Lịch Sử và Văn Minh

Chính biến Huyền Vũ Môn

Trưa ngày 4.6 năm Vũ Đức thứ 9 (tức năm 626), Tần Vương Lý Thế Dân chỉ huy Trưởng Tôn Vô Kỵ; Uất Trì Kính Đức và 10 đại tướng khác mai phục tại Huyền Vũ môn

213 views

Trần Phò

Trưa ngày 4.6 năm Vũ Đức thứ 9 (tức năm 626), Tần Vương Lý Thế Dân chỉ huy Trưởng Tôn Vô Kỵ; Uất Trì Kính Đức và 10 đại tướng khác mai phục tại Huyền Vũ môn, thực hiện cuộc chính biến thần tốc, đoạt ngôi vị của Thái tử Lý Kiến Thành và sau đó lên ngôi hoàng đế.

Họ nắm chặt dây cương những con chiến mã, người rút kiếm, người giương cung, khẩn trương giám sát động tĩnh các thông đạo vào Đông Cung. Bỗng tiếng vó ngựa vang lên. Lý Kiến Thành xuất hiện cùng với Lý Nguyên Cát. Khi hai người tới điện Lâm Hồ, bỗng dưng một con quạ đen bay khỏi cành cây. Cảm giác có chuyện bất thường, Lý Kiến Thành vội quay đầu ngựa định trở về Đông cung. Lập tức Lý Thế Dân phóng ngựa tới trước, gọi lớn: “Thái tử và Tề Vương, sao không vào triều?”. Lúc Lý Kiến Thành quay đầu lại, Lý Thế Dân buông một mũi tên đúng vào yết hầu, Lý Kiến Thành ngã xuống ngựa. Trong khi Tề Vương Lý Nguyên Cát còn lúng túng, Lý Thế Dân và Trưởng Tôn Vô Kỵ vội xạ tiễn hạ gục; còn Uất Trì Kính Đức phi ngựa tới rút bảo kiếm, cắt lấy thủ cấp của cả hai. Huyền Vũ Môn bỗng trở thành bãi chiến trường, ngựa hí vang, cung tên loạn xạ. Đao thương va chạm đinh tai. Vì sao anh em họ Lý tàn sát nhau ngay giữa kinh thành?

Đọc thêm:
Những nguy hiểm tiềm ẩn của TikTok
Băm Lăm con dê – Con dê trong văn hóa và ẩm thực người Việt
Bộ Luật Hammurabi của đế quốc Babylon

Vào cuối đời Tuỳ, xã hội hỗn loạn, quần hùng tranh khởi. Trong hoàn cảnh đó, Lý Uyên và các con khởi binh ở Tấn Dương, đoạt thiên hạ, tiến công Trường An và kiến lập nhà Đường. Trong quá trình dựng nghiệp của cha. Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân, Lý Nguyên Cát đều lập được nhiều chiến công vang dội. Sau khi lên ngôi, theo truyền thống lập con trưởng, Lý Uyên Đường Cao Tổ lập Lý Kiến Thành làm thái tử, phong Lý Thế Dân là Tần Vương, Lý Nguyên Cát là Tề Vương.

Năm Vũ Đức thứ 2 (tức năm 619), khu vực Ty Trúc nổi loạn với hơn 1 ngàn người tạo phản do Chúc Sơn Hải cầm đầu. Đường Cao Tổ hạ chiếu thư cho Lý Kiến Thành đem quân chinh phạt. Sau khi bình định Chúc Sơn Hải, An Hưng Quý đưa dân chúng Lương Châu (nay là Cam Túc) đến quy hàng. Lý Uyên lại sai Lý Kiến Thành đến Nguyên Châu (nay là Ninh Hạ) để tiếp ứng. Làm như vậy, Lý Uyên nhằm giúp Lý Kiến Thành củng cố địa vị Thái tử và chuẩn bị kế ngôi, không ngờ trên đường đi, Lý Kiến Thành mải mê săn bắn, quân sĩ mệt mỏi quá độ nên đã đào ngũ khá nhiều. Đến lúc trở về Trường An, đội quân tan tác như một đơn vị ô hợp. Cực kỳ phẫn nộ, Lý Uyên quát mắng Lý Kiến Thành và bắt buộc Thái tử này từ rày về sau phải học tập bản lĩnh xử lý triều chính. Vì thế khi lâm triều, Đường Cao Tổ Lý Uyên yêu cầu Lý Kiến Thành ngồi bên cạnh, tham gia thảo luận các vấn đề và tập giải quyết một số vấn đề trọng yếu. Ngoài ra, Lễ bộ thượng thư Lý Cương, Hộ bộ thượng thư Trịnh Thiện Quả còn có nhiệm vụ trợ lý cho Đông Cung.

Nhưng Lý Kiến Thành chỉ mê rượu chè, thích chuyện thị phi khiến anh em bất hoà. Bất mãn về Thái tử, Lý Cương mượn cớ tuổi già sức yếu, từ chức và rời khỏi Đông cung.

Năm 261, thủ lĩnh bộ tộc Kê Hồ ở phương Bắc là Lưu Tuyên Thống quấy nhiễu vùng biên giới, theo lệnh phụ hoàng, Lý Kiến Thành thống lĩnh 10 vạn quân thảo phạt. Cuối cùng Lưu Tuyến Thống bại trận, xin đầu hàng. Lý Kiến Thành bất ngờ cho giết mấy ngàn hàng binh, còn thủ lĩnh bộ tộc Kê Hồ chạy thoát đến Lương Sư. Vì thế vùng biên giới phía Bắc vẫn chưa ổn định và điều này khiến Đường Cao Tổ thất vọng về người kế vị tương lai.

Từ đó Lý Thế Dân được trọng dụng. Năm Vũ Đức thứ 3, thừa lệnh phụ thân, Lý Thế Dân bình định thế lực cát cứ của Lưu Vũ

Chu, thu phục cả một vùng Tinh Châu, Phần Dương rộng lớn. Năm sau lại tiêu diệt thế lực của Đậu Kiến Đức và Vương Thế Sung, Lý Thế Dân góp phần rất lớn trong quá trình củng cố chính quyền Lý Đường. Tháng 7 năm 261, sau khi chiến thắng, Lý Thế Dân trở về Trường An, một cách hiển hách và được đón tiếp như một anh hùng xuất chúng. Mình mặc giáp vàng, dẫn đầu 25 viên đại tướng và 1 vạn kỵ binh, Lý Thế Dân được Đường Cao Tổ và văn võ bá quan long trọng rước vào Trường An. Lúc bấy giờ ngôi vị hoàng đế bắt đầu xuất hiện trong ý tưởng Lý Thế Dân.

Theo dư luận, khi bình định Vương Thế Sung, Lý Thế Dân đã dùng mưu sĩ của mình là Phòng Huyền Linh cải trang thành thường dân và bí mật đến gặp đạo sĩ Vương Viễn Tri. Khi tiếp 2 người, đạo sĩ nói: “Trong 2 vị, có một thánh nhân, phải chăng là Tần Vương?”. Thấy mình đã bị lộ, Lý Thế Dân nói rõ sự thật. Khi chia tay, vị đạo sĩ bảo: “Ngài sẽ trở thành Thiên tử, cần thận trọng!”. Từ đó, dự đoán của đạo sĩ Vương Viễn Tri đã thực sự ám ảnh nghĩ của Lý Thế Dân. 

Uy tín càng lúc càng dân cao của Lý Thế Dân đã đặt Lý Kiến Thành trước một bài toán nan giải. Để giải được bài toán đó, Thái tử phải liên kết với người em của mình là Lý Nguyên Cát, một người có sức mạnh vô địch và từng lập được nhiều chiến công để giúp Lý Uyên lên ngôi. Vũ dũng nhưng kiêu dâm phóng túng, Lý Nguyên Cát không được quần thần tín nhiệm. Dù vậy người con thứ 4 của Lý Uyên vẫn âm thầm nuôi giấc mơ hoàng để. Sau nhiều lần suy nghĩ, cuối cùng Lý Nguyên Cát lựa chọn chỗ đứng của mình nghiêng về phía Lý Kiến Thành. Lý Nguyên Cát nhận định, nếu nghiêng về phía Lý Thế Dân, anh ta không thể thực hiện được dã tâm của mình. Còn đứng về phía Thái tử, sau khi diệt được Lý Thế Dân thì việc lên ngôi có thể dễ như trở bàn tay. Chính vì vậy khi Lý Kiến Thành vừa ngỏ lời, Lý Nguyên Cát đồng ý không cần do dự. 

Để tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với phụ hoàng, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tích cực tranh thủ cảm tình của hậu cung. Vì thế họ cố gắng tạo mối quan hệ thân thiết với các phi tần bằng con đường lễ vật; và trước mặt các phụ nữ này, họ không tiếc lời gièm pha Lý Thế Dân. Quả nhiên độc chiêu chính trị này cực kỳ lợi hại vì lâu nay phi tần thường có ấn tượng bất hảo về Lý Thế Dân. Vì sao? Vào năm Vũ Đức thứ 4, sau khi Lý Thế Dân quản hạt vùng Lạc Dương, Lý Uyên phái nhiều phi tần đến giữ kho châu ngọc. Lợi dụng thời cơ, nhiều người xin bảo vật, một số khác câu quan chức cho người thân. Do đã phân phối hết cho thuộc hạ của mình, Lý Thế Dân không đáp ứng được thỉnh cầu của các phi tần. Vì thế họ đâm ra oán ghét nhưng chưa có cơ hội bộc lộ. Trong hoàn cảnh đó, họ đứng về phía Lý Kiến Thành và sẵn sàng nói xấu Lý Thế Dân trước mặt Đường Cao Tổ Lý Uyên.

Đương thời, Lý Uyên từng cho phép Lý Thế Dân có quyền xử lý công việc trong phạm vi quản hạt của mình. Vì thế Hoài An Vương Lý Thần Thông được Lý Thế Dân thưởng cấp mấy mươi mẫu đất tốt do lập được nhiều công to. Về sau, phụ thân của Trương Tiệp Dư – một phi tử của Lý Uyên – tỏ ra thích khu đất đó nên nhờ con gái ngỏ lời riêng với vua. Không biết rõ sự việc, Lý Uyên viết một chiếu thư tay, yêu cầu quan chức địa phương giao khu đất ấy cho cha của Trương Tiệp Dư. Với “thủ chiếu” này, cha của Trương Tiệp Dư đến yêu cầu Lý Thần Thông giao đất. Mâu thuẫn bùng nổ.

Một hôm hầu vua, Trương Tiệp Dư gièm pha: “Bệ hạ cấp đất cho phụ thân thiếp nhưng Tần Vương đoạt lấy để tặng Lý Thần Thông!”. Nghe thế, Lý Uyên đại nộ, ngày hôm sau cho gọi Lý Thế Dân trách mắng: “Thủ chiếu của ta, ngươi không chấp hành, thế thì còn thể thống gì?”. Đường Cao Tổ còn phiền trách Lý Thế Dân trước mặt các đại thần: “Thằng nhỏ này thường mang quân đi đánh dẹp vùng biên cương nên đã sớm hình thành tác phong chuyên chế. Bọn mưu sĩ đã làm hỏng nó. Nó không còn là đứa con như trước đây của ta!”.

