Văn Hóa Nhật

Phong cách điêu khắc Nhật Bản qua tượng Phật các thời kỳ

Tượng Phật là chủ đề nổi bật của giới điêu khắc gia Nhật Bản qua các thời kỳ. Đặc điểm Nhật Bản thể hiện rất rõ qua phong cách điêu khắc của họ. Cùng tìm hiểu qua bài khảo cứu của tác giả Nguyễn Nam Trân

Daibutsu lộ thiên ở Hase (Kamakura)
1 view

Daibutsu lộ thiên ở Hase (Kamakura)

Biên soạn : Nguyễn Nam Trân

Tượng Phật đã ra đời trong hoàn cảnh nào?

Tượng Phật (Butsuzô) là hình tượng dùng để miêu tả chư Phật. Ngoài Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật sống thực, từng có mặt trên cõi đời này, còn có những vị Phật khác được biết đến trong hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại Thừa chẳng hạn Phật Di Lặc, Phật A Di Đà…

Trên thực tế thì tượng Phật không chỉ liên quan đến các vị Phật mà cả các Bồ Tát, Thiên Bộ, Minh Vương, La Hán và Tổ Sư…Như thế, danh xưng “tượng Phật” chỉ là để tổng quát hóa các loại hình tượng trong Phật giáo. Theo nghĩa rộng, các bức họa đỉnh tướng, bình phong, tranh cuộn, trang nghiêm cụ (dụng cụ có tính thiêng liêng dùng để hành lễ) cũng có thể được kể vào loại này nhưng theo nghĩa hẹp thì nó chỉ liên quan đến các tác phẩm điêu khắc với các vật liệu như kim loại, đất đá, gỗ, thạch cao, giấy bồi.

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, ngài không hề nghĩ đến việc người đời sau tạc tượng để thờ mình. Ngài từng dạy “Tự đăng minh, Pháp đăng minh” xem đối tượng tu hành là bản thân, là đạo pháp chứ không có gì khác. Các đệ tử trực tiếp của ngài tuy cảm thấy mất mát và hụt hẫng khi nhục thân tôn sư không còn nữa nhưng họ không nghĩ đến việc phải tạc tượng để duy trì hình ảnh vị thầy yêu kính. Các vị tăng tu theo giáo lý nguyên thủy cũng cùng chung quan điểm. Họ xem việc quán triệt triết lý Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên mới là cơ sở của sự tu hành. Ngay cả trên đất nước Ấn Độ, nơi đạo Bà La Môn là tôn giáo chính, tuy có chuộng nghi lễ nhưng đạo này và lục sư ngoại đạo không chủ trương phải nương tựa vào các tôn tượng. Thế thì tại sao ngày nay, ở đâu ta cũng thấy có tượng Phật được chế tác bằng nhiều thứ vật liệu khác nhau và dưới mọi vị thế đứng, nằm, ngồi thẳng, ngồi gác chân (bán già)…?

Trước tiên, có thể nói nguyên do của sự xuất hiện các tượng Phật là (1) sự phát triển của Phật giáo Đại thừa và (2) ảnh hưởng của tập quán cúng tế các tôn tượng đến từ Nam Âu và Tiểu Á.

(1) Cơ bản của Phật giáo Đại thừa là tín đồ. Khi qui tụ với nhau, những người này thấy cần có một mái nhà (ấy là chùa chiền) và đặt một số tượng để vật thể hóa một lòng tin trừu tượng. Các tín hữu không phải là triết gia mà chỉ là con người bình thường nên họ chờ đợi một vật gì cụ thể để có thể tập trung sự suy nghĩ của mình. Ban đầu, khi chưa làm ra tượng thì những vật ấy là tháp cúng dường (các stupa đã có sẳn trong truyền thống Ấn Độ), di hài của Phật (tóc, móng tay, tro cốt = xá lợi), dấu chân (Phật túc tích) hay hình tượng bánh xe đạo pháp (pháp luân). Thế nhưng về sau, vào khoảng thế kỷ thứ 1, người ta khám phá ra rằng tại khu vực Gandhara (Tây Bắc Ấn, nay là Pakistan) và Mathura (Bắc Ấn, nay là Pakistan) đột nhiên đã có vô số tượng Phật được kiến tạo. Riêng câu hỏi giữa Gandhâra và Mathura, đâu là nơi đã làm ra tượng Phật trước tiên thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra câu trả lời dứt khoát.

(2) Gandhâra là nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp (Hellenism). Do đó các tượng Phật làm ra ở đây có phong cách Hy lạp. Đặc điểm của các tượng Phật ở Gandhâra là có một điểm trắng trên trán giữa hai hàng lông mày (miken byakugô) để phóng hào quang, sau lưng lại có một cái đĩa tròn tượng trưng cho vầng ánh sáng đang tỏa ra. Ban đầu các tượng được đặt trong những khám thờ vây quanh một ngọn tháp, về sau người ta mới đưa chúng vào bên trong từ đường (jidô) nghĩa là một không gian khép kín dùng làm nơi thờ phượng.

Mỹ thuật của Gandhâra như thế đã đến từ phương Tây rồi truyền sang miền Đông theo con đường xuyên qua vùng Trung Á. Thực vậy, năm 330 TCN, Đại đế Alexandros III (356TCN-323 TCN) nước Macedonia hành binh qua phương Đông để chinh phục. Sau khi chiến thắng quân Ba Tư, binh đoàn của ông khống chế được Ấn Độ và đưa văn hóa Hy Lạp vào. Đến thế kỷ thứ 2 TCN thì một số tướng tá của binh đoàn không muốn về nước đã ở lại và lập ra vương triều Greco-Bactria, tiếp tục du nhập văn hóa Hy Lạp. Do đó, ta có thể xem mỹ thuật vùng Gandhâra là một sự kết hợp của hai yếu tố Hy Lạp – Ba Tư. Chẳng hạn việc sùng bái hình tượng đã đến từ Hy Lạp và việc đặt một vầng hào quang sau lưng tượng là đặc điểm của văn hóa Ba Tư. Trong các văn bia vùng Gandhâra, họ dã nhắc đến tên các vị Phật và Bồ Tát như Di Lặc, A Di Đà Như Lai và Quan Âm.

Thời kỳ mà tượng Phật bắt đầu có mặt ở nhiều nơi trên đất Ấn là hậu bán thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên. Các học giả đã đồng ý là việc này đã xảy ra dưới triều Kushâna, nhất là lúc Kanishka, ông vua đời thứ 3 và sùng Phật trị vì. Ông là người bảo hộ Phật giáo, từng cho in hình ảnh và xưng hiệu của Đức Phật trên đồng tiền của nước mình.

Về những bức tượng Phật ở Mathura thì người ta nhận xét rằng ban đầu vóc vác chúng rất vạm vỡ, thế nhưng đến triều đại Gupta thì dần dần trở nên thanh cảnh.

Đại Phật ở Pamiyan (Afghanistan (trước khi bị phá hoại) ra đời vào thế kỷ 5 hay 6
Đại Phật ở Pamiyan (Afghanistan (trước khi bị phá hoại) ra đời vào thế kỷ 5 hay 6

Các loại tượng Phật:

Như đã nói, tượng Phật gồm có 4 nhóm: tượng Như Lai, Bồ Tát, Minh Vương và Thiên Bộ. Ngoài ra còn có các tượng La Hán và Tổ Sư.

Như Lai (Nyorai):

Như Lai, người đã giác ngộ, kẻ đi về thế giới của Chân như rồi từ đó trở lại (Như khứ như lai / Như lai như khứ). Như Lai là một trong 10 danh hiệu cao quý của Phật. Về thân thể, Như Lai có 32 quý tướng 80 điềm lành cho nên khi tạc tượng, Phật sư phải làm sao thể hiện được những quí tướng đó cho dù về trang phục của các ngài thì từ trên xuống dưới chỉ là một mảnh pháp y đơn sơ. Hình tượng Như Lai còn phải được biểu lộ với các loại ấn quyết như Thí vô úy ấn, Dữ nguyện ấn, Thiền định ấn, Thuyết pháp ấn và Dung địa ấn. Gồm có những vị như sau: Thích Ca Như Lai (vị Phật duy nhất đã sống trên thế gian này), Lô Xá Na Như Lai (sống ở thế giới Liên Hoa Tạng và ngồi trên tòa sen), Dược Sư Như Lai (sống ở Đông Phương Lưu Ly Quang Tịnh Độ), A Di Đà Như Lai (sống ở Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ), Đại Nhật Như Lai (của Mật Giáo) ở núi Tu Di, tượng trưng cho chính vũ trụ.

Bồ Tát (Bosatsu):

Bồ Tát là người đi tìm sự giác ngộ và trong tương lai sẽ là một Như Lai. Bồ Tát tượng trưng cho các đức hạnh của Phật. Không bắt ấn như các Như Lai, Bồ Tát phục sức hầu như giống nhau nhưng mỗi vị đều có một bảo bối hay đặc điểm để dễ phân biệt, ví dụ Quan Âm thường cầm tịnh bình hay liên hoa. Đến khi có ảnh hưởng Mật giáo, Quan Âm còn có thể biến hóa thành Đa diện đa tý Quan Âm, Mã đầu Quan Âm, Như ý luân Quan Âm vv…phục vụ cho những mục đích thờ phượng khác nhau.

Khác với Di Lặc Bồ Tát, các Bồ Tát đều ở trong tư thế đứng (lập tượng).

Ngoài Quan Âm Bồ Tát, còn có Địa Tạng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát …là những vị bồ tát mà chúng ta thường nghe nói tới. Đặc điểm của họ là trong khi Phổ Hiền cưỡi bạch tượng 6 ngà, Văn Thù di chuyển bằng sư tử bờm xanh thì Di Lặc ngồi kiết già và trên tay cầm bảo tháp.

Minh Vương (Myôô):

Minh Vương là các tượng Phật đặc biệt thấy trong Mật giáo. Các Minh Vương được Đại Nhật Như Lai chưởng quản. Có khi Như Lai tự mình biến hóa thành Minh Vương. Nói chung, các Minh Vương đều có tướng mạo phẫn nộ, trông rất dữ dằn, ngoại trừ Khổng Tước Minh Vương cưỡi chim công là vị duy nhất có dáng vẻ bên ngoài biểu lộ lòng từ bi.

Bất Động Minh Vương (Fudô Myôô) là tượng không đáng kể cho lắm ở Ấn Độ và Trung Quốc nhưng được Nhật Bản rất trọng vọng từ khi được Đại sư Kuukai (Không Hải, 774-835) sang lục địa mang về. Bất Động đóng vai trò quan trọng trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La của Mật giáo và sau đó, tín ngưỡng Bất Động đã được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Bất Động thường được các Phật sư mô tả với mái tóc buông rủ, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm giây thừng để trói tà ma. Thường thì Bất Động sống trong lửa cho nên sau lưng luôn luôn có một đám lửa (Ca Lâu La Viêm) hừng hực cháy. Bất Động thường có hai đồng tử theo hầu hai bên nên tượng cả ba được gọi là Bất Động Tam Tôn.

Trong giáo lý Chân Ngôn (Đông Mật) thì ngoài Bất Động còn có những Minh Vương khác như Hàng Tam Thế, Quân Trà Lợi, Đại Uy Đức, Kim Cương Dạ Xoa. Họ được gọi chung là Ngũ Đại Minh Vương. Các chùa lớn ở Nhật như Tôji (Đông Tự), Daigakuji (Đại Giác Tự), Daigoji (Đề Hồ Tự) thường thờ chung cả 5.

Thiên Bộ (Tenpu):

Phật giáo đã tiếp thu hình ảnh Thiên Bộ từ các tôn giáo cổ đại của Ấn Độ. Danh xưng Thiên Bộ dành cho những thiện thần (thần làm điều lành) bảo hộ Phật pháp. Khi thì họ mặc quần áo văn quan (trường hợp Ấn Độ), khi thì mặc khôi giáp như võ tướng (trường hợp Trung Quốc) hoặc ở dưới dạng quỷ sứ.

Về Thiên Bộ, trước tiên phải nói đến Tứ Thiên Vương (Shitennô). Các vị này trên tay đều cầm vũ khí như vũ tướng. Đó là 4 vị thần hộ pháp canh giữ tứ phương núi Tu Di Sơn tức trung tâm vũ trụ. Trong tư tưởng Ấn Độ cổ truyền, người ta quan niệm là phải có kẻ canh giữ bốn góc nhà và Phật giáo đã tiếp thu ý kiến đó. Gồm có Trì Quốc Thiên (giữ phía Đông, canh phòng an ninh), Tăng Trưởng Thiên (giữ phía Nam, mang lại sự sung túc), Quảng Mục Thiên (giữ phia Tây, có nhiệm vụ quan sát và dẫn dắt), cuối cùng là Đa Văn Thiên (giữ phía Bắc, trong coi kho đụn tài sản). Vị này trên tay cầm bảo tháp, có khi được thờ riêng và lúc ấy thì mang danh hiệu là Bì Sa Môn Thiên.

Thứ đến là Bát Bộ Chúng tức 8 kẻ hầu cận Thích Ca. Gồm có: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Đạt Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Gia. Trong 8 vị này, có A Tu La là thần chiến đấu trong hệ tôn giáo Ấn Độ, trước thường xung đột dữ dội với Đế Thích Thiên nhưng sau được Đức Phật cảm hóa, cho qui y và trở thành một vị thần hộ pháp. Bức tượng A Tu La trong Bát Bộ Chúng Tượng của chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) ở Nara là một quốc bảo Nhật Bản nổi tiếng hơn cả.

Ngoài ra còn có các Kim Cương Lực Sĩ (Kongô Rikishi), họ nguyên là những cận vệ không cho ma quỷ đến gần Đức Thích Ca. Các Kim Cương Lực Sĩ bảo vệ chùa được gọi là Nhân Vương (Niô) và thường đi thành cặp bởi vì Ấn Độ trước đây, thân thể Nhân Vương (Niô) chia làm hai thân (trong chữ Nhân 仁có chữ Nhị là 2). Ban đầu tượng Nhân Vương có cầm vũ khí nhưng sau thường xuất hiện với tay không. Có hai dạng mở miệng (Agyô) và mím miệng (Ungyô). Tùy lúc mà được đặt ở cổng chùa (Nhân vương môn) hay trong điện thờ.

Hai quốc bảo chùa Hưng Phúc (Kôfukuji)

A Tu La và Thiên Thủ Quan Âm

Trong Thiên Bộ, còn phải kể đến Phạm Thiên, Đế Thích Thiên, Cát Tường Thiên và Biện Tài Thiên. Phạm Thiên (Bonten, Brahma) và Đế Thích Thiên (Taishakuten, Indra) là hai vị thần cao quí hàng đầu của Ấn giáo nên được Phật giáo xếp vào những Thiên Bộ quan trọng nhất. Cát Tường Thiên (Kichijôten) cũng là một vị thần của Ấn giáo, tượng trưng cho sắc đẹp và tài lộc. Biện Tài Thiên (Benzaiten) là hình ảnh thần cách hóa của sông ngòi trong tư tưởng Ấn Độ, được Phật giáo dùng để tượng trưng cho học vấn và trí tuệ.

Kỹ thuật chế tác các tượng Phật

Kỹ thuật chế tác tượng Phật đã được đem từ Hy Lạp qua Trung Á rồi vào đất Ấn (Nam Á). Sau đó, nó đã biến dạng và trở nên phong phú khi tiếp xúc với văn hóa của những vùng đất đi qua. Nói chung thì có những cách chế tạo với vật liệu đa dạng như đồng, đá, đất sét, sơn khô và gỗ khối hay gỗ ghép. Về chiều cao thì trước hết có những bức tượng lớn cao hàng chục thước và nặng nhiều tấn như tượng Đại Phật đục trong lòng núi đá ở Pamiyan ở Afghanistan đã bị phiến quân Hồi giáo phá hoại, Đại Phật ở chùa Tôdaiji (Nara) và Đại Phật lộ thiên ở Kamakura (Nhật Bản). Sau đến những bức tượng cực nhỏ vài mươi cm hay vài cm mà các người hành hương thường mang bên mình. Nhưng nhiều nhất thì vẫn các tượng thường có khổ trên dưới một con người bình thường.

Lược sử tượng Phật ở Nhật Bản

Trước khi có mặt ở Nhật, tượng Phật đã được những Phật sư Trung Á, Ấn Độ và Triều Tiên chế tạo. Phật sư (Busshi) là nhà điêu khắc nhưng chỉ chuyên chú vào việc sáng tác tượng Phật. Nếu việc tạc tượng Phật bắt đầu ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 1 thì đến giữa thế kỷ thứ 4 (giai doạn Ngũ Hồ Thập Lục Quốc) nó đã đi về miền Đông để đến Trung Quốc, có mặt ở các thạch động Đôn Hoàng (Cam Túc) vào hậu bán thế kỷ ấy, đến Vân Cương thạch quật (Sơn Tây) vào hậu bán thế kỷ thứ 5 và Long Môn (Hà Nam) vào cuối thế kỷ. Từ đó cho đến thế kỷ thứ 8, điêu khắc Phật giáo đã phát triển một cách mạnh mẽ chưa từng có.

Phật giáo đã đến Nhật qua ngả Triều Tiên vào hậu bán thế kỷ thứ 6 cùng với một kỹ thuật tạc tượng đã khá hoàn chỉnh.Tượng Phật đầu tiên chính thức có mặt ở Nhật là một bức tượng Phật bé khoảng 40cm do nhà vua Thánh Minh Vương (Songmyong) của tiểu quốc Bách Tế (Paekche, Kudara) trên bán đảo gửi sang biếu Thiên hoàng Kimmei (Khâm Minh, trị vì 531? 539?-571) của Nhật để kết tình giao hiếu. Thế rồi sau khi đạo Phật đã được nhà cầm quyền và người dân Nhật Bản chấp nhận, văn hóa Phật giáo bắt đầu du nhập bằng nhiều con đường vào đất Nhật qua các thời đại lịch sử như Asuka, Nara, Heian, Kamakura và Muromachi. Và khi nói đến văn hóa Phật giáo, dĩ nhiên là nói đến một phạm vi rất rộng rãi chứ không riêng gì lãnh vực điêu khắc.

Cổ đại

Những Phật sư đã xuất hiện từ xa xưa và vẫn còn hiện diện trong thời đại chúng ta. Buổi đầu, với tài năng và kỹ thuật mà các Phật sư Triều Tiên di trú mang đến, vương triều Asuka (cuối thế kỷ thứ 6 sang tiền bán thế kỷ thứ 7) đã có những bức tượng Phật đầu tiên của mình dưới thời Nữ thiên hoàng Suiko (trị vì 592-628). Nhà nghiên cứu Christine Shimizu (xem thư tịch) cho biết đặc điểm của các bức tượng làm ra lúc này đều chịu ảnh hưởng Trung Quốc của thời Tam Quốc và Lục Triều. Rõ ràng là chúng có những nét tương tự với các tượng đất ở Long Môn và Vân Cương cũng như các tượng đồng thời Bắc Ngụy. Bức tượng được xem là đầu tiên của Nhật làm ra bởi bàn tay của Tasuna – một người Triều Tiên di trú – vào năm 587. Tsuda Noritake (xem thư tịch) cho biết các tượng thời đó đã được làm bằng đồng hay bằng gỗ, đặc biệt người đương thời đã biết cách phủ lên khung rỗng bằng gỗ và đất một lớp sáp rồi lại phủ thêm một lượt đất nữa và đợi cho khô để rót đồng nung chảy vào chỗ có sáp. Sau khi chờ cho sáp tan đi và đồng nguội hẳn, họ mới chạm trỗ lên trên mặt đồng bằng những dụng cụ nhà nghề trong ngành điêu khắc.

Về các Phật sư thời Asuka, trước tiên phải kể đến Tasuna nói trên và Kuratsukuribe no Tori, con trai ông, còn được biết với tên Tori Busshi. Người sau – đúng như tên gọi – đứng đầu một tập đoàn ngành nghề (be) chế tạo (tsukuri) yên ngựa (kura) nên thông thạo một lượt các kỹ thuật đúc đồng, gỗ và mạ và áp dụng tất cả vào việc tạc tượng. Nhiều tác phẩm của trường phái Tori sau đó đã được bảo tàng ở Hôryuuji (Pháp Long Tự), ngôi chùa do Thái tử Shôtoku, cháu gọi Suiko bằng cô, dựng lên ở gần Kyôto. Chung qui, các tượng thời này thường có hai tư thế khác nhau. Nếu chư Phật như Thích Ca và Dược Sư lộ vẻ thần bí và trầm mặc thì các tượng Bồ Tát như Quan Âm và Di Lặc nhẹ nhàng hơn, biểu lộ nhiều nữ tính.

Ngoài các Phật sư như người của phái Tori làm việc theo đơn đặt hàng của cung đình và đại tự viện, thiết tưởng cũng nên nhắc tới Taichô (Thái Trọng), một du tăng truyền thuyết và Gyôki (Hành Cơ, 668-749), một du tăng khác chuyên làm việc xã hội, từ thiện sống vào thời Nara (649-793). Cả hai đều tạc tượng Phật trên gỗ khi đi ngang những miền quê trên đường hành cước. Tác phẩm của hai ông có nhiều nét độc đáo dù trên thực tế, họ không phải là Phật sư chuyên nghiệp.

Cũng vào thời Nara, lúc Thiên hoàng Shômu (Thánh Vũ) trị vì (724-749), một bức tượng đồng vĩ đại với chiều cao 16 m đã được đúc ra để trần thiết ngôi chùa Tôdaiji ở kinh đô Nara, lúc văn hóa nhà Đường đang ảnh hưởng rất mạnh trên đất Nhật. Lễ điểm nhãn (khai nhãn= kaigen) tượng Phật này (gọi là Đại Phật Nara) đã được tổ chức một cách hoành tráng vào năm 752 với nhiều khách mời ngoại quốc trong đó có cao tăng Bodai Senna (Bồ Đề Thiên Na, 704-760) đến từ Nam Thiên Trúc (Ấn Độ) tháp tùng bởi nhà sư Buttetsu (Phật Triết) đi từ Việt Nam (thực ra là Lâm Ấp).Trải qua nhiều cuộc thiên tai và nhân tai, tượng ấy vẫn còn tuy đã phải chịu nhiều tu sửa. Cuối thời Nara xuất hiện Jôchô (Định Triều, ?-1057), một tên tuổi lớn. Học trò của Kôjô (Khang Thướng), ông đã có công hoàn thành những kỹ thuật của đời trước trong đó có Yosegihô (phép tạo tượng bằng cách ghép nhiều thanh gỗ quanh một thân rỗng) đem lại cho điêu khắc Nhật Bản một tính cách đặc thù. Về mặt xã hội, nhờ tài năng Phật sư của mình, ông được quyền thần Fujiwara Michinaga yêu quí và đã đạt đến những địa vị hàng đầu trong giáo phẩm đương thời như Pháp kiều, Pháp ấn.

di lac bo tat ban gia tu duy
Di Lặc Bồ Tát bàn già tư duy

Các bức tượng thời Nara nét đầy đặn và tròn trịa hơn tượng của thời Asuka trước đó, cho thấy ảnh hưởng của trường phái Gupta từ Ấn Độ sau khi qua Trung Quốc đã sang đến Nhật. Đồng, đất sét, gỗ và sơn khô đều được dùng như vật liệu nhưng đồng được dùng nhiều nhất trong những năm đầu còn đất sét, gỗ và sơn khô trong giai đoạn sau. Những bức tượng lớn được làm bằng đồng đúc, còn những bức nhỏ thì theo phương pháp tán những lá đồng lên một cái khuôn bằng kim loại. Trong niên hiệu Tempyô (Thiên Bình) thời Thiên hoàng Shômu, tượng gỗ được làm bằng cây bách (hinoki) hay long não (shôno) và trên một thân cây duy nhất giống như các tác phẩm trước đó. Vẻ đẹp của tượng gỗ thời này có thể thấy qua bức Quan Âm thập nhất diện, một tay cầm tịnh bình, một tay buông thỏng, cao 190 cm của chùa Dược Sư (Yakushiji) ở Nara. Với kỹ thuật tượng đất sét và sơn khô (kanshitsu = can tất) một thủ pháp học được từ bên nhà Đường, thời này cũng đã để lại nhiều tác phẩm giá trị. Thế nhưng sau đó, cánh cửa đối với Trung Quốc khép lại từ khi chuyến gửi sứ giả sang nhà Đường (Khiển Đường Sứ = Kentôshi) cuối cùng bị bãi bỏ vào năm 894, Nhật Bản bắt đầu bước vào một thời đại tự chủ về văn hóa nghệ thuật.

Trung đại

Bước qua thời trung đại, cùng với sự hưng thịnh của Mạc phủ Kamakura (1183-1333), vai trò của các Phật sư đã trở thành quan trọng hơn. Họ thường lập thành đoàn thể ngành nghề hay trường phái (ha). Các trường phái đáng kể nhất là Viện phái (In.ha), Viên phái (En.ha), Khánh phái (Keiha) và Thiện phái (Zen.ha).

Viện phái (In.ha) bắt đầu với Viện Trợ, con của Giác Trợ, cháu gọi Định Triều (Jôchô) bằng ông nội. Viện phái là một tập đoàn Phật sư đã có từ thời Nara. Lúc đầu, Viện phái chỉ mô phỏng tổ phụ Jôchô nhưng về sau cũng có được những tác phẩm có cá tính và nổi tiếng như bức tượng A Di Đà Như Lai Tọa tượng do Ingaku (Viện Giác) sáng tác và đặt ở chùa Pháp Giới Tự.

Viên phái (En.ha) là một trường phái ban đầu hoạt động ở vùng Kyôto, đến thời Kamakura thì chuyển dần về miền Đông. Chôsei (Trường Thế, 1010-91), ông tổ của họ, nhờ công lao tạc tượng, đã được phong đến chức Pháp ấn. Tác phẩm quan trọng của ông là Thập Nhị Thần Tướng đặt ở chùa Quảng Long Tự, được đánh giá là quốc bảo.

Tuy vậy, Khánh phái (Kei.ha) mới là trường phái điêu khắc tượng Phật quan trọng hơn cả trong lịch sử Nhật Bản. Hoạt động của phái này kéo dài từ thời cuối thời Heian đầu thời Kamakura (thế kỷ 12) tận đến thời Edo (thế kỷ 19). Bắt đầu với Khang Khánh (Kôkei, không rõ năm sinh năm mất) – học trò của Khang Trợ (Kôjo), một Phật sư Viện phái – tập đoàn này đã cống hiến cho nghệ thuật điêu khắc tượng Phật nhiều nhân tài, trước tiên là bộ đôi Vận Khánh (Unkei, ? – 1223) và Khoái Khánh (Kaikei, 1183?-1236?). Vận Khánh và Khoái Khánh đều là học trò của Khang Khánh nhưng Khoái Khánh không có quan hệ máu mủ với thày trong khi Vận Khánh chính là con trai Khang Khánh. Về Vận Khánh (Unkei), nhiều người xem ông là một Michelo Angelo của phương Đông và là người đã tạc được những bức tượng tôn giáo tân kỳ trước thời Phục Hưng bên Ý cả 100 năm. Về liên hệ giữa Vận Khánh và Khoái Khánh, có tác giả so sánh họ với cặp đôi kình địch Mozart-Salieri trong âm nhạc. Hiện nay đang có khuynh hướng đánh giá lại vai trò của Khoái Khánh (Kaikei), chủ trương rằng tuy hai ông Khánh này đều có tài năng xuất chúng nhưng khác nhau ở chỗ nếu Vận Khánh chú tâm sáng tác những bức tượng lớn và đẹp đẽ để trưng bày trong các đại tự viện miền Đông thì Khoái Khánh tuy vẫn có những công trình lớn, lại từng hợp tác nhiều phen với Unkei, vì bản thân là một tín hữu A Di Đà nhiệt thành nên đã chuộng con đường phục vụ dân chúng nghĩa là tạc những bức tượng nhỏ dễ mang theo bên mình để mọi người dùng trong việc niệm Phật hằng ngày.

Nếu ngày nay lịch sử có khuynh hướng đặt hai ông bên cạnh nhau như một cặp song đôi, đương thời, thiên hạ chỉ trọng vọng mỗi Vận Khánh. Vận Khánh có 6 người con theo nghề cha: Đam Khánh (Tankei), Khang Biện (Kôben), Khang Thắng (Kôshô). Khang Vận (Kôun), Vận Hạ (Unga) và Vận Trợ (Unjo). Ba ông đầu còn lưu lại một ít tác phẩm nhưng tiếc thay, về ba ông sau, hậu thế chẳng còn hưởng được gì từ họ.

Một nghìn tượng Quan Âm trong Tam thập tam gian đường (Sanjuusangendô)
Một nghìn tượng Quan Âm trong Tam thập tam gian đường (Sanjuusangendô)

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói về quốc bảo “Tam thập tam gian đường” nơi có đặt 1.001 pho tượng Thiên Thủ Quan Âm (Quan Âm nghìn tay) khổ người thật mà du khách khi đặt chân đến Kyôto không ai là không tìm cách tới thăm. Đó là một công trình xuyên thời gian nằm trong khu Higashiyama. 124 bức đầu là tác phẩm của thời Heian (thế kỷ 12) và 876 tác phẩm còn lại là của thời Kamakura (13th) làm thêm nhân khi người đương thời trùng tu ngôi đền rất dài che chở cho chúng vốn đã bị thiệt hại sau một trận hỏa tai. Khoảng 700 bức tượng mới có đề tên tác giả và người ta nhận ra rằng trong số đó có nhiều tác giả là nhân tài của Keiha (Khánh phái) kể cả Unkei và Kaikei.

Cận đại

Các Phật sư truyền thống vẫn làm công việc của họ một cách nghiêm cẩn trong gần 3 thế kỷ thái bình của thời Edo (1603-1868) khi Phật giáo đã trở thành công cụ chính trị của Mạc phủ. Thế nhưng chính một nhà điêu khắc nghiệp dư là Enkuu (Viên Không, 1832-95) và vào giai đoạn cuối lại có thêm Mokujiki (Mộc Thực, 1718-1810), mới là những nhân vật đã có công đưa ngành điêu khắc tượng Phật của Nhật Bản thoát ra những khuôn mòn.

Hiện đại

Thời cận hiện đại có các tên tuổi lớn như Takamura Kôun (1852-1934, cha của nhà thơ và điêu khắc gia Takamura Kôtarô), Matsuhisa Hôrin, Onodera Hisayuki, Yamazaki Shôrin và không phải chỉ có chừng đó. Tuy nhiên, nói chung thì ngày nay, Phật sư chuyên nghiệp đã trở thành một hình ảnh đặc biệt và hiếm hoi. May thay nhà nước Nhật Bản và xã hội dân sự vẫn có những chính sách giúp đỡ nhằm duy trì sự tồn tại của họ vì mục đích truyền thừa di sản văn hóa dân tộc.

Một nhà điêu khắc tượng Phật thời nay 
Một nhà điêu khắc tượng Phật thời nay 

Đặc trưng tượng Phật Nhật Bản

Như đã có lần nói đến, đặc trưng đầu tiên của tượng Phật Nhật Bản là khuynh hướng tạc nhiều hình tượng thần linh hộ pháp hơn là những vị Phật đã đạt được chính giác. Giữa cõi đời Mạt pháp khi mà chúng sinh vẫn đắm đuối trong mê lầm thì sự góp mặt của những vị thần linh này rất đáng kể. Diện mạo dữ tợn giúp cho họ có thể răn đe những kẻ chưa chịu sám hối bởi vì cái ác rất khó xóa bỏ khỏi tâm địa con người.

Thứ đến, văn hóa điêu khắc tượng Phật Nhật Bản có một sự phân ranh rõ rệt kể từ khi Tân Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ 13. Song song với việc sáng tác những tượng Phật thần bí, uy nghiêm và hoành tráng, theo đúng đòi hỏi của truyền thống, để trưng bày trong tự viện, hãy còn có những bức tượng mộc mạc, nhỏ bé nhưng sinh động, gần gũi và thân thiết mà tín hữu mang theo người. Quá trình thoát Ấn, thoát Hán của các Phật sư các đời như thế còn được sự hổ trợ của các du tăng vốn là những nghệ sĩ nghiệp dư dân tộc. Sự xuất hiện của lớp người thứ hai có thể được giải thích bằng sự có mặt của tư tưởng Thần đạo vốn đồng hành với Phật giáo từ nhiều thế kỷ trên đất nước này.

Một người như danh tướng Uesugi Kenshin (1530-1578) thời Sengoku đã chọn Bishamonten (Bì Sa Môn Thiên) như vị thần bản mệnh của mình, Bồ Tát Địa Tạng (Jizô) khi đến Nhật đã được dân sở tại chuyển hóa thành vị Phật cứu giúp trẻ con, Dạ Xoa (Yaksa) có khi được các con buôn thờ như Thần Tài. Văn hóa tượng Phật còn thâm nhập vào trong cuộc sống của người dân, hòa trộn vào cả ngôn ngữ hàng ngày. Khi muốn đề cập đến những nhân vật cốt cán trong một ngành nghề, người ta chỉ cần xếp họ thành “tứ thiên vương” (shiten.nô), một từ ngắn gọn thấy trong điêu khắc tượng, là ai cũng hiểu. Hãy còn lắm thí dụ khác như “A tu la” (Ashura) để nói bóng gió về một cuộc tranh chấp hỗn loạn không lối thoát, “ngạ quỉ” (gaki) ám chỉ đứa trẻ con tinh nghịch.

Ba nhà nghệ sĩ lớn: Unkei, Kaikei và Enkuu

Hai Phật sư đáng chú ý vì đã đem đến cho nghệ thuật tạo hình Nhật Bản một luồng gió mới cùng một hướng với sự bành trướng của Tân Phật giáo (Phật giáo Kamakura) là Unkei (Vận Khánh), Kaikei (Khoái Khánh). Về sau – dưới thời Edo – lại có thêm một nhân vật kiệt xuất thứ ba là Enkuu (Viên Không).

Lúc hai cao tăng Saichô (Tối Trừng) và Kuukai (Không Hải) từ đại lục trở kinh đô Heian và xây dựng một phong trào Phật giáo hợp thời hơn cho Nhật Bản, tượng Phật hầu như chỉ là vật điêu khắc trên gỗ (bokuchô = mộc điêu). Buổi đầu, phổ thông hơn cả là những tượng Phật đẽo từ một thân cây (ichiboku-zukuri), sau đó các Phật sư mới phát minh thêm lối ghép nhiều bộ phận của cây lại với nhau để làm thành tác phẩm (yosegi-zukuri), do đó các tượng Phật càng ngày càng tinh xảo và bề thế hơn.

Jôchô (Định Triều) có lẽ là Phật sư sử dụng phương pháp thứ hai tài tình hơn cả. Với nó, ông đã làm ra tọa tượng của Phật A Di Đà Như Lai, bản tôn (honzon) của quần thể kiến trúc Byôdôin Hôhôdô (Bình Đẳng Viện Phượng Hoàng Đường) ở thị trấn Uji, nơi nổi tiếng trà ngon. Hình dáng Đức Phật A Di Đà, chủ nhân của cõi Cực Lạc Tịnh Độ, trong tư thế ngồi trầm tư đã biểu hiện tất cả sự trang trọng và thiêng liêng. Từ đó về sau, nhiều người đã mô phỏng phong cách ấy nhưng khuynh hướng đó chỉ làm cho việc tạo hình tạc tượng dậm chân một chỗ bởi vì hình thức thì đúng là mô phỏng Jôchô nhưng vẫn thiếu cái hồn thiêng nằm bên trong.

Văn hóa Nhật Bản:
Giới thiệu Hán thi Nhật Bản hiện đại
Bashô và cõi thơ haiku Nhật Bản
Hoa Anh đào Muôn thuở và những bài haiku khó quên của Bashō
Ngày Tết ở Nhật và Shichifukujin (Bảy vị phước thần)

Unkei

Người phá vỡ được sự trầm trệ này là một Phật sư tên gọi Unkei (Vận Khánh, ?- 1223). Sự xuất hiện của ông có liên hệ với sự thành hình của Mạc phủ Kamakura do giai cấp quân nhân tân hưng (giới samurai) đứng đầu và đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Bởi vì Mạc phủ Kamakura cũng đã phá vỡ được một sự trầm trệ lâu dài về chính trị và mở ra được một thời đại mới. Riêng Unkei thì đã phá vỡ sự trầm trệ về mặt điêu khắc tượng Phật và đem đến cho nó một phong cách sáng tạo..

Tác phẩm buổi đầu của Unkei đều nằm ở các chùa miền Đông (vùng Kantô) vì nơi đây là môi trường sinh hoạt của các yếu nhân trong Mạc phủ như gia đình Shôgun và họ ngoại Hôjô. Có lẽ Unkei đã sớm có những mối quan hệ mật thiết với họ. Thế nhưng đỉnh cao nghệ thuật mà Unkei đạt tới không phải nằm ở đây mà lại ở miền Tây (Kansai) khi nhờ lời tiến cử của một nhân vật có thế lực là nhà sư Sunjô (Tuấn Thừa) tức Chôgen (Trọng Nguyên, 1121-1206), ông đã được triều đình ủy thác trách nhiệm trùng tu một loạt các tượng Phật của Tôdaiji (Đông Đại Tự), ngôi chùa lớn ở Nam đô (Nara) vừa bị quân đoàn Taira (Heike) đốt phá.

Tượng Shunjô rất hiện thực của Unkei
Tượng Shunjô rất hiện thực của Unkei

Trong khu vực gọi là Shunjôdô (Tuấn Thừa Đường) của chùa, Unkei có cho đặt một bức tượng của Shunjô do ông sáng tác.Tượng ấy vóc dáng thì nhỏ con, mắt híp, lỗ mũi bé, da mặt nhăn nheo, đúng là hình ảnh của một ông già Nhật bình thường. Tuy vậy, cái miệng lại là miệng mím chặt và môi lại vểnh lên, bộc lộ một ý chí cương quyết. Có lẽ khi tạc một cái tượng với đầy đủ tính hiện thực như thế, Unkei muốn biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc của ông đối với nhân vật. Tất nhiên ông đã ra sức đục đẽo nhưng không phải với mục đích lý tưởng hóa Shunjô mà chỉ để cho mọi người thấy được hình ảnh trung thực của ân nhân dưới cái nhìn sắc bén của ông.

Shunjô là một nhân vật vĩ đại nên nhân cách thật khó lòng nắm bắt. Ông là một nhà sư phái Chân Ngôn (Shingon) Mật Giáo, đã ba lần vào đất Tống. Ông thân thiết với Esai (Vinh Tây), người được xem như vị khai tổ của dòng Thiền Nhật Bản. Thế nhưng, đồng thời ông cũng nhiệt thành tu theo Tịnh Độ Giáo (Jôdokyô), một giáo phái mới do đại sư Hônen (Pháp Nhiên) chủ trì.

Trong khi Jôchô (Định Triều) xem hình tượng Đức Phật A Di Đà như một khuôn mẫu cho sự sáng tác của mình, những nhà điêu khắc của Tân Phật Giáo Kamakura – hậu duệ của ông – lại xem trung tâm sáng tác của họ là các Minh Vương (Myôô) và Thiên Bộ (Tenpu) mới quan trọng, nhất là Thiên Bộ, chứ không phải các vị Phật (Như Lai) hay Bồ Tát vốn được xem như có ngôi vị cao cấp hơn. Chẳng hạn các tượng Kim cương Lực Sĩ dặt đứng (lập tượng) ở đại môn chùa Tôdaji mà cả Unkei (Vận Khánh) và Kaikei (Khoái Khánh) đều đã góp công chạm khắc mới là những tác phẩm trình bày được trước mắt người xem tất cả sinh lực và tài năng của các nhà Phật sư Tân Phật Giáo. Đặc biệt bức Ungyô Kongô Rishi Ryuuzô (Hồng hình kim cương lực sĩ lập tượng) của Unkei là một tác phẩm nổi trội. Trên trán tượng là những đường nhăn thật sâu dựng theo chiều thẳng đứng, mắt mở trừng trừng, lỗ mũi thật to và miệng thì mím chặt (bởi vì Hồng 吽có nghĩa là cuối cùng, không cần phải nói thêm gì nữa). Thân tượng vặn vẹo và người thì hơi lệch qua một bên, bàn tay phải xòe ra, bàn tay trái gân guốc nắm lấy tích trượng. Thật không có hình ảnh nào có thể diễn tả sức mạnh vô song của Kim cương lực sĩ hơn nó và điều mới mẻ này đã đến từ các Phật sư của Tân Phật Giáo. Phải chăng các nhà nghệ sĩ ấy đã lấy cảm hứng từ mô hình các samurai dũng cảm của Mạc phủ Kamakura, những người chủ mới của đất nước họ, để sáng tác. Kể từ lúc này mỹ học tĩnh của Jôchô (Định Triều) thời Nara trong điêu khắc tượng Phật đã bị thay thế bằng mỹ học động của những những Phật sư mới xuất hiện. Lại nữa, người ta còn nhận ra rằng ở các tượng được trưng bày ở chùa Takisanji (Lũng Sơn Tự) ở Nagoya như Thánh Quan Âm lập tượng, Phạn Thiên lập tượng hay Đế Thích lập tượng cũng đều biểu lộ được những đường nét linh hoạt của thân thể mà xưa nay người ta muốn cất dấu khi phải tạc tượng những bậc thần thánh. Theo Umehara Takeshi (xem thư tịch) thì tượng của Bát Đại Đồng Tử (Hachi Daidôji) của Unkei đặt chùa Kim Cương Phong (Kongôbuji) núi Kôyasan (Cao Dã Sơn) biểu lộ được một cách rõ ràng nhất quan niệm sáng tác của nhóm Phật sư Tân Phật Giáo này. Các đồng tử dĩ nhiên là những con người như chúng ta nhưng qua thủ pháp của Unkei, họ đã bộc lộ được tính chất phi phàm tàng ẩn bên trong.

Kaikei

Kaikei (Khoái Khánh, 1183?-1236) dĩ nhiên là một Phật sư đầy tài năng nhưng phải nói rằng tác phẩm của ông không bộc lộ được cái thần thái của đối tượng và còn thiếu sự năng động, hai điều quan trọng thường thấy trong tác phẩm của Unkei. Bức Agyô Kongô Rikishi (A hình kim cương lực sĩ) mà ông tạc và được đặt ở đại môn chùa Tôdaiji, nếu so với bức Ungyô của Unkei đặt bên cạnh thì sức diễn đạt yếu hơn nhiều (A trong tiếng Phạn có nghĩa bắt đầu nên mới có cảnh há miệng). Có thể suy ra rằng tính tình ông hiền hòa trầm lặng chứ không tự do bôn phóng như Unkei. Dù vậy, ông lại có một năng lực đặc biệt. Đó là sự nhạy cảm đối với những cái gì thiêng liêng và có một đức tin tôn giáo thành thực.

Kaikei còn là một tín đồ trung kiên của phái Chuyên tu niệm Phật (Senju Nembutsu) dưới sự chỉ đạo của giáo chủ Hônen (Pháp Nhiên) nên đã làm nhiều tượng Phật sử dụng vào việc truyền giáo. Để tín hữu có thể mang theo người lúc đi đường, thay vì tạc những tọa tượng với định ấn (Jôin = ấn quyết với hai ngón tay cái đặt trên những ngón tay co lại), ông làm những lập tượng với ấn quyết lai nghênh (Raigôin = ngón cái và ngón út dính nhau, trong khi ba ngón kia thì duỗi thẳng và đặt song song). Nó tượng trưng cho tư thế của Đức Phật A Di Đà cõi Tây Phương Tịnh Độ hiện ra trước mắt tín hữu cho thấy bất cứ lúc nào ngài cũng sẵn sàng đến tiếp dẫn người niệm Phật. Nhờ những bức tượng như thế mà tín đồ của Hônen (Pháp Nhiên) và Shinran (Thân Loan) mới hiểu một cách cụ thể giáo lý của hai vị giáo chủ. Về sau ở các chùa phái Tịnh Độ và Tịnh Độ Chân Tông, những bức tượng với lai nghênh ấn này đã được đặt ở giữa chính điện và được mọi người sùng bái.

Đặc biệt tượng A Di Đà của Kaikei thì vô cùng đẹp đẽ và mềm mại, thí dụ tượng A Di Đà Tam Tôn đặt ở chùa Tịnh Độ ở Hyôgo (Kobe) cho thấy một cách rõ ràng mối quan hệ gần gũi giữa giáo chủ Hônen và Phật sư Kaikei.

Bàn chân tượng Kim Cương
Bàn chân tượng Kim Cương gân guốc do Kaikei tạc

Enkuu

Thật khó xếp loại Enkuu (Viên Không, 1632-1695) trong dòng chảy của lịch sử điêu khắc Nhật Bản. Đến sau Unkei và Kaikei những 4, 5 thế kỷ, ông đột ngột xuất hiện với những bức tượng Phật đẽo trên gỗ kỳ quái giống như tác phẩm của một tay tài tử chứ không phải là Phật sư chuyên nghiệp. Người ta chỉ có thể định nghĩa ông như người thợ làm đồ mộc (kijishi) hay là một nhà ẩn tu trên núi Kôyasan (Kôya-hijiri).

Nếu nói về khắc tượng Phật bằng gỗ thì ngày xưa (thế kỷ thứ 8) đã bắt đầu với tăng Gyôki (Hành Cơ, 668-749) và các đệ tử của ông ấy. Thế nhưng người dạy Gyôki tạc tượng Phật có thể là Taichô (Thái Trừng) mà tác phẩm Thập Nhất Diện Quan Âm hãy còn được lưu lại trong chùa Iwamadera (Nham Gian Tự) thuộc thành phố Ôtsu. Tương truyền Taichô đã dùng cây quế (katsura) vốn mọc hoang và có rất nhiều trong vùng để tạc tượng. Taichô được biết là người đã khai sáng ra một thứ tôn giáo của vùng Takayama-Gifu là tín ngưỡng Hakusan (Bạch Sơn), thờ một lượt các vị thần bản địa và các vị thần ngoại lai trong đó có chư Phật. Nói cách khác, đó là một tôn giáo “Thần Phật hiệp một”. Bắt đầu với Taichô, tín ngưỡng Hakusan (tên một hòn núi) đã được tiếp tục với tín ngưỡng Hachiman (Bát Phan) có tính cách quốc gia dân tộc của Gyôki (Hành Cơ) và Ryôben (Lương Biện), sau đó trở nên hoàn chỉnh với Kuukai (Không Hải).

Về cá nhân Enkuu thì ông là người vùng Gifu, sinh ra ở thị trấn Hashima bên bờ sông Hasegawa vào năm 1632. Không biết cha ông là ai còn mẹ thì đã chết đuối trong một trận lụt to trên dòng sông đó.. Ông trở thành tăng Tịnh Độ Tông nhưng bị tín ngưỡng Hakusan (Bạch Sơn) thu hút nên năm 32 tuổi đã dời về sống tại thôn Minami làng Gujô, nơi mà ảnh hưởng của tín ngưỡng Hakusan rất mạnh và bắt đầu tạc tượng Phật tại đó.Vì vậy mà người ta mới thấy trong tác phẩm của ông, ngoài các tượng Phật còn có tượng chư thần của Thần đạo như Nữ thần Thái Dương (Amaterasu Omikami), các thần Agata Daigongen và Hachiman Daibosatsu.

Bên trên, chúng ta đã đề cập đến việc vào thế kỷ thứ 8, Gyôki vừa du hành vừa tạc tượng. Thực vậy, ông đã để lại rất nhiều tượng Phật dị hình dị dạng đẽo trên các thanh gỗ mộc (shiraki) thô phác trong những ngôi chùa trên khắp nước, nhất là ở những vùng hoang vắng. Lại nữa, trên đất Nhật, tượng Phật thường đi đôi với tượng thần. Khi tạc cả hai loại, Enkuu hình như đã đi theo con đường Gyôki vạch sẵn. Do đó, khi bàn về điêu khắc của Enkuu, thiết tưởng cũng nên chú ý đến mối liên hệ giữa Taichô, Gyôki và Enkuu.

Thế rồi một hôm Enkuu từ giã thôn Minami của miền Trung để lưu lạc lên miền Bắc. Ở vùng tiếp giáp của hai đảo Honshuu và Hokkaidô, ông đã để lại hàng vạn tác phẩm, tuy thất thoát nhiều nhưng một số lớn vẫn còn được gìn giữ trong các ngôi chùa hay nhà dân. Nói về lý do tại sao Enkuu phải đi khắp đó đây và để lại quá nhiều tượng như vậy, thì ta có thể giải thích bằng lòng tin tôn giáo của ông. Enkuu xem thần Hakusan như kẻ đến báo tin Thích Ca xuất hiện. Ông lại nghĩ rằng muốn cứu người khác, trước tiên phải tự cứu mình và việc tạc tượng cũng là một hình thức tu hành. Ban phát tượng Phật cho mọi người mãi tận vùng Hokkaidô (lúc đó) hoang dã, chưa thấm nhuần Phật pháp, chính là một cách bố giáo.

Một sự việc quan trọng khác trong cuộc đời của Enkuu vào năm 43 tuổi là ông đã vẽ Phật họa trên 180 trang kinh Đại Bát Nhã nhân dịp chùa Sanzô (Tam Tạng Tự) ở vùng Shima (Mie) muốn phục hồi bộ kinh ấy của mình. Hai năm sau, ông lại có cơ hội tạc cho chùa Arako Kannonji (Hoang tử Quan Âm Tự) ở Nagoya, nơi xưa kia Taichô dã khai cơ, một số tượng Phật và tượng thần bằng nhữhg mảnh gỗ còn sót lại sau khi đã tạc xong tượng Niô (Nhân vương) tức tượng thần bảo vệ đại môn nhà chùa.

Bụt của Enkuu (Enkuu-butsu) thường điểm một nụ cười thoáng trên môi, diễn tả một tâm thế lạc quan. Tương truyền, khi có ai nhờ tạc tượng, trước đó ông hay chuyện vãn với người ấy để tìm hiểu nhu cầu của họ cái đã. Khi lên miền Bắc, ông đã tạc những bức tượng Phật cho người Ainu bằng cách mô phỏng “nipopo”, kỹ thuật tạc hình nhân bằng gỗ (kokeshi) của dân địa phương. Một cuộc kiểm điểm số lượng cho biết ông đã tạc trên 5.000 tượng, ngoài một số thất thoát vì trộm cắp hay hỏa tai thì còn lại khoảng 3.000 ở Gifu (quê hương ông), trên 1.500 ở các vùng Saitama và một ít ở vùng eo biển Tsugaru (tỉnh Aomori) và đảo Hokkaidô.

Mokujiki

Thiết tưởng cũng phải có một đôi dòng cho Mokujiki (Mộc Thực, 1718-1810) với những tác phẩm gọi là Mokujiki-butsu / Mokujiki-botoke (Bụt của Mokujiki). Nhà sư du hành gọi là “mộc thực tăng” (người không ăn cả cơm, chỉ ăn rau, củ và hạt) cũng là thi sĩ thơ Waka người đất Kai (Kôshuu tức Yamanashi bây giờ) này sinh vào cuối thời Edo. Buổi vãn niên, ông đã phát nguyện sẽ chế tạo cho được một nghìn bức tượng nên đi khắp nước Nhật trong đó có vùng Ezo (Hà Di) hoang dã nơi các dân tộc ít người sinh sống và hãy còn chưa biết đến lòng tin Phật giáo, Ở những nơi đó, ông đã để lại vô số tác phẩm khắc trên gỗ với hình thù quái dị. Tuy thấy được giữa Bụt của Enkuu và Bụt của Mokujiki những nét tương đồng nhưng trên thực tế, mối liên hệ giữa hai ông như thế nào thì chưa có nhà nghiên cứu nào xác định được.

Nếu không được đánh giá như một Phật sư thực thụ thì Enkuu cũng như Mokujiki phải là những nghệ sĩ với tấm lòng bồ tát. Thời Edo có lệnh cấm bố giáo vì lý do an ninh nên những người như Hakuin (Bạch Ẩn), Ryôkan (Lương Khoan) hay các ông đều phải sống đời nghèo nàn, cô độc và đi tìm cách riêng để đánh thức cái tinh hồn của đồng bào mình, đồng thời giữ gìn được mệnh mạch của Đạo.

Kết luận: Tượng Phật và lòng tin tôn giáo:

Các tượng Phật đầu tiên từ thế kỷ thứ 7 cho đến 11 trên đất Nhật thường biểu lộ sự thần bí, trang nghiêm và vóc dáng trầm tư của chư Phật nhưng lại thiếu sống động. Vì quá lý tưởng hóa các ngài, người tạc tượng đã cho làm họ xa cách với thực tại. Cho dù những tiến bộ về kỹ thuật đã giúp các Phật sư đúc được những bức tượng đẹp đẽ với qui mô hoành tráng nhưng giữa tín hữu và tôn giáo hãy còn chưa có một sự gần gũi nếu không nói là đối với chư Phật, tín hữu chỉ sợ hãi và kiêng dè, mong được các ngài tha tội lỗi và ban ân huệ. Vì muốn biểu lộ lòng sùng kính với các đấng thiêng liêng nên tượng Phật thời xưa thường được sơn son thếp vàng cho dù với thời gian, sắc màu tô điểm trên đó đã phai mờ. Thế nhưng đó lại là dạng tướng của một thế giới hoàn hảo và đầy hứa hẹn mà các tín hữu, nhất là giới bình dân, cảm thấy mình khó lòng đặt chân đến.

Bước ngoặc đầu tiên trong điêu khắc tượng Phật đã bắt đầu từ thế kỷ 12 với các Phật sư thời Kamakura như Unkei và Kaikei khi Tân Phật Giáo muốn thế vào chỗ một Cựu Phật giáo (Nara-Heian) mà giáo quyền cứng nhắc của 6 giáo phái truyền thống (Nam đô Lục tông) không còn đủ uy tín để đáp lại nguyện vọng của người đương thời. Các tượng từ đó bắt đầu có những nét hiện thực sống động và Phật sư chú trọng vào tính cách mỹ thuật hơn là sự thần bí và hoành tráng. Rồi đến khi phong trào chuyên tu niệm Phật dấy lên thì một sự chuyển mình lớn đã xảy ra (Gekokujô = hạ khắc thượng hay “bên dưới lấn lên”). Phật giáo trở nên giản dị và phổ biến rộng rãi trong tầng lớp thứ dân, đưa hình ảnh của Đức Phật gần lại với hình ảnh con người trần thế. Do đó, Enkuu, Mokujiki của thế kỷ 17 và 18 đã học theo phong cách Gyôki và Ryôben để tạo ra những tượng Phật với chất liệu đơn sơ, tầm vóc nhỏ bé nhưng diễn tả đa dạng, phù hợp với tâm trạng của người dùng. Các tượng này dù được họ sản xuất hàng loạt nhưng không phải vì thế mà đơn điệu. Do đó, tín hữu không còn cảm thấy choáng ngợp, sợ hãi như trước đây nhưng đã có thể thoải mái xem Đức Phật như một người bạn đồng hành riêng tư, thân thiết (tư tưởng “đồng hành nhị nhân” hay “cùng đi với Phật”), có thể giúp đỡ và an ủi họ trong những lúc khó khăn hay nguy khốn.

Bàn về lý do hình thành và sự song hành của hai hệ thống tạc tượng nói trên, triết gia Suzuki Daisetsu (1870-1966) từng lý luận trong tác phẩm “Thiền và văn hóa Nhật Bản” như sau:

Người Nhật có câu:”Giáo phái Thiên Thai dành cho hoàng tộc, Chân Ngôn dành cho quí tộc, Thiền là của người vũ sĩ và Tịnh Độ là của đại chúng bình dân”. Lời nói này rất phù hợp với thực trạng của từng tông phái Phật giáo Nhật Bản. Hai phái Thiên Thai và Chân Ngôn có nhiều nghi thức. Lễ lạc do họ tổ chức đều phiền toái, xa hoa và tráng lệ, tương xứng với sở thích của tầng lớp quí tộc tao nhã. Tịnh Độ thì nhờ ở sự đơn giản của tín ngưỡng và giáo lý nên thỏa mãn được đòi hỏi tinh thần của người bình dân. Thiền là tôn giáo dựa trên sức mạnh của ý chí mà sức mạnh này là cái mà người chiến sĩ cần thiết cấp thời cho dù họ bắt buộc phải được soi sáng bởi trực giác.

Điều đó có nghĩa là mỗi tông phái Phật giáo Nhật Bản – dù là Thiên Thai, Chân Ngôn, Thiền hay Tịnh Độ – đều đóng được vai trò xã hội của nó một cách hợp thời và hợp lý trong dòng lịch sử. Ngày nay hình bóng những ngôi chùa và những pho tượng Phật của chúng vẫn là bộ phận không thể thiếu vắng của đất nước này cũng như những vườn Thiền, trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, các hình thức sân khấu Nô, Bunraku và Kabuki. Không có chúng thì đúng như Suzuki Daisetsu đã có lần lo âu khi tưởng tượng, lúc đó, Nhật Bản sẽ là một nơi tiêu điều và tẻ nhạt biết chừng nào!

Tôkyô ngày 15/3/2020

Tham khảo:

1-Umehara Takeshi, Nihon Bukkyo wo yuku (Theo chân Phật giáo Nhật Bản), Asahi Bunko xuất bản, 2009.

2-Nguyễn Nam Trân, Giáo trình lịch sử Nhật Bản, quyển thượng, dạng E-book, 2013.

3-Tạp chí Otona no Kyuujitsu Club, số tháng 3/2020. East Japan Railway Company xuất bản. Ký sự về Unkei và Kaikei.

4-Tạp chí Train Vert, số tháng 8/2017. East Japan Railway Company xuất bản. Ký sự về Enkuu và Mokujiki.

5-Tsuda Noritake, A History of Japanese Art (Lịch sử mỹ thuật Nhật Bản) Tuttle Publishing Co, Japan 1976. Ấn bản 2009.

6-Shimizu, Christine, L’Art Japonais (Mỹ thuật Nhật Bản) Flammarion, Paris xuất bản 2001. Ấn bản 2008.

7-Tsuji Tadao chủ biên, Nihon Bijutsushi (Nhật Bản Mỹ Thuật Sử), Bijutsu Shuppan sha, Tôkyô xuất bản 1991. Ấn bản lần thứ 8 in năm1993.

8-Suzuki Daisetsu, “Thiền và văn hóa Nhật Bản”, Nguyễn Nam Trân dịch Zen and Japanese Culture, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, 2018.

9-Tư liệu và hình ảnh Internet.

5/5 - (4 votes)

BÀI LIÊN QUAN

Saigyô Hôshi (1118-1190) – Thi sĩ tài hoa yêu phiêu du của Nhật Bản

Saigyô là nhà thơ lớn của Nhật Bản, sống vào thời Mạc Phủ. Ông xuất thân danh giá, về sau đi tu, trở thành một thi sĩ chuyên thơ waka

thoi dai edo va samurai

Thời đại Edo – Bối cảnh truyện Samurai cận đại của Shiba Ryotaro và Fujisawa Shuhei

Thời đại Edo (1603 - 1868) ngay trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản có Thiên hoàng đóng đô ở Kyoto, nhưng thực quyền nằm trong tay Chúa Tokugawa ở Edo (bây giờ là thủ đô Tokyo), tương tự như Vua Lê Chúa Trịnh ở Việt Nam

tieu thuyet gia Fujisawa Shuhei

Giới thiệu tiểu thuyết gia hiện đại Fujisawa Shuhei

Fujisawa Shuhei  là một trong những tác gia nổi tiếng nhất Nhật Bản về truyện lịch sử, truyện samurai. Nhiều tác phẩm của ông đã được quay thành phim chiếu ngoài rạp và phim bộ ti-vi, được hâm mộ không chỉ ở Nhật mà còn trên khắp thế giới.

Đi xa hơn với nhà văn Endo Shusaku

Endo Shusaku là một nhà văn ngoại hạng và xuất chúng của nền văn học Nhật, với niên biểu sáng tác có thể dài tới 30 trang A4

Phong cách điêu khắc Nhật Bản qua tượng Phật các thời kỳ

Tượng Phật là chủ đề nổi bật của giới điêu khắc gia Nhật Bản qua các thời kỳ. Đặc điểm Nhật Bản thể hiện rất rõ qua phong cách điêu khắc của họ. Cùng tìm hiểu qua bài khảo cứu của tác giả Nguyễn Nam Trân

Daibutsu lộ thiên ở Hase (Kamakura)
1 view

Daibutsu lộ thiên ở Hase (Kamakura)

Biên soạn : Nguyễn Nam Trân

Tượng Phật đã ra đời trong hoàn cảnh nào?

Tượng Phật (Butsuzô) là hình tượng dùng để miêu tả chư Phật. Ngoài Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật sống thực, từng có mặt trên cõi đời này, còn có những vị Phật khác được biết đến trong hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại Thừa chẳng hạn Phật Di Lặc, Phật A Di Đà…

Trên thực tế thì tượng Phật không chỉ liên quan đến các vị Phật mà cả các Bồ Tát, Thiên Bộ, Minh Vương, La Hán và Tổ Sư…Như thế, danh xưng “tượng Phật” chỉ là để tổng quát hóa các loại hình tượng trong Phật giáo. Theo nghĩa rộng, các bức họa đỉnh tướng, bình phong, tranh cuộn, trang nghiêm cụ (dụng cụ có tính thiêng liêng dùng để hành lễ) cũng có thể được kể vào loại này nhưng theo nghĩa hẹp thì nó chỉ liên quan đến các tác phẩm điêu khắc với các vật liệu như kim loại, đất đá, gỗ, thạch cao, giấy bồi.

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, ngài không hề nghĩ đến việc người đời sau tạc tượng để thờ mình. Ngài từng dạy “Tự đăng minh, Pháp đăng minh” xem đối tượng tu hành là bản thân, là đạo pháp chứ không có gì khác. Các đệ tử trực tiếp của ngài tuy cảm thấy mất mát và hụt hẫng khi nhục thân tôn sư không còn nữa nhưng họ không nghĩ đến việc phải tạc tượng để duy trì hình ảnh vị thầy yêu kính. Các vị tăng tu theo giáo lý nguyên thủy cũng cùng chung quan điểm. Họ xem việc quán triệt triết lý Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên mới là cơ sở của sự tu hành. Ngay cả trên đất nước Ấn Độ, nơi đạo Bà La Môn là tôn giáo chính, tuy có chuộng nghi lễ nhưng đạo này và lục sư ngoại đạo không chủ trương phải nương tựa vào các tôn tượng. Thế thì tại sao ngày nay, ở đâu ta cũng thấy có tượng Phật được chế tác bằng nhiều thứ vật liệu khác nhau và dưới mọi vị thế đứng, nằm, ngồi thẳng, ngồi gác chân (bán già)…?

Trước tiên, có thể nói nguyên do của sự xuất hiện các tượng Phật là (1) sự phát triển của Phật giáo Đại thừa và (2) ảnh hưởng của tập quán cúng tế các tôn tượng đến từ Nam Âu và Tiểu Á.

(1) Cơ bản của Phật giáo Đại thừa là tín đồ. Khi qui tụ với nhau, những người này thấy cần có một mái nhà (ấy là chùa chiền) và đặt một số tượng để vật thể hóa một lòng tin trừu tượng. Các tín hữu không phải là triết gia mà chỉ là con người bình thường nên họ chờ đợi một vật gì cụ thể để có thể tập trung sự suy nghĩ của mình. Ban đầu, khi chưa làm ra tượng thì những vật ấy là tháp cúng dường (các stupa đã có sẳn trong truyền thống Ấn Độ), di hài của Phật (tóc, móng tay, tro cốt = xá lợi), dấu chân (Phật túc tích) hay hình tượng bánh xe đạo pháp (pháp luân). Thế nhưng về sau, vào khoảng thế kỷ thứ 1, người ta khám phá ra rằng tại khu vực Gandhara (Tây Bắc Ấn, nay là Pakistan) và Mathura (Bắc Ấn, nay là Pakistan) đột nhiên đã có vô số tượng Phật được kiến tạo. Riêng câu hỏi giữa Gandhâra và Mathura, đâu là nơi đã làm ra tượng Phật trước tiên thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra câu trả lời dứt khoát.

(2) Gandhâra là nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp (Hellenism). Do đó các tượng Phật làm ra ở đây có phong cách Hy lạp. Đặc điểm của các tượng Phật ở Gandhâra là có một điểm trắng trên trán giữa hai hàng lông mày (miken byakugô) để phóng hào quang, sau lưng lại có một cái đĩa tròn tượng trưng cho vầng ánh sáng đang tỏa ra. Ban đầu các tượng được đặt trong những khám thờ vây quanh một ngọn tháp, về sau người ta mới đưa chúng vào bên trong từ đường (jidô) nghĩa là một không gian khép kín dùng làm nơi thờ phượng.

Mỹ thuật của Gandhâra như thế đã đến từ phương Tây rồi truyền sang miền Đông theo con đường xuyên qua vùng Trung Á. Thực vậy, năm 330 TCN, Đại đế Alexandros III (356TCN-323 TCN) nước Macedonia hành binh qua phương Đông để chinh phục. Sau khi chiến thắng quân Ba Tư, binh đoàn của ông khống chế được Ấn Độ và đưa văn hóa Hy Lạp vào. Đến thế kỷ thứ 2 TCN thì một số tướng tá của binh đoàn không muốn về nước đã ở lại và lập ra vương triều Greco-Bactria, tiếp tục du nhập văn hóa Hy Lạp. Do đó, ta có thể xem mỹ thuật vùng Gandhâra là một sự kết hợp của hai yếu tố Hy Lạp – Ba Tư. Chẳng hạn việc sùng bái hình tượng đã đến từ Hy Lạp và việc đặt một vầng hào quang sau lưng tượng là đặc điểm của văn hóa Ba Tư. Trong các văn bia vùng Gandhâra, họ dã nhắc đến tên các vị Phật và Bồ Tát như Di Lặc, A Di Đà Như Lai và Quan Âm.

Thời kỳ mà tượng Phật bắt đầu có mặt ở nhiều nơi trên đất Ấn là hậu bán thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên. Các học giả đã đồng ý là việc này đã xảy ra dưới triều Kushâna, nhất là lúc Kanishka, ông vua đời thứ 3 và sùng Phật trị vì. Ông là người bảo hộ Phật giáo, từng cho in hình ảnh và xưng hiệu của Đức Phật trên đồng tiền của nước mình.

Về những bức tượng Phật ở Mathura thì người ta nhận xét rằng ban đầu vóc vác chúng rất vạm vỡ, thế nhưng đến triều đại Gupta thì dần dần trở nên thanh cảnh.

Đại Phật ở Pamiyan (Afghanistan (trước khi bị phá hoại) ra đời vào thế kỷ 5 hay 6
Đại Phật ở Pamiyan (Afghanistan (trước khi bị phá hoại) ra đời vào thế kỷ 5 hay 6

Các loại tượng Phật:

Như đã nói, tượng Phật gồm có 4 nhóm: tượng Như Lai, Bồ Tát, Minh Vương và Thiên Bộ. Ngoài ra còn có các tượng La Hán và Tổ Sư.

Như Lai (Nyorai):

Như Lai, người đã giác ngộ, kẻ đi về thế giới của Chân như rồi từ đó trở lại (Như khứ như lai / Như lai như khứ). Như Lai là một trong 10 danh hiệu cao quý của Phật. Về thân thể, Như Lai có 32 quý tướng 80 điềm lành cho nên khi tạc tượng, Phật sư phải làm sao thể hiện được những quí tướng đó cho dù về trang phục của các ngài thì từ trên xuống dưới chỉ là một mảnh pháp y đơn sơ. Hình tượng Như Lai còn phải được biểu lộ với các loại ấn quyết như Thí vô úy ấn, Dữ nguyện ấn, Thiền định ấn, Thuyết pháp ấn và Dung địa ấn. Gồm có những vị như sau: Thích Ca Như Lai (vị Phật duy nhất đã sống trên thế gian này), Lô Xá Na Như Lai (sống ở thế giới Liên Hoa Tạng và ngồi trên tòa sen), Dược Sư Như Lai (sống ở Đông Phương Lưu Ly Quang Tịnh Độ), A Di Đà Như Lai (sống ở Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ), Đại Nhật Như Lai (của Mật Giáo) ở núi Tu Di, tượng trưng cho chính vũ trụ.

Bồ Tát (Bosatsu):

Bồ Tát là người đi tìm sự giác ngộ và trong tương lai sẽ là một Như Lai. Bồ Tát tượng trưng cho các đức hạnh của Phật. Không bắt ấn như các Như Lai, Bồ Tát phục sức hầu như giống nhau nhưng mỗi vị đều có một bảo bối hay đặc điểm để dễ phân biệt, ví dụ Quan Âm thường cầm tịnh bình hay liên hoa. Đến khi có ảnh hưởng Mật giáo, Quan Âm còn có thể biến hóa thành Đa diện đa tý Quan Âm, Mã đầu Quan Âm, Như ý luân Quan Âm vv…phục vụ cho những mục đích thờ phượng khác nhau.

Khác với Di Lặc Bồ Tát, các Bồ Tát đều ở trong tư thế đứng (lập tượng).

Ngoài Quan Âm Bồ Tát, còn có Địa Tạng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát …là những vị bồ tát mà chúng ta thường nghe nói tới. Đặc điểm của họ là trong khi Phổ Hiền cưỡi bạch tượng 6 ngà, Văn Thù di chuyển bằng sư tử bờm xanh thì Di Lặc ngồi kiết già và trên tay cầm bảo tháp.

Minh Vương (Myôô):

Minh Vương là các tượng Phật đặc biệt thấy trong Mật giáo. Các Minh Vương được Đại Nhật Như Lai chưởng quản. Có khi Như Lai tự mình biến hóa thành Minh Vương. Nói chung, các Minh Vương đều có tướng mạo phẫn nộ, trông rất dữ dằn, ngoại trừ Khổng Tước Minh Vương cưỡi chim công là vị duy nhất có dáng vẻ bên ngoài biểu lộ lòng từ bi.

Bất Động Minh Vương (Fudô Myôô) là tượng không đáng kể cho lắm ở Ấn Độ và Trung Quốc nhưng được Nhật Bản rất trọng vọng từ khi được Đại sư Kuukai (Không Hải, 774-835) sang lục địa mang về. Bất Động đóng vai trò quan trọng trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La của Mật giáo và sau đó, tín ngưỡng Bất Động đã được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Bất Động thường được các Phật sư mô tả với mái tóc buông rủ, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm giây thừng để trói tà ma. Thường thì Bất Động sống trong lửa cho nên sau lưng luôn luôn có một đám lửa (Ca Lâu La Viêm) hừng hực cháy. Bất Động thường có hai đồng tử theo hầu hai bên nên tượng cả ba được gọi là Bất Động Tam Tôn.

Trong giáo lý Chân Ngôn (Đông Mật) thì ngoài Bất Động còn có những Minh Vương khác như Hàng Tam Thế, Quân Trà Lợi, Đại Uy Đức, Kim Cương Dạ Xoa. Họ được gọi chung là Ngũ Đại Minh Vương. Các chùa lớn ở Nhật như Tôji (Đông Tự), Daigakuji (Đại Giác Tự), Daigoji (Đề Hồ Tự) thường thờ chung cả 5.

Thiên Bộ (Tenpu):

Phật giáo đã tiếp thu hình ảnh Thiên Bộ từ các tôn giáo cổ đại của Ấn Độ. Danh xưng Thiên Bộ dành cho những thiện thần (thần làm điều lành) bảo hộ Phật pháp. Khi thì họ mặc quần áo văn quan (trường hợp Ấn Độ), khi thì mặc khôi giáp như võ tướng (trường hợp Trung Quốc) hoặc ở dưới dạng quỷ sứ.

Về Thiên Bộ, trước tiên phải nói đến Tứ Thiên Vương (Shitennô). Các vị này trên tay đều cầm vũ khí như vũ tướng. Đó là 4 vị thần hộ pháp canh giữ tứ phương núi Tu Di Sơn tức trung tâm vũ trụ. Trong tư tưởng Ấn Độ cổ truyền, người ta quan niệm là phải có kẻ canh giữ bốn góc nhà và Phật giáo đã tiếp thu ý kiến đó. Gồm có Trì Quốc Thiên (giữ phía Đông, canh phòng an ninh), Tăng Trưởng Thiên (giữ phía Nam, mang lại sự sung túc), Quảng Mục Thiên (giữ phia Tây, có nhiệm vụ quan sát và dẫn dắt), cuối cùng là Đa Văn Thiên (giữ phía Bắc, trong coi kho đụn tài sản). Vị này trên tay cầm bảo tháp, có khi được thờ riêng và lúc ấy thì mang danh hiệu là Bì Sa Môn Thiên.

Thứ đến là Bát Bộ Chúng tức 8 kẻ hầu cận Thích Ca. Gồm có: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Đạt Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Gia. Trong 8 vị này, có A Tu La là thần chiến đấu trong hệ tôn giáo Ấn Độ, trước thường xung đột dữ dội với Đế Thích Thiên nhưng sau được Đức Phật cảm hóa, cho qui y và trở thành một vị thần hộ pháp. Bức tượng A Tu La trong Bát Bộ Chúng Tượng của chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) ở Nara là một quốc bảo Nhật Bản nổi tiếng hơn cả.

Ngoài ra còn có các Kim Cương Lực Sĩ (Kongô Rikishi), họ nguyên là những cận vệ không cho ma quỷ đến gần Đức Thích Ca. Các Kim Cương Lực Sĩ bảo vệ chùa được gọi là Nhân Vương (Niô) và thường đi thành cặp bởi vì Ấn Độ trước đây, thân thể Nhân Vương (Niô) chia làm hai thân (trong chữ Nhân 仁có chữ Nhị là 2). Ban đầu tượng Nhân Vương có cầm vũ khí nhưng sau thường xuất hiện với tay không. Có hai dạng mở miệng (Agyô) và mím miệng (Ungyô). Tùy lúc mà được đặt ở cổng chùa (Nhân vương môn) hay trong điện thờ.

Hai quốc bảo chùa Hưng Phúc (Kôfukuji)

A Tu La và Thiên Thủ Quan Âm

Trong Thiên Bộ, còn phải kể đến Phạm Thiên, Đế Thích Thiên, Cát Tường Thiên và Biện Tài Thiên. Phạm Thiên (Bonten, Brahma) và Đế Thích Thiên (Taishakuten, Indra) là hai vị thần cao quí hàng đầu của Ấn giáo nên được Phật giáo xếp vào những Thiên Bộ quan trọng nhất. Cát Tường Thiên (Kichijôten) cũng là một vị thần của Ấn giáo, tượng trưng cho sắc đẹp và tài lộc. Biện Tài Thiên (Benzaiten) là hình ảnh thần cách hóa của sông ngòi trong tư tưởng Ấn Độ, được Phật giáo dùng để tượng trưng cho học vấn và trí tuệ.

Kỹ thuật chế tác các tượng Phật

Kỹ thuật chế tác tượng Phật đã được đem từ Hy Lạp qua Trung Á rồi vào đất Ấn (Nam Á). Sau đó, nó đã biến dạng và trở nên phong phú khi tiếp xúc với văn hóa của những vùng đất đi qua. Nói chung thì có những cách chế tạo với vật liệu đa dạng như đồng, đá, đất sét, sơn khô và gỗ khối hay gỗ ghép. Về chiều cao thì trước hết có những bức tượng lớn cao hàng chục thước và nặng nhiều tấn như tượng Đại Phật đục trong lòng núi đá ở Pamiyan ở Afghanistan đã bị phiến quân Hồi giáo phá hoại, Đại Phật ở chùa Tôdaiji (Nara) và Đại Phật lộ thiên ở Kamakura (Nhật Bản). Sau đến những bức tượng cực nhỏ vài mươi cm hay vài cm mà các người hành hương thường mang bên mình. Nhưng nhiều nhất thì vẫn các tượng thường có khổ trên dưới một con người bình thường.

Lược sử tượng Phật ở Nhật Bản

Trước khi có mặt ở Nhật, tượng Phật đã được những Phật sư Trung Á, Ấn Độ và Triều Tiên chế tạo. Phật sư (Busshi) là nhà điêu khắc nhưng chỉ chuyên chú vào việc sáng tác tượng Phật. Nếu việc tạc tượng Phật bắt đầu ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 1 thì đến giữa thế kỷ thứ 4 (giai doạn Ngũ Hồ Thập Lục Quốc) nó đã đi về miền Đông để đến Trung Quốc, có mặt ở các thạch động Đôn Hoàng (Cam Túc) vào hậu bán thế kỷ ấy, đến Vân Cương thạch quật (Sơn Tây) vào hậu bán thế kỷ thứ 5 và Long Môn (Hà Nam) vào cuối thế kỷ. Từ đó cho đến thế kỷ thứ 8, điêu khắc Phật giáo đã phát triển một cách mạnh mẽ chưa từng có.

Phật giáo đã đến Nhật qua ngả Triều Tiên vào hậu bán thế kỷ thứ 6 cùng với một kỹ thuật tạc tượng đã khá hoàn chỉnh.Tượng Phật đầu tiên chính thức có mặt ở Nhật là một bức tượng Phật bé khoảng 40cm do nhà vua Thánh Minh Vương (Songmyong) của tiểu quốc Bách Tế (Paekche, Kudara) trên bán đảo gửi sang biếu Thiên hoàng Kimmei (Khâm Minh, trị vì 531? 539?-571) của Nhật để kết tình giao hiếu. Thế rồi sau khi đạo Phật đã được nhà cầm quyền và người dân Nhật Bản chấp nhận, văn hóa Phật giáo bắt đầu du nhập bằng nhiều con đường vào đất Nhật qua các thời đại lịch sử như Asuka, Nara, Heian, Kamakura và Muromachi. Và khi nói đến văn hóa Phật giáo, dĩ nhiên là nói đến một phạm vi rất rộng rãi chứ không riêng gì lãnh vực điêu khắc.

Cổ đại

Những Phật sư đã xuất hiện từ xa xưa và vẫn còn hiện diện trong thời đại chúng ta. Buổi đầu, với tài năng và kỹ thuật mà các Phật sư Triều Tiên di trú mang đến, vương triều Asuka (cuối thế kỷ thứ 6 sang tiền bán thế kỷ thứ 7) đã có những bức tượng Phật đầu tiên của mình dưới thời Nữ thiên hoàng Suiko (trị vì 592-628). Nhà nghiên cứu Christine Shimizu (xem thư tịch) cho biết đặc điểm của các bức tượng làm ra lúc này đều chịu ảnh hưởng Trung Quốc của thời Tam Quốc và Lục Triều. Rõ ràng là chúng có những nét tương tự với các tượng đất ở Long Môn và Vân Cương cũng như các tượng đồng thời Bắc Ngụy. Bức tượng được xem là đầu tiên của Nhật làm ra bởi bàn tay của Tasuna – một người Triều Tiên di trú – vào năm 587. Tsuda Noritake (xem thư tịch) cho biết các tượng thời đó đã được làm bằng đồng hay bằng gỗ, đặc biệt người đương thời đã biết cách phủ lên khung rỗng bằng gỗ và đất một lớp sáp rồi lại phủ thêm một lượt đất nữa và đợi cho khô để rót đồng nung chảy vào chỗ có sáp. Sau khi chờ cho sáp tan đi và đồng nguội hẳn, họ mới chạm trỗ lên trên mặt đồng bằng những dụng cụ nhà nghề trong ngành điêu khắc.

Về các Phật sư thời Asuka, trước tiên phải kể đến Tasuna nói trên và Kuratsukuribe no Tori, con trai ông, còn được biết với tên Tori Busshi. Người sau – đúng như tên gọi – đứng đầu một tập đoàn ngành nghề (be) chế tạo (tsukuri) yên ngựa (kura) nên thông thạo một lượt các kỹ thuật đúc đồng, gỗ và mạ và áp dụng tất cả vào việc tạc tượng. Nhiều tác phẩm của trường phái Tori sau đó đã được bảo tàng ở Hôryuuji (Pháp Long Tự), ngôi chùa do Thái tử Shôtoku, cháu gọi Suiko bằng cô, dựng lên ở gần Kyôto. Chung qui, các tượng thời này thường có hai tư thế khác nhau. Nếu chư Phật như Thích Ca và Dược Sư lộ vẻ thần bí và trầm mặc thì các tượng Bồ Tát như Quan Âm và Di Lặc nhẹ nhàng hơn, biểu lộ nhiều nữ tính.

Ngoài các Phật sư như người của phái Tori làm việc theo đơn đặt hàng của cung đình và đại tự viện, thiết tưởng cũng nên nhắc tới Taichô (Thái Trọng), một du tăng truyền thuyết và Gyôki (Hành Cơ, 668-749), một du tăng khác chuyên làm việc xã hội, từ thiện sống vào thời Nara (649-793). Cả hai đều tạc tượng Phật trên gỗ khi đi ngang những miền quê trên đường hành cước. Tác phẩm của hai ông có nhiều nét độc đáo dù trên thực tế, họ không phải là Phật sư chuyên nghiệp.

Cũng vào thời Nara, lúc Thiên hoàng Shômu (Thánh Vũ) trị vì (724-749), một bức tượng đồng vĩ đại với chiều cao 16 m đã được đúc ra để trần thiết ngôi chùa Tôdaiji ở kinh đô Nara, lúc văn hóa nhà Đường đang ảnh hưởng rất mạnh trên đất Nhật. Lễ điểm nhãn (khai nhãn= kaigen) tượng Phật này (gọi là Đại Phật Nara) đã được tổ chức một cách hoành tráng vào năm 752 với nhiều khách mời ngoại quốc trong đó có cao tăng Bodai Senna (Bồ Đề Thiên Na, 704-760) đến từ Nam Thiên Trúc (Ấn Độ) tháp tùng bởi nhà sư Buttetsu (Phật Triết) đi từ Việt Nam (thực ra là Lâm Ấp).Trải qua nhiều cuộc thiên tai và nhân tai, tượng ấy vẫn còn tuy đã phải chịu nhiều tu sửa. Cuối thời Nara xuất hiện Jôchô (Định Triều, ?-1057), một tên tuổi lớn. Học trò của Kôjô (Khang Thướng), ông đã có công hoàn thành những kỹ thuật của đời trước trong đó có Yosegihô (phép tạo tượng bằng cách ghép nhiều thanh gỗ quanh một thân rỗng) đem lại cho điêu khắc Nhật Bản một tính cách đặc thù. Về mặt xã hội, nhờ tài năng Phật sư của mình, ông được quyền thần Fujiwara Michinaga yêu quí và đã đạt đến những địa vị hàng đầu trong giáo phẩm đương thời như Pháp kiều, Pháp ấn.

di lac bo tat ban gia tu duy
Di Lặc Bồ Tát bàn già tư duy

Các bức tượng thời Nara nét đầy đặn và tròn trịa hơn tượng của thời Asuka trước đó, cho thấy ảnh hưởng của trường phái Gupta từ Ấn Độ sau khi qua Trung Quốc đã sang đến Nhật. Đồng, đất sét, gỗ và sơn khô đều được dùng như vật liệu nhưng đồng được dùng nhiều nhất trong những năm đầu còn đất sét, gỗ và sơn khô trong giai đoạn sau. Những bức tượng lớn được làm bằng đồng đúc, còn những bức nhỏ thì theo phương pháp tán những lá đồng lên một cái khuôn bằng kim loại. Trong niên hiệu Tempyô (Thiên Bình) thời Thiên hoàng Shômu, tượng gỗ được làm bằng cây bách (hinoki) hay long não (shôno) và trên một thân cây duy nhất giống như các tác phẩm trước đó. Vẻ đẹp của tượng gỗ thời này có thể thấy qua bức Quan Âm thập nhất diện, một tay cầm tịnh bình, một tay buông thỏng, cao 190 cm của chùa Dược Sư (Yakushiji) ở Nara. Với kỹ thuật tượng đất sét và sơn khô (kanshitsu = can tất) một thủ pháp học được từ bên nhà Đường, thời này cũng đã để lại nhiều tác phẩm giá trị. Thế nhưng sau đó, cánh cửa đối với Trung Quốc khép lại từ khi chuyến gửi sứ giả sang nhà Đường (Khiển Đường Sứ = Kentôshi) cuối cùng bị bãi bỏ vào năm 894, Nhật Bản bắt đầu bước vào một thời đại tự chủ về văn hóa nghệ thuật.

Trung đại

Bước qua thời trung đại, cùng với sự hưng thịnh của Mạc phủ Kamakura (1183-1333), vai trò của các Phật sư đã trở thành quan trọng hơn. Họ thường lập thành đoàn thể ngành nghề hay trường phái (ha). Các trường phái đáng kể nhất là Viện phái (In.ha), Viên phái (En.ha), Khánh phái (Keiha) và Thiện phái (Zen.ha).

Viện phái (In.ha) bắt đầu với Viện Trợ, con của Giác Trợ, cháu gọi Định Triều (Jôchô) bằng ông nội. Viện phái là một tập đoàn Phật sư đã có từ thời Nara. Lúc đầu, Viện phái chỉ mô phỏng tổ phụ Jôchô nhưng về sau cũng có được những tác phẩm có cá tính và nổi tiếng như bức tượng A Di Đà Như Lai Tọa tượng do Ingaku (Viện Giác) sáng tác và đặt ở chùa Pháp Giới Tự.

Viên phái (En.ha) là một trường phái ban đầu hoạt động ở vùng Kyôto, đến thời Kamakura thì chuyển dần về miền Đông. Chôsei (Trường Thế, 1010-91), ông tổ của họ, nhờ công lao tạc tượng, đã được phong đến chức Pháp ấn. Tác phẩm quan trọng của ông là Thập Nhị Thần Tướng đặt ở chùa Quảng Long Tự, được đánh giá là quốc bảo.

Tuy vậy, Khánh phái (Kei.ha) mới là trường phái điêu khắc tượng Phật quan trọng hơn cả trong lịch sử Nhật Bản. Hoạt động của phái này kéo dài từ thời cuối thời Heian đầu thời Kamakura (thế kỷ 12) tận đến thời Edo (thế kỷ 19). Bắt đầu với Khang Khánh (Kôkei, không rõ năm sinh năm mất) – học trò của Khang Trợ (Kôjo), một Phật sư Viện phái – tập đoàn này đã cống hiến cho nghệ thuật điêu khắc tượng Phật nhiều nhân tài, trước tiên là bộ đôi Vận Khánh (Unkei, ? – 1223) và Khoái Khánh (Kaikei, 1183?-1236?). Vận Khánh và Khoái Khánh đều là học trò của Khang Khánh nhưng Khoái Khánh không có quan hệ máu mủ với thày trong khi Vận Khánh chính là con trai Khang Khánh. Về Vận Khánh (Unkei), nhiều người xem ông là một Michelo Angelo của phương Đông và là người đã tạc được những bức tượng tôn giáo tân kỳ trước thời Phục Hưng bên Ý cả 100 năm. Về liên hệ giữa Vận Khánh và Khoái Khánh, có tác giả so sánh họ với cặp đôi kình địch Mozart-Salieri trong âm nhạc. Hiện nay đang có khuynh hướng đánh giá lại vai trò của Khoái Khánh (Kaikei), chủ trương rằng tuy hai ông Khánh này đều có tài năng xuất chúng nhưng khác nhau ở chỗ nếu Vận Khánh chú tâm sáng tác những bức tượng lớn và đẹp đẽ để trưng bày trong các đại tự viện miền Đông thì Khoái Khánh tuy vẫn có những công trình lớn, lại từng hợp tác nhiều phen với Unkei, vì bản thân là một tín hữu A Di Đà nhiệt thành nên đã chuộng con đường phục vụ dân chúng nghĩa là tạc những bức tượng nhỏ dễ mang theo bên mình để mọi người dùng trong việc niệm Phật hằng ngày.

Nếu ngày nay lịch sử có khuynh hướng đặt hai ông bên cạnh nhau như một cặp song đôi, đương thời, thiên hạ chỉ trọng vọng mỗi Vận Khánh. Vận Khánh có 6 người con theo nghề cha: Đam Khánh (Tankei), Khang Biện (Kôben), Khang Thắng (Kôshô). Khang Vận (Kôun), Vận Hạ (Unga) và Vận Trợ (Unjo). Ba ông đầu còn lưu lại một ít tác phẩm nhưng tiếc thay, về ba ông sau, hậu thế chẳng còn hưởng được gì từ họ.

Một nghìn tượng Quan Âm trong Tam thập tam gian đường (Sanjuusangendô)
Một nghìn tượng Quan Âm trong Tam thập tam gian đường (Sanjuusangendô)

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói về quốc bảo “Tam thập tam gian đường” nơi có đặt 1.001 pho tượng Thiên Thủ Quan Âm (Quan Âm nghìn tay) khổ người thật mà du khách khi đặt chân đến Kyôto không ai là không tìm cách tới thăm. Đó là một công trình xuyên thời gian nằm trong khu Higashiyama. 124 bức đầu là tác phẩm của thời Heian (thế kỷ 12) và 876 tác phẩm còn lại là của thời Kamakura (13th) làm thêm nhân khi người đương thời trùng tu ngôi đền rất dài che chở cho chúng vốn đã bị thiệt hại sau một trận hỏa tai. Khoảng 700 bức tượng mới có đề tên tác giả và người ta nhận ra rằng trong số đó có nhiều tác giả là nhân tài của Keiha (Khánh phái) kể cả Unkei và Kaikei.

Cận đại

Các Phật sư truyền thống vẫn làm công việc của họ một cách nghiêm cẩn trong gần 3 thế kỷ thái bình của thời Edo (1603-1868) khi Phật giáo đã trở thành công cụ chính trị của Mạc phủ. Thế nhưng chính một nhà điêu khắc nghiệp dư là Enkuu (Viên Không, 1832-95) và vào giai đoạn cuối lại có thêm Mokujiki (Mộc Thực, 1718-1810), mới là những nhân vật đã có công đưa ngành điêu khắc tượng Phật của Nhật Bản thoát ra những khuôn mòn.

Hiện đại

Thời cận hiện đại có các tên tuổi lớn như Takamura Kôun (1852-1934, cha của nhà thơ và điêu khắc gia Takamura Kôtarô), Matsuhisa Hôrin, Onodera Hisayuki, Yamazaki Shôrin và không phải chỉ có chừng đó. Tuy nhiên, nói chung thì ngày nay, Phật sư chuyên nghiệp đã trở thành một hình ảnh đặc biệt và hiếm hoi. May thay nhà nước Nhật Bản và xã hội dân sự vẫn có những chính sách giúp đỡ nhằm duy trì sự tồn tại của họ vì mục đích truyền thừa di sản văn hóa dân tộc.

Một nhà điêu khắc tượng Phật thời nay 
Một nhà điêu khắc tượng Phật thời nay 

Đặc trưng tượng Phật Nhật Bản

Như đã có lần nói đến, đặc trưng đầu tiên của tượng Phật Nhật Bản là khuynh hướng tạc nhiều hình tượng thần linh hộ pháp hơn là những vị Phật đã đạt được chính giác. Giữa cõi đời Mạt pháp khi mà chúng sinh vẫn đắm đuối trong mê lầm thì sự góp mặt của những vị thần linh này rất đáng kể. Diện mạo dữ tợn giúp cho họ có thể răn đe những kẻ chưa chịu sám hối bởi vì cái ác rất khó xóa bỏ khỏi tâm địa con người.

Thứ đến, văn hóa điêu khắc tượng Phật Nhật Bản có một sự phân ranh rõ rệt kể từ khi Tân Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ 13. Song song với việc sáng tác những tượng Phật thần bí, uy nghiêm và hoành tráng, theo đúng đòi hỏi của truyền thống, để trưng bày trong tự viện, hãy còn có những bức tượng mộc mạc, nhỏ bé nhưng sinh động, gần gũi và thân thiết mà tín hữu mang theo người. Quá trình thoát Ấn, thoát Hán của các Phật sư các đời như thế còn được sự hổ trợ của các du tăng vốn là những nghệ sĩ nghiệp dư dân tộc. Sự xuất hiện của lớp người thứ hai có thể được giải thích bằng sự có mặt của tư tưởng Thần đạo vốn đồng hành với Phật giáo từ nhiều thế kỷ trên đất nước này.

Một người như danh tướng Uesugi Kenshin (1530-1578) thời Sengoku đã chọn Bishamonten (Bì Sa Môn Thiên) như vị thần bản mệnh của mình, Bồ Tát Địa Tạng (Jizô) khi đến Nhật đã được dân sở tại chuyển hóa thành vị Phật cứu giúp trẻ con, Dạ Xoa (Yaksa) có khi được các con buôn thờ như Thần Tài. Văn hóa tượng Phật còn thâm nhập vào trong cuộc sống của người dân, hòa trộn vào cả ngôn ngữ hàng ngày. Khi muốn đề cập đến những nhân vật cốt cán trong một ngành nghề, người ta chỉ cần xếp họ thành “tứ thiên vương” (shiten.nô), một từ ngắn gọn thấy trong điêu khắc tượng, là ai cũng hiểu. Hãy còn lắm thí dụ khác như “A tu la” (Ashura) để nói bóng gió về một cuộc tranh chấp hỗn loạn không lối thoát, “ngạ quỉ” (gaki) ám chỉ đứa trẻ con tinh nghịch.

Ba nhà nghệ sĩ lớn: Unkei, Kaikei và Enkuu

Hai Phật sư đáng chú ý vì đã đem đến cho nghệ thuật tạo hình Nhật Bản một luồng gió mới cùng một hướng với sự bành trướng của Tân Phật giáo (Phật giáo Kamakura) là Unkei (Vận Khánh), Kaikei (Khoái Khánh). Về sau – dưới thời Edo – lại có thêm một nhân vật kiệt xuất thứ ba là Enkuu (Viên Không).

Lúc hai cao tăng Saichô (Tối Trừng) và Kuukai (Không Hải) từ đại lục trở kinh đô Heian và xây dựng một phong trào Phật giáo hợp thời hơn cho Nhật Bản, tượng Phật hầu như chỉ là vật điêu khắc trên gỗ (bokuchô = mộc điêu). Buổi đầu, phổ thông hơn cả là những tượng Phật đẽo từ một thân cây (ichiboku-zukuri), sau đó các Phật sư mới phát minh thêm lối ghép nhiều bộ phận của cây lại với nhau để làm thành tác phẩm (yosegi-zukuri), do đó các tượng Phật càng ngày càng tinh xảo và bề thế hơn.

Jôchô (Định Triều) có lẽ là Phật sư sử dụng phương pháp thứ hai tài tình hơn cả. Với nó, ông đã làm ra tọa tượng của Phật A Di Đà Như Lai, bản tôn (honzon) của quần thể kiến trúc Byôdôin Hôhôdô (Bình Đẳng Viện Phượng Hoàng Đường) ở thị trấn Uji, nơi nổi tiếng trà ngon. Hình dáng Đức Phật A Di Đà, chủ nhân của cõi Cực Lạc Tịnh Độ, trong tư thế ngồi trầm tư đã biểu hiện tất cả sự trang trọng và thiêng liêng. Từ đó về sau, nhiều người đã mô phỏng phong cách ấy nhưng khuynh hướng đó chỉ làm cho việc tạo hình tạc tượng dậm chân một chỗ bởi vì hình thức thì đúng là mô phỏng Jôchô nhưng vẫn thiếu cái hồn thiêng nằm bên trong.

Văn hóa Nhật Bản:
Giới thiệu Hán thi Nhật Bản hiện đại
Bashô và cõi thơ haiku Nhật Bản
Hoa Anh đào Muôn thuở và những bài haiku khó quên của Bashō
Ngày Tết ở Nhật và Shichifukujin (Bảy vị phước thần)

Unkei

Người phá vỡ được sự trầm trệ này là một Phật sư tên gọi Unkei (Vận Khánh, ?- 1223). Sự xuất hiện của ông có liên hệ với sự thành hình của Mạc phủ Kamakura do giai cấp quân nhân tân hưng (giới samurai) đứng đầu và đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Bởi vì Mạc phủ Kamakura cũng đã phá vỡ được một sự trầm trệ lâu dài về chính trị và mở ra được một thời đại mới. Riêng Unkei thì đã phá vỡ sự trầm trệ về mặt điêu khắc tượng Phật và đem đến cho nó một phong cách sáng tạo..

Tác phẩm buổi đầu của Unkei đều nằm ở các chùa miền Đông (vùng Kantô) vì nơi đây là môi trường sinh hoạt của các yếu nhân trong Mạc phủ như gia đình Shôgun và họ ngoại Hôjô. Có lẽ Unkei đã sớm có những mối quan hệ mật thiết với họ. Thế nhưng đỉnh cao nghệ thuật mà Unkei đạt tới không phải nằm ở đây mà lại ở miền Tây (Kansai) khi nhờ lời tiến cử của một nhân vật có thế lực là nhà sư Sunjô (Tuấn Thừa) tức Chôgen (Trọng Nguyên, 1121-1206), ông đã được triều đình ủy thác trách nhiệm trùng tu một loạt các tượng Phật của Tôdaiji (Đông Đại Tự), ngôi chùa lớn ở Nam đô (Nara) vừa bị quân đoàn Taira (Heike) đốt phá.

Tượng Shunjô rất hiện thực của Unkei
Tượng Shunjô rất hiện thực của Unkei

Trong khu vực gọi là Shunjôdô (Tuấn Thừa Đường) của chùa, Unkei có cho đặt một bức tượng của Shunjô do ông sáng tác.Tượng ấy vóc dáng thì nhỏ con, mắt híp, lỗ mũi bé, da mặt nhăn nheo, đúng là hình ảnh của một ông già Nhật bình thường. Tuy vậy, cái miệng lại là miệng mím chặt và môi lại vểnh lên, bộc lộ một ý chí cương quyết. Có lẽ khi tạc một cái tượng với đầy đủ tính hiện thực như thế, Unkei muốn biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc của ông đối với nhân vật. Tất nhiên ông đã ra sức đục đẽo nhưng không phải với mục đích lý tưởng hóa Shunjô mà chỉ để cho mọi người thấy được hình ảnh trung thực của ân nhân dưới cái nhìn sắc bén của ông.

Shunjô là một nhân vật vĩ đại nên nhân cách thật khó lòng nắm bắt. Ông là một nhà sư phái Chân Ngôn (Shingon) Mật Giáo, đã ba lần vào đất Tống. Ông thân thiết với Esai (Vinh Tây), người được xem như vị khai tổ của dòng Thiền Nhật Bản. Thế nhưng, đồng thời ông cũng nhiệt thành tu theo Tịnh Độ Giáo (Jôdokyô), một giáo phái mới do đại sư Hônen (Pháp Nhiên) chủ trì.

Trong khi Jôchô (Định Triều) xem hình tượng Đức Phật A Di Đà như một khuôn mẫu cho sự sáng tác của mình, những nhà điêu khắc của Tân Phật Giáo Kamakura – hậu duệ của ông – lại xem trung tâm sáng tác của họ là các Minh Vương (Myôô) và Thiên Bộ (Tenpu) mới quan trọng, nhất là Thiên Bộ, chứ không phải các vị Phật (Như Lai) hay Bồ Tát vốn được xem như có ngôi vị cao cấp hơn. Chẳng hạn các tượng Kim cương Lực Sĩ dặt đứng (lập tượng) ở đại môn chùa Tôdaji mà cả Unkei (Vận Khánh) và Kaikei (Khoái Khánh) đều đã góp công chạm khắc mới là những tác phẩm trình bày được trước mắt người xem tất cả sinh lực và tài năng của các nhà Phật sư Tân Phật Giáo. Đặc biệt bức Ungyô Kongô Rishi Ryuuzô (Hồng hình kim cương lực sĩ lập tượng) của Unkei là một tác phẩm nổi trội. Trên trán tượng là những đường nhăn thật sâu dựng theo chiều thẳng đứng, mắt mở trừng trừng, lỗ mũi thật to và miệng thì mím chặt (bởi vì Hồng 吽có nghĩa là cuối cùng, không cần phải nói thêm gì nữa). Thân tượng vặn vẹo và người thì hơi lệch qua một bên, bàn tay phải xòe ra, bàn tay trái gân guốc nắm lấy tích trượng. Thật không có hình ảnh nào có thể diễn tả sức mạnh vô song của Kim cương lực sĩ hơn nó và điều mới mẻ này đã đến từ các Phật sư của Tân Phật Giáo. Phải chăng các nhà nghệ sĩ ấy đã lấy cảm hứng từ mô hình các samurai dũng cảm của Mạc phủ Kamakura, những người chủ mới của đất nước họ, để sáng tác. Kể từ lúc này mỹ học tĩnh của Jôchô (Định Triều) thời Nara trong điêu khắc tượng Phật đã bị thay thế bằng mỹ học động của những những Phật sư mới xuất hiện. Lại nữa, người ta còn nhận ra rằng ở các tượng được trưng bày ở chùa Takisanji (Lũng Sơn Tự) ở Nagoya như Thánh Quan Âm lập tượng, Phạn Thiên lập tượng hay Đế Thích lập tượng cũng đều biểu lộ được những đường nét linh hoạt của thân thể mà xưa nay người ta muốn cất dấu khi phải tạc tượng những bậc thần thánh. Theo Umehara Takeshi (xem thư tịch) thì tượng của Bát Đại Đồng Tử (Hachi Daidôji) của Unkei đặt chùa Kim Cương Phong (Kongôbuji) núi Kôyasan (Cao Dã Sơn) biểu lộ được một cách rõ ràng nhất quan niệm sáng tác của nhóm Phật sư Tân Phật Giáo này. Các đồng tử dĩ nhiên là những con người như chúng ta nhưng qua thủ pháp của Unkei, họ đã bộc lộ được tính chất phi phàm tàng ẩn bên trong.

Kaikei

Kaikei (Khoái Khánh, 1183?-1236) dĩ nhiên là một Phật sư đầy tài năng nhưng phải nói rằng tác phẩm của ông không bộc lộ được cái thần thái của đối tượng và còn thiếu sự năng động, hai điều quan trọng thường thấy trong tác phẩm của Unkei. Bức Agyô Kongô Rikishi (A hình kim cương lực sĩ) mà ông tạc và được đặt ở đại môn chùa Tôdaiji, nếu so với bức Ungyô của Unkei đặt bên cạnh thì sức diễn đạt yếu hơn nhiều (A trong tiếng Phạn có nghĩa bắt đầu nên mới có cảnh há miệng). Có thể suy ra rằng tính tình ông hiền hòa trầm lặng chứ không tự do bôn phóng như Unkei. Dù vậy, ông lại có một năng lực đặc biệt. Đó là sự nhạy cảm đối với những cái gì thiêng liêng và có một đức tin tôn giáo thành thực.

Kaikei còn là một tín đồ trung kiên của phái Chuyên tu niệm Phật (Senju Nembutsu) dưới sự chỉ đạo của giáo chủ Hônen (Pháp Nhiên) nên đã làm nhiều tượng Phật sử dụng vào việc truyền giáo. Để tín hữu có thể mang theo người lúc đi đường, thay vì tạc những tọa tượng với định ấn (Jôin = ấn quyết với hai ngón tay cái đặt trên những ngón tay co lại), ông làm những lập tượng với ấn quyết lai nghênh (Raigôin = ngón cái và ngón út dính nhau, trong khi ba ngón kia thì duỗi thẳng và đặt song song). Nó tượng trưng cho tư thế của Đức Phật A Di Đà cõi Tây Phương Tịnh Độ hiện ra trước mắt tín hữu cho thấy bất cứ lúc nào ngài cũng sẵn sàng đến tiếp dẫn người niệm Phật. Nhờ những bức tượng như thế mà tín đồ của Hônen (Pháp Nhiên) và Shinran (Thân Loan) mới hiểu một cách cụ thể giáo lý của hai vị giáo chủ. Về sau ở các chùa phái Tịnh Độ và Tịnh Độ Chân Tông, những bức tượng với lai nghênh ấn này đã được đặt ở giữa chính điện và được mọi người sùng bái.

Đặc biệt tượng A Di Đà của Kaikei thì vô cùng đẹp đẽ và mềm mại, thí dụ tượng A Di Đà Tam Tôn đặt ở chùa Tịnh Độ ở Hyôgo (Kobe) cho thấy một cách rõ ràng mối quan hệ gần gũi giữa giáo chủ Hônen và Phật sư Kaikei.

Bàn chân tượng Kim Cương
Bàn chân tượng Kim Cương gân guốc do Kaikei tạc

Enkuu

Thật khó xếp loại Enkuu (Viên Không, 1632-1695) trong dòng chảy của lịch sử điêu khắc Nhật Bản. Đến sau Unkei và Kaikei những 4, 5 thế kỷ, ông đột ngột xuất hiện với những bức tượng Phật đẽo trên gỗ kỳ quái giống như tác phẩm của một tay tài tử chứ không phải là Phật sư chuyên nghiệp. Người ta chỉ có thể định nghĩa ông như người thợ làm đồ mộc (kijishi) hay là một nhà ẩn tu trên núi Kôyasan (Kôya-hijiri).

Nếu nói về khắc tượng Phật bằng gỗ thì ngày xưa (thế kỷ thứ 8) đã bắt đầu với tăng Gyôki (Hành Cơ, 668-749) và các đệ tử của ông ấy. Thế nhưng người dạy Gyôki tạc tượng Phật có thể là Taichô (Thái Trừng) mà tác phẩm Thập Nhất Diện Quan Âm hãy còn được lưu lại trong chùa Iwamadera (Nham Gian Tự) thuộc thành phố Ôtsu. Tương truyền Taichô đã dùng cây quế (katsura) vốn mọc hoang và có rất nhiều trong vùng để tạc tượng. Taichô được biết là người đã khai sáng ra một thứ tôn giáo của vùng Takayama-Gifu là tín ngưỡng Hakusan (Bạch Sơn), thờ một lượt các vị thần bản địa và các vị thần ngoại lai trong đó có chư Phật. Nói cách khác, đó là một tôn giáo “Thần Phật hiệp một”. Bắt đầu với Taichô, tín ngưỡng Hakusan (tên một hòn núi) đã được tiếp tục với tín ngưỡng Hachiman (Bát Phan) có tính cách quốc gia dân tộc của Gyôki (Hành Cơ) và Ryôben (Lương Biện), sau đó trở nên hoàn chỉnh với Kuukai (Không Hải).

Về cá nhân Enkuu thì ông là người vùng Gifu, sinh ra ở thị trấn Hashima bên bờ sông Hasegawa vào năm 1632. Không biết cha ông là ai còn mẹ thì đã chết đuối trong một trận lụt to trên dòng sông đó.. Ông trở thành tăng Tịnh Độ Tông nhưng bị tín ngưỡng Hakusan (Bạch Sơn) thu hút nên năm 32 tuổi đã dời về sống tại thôn Minami làng Gujô, nơi mà ảnh hưởng của tín ngưỡng Hakusan rất mạnh và bắt đầu tạc tượng Phật tại đó.Vì vậy mà người ta mới thấy trong tác phẩm của ông, ngoài các tượng Phật còn có tượng chư thần của Thần đạo như Nữ thần Thái Dương (Amaterasu Omikami), các thần Agata Daigongen và Hachiman Daibosatsu.

Bên trên, chúng ta đã đề cập đến việc vào thế kỷ thứ 8, Gyôki vừa du hành vừa tạc tượng. Thực vậy, ông đã để lại rất nhiều tượng Phật dị hình dị dạng đẽo trên các thanh gỗ mộc (shiraki) thô phác trong những ngôi chùa trên khắp nước, nhất là ở những vùng hoang vắng. Lại nữa, trên đất Nhật, tượng Phật thường đi đôi với tượng thần. Khi tạc cả hai loại, Enkuu hình như đã đi theo con đường Gyôki vạch sẵn. Do đó, khi bàn về điêu khắc của Enkuu, thiết tưởng cũng nên chú ý đến mối liên hệ giữa Taichô, Gyôki và Enkuu.

Thế rồi một hôm Enkuu từ giã thôn Minami của miền Trung để lưu lạc lên miền Bắc. Ở vùng tiếp giáp của hai đảo Honshuu và Hokkaidô, ông đã để lại hàng vạn tác phẩm, tuy thất thoát nhiều nhưng một số lớn vẫn còn được gìn giữ trong các ngôi chùa hay nhà dân. Nói về lý do tại sao Enkuu phải đi khắp đó đây và để lại quá nhiều tượng như vậy, thì ta có thể giải thích bằng lòng tin tôn giáo của ông. Enkuu xem thần Hakusan như kẻ đến báo tin Thích Ca xuất hiện. Ông lại nghĩ rằng muốn cứu người khác, trước tiên phải tự cứu mình và việc tạc tượng cũng là một hình thức tu hành. Ban phát tượng Phật cho mọi người mãi tận vùng Hokkaidô (lúc đó) hoang dã, chưa thấm nhuần Phật pháp, chính là một cách bố giáo.

Một sự việc quan trọng khác trong cuộc đời của Enkuu vào năm 43 tuổi là ông đã vẽ Phật họa trên 180 trang kinh Đại Bát Nhã nhân dịp chùa Sanzô (Tam Tạng Tự) ở vùng Shima (Mie) muốn phục hồi bộ kinh ấy của mình. Hai năm sau, ông lại có cơ hội tạc cho chùa Arako Kannonji (Hoang tử Quan Âm Tự) ở Nagoya, nơi xưa kia Taichô dã khai cơ, một số tượng Phật và tượng thần bằng nhữhg mảnh gỗ còn sót lại sau khi đã tạc xong tượng Niô (Nhân vương) tức tượng thần bảo vệ đại môn nhà chùa.

Bụt của Enkuu (Enkuu-butsu) thường điểm một nụ cười thoáng trên môi, diễn tả một tâm thế lạc quan. Tương truyền, khi có ai nhờ tạc tượng, trước đó ông hay chuyện vãn với người ấy để tìm hiểu nhu cầu của họ cái đã. Khi lên miền Bắc, ông đã tạc những bức tượng Phật cho người Ainu bằng cách mô phỏng “nipopo”, kỹ thuật tạc hình nhân bằng gỗ (kokeshi) của dân địa phương. Một cuộc kiểm điểm số lượng cho biết ông đã tạc trên 5.000 tượng, ngoài một số thất thoát vì trộm cắp hay hỏa tai thì còn lại khoảng 3.000 ở Gifu (quê hương ông), trên 1.500 ở các vùng Saitama và một ít ở vùng eo biển Tsugaru (tỉnh Aomori) và đảo Hokkaidô.

Mokujiki

Thiết tưởng cũng phải có một đôi dòng cho Mokujiki (Mộc Thực, 1718-1810) với những tác phẩm gọi là Mokujiki-butsu / Mokujiki-botoke (Bụt của Mokujiki). Nhà sư du hành gọi là “mộc thực tăng” (người không ăn cả cơm, chỉ ăn rau, củ và hạt) cũng là thi sĩ thơ Waka người đất Kai (Kôshuu tức Yamanashi bây giờ) này sinh vào cuối thời Edo. Buổi vãn niên, ông đã phát nguyện sẽ chế tạo cho được một nghìn bức tượng nên đi khắp nước Nhật trong đó có vùng Ezo (Hà Di) hoang dã nơi các dân tộc ít người sinh sống và hãy còn chưa biết đến lòng tin Phật giáo, Ở những nơi đó, ông đã để lại vô số tác phẩm khắc trên gỗ với hình thù quái dị. Tuy thấy được giữa Bụt của Enkuu và Bụt của Mokujiki những nét tương đồng nhưng trên thực tế, mối liên hệ giữa hai ông như thế nào thì chưa có nhà nghiên cứu nào xác định được.

Nếu không được đánh giá như một Phật sư thực thụ thì Enkuu cũng như Mokujiki phải là những nghệ sĩ với tấm lòng bồ tát. Thời Edo có lệnh cấm bố giáo vì lý do an ninh nên những người như Hakuin (Bạch Ẩn), Ryôkan (Lương Khoan) hay các ông đều phải sống đời nghèo nàn, cô độc và đi tìm cách riêng để đánh thức cái tinh hồn của đồng bào mình, đồng thời giữ gìn được mệnh mạch của Đạo.

Kết luận: Tượng Phật và lòng tin tôn giáo:

Các tượng Phật đầu tiên từ thế kỷ thứ 7 cho đến 11 trên đất Nhật thường biểu lộ sự thần bí, trang nghiêm và vóc dáng trầm tư của chư Phật nhưng lại thiếu sống động. Vì quá lý tưởng hóa các ngài, người tạc tượng đã cho làm họ xa cách với thực tại. Cho dù những tiến bộ về kỹ thuật đã giúp các Phật sư đúc được những bức tượng đẹp đẽ với qui mô hoành tráng nhưng giữa tín hữu và tôn giáo hãy còn chưa có một sự gần gũi nếu không nói là đối với chư Phật, tín hữu chỉ sợ hãi và kiêng dè, mong được các ngài tha tội lỗi và ban ân huệ. Vì muốn biểu lộ lòng sùng kính với các đấng thiêng liêng nên tượng Phật thời xưa thường được sơn son thếp vàng cho dù với thời gian, sắc màu tô điểm trên đó đã phai mờ. Thế nhưng đó lại là dạng tướng của một thế giới hoàn hảo và đầy hứa hẹn mà các tín hữu, nhất là giới bình dân, cảm thấy mình khó lòng đặt chân đến.

Bước ngoặc đầu tiên trong điêu khắc tượng Phật đã bắt đầu từ thế kỷ 12 với các Phật sư thời Kamakura như Unkei và Kaikei khi Tân Phật Giáo muốn thế vào chỗ một Cựu Phật giáo (Nara-Heian) mà giáo quyền cứng nhắc của 6 giáo phái truyền thống (Nam đô Lục tông) không còn đủ uy tín để đáp lại nguyện vọng của người đương thời. Các tượng từ đó bắt đầu có những nét hiện thực sống động và Phật sư chú trọng vào tính cách mỹ thuật hơn là sự thần bí và hoành tráng. Rồi đến khi phong trào chuyên tu niệm Phật dấy lên thì một sự chuyển mình lớn đã xảy ra (Gekokujô = hạ khắc thượng hay “bên dưới lấn lên”). Phật giáo trở nên giản dị và phổ biến rộng rãi trong tầng lớp thứ dân, đưa hình ảnh của Đức Phật gần lại với hình ảnh con người trần thế. Do đó, Enkuu, Mokujiki của thế kỷ 17 và 18 đã học theo phong cách Gyôki và Ryôben để tạo ra những tượng Phật với chất liệu đơn sơ, tầm vóc nhỏ bé nhưng diễn tả đa dạng, phù hợp với tâm trạng của người dùng. Các tượng này dù được họ sản xuất hàng loạt nhưng không phải vì thế mà đơn điệu. Do đó, tín hữu không còn cảm thấy choáng ngợp, sợ hãi như trước đây nhưng đã có thể thoải mái xem Đức Phật như một người bạn đồng hành riêng tư, thân thiết (tư tưởng “đồng hành nhị nhân” hay “cùng đi với Phật”), có thể giúp đỡ và an ủi họ trong những lúc khó khăn hay nguy khốn.

Bàn về lý do hình thành và sự song hành của hai hệ thống tạc tượng nói trên, triết gia Suzuki Daisetsu (1870-1966) từng lý luận trong tác phẩm “Thiền và văn hóa Nhật Bản” như sau:

Người Nhật có câu:”Giáo phái Thiên Thai dành cho hoàng tộc, Chân Ngôn dành cho quí tộc, Thiền là của người vũ sĩ và Tịnh Độ là của đại chúng bình dân”. Lời nói này rất phù hợp với thực trạng của từng tông phái Phật giáo Nhật Bản. Hai phái Thiên Thai và Chân Ngôn có nhiều nghi thức. Lễ lạc do họ tổ chức đều phiền toái, xa hoa và tráng lệ, tương xứng với sở thích của tầng lớp quí tộc tao nhã. Tịnh Độ thì nhờ ở sự đơn giản của tín ngưỡng và giáo lý nên thỏa mãn được đòi hỏi tinh thần của người bình dân. Thiền là tôn giáo dựa trên sức mạnh của ý chí mà sức mạnh này là cái mà người chiến sĩ cần thiết cấp thời cho dù họ bắt buộc phải được soi sáng bởi trực giác.

Điều đó có nghĩa là mỗi tông phái Phật giáo Nhật Bản – dù là Thiên Thai, Chân Ngôn, Thiền hay Tịnh Độ – đều đóng được vai trò xã hội của nó một cách hợp thời và hợp lý trong dòng lịch sử. Ngày nay hình bóng những ngôi chùa và những pho tượng Phật của chúng vẫn là bộ phận không thể thiếu vắng của đất nước này cũng như những vườn Thiền, trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, các hình thức sân khấu Nô, Bunraku và Kabuki. Không có chúng thì đúng như Suzuki Daisetsu đã có lần lo âu khi tưởng tượng, lúc đó, Nhật Bản sẽ là một nơi tiêu điều và tẻ nhạt biết chừng nào!

Tôkyô ngày 15/3/2020

Tham khảo:

1-Umehara Takeshi, Nihon Bukkyo wo yuku (Theo chân Phật giáo Nhật Bản), Asahi Bunko xuất bản, 2009.

2-Nguyễn Nam Trân, Giáo trình lịch sử Nhật Bản, quyển thượng, dạng E-book, 2013.

3-Tạp chí Otona no Kyuujitsu Club, số tháng 3/2020. East Japan Railway Company xuất bản. Ký sự về Unkei và Kaikei.

4-Tạp chí Train Vert, số tháng 8/2017. East Japan Railway Company xuất bản. Ký sự về Enkuu và Mokujiki.

5-Tsuda Noritake, A History of Japanese Art (Lịch sử mỹ thuật Nhật Bản) Tuttle Publishing Co, Japan 1976. Ấn bản 2009.

6-Shimizu, Christine, L’Art Japonais (Mỹ thuật Nhật Bản) Flammarion, Paris xuất bản 2001. Ấn bản 2008.

7-Tsuji Tadao chủ biên, Nihon Bijutsushi (Nhật Bản Mỹ Thuật Sử), Bijutsu Shuppan sha, Tôkyô xuất bản 1991. Ấn bản lần thứ 8 in năm1993.

8-Suzuki Daisetsu, “Thiền và văn hóa Nhật Bản”, Nguyễn Nam Trân dịch Zen and Japanese Culture, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, 2018.

9-Tư liệu và hình ảnh Internet.

5/5 - (4 votes)

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment