùng Hậu Giang, đặc biệt là vùng huyện Trấn Giang. Trong khi thân phụ Ông ngồi trấn Hà Tiên, Ông vâng mạng đi tiếp xúc với chánh quyền Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu) và Long Xuyên (Cà Mau), tận tâm mưu ích lợi cho dân chúng.

          Nhâm Thìn 1772, quân Xiêm tràn sang đánh phá Hà Tiên. Ông đương cự với quân địch nhiều trận quyết liệt, mở đường máu cho thân phụ Ông rút quân về Trấn Giang đóng giữ. Vì quân địch hung hăng bạo tợn, đốt phá cả thành trì, tàn hại dân chúng vô số kể! Đau lòng căm hận, Ông cùng thân phụ lui giữ Trấn Giang, một mặt bố trí phòng thủ chặt chẽ, một mặt chỉnh đốn binh đội, phản công quân Xiêm. Dưới quyền chỉ huy của ông, tinh thần quân sĩ lên cao, dũng cảm xông pha giết giặc. Địch quân kinh hoàng, tan vỡ trước khí thế hào hùng quyết tử của quân dân ta.

          Sau trận đánh đuổi quân Xiêm, Hà Tiên và Trấn Giang tổn thất nhân mạng và tài sản khá nặng nề. Vì quân địch tàn bạo hiếu sát, kéo tới đâu thì đốt phá giết hại đến đấy. Mạc Tử Sanh đôn đốc dân chúng tái thiết những công trình đổ vỡ, an ủi những gia đình tang tóc. Lòng nhiệt thành lo cho dân chúng của Ông, khiến người người đều cảm mộ oai đức, xưng tặng Ông là bậc thiếu niên anh hùng.

          Chưa yên ổn được bao lâu, bỗng lại được tin Tây Sơn đã thắng thế, đánh đuổi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, Mạc Thiên Tứ vội vã đến Gia Định bái yết chúa Nguyễn, tỏ dạ trung thành. Chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần lấy làm cảm động, tín nhiệm nơi sự ủng hộ của cha con Mạc Thiên Tứ, phong Thiên Tứ làm Quốc lão Đô đốc, tước Quận công, Mạc Tử Sanh thì được phong làm Tham tướng.

          Rồi đó Mạc Tử Sanh cùng với thân phụ hiệu triệu nhân dân Trấn Giang hãy sẵn sàng phù tá chúa Nguyễn đang khi thất quốc lưu vong. Nhờ uy tín cha con Ông, chúa Nguyễn được hầu hết dân chúng và các hào kiệt Trấn Giang, Trấn Di, Long Xuyên (Cà Mau) hưởng ứng, lớp đầu quân, lớp chiêu tập được đông đảo nghĩa binh theo về với chúa Nguyễn, chống Tây Sơn.

          Đinh Dậu 1777, đại binh Tây Sơn ồ ạt tấn công, đánh tràn xuống Hậu Giang. Chúa Nguyễn Phúc Thuần thua luôn mấy nơi, chạy tuốt xuống Cà Mau. Tây Sơn đuổi đến Cần Thơ (xưa là Trấn Giang), Mạc Tử Sanh huy động quân sĩ cả hai mặt thủy, bộ ngăn chống hùng dũng.

          Nhưng thinh thế Tây Sơn quá lừng lẫy. Thủy binh, bộ binh của Tây Sơn bấy giờ rất mạnh và giao tranh rất dũng liệt, tiến đến đâu như thác đổ sóng cuộn ầm ầm, không gì ngăn chống nổi. Mạc Tử Sanh vẫn gan liền chiến đâu, mặc dầu tin cấp báo liên tiếp về sự tan vỡ của các đội quân khắp mặt trận quanh vùng.

          Cuối cùng sức người có hạn, Mạc Tử Sanh bị quân địch vây khốn, chết trong trận nơi khoảng rạch “Tham tướng” ở Cần Thơ ngày nay. Sở dĩ con rạch nầy mang tên là “Tham tướng” vì Mạc Tử Sanh là một vị Tham tướng 14.

          Chánh Lãnh Binh Võ Duy Tập

          Sống vi tướng, thác vi thần

          Trải xem lịch sử, nhân vật ưu tú của Cần Thơ thuở xa xưa, bên văn kể đã nhiều, bên võ há chẳng có ai? Một Nguyễn Văn Tồn chưa đủ, vì đó là người Việt gốc Miên, chưa làm thỏa mãn được lòng người Việt chánh tông. Một Mạc Tử Sanh thì là người Việt gốc Hoa, lại cũng chẳng phải chánh quán Cần Thơ, chỉ vì có công ơn với nhiều đồng bào Cần Thơ nên chúng tôi mới liệt kê vào hàng danh nhân của Cần Thơ. Thế thì về hàng võ tướng, Cần Thơ chịu nhượng Định Tường, Long Hồ, An Giang, và chịu nhượng cả dân huyện Long Xuyên (Cà Mau) hay sao?

          Do chỗ thắc mắc băn khoăn tìm hiểu ấy, chúng tôi may được các vị bô lão ở Bình Thủy thông cảm, hướng dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng ngôi mộ một vị Chánh Lãnh binh triều Minh Mạng. Băng đồng, lội ruộng chẳng quản gì vất vả, chúng tôi đã nghe thấy sự tích hào hùng đáng kể:

          Võ Duy Tập người xã Long Tuyền, huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa), con ông Võ Nguyên, xuất thân nông dân.

          Gặp buổi trong nước thường loạn lạc, ông chuyên tâm học võ. Thân phụ ông có ý chẳng bằng lòng: “Sao con chẳng cố công đèn sách học hành, có văn chương chữ nghĩa, bảng vàng bia đá phải đẹp mặt hơn không?”

          Ông từ tốn thưa: “Dầu văn hay võ, hễ biết lập chí cứu dân giúp đời thì đều vinh hiển cả. Nhất là đang thời giặc giã, theo đường võ nghệ để cứu nguy non nước, bảo an lê thứ mới là chước hay. Xin cha an lòng”.

          Nghe khẩu khí của ông, thân phụ ông mừng thầm, kỳ vọng ở ông một tương lai xán lạn.

          Từ ấy, ông thường tỏ chí khí hào hùng, nghĩa hiệp cứu giúp người cô thế bị áp bức. Xa gần đều mến chuộng tài đức.

          Hình thờ Võ Duy Tập trong đình Bình Thủy

          Đến khi chúa Nguyễn Ánh tránh loạn Tây Sơn, mấy lượt lui tới Cần Thơ, hằng tỏ dạ kính hiền lễ sĩ, cầu bậc lương tài phò nguy cứu quốc. Võ Duy Tập tìm hiểu thời thế ít lâu, bèn ra đầu quân giúp chúa Nguyễn. Ông từng chiến đấu với quân Tây Sơn nhiều trận quyết liệt. Nhưng thời thế chưa làm nên được, ông ôm hận theo phò chúa Nguyễn trên khắp nẻo đường lưu vong, cùng chia cay đắng ngọt bùi.

          Đinh Vị 1787, thinh thế chúa Nguyễn đã dần dần dấy lên. Binh đội càng lúc càng tăng tiến hùng mạnh, đánh đâu thắng đó. Võ Duy Tập hiên ngang lập nhiều chiến công trong các trận đánh ở Ba Rài (Mỹ Tho), Trà Ôn, tên tuổi lẫy lừng.

          Xảy được tin loạn tướng Cao Miên là Ốc Nha Long theo về với quân Tây Sơn, đánh phá vùng Cần Thơ, chúa Nguyễn khiến ông đem binh đi dẹp. Ông cùng các vị phó tướng dẫn quân từ Sa Đéc đến Cần Thơ, xuất kỳ bất ý bao vây loạn quân. Toán quân Miên do Ốc Nha Long chỉ huy không chống cự nổi, tan vỡ cả. Chiếm lại Cần Thơ xong, ông được lịnh rút quân về Nước Xoáy (Sa Đéc) là nơi đại bản dinh của chúa Nguyễn, sung vào bộ tham mưu, thảo kế hoạch tiến binh khắc phục Saigon Gia Định.

          Suốt mười mấy năm tận lực cùng chúa Nguyễn, đến ngày thống nhất non sông, chung hưởng thanh bình, ông nghiễm nhiên là vị tướng lãnh công cao trọng vọng, làm rạng vẻ miền Tây một thuở.

          Đến đời vua Minh Mạng, ông càng được tín nhiệm hơn. Nhà vua thường giao trọng trách cho ông đi dẹp giặc giã nhiều nơi trong nước. Với chức vụ Chánh Lãnh binh, ngày đêm ông tận tâm lo việc an ninh cho dân chúng, rất được lòng dân kính mộ.

          Bấy giờ, giặc Cao Miên thường khuấy rối các vùng Tịnh Biên, Châu Đốc. Dân tình khốn khổ xôn xao. Ông được lịnh của quan Trấn thủ An Giang đem binh đi đánh. Tài thao lược của ông một lần nữa đem thi thố, khiến lũ giặc kinh tâm tán đởm, vỡ chạy cả. Từ ấy, thinh danh ông lan rộng khắp miền Tây.

          Tuổi về già ông vẫn còn cầm binh đánh dẹp giặc Miên ở Sóc Trăng, và bỏ mình tại Bưng Trop. Linh cữu đưa về an táng nơi cố quán xã Long Tuyền.

          Hiện nay mộ ông nằm sau miếng ruộng cách công sở Long Tuyền độ 200 thước. Ngôi mộ lúc trước ghép bằng đá ong. Sau trong gia tộc miêu duệ làm vòng thành bằng gạch.

          Nguyễn Văn Tồn

          Người Việt gốc Miên trung thành cùng vua Gia Long lưu danh hiển hách nơi Trà Ôn

          Kể ra người Việt gốc Miên theo giúp chúa Nguyễn Ánh khi bôn ba trên đường tẩu quốc cũng khá nhiều. Nhưng xuất sắc nhất, duy chỉ có Ông Điều bát Nguyễn Văn Tồn, thinh danh hiển hách ngay khi còn sống và đến lúc đã về thần.

          Ông vốn người gốc Miên, chính tên là Duồng 15. Võ nghệ khá cao cường, oai hùng vang tiếng gần xa, người người đều kiêng nể. Gặp khi chúa Nguyễn Ánh chạy xuống Trấn Giang (Cần Thơ), Ông theo phù tá. Nhờ dũng lực của Ông, chúa Nguyễn thoát lắm cơn nguy hiểm, nên rất tin cẩn Ông, hằng cho theo hầu cận. Ông hết dạ trung thành, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh che chở cho chúa Nguyễn trong vòng binh đao khói lửa, liều thân chẳng quản ngại gì.

          Giáp Thìn 1784, sau hằng trăm trận giao phong đều chẳng thâu hoạch được thắng lợi như ý nguyện, liệu thế chưa đánh đuổi Tây Sơn nổi, chúa Nguyễn chạy sang nước Xiêm lưu trú, ẩn thân nơi Vọng Các. Bấy giờ, Ông vẫn theo hầu chúa Nguyễn; hàng ngày Ông lãnh nhiệm vụ thao luyện đám binh sĩ, chiêu mộ thêm các tay hào kiệt, cương quyết chờ ngày kéo về dẹp tan Tây Sơn, đưa chúa Nguyễn lên ngôi.

          Với ý chí sắt đá, Ông rất tin tưởng ở sự thắng lợi cuối cùng.

          Tinh thần phấn chấn đầy tự tin của Ông khiến chúa Nguyễn cũng chan chứa hy vọng thống nhất non sông, cùng nhau hăm hở đem binh trở về.

          Tượng Thống chế Điều bát.jpg
          Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông ở Trà Ôn (Vĩnh Long, Việt Nam)

          Tây Sơn vẫn hùng dũng chiến đấu. Đôi bên giao tranh lắm trận ác liệt kinh hồn. Tại cửa Ba Lai, đạo binh của Ông phá vỡ đoàn quân của Đô đốc Tây Sơn, nâng cao tên tuổi Ông từ đấy.

          Dần dần binh chúa Nguyễn Ánh thắng thế ở khắp nơi, trong đó công lao của Nguyễn Văn Tồn không kém gì những chiến tích oanh liệt của các danh tướng khác. Vả lại, dù Ông không phải là người Việt chính tông, mà tấm lòng và thái độ của Ông đối với chúa Nguyễn và các chiến hữu rất mực thành tín, nên ai nấy đều xem ông như đồng bào ruột thịt, chẳng ai ganh ghét gì.

          Khắc phục thành Gia Định xong, đại binh chúa Nguyễn tiến thẳng ra Trung, Bắc, Nguyễn Văn Tồn vẫn theo trong quân. Tại thành Bình Định, Ông thúc quân đánh rất hăng, lập chiến công oanh liệt, nổi danh hổ tướng.

          Ít lâu, Ông phụng mạng trở vào trong Nam, dẹp các đám giặc cướp, mưu cuộc an ninh cho dân chúng. Nhất là tại Trà Ôn (một quận cũ của tỉnh Phong Dinh ngày trước), Ông ra tài tảo thanh côn đồ trộm cướp thừa thời loạn mà dọc ngang khuấy rối dân lành, xếp đặt trị an đâu ra đấy, khiến dân chúng Trà Ôn cảm đức, tên tuổi Ông bia truyền khắp miệng người.

          Nhâm Tuất 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long. Ông được phong chức Điều Bát. Ông càng nỗ lực hoàn thành sứ mạng bảo quốc an dân.

          Khi Cao Miên có nội chiến, Ông được cử theo đại quân sang đóng tại thành La Bích. Với thanh thế quân ta, với uy tín của Ông, chẳng mấy ngày Ông bình định xong cuộc nổi loạn ở Cao Miên và lãnh trọng trách bảo hộ. Những thành tích tốt đẹp của ông, khiến vua Gia Long tin tưởng, mến chuộng Ông thêm, triệu Ông về lo cho dân nước. Để tăng uy tín và thanh danh Ông, hầu phục vụ dân nước được đắc lực hơn, nhà vua phong Ông làm Thống chế. Ở vào địa vị cao tột, Ông càng nỗ lực phục vụ nhân dân, nên càng được quần chúng kính mộ.

          Tại trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long), Ông phụ lực với Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), đào kinh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Công nghiệp này, tên tuổi Ông gắn liền với công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu, khiến đời sau nhắc nhở đến với lòng khâm phục.

          Canh Thìn 1820, Ông mất, dân chúng đều thương tiếc. Triều đình phái các quan lại cao cấp vào điếu tế.

          Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872)

          Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi sanh năm Đinh Mão (1807), nhằm năm Gia Long thứ sáu tại làng Long Tuyền (Bình Thủy), Cần Thơ. Thân sanh là Bùi Hữu Vi làm nghề hạ bạc.

          Thuở nhỏ, Nghĩa đeo đuổi theo Hán văn; nhờ thông minh và hiếu học, Nghĩa học rất mau giỏi.

          Khi học lực của Nghĩa đã khá, thì cha cho lên Biên Hòa, ở đậu nơi nhà hộ trưởng Nguyễn Văn Lý, tại làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng mà thọ giáo với ông đồ Hoành.

          Tháng hai năm Ất Vị (1835), thi hương ở Gia Định, Nghĩa đậu Giải Nguyên, tiếng tăm lừng lẫy. Hộ trưởng Lý rất mừng, dọn tiệc khoản đãi và ngỏ ý cho người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Tồn về nâng khăn sửa trắp.

          Nghĩa xin thưa cùng cha mẹ rồi sẽ tính việc hôn nhân.

          Thi đỗ rồi không bao lâu, Nghĩa được bổ làm Tri huyện tại phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Nghĩa kết duyên với Nguyễn Thị Tồn, lịnh ái hộ trưởng Lý.

          Ở Biên Hòa được ít lâu, Nghĩa lại được triều đình thuyên chuyển đến trấn nhậm tại phủ Trà Vang (Trà Vinh), tỉnh Vĩnh Long, tùng sự dưới quyền Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện.

          Nghĩa tánh tình cang trực, chẳng bợ đỡ ai, mà cũng chẳng tư vị ai, từng đánh đòn cậu công tử ỷ mình là em vợ Bố chánh Truyện mà xấc xược với Nghĩa. Và cũng vì tính ngay thẳng thanh liêm mà Nghĩa che chở công lý bị cường quyền đè nén, rồi vì đó Nghĩa mới bị quan trên hãm hại.

          Đền thờ và mộ Bùi Hữu Nghĩa sau lần trùng tu năm 1987

          Khi vua Gia Long còn là chúa Nguyễn Ánh, bị Tây Sơn đánh đuổi, nhờ dân Cao Miên ở Trà Vang quyên giúp lương hướng rất nhiều và phần đông cũng có tùng quân đánh giặc nữa. Đến khi tức vị (1802), vua Gia Long nhớ ơn xưa, xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn thủy lợi nơi rạch Láng Thé cho dân Thổ hưởng nhờ chung.

          Dè đâu có tên khách trú vận động lo lót với Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện là quan đầu tỉnh Vĩnh Long, mua được thủy lợi Láng Thé.

          Mệ sóc và các hương mục Thổ kéo nhau đến kiện với Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa. Nghĩa xử rằng: “Việc tha thủy lợi là ân huệ của vua Thế Tổ; nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao”.

          Dân Cao Miên tức thì mừng rỡ, phá đập bửa rọ của tên khách trú kia. Hai đàng gây cuộc huyết chiến, rốt cuộc có bảy tám tên khách trú bị chém chết.

          Dân Thổ bị bắt, Tổng đốc và Bố chánh bắt luôn Thủ khoa Nghĩa gởi về Gia Định, rồi đệ sớ về Triều, cáo quan huyện về tội tự tiện giết người.

          Trước nỗi ức tình ấy, bà Thủ khoa một mặt ra tận Huế thân oan, một mặt nhờ quản Kiệm, em bạn dì của Thủ khoa, lo việc ăn cắp tờ chiếu của Triều đình Huế gửi vô dạy xử tội Thủ khoa, mà giấu đi, cho đủ ngày giờ đi tới Huế minh oan.

          NƠI TÒA TAM PHÁP

          Bà thủ khoa xuống Mỹ Tho kiếm ghe bầu chịu tiền quá giang ra Huế.

          May mắn thay cho Thủ khoa và bà vợ, vì lúc ấy Phan Thanh Giản làm Lại bộ Thượng thơ tại trào.

          Đến nơi, bà Thủ khoa tìm dinh quan Thượng Thơ tỏ nỗi hàm oan của chồng, tường thuật sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long và tỏ ý mình muốn đến Tam Pháp Ty kêu oan. Phan Thanh Giản bèn chỉ biểu đường đi nước bước và làm giúp bà một tờ trạng tỏ nỗi khúc oan.

          Bà học thuộc lòng tờ trạng, rồi đêm kia, lối canh năm, bà đến đền vua, nổi ba hồi trống. Vua Tự Đức lâm triều, thâu đơn của bà rồi giao cho Bộ Hình thẩm xét. Bộ Hình lấy cung chiêu thẩm định rồi tuyên án Thủ khoa như vầy: “Tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tử hình, song phải quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội”.

          Từ Dũ Thái Hậu đòi bà Thủ khoa vô cung, tỏ lời khen và ban cho một tấm biển đề bốn chữ vàng: “Liệt phụ khả gia”.

          Sau bà Thủ khoa về ninh gia tại Biên Hòa rồi bị bịnh tạ thế nơi đó.

          Khi bà tạ thế thì Nghĩa mắc trấn nhậm ở Châu Đốc, nên phải quàn bà lại rất lâu, đợi Nghĩa về đọc một bài văn tế lâm ly thống thiết rồi mới an táng tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa.

          ĐOẠN ĐỜI CUỐI CỦA THỦ KHOA NGHĨA

          Khỏi tội chết chém, Nghĩa bị đổi đi làm chức thủ ngữ ở Vĩnh Thông (Châu Đốc) đánh dẹp dân Cao Miên làm loạn. Giặc yên đặng ít lâu, lại nổi lên làm phản nữa. Chuyến nầy, Nghĩa với quan quân bị bắt rất nhiều, song Nghĩa được tha trở về Tịnh Biên.

          Thấy nhiều kẻ xu quyền phụ thế, quan lại quá ư tham tàn, Nghĩa xin hồi hưu trở về quê quán tại Bình Thủy (Cần Thơ), mở trường dạy học, vui thú thanh nhàn.

          Nguyễn Thị Tồn

          Từ Vĩnh Long ra tận đế đô kêu oan cho chồng, được đức Từ Dũ Thái Hậu khen ngợi

          Nhắc đến cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa mà không nhắc đến người bạn trăm năm của cụ với lòng kính mộ, thì là một sự khiếm khuyết. Bà Thủ khoa Nghĩa thật đáng phục là người tận tụy với chồng, ít có ai hơn. Thảo nào về sau cụ Thủ khoa Nghĩa chẳng thống thiết tỏ lòng thương tiếc Bà trong mấy áng văn bất hủ.

          Bà Thủ khoa Nghĩa nhũ danh là Nguyễn Thị Tồn, con ông Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý ở làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa. Thân phụ Bà đã nuôi cụ Bùi Hữu Nghĩa ăn học đến thành tài, và gả Bà, khi cụ Thủ khoa xuất chính làm Tri huyện Phước Long (Biên Hòa).

          Ít lâu, chồng đổi xuống tỉnh Vĩnh Long trấn nhậm phủ Trà Vang (Trà Vinh), Bà theo chồng, chăm lo cho chồng chu đáo.

          Bấy giờ, có người em vợ Bố chánh Truyện rất xấc xược du đãng. Cụ Thủ khoa bắt, phạt trượng. Do đó, sinh sự thù hiềm.

          Sau, nhân có việc dân Miên bất bình thượng cấp làm điều trái phép, cụ Thủ khoa lại can thiệp. Nguyên từ trước, chúa Nguyễn Ánh bôn ba tẩu quốc, từng nhờ đám dân Miên ở Trà Vinh giúp lương thực và tòng quân trợ lực. Đến khi lên ngôi, nhớ ơn ấy, nhà vua xuống chiếu miễn thuế thủy lợi cho dân Miên. Ít lâu, có nhóm người Huê kiều lo lót với Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện, mua thủy lợi ấy.

          Ức lòng, các hương mục người Miên kéo nhau đến dinh môn cụ Thủ khoa để kiện. Cụ xử: “Việc xá thuế thủy lợi là ơn huệ của Đức Cao hoàng ban ân bố đức cho dân Miên, nay ai nhỏ hơn Đức Cao hoàng mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao”.

          Dân Miên nghe xử, bèn phá đập của nhóm Huê kiều. Đôi bên gây hấn, chém nhau, chết mất 8 người Huê kiều.

          Đám dân Miên bị bắt mà cụ Thủ khoa cũng bị Tổng đốc và Bố chánh khép vào tội chủ mưu, áp giải lên Gia Định, rồi đệ sớ về Triều, cáo tội cụ lạm phép.

          Bà Thủ khoa lặn lội ra tận đế đô (Huế), trước vào yết kiến cụ Thượng thư Bộ Lại Phan Thanh Giản tại tư dinh, sau thẳng đến Tam Pháp Ty gióng ba hồi trống kêu oan. Tờ trạng của Bà được đệ lên nhà vua. Vua Tự Đức giao cho Tam Pháp Ty xét xử.

          Tam Pháp Ty gồm có nhân viên cao cấp của Bộ Hình, Đô sát viện và Đại lý, lập tức nhóm họp. Chính vua Tự Đức chung thẩm bản án như sau: “Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, song phải sung quân, lập công chuộc tội”.

          Riêng Bà, được đức Từ Dũ Thái Hậu (thân mẫu vua Tự Đức), phong tặng tấm biển đề 4 chữ “Liệt phụ khả phong” và tặng cho cái võng, trên có 4 cái gang.

          Cứu được chồng khỏi chết, nhưng vẫn phải chịu đau lòng cách biệt chồng lúc sung quân, Bà về thẳng quê nhà ở Biên Hòa. Chẳng mấy tháng Bà vương bệnh qua đời!

          Mộ Bà tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa. Hiện nay nơi làng Long Tuyền (Bình Thủy), có thờ linh vị hai Ông Bà trong ngôi chùa 18 do môn đệ của cụ Thủ khoa là Nguyễn Giác Nguyên xây dựng.

          Cụ Thủ khoa sau đó tỏ cảm tình tha thiết với Bà: “Đất chẳng phải chồng, sao nỡ thịt xương hòa với đất; Trời không chết vợ, đặng coi gan ruột thử cho Trời”.

          Chưa tỏ hết sự đau lòng thương cảm người vợ đã trọn tình, trọn nghĩa với mình, Cụ Thủ khoa viết thêm đôi liễn thờ: “Ngã chi bần khanh độc năng trợ, ngã chi oan khanh độc năng minh, triều quận công xưng khanh thị phụ; Khanh chi bệnh ngã bất đắc dưỡng, khanh chi tử ngã bất đắc táng, giang san ưng tiếu ngã phi phu”.

          Phan Văn Trị (Cử Trị) 1830-1908

          Người đả kích Tôn Thọ Tường hăng nhất, nêu cao tiết tháo thanh bần, bất khuất.

          Trong hàng khoa bảng xuất thân, dùng ngọn bút sâu sắc đả kích những ai phản bội quyền lợi nhân dân, Tổ quốc, không ai bằng Cử Trị. Không cầm súng thì cầm bút, trọn đời ông, văn chương chỉ là phương tiện để ông gián tiếp đóng góp tâm huyết với quốc gia trong khi bao chiến sĩ quê hương đã đem xương máu đền đáp ơn tấc đất ngọn rau nước tổ.

          Ông sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Hanh Thông, tỉnh Gia Định. Thông minh đĩnh ngộ, ông nổi tiếng anh tài. Năm 20 tuổi (Kỷ Dậu 1849) ông đỗ cử nhân, nên tục thường gọi là Cử Trị.

          Đường khoa danh đã hiển đạt, nhưng ông không muốn dấn bước chốn quan trường, sống ung dung ngoài vòng cương tỏa, sinh nhai với nghề y và dạy học. Lúc nào ông cũng biểu lộ phong thái của bậc người khoáng đạt, gìn tiết tháo.

          Năm 1862, quân đội Pháp dấy động, chiếm Gia Định, Ông xuống Vĩnh Long lánh thân. Cùng với các sĩ phu tiết nghĩa như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt v.v… ông đứng vào hàng ngũ bất hợp tác với Pháp, cực lực đả kích những ai đã xu thời cầu mị.

          Rồi nhìn thấy đất nước ngày một bị cai trị dưới ách ngoại bang, mà phần đông sĩ phu đã trở mặt theo về hợp tác với tân trào, đại diện điển hình là Tôn Thọ Tường, ông nổi lòng công phẫn, mài bút bén như gươm, bút chiến hào hùng, khiến người người khâm phục. Cho đến nỗi Tôn Thọ Tường cũng tự cảm thấy hổ thẹn, thu mình lại trong những bài than thân như “Tôn phu nhân quy Hán”, “Từ Thứ quy Tào” v.v… vẫn chẳng khỏi bị ông đanh thép chê trách qua những bài thơ họa lại, ý vị thâm trầm sâu sắc.

          Khu đền thờ và mộ Phan Văn Trị

          Ý chí rắn rỏi, ông cương quyết tranh đấu đến cùng. Dưới mắt ông, phe phái Tôn Thọ Tường như không có, và ông cho đó là cái nhục của dân tộc. Từ lúc ông ngâm câu “Tan nhà cảm nỗi câu ly hận, cắt đất thương thay cuộc giảng hòa”, ông sống cuộc đời thanh bần ẩn dật. Nghe đâu có bậc sĩ phu cao khí tiết, lập tức ông tìm đến giao du, cùng nhau hoạch định phương chước cứu quốc. Nghe đâu có hào kiệt khởi nghĩa, ông nhiệt thành khích lệ.

          Khi ông ở ẩn nơi Phong Điền (Phong Dinh), ông thường rong thuyền câu, thinh thinh sông rộng trời cao dải tấm lòng u sầu, uất hận, đau nỗi quốc phá gia vong:

          “Xem hết nhơn tình rồi nghĩ nghị,

          Thú vui chỉ có một thuyền câu.”

          Hoặc:

          “Người hỡi Nghiêm Lăng có biết chăng,

          Lòng ta ý gã đố ai bằng”.

          Thấy Đinh Sâm vùng lên kháng Pháp, giết vị Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh, được dân chúng hưởng ứng, ông ủng hộ tinh thần ngay. Đến khi Đinh Sâm dần dần hao mòn lực lượng mà thất cơ bại sự, ông than thở khôn cùng.

          Tuổi càng già lòng ông càng đau đớn trước cảnh non nước bị đặt vào guồng cai trị của ngoại bang. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng ở tương lai đất nước, tinh thần bất khuất của dân tộc, mong mỏi trời Nam đất Việt sẽ rực rỡ màu xuân. Tâm sự ông hoàn toàn ký thác trong 10 bài cảm hoài, giãi tỏ lòng cùng các thế hệ sau, muôn thu đồng vọng mãi.

          Đinh Sâm

          Lãnh tụ kháng chiến vùng Ba Láng – Trà Niềng

          Một khi đất nước rên mình quằn quại dưới gót xâm lăng, nghĩa vụ công dân bắt buộc những người con đất nước đều phải đứng lên bảo vệ quê hương, cứu nguy dân tộc. Tiếng súng liên quân Pháp – Ý nổ rền trên mảnh đất miền Nam, nhân dân cũng vùng lên chiến đấu hào hùng, nào có cam tâm khuất phục chi đâu. Dù khi Hòa ước 1862 đã ký kết, nhượng giao 3 tỉnh miền Đông, vẫn còn biết bao cuộc khởi nghĩa của sĩ phu trong Nam. Rồi đến 3 tỉnh miền Tây cũng bị Pháp thôn tính luôn, hào kiệt miền Tây cũng quật khởi phản kháng oanh liệt, khiến kẻ xâm lăng lắm phen phải kinh hồn.

          Các cuộc quật khởi của sĩ phu miền Tây, đầu tiên phải kể ba người con của cụ Phan Thanh Giản là Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Ngữ huy động nghĩa binh kháng chiến ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh (sau bại trận ở Nam, lại chạy ra Bắc hợp lực với Nguyễn Tri Phương kháng cự binh Pháp tại Hà Nội năm 1873). Lòng trung dũng của ba người con cụ Phan, khích động và mở màn các trận chiến đấu của nhân dân miền Tây, đã khiến cụ Nguyễn Đình Chiểu vừa khâm phục vừa cảm khái:

          “Trống nghĩa Bảo an nghe sấm động,

          Cờ thù công tử dậy can qua”

          Rồi thì noi gương ấy, dân chúng tự động kháng chiến khắp miền Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh.

          Riêng Cần Thơ, bấy giờ mang danh là huyện Phong Phú khoảng năm 1868, có cuộc khởi nghĩa hào hùng của Đinh Sâm rất đáng kể.

          Quân đội Pháp từ khi chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây, liền thiết lập cơ cấu hành chánh trên các vùng chiếm đóng. Buổi đầu cai trị, họ mua chuộc một số đông tay sai, dùng chính sách đàn áp làm căn bản để siết chặt dân chúng vào vòng phục tùng. Đám người đã cam tâm phục vụ đắc lực cho họ, không hề từ chối một cuộc tẩy trừ thẳng tay nào đối với sức mạnh vùng lên của nhân dân. Để lấy lòng quan thầy, đám tay sai thân tín ấy tha hồ tác oai tác phúc đồng bào, cốt sao dẹp yên được phiến loạn để tâng công là hơn hết.

          Vị Cai Tổng Định Bảo thời ấy là Nguyễn Văn Vĩnh, nghiễm nhiên là một hung thần đối với dân chúng trong vùng 19. Ai muốn sống còn thì hãy cứ răm rắp cúi đầu tuân theo mạng lịnh của ông. Ai tỏ vẻ trái ý một chút gì, lập tức mang tai họa ngay. Dân chúng ngậm miệng căm hờn!

          Trong tình thế đó, một thanh niên hữu chí đứng lên thay mặt dân chúng trong vùng nói riêng, toàn dân nói chung, gióng lên tiếng trống khởi nghĩa, nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc. Đinh Sâm! Đinh Sâm! Tên tuổi vị thanh niên ấy được nhân dân truyền miệng nhau ca tụng hoan hô.

          Địa điểm phát xuất của cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Láng 21 Trà Niềng 22 (địa danh nầy khi xưa gọi là Láng Hầm). Vì Đinh Sâm đáp ứng đúng với nguyện vọng của dân chúng, nên đã được ủng hộ nhiệt liệt. Thanh thế lẫy lừng ngay trong buổi đầu xướng nghĩa.

          Rạch Trà Niềng ở Phong Điền

          Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh thấy nguy, vừa sợ vừa lo, chưa biết phải liệu lẽ nào, thì tiếp được những lời cảnh cáo của Đinh Sâm, khuyên hãy bỏ quan mà lui đi, sẽ được tha thứ cho tội lỗi trước, bằng kháng cự thì sẽ không toàn tánh mạng. Cai tổng tuy sợ nhưng vẫn tham quyền cố vị, cậy có súng nhiều và có lời hứa thưởng của quan thầy, nên lại thẳng tay đàn áp. Nhưng phen này Cai tổng Vĩnh đã gặp phải sức đề kháng quyết liệt.

          Dưới sự chỉ huy của Đinh Sâm, một toán nghĩa quân bất thình lình xuất hiện bao vây tư thất cai tổng Vĩnh, tràn vào bắt giết đi, nổi lửa đốt nhà.

          Tin cấp báo đến quan trên. Quân đội Pháp kéo vào xung kích với nghĩa quân. Đinh Sâm đã rút lui trước, chờ dịp sẽ đương đầu. Quân Pháp và đám tay sai của chúng ra oai “làm cỏ” một vùng đã dám chống chọi với chúng. Khói lửa mịt trời Ba Láng, Trà Niềng.

          Tuy nhiên, dân chúng vẫn kính mộ Đinh Sâm. Phần đông đều theo Đinh Sâm kháng chiến, chạm trán với quân Pháp nhiều trận dữ dội. Quân Pháp càng đàn áp mạnh hơn. Cuối cùng sức yếu thế cô, Đinh Sâm và đám nghĩa quân trung kiên đền xong nợ nước trong một trận tử chiến oanh liệt.

          Nguyễn Thần Hiến (Hội đồng Hiến) 1857-1914

          Hy sinh thân thế vì Cách mạng

          Tỉnh Cần Thơ xưa đã từng có vị cai tổng từ chức, ở ẩn vui thú văn chương cho lòng đỡ xốn xang trong cảnh bị trị, thì cũng có một vị Hội đồng cao khí tiết hơn thế nữa. Vị Cai tổng Lê Quang Chiểu, chúng tôi đã ghi rõ vài nét tiểu sử. Nếu các thế hệ sau vẫn thấy cảm mến được tâm hồn Cai tổng Chiểu, hẳn sẽ càng tăng lòng kính mến bội phần đối với vị Hội đồng Nguyễn Thần Hiến.

          Thật ra, cụ Hội đồng Hiến vốn người tỉnh Hà Tiên, nhưng cụ đã từng dời sang ở Cần Thơ, nay hãy còn miêu duệ của cụ nơi đây (Bác sĩ Nguyễn Như Giu chính là cháu nội của cụ), nên chúng tôi thành kính ghi chép tiểu sử cụ vào tỉnh Cần Thơ.

          Hội đồng Hiến tên thật là Nguyễn Như Khuê, đến lớn mới đổi là Nguyễn Thần Hiến tự Phát Đình, hiệu Chương Chu. Người làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên. Con cụ Kinh lịch Nguyễn Như Ngươn và Bà thứ thất Huỳnh Thị Chu tự Thoại Liên.

          Ông nổi tiếng thông minh, cường ký, được xưng tặng là “Tiểu Táu tài” hoặc “Trương Tòng tái thế”. Năm 17 tuổi Ông cưới vợ, được một năm thì vợ mất sau khi sanh mới 3 ngày để lại một gái là Nguyễn Thị Ngoạn. Vì sự đau đớn này, ông bèn chuyên tâm học thuốc, cho nên Ông cũng tinh thông y lý.

          Chịu cảnh gà trống nuôi con trong ít lâu, ông tục huyền với Bà Huỳnh Thị Đắt, sinh một gái là Nguyễn Thị Mân và một trai là Nguyễn Như Bích. Về sau, khi cha mẹ đều đã qua đời, Ông dời nhà về ở Cần Thơ.

          Nhà giàu có, tính khẳng khái, hào hiệp, lại có lòng yêu nước, Ông ngầm giao du với các chí sĩ Trung, Bắc.

          Chân dung Nguyễn Thần Hiến

          Xuất chính làm đến Hội đồng địa hạt Hà Tiên, nhưng Ông không tham quyền quí, chí dốc hy sinh cứu dân cứu nước. Vì càng giẫm chân vào chốn hoạn trường, tiếp xúc với hàng quan lại thực dân chừng nào, Ông càng nhận rõ chân tướng của họ mà ngao ngán. Ý chí hơn người, tâm huyết có thừa, đời nào Ông chịu được sự khom lưng vào luồn ra cúi. Đau chung cái đau của sĩ phu căm hờn tủi nhục vì nước mất, dân tộc bị vướng ách làm thân trâu cày ngựa cỡi, lòng Ông lúc nào cũng hướng nhìn Tổ quốc, hướng về đồng bào mà nguyện quyết hy sinh.

          Từ năm 1902 là năm thân mẫu Ông mất, Ông dời nhà về Cần Thơ, rồi viện cớ bận cư tang đái hiếu, mà từ chức Hội đồng. Thế là Ông đã dứt khoát tỏ tâm chí, không khứng phục vụ chính quyền của đám thực dân dưới lốt bảo hộ, và cũng từ đây, Ông nguyện dấn thân trên đường cách mạng, hy sinh thân thế, hầu tranh đấu đòi lại chủ quyền đất nước, hun đúc tinh thần đồng bào trong cuộc duy tân tự cường.

          Đến tháng giêng năm Giáp Thân 1904, Ông hội kiến lần thứ nhất với cụ Phan Bội Châu tại Sa Đéc. Cuộc mật đàm càng khiến Ông thêm nồng tấm tình yêu non sông đất tổ, thương xót giống nòi, hăng hái hơn lên trên đường nghĩa vụ.

          Tán thành phong trào Đông Du, Ông sáng lập trong bí mật một học hội, mang tên là “Khuyến du học hội”, đem một phần lớn gia tài giúp vào quỹ du học sinh, để đào tạo cán bộ cho nước nhà mai sau. Để làm gương, Ông cho ngay người con trai ông là Nguyễn Như Bích sang Nhật du học trong đợt đầu. Do đó, sĩ phu miền Nam cảm khích, cùng nhau ngầm hưởng ứng khá nhiều.