Cao Tổ còn có một sủng phi khác là Y Đức Phi, con gái của Y A Thử – một người nổi tiếng hống hách. Một hôm thuộc hạ của Lý Thế Dân là Đỗ Như Hối đi ngang qua cổng nhà Y A Thử mà không xuống ngựa nên bị gia nhân chặn lại, bắt phải hạ mã và cho một trận: “Mi là thằng nào, dám qua phủ ta mà không xuống ngựa?”. Sợ sự việc này đến tại Cao Tổ, Y A Thử vội ra đòn trước. Hắn bảo con gái bẩm báo với vua: “Kẻ thuộc hạ của Tần Vương vô cùng. hung bạo; bọn chúng coi phụ thân của thần thiếp chẳng ra gì!”. Nghe thế, Cao Tổ không cần điều tra mà cho gọi Lý Thế Dân vào quở trách: “Thuộc hạ của người thật quá lắm, dám khinh miệt cả phụ thân phi tần của trẫm! Thế thì đối với bách tính, chúng còn ngang ngược tới đâu?”. Lý Thế Dân định lên tiếng giải thích nhưng phụ hoàng gạt ngang nên đành im lặng.

Lợi dụng thời cơ này, đám phi tần xúc xiểm: “Bệ hạ, nếu như mai này Tần Vương đắc chí, thần thiếp và con cháu chắc không sống nổi!”. Vừa khóc họ vừa lên tiếng bênh vực Lý Kiến Thành: “Thái tử khoáng hậu, hiếu từ, nhất định sẽ có thể bảo bọc các thần thiếp!”. Từ đó, Lý Uyên càng lúc càng xa lánh Lý Thế Dân và trở nên sủng ái Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát hơn. 

Đấy là điều kiện thuận lợi để Lý Kiến Thành đẩy mạnh kế hoạch hãm hại Lý Thế Dân. Một lần 3 anh em tháp tùng Cao Tổ trong một cuộc săn bắn. Lý Uyên ra lệnh Kiển Thành, Thế Dân, Nguyễn Cát trổ tài “kỵ mã xạ tiễn”. Theo một kịch bản sắp đặt trước, Lý Kiến Thành trao cho Lý Thế Dân một con ngựa bất kham với ý đồ đẩy em mình vào chỗ chết. Nhưng sau 3 lần chế ngự bằng bản lĩnh của mình, Lý Thế Dân đã ngồi yên trên lưng con liệt mã Bên cạnh Vũ Văn Sĩ Cập, Lý Thế Dân tuyên bố: “Họ muốn tìm cơ hội để sát hại ta, nhưng sống chết đều có mệnh! Ta không sợ!” Biết được điều đó, Lý Kiến Thành yêu cầu bọn phi tần báo lại với vua: “Tần vương bảo mình có thiên mệnh nhất định sẽ được thiên hạ, há có thể chết dễ dàng như thế sao?!”. Lý Uyên chiêu kiến Lý Thế Dân, trách mắng: “Thiên tử do Trời định. Không phải có một chút thông minh là được. Ngươi chớ có hảo huyền!”. Lý Thế Dân cúi đầu tạ tội. Ngay lúc đó có tin bọn Đột Quyết xâm nhập, Lý Uyên đổi sắc mặt, an ủi Lý Thế Dân rồi hạ lệnh xuất chinh.

Một lần khác, Lý Kiến Thành mời Lý Thế Dân đối ẩm nhằm mục đích hạ sát em bằng độc dược. Không đề phòng, Lý Thế Dân cạn chén. Rất may có Lý Thần Thông kịp đưa về Tây Cung để giải độc khẩn cấp. Sau sự kiện này, Lý Uyên có đến thăm Lý Thế Dân và căn dặn Lý Kiến Thành: “Tần Vương không biết uống rượu, từ rày về sau không được tổ chức dạ ẩm trong Cung”. Về phía Lý Thế Dân, vua bảo: “Anh em bất hoà; 1 người ở Tây Cung; một người Đông Cung, chỉ trong gang tấc. Ta muốn người đến Lạc Dương, chủ quản khu vực phía Đông. Ý kiến ngươi thế nào?”. Biết được thông tin này, Kiến Thành và Nguyên Cát muốn đẩy nhanh tốc độ sát hại Lý Thế Dân vì biết rằng khi em đến Lạc Dương, cơ hội của họ sẽ khó khăn hơn. 

Vào năm Vũ Đức thứ 9 (tức năm 626), Đột Quyết lại quấy nhiễu biên giới nhà Đường. Sau khi bàn định, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát muốn nhân cơ hội này để đoạt binh quyền Lý Thế Dân đồng thời thực hiện vụ mưu sát. Vì thế, Lý Kiến Thành đề nghị Lý Nguyên Cát xuất chinh và ý kiến này lập tức được phụ hoàng chấp thuận. Lý Nguyên Cát cũng yêu cầu bộ tướng thân cận của Lý Thế Dân là Uất Trì Kính Đức và Tần Thúc Bảo cùng ra trận để tăng cường lực lượng. Cao Tổ đồng ý. Nhưng âm mưu của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đã bị một thuộc hạ là Vương Trí biết được. Vương Trí bí mật báo cáo sự việc này với Lý Thế Dân. Lý Thế Dân lập tức họp bàn với Trưởng Tôn Vô Kỵ, Uất Trì Kính Đức, Cao Sĩ Kiêm để tìm đối sách thích hợp và hiệu quả nhất.

Học Tiếng Anh với Lightway:
Cross your heart và những thành ngữ với cross
Lunatic Fringe nghĩa là gì?
More bang for your buck nghĩa là gì?

Trước tình thế nguy cấp, họ thấy chỉ có một con đường để tồn tại: thực hiện cuộc chính biến thần tốc ở Huyền Vũ môn. 

Sau khi chuẩn bị hoàn tất kế hoạch chính biến, ngày 3 tháng 6 năm 626, Lý Thế Dân vào triều yết kiến Cao Tổ, mật tấu việc Kiến Thành và Nguyên Cát âm mưu sát hại mình. Lý Uyên kinh hoảng và quyết định ngày hôm sau sẽ thượng triều để thẩm lý sự việc. Ở hậu cung, Trương Tiệp Dư biết rõ hoạt động của Lý Thế Dân nên vội sai người cấp báo với Lý Kiến Thành. Lý Nguyên Cát đề nghị với Thái tử: “Ta cần bố trí binh mã cẩn thận và cáo bệnh không vào triều ngày mai”. Lý Kiến Thành bảo: “Có gì phải sợ! Ta có 2.000 binh mã còn Tần Vương chỉ có 800. Vả lại khu vực này đều do quân lực của ta bảo vệ, hắn sẽ không làm được gì!”. Vì thế trưa ngày 4 tháng 6, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát vào triều ngang qua Huyền Vũ môn, lọt ổ phục kích của Lý Thế Dân.

Sau khi Kiến Thành và Nguyên Cát bi giết, 2.000 tinh binh ở Đông Cung và Tế Phủ tấn công vũ bão vào cửa Huyền Vũ. Một mặt kháng cự, một mặt Lý Thế Dân phải Uất Trì Kính Đức đến gặp Cao Tổ Lý Uyên để tường trình vụ chính biển. Sử kiện này khiến Lý Uyên ngơ ngác. Nhưng đứng trước việc đã rồi, vị hoàng đế khai sáng nhà Đường chỉ biết im lặng và sau đó viết chiếu dụ yêu cầu tướng sĩ tuân lệnh của Lý Thế Dân, đồng thời phái Hoàng môn thị lang Bùi Cự đến Đông Cung hiểu dụ tướng sĩ.

Thực hiện nguyên tắc “trảm thảo trừ căn”, Lý Thế Dân đã tàn sát toàn bộ mười mấy người con của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát,

Sau chính biến Huyền Vũ môn 3 ngày, Đường Cao Tổ Lý Uyên tuyên bố lập Lý Thế Dân làm Thái tử, xử lý việc triều chính. Để rồi 2 tháng sau đó tuyên bố thoái vị và trở thành Thái thượng hoàng. Tại Hiển Chí điện thuộc Đông Cung, Lý Thế Dân chính thức kế vị, tức hoàng đế Đường Thái Tông, ở ngôi từ năm 626 đến năm 649.

Thực ra, trước khi thoái vị, Đường Cao Tổ phải hạ bút viết 3 chiếu thư. Chiếu thư thứ 1 ngày 4/6 khiển trách Kiến Thành và Nguyễn Cát là 2 kẻ phản nghịch. Ngày 7/6, chiếu thư thứ II ca tụng Lý Thế Dân công cao đức trọng, được lập Thái tử và được toàn quyền xử lý mọi việc lớn nhỏ. Như vậy Đường Cao Tổ phải trao hết quyền lực cho con và chỉ còn hư vị. Và chiếu thư thứ III tuyên bố thoái vị, tự xưng Thái thượng hoàng.

Rõ ràng với chính biến Huyền Vũ môn, Lý Thế Dân không phải chỉ sát hại huynh đệ mà còn đoạt ngôi vị của cha. Nỗi ám ảnh này khiến Đường Thái Tông phải truy thuy cho Kiến Thành là Ẩn Thái tử; còn Nguyên Cát là Sào Thích Vương sau đó 16 năm (năm 642). *

Những oan nghiệt trong cuộc đời chính trị của Lý Thế Dân

Mối tình oan nghiệt Tề Vương phi tên thật Dương Khuê My, là thê tử của Tề Vương Lý Nguyên Cát, con trai thứ 4 của Lý Thế Dân. Xuất thân là một ca kỹ nổi tiếng ở Trường An, họ Dương không những xinh đẹp mà còn thông thi văn, giỏi vũ đạo và đã từng làm vô số công tử kinh thành nghiêng ngửa. Cuối cùng được gả cho Lý Nguyên Cát, Dương Khuê My rời bỏ thế giới ca vũ để trở thành một Vương phi sang trọng, quyền quý.

Đường Cao Tổ Lý Uyên có 3 con trai: Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân, Lý Nguyên Cát; trong đó Lý Thế Dân được coi là nhân vật hùng tài đại lược. Ngay khi Lý Uyên còn trấn thủ Thái Nguyên, Lý Thế Dân đã có cái nhìn xa rộng, nuôi giấc mơ dựng đại nghiệp. Chẳng những văn võ song toàn, Lý Thế Dân còn có ý thức tập hợp những mưu sĩ thao lược. Khi dựng cờ khởi binh, Lý Uyên cử Lý Thế Dân làm đại tướng thống lĩnh quân đội. Trước khi tấn công Trường An, Lý Uyên tuyên bố: “Nếu thành công, ta sẽ lập con làm Thái tử”. Nhưng sau khi lên ngôi, Đường Cao Tổ chỉ phong Lý Thế Dân là Tần Vương, quyền Thượng thư lệnh. Vì sao?

Đương thời quần hùng tứ khởi, thiên hạ chưa yên định, tất nhiên Lý Thế Dân cần nắm binh quyền để đánh Nam dẹp Bắc. Do đó nếu lập Lý Thế Dân làm Thái tử sẽ tạo nên tình huống bất lợi. Vả lại, Lý Thế Dân cho việc thống nhất đất nước, ổn định bách tính mới là nhiệm vụ trọng yếu, còn chức danh tước vị chỉ là chuyện nhỏ. Vì thế, Lý Thế Dân kiến nghị phụ hoàng nên lập Lý Kiến Thành làm Thái tử.

Trưởng tử kế vị, đó là truyền thống của hoàng thất. Hơn nữa Lý Thế Dân còn từ chối đến 3 lần, nên Lý Uyên quyết định lập con trưởng và phong Lý Nguyên Cát làm Tề Vương. Ngôi vị phân định, Lý Thế Dân tiếp tục thống lĩnh đại quân, bình định các thế lực cát cứ Lý Mật, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung, Lưu Vũ Chu, Lưu Hắc Lan, Tiêu Thiết, Tiết Nhân Quả. Khi Tần Vương bận rộn chinh chiến gian khổ, Kiến Thành và Nguyên Cát bàn cứ kinh thành, tận hưởng những ngày tháng xa hoa. Chính trong thời gian này, Lý Nguyên Cát cưới đại mỹ nhân Dương Khuê Mỹ.

So với Lý Thế Dân, người em Lý Nguyên Cát là một hình ảnh tương phản triệt để từ diện mạo đến tính cách. Tướng mạo thô lậu, tính cách giảo hoạt, Lý Nguyên Cát đã từng dùng lời lẽ và lợi dụng gia thế của mình để gạt gẫm danh nữ họ Dương. Sau hôn lễ không bao lâu, Lý Nguyên Cát bỏ rơi vợ để chạy đuổi theo nhiều bóng sắc khác, trong đó có người vợ xinh đẹp của Tư không Kiến Quán. Chịu cảnh phòng không chiếc bóng thường xuyên, Tề Vương phi vô cùng đau khổ nhưng vẫn kiên nhẫn chiều chồng với hy vọng Lý Nguyên Cát sẽ nghĩ lại. Bấy giờ không cần che đậy, Lý Nguyên Cát hiện nguyên hình là một người vũ phu, sẵn sàng quát mắng Dương Khuê My.

Sau mỗi lần đi chinh phạt trở về, Lý Thế Dân đều ra mắt phụ thân. Nhân cơ hội đó, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát thường có mặt để mời Lý Thế Dân thưởng thức các tiết mục của họ như một cách chúc mừng. Và Lý Thế Dân sẵn sàng nhận lời mời để tỏ tình thân thiện. Vì thế trong một thời gian, ba anh em có vẻ tương đắc. Một hôm nhân dịp ngày xuân, họ đưa gia nhân đến một sườn núi ở ngoại thành để thưởng cảnh. Đến một vùng cỏ non xanh tận chân trời, đoàn người dừng ngựa. Thường tắm mình trong trận mạc, đối diện hàng ngày với cái chết, hôm nay Lý Thế Dân bỗng cảm thấy lòng thật yên tĩnh. Trong tâm trạng sảng khoái và thú vị, Tần Vương phóng ngựa lên miền sơn cước thật xa, bỏ lại dần một số người chạy theo sau. Đến khi quay đầu nhìn lại, Lý Thế Dân chỉ còn thấy xa xa một bóng ngựa đuổi theo. Mãi đến khi bóng ngựa đến gần, Lý Thế Dân chợt nhận ra đó là em dâu của mình – Tề Vương phi Dương Khuê My. Lấy làm kinh ngạc, Lý Thế Dân quay ngựa lại. Trong tầm mắt của mình, Tần Vương thu được gương mặt hồng hào, mái tóc rối tung, lụa là bay trong gió một cách mềm mại và xinh đẹp. Lý Thế Dân vội vã đỡ nàng xuống ngựa. Không biết vô tình hay có dụng ý, nàng ngã vào vòng tay của Tần Vương.

Thực ra từ trước, Lý Thế Dân đã chú ý tới người đàn bà xinh đẹp này trong những yến tiệc ở cung đình. Dáng ngồi cô đơn và nụ cười gượng gạo của Tề Vương phi đã tố cáo tất cả cuộc sống không êm ấm với Lý Nguyên Cát. Vì thế Lý Thế Dân động lòng. Bây giờ người đàn bà đó ở trong tầm tay, đang mở to đôi mắt kiều diễm nhìn thẳng vào mặt mình rồi bất giác rơi lệ khiến Lý Thế Dân không khỏi xao xuyến. Về phía Tề vương phi, lúc đầu nàng ngưỡng mộ Lý Thế Dân vì đây là người đàn ông tuyệt luân. Sau đó sự bạc đãi của Lý Nguyên Cát đẩy tình cảm ngưỡng mộ của Tề Vương phi về phía rung động tình yêu. Vì thế họ cảm thấy ấm áp trong vòng tay và mối tình oan nghiệt thực sự nảy mầm từ ngày xuân đó. Sau đấy mỗi khi vấn triều, Lý Thế Dân luôn luôn tạo cơ hội để tiếp cận Tề Vương phi.

Trong khi đó, suốt ngày túng dụng tửu sắc, Lý Nguyên Cát nhiều đêm vắng nhà, càng tạo điều kiện cho Tề Vương phi gặp người trong mộng. Cuộc tình rất đỗi éo le này khiến Tề Vương phi ngây ngất và Lý Thế Dân cũng chìm đắm trong những cơn mơ.

Về phía Lý Kiến Thành, những hành vi hiếu sắc càng lúc càng rõ khiến Đường Cao Tổ Lý Uyên nảy sinh ý định thay đổi ngôi vị Thái tử. Vì thế, Lý Kiến Thành hoảng hốt và tìm cách liên minh với Lý Nguyễn Cát để loại trừ Lý Thế Dân. Cục diện huynh đệ tương tàn đã đến chỗ chín muồi và cuộc chính biến Huyền Vũ môn đã bùng nổ quyết liệt. Lúc đó, Tề Vương phi mới 23 tuổi. Cô gái này đau khổ nhìn thấy tận mắt cảnh 2 đứa con của mình – 1 trai, 1 gái – đã thảm tử dưới lưỡi đao vô tình của người thân. Theo chế độ đương thời khi trở thành quả phụ, Tề Vương phi được tuyển nhập vào cung như một chiến lợi phẩm. Khi được đưa đến trước Lý Thế Dân, Tề Vương phi có cảm giác mình đang đối diện với con quỷ mặt xanh nanh dài. Hình ảnh cái chết hãi hùng của hai đứa con không thể xoá nhoà trong ký ức lúc bấy giờ khiến Dương Khuê My không tài nào chấp nhận “người tình trong mộng” một thuở của mình. Nàng đã kêu khóc đến kiệt lực để được ban cho cái chết. Không được chấp thuận, người mẹ trẻ đập đầu xuống đất như một kẻ cuồng điên. Không còn giải pháp nào khác, Lý Thế Dân cho giam nàng vào phủ Thái tử, ngày ngày đến an ủi bằng những lý lẽ ôn hoà, đồng thời cũng hạ lệnh cho chính thê của mình là Trưởng Tôn thái tử phi (sau này sẽ là Trưởng Tôn hoàng hậu) thường xuyên đến khuyên bảo, vỗ về. Vì thế cuối cùng Dương Khuê My chấp nhận sự an bài của số mệnh, trở thành trắc phi của Lý Thế Dân.

Thế nhưng sự chấp nhận ấy không làm thay đổi được tình cảm của Dương Khuê My đối với Lý Thế Dân. Trong mắt nàng trước đây Tần Vương là một anh hùng, còn bây giờ đó là một kẻ nhuốm đầy máu của thân tộc, khiến nàng không thể nào khôi phục tình cảm ban đầu. Vì thế sau khi vào Đông cung, Tề Vương phi vẫn nhìn Lý Thế Dân bằng ánh mắt thù hận. Trong thực tế, nàng chỉ còn là một bức tượng mỹ nhân bằng băng tuyết. Điều đó càng kích thích lòng ngưỡng mộ của Lý Thế Dân và vị tân Thái tử này muốn lấy bầu nhiệt tình của mình để tưới vào bức tượng lạnh lẽo kia. Cái gì không hoàn toàn phụ thuộc về mình, cái đó càng trân quý. Và Lý Thế Dân đang ở trong hoàn cảnh đó nên không tiếc gì những lời lẽ đẹp đẽ để lung lạc Dương Khuê My, hy vọng nàng có thể dâng tặng những cảm giác khôn tả thuở nào. Thế nhưng Lý Thế Dân càng ân cần, Dương Khuê Mỹ càng cảm thấy đó là con người tham lam, lừa dối, tàn ác. Vì thế, nàng xơ xác như một người điên, không buồn để ý đến xiêm y. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lý Thế Dân tiếp tục chinh phục Dương Khuê My bằng đủ tặng phẩm quý giá trong thiên hạ. Nhưng họ Dương không buồn nhìn tới. Một hôm bỗng Dương Khuê My chủ động đề nghị khôi phục tước vị cho Lý Nguyễn Cát và phong hiệu của Lý Kiến Thành. Đối với Lý Thế Dân, đây là một thắng lợi tình cảm, chứng tỏ Tề Vương phi muốn phủ định quá khứ bi kịch của mình. Vì thế Đường Thái Tông chấp nhận ngay. Như thế ngoài việc làm vui lòng Dương Khuê My, Lý Thế Dân còn giải tỏa nhiều ám ảnh về những hành vi cốt nhục tương tàn. Từ đó Dương Khuê My thay đổi hẳn, trở nên nhu thuận và hết lòng chiều chuộng Lý Thế Dân. Kết quả của mối tình tái hợp này là một hoàng tử chào đời vào năm Trinh Quan thứ 10, được đặt tên Lý Minh. Sau đó Dương Khuê My trở thành Quý phi và được Lý Thế Dân tặng cho một tòa cung điện sang trọng. Trong một thời gian dài, Đường Thái Tông cũng đã từng quên mất chính sự trong tòa cung điện này khiến Trưởng Tôn hoàng hậu lo lắng và quyết định can gián. Kết quả: vị hoàng hậu nổi tiếng hiền thục này bị vua nghi ngờ, thậm chí còn có ý định phế truất cùng với Thái tử để cải lập Dương Khuê My và Lý Minh.

Đầu tiên, Lý Thế Dân thử đặt vấn đề này với Gián nghị đại phu Nguy Trưng. Con người nổi tiếng chính trực này cực lực phản đối và thận trọng phân tích: “Trưởng Tôn hoàng hậu hiền đức khả phong, không thể phế truất. Hơn nữa gia tộc Trưởng Tôn đã lập nhiều công lao hạn mã trong sự nghiệp kiến dựng Đại Đường, vì sao vô cớ phải chịu một hậu quả như vậy? Còn họ Dương từng là Tề Vương phi, sự thật đó ai cũng rõ, lập làm Quý phi đã là điều bất thoa, sao có thể phong Hoàng hậu; vai trò mẫu nghi thiên hạ không nên trao cho một người như vậy! Nếu bệ hạ tự ý làm điều đó, chắc chắn không tránh khỏi dư luận dị nghị”. Tán đồng ý kiến của Ngụy Trưng, các đại thần đều kiên quyết phản đối dự định phế lập của Lý Thế Dân. Vì thế Đường Thái Tông suy nghĩ lại và quyết không thực hiện kế hoạch nhất thời này.

Bấy giờ có người cảnh giác Lý Thế Dân: “Sở dĩ Dương Khuê My hết lòng chiều chuộng bệ hạ chẳng qua vì nàng luôn nghĩ đến chồng xưa. Chỉ chờ cơ hội, nàng sẽ ra tay hạ sát bệ hạ để trả thù”. Những Lý Thế Dân bỏ ngoài tai những lời gièm pha ấy và nghĩ rằng họ Dương trước đây đã từng thể hiện hành vi không trung thành với Tề Vương. Sự gắn bó giữa Lý Thế Dân và Dương Khuê My khiến Trưởng Tôn hoàng hậu lo lắng và bất mãn. Biết rõ điều đó, Dương Khuê My đích thân đến với hoàng hậu và bày tỏ tâm nguyện của mình: vĩnh viễn không có tham vọng trở thành hoàng hậu; Lý Minh không mong là Thái tử mà chỉ kế thừa tước vị của Lý Nguyên Cát. Biểu hiện thành thật này đã hoá giải mối bất hoà âm ỉ từ lâu trong hậu cung Lý Thế Dân.

Để xua tan mối oan cừu, Lý Thế Dân cũng lập người kế thừa tước vị của Lý Kiến Thành. Đến năm Trịnh Quan 23, Đường Thái Tông bị bệnh ly rất nặng và băng hà tại Trường An. Từ đó Dương Khuê My mất hắn chỗ dựa và bị trục xuất khỏi hậu cung. Cuối cùng họ Dương chọn con đường đi tu, kết thúc mối tình oan nghiệt với một nhà vua lừng lẫy.

Bản sao bất thành

Vào ngày 13 tháng 4 năm Trịnh Quan 17 (tức năm 643), nơi Lưỡng Nghi điện thuộc hoàng cung Trường An đã phát sinh một sự kiện chấn động dư luận. Sau khi kết thúc buổi tiếp kiến quần thần, các quan cáo lui, Đường Thái Tông Lý Thế quan Dân lưu giữ Tấn Vương Lý Trị, Tư đồ Trưởng Tôn Vô Kỵ, Tư không Phòng Huyền Linh, Binh bộ Thượng thư Lý Huân để tiếp tục nghị luận chính sự. Trong khi các trọng thần bàn luận, đột nhiên Lý Thế Dân đứng dậy, rời khỏi vị trí với một vẻ mặt đầy kích động, khóc lớn và rút đoản đao định kết liễu đời mình. Mọi người nhào tới can ngăn và an ủi vị hoàng đế của mình.

Vì sao một con người hùng tài đại lược như Lý Thế Dân lại có thể hành động nông nổi như vậy? Tất cả đều xuất phát từ việc lập Thái tử Thừa Càn khi mới vừa lên 8. Ra đời vào năm Vũ Đức thứ 2 tại điện Thừa Càn trong hoàng cung, trưởng tử của Lý Thế Dân và Trưởng Tôn hoàng hậu được đặt tên theo tên của cung điện. Thừa Càn cực kỳ thông minh nên rất được phụ hoàng yêu mến và tin tưởng. Mỗi lần tuần du, Lý Thế Dân đều trao việc triều chính cho Thái tử xử lý. Thế nhưng càng lớn. Thừa Càn càng xa hoa vô độ khiến vua cha bất mãn.

Trong phủ Thái tử ở Đông cung có một nữ nhạc sư cực kỳ diễm lệ và rất giỏi ca vũ. Sủng ái cô gái này, Thừa Càn đặt tên riêng cho cô ta là “Xứng Tâm” và hai người suốt ngày quấn quýt bên nhau. Biết được thông tin trên, Đường Thái Tông nổi trận lôi đình, phái người đến giết chết “Xứng Tâm”. Vô cùng đau khổ, Thái tử cho mai táng trong cung, dựng bia, lập đàn tràng và để riêng một căn phòng thờ nàng. Từ đó Thừa Càn thường đến đầy than khóc, bỏ quên cả việc vào triều tham bái Thái Tông.

Suốt ngày nhàn rỗi, Thừa Càn tập hợp hơn 100 gia nhân để luyện tập ca múa. Họ mô phỏng người Hồ phương Bắc, búi tóc cao, mặc y phục ngũ sắc, đánh trống, khua phèng lạ, nhảy cuồng loạn theo kiểu vũ thuật. Bắt chước lối sống du mục, Thừa Càn sai người ăn cắp trâu ngựa về tổ chức nấu nướng, ăn uống vui say. Chẳng mấy chốc, Đông cung biến thành thảo nguyên với cảnh thao dượt những trận pháp cổ quái.

Để cứu vãn tình thế, Lý Thế Dân phái Hữu thứ tử Lý Bạch Dược đến làm thầy, chỉ dạy Thừa Càn. Nhưng sau 2 năm, vị lão sư này xin từ chức. Tiếp theo, Trung thư thị lang Đỗ Chính Luân nhận nhiệm vụ giáo dục Thái tử cũng thất bại. Vì thế, Lý Thế Dân cử Quang lộc đại phu Trương Huyền Tố, đến Đông cung. Chẳng những không nghe lời sư phụ, Thừa Cần còn ra lệnh cho nô bộc đến đánh dằn mặt Trương Huyền Tố khiến vị đại quan này phải từ chức. Đường Thái Tông hy vọng Tán Kỵ thường thị Vu Chí Vũ có thể thuyết phục Thừa Càn. Để trả lời trước những lời giáo huấn của họ Vu, Lý Thừa Càn phải 2 thích khách ám sát ông ta. Nhưng hai sát thủ này không nỡ ra tay khi nhìn thấy chỗ ở của sư phụ thì giản dị còn đệ tử thì cực kỳ xa hoa.

Sau thất bại của Vu Chí Vũ, Lý Thừa Càn càng lúc càng đi sâu vào con đường bất chính. Kết thân với bọn tiểu nhân, xa lánh bậc hiền tài, ham mỹ sắc, cầu sự vui chơi phóng đãng, bỏ quên chính sự. Hơn nữa, căm hận vua cha vì cứ liên tục cử người đến dạy dỗ mình, Thừa Cản nuôi giấc mơ chính biến để bức bách Thái Tông thoái vị. Tham gia mật mưu để thực hiện cuộc chính biến này gồm nhiều nhân vật tâm phúc của Thái tử: Hán Vương Lý Nguyên Xương (em của Thái Tông), Lại bộ thượng thư Hầu Quân Tập, Tả thuần vệ trung lang tướng Lý An Nghiêm, Dương châu thứ sử Triệu Tiết, Phò mã đô úy Đô Hà. Lý Nguyên Xương và Hầu Quân Tập vì bị Đường Thái Tông chỉ trích nên bất mãn và lợi dụng thời cơ đứng về phía Thừa Càn để cực lực đẩy mạnh chủ trương mưu phản.

Một hôm họ tụ tập trong tẩm thất của Lý Thừa Càn ở Đông cung, dùng đao rạch cánh tay, dùng lụa thấm máu rồi đốt thành tro, cho vào rượu, cùng uống thề quyết đồng sinh đồng tử, chuẩn bị cuộc lật đổ vua cha. Tháng 2 năm Trinh Quan 17, Tề Vương Lý Hựu làm phản tại Tề châu (nay là Tề Nam – Sơn Đông). Nhận được tin tức này, Thừa Càn cực kỳ cao hứng nói với Thuần Can: “Ở ngoài vách của ta về phía Tây chừng vài mươi bước là Đại nội; chúng ta mưu phản há không thuận lợi hơn Tề vương sao?”. Không ngờ sau đó Tề vương Lý Hựu đổi ý, tiết lộ mọi kế hoạch của Thừa Càn. Lý Thế Dân lập tức hạ lệnh bắt Thái tử và đồng bọn, giao cho Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Huyền Linh, Lý Tích ,Tôn Phục Gia, Sầm Văn Bản, Mã Chu, Chữ Toại Lương thẩm lý vụ án tạo phản.

Lý Thừa Càn thừa nhận tội trạng, bị phế làm thứ dân và phải lưu đày đến Kiềm Châu (nay là Quý Châu); Lý Nguyên Xương phải tự tận, toàn bộ bọn Hầu Quân Tập đều bị chém đầu.

Thừa Càn bị phế, ai sẽ là Thái tử? Thực ra Thái Tông đã nghĩ đến Lý Thái, con trai thứ 4 của Trưởng Tôn hoàng hậu. Khi còn rất trẻ, Lý Thái đã tinh thông thi văn, lớn lên lại say mê nghiên cứu sách vở, địa lý nên được Lý Thế Dân chú ý và tạo điều kiện để bồi dưỡng kiến thức. Sự ưu ái này khiến Thừa Càn ghen tức, sai người đến Huyền Vũ môn dâng thơ, kể tội Lý Thái. Từ đó cuộc tranh chấp ngôi vị Thái tử diễn ra càng lúc càng gay gắt…

Lý Thái cũng bộc lộ tính chất kiêu ngạo nên không được quần thần tán thành. Đến lúc Thừa Càn trở thành thứ dân, cuộc tranh chấp ngôi vị Thái tử lại bùng nổ giữa Lý Thái và Lý Trị.

Lý Trị là ai: Là con trai thứ 9 của Lý Thế Dân, con của Trưởng Tôn hoàng hậu, ra đời ở Lệ Chính điện vào tháng 6 năm 628, được phong Tấn vương khi mới lên 3. Được sự bảo vệ của Trưởng Tôn Vô Kỵ, Tấn Vương Trị trở thành Thái tử, thay thế vị trí của Thừa Càn. Nghe đồn ở Thái Nguyên có một hòn cự thạch trên đó có 3 chữ “Trị vạn cát”, Vô Kỵ lý giải đó là “thiện ý” và cho rằng lập Lý Trị làm Thái tử là điều “đại cát” cho thiên hạ. Thực ra, đó chỉ là truyền thuyết giúp Vô Kỵ thực hiện kế hoạch của mình: trong số những hoàng tử, Vô Kỵ thấy Lý Trị có tính cách nhu nhược, dễ khống chế nhất

Năm 643, Lý Thế Dân tuyên bố trước một số đại thần: “Trẫm muốn lập Tấn vương”. Thừa cơ hội đó, Trưởng Tôn Vô Kỵ tiếp lời: “Cẩn phụng chiếu; di bất đồng chính kiến, thần xin phép chém đầu ngay!”. Năm Trinh Quan thứ 20, Đường Thái Tông Lý Thế Dân mất, Lý Trị lên ngôi, xưng Đường Cao Tông (tại vị từ năm 649 -683).

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN