Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:
Nguyên tác là “Scheherazade”, truyện thứ 4 trong tập truyện “Onna no inai Otokotachi” (Đàn ông không có Đàn bà) xuất bản ở Nhật năm 2014. Scheherazade là nhân vật kể chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”, tác phẩm văn học cổ điển của Ả Rập: Quốc vương Shahryar phát hiện ra rằng người vợ đầu tiên của mình không chung thủy, nên đã quyết định kết nạp một trinh nữ mới mỗi ngày rồi chặt đầu cô ta vào sáng hôm sau trước khi cô có thể làm nhục ông. Trái với mong muốn của cha cô, Scheherazade tình nguyện nạp mình cho nhà vua. Và Scheherazade đã tự cứu mình (và cứu được hàng nghìn cô gái khác) bằng cách kể lại cho vua nghe một chuỗi các câu chuyện liên tiếp trong một nghìn lẻ một đêm. Bị các câu chuyện cô kể thu hút cực độ, nhà vua đã trì hoãn việc hành quyết cô vì háo hức muốn biết phần kết của mỗi câu chuyện đêm trước. Vào cuối 1.001 đêm, và trọn 1.000 câu chuyện, cuối cùng Scheherazade đã tâu với nhà vua rằng không còn câu chuyện nào để kể nữa. Tuy nhiên, sau 1.001 đêm đó, nhà vua đã yêu thương sâu đậm Scheherazade nên tha mạng và lập cô làm Hoàng hậu.
Mỗi lần làm tình với Habara, cô ấy lại kể cho anh nghe một câu chuyện kỳ diệu mà hứng thú. Giống như Vương phi Scheherazade trong chuyện “Nghìn lẻ một đêm” vậy. Tất nhiên, khác hẳn với nhà vua trong câu chuyện kia, Habara thì không hề có ý định chặt đầu cô khi trời sáng (thực tế thì cô chưa bao giờ còn lưu lại bên cạnh anh cho đến sáng cả). Cô kể chuyện cho Habara nghe chỉ vì cô muốn thế. Và có lẽ cô cũng có ý định an ủi anh là người suốt ngày phải ở nhà tù-túng một mình. Mà có lẽ còn hơn thế nữa, Habara đoán là cô yêu thích chính hành vi trò chuyện thân mật với người đàn ông trên giường — đặc biệt là trong khoảnh khắc bải hoải dã dượi mà thân mật chỉ hai người với nhau ngay sau khi ân ái xong.
Habara đặt tên cho cô ấy là Scheherazade. Không gọi tên ấy trước mặt cô, nhưng trong cuốn nhật ký nhỏ, anh ghi “Scheherazade” bằng bút bi vào các ngày cô ấy đến, cùng vài dòng về chuyện cô đã kể vào ngày hôm đó — ngắn gọn vừa đủ để có ai đọc thấy cũng không thể hiểu ra được.
Habara không biết liệu những câu chuyện cô ấy kể có thực sự đã xảy ra, hay hoàn toàn là hư cấu, hay lại gồm một phần thật mà phần khác là hư cấu. Anh không thể nào phân biệt được. Cứ như là một mớ hỗn độn không thể tách rời giữa thực tế và phỏng đoán, quan sát và tưởng tượng. Thế nên Habara quyết định là khỏi phải bận tâm về chi tiết thật giả, mà chỉ thuận thảo lắng tai nghe lời kể chuyện của cô. Chứ đối với anh lúc này, chuyện cô kể có là thật hay giả, hoặc thật giả lẫn lộn như vết ban sởi đi nữa, cũng có quan trọng gì mấy đâu.
Dù sao đi nữa, Scheherazade cũng rành cách kể chuyện thu hút lòng người nghe. Chuyện kể dù thuộc loại nào, cô cũng kể lại được thành câu chuyện đặc biệt. Giọng kể, cách ngưng ngắt, cách diễn tiến câu chuyện,… tất cả đều hoàn bích. Cô khiến người nghe phải chú ý theo dõi; trêu ngươi khiêu khích người nghe phải nao nức muốn biết, phải suy nghĩ hay dự đoán, rồi sau đó trao cho người nghe thật đích xác những gì họ mong muốn. Kỹ năng đến mức xảo diệu như thế giúp người nghe quên đi thực tại xung quanh, cho dù chỉ trong chốc lát. Cứ như là cầm khăn ướt lau xóa sạch sẽ tấm bảng đen đã bị những mảnh vụn ký ức đáng ghét đeo bám dai dẳng, hay những điều lo nghĩ muốn quên phứt đi. Habara nghĩ chừng đó hẳn cũng đã đủ rồi. Hay nói khác đi thì đó là điều anh đang cầu mong hơn bất cứ thứ gì khác.
Scheherazade 35 tuổi, hơn Habara bốn tuổi, về cơ bản là một người nội trợ toàn thời gian (mặc dù cô có đủ bằng cấp y tá và đôi khi được gọi đi làm khi cần thiết), có hai đứa con đang học tiểu học. Chồng cô làm việc cho một công ty bình thường. Nhà ở cách đây khoảng hai mươi phút lái xe. Ít nhất thì đó là (hầu như) tất cả thông tin mà cô đã cho Habara biết về bản thân. Tất nhiên, Habara không có cách nào để xác nhận có phải là sự thật hay không. Mà cũng chẳng có lý do gì đặc biệt để phải nghi ngờ cả. Tên cô thì không nói ra. Anh đâu cần biết tên em làm gì nhỉ, Scheherazade nói. Quả đúng là như thế. Đối với Habara thì cô là “Scheherazade” cũng đủ rồi, tạm thời chẳng có gì bất tiện cả.
Cô ấy cũng chưa bao giờ gọi tên Habara, mặc dù tất nhiên cô đã biết. Cô thận trọng tránh nói tên anh, như thể nói ra là một điều gở và không thích đáng.
Dù nhìn thiên vị đến mấy đi nữa thì vẻ ngoài của Scheherazade cũng không giống chút nào với Vương phi xinh đẹp trong “Nghìn lẻ một đêm” cả. Đây đó trên thân hình đã bắt đầu tích tụ mỡ thịt dư thừa, cứ như là bột trét lên để lấp đầy những khe hở, trông cô ra dáng một bà nội trợ sống ở thành phố tỉnh lẻ, đang xác thực chuyển dần sang tuổi trung niên. Cằm có phần dày thêm, hai bên mắt hằn rõ những nếp nhăn mệt mỏi. Kiểu tóc, quần áo và cách trang điểm dù không đến nỗi chiếu lệ qua loa cho phải phép, nhưng cũng chẳng gây ấn tượng gì đặc biệt. Khuôn mặt thì không tệ chút nào, nhưng lại chẳng thấy có điểm gì đáng được chú ý, nên chỉ tạo ra ấn tượng mờ nhạt. Đi ngang qua nhau trên phố, hay đi cùng thang máy, có lẽ hầu hết mọi người không màng để mắt đến cô. Hoặc có thể đâu mười năm trước cô cũng đã là một cô gái tươi tắn dễ thương, khiến một số đàn ông có thể đã quay đầu lại nhìn. Mà cho dù có như thế đi nữa, thời kỳ đó cũng đã hạ màn vào một lúc nào đấy rồi. Và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy bức màn sẽ vén lên trở lại.
Scheherazade đến “nhà” Habara đều đặn tuần hai lần. Ngày nào trong tuần thì không cố định, nhưng cuối tuần chắc chắn không đến. Có lẽ hai ngày cuối tuần thì cần dành cho gia đình cô. Cứ hôm nào cô đến thì chắc chắn có điện thoại chừng một giờ trước. Cô mua một số thức ăn uống tại siêu thị gần đấy, chất lên xe hơi mà lái đến. Một chiếc Mazda cỡ nhỏ màu xanh lam, kiểu cũ, cản sau có một vết lõm rõ rệt, vành bánh xe đen thui bám đầy bụi bẩn. Cô đậu xe vào chỗ đậu xe của “nhà” Habara, mở cửa sau xe hatchback, lấy túi đồ ra, ôm hai tay đến bấm chuông cửa. Habara xác nhận khách qua lỗ nhòm ở cửa, mở khóa, tháo xích và mở cửa đón vào. Cô đi thẳng vào bếp, phân loại đồ ăn mang theo, cho vào tủ lạnh. Rồi lập một danh sách mua sắm cho chuyến thăm tiếp theo. Ra vẻ là một người nội trợ đảm đang, làm việc rất thành thạo, thao tác không có chút dư thừa. Trong khi làm việc hầu như không nói lời nào, vẻ mặt nghiêm túc không đổi.
Xong loạt công việc ấy rồi thì cả hai không ai nói gì, cứ tự nhiên di chuyển về phía phòng ngủ, cứ như là bị một luồng nước biển vô hình cuốn hút vào. Sau đó Scheherazade lặng lẽ nhanh nhẹn cởi quần áo và lên giường với Habara. Hai người gần như hoàn toàn im lìm mà ôm ấp ân ái, giao tình theo một loạt các bước tuần tự, như thể đang cùng hợp tác để hoàn thành một nhiệm vụ được giao cho. Nhằm thời kỳ có kinh thì cô ấy sử dụng hai bàn tay để phục vụ cho đạt mục đích. Bàn tay khéo léo có phần chuyên nghiệp của cô gợi anh nhớ rằng cô là một y tá có bằng cấp.
Sau khi ân ái xong, cả hai nằm lại mà trò chuyện. Tuy thật ra thì cô ấy vẫn là người nói, và Habara chỉ gật đầu đệm nhịp, thỉnh thoảng hỏi những câu ngắn. Đến khi kim đồng hồ chỉ 4 giờ 30 phút, Scheherazade mới ngừng câu chuyện, cho dù đang giữa chừng đi nữa (chẳng hiểu vì sao mà hôm nào cũng đúng vào lúc câu chuyện đang sôi nổi sắp đến cực điểm), và cô ra khỏi giường, gom quần áo vương vãi trên sàn mà mặc vào rồi chuẩn bị về nhà. Em phải về chuẩn bị bữa tối đây, cô nói.
Habara tiễn cô đến ngưỡng cửa, rồi khóa cửa, móc lại khóa xích, và qua khe hở trên tấm rèm, nhìn dõi theo chiếc xe màu xanh nhỏ màu lam bẩn phóng đi. Đến sáu giờ, anh lấy vật liệu trong tủ lạnh ra làm món ăn đơn giản mà ăn một mình. Đã có một thời gian nấu bếp nên việc nấu nướng đối với anh không có gì là khó khăn. Anh uống nước suối Perrier trong bữa ăn (nhất thiết không uống rượu), sau đó vừa uống cà phê vừa xem phim trên DVD hoặc đọc sách (anh thích đọc những sách cần tốn nhiều thời gian để đọc trọn và cần đọc lại nhiều lần càng tốt). Anh không có gì khác đáng để làm. Không có ai để trò chuyện. Cũng chẳng có ai để gọi điện thoại. Không có máy tính nên không thể truy cập mạng Internet. Không mua báo, mà cũng không xem các chương trình TV (chuyện này thì có lý do chính đáng). Tất nhiên cũng không thể ra ngoài. Nếu như vì lý do nào đó mà Scheherazade không còn đến thăm nơi đây nữa, thì anh sẽ hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, bị bỏ rơi lại một mình trên một hòn đảo cô độc ngay trên đất liền theo đúng nghĩa đen ấy.
Dù vậy, một khả-năng-tính như thế vẫn không khiến Habara đặc biệt lo lắng gì. Đấy là một tình huống tự mình phải giải quyết. Tình huống khó khăn thật đấy, nhưng rồi cũng sẽ vượt qua được thôi. Habara nghĩ mình đâu phải đơn độc trên một hòn đảo cô quạnh gì. Đúng ra thì bản thân mình mới là một hòn đảo đơn độc. Anh vốn đã quen với việc ở một mình rồi. Thần kinh của anh không dễ bị gãy đổ dù chỉ còn có một mình. Điều khiến lòng anh bấn loạn là nếu điều đó xảy ra thì anh sẽ không còn có thể trò chuyện với Scheherazade trên giường được nữa. Nói cho cùng thì anh lo sợ không còn được nghe tiếp câu chuyện cô ấy kể nữa.
Không bao lâu sau khi ổn định cuộc sống trong “nhà” ấy, Habara bắt đầu để râu. Anh vốn là người rậm râu mà. Tất nhiên, mục đích cũng là để thay đổi ấn tượng của khuôn mặt, nhưng đó không phải là mục đích duy nhất. Lý do chính khiến anh bắt đầu để râu là vì nhàn rỗi quá khiến anh cảm thấy tay mình thừa thãi. Có râu rậm thì tay anh lúc nào cũng có thể sờ lên cằm, tóc mai hay ria dưới mũi để vui hưởng cảm giác râu ria ấy. Và cũng có thể tiêu khiển cho qua thời gian bằng việc dùng kéo hay dao cạo để chỉnh hình râu ria. Trước nay đã không nhận thấy điều đó nhưng quả thật chỉ việc để râu thôi mà cũng có hiệu quả hơn dự tưởng, giúp anh quên đi được sự nhàm chán trong đời sống hàng ngày.
“Kiếp trước em là con lươn bảy lỗ đấy.” Có lần Scheherazade đã nói như thế trên giường. Cô nói thật bình thản và đơn giản, như thể báo tin rằng Bắc Cực ở rất xa về phía Bắc!
Habara hoàn toàn chẳng biết con lươn bảy lỗ là thứ động vật gì có hình dạng như thế nào. Nên anh không đặc biệt có ý kiến hay cảm tưởng gì cả.
“Anh có biết lươn bảy lỗ ăn cá hồi như thế nào không?”, Cô hỏi.
“Không, tôi không biết,” Habara nói. Lần đầu tiên anh nghe nói lươn bảy lỗ ăn cá hồi.
“Lươn bảy lỗ không có hàm. Đấy là điểm khác biệt với loại lươn thường.”
“Lươn thường có hàm à?”
“Anh chưa bao giờ nhìn kỹ con lươn sao?”, Cô nói có phần ngán ngẫm.
“Thỉnh thoảng vẫn ăn đấy, nhưng đâu có dịp nhìn thấy hàm lươn.”
“Lần sau anh nên nhìn kỹ ở đâu đó đi nhé. Đến bể nuôi cá hay gì đấy. Lươn thường thì có hàm và có cả răng đàng hoàng đấy. Thế nhưng lươn bảy lỗ thì hoàn toàn không có hàm. Thay vào đấy là cái miệng giống như ống hút bám chặt vào những tảng đá ở đáy sông, đáy hồ. Còn thân lươn thì chổng ngược lên, đong đưa qua lại giống như những cây cỏ dưới nước ấy”.
Habara tưởng tượng cảnh nhiều con lươn bảy lỗ đong đưa như những cây cỏ dưới đáy nước. Một cảnh tượng có phần kỳ dị không thực. Nhưng Habara biết rằng hiện thực cũng nhiều khi có phần kỳ dị như không thực.
“Lươn bảy lỗ thực sự sống lẫn lộn với các loài thực vật thủy sinh. Chúng nấp trốn trong đám cỏ đó. Khi cá hồi bơi ngang qua trên đấy thì lươn bảy lỗ trườn lên bám miệng hút vào bụng cá hồi. Thế rồi như một con đỉa, sống ký sinh bằng cách bám chặt vào cá hồi. Bên trong miệng hút là cái lưỡi có nhiều răng mà lươn bảy lỗ dùng như cái dũa để khoét lỗ trên thân cá hồi mà móc thịt ra ăn từng tí một ấy.”
“Tôi chẳng muốn làm cá hồi tí nào!”, Habara nói.
“Nghe nói rằng thời La Mã đã có rất nhiều ao nuôi lươn bảy lỗ, kẻ nô lệ nào hỗn láo không nghe lời thì bị ném xuống đó làm mồi cho lươn ăn cơ đấy.”
Habara nghĩ cũng chẳng muốn làm nô lệ vào thời La Mã ấy. Tuy tất nhiên cũng chẳng muốn làm nô lệ ở bất cứ thời đại nào cả.
“Hồi tiểu học, lần đầu tiên nhìn thấy lươn bảy lỗ ở bể nuôi cá và đọc tờ giải thích về sinh thái của chúng, em bỗng nhận ra rằng đấy chính là kiếp trước của mình”, Scheherazade nói. “Bởi em có ký ức rõ ràng mà! Ký ức hút bám vào một tảng đá dưới đáy nước, lắc lư trong nước lẫn lộn cùng đám cỏ nước và ngắm nhìn mấy con cá hồi mập mạp bơi lướt qua bên trên.”
“Có nhớ đã cắn nhai con cá hồi nào không?”
“Cái đó thì không.”
“May quá,” Habara nói. “Tất cả những gì cô nhớ về thời còn là lươn bảy lỗ chỉ có thế thôi à? Chỉ đong đưa dưới đáy nước thôi sao?”
“Em đâu có thể nhớ rõ tất cả mọi thứ từ kiếp trước của mình,” cô nói. “May mắn thì bất chợt có thể nhớ lại chỉ một phần nhỏ thôi. Chỉ là như đột nhiên mà nhìn thấy phía bên kia qua một lỗ dòm nhỏ trên bức tường ấy. Chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ của khung cảnh ấy mà thôi. Chứ anh có thể nhớ gì về kiếp trước của mình không nào?”
“Tôi chẳng nhớ được gì cả,” Habara đáp. Thành thật mà nói, anh thậm chí còn không muốn nhớ lại kiếp trước của mình. Hiện thực ở kiếp nầy ngay bây giờ cũng đủ hết sức rồi.
“Nhưng ở đáy hồ thì cũng không tệ lắm đâu nhé. Miệng cứ hút dính chặt vào đá, chổng ngược người lên mà nhìn đàn cá bơi qua. Em cũng đã nhìn thấy mấy con rùa biển to tướng nữa kia. Từ dưới nhìn lên thấy cứ như là mấy con tàu vũ trụ gian ác tối ám khổng lồ trong phim Star Wars – Chiến tranh giữa các vì sao ấy. Rồi còn những con chim lông trắng to lớn với chiếc mỏ dài sắc nhọn như những sát thủ nhào xuống giết cá. Từ dưới đáy nước nhìn lên thì những con chim ấy trông chỉ giống như những phiến mây trôi trên bầu trời xanh mà thôi. Lươn bảy lỗ chúng em ẩn nấp trong đám cỏ dưới đáy nước sâu nên an toàn với loài chim ấy.”
“Thế nên cô thấy được quang cảnh ấy đấy nhỉ.”
“Em nhớ được thật rõ ràng,” Scheherazade nói. “Thấy ánh sáng ở đấy, và cảm thấy luồng nước chảy. Thậm chí nhớ cả những gì đã suy nghĩ lúc đó. Đôi khi em còn có thể nhập vào quang cảnh ấy nữa kia.”
“Những gì đã suy nghĩ cơ à?”
“Vâng”
“Cô đã suy nghĩ gì đấy ở đó sao?”
“Tất nhiên rồi”
“Lươn bảy lỗ thì suy nghĩ chuyện gì nhỉ?”
“Lươn bảy lỗ suy nghĩ chuyện của lươn bảy lỗ. Về những chủ đề có tính cách lươn bảy lỗ, theo mạch lạc lươn bảy lỗ. Nhưng không thể chuyển dịch sang ngôn ngữ của chúng ta được. Bởi đó là suy nghĩ cho loài sống trong nước thôi. Giống như khi còn là bào thai trong bụng mẹ ấy. Biết là có suy nghĩ ở đấy, nhưng không thể nào diễn đạt ra bằng bất kỳ ngôn ngữ trần thế nào cả. Chứ gì nữa?”
“Thế thì không chừng cô có thể nhớ được chuyện khi còn ở trong bụng mẹ sao chứ?” Habara nói trong kinh ngạc.
“Tất nhiên,” Scheherazade nói một cách thản nhiên. Cô nhấc đầu lên một tí trên ngực anh mà nhìn. “Anh không nhớ được sao?”
Habara nói không thể nhớ được.
“Vậy thì hôm nào đấy em sẽ kể cho anh nghe. Chuyện khi em còn là một bào thai ấy.”
Trong nhật ký ngày hôm đó Habara đã ghi lại “Scheherazade, lươn bảy lỗ, kiếp trước”. Cho dù có ai khác đọc thấy, hẳn họ cũng sẽ chẳng hiểu là gì cả.
Bốn tháng trước đây, Habara đã gặp Scheherazade lần đầu tiên. Habara được gửi đến một “nhà” ở một thành phố địa phương nhỏ thuộc miền bắc Kanto, và cô ấy sống gần đó, được phái đến chăm sóc anh với tư cách là một “liên lạc viên”. Nhiệm vụ của cô là mua sắm đồ ăn thức uống và các loại hàng hóa linh tinh khác mang đến “nhà” cho Habara là người không thể ra ngoài được. Có khi cô cũng mua giúp sách và tạp chí anh muốn đọc, đĩa CD anh muốn nghe, theo ý anh muốn. Đôi khi cô tình cờ thấy đĩa DVD phim gì đấy bắt mắt thì mua và mang đến nữa (mặc dù Habara không hiểu đã được chọn theo tiêu chuẩn nào).
Và từ tuần sau khi Habara đã ổn định cuộc sống ở đó, Scheherazade mời anh lên giường hầu như một cách hiển nhiên. Dụng cụ ngừa thai cũng đã chuẩn bị sẵn từ đầu. Có thể việc đó cũng là một trong những “hoạt động hỗ trợ” mà cô được chỉ thị. Thế nào đi nữa cũng đã là một trong chuỗi hành vi tuần tự mà đối tác đã đưa đến không chút băn khoăn hay do dự, cho nên anh cũng thuận theo không chút đề kháng nào. Anh lên giường khi được rủ, và ôm ấp tấm thân Scheherazade mà không thực sự hiểu vì lý do gì.
Hành vi tính dục với cô ấy không phải là thứ có thể gọi là nhiệt tình, nhưng cũng chẳng phải chỉ là nghiệp vụ từ đầu đến cuối. Cho dù có là một phận sự khởi đầu từ chỉ thị (hoặc bắt buộc) đi nữa, có vẻ từ một thời điểm nào đấy dần dần cô ấy đã tìm thấy nỗi vui sướng không nhỏ trong hành vi ấy (cho dù có thể chỉ một phần đi nữa). Habara cảm nhận được như thế từ những biến đổi vi diệu trong phản ứng của thân thể cô, và anh cũng rất vui sướng không ít vì điều đó. Suy cho cùng, anh đâu phải là một con thú hoang bị nhốt trong chuồng, mà là một con người với những cảm xúc tinh tế. Hành vi tính dục với mục đích duy nhất là xử lý ham muốn nhục dục, mặc dù là cần thiết ở một mức độ nào đó, vẫn không sao đạt đến mức thỏa mãn được. Dù vậy, Habara không thể nào phân định rõ ràng được ranh giới đến đâu trong hành vi tính dục với anh thì Scheherazade xem là nhiệm vụ phải làm, rồi từ chỗ nào trở đi là hành động thuộc về lĩnh vực tình cảm cá nhân của cô.
Mà không chỉ về chuyện tính dục. Trong tất cả các hoạt động hàng ngày mà cô ấy làm giùm Habara, cho đến phần nào là các nhiệm vụ được chỉ thị trước, rồi từ phần nào trở đi là những ưu ái cá nhân của cô đối với anh (đại loại cũng không biết có gọi được là ưu ái hay không nữa), thì Habara không thể xác định được. Trên nhiều mặt, Scheherazade là một phụ nữ mà người ta khó nắm bắt được tâm tình hay ý hướng. Ví dụ, cô ấy thường mặc đồ lót trơn bằng vật liệu đơn giản. Có lẽ là loại mà các bà nội trợ bình thường ở độ tuổi ba mươi thường mặc hàng ngày – Habara là người chưa từng có kinh nghiệm giao tế với bà nội trợ nào ở độ tuổi ba mươi nên chỉ có thể suy đoán thế thôi. Loại đồ lót mua trong các đợt giảm giá ở cửa hàng bán lẻ nào đấy mà. Thế nhưng có ngày cô lại diện những bộ đồ lót kiểu cọ cầu kỳ nhằm cám dỗ đàn ông. Không biết cô mua ở đâu, nhưng trông chỉ có thể là những món đồ cao cấp xa xỉ, bằng lụa đẹp đẽ, hoặc ren tinh xảo, hoặc hàng thanh mảnh màu sắc đậm đà. Habara hoàn toàn không thể hiểu được sự khác biệt đến mức cực đoan như thế đã phát sinh từ mục đích hay hoàn cảnh nào.
Một điều khác khiến anh bối rối là sự thật rằng hành vi tính dục với Scheherazade và những câu chuyện cô kể đã trở thành một cặp đôi liên kết chặt chẽ đến không thể tách rời ra được. Không thể chọn chỉ một trong hai thứ ấy mà thôi. Gắn bó sâu đậm đến mức ấy – hoặc kết nối bền chặt đến mức ấy – theo cách như thế với một đối tác không đặc biệt thu hút lòng anh, trong quan hệ thể xác không gọi được là say đắm, là một tình huống mà Habara chưa hề trải qua, khiến anh có phần rối loạn.
Một hôm Scheherazade nói như tâm sự với anh trên giường: “Thời niên thiếu trước tuổi đôi mươi, đôi khi em đã lẻn vào nhà người ta đấy.”
Như hầu hết những lần giáo đầu câu chuyện của cô ấy, Habara nghe thế thì không thể nói ra cảm tưởng thích ứng nào được.
“Anh có khi nào lẻn vào nhà người ta chưa?”
“Tôi nghĩ là chưa bao giờ,” Habara đáp khô khan.
“Chuyện đó làm một lần rồi thì thường đâm ra nghiện đấy.”
“Nhưng là hành vi phạm pháp cơ mà.”
“Đúng thế. Nếu bị bắt gặp thì bị cảnh sát bắt. Xâm nhập tư gia thêm với trộm cắp (hoặc trộm cắp bất thành) là tội nặng lắm nhé. Thế mà, dù đã hiểu là nguy hiểm như thế, vẫn cứ bị ghiền đấy.”
Habara im lặng chờ cô nói tiếp.
“Điều tuyệt vời nhất khi lẻn vào nhà vắng người thì nói gì đi nữa vẫn là thấy nhà thật yên tĩnh. Không hiểu tại sao, nhưng cảm thấy thật là yên tĩnh. Có thể là nơi yên tĩnh nhất trên thế giới. Em cảm thấy như thế. Trong sự tĩnh mịch đó, ngồi xuống sàn một mình lặng yên một hồi thì em tự nhiên mà có thể trở lại thời còn là lươn bảy lỗ”, Scheherazade nói. “Có cảm giác thật là tuyệt vời. Chắc chắn em đã kể với anh rằng kiếp trước em đã là con lươn bảy lỗ rồi chứ nhỉ?”
“Tôi đã nghe thế.”
“Giống hệt thế đấy. Thấy như mình đang dùng miệng hút mà bám chặt vào tảng đá dưới đáy nước, đuôi chổng ngược lên, thân đong đưa trong nước. Cũng giống như đám cỏ thủy sinh bao quanh. Xung quanh thật là yên tĩnh, không nghe chút tiếng động nào. Hoặc cũng có thể vì em là lươn bảy lỗ không có tai. Gặp ngày nắng đẹp thì ánh sáng từ mặt nước như mũi tên bắn thẳng xuống đáy. Ánh sáng ấy đôi khi tách ra thành những tia màu sáng loáng như từ một lăng kính. Bao nhiêu là loại cá đủ màu sắc và hình dạng tung tăng bơi ngang qua trên đầu. Và em không suy nghĩ gì cả. Hay nói cách khác, em chỉ có ý nghĩ của lươn bảy lỗ mà thôi. Ý nghĩ ấy vẩn đục mà lại vô cùng thanh khiết. Không trong suốt nhưng chẳng có chút gì dơ bẩn cả. Em vừa là em mà cũng vừa chẳng phải là em. Và được bao trùm trong cảm giác như thế thì thật là tuyệt vời”
Lần đầu tiên Scheherazade xâm nhập vào nhà người ta là vào năm thứ hai trung học cấp ba. Cô yêu một chàng trai cùng lớp tại trường trung học công lập trong vùng. Cậu ta là một tuyển thủ bóng đá, thân cao và thành tích học vấn tốt. Không đặc biệt đẹp trai, nhưng trông sạch sẽ và rất dễ có cảm tình. Tuy nhiên, cũng chỉ là thứ tình yêu đơn phương của hầu hết các cô học sinh cấp ba. Có vẻ cậu ta thích cô gái khác cùng lớp nên không quan tâm đến Scheherazade. Cậu chưa bao giờ gợi chuyện, có lẽ thậm chí còn không để ý cô ấy học cùng lớp nữa là. Thế nhưng cô đã không sao từ bỏ cậu ta được. Cứ nhìn thấy cậu là cô thở khó khăn, thậm chí có lúc gần như muốn nôn nữa. Đến mức e rằng nếu cứ không làm gì được như thế mãi thì cô sẽ loạn trí lên mất. Dù vậy việc thổ lộ tình yêu với cậu ấy là điều cô không thể làm được. Bởi có liều lĩnh thổ lộ cũng chẳng có hy vọng gì.
Một ngày nọ, Scheherazade nghỉ học nửa ngày mà không xin phép và đến nhà cậu ấy, cách nhà cô khoảng mười lăm phút đi bộ. Nhà cậu ấy không có người cha. Cha cậu, làm việc cho một công ty xi măng, đã chết trong một tai nạn trên đường cao tốc vài năm trước rồi. Mẹ cậu là giáo viên dạy quốc ngữ Nhật Bản tại một trường trung học cơ sở công lập ở thành phố lân cận. Em gái cậu đang học trung học cơ sở. Vì vậy, ban ngày thì không có ai ở nhà. Cô đã tìm hiểu tình trạng gia đình cậu ta như thế trước rồi.
Tất nhiên, cửa trước đã bị khóa. Scheherazade tìm thử chìa khóa dưới tấm thảm chùi chân. Quả nhiên thấy có chìa khóa ở đấy. Khu nhà dân yên ổn ấy của một thành phố tỉnh lỵ hầu như chẳng hề có tội phạm nên mọi người không thận trọng gì mấy trong chuyện khóa cửa. Nhiều nhà thường giấu chìa khóa cửa dưới tấm thảm chùi giày trước cửa hay dưới chậu hoa gần đấy, tiện cho người nhà nào hay quên chìa khóa.
Cho chắc ăn, cô bấm chuông cửa rồi đợi một lúc để kiểm chứng là không có ứng đáp gì, và sau khi xác nhận rằng không có người hàng xóm nào để mắt đến, Scheherazade mới dùng chìa khóa mở cửa vào nhà, rồi khóa cửa lại từ bên trong. Cô cởi giày cho vào túi ni lông và đút vào ba lô đang mang. Sau đó cô rón rén bước lên tầng hai.
Phòng của cậu ta ở trên tầng hai đúng như cô dự đoán. Chiếc giường gỗ nhỏ được sắp xếp gọn gàng. Một tủ sách xếp đầy sách, một tủ quần áo và một bàn học. Trên tủ sách có một bộ máy nghe nhạc cỡ nhỏ và một số đĩa CD. Trên tường treo một tấm lịch của đội bóng đá Barcelona, cùng với thứ trông giống như cờ hiệu của đội bóng ấy, ngoài ra không có đồ trang trí gì khác. Không có hình ảnh hoặc bức tranh nào. Chỉ là những bức tường màu kem. Cửa sổ phủ rèm trắng. Bên trong phòng gọn gàng, ngăn nắp. Không có sách vở tung tóe hay quần áo vung vãi. Tất cả các văn-phòng-phẩm trên bàn học cũng được đặt đúng vị trí. Thể hiện rõ ràng tính cách nghiêm túc của người chủ căn phòng. Hoặc có thể là mẹ cậu ấy dọn dẹp kỹ lưỡng cho hàng ngày. Mà cũng có thể là cả hai. Điều đó khiến Scheherazade căng thẳng. Giá như căn phòng bừa bộn lộn xộn thì sẽ chẳng có ai để ý nếu cô làm rối đôi chỗ. Phải chi được như thế, Scheherazade nghĩ thầm. Mình phải rất cẩn thận mới được. Nhưng đồng thời, cô cũng thấy hài lòng không ít khi thấy căn phòng của cậu ấy đơn giản mà sạch sẽ, và ngăn nắp chỉnh tề. Thật đúng là mẫu người cậu ấy.
Scheherazade ngồi xuống ghế trước bàn học và chỉ ngồi yên lặng như thế một hồi. “Anh ấy ngồi học trên chiếc ghế này mỗi ngày đấy,” chỉ nghĩ thế là trái tim cô đã đập thình thịch. Cô lần lượt nhặt các văn-phòng-phẩm trên bàn mà vuốt ve, ngửi mùi rồi hôn hít. Bút chì, kéo, thước kẻ, đồ bấm kim, lịch để bàn, tất cả mọi thứ ấy. Những món đồ bình thường chẳng đáng là bao ấy, chỉ vì lý do là thuộc về cậu ta mà lại trở nên rạng rỡ quá đỗi trong mắt cô.
Rồi cô mở từng ngăn kéo bàn học ra mà xem xét tỉ mỉ những gì bên trong. Ngăn trên cùng có các vật dụng văn phòng lặt vặt cùng vài thứ giống như vật kỷ niệm được xếp vào từng ô nhỏ. Ngăn thứ hai chủ yếu chứa tập vở của các môn đang học. Ngăn thứ ba là ngăn sâu nhất thì chứa các loại tư liệu, vở cũ và đáp án bài thi cũ. Hầu hết là tư liệu về việc học ở trường hoặc hoạt động trong câu lạc bộ bóng đá. Chẳng có gì là quan trọng. Cô không tìm thấy thứ gì cô mong muốn, như nhật ký hay thư riêng chẳng hạn. Thậm chí cũng chẳng có một bức ảnh nào cả. Khiến Scheherazade thấy có phần không tự nhiên. Chẳng lẽ anh ấy lại không có sinh hoạt cá nhân nào ngoài việc học và bóng đá sao chứ? Hay có thể chỉ đơn giản là thứ đồ riêng tư đó đã được cất giữ cẩn thận ở một nơi nào mà người khác không thể dễ dàng nhìn thấy?
Dù vậy, chỉ cần ngồi trước bàn học, tận mắt dõi theo nét chữ của cậu ấy trong mấy cuốn vở cũng đủ khiến Scheherazade cảm thấy lồng ngực tràn trề rồi. Cứ thế này thì không chừng cô phát điên lên mất. Để nguội bớt lòng hưng phấn, cô đứng dậy khỏi ghế mà ngồi xuống sàn. Và nhìn lên trần nhà. Xung quanh vẫn yên ắng như thường. Chẳng có một tiếng động nào. Làm như thế, thân cô trở thành đồng hóa với thân lươn bảy lỗ dưới đáy nước.
“Vào phòng cậu ấy, chạm tay vào mọi thứ, sau đó ngồi yên lặng, chỉ có thế thôi sao?” Habara hỏi.
“Không, đâu chỉ có thế thôi,” Scheherazade nói. “Em còn muốn có một thứ gì đó của anh ấy nữa. Em muốn mang về nhà một thứ gì đó mà anh ấy dùng hay mặc vào hàng ngày. Mà không được là thứ gì quan trọng. Bởi đồ quan trọng thì sớm bị phát hiện ra là đã biến mất mà. Thế nên em quyết định chỉ lấy cắp một cây bút chì của anh ấy thôi.”
“Chỉ một cây bút chì thôi à?”
“Đúng thế. Một cây bút chì đã dùng hết nửa. Nhưng em nghĩ không nên chỉ lấy trộm mà thôi. Chứ làm thế thì chỉ đơn thuần là lén vào nhà để trộm cắp đấy thôi. Điều đó làm mất ý nghĩa việc làm của em. Bởi đối với em thì em là ‘kẻ trộm tình yêu’ kia mà.”
Kẻ trộm tình yêu! Habara nghĩ. Nghe cứ như là nhan đề của một phim câm ngày xưa ấy.
“Thế nên, thay vào đấy, em nghĩ sẽ để lại thứ gì đó như một dấu hiệu, làm bằng chứng rằng em đã ở đó. Như một lời thanh minh rằng đó là một cuộc trao đổi chứ không chỉ là trộm cắp. Thế nhưng, trong trí em không hiện ra được thứ gì thích hợp để lưu lại cả. Em lục tung ba lô và túi quần nữa, nhưng cũng không tìm thấy thứ gì có thể làm dấu hiệu ấy. Phải chi chuẩn bị trước được thứ gì đấy thì tốt quá, nhưng em đã không nghĩ ra trước được việc ấy… Em đành quyết định để lại một băng vệ sinh. Tất nhiên là chưa sử dụng, vẫn còn nguyên trong bao chứ. Sắp đến kỳ nên em đã mang theo sẵn. Em quyết định giấu nó vào góc xa nhất trong ngăn kéo dưới cùng của bàn học anh ấy, là nơi khó tìm thấy. Điều đó khiến em thật phấn khích. Ngay trong góc ngăn kéo của anh ấy có băng vệ sinh của em nằm im chờ đợi. Có lẽ do phấn khích quá như thế nên kỳ kinh của em đã bắt đầu ngay sau đó.”
Một cây bút chì và một băng vệ sinh à! Habara nghĩ. Có lẽ nên ghi lại như thế trong nhật ký. “Kẻ trộm tình yêu, bút chì và băng vệ sinh”. Hẳn là sẽ chẳng ai hiểu được là chuyện gì.
“Em nghĩ đã ở trong nhà anh ấy nhiều lắm cũng chỉ khoảng mười lăm phút. Bởi tự tiện lẻn vào nhà người ta như thế là lần đầu tiên trong đời, và cứ hồi hộp lo ngại người nhà ấy đột ngột trở về bất cứ lúc nào, khiến tim em đập thình thịch mãi, nên không thể ở đấy lâu được. Em dò chừng tình hình xung quanh xong, len lén ra khỏi nhà, khóa cửa lại, trả chìa khóa vào đúng chỗ cũ dưới tấm thảm chùi giày. Rồi đến trường, trân quý mang theo cây bút chì anh ấy đã dùng một nửa.”
Scheherazade ngậm môi im lặng một hồi lâu. Có vẻ đang quay ngược thời gian, nhìn nhận lại từng thứ một bao nhiêu việc đã xảy ra.
“Trong khoảng một tuần tiếp theo, em đã sống mỗi ngày trong cảm giác mãn nguyện hơn bao giờ hết”, Scheherazade nói. “Em đã dùng cây bút chì của anh ấy để viết vu vơ vào vở của mình. Em ngửi mùi, hôn hít, áp lên má, vuốt ve cây bút chì ấy. Đôi khi còn miệng ngậm, lưỡi mút nữa. Tất nhiên càng viết thì bút chì càng ngắn đi, khiến em khổ tâm, nhưng biết làm sao hơn. Em nghĩ chừng nào cây bút quá ngắn không viết được nữa thì em vẫn có thể trở lại lấy cây khác. Giá dựng bút trên bàn học của anh ấy còn cả đống bút chì đã dùng nửa chừng đấy. Anh ấy chẳng để ý gì chuyện một hai cây bút bị mất đâu. Ngay cả băng vệ sinh của em nằm trong góc ngăn kéo bàn học có lẽ cũng chưa biết nữa là. Ý nghĩ đó khiến em thật hưng phấn. Có cảm giác kỳ diệu như khoảng hông mình nhồn nhột rạo rực. Đến nỗi hai đầu gối em phải cọ xát vào nhau dưới gầm bàn để kiềm chế bớt. Cho dù trong cuộc sống hiện thực, anh ấy không để mắt đến em và hầu như hoàn toàn không để ý gì đến sự tồn tại của em đi nữa, cũng chả sao cả. Bởi trong tay em đang có được một phần của anh ấy, mà anh không biết.”
“Nghe giống như một nghi thức bùa ngãi gì ấy,” Habara nói.
“Đúng thế, trong ý nghĩa nào đó thì có lẽ là một nghi thức bùa ngãi đấy. Sau này, em tình cờ đọc thấy như thế từ một cuốn sách loại đó. Nhưng thời ấy em vẫn còn là một học sinh trung học cấp ba, chẳng suy nghĩ gì sâu sắc đến mức ấy. Em chỉ bị cuốn trôi theo ham muốn của bản thân mà thôi. Cứ như thế mãi thì sẽ nguy hiểm đến cả tính mạng. Như nếu bị bắt quả tang xâm nhập tư gia để trộm cắp, thì chắc sẽ bị đuổi học, mà chuyện đó lan truyền ra thì ngay cả việc sống ở thành phố này cũng trở thành khó khăn nữa. Em đã tự nhủ như thế rất nhiều lần rồi, nhưng vẫn không bỏ được. Em nghĩ là mình đã rơi vào tình trạng đầu óc không hoạt động bình thường được nữa.”
Mười ngày sau đó, cô lại nghỉ học nửa ngày để đến nhà cậu ấy. Lúc mười một giờ sáng. Cũng như lần trước, cô lấy chìa khóa từ dưới thảm chùi giày mà lẻn vào nhà, đi lên tầng hai. Căn phòng của cậu ấy vẫn thật gọn gàng và ngăn nắp, giường nằm cũng được sắp xếp hoàn hảo. Trước nhất, Scheherazade cũng đã lấy một cây bút chì dài đã dùng nửa chừng, cất nó cẩn thận vào hộp đựng bút của mình. Sau đó rón rén nằm xuống giường của cậu ấy xem sao. Cô vuốt thẳng gấu váy, đặt hai bàn tay lên ngực và nhìn lên trần nhà. Chính trên chiếc giường này anh ấy nằm ngủ mỗi đêm đây. Ý nghĩ đó khiến tim cô bỗng đập liên hồi đến mức khó thở. Không khí không vào phổi suôn sẻ được. Cổ họng cô khô rang nhói đau theo từng nhịp thở.
Scheherazade đành phải đứng dậy khỏi giường, kéo tấm trải giường cho thẳng thớm lại rồi cũng ngồi xuống sàn như lần trước mà nhìn lên trần nhà. Cô tự nhủ, còn quá sớm để nằm xuống giường. Vẫn còn quá kích thích đối với mình.
Lần này Scheherazade đã ở trong phòng ấy khoảng nửa giờ. Cô lấy cuốn vở của cậu ấy ra khỏi ngăn kéo và đọc lướt qua. Và cô cũng đã đọc bài cậu ấy viết về cảm tưởng khi đọc sách, cuốn “Kokoro – Tấm lòng” của Natsume Soseki, bài tập trong kỳ nghỉ hè. Cậu đã viết trên giấy kẻ ô với nét chữ đẹp đẽ, trang trọng, đọc không thấy chữ nào sai sót, quả đúng là một học sinh ưu tú. Bài được phê điểm “Ưu”. Tất nhiên phải thế chứ! Chữ viết đẹp tuyệt như thế viết thành văn chương thì có lẽ bất kỳ giáo viên nào đi nữa, khỏi cần đọc hết nội dung, cũng muốn lặng thinh mà phê “Ưu” ngay đó thôi.
Sau đó, Scheherazade mở các ngăn kéo của tủ quần áo, lần lượt xem những thứ bên trong. Những quần lót và vớ tất của cậu ấy. Áo sơ mi, quần tây. Đồng phục bóng đá. Mọi thứ đều được gấp xếp gọn gàng ngăn nắp. Không một cái nào có chút hoen ố hay sờn xước cả.
Mọi thứ đều được giữ sạch sẽ. Không biết có phải chính tay cậu ấy gấp xếp. Hay mẹ cậu làm cho? Hẳn là mẹ cậu rồi. Cô đâm ra ghen tị quá đỗi với mẹ cậu, bà được phép chăm sóc như thế cho cậu ấy mỗi ngày.
Scheherazade chúi mũi vào ngăn kéo mà ngửi từng chiếc quần áo. Đều có mùi quần áo đã được giặt giũ cẩn thận và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Cô lấy ra một chiếc áo phông trơn màu xám từ trong ngăn kéo, trải ra mà úp mặt vào. Cô tự hỏi liệu có ngửi thấy mùi mồ hôi của anh ấy ở nách áo không. Nhưng chẳng có. Dù vậy cô vẫn úp mặt thật chặt vào áo mà hít hà một hồi lâu. Cô muốn lấy chiếc áo đó. Nhưng có lẽ nguy hiểm quá. Tất cả quần áo đều được sắp xếp và quản lý tỉ mỉ đến thế này mà. Anh ấy (hoặc mẹ anh) có thể nhớ kỹ chính xác số áo phông trong ngăn kéo. Nếu ít đi một chiếc có lẽ sẽ gây ra náo động không chừng.
Kết cuộc Scheherazade đã từ bỏ việc lấy chiếc áo đó. Cô gấp xếp lại thật gọn gàng và cất lại vào ngăn kéo. Phải thận trọng mới được. Không thể mạo hiểm. Lần này ngoài bút chì, Scheherazade quyết định lấy thêm một huy hiệu nhỏ hình quả bóng đá mà cô tìm thấy sâu trong góc ngăn kéo. Có vẻ là của một đội nam hồi tiểu học. Trông cũ kỹ, không đặc biệt quan trọng gì. Có lẽ anh ấy sẽ không để ý là nó đã biến mất đâu. Hoặc sẽ mất nhiều thời gian mới nhận ra. Nhân đấy cô cũng đã kiểm thử xem có còn băng vệ sinh mà cô đã giấu trong góc ngăn kéo dưới cùng không. Nó vẫn còn ở đấy.
Scheherazade thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ anh tìm thấy chiếc băng vệ sinh được giấu ở góc ngăn kéo của anh. Mẹ anh sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy nhỉ? Bà có cật vấn trực tiếp con trai mình không? Những là tại sao con lại có thứ đồ vệ sinh ấy chứ, cho mẹ biết lý do đi! Hay bà chỉ giữ kín chuyện như thế trong bụng mà suy đoán lòng vòng những lý do tối ám? Scheherazade không thể đoán ra được mẹ anh ta sẽ làm gì trong trường hợp như thế. Nhưng dù sao cô vẫn quyết định cứ giữ băng vệ sinh ở nguyên chỗ cũ. Nói gì đi nữa, đó là dấu hiệu đầu tiên cô đã lưu lại mà.
Lần này, Scheherazade quyết định để lại thêm dấu hiệu thứ hai là ba sợi tóc của mình. Cô đã nhổ sẵn ba sợi tóc vào đêm hôm trước, bọc vào màng nhựa bao thực phẩm, nhét vào một phong bì nhỏ. Cô lấy phong bì đã chuẩn bị sẵn ấy ra từ cặp sách, nhét vào giữa mấy cuốn vở toán cũ trong ngăn kéo. Ba sợi tóc đen thẳng, không quá dài mà cũng không quá ngắn. Nếu không xét nghiệm DNA thì không có cách nào để biết là thuộc về ai. Tuy chỉ cần nhìn thoáng qua cũng nhận ra là tóc của một phụ nữ trẻ.
Cô rời nhà đó, đi bộ đến trường và tham gia các lớp học sau giờ nghỉ trưa. Và cũng trải qua chừng mười ngày tiếp theo trong cảm giác hài lòng mãn nguyện. Cảm thấy như cô có thêm được nhiều phần của cậu ta hơn. Nhưng tất nhiên làm sao mà câu chuyện kết thúc ở đó được. Như cả Scheherazade cũng đã chỉ ra, lẻn vào nhà người khác là một hành vi gây nghiện đấy.
Sau khi kể chuyện đến đoạn này, Scheherazade nhìn đồng hồ bên cạnh giường rồi nói, như với chính mình, “Chà, đã đến lúc phải đi rồi.” Cô ra khỏi giường và bắt đầu mặc lại quần áo. Các con số trên đồng hồ cho biết là 4:32 giờ chiều. Cô mặc quần lót màu trắng trơn, thực dụng, móc nịt ngực sau lưng, nhanh nhẹn mặc quần jean và tròng một chiếc áo thun màu xanh nước biển hiệu Nike từ đầu xuống. Rồi vào phòng tắm cẩn thận rửa tay bằng xà phòng và chải đầu cho gọn ghẽ xong, cô lên chiếc xe Mazda màu xanh ấy, lái đi.
Habara chỉ còn một mình, không nghĩ ra việc gì để làm, nên lục lọi lại trong đầu từng chút một những gì cô đã kể với anh trên giường mà nghiền ngẫm, như con bò nhai lại thức ăn. Anh hoàn toàn không biết câu chuyện rồi sẽ tiến về hướng nào — giống như hầu hết các câu chuyện cô ấy kể. Anh hầu như không thể tưởng tượng ra được ngay cả hình dạng Scheherazade đã như thế nào thời cô gái ấy học năm thứ hai trung học cấp ba. Thời ấy, vóc dáng của cô có thon thả hơn không? Có mặc đồng phục học sinh, đi tất trắng và tóc thắt bím không?
Anh chưa đói, nên định đọc tiếp cuốn sách đang đọc nửa chừng trước khi bắt đầu nấu ăn, nhưng thế nào cũng không thể tập trung mà đọc sách được. Bởi hiển hiện lì lợm trong trí anh là hình ảnh Scheherazade lẻn vào nhà ấy lên tầng hai, hay quang cảnh cô ấy áp chiếc áo sơ mi của cậu bạn cùng lớp lên mặt mà ngửi hít. Habara nóng lòng muốn nghe phần tiếp theo của câu chuyện cô kể.
Lần tiếp theo Scheherazade đến “nhà” Habara là ba ngày sau, kể cả cuối tuần. Như thường lệ, cô ấy soạn ra các thức ăn uống đã mang đến trong túi giấy lớn, kiểm tra ngày hết hạn, sắp xếp lại thứ tự đồ trong tủ lạnh, kiểm điểm số tồn kho các thực phẩm đóng hộp và đóng lọ, kiểm tra số gia vị còn lại rồi lập danh sách mua sắm cho lần sau. Ướp lạnh các chai nước suối Perrier. Rồi đặt chồng sách và đĩa DVD mới mang đến lên bàn.
“Có món gì khác anh đang thiếu hoặc đang cần không?”
“Không nghĩ ra món gì cả,” Habara đáp.
Sau đó như thường lệ, hai người lên giường và giao hợp. Habara làm vài thao tác dạo đầu vừa đủ, rồi mang bao cao-su mà vào bên trong cô ấy (từ quan điểm y học, cô đã yêu cầu anh phải mang dụng cụ ngừa thai từ đầu đến cuối), và anh xuất tinh sau một khoảng thời gian hợp lý. Tuy hành vi ấy không phải có tính cách chỉ là nhiệm vụ, nhưng cũng chẳng phải là đặc biệt nhiệt thành gì. Có vẻ về cơ bản, cô ấy luôn cảnh giác với nỗi nhiệt tình quá độ trong hành vi ấy. Cũng giống như các huấn luyện viên dạy lái xe, về cơ bản luôn luôn không mong đợi học viên của họ quá nhiệt tình trong lúc lái xe.
Xác nhận xong bằng mắt nhìn chuyên nghiệp rằng Habara đã xuất một lượng tinh dịch thích đáng vào bao ngừa thai, Scheherazade bắt đầu kể chuyện tiếp.
Sau khi đột nhập vào nhà ấy lần thứ hai, cô đã có thể trải qua thêm 10 ngày sống trong cảm giác mãn nguyện. Cô giữ lén huy hiệu quả bóng đá trong hộp bút của mình. Và đôi khi trong giờ học, ngón tay cô vuốt ve nó. Miệng cắn nhẹ cây bút chì, lưỡi liếm đầu bút. Cô nhớ đến phòng cậu ấy. Cô tưởng nhớ đến bàn cậu ấy học, giường cậu ấy nằm ngủ, tủ quần áo xếp đầy y phục của cậu ấy, chiếc quần trắng trơn của cậu ấy, ngăn kéo bàn học của cậu ấy còn giấu kín băng vệ sinh và ba sợi tóc của cô.
Kể từ khi bắt đầu lẻn vào ăn cắp vặt ở nhà ấy, hầu như cô đã không còn có thể nỗ lực nhiều cho việc học ở trường nữa. Trong giờ học, hoặc là cô mê mải với những giấc mộng ban ngày vu vơ không mục đích, hoặc cô bận bịu sờ mó hai cây bút chì và chiếc huy hiệu của cậu ấy, chỉ hai việc ấy thôi. Mà về nhà thì cô chẳng muốn làm bài tập được giao cho. Thành tích học vấn của Scheherazade vốn không tệ. Tuy không thuộc hàng đầu lớp, nhưng cô vốn nghiêm túc trong việc học tập, và thường đạt điểm trên trung bình. Vì vậy, khi cô bị gọi tên trong lớp mà hầu như đã không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào, các giáo viên tỏ ra nghi ngờ hơn là tức giận. Có lần cô bị gọi lên phòng giáo chức trong giờ nghỉ mà hỏi, “Có chuyện gì vậy? Em đang lo lắng về chuyện gì à?” Nhưng cô không thể trả lời thỏa đáng được. Chỉ ngập ngọng rằng: những ngày này em không được khỏe,… Chứ cô đâu có thể nào nói gì như: Thực ra, em đã yêu một chàng trai, đôi khi lẻn vào nhà anh ta vào ban ngày, lấy trộm bút chì và huy hiệu của anh, rồi mê mải việc sờ mó nghịch ngợm các món ấy, bây giờ không còn có thể nghĩ được gì khác ngoài anh ấy cả. Bởi đó là bí mật nặng nề đen tối mà cô chỉ có thể ôm giữ cho riêng mình.
“Dần dần em bắt buộc phải đột nhập vào nhà anh ấy thường xuyên chứ không thì đứng ngồi không yên được”, Scheherazade nói. “Anh biết đấy, thế thì nguy hiểm lắm. Kiểu đi dây làm xiếc như thế không thể kéo dài mãi được. Tự mình cũng hiểu rõ như thế. Lúc nào đấy thế nào cũng bị ai đó bắt gặp, rồi chắc chắn là bị cảnh sát bắt giữ. Cứ nghĩ như thế khiến em lo lắng không chịu nổi. Thế nhưng không thể cản được nữa khi bánh xe đã bắt đầu lăn xuống dốc. Mười ngày sau khi ‘viếng thăm’ lần thứ hai, chân em lại tự nhiên mà hướng về nhà của anh ấy. Em như phát điên lên mất nếu không đi theo. Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ lúc ấy đầu óc em đã thực sự phát điên một tí rồi.”
“Cứ trốn học thường xuyên như thế mà không có vấn đề gì sao?” Habara hỏi.
“Em con nhà buôn bán, gia đình bận rộn công việc và bố mẹ hầu như chẳng hề để ý đến em. Mà em xưa nay chưa hề gây ra vấn đề gì, cũng chưa bao giờ làm trái ngược lời dạy của bố mẹ. Thế nên mọi người nghĩ là cứ để mặc con nhỏ này cũng chả sao cả. Nhờ thế mà giấy xin phép nghỉ gửi cho trường đã giả mạo được thật dễ dàng. Chỉ cần bắt chước chữ viết tay của mẹ em mà ghi đơn giản lý do phải nghỉ học, ký tên và đóng con dấu. Với giáo viên chủ nhiệm thì em đã thưa trước rằng thân thể có chỗ không được khỏe mạnh nên có khi phải nghỉ nửa ngày để đi bệnh viện. Trong lớp em đang có vài đứa không đến học trong một thời gian dài khiến mọi người bận tâm lo lắng, vì vậy chẳng ai quan tâm chuyện em đôi khi nghỉ nửa ngày cả.”
Scheherazade liếc nhìn chiếc đồng hồ số bên cạnh giường rồi lại tiếp tục nói.
“Em lại lấy chìa khóa dưới tấm thảm chùi giày, mở cửa, đi vào trong. Trong nhà vẫn yên tĩnh như mọi khi, à không, không hiểu sao còn yên ắng hơn trước nữa chứ. Khiến cho tiếng tắt hay mở bộ phận kiểm nhiệt độ trong tủ lạnh dưới bếp nghe rõ rệt hơn, như là tiếng thở dài của một động vật cỡ lớn, đến làm em giật mình. Rồi nửa chừng lại có tiếng chuông điện thoại reo vang đến chói tai, khiến em hầu như bị đứng tim. Mồ hôi vã ra khắp thân em. Nhưng tất nhiên, chẳng có ai bắt điện thoại ấy, chuông reo chừng mười tiếng rồi ngừng. Sau đó còn tĩnh lặng hơn trước nữa.”
Hôm đó, Scheherazade nằm ngửa người trên giường cậu ấy rất lâu. Lần này ngực cô không còn đập mạnh đến như trước nữa và cô đã có thể hít thở bình thường. Và cảm thấy như có cậu ấy đang ngủ yên lặng bên cạnh, cô hưởng được cảm giác đang ngủ chung với cậu ấy. Cảm thấy như chỉ duỗi nhẹ cánh tay ra một tí là ngón tay mình chạm lên cánh tay vạm vỡ của cậu ấy. Nhưng tất nhiên cậu ấy có thực sự nằm bên cạnh cô đâu. Chỉ là cô đang được bao trùm trong đám mây mơ mộng ban ngày đó thôi.
Sau đó, Scheherazade muốn thế nào cũng ngửi cho được mùi cậu ấy. Cô bật dậy khỏi giường, mở ngăn tủ quần áo và xem xét áo sơ mi của cậu ấy. Áo nào cũng đã được giặt kỹ lưỡng, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và gấp xếp gọn gàng thành từng cuộn tròn. Tẩy sạch mọi vết bẩn và khử sạch mọi mùi hôi. Giống hệt như lần trước.
Rồi cô chợt nảy ra một ý tưởng. Có thể thành công đấy. Cô bèn vội vã đi xuống tầng dưới. Cô tìm thấy một giỏ đựng quần áo trong chỗ thay đồ của phòng tắm và mở nắp ra xem. Thấy có đồ giặt của ba người: cậu ấy, bà mẹ và cô em. Có lẽ là phần đồ giặt cho một ngày. Scheherazade tìm thấy một chiếc áo sơ mi đàn ông trong số đó. Áo phông trắng cổ tròn hiệu BVD. Cô ngửi thử xem. Quả thật có mùi mồ hôi của trai trẻ, không còn nhầm lẫn gì được. Mùi thân thể nồng nàn giống hệt như mùi cô đã từng ngửi thấy khi đứng gần cậu bạn nào trong lớp. Không phải là thứ mùi đặc biệt dễ chịu. Nhưng mùi ấy của cậu ta đã khiến Scheherazade cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Úp mặt vào chỗ nách áo ấy mà hít hà mùi hương, cô cảm thấy như được thân thể cậu ấy bao bọc, được ôm chặt trong vòng tay cậu ấy.
Scheherazade cầm chiếc áo sơ mi lên lầu và lại nằm xuống giường. Vùi mặt vào chiếc áo, cô tiếp tục ngửi hít mùi mồ hôi hoài hoài không chán. Làm thế, dần dần cô có cảm giác uể oải nơi vòng eo của mình. Và cảm thấy núm vú săn cứng lại. Chẳng lẽ kỳ kinh đến sớm sao chứ? Không, không phải. Vẫn còn sớm quá mà. Cô đoán có lẽ là do ham muốn tính dục. Mà không biết phải làm gì, phải xử trí như thế nào. Hoặc ít nhất thì không thể làm gì được ở đây. Dù gì đi nữa, đây là giường anh ấy trong phòng của anh ấy mà.
Dù sao, Scheherazade vẫn quyết định mang về chiếc áo sơ mi đã thấm mồ hôi của cậu ấy. Tất nhiên là việc làm nguy hiểm. Mẹ cậu chắc sẽ thấy thiếu mất một chiếc áo. Cho dù bà không nghĩ có ai đã đánh cắp đi nữa, chắc chắn cũng thắc mắc rằng chiếc áo đã biến đâu mất rồi. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ ngăn nắp đến thế này thì hẳn mẹ cậu phải là người cực đoan về quản lý chỉnh đốn trong nhà. Nếu thiếu một thứ gì đó thì chắc chắn sẽ đi khắp xó xỉnh trong nhà để tìm cho ra. Giống như loại chó cảnh sát được huấn luyện nghiêm túc vậy. Rồi chắc hẳn trong căn phòng của cậu con trai quý báu, bà sẽ tìm ra một số dấu vết do Scheherazade để lại. Nhưng dẫu biết vậy, cô vẫn không muốn rời bỏ chiếc áo ấy. Lý trí trong đầu óc đã không thuyết phục được trái tim của cô.
Scheherazade nghĩ: đền bù cho áo đó, nên để lại vật gì của mình là được. Cô nghĩ đến việc để lại quần lót của mình. Chiếc quần lót cô mới thay sáng nay, loại đơn giản và tương đối mới. Giấu vào trong góc một ngăn tủ quần áo là được. Đối với cô, đó là một món trao đổi thật thỏa đáng. Thế nhưng thực tế khi cởi ra, cô thấy chỗ đũng quần âm ấm và ẩm ướt. Cô hiểu là vì ham muốn tính dục của mình. Cô thử ngửi xem, nhưng không thấy có mùi gì. Dù vậy, cô không thể để lại thứ gì đã trở nên vấy bẩn vì ham muốn tính dục như thế trong phòng của cậu ấy được. Làm thế là tự làm nhục chính mình. Nên cô mặc vào lại và quyết định để lại thứ khác. Nhưng nên để lại thứ gì đây?
Kể chuyện đến đây, Scheherazade lặng thinh. Cứ thế một hồi lâu không nói một lời. Mắt nhắm, mũi thở nhẹ. Habara cũng im lặng nằm xuống bên cạnh, chờ cô kể tiếp.
“Này anh Habara,” cuối cùng Scheherazade mở mắt nói. Lần đầu tiên cô gọi tên Habara.
Habara nhìn cô chăm chú.
“Này anh Habara, anh có thể ôm em lần nữa không?” Cô ấy nói.
“Tôi nghĩ là có thể,” Habara đáp.
Hai người lại ôm nhau ân ái. Habara cảm thấy thân thể của Scheherazade thật khác trước. Mềm mại và ấm áp sâu bên trong. Da cô cũng bóng và căng. Anh suy đoán rằng giờ đây cô đang nhớ lại thể nghiệm đột nhập vào nhà cậu bạn cùng lớp ấy một cách sống động và trung thực. Hay nói đúng hơn, người đàn bà này đang thực sự quay ngược thời gian mà trở lại chính mình thời mười bảy tuổi. Scheherazade có thể làm được điều đó cũng như có thể di chuyển về kiếp trước. Cô có thể phát huy khả năng kể chuyện xuất sắc ấy đối với chính mình nữa. Giống như một bậc thầy thôi miên ưu việt có thể dùng gương để tự thôi miên mình vậy.
Thế là hai người giao tình mãnh liệt hơn bao giờ hết, nhiệt thành trong khoảng thời gian dài. Và cuối cùng cô ấy đã đạt đến cực khoái rõ rệt. Cơ thể cô co giật dữ dội hết lần này đến lần khác. Lúc đó, cả gương mặt của Scheherazade cũng đã thay đổi hoàn toàn. Scheherazade đã như thế nào thời 17 tuổi, Habara có thể tưởng tượng bao quát ra được, cả hình dung dáng dấp của cô, từ cảnh trí anh thấy được trong thoáng chốc qua khe hở nhỏ hẹp. Tấm thân mà anh đang ôm ấp đây lúc này là của một thiếu nữ mười bảy tuổi còn nhiều vấn nạn của tuổi trẻ, tình cờ bị nhốt kín trong cơ thể của người đàn bà, nội trợ bình thường ba mươi lăm tuổi. Habara hiểu rõ như thế. Trong tình huống ấy, cô đang nhắm mắt lại, thân thể rung động nhẹ mà tiếp tục mê mải hít hà mùi áo sơ mi thấm đượm mồ hôi của cậu bạn cô yêu.
Sau khi làm tình xong, Scheherazade không nói thêm câu nào nữa. Thậm chí còn không kiểm điểm bao ngừa thai của Habara như thường lệ nữa. Hai người im lặng nằm bên nhau. Mắt cô mở lớn nhìn thẳng lên trần nhà. Giống như lươn bảy lỗ từ đáy nước nhìn đăm đắm lên mặt nước sáng loáng. Lúc đó, Habara nghĩ: nếu mình ở một thế giới nào khác, hoặc vào một thời điểm nào khác, lại không phải là một con người có giới hạn tên là Habara Nobuyuki, mà chỉ là một con lươn bảy lỗ, không tên, thì tốt biết chừng nào! Scheherazade và Habara, cả hai cùng là lươn bảy lỗ ở bên nhau như thế này, miệng hút bám vào tảng đá, thân đong đưa theo dòng nước mà nhìn lên mặt nước, chờ đợi những con cá hồi to béo ngạo mạn bơi ngang qua.
“Vậy rốt cuộc đã để lại thứ gì bù cho chiếc áo của cậu ấy nào?” Habara hỏi, phá vỡ sự im lặng.
Cô ấy vẫn còn đắm chìm trong im lặng một hồi rồi nói.
“Rốt cuộc, em đã không để lại gì cả. Bởi em đã chẳng mang theo sẵn thứ gì có thể để lại bù vào hay có giá trị tương đương với chiếc áo sơ mi thấm mùi của anh ấy. Vì vậy, em chỉ lén lấy đi chiếc áo ấy thôi. Thế là ngay lúc đó em đã trở thành chỉ thuần túy là kẻ trộm rồi.”
Mười hai ngày sau, khi Scheherazade đến viếng nhà cậu ấy lần thứ tư, thì cửa nhà đã được thay ổ khóa mới. Hứng ánh nắng gần chính ngọ, sáng loáng lên màu vàng ròng đầy kiêu hãnh của ổ khóa. Và không còn chìa khóa giấu dưới thảm chùi giày nữa. Việc thiếu một chiếc quần lót của cậu con trai trong giỏ đồ giặt có lẽ đã làm dấy lên nghi ngờ trong lòng người mẹ. Và mẹ cậu ấy, với con mắt tinh tường, đã đi xem xét kỹ lưỡng mọi nơi, nhận thấy có điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra trong nhà. Không chừng có ai đó đã lẻn vào nhà này khi mọi người đi vắng. Thế là ổ khóa cửa tức thì được thay mới. Phán đoán của mẹ cậu ấy là hoàn toàn đích xác, và hành động của bà cực kỳ nhanh chóng.
Tất nhiên, Scheherazade rất thất vọng khi thấy ổ khóa đã thay mới, nhưng đồng thời lại cảm thấy nhẹ nhõm. Cảm giác như ai đó đã vòng ra sau lưng mà tháo bỏ giùm gánh nặng trên vai mình. Cô nghĩ thế là không còn phải lẻn vào ăn trộm nhà này nữa. Chứ nếu ổ khóa không được thay mới thì chắc chắn là cô còn tiếp tục lẻn vào đó hoài, và hành động của cô càng trở nên cực đoan dần lên. Và sớm muộn gì chắc chắn cũng sẽ đến chỗ thảm họa. Người nào đó trong nhà ấy có việc gì đấy mà thình lình quay trở lại khi cô đang ở trên lầu. Xảy ra việc như thế thì cô đâu có lối thoát. Mà cũng chẳng biện giải gì được. Hẳn là chuyện như thế chắc chắn sẽ xảy đến một ngày nào đó. Thế thì cô đã tránh được tình huống thảm khốc như vậy đấy. Có lẽ cô nên cảm ơn người mẹ có đôi mắt diều hâu của cậu ấy — mặc dù cô chưa gặp bà bao giờ.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, Scheherazade ngửi chiếc áo phông của cậu ấy. Và cô ngủ bên cạnh chiếc áo ấy. Khi đi học, cô gói chiếc áo trong giấy mà giấu vào nơi không dễ tìm thấy. Ăn tối xong, khi chỉ có một mình trong phòng, cô lại lấy áo ấy ra, vuốt ve ngửi hít. Cô lo rằng mùi sẽ phai dần rồi biến mất theo thời gian, nhưng không phải vậy. Mùi mồ hôi của cậu ấy vẫn thấm đượm ở đó mãi, như một kỷ niệm trọng yếu không bao giờ phai nhạt.
Khi nhận ra rằng cô không còn có thể lẻn vào nhà anh ta được nữa (cũng có nghĩa là cô không còn phải làm như thế nữa), tâm trí Scheherazade đã dần dần trở lại bình thường, mặc dù chỉ từ từ từng chút một. Ý thức dần dần hoạt động bình thường trở lại. Ít thẫn thờ mơ mộng giữa ban ngày hơn trong lớp học, và dù chưa được hoàn toàn đi nữa, lời giảng bài của giáo viên cũng dần dần đã lọt được vào tai cô. Thế nhưng trong giờ học, cô tập trung theo dõi cậu bạn hơn là chăm chú nghe lời giảng. Mắt cô chăm chỉ quan sát xem cậu ấy có hành động nào khác lạ không, có cử chỉ nào biểu lộ niềm lo âu gì không. Tuy nhiên, cử động của cậu ta hoàn toàn chẳng có gì khác lạ cả. Như thường lệ, cậu vẫn toát miệng cười hồn nhiên với bạn, vẫn trả lời nhanh nhẩu và chính xác những câu hỏi của giáo viên, và nhiệt thành tập luyện trong câu lạc bộ bóng đá sau giờ học. Cậu vẫn lớn giọng reo hò và đổ mồ hôi tràn đầy. Hoàn toàn chẳng thấy dấu hiệu nào là đã có điều gì khác lạ xảy ra xung quanh cậu ta. Cô thầm thán phục cậu ta là một chàng trai cực kỳ đàng hoàng. Người chẳng hề có dù chỉ một khoảng tối.
Thế nhưng mình biết khoảng tối của anh ấy, Scheherazade nghĩ thầm. Hoặc chút gì đó gần với bóng tối. Mà có lẽ không ai khác biết cả. Cô là người duy nhất biết được (không chừng mẹ anh ấy cũng biết chăng?). Trong lần trộm thứ ba, cô đã tìm thấy một số tạp chí khiêu dâm được giấu khéo léo trong góc tủ âm. Thấy có rất nhiều hình ảnh phụ nữ khỏa thân. Những phụ nữ dang rộng hai chân để lộ bộ phận sinh dục một cách hào phóng. Có cả hình ảnh nam nữ giao hoan. Trong một tư thế không tự nhiên chút nào. Bộ phận sinh dục giống như cây gậy chọc vào người phụ nữ. Lần đầu tiên trong đời, Scheherazade nhìn thấy một bức ảnh như thế. Cô ngồi vào bàn học của cậu ấy, lật từng trang của các tạp chí đó, tò mò xem xét từng bức ảnh. Cô tưởng tượng có lẽ cậu ấy vừa thủ dâm vừa nhìn những bức ảnh này. Nhưng điều đó không đặc biệt làm cô khó chịu. Cô cũng không thất vọng gì khi nhìn thấy bộ mặt được che giấu của cậu ấy. Cô biết và thừa nhận rằng đấy là chuyện tự nhiên thôi. Tinh dịch được sản xuất ra phải được đào thải đi đâu đó chứ. Cơ thể người nam được tạo ra như thế mà (gần giống như kinh nguyệt của phụ nữ vậy thôi). Trong ý nghĩa đó, cậu ấy cũng chỉ là một thiếu niên bình thường đó thôi. Chẳng phải là anh hùng có chính nghĩa, mà cũng chẳng phải bậc thánh nhân. Biết được điều đó lại khiến Scheherazade cảm thấy thật là nhẹ nhõm nữa kia.
“Một thời gian sau khi em ngừng chơi trò ăn trộm vặt ấy, lòng ngưỡng mộ mãnh liệt dành cho anh ấy từ từ phai nhạt đi. Giống như thủy triều rút dần khỏi một bãi biển lấp cạn. Chẳng hiểu sao em không còn háo hức ngửi mùi nơi áo anh ấy như trước nữa, mà cũng ít vuốt ve bút chì và huy hiệu của anh ấy. Nhiệt tình nguội lạnh dần giống như bệnh sốt sắp lành. Mà chắc hẳn đấy là một căn bệnh thực sự rồi, chẳng còn giống như gì nữa. Căn bệnh ấy làm cho đầu em nóng lên cao độ đến thác loạn một thời gian. Có thể người nào cũng phải trải qua một thời kỳ điên rồ như thế trong cuộc đời. Mà cũng có thể đó là một sự kiện đặc thù chỉ xảy ra cho một mình em mà thôi. Này anh, chuyện tương tự như thế đã có xảy đến với anh không?”
Habara nghĩ thử xem, nhưng chẳng nghĩ ra chuyện nào tương tự như thế cả. Anh đáp “Tôi nghĩ là đã chẳng có chuyện gì đặc biệt như vậy cả”
Scheherazade có vẻ hơi thất vọng khi nghe thế. “Dù sao thì, sau khi tốt nghiệp cấp ba, từ lúc nào đó em đã quên mất anh ấy. Quên hết sạch khiến chính mình cũng phải ngạc nhiên. Đến nỗi không còn nhớ được ngay cả chuyện mình thời mười bảy tuổi đã bị thu hút mãnh liệt bởi chỗ nào nơi anh ấy. Đời người thật là kỳ lạ. Thứ gì đấy một thời mình đã thấy sao mà huy hoàng quá đỗi và tuyệt đối đến mức nghĩ là mình có thể từ bỏ mọi thứ gì khác để có được, thế mà qua một thời gian, hoặc nhìn lại từ một góc độ khác, thì lại trông nhạt nhòa đi mất đến làm mình kinh ngạc. Em không biết mắt mình đã nhìn thấy thứ gì thời trước. Thật chẳng còn hiểu ra làm sao cả. Câu chuyện về thời kỳ trộm vặt nhà người ta của em là như thế đấy.”
Habara nghĩ là câu chuyện có vẻ gì giống như “Thời kỳ xanh” của Picasso. Tuy nhiên, Habara cũng hiểu rõ những gì cô ấy muốn nói.
Người đàn bà quay nhìn đồng hồ số đặt bên gối. Đã gần đến giờ về nhà. Cô ngưng lại một lúc để suy ngẫm, rồi nói: “Nhưng sự thật là, câu chuyện không kết thúc ở đấy. Đâu bốn năm sau đó, khi em học năm thứ hai ở trường điều dưỡng, do chút tình cờ kỳ lạ mà em đã gặp lại anh ấy. Lại có cả mẹ anh ấy xuất hiện với vai trò quan trọng, và còn có chút nét ma quái thêm vào câu chuyện nữa. Em không mấy tự tín là anh sẽ tin được, thế anh có muốn nghe không?”
“Rất muốn nghe,” Habara đáp.
“Vậy thì lần sau nhé,” Scheherazade nói. “Kể ra thì dài dòng lắm, mà em phải về nhà nấu bữa tối rồi đây.”
Cô bước ra khỏi giường, mặc lại đồ lót, mang tất dài, mặc áo yếm, váy và áo ngoài. Habara nằm trên giường mơ hồ ngắm chuỗi động tác ấy. Anh cho rằng chuỗi động tác của phụ nữ khi mặc quần áo vào có thể còn thú vị hơn khi cởi bỏ.
“Có cuốn sách nào anh muốn đọc không?” Scheherazade hỏi khi sắp rời đi. Habara trả lời là không có cuốn nào đặc biệt muốn đọc cả. Anh nghĩ chỉ muốn nghe cô kể tiếp câu chuyện ấy thôi, nhưng anh không nói ra. Bởi cảm thấy như nếu nói ra thì sẽ không bao giờ còn có thể nghe được phần còn lại của câu chuyện ấy nữa.
Đêm đó, Habara đi ngủ sớm và nghĩ đến Scheherazade. Không chừng cô ấy có thể sẽ không còn đến với anh nữa. Anh lo ngại như thế. Điều đó chắc chắn chẳng phải là chuyện không thể xảy ra. Giữa Scheherazade và anh không hề có sự dàn xếp cá nhân nào cả. Chỉ là một mối quan hệ do người nào đó đã tình cờ giao cho, vì thế là thứ quan hệ có thể bị lấy mất đi bất cứ lúc nào tùy theo tâm tình của người giao ấy. Nói cách khác, chỉ là một kết nối được ràng buộc bằng một sợi chỉ mong manh mà thôi. Có lẽ một ngày nào đó, mà không, chắc chắn một ngày nào đó, quan hệ ấy sẽ phải kết thúc. Sợi chỉ sẽ bị cắt đứt. Sớm hay muộn, là sự khác biệt duy nhất. Và một khi Scheherazade rời đi mất thì Habara sẽ không còn được nghe cô ấy kể chuyện nữa. Dòng câu chuyện bị cắt đứt ở thời điểm đó, và rất nhiều câu chuyện kỳ diệu mới lạ đáng lẽ phải được kể sẽ biến mất mà không được kể lại nữa.
Hoặc là, anh có thể bị tước bỏ tất cả tự do, và kết quả là, không chỉ Scheherazade mà còn bị tất cả phụ nữ xa lánh. Khả-năng-tính ấy cũng rất lớn. Nếu điều đó xảy ra, thì anh sẽ không bao giờ có thể vào sâu trong cơ thể ẩm ướt của họ được nữa. Thậm chí không còn có thể cảm nhận được những rung động vi diệu của cơ thể họ. Tuy nhiên, điều đau khổ nhất đối với Habara có lẽ không phải là tự thân hành vi tính dục, mà chính là việc không còn có thể cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc thân mật với họ. Đánh mất một người phụ nữ kết cuộc là thế đấy. Người phụ nữ cung ứng những khoảnh khắc đặc thù vừa gắn liền với thực tế, lại vừa vô-hiệu-hóa hiện thực. Và Scheherazade đã cung ứng cho anh thật dồi dào, đến như không bao giờ cạn hết. Điều đó, và sự thật rằng một ngày nào đó anh sẽ phải mất đi ân huệ ấy, khiến anh cảm thấy buồn bã, có lẽ hơn bất cứ điều gì khác.
Habara nhắm mắt lại và ngừng nghĩ về Scheherazade. Rồi anh nghĩ đến những con lươn bảy lỗ. Miệng hút bám vào đá, ẩn mình trong đám cỏ nước, lắc lư đong đưa, mà không có hàm. Anh trở thành một con lươn bảy lỗ trong đám ấy, ngóng chờ cá hồi bơi ngang qua. Thế nhưng dù có chờ đợi bao lâu đi nữa, vẫn không có con cá hồi nào bơi ngang qua cả. Chẳng có con nào, dù béo, dù gầy, hay chỉ làng nhàng. Rồi cuối cùng mặt trời lặn mất, tất cả chung quanh đắm chìm vào bóng tối sâu thẳm.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 22/11/2022