Kiến Thức

Bức chân dung đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh (1533-1788)

Bộ đồ sứ Nội Phủ Thị Trung là những vật dụng của nhà vua tại cung điện. Trên đồ Nội Phủ Thị Trung về Rồng 5 móng bay trong mây, mây tường vân là mây 5 sắc thể hiện bằng màu men xanh lam đậm nhạt uyển chuyển, tuyệt đẹp.

đồ sứ lê trịnh việt nam
144 views

Nguyễn Hà

Khi nhắc tới đồ sứ kí kiểu, mọi người thường nhớ tới cái tên quen thuộc Trần Đình Sơn. Nhưng không phải ai cũng biết, do vậy mà có lẽ tôi lại phải nói về anh một lần nữa.

Trần Đình Sơn là một nhà cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các triều hậu Lê, Trịnh – Nguyễn, anh còn là nhà nghiên cứu Phật học và là một cư sĩ đạo tâm.

Năm 2007, lần đầu tiên anh ra mắt cuốn sách ảnh “Những nét đan thanh”, với 238 hình ảnh đẹp về các loại dĩa trà kí kiểu của người Việt Nam thế kỷ XVII – XIX. Ở cuốn sách này, anh dành trọn tâm huyết quay ngược dòng thời gian để mang vẻ đẹp mỹ thuật cổ Việt Nam đến với người thưởng lãm đương đại.

Không dừng lại ở đó, với niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt, năm 2009 anh tiếp tục cho ra đời “Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn 1802-1945”, được trình bày song ngữ Anh – Việt.

Cuốn sách là bộ sưu tập hình ảnh độc đáo đi kèm lời chú thích, diễn giải ý nghĩa về các vật dụng bằng sứ của vua, quan triều Nguyễn. Mỗi sản phẩm phảng phất vẻ đẹp trầm mặc, tao nhã, toát lên phần hồn và tính cách người Việt xưa.

Khi hướng về 1000 năm Thăng Long Hà Nội, trái tim anh lại nhen nhóm ý tưởng cho ra đời cuốn sách về đồ sứ kí kiểu đầy ý nghĩa.

Ngày 2.10.2010, anh đã chính thức cho ra mắt cuốn sách “Đồ sứ kí kiểu Việt Nam thời Lê – Trịnh 1533-1788”. Cuốn sách không chỉ góp thêm tư liệu về thời vua Lê-chúa Trịnh bốn trăm năm trước, mà còn là cái nhìn mới về nét đẹp của thời xưa qua những hoa văn họa tiết trên đó. Đồ sứ kí kiểu thời này có nét rất riêng, đồ sứ trong bộ sưu tập này toàn bộ là đồ dùng của vua chúa. Do yếu tố “ngự dụng” – mỗi đời vua sử dụng một loại đồ được kí kiểu riêng, mang phong cách hoàn toàn khác nhau, được định danh bằng đề tài thể hiện trên món đồ hoặc ghi dưới trôn của hiện vật thời Lê – Trịnh như: Khánh Xuân Thị Tả, Nội Phủ Thị Trung, Nội Phủ Thị Hữu, Nội Phủ Thị Đoài, Nội Phủ Thị Bắc, Nội Phủ Thị Nam.

Bộ đồ sứ Nội Phủ Thị Trung là những vật dụng của nhà vua tại cung điện. Trên đồ Nội Phủ Thị Trung về Rồng 5 móng bay trong mây, mây tường vân là mây 5 sắc thể hiện bằng màu men xanh lam đậm nhạt uyển chuyển, tuyệt đẹp. Tuy nhiên ở thời này, vua và chúa đồng tôn cho nên vua và chúa cùng dùng. Trên tô dĩa thường vẽ hai con rồng 5 móng nhưng có một điều khá thú vị. Mặc dù cho vẽ rồng 5 móng nhưng giấu đi 1 chân, trong khi đó Rồng vẽ trên đồ sứ Tàu luôn luôn xòe 4 chân. Đó là điều mà từ xưa tới nay chưa có ai lý giải được.

Tiếp đến là bộ đồ sứ Khánh Xuân Thị Tả, bộ đồ này được cho là quý nhất, được sử dụng ở cung điện bên trái. Biểu tượng trang trí là rộng 5 móng và kỳ lân bay giữa mây và sóng nước.

Đọc thêm:
Nhiệt độ toàn cầu được đo đạc và xử lý thế nào?
UTAH – một tiểu bang kỳ thú ở Hoa Kỳ
Bashô và cõi thơ haiku Nhật Bản

Ngoài hoa văn là Rồng Mây và sóng nước, còn có đề tài điển cố văn học. Đó là bộ đồ trà nói về sự tích Hứa Do rửa tai. Đây là tiêu bản quý hiếm, khi nhìn vào bộ đồ sứ này ta nghĩ ngay đến sự tích về Sào Phủ – Hứa Do, hai bậc danh sĩ coi danh lợi là thứ gông cùm ràng buộc con người, nên quyết chí lánh vòng danh lợi, tìm chỗ thanh nhàn, thoát vòng phiền não mà trau tâm luyện tánh. Tuy nhiên, trên đồ trà của chúa Trịnh chỉ vẽ Hứa Do rửa tai mà không thấy xuất hiện Sào Phủ.

Kế đến là Nội Phủ Thị Hữu: vật dụng dành cho cung điện bên phải, vật trang trí là Rồng và Phượng. Trên bộ đồ trà vẽ hai con phượng đang bay về cây ngô đồng để đậu, và dưới là ông tiều phu gặp bạn đang vui đùa. Bộ đồ trà này thể hiện trong cung vui vẻ hạnh phúc, ngoài cung thiên hạ thái bình.

Cụ thể hơn, thể hiện sự hòa hợp của đôi chim Phượng Hoàng. Theo quan không niệm xưa, người phụ nữ lấy được người chồng tốt thì như chim Phượng Hoàng đậu được cây ngô đồng. Chim Phượng Hoàng tìm được cây ngô đồng mới đậu, còn người phụ nữ giỏi phải tìm được người chồng tài hoa.

Nội Phủ Thị Đoài: vật dụng dùng cho cung điện phía Tây. Ở đây ta lại bắt gặp hình ảnh các phi tần của vua chúa xuất hiện trên đồ sứ. Đây là lần đầu tiên đồ sứ vua chúa dùng có phụ nữ xuất hiện. Qua đó cho thấy cái nhìn về phụ nữ của những ông vua thời này tương đối phóng khoáng. Đây là nét đẹp hiếm có trên bộ đồ cổ này.

Nội Phủ Thị Nam: vật dụng dành cho cung điện phía Nam. Hoa văn trên vật dụng chủ yếu là hoa sen, cành lau, trúc. Trong đó hoa sen được dùng để trang trí là chính.

Cuối cùng là Nội Phủ Thị Bắc, cung điện bên ngoài hoàng cung. Hoa văn trên những vật dụng đó là cảnh chèo thuyền, cày ruộng, đọc sách. Cảnh tượng nói lên thời thanh bình Lê – Trịnh.

Cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho thấy những đồ cổ này không phải là đồ Trung Quốc, đồ Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Mà đó là những sản phẩm của người Việt đặt làm. Điều đặc biệt, trên những loại đô cổ này còn được khắc thơ, văn chữ Hán Nôm. Đây là bức chân dung không những in đậm dấu ấn lịch sử về thời Lê – Trịnh, mà còn là một “cánh cửa” mở ra nhiều điều lý thú về cuộc sống trong cung điện vua chúa cũng như con người Việt xưa *.

5/5 - (4 votes)

BÀI LIÊN QUAN