          Cố nhiên Ông không khỏi bị nhà đương cuộc Pháp theo dõi, dòm chừng động tĩnh của ông. Trước kia, nào phải ông tham gì danh lợi mà ra làm quan. Cũng bởi nhà cầm quyền có ý nghi ngờ ông từ lâu, toan buộc ông vào vòng để dễ kiểm soát và để mua chuộc ông dần dần, nên mới cố ý, cố tình cử ông làm Hội đồng. Ông cũng tự biết mình đã bị nghi ngờ, nên lúc ấy mới đành nhận chịu cho qua. Kịp khi ông từ chức, ông càng hiểu hơn ai rằng, từ nay, màng lưới trinh sát của nhà cầm quyền Pháp sẽ chực sẵn để chụp lấy Ông, khi chúng đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng.

          Biết như thế, nhứt cử nhứt động ông đều dè dặt, khôn khéo tránh né mỗi khi bị hỏi săn hỏi đón. Một mặt ông sắp đặt cuộc xuất dương, vì liệu trước phải cao bay xa chạy, mới mong làm được việc.

          Đã quyết ý, ông chuẩn bị lên đường. Khoảng năm 1908, ông lén xuất dương, sang Trung Hoa, Nhật Bản rồi sang Thái Lan (Xiêm). Thời kỳ lưu trú ở Thái Lan, ông cùng với cụ Phan Bội Châu thuyết phục Thiệu Quảng Thiền Sư tục gọi Thầy Rau, một đồng bào người Bến Tre tu hành ở Thái Lan, khiến Thiệu Quảng Thiền Sư cảm khích, trở về nước quyên tiền giúp du học sinh đang lâm cảnh chật vật ở Vọng Các. Xong việc này, ông lại sang Trung Hoa.

          Nặng lòng vì Tổ quốc, ông hy sinh chẳng quản ngại gì, gót chân bôn ba hầu khắp, nhiệt thành làm tất cả mọi việc mà đồng chí tin cẩn giao cho. Lúc nào ông cũng hăng say với nhiệm vụ.

          Trải 5 năm dấn thân ở các nước ngoài để vận động tranh thủ độc lập cho nước nhà, ông nêu cao tấm gương cần lao, nhẫn nại, nhiệt thành lo lắng cho tiền đồ Tổ quốc, đồng bào, khiến hầu hết anh em đồng chí đều cảm mến ca ngợi tinh thần hy sinh phục vụ của ông.

          Đến cuối năm 1913, khi ông cùng Huỳnh Hưng vận chuyển một số tạc đạn đã mua được ở Hương Cảng, ông bị chính quyền địa phương bắt giải giao cho Pháp, rồi bị đưa về nước, đem giam ở khám Hà Nội.

          Lê Quang Chiểu (Cai tổng Chiểu)

          Một người không màng danh lợi, can đảm từ quan để cùng chia đau khổ với đồng bào trong cảnh bị trị

          Nơi tiểu sử Đinh Sâm, chúng tôi đã nói đến một hạng Cai tổng hét ra lửa trong thời người Pháp mới thiết lập guồng máy cai trị ở xứ này. Dựa hơi quan thầy, họ đã làm mưa làm gió, khiến dân chúng điêu đứng căm hờn, dần dần phải ngã theo với những ai biết đứng lên nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc. Đại diện hạng người tay sai ra sức đàn áp đồng bào ấy, chúng ta đã biết qua về vụ Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh với Đinh Sâm. Nhưng, lại còn một hạng Cai tổng khác đáng mến vô cùng, không hạch sách để bóc lột dân mà trái lại còn thương dân và hằng che chở cho, rồi đến khi nhìn thấy rõ chân tướng của thực dân, thì chẳng ngần ngại gì mà từ chức ngay. Ấy là vị cai tổng Lê Quang Chiểu, tục gọi Cai tổng Chiểu, một viên quan đáng mến về mặt đức độ, mà cũng đáng ca tụng về mặt văn học.

          Lê Quang Chiểu người xã Phong Điền (Cần Thơ), quận Châu Thành, ông sinh năm 1853. Khi ông vừa đến tuổi thành niên thì mắt đã từng chứng kiến cảnh khói lửa chiến tranh mịt trời mảnh đất quê hương, lòng ông hẳn cũng đã từng chua xót, lòng tự hỏi mình đã làm được gì cho đất nước lúc nguy nan?

          Sáu tỉnh Nam kỳ thuộc Pháp! Huyện Phong Phú (Cần Thơ) bắt đầu thành lập tỉnh từ năm 1868, và cũng chính trong năm này cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm xách động dân chúng Ba Láng, Trà Niềng cùng đứng lên, hẳn cũng từng khiến ông băn khoăn nghĩ ngợi nhiều.

          Tuy nhiên, hơn Tôn Thọ Tường một bậc, Ông vẫn hằng đứng về phe sĩ phu như Đồ Chiểu, Cử Trị, cụ Tuần phủ về hưu Huỳnh Mẫn Đạt. Ông công khai tỏ ý ấy trong 10 bài họa thơ Cử Trị về thời cuộc nước nhà, lời lẽ thiết tha mến nước thương nhà. Ngoài ra, ông cũng thường họp bạn văn chương, xướng họa văn thơ tao nhã.

          Rồi càng đắm mình trong dòng suy tư, dần dần chán đường công danh, nhất là công danh không tốt đẹp gì dưới danh nghĩa phục vụ ngoại bang, ông càng quả quyết phải tách mình ra khỏi chốn hoạn trường, để giữ thân tâm được trong sạch, sao cho không hổ thẹn với sĩ phu trong cơn quốc phá gia vong

          Đã quyết định, ông thi hành ngay ý định, nạp đơn xin giải chức. Trong 10 bài “Tự thuận giải chức”, ông có mấy câu thấm thía:

          Dây ben máng cánh thêm ràng buộc,

          Mộc ký đeo lưng khó khỏe hòa.

          Thế là ông cởi phăng dây ben tam sắc (biểu tượng chức vụ Cai tổng) và giao trả mộc ký (con dấu) lại cho chánh phủ Bảo hộ, lui về vườn cũ cỏ hoa, sống cuộc đời ẩn dật. Phong thái của ông như thế, khiến được các sĩ phu cảm mến phần nào.

          Khoảng năm 1903, ông cho xuất bản tập “Quốc âm thi hiệp tuyển” gồm có thi ca của ông và của các sĩ phu miền Nam. Bộ sách nầy kể cũng xứng đáng cho văn học giới hoan nghênh, vì hầu hết là những áng thơ hay, có ý vị.

          Cho nên, người đời sở dĩ còn nhắc đến ông mãi, vì thái độ ấy dù sao cũng đẹp hơn Tôn Thọ Tường nhiều.

          Dân Chi Phụ Mẫu Phan Văn Chi (Nguyên Đốc phủ sứ)

          Trong thời đại nào, bất cứ ở địa phương nào, trong đám “cha mẹ dân”, nếu lắm người sâu dân mọt nước, trái lại cũng có vị đạo đức thanh liêm.

          Bởi thế cho nên, Đức Khổng Tử mới than: “Hà chánh mãnh ư hổ”: chánh sách bạo ngược dữ hơn cọp!

          Năm 1945, khi Việt Nam thay đổi chánh quyền, tại miền Nam, ngót mười viên quan cao cấp hành chánh bị “thanh toán”, một bài học hay cho những ai dựa oai thế Thực dân bóc lột đồng bào.

          Nói về nhân vật tỉnh Cần Thơ xưa và nay, chúng tôi thấy có phận sự đề cao một công bộc gương mẫu, đảm nhiệm chức vụ chủ quận Trà Ôn và sau làm Phó tỉnh trưởng Châu Thành. Suốt mười năm làm việc, ông được các quan cai trị người Pháp kính nể yêu vì, và nhân dân mến phục.

          Ấy là cố Đốc phử sứ Phan Văn Chỉ.

          Không bao giờ thiên hạ đồn ông thọ lãnh trái cam nải chuối của ai, đừng nói chi tiền bạc, và trong lúc thi hành chức vụ cũng như đối xử với đồng bào, ông thật không hổ với vị tiền bối họ Phan, Kinh lược Nam kỳ, cụ Phan Thanh Giản và cũng xứng với bốn chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán” mà vua Tự Đức đã ban cho cụ Phan.

          Lúc bấy giờ, vào năm 1934-35, quận Trà Ôn bị nạn cường hào quấy nhiễu, mà lão ác bá “nổi danh một thời” còn coi ông tỉnh trưởng không có kí nào thay, đừng nói chi tới ông phó quận nhỏ nhen! Mấy ông nầy khi có điều gì không vừa lòng lão, lão lên Sài Gòn một chuyến là ông quận rương tráp đổi đi lẹ lẹ: lão chơi thân với Toàn quyền Pasquier kia mà!

          Thế mà lão ác bá hách dịch, mưu mô lại không làm gì được ông chủ quận họ Phan? Bởi sao? Là vì ông Nouailhetas, tỉnh trưởng Cần Thơ là người thân tín của Pasquier, mà ông Phan thì được Nouailhetas hiểu biết quá nhiều.

          Thế nên, dầu ở trong hang hùm, ngồi kề nọc rắn, song nhờ chánh sách khôn ngoan, chống không chống, thân không thân, chẳng ai mua chuộc được. Thanh liêm, công bình, nhân đạo, không có chỗ nào sơ hở nên ông Phan vẫn an như bàn thạch.

          Noi gương thanh liêm của ông, tổng làng trong lúc thừa hành công vụ cũng ngay thẳng đàng hoàng, người dân sống yên ổn sung sướng.

          Thời buổi ấy, quận Trà Ôn đáng kể là hạng nhứt trong năm quận Cần Thơ: Cái Răng (Châu Thành), Ô Môn, Phụng Hiệp nằm ở hữu ngạn sông Hậu Giang và Trà Ôn, Cầu Kè ở tả ngạn.

          Năm 1938, ông Phan Văn Chỉ đắc lịnh đổi qua trấn nhậm quận Châu Thành, làng xã, nhân dân trình lên chủ tỉnh nhiều lá đơn, thỉnh cầu lưu ông ở lại quận Trà Ôn. Không được toại nguyện, họ theo đưa ông đông đảo, long trọng, trên đường dài suốt hai mươi cây số ngàn, từ quận Trà Ôn đến Châu Thành.

          Năm 1942, một bọn người quá khích chiếm công sở Phú Hữu, đốt sổ bộ, phá phách tủ bàn. Làng báo quận, vì nhiệm vụ ông Phan đi với một toán lính đáp thuyền máy qua Phú Hữu, bắt vài người, chở về Cần Thơ.

          Mật thám Pháp hỏi ông: “Sao không cho lính “bắn bỏ” mấy người ấy, đạp xuống sông”.

          Ông nghiêm nghị đáp: “Họ có tội hay không thì để cho pháp luật xét xử! Bắn giết người, đó không phải phận sự của quan hành chánh”.

          Năm 1946, lúc Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng Nam kỳ tự trị, ngài dùng ông Phan Văn Chỉ làm Đổng lý văn phòng.

          Bác sĩ Thinh từ trần, ông Đổng lý từ chức. Sau đó, ông Trần Văn Hữu làm Tổng trấn kế làm Thủ tướng, nhiều phen mời ông Phan Văn Chỉ giữ một bộ trong nội các, nhưng ông một mực khước từ.

          TẠM KẾT

          Để tạm kết qua phần Danh nhân, chúng tôi thấy trong quá khứ còn nhiều nhân vật quan trọng, đã dày công tô điểm lịch sử tỉnh Cần Thơ. Những nhân vật nầy chưa được ghi chép đầy đủ vì sự khiếm khuyết của ngành sử học trong thời gian qua. Chúng tôi tin rằng với sự nghiên cứu của những nhà chuyên môn và sự tham gia của những người yêu sử học ở Cần Thơ, lần hồi đưa ra ánh sáng nhiều tấm gương tranh đấu, kiến quốc, từ lâu chưa được nêu lên.

          Suốt thời gian trên đường tẩu quốc của chúa Nguyễn Ánh, khắp miền Nam đã có biết bao anh hùng chí sĩ địa phương ra phò tá, lập được nhiều chiến tích đáng nêu gương. Qua trào người Pháp đến xâm chiếm ba tỉnh miền Tây, Cần Thơ là nơi ung đúc nhiều chánh khách, những nhà cách mạng chân thành nặng lòng vì tổ quốc, đứng trên lập trường dân tộc, nổi lên phản kháng chế độ tham tàn của thực dân Pháp. Bọn cai trị liền đàn áp dữ dội, lớp bị tù đày, chết chóc, lớp khác lưu vong ra hải ngoại v.v…

          Nhưng thiết tưởng lịch sử là vấn đề phê phán lâu dài, chờ yếu tố thời gian. Chúng tôi chưa dám vội nêu danh các vị ấy, hoặc viết tiểu sử, e quá sức và có lẽ chính các vị ấy cũng không muốn.

          Đánh giá

          BÀI LIÊN QUAN

          Tìm hiểu về đất Cần Thơ xưa

          Cùng tìm hiểu về đất Cần Thơ xưa qua bài khảo cứu của tác giả Huỳnh Minh do nhóm dịch thuật Lightway tổng hợp và giới thiệu.

          Tổng hợp từ sách Cần Thơ xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh. Sách được số hóa và đăng tải trên tve-4u.org. Các bạn có thể xem thông tin và tải sách tại đây.

          Là Thủ-đô kinh tế của miền Tây Nam-Việt, trục giao thông quan trọng, vú sữa nuôi sống quốc gia, Cần-thơ cũng là Thủ đô văn-hóa của miền Nam: ngày xưa từng làm trung tâm chiêu tập khách tao-đàn, một chi nhánh quan trọng của Mạc-gia Chiêu-anh-Các, quê hương của những văn hào lỗi lạc như cụ Bùi-hữu-Nghĩa và cụ Cử Phan-văn-Trị. Cần-thơ sau một thế kỷ âm thầm lặng lẽ, lại vươn mình lên khôi phục địa vị cũ của mình. Với phong-trào xúc-tiến sự thành lập khu Đại học ở miền Tây, ngôi sao của Cần-thơ sắp chói rạng trên nền trời văn học.

          Trôi dòng lịch-sử, cùng nước non trải qua bao cuộc thăng trầm, cơn quốc biến, Cần-thơ đã hy-sinh xương máu chống xâm-lăng. Từ những anh hùng Cần-vương chống Pháp như Đinh-Sâm, Nguyễn-Thần-Hiến, đến những du kích quân tầm vông vạt nhọn tạo chiến công oanh liệt ở bưng biền, Cần-thơ xưa và nay đã đóng góp rất nhiều tài nguyên và sinh lực vào cuộc đấu-tranh sống còn của dân-tộc.

          Âm thầm đóng góp, im lặng hy-sinh, Cần-thơ qua bao nhiêu biến chuyển đã biểu lộ rõ rệt « dân tộc tánh » của người Việt-Nam: ít nói, ham làm, thiết thực hy-sinh hơn là khoe-khoang khoác lác. Có lẽ vì thế mà miền Tây luôn luôn bị bỏ quên. Miền Tây sánh như người mẹ hiền quanh năm cầy cuốc lo nuôi sống cho đại gia-đình, chỉ được những đứa con nhớ đến khi nguy khốn, cần nhờ đến mẹ quay về tìm lẽ sống, nguồn an-ủi và sinh lực ở trong lòng đất mẹ.

          Phong-Dinh Khoảng Đầu Thế Kỷ Thứ XVIII Tức Huyện Trấn-Giang Trong Dư-Đồ Việt-Nam

          Trong khi Saigon nghiễm nhiên là Thủ-đô của miền Nam nước Việt, tỉnh Phong-dinh ở về phía Tây cũng nghiễm nhiên được mệnh danh là Tây-đô. Có quá đáng chăng? – Không, Nếu Saigon còn được xưng tặng thêm với những danh-từ “hoa-lệ”, “hòn ngọc Viễn-Đông” thiết tưởng Phong-dinh được coi như Thủ-đô của miền Tây kể cũng xứng-đáng phần nào, qua những bằng chứng mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày.

          Giữa lúc vua Lê, chúa Trịnh ghìm nhau ngoài đất Bắc, các đời chúa Nguyễn ráo-riết lo củng-cố địa-vị ở đàng trong tức vùng Trung-Phần trở vào Nam. Trên bước đường Nam tiến, đồng thời với việc thôn tính nước Chiêm-Thành bắt đầu từ năm Tân-hợi 1611 đời chúa Tiên là Nguyễn-Hoàng (sau truy dâng miếu hiệu là Thái-Tổ Gia-Dũ), trải 7 đời chúa kế tiếp mở bờ cõi lần xuống miền Đồng-nai phì nhiêu.

          Hơn một thế kỷ (1623-1739) các chúa Nguyễn ấy nối tiếp nhau thừa lúc Chân-Lạp có nội loạn mà lần hồi thâu phục đất đai. Lại khéo dùng các tướng của nhà Minh lưu vong không phục nhà Thanh như Mạc Cửu, Dương ngạn Địch, Huỳnh Tấn v.v… mượn tay họ khai-thác mà mở rộng dư-đồ nước Việt. Lịch-trình diễn-tiến như sau:

          – Năm 1658 mở rộng đất Mô-xoài (Bà-rịa, Biên-hòa)

          – Năm 1698 mở mang đất Sàicôn (Gia-định, Saigon)

          – Năm 1731 khai triển đất Định-tường (Mỹ-tho) và Long-hồ (Vĩnh-long).

          Riêng Mạc-Cửu sau khi bình định xong vùng Hà-tiên, năm Giáp-ngọ 1714, Mạc-Cửu dâng đất Hà-tiên và hòn Phú quốc cho chúa Nguyễn-phúc-Chu. Đến năm Ất-mão 1735 Mạc-Cửu mất, con là Mạc-thiên-Tứ nối nghiệp, mở mang thêm vùng đất Hậu-giang. Năm Kỷ-vị 1739, hoàn thành cuộc khai thác miền Tây, Mạc-thiên-Tứ lập thêm bốn huyện:

          1. Long-xuyên (miền Cà-mau)

          2. Kiên-giang (Rạch-giá)

          3. Trấn-giang (miền Cần-thơ)

          4. Trấn-di (miền Bắc Bạc-liêu)

          Thế là từ năm Kỷ-vị 1739, tỉnh Phong-dinh ngày nay vốn là phần đất nằm trong khu vực huyện Trấn-giang xưa, do công Mạc-thiên-Tứ khai hoang.

          Bấy giờ Trấn-giang (Cần-thơ) còn là một vùng rừng tràm xen lẫn rừng đước, thú dữ tràn đầy. Thế mà tiền nhân đã dầy công phá rừng mở đất, dần-dần biến thành nơi văn-vật, thật đáng cho các thế hệ sau hinh hương sùng bái tinh-thần dũng-cảm ấy, đề cao công-trình vô cùng gian nan khổ nhọc ấy.

          Mạc-thiên-Tứ hết lòng mở mang đất Hà-tiên thế nào, thì ông cũng tận tụy xây-dựng vùng Trấn-giang (Cần-thơ) như thế ấy. Ông đã sáng suốt nhận định tình-hình, xem Trấn-giang là một vị-trí chiến-lược làm hậu-thuẫn cho Hà-Tiên, nên Ông hằng lo lắng xếp đặt cho Trấn-giang ngày càng phát-triển tốt đẹp về mọi mặt. Cho nên, dưới sự chăm-sóc của Ông, Cần-thơ bấy giờ cũng đã có tiếng là đất văn-vật chẳng kém gì Hà-tiên bao nhiêu. Một bằng chứng là khi Hà-tiên lâm nguy vì binh Xiêm công phá (năm Nhâm-thìn 1772), Ông lui ngay về Trấn-giang mà nương tựa, chờ cơ quật-khởi. Và chính con Ông là Tham tướng Mạc-tử-Sanh cũng đã gởi xác nơi vùng Trấn-giang trong cơn binh cách, mà khoảng cầu Tham tướng ở Cần-thơ ngày nay là di tích còn lưu để (ở đoạn sau chúng tôi sẽ ghi chép rõ hơn về đoạn lịch-sử vị Tham tướng họ Mạc này).

            Những chỗ Mạc-thiên-Tích và con là Mạc-tử-Sanh đã đốc-xuất dân quân xây dựng tiền đồn để phòng thủ, cho đến đời vua Minh-Mạng hãy còn dùng đến, tới năm thứ 16 (Giáp-ngọ 1834) mới bỏ đi.

            Nơi nào có dấu vết họ Mạc mở mang, nơi ấy thường tấp-nập dân cư vui nghiệp. Nhà cửa phố xá kiến thiết khang trang. Cuộc thương-mại thạnh-vượng. Nền kinh-tế vững-chãi, trình-độ văn hóa của dân chúng được nâng cao.

            Nhóm “Chiêu-anh-các” do Mạc-thiên-Tứ thành-lập, ngoài 32 nhân-vật ưu-tú của Hà-tiên trong đó thành phần gồm có người Việt và người Tàu, ai nấy thảy đều là trang tài tuấn, hào hoa phong-nhã. Cho đến các vị đại-thần như Nguyễn-cư-Trinh cũng phải nghiêng mình thán-phục công-nghiệp của họ Mạc, thường lui tới đàm luận văn-chương thao-lược, xướng họa thi ca với các bậc tài-danh trong nhóm Chiêu-anh-các.

            Nằm trong kế hoạch phòng thủ miền Tây, nếu Hà-tiên ví như tiền đồn ngăn ngừa những cuộc công phá của Xiêm-La và Chân Lạp, Trấn-giang tức là miền Cần-thơ bây giờ nghiễm-nhiên là hậu cứ, hẳn là Mạc-thiên-Tứ đã đem biết bao tâm huyết công-phu xây dựng cho vùng này. Và chịu ảnh-hưởng chính-trị, kinh-tế, văn-hóa khả-quan, dân-chúng Trấn-giang hẳn đã sống một thời bừng hương sắc đậm đà về mọi mặt.

            Huống-chi, bấy giờ huyện Trấn-di tức vùng Bạc-liêu hẻo lánh cũng vẫn được họ Mạc cho di dân đến đấy mở-mang, Bạc-liêu khi ấy mà còn phồn-thịnh lên, thì Cần-thơ chắc chắn đã hoa lệ lắm rồi.

            Phương-chi, Trấn-giang cũng từng là bãi chiến trường lắm hãi-hùng, tranh-đấu giữa quân dân ta với quân Xiêm-La, Chân-Lạp, và sau này chống với Tây-Sơn khi chúa Nguyễn-Ánh chạy tới đây, nếu mức sinh-hoạt và trình-độ dân chúng Trấn-giang chưa được nâng cao, thì tinh-thần anh-dũng của dân chúng Trấn-giang đâu đã được đề cao như lịch-sử từng ghi chép?

            Phong-Dinh Dưới Triều Võ-Vương Nguyễn-Phúc Khoát, Trực-Thuộc Guồng-Máy Hành-Chánh Long Hồ Dinh

            Từ năm Kỷ-Vị 1739, đất-đai Cần-thơ đã được Mạc-thiên-Tứ khai-thác hẳn-hoi, mang danh là huyện Trấn-giang. Cố-nhiên sau đó Mạc-thiên-Tứ đem dâng chúa Nguyễn, sáp-nhập vào dư-đồ Việt, cũng như thân-phụ Ông là Mạc-Cửu đã dâng đất Hà-tiên từ năm 1714.

            Bấy giờ chúa trị-vì Đàng Trong là Võ-Vương Nguyễn-phúc-Khoát. Hơn hẳn các vị chúa Nguyễn trước, Võ-Vương là bậc anh-minh, hăng-say hoạt-động, thích làm chuyện lớn, mưu tính xa rộng. Theo định-hướng đã trù-hoạch về viễn-đồ đất nước, Ngài hằng phô-trương uy-thế, quyết ý mở rộng lãnh-thổ vào Nam. Tiếp thu thêm phần đất bốn huyện mới khai-thác: Long-xuyên (Cà-mau), Kiên-giang (Rạch-giá), Trấn-giang (Cần-thơ) và Trấn-di (Bạc-liêu), Ngài càng thêm phấn-khởi xây dựng đất nước.

            Năm Canh-thân 1740, Ngài định lại phép thi: những người đậu kỳ đệ-nhất gọi là nhiêu học, được miễn sai 5 năm; đậu kỳ đệ-nhị và đệ-tam được miễn sai chung thân; đậu kỳ đệ-tứ gọi là hương cống, được bổ làm Tri-phủ, Tri-huyện. Do sự đặc-biệt ưu-đãi giai cấp sĩ phu này, dân chúng trong Nam dần dần cảm phục sẵn sàng phụng sự đất nước dưới quyền lãnh đạo của chúa Nguyễn. Và do Sắc-lịnh canh cải khoa cử này, tạo thêm điều kiện hoạt động mạnh về văn hóa cho nhóm Chiêu anh Các của Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên, Cần Thơ vậy.

            Đến năm Giáp Tý 1744, Ngài xưng vương-hiệu (Võ Vương), tổ chức nội các gồm 6 Bộ. Bộ về văn hóa gọi là Hàn Lâm. Đạo vệ binh gọi là Võ Lâm. Chế tạo sắc phục mới cho các quan văn võ trong triều. Lại ra lịnh cho dân gian phải đổi y phục, ăn mặc cho văn vẻ nhu nhã hơn xưa. Chia lãnh thổ ra làm 12 dinh.

            Riêng phủ Quảng Ngãi và phủ Qui Nhơn ở miền Trung thì trực thuộc Quảng Nam dinh; đất Hà Tiên ở miền Nam thì đặt thành trấn.

            Năm sau (Ất Sửu 1745) Ngài cho mua kẽm bên Âu-Châu về chế ra thêm thứ tiền kẽm. Thế là về mặt tiền tệ, dân nước xài hai thứ tiền: tiền đồng và tiền kẽm.

            Mọi ngành sanh hoạt vào thời kỳ này được phát triển đồng đều, nhất là nông nghiệp và thương nghiệp khuếch trương, sung-mậu phồn thạnh, tạo cho nhân dân an hưởng được cuộc sống thái bình thạnh-trị.

            Gặp hoàn cảnh thuận tiện như thế, trong Nam dưới sự lãnh đạo của vị Đô đốc tài ba như Mạc Thiên Tứ, vùng Trấn Giang tự nhiên cũng được lợi thế phát triển mạnh.

            Hơn thế nữa, để hoàn thành công cuộc Nam tiến, đôn đốc các cấp thừa hành ở từng địa phương cần khai thác triệt để các vùng đất phì nhiêu ở miền Nam, đến năm Quý Dậu 1753, Võ Vương phái vị Ký lục Bố chánh dinh là Nguyễn Cư Trinh vào Nam, mưu toan việc lớn.

              Phong Dinh Trong Cơn Sóng Gió Tây-Sơn Nguyễn-Chúa Tranh Hùng

              Đánh dẹp ngoại xâm khó, nhưng bình-định nội loạn cũng chẳng phải dễ! Đất nước bị nạn ngoại xâm là thảm họa cho dân chúng, nhưng thê thảm hơn nữa là cảnh đồng chủng tương tàn vì tranh chấp quyền vị. Suốt thời kỳ chúa Nguyễn Ánh và binh Tây Sơn đánh đuổi nhau trong Nam, cho đến khi non sông thống nhất, trải hơn 26 năm (1777-1802) khói lửa đã dập vùi xương máu dân chúng miền Nam nhiều vô số kể, điêu tàn thảm khốc nhất là dân chúng miền Tây. Nào Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Cà Mau lần lượt biến thành bãi chiến trường kinh khủng. Nơi đâu có dấu vết Nguyễn Ánh thì ở đấy có cuộc xung sát với Tây Sơn.

              Đặc biệt mở màn cho những trận thư hùng ghê rợn giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh sau này, Cần Thơ 2 trước đó còn phải trải qua nạn binh Xiêm đánh phá. Ấy là việc xảy ra trong năm Nhâm Thìn 1772. Vua Xiêm là Phi Nhã Tân xua binh sang đánh cướp Hà Tiên. Đô đốc Mạc Thiên Tứ dàn quân chống cự quyết liệt. Binh Xiêm ồ ạt tấn công. Thành trì thất thủ, dân chúng trong thành đều bị giết hại cả. Mạc Thiên Tứ lui giữ Cần Thơ.

              Nhờ trước kia đã tiên liệu dự phòng, nên các đồn lũy ở Cần Thơ đủ để họ Mạc nương tựa mà ngăn chống. Binh Xiêm từng đợt tràn tới Cần Thơ đều bị Thiên Tứ đuổi ra khỏi vùng. Tuy nhiên, sinh mạng và tài sản dân chúng chẳng khỏi tổn thất nặng nề.

              Vừa yên giặc Xiêm, lại đến chuyện chúa Nguyễn chạy vào Nam. Tin chúa Nguyễn bôn ba tẩu quốc đưa đến Cần Thơ, dân chúng lại một phen thắc thỏm lo âu. Vì người người đều cảm thấy tình hình bất ổn, sớm muộn ắt phải vương họa binh đao thảm khốc nữa chớ chẳng không.

              Tây Sơn kéo vào Nam giao chiến, chiếm lấy Gia Định. Chúa Nguyễn chạy xuống Cần Thơ, rồi thẳng đường chạy luôn xuống Cà Mau. Mạc Thiên Tứ ra sức chống ngăn Tây Sơn chẳng nổi, đành chạy theo bảo vệ chúa Nguyễn. Con Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Sanh chống nhau với Tây Sơn nơi Cần Thơ, đương đầu nhiền trận kinh hồn. Cuối cùng sa cơ, Tham tướng Mạc Tử Sanh bỏ mình (khoảng rạch Tham tướng, cầu Tham tướng ở Cần Thơ hiện giờ, dấu vết Mạc Tử Thiên vì nghĩa liều mình)

              Đinh Dậu, Tây Sơn tiến binh thẳng xuống Cà Mau, bắt sống được chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông), áp giải về Gia Định hành quyết. Người cháu của chúa Định Vương là Nguyễn Ánh thay nắm binh quyền. Mạc Thiên Tứ vẫn trung thành cùng chúa Nguyễn, tách mình sang Xiêm cầu viện, chẳng quản gì hiềm khích cũ khi binh Xiêm đã tàn phá Hà Tiên, Cần Thơ. Bởi thế, Thiên Tứ lâm nguy ở đất Xiêm vì bị vua Xiêm là Phi Nhã Tân nghi ngờ, bạc đãi. Thiên Tứ phẫn uất, tự sát trên đất nước người.

              Mất Mạc Thiên Tứ và Mạc Tử Sanh, chúa Nguyễn Ánh mất trang rường cột, khá đau xót và đáng ngại cho bước tiến trình của mình. Tuy nhiên, anh hùng hào kiệt trong Nam bấy giờ hầu hết đều đứng về phe ủng hộ chúa Nguyễn. Đó là sự an ủi và khích lệ nhiều cho chúa Nguyễn vững lòng phấn đấu. Và đó là công trình tuyên truyền cho hiệu quả của Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ khi trước vậy.

              Trên bước đường lưu vong của chúa Nguyễn Ánh khi vào Nam, nếu chẳng có sự dọn đường trước của Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ, khiến nhân dân miền Nam đều đã sẵn có cảm tình với chúa Nguyễn, thì dễ gì Nguyễn Ánh thu phục được nhân tâm đồng bào trong Nam, để đi đến sự thắng lợi cuối cùng, thống nhất non sông. Đúng như lời ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật; trích quyển “Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi Vải”

              Cái chết của Mạc Thiên Tứ ở trên đất nước Xiêm cũng là một điều kiện đã giúp chúa Nguyễn thêm được lực lượng quân đội Xiêm sẵn sàng tán trợ cho sau nầy và dọn đường dễ dàng cho chúa Nguyễn và đám tòng thần sang trú ngụ nơi Vọng-các. Vì có cái chết hào hùng của Mạc Thiên Tứ làm xúc động được lòng vua Xiêm, giải được mọi nỗi bất hòa về trước. Vì có cái chết của Mạc Thiên Tứ, các văn nhân võ tướng miền Nam bấy lâu hằng chịu ảnh hưởng giáo hóa và tuyên truyền của họ Mạc, thêm thán phục hơn về sự trung kiên của họ Mạc, mà không còn ngần ngại gì nữa, đứng vào hàng ngũ ủng hộ chúa Nguyễn chống Tây Sơn quyết liệt.

                Phong Dinh Dưới Triều Gia Long

                Gia Long năm thứ 2 (Quý Hợi 1803), định lại dư đồ, đổi địa giới dinh Long Hồ là dinh Hoằng Trấn, rồi đổi gọi là Vĩnh Trấn, đến năm Gia Long thứ 7 (Mậu Thìn 1808), lại đổi làm trấn Vĩnh Thanh, dưới quyền cai trị của quan Trấn Thủ, Hiệp Trấn và Tham Hiệp. Vùng Cần Thơ bấy giờ trực thuộc trấn Vĩnh Thanh, phủ Định Viễn.

                Gia Long năm thứ 12 (Quý Dậu 1813), cắt đất phân ranh lại, lập thêm huyện Vĩnh Định là vùng phì nhiêu nhất. Cần Thơ khi ấy tức là huyện Vĩnh Định, vẫn trực thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

                Năm sau, Gia Long thứ 13 (Giáp Tuất 1814), vùng huyện Vĩnh Định (Cần Thơ) được đặc biệt quan tâm nhất. Các quan địa phương đốc suất nhân dân mở mang đường sá, xây cất chợ búa phố phường, việc buôn bán càng ngày càng phồn thịnh, dân tứ xứ kéo đến định cư lập nghiệp ngày một thêm đông đúc.

                Vùng Cần Thơ khi xưa đất đai như thế nào? Cứ xem một đoạn tả cảnh con sông Cần Thơ vào khoảng đời Gia Long – Minh Mạng, chúng ta sẽ ý thức được một vài tình trạng sinh hoạt của dân cư Cần Thơ thuở ấy.

                Con sông Cần Thơ và Hậu Giang ngày xưa mặc dầu chưa thuận tiện mấy về mặt giao thông, thế mà đã là một nguồn lợi to tát, đủ rõ người xưa đã rất chú ý mở mang đường thủy đồng thời với sự giao thông đường bộ. Do đó, nền kinh tế miền Tây lúc bấy giờ khá thịnh vượng.

                Bởi con sông Hậu Giang như mạch máu của miền Tây, tiện ích cho dân chúng vô cùng, nên khoảng Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), nhà vua cho đúc 9 cái đỉnh, có chạm hình sông Hậu Giang vào Huyền đỉnh và năm Tự Đức thứ III (Canh Tuất 1850) có ghi vào tự điển. 9 cái đỉnh nầy hiện nay để trước sân nhà thái miếu thành nội Huế. Quí du khách có dịp đi viếng cố đô vô đến hoàng thành sẽ thấy những kỷ vật nầy trơ gan cùng tuế nguyệt, ghi lại bước đường bôn tẩu của nhà vua.

                Phong Dinh Dưới Triều Minh Mạng

                Đầu thế kỷ XIX, dưới triều Gia Long, như chúng ta đã rõ, Cần Thơ là vùng huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Kinh tế thịnh vượng, dân cư đông đúc.

                Đến năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn 1832), trấn Vĩnh Thanh đổi tên là trấn Vĩnh Long, phân hạt gọi là tỉnh Vĩnh Long, đem hai huyện Tuân Nghĩa, Trà Vinh, nguyên thuộc phủ Lạc Hóa (trước trực thuộc thành Gia Định) nay thuộc tỉnh Vĩnh Long, còn hai huyện Vĩnh Định (tức Cần Thơ xưa), Vĩnh An và đạo Châu Đốc cải thuộc tỉnh An Giang, và lập thêm huyện Vĩnh Trị, thuộc phủ Định Viễn. Xem thế, ta nhận thấy Cần Thơ bấy giờ (huyện Vĩnh Định) đã tách ra khỏi Vĩnh Long, mà thuộc về tỉnh An Giang, và thuộc phủ Tân Thành chớ không thuộc phủ Định Viễn như trước.

                Năm Minh Mạng thứ 20 (Kỷ Hợi 1839), vùng đất Cần Thơ lại mang tên là huyện Phong Phú, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, gồm có 3 tổng, 31 xã thôn.

                Thời kỳ nầy, Cần Thơ (huyện Phong Phú xưa) càng thêm phồn thịnh. Về hành chánh, huyện trị ở địa phận thôn Tân An, châu vi 50 trượng, trồng rào tre. Viên tri huyện coi sóc toàn huyện. Đầu tỉnh thì có quan Tổng đốc, một vị Bố chánh và một vị Án sát. Tổ chức hành chánh ở các tổng, xã đủ để đảm bảo an ninh cho dân chúng.

                Về mặt quân sự, ngoài những đồn, bảo, đặt rải rác ở những vùng quê, nơi tỉnh lỵ và huyện lỵ thì có những đồn bót lớn hơn gọi là Thủ, có nghĩa là cơ sở phòng thủ nghiêm ngặt vững chãi. Thủ sở Trấn Giang (Cần Thơ) ở về bờ phía Tây Hậu Giang thiết lập từ năm Kỷ Dậu 1789, đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long, vì giang san đã thống nhất, nên tạm thời Thủ sở Trấn Giang này bãi bỏ. Đến đời Minh Mạng, vì có nhiều biến cố dồn dập, Thủ Trấn Giang tái thiết hẳn hoi. Đồng thời Thủ sở Trấn Di (miền Bắc Bạc Liêu) cũng tái thiết để ngừa nội loạn và ngoại xâm.

                Ở bờ phía Tây Hậu Giang có thủ Trấn Giang hay Đông Xuyên, giao liên chặt chẽ với thủ Trấn Di, thì ở bờ phía Đông Hậu Giang có những đồn Vĩnh Hùng, Thuận Tấn, Cường Uy. Và ở Xao Châu (phía Bắc cửa biển Mỹ Thanh) có đặt binh lính đóng giữ cực kỳ hùng hậu.

                Khoảng năm Quý Tỵ (1833) xảy ra cuộc Lê Văn Khôi gây biến loạn, sau khi quân của Lê Văn Khôi bị binh triều phá vỡ, tàn quân chạy xuống miền Tây, vùng Phong Phú (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu) bị rối loạn không ít. Hơn nữa triều đình lùng bắt dư đảng Lê Văn Khôi, nhất là những người Hoa Kiều có dính líu, ẩn náu ở Cần Thơ, Bạc Liêu khiến lòng dân xôn xao náo động.

                Tuy nhiên, qua cơn sóng gió, trời yên bể lặng như thường. Huyện Phong Phú vẫn là vùng đất có tiếng thạnh trị, an ninh hơn khắp mọi vùng ở miền Tây lúc bấy giờ.

                Về mặt thương mại, có ba ngôi chợ được thiết lập, rất trù phú: chợ Sưu ở gần bến sông Cần Thơ, chợ Tân An ở gần bến sông Bình Thủy và chợ Thái An Đông ở gần sông Ô Môn.

                  Cần Thơ Với Chúa Nguyễn Trong Khi Tẩu Quốc

                  Nơi phần đầu, trình bày lịch sử tỉnh Cần Thơ, chúng tôi đã nói sơ lược về cuộc Tây Sơn – Nguyễn chúa tranh hùng, mà Cần Thơ từng là bãi chiến trường đẫm máu. Để quý bạn đọc có ý niệm rõ ràng hơn nỗi đau thương của dân chúng Cần Thơ trong cơn khói lửa từng chập từng hồi ấy, chúng tôi xin ghi thêm tỉ mỉ những cảnh binh đao diễn tiến, biết bao dấu vết tang thương mà Tây Sơn, Nguyễn chúa, Cao Miên lưu để trên mảnh đất Cần Thơ hơn một thế kỷ qua.

                  Bắt đầu từ năm Đinh Dậu 1777, Tây Sơn tấn công mãnh liệt, chiếm lấy Sài Gòn lần thứ hai, (lần thứ nhất vào năm Bính Thân 1776) do chính Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy đại đội hùng binh. Chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông) chạy xuống Long Hưng (gần Rạch Gầm, Mỹ Tho) rồi chạy vào Cần Thơ, trong khi Tân chánh vương Nguyễn Phúc Dương ẩn náu nơi Ba Vát (Bến Tre). Bấy giờ vào khoảng tháng tư tại Cần Thơ, cha con Mạc Thiên Tứ đã chuẩn bị sẵn sàng lâm chiến để cứu nguy cho chúa Nguyễn khi Tây Sơn đuổi đến. Dân chúng Cần Thơ sống trong cảnh phập phồng tranh chiến.

                  Rồi thì khói lửa lan tràn, từ Sài Gòn Nguyễn Huệ tiến đánh Bến Tre, bắt sống Đông cung Dương (tức Tân chánh Vương), tại Ba Vát. Hay tin chẳng lành, tháng 8 chúa Định Vương lìa Cần Thơ chạy xuống Cà Mau với cháu là Nguyễn Ánh.

                  Binh Tây Sơn tràn xuống Cần Thơ. Ngút trời khói lửa. Dân chúng hãi hùng chứng kiến cảnh máu rơi, cửa nhà tan nát. Tham tướng Mạc Tử Sanh anh dũng chiến đấu nhưng không chống nổi sức hùng liệt của đoàn hổ báo Tây Sơn, đành bỏ mình tại vùng Tham tướng. Bấy giờ Cần Thơ thất thủ, khắp nơi tràn đầy quân sĩ Tây Sơn chiếm đóng, sát khí đằng đằng.

                  Tạm chiêu an dân chúng Cần Thơ xong, quân đội Tây Sơn kéo rốc tới đánh Bạc Liêu, Cà Mau (lúc nầy còn mang tên cũ là huyện Trấn Di, (Long Xuyên), cũng như Cần Thơ là huyện Trấn Giang. Thế mạnh như chẻ tre, Tây Sơn đánh đâu thắng đó, bắt sống chúa Định Vương tại Cà Mau trong khoảng tháng 9, giải về Gia Định hành quyết.

                  Nguyễn Ánh lên thay điều khiển binh quyền. Trong tình thế nguy cấp, nhờ ngự chiếc thuyền nhỏ nhẹ mang hiệu “Thủ quyển” vượt nước rẽ sóng mau lẹ, Nguyễn Ánh do ngã sông Ông Đốc thoát ra hòn Thổ Châu. Rồi từ ấy ngậm đắng nuốt cay, nuôi chí phục hận, dần dần đánh chiếm lại được thành Gia Định.

                  Đến năm Giáp Thìn (1784), tháng 6 chúa Nguyễn Ánh từ Xiêm trở về, có hai viên đại tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 300 chiến thuyền và 20.000 quân theo giúp. Lần lượt, chúa Nguyễn lấy lại Rạch Giá, Cần Thơ, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít và Sa Đéc. Thế là Cần Thơ rơi vào tay chúa Nguyễn.

                  Nhưng dân chúng Cần Thơ vẫn chẳng yên được lâu, đến tháng 10, sau khi Châu Văn Tiếp tử trận tại Mân Thít, tình thế binh chúa Nguyễn có chiều nao núng. Rồi thì tháng chạp, chính Nguyễn Huệ thân chinh chỉ huy quân Tây Sơn đánh tan quân Xiêm tại Rạch Gầm. (Trận nầy là một chiến công oanh liệt nhất của Tây Sơn, đến đỗi tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương phải bỏ cả binh thuyền, lên bộ chạy về Vọng Các. Chúng tôi sẽ thuật rõ trong quyển “Định Tường xưa và nay” sẽ xuất bản).

                  Sau trận đại bại Rạch Gầm, chúa Nguyễn Ánh cả kinh quay lại Cần Thơ, binh Tây Sơn tái chiếm Cần Thơ, dân chúng nơi đây thêm một lần nữa phải điêu đứng vì chiến họa. Chúa Nguyễn tách dặm băng ngàn, từ Cần Thơ ra hòn Thổ Châu lánh mình như trước.

                  Đinh Vị 1787, tháng 8 chúa Nguyễn lại từ Xiêm về, đốc xuất quân sĩ phản công Tây Sơn. Đôi bên đánh nhau nhiều trận lớn tại Trà Ôn (Cần Thơ) và Ba Rài (Mỹ Tho). Rồi bị Tây Sơn đánh bại tại cù lao Giung Hổ Châu, ở cửa sông Hậu Giang. Tuy nhiên, từ tháng 10, đóng đại bản dinh tại Nước Xoáy (Sa Đéc) binh tướng chúa Nguyễn dần dần khôi phục khí thế, dõng cảm đương đầu với Tây Sơn, đẩy lui Tây Sơn khắp nơi. Bấy giờ Cần Thơ cũng đã được chúa Nguyễn thâu phục lại.

                  Sang tháng 10, có tin tướng Cao Miên là Ốc Nha Long theo Tây Sơn nổi loạn, đánh chiếm Cần Thơ, đóng đồn tại địa điểm nầy, khiến dân chúng đã khổ sở lại càng khổ sở. Chúa Nguyễn lập tức đem đại quân từ Sa Đéc đến Cần Thơ dẹp loạn.

                  Ốc Nha Long không chống cự nổi, nhưng càng thua to chúng càng quấy phá dữ tợn. Đây là lần thảm khổ nhất của dân chúng Cần Thơ. Nhưng cuối cùng rồi cũng dẹp yên loạn được, chúa Nguyễn vỗ an lê thứ, trao quyền cho một viên đại tướng ở giữ Cần Thơ, còn Ngài thì trở về đại bản dinh ở Nước Xoáy. Và cũng từ đây Tây Sơn suy yếu, lần lượt bị binh chúa Nguyễn đánh bật khỏi miền Tây. Đến tháng 8 năm Mậu Thân (1788) chúa Nguyễn khắc phục Sài Gòn, giữ vững mãi, cho đến năm Nhâm Tý (1792) thì bắt đầu tiến ra đánh miền Trung, Bắc.

                  Rồi từ Nhâm Tý (1792) mãi đến 9 năm sau, ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Hợi, chúa Nguyễn mới khắc phục được kinh thành Huế, thống nhất non sông. Đoạn sắp đặt trị an thêm một năm nữa, đâu đó đã yên, ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long (miếu hiệu Thế Tổ Cao hoàng đế).

                  Phong Dinh Dưới Triều Tự Đức Và Thời Pháp Thuộc

                  Trải các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, miền Nam nước Việt vẫn chia làm 6 tỉnh, nên dân gian thường quen gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Cho đến thời Pháp thuộc, dẫu người Pháp đã chia đất miền Nam nầy (gọi là Nam Kỳ) làm 20 rồi 21 tỉnh, dân gian vẫn quen gọi Nam kỳ là lục tỉnh. Ấy là:

                  Biên Hòa (miền Đông)

                  Gia Định (miền Đông)

                  Định Tường (miền Đông)

                  Vĩnh Long (miền Tây)

                  An Giang (miền Tây)

                  Hà Tiên (miền Tây)

                  Do Hòa ước ngày 5 Juin 1862, miền Nam bị đặt dưới quyền đô hộ của Pháp. Nhưng sĩ phu miền Nam há dễ chịu ép một bề? Lần lượt sĩ phu miền Nam đứng lên phản kháng, hoặc đem bút lưỡi mà khích động dân tâm tranh đấu, hoặc lấy sắt máu mà chống chọi với cường quyền bạo lực. Nhóm sĩ phu đánh giặc bằng bút, có: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Lạc v.v… Nhóm lấy sắt máu đánh đuổi kẻ tham tàn, có: Trương Định ở Gò Công, Đỗ Đình Thoại, Nguyễn Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho v.v…

                  Riêng về miền Tây, từ sau ngày 25 Juin 1867 (năm Đinh Mão) là ngày ba tỉnh miền Tây Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên đều đã lọt vào tay quân Pháp, sĩ phu miền Tây cũng oanh liệt chống cự. Nhân dân huyện Phong Phú (Cần Thơ) từng nổi lên đánh các đồn bót do quân Pháp thiết lập. Chúng thất điên bát đảo, tức giận phóng hỏa đốt rụi nhiều thôn xóm. Lửa loạn bao trùm tang tóc miền Tây lúc bấy giờ!

                  Dần dần quân Pháp nhờ có đông đảo đám tay sai người Việt phụ tá, chẳng hạn như Đội Lộc (sau nầy là Tổng Đốc Trần Bá Lộc), Lãnh binh Tấn (tức Huỳnh Công Tấn) dùng uy lực đàn áp, thiết lập nền cai trị.

                  Ngày 1 tháng giêng năm 1868, do Nghị định Thống Đốc Nam kỳ là Bonard, huyện Phong Phú (Cần Thơ) sáp nhập với Bai sau đặt thành một quận, dưới quyền cai trị của một viên quan Pháp, lập Tòa Bố (Hành chánh) tại Sa Đéc.

                  Lòng dân nhớ nước cũ nên hãy còn bồng bột phẫn uất, đâu dễ một ngày một buổi mà chịu yên bề. Trong vùng Cần Thơ, vị lãnh tụ dân quân kháng chiến đầu tiên nổi lên chống quân Pháp, chính Đinh Sâm. Để cảnh cáo những ai sớm vội bán nước buôn dân, cam tâm làm tay sai cho giặc, Đinh Sâm xướng nghĩa, giết ngay viên Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh, rồi chiếm đóng một vùng Láng Hầm (nay là vàm kinh Ba láng). 8

                  Khói lửa lại bao trùm vùng Cần Thơ, Ba Láng, Phong Điền. Cơn ly loạn xiết bao điêu đứng thảm khổ dân tình. Chẳng bao lâu Đinh Sâm bị quân Pháp và đội binh mã tà (như đám thân binh thời gần đây) do Trần Bá Lộc chỉ huy dẹp tan dưới bạo lực đàn áp dã man khốc liệt!

                  Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống Đốc Nam kỳ lại ra nghị định, sáp nhập Phong Phú (Cần Thơ) với Bắc Tràng là một vùng thuộc phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long lập Tòa Bố tại Trà Ôn.

                  Nhưng tình thế vẫn không yên. Nhiều nơi trong tỉnh vẫn vùng lên chống đối. Đối phó với nghĩa quân, nhà cầm quyền người Pháp càng thẳng tay đàn áp, dùng sức mạnh súng đạn làm phương tiện để mong chinh phục lòng người, để ổn định cho kỳ được guồng máy hành chánh theo như ý thực dân.

                  Tòa Bố thiết lập tại Trà Ôn để điều khiển các cơ cấu cai trị khắp vùng Phong Phú (Cần Thơ), đặt dưới quyền kiểm soát của một viên quan Pháp, chỉ được một năm thì phải dời về đặt ở Cái Răng (hiện giờ là quận lỵ Châu Thành, cách tỉnh lỵ Cần Thơ Phong Dinh 6 cây số). Rồi do Nghị định của Soái phủ Sài Gòn, ngày 23 Février 1876, vùng Phong phú lập thành tỉnh, mang tên Cần Thơ. Tòa Bố (Hành chánh) đặt tại tỉnh lỵ Cần Thơ, Trà Ôn thì trở thành quận.

                  Viên quan Pháp đầu tiên trấn nhậm tỉnh Cần Thơ là Đại úy Nicolai, chức Tham biện hạng nhì. Đại úy Nicolai ngồi chức Chánh Tham biện (tức như Tỉnh trưởng bây giờ), Cần Thơ ngót 10 năm, khai thác đất đai, mở rộng đường xá, xây cất chợ búa.

                  Tuy nhiên, sĩ phu miền Tây vẫn còn một số đông bất phục. Nhưng trong tình trạng khôn bề chống đối, các sĩ phu giữ tiết tháo đành sống đời ẩn dật. Trong số nầy đáng kể có: Cử Trị (Phan Văn) lánh thân ở Phong Điền, cụ Thủ khoa Nghĩa (Bùi Hữu) ở Bình Thủy, Long Tuyền. Cho đến vị Cai tổng Lê Quang Chiểu sau này cũng tự giải chức từ quan, còn được tiếng thơm.

                  Người đầu tiên đến thông ngôn cho ông Nicolai, tỉnh trưởng Cần Thơ là ông Cao Văn Tình 9, hiện nay con ông là Cao Văn Hùng còn sống trên 80 tuổi.

                  Năm 1877, Nam kỳ có tất cả 19 Chánh tham biện.

                  Một số hình ảnh Cần Thơ xưa

                  Tìm Hiểu Hai Tiếng Cần Thơ Do Đâu Mà Có?

                  Danh từ Cần Thơ đã có từ lâu. Xưa kia là huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, nay đổi lại Phong Dinh.

                  Phần đầu chúng tôi đã trình bày nguồn gốc tiếng địa phương qua sự diễn tiến của thời đại vào đầu thế kỷ XVIII, của đất Trấn Giang, về phần lịch sử.

                  Riêng hai tiếng “Cần Thơ” trong sử không có ghi chép rõ ràng như các tỉnh khác.

                  Tương truyền lúc Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu vào Nam dấu chân của Ngài đều trải qua các nơi trên lãnh thổ để lẩn tránh Tây Sơn mưu đồ phục quốc. Lúc bấy giờ Ngài ngự trên một chiếc thuyền đi ngang dòng sông Hậu, thuộc địa phận huyện Phong Phú thả thuyền theo sóng gió lênh đênh trên mặt nước, bỗng nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ xa vọng lại giữa đêm trường canh vắng. Ngài chạnh lòng nhớ đến bước đường lưu lạc trong lúc bơ vơ xứ lạ quê người, khiến tâm cang thêm xúc động. Ngài mới có một cảm nghĩ ban cho con sông này cái tên đẹp đẽ mỹ miều, đầy thơ mộng là “Cầm Thi giang” con sông của thi ca đàn hát. Lần lần hai tiếng Cầm Thi được lan rộng ra trong dân chúng, có người đọc trại là “Cần Thơ” 13, và danh từ ấy nghe cũng hay hay, nên được người ta dùng mãi đến ngày nay.

                  Còn một truyền thuyết khác nữa do các bô lão địa phương kể lại, nơi đây khi xưa có trồng rất nhiều loại rau cần và rau thơm, mỗi khi chủ vườn cắt rau đem đi bán, rao cùng đường: ai mua rau cần thơm không?

                  Rau Cần, rau Thơm xanh mướt,

                  Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn.

                  Thiên hạ xúm nhau mua hai loại rau nầy rất nhiều, lâu ngày chầy tháng, danh từ rau Cần rau Thơm được giới bình dân phổ biến thành câu ca dao:

                  Rau Cần lại với rau Thơm,

                  Phải chăng đất ấy rau Thơm có nhiều.

                  Cũng có người lẩn thẩn gọi đại tên xứ đó là xứ Cần Thơ.

                  Hai giả thuyết nầy, không biết giả thuyết nào đúng? Hoặc giả một địa danh mà có đến hai sự kiện xảy ra trùng hợp nhau?

                  Hai tiếng Cần Thơ trở thành một địa danh từ thời bấy giờ.

                  Qua thời Pháp thuộc đến chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam phần và lập tòa bố tại Cần Thơ do nghị định ngày 23-2-1876 cũng vẫn giữ nguyên hai chữ Cần Thơ. Muốn cho phân biệt từ tỉnh một, Cần Thơ được mang con số 19, mỗi chiếc ghe ở trước mũi có khắc số, đi tới đâu người ta cũng nhận ghe số 19 của tỉnh Cần Thơ từ người lính garde civile locale của tỉnh, kêu là lính mã tà, mỗi lần di chuyển từ tỉnh nầy qua tỉnh nọ, hoặc giải tội nhơn lên Sài Gòn, trên cổ áo đều có gắn số 19 cũng như các tỉnh trong Nam Kỳ đều có một sắc thái tương tợ, nhưng chỉ khác biệt là con số tỉnh, để cho người ta phân biệt mà thôi.

                  Dưới chánh thể Việt Nam Cộng hòa, ngày 16-9-1958 tỉnh Cần Thơ lại thay tên đổi họ một lần nữa, đổi tên là tỉnh Phong Dinh, để nhắc lại cái tên cũ của thời xưa, cũng như Mỹ Tho đổi lại là Định Tường, Rạch Giá đổi lại Kiên Giang, Bến Tre đổi lại Kiến Hòa, chánh quyền có mỹ ý rất hay: gợi lại tinh thần tồn cổ với ý nghĩa cao đẹp của nó tự ngàn xưa, cốt làm sống lại tinh thần dân tộc.

                  Đây là một ít tài liệu tra cứu để giúp ích cho quí bạn đọc tìm hiểu qua danh từ xuất xứ của tỉnh Cần Thơ.

                  Ngày nay, Cần Thơ lại được mệnh danh là Tây đô văn vật.

                  Danh nhân đất Cần Thơ xưa

                  Mạc Thiên Tứ

                  Người đã kiến lập vùng đất Trấn Giang từ năm 1793 tức nay là tỉnh Phong Dinh.

                  Thẳng thắn mà nói, miền Nam này, nhất là vùng Hậu Giang, một phần lớn công lao đã do cha con Mạc Linh Công (Mạc Cửu) đóng góp tâm não, máu xương bồi đắp mở mang ra. Phát tích từ đất Hà Tiên, cha con Mạc Cửu dần dần khai thác đất đai khắp miền Tây, hoàn thành 4 huyện đem dâng chúa Nguyễn: huyện Long Xuyên (Cà Mau), huyện Kiên Giang (Rạch Giá), huyện Trấn Di (Bạc Liêu) và huyện Trấn Giang (Cần Thơ). Chính huyện Trấn Giang có duyên nợ với Mạc Thiên Tứ và con là Mạc Tử Sanh nhiều nhất, nên ở phần hoài niệm danh nhân có nhiều thành tích với Cần Thơ, chúng tôi xin phép ghi chép tiểu sử họ Mạc vào đây cho hợp lý.

                  Mạc Thiên Tứ, cũng gọi là Mạc Thiên Tích, vốn tên thật là Mạc Tông, tự Sĩ Lân. Ông là con trưởng của Đại tướng Võ Nghi Công Mạc Cửu.

                  Tính Ông khí khái, học thức uyên bác, tài gồm văn võ. Ông đã cùng với cha dầy công khai thác đất đai Hà Tiên. Đến khi thân phụ Ông mất (1763), Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu trọng vọng, phong cho làm Đô Đốc trấn Hà Tiên. Nối chí cha, Ông mở mang thêm vùng Hậu Giang, khai hoang lập ấp, tổ chức nội an, sắp đặt cơ cấu quân sự để phòng ngừa giặc ngoài và trừ dẹp trộm cướp trong xứ, đem lại yên vui cho dân chúng.

                  Đinh Sửu 1757, Cao Miên có nội loạn, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên. Ông giúp đỡ cho, hộ tống Nặc Tôn trở về an toàn. Nặc Tôn cắt đất dâng tạ. Ông càng phấn chấn bồi đắp non sông.

                  Nhâm Thìn 1772, vua Xiêm là Phi Nhã Tân đem quân tràn sang đánh phá Hà Tiên. Ông bất cẩn thất thủ thành trì. Quân giặc giết cả dân chúng trong thành. Ông lui về giữ Trấn Giang (Cần Thơ). Nơi đây, ông đã thiết lập mọi cơ cấu phòng thủ vững chãi, phòng khi nguy biến thì tiện đường rút lui mà củng cố hàng ngũ lại, quật khởi tấn công.

                  Mộ Mạc Thiên Tứ
                  Mộ Mạc Thiên Tứ

                  Đã từng mến mộ oai đức của Ông, nên dân chúng Trấn Giang đều sẵn sàng ủng hộ, làm hậu thuẫn cho Ông. Do đó Ông đẩy lui được quân Xiêm, đồng thời càng thêm nỗ lực tô điểm Trấn Giang ngày một tốt đẹp hơn lên cả về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự.

                  Có thể nói, sau cuộc tấn công của quân Xiêm mà Ông phải lui về Trấn Giang, Ông mới cảm thấy yêu mến Trấn Giang hơn bao giờ hết, nên dốc lòng tô điểm cho Trấn Giang chẳng kém gì công trình Ông đã xây dựng Hà Tiên.

                  Chẳng bao lâu, Tây Sơn xua quân tràn xuống Hậu Giang. Miền Tây binh lửa dậy. Thảm họa nội chiến tràn lan. Con Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Sanh cầm binh chống nhau với quân Tây Sơn, bị địch giết chết. Thấy con đã hy sinh cho chúa Nguyễn, nhân dân Trấn Giang đã đóng góp máu xương khá nhiều trong trường chinh chiến, Ông đau lòng khôn xiết.

                  Đinh Dậu 1777, chúa Định Vương chạy xuống huyện Long Xuyên tức là Cà Mau, Tây Sơn đuổi theo và bắt sống chúa Nguyễn tại đấy, giải về Gia Định hành quyết. Nguyễn Ánh lên thay cầm binh quyền. Liệu thế không chống nổi, Mạc Thiên Tứ tách dặm băng ngàn sang Xiêm cầu viện.

                  Vua Xiêm là Phi Nhã Tân khi trước đã đem binh sang Hà Tiên, Trấn Giang đánh nhau với Mạc Thiên Tứ. Nay thấy Mạc Thiên Tứ sang cầu viện, lấy làm ngờ. Triều thần Xiêm lại lắm kẻ gièm pha, khiến Phi Nhã Tân càng hồ nghi Ông hơn nữa, ngờ Ông lập cơ mưu sang Xiêm dọ thám tình hình, để thừa dịp chiếm đoạt.

                  Nỗi buồn lo cho chúa Nguyễn đang cơn nguy khốn, nỗi hận gặp cảnh không may đến đỗi bị ngờ oan, Ông bèn nuốt vàng mà tự tử. Phái đoàn do Ông cầm đầu sang Xiêm lúc bấy giờ gồm có: Tôn Thất Xuân, hai người con của ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thượng và 50 tên quân đều chết theo ông, nhằm năm Canh Tý 1780.

                  Vì Mạc Thiên Tứ và con là Mạc Tử Sanh có duyên nợ nhiều với Phong Dinh, nên chúng tôi ghi lại vài nét tiểu sử cuộc đời Mạc Thiên Tứ vào đây, để quý bạn đọc thưởng thức chút văn tài của một vị Đô Đốc hào hoa phong nhã. Và bao nhiêu cảnh trí hữu tình, thơ hay về Hà Tiên, xin quý bạn đón xem ở quyển “Hà Tiên xưa và nay”, cùng một tác giả, sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc trong ngày gần đây.

                  Mạc Tử Sanh

                  Tử nghĩa nơi rạch Tham tướng – Cần Thơ trong trận chống Tây Sơn

                  Đã dày công khai thác miền Nam, lại tận trung, tận lực với chúa Nguyễn đến thịt nát xương tan chẳng quản gì, thật không ai hơn họ Mạc. Từ đời cha cho đến đời con, đời cháu, không ai là không trung thành phục vụ đồng bào miền Tây, mặc dầu họ Mạc không phải là người Việt chính tông.

                  Đọc tiểu sử Mạc Thiên Tứ, chúng ta đã thấy Thiên Tứ từng hoạt động ở Trấn Giang (Cần Thơ) mà con ông là Mạc Tử Sanh càng phục vụ nhân dân Trấn Giang nhiều hơn nữa. Thậm chí Mạc Tử Sanh đã bỏ mình nơi Trấn Giang, mà vùng rạch Tham tướng ngày nay là nơi lưu dấu vết Ông.

                  Mạc Tử Sanh, con của Quốc lão Đô đốc Quận công Mạc Thiên Tứ. Ông đã từng sát cánh với cha trong việc khai thác vùng Hậu Giang, đặc biệt là vùng huyện Trấn Giang. Trong khi thân phụ Ông ngồi trấn Hà Tiên, Ông vâng mạng đi tiếp xúc với chánh quyền Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu) và Long Xuyên (Cà Mau), tận tâm mưu ích lợi cho dân chúng.

                  Nhâm Thìn 1772, quân Xiêm tràn sang đánh phá Hà Tiên. Ông đương cự với quân địch nhiều trận quyết liệt, mở đường máu cho thân phụ Ông rút quân về Trấn Giang đóng giữ. Vì quân địch hung hăng bạo tợn, đốt phá cả thành trì, tàn hại dân chúng vô số kể! Đau lòng căm hận, Ông cùng thân phụ lui giữ Trấn Giang, một mặt bố trí phòng thủ chặt chẽ, một mặt chỉnh đốn binh đội, phản công quân Xiêm. Dưới quyền chỉ huy của ông, tinh thần quân sĩ lên cao, dũng cảm xông pha giết giặc. Địch quân kinh hoàng, tan vỡ trước khí thế hào hùng quyết tử của quân dân ta.

                  Sau trận đánh đuổi quân Xiêm, Hà Tiên và Trấn Giang tổn thất nhân mạng và tài sản khá nặng nề. Vì quân địch tàn bạo hiếu sát, kéo tới đâu thì đốt phá giết hại đến đấy. Mạc Tử Sanh đôn đốc dân chúng tái thiết những công trình đổ vỡ, an ủi những gia đình tang tóc. Lòng nhiệt thành lo cho dân chúng của Ông, khiến người người đều cảm mộ oai đức, xưng tặng Ông là bậc thiếu niên anh hùng.

                  Chưa yên ổn được bao lâu, bỗng lại được tin Tây Sơn đã thắng thế, đánh đuổi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, Mạc Thiên Tứ vội vã đến Gia Định bái yết chúa Nguyễn, tỏ dạ trung thành. Chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần lấy làm cảm động, tín nhiệm nơi sự ủng hộ của cha con Mạc Thiên Tứ, phong Thiên Tứ làm Quốc lão Đô đốc, tước Quận công, Mạc Tử Sanh thì được phong làm Tham tướng.

                  Rồi đó Mạc Tử Sanh cùng với thân phụ hiệu triệu nhân dân Trấn Giang hãy sẵn sàng phù tá chúa Nguyễn đang khi thất quốc lưu vong. Nhờ uy tín cha con Ông, chúa Nguyễn được hầu hết dân chúng và các hào kiệt Trấn Giang, Trấn Di, Long Xuyên (Cà Mau) hưởng ứng, lớp đầu quân, lớp chiêu tập được đông đảo nghĩa binh theo về với chúa Nguyễn, chống Tây Sơn.

                  Đinh Dậu 1777, đại binh Tây Sơn ồ ạt tấn công, đánh tràn xuống Hậu Giang. Chúa Nguyễn Phúc Thuần thua luôn mấy nơi, chạy tuốt xuống Cà Mau. Tây Sơn đuổi đến Cần Thơ (xưa là Trấn Giang), Mạc Tử Sanh huy động quân sĩ cả hai mặt thủy, bộ ngăn chống hùng dũng.

                  Nhưng thinh thế Tây Sơn quá lừng lẫy. Thủy binh, bộ binh của Tây Sơn bấy giờ rất mạnh và giao tranh rất dũng liệt, tiến đến đâu như thác đổ sóng cuộn ầm ầm, không gì ngăn chống nổi. Mạc Tử Sanh vẫn gan liền chiến đâu, mặc dầu tin cấp báo liên tiếp về sự tan vỡ của các đội quân khắp mặt trận quanh vùng.

                  Cuối cùng sức người có hạn, Mạc Tử Sanh bị quân địch vây khốn, chết trong trận nơi khoảng rạch “Tham tướng” ở Cần Thơ ngày nay. Sở dĩ con rạch nầy mang tên là “Tham tướng” vì Mạc Tử Sanh là một vị Tham tướng 14.

                  Chánh Lãnh Binh Võ Duy Tập

                  Sống vi tướng, thác vi thần

                  Trải xem lịch sử, nhân vật ưu tú của Cần Thơ thuở xa xưa, bên văn kể đã nhiều, bên võ há chẳng có ai? Một Nguyễn Văn Tồn chưa đủ, vì đó là người Việt gốc Miên, chưa làm thỏa mãn được lòng người Việt chánh tông. Một Mạc Tử Sanh thì là người Việt gốc Hoa, lại cũng chẳng phải chánh quán Cần Thơ, chỉ vì có công ơn với nhiều đồng bào Cần Thơ nên chúng tôi mới liệt kê vào hàng danh nhân của Cần Thơ. Thế thì về hàng võ tướng, Cần Thơ chịu nhượng Định Tường, Long Hồ, An Giang, và chịu nhượng cả dân huyện Long Xuyên (Cà Mau) hay sao?

                  Do chỗ thắc mắc băn khoăn tìm hiểu ấy, chúng tôi may được các vị bô lão ở Bình Thủy thông cảm, hướng dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng ngôi mộ một vị Chánh Lãnh binh triều Minh Mạng. Băng đồng, lội ruộng chẳng quản gì vất vả, chúng tôi đã nghe thấy sự tích hào hùng đáng kể:

                  Võ Duy Tập người xã Long Tuyền, huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa), con ông Võ Nguyên, xuất thân nông dân.

                  Gặp buổi trong nước thường loạn lạc, ông chuyên tâm học võ. Thân phụ ông có ý chẳng bằng lòng: “Sao con chẳng cố công đèn sách học hành, có văn chương chữ nghĩa, bảng vàng bia đá phải đẹp mặt hơn không?”

                  Ông từ tốn thưa: “Dầu văn hay võ, hễ biết lập chí cứu dân giúp đời thì đều vinh hiển cả. Nhất là đang thời giặc giã, theo đường võ nghệ để cứu nguy non nước, bảo an lê thứ mới là chước hay. Xin cha an lòng”.

                  Nghe khẩu khí của ông, thân phụ ông mừng thầm, kỳ vọng ở ông một tương lai xán lạn.

                  Từ ấy, ông thường tỏ chí khí hào hùng, nghĩa hiệp cứu giúp người cô thế bị áp bức. Xa gần đều mến chuộng tài đức.

                  Hình thờ Võ Duy Tập trong đình Bình Thủy

                  Đến khi chúa Nguyễn Ánh tránh loạn Tây Sơn, mấy lượt lui tới Cần Thơ, hằng tỏ dạ kính hiền lễ sĩ, cầu bậc lương tài phò nguy cứu quốc. Võ Duy Tập tìm hiểu thời thế ít lâu, bèn ra đầu quân giúp chúa Nguyễn. Ông từng chiến đấu với quân Tây Sơn nhiều trận quyết liệt. Nhưng thời thế chưa làm nên được, ông ôm hận theo phò chúa Nguyễn trên khắp nẻo đường lưu vong, cùng chia cay đắng ngọt bùi.

                  Đinh Vị 1787, thinh thế chúa Nguyễn đã dần dần dấy lên. Binh đội càng lúc càng tăng tiến hùng mạnh, đánh đâu thắng đó. Võ Duy Tập hiên ngang lập nhiều chiến công trong các trận đánh ở Ba Rài (Mỹ Tho), Trà Ôn, tên tuổi lẫy lừng.

                  Xảy được tin loạn tướng Cao Miên là Ốc Nha Long theo về với quân Tây Sơn, đánh phá vùng Cần Thơ, chúa Nguyễn khiến ông đem binh đi dẹp. Ông cùng các vị phó tướng dẫn quân từ Sa Đéc đến Cần Thơ, xuất kỳ bất ý bao vây loạn quân. Toán quân Miên do Ốc Nha Long chỉ huy không chống cự nổi, tan vỡ cả. Chiếm lại Cần Thơ xong, ông được lịnh rút quân về Nước Xoáy (Sa Đéc) là nơi đại bản dinh của chúa Nguyễn, sung vào bộ tham mưu, thảo kế hoạch tiến binh khắc phục Saigon Gia Định.

                  Suốt mười mấy năm tận lực cùng chúa Nguyễn, đến ngày thống nhất non sông, chung hưởng thanh bình, ông nghiễm nhiên là vị tướng lãnh công cao trọng vọng, làm rạng vẻ miền Tây một thuở.

                  Đến đời vua Minh Mạng, ông càng được tín nhiệm hơn. Nhà vua thường giao trọng trách cho ông đi dẹp giặc giã nhiều nơi trong nước. Với chức vụ Chánh Lãnh binh, ngày đêm ông tận tâm lo việc an ninh cho dân chúng, rất được lòng dân kính mộ.

                  Bấy giờ, giặc Cao Miên thường khuấy rối các vùng Tịnh Biên, Châu Đốc. Dân tình khốn khổ xôn xao. Ông được lịnh của quan Trấn thủ An Giang đem binh đi đánh. Tài thao lược của ông một lần nữa đem thi thố, khiến lũ giặc kinh tâm tán đởm, vỡ chạy cả. Từ ấy, thinh danh ông lan rộng khắp miền Tây.

                  Tuổi về già ông vẫn còn cầm binh đánh dẹp giặc Miên ở Sóc Trăng, và bỏ mình tại Bưng Trop. Linh cữu đưa về an táng nơi cố quán xã Long Tuyền.

                  Hiện nay mộ ông nằm sau miếng ruộng cách công sở Long Tuyền độ 200 thước. Ngôi mộ lúc trước ghép bằng đá ong. Sau trong gia tộc miêu duệ làm vòng thành bằng gạch.

                  Nguyễn Văn Tồn

                  Người Việt gốc Miên trung thành cùng vua Gia Long lưu danh hiển hách nơi Trà Ôn

                  Kể ra người Việt gốc Miên theo giúp chúa Nguyễn Ánh khi bôn ba trên đường tẩu quốc cũng khá nhiều. Nhưng xuất sắc nhất, duy chỉ có Ông Điều bát Nguyễn Văn Tồn, thinh danh hiển hách ngay khi còn sống và đến lúc đã về thần.

                  Ông vốn người gốc Miên, chính tên là Duồng 15. Võ nghệ khá cao cường, oai hùng vang tiếng gần xa, người người đều kiêng nể. Gặp khi chúa Nguyễn Ánh chạy xuống Trấn Giang (Cần Thơ), Ông theo phù tá. Nhờ dũng lực của Ông, chúa Nguyễn thoát lắm cơn nguy hiểm, nên rất tin cẩn Ông, hằng cho theo hầu cận. Ông hết dạ trung thành, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh che chở cho chúa Nguyễn trong vòng binh đao khói lửa, liều thân chẳng quản ngại gì.

                  Giáp Thìn 1784, sau hằng trăm trận giao phong đều chẳng thâu hoạch được thắng lợi như ý nguyện, liệu thế chưa đánh đuổi Tây Sơn nổi, chúa Nguyễn chạy sang nước Xiêm lưu trú, ẩn thân nơi Vọng Các. Bấy giờ, Ông vẫn theo hầu chúa Nguyễn; hàng ngày Ông lãnh nhiệm vụ thao luyện đám binh sĩ, chiêu mộ thêm các tay hào kiệt, cương quyết chờ ngày kéo về dẹp tan Tây Sơn, đưa chúa Nguyễn lên ngôi.

                  Với ý chí sắt đá, Ông rất tin tưởng ở sự thắng lợi cuối cùng.

                  Tinh thần phấn chấn đầy tự tin của Ông khiến chúa Nguyễn cũng chan chứa hy vọng thống nhất non sông, cùng nhau hăm hở đem binh trở về.

                  Tượng Thống chế Điều bát.jpg
                  Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông ở Trà Ôn (Vĩnh Long, Việt Nam)

                  Tây Sơn vẫn hùng dũng chiến đấu. Đôi bên giao tranh lắm trận ác liệt kinh hồn. Tại cửa Ba Lai, đạo binh của Ông phá vỡ đoàn quân của Đô đốc Tây Sơn, nâng cao tên tuổi Ông từ đấy.

                  Dần dần binh chúa Nguyễn Ánh thắng thế ở khắp nơi, trong đó công lao của Nguyễn Văn Tồn không kém gì những chiến tích oanh liệt của các danh tướng khác. Vả lại, dù Ông không phải là người Việt chính tông, mà tấm lòng và thái độ của Ông đối với chúa Nguyễn và các chiến hữu rất mực thành tín, nên ai nấy đều xem ông như đồng bào ruột thịt, chẳng ai ganh ghét gì.

                  Khắc phục thành Gia Định xong, đại binh chúa Nguyễn tiến thẳng ra Trung, Bắc, Nguyễn Văn Tồn vẫn theo trong quân. Tại thành Bình Định, Ông thúc quân đánh rất hăng, lập chiến công oanh liệt, nổi danh hổ tướng.

                  Ít lâu, Ông phụng mạng trở vào trong Nam, dẹp các đám giặc cướp, mưu cuộc an ninh cho dân chúng. Nhất là tại Trà Ôn (một quận cũ của tỉnh Phong Dinh ngày trước), Ông ra tài tảo thanh côn đồ trộm cướp thừa thời loạn mà dọc ngang khuấy rối dân lành, xếp đặt trị an đâu ra đấy, khiến dân chúng Trà Ôn cảm đức, tên tuổi Ông bia truyền khắp miệng người.

                  Nhâm Tuất 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long. Ông được phong chức Điều Bát. Ông càng nỗ lực hoàn thành sứ mạng bảo quốc an dân.

                  Khi Cao Miên có nội chiến, Ông được cử theo đại quân sang đóng tại thành La Bích. Với thanh thế quân ta, với uy tín của Ông, chẳng mấy ngày Ông bình định xong cuộc nổi loạn ở Cao Miên và lãnh trọng trách bảo hộ. Những thành tích tốt đẹp của ông, khiến vua Gia Long tin tưởng, mến chuộng Ông thêm, triệu Ông về lo cho dân nước. Để tăng uy tín và thanh danh Ông, hầu phục vụ dân nước được đắc lực hơn, nhà vua phong Ông làm Thống chế. Ở vào địa vị cao tột, Ông càng nỗ lực phục vụ nhân dân, nên càng được quần chúng kính mộ.

                  Tại trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long), Ông phụ lực với Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), đào kinh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Công nghiệp này, tên tuổi Ông gắn liền với công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu, khiến đời sau nhắc nhở đến với lòng khâm phục.

                  Canh Thìn 1820, Ông mất, dân chúng đều thương tiếc. Triều đình phái các quan lại cao cấp vào điếu tế.

                  Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872)

                  Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi sanh năm Đinh Mão (1807), nhằm năm Gia Long thứ sáu tại làng Long Tuyền (Bình Thủy), Cần Thơ. Thân sanh là Bùi Hữu Vi làm nghề hạ bạc.

                  Thuở nhỏ, Nghĩa đeo đuổi theo Hán văn; nhờ thông minh và hiếu học, Nghĩa học rất mau giỏi.

                  Khi học lực của Nghĩa đã khá, thì cha cho lên Biên Hòa, ở đậu nơi nhà hộ trưởng Nguyễn Văn Lý, tại làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng mà thọ giáo với ông đồ Hoành.

                  Tháng hai năm Ất Vị (1835), thi hương ở Gia Định, Nghĩa đậu Giải Nguyên, tiếng tăm lừng lẫy. Hộ trưởng Lý rất mừng, dọn tiệc khoản đãi và ngỏ ý cho người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Tồn về nâng khăn sửa trắp.

                  Nghĩa xin thưa cùng cha mẹ rồi sẽ tính việc hôn nhân.

                  Thi đỗ rồi không bao lâu, Nghĩa được bổ làm Tri huyện tại phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Nghĩa kết duyên với Nguyễn Thị Tồn, lịnh ái hộ trưởng Lý.

                  Ở Biên Hòa được ít lâu, Nghĩa lại được triều đình thuyên chuyển đến trấn nhậm tại phủ Trà Vang (Trà Vinh), tỉnh Vĩnh Long, tùng sự dưới quyền Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện.

                  Nghĩa tánh tình cang trực, chẳng bợ đỡ ai, mà cũng chẳng tư vị ai, từng đánh đòn cậu công tử ỷ mình là em vợ Bố chánh Truyện mà xấc xược với Nghĩa. Và cũng vì tính ngay thẳng thanh liêm mà Nghĩa che chở công lý bị cường quyền đè nén, rồi vì đó Nghĩa mới bị quan trên hãm hại.

                  Đền thờ và mộ Bùi Hữu Nghĩa sau lần trùng tu năm 1987

                  Khi vua Gia Long còn là chúa Nguyễn Ánh, bị Tây Sơn đánh đuổi, nhờ dân Cao Miên ở Trà Vang quyên giúp lương hướng rất nhiều và phần đông cũng có tùng quân đánh giặc nữa. Đến khi tức vị (1802), vua Gia Long nhớ ơn xưa, xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn thủy lợi nơi rạch Láng Thé cho dân Thổ hưởng nhờ chung.

                  Dè đâu có tên khách trú vận động lo lót với Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện là quan đầu tỉnh Vĩnh Long, mua được thủy lợi Láng Thé.

                  Mệ sóc và các hương mục Thổ kéo nhau đến kiện với Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa. Nghĩa xử rằng: “Việc tha thủy lợi là ân huệ của vua Thế Tổ; nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao”.

                  Dân Cao Miên tức thì mừng rỡ, phá đập bửa rọ của tên khách trú kia. Hai đàng gây cuộc huyết chiến, rốt cuộc có bảy tám tên khách trú bị chém chết.

                  Dân Thổ bị bắt, Tổng đốc và Bố chánh bắt luôn Thủ khoa Nghĩa gởi về Gia Định, rồi đệ sớ về Triều, cáo quan huyện về tội tự tiện giết người.

                  Trước nỗi ức tình ấy, bà Thủ khoa một mặt ra tận Huế thân oan, một mặt nhờ quản Kiệm, em bạn dì của Thủ khoa, lo việc ăn cắp tờ chiếu của Triều đình Huế gửi vô dạy xử tội Thủ khoa, mà giấu đi, cho đủ ngày giờ đi tới Huế minh oan.

                  NƠI TÒA TAM PHÁP

                  Bà thủ khoa xuống Mỹ Tho kiếm ghe bầu chịu tiền quá giang ra Huế.

                  May mắn thay cho Thủ khoa và bà vợ, vì lúc ấy Phan Thanh Giản làm Lại bộ Thượng thơ tại trào.

                  Đến nơi, bà Thủ khoa tìm dinh quan Thượng Thơ tỏ nỗi hàm oan của chồng, tường thuật sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long và tỏ ý mình muốn đến Tam Pháp Ty kêu oan. Phan Thanh Giản bèn chỉ biểu đường đi nước bước và làm giúp bà một tờ trạng tỏ nỗi khúc oan.

                  Bà học thuộc lòng tờ trạng, rồi đêm kia, lối canh năm, bà đến đền vua, nổi ba hồi trống. Vua Tự Đức lâm triều, thâu đơn của bà rồi giao cho Bộ Hình thẩm xét. Bộ Hình lấy cung chiêu thẩm định rồi tuyên án Thủ khoa như vầy: “Tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tử hình, song phải quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội”.

                  Từ Dũ Thái Hậu đòi bà Thủ khoa vô cung, tỏ lời khen và ban cho một tấm biển đề bốn chữ vàng: “Liệt phụ khả gia”.

                  Sau bà Thủ khoa về ninh gia tại Biên Hòa rồi bị bịnh tạ thế nơi đó.

                  Khi bà tạ thế thì Nghĩa mắc trấn nhậm ở Châu Đốc, nên phải quàn bà lại rất lâu, đợi Nghĩa về đọc một bài văn tế lâm ly thống thiết rồi mới an táng tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa.

                  ĐOẠN ĐỜI CUỐI CỦA THỦ KHOA NGHĨA

                  Khỏi tội chết chém, Nghĩa bị đổi đi làm chức thủ ngữ ở Vĩnh Thông (Châu Đốc) đánh dẹp dân Cao Miên làm loạn. Giặc yên đặng ít lâu, lại nổi lên làm phản nữa. Chuyến nầy, Nghĩa với quan quân bị bắt rất nhiều, song Nghĩa được tha trở về Tịnh Biên.

                  Thấy nhiều kẻ xu quyền phụ thế, quan lại quá ư tham tàn, Nghĩa xin hồi hưu trở về quê quán tại Bình Thủy (Cần Thơ), mở trường dạy học, vui thú thanh nhàn.

                  Nguyễn Thị Tồn

                  Từ Vĩnh Long ra tận đế đô kêu oan cho chồng, được đức Từ Dũ Thái Hậu khen ngợi

                  Nhắc đến cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa mà không nhắc đến người bạn trăm năm của cụ với lòng kính mộ, thì là một sự khiếm khuyết. Bà Thủ khoa Nghĩa thật đáng phục là người tận tụy với chồng, ít có ai hơn. Thảo nào về sau cụ Thủ khoa Nghĩa chẳng thống thiết tỏ lòng thương tiếc Bà trong mấy áng văn bất hủ.

                  Bà Thủ khoa Nghĩa nhũ danh là Nguyễn Thị Tồn, con ông Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý ở làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa. Thân phụ Bà đã nuôi cụ Bùi Hữu Nghĩa ăn học đến thành tài, và gả Bà, khi cụ Thủ khoa xuất chính làm Tri huyện Phước Long (Biên Hòa).

                  Ít lâu, chồng đổi xuống tỉnh Vĩnh Long trấn nhậm phủ Trà Vang (Trà Vinh), Bà theo chồng, chăm lo cho chồng chu đáo.

                  Bấy giờ, có người em vợ Bố chánh Truyện rất xấc xược du đãng. Cụ Thủ khoa bắt, phạt trượng. Do đó, sinh sự thù hiềm.

                  Sau, nhân có việc dân Miên bất bình thượng cấp làm điều trái phép, cụ Thủ khoa lại can thiệp. Nguyên từ trước, chúa Nguyễn Ánh bôn ba tẩu quốc, từng nhờ đám dân Miên ở Trà Vinh giúp lương thực và tòng quân trợ lực. Đến khi lên ngôi, nhớ ơn ấy, nhà vua xuống chiếu miễn thuế thủy lợi cho dân Miên. Ít lâu, có nhóm người Huê kiều lo lót với Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện, mua thủy lợi ấy.

                  Ức lòng, các hương mục người Miên kéo nhau đến dinh môn cụ Thủ khoa để kiện. Cụ xử: “Việc xá thuế thủy lợi là ơn huệ của Đức Cao hoàng ban ân bố đức cho dân Miên, nay ai nhỏ hơn Đức Cao hoàng mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao”.

                  Dân Miên nghe xử, bèn phá đập của nhóm Huê kiều. Đôi bên gây hấn, chém nhau, chết mất 8 người Huê kiều.

                  Đám dân Miên bị bắt mà cụ Thủ khoa cũng bị Tổng đốc và Bố chánh khép vào tội chủ mưu, áp giải lên Gia Định, rồi đệ sớ về Triều, cáo tội cụ lạm phép.

                  Bà Thủ khoa lặn lội ra tận đế đô (Huế), trước vào yết kiến cụ Thượng thư Bộ Lại Phan Thanh Giản tại tư dinh, sau thẳng đến Tam Pháp Ty gióng ba hồi trống kêu oan. Tờ trạng của Bà được đệ lên nhà vua. Vua Tự Đức giao cho Tam Pháp Ty xét xử.

                  Tam Pháp Ty gồm có nhân viên cao cấp của Bộ Hình, Đô sát viện và Đại lý, lập tức nhóm họp. Chính vua Tự Đức chung thẩm bản án như sau: “Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, song phải sung quân, lập công chuộc tội”.

                  Riêng Bà, được đức Từ Dũ Thái Hậu (thân mẫu vua Tự Đức), phong tặng tấm biển đề 4 chữ “Liệt phụ khả phong” và tặng cho cái võng, trên có 4 cái gang.

                  Cứu được chồng khỏi chết, nhưng vẫn phải chịu đau lòng cách biệt chồng lúc sung quân, Bà về thẳng quê nhà ở Biên Hòa. Chẳng mấy tháng Bà vương bệnh qua đời!

                  Mộ Bà tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa. Hiện nay nơi làng Long Tuyền (Bình Thủy), có thờ linh vị hai Ông Bà trong ngôi chùa 18 do môn đệ của cụ Thủ khoa là Nguyễn Giác Nguyên xây dựng.

                  Cụ Thủ khoa sau đó tỏ cảm tình tha thiết với Bà: “Đất chẳng phải chồng, sao nỡ thịt xương hòa với đất; Trời không chết vợ, đặng coi gan ruột thử cho Trời”.

                  Chưa tỏ hết sự đau lòng thương cảm người vợ đã trọn tình, trọn nghĩa với mình, Cụ Thủ khoa viết thêm đôi liễn thờ: “Ngã chi bần khanh độc năng trợ, ngã chi oan khanh độc năng minh, triều quận công xưng khanh thị phụ; Khanh chi bệnh ngã bất đắc dưỡng, khanh chi tử ngã bất đắc táng, giang san ưng tiếu ngã phi phu”.

                  Phan Văn Trị (Cử Trị) 1830-1908

                  Người đả kích Tôn Thọ Tường hăng nhất, nêu cao tiết tháo thanh bần, bất khuất.

                  Trong hàng khoa bảng xuất thân, dùng ngọn bút sâu sắc đả kích những ai phản bội quyền lợi nhân dân, Tổ quốc, không ai bằng Cử Trị. Không cầm súng thì cầm bút, trọn đời ông, văn chương chỉ là phương tiện để ông gián tiếp đóng góp tâm huyết với quốc gia trong khi bao chiến sĩ quê hương đã đem xương máu đền đáp ơn tấc đất ngọn rau nước tổ.

                  Ông sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Hanh Thông, tỉnh Gia Định. Thông minh đĩnh ngộ, ông nổi tiếng anh tài. Năm 20 tuổi (Kỷ Dậu 1849) ông đỗ cử nhân, nên tục thường gọi là Cử Trị.

                  Đường khoa danh đã hiển đạt, nhưng ông không muốn dấn bước chốn quan trường, sống ung dung ngoài vòng cương tỏa, sinh nhai với nghề y và dạy học. Lúc nào ông cũng biểu lộ phong thái của bậc người khoáng đạt, gìn tiết tháo.

                  Năm 1862, quân đội Pháp dấy động, chiếm Gia Định, Ông xuống Vĩnh Long lánh thân. Cùng với các sĩ phu tiết nghĩa như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt v.v… ông đứng vào hàng ngũ bất hợp tác với Pháp, cực lực đả kích những ai đã xu thời cầu mị.

                  Rồi nhìn thấy đất nước ngày một bị cai trị dưới ách ngoại bang, mà phần đông sĩ phu đã trở mặt theo về hợp tác với tân trào, đại diện điển hình là Tôn Thọ Tường, ông nổi lòng công phẫn, mài bút bén như gươm, bút chiến hào hùng, khiến người người khâm phục. Cho đến nỗi Tôn Thọ Tường cũng tự cảm thấy hổ thẹn, thu mình lại trong những bài than thân như “Tôn phu nhân quy Hán”, “Từ Thứ quy Tào” v.v… vẫn chẳng khỏi bị ông đanh thép chê trách qua những bài thơ họa lại, ý vị thâm trầm sâu sắc.

                  Khu đền thờ và mộ Phan Văn Trị

                  Ý chí rắn rỏi, ông cương quyết tranh đấu đến cùng. Dưới mắt ông, phe phái Tôn Thọ Tường như không có, và ông cho đó là cái nhục của dân tộc. Từ lúc ông ngâm câu “Tan nhà cảm nỗi câu ly hận, cắt đất thương thay cuộc giảng hòa”, ông sống cuộc đời thanh bần ẩn dật. Nghe đâu có bậc sĩ phu cao khí tiết, lập tức ông tìm đến giao du, cùng nhau hoạch định phương chước cứu quốc. Nghe đâu có hào kiệt khởi nghĩa, ông nhiệt thành khích lệ.

                  Khi ông ở ẩn nơi Phong Điền (Phong Dinh), ông thường rong thuyền câu, thinh thinh sông rộng trời cao dải tấm lòng u sầu, uất hận, đau nỗi quốc phá gia vong:

                  “Xem hết nhơn tình rồi nghĩ nghị,

                  Thú vui chỉ có một thuyền câu.”

                  Hoặc:

                  “Người hỡi Nghiêm Lăng có biết chăng,

                  Lòng ta ý gã đố ai bằng”.

                  Thấy Đinh Sâm vùng lên kháng Pháp, giết vị Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh, được dân chúng hưởng ứng, ông ủng hộ tinh thần ngay. Đến khi Đinh Sâm dần dần hao mòn lực lượng mà thất cơ bại sự, ông than thở khôn cùng.

                  Tuổi càng già lòng ông càng đau đớn trước cảnh non nước bị đặt vào guồng cai trị của ngoại bang. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng ở tương lai đất nước, tinh thần bất khuất của dân tộc, mong mỏi trời Nam đất Việt sẽ rực rỡ màu xuân. Tâm sự ông hoàn toàn ký thác trong 10 bài cảm hoài, giãi tỏ lòng cùng các thế hệ sau, muôn thu đồng vọng mãi.

                  Đinh Sâm

                  Lãnh tụ kháng chiến vùng Ba Láng – Trà Niềng

                  Một khi đất nước rên mình quằn quại dưới gót xâm lăng, nghĩa vụ công dân bắt buộc những người con đất nước đều phải đứng lên bảo vệ quê hương, cứu nguy dân tộc. Tiếng súng liên quân Pháp – Ý nổ rền trên mảnh đất miền Nam, nhân dân cũng vùng lên chiến đấu hào hùng, nào có cam tâm khuất phục chi đâu. Dù khi Hòa ước 1862 đã ký kết, nhượng giao 3 tỉnh miền Đông, vẫn còn biết bao cuộc khởi nghĩa của sĩ phu trong Nam. Rồi đến 3 tỉnh miền Tây cũng bị Pháp thôn tính luôn, hào kiệt miền Tây cũng quật khởi phản kháng oanh liệt, khiến kẻ xâm lăng lắm phen phải kinh hồn.

                  Các cuộc quật khởi của sĩ phu miền Tây, đầu tiên phải kể ba người con của cụ Phan Thanh Giản là Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Ngữ huy động nghĩa binh kháng chiến ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh (sau bại trận ở Nam, lại chạy ra Bắc hợp lực với Nguyễn Tri Phương kháng cự binh Pháp tại Hà Nội năm 1873). Lòng trung dũng của ba người con cụ Phan, khích động và mở màn các trận chiến đấu của nhân dân miền Tây, đã khiến cụ Nguyễn Đình Chiểu vừa khâm phục vừa cảm khái:

                  “Trống nghĩa Bảo an nghe sấm động,

                  Cờ thù công tử dậy can qua”

                  Rồi thì noi gương ấy, dân chúng tự động kháng chiến khắp miền Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh.

                  Riêng Cần Thơ, bấy giờ mang danh là huyện Phong Phú khoảng năm 1868, có cuộc khởi nghĩa hào hùng của Đinh Sâm rất đáng kể.

                  Quân đội Pháp từ khi chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây, liền thiết lập cơ cấu hành chánh trên các vùng chiếm đóng. Buổi đầu cai trị, họ mua chuộc một số đông tay sai, dùng chính sách đàn áp làm căn bản để siết chặt dân chúng vào vòng phục tùng. Đám người đã cam tâm phục vụ đắc lực cho họ, không hề từ chối một cuộc tẩy trừ thẳng tay nào đối với sức mạnh vùng lên của nhân dân. Để lấy lòng quan thầy, đám tay sai thân tín ấy tha hồ tác oai tác phúc đồng bào, cốt sao dẹp yên được phiến loạn để tâng công là hơn hết.

                  Vị Cai Tổng Định Bảo thời ấy là Nguyễn Văn Vĩnh, nghiễm nhiên là một hung thần đối với dân chúng trong vùng 19. Ai muốn sống còn thì hãy cứ răm rắp cúi đầu tuân theo mạng lịnh của ông. Ai tỏ vẻ trái ý một chút gì, lập tức mang tai họa ngay. Dân chúng ngậm miệng căm hờn!

                  Trong tình thế đó, một thanh niên hữu chí đứng lên thay mặt dân chúng trong vùng nói riêng, toàn dân nói chung, gióng lên tiếng trống khởi nghĩa, nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc. Đinh Sâm! Đinh Sâm! Tên tuổi vị thanh niên ấy được nhân dân truyền miệng nhau ca tụng hoan hô.

                  Địa điểm phát xuất của cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Láng 21 Trà Niềng 22 (địa danh nầy khi xưa gọi là Láng Hầm). Vì Đinh Sâm đáp ứng đúng với nguyện vọng của dân chúng, nên đã được ủng hộ nhiệt liệt. Thanh thế lẫy lừng ngay trong buổi đầu xướng nghĩa.

                  Rạch Trà Niềng ở Phong Điền

                  Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh thấy nguy, vừa sợ vừa lo, chưa biết phải liệu lẽ nào, thì tiếp được những lời cảnh cáo của Đinh Sâm, khuyên hãy bỏ quan mà lui đi, sẽ được tha thứ cho tội lỗi trước, bằng kháng cự thì sẽ không toàn tánh mạng. Cai tổng tuy sợ nhưng vẫn tham quyền cố vị, cậy có súng nhiều và có lời hứa thưởng của quan thầy, nên lại thẳng tay đàn áp. Nhưng phen này Cai tổng Vĩnh đã gặp phải sức đề kháng quyết liệt.

                  Dưới sự chỉ huy của Đinh Sâm, một toán nghĩa quân bất thình lình xuất hiện bao vây tư thất cai tổng Vĩnh, tràn vào bắt giết đi, nổi lửa đốt nhà.

                  Tin cấp báo đến quan trên. Quân đội Pháp kéo vào xung kích với nghĩa quân. Đinh Sâm đã rút lui trước, chờ dịp sẽ đương đầu. Quân Pháp và đám tay sai của chúng ra oai “làm cỏ” một vùng đã dám chống chọi với chúng. Khói lửa mịt trời Ba Láng, Trà Niềng.

                  Tuy nhiên, dân chúng vẫn kính mộ Đinh Sâm. Phần đông đều theo Đinh Sâm kháng chiến, chạm trán với quân Pháp nhiều trận dữ dội. Quân Pháp càng đàn áp mạnh hơn. Cuối cùng sức yếu thế cô, Đinh Sâm và đám nghĩa quân trung kiên đền xong nợ nước trong một trận tử chiến oanh liệt.

                  Nguyễn Thần Hiến (Hội đồng Hiến) 1857-1914

                  Hy sinh thân thế vì Cách mạng

                  Tỉnh Cần Thơ xưa đã từng có vị cai tổng từ chức, ở ẩn vui thú văn chương cho lòng đỡ xốn xang trong cảnh bị trị, thì cũng có một vị Hội đồng cao khí tiết hơn thế nữa. Vị Cai tổng Lê Quang Chiểu, chúng tôi đã ghi rõ vài nét tiểu sử. Nếu các thế hệ sau vẫn thấy cảm mến được tâm hồn Cai tổng Chiểu, hẳn sẽ càng tăng lòng kính mến bội phần đối với vị Hội đồng Nguyễn Thần Hiến.

                  Thật ra, cụ Hội đồng Hiến vốn người tỉnh Hà Tiên, nhưng cụ đã từng dời sang ở Cần Thơ, nay hãy còn miêu duệ của cụ nơi đây (Bác sĩ Nguyễn Như Giu chính là cháu nội của cụ), nên chúng tôi thành kính ghi chép tiểu sử cụ vào tỉnh Cần Thơ.

                  Hội đồng Hiến tên thật là Nguyễn Như Khuê, đến lớn mới đổi là Nguyễn Thần Hiến tự Phát Đình, hiệu Chương Chu. Người làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên. Con cụ Kinh lịch Nguyễn Như Ngươn và Bà thứ thất Huỳnh Thị Chu tự Thoại Liên.

                  Ông nổi tiếng thông minh, cường ký, được xưng tặng là “Tiểu Táu tài” hoặc “Trương Tòng tái thế”. Năm 17 tuổi Ông cưới vợ, được một năm thì vợ mất sau khi sanh mới 3 ngày để lại một gái là Nguyễn Thị Ngoạn. Vì sự đau đớn này, ông bèn chuyên tâm học thuốc, cho nên Ông cũng tinh thông y lý.

                  Chịu cảnh gà trống nuôi con trong ít lâu, ông tục huyền với Bà Huỳnh Thị Đắt, sinh một gái là Nguyễn Thị Mân và một trai là Nguyễn Như Bích. Về sau, khi cha mẹ đều đã qua đời, Ông dời nhà về ở Cần Thơ.

                  Nhà giàu có, tính khẳng khái, hào hiệp, lại có lòng yêu nước, Ông ngầm giao du với các chí sĩ Trung, Bắc.

                  Chân dung Nguyễn Thần Hiến

                  Xuất chính làm đến Hội đồng địa hạt Hà Tiên, nhưng Ông không tham quyền quí, chí dốc hy sinh cứu dân cứu nước. Vì càng giẫm chân vào chốn hoạn trường, tiếp xúc với hàng quan lại thực dân chừng nào, Ông càng nhận rõ chân tướng của họ mà ngao ngán. Ý chí hơn người, tâm huyết có thừa, đời nào Ông chịu được sự khom lưng vào luồn ra cúi. Đau chung cái đau của sĩ phu căm hờn tủi nhục vì nước mất, dân tộc bị vướng ách làm thân trâu cày ngựa cỡi, lòng Ông lúc nào cũng hướng nhìn Tổ quốc, hướng về đồng bào mà nguyện quyết hy sinh.

                  Từ năm 1902 là năm thân mẫu Ông mất, Ông dời nhà về Cần Thơ, rồi viện cớ bận cư tang đái hiếu, mà từ chức Hội đồng. Thế là Ông đã dứt khoát tỏ tâm chí, không khứng phục vụ chính quyền của đám thực dân dưới lốt bảo hộ, và cũng từ đây, Ông nguyện dấn thân trên đường cách mạng, hy sinh thân thế, hầu tranh đấu đòi lại chủ quyền đất nước, hun đúc tinh thần đồng bào trong cuộc duy tân tự cường.

                  Đến tháng giêng năm Giáp Thân 1904, Ông hội kiến lần thứ nhất với cụ Phan Bội Châu tại Sa Đéc. Cuộc mật đàm càng khiến Ông thêm nồng tấm tình yêu non sông đất tổ, thương xót giống nòi, hăng hái hơn lên trên đường nghĩa vụ.

                  Tán thành phong trào Đông Du, Ông sáng lập trong bí mật một học hội, mang tên là “Khuyến du học hội”, đem một phần lớn gia tài giúp vào quỹ du học sinh, để đào tạo cán bộ cho nước nhà mai sau. Để làm gương, Ông cho ngay người con trai ông là Nguyễn Như Bích sang Nhật du học trong đợt đầu. Do đó, sĩ phu miền Nam cảm khích, cùng nhau ngầm hưởng ứng khá nhiều.

                  Cố nhiên Ông không khỏi bị nhà đương cuộc Pháp theo dõi, dòm chừng động tĩnh của ông. Trước kia, nào phải ông tham gì danh lợi mà ra làm quan. Cũng bởi nhà cầm quyền có ý nghi ngờ ông từ lâu, toan buộc ông vào vòng để dễ kiểm soát và để mua chuộc ông dần dần, nên mới cố ý, cố tình cử ông làm Hội đồng. Ông cũng tự biết mình đã bị nghi ngờ, nên lúc ấy mới đành nhận chịu cho qua. Kịp khi ông từ chức, ông càng hiểu hơn ai rằng, từ nay, màng lưới trinh sát của nhà cầm quyền Pháp sẽ chực sẵn để chụp lấy Ông, khi chúng đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng.

                  Biết như thế, nhứt cử nhứt động ông đều dè dặt, khôn khéo tránh né mỗi khi bị hỏi săn hỏi đón. Một mặt ông sắp đặt cuộc xuất dương, vì liệu trước phải cao bay xa chạy, mới mong làm được việc.

                  Đã quyết ý, ông chuẩn bị lên đường. Khoảng năm 1908, ông lén xuất dương, sang Trung Hoa, Nhật Bản rồi sang Thái Lan (Xiêm). Thời kỳ lưu trú ở Thái Lan, ông cùng với cụ Phan Bội Châu thuyết phục Thiệu Quảng Thiền Sư tục gọi Thầy Rau, một đồng bào người Bến Tre tu hành ở Thái Lan, khiến Thiệu Quảng Thiền Sư cảm khích, trở về nước quyên tiền giúp du học sinh đang lâm cảnh chật vật ở Vọng Các. Xong việc này, ông lại sang Trung Hoa.

                  Nặng lòng vì Tổ quốc, ông hy sinh chẳng quản ngại gì, gót chân bôn ba hầu khắp, nhiệt thành làm tất cả mọi việc mà đồng chí tin cẩn giao cho. Lúc nào ông cũng hăng say với nhiệm vụ.

                  Trải 5 năm dấn thân ở các nước ngoài để vận động tranh thủ độc lập cho nước nhà, ông nêu cao tấm gương cần lao, nhẫn nại, nhiệt thành lo lắng cho tiền đồ Tổ quốc, đồng bào, khiến hầu hết anh em đồng chí đều cảm mến ca ngợi tinh thần hy sinh phục vụ của ông.

                  Đến cuối năm 1913, khi ông cùng Huỳnh Hưng vận chuyển một số tạc đạn đã mua được ở Hương Cảng, ông bị chính quyền địa phương bắt giải giao cho Pháp, rồi bị đưa về nước, đem giam ở khám Hà Nội.

                  Lê Quang Chiểu (Cai tổng Chiểu)

                  Một người không màng danh lợi, can đảm từ quan để cùng chia đau khổ với đồng bào trong cảnh bị trị

                  Nơi tiểu sử Đinh Sâm, chúng tôi đã nói đến một hạng Cai tổng hét ra lửa trong thời người Pháp mới thiết lập guồng máy cai trị ở xứ này. Dựa hơi quan thầy, họ đã làm mưa làm gió, khiến dân chúng điêu đứng căm hờn, dần dần phải ngã theo với những ai biết đứng lên nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc. Đại diện hạng người tay sai ra sức đàn áp đồng bào ấy, chúng ta đã biết qua về vụ Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh với Đinh Sâm. Nhưng, lại còn một hạng Cai tổng khác đáng mến vô cùng, không hạch sách để bóc lột dân mà trái lại còn thương dân và hằng che chở cho, rồi đến khi nhìn thấy rõ chân tướng của thực dân, thì chẳng ngần ngại gì mà từ chức ngay. Ấy là vị cai tổng Lê Quang Chiểu, tục gọi Cai tổng Chiểu, một viên quan đáng mến về mặt đức độ, mà cũng đáng ca tụng về mặt văn học.

                  Lê Quang Chiểu người xã Phong Điền (Cần Thơ), quận Châu Thành, ông sinh năm 1853. Khi ông vừa đến tuổi thành niên thì mắt đã từng chứng kiến cảnh khói lửa chiến tranh mịt trời mảnh đất quê hương, lòng ông hẳn cũng đã từng chua xót, lòng tự hỏi mình đã làm được gì cho đất nước lúc nguy nan?

                  Sáu tỉnh Nam kỳ thuộc Pháp! Huyện Phong Phú (Cần Thơ) bắt đầu thành lập tỉnh từ năm 1868, và cũng chính trong năm này cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm xách động dân chúng Ba Láng, Trà Niềng cùng đứng lên, hẳn cũng từng khiến ông băn khoăn nghĩ ngợi nhiều.

                  Tuy nhiên, hơn Tôn Thọ Tường một bậc, Ông vẫn hằng đứng về phe sĩ phu như Đồ Chiểu, Cử Trị, cụ Tuần phủ về hưu Huỳnh Mẫn Đạt. Ông công khai tỏ ý ấy trong 10 bài họa thơ Cử Trị về thời cuộc nước nhà, lời lẽ thiết tha mến nước thương nhà. Ngoài ra, ông cũng thường họp bạn văn chương, xướng họa văn thơ tao nhã.

                  Rồi càng đắm mình trong dòng suy tư, dần dần chán đường công danh, nhất là công danh không tốt đẹp gì dưới danh nghĩa phục vụ ngoại bang, ông càng quả quyết phải tách mình ra khỏi chốn hoạn trường, để giữ thân tâm được trong sạch, sao cho không hổ thẹn với sĩ phu trong cơn quốc phá gia vong

                  Đã quyết định, ông thi hành ngay ý định, nạp đơn xin giải chức. Trong 10 bài “Tự thuận giải chức”, ông có mấy câu thấm thía:

                  Dây ben máng cánh thêm ràng buộc,

                  Mộc ký đeo lưng khó khỏe hòa.

                  Thế là ông cởi phăng dây ben tam sắc (biểu tượng chức vụ Cai tổng) và giao trả mộc ký (con dấu) lại cho chánh phủ Bảo hộ, lui về vườn cũ cỏ hoa, sống cuộc đời ẩn dật. Phong thái của ông như thế, khiến được các sĩ phu cảm mến phần nào.

                  Khoảng năm 1903, ông cho xuất bản tập “Quốc âm thi hiệp tuyển” gồm có thi ca của ông và của các sĩ phu miền Nam. Bộ sách nầy kể cũng xứng đáng cho văn học giới hoan nghênh, vì hầu hết là những áng thơ hay, có ý vị.

                  Cho nên, người đời sở dĩ còn nhắc đến ông mãi, vì thái độ ấy dù sao cũng đẹp hơn Tôn Thọ Tường nhiều.

                  Dân Chi Phụ Mẫu Phan Văn Chi (Nguyên Đốc phủ sứ)

                  Trong thời đại nào, bất cứ ở địa phương nào, trong đám “cha mẹ dân”, nếu lắm người sâu dân mọt nước, trái lại cũng có vị đạo đức thanh liêm.

                  Bởi thế cho nên, Đức Khổng Tử mới than: “Hà chánh mãnh ư hổ”: chánh sách bạo ngược dữ hơn cọp!

                  Năm 1945, khi Việt Nam thay đổi chánh quyền, tại miền Nam, ngót mười viên quan cao cấp hành chánh bị “thanh toán”, một bài học hay cho những ai dựa oai thế Thực dân bóc lột đồng bào.

                  Nói về nhân vật tỉnh Cần Thơ xưa và nay, chúng tôi thấy có phận sự đề cao một công bộc gương mẫu, đảm nhiệm chức vụ chủ quận Trà Ôn và sau làm Phó tỉnh trưởng Châu Thành. Suốt mười năm làm việc, ông được các quan cai trị người Pháp kính nể yêu vì, và nhân dân mến phục.

                  Ấy là cố Đốc phử sứ Phan Văn Chỉ.

                  Không bao giờ thiên hạ đồn ông thọ lãnh trái cam nải chuối của ai, đừng nói chi tiền bạc, và trong lúc thi hành chức vụ cũng như đối xử với đồng bào, ông thật không hổ với vị tiền bối họ Phan, Kinh lược Nam kỳ, cụ Phan Thanh Giản và cũng xứng với bốn chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán” mà vua Tự Đức đã ban cho cụ Phan.

                  Lúc bấy giờ, vào năm 1934-35, quận Trà Ôn bị nạn cường hào quấy nhiễu, mà lão ác bá “nổi danh một thời” còn coi ông tỉnh trưởng không có kí nào thay, đừng nói chi tới ông phó quận nhỏ nhen! Mấy ông nầy khi có điều gì không vừa lòng lão, lão lên Sài Gòn một chuyến là ông quận rương tráp đổi đi lẹ lẹ: lão chơi thân với Toàn quyền Pasquier kia mà!

                  Thế mà lão ác bá hách dịch, mưu mô lại không làm gì được ông chủ quận họ Phan? Bởi sao? Là vì ông Nouailhetas, tỉnh trưởng Cần Thơ là người thân tín của Pasquier, mà ông Phan thì được Nouailhetas hiểu biết quá nhiều.

                  Thế nên, dầu ở trong hang hùm, ngồi kề nọc rắn, song nhờ chánh sách khôn ngoan, chống không chống, thân không thân, chẳng ai mua chuộc được. Thanh liêm, công bình, nhân đạo, không có chỗ nào sơ hở nên ông Phan vẫn an như bàn thạch.

                  Noi gương thanh liêm của ông, tổng làng trong lúc thừa hành công vụ cũng ngay thẳng đàng hoàng, người dân sống yên ổn sung sướng.

                  Thời buổi ấy, quận Trà Ôn đáng kể là hạng nhứt trong năm quận Cần Thơ: Cái Răng (Châu Thành), Ô Môn, Phụng Hiệp nằm ở hữu ngạn sông Hậu Giang và Trà Ôn, Cầu Kè ở tả ngạn.

                  Năm 1938, ông Phan Văn Chỉ đắc lịnh đổi qua trấn nhậm quận Châu Thành, làng xã, nhân dân trình lên chủ tỉnh nhiều lá đơn, thỉnh cầu lưu ông ở lại quận Trà Ôn. Không được toại nguyện, họ theo đưa ông đông đảo, long trọng, trên đường dài suốt hai mươi cây số ngàn, từ quận Trà Ôn đến Châu Thành.

                  Năm 1942, một bọn người quá khích chiếm công sở Phú Hữu, đốt sổ bộ, phá phách tủ bàn. Làng báo quận, vì nhiệm vụ ông Phan đi với một toán lính đáp thuyền máy qua Phú Hữu, bắt vài người, chở về Cần Thơ.

                  Mật thám Pháp hỏi ông: “Sao không cho lính “bắn bỏ” mấy người ấy, đạp xuống sông”.

                  Ông nghiêm nghị đáp: “Họ có tội hay không thì để cho pháp luật xét xử! Bắn giết người, đó không phải phận sự của quan hành chánh”.

                  Năm 1946, lúc Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng Nam kỳ tự trị, ngài dùng ông Phan Văn Chỉ làm Đổng lý văn phòng.

                  Bác sĩ Thinh từ trần, ông Đổng lý từ chức. Sau đó, ông Trần Văn Hữu làm Tổng trấn kế làm Thủ tướng, nhiều phen mời ông Phan Văn Chỉ giữ một bộ trong nội các, nhưng ông một mực khước từ.

                  TẠM KẾT

                  Để tạm kết qua phần Danh nhân, chúng tôi thấy trong quá khứ còn nhiều nhân vật quan trọng, đã dày công tô điểm lịch sử tỉnh Cần Thơ. Những nhân vật nầy chưa được ghi chép đầy đủ vì sự khiếm khuyết của ngành sử học trong thời gian qua. Chúng tôi tin rằng với sự nghiên cứu của những nhà chuyên môn và sự tham gia của những người yêu sử học ở Cần Thơ, lần hồi đưa ra ánh sáng nhiều tấm gương tranh đấu, kiến quốc, từ lâu chưa được nêu lên.

                  Suốt thời gian trên đường tẩu quốc của chúa Nguyễn Ánh, khắp miền Nam đã có biết bao anh hùng chí sĩ địa phương ra phò tá, lập được nhiều chiến tích đáng nêu gương. Qua trào người Pháp đến xâm chiếm ba tỉnh miền Tây, Cần Thơ là nơi ung đúc nhiều chánh khách, những nhà cách mạng chân thành nặng lòng vì tổ quốc, đứng trên lập trường dân tộc, nổi lên phản kháng chế độ tham tàn của thực dân Pháp. Bọn cai trị liền đàn áp dữ dội, lớp bị tù đày, chết chóc, lớp khác lưu vong ra hải ngoại v.v…

                  Nhưng thiết tưởng lịch sử là vấn đề phê phán lâu dài, chờ yếu tố thời gian. Chúng tôi chưa dám vội nêu danh các vị ấy, hoặc viết tiểu sử, e quá sức và có lẽ chính các vị ấy cũng không muốn.

                  Đánh giá


                  Chuẩn bị cho chuyến đi của bạn

                  [wp_show_posts id="9655"]