Well-Being

Thoát khỏi “cạm bẫy đích đến” để thấy hạnh phúc

Mỗi lần ta đạt được mục tiêu, tưởng chừng hạnh phúc sẽ mãi bên ta, thì rào cản lại xuất hiện. Đó là cuộc rượt đuổi bất tận

Thoát khỏi cạm bẫy đích đến để thấy hạnh phúc
Theo Bigthink
18 views

Từ thuở bé, ta luôn được dạy bảo rằng sẽ có một ngày ta vươn tới “đích đến”. Chỉ cần đạt điểm cao, vào được trường tốt, tìm được việc ổn, kiếm tiền giỏi là ta sẽ viên mãn. Ngay cả khi trưởng thành và nhận ra cuộc sống không đơn giản như vậy, ta vẫn thường tự nhủ rằng nếu ta đạt được hợp đồng mới, khách hàng mới, vị trí mới… thì cuối cùng ta sẽ hạnh phúc.

Cạm bẫy đích đến

Tiến sĩ Tal Ben-Sharhar tại Đại Học Harvard gọi hiện tượng này là “cạm bẫy đích đến”. Mỗi lần ta đạt được mục tiêu, tưởng chừng hạnh phúc sẽ mãi bên ta, thì rào cản lại xuất hiện. Khi cuộc rượt đuổi dường như bất tận, khi ta liên tục tìm kiếm cảm giác hạnh phúc chẳng thể nào nắm bắt, ta dần cảm thấy kiệt sức và bắt đầu chất vấn mục đích của cuộc sống này.

Bởi lẽ, nếu thành công bên ngoài (giàu sang, địa vị, thành tựu) không thể mang lại cảm giác thành công nội tại (niềm vui, khỏe mạnh, viên mãn), vậy thì nỗ lực và tham vọng có ý nghĩa gì? Khi những gì ta hằng mong muốn lại chỉ đưa ta trở về trạng thái cảm xúc ban đầu thì đâu là đích đến?

Vài dòng suy ngẫm

Những năm trước, tôi nhận ra không chỉ mình có suy nghĩ này. Gần như ở khắp nơi, ta đều bắt gặp những người lạc lối và giận dữ. Lạc lối bởi chẳng còn đích đến nào nữa; giận dữ bởi ta đã bỏ tiền, vào đại học, đi làm, hoàn thành mọi việc cần làm – nhưng ta vẫn chẳng thể chạm tới cảm giác hạnh phúc mà ta luôn theo đuổi.

Chính suy nghĩ đó khiến nhiều người bỏ cuộc, rút lui, lặng lẽ nghỉ việc hay rời bỏ công ty. Khi hiện tượng này xảy ra trên diện rộng, ta gọi đó là “Đại Thôi Việc”. Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là làn sóng nhất thời – hậu quả của đại dịch Covid-19. Nhưng họ chẳng hiểu rằng cảm giác bất mãn này hình thành từ lâu trước khi dịch bệnh bùng phát.

Năm 2015, một nghiên cứu chung của Stanford và Harvard cho thấy tỷ lệ tử vong hàng năm do vấn đề sức khỏe liên quan đến áp lực công việc còn cao hơn do tiểu đường hay Alzheimer. Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới thêm “hội chứng burnout” vào danh mục Bệnh nghề nghiệp.

Niềm vui từ công việc

Ta quá chú trọng vào tương lai của công việc mà quên mất tương lai của giá trị bản thân. Ta mặc nhiên bỏ qua “niềm vui” vì cho rằng nó quá phù phiếm với môi trường làm việc. Ta vẫn luôn lầm tưởng rằng thành công bên ngoài sẽ đem lại thành công nội tại, dù lịch sử đi ngược lại điều này bao nhiêu lần.

Công thức này thật sự rất đơn giản: Khi bạn bộc lộ được giá trị bản thân, bạn đang sống với đúng bản ngã* (dharma) *của chính mình.

Bộ Bhagavad Gita – cuốn sách thiêng trong Ấn Độ giáo – dạy rằng mỗi chúng ta đều có bản ngã* (dharma)*, hay “nghĩa vụ linh thiêng”. Nghĩa vụ với ai? Với ngọn lửa đang bùng cháy bên trong bạn. Người ta có thể gọi đó là mục đích, đam mê và ông nội tôi, “Bauji”, gọi đó là giá trị cốt lõi của một con người.

Bauji tin rằng mỗi người chúng ta đều mang trong mình những cốt lõi riêng biệt, được định sẵn bởi vũ trụ. Nó sâu sắc hơn năng khiếu hay kỹ năng; nó là tiếng gọi, là nhu cầu bộc lộ từ tận bên trong con người bạn.

Giá trị cốt lõi chẳng màng đến quyền lực, chức vị hay của cải. Nó chỉ quan tâm một điều: sự bộc lộ.

Nếu giá trị cốt lõi là con người thật bên trong bạn, thì sự bộc lộ chính là cách bạn xuất hiện trước thế giới. Giá trị cốt lõi luôn thì thầm gọi bạn – bộc lộ là cách bạn đáp lại tiếng gọi đó.

Kinh Thomas dạy: Nếu bạn mang ra ánh sáng những gì bên trong mình, chúng sẽ cứu rỗi bạn. Ngược lại, chúng sẽ hủy hoại bạn. Giá trị cốt lõi cũng vậy. Đó là ngọn lửa có thể soi sáng thế giới hoặc thiêu rụi bạn từ bên trong.

Tất cả đều phải lựa chọn giữa bộc lộ hay trống rỗng. Nhưng không ai có thể trốn tránh lựa chọn ấy.

Thật ra, mọi thứ rất đơn giản. Khi bạn bộc lộ được giá trị cốt lõi, đồng nghĩa với việc bạn tìm được bản ngã. Bạn sẽ tràn đầy sinh khí, giàu sức sáng tạo và luôn trắc ẩn. Bạn không còn phải xin phép để làm điều mình yêu mà tự mình cống hiến sức lực và sự tử tế để phục vụ người khác.

Và khi đó, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự – không chỉ từ mục tiêu hoàn thành, mà từ chính hành động của mình.

Dịch từ Big Thing

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN