Sao Thủy trong thần thoại các nền văn hóa

Sao Thủy, hành tinh gần Mặt Trời nhất, và xoay nhanh nhất, được liên tưởng trong nhiều thần thoại các nến văn hóa

than thoai sao thuy
17 views

Sao Thủy (Thủy Tinh) là hành tinh trong cùng của Hệ Mặt Trời, đường kính chỉ khoảng 4.880km so với 12.756km của Trái Đất. Với quỹ đạo nhỏ, Sao Thủy chỉ mất 88 ngày Trái Đất để quay hết một vòng quanh Mặt Trời, một tốc độ ấn tượng, nhanh nhất trong số các hành tinh.

Từ thời cổ đại, các nhà chiêm tinh của mọi nền văn hóa trên mọi vùng Trái Đất đều đã sớm nhận biết hành tinh này. Và người ta kể nhiều câu chuyện thần thoại về sao Thủy.

Hình ảnh thực tế sao Thủy do tàu Messenger chụp năm 2008. (Wikipedia) – Các bạn có thể theo dõi thông tin thiên văn trực tiếp về sao Thủy trên chuyên trang Sao Thủy của NASA.

La Mã cổ đại

Trong thần thoại La Mã có vị thần Mercury, sứ giả truyền tin của thiên đình. Thần nổi tiếng di chuyển mau lẹ nhờ đôi hài đạp gió, và đội một chiếc mũ có cánh. Thần thường cầm theo cây trượng Caduceus (xà trượng), biểu tượng cho hòa bình và thương mại.

Bích họa vẽ thần Mercury, Pompei cổ đại.
Bích họa vẽ thần Mercury, Pompei cổ đại.

Họ lấy tên vị thần này đặt cho sao Thủy, gọi là Mercury, vì cũng như thần, sao Thủy di chuyển rất nhanh.

Thần Mercury là vị thần bảo trợ cho giới thương gia, ban cho tài ăn nói khéo léo. Thời La Mã cổ đại, những khu chợ thường được gọi là “vùng đất” của Mercury. Người ta tin rằng thần bảo vệ và mang lại sự sôi động cho những khu chợ này.

Do nằm gần Mặt Trời nên ta chỉ nhìn thấy sao Thủy lúc bình minh hoặc hoàng hôn, khiến nó là hành tinh khó quan sát nhất. Điều này càng khiến người La Mã cảm thấy nó kỳ bí.

Tính chất này cũng phù hợp với một sứ mạng khác của thần Mercury. Vì thần được xem là đấng dẫn dắt linh hồn người chết sang thế giới bên kia, gọi là psychopomp.

Người La Mã coi sao Thủy đại diện cho sự tư duy, khả năng giao tiếp, và tài ăn nói. Vậy nên, trong lá số tử vi của ai mà có chủ tinh là sao Thủy thì sẽ có tài hùng biện và khả năng sáng tạo cao.

Người La Mã còn có một ngày lễ vinh danh thần Mercury, ngày 15/05. Trong ngày ngày, giới thương nhân sẽ lấy nước từ giếng thiêng Porta Capena (Rome) để vẩy lên hàng hóa của họ, cầu chúc một năm mua may bán đắt.

Hy Lạp cổ đại

Thần thoại La Mã có sự tương đồng đáng kể với thần thoại Hy Lạp, vì tính chất kế thừa của nó. Hầu hết các vị thần của Hy Lạp đều được người La Mã tích hợp, và đặt cho một tên khác. Như Zeus của Hy Lạp thì là Jupiter của La Mã, Hera là Juno, thần biển Poseidon thành Neptune, thần nông nghiệp Demeter thành Ceres, hay thần trí tuệ Athena thành Minerva.

Thần Mercury tương ứng với thần Hermes của người Hy Lạp, cũng là tên gọi sao Thủy trong văn hóa Hy Lạp cổ đại. Hermes là con trai của thần Zeus với nàng Gaia, một trong bộ bảy chị em Pleiades, con gái của thần Atlas.

Nhìn chung, các đặc tính của thần Hermes đều tương tự với thần Mercury.

Tượng thần Hermes tại Scopenhagen
Tượng thần Hermes tại Scopenhagen

Ai Cập cổ đại

Với người Ai Cập cổ đại thì sao Thủy là hành tinh của thần Thoth (Djehuty trong tiếng Ai Cập cổ), vị thần trí tuệ, tri thức và thời gian. Sao Thủy phản ánh vai trò quan trọng của Thoth trong việc duy trì trật tự và chu kỳ tự nhiên của vũ trụ.

Thoth là vị thần quan trọng trong tín ngưỡng Ai Cập cổ, có nhiệm vụ duy trí tính cân bằng của vũ trụ, một khái niệm được người Ai Cập gọi là Maat. Thần đảm bảo các chu kỳ diễn ra đều đặn, các hành tinh vận hành trật tự, bốn mùa luân chuyển, mưa nắng hài hòa. Thần cũng thiết kế lịch pháp 365 ngày, phân làm 12 tháng dựa trên chuyển động của bầu trời.

Ở Âm giới, Thoth đóng vai trò ký lục, ghi chép kết quả trong nghi thức cân đo trái tim của đương sự, một khâu quan trọng trong việc định đoạt liệu người đó sẽ vào cõi vĩnh hằng hay bị đày chốn hỏa ngục. Sao Thủy, trong vấn đề này, biểu tượng cho trí tuệ và tri thức, là hai yếu tố giúp Thoth có nhận định chuẩn xác.

Đây là tạo hình thần Thoth
Đây là tạo hình thần Thoth

Thoth còn là vị thần của tri thức, đấng ghi chép lại mọi hiểu biết về thế giới trong một cuốn sách gọi là Thoth điển. Sao Thủy, biểu trưng của vị thần này, tượng trưng cho dòng chảy thông tin giữa các thế giới.

Thoth rất được người Ai Cập mến mộ. Thần có đền thờ tại Hermopolis (Khemenu), được tôn kính như vị bảo trợ của tri thức. Sao Thủy là yếu tố không thể thiếu trong các hoa văn trang trí đền thờ của thần.

Khi văn hóa Ai Cập và Hy Lạp giao thoa, Thoth được đặt vào vị trí trung tâm của triết học Hermetic, một hệ tư tưởng tích hợp tính biểu tượng thần Thoth và Hermes, đề cao tri thức, sự chuyển hóa của linh hồn, và vũ trụ hài hòa. Sao Thủy tiếp tục được liên kết chặt chẽ trong hệ tư tưởng này.

Sao Thủy trong văn hóa Ấn Độ cổ đại

Với người Ấn Độ cổ đại, sao Thủy chính là thần Dubha, một vị thần lớn trong thần thoại Hindu cũng như chiêm tinh học Vệ Đà (Jyotish).

Thần Dubha là con ngoài giá thú của nữ thần Tara, vợ của Brihaspati (sao Mộc) do ngoại tình với thần Chandra (Mặt Trăng) mà sinh ra. Mối quan hệ ngoài luồng này của Tara đã khiến thiên giới náo động và xảy ra cuộc tranh cãi lớn để xác định xem Dubha là con của ai, một sự kiện được gọi tên là Tarakamaya Yudda. Hạ hồi phân giải, thần Brahma chí tôn (Đấng Sáng Tạo), xác định Budha là con của thần Mặt Trăng Chandra.

Thần Dubha
Thần Dubha

Chiêm tinh học Vệ Đà gọi tên sao Thủy là Budha Graha, thường mô tả vị thần này trong hình dáng trẻ trung, da màu xanh lá cây, cưỡi sư tử hoặc voi, tay cầm kiếm, khiên và gây, biểu tượng cho sức mạnh trí tuệ và năng lực hộ vệ. Vị thần này được coi là có tài giao thiệp khéo léo, giàu năng lực sáng tạo, và đầy sự khôn ngoan.

Nếu có ngôi sao này làm chủ tinh trong lá số tử vi, đương sự sẽ được lãnh nhận hầu hết những năng lực như vừa nêu của thần, đặc biệt sẽ giỏi buôn bán, văn chương, hay nghiên cứu khoa học.

Sức mạnh chiêm tinh của sao Thủy sẽ gia tăng nếu kết hợp với các hành tinh như sao Mộc và sao Kim. Ngược lại, sẽ bị khống chế nếu bị tác động bởi các hành tinh xấu như Rahu, hay Ketu, kiểu như những khắc tinh hay sao Thái Bạch của Chiêm tinh Trung Hoa.

Với những người mong muốn được sự khôn ngoan, hay tài giao tiếp, hoặc soi sáng để đưa ra quyết định khó thì có thể cầu nguyện với vị thần này, đặc biệt trong ngày thứ tư của tuần, ngày thuộc về thần.

Triết học và văn học Ấn Độ cũng thường mượn hình ảnh sao Thủy để diễn tả trí tuệ. Với họ, trí tuệ là sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, một đặc tính của sao Thủy.

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN