Thời đại Edo (1603 – 1868) ngay trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản có Thiên hoàng đóng đô ở Kyoto, nhưng thực quyền nằm trong tay Chúa Tokugawa ở Edo (bây giờ là thủ đô Tokyo), tương tự như Vua Lê Chúa Trịnh ở Việt Nam. Sau khi thống nhất nước Nhật từ tình trạng Sứ quân của thời Chiến quốc, Tướng quân (Shogun) Tokugawa phân phối các lãnh địa, gọi là Han (phiên trấn), cho thuộc hạ và đồng minh của mình sao cho chính quyền Phủ Chúa ở Edo được bảo đảm an toàn nhất. Các lãnh địa lớn, giàu, hoặc gần Edo đều vào tay các nhà võ sĩ thân tín trung thành với Chúa Tokugawa.
Phủ Chúa đặt ra lệ bắt các Lãnh Chúa (Daimyo) này mỗi năm phải đổi chỗ trú ngụ, năm này ở Edo, năm sau ở lãnh địa của mình, lại còn giữ vợ con của họ làm con tin trong dinh cơ trú đóng ở Edo. Gia thần hay thuộc hạ của Lãnh Chúa một phần trú đóng ở Edo nhưng phần lớn trú ngụ ở phiên trấn. Họ hình thành giai cấp võ sĩ (samurai).
Thời đại Edo là thời đại cuối cùng mà giai cấp võ sĩ còn được trọng vọng, đứng đầu trong xã hội gồm sĩ nông công thương. Võ sĩ Nhật Bản giúp Phủ Chúa hoặc Lãnh Chúa cai trị, điều hành, thu tô thuế từ nông dân là tầng lớp sản xuất trọng yếu nhất thời bấy giờ, sau đó là giai cấp thợ thủ công và cuối cùng là giai cấp thương nhân chỉ buôn qua bán lại vật phẩm. Thật ra, dưới cùng còn có hạng người Eta hay Hinin (phi nhân) không được đối xử như con người, bị cưỡng bách phải làm những việc ô uế, nặng nhọc.
Sự phân biệt giữa các giai cấp rất nghiêm ngặt, đặc quyền của giai cấp không thể chuyển nhượng, và con cháu đời đời kế thừa giai cấp, không được tiến thân lên giai cấp cao hơn. Chỉ có giai cấp võ sĩ mới có họ tên đầy đủ, trong khi thứ dân (nông, công, thương) chỉ có tên gọi mà không được có họ, phải dùng tên làng, tên xóm, tên hiệu buôn,… để phân biệt khi cần thiết. Và chỉ có giai cấp võ sĩ mới được phép mang kiếm, một thanh kiếm dài và một đoản kiếm để chiến đấu và tự xử.
Võ sĩ thời Edo từ thuở nhỏ phải học sách chữ Hán: Tứ thư, Ngũ kinh, Chiến quốc sách,… và tập luyện kiếm thuật, võ nghệ. Đến khoảng 13 – 16 tuổi thì làm lễ thành nhân, bắt đầu được mang kiếm, khi trưởng thành thì vào làm việc trong thành, được chia vào các tổ Cận vệ, tổ Xây dựng, tổ Kế toán, tổ Thu mua, tổ Giữ cờ,…
Tùy theo chức vụ, khả năng, võ sĩ được lãnh bổng lộc tính theo số lúa trích ra từ tô thuế do nông dân nạp vào mỗi năm. Các quan lớn lãnh bổng lộc trên 400 hộc (mỗi hộc khoảng 150 kí gạo), võ sĩ mạt hạng lãnh lương dưới 10 hộc.
Han (phiên trấn) là lãnh địa của Lãnh Chúa, cũng được đánh giá mức giàu có, thu hoạch bằng hộc, từ vài vạn hộc cho đến vài triệu hộc. Phiên trấn có thể gồm một hay nhiều xứ là những địa phương có phong thổ khác biệt. Trung tâm cai trị của phiên trấn là thành, chỗ cư ngụ của Lãnh Chúa và gia tộc, cũng là nơi tập trung các cơ quan đầu não trong chính quyền phiên trấn. Thành có tường cao và hào sâu bao bọc. Quanh thành là các xóm nhà riêng biệt cho từng giai cấp võ sĩ, thợ thuyền và nhà buôn. Xa hơn nữa là ruộng đồng, các làng có nhà ở của nông dân, và rừng núi của phiên trấn.
Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử của Shiba Ryotaro, Fujisawa Shuhei,… có bối cảnh và nhân vật tập trung vào khoảng cuối thời đại Edo ấy, có đề tài chung là “Thời thế, Anh hùng trước Minh Trị Duy Tân” (The Time and Heroes before the Meiji Restoration).
Đó là thời kỳ biến loạn mà sức ép của các nước Tây phương: Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã gây xáo trộn mãnh liệt đưa đến sự sụp đổ của Phủ Chúa Tokugawa, mở đầu kỷ nguyên mới cho Nhật Bản với công cuộc Minh Trị Duy Tân. Uy quyền của Mạc Phủ suy giảm đến mức vừa phải chịu nhân nhượng các nước ngoại quốc, vừa kiếm cách nương tựa vào uy tín của triều đình Thiên hoàng, để trấn an hơn 300 phiên trấn chư hầu trên toàn quốc, cố gắng kéo dài triều đại Mạc Phủ Tokugawa. Ngược lại, các phiên trấn lớn như Choshu, Satsuma, Tosa,… lại sôi sục ý hướng đánh đổ Mạc Phủ, đánh đuổi bọn man di Tây phương, trả chính quyền lại cho triều đình Thiên hoàng ở Kyoto, lập nên một quốc gia Nhật Bản mới, thích hợp với thời đại.
Danh nghĩa Cần Vương Nhương Di, phò vua đánh đuổi bọn man di Tây phương, đã vượt khỏi biên giới phiên trấn trở thành xu hướng thời đại toàn quốc, các võ sĩ bỏ phiên trấn nhà lên kinh đô Kyoto thành lãng sĩ tụ tập nhau hành động Cần Vương.
Đọc Cuồng Vân Tập 狂雲集của Thi tăng Nhất Hưu Tông Thuần
Thần, Phật, Ma, và Người trong Nhật Bản thời xưa qua truyện của Lafcadio Hearn
Lịch sử phát triển sân khấu Nô (Noh) của Nhật Bản
Phong cách điêu khắc Nhật Bản qua tượng Phật các thời kỳ
Nền tảng chính trị, kinh tế, quân sự, học thuật của Nhật Bản lung lay tận gốc rễ.
Các phiên trấn lo sợ bị tiêu diệt, phải nỗ lực tìm mọi cách cải cách binh bị theo Tây phương, các sĩ phu tìm học y thuật, khoa học kỹ thuật Tây phương, nhất là binh chế, tác chiến và võ khí. Toàn Nhật Bản quay cuồng trong cơn lốc chính trị, quân sự: hai khuynh hướng phò vua đuổi man di đánh đổ Mạc Phủ, hay tiếp tục phò Mạc Phủ mở cảng nhân nhượng ngoại quốc, xung đột nẩy lửa dưới hình thức lãng sĩ hai bên chém giết nhau, vạ lây đến dân thường; các phiên trấn chuẩn bị chiến tranh theo Mạc Phủ chinh phạt Choshu, hay theo triều đình thảo phạt Mạc Phủ; các đội võ trang chí nguyện lùng sục đánh giết nhau; các nước ngoài làm áp lực ký kết những hiệp ước bất bình đẳng với Nhật Bản; sĩ phu Nhật Bản đánh giết người ngoại quốc; quân Anh, Pháp giao chiến với các phiên trấn bài xích ngoại quốc; trật tự xã hội sĩ nông công thương băng hoại, mọi người đua nhau học võ nghệ, kiếm kích để lập thân trong thời loạn; hàng trăm võ đường dạy kiếm pháp của hơn năm trăm môn phái khác nhau mọc lên như nấm sau mưa trên khắp nước Nhật; sĩ phu Nhật Bản hồ hởi tìm thầy tìm sách học hỏi khoa học kỹ thuật Âu Mỹ, và ứng dụng ngay vào thực tế của các phiên trấn, qua cải cách binh chế, quân trang, võ khí, tác chiến, qua kỹ nghệ đóng tàu, chế súng đạn, qua y học, ngoại giao,… và đặc biệt nhất là chuyển đổi ý thức quốc gia từ tổ hợp các chư hầu sang một thể chế lập hiến, có quân đội theo kiểu Tây phương.
Thời đại động loạn ấy thử thách người Nhật Bản, đã hiển lộ nhiều mẫu người anh hùng, dù thành công trở nên rường cột quốc gia, hay thất bại chỉ để lại một tấm bia mộ lẻ loi; đồng thời cũng cho thấy không ít người quay cuồng vì thời thế, không tìm thấy phương hướng nên đã có những hành động ngu xuẩn, tai hại hay vô ích.
Một số điển hình người Nhật Bản thời loạn ấy được mô tả trong những truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử của Shiba Ryotaro, Fujisawa Shuhei,… Những nhân vật lịch sử trong các truyện này, ngày nay vẫn còn được dân chúng Nhật Bản yêu mến, kính trọng đến gần như là nhân vật huyền thoại, như những đại biểu cho tâm tình nguồn cội của dân tộc: những kiếm sĩ cuồng tín trong lý tưởng như Kondo Isami, Hijikata Toshizo, Okita Soji,… trong đội Shinsengumi, hay những anh hùng đã đưa dân tộc qua một trang sử mới, tân tiến hợp thời đại, như Katsura Kogoro, Takasugi Shinsaku, Sakamoto Ryoma, những chí sĩ Cần Vương,……
Hy vọng rằng những truyện dịch lịch sử của Shiba Ryotaro, Fujisawa Shuhei,… lần lượt được đăng tải, sẽ trình bày được với quý độc giả Việt Nam vài đặc điểm lý thú về thời đại và con người Nhật Bản trong thời loạn cuối đời Mạc Phủ Tokugawa, đã cống hiến vào việc đưa đường đến công cuộc Minh Trị Duy Tân, không những đối đầu được với âm mưu xâm lược của các nước Tây phương thời bấy giờ, mà còn đặt được nền tảng cho một nước Nhật Bản tân tiến và hùng mạnh sau này. Cũng là những điểm thú vị khi nghiên cứu so sánh với trường hợp của Việt Nam trong cùng thời đại ấy, đã bị đặt vào một hoàn cảnh tương tự khi các nước kỹ nghệ hoá Âu Mỹ triển khai sách lược đế quốc thực dân trên quy mô toàn cầu.