Văn Hóa Nhật

Thần, Phật, Ma, và Người trong Nhật Bản thời xưa qua truyện của Lafcadio Hearn

Lafcadio Hearn, tên Nhật là Koizumi Yakumo, là một ngoại kiều gốc Ai-len, định cư ở Nhật Bản và trở thành tác giả kinh điển viết về chủ đề ma quái của đất nước này. Tác giả Nguyễn Nam Trân có bài khảo cứu công phu các tác phẩm của ông.

truyen ma nhật bản
0 views

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn nhập

“Ở Tokyô, có một con đường dốc về hướng Akasaka tên gọi Kiinokuni-zaka, nghĩa là Dốc của phiên Kii. Con dốc ấy liên quan đến xứ Kii như thế nào, tôi không được rõ. Một bên dốc này tự thời xưa đã có cái hào thật sâu. Chạy dọc theo nó là con đê cao phủ đầy cây xanh. Vựợt lên trên nữa là khu vườn tược. Còn bên kia dốc, bức tường thành cao nghệu của Hoàng Cung kéo dài đến mãi xa. Thời đèn đường và xe kéo còn chưa có, khi màn đêm buông xuống, nơi đây vô cùng tịch mịch. Do đó mà từ lúc ngày vừa chạng vạng, khách bộ hành thà đánh một con đường vòng xa hơn mấy dặm chứ không ai dám đi ngang dốc ấy. Cũng bởi họ sợ gặp những con quái Mujina thường héo lánh nơi đây.

Người cuối cùng gặp Mujina đã chết cách đây khoảng 30 năm về trước. Đó là một ông lái buôn có tuổi ở xóm Kyôbashi. Sau đây là câu chuyện do ông ta kể lại:

Một buổi chiều tối, khi ông lái buôn này đang gấp rút leo lên Dốc Kiinokuni thì chợt thấy có một người con gái đang ngồi sụp xuống bên bờ hào khóc lóc nỉ non. Ông lo cô ta sẽ nhảy xuống hào tự sát nên dừng chân lại những mong mình có thể giúp cô ta điều gì, ít nhất cũng nói được một câu an ủi. Cô gái ấy có vẻ giàu có thanh lịch, trang phục trông đẹp đẽ và tóc búi theo kiểu một tiểu thư con nhà gia thế. Ông lái bèn đến gần và lên tiếng gọi: “O-jochuu[1] ơi! Thôi đừng khóc nữa! Nếu có chuyện gì khổ tâm, cứ kể tôi hay. Nếu giúp được cô điều chi thì tôi sẽ tìm cách giúp cho. (Thực ra ông lái định làm đúng như lời mình nói vì bản chất ông ta là người hết sức tốt bụng) Thế nhưng người con gái vẫn không ngưng tiếng nỉ non. Cô đưa ống tay áo rộng che lấy khuôn mặt không cho ông nhìn. “O-jochuu ơi! ” Ông lái cứ tiếp tục gọi cô với giọng nhỏ nhẹ. “Này cô, này cô! Nghe lời lão đi! …Chỗ này không phải là nơi để đàn bà con gái đang đêm hôm ra mà ngồi đâu.Tôi van cô đừng khóc nữa! Nếu thấy tôi có thể giúp cô điều chi thì cứ cho tôi hay nhé!”. Cô gái mới nhổm dậy nhưng lại đưa lưng về phía ông. Đằng sau ống tay áo vẫn nghe thấy những tiếng khóc nức nở. Ông bèn đưa tay đặt nhẹ trên vai người con gái và tiếp tục thuyết phục: “O-jochuu! O-jochuu! O-jochuu! Cô nghe lời tôi đi. Chịu khó nghe một chút mà. …O-jochuu! O-jochuu!” …Nghe đến đấy thì cô gái vốn có dáng như cô hầu gái trong một phủ đệ mới quay mặt lại. Và lúc đó nàng ta buông ống tay áo xuống rồi đưa tay vuốt mặt mình…Nhìn ra thì trên đó hoàn toàn không có mắt, mũi và miệng đâu cả. Ông lái sợ hãi, thét lên một tiếng rồi ù ù té chạy.

Ông chạy như bị đuổi lên phiá trên Dốc Kiinokuni.Trước mặt, tất cả tối đen và vắng tanh. Ngay quay đầu nhìn lại ông cũng không dám, cứ thế mà chạy đôn chạy đáo cho đến khi thấy tận đằng xa có một chấm sáng leo lét của ngọn đèn lồng nhỏ như đom đóm nên mới tiến về phiá đó. Mới hiểu rằng ngọn đèn kia chỉ là ánh đèn của một người hàng rong bán mì kiều mạch (soba) đang hạ quang gánh xuống bên đường. Tuy nhiên sau khi gặp cảnh vừa rồi thì dù là ánh sáng gì và của ai đi nữa, đối với ông đều tốt cả. Ông lái ngã quị xuống trước mặt người bán mì rong, miệng lắp bắp: “Ôi! Ôi! Ôi chao ôi!”. “Này, này!” Người bán mì giọng gắt gỏng. “Sao thế! Sao thế! Ai làm gì bác vậy!” “Dạ không! Chẳng có ai làm gì tôi cả!”. Ông lão rền rĩ trong tiếng thở đứt đoạn: ” Chỉ là … ôi, ôi ….”

“Mới bị dọa thôi chứ gì?”Người bán mì hỏi cụt lủn. “Gặp cướp hả?”

“Không phải cướp! Không phải cướp” Ông lão đang chết điếng cũng ráng lấy hơi đáp: “Tôi thấy …tôi thấy một người đàn bà…bên bờ hào…nó đưa cho tôi xem cái mặt ….. ôi chao ôi. Cho thấy cái gì …thì thật không sao tả ra được”.

“Ủa? Chớ cái bác vừa thấy có giống cái này không?” Hỏi xong, người bán mì đưa tay lên vuốt mặt mình. Liền đó, mặt anh ta bỗng biến dạng thành một quả trứng tròn vo. Cùng lúc, ánh lửa chiếc đèn lồng cũng tắt ngấm”.
Truyện ngắn “hai-lần-sợ” vừa kể nhan đề Mujina được đăng trong tập Kwaidan (Truyện Kinh Dị, 1904) của nhà văn Lafcadio Hearn tức Koizumi Yakumo. Mujina (badger), một giống chồn lùn, tiếng Hán viết là hạc (貉). Mujina sống trong hang, hình dạng nửa chồn nữa cầy nên còn được dịch sang tiếng Anh là racoon dog. Người Nhật tin rằng cũng như hồ ly, nó có thể thành tinh và đội lốt người để trêu ghẹo và phá quấy thiên hạ. Tương truyền một trong những biến dạng của Mujina là cái đầu với khuôn mặt phẳng lì. Truyện dân gian Nhật Bản nhắc nhiều đến nó và ngay sử liệu nhà nước như Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ, 720) cũng từng đề cập đến việc một con Mujina đã hoá thành người và biết ca hát. Chuyện ấy đã xảy ra vào năm 627 dưới thời Nữ thiên hoàng Suiko.

Mujina hiện hình người
Mujina hiện hình người

Thế giới của Thần-Phật-Ma-Người trong Nhật Bản thời xưa mà nhà văn Lafcadio Hearn gợi ra đã đến với người viết qua tác phẩm “Hồ ly Mujina” (Mujina) cách đây trên nửa thế kỷ vào giờ Anh văn ở một đại học Nhật Bản với một ông giáo người Nhật tên Saitô. Thày Saitô đã dùng Kwaidan để dạy đám học trò ngoại quốc phần đông không chút thiết tha học tập vì họ quá tự tin về tiếng Anh nhãn hiệu thuộc địa của mình để có thể chịu sự dạy dỗ của một ông thày Nhật. Riêng đứa học trò nhỏ đến từ Việt Nam – vừa dốt vừa dát – luôn luôn trân trọng những lời giáo huấn ấy và chăm chú nghe theo. Ngày nay, đã bước qua cái tuổi thất thập, lần đầu tiên mới hiểu tấm lòng ấm cúng của người thày muốn trao cho lũ học trò phương xa cái chìa khóa mở cánh cửa bước vào khu vườn văn hoá Nhật Bản qua tập truyện của một văn sĩ Anh đã đến định cư ở nước này vào giữa thời Meiji. Hôm nay, viết những dòng này là vì vừa muốn đào sâu thêm sự hiểu biết của mình về Lafcadio Hearn, một nhà văn hoá quốc tế hàng đầu, vừa để tưởng nhớ công ơn một người thày học cũ, hiền hòa và bình dị, nếu còn sống đến bây giờ, chắc phải gần trăm tuổi.

Lafcadio Hearn
Lafcadio Hearn (Koizumi Yakumo)

I – Lafcadio Hearn và Glimpses of Unfamiliar Japan

Lafcadio Hearn (1850-1904) cập bến Yokohama vào năm 1890 (Meiji 23). Sáu năm sau, người Anh gốc Ai-Len (Ireland) ấy đã trở thành công dân Nhật Bản Koizumi Yakumo, viết văn và dạy học trên đất nước Phù Tang cho đến cuối đời. Ông thường được biết đến nhiều nhất nhờ “Hôichi cụt tai” (Miminashi Hôichi) [2], “Nàng Tuyết” (Yuki Onna) [3] và những truyện kinh dị khác tập hợp trong tác phẩm “Truyện Kinh Dị” (Kwaidan, 1904), một giai tác của thể loại văn học “truyện cũ viết lại” (cố sự tân biên) nghĩa là phóng tác truyện truyền khẩu có sẵn. Ngoài ra, ông còn được nhớ tới như một nhà bình luận, một nhà tùy bút và chỉ riêng trong hai lãnh vực này, Hearn đã để lại một số công trình khá lớn. Quyển Glimpses of Unfamiliar Japan (Thoáng nhìn Nhật Bản, một đất nước xa lạ, 1894) là tác phẩm đầu tiên ông chấp bút khi đến nước Nhật. Nó giúp ta trong quá trình tìm hiểu văn hoá Nhật Bản và lối sống của người bản xứ để có cái nhìn về họ một cách đúng đắn và sâu sắc hơn. Đồng thời, nhờ nó, ta có thể xem thử trong 120 năm qua, về mặt văn hóa, Nhật Bản đã được và mất đi những gì. Qua tác phẩm này, ta sẽ thấy hình ảnh đích thực của người dân Nhật Bản bình thường, những con người tự ngàn xưa vốn có một cuộc sống đơn sơ chất phác và tâm linh, gần gủi với thiên nhiên hoang dã, trước khi xu thế thời đại cuốn hút họ vào cuộc cận đại hoá và kỹ nghệ hoá.

Quá trình hình thành một con người đa văn hóa

Thời thơ ấu và cảnh ly biệt với người mẹ

Lafcadio Hearn ra đời vào năm 1850 trên đảo Lafcas (Lefkada) ở Hy Lạp trong một gia đình cha người Ai-Len mẹ Hy Lạp. Tên ông được đặt theo tên hòn đảo quê hương: Patrick Lefkadios Hearn. Đó là cách đọc Hy Lạp, còn theo tiếng Anh thì Lefkadios phải được viết là Lafcadio. Cha ông, Charles Bush Hearn là một y sĩ lục quân gốc Ai-Len (Ireland) , mẹ, Rosa Kassimatti, là phụ nữ Hy Lạp. Văn hóa Celte của xứ Ai-Len và văn hoá Hy Lạp là hai nền văn hóa lớn đã làm nên cơ sở của văn hóa Âu Châu. Thiên khiếu văn chương nghệ thuật của ông đã bắt nguồn từ hai nguồn văn hóa đó thông qua cha mẹ.

Thế nhưng lúc Hearn ra đời nghĩa là khoảng giữa thế kỷ 19, hai cường quốc Anh và Pháp đang đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Ai-Len bị Anh thôn tính và cai trị, còn Hi lạp thì bị Anh Pháp Nga đô hộ. Nhân đó, Hearn mang quốc tịch Anh theo người cha.

Đảo Lafcas (Lefkada, Hy Lạp) xinh xắn, nơi Hearn sinh ra
Đảo Lafcas (Lefkada, Hy Lạp) xinh xắn, nơi Hearn sinh ra

Sau đó không lâu, Charles, cha ông, được bổ nhiệm ở vùng đảo Tây Ấn (West Indies) trong vùng biển Ca-ri-bơ (Caribbean Sea), Hearn phải cùng mẹ là bà Rosa về Dublin (thủ đô Ai-Len). Năm Hearn lên 3, bố từ nhiệm sở trở lại nhà nhưng Charles bắt đầu lạnh nhạt với vợ. Cùng lúc, bà Rosa đã chán ngán với cuộc sống ly hương trên quốc gia miền bắc nơi mình không quen ngôn ngữ, tập quán, tôn giáo lẫn khí hậu. Năm 1854, mắc chứng trầm cảm, bà Rosa bỏ về Hy Lạp, để cậu bé Lafcadio lại Dublin.

Kể từ ngày đó, Hearn không bao giờ gặp mẹ nữa. Thế nhưng ông không khỏi đồng tình với bà vì đã thông cảm dược tâm sự u uất của mẹ mình. Tình cảm đó, ông vẫn giữ cho đến cuối đời. Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh mẹ ông trong những nhân vật của Kwaidan.

Cha của Hearn sau đó tái hôn với người yêu cũ, lên đường sang Ấn Độ và để Hearn lại Dublin cho bà Sarah Brennan, người dì của mình, trông coi. Sau đó, cha ông lâm bệnh và mất. Từ ấy, Lafcadio Hearn mồ côi cha lẫn mẹ, phải nương tựa nơi người dì của cha rồi theo bà lên Durham, một thành phố miền đông bắc nước Anh (1863 năm 13 tuổi). Bà trẻ của ông là người ngoan đạo nên đã gửi ông theo học ở một trường dòng trong tỉnh nhưng đối với Hearn, kỹ luật khắt khe và giáo dục Ki-tô-giáo ở ngôi trường này chỉ đem đến cho ông sự chán nản.

Năm lên 16, ông bị cái giây thừng của chiếc đu quay trong sân chơi nhà trường đập thật mạnh vào mắt trái khiến mất thị lực. Ta để ý những bức ảnh chân dung ông đều chỉ được chụp từ bên phải hay trong tư thế nhìn xuống. Việc mắt trái không còn nhìn thấy đường sau tai nạn ấy trở thành một mặc cảm lớn lao suốt những năm về sau. Không những thế, mắt phải của Hearn cũng cận thị nặng và có lẽ vì vậy chăng mà từ đó, đôi mắt của ông bắt đầu hướng về một thế giới mà những con mắt bình thường không thể nhìn thấy. Đó là thế giới “bên kia”, mờ ảo lung linh đầy những thần linh, yêu quái cũng như hồn ma bóng quế.

Giáo dục khắc nghiệt của trường dòng thời niên thiếu ở Durham chỉ tô đậm thêm nơi Hearn tình cảm chán chường và tâm sự cô đơn. Gia đình đã tan vỡ, ngôi trường kia và cả mảnh đất Âu châu chẳng qua chỉ là nơi ăn gửi nằm nhờ, ông chỉ còn có cách là làm sao thoát ra cho được thế giới đó.

Lên năm thứ 4, Hearn xin thôi học ở Durham, đổi sang một ký túc xá trường đạo vùng Normandie bên Pháp. Đáng tiếc là không ai có bằng chứng cụ thể về sinh hoạt của ông trong thời gian này.

Sang Mỹ rồi sang Nhật

Năm 19 tuổi, Hearn một mình sang Mỹ. Bà trẻ của ông bị người ta đánh lừa nên ông mất cả tiền thừa kế di sản. Không một xu dính túi, may nhờ có quốc tịch Anh, ông kiếm cách sang được đất Mỹ. Ở đó, ông làm đủ mọi nghề từ bán hàng rong, nhân viên phát điện tín, bồi khách sạn, phát quảng cáo bươm bướm, thầy cò chữa bài trong các nhà in, tòa báo vv…Tuy sống cực khổ nhưng ông không hề xao lãng việc đến các thư viện để đọc sách và rèn luyện văn từ. Sau khi nếm đủ mùi cay đắng trong xã hội Mỹ, rốt cuộc ông tìm ra cơ hội hoạt động trong ngành báo chí. Trong vòng 16 năm, ông đã hành nghề ký giả ở vùng Cincinnatti-New Orleans và lần hồi có chút tên tuổi như nhà văn và nhà báo.

Trong giai đoạn sống trên đất Mỹ, ông có cơ hội dịch một số thơ tiếng Pháp của Baudelaire và Gautier và sống một thời gian trên quần đảo Martinique vùng Tây Ấn. Đến năm 1890, nhà xuất bản (tạp chí) Mỹ Harper and Brothers gửi ông làm đặc phái viên ở Nhật. Lúc đó ông đã 39 tuổi. Là người đã quan tâm đến đất Nhật từ khoảng năm 26 tuổi nhưng ý định sang Nhật chỉ thành hình từ hồi 35 tuổi (1885), khi ông đến dự Hội chợ Quốc Tế ở New Orleans và làm quen được một người Nhật, công chức cao cấp biệt phái của chính phủ Nhật Bản tên là Hattori Ichizô [4], trở thành bạn thân với ông này. Thế rồi năm 1889, Hearn mượn được (từ William Patton, chủ nhiệm mỹ thuật Tạp chí Harper Monthly) quyển Kojiki (Cổ Sự Ký), bộ cổ sử Nhật Bản (nội dung gồm cả thần thoại, truyền thuyết và ca dao cổ đại) được học giả ngôn ngữ người Anh Basil Hall Chamberlain[5] dịch. Ông rất cảm động khi đọc bản dịch tiếng Anh này và sau khi đến Nhật, đã tìm mua nó.

Tiếng rằng Hearn đến Nhật Bản một cách tình cờ với tư cách đặc phái viên của tạp chí do nhóm Harper and Brothers chủ trương nhưng chính ra lúc ấy, trong lòng, Hearn đã quyết tâm tìm đến nước này. Bằng chứng là khi tàu cập bến Yokohama ngày 4 tháng 4 năm 1890, ông đã gửi thơ ngay cho Basil Chamberlain, lúc đó đang là giáo sư Đại học Đế quốc Tokyo (Imperial University of Tokyo) để xin giúp đỡ tìm việc làm. Chỉ hai tháng sau, ông từ chức đặc phái viên tạp chí vì cho rằng so sánh với các đồng nghiệp, điều kiện hợp đồng dành cho mình không được thuận lợi; đến tháng 8 cùng năm, ông xuống Matsue (tỉnh Shimane) miền nam đảo Honshuu, dạy tiếng Anh trong một trung học và Trường Cao đẳng Sư phạm địa phương nhờ có sự giới thiệu của Chamberlain. Từ đó cho dến 14 năm sau, khi ông qua đời, Hearn không hề rời đất Nhật.

Tác phẩm đầu tiên trên đất Nhật

Glimpses of Unfamiliar Japan là tác phẩm đầu tiên Hearn viết từ khi ông cập bến Yokohama. Quyển sách thuộc loại tùy bút lữ hành này gồm 700 trang và chia làm 2 tập với 27 chương, đã được xuất bản ở Boston và New York vào năm 1894.

Hearn đã bỏ ra hai năm trời để viết nó. Hai mươi bảy thiên trình bày một loạt chủ đề đa dạng nhưng nhìn chung, tất cả đều qui về mối quan tâm của ông đối với văn hóa dân gian Nhật Bản. Hai năm trời nói trên, đúng ra là 1 năm 7 tháng, bắt đầu từ ngày ông đặt chân đến Yokohama (4/4/1890) và kết thúc khi ông từ giã Matsue (15/11/1891). Tuy là người “phải lòng” nước Nhật từ ngày đầu tiên, chứng từ Hearn để lại cho ta thấy một sự hiểu biết sâu sắc và chính xác về đất nước này dù chỉ thông qua trực giác. Đó là chưa nói đến thành quả về mặt văn học của tác phẩm. Thực tình 2 năm đâu phải là một thời gian đủ để hoàn thành một công trình có tầm cỡ như vậy, nếu không phải nói đó là một phép lạ!

Vị trí của Matsue (chấm đỏ) trên địa đồ Nhật Bản
Vị trí của Matsue (chấm đỏ) trên địa đồ Nhật Bản

Trong 14 năm trời sống ở Nhật, Hearn đã viết được trên một chục tác phẩm. Có lẽ quyển sách đáng được xem là lý thú nhất chính là Glimpses of Unfamiliar Japan, tác phẩm đầu tiên. Nhiều người có thể bỏ phiếu cho Kwaidan, một phần vì nó được phổ biến rộng rải hơn nhưng công bình mà nói, Glimpses of Unfamiliar Japan mới biểu lộ được hết sở trường sở đoản cũng như cá tính của nhà văn, xứng đáng được coi như sáng giá hơn hết trong các tác phẩm của giai đoạn Hearn lưu ngụ Nhật Bản. Người ta có cảm tưởng là qua tác phẩm này, Hearn đã bày tỏ tất cả tình yêu nồng nàn của ông với đất nước và con người Nhật Bản. Đôi khi hành động đó cho ta thấy ông giống như một đứa trẻ thơ đi tìm hình bóng mẹ. Nhiều người phê bình ông đã đi đến chỗ cực đoan là tán tụng Nhật Bản một cách quá ngây thơ, vô điều kiện. Về điểm đó, ông đã khẳng định rằng mình cũng đã thấy cả hai mặt phải và trái:

Trong sinh hoạt, người Nhật có một số sở đoản, thậm chí đôi khi họ tỏ ra ngốc nghếch và ti tiện nữa. Họ cũng làm việc ác và còn tàn nhẫn. Tuy nhiên, nếu xét cho thật kỹ, ta sẽ thấy họ hết sức lương thiện, giỏi chịu đựng và luôn luôn có một tấm lòng đơn sơ, một thái độ ân cần, biết chăm sóc người khác. (Trích Lời nói đầu)

Dù sao, kết quả là với những gì viết trong quyển sách này, ông đã giúp được người Nhật nói riêng hay những dân tộc Đông Phương nói chung, tìm lại bản sắc tốt đẹp của mình mà chính họ không hề hay biết để cứ phải nhắm mắt chạy theo những giá trị phương Tây mà họ xem như là trên hết.

Nội dung hai tập Glimpses of Unfamiliar Japan

Quyển sách này đã được Hearn viết ra theo cung cách một tác phẩm ra đời trước đó về hai năm sống ở vùng Tây Ấn thuộc Pháp nhan đề Two years in the French West Indies nghĩa là ông chen lẫn cảm tưởng và tri thức của mình vào bên trong mô tả. Từ một nội dung gồm 1.500 trang bản thảo, bản đầu tiên của Glimpses of Unfamiliar Japan xuất bản năm 1893 được thu ngắn xuống 500 trang trong hai tập. Nhà xuất bản Tuttle Co. đã thu xếp và gộp lại thành một quyển dày 569 trang 27 chương với bìa mỏng trong lần tái bản năm 1976.

Tập I:

0 – Lời nói đầu – 1- Ngày đầu tiên ở phương Đông – 2- Thư pháp của Kôbôdaishi – 3- Địa Tạng (Jizô) – 4- Cuộc hành hương đến Enoshima – 5- Ngôi chợ của người chết (Bon-ichi) – 6- Điệu múa Vu Lan (Bon.odori) – 7- Thủ đô của đất nước chư thần (thành phố Matsue) – 8- Kitzuki, ngôi đền Thần đạo cổ nhất Nhật Bản – 9- Trong động đá những hồn ma trẻ con – 10- Ở Mionoseki – 11- Tạp ký về Kitzuki – 12- Ở Hinomisaki – 13- Những người chọn chết chung (Shinjuu) – 14- Đền Thần đạo Yaegaki – 15- Chồn (Kitsune).

Tập 2:

16- Trong khu vườn Nhật – 17- Ban thờgia đình – 18- Về mái tóc người phụ nữ – 19- Trích nhật ký một nhà giáo tiếng Anh – 20- Hai lễ hội kỳ quái – 21- Dọc Biển Nhật Bản – 22- Một con múa – 23- Từ Hoki tới Oki – 24- Về những linh hồn – 25- Ma và yêu quái – 26- Nụ cười Nhật Bản – 27- Giã từ.

Thời gian cư ngụ ở Nhật của Lafcadio Hearn có thể chia làm 5 giai đoạn như sau:

1) Thời mới đặt chân đến Yokohama (tháng 4 đến tháng 8 năm 1890).

2) Thời dạy học ở Matsue (tháng 8 năm 1890 đến tháng 9 năm 1891).

3) Thời chuyển xuống Kumamoto (tháng 11 năm 1891 đến tháng 10 năm 1894).

4) Thời ở Kobe (tháng 10 năm 1894 đến tháng 8 năm 1896):.

5) Thời lên Tôkyô (tháng 9 năm 1896 đến tháng 9 năm 1904).

Tuy vậy, phần lớn những địa danh được nhắc tới trong 2 tập sách trên đây đều liên quan đến vùng Matsue, nơi ông cư ngụ vào những ngày đầu tiên trên đất Nhật và cũng là đối tượng tìm hiểu của ông. Điều này khá dễ hiểu. Trước tiên, Matsue trong tỉnh Shimane nằm ven biển Nhật Bản nhìn về bán đảo Hàn, là sân khấu của bộ cổ sử Kojiki, nơi xưa kia theo truyền thuyết, các thần cổ đại từng sống chung với loài người. Hai nữa là vào thời điểm đó, mới đến Nhật, con mắt hiếu kỳ của Hearn còn đang choáng ngợp trước một đất nước lạ lùng với những điều mới mẻ ông chưa từng chứng kiến ở phương Tây.

Giáo sư Ikeda Masayuki [6], người dịch văn bản từ nguyên tác tiếng Anh sang tiếng Nhật đặc biệt lưu ý độc giả đến văn tài của Hearn thể hiện trong Glimpses of Unfamiliar Japan. Theo ông, văn tiếng Anh trong đó có nhiều tu sức nên hoa lệ và huyền ảo, khó lòng xem như giọng văn của người nghiên cứu hay nhà báo mà chỉ có thể là của một tùy bút gia viết ký sự lữ hành bẩm sinh. Hearn đặc biệt sử dụng nhiều hình dung từ, còn các động từ thì viết theo thì hiện tại và thể liên tiến hiện tại, ít dùng thời quá khứ nên câu văn rất sống động nhưng cùng lúc, gây nhiều khó khăn cho dịch giả.

0. Lời nói đầu (Preface)

Lời nói đầu đóng vai trò dẫn lối vào quyển sách nhưng cũng là tuyên ngôn của tác giả cho biết là kể từ ngày hôm nay, mình sẽ tích cực có những hoạt động văn bút trên đất Nhật.

Lời nói đầu gồm 4 phần, trong đó Hearn khai triển 4 ý chính:

1) Phê phán giới thượng lưu và trí thức Nhật Bản chỉ biết chạy theo Tây Phương. Ông thấy họ không quan tâm đến tôn giáo và tâm linh, quá gấp gáp muốn thu thập khoa học kỹ thuật tân tiến, quên mất cái hay cái đẹp của nước mình.

2) Vẻ đẹp độc đáo của Nhật Bản có thể tìm thấy nơi người dân bình thường. Ý này cũng có mục đích phê phán giới trí thức.

3) Truyền thuyết, thần thoại, lễ hội … những gì sắp biến mất, theo Hearn, mới là tượng trưng của một Nhật Bản đích thực. Ông ca tụng những đức tính như lương thiện, nhẫn nại, chịu cực và sự chất phác hiếm có của họ.

4) Phê phán Ki-Tô giáo lẫn văn minh Tây Phương qua những thói hư tật xấu nẩy ra ở Anh từ Cuộc cách mạng kỹ nghệ. Hearn cũng chê trách sự cạnh tranh quá mức và chủ nghĩa thuần lý ở Mỹ.

Hearn từng nhắc trong một bức thư vào cuối tháng 11/1888 gửi cho William Patton, tổng biên tập tạp chí Harper Monthly là ông sẽ không viết ký sự theo kiểu một nhà nghiên cứu hay ký giả nhưng viết làm sao để độc giả cảm thấy một cách sống động từ những điều ông bắt gặp trong thực tế. Tóm lại, điều ông mong muốn là đi vào cuộc sống Nhật Bản để tìm hiểu bản chất của văn hóa Nhật Bản và cuộc sống nội tâm người Nhật. Điều này cũng được Hearn thổ lộ trong Lời nói đầu.

Thực ra, văn chương du ký của Hearn đã có sẵn một điểm khởi hành, đó là việc tìm hiểu thế giới tâm linh. Trước khi đến Nhật và hãy còn sống ở Mỹ, Hearn đã viết những bài tiểu luận liên quan đến hồn ma (ghost). Xung động muốn ra đi thường xuyên ám ảnh tâm trí ông. Ra đi là để gạt bỏ sự yên ổn, bình thản của cuộc sống hiện tại đầy nọa tính, ra đi là tìm đến những nơi chưa hề đặt chân, gặp gỡ những người chưa hề quen biết, ra đi để tìm sự đối chiếu dẫn đến giao cảm rồi đồng điệu giữa tự ngã và tha nhân. Hơn thế nữa, ra đi đối với ông còn là cơ hội giúp mình gặp được một cái ta khác đang ẩn dấu trong người.

1. Ngày đầu tiên ở phương Đông (My first day in The Orient)

Chương đầu tiên mang tên “Ngày đầu tiên ở phương Đông” ghi lại cảm nghĩ của Hearn khi ông đặt chân lên bến Yokohama vào ngày 4/4/1890. Đoạn văn này bộc lộ sự cảm động và phấn khích trong lòng ông khi được đến một vùng đất mới.

Buổi sáng khi ghé cảng Yokohama, ông đã thuê xe kéo để thăm viếng thành phố. Bầu trời xanh ngắt của ngày hôm ấy, người kéo xe (kurumaya) tên Cha đội nón lá, chân đi dép bện rơm và hết sức tốt bụng, những cửa tiệm với rèm cửa màu lam trên đó viết những dòng chữ Hán ngoằn ngoèo … đều làm ông kinh ngạc. Ông ngỡ mình như lạc vào một xứ thần tiên nào (fairyland, chữ Hearn dùng). Đầu tháng 4 cũng là mùa xuân, lúc hoa anh đào đang nở. Tất cả như muốn cùng nhau giúp Hearn củng cố ý định muốn lưu lại sinh sống trên đất nước này, ý định mà ông đã có từ đầu.

Ngày hôm đó, ông cũng đến thăm nhiều chùa Phật đền Thần và khi soi bóng mình trong tấm kính đồng ở ngôi chùa ven biển và nhâm nhi chung trà với một nhà sư già, Hearn có cảm tưởng như thấy được một con người khác của mình đã từng có mặt nơi đây từ một nghìn năm về trước.

Cũng trong ngày đầu tiên ấy, Hearn đã làm quen được với Manabe Akira, một tăng nhân tập sự trong chùa, có biết chút tiếng Anh học được ở Tokyo. Sau đây là đôi mẩu đối thoại thú vị giữa hai người:

Tôi hỏi:

-Tại sao trong chùa của anh không thấy tượng Phật?

Người học tăng trả lời:

-Có một bức tượng nhỏ trong khám thờ ở trên điện. Thế nhưng cái khám ấy đang khóa kín. Ở đây, tượng Phật lớn cũng có nhiều nhưng không đem trưng ra mỗi ngày trừ những dịp lễ lạc.Có tượng một năm mình chỉ được thấy hai ba lần.

…………………………….

Tôi quay lại người thanh niên và hỏi anh:

-Tại sao những người đến viếng lại vỗ tay trước khi khấn khứa?

Anh ta mới giải thích:

– Vỗ tay ba lần cho Tam Tài là Thiên Địa Nhân[7].

-Chứ không phải họ đang mời mọc thần thánh như khi người Nhật vỗ tay để gọi người làm của mình?

-Ồ không! Vỗ tay như thế là muốn thoát ra khỏi giấc Mộng của Đêm Dài.

– Mộng gì?Đêm nào?

Anh ta chần chừ một chút rồi đáp:

-Đức Phật dạy rằng tất cả con người đang nằm mộng trong một cõi phù sinh tối tăm và đau khổ.

-Thế thì vỗ tay là để đánh thức những linh hồn đang ở trong chốn mê lầm.

-Thưa vâng.

-Ông có hiểu linh hồn (soul) mà tôi nói nghĩa là gì không?

-Vâng, có chứ. Đức Phật dạy linh hồn vẫn có và sẽ có mãi.

-Ngay cả trên Niết Bàn?

-Vâng, chính thế!

Người học tăng tên là Akira đó sau này sẽ đồng hành với Hearn xuống Matsue.

Cách viết độc đáo của Hearn

Cách viết ký sự du hành bằng miêu tả chi tiết pha lẫn cảm tưởng cá nhân như thế là đặc điểm của văn chương Hearn. Sự trầm tư giúp ông len lỏi vào chiều sâu những chi tiết bắt gặp trong thực tế và tìm ra từ chúng một ý nghĩa cao xa. Nó khác hẳn cách viết của những người ngoại quốc đến Nhật nghiên cứu vào thời điểm ấy.

Thực ra từ năm 1872 một hội đoàn nghiên cứu về Nhật Bản tên là Japan Asia Society (Hiệp Hội Á Châu Nhật Bản) đã được thành lập ở Yokohama, trong đó có những thành viên như Lord Basil Hall Chamberlain và Ernest Satow [8]. Thế nhưng những người phương Tây chuyên nghiên cứu về Nhật Bản (Japanologist) này hoàn toàn không hiểu Thần đạo (Shintoism) là tôn giáo gì. Bởi vì theo họ, sự sùng bái các hiện tượng thiên nhiên chưa hội đủ điều kiện để làm nên một tôn giáo. Hearn chống đối lập luận này của họ. Ông đã phê phán (tuy không nêu hẳn tên) những nhà nghiên cứu chỉ biết dựa trên tư liệu, sách vở để suy luận ấy ở những hàng cuối chương 8 “Kitsuki, ngôi đền Thần đạo tối cổ của Nhật Bản”.

Dĩ nhiên là vào thời buổi đó, những nhà nghiên cứu phương Tây khi tìm hiểu Nhật Bản cũng như các nước phương Đông chỉ nhằm mục đích phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc và chính sách thực dân. Ngay cả Chamberlain khi dịch Kojiki (Cổ Sự Ký, 712) sang tiếng Anh, không phải vì ông đánh giá cao những cống hiến về mặt văn học của tác phẩm mà chỉ nhắm cung cấp thông tin về Nhật Bản cho học giới Anh quốc trong bối cảnh thế kỷ 19, thời mà chủ nghĩa đế quốc của Đế quốc Đại Anh (British Empire) đang hưng thịnh. Học giới Anh nhất là những nhà nghiên cứu trong lãnh vực nhân loại học hay thần thoại học đối chiếu, nếu có quan tâm văn hoá, lịch sử, phong tục, tập quán của những “miền đất mới” cũng chỉ vì họ chạy theo ý thức hệ đương thời, những mong điều hiểu biết của mình sẽ phục vụ tích cực cho chính sách bành trướng thị trường và thực dân, hệ quả của Cuộc cách mạng kỹ nghệ .

Ngược với họ, Hearn không đi theo lối tiếp cận ấy. Điều này có thể bắt nguồn từ 2 lý do. Trước tiên là thân thế rất đặc biệt của Hearn. Ông là một người con lai, mang trong người hai dòng máu Ai-Len và Hy Lạp. Từ ngày bé thơ, ông đã được vú em kể những câu chuyện dân gian và hát cho nghe những bài hát ru Ai- Len. Cả Ái Nhĩ Lan và Hy Lạp đều là những nền văn hóa đa thần giáo (polytheism). Do đó Hearn đã có thể dễ dàng đồng cảm không chút gượng ép với văn hoá đa thần của Nhật Bản khi tiếp xúc với một tín ngưỡng vốn đặt lòng tin vào bách vạn chư thần trú ngụ trong thiên nhiên là Thần đạo. Thứ đến, đó là tư chất nhà báo và nhà lữ hành của Hearn. Hearn không dựa trên tư liệu sách vở và cũng không phân tích kiểu học thuật khi ông tìm đến với văn hoá Nhật Bản. Với một giọng văn uyển chuyển, sống động, ông đã vẽ nên được một Nhật Bản đời thường, thân mật và truyền cảm. Khi bàn đến các tác phẩm viết về Nhật Bản vào thời đó, cho dù sao này có mối bất hòa giữa hai người, Chamberlain cũng đã phải tỏ lời khen ngợi Hearn:

“Ông biết trình bày cặn kẽ với một sự chính xác khoa học với một lối viết nhẹ nhàng, linh động và hoa lệ. Nơi ông, có một sự kết hợp khéo léo đến nay chưa thấy ai làm được…. Ông làm tôi nhớ tới câu nói của soạn giả nhạc kịch người Đức Richard Wagner: “Hầu hết mọi sự hiểu biết sâu sắc đều phải thông qua con tim mới đến được chúng ta”. Bởi vì Hearn đã yêu mến Nhật Bản hơn ai hết cho nên ông cũng đã hiểu biết Nhật Bản hơn ai hết và nhân đó, có khả năng giúp cho độc giả hiểu về Nhật Bản một cách sâu sắc hơn bất cứ tác giả nào khác”. (Trích lời tựa ấn bản lần thứ 5 của Things Japan)

Bình thường, trong khi tìm hiểu một nền văn hoá khác, con người ta thường chỉ muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ (curiosity) và vì một hứng thú (interest) nào đó. Nhưng thực ra, trong học vấn, nghệ thuật hay văn học thì con đường tìm hiểu cần phải bắt đầu từ sự ngưỡng mộ (admiration) và lòng tôn kính (respect) đối tượng. Giáo sư Ikeda Masayuki sử dụng thuật ngữ thaumazein (tán dương) mà người thầy của ông, triết gia Imamichi Tomonobu (1922-2012) đã đề xướng. Đó là một khái niệm đến từ tiếng Hy Lạp.

Nếu tiếp cận đối tượng vì hiếu kỳ và hứng thú thì ta chỉ có thể chạm được cái vỏ ngoài của sự vật. Chữ interest còn có nghĩa là “lợi ích” cho nên khi nói đến interest là nói đến việc thủ lợi, nó có hơi hướm của đồng tiền. Trong khi đó với thaumazein, ta có thể tiến gần đến bản chất của sự vật hơn, và như thế, phù hợp với mục đích học tập, nghiên cứu. Có thể nói việc làm của Hearn đã bắt đầu bằng tinh thần thaumazein này bởi ông không vì hiếu kỳ cũng như lợi lộc nhưng đã tiếp cận văn hoá Nhật Bản với một tấm lòng yêu kính..

Những người sống trong thời đại của chúng ta chỉ khen chê đầu lưỡi, khi suýt soa khi mạt sát chớ ít ai cảm thấy quí hóa khi đứng trước những gì xa lạ với mình. Có được cái tầm nhìn với thaumazein là điều chúng ta cần học tập nơi Hearn.

2. Thư pháp của Kôbô Daishi (The writing of Kobodaishi)

Vì sao chương 2 lại dành riêng cho Kôbô Daishi thì hơi khó hiểu. Có thể Hearn chép câu chuyện ra ngay đầu sách vì nó đã được nhà sư tập sự Manabe Akira kể lại cho nghe hồi mới gặp nhau và ông lấy làm thích thú.

Kôbô Đạishi (Hoằng Pháp Đại Sư) là chức phong cho tăng Kuukai (Không Hải, 774-835), người sáng lập phái Shingon (Chân Ngôn tông). Tương truyền chữ ông rất đẹp, có thể viết bằng toàn thân một lần với 5 ngọn bút, khiến Hoàng đế nhà Đường lẫn Thiên hoàng đều phải thán phục. Ông lại còn sáng tạo ra hệ thống Hiragana cho Nhật ngữ từ chữ Hán và là tác giả bài thơ Iroha để tóm tắt bộ chữ ấy.

Chương này đặc biệt kể lại những giai thoại có tính cách thần thánh chung quanh cuộc đời của bậc đại sư và không có gì đáng bàn thêm. Chỉ có thể giữ lại từ đó ấn tượng là lòng tôn kính và biết ơn của người Nhật đối với ông như động cơ để tạo ra truyền thuyết chung quanh một nhân vật lỗi lạc.

3. Địa Tạng (Jizô)

Học tăng Manabe Akira đã đồng hành với Hearn trên đường xuống Matsue. Khi đi ngang vùng Yokohama, anh giải thích cho ông về tín ngưỡng Địa Tạng (Jizô) ở Nhật Bản. Hai người trước đó đã đến một ngôi chùa tên là Zôtokuin để dự một buổi lễ tắm Phật bằng trà ngọt (amacha) và đi xin xăm (mikuji). Sau đó họ viếng một nghĩa trang (hakaba) trong khuôn viên nhà chùa, nơi đây Hearn quan sát hình thức kiến trúc những ngôi mộ Nhật Bản và phong tục cúng hoa, thắp nhang và tưới nước cho người đã khuất. Hearn đã ngạc nhiên khi thấy trong nghĩa trang Phật giáo này có cả một ngôi mộ Ki-tô giáo với thập tự giá của một người Anh. Thế nhưng cái làm Hearn hơn cả là trên đường về, ông đã dừng chân lại trước 6 bức tượng nhỏ đặt bên đường và nằm thành một hàng. Đó là Roku Jizô hay 6 vị Địa Tạng.

Roku Jizô với khăn trùm đầu (zukin) và yếm nước dãi (yodarekake)
Roku Jizô với khăn trùm đầu (zukin) và yếm nước dãi (yodarekake)

Theo Hearn, đây là những pho tượng đáng yêu hơn cả và những nhóm tượng như vậy, người ta thường gặp ở trong các bãi tha ma ở Nhật. Trong tín ngưỡng dân gian, đó là những vị bồ tát đã đến cõi đời này để an ủi những linh hồn trẻ con đang đau khổ và cứu chúng thoát khỏi bàn tay ma vương ác quỷ.

Hearn cho biết không ai rõ tại sao Jizô khi đặt bên nhau lại là sáu mà không phải là 2, 3, 4 hay 5… Ông đưa ra giả thuyết được truyền lại từ đời trước là Jizô muốn phân thân làm 6 để cứu vớt tất cả chúng sinh trong sáu cõi (Lục đạo). Hãy hiểu thêm về Jizô qua đoạn văn dưới đây:

Tôi hỏi:

– Tại sao có những đống đá nhỏ được sắp bên cạnh các tượng?

-Bởi vì người ta nói tất cả các hồn ma trẻ con phải gom góp đá đi xây những tháp chuộc tội cho chúng ở Sai-no-kawara, nơi mà sau khi chết chúng đều phải tới. Bọn quỷ sứ (Oni) sẽ đến nơi đập phá tan hoang những tháp ấy ngay khi lũ trẻ vừa mới xây xong, đe dọa và hành hạ chúng. Lúc đó, những hồn ma trẻ con bèn chạy đến bên Jizô và được những vị bồ tát ấy dấu dưới ống tay áo của các ngài, an ủi chúng và đánh đuổi bọn quỷ dữ. Mỗi hòn đá đặt trên gối (Jizô ngồi) hay dưới chân Jizô (đứng) cùng với lời khấn nguyện chân thành của khách vãng lai sẽ giúp lũ trẻ con ở Sai-no- Sawara tiêu được tội lỗi của chúng.

Thế rồi người học tăng có nụ cười hiền hậu như một bồ tát Jizô tiếp lời:

-Mọi đứa trẻ đều phải đi về cõi Sai-no-Kawara sau khi chết và chúng sẽ chơi đùa với các Jizô ở đó. Sai-no-Kawara nằm trong lòng đất, dưới chân chúng ta.

Bởi vì Jizô có ống tay áo thật dài, bọn trẻ đùa nghịch bằng cách trì kéo các ngài bằng ống tay áo và sắp xếp những hòn đá nhỏ trước mặt họ. Thực ra, những hòn đá nhỏ chúng ta thấy xếp bên cạnh tượng thường là của những bà mẹ có con nhỏ chết đến đây khấn vái. Chỉ có trẻ em chứ người lớn thì không thác sinh về Sai-no-Kawara.

Các nhà Đông Phương học cho rằng Jizô trong tiếng Phạn viết là Kshitegarbha nhưng họ đồng thời xác nhận Jizô Nhật Bản là một sáng kiến của người bản xứ. Thủ tục chồng đá trước tượng Jizô không biết có từ đời nào nhưng có thể đã dựa vào ý nghĩa một đoạn trong kinh Pháp Hoa. Còn như truyền thuyết về Sai-no-Kawara dường như đã bắt đầu với tăng Kuuya (Không Dã thượng nhân, 903-972) trong một đêm ông băng qua dòng sông cạn nước gọi là Sai-no-Kawa (nay đọc là Serikawa) ở ngôi làng tên Sai-in gần Kyôto và trầm tư thương xót cho số phận của những hồn ma trẻ em ở cõi Meido (Minh thổ hay Minh đồ).

Thế nhưng Jizô không chỉ cứu giúp trẻ con. Truyền thuyết về Hakada Jizô (Jizô khỏa thân) thờ ở chùa Enmeiji (Kamakura) nói đến việc Jizô dù là đàn ông và mặc áo quần đã biến thành đàn bà để cởi truồng thế chỗ một bà phu nhân thua ván cờ bị bắt phải chịu sự nhục nhã là cởi truồng và đứng ngay trước mặt mọi người . Ngày nay khách hành hương đến chùa này sẽ thấy một pho tượng Jizô mặt đàn ông trong thân xác đàn bà đặt trên một bàn cờ.

Hearn lại nhắc đến một số thần thánh đặc biệt. Trước tiên là Batô Kannon (Mã Đầu Quan Âm) nghĩa là Quan âm đầu ngựa. Tuy nhiên điều này không ám chỉ Quan Âm ấy có cái đầu như đầu ngựa nhưng có nghĩa là hình đầu ngựa được gắn trên mão miện của vị bồ tát. Quan Âm đầu ngựa có “chức năng” bảo vệ cho súc vật được nuôi như bò ngựa. Kế đến là Kiriboshin hay Karitei-Bo (chữ Phạn là Hariti), một nữ thần trong một kiếp trước rất hung ác, từng xé xác con mình, nhưng sau khi được Phật giác ngộ, đã trở thành kẻ bảo vệ trẻ em. Nữ thần Ấn Độ này cũng đã được người Nhật tiếp nhận với “chức năng” tương tự Jizô.

Như vậy, Thần Phật ở Nhật có rất nhiều nếu không nói lả các vị ấy tự phân thân ra hàng trăm hàng ngàn để đáp ứng với nhu cầu của đại chúng. Một Kannon đã trở thành trăm Kannon, sáu Jizô đã trở thành nghìn Jizô.

Trong nghĩa địa này, Hearn cũng đã nhìn thấy những tượng nimbi (súc sanh trong lớp da người) quì đội những bình hương, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (Senjiu Kannon), tượng Yakushi Nyorai (Dược Sư Như Lai), tượng Bất Động Minh Vương (Fudo Sama) cầm kiếm (tượng trưng cho tri thức) và lửa (quyền lực), dây thừng (để trói đam mê và dục vọng), cũng như các tượng đá tạc hình chồn (kitsune) và ba con khỉ (san.en), tương truyền là bộ hạ của thần khỉ Saruta Hiko no Mikoto trong Thần đạo. Chúng che mắt, che tai và che miệng vì không muốn nghe (kikazaru), không muốn thấy (mizaru) và không muốn nói (iwazaru) những điều thất đức.

Lấy xe kéo đi tiếp với nhà sư trẻ đến một nơi tên là Renkoji ở Kuboyama, Hearn đã thấy tượng Em-Ma (Diêm Ma) mặt đỏ tức Diêm Vương, người cai quản Địa Ngục, tượng Jizô màu trắng đứng trên tòa sen và cả tượng Sozu Baba, một nữ quỷ già nua da tóc trắng toát, hay cướp áo xống người chết để đòi tiền chuộc khi họ phải qua sông Tam Đồ (Sanzu no Kawa) dưới âm ty. Tất cả những pho tượng đó tượng trưng cho sinh hoạt dưới cõi âm mà khi chết người Nhật sẽ bước vào.

4. Cuộc hành hương đến Enoshima (A Pilgrimage to Enoshima)

Hearn và Akira tiếp tục thuê 2 chiếc xe kéo (jinrikisha), một thứ taxi thời đó, để viếng Kamakura, cố đô Nhật Bản dưới Mạc phủ Kamakura (1183-1333), nơi xưa kia sứ giả của Kubilai Khan đã mất đầu vì dám đến kêu gọi Shôgun hãy hàng phục Mông Cổ. Nay Kamakura là một thành phố nhỏ có nhiều cây xanh tô điểm bởi những đoá hoa xương bồ (ayame, Japanese iris) tím ngát. Hai người đã làm một cuộc hành hương trong một vùng có vô số chùa chiền khởi đầu bằng Engakuji (Viên Giác Tự) rồi Kenchôji (Kiến Trường Tự), viếng tượng Daibutsu (Đại Phật), đền thờ Quan Âm và bờ biển Enoshima, hòn đảo linh thiêng của tín ngưỡng thủy thần qua hình ảnh nàng Long Nữ.

Trong chương này, Hearn mô tả cảnh tượng chùa chiền trong chuyến tham quan. Ông cũng thuật lại nhiều câu chuyện đơn sơ có tính răn đời và liên quan đến các đền chùa trong vùng nhưng chỉ xin ghi lại nơi đây hai mẩu chuyện nhỏ mà ông nghe được. Một là về quả chuông chùa Engakuji, một là về pho tượng Jizô ở Kenchôji:

Năm thứ 12 niên hiệu Bunmei (1481), đại hồng chung của chùa Kengakuji không ai đánh cũng kêu. Thiên hạ cho là phép lạ, có người bèn cười. Người ấy liền gặp sự bất hạnh. Trong khi ấy, kẻ khác tin theo và được hưởng nhiều điều may mắn.

Chính vào lúc đó, ở ngôi làng Tamanawa có một người tên Ono no Kimi. Anh ta lâm bệnh và chết xuống Âm Ty. Khi ra trước công đường cho Emma (Diêm Vương) xét xử thì vị này hướng về phiá Ono no Kimi mà phán rằng:

-Ngươi xuống đây sớm quá. Số năm ở cõi Ta Bà của ngươi hưởng chưa hết. Thôi cho ngươi về!

Thế nhưng, Ono no Kimi lại thưa rằng:

-Cõi Âm tối đen như mực, tôi biết theo đường nào mà đi?

Emma đại vương mới nói tiếp:

-Ở Nam thiên, có thể nghe được chuông chùa Engakuji. Ngươi cứ theo tiếng chuông ấy mà đi về phiá Nam thì thế nào cũng tới.

Ono no Kimi bèn lần theo tiếng chuông mà đi về phiá Nam. Ông ta qua khỏi bóng đêm dài của Âm Ty và tìm lại được cõi Ta Bà.

Cũng vào thời này, người ta thấy xuất hiện một nhà sư hành cước khổ người to lớn không ai biết tên tuổi gốc tích. Ông ta đi khắp tỉnh thành thôn xóm và khuyến khích người ta đến cầu khấn trước quả chuông chùa Engakuji. Cuối cùng mọi người mới vỡ lẽ rằng nhà sư to lớn ấy chính là quả chuông lớn kia nhờ một sức mạnh siêu nhiên đã hoá thân ra.

……………………………….

Akira kể cho tôi nghe một câu chuyện anh thấy chép trong quyển sách gọi là Jizô Kyo Kosui (Địa Tạng Kinh Cổ Thú Ý):

Ngày xưa ở vùng Kamakura có một bà vợ của ông rônin (vũ sĩ vô chủ) tên là Soga Sadayoshi. Bà ta chuyên môn nuôi tằm và ươm tơ. Bà lại thường lui tới chùa Kenchôji. Một hôm trời lạnh, bà thấy bức tượng Jizô giá rét tội nghiệp nên định bụng làm ra một cái mũ nồi (zukin) để Jizô đội trên đầu như người thường dân vẫn làm vào những năm khi thời tiết đặc biệt lạnh. Thế rồi làm mũ xong bà đem đến đội cho tượng và nói: “Phải chi tôi giàu có để có thể làm cái gì che đủ cho tất cả tấm thân cao quí của ngài khỏi lạnh. Tôi nghèo quá chỉ được một cái mũ đội đầu, thật không xứng đáng với ngài.”

Sau đó bà ta chết lúc mới 55 tuổi vào tháng 12 năm thứ 5 niên hiệu Jishô (Trị Thừa) tức năm 1181.Thế nhưng thân thể bà sau 3 ngày mà vẫn ấm cho nên họ hàng chưa dám đem hỏa táng. Đến cuối ngày thứ 3 thì bà bỗng hoàn hồn sống lại. Bà mới kể rằng khi thác xuống Âm Ty, bị bắt ra công đường để xét xử thì Emma mới phán: “Nhà ngươi là một con người độc ác, không nghe theo lời dạy của Đức Thích Ca. Cả đời, ngươi đã sát hại bao nhiêu là con tằm khi luộc chúng trong nước nóng. Nay ngươi sẽ phải đi vào địa ngục và chịu thiêu đốt cho đến khi đền xong tội”. Bà liền bị một con quỷ dữ thảy vào bên trong vạc dầu nóng như sôi. Bà khóc thét lên vì kinh sợ. Bỗng nhiên thấy Bồ Tát Jizô ở đâu đáp xuống dưới đáy vạc và dầu thôi nóng cháy. Jizô đưa tay kéo bà lên đến trở lại trước Emma, xin tha tội cho bà. Bà được tha thứ vì điều thiện đã làm và được trở về sống trong cõi Ta Bà.

Những câu chuyện vừa kể là những truyện có tính răn đời của nhà Phật (Bukkyô setsuwa). Dĩ nhiên nó biểu lộ sự mê tín của người bình dân Nhật Bản. Thế nhưng như trong lời tựa của Glimpses of Unfamiliar Japan viết năm 1894 ở Kumamoto, Hearn đã bày tỏ một sự thông cảm với những con người chất phác ấy trong một đoạn văn dài đại ý: “Người Nhật đã Âu hoá ngưỡng mộ tri thức của Paris và Boston xem mê tín là mê tín chứ không chịu nghiên cứu nó theo quan điểm xã hội học hay tâm lý học…Dĩ nhiên sự mê tín của người Nhật cũng giống như nỗi sợ của người Hy Lạp khi đứng trước thần thánh. Tuy vậy, đừng xem mê tín chỉ tượng trưng cho sợ hãi. Nó còn đem đến hy vọng….Chúng ta thường trông cậy vào những ảo giác hơn là tri thức bởi vì trí tưởng tượng có thể an ủi và đem lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc hơn là lý trí.”

Bên cạnh Thích Ca, Quan Âm, Dược Sư, Văn Thù, Phổ Hiền…thế giới linh thiêng của người Nhật còn có những Fudô, Kichijô, Benten, Kishibojin là những vị thần dị giáo bên Ấn Độ được Phật giáo đồng hóa và người Nhật Bản rất yêu chuộng. Khi đến Nhật, Phật giáo cũng tỏ ra hiếu hòa trong nỗ lực thâu nhận những vị thần của Thần đạo. Chúng ta thấy điều đó qua câu chuyện sau đây, tương truyền đã xảy ra vào thời Nara:

Lúc ấy, trong vùng Yamato có một vị cao tăng là Tokudo Shônin. Kiếp trước, ông là một vị bồ tát nhưng thác sanh vào cõi đời này để cứu vớt những linh hồn. Một đêm, đang khi dạo bước trong thung lũng, ông chợt thấy một đạo hào quang và nhận ra là nó đến từ một cây long não (kusunoki). Một làn hương thơm tỏa ra từ thân cây và hào quang sáng như bánh trăng. Shônin (thượng nhân) mới biết rằng đây là một linh mộc nên ông muốn tạc hình Phật Quan Âm bằng gỗ cây này. Ông bèn đọc kinh niệm Phật để xin nguồn cảm hứng thì bỗng có một ông lão và một bà lão hiện ra bên cạnh.Họ nói: “Chúng ta biết ông muốn tạc tượng Đức Quan Âm bằng gỗ cây này. Thế thì cứ tiếp tục khấn nguyện, chúng ta sẽ giúp cho ông”.

Tokudo Shônin nghe và làm theo và thấy họ chẻ thân cây long não ra làm hai phần bằng nhau một cách dễ dàng. Họ bèn bắt đầu việc tạc tượng, như thế trong vòng 3 ngày. Đến ngày thứ 3 thì 2 bức tượng Phật tuyệt vời đã hoàn thành. Shônin bèn thưa: “Có thể nào hai ngài cho tiểu tăng được biết quí danh?” thì lão già trả lời; “Ta là Kasuga Myôjin (Xuân Nhật Minh Thần)” (tổ thần họ Fujiwara). Lão bà nói: “Còn ta là Tenshôkô Daijin (Thiên Chiếu Hoàng Đại Thần” (nữ thần mặt trời).

Nghe được tin này, Thiên hoàng bèn gửi sứ giả đến dâng lễ vật là cho dựng trên chỗ đó một ngôi chùa…

5. Ngôi chợ của người chết (The Market of the Dead)

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 7 Dương lịch, ở Nhật có Lễ Cúng Người Chết gọi là Bon.matsuri (Bồn Tế) hay Bonku (Bồn Cúng), dịp mà người phương Tây gọi là Lễ Hội Lồng Đèn (Feast of Lanterns). Nó đã sao y lễ cúng các vong linh vốn được tổ chức tự thời xưa nhưng xảy ra vào 3 ngày đó trong tháng 7 Âm lịch. Nhật không nghỉ lễ tôn giáo, ngay cả Giáng Sinh hay Phật Đản nhưng trong 3 ngày O-Bon, tất cả người đi làm đều được cho nghỉ để về quê cúng kiếng tổ tiên. Akira đã đưa Hearn đưa đi thăm một Butsudan (ban thờ Phật) trong một gia đình và sau đó viếng “Ngôi chợ của những người chết” (Bon.ichi), nơi trưng bày những món đồ người Nhật mua sắm vào dịp cúng dường này.

Theo tục lệ cổ truyền, vào ngày 13, vào sáng sớm, họ phải bện rơm thật sạch sẽ, tinh khiết thành đồ trải ban thờ và đặt nó trên mọi ban thờ (Butsudan) hay trong phòng thờ Phật (Butsuma). Các đền chùa và ban thờ sẽ được trang trí với giấy màu, hoa như sen (hasu, lotus) và nhánh cây thiêng: hồi hương (shikimi, anise), thưu (misohagi, lespedeza)…Thế rồi, một mâm cỗ cúng (gozen) với miến bột gạo (somen), cơm, bánh dày (dango), cà tím (nasu) và hoa quả trong mùa thường là dưa ngọt, đào và mơ, các loại bánh ngọt. Đồ ăn có khi được bọc giản dị trong lá sen. Không bao giờ dùng cá, thịt hay rượu. Nước lạnh lâu lâu được rưới bằng nhánh cây thiêng sakaki và trà thì châm mỗi giờ để mời những vị khách của thế giới bên kia. Có cả đũa bát và cốc cho họ nữa. Như thế suốt 3 ngày.

Đêm đến, những cây đuốc thông soi sáng trước nhà để đón chào tổ tiên trở về. Cũng vậy, nhiều khi trong đêm đầu, người Nhật thắp “lửa chào đón” (mukaebi) tổ tiên dọc theo bờ hồ, bờ sông hay bờ biển. Thường là 108 ngọn lửa, con số bí mật có lẽ tượng trưng cho 108 thứ phiền não. Ngoài cửa nhà, họ còn treo thêm những chiếc đèn lồng vẽ hình hoa cỏ hay phong cảnh để soi đường cho người chết. Cũng trong đêm đó, họ ra ngoài nghĩa trang đốt hương, tưới nước lên bia mộ, khấn khứa và cúng lễ. Hoa được đặt trong ống tre bên cạnh mỗi nấm mồ. Có cả đèn lồng nhưng là đèn trơn, không trang trí.

Đến tối ngày 15, ở các đền chùa, người ta tổ chức Segaki (Thí ngạ quỷ) để bố thí cho những con ma đói trong Gakidô (Ngạ quỷ đạo) cũng như những cô hồn vất vưởng vì không ai chăm sóc. Thế nhưng vào dịp này, không mấy khi họ sửa soạn đồ lễ tế Thần.

Đêm thứ ba (đêm 17), điệu múa tập thể gọi là Bon.odori được diễn ra trên toàn thể đất Nhật. Tuy vậy, vào đêm ấy, quang cảnh làm cho người ta cảm động hơn cả Segaki và Bon.odori là lễ chia tay với các vong linh. Sau ba ngày tiếp đón và làm tất cả những gì mình có thể để tổ tiên vui lòng, người Nhật từ giã và trả họ về với thế giới u minh. Mỗi nhà đều sửa soạn những chiếc thuyền con bện bằng rơm chở thức ăn đồ uống và kết những ngọn đèn nhỏ kèm theo hương nhang, mảnh giấy viết lời bày tỏ tình cảm cũng như ước nguyện rồi đặt chúng xuống lòng hồ, sông hay thả trôi ra biển. Những con thuyền ma (có thì dài đến cả 1 m) này gọi là shôryôbune (tinh linh chu) với ánh lửa leo lét, trôi trong màn đêm và tỏa trên mặt nước một làn hương nhẹ nhàng.

Còn ngôi chợ cho người chết gọi là Bon.ichi thì được tổ chức vào ban đêm. Akira cũng đã đưa Hearn đi viếng nơi đó. Dưới ánh sáng đèn lồng và đuốc thông, những gian hàng mọc san sát bên nhau. Ở đây, người ta bán vật dụng để cúng các vong linh. Hearn thú vị nhất là những tiếng rao bán hoa sen (hasu), vỏ gai bện để làm đuốc (ogura), chén bát đáy nông cho người chết dùng (kawarake), đèn lồng (ya-bondôrô), hương nhang (senkô) hay những vật trang trí ban thờ (o-kazari), hoa giả (tsukuribana), cả đom đóm (hotaru) và dế (kirigirisu) vốn không liên quan gì đến O-Bon nhưng là những sinh vật tượng trưng cho mùa thu.

6. Điệu múa Vu Lan Bồn (Bon odori)

Hearn bắt đầu làm một chuyến lữ hành vào Nước Nhật Sâu Thẳm (Deep Japan) và cảm tưởng khi ngừng lại thị trấn Uwaichi (tỉnh Tottori) giữa đường đến nơi phó nhậm là Matsue (tỉnh Shimane) vào ngày 28/8/1890. Nó được ghi lại trong Chương 6 nhan đề Điệu Múa Vu Lan Bồn (Bon.Odori). Uwaichi hãy còn thuộc khu vực văn hóa Phật giáo trong khi Matsue thuộc về khu vực văn hoá Thần đạo. Ông vẫn được nhà sư trẻ Manabe Akira làm thông dịch và hướng dẫn du lịch.

Điệu múa Vu Lan Bồn
Điệu múa Vu Lan Bồn

Đêm hôm đó, sau khi giữ nhà trọ và ăn bữa cơm chiều, Hearn đã được người địa phương đưa đến ngôi chùa Myôgenji (Diệu Nguyên Tự) để xem múa. Lần đầu tiên ông đã được nhìn thấy các cô gái múa O-Bon, các thanh niên đánh trống cả. Ông có cơ hội thưởng thức một thứ âm nhạc dân tộc mà ông không hề biết ở Âu châu, ngoại trừ kinh nghiệm âm nhạc thổ dân ở New Orleans và ở các đảo vùng Tây Ấn trong thời gian phiêu bạt đến quần đảo Martinique. Điệu vũ O-Bon là dịp để người sống gọi hồn người chết, nghênh đón họ trở về để cùng nhảy múa với mình. Làm như thế, giữa người sống và người chết có sự giao lưu và nếu bảo là trong đó còn cả một khả năng hòa hợp, tương chiếu (correspondence) tâm linh giữa hai thế giới tử sinh thì hẳn cũng không ngoa. Theo Hearn, lý do là nguyên ủy của Bon.odori có lẽ đã phát xuất từ câu chuyện Đại Mục Kiền Liên (Dai-Mokenren) trên thượng giới đã vui mừng nhảy múa khi cứu được mẹ – bà Thanh Đề – ra khỏi kiếp ngạ quỷ dưới địa ngục. Điệu múa vũ trụ (cosmic dance) của O-Bon Nhật Bản đã cuốn hút Hearn vào trong nó và chinh phục ông.

Giữa sân đền, có một giàn tre trên đó đặt cái trống lớn và đám dân làng đang ngồi dọc theo những hàng ghế dài mang ra từ trường học. Có tiếng nói chuyện thì thầm, đôi khi là tiếng con nít khóc và tiếng cười khúc khích của mấy cô gái trẻ. Đằng xa phiá sau sân bên ngoài hàng rào thấp bằng cây xanh tôi thấy hiện ra những chấm sáng trắng và những cái bóng cao màu xám. Đó là những ngọn đèn cúng người chết thường chỉ thấy ở nghĩa trang. Những vệt xám là dãy bia mộ.

Đột nhiên một cô gái từ chỗ ngồi đứng dậy và đánh một tiếng trống lớn. Đây là dấu hiệu cho biết cuộc khiêu vũ với người chết đã bắt đầu.

…………………………..

Từ bóng tối của chính điện ngôi đền, một đoàn con múa bước ra dưới ánh trăng, rồi đột ngột họ dừng lại. Toàn là những cô gái trẻ trong những bộ y phục đẹp nhất. Những cô cao hơn cả đi trước dẫn đường, theo sau là những cô thấp dần, cuối cùng là mấy bé gái khoảng 10, 12 tuổi. Họ nhẹ nhàng như chim, dáng vẻ đó gợi nhớ những hình thù xinh như mộng được vẽ lên trên những chiếc bình cổ. Tấm áo yukata đẹp tuyệt vời buông tới đầu gối với ống tay buông rủ và giải giây lưng rộng thắt quanh áo mang các mô hình như được một họa sĩ Hy Lạp hay Etruria (dân tộc cổ ở Bắc Ý) trang trí. Đùng thêm một tiếng trống nữa, họ bắt đầu trình diễn một màn vũ ngoạn mục và huyền ảo đến mức làm tôi sửng sốt. Thực không biết lấy lời gì để diễn tả.

Họ đưa chân phải lên trong khi dép trái không rời mặt đất và duỗi hai cách tay về bên phải với một cử động phiêu diêu trong khi khuôn mặt điểm một nụ cười nhu hòa bí ẩn. Thế rồi họ rút chân phải về, làm động tác vẫy tay và nhẹ cúi đầu. Họ tiếp tục bằng cách đưa chân trái tới và lập lại động tác cũ, người hơi nghiêng về bên trái. Sau đó tất cả bước nhanh hai bước về phiá trước và chập hai bàn tay vỗ nhẹ vào nhau cùng một loạt.

……………………………

Đằng sau lưng tôi, bãi tha ma hãy còn đó như nó vẫn có tự ngày xưa. Tôi cảm thấy mình đang bị cuốn hút bởi những chiếc đèn lồng dành để đón người chết đang treo ở đấy. Đó là nói về nơi chốn. Còn thời khắc thì bây giờ là lúc hồn ma đã có thể hiện hình. Tất cả yếu tố ma quái ấy như qui tụ lại và gây cho tôi một cảm giác khó ở. Thế nhưng đối với các cô gái đang múa hát thì không! Cử động của những cánh tay đang dịu dàng đưa lên đưa xuống như những đợt sóng thầm lặng kia không hề giống như cánh tay của những vong hồn đang được ánh lửa soi đường. Lúc đó, tôi lại nghe trỗi lên tiếng hát nhẹ nhàng, trong vắt như tiếng chim hót của những cô gái trẻ. Năm mươi cái miệng cùng cất lên một giọng hát dịu dàng:

Sorouta, soroimashita odoriko ga sorota
Soroi kite kita hare yukata
(Những người con gái múa hát họp nhau đây trong áo quần ngày hội. Họ đẹp như gié luá chín trên đồng)

……………

Những người đang ngủ trong lòng đất, bên dưới những bia mộ xám và những chiếc đèn lồng trắng, cả cha họ, ông họ và cả tổ tổ tiên tiên hàng nghìn năm về trước, bao thế hệ được mai táng ở đây và đã rơi vào quên lãng, nhất định đêm nay đang nhìn lên cảnh tượng này. Phải rồi, những hạt bụi bốc lên từ nhịp bước của những nàng con gái đang múa từng mang sinh mệnh bao người sống nơi đây. Nhất định ngày xưa dưới một vầng trăng cũng giống như trăng đêm nay, cùng một nụ cười tươi tắn, bước chân duyên dáng, bàn tay nhịp nhàng như của những nàng thiếu nữ trước mắt tôi, họ cũng đã từng múa điệu vũ trần gian.

Trong đoạn này, ta thấy một đặc điểm khác của Hearn là ông đã tạo nên một bầu không khí siêu tự nhiên, mông lung huyền ảo (supernatural, ghostly atmosphere). Nếu dùng ngôn ngữ tôn giáo để diễn tả không khí đó thì phải nói là thần thánh (divine), thiêng liêng (holy) hay nhiệm mầu (miraculous). Chữ ghostly dùng bởi Hearn có nghĩa rộng hơn nghĩa từ điển, nó vừa là một trạng thái tâm linh bên trong cá nhân, vừa là một biểu hiện tôn giáo bên ngoài họ. Trong văn chương Hearn, ta thấy có một sự cộng hưởng giữa tâm hồn ông và mọi sự tồn tại, dù chúng là hiện tượng siêu tự nhiên hay tự nhiên, động vật hay thực vật. Ông cho rằng dù con người không tin những chuyện ma quái vì thấy là không hợp lý đi nữa, thì ít nhất, họ cũng phải nhìn nhận rằng ngay sự tồn tại của bản thân họ đã là một điều kỳ diệu. Con người chính là một thứ hồn ma (ghost). Lý do là ngày nay dù khoa học có tiến bộ, người ta vẫn thích nghe những chuyện cổ tích, chuyện nhi đồng vốn không hợp lý, cũng như để trí tưởng tượng của mình mọc cánh bay đến cõi siêu nhiên với những thần tiên, yêu quái và hồn ma. Thế nhưng, đôi cánh của trí tưởng tượng còn có thể bay trở lại thế giới của con người, một cõi tự nhiên trong đó có những nền văn hóa khác biệt của nhiều dân tộc. Xã hội hợp lý và trọng hiệu suất ngày nay đã khiến chúng ta suy xét một cách máy móc và hời hợt những gì chúng ta thấy. Chỉ cần nó không phù hợp với lối suy nghĩ của ta hay khó khăn một tí là ta đã khép cánh cửa lòng. Thế nhưng sở dĩ chúng ta hãy còn cảm động được trước một chuyện gì là bởi vì trong mỗi một người đều có một hồn ma (ghost), nó giúp cho chúng ta đồng cảm, chan hòa với nhau. Văn học của Hearn chính là loại hình văn học coi trọng khả năng giao cảm giữa những linh hồn.

Trải nghiệm tiếp xúc với hồn ma thời thơ ấu của mình là một nguyên nhân đưa đến lối tư duy ấy. Trong một tập hồi ức, Hearn nhắc đến cảm tưởng đã thấy ma trong một đêm bị bỏ một mình trong gian phòng vắng hồi còn ở chung với bà trẻ Sarah Brennan sau khi cha mẹ đều rời khỏi Dublin. Một chuyện ma khác liên quan đến “bà chị họ tên Jane”(cousin Jane) , một cô gái ngoan đạo đến mức độ cuồng tín từng sống một thời gian với ông ở nhà bà trẻ. Cô này đã có lần tức giận, thuyết giáo và la mắng làm ông chỉ muốn nguyền rủa cho cô chóng chết. Thế nhưng bẵng đi một dạo, tình cờ cậu bé Lafcadio gặp lại Jane vào lúc chạng vạng một buổi chiều mùa thu trong ngôi nhà ấy, trong khi ông chạy xô lại để mừng chị thì thấy cô Jane ấy chỉ là một người đàn bà có khuôn mặt mặt phẳng lì (nopperabô) không mắt không mũi không miệng. Có lẽ “cousin Jane” chỉ tượng trưng cho sự bất ổn trong tâm hồn ông đứng trước giáo lý Ki-Tô mà cô ấy là một biểu tượng. Cần nói thêm là trong thực tế, Jane vì bạo bệnh thực sự đã qua đời trước đó không lâu. Gần 50 năm sau, Hearn đã viết nên “Hồ ly Mujina”, câu chuyện về một con ma đầu tròn như quả trứng với khuôn mặt phẳng lì (xem Mujina trong Kwaidan dịch bên trên). Jane như con ma không mắt không mũi không miệng chỉ là một kết tinh của cái “đáng lẽ có mà lại không có” chẳng khác nào người mẹ đáng lẽ phải ở bên cạnh mà suốt thời niên thiếu, ông chẳng thấy bóng dáng đâu. Cho nên ta còn có thể nói rằng văn chương của Hearn là văn chương nói về nỗi sợ hãi và sự mất mát nữa.

7. Thủ đô của đất nước chư thần (The chied city of the province of the gods)

Hearn từ giã thế giới Phật giáo của vùng Yokohama và Kamakura để từ đây bước hẳn hoi vào thế giới Thần đạo. Thực vậy thành phố Matsue trong vùng đất cổ Izumo mới là đất nước chư thần và cái nôi của văn hóa Nhật Bản.

Thành phố Matsue vẫn thơ mộng như thuở nào
Thành phố Matsue vẫn thơ mộng như thuở nào

Tiếp xúc với văn hóa bằng âm thanh qua đôi tai

Trong những chương vừa qua, chúng ta đã có thể theo chân Hearn từ Yokohama đến Matsue, gặp được nhiều người, biết được nhiều phong cảnh và văn vật địa phương, cùng cộng hưởng với tâm hồn nhạy cảm của ông vốn được thành hình từ những trải nghiệm khá đặc biệt của thời thơ ấu. Ở đây chúng ta có thể bàn thêm về khả năng tiếp xúc bằng trực giác và thái độ đồng cảm của ông khi đứng trước một nền văn hoá xa lạ như văn hóa Nhật Bản.

Ngày nay, khi chúng ta tiếp xúc với một nền văn hoá khác với văn hoá chúng ta quen biết, một là ta cảm thấy phấn khích vì cái lạ lẫm của nó, hay ngược lại, đâm ra cự tuyệt nó vì không hiểu nổi tại sao có sự khác biệt đó. Thế nhưng Hearn đã chọn một thái độ khác với cả hai. Trước tiên, ông tìm cách tiếp cận với nền văn hoá đó một cách trực tiếp, đem cả thân xác và tâm hồn ra để cảm lấy. Ví dụ ông đã quan sát những tiếng rao hàng để hiểu cách sinh hoạt của người địa phương. Sau đó, ông tự đặt mình vào vị trí của một người dân bản xứ mà thử hiểu xem lý do lịch sử nào đã khiến họ ứng xử như vậy.

Đặc biệt, Hearn dùng đôi tai của mình như một phương tiện làm việc. Trong tác phẩm của ông, ngay cả Glimpses of Unfamiliar Japan, ta thấy nhiều bằng cớ về sự sử dụng thủ pháp này. Thực vậy, ông không dùng mắt để đọc tư liệu và văn kiện, ông chỉ dùng tai để hiểu bản chất của sự vật qua tiếng động.

Nói như thế, không có nghĩa là ông không dùng mắt với lý do mắt ông mang thương tật. Như ta đã thấy, mắt của Hearn rất tinh tế vì ông miêu tả rất tinh tường những gì mình thấy. Điều đó cũng nhờ óc tò mò và cặp ống nhòm mà khi đi đâu ông cũng kè kè bên mình. Tuy vậy, điều gây ấn tượng cho độc giả là đôi tai của ông. Ông đã biết miêu tả bằng thanh âm, ngôn ngữ hoá một cách chính xác tiếng động ngoài đường phố.

Ngay trong Chương 1 (Ngày đầu tiên trên đất Nhật), ta thấy đôi tai của Hearn đã mở ra ngay để tiếp xúc với tiếng động. Trở về khách sạn mệt mỏi sau nguyên ngày thăm viếng đền chùa, một giọng đàn bà rao trong đêm vọng qua cửa sổ kèm với tiếng huýt còi đã đánh thức trí tò mò của ông:

Amma –Kamishimo-Gohyakumon!

Sau đó qua lời giải thích bằng tiếng Anh bập bẹ của người hầu phòng, ông mới hiểu tiếng rao ấy là của một bà đấm bóp mù và tiếng còi của bà là để báo cho bộ hành cũng như những người đi xe biết để tránh khỏi chạm vào bà:

Đấm bóp đây – Từ trên xuống dưới – Năm trăm “mon”.

Năm trăm mon này đáng giá năm xu thời ấy.

Tiếp đến, trong chương 7 Thủ đô (Matsue), đất nước chư thần (Izumo) này, Hearn đã ghi lại những tiếng động đầu tiên khi mới đến thành phố và thức dậy sau một đêm ngủ trọ tại lữ quán Tomita.ya bên bờ sông Ôhashi, nơi nhìn thấy được mặt nước hồ Shinji phía tây nam.Vì Hearn lưu lại Tomita.ya những hai tháng nên ông có thời giờ quan sát và miêu tả cảnh trí sông hồ núi non của khu vực này, ngay cả rặng Daisen (Đại Sơn) – ngọn Fuji của vùng Izumo – ở phía chân trời. Tuy vậy, cái đánh mạnh vào tâm thức người đọc hơn cả là những “tiếng động” nghe ông được khi vừa đặt chân lên vùng đất xa lạ này:

Hôm sau khi vừa đến nơi, một ngày ở Matsue bắt đầu với những tiếng     động mạnh dội vào tai tôi trong khi đang ngủ, giống như những tiếng 
mạch đập thình thình mỗi lúc một to dần….Những tiếng động lúc khoan lúc nhặt như âm thanh vang lên khi người ta đập liên tục vào một vật gì.

Hearn làm sáng tỏ ngay sau đó:

Những tiếng động ấy phát ra theo một nhịp đều đặn, sâu kín như đang 
được bao trùm lại. Không cần lắng tai, tôi đã cảm thấy những chấn động của chúng xuyên qua mặt gối. Âm vang bắt được từ đó chẳng khác nào nhịp tim của mình đang đập. Đó là tiếng giã gạo, tiếng chày rơi nặng nề trên cối.

Bây giờ ta mới biết đó là tiếng chày giã gạo. Cách viết này cũng giống như cách ông mô tả núi Fuji trong một chương trước. Tuy chỉ là những “tiếng 
động bất chợt” Hearn đã nghe được khi vừa ngủ dậy nhưng nó đã nối kết 
được với “lúa gạo”, một yếu tố cơ sở của văn hoá Nhật Bản. Trong đoạn sau đây và thông qua trực giác, ông đã khơi gợi được cái tinh túy của nền văn hoá ấy thông qua một tiếng chày.

Nghi thức giã bánh dầy
Nghi thức giã bánh dầy

Gạo là thức ăn của người Nhật từ thuở xa xưa cho nên văn hoá luá gạo là văn hóa ẩm thực, rộng hơn nữa, văn hoá cơ bản của người Nhật. Tóm lại, tiếng chày giã gạo là “nhịp tim Nhật Bản”. Kết hợp thính giác với trí tưởng tượng, Hearn đã tiếp cận được bản chất của văn hóa Nhật Bản.

Hearn còn giới thiệu những âm thanh khác của Matsue cũng trong chương 7 này, chẳng hạn tiếng chuông của ngôi chùa Thiền Tôkôji (Động Quang Tự) mà âm hưởng lan ra suốt một khu phố. Đó cũng là tiếng trống trầm trầm báo giờ công phu buổi sáng của Jizôdô (Địa Tạng Đường) trong xóm buôn gỗ nằm kế bên nhà trọ. Ngoài tiếng chuông và tiếng trống, còn lọt vào tai Hearn những tiếng rao hàng (mono.uri) ngoài đường phố.

Cuối cùng là những tiếng rao hàng bắt đầu thật sớm. Daiko yai! Kabu ya kabu! (Ai củ cải, ai su hào không?). Đó là tiếng rao của người gánh hàng rong bán những loại rau quả lạ lẫm. Hoặc là tiếng rao buồn buồn của những người đàn bà bán những bó củi nhỏ để chụm lửa: Moya ya, moya! (Củi nhen lửa, củi đây!).

Những âm thanh ấy báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu trong cuộc sống.Hearn mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Dưới mắt ông là dòng Ôhashigawa. Rồi bỗng nhiên, tai ông bắt gặp những tiếng động lạ. Đó là tiếng chập tay vỗ vào nhau của những người đang đứng bên kè sông:

Bọn họ mặt nhìn về hướng mặt trời. Hai tay chập lại, vỗ bốn lần vái chào. Trên chiếc cầu dài màu trắng, tôi còn nghe bao tiếng vỗ tương tự. Và từ những con thuyền nhẹ, đẹp đẽ với dáng cong cong như vầng trăng non của chúng cũng vọng lại âm hưởng những bàn tay chập mạnh vào nhau. Trên mấy chiếc thuyền hình thù khác đời này, có những anh làng chài tay chân để trần, đang đứng đó. Họ nhìn về phiá bầu trời phía Đông đang hực lên một màu vàng kim, rồi cúi đầu xuống.

Tiếng tay chụm lại và đập vào nhau mỗi lúc càng nhiều. cuối cùng tôi nghe hàng loạt thanh âm mạnh mẽ nổi lên liên tiếp. Tất cả dân thành phố đang cùng vái chào Ohisama (Ngài Mặt Trời) tức Amaterasu (Nữ Thần Thái Dương)[9].

Rồi Hearn cho biết thêm là nếu có người chỉ hướng về phương Đông để vái chào thì cũng có không ít người cũng hướng cả về phương Tây, nơi có ngôi đền Thần đạo tối cổ của Nhật Bản là Đền Kitzuki (Izumo Taisha). Họ vừa niệm những cái tên trong số Bát bách vạn chư thần (Yayorozu no kami) vừa cúi đầu về những hướng khác nhau. Hearn đã diễn tả một cách sinh động tập tục của người dân vùng Matsue. Cách vỗ tay thông thường là 2 tiếng, vỗ những 4 tiếng chỉ thấy có ở Đền Izumo Taisha. Điều này Hearn đã thuật lại một cách chính xác.

Thính giác và khả năng tưởng tượng đặc biệt đã giúp Hearn ngôn ngữ hoá những âm thanh ông bắt gặp. Chẳng hạn tiếng chim oanh kêu U-ke-kyô! Ukekyô ! được ông cảm nhận như là “Pháp Hoa Kinh! Pháp Hoa Kinh!” [10] Khi Hearn nghe tiếng guốc gỗ (geta) của khách bộ hành dậm lộp cộp trên chiếc cầu bắc qua sông Ôhashigawa, ông thấy nó giống như một vũ khúc trên sân khấu Tây Phương [11]. Tuy sự so sánh có vẻ kỳ lạ nhưng điều đó chứng tỏ năng lực thẩm âm của Hearn rất đáng nể.

Năng lực ấy không có nghĩa là năng lực nghe được những tiếng động có âm lượng nhỏ nhoi. Đó là năng lực có thể đồng cảm với những tiếng động chất chứa sự bi thương (aikan, melancholy pensiveness) của cuộc sống, cho nó thấm vào trong trí não và toàn thân, để có thể biểu hiện sau đó bằng ngôn ngữ. Nói cách khác, đó là một “kỹ thuật nghe” và một kỹ thuật “ngôn ngữ hoá” những âm thanh nắm bắt được thông qua trí tưởng tượng.

Ở đất nước chư thần, sau khi ngày đã trôi qua, Hearn lại lắng tai để nghe những tiếng động ban đêm của đường phố mà dư âm còn đọng lại trong những hàng chữ dưới đây:

Một lúc lâu, tôi lắng tai nghe những tiếng động trong khu phố. Vẳng lên trong đêm là tiếng chuông ngân nga của ngôi chùa Tôkôji, sau đó là tiếng hát của bọn người dường như đã khá ngấm hơi men ở ngoài đường. Tiếng rao hàng lanh lảnh ban đêm cũng từ đâu vọng lại:

Udon ya..i! Soba ya…i! (Ai bánh canh, ai mì không?)

Người bán mì kiều mạch nóng (soba) đang đánh một vòng cuối cùng trước khi về ngủ.

Tiếng của ông thầy bói rong:

Uranai handan, matsu hito, endan, usemono, ninsô, kasô, kikkyô no uranai (Coi bói đây! Mất của mất người, tình duyên, nhân tướng, hậu vận, gia đạo, hung kiết, bói đây!).

Tiếng rao của người bán mizu.ame (kẹo mạch nha)[12], món đồ ngọt lỏng như nước có màu vàng hổ phách mà con nít rất thích, đang cất cao :

Ame….yu (Kẹo mạch nha đây)

…………………………….

Vừa khi ấy, tôi nghe có nhiều tiếng vỗ tay. Những người đi đường đang hướng về mặt trăng để vái chào vầng trăng. Họ đang tán tụng cảnh chị Hằng (Tsukihime) đang khoe dáng mình trên chiếc cầu dài.

Rồi cũng đến lúc tôi cũng phải lên giường để nhìn thấy được trong giấc mơ của mình tựa như hồi bé thơ những hồn ma bóng quỷ đang vật vờ rong chơi trong khuôn viên của một ngôi cổ tự rêu phong nào đó
 
 

Chúng ta còn có dịp thấy “kỹ năng nghe” này của Hearn trong Chương 8 nói về Đền Kitzuki bên dưới.

* * *

Thành phố Matsue có bảy khu vực và mỗi khu vực đều có một vị thần thành hoàng (Ujigami, Tutelary god). Ở Nhật hầu như mỗi làng mỗi tỉnh đều có Ujigami và ngoài ra còn vô số hồn ma. Hãy nghe hai mẩu chuyện tiêu biểu. Một là câu chuyện kỳ quái ở Fumon.in (Phổ Môn Viện) xóm Kitada, đông bắc Matsue, nhan đề Azukitogibashi (Cầu vo đậu), hai là chuyện nghe được về khu mộ địa chùa Dai.ôji (Đại Hùng Tự) xóm Nakahara nhan đề Mizu.ame wo kau onna (Người đàn bà mua kẹo mật). Trong câu chuyện trước, chủ đề là sự phục thù của đàn bà đối với đàn ông, còn trong câu chuyện thứ hai, chủ đề là tình mẹ yêu con còn vượt qua cả cái chết. Về sau hai chủ đề lớn này đã được đúc kết trong Kwaidan (Quái đàm, 1904), tác phẩm nổi tiếng của ông.

Trước tiên, hãy nghe Hearn kể về con ma ở “Cầu vo đậu”:

Đông bắc thành phố Matsue gần Fumon.in (Phổ Môn Viện) có một cây cầu được gọi là Azukitogibashi hay là “Cầu vo đậu”. Xưa kia có một con ma đàn bà ngồi dưới chân cầu (hashi) mà vo (togu) đậu đỏ (azuki) vì thế mà cây cầu này mới mang tên ấy.

Ở Nhật có một loài hoa xương bồ màu tím rất đẹp là hoa kakitsubata (đỗ nhược). Vì thế nên có bài hát tên là Kakitsubata no uta (Khúc hát hoa đỗ nhược). Thế nhưng người ta khuyên là hễ đến bên cầu Azukitogibashi chớ dại gì mà hát khúc ấy. Lý do là không hiểu vì cớ gì mà con ma hiện ra ở cây cầu này mỗi khi nghe ai hát khúc ấy thì nổi giận và và gieo tai ách cho kẻ nào dám hát khúc đó.

Một hôm có một anh chàng samurai chẳng biết sợ là gì đi qua cầu. Anh lớn tiếng ca khúc Kakitsubata ấy. Vì không thấy có con ma nào hiện ra nên anh cười vang rồi bỏ về nhà.

Đến trước cổng nhà anh bỗng thấy có một người đàn bà không quen biết, dáng cao cao và rất đẹp đang đứng đó. Nàng kính cẩn chào rồi trao cho anh một cái hộp sơn mài, loại hộp người ta thường dùng làm vật đựng thư từ (fubako). Anh samurai cũng lễ phép chào trả.Thế nhưng người đẹp chỉ bảo: “Tôi chỉ là sứ giả để đến gặp ông thôi. Bà chủ của tôi sai đem hộp này đến trao cho ông. Nói xong bèn biến mất.

Khi người samurai mở cái hộp ra và nhìn vào trong thì anh thấy một cái đầu trẻ con bê bết máu me và hãy còn tươi rói. Lật đật chạy về nhà thì khi vào phòng khách, anh thấy cái xác chết không đầu của đứa con trai mình đang nằm vắt ngang trên sàn.

Có thể nói câu chuyện “Cầu vo đậu” vừa kể là một trong những tiểu phẩm điển hình của Hearn. Con người sống (tức anh samurai) trong truyện đã phạm vào một điều cấm kỵ (taboo) của người chết (hồn ma đàn bà) hoặc đã muốn giỡn mặt thần thánh. Nên chú ý đến quan hệ nam (samurai) nữ (hồn ma) giữa hai bên. Hearn cho thấy là có một sự giao ước giữa người cõi này và hồn ma cõi bên kia nên chi con người phạm điều giao ước thì kẻ đó sẽ bị hồn ma trừng phạt. Chúng ta thấy mô-típ đó đã được đào sâu trong Nàng Tuyết (Yuki.onna). Nàng Tuyết đã đùng đùng nổi giận khi người chồng ngứa miệng đem thố lộ cho kẻ khác biết vợ mình là tuyết thành tinh. Chẳng những thế, trong mọi trường hợp, sự trừng phạt ấy đều có thể rất tàn khốc. Hai câu chuyện trên đã cụ thể hóa được chủ đề về tương quan đối lập “giao ước / phản bội” trong văn chương Hearn

Truyện “Người đàn bà mua kẹo mật” tiếp theo có nội dung như sau:

Xóm Nakahara có một tiệm bán kẹo mật. Cứ đến đêm lại thấy có một người đàn bà mặc toàn đồ trắng đến mua hàng. Thần sắc người ấy rất tiều tụy nhưng dù chủ tiệm có hỏi han gì cũng không hề thưa thốt. Vì nghi ngờ nên chủ tiệm lén đi theo thì thấy nàng mất dạng khi bước vào một bãi tha ma.

Tối hôm sau, người đàn bà đến mua kẹo mật mời chủ tiệm đi theo mình, đưa ông ta đến bãi tha ma. Đến trước một ngôi mộ, người đàn bà ấy lại biến mất. Thế rồi từ bên dưới ngôi mộ ấy vọng lên tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Chủ tiệm mở cửa mộ ra thì thấy cạnh xác chết đã liệm của người đàn bà có một hài nhi và một cái bát gỗ nhỏ đựng kẹo mật. Hoá ra người đang bà mang thai sắp sanh này đã bị gia đình đem mai táng khi còn chưa chết hẳn. Vì muốn có gì để nuôi đứa con vừa sinh ra trong mộ mới, nàng hiện hồn đi mua kẹo mật mang về.

Do đó, Hearn mới kết luận: “Tình yêu còn mạnh hơn cái chết”. Khi ông còn bé, Hearn đã không còn có mẹ bên cạnh. Ký ức đó đã ám ảnh ông không thôi. Suốt đời, ông luôn nghĩ về người mẹ Hy Lạp bất hạnh với lòng trìu mến và oán trách người cha Ai-Len đã bỏ rơi bà. Do đó, thiết tưởng phải dịch hai chữ “Tình yêu” ở đây thành “Tình mẫu tử”, đúng như lời dịch giả Ikeda Masayuki. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính lòng tưởng nhớ mẹ mình đã trở thành động lực để Hearn kể lại chuyện này.

Văn Hóa Nhật Bản:
Đôi nét về Văn học nhi đồng Nhật Bản
Phong cách điêu khắc Nhật Bản qua tượng Phật các thời kỳ
Giới thiệu Hán thi Nhật Bản hiện đại
Bashô và cõi thơ haiku Nhật Bản

8. Kitzuki, ngôi đền Thần đạo cổ nhất Nhật Bản (Kitzuki, the most ancient shrine in Japan)

Đây là thiên ký sự quí giá ghi lại trải nghiệm của Hearn khi ông đến viếng Izumo Taisha (Xuất Vân Đại Xã) [13], ngôi đền Thần đạo tối cổ ở Nhật. Đêm 13/09/1890, Hearn, có nhà sư trẻ Manabe Akira tháp tùng, đã đến Izumo và thăm đền. Sáng hôm sau, ông trở lại thăm nơi đó thêm lần nữa và được phép vào trong chính điện.Ngày đó cũng như bây giờ, một người thường nếu không được phép sẽ không có quyền thăng điện. Hearn là người Tây phương đầu tiên có được vinh dự này. Kitzuki Taisha là tên gốc của Izumo Taisha bây giờ. Hearn đến thăm đền này tổng cộng 3 lần vì khi ở Mỹ ông đã được đọc bản dịch Kojiki của Chamberlain và biết rằng thần thoại Izumo có liên quan đến bí mật về sự hình thành của nước Nhật.

Chức chấp sự giữ đền là Senge Takanori (1860-1911) và các thần quan đã đưa Hearn đi dạo dưới những hàng cổ thụ trên lối vào đền, đưa ông viếng ngôi chính điện uy nghiêm, xem các bảo vật và các điệu múa của những nàng miko (trinh nữ phục vụ đền thần), và thăm bãi biển Inasa no Obama, nơi xảy ra câu chuyện về huyền thoại Ôkuninushi no Mikoto “nhượng nước” (kuniyuzuri)[14]. Cuộc viếng thăm này đã để lại ấn tượng rất lớn trong tâm khảm ông.

Ở điểm này, Hearn khác hẳn Ernest Satow và Basil Hall Chamberlain. Lord Chamberlain có lần bình phẩm: “Thần đạo chẳng có giáo nghĩa hay lý luận gì cả nên không đáng gọi là tôn giáo!”. Trong khi đó, Hearn suy luận theo trực giác của mình: “Thực vậy, Thần đạo không phải triết học, qui luật đạo đức và không có một lý luận trừu tượng nào cả. Tuy nhiên vì không có một thực thể nên nó mới làm được điều mà các tôn giáo Đông phương khác không làm nỗi là đề kháng được sự xâm lấn của các tôn giáo Tây phương” . Hearn cho rằng các nhà nghiên cứu phương Tây đã bám quá sát vào tư liệu và các chú thích kinh điển khi tìm hiểu Nhật Bản nên mới không nắm bắt được bản chất của Thần đạo. Hearn lại nói: “Cốt lõi của Thần đạo không nằm trong sách vở. Ngay trong nghi thức hay giới luật, người ta cũng chẳng tìm ra nó. Chỉ vì một lẽ: nó sống trong lòng người dân nước này“.

Vũ khí giúp Hearn hiểu được sức mạnh của Thần đạo là văn hoá “vạn tượng hữu linh” (animism) mà ông đã thừa hưởng từ hai mẫu quốc Hy Lạp và Ai –Len, theo đó mỗi sự vật dù là nhỏ nhoi đều có linh hồn. Và chính vì ông đã thoát khỏi giáo nghĩa Ki-Tô (độc thần, monotheism) nên mới có đủ sự tự do phóng túng để hiểu được Thần đạo.

Ngoài văn hoá tộc Celte của Ai-Len và văn hoá Hy Lạp, một yếu tố khác đã giúp Hearn hiểu về Thần đạo là kinh nghiệm sống của ông ở thành phố Matsue, ngay giữa vùng Izumo cổ xưa. Khác với thông lệ, không phải Ise Jingu (Y Thế Thần Cung) trên bán đảo Ise nơi thờ Amaterasu Ômikami (Thiên Chiếu Đại Thần) nhưng chính là ngôi đền Izumo Taisha thờ Ôkuninushi no Mikoto (Thần Đại Quốc Chủ) đã soi sáng cái nhìn về Thần đạo của ông. Sự tình cờ xui khiến ông đến Matsue dạy học đã hướng dẫn định mệnh của ông.

Một cảnh của Izumo Taisha
Một cảnh của Izumo Taisha

Ngày nay Okuninushi nổi tiếng là vị thần chiến thắng trong những lần xe duyên cho người cầu khẩn nhưng trong Kojiki, ông bị xem như kẻ chiến bại. Là một vị thần trên mặt đất, ông đã phải nhường lãnh thổ cho những vị thần đến từ trời cao đến o ép ông. Sau ba lần thương thuyết, Ôkuninushi rốt cuộc phải chịu phục tùng, nhường đất nước với điều kiện sẽ được hưởng một lâu đài to lớn làm nơi ẩn dật. Kết quả của cuộc thương thuyết này đã đẻ ra ngôi đền Izumo Taisha. Ôkuninushi xem mình “bại mà thắng” hay “chiến thắng trong sự thất bại” vì ông đã gìn giữ xứ sở Izumi được ổn định, thoát khỏi hiểm họa một cuộc chiến tranh. Vì thế thay vào chữ “chiến bại” khi nói đến việc này, người Nhật thường dùng ý niệm “hòa nhượng” để xưng tụng tinh thần yêu hòa bình của vị thần sở tại. Ngày nay, chính điện của đền đã cao 24 m nhưng vào năm 2000, một công trình khảo cổ đã khai quật được các hiện vật chứng minh rằng đền cũ từng cao đến 48 m.

Ông thần Ôkuninushi bị đàn áp và lép vế trong thần thoại Nhật Bản có cái gì tương xứng với tổ quốc Ai-Len của thân phụ Hearn. Ai-Len là một quốc gia đã bị nưóc láng giềng là Anh áp bức và chi phối một thời gian dài. Nhà văn Shiba Ryôtarô trong tác phẩm “Đi trên đường cái” (Kaidô wo yuku) [15] khi nói về Ai-Len, đã hạ bút: “Đó là một quốc gia “đánh đâu thua đó” nhưng người dân họ chưa một lần thừa nhận mình là bại trận”. Thực vậy, dân nước Ai-Len cũng như vị thần Ôkuninushi xứ Izumo đều là những con người quật cường, bất khuất. Không hiểu câu chuyện “nhường nước” của Ôkuninushi xứ Izumo đã có ảnh hưởng đến tâm hồn của Hearn, người mang dòng máu Ai-Len, đến mức độ nào? Hẳn là ông phải cảm thấy gầngũi với Izumo khi đem so sánh lịch sử chiến bại của quê hương mình với lịch sử thất bại của vùng đất này chăng chăng?

Như đã trình bày trong chương trước, một lần nữa, có thể chứng minh được “kỹ năng nghe” của Hearn trong chuyến viếng thăm Đền Kitzuki. Từ Matsue, để đến đền này, Hearn và những kẻ tháp tùng phải đáp tàu chạy bằng hơi nước và băng qua hồ Shishin. Khi thấy mình đang đi vào khu vực thiêng liêng nơi thờ thần Ôkuninushi – người một thời đã cai trị xứ Izumo- Hearn đã buông thả để trí tưởng tượng của mình tự do làm việc:

Trong lòng tôi lúc ấy đang chứa đầy những truyện xưa tích cũ của thời Kojiki.Nghe tiếng máy của con tàu vang lên mà cứ ngỡ như nó đang kết hợp tên các vị thần để đọc lên trong một bài chúc từ (norito)[16].
Koto shiro nushi no kami
O o kuni nushi no kami

Nghe tiếng máy tàu chạy xịch xình xịch đơn điệu mà ngôn ngữ hoá được như vậy quả là một biệt tài. Không như Hearn, có thể chúng ta chỉ thấy nó là một chuỗi tạp âm buồn tẻ. Nhưng lỗ tai của Hearn thật lạ, đã biến tiếng máy đó thành những lời lầm rầm cầu khấn chư thần. Đây cũng là một ví dụ điển hình khác về khả năng thẩm âm của Hearn.

Như thế, qua những âm thanh bắt gặp, Hearn đã trực tiếp cảm thấy văn hóa Nhật Bản bằng chính thân thể của mình.Từ những âm thanh, ông tìm ra mùi hương, bầu không khí của nơi ấy và cảm nhận được cái “bi thương” của nó. Thính giác bén nhạy của Hearn đã bù đắp hộ khuyết tật của đôi mắt (mắt trái mất thị lực, mắt phải cận nặng).Thế nhưng khi phải dựa vào thính giác, cách tiếp cận văn hoá Nhật Bản của Hearn lại trở nên độc đáo. Thực vậy, khi “nhìn” một vật hay một hiện tượng, chúng ta mối quan hệ của một chủ thể đối với khách thể và cũng là đối tượng quan sát. Mối liên hệ ấy đẻ ra một thái độ cao ngạo, tự xem văn hoá của mình là trung tâm điểm như trường hợp các nhà nghiên cứu phương Tây đương thời khi khảo sát văn hoá Nhật Bản. Những kẻ nhìn thiên lệch như thế không phải là ít. Ngược lại, chịu “nghe” như Hearn lại là thái độ xem đối tượng mà mình quan sát mới là chủ thể. Âm thanh và bầu không khí từ đối tượng phóng ra sẽ thẩm thấu vào người và hoà với mình làm một. Nói cách khác, “nghe” là một hành vi rất thụ động nhưng không phải chính sự thụ động. Có thể nói đó là một trải nghiệm bằng giác quan, bằng thân thể.

Hearn đã tình nguyện đến Nhật rồi tích cực du lịch khắp nơi. Trong ý nghĩa đó, ông là con người hoạt động, một chủ thể. Tuy vậy, khi đến bất cứ nơi nào, ông đã biết hòa nhập vào đám đông, lắng tai nghe và đưa thân thể ra tiếp nhận.Mới nhìn thì tưởng như Hearn mâu thuẫn nhưng xét kỹ mới thấy được tính tích cực ẩn tàng nơi ông. Ông có một tấm lòng sẵn sàng thu nhận một nền văn hoá khác một cách tham lam và hoang phí nữa. Ông ghé tai nghe tất cả mọi tín hiệu âm thanh do đối tượng phát ra, vừa chủ động mà lại vừa thụ động.Làm được điều đó, Hearn chắc chắn phải là một con người đầy năng động và nhờ đó, ông đã thu được vô số cảm tưởng về Nhật Bản.

Theo truyền thuyết, Đền Kitzuki là nơi chư thần hội họp hằng năm vào tháng 10 Âm lịch, cho nên trên toàn thể nước Nhật, tháng ấy được gọi là Kan.nazuki (Thần vô nguyệt) vì các thần đi vắng cả. Chỉ trừ ở Izumo thì người ta gọi là Kamiarizuki (Thần tại nguyệt) vì các thần đều đến nơi đây dự hội. Kojiki chép rằng trên Cánh Đồng Trời có bát bách vạn chư thần nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ trong đó được tế tự ở các đền thần trên toàn quốc. Những vị thần khá đặc biệt là Thần Nghèo (Bimbôgami), Thần Đói Khát (Shokukatsushin), Thần Tham Lam (Donyokushin) và Thần Gây Trở Ngại (Shôgaishin). Da thịt họ đều đen đủi như mây một ngày trời u ám và mặt mũi của họ không khác gì mặt quỷ đói.

Akira không biết gì nhiều về các vị thần đó vì họ nhiều quá. Anh chỉ cho Hearn nghe dăm ba giai thoại về Thần Phúc Lộc (Fuku no kami) và Thần Nghèo (Bimbôgami). Akira kể:

Có những vị thần hay đi cặp. Đó là trường hợp của Thần Phúc Lộc và Thần Nghèo. Hai bên như bóng với hình. Nơi đâu có ông này là có ông kia. Khi ông Thần Nghèo đã theo ai rồi thật khó lòng xua đuổi được. Như chuyện một vị hòa thượng ở làng Omitsu trong vùng Omi, không xa Kyôto bao nhiêu. Bị cái nghèo bám riết, để đánh lừa thần và tống khứ ông ấy đi, một hôm hòa thượng giả vờ đi rao khắp nơi là mình sẽ lên Kyôto. Thế rồi thay vì lên Kyôto, ông lại đi (ngược chiều) đến Tsuruga vùng Echizen. Thế nhưng khi vừa đến một lữ quán ở Tsugura, một thiếu niên ốm yếu, lem luốc như một con ma đói đã tìm đến gặp ông và bảo: “Tôi chờ thầy ở đây đã lâu rồi!”. Đó chính là hiện thân của Thần Nghèo.

Một nhà sư khác trong 60 năm đã tìm mọi cách để đuổi Thần Nghèo. Cuối cùng ông bỏ xứ đi thật xa. Thế nhưng vào một đêm, ông nằm chiêm bao thấy một đứa trẻ trần truồng và dơ dáy cầm một xâu đầy những dép rơm (waraji). Ông ta hỏi sao mi bện dép rơm làm chi mà nhiều thế thì đứa trẻ trả lời: “Bện nhiều dép là để có thể bám theo ông hoài hoài! Tôi là Thần Nghèo đây ông ạ”

Cũng có câu chuyện về nhà sư già Enjôbô thấy chép trong Jizôkyô-Kosui (Địa Tạng Kinh Cổ Túy). Ông này và các học trò phái Shingon của mình đã phất cành đào và đọc thần chú vào lúc cuối năm để trục được cái nghèo ra khỏi cửa. Sau đó, một đêm Enjôbô nằm mơ thấy một ông sư khẳng khiu như bộ xương khô trong ngôi chùa đổ nát đến bảo với ông: “Sau bao nhiêu năm sống khắng khít bên nhau như thế, ông nỡ lòng nào đuổi tôi đi cho đành!”

Chuyện về các thần tuy trang trọng nhưng nhiều khi cũng mộc mạc và hài hước như thế khi nó là sản phẩm từ trí tưởng tượng của người bình dân.

9. Trong động đá những hồn ma trẻ con (In the cave of the children’s ghosts)

Trong thời gian dạy học ở Matsue, Hearn đã dành nhiều thời giờ đi thăm viếng các vùng chung quanh. Qua đó, ông có dịp tìm hiểu quan niệm tôn giáo, cách nhìn về sự sống và cái chết cũng như tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người bản xứ.

Chương Động đá của những hồn ma trẻ con (Kaka no kukedo) kể lại cuộc viếng thăm động đá trên bãi biển Kaka (Kaka-ura), nơi thờ cúng những hồn ma thiếu nhi. Kukedo có nghĩa là “hang ngầm”. Nó nằm ở một vùng ngày nay thuộc về thành phố Matsue, nhìn ra Biển Nhật Bản (hướng bán đảo Triều Tiên) sóng to gió lớn, thuyền bè dễ gặp nạn. Hôm đó, người chèo thuyền đã hướng dẫn ông và các bạn đến thăm vùng hang động đầy thạch nhũ đó và sau khi nhìn những dòng nước trắng như sữa nhỏ xuống từ trần động, ông đã viết như sau:

Đây là “Con suối Địa Tạng”(Jizô no Izumi) trong truyền thuyết, nó cung cấp sữa mẹ cho những hồn ma trẻ con.Dòng nước trắng đục này khi khoan khi nhặt nhưng rơi xuống ngày đêm không nghỉ. Các bà mẹ không đủ sữa cho con bú đến đây cầu khẩn thì sẽ có sữa thêm, còn như những người nào có quá nhiều sữa, muốn chia sớt sữa của con mình cho những trẻ em thiếu thốn, chỉ cần cầu bồ tát Địa Tạng thì nguồn sữa sẽ cạn bớt. Những điều tôi biết như trên đã được người thường dân ở Izumo xưa nay truyền tụng.

Hearn và mấy người đi cùng còn chứng kiến những cái hốc nhỏ trong đó chất đầy đá vụn có lẽ là do sóng đánh tan những cột đá vôi thành mảnh nhỏ rồi tấp chúng đến đó nhưng theo tín ngưỡng dân gian, tương truyền do các hồn ma trẻ con khuân tới và sắp xếp trong đêm. Tín đồ Phật giáo gọi công trình này là Sai-no-Kawahara. Sau khi xem xét một vòng những dấu vết trên cát mà người ta bảo rằng là dấu chân của những đứa trẻ ấy để lại, ông mới rời khỏi động đá Kaka no kukedo ra về.

10. Ở Mionoseki (At Mionoseki)

Hearn cũng có lần đến thăm Mionoseki, thành phố cảng ban đêm náo nhiệt nhất miền Tây Nhật Bản với những xóm ăn chơi và các cô geisha. Ông cho biết nơi đây người ta còn giữ lại một phong tục kỳ lạ là không nuôi gà, không ăn thịt gà, không ăn cả trứng. Lý do là truyền thuyết trong Kojiki có một vị thần tên là Kotoshironushino kami, con trai của vị thần quan trọng nhất ở đền Kitsuki. Ông thần con này ban đêm thích trốn nhà đi chơi bắt chim bắt cá và dặn con gà của mình phải gáy lúc hừng sáng để về nhà cho kịp và khỏi ai hay biết. Thế nhưng con gà một hôm quên làm nhiệm vụ làm thần gặp khó khăn, lúc về đến thuyền, mất cả mái dầm, phải chèo bằng hai tay và bị cá rỉa. Gà vì đó mà bị thần ghét bỏ, Từ đó thuyền bè khi đến Mionoseki, nếu chở theo dù một sợi lông gà đi nữa cũng sẽ bị bão tố làm lật chìm. Đó là lối người ta giải thích cảnh sóng to gió lớn của vùng biển Mionoseki. Thế mới thấy sức mạnh của truyền thuyết và mê tín đã ăn khá sâu vào tâm thức người dân vùng này.

11. Tạp ký về Kitzuki (Notes on Kitzuki)

Sau khi người bạn trẻ Akira vì có việc phải đi Kyôto để ông lại một mình, Hearn tiếp tục tìm hiểu về Kitzuki xưa và nay. Trước tiên ông đã được mời tham dự một buổi lễ có nhảy múa để mừng mùa màng trong một ngôi đền. Điệu múa ấy tên là Hônen.odori (Phong niên = năm được mùa). Sau đó, ông đã chuyển đề tài để nói về cuộc sống của những nàng miko hay trinh nữ đền thần (maiden priestess), trong đó người nổi tiếng hơn cả là O-Kuni, một miko đã bỏ nhà theo trai nhưng sau này sẽ trở thành người nổi tiếng hơn bất cứ ai trong bọn họ. Cô đã khai sáng ra hình thức sân khấu Kabuki mà nghệ thuật trình diễn của nó vốn bắt nguồn từ những điệu múa của miko trong dịp trình diễn ca nhạc ở đền thần (Miko-kagura).

Hearn còn giới thiệu thêm về Kitzuki, nơi được biết tới vì những lễ hội liên quan đến thần linh. Chẳng hạn Daikoku, thần tài lộc, Kôjin, thần đi đường, Tenjin, thần chữ đẹp, Uzume, nữ thần vũ nhạc, Thất phúc thần (bảy vị Fukurôjin) trong đó có Ebisu, thần buôn bán và đánh cá, ngay cả Đạt ma, một đệ tử nhà Phật chân bị gãy vì ngồi Thiền không nghỉ ngơi.

12. Ở Hinomisaki (At Hinomisaki)

Hearn cũng đã dừng chân ở Hinomisaki, một ngôi làng ven biển cách Kizuki chừng năm dặm. Ở địa phương này có ngôi đền đôi rất nổi tiếng cùng thờ chung Nữ thần Thái Dương và người em ngỗ nghịch của bà là Takehaya Susano wo no Mikokoto (xin gọi tắt là Susanowo). Nơi đây còn có dấu viết nhiều đền chùa tục truyền do một lãnh chúa họ Matsudaira vùng Izumo cho dựng lên an ủi vong linh của một tiết phụ, thà chết chứ không chịu để danh dự mình bị hoen ố. Lãnh chúa Matsudaira đã ép uổng bà, con gái một cận thần và cũng là vợ một quan giữ đền, về làm thiếp nhưng không được thỏa mãn. Ông ta chỉ nhận được thủ cấp của bà do thân nhân đem đến trong một cái mâm (kubioke). Từ sau cái chết của bà, gia đình Matsudaira đã tàn mạt.

13. Những người chọn chết chung (Shinju)

Hearn đề cập đến những người chọn cách chết chung để giải quyết một vấn đề nan giải và thường là vì lý do tình ái. Người Nhật gọi đó là shinjuu (tâm trung) hay jôshi (tình tử). Ông cho rằng những người trong cuộc làm như vậy không phải vì chán ghét cuộc sống Ngược lại, hành động đó như thể để trả nợ một lỗi lầm kiếp trước (innen) và họ mang theo hy niềm hy vọng sẽ được thỏa nguyện lòng mong mỏi có được hạnh phúc trong một đời sau. Hearn đã kể lại một câu chuyện shinjuu có tính thời sự đăng trên báo chí địa phương. Đó là câu chuyện về nàng con gái tên Kane, một ca kỷ 17 tuổi. Cô đã tìm cách chết chung với người yêu, con trai gia đình một y sĩ trong vùng. Trước đó vì đặt tình yêu không đúng chỗ, chàng thanh niên đã bị cha mẹ truất quyền thừa kế.

14. Đền Thần đạo Yaegaki (Yaegaki-Jinja)

Một trong một địa điểm khác ở Izumo mà Hearn viếng thăm là đền Yaegaki (Tám vòng rào). Đây là nơi có đền thờ Susanowo lẫn vợ ông, Inadahime và người con trai của họ, Sakusa no Mikoto. Cả ba vị thần thần tượng trưng cho Tình yêu và Tình gia đình. Cuộc tình duyên giữa hai vị thần rất đẹp vì theo những gì chép lại trong Kojiki, Sasunowo đã anh dũng giết con mãng xà tám đầu để cứu Inadahime đang gặp nguy khốn. (Bảy anh chị của nàng đã phải đem dâng cho mãng xà ăn thịt và nay đến lượt nàng). Do đó, rất nhiều thanh niên nam nữ ở tuổi yêu đương đã rủ nhau đến viếng đền này. Chính Hearn cũng lấy biệt hiệu Yakumo (Bát Vân hay tám vầng mây) của mình từ ý một bài thơ tình của thần Susanowo thấy trong Kojiki:

Yakumo tatsu / Izumo yaegaki / Tsuma gaki ni / Yaegaki tsukuru / Sono yae gaki wo (Tám vầng mây dựng là tám vòng rào của Izumo. Ta cũng dựng nhà có tám vòng rào cho người vợ yêu ta ở).

Con số tám ở đây chỉ có nghĩa là nhiều. Xứ Izumo nhiều mây vì ở bên Biển Nhật Bản, thường phải đón nhiều cơn mưa bão.

Tiếp theo đó, Hearn dành một hai trang để giải thích cách đặt tên của những nàng con gái Nhật cũng như phân biệt trường hợp dùng tên họ đầy đủ (myôji), tên thật (jitsumyô) và biệt hiệu (yobina) giữa trai gái.

15. Chồn (Kitsune)

Trong chương này, Hearn bàn về ý nghĩa văn hoá của tín ngưỡng thờ chồn cũng như phân loại các giống chồn. Quang cảnh một đền thần với nhiều tượng chồn bằng đá thường được thấy khắp nơi trên đất Nhật. Thần chồn nổi tiếng nhất ở Nhật là Thần chồn Inari. Cho đến nay, Inari được coi làThần Lúa Gạo nhưng theo Hearn thì không chỉ có thế. Inari còn được xem như thần chữa bệnh, thần chém ho (Seki no kami) hay thần giải cảm (Kaze no kami) tức là một thần “đa chức năng”. Đặc biệt Inari có liên hệ với giới lầu xanh. Các nàng kỷ nữ thường thờ Inari để cầu cho việc buôn bán được phát đạt.

Tại sao Chồn lại trở thành Thần lúa gạo? Theo Hearn thì trước kia Chồn chỉ là người hầu của Thần lúa gạo Inari, sau đó đã soán chỗ và trở thành tượng trưng của Thần luôn. Cùng một kiểu đó, rùa đã trở thành đại diện cho thần Konpira, nai cho thần Kasuga, bạch xà cho thần Benten và rết cho thần Bishamon tức thần chiến tranh. Người ta còn phân biệt Chồn hạng cao và Chồn hạng thấp nhưng 4 loại chồn hạng cao là Byakko (Bạch hồ), Kokko (Hắc hồ), Jenko (Thiện hồ) và Reiko (Linh hồ) thì giống nào cũng đều có phép thần thông. Những người khác muốn chia chồn ra 3 loại: Chồn đồng (Yako), Chồn người (Ninko) và Chồn Inari. Chồn Inari là chồn tốt và các loại chồn xấu đều sợ nó. Loại chồn xấu nhất là Ninko bởi vì nó thường dùng ma thuật để hãm hại người ta.

Xưa kia ở Nhật không có tín ngưỡng về chồn. Sự tin tưởng về chồn du nhập từ Trung Quốc nhưng khi vào đất Nhật, nó đã được kết hợp với tư tưởng Thần đạo và nhuộm cả màu sắc Phật giáo. Tín ngưỡng thờ thần chồn rất phổ biến ở Izumo và Hearn đã nghe nhiều chuyện kể về sự tác yêu tác quái của chúng (tuy nhiều khi cũng có những câu chuyện dễ thương như chuyện người vợ chồn bị lộ cái đuôi phải bỏ con lại và ra đi hay chuyện ông thầy lang nọ ở Matsue được chồn mời đi đỡ đẻ và khi về được chúng tặng vàng đền ơn).

16. Trong khu vườn Nhật (In a Japanese garden)

Một trong những cố gắng trải nghiệm bản thân để tìm hiểu văn hóa Nhật Bản của Hearn là việc dọn về ở trong ngôi nhà Nhật giữa một khu vườn cũng kiểu Nhật. Ngày 22 tháng 6 năm 1891, hai vợ chồng Hearn đã thu vén một ít đồ đạc từ chỗ trọ chật hẹp như tổ chim của họ ở Ôhashigawa về ngôi biệt thự kiểu gia trang samurai nằm trong xóm Kitahori mà Nekishi Tateo, phụ huynh một người học trò của Hearn, đã cho họ mướn. Ông đã kể cặn kẽ về ngôi nhà và khu vườn trong Chương 16 này.

Để hiểu vẻ đẹp một khu vườn Nhật Bản, trước hết phải hiểu cái đẹp của đá. Ít nhất cũng phải có một sự cố gắng tìm hiểu về nó. Đá nói ở đây không phải là đá với hình thù đã được con người gia công rồi mà là tảng đá trong dáng vẻ tự nhiên ban sơ. Thực vậy, vì mỗi hòn đá đều có cá tính, chúng khác nhau từ dáng vẻ lớn bé, màu sắc đậm nhạt cho nên ta phải tìm hiểu chúng một cách tường tận. Nếu không làm như thế thì trong lòng mình sẽ không bao giờ cảm thấy được cái đẹp của một khu vườn Nhật Bản

Sau đó, Hearn cho rằng quan niệm thẩm mỹ về đá của người Nhật vượt trội hơn người Tây phương. Ở Nhật những lối đi dẫn vào đền chùa hay trong những khu vườn bao bọc chung quanh hay cả trong những công viên, người ta đều có đặt những hòn đá trong dáng vẻ thiên nhiên và điều này đã nuôi dưỡng trình độ thưởng thức vẻ đẹp của đá của người dân trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng theo Hearn, thưởng thức phong cảnh một khu vườn, người Nhật đồng thời học được nhiều bài học luân lý đạo đức. Xem môt khu vườn, người ta hiểu ngay về nhân cách, tâm tính của chủ nhân. Có vườn rộng nhiều mẫu nhưng cũng có vườn nhỏ như cái mâm, cái chậu và đặt ở một hốc phòng khách. Mỗi khóm cây bụi cỏ được trồng đều mang một khái niệm có ý nghĩa. Yuzuriha (Nhượng diệp, Daphniphyllum macropodum) chẳng hạn. Loài cây này có đặc tính là khi lá xanh chưa ra đầy đủ thì lá vàng chưa chịu rụng, nó tượng trưng cho tấm lòng cha mẹ, như ước nguyện là nếu con cái còn chưa trưởng thành thì cha mẹ chưa vội đi qua thế giới bên kia. Còn như tùng vì là loại cây luôn luôn xanh nên nó tượng trưng cho chí khí bất khuất và tính phấn đấu của người già, cây anh đào biểu lộ lối sống vì lý tưởng cao cả và sự trong sạch của tầng lớp samurai.

Trong những yếu tố của khu vườn, Hearn phân biệt yếu tố hijô (phi tình) như đất đá, giếng, suối… và những yếu tố ujô (hữu tình) như chim cá, côn trùng, hoa cỏ và cây cối. Hai từ này cũng được dùng trong thuật ngữ Phật giáo. Nhân đó, Hearn nhắc nhở: ” Việc cho rằng mọi cây cối đều có linh hồn có lẽ không phải là phải là một điều hoang tưởng”. Trong khi giảng giải từng yếu tố một của ngôi vườn Nhật Bản, ông đã xem nó như biểu tượng của một tiểu vũ trụ.

17. Ban thờ gia đình (The Household Shrine)

Theo Hearn, ở Nhật Bản, có hai tôn giáo xem việc cúng tế người chết là quan trọng. Đó là Thần đạo và Phật giáo. Ông nhắc lời Herbert Spencer [17] xem việc thờ cúng người chết là nguồn gốc sâu xa nhất của các tôn giáo. Ở Nhật, người ta thờ các thần là người lập ra đất nước họ nhưng cũng thờ các nhà lãnh đạo được thần thánh hoá, các anh hùng hào kiệt. Ở Izumo người ta còn thờ cả các lãnh chúa địa phương. Do đó, bàn thờ trong gia đình là một nơi có ý nghĩa đặc biệt.

Hearn đã quan sát rất kỹ lưỡng bàn thờ trong một gia đình Nhật. Ông đã tỉ mỉ vẽ lại cho độc giả xem những bài vị (ihai), bình hương, chuông, khám thờ… Ông đặc biệt chú ý tới sự hòa hợp giữa hai tôn giáo lớn của Nhật Bản để cùng tạo nên một ý thức hệ Thần Phật có tính tổng hợp cho dù về mặt hình thức, các thần xa xưa của Thần đạo được thờ trong khám thờ riêng tên là Kamidana, tổ tiên và các thành viên gia đình đã chết được thờ ở một gian phòng gọi là Mitamaya hay Phòng Linh Hồn. Còn như khi muốn thờ cúng những người đó theo nghi thức Phật giáo thì phải dựng một Butsudan (ban thờ Phật).

18. Về mái tóc người phụ nữ (Of women’s hair)

Mái tóc đen tuyền và dài của người phụ nữ Nhật Bản là cái kích thích trí tò mò của Hearn rất nhiều. Chẳng thế mà ông đã dành nguyên một chương sách để viết về công việc phức tạp và kỹ lưỡng của những người làm nghề chải tóc, gọi là kamiyui. Ông cũng giới thiệu 14 kiểu bới tóc khác nhau của người phụ nữ Nhật Bản (có thể còn nhiều hơn nữa) cũng như giải thích ý nghĩa của mỗi kiểu bới theo từng lứa tuổi từ lúc bé thơ cho đến lúc lấy chồng, ngay cả lúc chết. Nhân đấy ông kể lại chuyện thành công của một kamiyui nổi tiếng ở Izumo, người đã bị đồng nghiệp vì ganh tỵ phao tin là ma-ca-rồng (nukekubi), đêm đến để đầu lìa khỏi cổ đi phá phách thiên hạ.Dĩ nhiên là cô được một vị đường quan anh minh gỡ mối oan và kẻ ganh tỵ đã vu cáo việc động trời kia phải chịu sự trừng phạt thích đáng.

Hearn kết luận ở cuối chương:

Vì mái tóc của người phụ nữ Nhật là vật trang điểm quí giá nhất của họ, nó là vận sở hữu cuối cùng mà họ chịu đánh mất. Có chuyện một anh chồng quá ghen tương, muốn trả thù, thay vì giết chết một cô vợ lăng loàn, chỉ cần xén hết mái tóc của nàng ta. Chỉ có lòng tín ngưỡng hay tình yêu sâu sắc mới có thể buộc một người đàn bà hy sinh một phần mái tóc của họ. Nhìn những sợi dây bện bằng tóc đàn bà được cúng dường cho các đền thần ở Izumo thì rõ. Không hiểu lòng tin đó là gì để họ phải hy sinh như vậy nhất là khi chúng ta nhìn thấy những sợi dây thật lớn bện bằng tóc treo trong ngôi chùa lớn Honganji (Bản Nguyện Tự) ở Kyôto. Tuy nhiên, tình yêu thì hãy còn mạnh hơn lòng tin tôn giáo dầu ít nó được biểu lộ cho người ngoài. Theo tục lệ xưa ở Nhật, các bà goá phụ khi chồng chết thường cắt một nhúm tóc của mình vào quan tài của chồng và chôn nó theo người ấy …Tự tay họ sẽ cắt đi và đặt mớ tóc tượng trưng cho tuổi trẻ và sắc đẹp của mình và đặt lên đầu gối của người đã khuất.

19. Trích nhật ký một nhà giáo tiếng Anh (From the diary of an English teacher)

Như đã nói, nhiều phen, khi muốn tiếp cận văn hóa Nhật Bản, Hearn đã đặt mình vào vị trí của người Nhật. Với tư cách một người thầy tiếng Anh trong thời gian dạy học ở Izumo,, ông có đủ phương tiện để làm việc đó.

Năm 1890, khi vừa tới Nhật, Hearn được bổ làm giáo sư ở Trường trung học và Trường sư phạm Shimane. Nhân đó, ông đã ghi chép cặn kẽ việc dạy học của mình cũng như phản ứng của học trò. Nhờ vậy mà trong Glimpses of Unfamiliar Japan, chúng ta có một chương sách với phong vị đặc biệt và còn có giá trị lịch sử. Thực vậy,chương 19 này giúp chúng ta biết rõ hơn về không khí sinh hoạt học đường đương thời.

Như người thầy, Hearn đã biết nâng trình độ tri thức của học trò và phát huy sự suy nghĩ và óc tưởng tượng của họ mình bằng cách giảng bài sử dụng một thứ ngôn ngữ giản dị và tình cảm, vừa rõ ràng lại cẩn thận. Lúc đầu ông còn nhờ một giáo viên trẻ tên là Nishida Sentarô phụ tá, chẳng bao lâu sau, ông đã tìm ra tài liệu giáo khoa thích hợp và có thể đứng lớp một mình.

Tuy nhiên, Hearn lúc đó đã vấp phải một khó khăn.Đó là sự thiếu cá tính của học trò Nhật. Elizabeth Stevenson, người viết truyện ký về ông (Lafcadio Hearn, xuất bản tại New York vào năm 1961) đã mô tả cách đối phó của Hearn đối với vấn đề nan giải này như sau:

Khi biết được bản tính chất phác của đám học trò, Hearn đã đối phó một cách dễ thương nhưng không kém phần cương quyết. Ông bắt đầu cho nhiều bài tập, bắt học trò viết nhiều tiểu luận ngắn bằng tiếng Anh. Không những họ phải luôn luôn sử dụng ngữ vựng và cách diễn tả mới mà còn phải đưa vào đó những ý kiến riêng và thẳng thắn. Ông đòi hỏi họ viết ra những điều suy nghĩ của chính họ. Ông không cho phép đám thiếu niên này tự mãn mà bắt họ lần đầu tiên trong đời phải thử suy nghĩ về tình cảm cá nhân của bản thân, về những tập quán hằng ngày và về ý kiến của người chung quanh.

Perceval Lowell ( chụp năm 1904)
Perceval Lowell ( chụp năm 1904)

Học giả Mỹ ngành thiên văn Perceval Lowell [18] , từng đi trước Hearn trong lãnh vực nghiên cứu về Đông Phương, đã viết trong tác phẩm Tâm hồn của Cực Đông (The soul of the Far East, 1888) những lời như sau: “Theo cách suy nghĩ của chúng ta, “cái tôi” là bản chất của tâm hồn thế nhưng có thể nói là ở vùng Cực Đông này, tâm hồn con người không có một cá tính nào đặc biệt”. Ta thấy khi mới đến Nhật, cách nhìn về phương Đông của Hearn có lẽ không xa quan điểm của Lowell là mấy. Tuy vậy, dần dà Hearn đã hiểu ra tại sao người Nhật lại là những con người “phi cá tính” như thế. Ông đã viết như sau trong chương 19 này:

Đối với học trò các năm thứ 3, 4 và 5 trung học, tôi ra đề để các em có thể viết những bài luận ngắn. Trên nguyên tắc đề tài đều liên quan đến Nhật Bản. Nghĩ rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ quá khó đối với chúng nhưng tôi kinh ngạc biết bao khi thấy một số em đã có đủ năng lực để diễn tả những suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ này.

Điều làm tôi thấy thú vị khi đọc những bài luận bằng tiếng Anh đó không phải là cá tính của từng em học sinh nhưng là tư duy của một dân tộc nằm bên trong. Nói cách khác, đó là sự chia sẻ giữa họ một thứ tình cảm có tính tập đoàn.

Cái làm tôi ngạc nhiên nhất khi là trong đó hoàn toàn không có một nét đặc thù nào. Hơn nữa, ngay cả chữ viết của cả 20 em học sinh sao mà giống nhau đến thế. Không lẽ đó là những bài được viết bởi những người ở chung nhà. Vì ít khi thấy có ngoại lệ nên có thể xem đây là một nguyên tắc.

………………………….

Bất luận với đề tài nào, cách suy nghĩ, cách tưởng và cách viết của đám học trò không có gì khác nhau. Không phải những bài luận tiếng Anh ấy không có những điều đáng để ý nhưng nói chung, về mặt trí tưởng tượng, chúng không có gì độc đáo. Trí tưởng tượng của chúng đã được làm sẵn từ bao thế kỷ trước, một phần ở Trung Quốc và một phần ngay trên đất Nhật.

Cái khác giữa Hearn và các nhà Đông Phương học Âu Mỹ khác là ông không phủ định sự thiếu cá tính của người Nhật và muốn vứt bỏ nó. Ông muốn lắng tai để tìm ra “tiếng nói” của người Nhật nấp đằng sau sự thiếu cá tính và thiếu độc sáng ấy.

Chúng ta nên nhớ rằng từ khóa của văn chương Hearn là ghostly (u huyền). Vì là người nhạy cảm với những gì huyền ảo như thế nên ông đã nhận ra đằng sau những bài luận ngắn của đám học trò những yếu tố nội tâm của người viết ra nó để có thể tìm đến và cộng hưởng bằng tâm hồn mình. Do đó, Hearn vẫn bền bỉ ra đề cho chúng viết. Đám học trò đã đáp ứng tích cực và lần hồi hâm mộ người thầy. Tuy Hearn chỉ sống ở Matsue một năm ba tháng thôi nhưng khi ông ra đi, đám học trò hết sức buồn vì phải xa ông. Cả trường đã ra ngoài bến tàu để tiễn đưa. Những điều này ông đã thuật lại trong chương 27 – Sayonara (Giã từ) ở cuối quyển sách.

20. Hai lễ hội kỳ quái (Two strange festivals)

Dĩ nhiên đó là những lễ hội kỳ quái đối với Hearn, một người đến từ Âu châu. Trước tiên là Tết Nguyên Đán. Người Nhật cũng ăn Tết trong 3 ngày. Họ treo cờ mặt trời mọc và vẽ biểu tượng ấy trên các lồng đèn bằng giấy treo khắp đường phố. Trước mỗi nhà đều có chưng kadomatsu (bụi tùng góc nhà) để đón mừng năm mới. Chính ra đó là một khúc tùng non kèm theo cành mơ và ống trúc cắt chéo. Trước kia người ta chỉ dùng mỗi cây tùng nhưng từ niên hiệu Ôei (1394-1428) thời Muromachi trở đi thì họ thêm cả hoa mơ và trúc. Trúc để chỉ tiết tháo còn hoa mơ là tượng trưng cho sự dịu dàng, ngọt ngào. Nhiều khi hoa mơ được thay thế bằng một nhánh sakaki, cây thiêng của Thần đạo. Có một câu nói của nhà Phật về Kadomatsu như sau:

Kadomatsu / Meido no tabi no / Ichirizuka (Bụi tùng chào mừng năm mới chỉ là một cột cây số trên con đường người ta đi về cõi chết).

Mỗi vật trưng bày trong ngày đầu năm mới đều có ý nghĩa riêng của nó. Giống dương xĩ tên là moromoki hay urajirô tượng chưng cho sự giàu có và con đàn cháu đống vì chúng sinh sôi nẩy nở chóng vánh và tươi tốt. Loại cam đắng gọi là daidai được xem như một thứ hoa quả mang điềm lành do cách gọi đồng âm với tiếng Hán “đại đại” ý nói “đời đời kiếp kiếp”. Còn than củi (sumi) ư? Nó tượng trưng cho sự bất biến vì màu sắc của nó không bao giờ thay đổi cũng như niềm hạnh phúc sẽ tồn tại mãi mãi. Trên mâm thờ sẽ cổ cúng với cá trắm (tai) vì nó là vua các loài cá và đem đến sự may mắn (omedetai), loài rong jinbasô là “con ngựa của thần (jinba = thần mã), tôm hùm nhiều râu tượng trưng cho sự trường thọ và hạt dẻ (kachiguri) là hình ảnh của chiến thắng (katsu) và thành công….

Ngày lễ đặc biệt thứ hai là Setsubun, nó đánh dấu lúc thời tiết thật sự vào xuân khi những cơn gió mùa đông dành chỗ cho ánh mặt trời mùa xuân ấm áp. Lúc đó, người Nhật tổ chức lễ Oni.yarai (Đuổi quỉ). Đêm trước ngày Setsubun, những kẻ đuổi quỉ (yaku-otoshi) sẽ chạy khắp các phố, lầm rầm đọc kinh và khua những chiếc gậy có in hình Thần Phật là gọi là shakujô, hô to “Quỉ ra ngoài, phúc vào nhà” (Oni wa soto, fuku wa uchi). Sau đó thì đó tục lệ ném đậu trắng (shiro-mame) khô về bốn hướng. Không biết vì lý do gì nhưng người ta bảo rằng quỉ sứ không thích đậu khô! Sau đó họ quét dọn và thâu lượm chúng lại để dành đến khi nghe những tiếng sấm mưa đầu mùa thì đem ninh lên ăn. Sau đó, họ mới dán một cái bùa gồm một khúc gậy ngắn, một con cá mòi khô và một lá quì trước cửa nhà để ngăn cho quỷ không trở lại.Tại sao quỷ sứ lại sợ cá mòi khô và lá quì thì chẳng thấy ai giải thích cho Hearn.

Ông còn cho biết ở Izumo, người ta còn có tục mê tín là khi nghe tiếng sấm đầu mùa thì giăng màn ra rồi cả nhà chui vào trong nấp và lấy tay che rốn để phòng thân. Họ tin rằng làm như thế sẽ được an toàn vì Raijuu (Lôi thú) thích … ăn rốn người nhưng chúng không vào được trong màn.

21. Dọc Biển Nhật Bản (By the Japanese Sea)

Hearn yêu biển.Trong đời văn, ông ta đã viết nhiều tác phẩm về biển cả.Thế nhưng phần nói về cuộc du hành ở vùng Tottori, dọc theo Biển Nhật Bản này phải xem như một trong những thành công lớn của ông.

Nơi đây, một bên, ông đã được ngắm nhìn biển rộng bao la, một bên là những cánh đồng xanh trong chuyến hành trình bằng xe kéo, một trong những phương tiện du lịch hiếm hoi thời Meiji Một tối, ông đã ngủ trọ ở một lữ quán vùng suối nước nóng Hamamura và được một ngưòi tớ gái trong quán kể cho nghe câu chuyện về “Tấm nệm Tottori” (Tottori no futon) mà người địa phương truyền tụng cũng như nghe bà Setsuko, vợ mình, kể lại câu chuyện “Những đứa trẻ bị vứt bỏ”. Hai câu chuyện ấy, chúng ta đã được ông đề cập đến trong chương 9 và chương 10. Về sau, Hearn đã thu thập lại chúng trong Kwaidan, tác phẩm nổi tiếng về thể loại “truyện cũ viết lại” (cố sự tân biên, người Nhật gọi là saiwa bungaku tức tái thoại văn học) buổi vãn niên. Chúng làm tăng phần thi vị cho đoạn nói về chuyến đi dọc bờ Biển Nhật Bản này.

Sau đây xin tóm tắt nội dung câu chuyện “Tấm nệm Tottori”:

Xưa kia có một người lái buôn dọc đường ngủ đỗ ở một quán trọ trong xứ Tottori. Đêm đến, khi chui vào trong chăn nệm thì bỗng nghe thì thào giọng nói của hai đứa trẻ con: “Anh ơi, anh lạnh lắm phải không?” “Còn em, chắc em lạnh lắm hở em!”. Ông lái kia mới châm lửa đèn lồng lên soi một vòng chung quanh nhưng không thấy ai cả. Ông bèn đặt mình xuống định ngủ tiếp nhưng giật thót người vì nghe tiếng nói của hai đứa trẻ phát ra từ trong tấm chăn. Ông lại sợ hãi, vội vàng thu vén hành lý rồi phóng ra ngoài.

Chủ nhà trọ lấy làm quái dị nên chính ông cũng chui vào ngủ thử trong chăn và thấy rằng tiếng thì thào kia là có thực.Khi ông gạn hỏi người buôn chăn nệm cũ đã bán nó cho ông thì mới biết đó là bộ chăn nệm của một gia đình kia, vợ chồng mất sớm, để lại hai đứa con thơ.Để có cơm ăn, hai anh em đứa trẻ đã phải bán lần hồi những đồ gia dụng, cuối cùng chỉ còn sót bộ chăn nệm. Đêm đến, nằm trong chăn, hai anh em lo lắng hỏi thăm nhau xem đứa kia có lạnh hay không.Thế nhưng người cho thuê nhà đã không chút từ tâm lấy đi mất bộ chăn nệm đó, đang đêm còn đuổi chúng ra giữa trời tuyết giá để cho chúng phải chết rét.

Ông chủ lữ quán nghe thế mới đem bộ chăn nệm lên chùa cho nhà sư đọc kinh siêu độ hai vong hồn. Kể từ sau đó, trong chăn không còn vọng ra tiếng người nói nữa.

Câu chuyện “Tấm nệm Tottori” là điểm khởi hành cho văn học về những hiện tượng kinh dị mà Hearn sẽ tiếp tục viết cho đến cuối đời.

“Truyện về những đứa trẻ bị vứt bỏ” (Kosute no hanashi) ở Mochida no ura cũng được Hearn trình bày trong chương này. Câu chuyện này phát xuất từ chùm truyện răn đời của nhà Phật truyền tụng khắp vùng Izumo. Có lẽ nó đã gợi nên nguồn cảm hứng cho nhà văn Natsume Sôseki viết ra câu truyện “Đêm thứ 3” Trong “Mười đêm mộng” (Yume Juuya, 1908) [19] . Cả Hearn lẫn Sôseki đều có chung kinh nghiệm là từ thuở ấu thơ đã bị cha mình bỏ bê. Câu chuyện vứt bỏ con mình có thể tóm tắt như sau:

“Ngôi làng Mochida no Ura trong xứ Izumo có một cặp vợ chồng nhà nông nghèo đến nỗi sinh con ra mà không bao giờ có đủ tiền nuôi nên khi chúng mới còn đỏ hỏn đã đem ra vứt dưới sông, mặc nước cuốn đi. Họ đã vứt tất cả 6 người con như vậy. Thế nhưng khi bà vợ sinh ra đứa con thứ bảy thì cuộc sống có ổn định đôi phần cho nên ông chồng quyết định nuôi đứa bé. Một đêm mùa hè, ông bố mới bế đứa bé trai ấy ra ngoài sân:

Đêm ấy vì trăng thật to và rất đẹp cho nên người nông dân kia bất chợt lên tiếng:

– Ôi chao, mấy khi mà trăng đẹp như thế này!

Chính lúc đó, đứs bé trong tay ông mới nhìn lên mặt bố và bnói:

-Bố ơi, lần cuối bố đem con đi vứt, trăng cũng sáng như thế này, bố nhỉ?

Sau khi nói xong câu đó thì đứa bé – giống như những đứa bé cùng tuổi nó – im luôn, không còn nói thêm được câu nào.

Người nông dân kia bèn bỏ đi tu”.

Trong những câu chuyện Hearn đã nghe trong lúc du hành, ông bảo đây là truyện để lại ấn tượng sâu xa nhất cho ông. Có lẽ ông đã đặt chồng lên nhau cái thân phận đứa con rơi là mình và thân phận hẩm hiu của đứa bé kia.

Kết hôn với Koizumi Setsuko và viết Kwaidan

Du hành trên đất Nhật để đào sâu tri thức về văn hoá Nhật Bản nhưng trên thực tế, Hearn chỉ bập bẹ được đôi câu và suốt đời không đọc cho suôn sẻ một trang sách tiếng Nhật. Có thể điều đó phản ánh quan niệm sống của ông chứ không phải là một sự thiếu khả năng thực sự. Tuy vậy, trong quá trình tìm hiểu Nhật Bản, ông đã nhận được nhiều đóng góp quí giá của người chung quanh.

Người đầu tiên đã giúp đỡ Hearn là Manabe Akira (trong tác phẩm ông gọi là Akira), một nhà sư trẻ ông quen khi mới đến Yokohama. Akira đã làm bạn với ông trong đoạn đường đi từ Yokohama, qua Kamakura và Enoshima đến Matsue. Nếu không có Akira, chắc Hearn không thể nào viết về Nhật Bản trong giai đoạn đầu khi ông vừa đặt chân lên đất nước này. Akira đã vì Hearn mà thu thập những tài liệu bằng tiếng Anh và đảm nhận vai trò thông dịch ở nhiều địa điểm viếng thăm suốt đoạn đường khá dài ấy.

Một khi đã yên nơi yên chỗ ở Matsue, người giúp đỡ Hearn một cách đắc lực hơn cả không ai khác hơn ngoài bà Koizumi Setsuko (có nơi viết là Setsu), vợ ông. Trong khi Hearn đến thăm Hang động của những hồn ma trẻ con (Kaka no kukedo) nhắc đến bên trên, bà cũng đồng hành. Còn chuyến đi dọc bờ Biển Nhật Bản này thực ra là tuần trăng mật của hai người nhưng nó đã biến thành một chuyến đi để tìm tư liệu. Xuất xứ câu chuyện “Tấm nệm Tottori” được Hearn cho biết là ông nghe từ miệng một cô người làm trong lữ quán nhưng có thuyết khác cho rằng chính bà Setsuko đã kể lại cho ông.

Lafcadio Hearn và vợ, bà Koizumi Setsuko
Lafcadio Hearn và vợ, bà Koizumi Setsuko

Về đầu đuôi cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng thì lúc đầu bà Setsuko chỉ là người đến giúp việc cho ông. Nhằm lúc đó, Hearn trong người không được khoẻ, một tay bà đã tận tụy chăm sóc. Bà là con gái nhà samurai nhưng gia cảnh sa sút nên có cuộc sống khó khăn, có đi làm công cho một người Tây phương để làm kế sinh nhai chẳng qua chuyện vạn bất đắc dĩ. Người chung quanh phản đối nhưng bà đã gạt qua mọi lời đàm tiếu để đến giúp việc cho ông mà bà biết là một học giả có nhân cách. Ông rất cảm động vì tình cảm và sự tận tụy của bà nên đã đề nghị cưới hỏi. Tuy ngại ngùng vì thân thế cơ hàn của mình, lúc đầu bà có chần chờ nhưng qua năm 1891 thì hai người đã thực sự thành vợ chồng. Đến năm 1896, họ chính thức làm giấy kết hôn và ông cũng vào quốc tịch Nhật. Do đó, Hearn mới đổi tên thành Koizumi Yakumo. Koizumi (Tiểu Tuyền) là họ của bà Setsuko, còn Yakumo (Bát Vân) nghĩa là “tám lớp mây che”, lấy ý từ bài ca dao tỏ tình nổi tiếng trong Kojiki vậy.

Nhờ kết hôn với bà Setsuko, lần đầu tiên trong đời, Hearn mới có một mái ấm gia đình.Từ đó, bà trở thành cộng tác viên đắc lực cho chồng trong việc sáng tác.

Đóng góp lớn nhất của bà đối với văn nghiệp ông có thể thấy qua Kwaidan, tác phẩm ông viết lúc cuối đời. Với chương Dọc bờ Biển Nhật Bản, chúng ta cũng có thể hình dung phần nào điều đó. Để soạn được Kwaidan, một người không nói và đọc tiếng Nhật như Hearn chỉ có thể dựa vào sự trợ giúp của vợ. Bà Setsuko đã đọc rồi thuật lại cốt chuyện của những truyện răn đời Phật giáo hay những truyền thuyết dân gian. Ông lấy cảm hứng từ đó mà viết ra hẳn hoi bằng tiếng Anh của mình.

Trong tập hồi ký nhan đề Omoide no Ki (Ghi nhớ chuyện xưa) kể lại cuộc sống của hai vợ chồng mình, bà Setsuko đã giúp ta có thông tin về quá trình hợp tác của ông bà để sáng tác Kwaidan:

“Khi tôi kể chuyện đời xưa cho Hearn thì hầu như bao giờ cũng vậy, lúc đầu chỉ kể sơ qua cốt chuyện.Nếu là chuyện hay, nhà tôi sẽ đặt bút ghi lại cốt chuyện ấy. Xong ông mới bảo tôi kể thêm chi tiết. Cứ thế, tôi kể đi kể lại nhiều lần. Nếu tôi cầm sách lên đọc cho ông viết thì ông gạt ngay: “Chớ lấy sách đọc! Hãy kể tôi nghe câu chuyện của em bằng ngôn ngữ của em và nói cho tôi biết điều em nghĩ về nó”. Hễ câu chuyện chưa được nhuần nhuyễn thành câu chuyện của tôi thì ông thấy là vẫn chưa được. Thành thử ngay cả lúc nằm mơ, đầu tôi vẫn bị câu chuyện ấy ám ảnh”.

Như vậy, nghe xong chuyện vợ kể, Hearn đã lấy cảm hứng từ đó để tái tạo nó. Kwaidan như thế là một tác phẩm kết tinh được trí tưởng tượng phong phú của Hearn và tài kể chuyện của bà Setsuko. Nếu bảo đó là một tác phẩm hai ông bà viết chung đi nữa thì cũng không có gì quá đáng.

22. Về một con múa (Of a dancing girl):

Hearn dành một số trang để nói về những nàng geisha, những người làm cho những buổi tiệc tùng nghiêm trang trở thành vui nhộn bằng điệu múa, trò chơi, tiếng hát của họ. Hearn để ý ít khi thấy các vị khách sàm sỡ vì người Nhật quan niệm các nàng chỉ được mướn để gây không khí cho buổi tiệc, giống những đóa hoa sống, dành để ngắm chứ không được đụng tới.

Thế nhưng các nàng không phải là kẻ vô tình vô cảm. Hearn kể lại chuyện quyên sinh vì tình giữa Fujieda Geki, một samurai cận thần Shôgun, lương 5.000 thạch thóc, với nàng Ayaginu, con hát ở xóm lầu xanh Yoshiwara. Ông cũng thuật lại câu chuyện cảm động về nàng O-Kama, cô geisha đã trộn tro hỏa táng của người yêu vào chén rượu và uống để giữ chàng mãi mãi với mình.

Hearn tuần tự tả lại các giai đoạn cuộc đời một geisha, cho chúng ta biết họ đã đào tạo trong nghệ thuật như thế nào. Ông nhắc đến những shirabyôshi tức geisha mặc nam trang, đội mũ cao và biết múa kiếm như đàn ông. Họ là những geisha lãng mạn của thời xưa, khác với những người đồng nghiệp thực tế hơn vào thời nay. Hearn nhân đó kể thêm câu chuyện cũ về một chàng thư sinh trên đường du lịch, không tìm ra chỗ trọ qua đêm trên núi cao, may mắn được một shirobyôshi đã giải nghệ ân cần đón tiếp. Cô ta vốn là con múa nổi tiếng ở kinh đô nhưng vì yêu một chàng thanh niên nên bỏ tất cả ra đi, cùng cất nhà nơi thanh vắng để sống đời ẩn dật. Chẳng ngờ người cô yêu lâm bệnh qua đời nên từ đó, đêm nào cô cũng đứng trước bài vị đặt trong khám thờ Phật, múa một điệu vũ để an ủi vong linh người chết. Bốn mươi năm sau cuộc gặp gỡ, cô gái này dưới hình thù của một bà lão rách rưới đã đến tìm gặp chàng thư sinh xin ngủ trọ thuở nào nay đã trở thành một nhà danh họa giàu có. Cô chỉ xin ông vẽ lại hình ảnh của cô thời trẻ trong trang phục shirabyôshi mà cô còn giữ được nhưng từ chối mọi sự giúp đỡ tiền bạc, vật chất của ông và trở về sống trong túp lều rách nát bên bờ sông. Một hôm, nhà danh họa tìm được chỗ đến thăm thì ông thấy nàng đã chết, xác nằm bên cạnh tơi nón đi đường và cái bát ăn xin trước khám thờ Phật, giống như cái khám thờ nơi ông từng thấy nàng đứng múa chiêu hồn trong một đêm nào trên núi.

23. Từ Hoki tới Oki (From Hoki to Oki):

Hai quần đảo Hoki và Oki nằm cách Matsue độ 60km, một nơi ẩn khuất và trước khi Hearn đến viếng, hầu như chưa có người ngoại quốc nào đặt chân. Oki nằm sau lưng Hoki và còn xa hơn nữa đối với Matsue. Người dân Oki tự hào rằng họ là những người Nhật thuần chủng vì tổ tiên của mình đã có mặt trên đảo từ thời đại các thần (kamiyo). Nơi đây trên 700 năm về trước, hai vị Thiên hoàng với ước vọng trung hưng vương thất trước sau đã bị tập đoàn quân nhân lưu đày. Đó là Go Toba ( 1180-1239) và Go Daigo (1288-1339).

Tuy nhiên, khi ghé cảng Saigô trên đảo Oki, ngoài di tích miếu mạo thờ những vị thiên hoàng số phận hẩm hiu, Hearn chỉ thấy phong cảnh núi đồi chớn chở, đồng ruộng nghèo nàn hăng mùi tanh tưởi của phân cá và ruột mực khô. Mực khô là một sản phẩm nổi tiếng của địa phương, không những được Nhật Bản yêu chuộng mà còn xuất khẩu qua đến Triều Tiên và Trung Quốc. Tương truyền những người dân chài thời xưa đã dấu Thiên hoàng Go-Daigo dưới đống mực khô hôi hám để tránh cặp mắt quan quân khi họ đưa ông lên thuyền trốn về đất liền để mưu đồ phục quốc.

Một trong vài mẩu chuyện thú vị mà Hearn nghe được ở Oki là truyền thuyết Địa Tạng chữa bệnh đau răng. Có người mắc chứng đau răng khủng khiếp đến mất cả quai hàm sau khi chết đã trở thành bồ tát với tâm nguyện chữa trị những người bị chứng bệnh quái ác như mình. Agonashi Jizô (Địa Tạng không quai hàm) nay là tên một mỏm đất tên đảo, nhưng tên đó có lẽ đã bị thiên hạ đọc trại ra từ Agonaoshi Jizô (Địa Tạng chữa lành quai hàm).

Cũng trong thời gian ở trên đảo, Hearn đã nghe kể lại truyện một thiền sư tên Mongaku Shônin (Văn Giác thượng nhân), người đã trốn đến tận Oki sống một thời gian để sám hối về tội lỗi của mình. Tục truyền ngày ở Kyôto, lúc hãy còn là vũ sĩ Endô Moritô, ông yêu một người đàn bà có chồng và đã âm mưu với bà ta để giết chồng khi đang ngủ. Nhưng đêm hôm ước định hành động, bà có lẽ vì quá hối hận, đã cải dạng thành đàn ông rồi nằm thế vào chỗ của chồng. Trong bóng đêm mập mờ, Endô Morito, đã giết lầm người mình yêu. Khi biết được sự thật, ông quá đau khổ, bèn vào chùa xin thú tội và xuống tóc đi tu để sám hối suốt quãng đời còn lại.

Trước khi về lại Matsue, Hearn trọ vài hôm ở một khách sạn trên đảo. Ông đã sống trong khoảng không gian trống trải với những cánh cửa kéo và không khoá. Người đi ra đi vào thong thả, họ chỉ lên tiếng chứ không cần gỏ cửa. Từ đó, ông suy ngẫm về lối sống tự nhiên, cộng đồng, không tây riêng (privacy), không thẹn thùa… của những người Nhật chất phác nơi đây. Đảo chỉ có 10 viên cảnh sát để giữa an ninh cho một dân số 3 vạn người. Một điều hoàn toàn khác lạ với những gì xảy ra trong thế giới Âu Mỹ mà mình từng biết.

24. Về những linh hồn (Of souls)

Kinjuurô, một người quen với gia đình Hearn, gốc dân làm vườn đã giải thích cho Hearn về quan niệm hồn vía của người Á Đông. Trong thế giới độc thần Âu Mỹ, người ta chỉ có một linh hồn (soul). Thế nhưng theo Kinjuurô, con người vốn có nhiều linh hồn và có càng nhiều càng tốt. Sách cổ của Thần đạo cho biết con người có ít nhất 2 linh hồn: Ara-tama (linh hồn hung hăng, hiếu thắng) và Nigi-tama (linh hồn quảng đại, biết tha thứ).

25. Về ma và yêu quái (Of ghosts and goblins)

Trong kinh Pháp Hoa có câu nói đại ý đôi khi tùy đối tượng, Phật phải mượn hình yêu ma để giáo huấn đại chúng. Như thế, hồn ma và yêu quái cũng là một phần của thế giới và sự tồn tại của chúng hẳn có một ý nghĩa nào đó. Kinjuurô đã rủ rê ông đi dự hội ban đêm ở một ngôi chùa tông Nichiren, nơi đang có cuộc trình diễn về ma quỷ.

Trên đường họ đã thảo luận với nhau về Con tinh của Tuyết (Yuki.onna) mà Kinju urô quả quyết người ta có thể gặp vào tiết đại hàn, lúc thời tiết cực lạnh, khi đến thăm ngôi đền thờ Thần Cảm Mạo (Kaze no kami) ở làng Yabumura, một nơi trên núi cách Matsue chừng bảy dặm. Cũng theo Kinjuurô, đó là một con tinh chỉ dọa chứ không hãm hại người. Có lẽ dựa theo truyền thuyết đó Hearn đã viết truyện “Nàng Tuyết” trong Kwaidan.

Họ đến một ngôi chùa mà khuôn viên nối liền với một bãi tha ma. Ở đây họ gặp những con ma sống (Iki ningyô) do người thật giả dạng, rất linh hoạt và khác hẳn với các tượng sáp trong những bảo tàng viện phương Tây. Nào là Tanuki Bôzu, thầy tu do chồn hoá thân, nào là Mitsume Nyuudô, ông cư sĩ có 3 con mắt hay Yama-Uba (Yamamba), bà chằng trên núi… Tất cả đều là ma quái quen thuộc với họ, bước ra từ những truyền thuyết Nhật Bản. Lại có phần trình diễn quang cảnh dưới Địa Ngục với tất cả sự rùng rợn. Điều ấy chứng tỏ người Nhật xem ma quỷ chẳng khác nào một phần của cuộc sống của mình và việc đi xem ngôi nhà ma (obake-yashiki) trở thành một thú vui, cơ hội để tiêu khiển.

26. Nụ cười Nhật Bản (The Japanese smile)

Một đặc trưng khác trong cách nhìn văn hóa Nhật Bản của Hearn là ông luôn luôn tìm cách đứng ở vị trí của người bản xứ để hiểu cái hay cái đẹp nơi họ. Điều này có nghĩa là Hearn không dùng bậc thang giá trị của mình để làm mực thước đi đo một nền văn hóa khác. Tuy nhiên, làm được như thế cũng không dễ dàng gì. Phương pháp ấy đã được đúc kết và áp dụng trong chương 26 này của Glimpses of Unfamiliar Japan khi ông miêu tả cái bí ẩn của Nụ cười Nhật Bản. Bài tiểu luận này trước khi đưa vào sách đã đăng trong tạp chí Mỹ Atlantic Monthly và được độc giả Tây phương tán thưởng.

Á Đông chúng ta có thể không lấy làm lạ nhưng Tây Phương thì khác. Họ không thể hiểu tại sao trên khuôn mặt người Nhật thường thoáng một nụ cười. Người phương Tây ít khi mỉm cười một cách hồn nhiên và điều đó cũng làm cho người Nhật lạ lùng:

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy sự thông cảm giữa hai dân tộc thường gặp phải khó khăn. Người ta phần nhiều suy đoán ngay ý nghĩa của hành động cũng như tâm tình của kẻ đứng trước mặt thông qua các thước đo của mình, kết cuộc thường đưa đến sự hiểu lầm nhau. Nếu như người Nhật không hiểu được thái độ nghiêm trang của người Anh thì người Anh cũng vậy, anh ta sẽ cảm thấy trong cái cười nhẹ nhàng của người Nhật có gì khiến anh không thể tin cậy. Những người ngoại quốc được người Nhật cho là có “khuôn mặt khó khăn” ấy, khi thấy “nụ cười Nhật Bản”, sẽ đâm ra miệt thị. Như thể họ nghĩ rằng đằng sau nụ cười ấy, một sự dối trá nào đó đang ẩn nấp.

Theo Hearn, chỉ có một thiểu số có khả năng nội quan bén nhạy mới biết đánh giá “nụ cười Nhật Bản” như là một đối tượng đáng để giải mã. Sau đó, ông đã dựa trên những kinh nghiệm sống trong thời gian ở Nhật hòng tìm ra mối manh. Ông cho biết nếu người phưong Tây sử dụng những thước đo mình có sẵn thì họ sẽ không thể nào hiểu được. Nụ cười Nhật Bản vốn là một “cử chỉ thận trọng, công phu đã được xây đắp bao đời mới hoàn thành“, vì vậy không thể đem những khái niệm hay mực thước phương Tây mà lý giải được. Chẳng hạn như khi người Tây phương đọc văn tự biểu ý của người Tàu lại ngạc nhiên hỏi tại sao nó chẳng giống văn tự tượng thanh của nước mình.

Nếu người Tây phương thấy trên mặt người Nhật có phác một nụ cười, họ sẽ nghĩ ngay rằng người đó đang có chuyện gì vui. Thế nhưng nụ cười tưởng như là chứng cớ của sự bằng lòng ấy lại có thể là dấu hiệu của đau khổ, sỉ nhục và thất vọng, vốn là những trạng huống tinh thần không có gì đáng vui vẻ cả. Làm sao mà người Tây phương đứng trước nụ cười ấy, có thể tin cậy nó cho được?

Sau khi suy luận như thế, Hearn đã đưa ra ví dụ cụ thể về sự hiềm nghi đã phát sinh giữa một ông chủ Tây phương và một người làm công Nhật Bản, đưa đến một kết quả đau lòng. Thế rồi, nhân đấy Hearn phân tích tại sao trong một trường hợp như vậy, người Nhật còn có thể cười được.

Một nụ cười Nhật Bản
Một nụ cười Nhật Bản

Hearn cho rằng người Nhật đã được dạy cho nụ cười ấy như một cử chỉ lễ phép và rèn luyện về nó từ thời thơ ấu. Đối với bậc trên trước hay người ngang hàng thì bất luận là ai và bất luận khi nào, phải giữ sao cho được nụ cười ấy để biểu lộ phong cách sống của người “có ăn học” và tránh mọi va chạm. Ngoài ra, giữa khi đau khổ hay tuyệt vọng mà còn giữ được nụ cười là vì tỏ ra lễ phép đối với kẻ đứng trước mặt. Lý do là người Nhật không muốn những ai có hảo ý, thương mến mình lại phải lo lắng và khổ muộn vì mình.

Lúc đầu, khi Hearn thấy một người đàn bà giúp việc cho ông đến thông báo có đứa con vừa chết mà vẫn để một nụ cười tỏa nhẹ trên khuôn mặt, ông đã không dấu được sự ngạc nhiên. Thế nhưng sau khi quen với nếp sống Nhật Bản, ông đã hiểu ra điều đó và có thể biện hộ cho thái độ của người đàn bà giúp việc.

Nụ cười này là một cử chỉ lễ phép. Người mang nụ cười ấy dằn nén bản thân đến biên giới của mức độ họ có thể chịu đựng.Nụ cười hàm chứa nội dung như sau: “Cho dù đối với ông với bà, chúng tôi đang gặp phải một điều bất hạnh nhưng xin chớ quan tâm. Xin thứ lỗi cho chúng tôi đã dám quấy rầy sự yên tĩnh của ông của bà khi đến đây để báo tin buồn này”.

Hearn kết luận rằng nụ cười thoáng nhẹ đó là biểu tượng cho quan niệm đạo đức của người Nhật. Ông xem nụ cười của người trong cuộc chẳng khác nào nụ cười từ bi của Daibutsu (Đại Phật) ở Kamakura. Ngày xưa, nụ cười ấy là do nhà điêu khắc Nhật tạo ra để tượng trưng cho sự bình yên trong tâm hồn của đồng bào ông mà theo Hearn thì, đúng như Kinh Pháp Cú đã nói: “Không có hạnh phúc nào lớn cho bằng sự bình yên trong tâm hồn”. Hearn đã tìm cách giải mã được nụ cười bí ẩn của người Nhật, đúng như điều ông từng viết trong đoạn văn sau:

Muốn hiểu được nụ cười Nhật Bản, chúng ta phải đi vào cuộc sống của người bình dân tự ngàn xưa trong dáng vẻ đơn sơ của nó. Nếu quan sát theo kiểu Tây phương nghĩa là từ trên ngó xuống thì sẽ không học hỏi được điều gì.

Nói về cảm xúc của một dân tộc và cách biểu lộ cảm xúc đó, giữa Tây phương và Cực Đông rõ ràng có một sự dị biệt. Chúng ta cần để ý đến sinh hoạt thường nhật của người bình dân vốn phong phú và đa dạng. Những ai khi đứng trước sự sống và cái chết cũng như trong tình yêu, luôn luôn giữ trên môi một nụ cười, luôn luôn có sự bình yên cùng với một tấm lòng nhân hậu, thân ái và ấm cúng thì có thể tìm thấy niềm vui trong sự đồng cảm với người Nhật. Rồi một khi đã có tình thân ái và sự đồng cảm, nụ cười Nhật Bản sẽ không còn là điều bí ẩn nữa.

Như thế, Hearn đã gạt giá trị quan Tây phương của mình sang một bên để mà “nhìn cuộc sống của người thường dân Nhật Bản như nó là”. Ông đã nhẫn nại trong một thời gian lâu mới tìm ra phương pháp giải mã nụ cười ấy. Khi ông không còn căn cứ vào bảng giá trị sẵn có mà đặt mình vào vị trí của đối tượng, thể nghiệm cách thức suy tư của họ thì ông mới hiểu được bản chất của cử chỉ nói trên. Phương pháp của Hearn thời đó phải chăng cũng là phương pháp chúng ta cần có để tìm hiểu tha nhân ngay cả trong thế giới ngày nay?

27. Giã từ (Sayonara)

Những ngày vui rồi cũng phải chấm dứt. Có gì tồn tại được lâu trong thế giới vô thường của chư thần. Được bổ nhiệm ở một trường công lập ở Kumamoto, Hearn đã rời Matsue với tất cả sự quyến luyến. Thế nhưng khi hậu ấm áp của Kumamoto mới thích hợp cho sức khoẻ của ông. Ban giáo chức và học trò hai trường đã tặng Hearn một cái độc bình cao gần một mét và một thanh kiếm Nhật làm quà lưu niệm. Hai bên đã trao đổi nhiều diễn từ nói lên tình cảm của họ với nhau trước ngày Hearn và gia đình ra bến cảng để lên đường. Hearn sẽ không hề gặp lại các bạn đồng liêu cũ cũng như những Ishihara, Otani, Adzukikawa…, các học sinh ưu tú của ông. Yokogi và Shida đã qua đời trước đó vì bệnh tật, để lại cho ông bao nỗi tiếc thương. Thế rồi 13 năm sau (1904), Hearn cũng tạ thế ở Tokyo, chấm dứt một cuộc đời phiêu bạt ở cái tuổi 54 và được chôn trong một nghĩa địa Nhật Bản. Sống là Lafcadio Hearn, ông đã chết như Koizumi Yakumo.

II – Từ thế giới hiện thực của Glimpses of Unfamiliar Japan đến thế giới huyền ảo của Kwaidan

Trong thời gian 1 năm 7 tháng sống ở Matsue, ngoài công việc dạy học, Hearn đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đồng thời thu lượm được nhiều câu chuyện cổ và truyền thuyết lưu hành trong dân gian. Trong ngôi nhà cổ kiểu gia trang samurai ở Matsue, Hearn giống như một đứa trẻ con vòi mẹ chuyện đời xưa, đã nhờ vợ là bà Setsuko kể cho mình nghe những câu truyện truyền khẩu của người Nhật đương thời

Thực ra, trước khi đến Nhật, Hearn đã từng quan tâm đến truyền thuyết và truyện răn đời của các vùng đất khác. Khi sống ở Mỹ, ông đã thu thập truyện cổ và truyền thuyết của Ai Cập, Ấn Độ, của các đảo Nam Thái Bình Dương, của các chủng tộc Inuit (một sắc dân sống ở xứ lạnh như Alaska, Greenland và Canada), Do Thái, Ả Rập rồi dùng ngôn ngữ của mình để chuyển hoá chúng và ghi lại trong tập (Phi hoa lạc diệp, hay Những điều nghe thấy từ những nền văn hóa khác, 1884). Sau đó, ông còn gom góp truyện truyền kỳ Trung Quốc để viết theo lối “cố sự tân biên” trong (Trung Quốc Quái Đàm Tập, 1887) [20]. Điều đáng để ý là trong 2 tập sách này có xen vào những truyện cổ của liệt cường Tây Phương.

Tương quan giữa Glimpses of Unfamiliar Japan và Kwaidan

Trong Glimpses of Unfamiliar Japan, chúng ta đã được nghe Hearn kể về “Tấm nệm Tottori”, một câu chuyện kinh dị ông nghe được khi đi dọc bờ biển Nhật Bản (Chương 21) cũng như một số chuyện khác lượm lặt trên đường du hành. Thế nhưng ông đã dành nguyên một cuốn sách nhan đề là Kwaidan (Quái đàm, Truyện kinh dị, 1904) [21]. Cuốn truyện này đánh dấu giai đoạn nhuần nhuyễn trong lối viết truyện kinh dị của ông. Thực vậy, danh tác Kwaidan tuy ra đời vào năm 1904 nhưng đã manh nha từ năm 1891 trên mảnh đất Matsue. Ngược lại, ta cũng có thể khẳng định rằng nếu không có những câu chuyện đời xưa trong tập Glimpses of unfamilar Japan như Cầu vo đậu, Người đàn bà mua kẹo mật, Tấm nệm Tottori, Những đứa trẻ bị vứt bỏ … mở hộ sẵn cánh cửa thế giới u linh cho thì Hearn sẽ chẳng bao giờ có được Kwaidan 13 năm về sau. Thủ pháp sưu tập và ngôn ngữ hoá của chúng như thế đã được tôi luyện trong thời gian ở Matsue để cho nghệ thuật “cố sự tân biên” của Hearn mà người Nhật gọi là saiwaka (tái thoại hoá) đạt được sự hoàn chỉnh.

Năm chủ đề của Kwaidan

Hình thức văn nghệ truyện cũ viết lại có thể hiểu là sự xào nấu, tái tạo một nguyên bản đã có (remake, recycle) dưới một hình thức nào đó. Ví dụ đơn giản nhất là truyện nhi đồng của anh em nhà Grimm [22], một bộ phận tác phẩm của Andersen[23], Akutagawa Ryuunosuke [24] hay Nakajima Atsushi [25] vv…

Như họ, Hearn muốn phủi lớp bụi thời gian trên những truyền thuyết và truyện răn đời hoang đường đã rơi vào quên lãng [26] và giúp chúng hồi sinh. Ông đã trân trọng và bỏ công mài giũa chúng giống như người thợ kim hoàn mài những viên ngọc thô phác. Ông dùng tài ngôn ngữ của mình để phả vào đó một luồng sinh khí. Tài nghệ kể chuyện của Hearn giống như tài nghệ của một kataribe (người kể chuyện nhà nghề) trong xã hội Nhật Bản ngày xưa, biết cách bắt nắm kỹ thuật gìn giữ và phát huy một di sản văn hóa sắp sửa tàn lụi.

Người lạ mặt hiện ra từ đáy chén trà (In the cup of tea)
Người lạ mặt hiện ra từ đáy chén trà (In the cup of tea)

Nếu thời gian đầu ở Nhật, Hearn tập trung sức lực vào văn chương du ký như trong Glimpses of Unfamiliar Japan thì trong giai đoạn sau, ông dành thời gian để làm sống lại những truyện truyền kỳ qua Kwaidan. Quá trình của ông đi từ quan sát ngoại giới bước qua trầm tư nội tâm, từ những cuộc du hành để hiểu đất nước, cảnh vật, phong tục tập quán rồi chuyển qua việc tìm hiểu tâm hồn, cuộc sống tinh thần của con người trong bối cảnh xã hội đó. Tóm lại, ông đã di hành từ một chủ đề, một quan điểm này sang một chủ đề, một quan điểm khác. Nếu trong tác phẩm trước, ông miêu tả lại những con người sống thực, những đền chùa lầu gác, nghĩa là giao lưu với ngoại giới thì trong tác phẩm sau, đối tượng của ông toàn là kẻ chết, thần thánh, hồn ma và yêu quái, và như thế, ông hướng về thế giới nội tâm của mình. Phải chăng nhờ bước ngoặc này mà Hearn đã có thể chữa lành những vết thương trong tâm hồn (trauma) vốn đeo đẵng ông từ thời thơ ấu. Đọc Kwaidan, ta cảm thấy tác phẩm này giống như một thiên tự truyện vì có nhiều chi tiết đến từ động cơ cá nhân của tác giả. Những ai biết rõ tiểu sử của Hearn đều có thể phỏng đoán là nó là gì.

Hôichi dạo tì bà cho ma nghe trong nghĩa địa
Hôichi dạo tì bà cho ma nghe trong nghĩa địa. Cảnh trong phim Những Chuyện Quái Đản – Kwaidan (1964)

Sau đây là những truyện xuất hiện trong Kwaidan, ấn bản năm 1904 (chú thích NNT là truyện đã được Nguyễn Nam Trân dịch, còn QC là truyện do dịch giả Quỳnh Chi dịch và in trong Nàng Tuyết):

1- Truyện chàng Hôichi cụt tai (The story of the earless Hôichi, NNT), 2-Đôi chim uyên ương (Oshidori), 3- Truyện nàng O-Tei (The story of O-Tei), 4- Hoa anh đào của nhũ mẫu (Ubazakura, QC), 5- Đấu trí (Diplomacy, QC), 6- Tấm kính và cái chuông (Of a miroir and a bell), 7- Thực nhân quỷ (Jikininki, QC), 8- Quỷ mặt phẳng lì (Mujina), 9- Ma cà rồng (Rokuro-kubi), 10- Chôn chặt niềm riêng (A dead secret, QC), 11- Nàng Tuyết (Yuki-onna, QC), 12- Con tinh cây liễu (The story of Aoyagi), 13- Cây anh đào ngày mười sáu (Jiu-rokuzakura, QC), 14- Giấc mộng của Akinosuke (The dream of Akinosuke), 15- Đứa trẻ bạo tợn (Riki-baka), 16- Hoa hướng dương (Himawari), 17- Bồng Lai (Hôrai). Ngoài ra tập truyện còn kèm theo một phụ lục nói về những chuyện hiển linh chen lẫn thơ haiku liên quan đến các côn trùng như bướm, muỗi và kiến.
Một cuốn phim mang tên Kwaidan (Truyện kinh dị) với 4 mẩu chuyện (Mái tóc đen[27], Nàng Tuyết, Chàng Hôichi cụt tai và Trong chén trà) đã được đạo diễn Kobayashi Masaki và hãng phim Tôhô dựng lên vào năm 1964 nhưng chỉ có 2 phần về Nàng Tuyết và Hôichi cụt tai là có liên hệ trực tiếp với tập truyện Kwaidan ra đời năm 1904.

Ta thấy nội dung Kwaidan (1904) có thể coi như được viết theo 5 chủ đề:

1) Tình yêu.

2) Sự tin cậy.

3) Lời giao ước.

4) Sự đồng cảm.

5) Sự bất hợp lý

Tình yêu ở đây bao gồm tình luyến ái nam nữ, tình mẫu tử cũng như tình huynh đệ. Tin cậy và giao ước có hơi gần gũi với nhau. Nói chung, 4 chủ đề đầu tiên nhấn mạnh mối quan hệ tích cực và hợp lý với tha nhân trong khi chủ đề thứ 5 không đi chung một hướng. Ví dụ truyện Đấu trí (Wakai, Diplomacy) và Trong chén trà (Chawan no naka, In a cup of tea) [28] là 2 truyện nói lên cái bất hợp lý ấy. Chúng đều mang những yếu tố có tính phá hoại và phủ định. Tuy vậy, không những trong truyện kinh dị của Hearn, nơi các tác giả khác, chúng ta đều có thể gặp trường hợp những người lương thiện bị lừa dối hay thất bại.

Năm chủ đề của Kwaidan có lẽ gộp lại từ quan niệm sống và những giá trị đạo đức mà Hearn đề cao. Ông đã đúc kết những giá trị ấy trong các truyện kể của mình. Chủ đề “Tình yêu” phải chăng liên quan đến tình thương của ông đối với mẹ mình, “sự tin cậy” và “lời giao ước” cũng là một điều ông hết sức quan tâm vì ít nhất trong đời mình, ông đã hai lần bị phản bội. Lần đầu, hồi còn ở Anh, bà trẻ của ông bị người ta lừa đảo nên ông mất sạch số tiền đáng lẽ được thừa kế từ bà. Lần thứ hai, ở Mỹ, người bạn chung vốn mở quán ăn với ông đã cuỗm sạch số vốn kinh doanh nên quán ấy vừa mới ra đời được 21 ngày đã phải tuyên bố phá sản. Do đó, qua các câu chuyện Hearn kể lại, chúng ta thấy phảng phất đâu đó những yếu tố tự sự về cuộc đời của chính ông.

Tuy vậy, những giá trị đạo đức Hearn đem vào trong truyện không chỉ liên quan đến ông mà thôi. Đó cũng là những giá trị phổ quát dù là ở phương Đông hay phương Tây mà người Anh, người Pháp, người Đức hay người Trung Hoa đều có thể hiểu được.

Cốt truyện của Kwaidan đến từ những thư tịch bà Setsuko tìm ra ở những tiệm sách cũ trong khu Kanda ở Tokyo. Bà đọc cho ông nghe và ông đã chọn lựa những chuyện phù hợp với độc giả của mình để cho tất cả, dù là người Nhật hay ngoại quốc, đều thấy hay và cảm động. (Theo nguồn tin của giáo sư Ikeda Masayuki, ở Ai-Len cũng có một câu truyện nội dung giống như Mujina). Có thể nói điều này tượng trưng cho tính phổ quát, nhân loại của văn chương ” truyện cũ viết lại” dưới ngòi bút Lafcadio Hearn.

Nàng Tuyết (Yuki Onna): Hình tượng người đàn bà muôn thuở

Tính cách tự truyện của Kwaidan có thể tìm thấy qua nhiều ví dụ. Trước tiên là truyện Mujina nói trên. Ngày nhỏ, “người chị họ tên Jane” (cousin Jane) vì quá sùng đạo nên mắng nhiếc ông đã làm cho ông ghét lây cả đạo Công giáo của cô và khiến ông không còn muốn nhìn mặt cô nữa. Một buổi chiều trời chạng vạng, khi gặp lại người chị ấy (thực ra bà chị đã chết mà ông không biết), ông chỉ thấy cô ta có khuôn mặt phẳng lì (nopperabô) như mặt con quái Mujina. Cũng vậy, khi viết về Hôichi cụt tai có khả năng giao lưu với những hồn ma của vong linh tập đoàn Heike, Hearn phải chăng đang vẽ chân dung cái con người thích tiếp xúc với cõi âm là mình. Rồi khi có một một nhân vật nữ nào hiện ra trong tác phẩm thì người ấy thường phảng phất hình bóng bà Rosa, mẫu thân ông.Ta thấy đó là hình ảnh người phụ nữ đột ngột bỏ chồng, bỏ con ra đi như sương khói. Nàng Tuyết (Yuki.onna, The Snow Woman) hay Aoyagi trong Con tinh cây liễu (Aoyagi Monogatari, The story of Aoyagi) đều như thế cả. Cả hai đã hành động giống bà Rosa cái ngày bà để cậu Lafcadio lại Dublin để về quê hương Hy Lạp một mình.

Nói về Nàng Tuyết thì Hearn đã mượn mô típ “hôn nhân khác loài” trong truyện dân gian. Nàng Tuyết là con tinh sinh ra từ tuyết, đã lấy một chàng trai trần gian nhưng bị phản bội để lộ tông tích, đành phải trở về thế giới bên kia. Nhân vì câu chuyện này đã quá phổ biến ở Nhật nên người Nhật ít có ai lấy làm ngạc nhiên khi họ thấy tác giả nhân cách hóa một hiện tượng thiên nhiên như tuyết, biến nó thành đàn bà. (Cách tưởng tượng và gán ghép này có thể thấy ở các quốc gia Tây phương nhiều hơn [29]). Riêng ở Nhật thì việc nhân cách hóa một hiện tượng thiên nhiên khá hiếm. Hơn nữa, khái niệm nữ tính (onna rashisa) trong truyền thống Nhật Bản rất đơn thuần, không phải là nữ tính đa diện thấy trong tác phẩm của Hearn. Nàng Tuyết của Hearn tuy biểu hiện sự tươi mát, màu mỡ, tĩnh lặng và bí mật nhưng cũng tượng trưng cho sự dũng mãnh,, bản chất phá hoại của thiên nhiên, hai mặt khác nhau của nữ tính ấy. Ngoài ra, ta thấy Nàng Tuyết của ông dù đã sống lâu ở cõi nhân gian mà lúc nào cũng giữ được sự đẹp đẽ, tươi nhuận, trẻ trung. Phải chăng đây là hình ảnh tổng hợp của người mẹ đã bỏ đi mà Hearn vẫn giữ mãi trong tim?

Yuki.onna trong phim Kwaidan (1964)
Yuki.onna trong phim Kwaidan (1964)

Cũng như bà Rosa chồng bỏ chồng chê, Nàng Tuyết cũng bị người chồng nuốt lời hứa để lộ tông tích của mình cho một đệ tam nhân (trong trường hợp này là chính Nàng dưới cái lốt người vợ). Khi người chồng, Minokichi, khoe là khi còn trẻ anh đã từng thấy được Con tinh của Tuyết (mà ai đã thấy là phải chết) thì nàng đột ngột thay đổi thái độ vì thấy mình vừa bị phản bội. Nàng trở thành hung hãn và chực giết cả chồng. Như từng thấy trong những truyện truyền kỳ khác, anh chồng đã phạm vào điều cấm kỵ (taboo) là không được tiết lộ về một điều gì mình không có quyền tiết lộ. Nơi đây, Nàng Tuyết đã biểu lộ mặt trái của nữ tính là tàn phá, đạp đổ một khi đã mang lòng thù hận. Nàng bị lộ chân tướng, dù đau khổ, buộc lòng phải tìm về thế giới của nàng cũng như bà Rosa Kassimatti bỏ con để về quê hương Hy Lạp. Hearn đã tả lại tâm tình đó trong đoạn văn sau (do Quỳnh Chi dịch):

Ô-Yuki bỗng đặt đồ khâu xuống, đứng vùng lên, khom người cúi xuống Minokichi đang ngồi, mà nói như thét vào mặt chàng:

– Người đó chính là ta, là Ô-Yuki đây. Ta đã dặn ngươi rằng ta sẽ giết ngươi nếu ngươi kể cho ai nghe một câu nào về điều đó rồi mà. Nhưng vì các con, ta tạm tha chết cho ngươi. Ngươi phải hết lòng lo nuôi nấng các con. Nếu có đứa nào kêu ca điều gì về ngươi thì ngươi biết tay ta.

Tuy là nàng đang nói như thét, nhưng giọng nàng vẫn mơ hồ như tiếng gió thoảng qua. Thế rồi nàng tan vào làn sương trắng sáng loá đang cuốn lên chiếc xà ngang trên mái nhà, và theo ống khói luồn ra khỏi nhà. Từ đó không ai còn gặp lại nàng nữa.. 

Rốt cuộc, Nàng Tuyết đã không nỡ giết Minokichi, người chồng, cũng như các con trước khi bỏ đi. Nàng đã trở thành một con yêu tinh bị dằn vặt đau khổ và đầy…nhân tính. Tính luân lý và sự bi thương trong đó thể hiện được đặc sắc của văn chương Hearn. Điều đó cho thấy những mẩu chuyện kinh dị tập hợp lại trong Kwaidan không phải với mục đích làm cho người ta sợ hãi mà chỉ để nói lên cái lo âu, sự cô độc, nỗi buồn và tình yêu…, những tình cảm căn bản tiềm tàng trong cuộc sống con người. Tuy độc giả nhận ra ở đây tính tàn nhẫn đáng sợ trong hành động của ma quỷ yêu tinh nhưng đồng thời cũng cảm thấy trong lối hành xử của những yêu tinh như Nàng Tuyết có cái gì hiện thực và bức bách làm cho mình phải xúc động mạnh mẽ.

Thế giới vạn vật hữu linh trong “Con tinh cây liễu”

Cũng vậy, trong khi đề cập đến tình yêu, tư tưởng “vạn vật hữu linh” (animism) trong “Con tinh cây liễu” (The story of Aoyagi, Aoyagi Monogatari) đã là phương tiện để thể hiện được chủ đề đó một cách trọn vẹn hơn cả.Trong câu chuyện này, Hearn đã mô tả cuộc đời của con tinh cây liễu. Tinh linh ấy đã hóa thân thành một người đẹp, quen biết rồi lấy một chàng trai ở cõi nhân gian làm chồng, có con rồi sau đó là tử biệt. Đồng thời, qua đó, tác giả đã kết án một xã hội chỉ biết nghĩ đến lợi lộc. Họ đã đốn đi không chút tiếc thương một cây liễu lâu năm. Đó là một hành động phá hoại thiên nhiên vô ý thức. Qua tác phẩm này, với cái chết của vai chính là Aoyagi (Thanh Liễu), Hearn đã phê phán xã hội ích kỷ đó.

Xuất xứ của truyện Con tinh cây liễu là chương nhan đề Ryuujô reiyô (Liễu tình linh yêu) trong quyển 3 của Tama.sudare (Rèm ngọc, 1704), một tập truyện ma quái có kèm theo tranh vẽ của Tsujidô Hifuushi đời Edo. Khi nhân cách hóa cây liễu để biến nó thành một người đàn bà, Hearn đã theo lối tưởng tượng kiểu Tây phương như ông đã làm trong Nàng Tuyết.

Trong tác phẩm này, cũng như trong phần cuối truyện của Nàng Tuyết, Hearn đã miêu tả với tất cả lòng xót thương những lời trối trăng của Aoyagi khi cây liễu tạo nên hình nàng đang bị người ta nhẫn tâm chặt đi.

Xin chàng hãy tha thứ cho em đã gào khóc loạn lên như thế này. Cũng chỉ vì đột nhiên, em cảm thấy đau như xé!

Chàng ơi, chuyện vợ chồng chúng mình gặp gỡ nhau là duyên tiền định từ kiếp trước đấy.Thôi thì cái duyên này, em xin hẹn chàng ở một kiếp lai sinh. Còn như trong cuộc đời này thì xin cắt đứt từ đây.Giờ vĩnh biệt đã đến rồi chàng ạ!…

Em xin chàng hãy niệm Phật cho em. Em biết mình sắp chết.

Tomotada kinh hoảng:

-Đừng nói bậy nào. Có lẽ em không được khoẻ trong người. Nằm xuống nghỉ một chút thì sẽ đỡ ra thôi mà.

Aoyagi trả lời:

-Không đâu chàng ạ! Em chết mất. Em không nói như thế vì hốt hoảng đâu. Em hoàn toàn ý thức lời mình nói. Có tìm cách dấu diếm cũng không được việc gì. Thực ra em không phải loài người nhưng là tinh linh cây cỏ. Hồn em là hồn cây cỏ. Tinh linh cây liễu là bản mệnh của em.

Ngay lúc này đây đang có kẻ tàn nhẫn chực đốn thân cây nơi em ngụ. Cho nên em phải chết. Em không còn có sức để mà than khóc nữa rồi.

Chàng hay mau mắn niệm Phật cho em.Mau đi, mau! Ôi chao!

-Sau khi Aoyagi bật ra tiếng than ra chiều đau đớn khổ sở, nàng gục cái gáy xinh đẹp của mình xuống một bên vai, muốn lấy ống tay áo che khuôn mặt.Tuy nhiên vừa dợm làm như thế thì thân thể nàng chợt xiêu xiêu dần, mất thăng bằng rồi ngã xuống sàn như một thân cây đổ và từ từ khuất dưới mặt sàn.

Tomotada bật dậy định vực người vợ lên nhưng tay anh như chụp vào khoảng không. Cái trơ lại trên mặt chiếu chỉ là bộ kimono xinh đẹp của Aoyagi và một số đồ trang sức mà nàng vẫn cài trên mái tóc kiều diễm. Còn như thân thể của nàng thì không biết đã biến đi đâu.

Nàng Tuyết biến thành làn sương trắng lung linh bay lên rường nhà rồi bay mất như khói nhẹ tan trong không gian. Nàng Liễu thì biến mất dưới mặt sàn và không lưu lại hình ảnh, còn chăng là áo xống, trâm thoa. Dù là Nàng Tuyết (Yuki.onna) hay Nàng Liễu (Aoyagi), đối với Hearn họ nào có khác bà mẹ ruột yêu dấu gần gũi bên mình ông một ngày bỗng bỏ đi biệt tăm.Trải nghiệm thương đau của thời niên thiếu đó bao lần sẽ là nốt chủ âm (keynote) của văn chương ông, văn chương của sự đánh mất đối tượng.

Giáo sư Ikeda Masayuki cho biết mỗi lần đợc truyện Con tinh cây liễu, ông không thể nào không liên tưởng tới những cây tuyết tùng (sugi) trong khuôn viên Kobudera bị người ta đốn ngã. Kobudera là tên cúng cơm của ngôi chùa Jishôin Enyuuji (Tự chứng viện Viên dung tự) ở xóm Tomihisa khu Ichigaya (Tôkyô) không xa nơi trú ngụ của Hearn là mấy. Vào những buổi chiều Hearn thường tản bộ dưới những tàng cây tuyết tùng cổ kính đó. Có thể nói là lúc ông không có nhà hay đi dạy, chỉ cần ra chùa Kobudera là thấy ngay. Kobudera đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của Hearn. Nó như một chốn ẩn dật đã đem đến cho ông sự thư giãn cần thiết giữa Tokyo đô hội.

Thế nhưng về sau người ta đã chặt hàng cổ thụ xanh tốt đó, hết cây này đến cây khác.Theo lời kể thì hòa thượng trẻ mới đến trụ trì thay cho vị lão hòa thượng bạn ông, vì thiếu ngân sách nên đã cho phép chặt cây. Hearn mất chỗ để tản bộ và trầm mặc và trong lòng, ông không bao giờ tha thứ sự phá hoại thiên nhiên ấy. Có lần Hearn đã lên tiếng xin mua cuộc đất nói trên để tránh cho cây khỏi bị chặt nhưng người ta không thèm đáp lời ông.

Sự kiện đốn cây đã xảy ra vào năm 1901 còn Hearn viết truyện Con tinh cây liễu vào năm 1903 trước khi đặt nó vào tập Kwaidan (1904) nên người ta thấy có nhiều sác xuất là việc chặt cây và viết truyện đi đôi với nhau.

Có lẽ qua việc viết Con tinh cây liễu, Hearn đã muốn trở về với chủ thuyết vạn tượng hữu linh (animism), dùng nó như một vũ khí để phê phán xã hội cận đại. Nỗi buồn và sự uất ức trước cảnh cây xanh bị chặt có thể là yếu tố cấu tạo của truyện Con tinh cây liễu này. Hearn đã muốn thác ngụ vào câu truyện ấy một “thông điệp bảo vệ môi trường” đến bọn hậu sinh như chúng ta chăng?

Matsue và Izumo: từ trường của trí tưởng tượng

Tuy việc viết Kwaidan là một hành động giúp Hearn nhìn lại nội tâm và chữa lành vết thương thời niên thiếu của riêng ông nhưng Kwaidan cũng đã giúp cho độc giả đạt được những tình cảm tương tự. Thực vậy, sống ở trên đời, ai ai cũng đều có những nỗi khổ tâm, những mối hận lòng. Chúng ta thấy rằng qua những câu truyện kinh dị, Kwaidan tiềm ẩn một sức mạnh bí mật chia sẻ được cho độc giả của nó. Độc giả của Kwaidan có thể chữa lành vết thương trong tâm hồn mình, phục hồi sức lực và lên đường chiến đấu trở lại.

Thế nhưng, làm sao Hearn đã có thể viết được một tác phẩm hay như Kwaidan? Lý do trước tiên là con người của Hearn – từ nhiều năm mang theo một tình cảm mất mát lúc sống ở Âu châu và ở Mỹ – đã tìm được trên đất Nhật người bạn đường tốt đem đến hạnh phúc cho ông. Sau khi rời Matsue, Hearn sống ở Kumamoto, Kobe rồi cuối cùng trở thành giảng sư Đại học Đế quốc Tôkyô (Todai ngày nay), định cư ở vùng thủ đô cho đến cuối đời. Tuy cuộc sống không bình lặng như ta tưởng nhưng bên bà Setsuko và 4 người con, Hearn đã có những năm tháng hạnh phúc. Niềm vui gia đình đã làm ông quên được một tuổi thơ đầy bão tố và tuổi thanh niên trải qua nhiều lừa đảo làm ông mất lòng tin ở con người. Vai trò của phu nhân Setsuko ở đây có tính quyết định.

Mộ của Hearn: chết như một người Nhật
Mộ của Hearn: chết như một người Nhật

Vì thế, Kwaidan tuy là một tập truyện kinh dị, đầy dẫy yêu ma nhưng thế giới miêu tả trong đó lại hết sức trong sáng. Cách hành văn tiếng Anh của Kwaidan giản lược và ít tu sức hơn so với Glimpses of Unfamiliar Japan. Hearn dần dần được giải phóng khỏi lối viết kỹ xảo, tô chuốt ngày trước, trung thành hơn với nội dung các mẩu chuyện được bà Setsuko kể lại bằng ngôn ngữ đời thường.

Thêm một lý do để cho một tác phẩm danh tiếng như Kwaidan có thể thành hình là sự tồn tại của linh vực Matsue và Izumo. Đây là một không gian thần thánh mà tín ngưỡng có mặt khắp nơi trong cuộc sống mỗi người. Hearn lại là một “linh môi”có thể giao tiếp với thế giới bên kia nên thành phố Matsue và vùng Izumo chung quanh là mảnh đất lý tưởng đối với ông.Đây cũng là nơi ông tiếp xúc được với cái đẹp Nhật Bản và tính chân thực của con người Nhật Bản. Kwaidan đã đưa tên tuổi của Hearn vào lịch sử văn học nhưng cũng là tác phẩm tôn vinh di sản văn hóa tinh thần của Izumo.

Tuy Hearn chỉ sống ở Matsue có 1 năm 3 tháng nhưng từ ngày đó về sau, Matsue và Izumo đối với ông vẫn là một thế giới lý tưởng tuy không bao giờ ông trở lại sống nơi đó nữa. Có phải chăng chính vì vậy mà mảnh đất ấy mới trở thành suối nguồn của trí tưởng tượng cho việc sáng tác. Nếu tiếp tục sống ở Matsue, chưa chắc Kwaidan có thể ra đời! Chính sự xa cách đẻ ra trí tưởng tượng. Rời khỏi Matsue và Izumo rồi, lần đầu tiên hai nơi đó mới trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho Hearn. Cách nói này có vẻ nghịch lý nhưng trong trường hợp của Hearn thì không hẳn thiếu khả năng. Khoảng cách địa lý vừa nẩy sinh ra một khoảng cách tinh thần (detachment) đồng thời với một tình cảm qui thuộc (belonging) và người sáng tác thường tìm ra từ nơi mình vừa bỏ ra đi, một từ trường cảm hứng (inspiration) lớn hơn bao giờ hết.

Tấm lòng rộng mở và nhân cách đa căn cước

Chúng ta vừa bàn về ý nghĩa của khoảng cách trong quá trình sáng tác của Hearn. Cuối cùng, thử xem chúng ta có thể học hỏi được điều gì khác hơn nữa qua nhân cách ông.

Giáo sư Ikeda Masayuki đặc biệt nhấn mạnh “tấm lòng rộng mở” (open mind) và “nhân cách đa căn cước” (multi-identity) tìm thấy nơi ông. Tấm lòng rộng mở là thái độ không kép kín, biết chấp nhận người khác. Vào thời của Hearn, liệt cường Âu châu đang phô trương sức mạnh, những ai có “tấm lòng rộng mở” là người biết nhìn văn hoá của một nhóm thiểu số không chút thiên kiến như ông vậy. Trước tiên, người ấy biết để giác quan mình được thoải mái trong khi tiếp xúc với tha nhân, hai là có một ánh mắt nhân hậu hướng về đối tượng. Hearn chẳng hạn, dù là đứng trước những gì nhỏ bé như một nền văn hoá thiểu số, trước đám trẻ con hay ngay cả động thực vật, không hề phân biệt và luôn luôn ân cần. Ba là biết đồng cảm và hoà mục với người khác. Khi gặp gỡ một nền văn hoá xa lạ đối với ông như văn hoá Nhật Bản, qua sự giao cảm với cõi u huyền (ghostly), Hearn đã biết để lòng mình cùng rung động với họ để đi đến một sự đồng cảm và hòa hợp.

Đứng ở vị thế đó, hình như Hearn đã gửi đến chúng ta một số thông điệp. Ví dụ trước câu hỏi “Làm cách nào để tiếp cận một nền văn hoá khác?” thì ông khuyên chúng ta hãy để ngỏ cửa lòng và xem việc sống chung với nhau (cộng sinh, co-existence) như một điều thiết yếu. Phải sống vượt lên mọi rào cản quốc gia, dân tộc. Không những sống chung giữa con người nhưng sống chung cả với mọi loài động cũng như thực vật. Văn chương của Hearn đã sửa soạn sẵn cho chúng ta một cách nhìn về khả năng sống chung đó.

Ngoài ra, phải nói Hearn là người có một nhân cách đa dạng và đa tầng. Ông là một người “đa căn cước” (multi-identity). Ông từng cho rằng “lên đường du lịch là tạo ra cơ hội khám phá chính mình”. Trên thực tế, ông đã đặt chân lên nhiều vùng đất và nơi đâu cũng biết hòa mình vào trong xã hội ở đó. Ngày còn trẻ, ông đã được đặt cho danh hiệu “Cameleon Lafcadio” ý nói ông giống như một con kỳ đà hay đột ngột thay đổi màu sắc. Tuy nhiên thay đổi như ông chỉ là sống theo một bản năng tự vệ, nó giúp ông tránh mọi va chạm để chung đụng được với bất cứ ai.

Căn cước của Hearn không có tính nhất nguyên. Một gã con lai mang hai dòng máu Ai-Len và Hy Lạp như ông, có mù mờ về căn cước thì cũng là một chi tiết chẳng đáng bàn tới. Tuy nhiên nhờ đó ông lại có khả năng biến hoá để hòa hợp trong bất luận xã hội nào, dù là Ai-Len, Hy Lạp, Anh, Mỹ hay Nhật Bản. Nói cách khác, Hearn không thể tự hạn chế mình trong một căn cước duy nhất.

Như vậy, đối với căn cước lưu động, đa nguyên của Hearn thì căn cước của chúng ta thường là cố định, nhất nguyên. Điều đó thúc bách chúng ta phải thẩm tra lại về mình. Vì sao?

Thế kỷ 20 là thế kỷ của thế giới lưỡng cực, của chiến tranh lạnh. Bức tường Đông Tây nay đã sụp đổ, chúng ta đang sống trong thời kỳ đầu của thế kỷ 21 với một thế giới đa cực hoá. Sự đối lập càng phức tạp, phân tranh xảy ra ở mọi nơi. Chúng ta phải có một “tấm lòng” như thế nào? Phải chăng câu trả lời đã nằm sẳn trong cách sống “đa căn cước” của Hearn?

Hearn, con người phiêu bạt đầy tính nhân văn
Hearn, con người phiêu bạt đầy tính nhân văn

Hearn giống như một kẻ phiêu lưu và một công dân thế giới (cosmopolitan) cho nên trong tâm hồn ông có vô số kênh (multi-channels) ăn thông giữa các nền văn hoá. Riêng người Nhật vào thời Meiji thì họ muốn mau mở mang để có thể chạy đua với liệt cường, chóng thành quốc gia hàng đầu, đã tự khép mình trong một căn cước nhất nguyên. Người Nhật từ nay cần tạo ra nhiều kênh khác, phải tiếp xúc với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Trung Đông … thì mới mở rộng tầm nhìn văn hoá của mình.

Không phải ai cũng có điều kiện như Hearn là thừa hưởng hai dòng máu trong người rồi còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá. Thế nhưng trong một thời đại quốc tế hoá, ai cũng có thể nuôi dưỡng nơi mình sự hiểu biết và ý thức về một khả năng đa căn cước. Đọc Hearn cũng như tìm hiểu về cuộc đời Hearn chính là tạo ra cơ hội để thông cảm với những người đa căn cước và mang về cho mình một thế giới quan khai phóng hơn.

Biên dịch xong tại Tôkyô ngày 29 tháng 6 năm 2016
Nguyễn Nam Trân

Thư Mục Tham Khảo:

1) Ikeda Masayuki, 7/2015, Nihon no omokage (Glimpses of Unfamiliar Japan của Koizumi Yakumo), NHK Telebi Tekisuto, NHK, Tokyo, xuất bản.

2) Lafcadio Hearn, 1894, Glimpses of Unfamiliar Japan, Tuttle Co, Tokyo, Rutland, Vermont, Singapore, xuất bản 2007.

3) Ikeda Masayuki dịch Lafcadio Hearn, 2000, Nihon no Omokage (Glimpses of Unfamiliar Japan) hai tập I và II, Kadokawa Bunko, Kadokawa xuất bản.Tái bản lần thứ 18 năm 2015.

4) Nguyễn Nam Trân chủ biên, Nàng Tuyết, 2016, Tuyển tập 10 nhà văn và 2 nhà thơ Nhật Bản cận đại, Nxb Tổng Hợp, TPHCM (phần nói về Lafcadio Hearn của NNT và QC).

Chú thích :

[1] – Ám chỉ các cô hầu gái làm việc trong phủ đệ các nhà quí tộc hay quan lại.Khác với các tiểu thư con quan kín cổng cao tường, họ thường ra bên ngoài để chạy việc.

[2] – Xin xem bản dịch của Nguyễn Nam Trân trong Vườn Cúc Mùa Thu, Nxb Trẻ, năm 2007.

[3] – Xin xem bản dịch của Quỳnh Chi trong Nàng Tuyết, Nxb Tổng Hợp TPHCM, năm 2016.

[4] – Hattori Ichizô (1851-1929), sĩ tộc phiên Chôshuu (tỉnh Yamaguchi), từng du học ở Mỹ. Sau làm ở Bộ Giáo Dục Nhật rồi Khoa trưởng Luật khoa Đại Học Tôkyô, nghị sĩ Quý Tộc Viện.

[5] – Basil Hall Chamberlain (1850-1935), nhà ngôn ngữ học ngưới Anh. Đến Nhật năm 1873, dạy ở Khoa Văn Đại học Đông Kinh. Đã đem khoa Ngữ học vào đất Nhật. Năm 1890, có viết “Things Japanese” (Những điều nghe thấy về Nhật Bản). Ở lại nước này đến năm 1911.

[6] – Sinh năm 1946, giáo sư Đại học Waseda và Giám đốc cơ sở nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá quốc tế của đại học này. Lafcadio Hearn là một chủ đề nghiên cứu sâu của ông.

[7] – Hearn cũng cho biết một quan chức ở Izumo đã giải thích với ông rằng tục vỗ tay (kashiwade) để chào như thế cũng có nơi Thần đạo và đã chép trong Kojiki.

[8] – Ernest Satow ( 1843-1929), nhà ngoại giao người Anh, có tên Nhật là Satô Ainosuke. Đã hai lần đến Nhật giữ chức vụ Công Sứ ở Tòa Lãnh Sự Anh.Nghiên cứu về Nhật Bản và Đông Phương. Để lại nhiều trước tác, trong đó có “Cuộc Duy Tân thời Meiji dưới mắt một nhà ngoại giao”.

[9] – Tiếng chào Ohisama (Ngài Mặt Trời) được Hearn ghi lại là Kon.nichi-sama! (Cảm ơn Ngài đã cho chúng tôi ánh mặt trời để có thế giới đẹp đẽ như thế này). Từ đây ta không thể không liên tưởng tới tiếng chào buổi sáng và trong ngày của người Nhật ngày nay là Kon.nichi wa vì hi và nichi đều là cách đọc của cùng một chữ Hán.

[10] – Chu Mạnh Trinh từng viết: Chim cúng trái, cá nghe kinh!

[11] – Không cần đợi đến xen (scene) tap dance của đạo diễn Kitano Takeshi trong một cuốn phim gần đây.

[12] – Starch syrup. Nơi khác dịch là Caramel Candy. Có thể là có hai loại (theo British Britannica)

[13] – Izumo Taisha còn được gọi là Kitzuki Taisha vì nằm ở phiá đông Kitzuki tỉnh Shimane. Nơi đây thờ Ôkuninushi no Mikoto và là đền thần đạo tối cổ của Nhật. Kiến trúc hiện có chỉ được xây nên từ năm 1744 mà thôi.

[14] – Theo truyền thuyết, một lôi thần trên Cánh Đồng Trời (Takamanohara, nơi cư trú của Amaterasu, nữ thần Thái Dương, tổ tiên các thiên hoàng hiện tại, ước định là ở miền Nam đảo Kyuushuu)) đã được cử đến đây để gây sức ép, buộc Ôkuninushi no Mikoto, chủ nhân của Cánh Đồng Lau (Ashihara ni Nakatsukuni, địa phương Izumo, phía Tây đảo Honshuu), phải nhường đất nước của mình để đổi lấy sự an toàn và dinh thự đẹp đẽ.

[15] – Tác phẩm chủ yếu của nhà văn Shiba Ryôtarô (1923-1996) phản ánh cách nhìn lịch sử nhu nhuyển của ông thông qua những công phu thu thập sử liệu và những chuyến đi quan sát.

[16] – Thoạt đầu là một lời khấn trước đền thần, sau phát triển ra thành một loại hình văn học như tụng thần ca.

[17] – Triết gia và nhà xã hội học người Anh Herbert Spencer (1820-1903), chịu ảnh hưởng Darwin và bàn nhiều về xã hội tiến hoá luận. Ảnh hưởng lớn lên tư tưởng thời Meiji.

[18] – Perceval Lowell (1855-1916), nhà nghiên cứu người Mỹ, đã đến Nhật 5 lần, viết Tâm hồn của Cực Đông (1888) với tiền đề là sự phát triển của cá tính vốn song hành với sự phát triển trong đời sống tinh thần của một dân tộc. Đó là lối suy nghĩ rất phổ biến ở Tây phương vào thời cận đại. Tương truyền Hearn đã đọc bài báo của Lowell trên Atlantic Monhthly và nhờ đó bắt đầu quan tâm đến nước Nhật.

[19] – Đã được dịch sang tiếng Việt bởi Đinh văn Phước trong Vườn Cúc Mùa Thu và Quỳnh Chi trong Nàng Tuyết.

[20] – Về hai tác phẩm này, chúng tôi chưa tìm ra nhan đề gốc bằng tiếng Anh. Riêng tập thứ hai có thể là Some Chinese Ghosts?

[21] – Kwaidan là tựa tiếng Anh, viết theo chữ Hán là Quái đàm (Truyện kinh dị). Người Nhật hiện đại đọc là Kaidan vì âm cổ Kwa như Qu của Việt Nam ngày nay họ không còn phát âm được nữa.

[22] – Anh em ông Grimm trong khoảng 1812-57 đã tái tạo truyện cổ và truyền ký của Đức trong đó nổi tiếng nhất là Cô bé quàng khăn đỏ, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Cô bé Lọ Lem…

[23] – Nhà văn và nhà thơ Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-75) đã để lại khoảng 150 truyện nhi đồng trong đó có Nàng tiên cá, Con vịt xấu xí và Công chúa bé như ngón tay cái.

[24] – Nhà văn Akutagawa Ryuunosuke đã đăng nhiều truyện nhi đồng trên Tạp chí Akai Tori (Con chim đỏ) như Đỗ Tử Xuân phỏng theo truyền kỳ đời Đường. Ông cũng đã viết lại Rashômon (1915) từ Konjaku Monogatari của thời Heian. Rashômon đã được Quỳnh Chi dịch và in trong Trinh Tiết, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2006.

[25] – Nakajima Atsushi (1909-42) là tác giả Gào trăng trong núi (Sơn nguyệt ký) phỏng theo truyền kỳ đời Đường. Xem bản dịch của Nguyễn Nam Trân trong Vườn cúc mùa thu, nhà xuất bản Trẻ, TP HCM, 2007..

[26] – Theo lời tựa đề cho Kwaidan năm 1904, Hearn cho biết ông đã dựa váo tư liệu từ các tác phẩm Nhật Bản cổ điển như Yaso kidan, Bukkyô hyakuwa zensho, Kokon Chumonjuu, Tama Sudare, Hyakumon-gatari). Tuy nhiên The dream of Akinosuke viết theo truyền kỳ Trung Quốc (Giấc mộng Nam Kha). Ngoài ra, The Snow Womman (Yuki Onna) là truyện được một người nông dân ở làng Nishitama, thuộc Chôfu (Chiba) kể lại và Riki Baka đến từ kinh nghiệm cá nhân ông.

[27] – Mái tóc đen (Kurokami) có nội dung tương tự truyện Ngôi nhà trong lùm sậy (Asaji ga yado) của Ueda Akinari ( xem Ugetsu Monogatari, 1768).

[28] – Hai truyện Đấu trí và Trong chén trà đều đã được Quỳnh Chi dịch và đăng trong Nàng Tuyết, nhà xuất bản Tổng Hợp TP HCM, 2016. Trong chén trà không thuộc nội dung Kwaidan ra đời năm 1904, nó đã được đăng trong Kottô: Curious, with Sundry Cobwebs (1902).

[29] – Thực ra ở Việt Nam trường hợp này cũng rất phổ biến như khi ta nói ông Thiên Lôi, bà Hỏa …

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN

Saigyô Hôshi (1118-1190) – Thi sĩ tài hoa yêu phiêu du của Nhật Bản

Saigyô là nhà thơ lớn của Nhật Bản, sống vào thời Mạc Phủ. Ông xuất thân danh giá, về sau đi tu, trở thành một thi sĩ chuyên thơ waka

thoi dai edo va samurai

Thời đại Edo – Bối cảnh truyện Samurai cận đại của Shiba Ryotaro và Fujisawa Shuhei

Thời đại Edo (1603 - 1868) ngay trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản có Thiên hoàng đóng đô ở Kyoto, nhưng thực quyền nằm trong tay Chúa Tokugawa ở Edo (bây giờ là thủ đô Tokyo), tương tự như Vua Lê Chúa Trịnh ở Việt Nam

tieu thuyet gia Fujisawa Shuhei

Giới thiệu tiểu thuyết gia hiện đại Fujisawa Shuhei

Fujisawa Shuhei  là một trong những tác gia nổi tiếng nhất Nhật Bản về truyện lịch sử, truyện samurai. Nhiều tác phẩm của ông đã được quay thành phim chiếu ngoài rạp và phim bộ ti-vi, được hâm mộ không chỉ ở Nhật mà còn trên khắp thế giới.

Đi xa hơn với nhà văn Endo Shusaku

Endo Shusaku là một nhà văn ngoại hạng và xuất chúng của nền văn học Nhật, với niên biểu sáng tác có thể dài tới 30 trang A4

Thần, Phật, Ma, và Người trong Nhật Bản thời xưa qua truyện của Lafcadio Hearn

Lafcadio Hearn, tên Nhật là Koizumi Yakumo, là một ngoại kiều gốc Ai-len, định cư ở Nhật Bản và trở thành tác giả kinh điển viết về chủ đề ma quái của đất nước này. Tác giả Nguyễn Nam Trân có bài khảo cứu công phu các tác phẩm của ông.

truyen ma nhật bản

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn nhập

“Ở Tokyô, có một con đường dốc về hướng Akasaka tên gọi Kiinokuni-zaka, nghĩa là Dốc của phiên Kii. Con dốc ấy liên quan đến xứ Kii như thế nào, tôi không được rõ. Một bên dốc này tự thời xưa đã có cái hào thật sâu. Chạy dọc theo nó là con đê cao phủ đầy cây xanh. Vựợt lên trên nữa là khu vườn tược. Còn bên kia dốc, bức tường thành cao nghệu của Hoàng Cung kéo dài đến mãi xa. Thời đèn đường và xe kéo còn chưa có, khi màn đêm buông xuống, nơi đây vô cùng tịch mịch. Do đó mà từ lúc ngày vừa chạng vạng, khách bộ hành thà đánh một con đường vòng xa hơn mấy dặm chứ không ai dám đi ngang dốc ấy. Cũng bởi họ sợ gặp những con quái Mujina thường héo lánh nơi đây.

Người cuối cùng gặp Mujina đã chết cách đây khoảng 30 năm về trước. Đó là một ông lái buôn có tuổi ở xóm Kyôbashi. Sau đây là câu chuyện do ông ta kể lại:

Một buổi chiều tối, khi ông lái buôn này đang gấp rút leo lên Dốc Kiinokuni thì chợt thấy có một người con gái đang ngồi sụp xuống bên bờ hào khóc lóc nỉ non. Ông lo cô ta sẽ nhảy xuống hào tự sát nên dừng chân lại những mong mình có thể giúp cô ta điều gì, ít nhất cũng nói được một câu an ủi. Cô gái ấy có vẻ giàu có thanh lịch, trang phục trông đẹp đẽ và tóc búi theo kiểu một tiểu thư con nhà gia thế. Ông lái bèn đến gần và lên tiếng gọi: “O-jochuu[1] ơi! Thôi đừng khóc nữa! Nếu có chuyện gì khổ tâm, cứ kể tôi hay. Nếu giúp được cô điều chi thì tôi sẽ tìm cách giúp cho. (Thực ra ông lái định làm đúng như lời mình nói vì bản chất ông ta là người hết sức tốt bụng) Thế nhưng người con gái vẫn không ngưng tiếng nỉ non. Cô đưa ống tay áo rộng che lấy khuôn mặt không cho ông nhìn. “O-jochuu ơi! ” Ông lái cứ tiếp tục gọi cô với giọng nhỏ nhẹ. “Này cô, này cô! Nghe lời lão đi! …Chỗ này không phải là nơi để đàn bà con gái đang đêm hôm ra mà ngồi đâu.Tôi van cô đừng khóc nữa! Nếu thấy tôi có thể giúp cô điều chi thì cứ cho tôi hay nhé!”. Cô gái mới nhổm dậy nhưng lại đưa lưng về phía ông. Đằng sau ống tay áo vẫn nghe thấy những tiếng khóc nức nở. Ông bèn đưa tay đặt nhẹ trên vai người con gái và tiếp tục thuyết phục: “O-jochuu! O-jochuu! O-jochuu! Cô nghe lời tôi đi. Chịu khó nghe một chút mà. …O-jochuu! O-jochuu!” …Nghe đến đấy thì cô gái vốn có dáng như cô hầu gái trong một phủ đệ mới quay mặt lại. Và lúc đó nàng ta buông ống tay áo xuống rồi đưa tay vuốt mặt mình…Nhìn ra thì trên đó hoàn toàn không có mắt, mũi và miệng đâu cả. Ông lái sợ hãi, thét lên một tiếng rồi ù ù té chạy.

Ông chạy như bị đuổi lên phiá trên Dốc Kiinokuni.Trước mặt, tất cả tối đen và vắng tanh. Ngay quay đầu nhìn lại ông cũng không dám, cứ thế mà chạy đôn chạy đáo cho đến khi thấy tận đằng xa có một chấm sáng leo lét của ngọn đèn lồng nhỏ như đom đóm nên mới tiến về phiá đó. Mới hiểu rằng ngọn đèn kia chỉ là ánh đèn của một người hàng rong bán mì kiều mạch (soba) đang hạ quang gánh xuống bên đường. Tuy nhiên sau khi gặp cảnh vừa rồi thì dù là ánh sáng gì và của ai đi nữa, đối với ông đều tốt cả. Ông lái ngã quị xuống trước mặt người bán mì rong, miệng lắp bắp: “Ôi! Ôi! Ôi chao ôi!”. “Này, này!” Người bán mì giọng gắt gỏng. “Sao thế! Sao thế! Ai làm gì bác vậy!” “Dạ không! Chẳng có ai làm gì tôi cả!”. Ông lão rền rĩ trong tiếng thở đứt đoạn: ” Chỉ là … ôi, ôi ….”

“Mới bị dọa thôi chứ gì?”Người bán mì hỏi cụt lủn. “Gặp cướp hả?”

“Không phải cướp! Không phải cướp” Ông lão đang chết điếng cũng ráng lấy hơi đáp: “Tôi thấy …tôi thấy một người đàn bà…bên bờ hào…nó đưa cho tôi xem cái mặt ….. ôi chao ôi. Cho thấy cái gì …thì thật không sao tả ra được”.

“Ủa? Chớ cái bác vừa thấy có giống cái này không?” Hỏi xong, người bán mì đưa tay lên vuốt mặt mình. Liền đó, mặt anh ta bỗng biến dạng thành một quả trứng tròn vo. Cùng lúc, ánh lửa chiếc đèn lồng cũng tắt ngấm”.
Truyện ngắn “hai-lần-sợ” vừa kể nhan đề Mujina được đăng trong tập Kwaidan (Truyện Kinh Dị, 1904) của nhà văn Lafcadio Hearn tức Koizumi Yakumo. Mujina (badger), một giống chồn lùn, tiếng Hán viết là hạc (貉). Mujina sống trong hang, hình dạng nửa chồn nữa cầy nên còn được dịch sang tiếng Anh là racoon dog. Người Nhật tin rằng cũng như hồ ly, nó có thể thành tinh và đội lốt người để trêu ghẹo và phá quấy thiên hạ. Tương truyền một trong những biến dạng của Mujina là cái đầu với khuôn mặt phẳng lì. Truyện dân gian Nhật Bản nhắc nhiều đến nó và ngay sử liệu nhà nước như Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ, 720) cũng từng đề cập đến việc một con Mujina đã hoá thành người và biết ca hát. Chuyện ấy đã xảy ra vào năm 627 dưới thời Nữ thiên hoàng Suiko.

Mujina hiện hình người
Mujina hiện hình người

Thế giới của Thần-Phật-Ma-Người trong Nhật Bản thời xưa mà nhà văn Lafcadio Hearn gợi ra đã đến với người viết qua tác phẩm “Hồ ly Mujina” (Mujina) cách đây trên nửa thế kỷ vào giờ Anh văn ở một đại học Nhật Bản với một ông giáo người Nhật tên Saitô. Thày Saitô đã dùng Kwaidan để dạy đám học trò ngoại quốc phần đông không chút thiết tha học tập vì họ quá tự tin về tiếng Anh nhãn hiệu thuộc địa của mình để có thể chịu sự dạy dỗ của một ông thày Nhật. Riêng đứa học trò nhỏ đến từ Việt Nam – vừa dốt vừa dát – luôn luôn trân trọng những lời giáo huấn ấy và chăm chú nghe theo. Ngày nay, đã bước qua cái tuổi thất thập, lần đầu tiên mới hiểu tấm lòng ấm cúng của người thày muốn trao cho lũ học trò phương xa cái chìa khóa mở cánh cửa bước vào khu vườn văn hoá Nhật Bản qua tập truyện của một văn sĩ Anh đã đến định cư ở nước này vào giữa thời Meiji. Hôm nay, viết những dòng này là vì vừa muốn đào sâu thêm sự hiểu biết của mình về Lafcadio Hearn, một nhà văn hoá quốc tế hàng đầu, vừa để tưởng nhớ công ơn một người thày học cũ, hiền hòa và bình dị, nếu còn sống đến bây giờ, chắc phải gần trăm tuổi.

Lafcadio Hearn
Lafcadio Hearn (Koizumi Yakumo)

I – Lafcadio Hearn và Glimpses of Unfamiliar Japan

Lafcadio Hearn (1850-1904) cập bến Yokohama vào năm 1890 (Meiji 23). Sáu năm sau, người Anh gốc Ai-Len (Ireland) ấy đã trở thành công dân Nhật Bản Koizumi Yakumo, viết văn và dạy học trên đất nước Phù Tang cho đến cuối đời. Ông thường được biết đến nhiều nhất nhờ “Hôichi cụt tai” (Miminashi Hôichi) [2], “Nàng Tuyết” (Yuki Onna) [3] và những truyện kinh dị khác tập hợp trong tác phẩm “Truyện Kinh Dị” (Kwaidan, 1904), một giai tác của thể loại văn học “truyện cũ viết lại” (cố sự tân biên) nghĩa là phóng tác truyện truyền khẩu có sẵn. Ngoài ra, ông còn được nhớ tới như một nhà bình luận, một nhà tùy bút và chỉ riêng trong hai lãnh vực này, Hearn đã để lại một số công trình khá lớn. Quyển Glimpses of Unfamiliar Japan (Thoáng nhìn Nhật Bản, một đất nước xa lạ, 1894) là tác phẩm đầu tiên ông chấp bút khi đến nước Nhật. Nó giúp ta trong quá trình tìm hiểu văn hoá Nhật Bản và lối sống của người bản xứ để có cái nhìn về họ một cách đúng đắn và sâu sắc hơn. Đồng thời, nhờ nó, ta có thể xem thử trong 120 năm qua, về mặt văn hóa, Nhật Bản đã được và mất đi những gì. Qua tác phẩm này, ta sẽ thấy hình ảnh đích thực của người dân Nhật Bản bình thường, những con người tự ngàn xưa vốn có một cuộc sống đơn sơ chất phác và tâm linh, gần gủi với thiên nhiên hoang dã, trước khi xu thế thời đại cuốn hút họ vào cuộc cận đại hoá và kỹ nghệ hoá.

Quá trình hình thành một con người đa văn hóa

Thời thơ ấu và cảnh ly biệt với người mẹ

Lafcadio Hearn ra đời vào năm 1850 trên đảo Lafcas (Lefkada) ở Hy Lạp trong một gia đình cha người Ai-Len mẹ Hy Lạp. Tên ông được đặt theo tên hòn đảo quê hương: Patrick Lefkadios Hearn. Đó là cách đọc Hy Lạp, còn theo tiếng Anh thì Lefkadios phải được viết là Lafcadio. Cha ông, Charles Bush Hearn là một y sĩ lục quân gốc Ai-Len (Ireland) , mẹ, Rosa Kassimatti, là phụ nữ Hy Lạp. Văn hóa Celte của xứ Ai-Len và văn hoá Hy Lạp là hai nền văn hóa lớn đã làm nên cơ sở của văn hóa Âu Châu. Thiên khiếu văn chương nghệ thuật của ông đã bắt nguồn từ hai nguồn văn hóa đó thông qua cha mẹ.

Thế nhưng lúc Hearn ra đời nghĩa là khoảng giữa thế kỷ 19, hai cường quốc Anh và Pháp đang đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Ai-Len bị Anh thôn tính và cai trị, còn Hi lạp thì bị Anh Pháp Nga đô hộ. Nhân đó, Hearn mang quốc tịch Anh theo người cha.

Đảo Lafcas (Lefkada, Hy Lạp) xinh xắn, nơi Hearn sinh ra
Đảo Lafcas (Lefkada, Hy Lạp) xinh xắn, nơi Hearn sinh ra

Sau đó không lâu, Charles, cha ông, được bổ nhiệm ở vùng đảo Tây Ấn (West Indies) trong vùng biển Ca-ri-bơ (Caribbean Sea), Hearn phải cùng mẹ là bà Rosa về Dublin (thủ đô Ai-Len). Năm Hearn lên 3, bố từ nhiệm sở trở lại nhà nhưng Charles bắt đầu lạnh nhạt với vợ. Cùng lúc, bà Rosa đã chán ngán với cuộc sống ly hương trên quốc gia miền bắc nơi mình không quen ngôn ngữ, tập quán, tôn giáo lẫn khí hậu. Năm 1854, mắc chứng trầm cảm, bà Rosa bỏ về Hy Lạp, để cậu bé Lafcadio lại Dublin.

Kể từ ngày đó, Hearn không bao giờ gặp mẹ nữa. Thế nhưng ông không khỏi đồng tình với bà vì đã thông cảm dược tâm sự u uất của mẹ mình. Tình cảm đó, ông vẫn giữ cho đến cuối đời. Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh mẹ ông trong những nhân vật của Kwaidan.

Cha của Hearn sau đó tái hôn với người yêu cũ, lên đường sang Ấn Độ và để Hearn lại Dublin cho bà Sarah Brennan, người dì của mình, trông coi. Sau đó, cha ông lâm bệnh và mất. Từ ấy, Lafcadio Hearn mồ côi cha lẫn mẹ, phải nương tựa nơi người dì của cha rồi theo bà lên Durham, một thành phố miền đông bắc nước Anh (1863 năm 13 tuổi). Bà trẻ của ông là người ngoan đạo nên đã gửi ông theo học ở một trường dòng trong tỉnh nhưng đối với Hearn, kỹ luật khắt khe và giáo dục Ki-tô-giáo ở ngôi trường này chỉ đem đến cho ông sự chán nản.

Năm lên 16, ông bị cái giây thừng của chiếc đu quay trong sân chơi nhà trường đập thật mạnh vào mắt trái khiến mất thị lực. Ta để ý những bức ảnh chân dung ông đều chỉ được chụp từ bên phải hay trong tư thế nhìn xuống. Việc mắt trái không còn nhìn thấy đường sau tai nạn ấy trở thành một mặc cảm lớn lao suốt những năm về sau. Không những thế, mắt phải của Hearn cũng cận thị nặng và có lẽ vì vậy chăng mà từ đó, đôi mắt của ông bắt đầu hướng về một thế giới mà những con mắt bình thường không thể nhìn thấy. Đó là thế giới “bên kia”, mờ ảo lung linh đầy những thần linh, yêu quái cũng như hồn ma bóng quế.

Giáo dục khắc nghiệt của trường dòng thời niên thiếu ở Durham chỉ tô đậm thêm nơi Hearn tình cảm chán chường và tâm sự cô đơn. Gia đình đã tan vỡ, ngôi trường kia và cả mảnh đất Âu châu chẳng qua chỉ là nơi ăn gửi nằm nhờ, ông chỉ còn có cách là làm sao thoát ra cho được thế giới đó.

Lên năm thứ 4, Hearn xin thôi học ở Durham, đổi sang một ký túc xá trường đạo vùng Normandie bên Pháp. Đáng tiếc là không ai có bằng chứng cụ thể về sinh hoạt của ông trong thời gian này.

Sang Mỹ rồi sang Nhật

Năm 19 tuổi, Hearn một mình sang Mỹ. Bà trẻ của ông bị người ta đánh lừa nên ông mất cả tiền thừa kế di sản. Không một xu dính túi, may nhờ có quốc tịch Anh, ông kiếm cách sang được đất Mỹ. Ở đó, ông làm đủ mọi nghề từ bán hàng rong, nhân viên phát điện tín, bồi khách sạn, phát quảng cáo bươm bướm, thầy cò chữa bài trong các nhà in, tòa báo vv…Tuy sống cực khổ nhưng ông không hề xao lãng việc đến các thư viện để đọc sách và rèn luyện văn từ. Sau khi nếm đủ mùi cay đắng trong xã hội Mỹ, rốt cuộc ông tìm ra cơ hội hoạt động trong ngành báo chí. Trong vòng 16 năm, ông đã hành nghề ký giả ở vùng Cincinnatti-New Orleans và lần hồi có chút tên tuổi như nhà văn và nhà báo.

Trong giai đoạn sống trên đất Mỹ, ông có cơ hội dịch một số thơ tiếng Pháp của Baudelaire và Gautier và sống một thời gian trên quần đảo Martinique vùng Tây Ấn. Đến năm 1890, nhà xuất bản (tạp chí) Mỹ Harper and Brothers gửi ông làm đặc phái viên ở Nhật. Lúc đó ông đã 39 tuổi. Là người đã quan tâm đến đất Nhật từ khoảng năm 26 tuổi nhưng ý định sang Nhật chỉ thành hình từ hồi 35 tuổi (1885), khi ông đến dự Hội chợ Quốc Tế ở New Orleans và làm quen được một người Nhật, công chức cao cấp biệt phái của chính phủ Nhật Bản tên là Hattori Ichizô [4], trở thành bạn thân với ông này. Thế rồi năm 1889, Hearn mượn được (từ William Patton, chủ nhiệm mỹ thuật Tạp chí Harper Monthly) quyển Kojiki (Cổ Sự Ký), bộ cổ sử Nhật Bản (nội dung gồm cả thần thoại, truyền thuyết và ca dao cổ đại) được học giả ngôn ngữ người Anh Basil Hall Chamberlain[5] dịch. Ông rất cảm động khi đọc bản dịch tiếng Anh này và sau khi đến Nhật, đã tìm mua nó.

Tiếng rằng Hearn đến Nhật Bản một cách tình cờ với tư cách đặc phái viên của tạp chí do nhóm Harper and Brothers chủ trương nhưng chính ra lúc ấy, trong lòng, Hearn đã quyết tâm tìm đến nước này. Bằng chứng là khi tàu cập bến Yokohama ngày 4 tháng 4 năm 1890, ông đã gửi thơ ngay cho Basil Chamberlain, lúc đó đang là giáo sư Đại học Đế quốc Tokyo (Imperial University of Tokyo) để xin giúp đỡ tìm việc làm. Chỉ hai tháng sau, ông từ chức đặc phái viên tạp chí vì cho rằng so sánh với các đồng nghiệp, điều kiện hợp đồng dành cho mình không được thuận lợi; đến tháng 8 cùng năm, ông xuống Matsue (tỉnh Shimane) miền nam đảo Honshuu, dạy tiếng Anh trong một trung học và Trường Cao đẳng Sư phạm địa phương nhờ có sự giới thiệu của Chamberlain. Từ đó cho dến 14 năm sau, khi ông qua đời, Hearn không hề rời đất Nhật.

Tác phẩm đầu tiên trên đất Nhật

Glimpses of Unfamiliar Japan là tác phẩm đầu tiên Hearn viết từ khi ông cập bến Yokohama. Quyển sách thuộc loại tùy bút lữ hành này gồm 700 trang và chia làm 2 tập với 27 chương, đã được xuất bản ở Boston và New York vào năm 1894.

Hearn đã bỏ ra hai năm trời để viết nó. Hai mươi bảy thiên trình bày một loạt chủ đề đa dạng nhưng nhìn chung, tất cả đều qui về mối quan tâm của ông đối với văn hóa dân gian Nhật Bản. Hai năm trời nói trên, đúng ra là 1 năm 7 tháng, bắt đầu từ ngày ông đặt chân đến Yokohama (4/4/1890) và kết thúc khi ông từ giã Matsue (15/11/1891). Tuy là người “phải lòng” nước Nhật từ ngày đầu tiên, chứng từ Hearn để lại cho ta thấy một sự hiểu biết sâu sắc và chính xác về đất nước này dù chỉ thông qua trực giác. Đó là chưa nói đến thành quả về mặt văn học của tác phẩm. Thực tình 2 năm đâu phải là một thời gian đủ để hoàn thành một công trình có tầm cỡ như vậy, nếu không phải nói đó là một phép lạ!

Vị trí của Matsue (chấm đỏ) trên địa đồ Nhật Bản
Vị trí của Matsue (chấm đỏ) trên địa đồ Nhật Bản

Trong 14 năm trời sống ở Nhật, Hearn đã viết được trên một chục tác phẩm. Có lẽ quyển sách đáng được xem là lý thú nhất chính là Glimpses of Unfamiliar Japan, tác phẩm đầu tiên. Nhiều người có thể bỏ phiếu cho Kwaidan, một phần vì nó được phổ biến rộng rải hơn nhưng công bình mà nói, Glimpses of Unfamiliar Japan mới biểu lộ được hết sở trường sở đoản cũng như cá tính của nhà văn, xứng đáng được coi như sáng giá hơn hết trong các tác phẩm của giai đoạn Hearn lưu ngụ Nhật Bản. Người ta có cảm tưởng là qua tác phẩm này, Hearn đã bày tỏ tất cả tình yêu nồng nàn của ông với đất nước và con người Nhật Bản. Đôi khi hành động đó cho ta thấy ông giống như một đứa trẻ thơ đi tìm hình bóng mẹ. Nhiều người phê bình ông đã đi đến chỗ cực đoan là tán tụng Nhật Bản một cách quá ngây thơ, vô điều kiện. Về điểm đó, ông đã khẳng định rằng mình cũng đã thấy cả hai mặt phải và trái:

Trong sinh hoạt, người Nhật có một số sở đoản, thậm chí đôi khi họ tỏ ra ngốc nghếch và ti tiện nữa. Họ cũng làm việc ác và còn tàn nhẫn. Tuy nhiên, nếu xét cho thật kỹ, ta sẽ thấy họ hết sức lương thiện, giỏi chịu đựng và luôn luôn có một tấm lòng đơn sơ, một thái độ ân cần, biết chăm sóc người khác. (Trích Lời nói đầu)

Dù sao, kết quả là với những gì viết trong quyển sách này, ông đã giúp được người Nhật nói riêng hay những dân tộc Đông Phương nói chung, tìm lại bản sắc tốt đẹp của mình mà chính họ không hề hay biết để cứ phải nhắm mắt chạy theo những giá trị phương Tây mà họ xem như là trên hết.

Nội dung hai tập Glimpses of Unfamiliar Japan

Quyển sách này đã được Hearn viết ra theo cung cách một tác phẩm ra đời trước đó về hai năm sống ở vùng Tây Ấn thuộc Pháp nhan đề Two years in the French West Indies nghĩa là ông chen lẫn cảm tưởng và tri thức của mình vào bên trong mô tả. Từ một nội dung gồm 1.500 trang bản thảo, bản đầu tiên của Glimpses of Unfamiliar Japan xuất bản năm 1893 được thu ngắn xuống 500 trang trong hai tập. Nhà xuất bản Tuttle Co. đã thu xếp và gộp lại thành một quyển dày 569 trang 27 chương với bìa mỏng trong lần tái bản năm 1976.

Tập I:

0 – Lời nói đầu – 1- Ngày đầu tiên ở phương Đông – 2- Thư pháp của Kôbôdaishi – 3- Địa Tạng (Jizô) – 4- Cuộc hành hương đến Enoshima – 5- Ngôi chợ của người chết (Bon-ichi) – 6- Điệu múa Vu Lan (Bon.odori) – 7- Thủ đô của đất nước chư thần (thành phố Matsue) – 8- Kitzuki, ngôi đền Thần đạo cổ nhất Nhật Bản – 9- Trong động đá những hồn ma trẻ con – 10- Ở Mionoseki – 11- Tạp ký về Kitzuki – 12- Ở Hinomisaki – 13- Những người chọn chết chung (Shinjuu) – 14- Đền Thần đạo Yaegaki – 15- Chồn (Kitsune).

Tập 2:

16- Trong khu vườn Nhật – 17- Ban thờgia đình – 18- Về mái tóc người phụ nữ – 19- Trích nhật ký một nhà giáo tiếng Anh – 20- Hai lễ hội kỳ quái – 21- Dọc Biển Nhật Bản – 22- Một con múa – 23- Từ Hoki tới Oki – 24- Về những linh hồn – 25- Ma và yêu quái – 26- Nụ cười Nhật Bản – 27- Giã từ.

Thời gian cư ngụ ở Nhật của Lafcadio Hearn có thể chia làm 5 giai đoạn như sau:

1) Thời mới đặt chân đến Yokohama (tháng 4 đến tháng 8 năm 1890).

2) Thời dạy học ở Matsue (tháng 8 năm 1890 đến tháng 9 năm 1891).

3) Thời chuyển xuống Kumamoto (tháng 11 năm 1891 đến tháng 10 năm 1894).

4) Thời ở Kobe (tháng 10 năm 1894 đến tháng 8 năm 1896):.

5) Thời lên Tôkyô (tháng 9 năm 1896 đến tháng 9 năm 1904).

Tuy vậy, phần lớn những địa danh được nhắc tới trong 2 tập sách trên đây đều liên quan đến vùng Matsue, nơi ông cư ngụ vào những ngày đầu tiên trên đất Nhật và cũng là đối tượng tìm hiểu của ông. Điều này khá dễ hiểu. Trước tiên, Matsue trong tỉnh Shimane nằm ven biển Nhật Bản nhìn về bán đảo Hàn, là sân khấu của bộ cổ sử Kojiki, nơi xưa kia theo truyền thuyết, các thần cổ đại từng sống chung với loài người. Hai nữa là vào thời điểm đó, mới đến Nhật, con mắt hiếu kỳ của Hearn còn đang choáng ngợp trước một đất nước lạ lùng với những điều mới mẻ ông chưa từng chứng kiến ở phương Tây.

Giáo sư Ikeda Masayuki [6], người dịch văn bản từ nguyên tác tiếng Anh sang tiếng Nhật đặc biệt lưu ý độc giả đến văn tài của Hearn thể hiện trong Glimpses of Unfamiliar Japan. Theo ông, văn tiếng Anh trong đó có nhiều tu sức nên hoa lệ và huyền ảo, khó lòng xem như giọng văn của người nghiên cứu hay nhà báo mà chỉ có thể là của một tùy bút gia viết ký sự lữ hành bẩm sinh. Hearn đặc biệt sử dụng nhiều hình dung từ, còn các động từ thì viết theo thì hiện tại và thể liên tiến hiện tại, ít dùng thời quá khứ nên câu văn rất sống động nhưng cùng lúc, gây nhiều khó khăn cho dịch giả.

0. Lời nói đầu (Preface)

Lời nói đầu đóng vai trò dẫn lối vào quyển sách nhưng cũng là tuyên ngôn của tác giả cho biết là kể từ ngày hôm nay, mình sẽ tích cực có những hoạt động văn bút trên đất Nhật.

Lời nói đầu gồm 4 phần, trong đó Hearn khai triển 4 ý chính:

1) Phê phán giới thượng lưu và trí thức Nhật Bản chỉ biết chạy theo Tây Phương. Ông thấy họ không quan tâm đến tôn giáo và tâm linh, quá gấp gáp muốn thu thập khoa học kỹ thuật tân tiến, quên mất cái hay cái đẹp của nước mình.

2) Vẻ đẹp độc đáo của Nhật Bản có thể tìm thấy nơi người dân bình thường. Ý này cũng có mục đích phê phán giới trí thức.

3) Truyền thuyết, thần thoại, lễ hội … những gì sắp biến mất, theo Hearn, mới là tượng trưng của một Nhật Bản đích thực. Ông ca tụng những đức tính như lương thiện, nhẫn nại, chịu cực và sự chất phác hiếm có của họ.

4) Phê phán Ki-Tô giáo lẫn văn minh Tây Phương qua những thói hư tật xấu nẩy ra ở Anh từ Cuộc cách mạng kỹ nghệ. Hearn cũng chê trách sự cạnh tranh quá mức và chủ nghĩa thuần lý ở Mỹ.

Hearn từng nhắc trong một bức thư vào cuối tháng 11/1888 gửi cho William Patton, tổng biên tập tạp chí Harper Monthly là ông sẽ không viết ký sự theo kiểu một nhà nghiên cứu hay ký giả nhưng viết làm sao để độc giả cảm thấy một cách sống động từ những điều ông bắt gặp trong thực tế. Tóm lại, điều ông mong muốn là đi vào cuộc sống Nhật Bản để tìm hiểu bản chất của văn hóa Nhật Bản và cuộc sống nội tâm người Nhật. Điều này cũng được Hearn thổ lộ trong Lời nói đầu.

Thực ra, văn chương du ký của Hearn đã có sẵn một điểm khởi hành, đó là việc tìm hiểu thế giới tâm linh. Trước khi đến Nhật và hãy còn sống ở Mỹ, Hearn đã viết những bài tiểu luận liên quan đến hồn ma (ghost). Xung động muốn ra đi thường xuyên ám ảnh tâm trí ông. Ra đi là để gạt bỏ sự yên ổn, bình thản của cuộc sống hiện tại đầy nọa tính, ra đi là tìm đến những nơi chưa hề đặt chân, gặp gỡ những người chưa hề quen biết, ra đi để tìm sự đối chiếu dẫn đến giao cảm rồi đồng điệu giữa tự ngã và tha nhân. Hơn thế nữa, ra đi đối với ông còn là cơ hội giúp mình gặp được một cái ta khác đang ẩn dấu trong người.

1. Ngày đầu tiên ở phương Đông (My first day in The Orient)

Chương đầu tiên mang tên “Ngày đầu tiên ở phương Đông” ghi lại cảm nghĩ của Hearn khi ông đặt chân lên bến Yokohama vào ngày 4/4/1890. Đoạn văn này bộc lộ sự cảm động và phấn khích trong lòng ông khi được đến một vùng đất mới.

Buổi sáng khi ghé cảng Yokohama, ông đã thuê xe kéo để thăm viếng thành phố. Bầu trời xanh ngắt của ngày hôm ấy, người kéo xe (kurumaya) tên Cha đội nón lá, chân đi dép bện rơm và hết sức tốt bụng, những cửa tiệm với rèm cửa màu lam trên đó viết những dòng chữ Hán ngoằn ngoèo … đều làm ông kinh ngạc. Ông ngỡ mình như lạc vào một xứ thần tiên nào (fairyland, chữ Hearn dùng). Đầu tháng 4 cũng là mùa xuân, lúc hoa anh đào đang nở. Tất cả như muốn cùng nhau giúp Hearn củng cố ý định muốn lưu lại sinh sống trên đất nước này, ý định mà ông đã có từ đầu.

Ngày hôm đó, ông cũng đến thăm nhiều chùa Phật đền Thần và khi soi bóng mình trong tấm kính đồng ở ngôi chùa ven biển và nhâm nhi chung trà với một nhà sư già, Hearn có cảm tưởng như thấy được một con người khác của mình đã từng có mặt nơi đây từ một nghìn năm về trước.

Cũng trong ngày đầu tiên ấy, Hearn đã làm quen được với Manabe Akira, một tăng nhân tập sự trong chùa, có biết chút tiếng Anh học được ở Tokyo. Sau đây là đôi mẩu đối thoại thú vị giữa hai người:

Tôi hỏi:

-Tại sao trong chùa của anh không thấy tượng Phật?

Người học tăng trả lời:

-Có một bức tượng nhỏ trong khám thờ ở trên điện. Thế nhưng cái khám ấy đang khóa kín. Ở đây, tượng Phật lớn cũng có nhiều nhưng không đem trưng ra mỗi ngày trừ những dịp lễ lạc.Có tượng một năm mình chỉ được thấy hai ba lần.

…………………………….

Tôi quay lại người thanh niên và hỏi anh:

-Tại sao những người đến viếng lại vỗ tay trước khi khấn khứa?

Anh ta mới giải thích:

– Vỗ tay ba lần cho Tam Tài là Thiên Địa Nhân[7].

-Chứ không phải họ đang mời mọc thần thánh như khi người Nhật vỗ tay để gọi người làm của mình?

-Ồ không! Vỗ tay như thế là muốn thoát ra khỏi giấc Mộng của Đêm Dài.

– Mộng gì?Đêm nào?

Anh ta chần chừ một chút rồi đáp:

-Đức Phật dạy rằng tất cả con người đang nằm mộng trong một cõi phù sinh tối tăm và đau khổ.

-Thế thì vỗ tay là để đánh thức những linh hồn đang ở trong chốn mê lầm.

-Thưa vâng.

-Ông có hiểu linh hồn (soul) mà tôi nói nghĩa là gì không?

-Vâng, có chứ. Đức Phật dạy linh hồn vẫn có và sẽ có mãi.

-Ngay cả trên Niết Bàn?

-Vâng, chính thế!

Người học tăng tên là Akira đó sau này sẽ đồng hành với Hearn xuống Matsue.

Cách viết độc đáo của Hearn

Cách viết ký sự du hành bằng miêu tả chi tiết pha lẫn cảm tưởng cá nhân như thế là đặc điểm của văn chương Hearn. Sự trầm tư giúp ông len lỏi vào chiều sâu những chi tiết bắt gặp trong thực tế và tìm ra từ chúng một ý nghĩa cao xa. Nó khác hẳn cách viết của những người ngoại quốc đến Nhật nghiên cứu vào thời điểm ấy.

Thực ra từ năm 1872 một hội đoàn nghiên cứu về Nhật Bản tên là Japan Asia Society (Hiệp Hội Á Châu Nhật Bản) đã được thành lập ở Yokohama, trong đó có những thành viên như Lord Basil Hall Chamberlain và Ernest Satow [8]. Thế nhưng những người phương Tây chuyên nghiên cứu về Nhật Bản (Japanologist) này hoàn toàn không hiểu Thần đạo (Shintoism) là tôn giáo gì. Bởi vì theo họ, sự sùng bái các hiện tượng thiên nhiên chưa hội đủ điều kiện để làm nên một tôn giáo. Hearn chống đối lập luận này của họ. Ông đã phê phán (tuy không nêu hẳn tên) những nhà nghiên cứu chỉ biết dựa trên tư liệu, sách vở để suy luận ấy ở những hàng cuối chương 8 “Kitsuki, ngôi đền Thần đạo tối cổ của Nhật Bản”.

Dĩ nhiên là vào thời buổi đó, những nhà nghiên cứu phương Tây khi tìm hiểu Nhật Bản cũng như các nước phương Đông chỉ nhằm mục đích phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc và chính sách thực dân. Ngay cả Chamberlain khi dịch Kojiki (Cổ Sự Ký, 712) sang tiếng Anh, không phải vì ông đánh giá cao những cống hiến về mặt văn học của tác phẩm mà chỉ nhắm cung cấp thông tin về Nhật Bản cho học giới Anh quốc trong bối cảnh thế kỷ 19, thời mà chủ nghĩa đế quốc của Đế quốc Đại Anh (British Empire) đang hưng thịnh. Học giới Anh nhất là những nhà nghiên cứu trong lãnh vực nhân loại học hay thần thoại học đối chiếu, nếu có quan tâm văn hoá, lịch sử, phong tục, tập quán của những “miền đất mới” cũng chỉ vì họ chạy theo ý thức hệ đương thời, những mong điều hiểu biết của mình sẽ phục vụ tích cực cho chính sách bành trướng thị trường và thực dân, hệ quả của Cuộc cách mạng kỹ nghệ .

Ngược với họ, Hearn không đi theo lối tiếp cận ấy. Điều này có thể bắt nguồn từ 2 lý do. Trước tiên là thân thế rất đặc biệt của Hearn. Ông là một người con lai, mang trong người hai dòng máu Ai-Len và Hy Lạp. Từ ngày bé thơ, ông đã được vú em kể những câu chuyện dân gian và hát cho nghe những bài hát ru Ai- Len. Cả Ái Nhĩ Lan và Hy Lạp đều là những nền văn hóa đa thần giáo (polytheism). Do đó Hearn đã có thể dễ dàng đồng cảm không chút gượng ép với văn hoá đa thần của Nhật Bản khi tiếp xúc với một tín ngưỡng vốn đặt lòng tin vào bách vạn chư thần trú ngụ trong thiên nhiên là Thần đạo. Thứ đến, đó là tư chất nhà báo và nhà lữ hành của Hearn. Hearn không dựa trên tư liệu sách vở và cũng không phân tích kiểu học thuật khi ông tìm đến với văn hoá Nhật Bản. Với một giọng văn uyển chuyển, sống động, ông đã vẽ nên được một Nhật Bản đời thường, thân mật và truyền cảm. Khi bàn đến các tác phẩm viết về Nhật Bản vào thời đó, cho dù sao này có mối bất hòa giữa hai người, Chamberlain cũng đã phải tỏ lời khen ngợi Hearn:

“Ông biết trình bày cặn kẽ với một sự chính xác khoa học với một lối viết nhẹ nhàng, linh động và hoa lệ. Nơi ông, có một sự kết hợp khéo léo đến nay chưa thấy ai làm được…. Ông làm tôi nhớ tới câu nói của soạn giả nhạc kịch người Đức Richard Wagner: “Hầu hết mọi sự hiểu biết sâu sắc đều phải thông qua con tim mới đến được chúng ta”. Bởi vì Hearn đã yêu mến Nhật Bản hơn ai hết cho nên ông cũng đã hiểu biết Nhật Bản hơn ai hết và nhân đó, có khả năng giúp cho độc giả hiểu về Nhật Bản một cách sâu sắc hơn bất cứ tác giả nào khác”. (Trích lời tựa ấn bản lần thứ 5 của Things Japan)

Bình thường, trong khi tìm hiểu một nền văn hoá khác, con người ta thường chỉ muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ (curiosity) và vì một hứng thú (interest) nào đó. Nhưng thực ra, trong học vấn, nghệ thuật hay văn học thì con đường tìm hiểu cần phải bắt đầu từ sự ngưỡng mộ (admiration) và lòng tôn kính (respect) đối tượng. Giáo sư Ikeda Masayuki sử dụng thuật ngữ thaumazein (tán dương) mà người thầy của ông, triết gia Imamichi Tomonobu (1922-2012) đã đề xướng. Đó là một khái niệm đến từ tiếng Hy Lạp.

Nếu tiếp cận đối tượng vì hiếu kỳ và hứng thú thì ta chỉ có thể chạm được cái vỏ ngoài của sự vật. Chữ interest còn có nghĩa là “lợi ích” cho nên khi nói đến interest là nói đến việc thủ lợi, nó có hơi hướm của đồng tiền. Trong khi đó với thaumazein, ta có thể tiến gần đến bản chất của sự vật hơn, và như thế, phù hợp với mục đích học tập, nghiên cứu. Có thể nói việc làm của Hearn đã bắt đầu bằng tinh thần thaumazein này bởi ông không vì hiếu kỳ cũng như lợi lộc nhưng đã tiếp cận văn hoá Nhật Bản với một tấm lòng yêu kính..

Những người sống trong thời đại của chúng ta chỉ khen chê đầu lưỡi, khi suýt soa khi mạt sát chớ ít ai cảm thấy quí hóa khi đứng trước những gì xa lạ với mình. Có được cái tầm nhìn với thaumazein là điều chúng ta cần học tập nơi Hearn.

2. Thư pháp của Kôbô Daishi (The writing of Kobodaishi)

Vì sao chương 2 lại dành riêng cho Kôbô Daishi thì hơi khó hiểu. Có thể Hearn chép câu chuyện ra ngay đầu sách vì nó đã được nhà sư tập sự Manabe Akira kể lại cho nghe hồi mới gặp nhau và ông lấy làm thích thú.

Kôbô Đạishi (Hoằng Pháp Đại Sư) là chức phong cho tăng Kuukai (Không Hải, 774-835), người sáng lập phái Shingon (Chân Ngôn tông). Tương truyền chữ ông rất đẹp, có thể viết bằng toàn thân một lần với 5 ngọn bút, khiến Hoàng đế nhà Đường lẫn Thiên hoàng đều phải thán phục. Ông lại còn sáng tạo ra hệ thống Hiragana cho Nhật ngữ từ chữ Hán và là tác giả bài thơ Iroha để tóm tắt bộ chữ ấy.

Chương này đặc biệt kể lại những giai thoại có tính cách thần thánh chung quanh cuộc đời của bậc đại sư và không có gì đáng bàn thêm. Chỉ có thể giữ lại từ đó ấn tượng là lòng tôn kính và biết ơn của người Nhật đối với ông như động cơ để tạo ra truyền thuyết chung quanh một nhân vật lỗi lạc.

3. Địa Tạng (Jizô)

Học tăng Manabe Akira đã đồng hành với Hearn trên đường xuống Matsue. Khi đi ngang vùng Yokohama, anh giải thích cho ông về tín ngưỡng Địa Tạng (Jizô) ở Nhật Bản. Hai người trước đó đã đến một ngôi chùa tên là Zôtokuin để dự một buổi lễ tắm Phật bằng trà ngọt (amacha) và đi xin xăm (mikuji). Sau đó họ viếng một nghĩa trang (hakaba) trong khuôn viên nhà chùa, nơi đây Hearn quan sát hình thức kiến trúc những ngôi mộ Nhật Bản và phong tục cúng hoa, thắp nhang và tưới nước cho người đã khuất. Hearn đã ngạc nhiên khi thấy trong nghĩa trang Phật giáo này có cả một ngôi mộ Ki-tô giáo với thập tự giá của một người Anh. Thế nhưng cái làm Hearn hơn cả là trên đường về, ông đã dừng chân lại trước 6 bức tượng nhỏ đặt bên đường và nằm thành một hàng. Đó là Roku Jizô hay 6 vị Địa Tạng.

Roku Jizô với khăn trùm đầu (zukin) và yếm nước dãi (yodarekake)
Roku Jizô với khăn trùm đầu (zukin) và yếm nước dãi (yodarekake)

Theo Hearn, đây là những pho tượng đáng yêu hơn cả và những nhóm tượng như vậy, người ta thường gặp ở trong các bãi tha ma ở Nhật. Trong tín ngưỡng dân gian, đó là những vị bồ tát đã đến cõi đời này để an ủi những linh hồn trẻ con đang đau khổ và cứu chúng thoát khỏi bàn tay ma vương ác quỷ.

Hearn cho biết không ai rõ tại sao Jizô khi đặt bên nhau lại là sáu mà không phải là 2, 3, 4 hay 5… Ông đưa ra giả thuyết được truyền lại từ đời trước là Jizô muốn phân thân làm 6 để cứu vớt tất cả chúng sinh trong sáu cõi (Lục đạo). Hãy hiểu thêm về Jizô qua đoạn văn dưới đây:

Tôi hỏi:

– Tại sao có những đống đá nhỏ được sắp bên cạnh các tượng?

-Bởi vì người ta nói tất cả các hồn ma trẻ con phải gom góp đá đi xây những tháp chuộc tội cho chúng ở Sai-no-kawara, nơi mà sau khi chết chúng đều phải tới. Bọn quỷ sứ (Oni) sẽ đến nơi đập phá tan hoang những tháp ấy ngay khi lũ trẻ vừa mới xây xong, đe dọa và hành hạ chúng. Lúc đó, những hồn ma trẻ con bèn chạy đến bên Jizô và được những vị bồ tát ấy dấu dưới ống tay áo của các ngài, an ủi chúng và đánh đuổi bọn quỷ dữ. Mỗi hòn đá đặt trên gối (Jizô ngồi) hay dưới chân Jizô (đứng) cùng với lời khấn nguyện chân thành của khách vãng lai sẽ giúp lũ trẻ con ở Sai-no- Sawara tiêu được tội lỗi của chúng.

Thế rồi người học tăng có nụ cười hiền hậu như một bồ tát Jizô tiếp lời:

-Mọi đứa trẻ đều phải đi về cõi Sai-no-Kawara sau khi chết và chúng sẽ chơi đùa với các Jizô ở đó. Sai-no-Kawara nằm trong lòng đất, dưới chân chúng ta.

Bởi vì Jizô có ống tay áo thật dài, bọn trẻ đùa nghịch bằng cách trì kéo các ngài bằng ống tay áo và sắp xếp những hòn đá nhỏ trước mặt họ. Thực ra, những hòn đá nhỏ chúng ta thấy xếp bên cạnh tượng thường là của những bà mẹ có con nhỏ chết đến đây khấn vái. Chỉ có trẻ em chứ người lớn thì không thác sinh về Sai-no-Kawara.

Các nhà Đông Phương học cho rằng Jizô trong tiếng Phạn viết là Kshitegarbha nhưng họ đồng thời xác nhận Jizô Nhật Bản là một sáng kiến của người bản xứ. Thủ tục chồng đá trước tượng Jizô không biết có từ đời nào nhưng có thể đã dựa vào ý nghĩa một đoạn trong kinh Pháp Hoa. Còn như truyền thuyết về Sai-no-Kawara dường như đã bắt đầu với tăng Kuuya (Không Dã thượng nhân, 903-972) trong một đêm ông băng qua dòng sông cạn nước gọi là Sai-no-Kawa (nay đọc là Serikawa) ở ngôi làng tên Sai-in gần Kyôto và trầm tư thương xót cho số phận của những hồn ma trẻ em ở cõi Meido (Minh thổ hay Minh đồ).

Thế nhưng Jizô không chỉ cứu giúp trẻ con. Truyền thuyết về Hakada Jizô (Jizô khỏa thân) thờ ở chùa Enmeiji (Kamakura) nói đến việc Jizô dù là đàn ông và mặc áo quần đã biến thành đàn bà để cởi truồng thế chỗ một bà phu nhân thua ván cờ bị bắt phải chịu sự nhục nhã là cởi truồng và đứng ngay trước mặt mọi người . Ngày nay khách hành hương đến chùa này sẽ thấy một pho tượng Jizô mặt đàn ông trong thân xác đàn bà đặt trên một bàn cờ.

Hearn lại nhắc đến một số thần thánh đặc biệt. Trước tiên là Batô Kannon (Mã Đầu Quan Âm) nghĩa là Quan âm đầu ngựa. Tuy nhiên điều này không ám chỉ Quan Âm ấy có cái đầu như đầu ngựa nhưng có nghĩa là hình đầu ngựa được gắn trên mão miện của vị bồ tát. Quan Âm đầu ngựa có “chức năng” bảo vệ cho súc vật được nuôi như bò ngựa. Kế đến là Kiriboshin hay Karitei-Bo (chữ Phạn là Hariti), một nữ thần trong một kiếp trước rất hung ác, từng xé xác con mình, nhưng sau khi được Phật giác ngộ, đã trở thành kẻ bảo vệ trẻ em. Nữ thần Ấn Độ này cũng đã được người Nhật tiếp nhận với “chức năng” tương tự Jizô.

Như vậy, Thần Phật ở Nhật có rất nhiều nếu không nói lả các vị ấy tự phân thân ra hàng trăm hàng ngàn để đáp ứng với nhu cầu của đại chúng. Một Kannon đã trở thành trăm Kannon, sáu Jizô đã trở thành nghìn Jizô.

Trong nghĩa địa này, Hearn cũng đã nhìn thấy những tượng nimbi (súc sanh trong lớp da người) quì đội những bình hương, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (Senjiu Kannon), tượng Yakushi Nyorai (Dược Sư Như Lai), tượng Bất Động Minh Vương (Fudo Sama) cầm kiếm (tượng trưng cho tri thức) và lửa (quyền lực), dây thừng (để trói đam mê và dục vọng), cũng như các tượng đá tạc hình chồn (kitsune) và ba con khỉ (san.en), tương truyền là bộ hạ của thần khỉ Saruta Hiko no Mikoto trong Thần đạo. Chúng che mắt, che tai và che miệng vì không muốn nghe (kikazaru), không muốn thấy (mizaru) và không muốn nói (iwazaru) những điều thất đức.

Lấy xe kéo đi tiếp với nhà sư trẻ đến một nơi tên là Renkoji ở Kuboyama, Hearn đã thấy tượng Em-Ma (Diêm Ma) mặt đỏ tức Diêm Vương, người cai quản Địa Ngục, tượng Jizô màu trắng đứng trên tòa sen và cả tượng Sozu Baba, một nữ quỷ già nua da tóc trắng toát, hay cướp áo xống người chết để đòi tiền chuộc khi họ phải qua sông Tam Đồ (Sanzu no Kawa) dưới âm ty. Tất cả những pho tượng đó tượng trưng cho sinh hoạt dưới cõi âm mà khi chết người Nhật sẽ bước vào.

4. Cuộc hành hương đến Enoshima (A Pilgrimage to Enoshima)

Hearn và Akira tiếp tục thuê 2 chiếc xe kéo (jinrikisha), một thứ taxi thời đó, để viếng Kamakura, cố đô Nhật Bản dưới Mạc phủ Kamakura (1183-1333), nơi xưa kia sứ giả của Kubilai Khan đã mất đầu vì dám đến kêu gọi Shôgun hãy hàng phục Mông Cổ. Nay Kamakura là một thành phố nhỏ có nhiều cây xanh tô điểm bởi những đoá hoa xương bồ (ayame, Japanese iris) tím ngát. Hai người đã làm một cuộc hành hương trong một vùng có vô số chùa chiền khởi đầu bằng Engakuji (Viên Giác Tự) rồi Kenchôji (Kiến Trường Tự), viếng tượng Daibutsu (Đại Phật), đền thờ Quan Âm và bờ biển Enoshima, hòn đảo linh thiêng của tín ngưỡng thủy thần qua hình ảnh nàng Long Nữ.

Trong chương này, Hearn mô tả cảnh tượng chùa chiền trong chuyến tham quan. Ông cũng thuật lại nhiều câu chuyện đơn sơ có tính răn đời và liên quan đến các đền chùa trong vùng nhưng chỉ xin ghi lại nơi đây hai mẩu chuyện nhỏ mà ông nghe được. Một là về quả chuông chùa Engakuji, một là về pho tượng Jizô ở Kenchôji:

Năm thứ 12 niên hiệu Bunmei (1481), đại hồng chung của chùa Kengakuji không ai đánh cũng kêu. Thiên hạ cho là phép lạ, có người bèn cười. Người ấy liền gặp sự bất hạnh. Trong khi ấy, kẻ khác tin theo và được hưởng nhiều điều may mắn.

Chính vào lúc đó, ở ngôi làng Tamanawa có một người tên Ono no Kimi. Anh ta lâm bệnh và chết xuống Âm Ty. Khi ra trước công đường cho Emma (Diêm Vương) xét xử thì vị này hướng về phiá Ono no Kimi mà phán rằng:

-Ngươi xuống đây sớm quá. Số năm ở cõi Ta Bà của ngươi hưởng chưa hết. Thôi cho ngươi về!

Thế nhưng, Ono no Kimi lại thưa rằng:

-Cõi Âm tối đen như mực, tôi biết theo đường nào mà đi?

Emma đại vương mới nói tiếp:

-Ở Nam thiên, có thể nghe được chuông chùa Engakuji. Ngươi cứ theo tiếng chuông ấy mà đi về phiá Nam thì thế nào cũng tới.

Ono no Kimi bèn lần theo tiếng chuông mà đi về phiá Nam. Ông ta qua khỏi bóng đêm dài của Âm Ty và tìm lại được cõi Ta Bà.

Cũng vào thời này, người ta thấy xuất hiện một nhà sư hành cước khổ người to lớn không ai biết tên tuổi gốc tích. Ông ta đi khắp tỉnh thành thôn xóm và khuyến khích người ta đến cầu khấn trước quả chuông chùa Engakuji. Cuối cùng mọi người mới vỡ lẽ rằng nhà sư to lớn ấy chính là quả chuông lớn kia nhờ một sức mạnh siêu nhiên đã hoá thân ra.

……………………………….

Akira kể cho tôi nghe một câu chuyện anh thấy chép trong quyển sách gọi là Jizô Kyo Kosui (Địa Tạng Kinh Cổ Thú Ý):

Ngày xưa ở vùng Kamakura có một bà vợ của ông rônin (vũ sĩ vô chủ) tên là Soga Sadayoshi. Bà ta chuyên môn nuôi tằm và ươm tơ. Bà lại thường lui tới chùa Kenchôji. Một hôm trời lạnh, bà thấy bức tượng Jizô giá rét tội nghiệp nên định bụng làm ra một cái mũ nồi (zukin) để Jizô đội trên đầu như người thường dân vẫn làm vào những năm khi thời tiết đặc biệt lạnh. Thế rồi làm mũ xong bà đem đến đội cho tượng và nói: “Phải chi tôi giàu có để có thể làm cái gì che đủ cho tất cả tấm thân cao quí của ngài khỏi lạnh. Tôi nghèo quá chỉ được một cái mũ đội đầu, thật không xứng đáng với ngài.”

Sau đó bà ta chết lúc mới 55 tuổi vào tháng 12 năm thứ 5 niên hiệu Jishô (Trị Thừa) tức năm 1181.Thế nhưng thân thể bà sau 3 ngày mà vẫn ấm cho nên họ hàng chưa dám đem hỏa táng. Đến cuối ngày thứ 3 thì bà bỗng hoàn hồn sống lại. Bà mới kể rằng khi thác xuống Âm Ty, bị bắt ra công đường để xét xử thì Emma mới phán: “Nhà ngươi là một con người độc ác, không nghe theo lời dạy của Đức Thích Ca. Cả đời, ngươi đã sát hại bao nhiêu là con tằm khi luộc chúng trong nước nóng. Nay ngươi sẽ phải đi vào địa ngục và chịu thiêu đốt cho đến khi đền xong tội”. Bà liền bị một con quỷ dữ thảy vào bên trong vạc dầu nóng như sôi. Bà khóc thét lên vì kinh sợ. Bỗng nhiên thấy Bồ Tát Jizô ở đâu đáp xuống dưới đáy vạc và dầu thôi nóng cháy. Jizô đưa tay kéo bà lên đến trở lại trước Emma, xin tha tội cho bà. Bà được tha thứ vì điều thiện đã làm và được trở về sống trong cõi Ta Bà.

Những câu chuyện vừa kể là những truyện có tính răn đời của nhà Phật (Bukkyô setsuwa). Dĩ nhiên nó biểu lộ sự mê tín của người bình dân Nhật Bản. Thế nhưng như trong lời tựa của Glimpses of Unfamiliar Japan viết năm 1894 ở Kumamoto, Hearn đã bày tỏ một sự thông cảm với những con người chất phác ấy trong một đoạn văn dài đại ý: “Người Nhật đã Âu hoá ngưỡng mộ tri thức của Paris và Boston xem mê tín là mê tín chứ không chịu nghiên cứu nó theo quan điểm xã hội học hay tâm lý học…Dĩ nhiên sự mê tín của người Nhật cũng giống như nỗi sợ của người Hy Lạp khi đứng trước thần thánh. Tuy vậy, đừng xem mê tín chỉ tượng trưng cho sợ hãi. Nó còn đem đến hy vọng….Chúng ta thường trông cậy vào những ảo giác hơn là tri thức bởi vì trí tưởng tượng có thể an ủi và đem lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc hơn là lý trí.”

Bên cạnh Thích Ca, Quan Âm, Dược Sư, Văn Thù, Phổ Hiền…thế giới linh thiêng của người Nhật còn có những Fudô, Kichijô, Benten, Kishibojin là những vị thần dị giáo bên Ấn Độ được Phật giáo đồng hóa và người Nhật Bản rất yêu chuộng. Khi đến Nhật, Phật giáo cũng tỏ ra hiếu hòa trong nỗ lực thâu nhận những vị thần của Thần đạo. Chúng ta thấy điều đó qua câu chuyện sau đây, tương truyền đã xảy ra vào thời Nara:

Lúc ấy, trong vùng Yamato có một vị cao tăng là Tokudo Shônin. Kiếp trước, ông là một vị bồ tát nhưng thác sanh vào cõi đời này để cứu vớt những linh hồn. Một đêm, đang khi dạo bước trong thung lũng, ông chợt thấy một đạo hào quang và nhận ra là nó đến từ một cây long não (kusunoki). Một làn hương thơm tỏa ra từ thân cây và hào quang sáng như bánh trăng. Shônin (thượng nhân) mới biết rằng đây là một linh mộc nên ông muốn tạc hình Phật Quan Âm bằng gỗ cây này. Ông bèn đọc kinh niệm Phật để xin nguồn cảm hứng thì bỗng có một ông lão và một bà lão hiện ra bên cạnh.Họ nói: “Chúng ta biết ông muốn tạc tượng Đức Quan Âm bằng gỗ cây này. Thế thì cứ tiếp tục khấn nguyện, chúng ta sẽ giúp cho ông”.

Tokudo Shônin nghe và làm theo và thấy họ chẻ thân cây long não ra làm hai phần bằng nhau một cách dễ dàng. Họ bèn bắt đầu việc tạc tượng, như thế trong vòng 3 ngày. Đến ngày thứ 3 thì 2 bức tượng Phật tuyệt vời đã hoàn thành. Shônin bèn thưa: “Có thể nào hai ngài cho tiểu tăng được biết quí danh?” thì lão già trả lời; “Ta là Kasuga Myôjin (Xuân Nhật Minh Thần)” (tổ thần họ Fujiwara). Lão bà nói: “Còn ta là Tenshôkô Daijin (Thiên Chiếu Hoàng Đại Thần” (nữ thần mặt trời).

Nghe được tin này, Thiên hoàng bèn gửi sứ giả đến dâng lễ vật là cho dựng trên chỗ đó một ngôi chùa…

5. Ngôi chợ của người chết (The Market of the Dead)

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 7 Dương lịch, ở Nhật có Lễ Cúng Người Chết gọi là Bon.matsuri (Bồn Tế) hay Bonku (Bồn Cúng), dịp mà người phương Tây gọi là Lễ Hội Lồng Đèn (Feast of Lanterns). Nó đã sao y lễ cúng các vong linh vốn được tổ chức tự thời xưa nhưng xảy ra vào 3 ngày đó trong tháng 7 Âm lịch. Nhật không nghỉ lễ tôn giáo, ngay cả Giáng Sinh hay Phật Đản nhưng trong 3 ngày O-Bon, tất cả người đi làm đều được cho nghỉ để về quê cúng kiếng tổ tiên. Akira đã đưa Hearn đưa đi thăm một Butsudan (ban thờ Phật) trong một gia đình và sau đó viếng “Ngôi chợ của những người chết” (Bon.ichi), nơi trưng bày những món đồ người Nhật mua sắm vào dịp cúng dường này.

Theo tục lệ cổ truyền, vào ngày 13, vào sáng sớm, họ phải bện rơm thật sạch sẽ, tinh khiết thành đồ trải ban thờ và đặt nó trên mọi ban thờ (Butsudan) hay trong phòng thờ Phật (Butsuma). Các đền chùa và ban thờ sẽ được trang trí với giấy màu, hoa như sen (hasu, lotus) và nhánh cây thiêng: hồi hương (shikimi, anise), thưu (misohagi, lespedeza)…Thế rồi, một mâm cỗ cúng (gozen) với miến bột gạo (somen), cơm, bánh dày (dango), cà tím (nasu) và hoa quả trong mùa thường là dưa ngọt, đào và mơ, các loại bánh ngọt. Đồ ăn có khi được bọc giản dị trong lá sen. Không bao giờ dùng cá, thịt hay rượu. Nước lạnh lâu lâu được rưới bằng nhánh cây thiêng sakaki và trà thì châm mỗi giờ để mời những vị khách của thế giới bên kia. Có cả đũa bát và cốc cho họ nữa. Như thế suốt 3 ngày.

Đêm đến, những cây đuốc thông soi sáng trước nhà để đón chào tổ tiên trở về. Cũng vậy, nhiều khi trong đêm đầu, người Nhật thắp “lửa chào đón” (mukaebi) tổ tiên dọc theo bờ hồ, bờ sông hay bờ biển. Thường là 108 ngọn lửa, con số bí mật có lẽ tượng trưng cho 108 thứ phiền não. Ngoài cửa nhà, họ còn treo thêm những chiếc đèn lồng vẽ hình hoa cỏ hay phong cảnh để soi đường cho người chết. Cũng trong đêm đó, họ ra ngoài nghĩa trang đốt hương, tưới nước lên bia mộ, khấn khứa và cúng lễ. Hoa được đặt trong ống tre bên cạnh mỗi nấm mồ. Có cả đèn lồng nhưng là đèn trơn, không trang trí.

Đến tối ngày 15, ở các đền chùa, người ta tổ chức Segaki (Thí ngạ quỷ) để bố thí cho những con ma đói trong Gakidô (Ngạ quỷ đạo) cũng như những cô hồn vất vưởng vì không ai chăm sóc. Thế nhưng vào dịp này, không mấy khi họ sửa soạn đồ lễ tế Thần.

Đêm thứ ba (đêm 17), điệu múa tập thể gọi là Bon.odori được diễn ra trên toàn thể đất Nhật. Tuy vậy, vào đêm ấy, quang cảnh làm cho người ta cảm động hơn cả Segaki và Bon.odori là lễ chia tay với các vong linh. Sau ba ngày tiếp đón và làm tất cả những gì mình có thể để tổ tiên vui lòng, người Nhật từ giã và trả họ về với thế giới u minh. Mỗi nhà đều sửa soạn những chiếc thuyền con bện bằng rơm chở thức ăn đồ uống và kết những ngọn đèn nhỏ kèm theo hương nhang, mảnh giấy viết lời bày tỏ tình cảm cũng như ước nguyện rồi đặt chúng xuống lòng hồ, sông hay thả trôi ra biển. Những con thuyền ma (có thì dài đến cả 1 m) này gọi là shôryôbune (tinh linh chu) với ánh lửa leo lét, trôi trong màn đêm và tỏa trên mặt nước một làn hương nhẹ nhàng.

Còn ngôi chợ cho người chết gọi là Bon.ichi thì được tổ chức vào ban đêm. Akira cũng đã đưa Hearn đi viếng nơi đó. Dưới ánh sáng đèn lồng và đuốc thông, những gian hàng mọc san sát bên nhau. Ở đây, người ta bán vật dụng để cúng các vong linh. Hearn thú vị nhất là những tiếng rao bán hoa sen (hasu), vỏ gai bện để làm đuốc (ogura), chén bát đáy nông cho người chết dùng (kawarake), đèn lồng (ya-bondôrô), hương nhang (senkô) hay những vật trang trí ban thờ (o-kazari), hoa giả (tsukuribana), cả đom đóm (hotaru) và dế (kirigirisu) vốn không liên quan gì đến O-Bon nhưng là những sinh vật tượng trưng cho mùa thu.

6. Điệu múa Vu Lan Bồn (Bon odori)

Hearn bắt đầu làm một chuyến lữ hành vào Nước Nhật Sâu Thẳm (Deep Japan) và cảm tưởng khi ngừng lại thị trấn Uwaichi (tỉnh Tottori) giữa đường đến nơi phó nhậm là Matsue (tỉnh Shimane) vào ngày 28/8/1890. Nó được ghi lại trong Chương 6 nhan đề Điệu Múa Vu Lan Bồn (Bon.Odori). Uwaichi hãy còn thuộc khu vực văn hóa Phật giáo trong khi Matsue thuộc về khu vực văn hoá Thần đạo. Ông vẫn được nhà sư trẻ Manabe Akira làm thông dịch và hướng dẫn du lịch.

Điệu múa Vu Lan Bồn
Điệu múa Vu Lan Bồn

Đêm hôm đó, sau khi giữ nhà trọ và ăn bữa cơm chiều, Hearn đã được người địa phương đưa đến ngôi chùa Myôgenji (Diệu Nguyên Tự) để xem múa. Lần đầu tiên ông đã được nhìn thấy các cô gái múa O-Bon, các thanh niên đánh trống cả. Ông có cơ hội thưởng thức một thứ âm nhạc dân tộc mà ông không hề biết ở Âu châu, ngoại trừ kinh nghiệm âm nhạc thổ dân ở New Orleans và ở các đảo vùng Tây Ấn trong thời gian phiêu bạt đến quần đảo Martinique. Điệu vũ O-Bon là dịp để người sống gọi hồn người chết, nghênh đón họ trở về để cùng nhảy múa với mình. Làm như thế, giữa người sống và người chết có sự giao lưu và nếu bảo là trong đó còn cả một khả năng hòa hợp, tương chiếu (correspondence) tâm linh giữa hai thế giới tử sinh thì hẳn cũng không ngoa. Theo Hearn, lý do là nguyên ủy của Bon.odori có lẽ đã phát xuất từ câu chuyện Đại Mục Kiền Liên (Dai-Mokenren) trên thượng giới đã vui mừng nhảy múa khi cứu được mẹ – bà Thanh Đề – ra khỏi kiếp ngạ quỷ dưới địa ngục. Điệu múa vũ trụ (cosmic dance) của O-Bon Nhật Bản đã cuốn hút Hearn vào trong nó và chinh phục ông.

Giữa sân đền, có một giàn tre trên đó đặt cái trống lớn và đám dân làng đang ngồi dọc theo những hàng ghế dài mang ra từ trường học. Có tiếng nói chuyện thì thầm, đôi khi là tiếng con nít khóc và tiếng cười khúc khích của mấy cô gái trẻ. Đằng xa phiá sau sân bên ngoài hàng rào thấp bằng cây xanh tôi thấy hiện ra những chấm sáng trắng và những cái bóng cao màu xám. Đó là những ngọn đèn cúng người chết thường chỉ thấy ở nghĩa trang. Những vệt xám là dãy bia mộ.

Đột nhiên một cô gái từ chỗ ngồi đứng dậy và đánh một tiếng trống lớn. Đây là dấu hiệu cho biết cuộc khiêu vũ với người chết đã bắt đầu.

…………………………..

Từ bóng tối của chính điện ngôi đền, một đoàn con múa bước ra dưới ánh trăng, rồi đột ngột họ dừng lại. Toàn là những cô gái trẻ trong những bộ y phục đẹp nhất. Những cô cao hơn cả đi trước dẫn đường, theo sau là những cô thấp dần, cuối cùng là mấy bé gái khoảng 10, 12 tuổi. Họ nhẹ nhàng như chim, dáng vẻ đó gợi nhớ những hình thù xinh như mộng được vẽ lên trên những chiếc bình cổ. Tấm áo yukata đẹp tuyệt vời buông tới đầu gối với ống tay buông rủ và giải giây lưng rộng thắt quanh áo mang các mô hình như được một họa sĩ Hy Lạp hay Etruria (dân tộc cổ ở Bắc Ý) trang trí. Đùng thêm một tiếng trống nữa, họ bắt đầu trình diễn một màn vũ ngoạn mục và huyền ảo đến mức làm tôi sửng sốt. Thực không biết lấy lời gì để diễn tả.

Họ đưa chân phải lên trong khi dép trái không rời mặt đất và duỗi hai cách tay về bên phải với một cử động phiêu diêu trong khi khuôn mặt điểm một nụ cười nhu hòa bí ẩn. Thế rồi họ rút chân phải về, làm động tác vẫy tay và nhẹ cúi đầu. Họ tiếp tục bằng cách đưa chân trái tới và lập lại động tác cũ, người hơi nghiêng về bên trái. Sau đó tất cả bước nhanh hai bước về phiá trước và chập hai bàn tay vỗ nhẹ vào nhau cùng một loạt.

……………………………

Đằng sau lưng tôi, bãi tha ma hãy còn đó như nó vẫn có tự ngày xưa. Tôi cảm thấy mình đang bị cuốn hút bởi những chiếc đèn lồng dành để đón người chết đang treo ở đấy. Đó là nói về nơi chốn. Còn thời khắc thì bây giờ là lúc hồn ma đã có thể hiện hình. Tất cả yếu tố ma quái ấy như qui tụ lại và gây cho tôi một cảm giác khó ở. Thế nhưng đối với các cô gái đang múa hát thì không! Cử động của những cánh tay đang dịu dàng đưa lên đưa xuống như những đợt sóng thầm lặng kia không hề giống như cánh tay của những vong hồn đang được ánh lửa soi đường. Lúc đó, tôi lại nghe trỗi lên tiếng hát nhẹ nhàng, trong vắt như tiếng chim hót của những cô gái trẻ. Năm mươi cái miệng cùng cất lên một giọng hát dịu dàng:

Sorouta, soroimashita odoriko ga sorota
Soroi kite kita hare yukata
(Những người con gái múa hát họp nhau đây trong áo quần ngày hội. Họ đẹp như gié luá chín trên đồng)

……………

Những người đang ngủ trong lòng đất, bên dưới những bia mộ xám và những chiếc đèn lồng trắng, cả cha họ, ông họ và cả tổ tổ tiên tiên hàng nghìn năm về trước, bao thế hệ được mai táng ở đây và đã rơi vào quên lãng, nhất định đêm nay đang nhìn lên cảnh tượng này. Phải rồi, những hạt bụi bốc lên từ nhịp bước của những nàng con gái đang múa từng mang sinh mệnh bao người sống nơi đây. Nhất định ngày xưa dưới một vầng trăng cũng giống như trăng đêm nay, cùng một nụ cười tươi tắn, bước chân duyên dáng, bàn tay nhịp nhàng như của những nàng thiếu nữ trước mắt tôi, họ cũng đã từng múa điệu vũ trần gian.

Trong đoạn này, ta thấy một đặc điểm khác của Hearn là ông đã tạo nên một bầu không khí siêu tự nhiên, mông lung huyền ảo (supernatural, ghostly atmosphere). Nếu dùng ngôn ngữ tôn giáo để diễn tả không khí đó thì phải nói là thần thánh (divine), thiêng liêng (holy) hay nhiệm mầu (miraculous). Chữ ghostly dùng bởi Hearn có nghĩa rộng hơn nghĩa từ điển, nó vừa là một trạng thái tâm linh bên trong cá nhân, vừa là một biểu hiện tôn giáo bên ngoài họ. Trong văn chương Hearn, ta thấy có một sự cộng hưởng giữa tâm hồn ông và mọi sự tồn tại, dù chúng là hiện tượng siêu tự nhiên hay tự nhiên, động vật hay thực vật. Ông cho rằng dù con người không tin những chuyện ma quái vì thấy là không hợp lý đi nữa, thì ít nhất, họ cũng phải nhìn nhận rằng ngay sự tồn tại của bản thân họ đã là một điều kỳ diệu. Con người chính là một thứ hồn ma (ghost). Lý do là ngày nay dù khoa học có tiến bộ, người ta vẫn thích nghe những chuyện cổ tích, chuyện nhi đồng vốn không hợp lý, cũng như để trí tưởng tượng của mình mọc cánh bay đến cõi siêu nhiên với những thần tiên, yêu quái và hồn ma. Thế nhưng, đôi cánh của trí tưởng tượng còn có thể bay trở lại thế giới của con người, một cõi tự nhiên trong đó có những nền văn hóa khác biệt của nhiều dân tộc. Xã hội hợp lý và trọng hiệu suất ngày nay đã khiến chúng ta suy xét một cách máy móc và hời hợt những gì chúng ta thấy. Chỉ cần nó không phù hợp với lối suy nghĩ của ta hay khó khăn một tí là ta đã khép cánh cửa lòng. Thế nhưng sở dĩ chúng ta hãy còn cảm động được trước một chuyện gì là bởi vì trong mỗi một người đều có một hồn ma (ghost), nó giúp cho chúng ta đồng cảm, chan hòa với nhau. Văn học của Hearn chính là loại hình văn học coi trọng khả năng giao cảm giữa những linh hồn.

Trải nghiệm tiếp xúc với hồn ma thời thơ ấu của mình là một nguyên nhân đưa đến lối tư duy ấy. Trong một tập hồi ức, Hearn nhắc đến cảm tưởng đã thấy ma trong một đêm bị bỏ một mình trong gian phòng vắng hồi còn ở chung với bà trẻ Sarah Brennan sau khi cha mẹ đều rời khỏi Dublin. Một chuyện ma khác liên quan đến “bà chị họ tên Jane”(cousin Jane) , một cô gái ngoan đạo đến mức độ cuồng tín từng sống một thời gian với ông ở nhà bà trẻ. Cô này đã có lần tức giận, thuyết giáo và la mắng làm ông chỉ muốn nguyền rủa cho cô chóng chết. Thế nhưng bẵng đi một dạo, tình cờ cậu bé Lafcadio gặp lại Jane vào lúc chạng vạng một buổi chiều mùa thu trong ngôi nhà ấy, trong khi ông chạy xô lại để mừng chị thì thấy cô Jane ấy chỉ là một người đàn bà có khuôn mặt mặt phẳng lì (nopperabô) không mắt không mũi không miệng. Có lẽ “cousin Jane” chỉ tượng trưng cho sự bất ổn trong tâm hồn ông đứng trước giáo lý Ki-Tô mà cô ấy là một biểu tượng. Cần nói thêm là trong thực tế, Jane vì bạo bệnh thực sự đã qua đời trước đó không lâu. Gần 50 năm sau, Hearn đã viết nên “Hồ ly Mujina”, câu chuyện về một con ma đầu tròn như quả trứng với khuôn mặt phẳng lì (xem Mujina trong Kwaidan dịch bên trên). Jane như con ma không mắt không mũi không miệng chỉ là một kết tinh của cái “đáng lẽ có mà lại không có” chẳng khác nào người mẹ đáng lẽ phải ở bên cạnh mà suốt thời niên thiếu, ông chẳng thấy bóng dáng đâu. Cho nên ta còn có thể nói rằng văn chương của Hearn là văn chương nói về nỗi sợ hãi và sự mất mát nữa.

7. Thủ đô của đất nước chư thần (The chied city of the province of the gods)

Hearn từ giã thế giới Phật giáo của vùng Yokohama và Kamakura để từ đây bước hẳn hoi vào thế giới Thần đạo. Thực vậy thành phố Matsue trong vùng đất cổ Izumo mới là đất nước chư thần và cái nôi của văn hóa Nhật Bản.

Thành phố Matsue vẫn thơ mộng như thuở nào
Thành phố Matsue vẫn thơ mộng như thuở nào

Tiếp xúc với văn hóa bằng âm thanh qua đôi tai

Trong những chương vừa qua, chúng ta đã có thể theo chân Hearn từ Yokohama đến Matsue, gặp được nhiều người, biết được nhiều phong cảnh và văn vật địa phương, cùng cộng hưởng với tâm hồn nhạy cảm của ông vốn được thành hình từ những trải nghiệm khá đặc biệt của thời thơ ấu. Ở đây chúng ta có thể bàn thêm về khả năng tiếp xúc bằng trực giác và thái độ đồng cảm của ông khi đứng trước một nền văn hoá xa lạ như văn hóa Nhật Bản.

Ngày nay, khi chúng ta tiếp xúc với một nền văn hoá khác với văn hoá chúng ta quen biết, một là ta cảm thấy phấn khích vì cái lạ lẫm của nó, hay ngược lại, đâm ra cự tuyệt nó vì không hiểu nổi tại sao có sự khác biệt đó. Thế nhưng Hearn đã chọn một thái độ khác với cả hai. Trước tiên, ông tìm cách tiếp cận với nền văn hoá đó một cách trực tiếp, đem cả thân xác và tâm hồn ra để cảm lấy. Ví dụ ông đã quan sát những tiếng rao hàng để hiểu cách sinh hoạt của người địa phương. Sau đó, ông tự đặt mình vào vị trí của một người dân bản xứ mà thử hiểu xem lý do lịch sử nào đã khiến họ ứng xử như vậy.

Đặc biệt, Hearn dùng đôi tai của mình như một phương tiện làm việc. Trong tác phẩm của ông, ngay cả Glimpses of Unfamiliar Japan, ta thấy nhiều bằng cớ về sự sử dụng thủ pháp này. Thực vậy, ông không dùng mắt để đọc tư liệu và văn kiện, ông chỉ dùng tai để hiểu bản chất của sự vật qua tiếng động.

Nói như thế, không có nghĩa là ông không dùng mắt với lý do mắt ông mang thương tật. Như ta đã thấy, mắt của Hearn rất tinh tế vì ông miêu tả rất tinh tường những gì mình thấy. Điều đó cũng nhờ óc tò mò và cặp ống nhòm mà khi đi đâu ông cũng kè kè bên mình. Tuy vậy, điều gây ấn tượng cho độc giả là đôi tai của ông. Ông đã biết miêu tả bằng thanh âm, ngôn ngữ hoá một cách chính xác tiếng động ngoài đường phố.

Ngay trong Chương 1 (Ngày đầu tiên trên đất Nhật), ta thấy đôi tai của Hearn đã mở ra ngay để tiếp xúc với tiếng động. Trở về khách sạn mệt mỏi sau nguyên ngày thăm viếng đền chùa, một giọng đàn bà rao trong đêm vọng qua cửa sổ kèm với tiếng huýt còi đã đánh thức trí tò mò của ông:

Amma –Kamishimo-Gohyakumon!

Sau đó qua lời giải thích bằng tiếng Anh bập bẹ của người hầu phòng, ông mới hiểu tiếng rao ấy là của một bà đấm bóp mù và tiếng còi của bà là để báo cho bộ hành cũng như những người đi xe biết để tránh khỏi chạm vào bà:

Đấm bóp đây – Từ trên xuống dưới – Năm trăm “mon”.

Năm trăm mon này đáng giá năm xu thời ấy.

Tiếp đến, trong chương 7 Thủ đô (Matsue), đất nước chư thần (Izumo) này, Hearn đã ghi lại những tiếng động đầu tiên khi mới đến thành phố và thức dậy sau một đêm ngủ trọ tại lữ quán Tomita.ya bên bờ sông Ôhashi, nơi nhìn thấy được mặt nước hồ Shinji phía tây nam.Vì Hearn lưu lại Tomita.ya những hai tháng nên ông có thời giờ quan sát và miêu tả cảnh trí sông hồ núi non của khu vực này, ngay cả rặng Daisen (Đại Sơn) – ngọn Fuji của vùng Izumo – ở phía chân trời. Tuy vậy, cái đánh mạnh vào tâm thức người đọc hơn cả là những “tiếng động” nghe ông được khi vừa đặt chân lên vùng đất xa lạ này:

Hôm sau khi vừa đến nơi, một ngày ở Matsue bắt đầu với những tiếng     động mạnh dội vào tai tôi trong khi đang ngủ, giống như những tiếng 
mạch đập thình thình mỗi lúc một to dần….Những tiếng động lúc khoan lúc nhặt như âm thanh vang lên khi người ta đập liên tục vào một vật gì.

Hearn làm sáng tỏ ngay sau đó:

Những tiếng động ấy phát ra theo một nhịp đều đặn, sâu kín như đang 
được bao trùm lại. Không cần lắng tai, tôi đã cảm thấy những chấn động của chúng xuyên qua mặt gối. Âm vang bắt được từ đó chẳng khác nào nhịp tim của mình đang đập. Đó là tiếng giã gạo, tiếng chày rơi nặng nề trên cối.

Bây giờ ta mới biết đó là tiếng chày giã gạo. Cách viết này cũng giống như cách ông mô tả núi Fuji trong một chương trước. Tuy chỉ là những “tiếng 
động bất chợt” Hearn đã nghe được khi vừa ngủ dậy nhưng nó đã nối kết 
được với “lúa gạo”, một yếu tố cơ sở của văn hoá Nhật Bản. Trong đoạn sau đây và thông qua trực giác, ông đã khơi gợi được cái tinh túy của nền văn hoá ấy thông qua một tiếng chày.

Nghi thức giã bánh dầy
Nghi thức giã bánh dầy

Gạo là thức ăn của người Nhật từ thuở xa xưa cho nên văn hoá luá gạo là văn hóa ẩm thực, rộng hơn nữa, văn hoá cơ bản của người Nhật. Tóm lại, tiếng chày giã gạo là “nhịp tim Nhật Bản”. Kết hợp thính giác với trí tưởng tượng, Hearn đã tiếp cận được bản chất của văn hóa Nhật Bản.

Hearn còn giới thiệu những âm thanh khác của Matsue cũng trong chương 7 này, chẳng hạn tiếng chuông của ngôi chùa Thiền Tôkôji (Động Quang Tự) mà âm hưởng lan ra suốt một khu phố. Đó cũng là tiếng trống trầm trầm báo giờ công phu buổi sáng của Jizôdô (Địa Tạng Đường) trong xóm buôn gỗ nằm kế bên nhà trọ. Ngoài tiếng chuông và tiếng trống, còn lọt vào tai Hearn những tiếng rao hàng (mono.uri) ngoài đường phố.

Cuối cùng là những tiếng rao hàng bắt đầu thật sớm. Daiko yai! Kabu ya kabu! (Ai củ cải, ai su hào không?). Đó là tiếng rao của người gánh hàng rong bán những loại rau quả lạ lẫm. Hoặc là tiếng rao buồn buồn của những người đàn bà bán những bó củi nhỏ để chụm lửa: Moya ya, moya! (Củi nhen lửa, củi đây!).

Những âm thanh ấy báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu trong cuộc sống.Hearn mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Dưới mắt ông là dòng Ôhashigawa. Rồi bỗng nhiên, tai ông bắt gặp những tiếng động lạ. Đó là tiếng chập tay vỗ vào nhau của những người đang đứng bên kè sông:

Bọn họ mặt nhìn về hướng mặt trời. Hai tay chập lại, vỗ bốn lần vái chào. Trên chiếc cầu dài màu trắng, tôi còn nghe bao tiếng vỗ tương tự. Và từ những con thuyền nhẹ, đẹp đẽ với dáng cong cong như vầng trăng non của chúng cũng vọng lại âm hưởng những bàn tay chập mạnh vào nhau. Trên mấy chiếc thuyền hình thù khác đời này, có những anh làng chài tay chân để trần, đang đứng đó. Họ nhìn về phiá bầu trời phía Đông đang hực lên một màu vàng kim, rồi cúi đầu xuống.

Tiếng tay chụm lại và đập vào nhau mỗi lúc càng nhiều. cuối cùng tôi nghe hàng loạt thanh âm mạnh mẽ nổi lên liên tiếp. Tất cả dân thành phố đang cùng vái chào Ohisama (Ngài Mặt Trời) tức Amaterasu (Nữ Thần Thái Dương)[9].

Rồi Hearn cho biết thêm là nếu có người chỉ hướng về phương Đông để vái chào thì cũng có không ít người cũng hướng cả về phương Tây, nơi có ngôi đền Thần đạo tối cổ của Nhật Bản là Đền Kitzuki (Izumo Taisha). Họ vừa niệm những cái tên trong số Bát bách vạn chư thần (Yayorozu no kami) vừa cúi đầu về những hướng khác nhau. Hearn đã diễn tả một cách sinh động tập tục của người dân vùng Matsue. Cách vỗ tay thông thường là 2 tiếng, vỗ những 4 tiếng chỉ thấy có ở Đền Izumo Taisha. Điều này Hearn đã thuật lại một cách chính xác.

Thính giác và khả năng tưởng tượng đặc biệt đã giúp Hearn ngôn ngữ hoá những âm thanh ông bắt gặp. Chẳng hạn tiếng chim oanh kêu U-ke-kyô! Ukekyô ! được ông cảm nhận như là “Pháp Hoa Kinh! Pháp Hoa Kinh!” [10] Khi Hearn nghe tiếng guốc gỗ (geta) của khách bộ hành dậm lộp cộp trên chiếc cầu bắc qua sông Ôhashigawa, ông thấy nó giống như một vũ khúc trên sân khấu Tây Phương [11]. Tuy sự so sánh có vẻ kỳ lạ nhưng điều đó chứng tỏ năng lực thẩm âm của Hearn rất đáng nể.

Năng lực ấy không có nghĩa là năng lực nghe được những tiếng động có âm lượng nhỏ nhoi. Đó là năng lực có thể đồng cảm với những tiếng động chất chứa sự bi thương (aikan, melancholy pensiveness) của cuộc sống, cho nó thấm vào trong trí não và toàn thân, để có thể biểu hiện sau đó bằng ngôn ngữ. Nói cách khác, đó là một “kỹ thuật nghe” và một kỹ thuật “ngôn ngữ hoá” những âm thanh nắm bắt được thông qua trí tưởng tượng.

Ở đất nước chư thần, sau khi ngày đã trôi qua, Hearn lại lắng tai để nghe những tiếng động ban đêm của đường phố mà dư âm còn đọng lại trong những hàng chữ dưới đây:

Một lúc lâu, tôi lắng tai nghe những tiếng động trong khu phố. Vẳng lên trong đêm là tiếng chuông ngân nga của ngôi chùa Tôkôji, sau đó là tiếng hát của bọn người dường như đã khá ngấm hơi men ở ngoài đường. Tiếng rao hàng lanh lảnh ban đêm cũng từ đâu vọng lại:

Udon ya..i! Soba ya…i! (Ai bánh canh, ai mì không?)

Người bán mì kiều mạch nóng (soba) đang đánh một vòng cuối cùng trước khi về ngủ.

Tiếng của ông thầy bói rong:

Uranai handan, matsu hito, endan, usemono, ninsô, kasô, kikkyô no uranai (Coi bói đây! Mất của mất người, tình duyên, nhân tướng, hậu vận, gia đạo, hung kiết, bói đây!).

Tiếng rao của người bán mizu.ame (kẹo mạch nha)[12], món đồ ngọt lỏng như nước có màu vàng hổ phách mà con nít rất thích, đang cất cao :

Ame….yu (Kẹo mạch nha đây)

…………………………….

Vừa khi ấy, tôi nghe có nhiều tiếng vỗ tay. Những người đi đường đang hướng về mặt trăng để vái chào vầng trăng. Họ đang tán tụng cảnh chị Hằng (Tsukihime) đang khoe dáng mình trên chiếc cầu dài.

Rồi cũng đến lúc tôi cũng phải lên giường để nhìn thấy được trong giấc mơ của mình tựa như hồi bé thơ những hồn ma bóng quỷ đang vật vờ rong chơi trong khuôn viên của một ngôi cổ tự rêu phong nào đó
 
 

Chúng ta còn có dịp thấy “kỹ năng nghe” này của Hearn trong Chương 8 nói về Đền Kitzuki bên dưới.

* * *

Thành phố Matsue có bảy khu vực và mỗi khu vực đều có một vị thần thành hoàng (Ujigami, Tutelary god). Ở Nhật hầu như mỗi làng mỗi tỉnh đều có Ujigami và ngoài ra còn vô số hồn ma. Hãy nghe hai mẩu chuyện tiêu biểu. Một là câu chuyện kỳ quái ở Fumon.in (Phổ Môn Viện) xóm Kitada, đông bắc Matsue, nhan đề Azukitogibashi (Cầu vo đậu), hai là chuyện nghe được về khu mộ địa chùa Dai.ôji (Đại Hùng Tự) xóm Nakahara nhan đề Mizu.ame wo kau onna (Người đàn bà mua kẹo mật). Trong câu chuyện trước, chủ đề là sự phục thù của đàn bà đối với đàn ông, còn trong câu chuyện thứ hai, chủ đề là tình mẹ yêu con còn vượt qua cả cái chết. Về sau hai chủ đề lớn này đã được đúc kết trong Kwaidan (Quái đàm, 1904), tác phẩm nổi tiếng của ông.

Trước tiên, hãy nghe Hearn kể về con ma ở “Cầu vo đậu”:

Đông bắc thành phố Matsue gần Fumon.in (Phổ Môn Viện) có một cây cầu được gọi là Azukitogibashi hay là “Cầu vo đậu”. Xưa kia có một con ma đàn bà ngồi dưới chân cầu (hashi) mà vo (togu) đậu đỏ (azuki) vì thế mà cây cầu này mới mang tên ấy.

Ở Nhật có một loài hoa xương bồ màu tím rất đẹp là hoa kakitsubata (đỗ nhược). Vì thế nên có bài hát tên là Kakitsubata no uta (Khúc hát hoa đỗ nhược). Thế nhưng người ta khuyên là hễ đến bên cầu Azukitogibashi chớ dại gì mà hát khúc ấy. Lý do là không hiểu vì cớ gì mà con ma hiện ra ở cây cầu này mỗi khi nghe ai hát khúc ấy thì nổi giận và và gieo tai ách cho kẻ nào dám hát khúc đó.

Một hôm có một anh chàng samurai chẳng biết sợ là gì đi qua cầu. Anh lớn tiếng ca khúc Kakitsubata ấy. Vì không thấy có con ma nào hiện ra nên anh cười vang rồi bỏ về nhà.

Đến trước cổng nhà anh bỗng thấy có một người đàn bà không quen biết, dáng cao cao và rất đẹp đang đứng đó. Nàng kính cẩn chào rồi trao cho anh một cái hộp sơn mài, loại hộp người ta thường dùng làm vật đựng thư từ (fubako). Anh samurai cũng lễ phép chào trả.Thế nhưng người đẹp chỉ bảo: “Tôi chỉ là sứ giả để đến gặp ông thôi. Bà chủ của tôi sai đem hộp này đến trao cho ông. Nói xong bèn biến mất.

Khi người samurai mở cái hộp ra và nhìn vào trong thì anh thấy một cái đầu trẻ con bê bết máu me và hãy còn tươi rói. Lật đật chạy về nhà thì khi vào phòng khách, anh thấy cái xác chết không đầu của đứa con trai mình đang nằm vắt ngang trên sàn.

Có thể nói câu chuyện “Cầu vo đậu” vừa kể là một trong những tiểu phẩm điển hình của Hearn. Con người sống (tức anh samurai) trong truyện đã phạm vào một điều cấm kỵ (taboo) của người chết (hồn ma đàn bà) hoặc đã muốn giỡn mặt thần thánh. Nên chú ý đến quan hệ nam (samurai) nữ (hồn ma) giữa hai bên. Hearn cho thấy là có một sự giao ước giữa người cõi này và hồn ma cõi bên kia nên chi con người phạm điều giao ước thì kẻ đó sẽ bị hồn ma trừng phạt. Chúng ta thấy mô-típ đó đã được đào sâu trong Nàng Tuyết (Yuki.onna). Nàng Tuyết đã đùng đùng nổi giận khi người chồng ngứa miệng đem thố lộ cho kẻ khác biết vợ mình là tuyết thành tinh. Chẳng những thế, trong mọi trường hợp, sự trừng phạt ấy đều có thể rất tàn khốc. Hai câu chuyện trên đã cụ thể hóa được chủ đề về tương quan đối lập “giao ước / phản bội” trong văn chương Hearn

Truyện “Người đàn bà mua kẹo mật” tiếp theo có nội dung như sau:

Xóm Nakahara có một tiệm bán kẹo mật. Cứ đến đêm lại thấy có một người đàn bà mặc toàn đồ trắng đến mua hàng. Thần sắc người ấy rất tiều tụy nhưng dù chủ tiệm có hỏi han gì cũng không hề thưa thốt. Vì nghi ngờ nên chủ tiệm lén đi theo thì thấy nàng mất dạng khi bước vào một bãi tha ma.

Tối hôm sau, người đàn bà đến mua kẹo mật mời chủ tiệm đi theo mình, đưa ông ta đến bãi tha ma. Đến trước một ngôi mộ, người đàn bà ấy lại biến mất. Thế rồi từ bên dưới ngôi mộ ấy vọng lên tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Chủ tiệm mở cửa mộ ra thì thấy cạnh xác chết đã liệm của người đàn bà có một hài nhi và một cái bát gỗ nhỏ đựng kẹo mật. Hoá ra người đang bà mang thai sắp sanh này đã bị gia đình đem mai táng khi còn chưa chết hẳn. Vì muốn có gì để nuôi đứa con vừa sinh ra trong mộ mới, nàng hiện hồn đi mua kẹo mật mang về.

Do đó, Hearn mới kết luận: “Tình yêu còn mạnh hơn cái chết”. Khi ông còn bé, Hearn đã không còn có mẹ bên cạnh. Ký ức đó đã ám ảnh ông không thôi. Suốt đời, ông luôn nghĩ về người mẹ Hy Lạp bất hạnh với lòng trìu mến và oán trách người cha Ai-Len đã bỏ rơi bà. Do đó, thiết tưởng phải dịch hai chữ “Tình yêu” ở đây thành “Tình mẫu tử”, đúng như lời dịch giả Ikeda Masayuki. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính lòng tưởng nhớ mẹ mình đã trở thành động lực để Hearn kể lại chuyện này.

Văn Hóa Nhật Bản:
Đôi nét về Văn học nhi đồng Nhật Bản
Phong cách điêu khắc Nhật Bản qua tượng Phật các thời kỳ
Giới thiệu Hán thi Nhật Bản hiện đại
Bashô và cõi thơ haiku Nhật Bản

8. Kitzuki, ngôi đền Thần đạo cổ nhất Nhật Bản (Kitzuki, the most ancient shrine in Japan)

Đây là thiên ký sự quí giá ghi lại trải nghiệm của Hearn khi ông đến viếng Izumo Taisha (Xuất Vân Đại Xã) [13], ngôi đền Thần đạo tối cổ ở Nhật. Đêm 13/09/1890, Hearn, có nhà sư trẻ Manabe Akira tháp tùng, đã đến Izumo và thăm đền. Sáng hôm sau, ông trở lại thăm nơi đó thêm lần nữa và được phép vào trong chính điện.Ngày đó cũng như bây giờ, một người thường nếu không được phép sẽ không có quyền thăng điện. Hearn là người Tây phương đầu tiên có được vinh dự này. Kitzuki Taisha là tên gốc của Izumo Taisha bây giờ. Hearn đến thăm đền này tổng cộng 3 lần vì khi ở Mỹ ông đã được đọc bản dịch Kojiki của Chamberlain và biết rằng thần thoại Izumo có liên quan đến bí mật về sự hình thành của nước Nhật.

Chức chấp sự giữ đền là Senge Takanori (1860-1911) và các thần quan đã đưa Hearn đi dạo dưới những hàng cổ thụ trên lối vào đền, đưa ông viếng ngôi chính điện uy nghiêm, xem các bảo vật và các điệu múa của những nàng miko (trinh nữ phục vụ đền thần), và thăm bãi biển Inasa no Obama, nơi xảy ra câu chuyện về huyền thoại Ôkuninushi no Mikoto “nhượng nước” (kuniyuzuri)[14]. Cuộc viếng thăm này đã để lại ấn tượng rất lớn trong tâm khảm ông.

Ở điểm này, Hearn khác hẳn Ernest Satow và Basil Hall Chamberlain. Lord Chamberlain có lần bình phẩm: “Thần đạo chẳng có giáo nghĩa hay lý luận gì cả nên không đáng gọi là tôn giáo!”. Trong khi đó, Hearn suy luận theo trực giác của mình: “Thực vậy, Thần đạo không phải triết học, qui luật đạo đức và không có một lý luận trừu tượng nào cả. Tuy nhiên vì không có một thực thể nên nó mới làm được điều mà các tôn giáo Đông phương khác không làm nỗi là đề kháng được sự xâm lấn của các tôn giáo Tây phương” . Hearn cho rằng các nhà nghiên cứu phương Tây đã bám quá sát vào tư liệu và các chú thích kinh điển khi tìm hiểu Nhật Bản nên mới không nắm bắt được bản chất của Thần đạo. Hearn lại nói: “Cốt lõi của Thần đạo không nằm trong sách vở. Ngay trong nghi thức hay giới luật, người ta cũng chẳng tìm ra nó. Chỉ vì một lẽ: nó sống trong lòng người dân nước này“.

Vũ khí giúp Hearn hiểu được sức mạnh của Thần đạo là văn hoá “vạn tượng hữu linh” (animism) mà ông đã thừa hưởng từ hai mẫu quốc Hy Lạp và Ai –Len, theo đó mỗi sự vật dù là nhỏ nhoi đều có linh hồn. Và chính vì ông đã thoát khỏi giáo nghĩa Ki-Tô (độc thần, monotheism) nên mới có đủ sự tự do phóng túng để hiểu được Thần đạo.

Ngoài văn hoá tộc Celte của Ai-Len và văn hoá Hy Lạp, một yếu tố khác đã giúp Hearn hiểu về Thần đạo là kinh nghiệm sống của ông ở thành phố Matsue, ngay giữa vùng Izumo cổ xưa. Khác với thông lệ, không phải Ise Jingu (Y Thế Thần Cung) trên bán đảo Ise nơi thờ Amaterasu Ômikami (Thiên Chiếu Đại Thần) nhưng chính là ngôi đền Izumo Taisha thờ Ôkuninushi no Mikoto (Thần Đại Quốc Chủ) đã soi sáng cái nhìn về Thần đạo của ông. Sự tình cờ xui khiến ông đến Matsue dạy học đã hướng dẫn định mệnh của ông.

Một cảnh của Izumo Taisha
Một cảnh của Izumo Taisha

Ngày nay Okuninushi nổi tiếng là vị thần chiến thắng trong những lần xe duyên cho người cầu khẩn nhưng trong Kojiki, ông bị xem như kẻ chiến bại. Là một vị thần trên mặt đất, ông đã phải nhường lãnh thổ cho những vị thần đến từ trời cao đến o ép ông. Sau ba lần thương thuyết, Ôkuninushi rốt cuộc phải chịu phục tùng, nhường đất nước với điều kiện sẽ được hưởng một lâu đài to lớn làm nơi ẩn dật. Kết quả của cuộc thương thuyết này đã đẻ ra ngôi đền Izumo Taisha. Ôkuninushi xem mình “bại mà thắng” hay “chiến thắng trong sự thất bại” vì ông đã gìn giữ xứ sở Izumi được ổn định, thoát khỏi hiểm họa một cuộc chiến tranh. Vì thế thay vào chữ “chiến bại” khi nói đến việc này, người Nhật thường dùng ý niệm “hòa nhượng” để xưng tụng tinh thần yêu hòa bình của vị thần sở tại. Ngày nay, chính điện của đền đã cao 24 m nhưng vào năm 2000, một công trình khảo cổ đã khai quật được các hiện vật chứng minh rằng đền cũ từng cao đến 48 m.

Ông thần Ôkuninushi bị đàn áp và lép vế trong thần thoại Nhật Bản có cái gì tương xứng với tổ quốc Ai-Len của thân phụ Hearn. Ai-Len là một quốc gia đã bị nưóc láng giềng là Anh áp bức và chi phối một thời gian dài. Nhà văn Shiba Ryôtarô trong tác phẩm “Đi trên đường cái” (Kaidô wo yuku) [15] khi nói về Ai-Len, đã hạ bút: “Đó là một quốc gia “đánh đâu thua đó” nhưng người dân họ chưa một lần thừa nhận mình là bại trận”. Thực vậy, dân nước Ai-Len cũng như vị thần Ôkuninushi xứ Izumo đều là những con người quật cường, bất khuất. Không hiểu câu chuyện “nhường nước” của Ôkuninushi xứ Izumo đã có ảnh hưởng đến tâm hồn của Hearn, người mang dòng máu Ai-Len, đến mức độ nào? Hẳn là ông phải cảm thấy gầngũi với Izumo khi đem so sánh lịch sử chiến bại của quê hương mình với lịch sử thất bại của vùng đất này chăng chăng?

Như đã trình bày trong chương trước, một lần nữa, có thể chứng minh được “kỹ năng nghe” của Hearn trong chuyến viếng thăm Đền Kitzuki. Từ Matsue, để đến đền này, Hearn và những kẻ tháp tùng phải đáp tàu chạy bằng hơi nước và băng qua hồ Shishin. Khi thấy mình đang đi vào khu vực thiêng liêng nơi thờ thần Ôkuninushi – người một thời đã cai trị xứ Izumo- Hearn đã buông thả để trí tưởng tượng của mình tự do làm việc:

Trong lòng tôi lúc ấy đang chứa đầy những truyện xưa tích cũ của thời Kojiki.Nghe tiếng máy của con tàu vang lên mà cứ ngỡ như nó đang kết hợp tên các vị thần để đọc lên trong một bài chúc từ (norito)[16].
Koto shiro nushi no kami
O o kuni nushi no kami

Nghe tiếng máy tàu chạy xịch xình xịch đơn điệu mà ngôn ngữ hoá được như vậy quả là một biệt tài. Không như Hearn, có thể chúng ta chỉ thấy nó là một chuỗi tạp âm buồn tẻ. Nhưng lỗ tai của Hearn thật lạ, đã biến tiếng máy đó thành những lời lầm rầm cầu khấn chư thần. Đây cũng là một ví dụ điển hình khác về khả năng thẩm âm của Hearn.

Như thế, qua những âm thanh bắt gặp, Hearn đã trực tiếp cảm thấy văn hóa Nhật Bản bằng chính thân thể của mình.Từ những âm thanh, ông tìm ra mùi hương, bầu không khí của nơi ấy và cảm nhận được cái “bi thương” của nó. Thính giác bén nhạy của Hearn đã bù đắp hộ khuyết tật của đôi mắt (mắt trái mất thị lực, mắt phải cận nặng).Thế nhưng khi phải dựa vào thính giác, cách tiếp cận văn hoá Nhật Bản của Hearn lại trở nên độc đáo. Thực vậy, khi “nhìn” một vật hay một hiện tượng, chúng ta mối quan hệ của một chủ thể đối với khách thể và cũng là đối tượng quan sát. Mối liên hệ ấy đẻ ra một thái độ cao ngạo, tự xem văn hoá của mình là trung tâm điểm như trường hợp các nhà nghiên cứu phương Tây đương thời khi khảo sát văn hoá Nhật Bản. Những kẻ nhìn thiên lệch như thế không phải là ít. Ngược lại, chịu “nghe” như Hearn lại là thái độ xem đối tượng mà mình quan sát mới là chủ thể. Âm thanh và bầu không khí từ đối tượng phóng ra sẽ thẩm thấu vào người và hoà với mình làm một. Nói cách khác, “nghe” là một hành vi rất thụ động nhưng không phải chính sự thụ động. Có thể nói đó là một trải nghiệm bằng giác quan, bằng thân thể.

Hearn đã tình nguyện đến Nhật rồi tích cực du lịch khắp nơi. Trong ý nghĩa đó, ông là con người hoạt động, một chủ thể. Tuy vậy, khi đến bất cứ nơi nào, ông đã biết hòa nhập vào đám đông, lắng tai nghe và đưa thân thể ra tiếp nhận.Mới nhìn thì tưởng như Hearn mâu thuẫn nhưng xét kỹ mới thấy được tính tích cực ẩn tàng nơi ông. Ông có một tấm lòng sẵn sàng thu nhận một nền văn hoá khác một cách tham lam và hoang phí nữa. Ông ghé tai nghe tất cả mọi tín hiệu âm thanh do đối tượng phát ra, vừa chủ động mà lại vừa thụ động.Làm được điều đó, Hearn chắc chắn phải là một con người đầy năng động và nhờ đó, ông đã thu được vô số cảm tưởng về Nhật Bản.

Theo truyền thuyết, Đền Kitzuki là nơi chư thần hội họp hằng năm vào tháng 10 Âm lịch, cho nên trên toàn thể nước Nhật, tháng ấy được gọi là Kan.nazuki (Thần vô nguyệt) vì các thần đi vắng cả. Chỉ trừ ở Izumo thì người ta gọi là Kamiarizuki (Thần tại nguyệt) vì các thần đều đến nơi đây dự hội. Kojiki chép rằng trên Cánh Đồng Trời có bát bách vạn chư thần nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ trong đó được tế tự ở các đền thần trên toàn quốc. Những vị thần khá đặc biệt là Thần Nghèo (Bimbôgami), Thần Đói Khát (Shokukatsushin), Thần Tham Lam (Donyokushin) và Thần Gây Trở Ngại (Shôgaishin). Da thịt họ đều đen đủi như mây một ngày trời u ám và mặt mũi của họ không khác gì mặt quỷ đói.

Akira không biết gì nhiều về các vị thần đó vì họ nhiều quá. Anh chỉ cho Hearn nghe dăm ba giai thoại về Thần Phúc Lộc (Fuku no kami) và Thần Nghèo (Bimbôgami). Akira kể:

Có những vị thần hay đi cặp. Đó là trường hợp của Thần Phúc Lộc và Thần Nghèo. Hai bên như bóng với hình. Nơi đâu có ông này là có ông kia. Khi ông Thần Nghèo đã theo ai rồi thật khó lòng xua đuổi được. Như chuyện một vị hòa thượng ở làng Omitsu trong vùng Omi, không xa Kyôto bao nhiêu. Bị cái nghèo bám riết, để đánh lừa thần và tống khứ ông ấy đi, một hôm hòa thượng giả vờ đi rao khắp nơi là mình sẽ lên Kyôto. Thế rồi thay vì lên Kyôto, ông lại đi (ngược chiều) đến Tsuruga vùng Echizen. Thế nhưng khi vừa đến một lữ quán ở Tsugura, một thiếu niên ốm yếu, lem luốc như một con ma đói đã tìm đến gặp ông và bảo: “Tôi chờ thầy ở đây đã lâu rồi!”. Đó chính là hiện thân của Thần Nghèo.

Một nhà sư khác trong 60 năm đã tìm mọi cách để đuổi Thần Nghèo. Cuối cùng ông bỏ xứ đi thật xa. Thế nhưng vào một đêm, ông nằm chiêm bao thấy một đứa trẻ trần truồng và dơ dáy cầm một xâu đầy những dép rơm (waraji). Ông ta hỏi sao mi bện dép rơm làm chi mà nhiều thế thì đứa trẻ trả lời: “Bện nhiều dép là để có thể bám theo ông hoài hoài! Tôi là Thần Nghèo đây ông ạ”

Cũng có câu chuyện về nhà sư già Enjôbô thấy chép trong Jizôkyô-Kosui (Địa Tạng Kinh Cổ Túy). Ông này và các học trò phái Shingon của mình đã phất cành đào và đọc thần chú vào lúc cuối năm để trục được cái nghèo ra khỏi cửa. Sau đó, một đêm Enjôbô nằm mơ thấy một ông sư khẳng khiu như bộ xương khô trong ngôi chùa đổ nát đến bảo với ông: “Sau bao nhiêu năm sống khắng khít bên nhau như thế, ông nỡ lòng nào đuổi tôi đi cho đành!”

Chuyện về các thần tuy trang trọng nhưng nhiều khi cũng mộc mạc và hài hước như thế khi nó là sản phẩm từ trí tưởng tượng của người bình dân.

9. Trong động đá những hồn ma trẻ con (In the cave of the children’s ghosts)

Trong thời gian dạy học ở Matsue, Hearn đã dành nhiều thời giờ đi thăm viếng các vùng chung quanh. Qua đó, ông có dịp tìm hiểu quan niệm tôn giáo, cách nhìn về sự sống và cái chết cũng như tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người bản xứ.

Chương Động đá của những hồn ma trẻ con (Kaka no kukedo) kể lại cuộc viếng thăm động đá trên bãi biển Kaka (Kaka-ura), nơi thờ cúng những hồn ma thiếu nhi. Kukedo có nghĩa là “hang ngầm”. Nó nằm ở một vùng ngày nay thuộc về thành phố Matsue, nhìn ra Biển Nhật Bản (hướng bán đảo Triều Tiên) sóng to gió lớn, thuyền bè dễ gặp nạn. Hôm đó, người chèo thuyền đã hướng dẫn ông và các bạn đến thăm vùng hang động đầy thạch nhũ đó và sau khi nhìn những dòng nước trắng như sữa nhỏ xuống từ trần động, ông đã viết như sau:

Đây là “Con suối Địa Tạng”(Jizô no Izumi) trong truyền thuyết, nó cung cấp sữa mẹ cho những hồn ma trẻ con.Dòng nước trắng đục này khi khoan khi nhặt nhưng rơi xuống ngày đêm không nghỉ. Các bà mẹ không đủ sữa cho con bú đến đây cầu khẩn thì sẽ có sữa thêm, còn như những người nào có quá nhiều sữa, muốn chia sớt sữa của con mình cho những trẻ em thiếu thốn, chỉ cần cầu bồ tát Địa Tạng thì nguồn sữa sẽ cạn bớt. Những điều tôi biết như trên đã được người thường dân ở Izumo xưa nay truyền tụng.

Hearn và mấy người đi cùng còn chứng kiến những cái hốc nhỏ trong đó chất đầy đá vụn có lẽ là do sóng đánh tan những cột đá vôi thành mảnh nhỏ rồi tấp chúng đến đó nhưng theo tín ngưỡng dân gian, tương truyền do các hồn ma trẻ con khuân tới và sắp xếp trong đêm. Tín đồ Phật giáo gọi công trình này là Sai-no-Kawahara. Sau khi xem xét một vòng những dấu vết trên cát mà người ta bảo rằng là dấu chân của những đứa trẻ ấy để lại, ông mới rời khỏi động đá Kaka no kukedo ra về.

10. Ở Mionoseki (At Mionoseki)

Hearn cũng có lần đến thăm Mionoseki, thành phố cảng ban đêm náo nhiệt nhất miền Tây Nhật Bản với những xóm ăn chơi và các cô geisha. Ông cho biết nơi đây người ta còn giữ lại một phong tục kỳ lạ là không nuôi gà, không ăn thịt gà, không ăn cả trứng. Lý do là truyền thuyết trong Kojiki có một vị thần tên là Kotoshironushino kami, con trai của vị thần quan trọng nhất ở đền Kitsuki. Ông thần con này ban đêm thích trốn nhà đi chơi bắt chim bắt cá và dặn con gà của mình phải gáy lúc hừng sáng để về nhà cho kịp và khỏi ai hay biết. Thế nhưng con gà một hôm quên làm nhiệm vụ làm thần gặp khó khăn, lúc về đến thuyền, mất cả mái dầm, phải chèo bằng hai tay và bị cá rỉa. Gà vì đó mà bị thần ghét bỏ, Từ đó thuyền bè khi đến Mionoseki, nếu chở theo dù một sợi lông gà đi nữa cũng sẽ bị bão tố làm lật chìm. Đó là lối người ta giải thích cảnh sóng to gió lớn của vùng biển Mionoseki. Thế mới thấy sức mạnh của truyền thuyết và mê tín đã ăn khá sâu vào tâm thức người dân vùng này.

11. Tạp ký về Kitzuki (Notes on Kitzuki)

Sau khi người bạn trẻ Akira vì có việc phải đi Kyôto để ông lại một mình, Hearn tiếp tục tìm hiểu về Kitzuki xưa và nay. Trước tiên ông đã được mời tham dự một buổi lễ có nhảy múa để mừng mùa màng trong một ngôi đền. Điệu múa ấy tên là Hônen.odori (Phong niên = năm được mùa). Sau đó, ông đã chuyển đề tài để nói về cuộc sống của những nàng miko hay trinh nữ đền thần (maiden priestess), trong đó người nổi tiếng hơn cả là O-Kuni, một miko đã bỏ nhà theo trai nhưng sau này sẽ trở thành người nổi tiếng hơn bất cứ ai trong bọn họ. Cô đã khai sáng ra hình thức sân khấu Kabuki mà nghệ thuật trình diễn của nó vốn bắt nguồn từ những điệu múa của miko trong dịp trình diễn ca nhạc ở đền thần (Miko-kagura).

Hearn còn giới thiệu thêm về Kitzuki, nơi được biết tới vì những lễ hội liên quan đến thần linh. Chẳng hạn Daikoku, thần tài lộc, Kôjin, thần đi đường, Tenjin, thần chữ đẹp, Uzume, nữ thần vũ nhạc, Thất phúc thần (bảy vị Fukurôjin) trong đó có Ebisu, thần buôn bán và đánh cá, ngay cả Đạt ma, một đệ tử nhà Phật chân bị gãy vì ngồi Thiền không nghỉ ngơi.

12. Ở Hinomisaki (At Hinomisaki)

Hearn cũng đã dừng chân ở Hinomisaki, một ngôi làng ven biển cách Kizuki chừng năm dặm. Ở địa phương này có ngôi đền đôi rất nổi tiếng cùng thờ chung Nữ thần Thái Dương và người em ngỗ nghịch của bà là Takehaya Susano wo no Mikokoto (xin gọi tắt là Susanowo). Nơi đây còn có dấu viết nhiều đền chùa tục truyền do một lãnh chúa họ Matsudaira vùng Izumo cho dựng lên an ủi vong linh của một tiết phụ, thà chết chứ không chịu để danh dự mình bị hoen ố. Lãnh chúa Matsudaira đã ép uổng bà, con gái một cận thần và cũng là vợ một quan giữ đền, về làm thiếp nhưng không được thỏa mãn. Ông ta chỉ nhận được thủ cấp của bà do thân nhân đem đến trong một cái mâm (kubioke). Từ sau cái chết của bà, gia đình Matsudaira đã tàn mạt.

13. Những người chọn chết chung (Shinju)

Hearn đề cập đến những người chọn cách chết chung để giải quyết một vấn đề nan giải và thường là vì lý do tình ái. Người Nhật gọi đó là shinjuu (tâm trung) hay jôshi (tình tử). Ông cho rằng những người trong cuộc làm như vậy không phải vì chán ghét cuộc sống Ngược lại, hành động đó như thể để trả nợ một lỗi lầm kiếp trước (innen) và họ mang theo hy niềm hy vọng sẽ được thỏa nguyện lòng mong mỏi có được hạnh phúc trong một đời sau. Hearn đã kể lại một câu chuyện shinjuu có tính thời sự đăng trên báo chí địa phương. Đó là câu chuyện về nàng con gái tên Kane, một ca kỷ 17 tuổi. Cô đã tìm cách chết chung với người yêu, con trai gia đình một y sĩ trong vùng. Trước đó vì đặt tình yêu không đúng chỗ, chàng thanh niên đã bị cha mẹ truất quyền thừa kế.

14. Đền Thần đạo Yaegaki (Yaegaki-Jinja)

Một trong một địa điểm khác ở Izumo mà Hearn viếng thăm là đền Yaegaki (Tám vòng rào). Đây là nơi có đền thờ Susanowo lẫn vợ ông, Inadahime và người con trai của họ, Sakusa no Mikoto. Cả ba vị thần thần tượng trưng cho Tình yêu và Tình gia đình. Cuộc tình duyên giữa hai vị thần rất đẹp vì theo những gì chép lại trong Kojiki, Sasunowo đã anh dũng giết con mãng xà tám đầu để cứu Inadahime đang gặp nguy khốn. (Bảy anh chị của nàng đã phải đem dâng cho mãng xà ăn thịt và nay đến lượt nàng). Do đó, rất nhiều thanh niên nam nữ ở tuổi yêu đương đã rủ nhau đến viếng đền này. Chính Hearn cũng lấy biệt hiệu Yakumo (Bát Vân hay tám vầng mây) của mình từ ý một bài thơ tình của thần Susanowo thấy trong Kojiki:

Yakumo tatsu / Izumo yaegaki / Tsuma gaki ni / Yaegaki tsukuru / Sono yae gaki wo (Tám vầng mây dựng là tám vòng rào của Izumo. Ta cũng dựng nhà có tám vòng rào cho người vợ yêu ta ở).

Con số tám ở đây chỉ có nghĩa là nhiều. Xứ Izumo nhiều mây vì ở bên Biển Nhật Bản, thường phải đón nhiều cơn mưa bão.

Tiếp theo đó, Hearn dành một hai trang để giải thích cách đặt tên của những nàng con gái Nhật cũng như phân biệt trường hợp dùng tên họ đầy đủ (myôji), tên thật (jitsumyô) và biệt hiệu (yobina) giữa trai gái.

15. Chồn (Kitsune)

Trong chương này, Hearn bàn về ý nghĩa văn hoá của tín ngưỡng thờ chồn cũng như phân loại các giống chồn. Quang cảnh một đền thần với nhiều tượng chồn bằng đá thường được thấy khắp nơi trên đất Nhật. Thần chồn nổi tiếng nhất ở Nhật là Thần chồn Inari. Cho đến nay, Inari được coi làThần Lúa Gạo nhưng theo Hearn thì không chỉ có thế. Inari còn được xem như thần chữa bệnh, thần chém ho (Seki no kami) hay thần giải cảm (Kaze no kami) tức là một thần “đa chức năng”. Đặc biệt Inari có liên hệ với giới lầu xanh. Các nàng kỷ nữ thường thờ Inari để cầu cho việc buôn bán được phát đạt.

Tại sao Chồn lại trở thành Thần lúa gạo? Theo Hearn thì trước kia Chồn chỉ là người hầu của Thần lúa gạo Inari, sau đó đã soán chỗ và trở thành tượng trưng của Thần luôn. Cùng một kiểu đó, rùa đã trở thành đại diện cho thần Konpira, nai cho thần Kasuga, bạch xà cho thần Benten và rết cho thần Bishamon tức thần chiến tranh. Người ta còn phân biệt Chồn hạng cao và Chồn hạng thấp nhưng 4 loại chồn hạng cao là Byakko (Bạch hồ), Kokko (Hắc hồ), Jenko (Thiện hồ) và Reiko (Linh hồ) thì giống nào cũng đều có phép thần thông. Những người khác muốn chia chồn ra 3 loại: Chồn đồng (Yako), Chồn người (Ninko) và Chồn Inari. Chồn Inari là chồn tốt và các loại chồn xấu đều sợ nó. Loại chồn xấu nhất là Ninko bởi vì nó thường dùng ma thuật để hãm hại người ta.

Xưa kia ở Nhật không có tín ngưỡng về chồn. Sự tin tưởng về chồn du nhập từ Trung Quốc nhưng khi vào đất Nhật, nó đã được kết hợp với tư tưởng Thần đạo và nhuộm cả màu sắc Phật giáo. Tín ngưỡng thờ thần chồn rất phổ biến ở Izumo và Hearn đã nghe nhiều chuyện kể về sự tác yêu tác quái của chúng (tuy nhiều khi cũng có những câu chuyện dễ thương như chuyện người vợ chồn bị lộ cái đuôi phải bỏ con lại và ra đi hay chuyện ông thầy lang nọ ở Matsue được chồn mời đi đỡ đẻ và khi về được chúng tặng vàng đền ơn).

16. Trong khu vườn Nhật (In a Japanese garden)

Một trong những cố gắng trải nghiệm bản thân để tìm hiểu văn hóa Nhật Bản của Hearn là việc dọn về ở trong ngôi nhà Nhật giữa một khu vườn cũng kiểu Nhật. Ngày 22 tháng 6 năm 1891, hai vợ chồng Hearn đã thu vén một ít đồ đạc từ chỗ trọ chật hẹp như tổ chim của họ ở Ôhashigawa về ngôi biệt thự kiểu gia trang samurai nằm trong xóm Kitahori mà Nekishi Tateo, phụ huynh một người học trò của Hearn, đã cho họ mướn. Ông đã kể cặn kẽ về ngôi nhà và khu vườn trong Chương 16 này.

Để hiểu vẻ đẹp một khu vườn Nhật Bản, trước hết phải hiểu cái đẹp của đá. Ít nhất cũng phải có một sự cố gắng tìm hiểu về nó. Đá nói ở đây không phải là đá với hình thù đã được con người gia công rồi mà là tảng đá trong dáng vẻ tự nhiên ban sơ. Thực vậy, vì mỗi hòn đá đều có cá tính, chúng khác nhau từ dáng vẻ lớn bé, màu sắc đậm nhạt cho nên ta phải tìm hiểu chúng một cách tường tận. Nếu không làm như thế thì trong lòng mình sẽ không bao giờ cảm thấy được cái đẹp của một khu vườn Nhật Bản

Sau đó, Hearn cho rằng quan niệm thẩm mỹ về đá của người Nhật vượt trội hơn người Tây phương. Ở Nhật những lối đi dẫn vào đền chùa hay trong những khu vườn bao bọc chung quanh hay cả trong những công viên, người ta đều có đặt những hòn đá trong dáng vẻ thiên nhiên và điều này đã nuôi dưỡng trình độ thưởng thức vẻ đẹp của đá của người dân trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng theo Hearn, thưởng thức phong cảnh một khu vườn, người Nhật đồng thời học được nhiều bài học luân lý đạo đức. Xem môt khu vườn, người ta hiểu ngay về nhân cách, tâm tính của chủ nhân. Có vườn rộng nhiều mẫu nhưng cũng có vườn nhỏ như cái mâm, cái chậu và đặt ở một hốc phòng khách. Mỗi khóm cây bụi cỏ được trồng đều mang một khái niệm có ý nghĩa. Yuzuriha (Nhượng diệp, Daphniphyllum macropodum) chẳng hạn. Loài cây này có đặc tính là khi lá xanh chưa ra đầy đủ thì lá vàng chưa chịu rụng, nó tượng trưng cho tấm lòng cha mẹ, như ước nguyện là nếu con cái còn chưa trưởng thành thì cha mẹ chưa vội đi qua thế giới bên kia. Còn như tùng vì là loại cây luôn luôn xanh nên nó tượng trưng cho chí khí bất khuất và tính phấn đấu của người già, cây anh đào biểu lộ lối sống vì lý tưởng cao cả và sự trong sạch của tầng lớp samurai.

Trong những yếu tố của khu vườn, Hearn phân biệt yếu tố hijô (phi tình) như đất đá, giếng, suối… và những yếu tố ujô (hữu tình) như chim cá, côn trùng, hoa cỏ và cây cối. Hai từ này cũng được dùng trong thuật ngữ Phật giáo. Nhân đó, Hearn nhắc nhở: ” Việc cho rằng mọi cây cối đều có linh hồn có lẽ không phải là phải là một điều hoang tưởng”. Trong khi giảng giải từng yếu tố một của ngôi vườn Nhật Bản, ông đã xem nó như biểu tượng của một tiểu vũ trụ.

17. Ban thờ gia đình (The Household Shrine)

Theo Hearn, ở Nhật Bản, có hai tôn giáo xem việc cúng tế người chết là quan trọng. Đó là Thần đạo và Phật giáo. Ông nhắc lời Herbert Spencer [17] xem việc thờ cúng người chết là nguồn gốc sâu xa nhất của các tôn giáo. Ở Nhật, người ta thờ các thần là người lập ra đất nước họ nhưng cũng thờ các nhà lãnh đạo được thần thánh hoá, các anh hùng hào kiệt. Ở Izumo người ta còn thờ cả các lãnh chúa địa phương. Do đó, bàn thờ trong gia đình là một nơi có ý nghĩa đặc biệt.

Hearn đã quan sát rất kỹ lưỡng bàn thờ trong một gia đình Nhật. Ông đã tỉ mỉ vẽ lại cho độc giả xem những bài vị (ihai), bình hương, chuông, khám thờ… Ông đặc biệt chú ý tới sự hòa hợp giữa hai tôn giáo lớn của Nhật Bản để cùng tạo nên một ý thức hệ Thần Phật có tính tổng hợp cho dù về mặt hình thức, các thần xa xưa của Thần đạo được thờ trong khám thờ riêng tên là Kamidana, tổ tiên và các thành viên gia đình đã chết được thờ ở một gian phòng gọi là Mitamaya hay Phòng Linh Hồn. Còn như khi muốn thờ cúng những người đó theo nghi thức Phật giáo thì phải dựng một Butsudan (ban thờ Phật).

18. Về mái tóc người phụ nữ (Of women’s hair)

Mái tóc đen tuyền và dài của người phụ nữ Nhật Bản là cái kích thích trí tò mò của Hearn rất nhiều. Chẳng thế mà ông đã dành nguyên một chương sách để viết về công việc phức tạp và kỹ lưỡng của những người làm nghề chải tóc, gọi là kamiyui. Ông cũng giới thiệu 14 kiểu bới tóc khác nhau của người phụ nữ Nhật Bản (có thể còn nhiều hơn nữa) cũng như giải thích ý nghĩa của mỗi kiểu bới theo từng lứa tuổi từ lúc bé thơ cho đến lúc lấy chồng, ngay cả lúc chết. Nhân đấy ông kể lại chuyện thành công của một kamiyui nổi tiếng ở Izumo, người đã bị đồng nghiệp vì ganh tỵ phao tin là ma-ca-rồng (nukekubi), đêm đến để đầu lìa khỏi cổ đi phá phách thiên hạ.Dĩ nhiên là cô được một vị đường quan anh minh gỡ mối oan và kẻ ganh tỵ đã vu cáo việc động trời kia phải chịu sự trừng phạt thích đáng.

Hearn kết luận ở cuối chương:

Vì mái tóc của người phụ nữ Nhật là vật trang điểm quí giá nhất của họ, nó là vận sở hữu cuối cùng mà họ chịu đánh mất. Có chuyện một anh chồng quá ghen tương, muốn trả thù, thay vì giết chết một cô vợ lăng loàn, chỉ cần xén hết mái tóc của nàng ta. Chỉ có lòng tín ngưỡng hay tình yêu sâu sắc mới có thể buộc một người đàn bà hy sinh một phần mái tóc của họ. Nhìn những sợi dây bện bằng tóc đàn bà được cúng dường cho các đền thần ở Izumo thì rõ. Không hiểu lòng tin đó là gì để họ phải hy sinh như vậy nhất là khi chúng ta nhìn thấy những sợi dây thật lớn bện bằng tóc treo trong ngôi chùa lớn Honganji (Bản Nguyện Tự) ở Kyôto. Tuy nhiên, tình yêu thì hãy còn mạnh hơn lòng tin tôn giáo dầu ít nó được biểu lộ cho người ngoài. Theo tục lệ xưa ở Nhật, các bà goá phụ khi chồng chết thường cắt một nhúm tóc của mình vào quan tài của chồng và chôn nó theo người ấy …Tự tay họ sẽ cắt đi và đặt mớ tóc tượng trưng cho tuổi trẻ và sắc đẹp của mình và đặt lên đầu gối của người đã khuất.

19. Trích nhật ký một nhà giáo tiếng Anh (From the diary of an English teacher)

Như đã nói, nhiều phen, khi muốn tiếp cận văn hóa Nhật Bản, Hearn đã đặt mình vào vị trí của người Nhật. Với tư cách một người thầy tiếng Anh trong thời gian dạy học ở Izumo,, ông có đủ phương tiện để làm việc đó.

Năm 1890, khi vừa tới Nhật, Hearn được bổ làm giáo sư ở Trường trung học và Trường sư phạm Shimane. Nhân đó, ông đã ghi chép cặn kẽ việc dạy học của mình cũng như phản ứng của học trò. Nhờ vậy mà trong Glimpses of Unfamiliar Japan, chúng ta có một chương sách với phong vị đặc biệt và còn có giá trị lịch sử. Thực vậy,chương 19 này giúp chúng ta biết rõ hơn về không khí sinh hoạt học đường đương thời.

Như người thầy, Hearn đã biết nâng trình độ tri thức của học trò và phát huy sự suy nghĩ và óc tưởng tượng của họ mình bằng cách giảng bài sử dụng một thứ ngôn ngữ giản dị và tình cảm, vừa rõ ràng lại cẩn thận. Lúc đầu ông còn nhờ một giáo viên trẻ tên là Nishida Sentarô phụ tá, chẳng bao lâu sau, ông đã tìm ra tài liệu giáo khoa thích hợp và có thể đứng lớp một mình.

Tuy nhiên, Hearn lúc đó đã vấp phải một khó khăn.Đó là sự thiếu cá tính của học trò Nhật. Elizabeth Stevenson, người viết truyện ký về ông (Lafcadio Hearn, xuất bản tại New York vào năm 1961) đã mô tả cách đối phó của Hearn đối với vấn đề nan giải này như sau:

Khi biết được bản tính chất phác của đám học trò, Hearn đã đối phó một cách dễ thương nhưng không kém phần cương quyết. Ông bắt đầu cho nhiều bài tập, bắt học trò viết nhiều tiểu luận ngắn bằng tiếng Anh. Không những họ phải luôn luôn sử dụng ngữ vựng và cách diễn tả mới mà còn phải đưa vào đó những ý kiến riêng và thẳng thắn. Ông đòi hỏi họ viết ra những điều suy nghĩ của chính họ. Ông không cho phép đám thiếu niên này tự mãn mà bắt họ lần đầu tiên trong đời phải thử suy nghĩ về tình cảm cá nhân của bản thân, về những tập quán hằng ngày và về ý kiến của người chung quanh.

Perceval Lowell ( chụp năm 1904)
Perceval Lowell ( chụp năm 1904)

Học giả Mỹ ngành thiên văn Perceval Lowell [18] , từng đi trước Hearn trong lãnh vực nghiên cứu về Đông Phương, đã viết trong tác phẩm Tâm hồn của Cực Đông (The soul of the Far East, 1888) những lời như sau: “Theo cách suy nghĩ của chúng ta, “cái tôi” là bản chất của tâm hồn thế nhưng có thể nói là ở vùng Cực Đông này, tâm hồn con người không có một cá tính nào đặc biệt”. Ta thấy khi mới đến Nhật, cách nhìn về phương Đông của Hearn có lẽ không xa quan điểm của Lowell là mấy. Tuy vậy, dần dà Hearn đã hiểu ra tại sao người Nhật lại là những con người “phi cá tính” như thế. Ông đã viết như sau trong chương 19 này:

Đối với học trò các năm thứ 3, 4 và 5 trung học, tôi ra đề để các em có thể viết những bài luận ngắn. Trên nguyên tắc đề tài đều liên quan đến Nhật Bản. Nghĩ rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ quá khó đối với chúng nhưng tôi kinh ngạc biết bao khi thấy một số em đã có đủ năng lực để diễn tả những suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ này.

Điều làm tôi thấy thú vị khi đọc những bài luận bằng tiếng Anh đó không phải là cá tính của từng em học sinh nhưng là tư duy của một dân tộc nằm bên trong. Nói cách khác, đó là sự chia sẻ giữa họ một thứ tình cảm có tính tập đoàn.

Cái làm tôi ngạc nhiên nhất khi là trong đó hoàn toàn không có một nét đặc thù nào. Hơn nữa, ngay cả chữ viết của cả 20 em học sinh sao mà giống nhau đến thế. Không lẽ đó là những bài được viết bởi những người ở chung nhà. Vì ít khi thấy có ngoại lệ nên có thể xem đây là một nguyên tắc.

………………………….

Bất luận với đề tài nào, cách suy nghĩ, cách tưởng và cách viết của đám học trò không có gì khác nhau. Không phải những bài luận tiếng Anh ấy không có những điều đáng để ý nhưng nói chung, về mặt trí tưởng tượng, chúng không có gì độc đáo. Trí tưởng tượng của chúng đã được làm sẵn từ bao thế kỷ trước, một phần ở Trung Quốc và một phần ngay trên đất Nhật.

Cái khác giữa Hearn và các nhà Đông Phương học Âu Mỹ khác là ông không phủ định sự thiếu cá tính của người Nhật và muốn vứt bỏ nó. Ông muốn lắng tai để tìm ra “tiếng nói” của người Nhật nấp đằng sau sự thiếu cá tính và thiếu độc sáng ấy.

Chúng ta nên nhớ rằng từ khóa của văn chương Hearn là ghostly (u huyền). Vì là người nhạy cảm với những gì huyền ảo như thế nên ông đã nhận ra đằng sau những bài luận ngắn của đám học trò những yếu tố nội tâm của người viết ra nó để có thể tìm đến và cộng hưởng bằng tâm hồn mình. Do đó, Hearn vẫn bền bỉ ra đề cho chúng viết. Đám học trò đã đáp ứng tích cực và lần hồi hâm mộ người thầy. Tuy Hearn chỉ sống ở Matsue một năm ba tháng thôi nhưng khi ông ra đi, đám học trò hết sức buồn vì phải xa ông. Cả trường đã ra ngoài bến tàu để tiễn đưa. Những điều này ông đã thuật lại trong chương 27 – Sayonara (Giã từ) ở cuối quyển sách.

20. Hai lễ hội kỳ quái (Two strange festivals)

Dĩ nhiên đó là những lễ hội kỳ quái đối với Hearn, một người đến từ Âu châu. Trước tiên là Tết Nguyên Đán. Người Nhật cũng ăn Tết trong 3 ngày. Họ treo cờ mặt trời mọc và vẽ biểu tượng ấy trên các lồng đèn bằng giấy treo khắp đường phố. Trước mỗi nhà đều có chưng kadomatsu (bụi tùng góc nhà) để đón mừng năm mới. Chính ra đó là một khúc tùng non kèm theo cành mơ và ống trúc cắt chéo. Trước kia người ta chỉ dùng mỗi cây tùng nhưng từ niên hiệu Ôei (1394-1428) thời Muromachi trở đi thì họ thêm cả hoa mơ và trúc. Trúc để chỉ tiết tháo còn hoa mơ là tượng trưng cho sự dịu dàng, ngọt ngào. Nhiều khi hoa mơ được thay thế bằng một nhánh sakaki, cây thiêng của Thần đạo. Có một câu nói của nhà Phật về Kadomatsu như sau:

Kadomatsu / Meido no tabi no / Ichirizuka (Bụi tùng chào mừng năm mới chỉ là một cột cây số trên con đường người ta đi về cõi chết).

Mỗi vật trưng bày trong ngày đầu năm mới đều có ý nghĩa riêng của nó. Giống dương xĩ tên là moromoki hay urajirô tượng chưng cho sự giàu có và con đàn cháu đống vì chúng sinh sôi nẩy nở chóng vánh và tươi tốt. Loại cam đắng gọi là daidai được xem như một thứ hoa quả mang điềm lành do cách gọi đồng âm với tiếng Hán “đại đại” ý nói “đời đời kiếp kiếp”. Còn than củi (sumi) ư? Nó tượng trưng cho sự bất biến vì màu sắc của nó không bao giờ thay đổi cũng như niềm hạnh phúc sẽ tồn tại mãi mãi. Trên mâm thờ sẽ cổ cúng với cá trắm (tai) vì nó là vua các loài cá và đem đến sự may mắn (omedetai), loài rong jinbasô là “con ngựa của thần (jinba = thần mã), tôm hùm nhiều râu tượng trưng cho sự trường thọ và hạt dẻ (kachiguri) là hình ảnh của chiến thắng (katsu) và thành công….

Ngày lễ đặc biệt thứ hai là Setsubun, nó đánh dấu lúc thời tiết thật sự vào xuân khi những cơn gió mùa đông dành chỗ cho ánh mặt trời mùa xuân ấm áp. Lúc đó, người Nhật tổ chức lễ Oni.yarai (Đuổi quỉ). Đêm trước ngày Setsubun, những kẻ đuổi quỉ (yaku-otoshi) sẽ chạy khắp các phố, lầm rầm đọc kinh và khua những chiếc gậy có in hình Thần Phật là gọi là shakujô, hô to “Quỉ ra ngoài, phúc vào nhà” (Oni wa soto, fuku wa uchi). Sau đó thì đó tục lệ ném đậu trắng (shiro-mame) khô về bốn hướng. Không biết vì lý do gì nhưng người ta bảo rằng quỉ sứ không thích đậu khô! Sau đó họ quét dọn và thâu lượm chúng lại để dành đến khi nghe những tiếng sấm mưa đầu mùa thì đem ninh lên ăn. Sau đó, họ mới dán một cái bùa gồm một khúc gậy ngắn, một con cá mòi khô và một lá quì trước cửa nhà để ngăn cho quỷ không trở lại.Tại sao quỷ sứ lại sợ cá mòi khô và lá quì thì chẳng thấy ai giải thích cho Hearn.

Ông còn cho biết ở Izumo, người ta còn có tục mê tín là khi nghe tiếng sấm đầu mùa thì giăng màn ra rồi cả nhà chui vào trong nấp và lấy tay che rốn để phòng thân. Họ tin rằng làm như thế sẽ được an toàn vì Raijuu (Lôi thú) thích … ăn rốn người nhưng chúng không vào được trong màn.

21. Dọc Biển Nhật Bản (By the Japanese Sea)

Hearn yêu biển.Trong đời văn, ông ta đã viết nhiều tác phẩm về biển cả.Thế nhưng phần nói về cuộc du hành ở vùng Tottori, dọc theo Biển Nhật Bản này phải xem như một trong những thành công lớn của ông.

Nơi đây, một bên, ông đã được ngắm nhìn biển rộng bao la, một bên là những cánh đồng xanh trong chuyến hành trình bằng xe kéo, một trong những phương tiện du lịch hiếm hoi thời Meiji Một tối, ông đã ngủ trọ ở một lữ quán vùng suối nước nóng Hamamura và được một ngưòi tớ gái trong quán kể cho nghe câu chuyện về “Tấm nệm Tottori” (Tottori no futon) mà người địa phương truyền tụng cũng như nghe bà Setsuko, vợ mình, kể lại câu chuyện “Những đứa trẻ bị vứt bỏ”. Hai câu chuyện ấy, chúng ta đã được ông đề cập đến trong chương 9 và chương 10. Về sau, Hearn đã thu thập lại chúng trong Kwaidan, tác phẩm nổi tiếng về thể loại “truyện cũ viết lại” (cố sự tân biên, người Nhật gọi là saiwa bungaku tức tái thoại văn học) buổi vãn niên. Chúng làm tăng phần thi vị cho đoạn nói về chuyến đi dọc bờ Biển Nhật Bản này.

Sau đây xin tóm tắt nội dung câu chuyện “Tấm nệm Tottori”:

Xưa kia có một người lái buôn dọc đường ngủ đỗ ở một quán trọ trong xứ Tottori. Đêm đến, khi chui vào trong chăn nệm thì bỗng nghe thì thào giọng nói của hai đứa trẻ con: “Anh ơi, anh lạnh lắm phải không?” “Còn em, chắc em lạnh lắm hở em!”. Ông lái kia mới châm lửa đèn lồng lên soi một vòng chung quanh nhưng không thấy ai cả. Ông bèn đặt mình xuống định ngủ tiếp nhưng giật thót người vì nghe tiếng nói của hai đứa trẻ phát ra từ trong tấm chăn. Ông lại sợ hãi, vội vàng thu vén hành lý rồi phóng ra ngoài.

Chủ nhà trọ lấy làm quái dị nên chính ông cũng chui vào ngủ thử trong chăn và thấy rằng tiếng thì thào kia là có thực.Khi ông gạn hỏi người buôn chăn nệm cũ đã bán nó cho ông thì mới biết đó là bộ chăn nệm của một gia đình kia, vợ chồng mất sớm, để lại hai đứa con thơ.Để có cơm ăn, hai anh em đứa trẻ đã phải bán lần hồi những đồ gia dụng, cuối cùng chỉ còn sót bộ chăn nệm. Đêm đến, nằm trong chăn, hai anh em lo lắng hỏi thăm nhau xem đứa kia có lạnh hay không.Thế nhưng người cho thuê nhà đã không chút từ tâm lấy đi mất bộ chăn nệm đó, đang đêm còn đuổi chúng ra giữa trời tuyết giá để cho chúng phải chết rét.

Ông chủ lữ quán nghe thế mới đem bộ chăn nệm lên chùa cho nhà sư đọc kinh siêu độ hai vong hồn. Kể từ sau đó, trong chăn không còn vọng ra tiếng người nói nữa.

Câu chuyện “Tấm nệm Tottori” là điểm khởi hành cho văn học về những hiện tượng kinh dị mà Hearn sẽ tiếp tục viết cho đến cuối đời.

“Truyện về những đứa trẻ bị vứt bỏ” (Kosute no hanashi) ở Mochida no ura cũng được Hearn trình bày trong chương này. Câu chuyện này phát xuất từ chùm truyện răn đời của nhà Phật truyền tụng khắp vùng Izumo. Có lẽ nó đã gợi nên nguồn cảm hứng cho nhà văn Natsume Sôseki viết ra câu truyện “Đêm thứ 3” Trong “Mười đêm mộng” (Yume Juuya, 1908) [19] . Cả Hearn lẫn Sôseki đều có chung kinh nghiệm là từ thuở ấu thơ đã bị cha mình bỏ bê. Câu chuyện vứt bỏ con mình có thể tóm tắt như sau:

“Ngôi làng Mochida no Ura trong xứ Izumo có một cặp vợ chồng nhà nông nghèo đến nỗi sinh con ra mà không bao giờ có đủ tiền nuôi nên khi chúng mới còn đỏ hỏn đã đem ra vứt dưới sông, mặc nước cuốn đi. Họ đã vứt tất cả 6 người con như vậy. Thế nhưng khi bà vợ sinh ra đứa con thứ bảy thì cuộc sống có ổn định đôi phần cho nên ông chồng quyết định nuôi đứa bé. Một đêm mùa hè, ông bố mới bế đứa bé trai ấy ra ngoài sân:

Đêm ấy vì trăng thật to và rất đẹp cho nên người nông dân kia bất chợt lên tiếng:

– Ôi chao, mấy khi mà trăng đẹp như thế này!

Chính lúc đó, đứs bé trong tay ông mới nhìn lên mặt bố và bnói:

-Bố ơi, lần cuối bố đem con đi vứt, trăng cũng sáng như thế này, bố nhỉ?

Sau khi nói xong câu đó thì đứa bé – giống như những đứa bé cùng tuổi nó – im luôn, không còn nói thêm được câu nào.

Người nông dân kia bèn bỏ đi tu”.

Trong những câu chuyện Hearn đã nghe trong lúc du hành, ông bảo đây là truyện để lại ấn tượng sâu xa nhất cho ông. Có lẽ ông đã đặt chồng lên nhau cái thân phận đứa con rơi là mình và thân phận hẩm hiu của đứa bé kia.

Kết hôn với Koizumi Setsuko và viết Kwaidan

Du hành trên đất Nhật để đào sâu tri thức về văn hoá Nhật Bản nhưng trên thực tế, Hearn chỉ bập bẹ được đôi câu và suốt đời không đọc cho suôn sẻ một trang sách tiếng Nhật. Có thể điều đó phản ánh quan niệm sống của ông chứ không phải là một sự thiếu khả năng thực sự. Tuy vậy, trong quá trình tìm hiểu Nhật Bản, ông đã nhận được nhiều đóng góp quí giá của người chung quanh.

Người đầu tiên đã giúp đỡ Hearn là Manabe Akira (trong tác phẩm ông gọi là Akira), một nhà sư trẻ ông quen khi mới đến Yokohama. Akira đã làm bạn với ông trong đoạn đường đi từ Yokohama, qua Kamakura và Enoshima đến Matsue. Nếu không có Akira, chắc Hearn không thể nào viết về Nhật Bản trong giai đoạn đầu khi ông vừa đặt chân lên đất nước này. Akira đã vì Hearn mà thu thập những tài liệu bằng tiếng Anh và đảm nhận vai trò thông dịch ở nhiều địa điểm viếng thăm suốt đoạn đường khá dài ấy.

Một khi đã yên nơi yên chỗ ở Matsue, người giúp đỡ Hearn một cách đắc lực hơn cả không ai khác hơn ngoài bà Koizumi Setsuko (có nơi viết là Setsu), vợ ông. Trong khi Hearn đến thăm Hang động của những hồn ma trẻ con (Kaka no kukedo) nhắc đến bên trên, bà cũng đồng hành. Còn chuyến đi dọc bờ Biển Nhật Bản này thực ra là tuần trăng mật của hai người nhưng nó đã biến thành một chuyến đi để tìm tư liệu. Xuất xứ câu chuyện “Tấm nệm Tottori” được Hearn cho biết là ông nghe từ miệng một cô người làm trong lữ quán nhưng có thuyết khác cho rằng chính bà Setsuko đã kể lại cho ông.

Lafcadio Hearn và vợ, bà Koizumi Setsuko
Lafcadio Hearn và vợ, bà Koizumi Setsuko

Về đầu đuôi cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng thì lúc đầu bà Setsuko chỉ là người đến giúp việc cho ông. Nhằm lúc đó, Hearn trong người không được khoẻ, một tay bà đã tận tụy chăm sóc. Bà là con gái nhà samurai nhưng gia cảnh sa sút nên có cuộc sống khó khăn, có đi làm công cho một người Tây phương để làm kế sinh nhai chẳng qua chuyện vạn bất đắc dĩ. Người chung quanh phản đối nhưng bà đã gạt qua mọi lời đàm tiếu để đến giúp việc cho ông mà bà biết là một học giả có nhân cách. Ông rất cảm động vì tình cảm và sự tận tụy của bà nên đã đề nghị cưới hỏi. Tuy ngại ngùng vì thân thế cơ hàn của mình, lúc đầu bà có chần chờ nhưng qua năm 1891 thì hai người đã thực sự thành vợ chồng. Đến năm 1896, họ chính thức làm giấy kết hôn và ông cũng vào quốc tịch Nhật. Do đó, Hearn mới đổi tên thành Koizumi Yakumo. Koizumi (Tiểu Tuyền) là họ của bà Setsuko, còn Yakumo (Bát Vân) nghĩa là “tám lớp mây che”, lấy ý từ bài ca dao tỏ tình nổi tiếng trong Kojiki vậy.

Nhờ kết hôn với bà Setsuko, lần đầu tiên trong đời, Hearn mới có một mái ấm gia đình.Từ đó, bà trở thành cộng tác viên đắc lực cho chồng trong việc sáng tác.

Đóng góp lớn nhất của bà đối với văn nghiệp ông có thể thấy qua Kwaidan, tác phẩm ông viết lúc cuối đời. Với chương Dọc bờ Biển Nhật Bản, chúng ta cũng có thể hình dung phần nào điều đó. Để soạn được Kwaidan, một người không nói và đọc tiếng Nhật như Hearn chỉ có thể dựa vào sự trợ giúp của vợ. Bà Setsuko đã đọc rồi thuật lại cốt chuyện của những truyện răn đời Phật giáo hay những truyền thuyết dân gian. Ông lấy cảm hứng từ đó mà viết ra hẳn hoi bằng tiếng Anh của mình.

Trong tập hồi ký nhan đề Omoide no Ki (Ghi nhớ chuyện xưa) kể lại cuộc sống của hai vợ chồng mình, bà Setsuko đã giúp ta có thông tin về quá trình hợp tác của ông bà để sáng tác Kwaidan:

“Khi tôi kể chuyện đời xưa cho Hearn thì hầu như bao giờ cũng vậy, lúc đầu chỉ kể sơ qua cốt chuyện.Nếu là chuyện hay, nhà tôi sẽ đặt bút ghi lại cốt chuyện ấy. Xong ông mới bảo tôi kể thêm chi tiết. Cứ thế, tôi kể đi kể lại nhiều lần. Nếu tôi cầm sách lên đọc cho ông viết thì ông gạt ngay: “Chớ lấy sách đọc! Hãy kể tôi nghe câu chuyện của em bằng ngôn ngữ của em và nói cho tôi biết điều em nghĩ về nó”. Hễ câu chuyện chưa được nhuần nhuyễn thành câu chuyện của tôi thì ông thấy là vẫn chưa được. Thành thử ngay cả lúc nằm mơ, đầu tôi vẫn bị câu chuyện ấy ám ảnh”.

Như vậy, nghe xong chuyện vợ kể, Hearn đã lấy cảm hứng từ đó để tái tạo nó. Kwaidan như thế là một tác phẩm kết tinh được trí tưởng tượng phong phú của Hearn và tài kể chuyện của bà Setsuko. Nếu bảo đó là một tác phẩm hai ông bà viết chung đi nữa thì cũng không có gì quá đáng.

22. Về một con múa (Of a dancing girl):

Hearn dành một số trang để nói về những nàng geisha, những người làm cho những buổi tiệc tùng nghiêm trang trở thành vui nhộn bằng điệu múa, trò chơi, tiếng hát của họ. Hearn để ý ít khi thấy các vị khách sàm sỡ vì người Nhật quan niệm các nàng chỉ được mướn để gây không khí cho buổi tiệc, giống những đóa hoa sống, dành để ngắm chứ không được đụng tới.

Thế nhưng các nàng không phải là kẻ vô tình vô cảm. Hearn kể lại chuyện quyên sinh vì tình giữa Fujieda Geki, một samurai cận thần Shôgun, lương 5.000 thạch thóc, với nàng Ayaginu, con hát ở xóm lầu xanh Yoshiwara. Ông cũng thuật lại câu chuyện cảm động về nàng O-Kama, cô geisha đã trộn tro hỏa táng của người yêu vào chén rượu và uống để giữ chàng mãi mãi với mình.

Hearn tuần tự tả lại các giai đoạn cuộc đời một geisha, cho chúng ta biết họ đã đào tạo trong nghệ thuật như thế nào. Ông nhắc đến những shirabyôshi tức geisha mặc nam trang, đội mũ cao và biết múa kiếm như đàn ông. Họ là những geisha lãng mạn của thời xưa, khác với những người đồng nghiệp thực tế hơn vào thời nay. Hearn nhân đó kể thêm câu chuyện cũ về một chàng thư sinh trên đường du lịch, không tìm ra chỗ trọ qua đêm trên núi cao, may mắn được một shirobyôshi đã giải nghệ ân cần đón tiếp. Cô ta vốn là con múa nổi tiếng ở kinh đô nhưng vì yêu một chàng thanh niên nên bỏ tất cả ra đi, cùng cất nhà nơi thanh vắng để sống đời ẩn dật. Chẳng ngờ người cô yêu lâm bệnh qua đời nên từ đó, đêm nào cô cũng đứng trước bài vị đặt trong khám thờ Phật, múa một điệu vũ để an ủi vong linh người chết. Bốn mươi năm sau cuộc gặp gỡ, cô gái này dưới hình thù của một bà lão rách rưới đã đến tìm gặp chàng thư sinh xin ngủ trọ thuở nào nay đã trở thành một nhà danh họa giàu có. Cô chỉ xin ông vẽ lại hình ảnh của cô thời trẻ trong trang phục shirabyôshi mà cô còn giữ được nhưng từ chối mọi sự giúp đỡ tiền bạc, vật chất của ông và trở về sống trong túp lều rách nát bên bờ sông. Một hôm, nhà danh họa tìm được chỗ đến thăm thì ông thấy nàng đã chết, xác nằm bên cạnh tơi nón đi đường và cái bát ăn xin trước khám thờ Phật, giống như cái khám thờ nơi ông từng thấy nàng đứng múa chiêu hồn trong một đêm nào trên núi.

23. Từ Hoki tới Oki (From Hoki to Oki):

Hai quần đảo Hoki và Oki nằm cách Matsue độ 60km, một nơi ẩn khuất và trước khi Hearn đến viếng, hầu như chưa có người ngoại quốc nào đặt chân. Oki nằm sau lưng Hoki và còn xa hơn nữa đối với Matsue. Người dân Oki tự hào rằng họ là những người Nhật thuần chủng vì tổ tiên của mình đã có mặt trên đảo từ thời đại các thần (kamiyo). Nơi đây trên 700 năm về trước, hai vị Thiên hoàng với ước vọng trung hưng vương thất trước sau đã bị tập đoàn quân nhân lưu đày. Đó là Go Toba ( 1180-1239) và Go Daigo (1288-1339).

Tuy nhiên, khi ghé cảng Saigô trên đảo Oki, ngoài di tích miếu mạo thờ những vị thiên hoàng số phận hẩm hiu, Hearn chỉ thấy phong cảnh núi đồi chớn chở, đồng ruộng nghèo nàn hăng mùi tanh tưởi của phân cá và ruột mực khô. Mực khô là một sản phẩm nổi tiếng của địa phương, không những được Nhật Bản yêu chuộng mà còn xuất khẩu qua đến Triều Tiên và Trung Quốc. Tương truyền những người dân chài thời xưa đã dấu Thiên hoàng Go-Daigo dưới đống mực khô hôi hám để tránh cặp mắt quan quân khi họ đưa ông lên thuyền trốn về đất liền để mưu đồ phục quốc.

Một trong vài mẩu chuyện thú vị mà Hearn nghe được ở Oki là truyền thuyết Địa Tạng chữa bệnh đau răng. Có người mắc chứng đau răng khủng khiếp đến mất cả quai hàm sau khi chết đã trở thành bồ tát với tâm nguyện chữa trị những người bị chứng bệnh quái ác như mình. Agonashi Jizô (Địa Tạng không quai hàm) nay là tên một mỏm đất tên đảo, nhưng tên đó có lẽ đã bị thiên hạ đọc trại ra từ Agonaoshi Jizô (Địa Tạng chữa lành quai hàm).

Cũng trong thời gian ở trên đảo, Hearn đã nghe kể lại truyện một thiền sư tên Mongaku Shônin (Văn Giác thượng nhân), người đã trốn đến tận Oki sống một thời gian để sám hối về tội lỗi của mình. Tục truyền ngày ở Kyôto, lúc hãy còn là vũ sĩ Endô Moritô, ông yêu một người đàn bà có chồng và đã âm mưu với bà ta để giết chồng khi đang ngủ. Nhưng đêm hôm ước định hành động, bà có lẽ vì quá hối hận, đã cải dạng thành đàn ông rồi nằm thế vào chỗ của chồng. Trong bóng đêm mập mờ, Endô Morito, đã giết lầm người mình yêu. Khi biết được sự thật, ông quá đau khổ, bèn vào chùa xin thú tội và xuống tóc đi tu để sám hối suốt quãng đời còn lại.

Trước khi về lại Matsue, Hearn trọ vài hôm ở một khách sạn trên đảo. Ông đã sống trong khoảng không gian trống trải với những cánh cửa kéo và không khoá. Người đi ra đi vào thong thả, họ chỉ lên tiếng chứ không cần gỏ cửa. Từ đó, ông suy ngẫm về lối sống tự nhiên, cộng đồng, không tây riêng (privacy), không thẹn thùa… của những người Nhật chất phác nơi đây. Đảo chỉ có 10 viên cảnh sát để giữa an ninh cho một dân số 3 vạn người. Một điều hoàn toàn khác lạ với những gì xảy ra trong thế giới Âu Mỹ mà mình từng biết.

24. Về những linh hồn (Of souls)

Kinjuurô, một người quen với gia đình Hearn, gốc dân làm vườn đã giải thích cho Hearn về quan niệm hồn vía của người Á Đông. Trong thế giới độc thần Âu Mỹ, người ta chỉ có một linh hồn (soul). Thế nhưng theo Kinjuurô, con người vốn có nhiều linh hồn và có càng nhiều càng tốt. Sách cổ của Thần đạo cho biết con người có ít nhất 2 linh hồn: Ara-tama (linh hồn hung hăng, hiếu thắng) và Nigi-tama (linh hồn quảng đại, biết tha thứ).

25. Về ma và yêu quái (Of ghosts and goblins)

Trong kinh Pháp Hoa có câu nói đại ý đôi khi tùy đối tượng, Phật phải mượn hình yêu ma để giáo huấn đại chúng. Như thế, hồn ma và yêu quái cũng là một phần của thế giới và sự tồn tại của chúng hẳn có một ý nghĩa nào đó. Kinjuurô đã rủ rê ông đi dự hội ban đêm ở một ngôi chùa tông Nichiren, nơi đang có cuộc trình diễn về ma quỷ.

Trên đường họ đã thảo luận với nhau về Con tinh của Tuyết (Yuki.onna) mà Kinju urô quả quyết người ta có thể gặp vào tiết đại hàn, lúc thời tiết cực lạnh, khi đến thăm ngôi đền thờ Thần Cảm Mạo (Kaze no kami) ở làng Yabumura, một nơi trên núi cách Matsue chừng bảy dặm. Cũng theo Kinjuurô, đó là một con tinh chỉ dọa chứ không hãm hại người. Có lẽ dựa theo truyền thuyết đó Hearn đã viết truyện “Nàng Tuyết” trong Kwaidan.

Họ đến một ngôi chùa mà khuôn viên nối liền với một bãi tha ma. Ở đây họ gặp những con ma sống (Iki ningyô) do người thật giả dạng, rất linh hoạt và khác hẳn với các tượng sáp trong những bảo tàng viện phương Tây. Nào là Tanuki Bôzu, thầy tu do chồn hoá thân, nào là Mitsume Nyuudô, ông cư sĩ có 3 con mắt hay Yama-Uba (Yamamba), bà chằng trên núi… Tất cả đều là ma quái quen thuộc với họ, bước ra từ những truyền thuyết Nhật Bản. Lại có phần trình diễn quang cảnh dưới Địa Ngục với tất cả sự rùng rợn. Điều ấy chứng tỏ người Nhật xem ma quỷ chẳng khác nào một phần của cuộc sống của mình và việc đi xem ngôi nhà ma (obake-yashiki) trở thành một thú vui, cơ hội để tiêu khiển.

26. Nụ cười Nhật Bản (The Japanese smile)

Một đặc trưng khác trong cách nhìn văn hóa Nhật Bản của Hearn là ông luôn luôn tìm cách đứng ở vị trí của người bản xứ để hiểu cái hay cái đẹp nơi họ. Điều này có nghĩa là Hearn không dùng bậc thang giá trị của mình để làm mực thước đi đo một nền văn hóa khác. Tuy nhiên, làm được như thế cũng không dễ dàng gì. Phương pháp ấy đã được đúc kết và áp dụng trong chương 26 này của Glimpses of Unfamiliar Japan khi ông miêu tả cái bí ẩn của Nụ cười Nhật Bản. Bài tiểu luận này trước khi đưa vào sách đã đăng trong tạp chí Mỹ Atlantic Monthly và được độc giả Tây phương tán thưởng.

Á Đông chúng ta có thể không lấy làm lạ nhưng Tây Phương thì khác. Họ không thể hiểu tại sao trên khuôn mặt người Nhật thường thoáng một nụ cười. Người phương Tây ít khi mỉm cười một cách hồn nhiên và điều đó cũng làm cho người Nhật lạ lùng:

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy sự thông cảm giữa hai dân tộc thường gặp phải khó khăn. Người ta phần nhiều suy đoán ngay ý nghĩa của hành động cũng như tâm tình của kẻ đứng trước mặt thông qua các thước đo của mình, kết cuộc thường đưa đến sự hiểu lầm nhau. Nếu như người Nhật không hiểu được thái độ nghiêm trang của người Anh thì người Anh cũng vậy, anh ta sẽ cảm thấy trong cái cười nhẹ nhàng của người Nhật có gì khiến anh không thể tin cậy. Những người ngoại quốc được người Nhật cho là có “khuôn mặt khó khăn” ấy, khi thấy “nụ cười Nhật Bản”, sẽ đâm ra miệt thị. Như thể họ nghĩ rằng đằng sau nụ cười ấy, một sự dối trá nào đó đang ẩn nấp.

Theo Hearn, chỉ có một thiểu số có khả năng nội quan bén nhạy mới biết đánh giá “nụ cười Nhật Bản” như là một đối tượng đáng để giải mã. Sau đó, ông đã dựa trên những kinh nghiệm sống trong thời gian ở Nhật hòng tìm ra mối manh. Ông cho biết nếu người phưong Tây sử dụng những thước đo mình có sẵn thì họ sẽ không thể nào hiểu được. Nụ cười Nhật Bản vốn là một “cử chỉ thận trọng, công phu đã được xây đắp bao đời mới hoàn thành“, vì vậy không thể đem những khái niệm hay mực thước phương Tây mà lý giải được. Chẳng hạn như khi người Tây phương đọc văn tự biểu ý của người Tàu lại ngạc nhiên hỏi tại sao nó chẳng giống văn tự tượng thanh của nước mình.

Nếu người Tây phương thấy trên mặt người Nhật có phác một nụ cười, họ sẽ nghĩ ngay rằng người đó đang có chuyện gì vui. Thế nhưng nụ cười tưởng như là chứng cớ của sự bằng lòng ấy lại có thể là dấu hiệu của đau khổ, sỉ nhục và thất vọng, vốn là những trạng huống tinh thần không có gì đáng vui vẻ cả. Làm sao mà người Tây phương đứng trước nụ cười ấy, có thể tin cậy nó cho được?

Sau khi suy luận như thế, Hearn đã đưa ra ví dụ cụ thể về sự hiềm nghi đã phát sinh giữa một ông chủ Tây phương và một người làm công Nhật Bản, đưa đến một kết quả đau lòng. Thế rồi, nhân đấy Hearn phân tích tại sao trong một trường hợp như vậy, người Nhật còn có thể cười được.

Một nụ cười Nhật Bản
Một nụ cười Nhật Bản

Hearn cho rằng người Nhật đã được dạy cho nụ cười ấy như một cử chỉ lễ phép và rèn luyện về nó từ thời thơ ấu. Đối với bậc trên trước hay người ngang hàng thì bất luận là ai và bất luận khi nào, phải giữ sao cho được nụ cười ấy để biểu lộ phong cách sống của người “có ăn học” và tránh mọi va chạm. Ngoài ra, giữa khi đau khổ hay tuyệt vọng mà còn giữ được nụ cười là vì tỏ ra lễ phép đối với kẻ đứng trước mặt. Lý do là người Nhật không muốn những ai có hảo ý, thương mến mình lại phải lo lắng và khổ muộn vì mình.

Lúc đầu, khi Hearn thấy một người đàn bà giúp việc cho ông đến thông báo có đứa con vừa chết mà vẫn để một nụ cười tỏa nhẹ trên khuôn mặt, ông đã không dấu được sự ngạc nhiên. Thế nhưng sau khi quen với nếp sống Nhật Bản, ông đã hiểu ra điều đó và có thể biện hộ cho thái độ của người đàn bà giúp việc.

Nụ cười này là một cử chỉ lễ phép. Người mang nụ cười ấy dằn nén bản thân đến biên giới của mức độ họ có thể chịu đựng.Nụ cười hàm chứa nội dung như sau: “Cho dù đối với ông với bà, chúng tôi đang gặp phải một điều bất hạnh nhưng xin chớ quan tâm. Xin thứ lỗi cho chúng tôi đã dám quấy rầy sự yên tĩnh của ông của bà khi đến đây để báo tin buồn này”.

Hearn kết luận rằng nụ cười thoáng nhẹ đó là biểu tượng cho quan niệm đạo đức của người Nhật. Ông xem nụ cười của người trong cuộc chẳng khác nào nụ cười từ bi của Daibutsu (Đại Phật) ở Kamakura. Ngày xưa, nụ cười ấy là do nhà điêu khắc Nhật tạo ra để tượng trưng cho sự bình yên trong tâm hồn của đồng bào ông mà theo Hearn thì, đúng như Kinh Pháp Cú đã nói: “Không có hạnh phúc nào lớn cho bằng sự bình yên trong tâm hồn”. Hearn đã tìm cách giải mã được nụ cười bí ẩn của người Nhật, đúng như điều ông từng viết trong đoạn văn sau:

Muốn hiểu được nụ cười Nhật Bản, chúng ta phải đi vào cuộc sống của người bình dân tự ngàn xưa trong dáng vẻ đơn sơ của nó. Nếu quan sát theo kiểu Tây phương nghĩa là từ trên ngó xuống thì sẽ không học hỏi được điều gì.

Nói về cảm xúc của một dân tộc và cách biểu lộ cảm xúc đó, giữa Tây phương và Cực Đông rõ ràng có một sự dị biệt. Chúng ta cần để ý đến sinh hoạt thường nhật của người bình dân vốn phong phú và đa dạng. Những ai khi đứng trước sự sống và cái chết cũng như trong tình yêu, luôn luôn giữ trên môi một nụ cười, luôn luôn có sự bình yên cùng với một tấm lòng nhân hậu, thân ái và ấm cúng thì có thể tìm thấy niềm vui trong sự đồng cảm với người Nhật. Rồi một khi đã có tình thân ái và sự đồng cảm, nụ cười Nhật Bản sẽ không còn là điều bí ẩn nữa.

Như thế, Hearn đã gạt giá trị quan Tây phương của mình sang một bên để mà “nhìn cuộc sống của người thường dân Nhật Bản như nó là”. Ông đã nhẫn nại trong một thời gian lâu mới tìm ra phương pháp giải mã nụ cười ấy. Khi ông không còn căn cứ vào bảng giá trị sẵn có mà đặt mình vào vị trí của đối tượng, thể nghiệm cách thức suy tư của họ thì ông mới hiểu được bản chất của cử chỉ nói trên. Phương pháp của Hearn thời đó phải chăng cũng là phương pháp chúng ta cần có để tìm hiểu tha nhân ngay cả trong thế giới ngày nay?

27. Giã từ (Sayonara)

Những ngày vui rồi cũng phải chấm dứt. Có gì tồn tại được lâu trong thế giới vô thường của chư thần. Được bổ nhiệm ở một trường công lập ở Kumamoto, Hearn đã rời Matsue với tất cả sự quyến luyến. Thế nhưng khi hậu ấm áp của Kumamoto mới thích hợp cho sức khoẻ của ông. Ban giáo chức và học trò hai trường đã tặng Hearn một cái độc bình cao gần một mét và một thanh kiếm Nhật làm quà lưu niệm. Hai bên đã trao đổi nhiều diễn từ nói lên tình cảm của họ với nhau trước ngày Hearn và gia đình ra bến cảng để lên đường. Hearn sẽ không hề gặp lại các bạn đồng liêu cũ cũng như những Ishihara, Otani, Adzukikawa…, các học sinh ưu tú của ông. Yokogi và Shida đã qua đời trước đó vì bệnh tật, để lại cho ông bao nỗi tiếc thương. Thế rồi 13 năm sau (1904), Hearn cũng tạ thế ở Tokyo, chấm dứt một cuộc đời phiêu bạt ở cái tuổi 54 và được chôn trong một nghĩa địa Nhật Bản. Sống là Lafcadio Hearn, ông đã chết như Koizumi Yakumo.

II – Từ thế giới hiện thực của Glimpses of Unfamiliar Japan đến thế giới huyền ảo của Kwaidan

Trong thời gian 1 năm 7 tháng sống ở Matsue, ngoài công việc dạy học, Hearn đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đồng thời thu lượm được nhiều câu chuyện cổ và truyền thuyết lưu hành trong dân gian. Trong ngôi nhà cổ kiểu gia trang samurai ở Matsue, Hearn giống như một đứa trẻ con vòi mẹ chuyện đời xưa, đã nhờ vợ là bà Setsuko kể cho mình nghe những câu truyện truyền khẩu của người Nhật đương thời

Thực ra, trước khi đến Nhật, Hearn đã từng quan tâm đến truyền thuyết và truyện răn đời của các vùng đất khác. Khi sống ở Mỹ, ông đã thu thập truyện cổ và truyền thuyết của Ai Cập, Ấn Độ, của các đảo Nam Thái Bình Dương, của các chủng tộc Inuit (một sắc dân sống ở xứ lạnh như Alaska, Greenland và Canada), Do Thái, Ả Rập rồi dùng ngôn ngữ của mình để chuyển hoá chúng và ghi lại trong tập (Phi hoa lạc diệp, hay Những điều nghe thấy từ những nền văn hóa khác, 1884). Sau đó, ông còn gom góp truyện truyền kỳ Trung Quốc để viết theo lối “cố sự tân biên” trong (Trung Quốc Quái Đàm Tập, 1887) [20]. Điều đáng để ý là trong 2 tập sách này có xen vào những truyện cổ của liệt cường Tây Phương.

Tương quan giữa Glimpses of Unfamiliar Japan và Kwaidan

Trong Glimpses of Unfamiliar Japan, chúng ta đã được nghe Hearn kể về “Tấm nệm Tottori”, một câu chuyện kinh dị ông nghe được khi đi dọc bờ biển Nhật Bản (Chương 21) cũng như một số chuyện khác lượm lặt trên đường du hành. Thế nhưng ông đã dành nguyên một cuốn sách nhan đề là Kwaidan (Quái đàm, Truyện kinh dị, 1904) [21]. Cuốn truyện này đánh dấu giai đoạn nhuần nhuyễn trong lối viết truyện kinh dị của ông. Thực vậy, danh tác Kwaidan tuy ra đời vào năm 1904 nhưng đã manh nha từ năm 1891 trên mảnh đất Matsue. Ngược lại, ta cũng có thể khẳng định rằng nếu không có những câu chuyện đời xưa trong tập Glimpses of unfamilar Japan như Cầu vo đậu, Người đàn bà mua kẹo mật, Tấm nệm Tottori, Những đứa trẻ bị vứt bỏ … mở hộ sẵn cánh cửa thế giới u linh cho thì Hearn sẽ chẳng bao giờ có được Kwaidan 13 năm về sau. Thủ pháp sưu tập và ngôn ngữ hoá của chúng như thế đã được tôi luyện trong thời gian ở Matsue để cho nghệ thuật “cố sự tân biên” của Hearn mà người Nhật gọi là saiwaka (tái thoại hoá) đạt được sự hoàn chỉnh.

Năm chủ đề của Kwaidan

Hình thức văn nghệ truyện cũ viết lại có thể hiểu là sự xào nấu, tái tạo một nguyên bản đã có (remake, recycle) dưới một hình thức nào đó. Ví dụ đơn giản nhất là truyện nhi đồng của anh em nhà Grimm [22], một bộ phận tác phẩm của Andersen[23], Akutagawa Ryuunosuke [24] hay Nakajima Atsushi [25] vv…

Như họ, Hearn muốn phủi lớp bụi thời gian trên những truyền thuyết và truyện răn đời hoang đường đã rơi vào quên lãng [26] và giúp chúng hồi sinh. Ông đã trân trọng và bỏ công mài giũa chúng giống như người thợ kim hoàn mài những viên ngọc thô phác. Ông dùng tài ngôn ngữ của mình để phả vào đó một luồng sinh khí. Tài nghệ kể chuyện của Hearn giống như tài nghệ của một kataribe (người kể chuyện nhà nghề) trong xã hội Nhật Bản ngày xưa, biết cách bắt nắm kỹ thuật gìn giữ và phát huy một di sản văn hóa sắp sửa tàn lụi.

Người lạ mặt hiện ra từ đáy chén trà (In the cup of tea)
Người lạ mặt hiện ra từ đáy chén trà (In the cup of tea)

Nếu thời gian đầu ở Nhật, Hearn tập trung sức lực vào văn chương du ký như trong Glimpses of Unfamiliar Japan thì trong giai đoạn sau, ông dành thời gian để làm sống lại những truyện truyền kỳ qua Kwaidan. Quá trình của ông đi từ quan sát ngoại giới bước qua trầm tư nội tâm, từ những cuộc du hành để hiểu đất nước, cảnh vật, phong tục tập quán rồi chuyển qua việc tìm hiểu tâm hồn, cuộc sống tinh thần của con người trong bối cảnh xã hội đó. Tóm lại, ông đã di hành từ một chủ đề, một quan điểm này sang một chủ đề, một quan điểm khác. Nếu trong tác phẩm trước, ông miêu tả lại những con người sống thực, những đền chùa lầu gác, nghĩa là giao lưu với ngoại giới thì trong tác phẩm sau, đối tượng của ông toàn là kẻ chết, thần thánh, hồn ma và yêu quái, và như thế, ông hướng về thế giới nội tâm của mình. Phải chăng nhờ bước ngoặc này mà Hearn đã có thể chữa lành những vết thương trong tâm hồn (trauma) vốn đeo đẵng ông từ thời thơ ấu. Đọc Kwaidan, ta cảm thấy tác phẩm này giống như một thiên tự truyện vì có nhiều chi tiết đến từ động cơ cá nhân của tác giả. Những ai biết rõ tiểu sử của Hearn đều có thể phỏng đoán là nó là gì.

Hôichi dạo tì bà cho ma nghe trong nghĩa địa
Hôichi dạo tì bà cho ma nghe trong nghĩa địa. Cảnh trong phim Những Chuyện Quái Đản – Kwaidan (1964)

Sau đây là những truyện xuất hiện trong Kwaidan, ấn bản năm 1904 (chú thích NNT là truyện đã được Nguyễn Nam Trân dịch, còn QC là truyện do dịch giả Quỳnh Chi dịch và in trong Nàng Tuyết):

1- Truyện chàng Hôichi cụt tai (The story of the earless Hôichi, NNT), 2-Đôi chim uyên ương (Oshidori), 3- Truyện nàng O-Tei (The story of O-Tei), 4- Hoa anh đào của nhũ mẫu (Ubazakura, QC), 5- Đấu trí (Diplomacy, QC), 6- Tấm kính và cái chuông (Of a miroir and a bell), 7- Thực nhân quỷ (Jikininki, QC), 8- Quỷ mặt phẳng lì (Mujina), 9- Ma cà rồng (Rokuro-kubi), 10- Chôn chặt niềm riêng (A dead secret, QC), 11- Nàng Tuyết (Yuki-onna, QC), 12- Con tinh cây liễu (The story of Aoyagi), 13- Cây anh đào ngày mười sáu (Jiu-rokuzakura, QC), 14- Giấc mộng của Akinosuke (The dream of Akinosuke), 15- Đứa trẻ bạo tợn (Riki-baka), 16- Hoa hướng dương (Himawari), 17- Bồng Lai (Hôrai). Ngoài ra tập truyện còn kèm theo một phụ lục nói về những chuyện hiển linh chen lẫn thơ haiku liên quan đến các côn trùng như bướm, muỗi và kiến.
Một cuốn phim mang tên Kwaidan (Truyện kinh dị) với 4 mẩu chuyện (Mái tóc đen[27], Nàng Tuyết, Chàng Hôichi cụt tai và Trong chén trà) đã được đạo diễn Kobayashi Masaki và hãng phim Tôhô dựng lên vào năm 1964 nhưng chỉ có 2 phần về Nàng Tuyết và Hôichi cụt tai là có liên hệ trực tiếp với tập truyện Kwaidan ra đời năm 1904.

Ta thấy nội dung Kwaidan (1904) có thể coi như được viết theo 5 chủ đề:

1) Tình yêu.

2) Sự tin cậy.

3) Lời giao ước.

4) Sự đồng cảm.

5) Sự bất hợp lý

Tình yêu ở đây bao gồm tình luyến ái nam nữ, tình mẫu tử cũng như tình huynh đệ. Tin cậy và giao ước có hơi gần gũi với nhau. Nói chung, 4 chủ đề đầu tiên nhấn mạnh mối quan hệ tích cực và hợp lý với tha nhân trong khi chủ đề thứ 5 không đi chung một hướng. Ví dụ truyện Đấu trí (Wakai, Diplomacy) và Trong chén trà (Chawan no naka, In a cup of tea) [28] là 2 truyện nói lên cái bất hợp lý ấy. Chúng đều mang những yếu tố có tính phá hoại và phủ định. Tuy vậy, không những trong truyện kinh dị của Hearn, nơi các tác giả khác, chúng ta đều có thể gặp trường hợp những người lương thiện bị lừa dối hay thất bại.

Năm chủ đề của Kwaidan có lẽ gộp lại từ quan niệm sống và những giá trị đạo đức mà Hearn đề cao. Ông đã đúc kết những giá trị ấy trong các truyện kể của mình. Chủ đề “Tình yêu” phải chăng liên quan đến tình thương của ông đối với mẹ mình, “sự tin cậy” và “lời giao ước” cũng là một điều ông hết sức quan tâm vì ít nhất trong đời mình, ông đã hai lần bị phản bội. Lần đầu, hồi còn ở Anh, bà trẻ của ông bị người ta lừa đảo nên ông mất sạch số tiền đáng lẽ được thừa kế từ bà. Lần thứ hai, ở Mỹ, người bạn chung vốn mở quán ăn với ông đã cuỗm sạch số vốn kinh doanh nên quán ấy vừa mới ra đời được 21 ngày đã phải tuyên bố phá sản. Do đó, qua các câu chuyện Hearn kể lại, chúng ta thấy phảng phất đâu đó những yếu tố tự sự về cuộc đời của chính ông.

Tuy vậy, những giá trị đạo đức Hearn đem vào trong truyện không chỉ liên quan đến ông mà thôi. Đó cũng là những giá trị phổ quát dù là ở phương Đông hay phương Tây mà người Anh, người Pháp, người Đức hay người Trung Hoa đều có thể hiểu được.

Cốt truyện của Kwaidan đến từ những thư tịch bà Setsuko tìm ra ở những tiệm sách cũ trong khu Kanda ở Tokyo. Bà đọc cho ông nghe và ông đã chọn lựa những chuyện phù hợp với độc giả của mình để cho tất cả, dù là người Nhật hay ngoại quốc, đều thấy hay và cảm động. (Theo nguồn tin của giáo sư Ikeda Masayuki, ở Ai-Len cũng có một câu truyện nội dung giống như Mujina). Có thể nói điều này tượng trưng cho tính phổ quát, nhân loại của văn chương ” truyện cũ viết lại” dưới ngòi bút Lafcadio Hearn.

Nàng Tuyết (Yuki Onna): Hình tượng người đàn bà muôn thuở

Tính cách tự truyện của Kwaidan có thể tìm thấy qua nhiều ví dụ. Trước tiên là truyện Mujina nói trên. Ngày nhỏ, “người chị họ tên Jane” (cousin Jane) vì quá sùng đạo nên mắng nhiếc ông đã làm cho ông ghét lây cả đạo Công giáo của cô và khiến ông không còn muốn nhìn mặt cô nữa. Một buổi chiều trời chạng vạng, khi gặp lại người chị ấy (thực ra bà chị đã chết mà ông không biết), ông chỉ thấy cô ta có khuôn mặt phẳng lì (nopperabô) như mặt con quái Mujina. Cũng vậy, khi viết về Hôichi cụt tai có khả năng giao lưu với những hồn ma của vong linh tập đoàn Heike, Hearn phải chăng đang vẽ chân dung cái con người thích tiếp xúc với cõi âm là mình. Rồi khi có một một nhân vật nữ nào hiện ra trong tác phẩm thì người ấy thường phảng phất hình bóng bà Rosa, mẫu thân ông.Ta thấy đó là hình ảnh người phụ nữ đột ngột bỏ chồng, bỏ con ra đi như sương khói. Nàng Tuyết (Yuki.onna, The Snow Woman) hay Aoyagi trong Con tinh cây liễu (Aoyagi Monogatari, The story of Aoyagi) đều như thế cả. Cả hai đã hành động giống bà Rosa cái ngày bà để cậu Lafcadio lại Dublin để về quê hương Hy Lạp một mình.

Nói về Nàng Tuyết thì Hearn đã mượn mô típ “hôn nhân khác loài” trong truyện dân gian. Nàng Tuyết là con tinh sinh ra từ tuyết, đã lấy một chàng trai trần gian nhưng bị phản bội để lộ tông tích, đành phải trở về thế giới bên kia. Nhân vì câu chuyện này đã quá phổ biến ở Nhật nên người Nhật ít có ai lấy làm ngạc nhiên khi họ thấy tác giả nhân cách hóa một hiện tượng thiên nhiên như tuyết, biến nó thành đàn bà. (Cách tưởng tượng và gán ghép này có thể thấy ở các quốc gia Tây phương nhiều hơn [29]). Riêng ở Nhật thì việc nhân cách hóa một hiện tượng thiên nhiên khá hiếm. Hơn nữa, khái niệm nữ tính (onna rashisa) trong truyền thống Nhật Bản rất đơn thuần, không phải là nữ tính đa diện thấy trong tác phẩm của Hearn. Nàng Tuyết của Hearn tuy biểu hiện sự tươi mát, màu mỡ, tĩnh lặng và bí mật nhưng cũng tượng trưng cho sự dũng mãnh,, bản chất phá hoại của thiên nhiên, hai mặt khác nhau của nữ tính ấy. Ngoài ra, ta thấy Nàng Tuyết của ông dù đã sống lâu ở cõi nhân gian mà lúc nào cũng giữ được sự đẹp đẽ, tươi nhuận, trẻ trung. Phải chăng đây là hình ảnh tổng hợp của người mẹ đã bỏ đi mà Hearn vẫn giữ mãi trong tim?

Yuki.onna trong phim Kwaidan (1964)
Yuki.onna trong phim Kwaidan (1964)

Cũng như bà Rosa chồng bỏ chồng chê, Nàng Tuyết cũng bị người chồng nuốt lời hứa để lộ tông tích của mình cho một đệ tam nhân (trong trường hợp này là chính Nàng dưới cái lốt người vợ). Khi người chồng, Minokichi, khoe là khi còn trẻ anh đã từng thấy được Con tinh của Tuyết (mà ai đã thấy là phải chết) thì nàng đột ngột thay đổi thái độ vì thấy mình vừa bị phản bội. Nàng trở thành hung hãn và chực giết cả chồng. Như từng thấy trong những truyện truyền kỳ khác, anh chồng đã phạm vào điều cấm kỵ (taboo) là không được tiết lộ về một điều gì mình không có quyền tiết lộ. Nơi đây, Nàng Tuyết đã biểu lộ mặt trái của nữ tính là tàn phá, đạp đổ một khi đã mang lòng thù hận. Nàng bị lộ chân tướng, dù đau khổ, buộc lòng phải tìm về thế giới của nàng cũng như bà Rosa Kassimatti bỏ con để về quê hương Hy Lạp. Hearn đã tả lại tâm tình đó trong đoạn văn sau (do Quỳnh Chi dịch):

Ô-Yuki bỗng đặt đồ khâu xuống, đứng vùng lên, khom người cúi xuống Minokichi đang ngồi, mà nói như thét vào mặt chàng:

– Người đó chính là ta, là Ô-Yuki đây. Ta đã dặn ngươi rằng ta sẽ giết ngươi nếu ngươi kể cho ai nghe một câu nào về điều đó rồi mà. Nhưng vì các con, ta tạm tha chết cho ngươi. Ngươi phải hết lòng lo nuôi nấng các con. Nếu có đứa nào kêu ca điều gì về ngươi thì ngươi biết tay ta.

Tuy là nàng đang nói như thét, nhưng giọng nàng vẫn mơ hồ như tiếng gió thoảng qua. Thế rồi nàng tan vào làn sương trắng sáng loá đang cuốn lên chiếc xà ngang trên mái nhà, và theo ống khói luồn ra khỏi nhà. Từ đó không ai còn gặp lại nàng nữa.. 

Rốt cuộc, Nàng Tuyết đã không nỡ giết Minokichi, người chồng, cũng như các con trước khi bỏ đi. Nàng đã trở thành một con yêu tinh bị dằn vặt đau khổ và đầy…nhân tính. Tính luân lý và sự bi thương trong đó thể hiện được đặc sắc của văn chương Hearn. Điều đó cho thấy những mẩu chuyện kinh dị tập hợp lại trong Kwaidan không phải với mục đích làm cho người ta sợ hãi mà chỉ để nói lên cái lo âu, sự cô độc, nỗi buồn và tình yêu…, những tình cảm căn bản tiềm tàng trong cuộc sống con người. Tuy độc giả nhận ra ở đây tính tàn nhẫn đáng sợ trong hành động của ma quỷ yêu tinh nhưng đồng thời cũng cảm thấy trong lối hành xử của những yêu tinh như Nàng Tuyết có cái gì hiện thực và bức bách làm cho mình phải xúc động mạnh mẽ.

Thế giới vạn vật hữu linh trong “Con tinh cây liễu”

Cũng vậy, trong khi đề cập đến tình yêu, tư tưởng “vạn vật hữu linh” (animism) trong “Con tinh cây liễu” (The story of Aoyagi, Aoyagi Monogatari) đã là phương tiện để thể hiện được chủ đề đó một cách trọn vẹn hơn cả.Trong câu chuyện này, Hearn đã mô tả cuộc đời của con tinh cây liễu. Tinh linh ấy đã hóa thân thành một người đẹp, quen biết rồi lấy một chàng trai ở cõi nhân gian làm chồng, có con rồi sau đó là tử biệt. Đồng thời, qua đó, tác giả đã kết án một xã hội chỉ biết nghĩ đến lợi lộc. Họ đã đốn đi không chút tiếc thương một cây liễu lâu năm. Đó là một hành động phá hoại thiên nhiên vô ý thức. Qua tác phẩm này, với cái chết của vai chính là Aoyagi (Thanh Liễu), Hearn đã phê phán xã hội ích kỷ đó.

Xuất xứ của truyện Con tinh cây liễu là chương nhan đề Ryuujô reiyô (Liễu tình linh yêu) trong quyển 3 của Tama.sudare (Rèm ngọc, 1704), một tập truyện ma quái có kèm theo tranh vẽ của Tsujidô Hifuushi đời Edo. Khi nhân cách hóa cây liễu để biến nó thành một người đàn bà, Hearn đã theo lối tưởng tượng kiểu Tây phương như ông đã làm trong Nàng Tuyết.

Trong tác phẩm này, cũng như trong phần cuối truyện của Nàng Tuyết, Hearn đã miêu tả với tất cả lòng xót thương những lời trối trăng của Aoyagi khi cây liễu tạo nên hình nàng đang bị người ta nhẫn tâm chặt đi.

Xin chàng hãy tha thứ cho em đã gào khóc loạn lên như thế này. Cũng chỉ vì đột nhiên, em cảm thấy đau như xé!

Chàng ơi, chuyện vợ chồng chúng mình gặp gỡ nhau là duyên tiền định từ kiếp trước đấy.Thôi thì cái duyên này, em xin hẹn chàng ở một kiếp lai sinh. Còn như trong cuộc đời này thì xin cắt đứt từ đây.Giờ vĩnh biệt đã đến rồi chàng ạ!…

Em xin chàng hãy niệm Phật cho em. Em biết mình sắp chết.

Tomotada kinh hoảng:

-Đừng nói bậy nào. Có lẽ em không được khoẻ trong người. Nằm xuống nghỉ một chút thì sẽ đỡ ra thôi mà.

Aoyagi trả lời:

-Không đâu chàng ạ! Em chết mất. Em không nói như thế vì hốt hoảng đâu. Em hoàn toàn ý thức lời mình nói. Có tìm cách dấu diếm cũng không được việc gì. Thực ra em không phải loài người nhưng là tinh linh cây cỏ. Hồn em là hồn cây cỏ. Tinh linh cây liễu là bản mệnh của em.

Ngay lúc này đây đang có kẻ tàn nhẫn chực đốn thân cây nơi em ngụ. Cho nên em phải chết. Em không còn có sức để mà than khóc nữa rồi.

Chàng hay mau mắn niệm Phật cho em.Mau đi, mau! Ôi chao!

-Sau khi Aoyagi bật ra tiếng than ra chiều đau đớn khổ sở, nàng gục cái gáy xinh đẹp của mình xuống một bên vai, muốn lấy ống tay áo che khuôn mặt.Tuy nhiên vừa dợm làm như thế thì thân thể nàng chợt xiêu xiêu dần, mất thăng bằng rồi ngã xuống sàn như một thân cây đổ và từ từ khuất dưới mặt sàn.

Tomotada bật dậy định vực người vợ lên nhưng tay anh như chụp vào khoảng không. Cái trơ lại trên mặt chiếu chỉ là bộ kimono xinh đẹp của Aoyagi và một số đồ trang sức mà nàng vẫn cài trên mái tóc kiều diễm. Còn như thân thể của nàng thì không biết đã biến đi đâu.

Nàng Tuyết biến thành làn sương trắng lung linh bay lên rường nhà rồi bay mất như khói nhẹ tan trong không gian. Nàng Liễu thì biến mất dưới mặt sàn và không lưu lại hình ảnh, còn chăng là áo xống, trâm thoa. Dù là Nàng Tuyết (Yuki.onna) hay Nàng Liễu (Aoyagi), đối với Hearn họ nào có khác bà mẹ ruột yêu dấu gần gũi bên mình ông một ngày bỗng bỏ đi biệt tăm.Trải nghiệm thương đau của thời niên thiếu đó bao lần sẽ là nốt chủ âm (keynote) của văn chương ông, văn chương của sự đánh mất đối tượng.

Giáo sư Ikeda Masayuki cho biết mỗi lần đợc truyện Con tinh cây liễu, ông không thể nào không liên tưởng tới những cây tuyết tùng (sugi) trong khuôn viên Kobudera bị người ta đốn ngã. Kobudera là tên cúng cơm của ngôi chùa Jishôin Enyuuji (Tự chứng viện Viên dung tự) ở xóm Tomihisa khu Ichigaya (Tôkyô) không xa nơi trú ngụ của Hearn là mấy. Vào những buổi chiều Hearn thường tản bộ dưới những tàng cây tuyết tùng cổ kính đó. Có thể nói là lúc ông không có nhà hay đi dạy, chỉ cần ra chùa Kobudera là thấy ngay. Kobudera đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của Hearn. Nó như một chốn ẩn dật đã đem đến cho ông sự thư giãn cần thiết giữa Tokyo đô hội.

Thế nhưng về sau người ta đã chặt hàng cổ thụ xanh tốt đó, hết cây này đến cây khác.Theo lời kể thì hòa thượng trẻ mới đến trụ trì thay cho vị lão hòa thượng bạn ông, vì thiếu ngân sách nên đã cho phép chặt cây. Hearn mất chỗ để tản bộ và trầm mặc và trong lòng, ông không bao giờ tha thứ sự phá hoại thiên nhiên ấy. Có lần Hearn đã lên tiếng xin mua cuộc đất nói trên để tránh cho cây khỏi bị chặt nhưng người ta không thèm đáp lời ông.

Sự kiện đốn cây đã xảy ra vào năm 1901 còn Hearn viết truyện Con tinh cây liễu vào năm 1903 trước khi đặt nó vào tập Kwaidan (1904) nên người ta thấy có nhiều sác xuất là việc chặt cây và viết truyện đi đôi với nhau.

Có lẽ qua việc viết Con tinh cây liễu, Hearn đã muốn trở về với chủ thuyết vạn tượng hữu linh (animism), dùng nó như một vũ khí để phê phán xã hội cận đại. Nỗi buồn và sự uất ức trước cảnh cây xanh bị chặt có thể là yếu tố cấu tạo của truyện Con tinh cây liễu này. Hearn đã muốn thác ngụ vào câu truyện ấy một “thông điệp bảo vệ môi trường” đến bọn hậu sinh như chúng ta chăng?

Matsue và Izumo: từ trường của trí tưởng tượng

Tuy việc viết Kwaidan là một hành động giúp Hearn nhìn lại nội tâm và chữa lành vết thương thời niên thiếu của riêng ông nhưng Kwaidan cũng đã giúp cho độc giả đạt được những tình cảm tương tự. Thực vậy, sống ở trên đời, ai ai cũng đều có những nỗi khổ tâm, những mối hận lòng. Chúng ta thấy rằng qua những câu truyện kinh dị, Kwaidan tiềm ẩn một sức mạnh bí mật chia sẻ được cho độc giả của nó. Độc giả của Kwaidan có thể chữa lành vết thương trong tâm hồn mình, phục hồi sức lực và lên đường chiến đấu trở lại.

Thế nhưng, làm sao Hearn đã có thể viết được một tác phẩm hay như Kwaidan? Lý do trước tiên là con người của Hearn – từ nhiều năm mang theo một tình cảm mất mát lúc sống ở Âu châu và ở Mỹ – đã tìm được trên đất Nhật người bạn đường tốt đem đến hạnh phúc cho ông. Sau khi rời Matsue, Hearn sống ở Kumamoto, Kobe rồi cuối cùng trở thành giảng sư Đại học Đế quốc Tôkyô (Todai ngày nay), định cư ở vùng thủ đô cho đến cuối đời. Tuy cuộc sống không bình lặng như ta tưởng nhưng bên bà Setsuko và 4 người con, Hearn đã có những năm tháng hạnh phúc. Niềm vui gia đình đã làm ông quên được một tuổi thơ đầy bão tố và tuổi thanh niên trải qua nhiều lừa đảo làm ông mất lòng tin ở con người. Vai trò của phu nhân Setsuko ở đây có tính quyết định.

Mộ của Hearn: chết như một người Nhật
Mộ của Hearn: chết như một người Nhật

Vì thế, Kwaidan tuy là một tập truyện kinh dị, đầy dẫy yêu ma nhưng thế giới miêu tả trong đó lại hết sức trong sáng. Cách hành văn tiếng Anh của Kwaidan giản lược và ít tu sức hơn so với Glimpses of Unfamiliar Japan. Hearn dần dần được giải phóng khỏi lối viết kỹ xảo, tô chuốt ngày trước, trung thành hơn với nội dung các mẩu chuyện được bà Setsuko kể lại bằng ngôn ngữ đời thường.

Thêm một lý do để cho một tác phẩm danh tiếng như Kwaidan có thể thành hình là sự tồn tại của linh vực Matsue và Izumo. Đây là một không gian thần thánh mà tín ngưỡng có mặt khắp nơi trong cuộc sống mỗi người. Hearn lại là một “linh môi”có thể giao tiếp với thế giới bên kia nên thành phố Matsue và vùng Izumo chung quanh là mảnh đất lý tưởng đối với ông.Đây cũng là nơi ông tiếp xúc được với cái đẹp Nhật Bản và tính chân thực của con người Nhật Bản. Kwaidan đã đưa tên tuổi của Hearn vào lịch sử văn học nhưng cũng là tác phẩm tôn vinh di sản văn hóa tinh thần của Izumo.

Tuy Hearn chỉ sống ở Matsue có 1 năm 3 tháng nhưng từ ngày đó về sau, Matsue và Izumo đối với ông vẫn là một thế giới lý tưởng tuy không bao giờ ông trở lại sống nơi đó nữa. Có phải chăng chính vì vậy mà mảnh đất ấy mới trở thành suối nguồn của trí tưởng tượng cho việc sáng tác. Nếu tiếp tục sống ở Matsue, chưa chắc Kwaidan có thể ra đời! Chính sự xa cách đẻ ra trí tưởng tượng. Rời khỏi Matsue và Izumo rồi, lần đầu tiên hai nơi đó mới trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho Hearn. Cách nói này có vẻ nghịch lý nhưng trong trường hợp của Hearn thì không hẳn thiếu khả năng. Khoảng cách địa lý vừa nẩy sinh ra một khoảng cách tinh thần (detachment) đồng thời với một tình cảm qui thuộc (belonging) và người sáng tác thường tìm ra từ nơi mình vừa bỏ ra đi, một từ trường cảm hứng (inspiration) lớn hơn bao giờ hết.

Tấm lòng rộng mở và nhân cách đa căn cước

Chúng ta vừa bàn về ý nghĩa của khoảng cách trong quá trình sáng tác của Hearn. Cuối cùng, thử xem chúng ta có thể học hỏi được điều gì khác hơn nữa qua nhân cách ông.

Giáo sư Ikeda Masayuki đặc biệt nhấn mạnh “tấm lòng rộng mở” (open mind) và “nhân cách đa căn cước” (multi-identity) tìm thấy nơi ông. Tấm lòng rộng mở là thái độ không kép kín, biết chấp nhận người khác. Vào thời của Hearn, liệt cường Âu châu đang phô trương sức mạnh, những ai có “tấm lòng rộng mở” là người biết nhìn văn hoá của một nhóm thiểu số không chút thiên kiến như ông vậy. Trước tiên, người ấy biết để giác quan mình được thoải mái trong khi tiếp xúc với tha nhân, hai là có một ánh mắt nhân hậu hướng về đối tượng. Hearn chẳng hạn, dù là đứng trước những gì nhỏ bé như một nền văn hoá thiểu số, trước đám trẻ con hay ngay cả động thực vật, không hề phân biệt và luôn luôn ân cần. Ba là biết đồng cảm và hoà mục với người khác. Khi gặp gỡ một nền văn hoá xa lạ đối với ông như văn hoá Nhật Bản, qua sự giao cảm với cõi u huyền (ghostly), Hearn đã biết để lòng mình cùng rung động với họ để đi đến một sự đồng cảm và hòa hợp.

Đứng ở vị thế đó, hình như Hearn đã gửi đến chúng ta một số thông điệp. Ví dụ trước câu hỏi “Làm cách nào để tiếp cận một nền văn hoá khác?” thì ông khuyên chúng ta hãy để ngỏ cửa lòng và xem việc sống chung với nhau (cộng sinh, co-existence) như một điều thiết yếu. Phải sống vượt lên mọi rào cản quốc gia, dân tộc. Không những sống chung giữa con người nhưng sống chung cả với mọi loài động cũng như thực vật. Văn chương của Hearn đã sửa soạn sẵn cho chúng ta một cách nhìn về khả năng sống chung đó.

Ngoài ra, phải nói Hearn là người có một nhân cách đa dạng và đa tầng. Ông là một người “đa căn cước” (multi-identity). Ông từng cho rằng “lên đường du lịch là tạo ra cơ hội khám phá chính mình”. Trên thực tế, ông đã đặt chân lên nhiều vùng đất và nơi đâu cũng biết hòa mình vào trong xã hội ở đó. Ngày còn trẻ, ông đã được đặt cho danh hiệu “Cameleon Lafcadio” ý nói ông giống như một con kỳ đà hay đột ngột thay đổi màu sắc. Tuy nhiên thay đổi như ông chỉ là sống theo một bản năng tự vệ, nó giúp ông tránh mọi va chạm để chung đụng được với bất cứ ai.

Căn cước của Hearn không có tính nhất nguyên. Một gã con lai mang hai dòng máu Ai-Len và Hy Lạp như ông, có mù mờ về căn cước thì cũng là một chi tiết chẳng đáng bàn tới. Tuy nhiên nhờ đó ông lại có khả năng biến hoá để hòa hợp trong bất luận xã hội nào, dù là Ai-Len, Hy Lạp, Anh, Mỹ hay Nhật Bản. Nói cách khác, Hearn không thể tự hạn chế mình trong một căn cước duy nhất.

Như vậy, đối với căn cước lưu động, đa nguyên của Hearn thì căn cước của chúng ta thường là cố định, nhất nguyên. Điều đó thúc bách chúng ta phải thẩm tra lại về mình. Vì sao?

Thế kỷ 20 là thế kỷ của thế giới lưỡng cực, của chiến tranh lạnh. Bức tường Đông Tây nay đã sụp đổ, chúng ta đang sống trong thời kỳ đầu của thế kỷ 21 với một thế giới đa cực hoá. Sự đối lập càng phức tạp, phân tranh xảy ra ở mọi nơi. Chúng ta phải có một “tấm lòng” như thế nào? Phải chăng câu trả lời đã nằm sẳn trong cách sống “đa căn cước” của Hearn?

Hearn, con người phiêu bạt đầy tính nhân văn
Hearn, con người phiêu bạt đầy tính nhân văn

Hearn giống như một kẻ phiêu lưu và một công dân thế giới (cosmopolitan) cho nên trong tâm hồn ông có vô số kênh (multi-channels) ăn thông giữa các nền văn hoá. Riêng người Nhật vào thời Meiji thì họ muốn mau mở mang để có thể chạy đua với liệt cường, chóng thành quốc gia hàng đầu, đã tự khép mình trong một căn cước nhất nguyên. Người Nhật từ nay cần tạo ra nhiều kênh khác, phải tiếp xúc với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Trung Đông … thì mới mở rộng tầm nhìn văn hoá của mình.

Không phải ai cũng có điều kiện như Hearn là thừa hưởng hai dòng máu trong người rồi còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá. Thế nhưng trong một thời đại quốc tế hoá, ai cũng có thể nuôi dưỡng nơi mình sự hiểu biết và ý thức về một khả năng đa căn cước. Đọc Hearn cũng như tìm hiểu về cuộc đời Hearn chính là tạo ra cơ hội để thông cảm với những người đa căn cước và mang về cho mình một thế giới quan khai phóng hơn.

Biên dịch xong tại Tôkyô ngày 29 tháng 6 năm 2016
Nguyễn Nam Trân

Thư Mục Tham Khảo:

1) Ikeda Masayuki, 7/2015, Nihon no omokage (Glimpses of Unfamiliar Japan của Koizumi Yakumo), NHK Telebi Tekisuto, NHK, Tokyo, xuất bản.

2) Lafcadio Hearn, 1894, Glimpses of Unfamiliar Japan, Tuttle Co, Tokyo, Rutland, Vermont, Singapore, xuất bản 2007.

3) Ikeda Masayuki dịch Lafcadio Hearn, 2000, Nihon no Omokage (Glimpses of Unfamiliar Japan) hai tập I và II, Kadokawa Bunko, Kadokawa xuất bản.Tái bản lần thứ 18 năm 2015.

4) Nguyễn Nam Trân chủ biên, Nàng Tuyết, 2016, Tuyển tập 10 nhà văn và 2 nhà thơ Nhật Bản cận đại, Nxb Tổng Hợp, TPHCM (phần nói về Lafcadio Hearn của NNT và QC).

Chú thích :

[1] – Ám chỉ các cô hầu gái làm việc trong phủ đệ các nhà quí tộc hay quan lại.Khác với các tiểu thư con quan kín cổng cao tường, họ thường ra bên ngoài để chạy việc.

[2] – Xin xem bản dịch của Nguyễn Nam Trân trong Vườn Cúc Mùa Thu, Nxb Trẻ, năm 2007.

[3] – Xin xem bản dịch của Quỳnh Chi trong Nàng Tuyết, Nxb Tổng Hợp TPHCM, năm 2016.

[4] – Hattori Ichizô (1851-1929), sĩ tộc phiên Chôshuu (tỉnh Yamaguchi), từng du học ở Mỹ. Sau làm ở Bộ Giáo Dục Nhật rồi Khoa trưởng Luật khoa Đại Học Tôkyô, nghị sĩ Quý Tộc Viện.

[5] – Basil Hall Chamberlain (1850-1935), nhà ngôn ngữ học ngưới Anh. Đến Nhật năm 1873, dạy ở Khoa Văn Đại học Đông Kinh. Đã đem khoa Ngữ học vào đất Nhật. Năm 1890, có viết “Things Japanese” (Những điều nghe thấy về Nhật Bản). Ở lại nước này đến năm 1911.

[6] – Sinh năm 1946, giáo sư Đại học Waseda và Giám đốc cơ sở nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá quốc tế của đại học này. Lafcadio Hearn là một chủ đề nghiên cứu sâu của ông.

[7] – Hearn cũng cho biết một quan chức ở Izumo đã giải thích với ông rằng tục vỗ tay (kashiwade) để chào như thế cũng có nơi Thần đạo và đã chép trong Kojiki.

[8] – Ernest Satow ( 1843-1929), nhà ngoại giao người Anh, có tên Nhật là Satô Ainosuke. Đã hai lần đến Nhật giữ chức vụ Công Sứ ở Tòa Lãnh Sự Anh.Nghiên cứu về Nhật Bản và Đông Phương. Để lại nhiều trước tác, trong đó có “Cuộc Duy Tân thời Meiji dưới mắt một nhà ngoại giao”.

[9] – Tiếng chào Ohisama (Ngài Mặt Trời) được Hearn ghi lại là Kon.nichi-sama! (Cảm ơn Ngài đã cho chúng tôi ánh mặt trời để có thế giới đẹp đẽ như thế này). Từ đây ta không thể không liên tưởng tới tiếng chào buổi sáng và trong ngày của người Nhật ngày nay là Kon.nichi wa vì hi và nichi đều là cách đọc của cùng một chữ Hán.

[10] – Chu Mạnh Trinh từng viết: Chim cúng trái, cá nghe kinh!

[11] – Không cần đợi đến xen (scene) tap dance của đạo diễn Kitano Takeshi trong một cuốn phim gần đây.

[12] – Starch syrup. Nơi khác dịch là Caramel Candy. Có thể là có hai loại (theo British Britannica)

[13] – Izumo Taisha còn được gọi là Kitzuki Taisha vì nằm ở phiá đông Kitzuki tỉnh Shimane. Nơi đây thờ Ôkuninushi no Mikoto và là đền thần đạo tối cổ của Nhật. Kiến trúc hiện có chỉ được xây nên từ năm 1744 mà thôi.

[14] – Theo truyền thuyết, một lôi thần trên Cánh Đồng Trời (Takamanohara, nơi cư trú của Amaterasu, nữ thần Thái Dương, tổ tiên các thiên hoàng hiện tại, ước định là ở miền Nam đảo Kyuushuu)) đã được cử đến đây để gây sức ép, buộc Ôkuninushi no Mikoto, chủ nhân của Cánh Đồng Lau (Ashihara ni Nakatsukuni, địa phương Izumo, phía Tây đảo Honshuu), phải nhường đất nước của mình để đổi lấy sự an toàn và dinh thự đẹp đẽ.

[15] – Tác phẩm chủ yếu của nhà văn Shiba Ryôtarô (1923-1996) phản ánh cách nhìn lịch sử nhu nhuyển của ông thông qua những công phu thu thập sử liệu và những chuyến đi quan sát.

[16] – Thoạt đầu là một lời khấn trước đền thần, sau phát triển ra thành một loại hình văn học như tụng thần ca.

[17] – Triết gia và nhà xã hội học người Anh Herbert Spencer (1820-1903), chịu ảnh hưởng Darwin và bàn nhiều về xã hội tiến hoá luận. Ảnh hưởng lớn lên tư tưởng thời Meiji.

[18] – Perceval Lowell (1855-1916), nhà nghiên cứu người Mỹ, đã đến Nhật 5 lần, viết Tâm hồn của Cực Đông (1888) với tiền đề là sự phát triển của cá tính vốn song hành với sự phát triển trong đời sống tinh thần của một dân tộc. Đó là lối suy nghĩ rất phổ biến ở Tây phương vào thời cận đại. Tương truyền Hearn đã đọc bài báo của Lowell trên Atlantic Monhthly và nhờ đó bắt đầu quan tâm đến nước Nhật.

[19] – Đã được dịch sang tiếng Việt bởi Đinh văn Phước trong Vườn Cúc Mùa Thu và Quỳnh Chi trong Nàng Tuyết.

[20] – Về hai tác phẩm này, chúng tôi chưa tìm ra nhan đề gốc bằng tiếng Anh. Riêng tập thứ hai có thể là Some Chinese Ghosts?

[21] – Kwaidan là tựa tiếng Anh, viết theo chữ Hán là Quái đàm (Truyện kinh dị). Người Nhật hiện đại đọc là Kaidan vì âm cổ Kwa như Qu của Việt Nam ngày nay họ không còn phát âm được nữa.

[22] – Anh em ông Grimm trong khoảng 1812-57 đã tái tạo truyện cổ và truyền ký của Đức trong đó nổi tiếng nhất là Cô bé quàng khăn đỏ, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Cô bé Lọ Lem…

[23] – Nhà văn và nhà thơ Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-75) đã để lại khoảng 150 truyện nhi đồng trong đó có Nàng tiên cá, Con vịt xấu xí và Công chúa bé như ngón tay cái.

[24] – Nhà văn Akutagawa Ryuunosuke đã đăng nhiều truyện nhi đồng trên Tạp chí Akai Tori (Con chim đỏ) như Đỗ Tử Xuân phỏng theo truyền kỳ đời Đường. Ông cũng đã viết lại Rashômon (1915) từ Konjaku Monogatari của thời Heian. Rashômon đã được Quỳnh Chi dịch và in trong Trinh Tiết, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2006.

[25] – Nakajima Atsushi (1909-42) là tác giả Gào trăng trong núi (Sơn nguyệt ký) phỏng theo truyền kỳ đời Đường. Xem bản dịch của Nguyễn Nam Trân trong Vườn cúc mùa thu, nhà xuất bản Trẻ, TP HCM, 2007..

[26] – Theo lời tựa đề cho Kwaidan năm 1904, Hearn cho biết ông đã dựa váo tư liệu từ các tác phẩm Nhật Bản cổ điển như Yaso kidan, Bukkyô hyakuwa zensho, Kokon Chumonjuu, Tama Sudare, Hyakumon-gatari). Tuy nhiên The dream of Akinosuke viết theo truyền kỳ Trung Quốc (Giấc mộng Nam Kha). Ngoài ra, The Snow Womman (Yuki Onna) là truyện được một người nông dân ở làng Nishitama, thuộc Chôfu (Chiba) kể lại và Riki Baka đến từ kinh nghiệm cá nhân ông.

[27] – Mái tóc đen (Kurokami) có nội dung tương tự truyện Ngôi nhà trong lùm sậy (Asaji ga yado) của Ueda Akinari ( xem Ugetsu Monogatari, 1768).

[28] – Hai truyện Đấu trí và Trong chén trà đều đã được Quỳnh Chi dịch và đăng trong Nàng Tuyết, nhà xuất bản Tổng Hợp TP HCM, 2016. Trong chén trà không thuộc nội dung Kwaidan ra đời năm 1904, nó đã được đăng trong Kottô: Curious, with Sundry Cobwebs (1902).

[29] – Thực ra ở Việt Nam trường hợp này cũng rất phổ biến như khi ta nói ông Thiên Lôi, bà Hỏa …

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment