Nguyễn Nam Trân
Cho đến gần đây, người Việt Nam chúng ta hãy còn làm thơ chữ Hán hay thơ có âm hưởng Hán thi, tiêu biểu là các vị như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Quách Tấn hay Vũ Hoàng Chương. Xa hơn nữa là thời các nhà chí sĩ Văn Thân, Cần Vương và Đông Du. Có thể nói là những bài Hán thi của các cụ Thủ Khoa Huân, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…đã đánh thức được quốc hồn dưới thời bị trị. Trong khoảng thời gian ấy nghĩa là từ giữa thế kỷ 19, ở Nhật Bản cũng đã có những nhà thơ sử dụng Hán thi để viết về những đề tài tương tự, xin tạm gọi chúng là Hán Thi Nhật Bản Cận Đại. Qua việc tìm hiểu quá trình phát triển Hán thi của giai đoạn này, ta có thể tìm thấy sự tương đồng nào đó giữa hai nền văn hóa.
Những bài thơ chúng tôi dịch sang tiếng Việt dưới đây chỉ cốt làm sao cho thoát ý chứ không đeo câu bám chữ, mong quí độc giả vui lòng tha thứ.
***
Sau hai thế kỷ rưỡi một thời đại Edo thái bình, văn hóa hưởng lạc của thị dân đang phát triển cao độ thì bỗng nhiên tiếng súng pháo hạm Mỹ và liệt cường đã đánh thức giấc ngủ dài của Nhật Bản. Các sĩ phu, Nho gia như Yanagawa Seigan, Sakuma Shôzan, Yoshida Shôin, Hashimoto Sanai…bắt đầu viết những vần Hán thi ưu thời mẫn thế để kêu gọi quốc dân, tiếp theo là những vần Hán thi khảng khái bày tỏ hoài bão và cao vọng của các chí sĩ Duy Tân như Takasugi Shinsaku, Saigô Takamori, Yamamoto Yôdô, Sakamoto Ryôma … mà một số trong đó đã may mắn hơn các đồng chí của mình để sống còn và trở thành những nhà lãnh đạo của một chính quyền Duy Tân hãy còn non trẻ (trường hợp các ông Ôkubo Toshimichi, Kido Takayoshi, Itô Hirobumi…).
A) Hán thi của lớp sĩ phu ưu thời mẫn thế.
Để hiểu tâm tình của sĩ phu Nhật Bản giai đoạn liệt cường uy hiếp đất nước họ, thiết tưởng không gì hay hơn là đọc những dòng thơ chữ Hán được viết ra vào thời đó. Thật ra thì cuối thế kỷ 18 bước sang đầu thế kỷ 19, trong đám ấy, đã có những người hiểu biết tình hình thế giới và có đầu óc canh tân như các ông Tokugawa Nariaki, Aizawa Seishisai và Sakuma Shôzan. Trước tiên xin đề cập đến Nariaki, ngoài tài thơ, một phần cũng vì ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa:
Thơ Tokugawa Nariaki (徳川斉昭1800-1860):
Ông là phiên chủ đời thứ 9 của phiên Mito (một trong 3 chi lớn tức Gosanke của nhà Tokugawa) nhưng sinh trong phủ đệ của dòng họ ở ngay Edo. Ông còn là cha của vị Shôgun cuối cùng của triều đại tức Tokugawa Yoshinobu. Phiên ông trước kia – qua tổ phụ Tokugawa Mitsukuni – cũng từng tiếp đón và trọng đãi nhà Nho lưu vong Chu Chi Du (1600-1682) hiệu Thuấn Thủy, di thần Minh triều, người chuộng thực học (cái học thực dụng) và đã đến Nhật Bản vào năm 1659 rồi ở lại. Còn Nariaki thì biết dùng những học giả có tinh thần canh tân như Fujita Tôko (Đông Hồ, 1806-1855), mở ngôi trường phiên là Kôdôkan (Hoằng Đạo Quán) và dạy cho học sinh tư tưởng hải phòng (phòng thủ hải phận) và thực sản hưng nghiệp chứ không nhắm vào cái học từ chương. Khi đoàn tàu của Perry đến nơi, ý thức được ngoại hoạn, Mạc Phủ mới mời ông ra giúp việc nhưng lập trường chính trị và hành động “tôn quân nhương di”của ông đối lập với thái độ ngoại giao mềm dẻo của đại thần Ii Naosuke (1815-1860), lãnh chúa phiên Hikone, là người nắm đại quyền bấy giờ, nên đã đưa đến vụ bắt bớ năm Ansei (Ansei no daigoku, 1858) cực kỳ thảm khốc. Nhiều chí sĩ ủng hộ Nariaki bị giết, riêng ông thì bị u bế vĩnh viễn ở quê nhà.
Tuy chỉ là thơ vịnh mai nhưng bài “Hoằng Đạo Quán thưởng mai hoa” dưới đây nói lên được quan điểm giáo dục nhân tài của ông:
Hoằng Đạo Quán trung thiên thụ mai,
Thanh hương phốc úc thập phần khai.
Hiếu văn khởi vị vô uy vũ,
Tuyết lý chiêm (chiếm) xuân thiên hạ khôi.
弘道館賞梅花 弘道館中千樹梅 清香馥郁十分開 好文豈謂無威武 雪裡占春天下魁
Tạm dịch:
(Ngàn cội mai trong vườn Hoằng Đạo,
Rộ hoa, hương tỏa ngát muôn nơi.
Mai đã “yêu văn” nên chuộng võ,
Từ trong tuyết giá, báo xuân tươi).
Theo điển tích từ đời Vũ Đế (Tư Mã Viêm, trị vì 265-290) nhà Tây Tấn, hoa mai có dị danh là “hiếu văn” tức loài hoa yêu học vấn. Thế nhưng Nariaki cho rằng hoa yêu văn như thế là chưa đủ, phải trọng vũ nghệ nữa. Chỉ khi gồm được “văn vũ lưỡng đạo” thì hoa mới xứng đáng gọi là “hoa khôi”, loại hoa đầu tiên báo tin xuân.
Thơ Aizawa Seishisai (会沢正志斎1782-1863) :
Ông là nhà Nho cuối đời Mạc Phủ, phiên sĩ phiên Mito, cái lò của tư tưởng cấp tiến vừa mới nhắc đến bên trên. Ông tên thật là Yasushi còn Seishisai (Chính Chí Trai) chỉ là nhã hiệu. “Trai” là chữ nhà Phật. Mười tuổi ông đã theo học đại nho Fujita Yuukoku (U Cốc, 1774-1826), 18 tuổi vào Shôkôkan (Chương Khảo Quán), ngôi trường của phiên và có góp công vào việc soạn bộ sách vĩ đại Dai Nihonshi (Đại Nhật Bản Sử, 1657-1906) khởi xướng bởi Tokugawa Mitsukuni. Sau đó, ông đảm nhận chức Tổng tài (Hiệu trưởng) của trường này và đến năm 1850 thì trở thành giáo thụ đầu tiên của Kôbunkan (Hoằng Văn Quán) tức ngôi trường Mạc phủ dựng lên ở Edo. Đề xướng “tôn vương nhương di” (phò vua đuổi giặc ngoài), ông đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng giới sĩ phu đương thời.
Xin chọn một bài thất ngôn tuyệt cú nói lên nhiệt tình của một người thầy đối với vai trò quan trọng của giáo dục trong việc canh tân đất nước:
Thị chư sinh
Hùng phiên bản dục dục thư sinh,
Bạt thiệp vân sơn thiên lý trình.
Yếu thức càn khôn, hoạt lịch sử
Tu am thế thái dữ nhân tình.
示諸生 雄藩本欲育書生 跋渉雲山千里程 要識乾坤活歴史 須諳世態与人情
(Dặn dò các trò.
Muốn mạnh, phiên mong dạy các anh,
Dấn bước đi xa, hiểu thật rành.
Thế giới chung quanh và lịch sử,
Am tường thế thái với dân tình).
“Hùng phiên” muốn ám chỉ phiên Mito, nơi ông xuất thân. “Hoạt lịch sử” là loại lịch sử sống động, thực tế, chỉ có thể trải nghiệm bằng bản thân.
Thơ Yanagawa Seigan (梁川星巌1789-1858):
Nhân vật tiêu biểu thứ ba là Yanagawa Seigan (Lương Xuyên, Tinh Nham), một Nho gia thời Edo hậu kỳ và là nhà thơ có tài và có chí khí. Ông người đất Mino (huyện Gifu), từng tham gia tổ chức Kôko shisha (Giang hồ thi xã), giao du với các văn nhân nổi tiếng đương thời như Ichikawa Kansai, Kan Chazan, Hirose Tansô. Ông lên Edo, mở Gyokuchi ginsha (Ngọc trì ngâm xã), phỏng theo địa danh Tama no ike trong khu Kanda, đào tạo được nhiều nhân tài. Bà Kôran (Hồng Lan, 1789-1858) – vợ ông – cũng là một nữ thi nhân tài hoa, có lòng yêu nước sâu sắc như chồng, bao lần cùng nhau chia sẻ hoạn nạn. Đến lúc chồng mất thì bà lại vào tù.
Trước đó, vì cảnh đời tao loạn, vận nước lênh đênh, Seigan đã tìm đến Kyôto, cũng hô hào “tôn quân nhương di”, hoạt động gần gũi với các chí sĩ như Yokoi Shônan, Yoshida Shôin và Rai Mikisaburô… Trong vụ “đại ngục” năm Ansei, lúc Mạc phủ muốn khống chế tư tưởng đối lập, ông nằm trong danh sách những kẻ đáng bị bắt giam nhưng lại chết trước vì bệnh dịch tả. Sau đây là hai bài thơ ông viết. Bài trước phúng thích đám con cháu nhu nhược của Tokugawa Ieyasu, người mở đầu triều đại và được phong Chinh di đại tướng quân, bài sau nói lên lòng lòng ưu thời mẫn thế và sự uất ức của mình trước hành động các chính trị gia đương thời.
Xin giới thiệu hai bài thơ khi thâm trầm khi phẫn uất của ông:
1-Thất đề
Đương niên nhưng tổ khí bằng lăng,
Sất sá phong vân quyển địa hưng.
Kim nhật bất năng trừ ngoại hấn,
Chinh Di nhị tự thị hư xưng.
失題 当年仍祖気慿陵 叱咤風雲捲地興 今日不能除外釁 征夷二字是虚称
(Thơ đánh mất đề
Khi xưa cụ tổ khí hào hùng.
Gào gió tung mây cuộn đất bằng.
Nay cháu con khờ cho giặc lấn,
Chinh Di hai chữ có bằng không!)
Những bài “Thơ đánh mất đề” không phải là không có đề tài hay để rơi mất đâu đó nhưng là những bài có ngụ ý, tâm sự riêng, nội dung muốn để cho người đọc tự hiểu.
2-Ngẫu thành nhị thủ (kỳ nhị)
Thử sinh dữ thế xảo tương vi,
Hồi thủ thiên bàn sự tổng phi.
Lại hữu ngâm nga liêu tống lão,
Mỗi nhân phong cảnh đạm vong quy.
Bố y kinh tế tư Trần Lượng,
Kim đới tinh trung ức Nhạc Phi.
Tùng cổ hào hùng đa bất triển,
Si nhi ngốc hán lộng khu ky.
偶成 此生与世巧相違 回首千般事総非 頼有吟哦聊送老 毎因風景澹忘帰
布衣経済思陳亮 金帯精忠憶岳飛 従古豪雄多不展 痴児呆漢弄枢機
(Ngẫu hứng thành thơ (bài thứ hai trên hai)
Sống hết đời sao chả được gì,
Ngoảnh đầu nghìn lượt, hỏi còn chi.
May có thơ ngâm vui tuổi hạc
Xem dăm cảnh đẹp tạm quên về.
Lo dân, áo vải thương Trần Lượng [1]
Vì nước, đai vàng nhớ Nhạc Phi.
Trong sử anh hùng thường thất bại,
Bởi vì lũ ngốc nắm thời cơ. [2] )
[1] Trần Lượng, học giả đầu đời Nam Tống, một trung thần có lòng kinh thế tế dân. Ông là khuôn mẫu của người trí thức thời cuối Mạc phủ.
[2] Nguồn Uno Naoto, Kanshi wo yomu (Nihon no Kanshi, Edo no koki), NHK xuất bản, tr.180-182.
Thơ Sakuma Shôzan (佐久間象山1811-1864):
Sakuma Shôzan là một phiên sĩ phiên Matsushiro (vùng Nagano), nhà tư tưởng và binh pháp. Ông theo học Dương Minh học với học giả Satô Issai (1772-1859) và hỏa pháo với người Hà Lan, chủ trương quốc phòng là việc cấp bách. Cùng với học trò là Yoshida Shôin lên tàu Mỹ mưu việc xuất dương để tìm hiểu địch thủ tận gốc nhưng bị bắt giữ. Sau đó, được Mạc phủ đổi ý, xá tội và mời ra bàn việc nước nhưng dọc đường bị nhóm vũ sĩ phái nhương di vì hiểu lầm chí hướng của ông nên ám sát chết.
Nếu Seigan hạch tội những nhà lãnh đạo vô năng thì Sakuma Shôzan ước mơ ngày nào đó Nhật Bản sẽ có một vị minh quân như Sa hoàng Petr (1672-1725) lãnh đạo để canh tân đất nước. Bài “Vịnh sử” dưới đây được làm ra vào năm 1850, lúc ông 40 tuổi.
Vịnh sử
Đông biên thác địa tam thiên lý,
Tằng hiệu Hà Lan thiết học khoa.
Ngô bang không thuyết anh hùng tích,
Bách tuế vô nhân tự Bá Đa [3].
詠史 東邊拓地三千里 曾効苛蘭設学科 吾邦空説英雄跡 百歳無人似伯多
(Vịnh sử
Phía Đông mở cõi ba nghìn dặm,
Bắt chước Hà Lan mở học khoa.
Trăm năm ta luận anh hùng mãi,
Biết có ai người sánh Bá Đa).
[3] Tên chữ Hán để gọi Sa hoàng Petr Alekseevich (1672-1725), tức Peter I lên ngôi năm 1682, đã thực thi một loạt chính sách canh tân, giúp nước Nga trở nên cường thịnh. Người Pháp gọi ông là Tsar Pierre le Grand.
Tương truyền, Sa hoàng Petr (Bá Đa) là người có hùng tâm muốn canh tân đất nước nên đã cho khai hoang vùng Siberia ở phía Đông và bắt chước người Hà Lan mở trường dạy pháo binh và lập Hàn lâm viện khoa học ở St Petersbourg. Trước đó, dù đang ở ngôi, năm 1697, ông đã tự mình sang sống một năm rưỡi ở Tây Âu bằng cách dùng tên giả và trà trộn vào một phái bộ sứ thần. Ở Amsterdam, ông đã quan sát kỹ nghệ đóng tàu và mọi mặt cuộc sống văn minh của họ. Về nước, ông cho xây dựng thành phố St Petersbourg (mang tên ông) thành một kinh đô mới, khai khẩn vùng ven biển Baltic và Caspian, và như thế, đã lột xác được một quốc gia còn đang chậm tiến. Hồi đó, những nhà quân chủ châu Âu như Đại đế Alexander thời cổ, Sa hoàng Petr hay Đại đế Napoléon của Pháp gần đó là những người làm nên chuyện vĩ đại, được các thi nhân Nhật Bản phái tôn vương kiêng nể.
Thơ Yoshida Shôin (吉田松陰1830-1859):
Yoshida Shôin, bạn của nhà thơ Yanagawa Seigan nói đến ở trên, vốn quê vùng Hagi (thuộc phiên Chôshuu, tỉnh Yamaguchi bây giờ), tên thật là Toranosuke hay Torajirô. Theo nếp nhà, từ thuở nhỏ, ông đã rành binh pháp. Từng mở trường học trong thôn Matsushita gọi là Shôka Sonjuku (Tùng Hạ thôn thục), đào tạo được nhiều nhân tài. Môn hạ của ông về sau đều là những chí sĩ Duy Tân ưu tú, trong đó phải kể đến Takasugi Shinsaku (Cao Sam Tấn Tác), Kuzaka Genzui (Cửu Phản, Huyền Thụy), Itô Shunsuke tức Hirobumi (Y Đằng Tuấn Phụ tức Bác Văn), Yamagata Aritomo (Sơn Huyện, Hữu Bằng), Shinagawa Yajirô (Phẩm Xuyên, Di Nhị Lang) vv…Họ là những nhà hoạt động đã có công lao đổi mới nước Nhật từ giai đoạn cuối mạc phủ bước qua Meiji. Chỉ trong vòng hai năm, một thời gian cực ngắn, Shôin đã thành công đào tạo chừng ấy vĩ nhân cho Nhật Bản. Ông thật là một nhà giáo dục đáng ca ngợi, ngày nay vẫn còn được chiêm ngưỡng như ông thầy của quốc dân. Tuy nhiên, chính quyền đương thời chỉ xem ông là mầm mống phản loạn nếu không nói là một tên xúi giục khủng bố nên đã kết tội tử hình và xử tử. Ông mất năm mới có 29 tuổi.
Xin giới thiệu một bài thơ ông làm vào năm 1952, lúc 23 tuổi, về một giấc mơ đã đến với ông trong một ngôi nhà trọ ở thành phố Isohara (Ki Nguyên) thuộc tỉnh Ibaraki khi lên thăm miền Tôhoku, nói lên chí nguyện phò vua diệt giặc.
Ki Nguyên khách xá
Hải lâu bả tửu đối trường phong,
Nhan hồng nhĩ nhiệt túy miên nồng.
Hốt kiến vân đào vạn lý ngoại,
Cự ngao tệ hải lai mông đồng
Ngã đề ngô quân lai trận thử,
Tì hưu bách vạn phát thướng xung.
Mộng đoạn tửu giải đăng diệc diệt,
Đào thanh hám chẩm dạ đông đông.
磯原客舎 海楼把酒対長風 顔紅耳熱酔眠濃 忽見雲濤万里外 巨鼇蔽海来艨艟 我提吾軍来陣此 貔㊡ 百万髪上衝 夢断酒解灯亦滅 濤聲撼枕夜鼕鼕
(Trong quán trọ ở Isohara
Lầu biển nâng ly trước gió khơi,
Mặt ai đỏ rực, sắp say vùi.
Bỗng nghe muôn dặm ba đào dậy,
Chiến hạm – kình ngư kín biển rồi.
Ta thúc binh ra ngăn lũ giặc
Ba quân hào khí ngút lên trời.
Mộng tàn, rượu tỉnh, đèn đà tắt.
Gối giường, sóng vẫn réo chưa thôi. )
Isohara là địa điểm lắm ghềnh đá mà cách đó 28 năm (Bunsei thứ 7 (1824), tàu thuyền của người Anh từng xuất hiện và 11 người trong bọn đã đổ bộ. Chính vì nghe kể lại chuyện đó nên Shôin đã phẫn khái và nằm thấy giấc mộng như trên. Còn “cự ngao” nhắc đến trong câu thứ tư ám chỉ một loài rùa biển lớn, ở đây tượng trưng cho chiến hạm bọc thép của Tây Phương.
Thơ Hashimoto Sanai (橋本佐内1834-1859):
Ông sinh trong một gia đình thầy thuốc của phiên vào cuối đời Mạc phủ và là phiên sĩ phiên Fukui, phía biển Nhật Bản. Vì ái mộ trung thần Nam Tống là Nhạc Phi nên lấy hiệu là Keigaku (Cảnh Nhạc). Mười chín tuổi đã trở thành y sĩ, chơi thân với Fujita Tôko (Đông Hồ, con trai đại Nho U Cốc) và Sakuma Shôzan. Được tham dự vào chính trị của phiên và có công trong việc vận động lập Công tử Yoshinobu (Khánh Hỷ) làm Shôgun thứ 15 nhưng khi hành động như thế, ông làm mất lòng người nắm đại quyền đương thời là đại thần Ii Naosuke đang muốn đưa một công tử khác lên và chủ trương triệt để đàn áp đối lập nên trong vụ đại ngục năm Ansei, ông vì có liên lụy, bị buộc tội và xử tử lúc mới 26 tuổi.
Xin chọn một bài thơ ông làm năm 1854 (21 tuổi) lúc còn du học ở Edo và bài thứ ba trong ba bài ông làm lúc bị giam trong ngục năm 1859 (26 tuổi và cũng là năm ông mất):
Giáp Dần mộ thu thập cửu nhật thư hoài:
Vũ thanh trùng khiếu loạn phân phân,
Cô khách tư gia bất nại văn.
Vị kế ky cừu tiên khảo chí,
Hàn đăng khiêu tận độc dương văn.
甲寅暮秋十九日書懐 雨聲虫叫乱紛紛 孤客思家不耐聞 未継箕裘先考志 寒灯挑尽読洋文
(Ngày 19 tháng 9, cuối thu nhân cảm hoài viết ra.
Tiếng mưa hòa với tiếng trùng ran,
Khách ngại nghe vì nhớ xóm làng
Chưa nối nghiệp nhà, yên chí tổ,
Khêu đèn khuya khoắt đọc Âu văn).
Ky (cái nia, sàng) và cừu (áo lông cừu) ghép với nhau thành ky cừu ý nói cơ nghiệp tổ tiên để lại, ở đây đồng nghĩa với nghề thuốc vì gia đình ông đời đời là y sĩ cho phiên. Âu văn là sách vở viết bằng tiếng Hà Lan, tượng trưng cho kiến thức y khoa mới mẻ.
Ngục trung tác tam thủ kỳ tam
Ỷ chẩm sầu nhân sầu dạ vĩnh,
Âm phong thích cốt, chiết tam canh.
Hoàng thiên ức ứng liên u tịch,
Nhất điểm tinh hoa chiếu dũ minh.
獄中三作其一 倚枕愁人愁夜永 陰風刺骨折三更 黄天憶応憐幽寂 一点星華照牖明
(Cảm tác khi bị giam trong ngục (bài thứ ba trong ba bài)
Tựa gối người sầu đêm dài sầu,
Lạnh lùng gió bấc, mõ canh thâu.
Trời cao dường thấu cho lòng khách,
Gửi ánh sao thanh tận cửa tù)
“Chiết” là mảnh gỗ mà người lính đi tuần chập vào nhau để báo sang canh.
Lời thơ u uất, ý thức được bước đường cùng nhưng lòng vẫn ánh lên hy vọng như một tia sáng đến từ ngôi sao lóng lánh (có thể là sao Mai vì chỉ có một điểm sáng) chiếu qua cánh cửa sổ của nhà tù. Trong bài thứ hai, ông lại nhắc đến Văn Thiên Tường và Chính Khí Ca. Năm sau, chính kẻ đàn áp ông là Ii Naosuke (1815-1860) – vị đại thần chủ trương mở cửa giao thương với nước ngoài trong thế lép vì khi nội lực quốc gia còn chưa đủ mạnh – cũng bị các vũ sĩ phiên Satsuma ám sát ngoài cổng Sakuradamon thành Edo tức Hoàng cư bây giờ.
B) Hán thi của các chí sĩ cần vương
Thơ Takasugi Shinsaku (高杉晋作1839-1867):
Ông là phiên sĩ phiên Chôshuu (Trường Châu) tỉnh Yamaguchi bây giờ, một căn cứ của phái Cần vương đảo Mạc. Ông còn là một người học trò lỗi lạc của Yoshida Shôin ở Matsushita Sonjuku, ngôi trường thôn ở Hagi vốn đẻ ra nhiều tay hào kiệt, làm đầu tàu cho cuộc Duy Tân. Ông nhiệt liệt chủ trương “nhương di” sau lần theo phái bộ của phiên đi quan sát sự tình ở Thượng Hải về và chứng kiến thân phận nhà người Thanh bị giới chức Tây phương coi như dân thuộc địa. Đầy tài thao lược, năm 1863, đã lập được đội quân nghĩa dũng Kiheitai (Kỳ Binh Đội) và năm 1866, thống lãnh hải quân của phiên phá tan hạm đội của Mạc phủ gửi xuống miền Nam chinh phạt phiên ông. Tiếc là ông đã mắc bệnh phổi và qua đời quá sớm khi vừa mới 29 tuổi.
Xin trích một bài tạp ngôn cổ thi nhan đề “Tù trung tác” từ tác phẩm của ông:
Tù trung tác
Quân bất kiến:
Tử vi trung quỷ Quản tướng công,
Linh hồn thướng tại Thiên Bái Phong.
Hựu bất kiến:
Hoài thạch đầu lưu Sở Khuất Bình,
Chí kim nhân bi Mịch La Giang
Tự cổ sàm gián hại trung tiết,
Trung thần tư quân bất hoài cung.
Ngã diệc biếm trích u tù sĩ,
Ức khởi nhị công lệ triêm hung.
Hưu hận không vi sàm gián tử
Tự hữu hậu thế nghị luận công.
囚中作 君不見死為忠鬼菅相公 霊魂尚在天拝峯 又不見懐石投流楚屈平 至今人悲汨羅江 自古讒間害忠節 忠臣思君不懐躬 我亦貶謫幽囚士 憶起二公涙沾胸 休恨空為讒間死 自有後世議論公.
(Viết trong tù.
Há chẳng thấy Quản tướng công chết thành quỷ trung nghĩa,
Linh hồn lưu lại Thiên Bái Sơn!
Lại chẳng thấy Khuất Nguyên nước Sở ôm đá tự trầm
Đời còn thương người nằm dưới dòng Mịch La.
Xưa nay những lời sàm báng làm hại kẻ trọng tiết tháo.
Nhưng kẻ trung thần vì vua nào tiếc chi thân.
Ta cũng bị đọa đày, tống giam trong ngục tối.
Nhớ đến hai ông, lệ ướt đẫm áo khăn.
Ta không hề hận mình sống ngay mà chết uổng,
Vì biết người đời sau khi luận sự,
Sẽ suy xét công minh và hiểu được lòng).
Quản tướng công là đại thần Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân, 845-903) vì lời sàm báng của quyền thần Fujiwara no Tokihira nên bị vua đày xuống Dazaifu (trên đảo Kyuushuu) rồi chết nơi đất trích trong niềm uất hận. Thiên Bái Phong là tên ngọn núi nằm ở vùng đó. Còn Khuất Nguyên thì người Việt Nam chúng ta khi đọc Ly Tao đều đã hiểu rõ về nỗi oan khiên của ông.
Bài thơ này Shinsaku làm năm 1864 khi bị chính quyền của phiên Chôshuu giam trong ngục Noyama ở Hagi (trước khi được ân xá để lập đại công cứu quê nhà và cũng là cứu cả phong trào Cần vương còn non trẻ). Năm ấy ông 26 tuổi.
Thơ Saigô Takamori (西郷隆盛1827-1877) :
Phiên sĩ phiên Satsuma ở địa đầu phía Nam nước Nhật, Saigô Takamori (Tây Hương Long Thịnh) cùng với Ôkubo Toshimichi, Kido Takayoshi là 3 người được mệnh danh “Duy Tân tam kiệt”. Thuở nhỏ Saigô tên là Kokichi, sau đổi thành Takamori và về già tự xưng là Nam Châu Ông (Nanshuuô). Lúc trẻ theo học Dương Minh học (học thuyết Vương Dương Minh), tư tưởng mới đối kháng với Chu Tử học. Có tài lãnh đạo và giỏi quân sự. Từng lập công lớn vì đã thương thuyết thành công với bồi thần Mạc phủ là Katsu Kaishuu để vào thành Edo (1868) mà không đổ máu (vô huyết khai thành).Sau vì nóng nảy muốn sớm đánh chiếm Triều Tiên và duy trì quyền lực của giới vũ sĩ vốn là việc lỗi thời nên xung đột sâu sắc với các đồng chí cũ, bèn treo ấn từ quan về quê, bày tỏ lập trường đối lập. Vì bị chính quyền trung ương dồn vào đường cùng, lại có sự đốc thúc của chư đệ tử và người chung quanh, đã đồng ý đứng đầu lực lượng Tây Nam để đối địch với giới lãnh đạo Tokyo nhưng vì thất bại, phải tự sát trên đường bôn đào. Tuy vậy, công lao dựng nước ngày trước của ông vẫn còn được đời sau nhắc nhở qua bức tượng đồng ông dắt chó đi săn do nhà điêu khắc Takamura Kôun (Quang Vân, 1852-1934) tạc, đặt trong công viên Ueno, một nơi ông từng lập chiến công.
Xin trích dẫn hai bài thơ của ông, một viết theo thể ngũ ngôn luật thi và một theo thể thất ngôn tuyệt cú. Trước tiên là bài Ngũ ngôn luật thi nhan đề”Thất Ý” làm ra lúc ông từ quan về sống ở quê nhà Kagoshima (1873) và nhìn lại quãng đời cũ đầy sóng gió:
Thất Ý
Nhạn quá nam song vãn,
Hồn tiêu tất xuất ngâm.
Tại ngục tri thiên ý,
Cư quan thất đạo tâm.
Thu thanh tùy vũ đáo,
Mấn ảnh dữ sương xâm.
Độc hội bình sinh sự,
Tiêu nhiên tửu sổ châm.
失意 雁過南窓晩 魂銷蟋蟀吟 在獄知天意 居官失道心 秋聲随雨到 鬢影与霜侵 独会平生事 蕭然酒数斟
(Không toại chí,
Chiều nhạn qua song cửa,
Lòng buồn theo dế ngâm.
Trong ngục hiểu thiên ý,
Làm quan mất đạo tâm,
Tiếng thu mưa kéo tới,
Sương nhuộm tóc hoa râm,
Trầm ngâm chuyện ngày cũ
Nâng chén, dạ bâng khuâng)
Trong bài thơ này, Saigô sau khi từ chức về quê đã nghĩ về quá khứ và cho biết chính lúc còn tranh đấu gian nan, khi nằm trong ngục thì ông hiểu được ý trời (có lẽ giai đoạn bị đày ngoài đảo Amami no Ôshima trong vụ đại ngục năm Ansei, 1858) nhưng khi vào chốn quan trường lại gặp nhiều bức xúc, tỏa chiết nên không còn tĩnh tâm như trước nữa.
Sau đây là bài thất ngôn luật thi “Cảm Hoài” nổi tiếng của ông có ngữ điệu của một chúc thư nói lên tâm cảnh của nhà chí sĩ một lòng vì nước, không tham lam muốn để của cải lại cho con cháu:
Cảm Hoài
Kỷ lịch tân toan, chí thủy kiên,
Trượng phu ngọc toái sỉ chuyên toàn.
Ngã gia di sự nhân tri phủ,
Bất vị nhi tôn mãi mỹ điền.
感懐 幾歴辛酸志始堅 丈夫玉砕恥甎全 我家遺事人知否 不為児孫買美田
(Chạnh tưởng.
Đắng cay dù nếm, chí không lay,
Thẹn nỗi mình còn tiếc mạng đây.
Biết chăng? Ta đã đe con cháu,
Ruộng tốt không mua tặng chúng mày!)
Thơ Sakamoto Ryôma (坂本龍馬1835-1867):
Samurai cấp thấp phiên Tosa, lên Edo học kiếm thuật, tham gia hoạt động cần vương của các đồng hương Tosa. Từng theo học thuật hàng hải với Katsu Kaishuu và bôn tẩu nhiều nơi mưu việc thành lập trường huấn luyện hải quân ở Nagasaki. Lại thiết lập một cơ sở kinh doanh, mậu dịch để chi viện cho hoạt động chính trị ở Nagasaki và giao du với chí sĩ các phiên khác như Saigô Takamori (Satsuma), Kido Takayoshi (Chôshuu), Komatsu Tatewaki (Satsuma) để thành lập liên minh Satchô (Satsuma và Chôshuu), thôi thúc Mạc phủ trao trả quyền bính cho triều đình. Ông đã chứng tỏ là người có tầm nhìn xa. đã cùng với Yoshida Shôin, là một trong hai người đặt cuộc Duy Tân lên bệ phóng. Tiếc thay sự nghiệp chưa thành thì đã bị một phe nhóm quá khích ám sát trong ngôi nhà trọ Ikedaya ở Kyôto và chết khi mới 32 tuổi.
Xin giới thiệu bài thất ngôn cổ thi nhan đề “Ái Tửu Thi” tương truyền là của ông:
Tửu giả khả thôn, tửu khả ẩm,
Nhân sinh chỉ hữu tửu khai đảm.
Túy trung khoái lạc nhân vô tri,
Đại địa vi nhục thiên vi y.
Anh hùng sinh nhai chân hồ mộng,
Yếm hất thôn tửu túy mỹ cơ (ky)
愛酒詩 酒者可呑酒可飲 人生只有酒開胆 酔中快楽人無知 大地為褥天為衣 英雄生涯真乎夢 厭迄呑酒酔美姫
(Thích rượu
Rượu làm để uống, uống cho say,
Rượu khiến đem gan mật giải bày.
Uống vào khoan khoái không sao kể.
Màn trời chiếu đất cũng lăn quay.
Đời kẻ anh hùng như giấc mộng,
Say cùng người đẹp, chén này đây).
Đây không phải là một bài thơ nói đến lý tưởng của một chí sĩ đang mưu đồ đại cuộc và cũng không hẳn là một bài thơ hay nhưng nó đã cho thấy bản tính phóng khoáng, hào sảng của chàng thanh niên đất Tosa.
C) Hán thi của các nhà lãnh đạo cuộc Duy Tân
Duy Tân tam kiệt (Saigô, Ôkubo và Kido)
Thơ Ôkubo Toshimichi (大久保利通1830-1878):
Có thể nói ông là nguyên huân số một của thời Duy Tân. Phiên sĩ phiên Satsuma, buổi đầu là đồng chí của Saigô Takamori trên lập trường đảo Mạc. Đã thăng tiến trong quan trường thời Minh Trị, giữ nhiều chức vụ quan trọng (Tổng trưởng Tài Chánh, Nội Vụ) trước khi nắm trọn quyền bính. Những chính sách đáng kể của ông là xúc tiến việc tổ chức hành chánh (bản tịch phụng hoàn, phế phiên trí huyện), cải tổ địa tô và thúc đẩy việc thực sản hưng nghiệp. Ông cũng đã trấn áp lập luận chinh Hàn và cuộc nổi dậy vùng Tây Nam của Saigô, người đồng chí và đồng hương thân thiết nhưng sau trở thành địch thủ không đội trời chung. Tuy nhiên cũng vì vậy mà thành ra gieo thù chuốc oán, bị thế lực thủ cựu ám sát trên con dốc Kioizaka (Tôkyô) vào năm Meiji 11 (1878).
Ông có bài thơ làm ra trong lúc đi Bắc Kinh thương thuyết hòa bình với nhà Thanh vì lúc đó Nhật Bản tiến chiếm Đài Loan làm thuộc địa, nhân đó mà bị Trung Quốc và Anh cực lực phản đối. Nhan đề bài thơ là “Há Thông Châu ngẫu thành”. Địa danh Thông Châu nằm trên tuyến đường thủy nối Bắc Kinh với hải cảng Thiên Tân nhưng nay đã trực thuộc thành phố Bắc Kinh.
Há Thông Châu ngẫu thành
Phụng sắc đơn hàng thướng Bắc Kinh,
Hắc yên đôi lý xúc ba hành.
Hòa thành hốt há Thông Châu thủy,
Nhàn ngọa bồng song mộng tự bình.
下通州偶成 奉勅単航向北京 黒煙堆裏蹴波行 和成忽下通州水 閑臥蓬窓夢自平
(Xuống tàu ở Thông Châu.
Nhận mệnh một mình đến Bắc Kinh,
Khói đen sau núi, vội đăng trình.
Nghị hòa xong lại xuôi đường thủy,
Nhàn nhã thuyền trôi, mộng đạt thành).
Bài thơ này chỉ là tình cảm mãn nguyện của nhà ngoại giao đã hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn mà nhà nước đã giao phó nhưng không có giá trị văn học cao.
Thơ Kidô Takayoshi (木戸孝允1833-1877):
Là phiên sĩ phiên Chôshuu (Yamaguchi bây giờ), một trong Duy Tân tam kiệt cùng với Ôkubo và Saigô tuy cá nhân ông ít được biết đến nhiều bên ngoài Nhật Bản. Làm dưỡng tử nhà Katsura nên còn có tên là Katsura Shôgorô (Quế, Tiểu Ngũ Lang). Từng theo học Yoshida Shôin. Có công lớn trong việc lập mật ước đồng minh giữa hai phiên Satsuma và Chôshuu (Sát Trường đồng minh) để xúc tiến cuộc Duy Tân. Không những tham gia tích cực cải tổ hành chánh (thực hiện các chính sách bản tịch phụng hoàn, phế phiên trí huyện) sau khi dành được chính quyền mà còn lập nên cơ sở cho việc ban hành hiến pháp trong tương lai. Ông lâm bệnh và mất năm 1877, năm 44 tuổi, vừa khi chiến sự Tây Nam vừa bùng nổ.
Xin đọc bài thất ngôn cổ thi “Ngẫu thành” của ông, có thể phân ra làm 3 đoạn:
Ngẫu thành
Nhất tuệ hàn đăng chiếu nhãn minh,
Trầm tư mặc tọa vô hạn tình.
Hồi đầu tri kỷ nhân dĩ viễn,
Trượng phu tất cánh khởi kê (kế) danh.
Thế nạn đa niên vạn cốt khô,
Triều đường phong sắc kỷ biến cánh.
Niên như lưu thủy khứ bất phản,
Nhân tự thảo mộc tranh xuân vinh.
Bang gia tiền lộ bất dung dị,
Tam thiên dư vạn nại thương sinh.
Sơn đường dạ bán mộng nan kết,
Thiên nhạc vạn phong phong vũ thanh.
遇成 一穂寒灯照眼明 沈思黙座無限情 回頭知己人已遠 丈夫畢竟豈計名 世難多年萬骨枯 廟堂風色幾変更 年如流水去不返 人似草木争春栄 邦家前路不容易 三千余萬奈蒼生 山堂夜半夢難結 千岳萬峯風雨聲
(Tự nhiên thành thơ
Một ánh đèn khuya chong mắt ai,
Ngồi buồn lặng nhớ chuyện xa xôi.
Bao nhiêu tri kỷ đà xa vắng,
Làm trai danh lợi dẹp ngoài tai.
Cuộc thế gian nan, xương cốt khô,
Triều đình thay đổi mấy ai ngờ.
Sự đời nước chảy không quay lại,
Người như cây cỏ mãi tranh phô.
Đồng bào, thương bấy ba mươi triệu,
Đất nước, tương lai luống ngẩn ngơ
Lều cỏ nửa đêm chưa chợp mắt
Núi rừng, tiếng gió hú trong mưa).
Sau khi vương chính trung hưng (1868), giới quan quyền chỉ lo tranh danh đoạt lợi và phô phang (thảo mộc tranh xuân vinh) khiến cho tác giả ngao ngán khi thấy tương lai đất nước hãy còn quá bấp bênh, mờ mịt (tiền lộ bất dung dị). “Ba mươi triệu đồng bào” (tam thiên dư vạn thương sinh) ám chỉ dân số nước Nhật thời đó.
Thơ Itô Hirobumi (伊藤博文1841-1909):
Chí sĩ Duy Tân cuối đời Mạc Phủ sau trở thành chính trị gia hàng đầu. Ban đầu là phiên sĩ phiên Chôshuu (Yamaguchi), ông từng theo học ở Tùng Hạ thôn thục của Yoshida Shôin rồi tham gia phong trào đảo Mạc. Sau cuộc Duy Tân, ra làm quan, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống hành chánh nhà nước. Đã đứng ra thiết lập chế độ Nội các, giữ vai trò Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản và nhậm chức này tất cả 4 lần. Trở thành Chủ tịch Xu mật viện đầu tiên rồi Tổng đốc Triều Tiên đầu tiên (như phó vương) sau khi Nhật thôn tính nước này. Năm Meiji thứ 42 (1909), ông bị nhà ái quốc Triều Tiên (An Trọng Căn) ám sát chết ở thành phố Harbin (tỉnh Hắc Long Giang).
Bài Nhật Xuất dưới đây đã được tác giả viết ra vào năm Meiji 18 (1885),lúc ông 45 tuổi, trên đường đi công vụ và từ Bắc Kinh về nước:
Nhật Xuất
Nhật xuất Phù Tang Đông hải oai (ôi),
Trường phong hốt phất nhạc vân lai.
Lăng tiêu nhất vạn tam thiên xích,
Bát đóa phù dung đương diện khai.
日出 日出扶桑東海隈 長風忽払岳雲来 凌霄一万三千尺 八朶芙蓉当面開
(Mặt trời mọc
Mặt trời lên khỏi biển Đông rồi,
Gió mạnh tan mây phủ núi đồi.
Trên cao một vạn ba nghìn thước,
Tám cánh sen vàng nở tốt tươi).
Bài thơ nói lên được chí khí và lòng tự hào dân tộc của một nhà lãnh đạo nhưng không có gì đặc biệt về mặt văn học.
Thêm hai nhân vật lịch sử cần được nhắc đến ở đây vì họ là hai nhân tài đã đứng về phía chiến bại (Mạc Phủ) nhưng đã được bên thắng cuộc (chính phủ Duy Tân) đánh giá cao và sử dụng lại: Đó là Katsu và Enomoto.
Thơ Katsu Kaishuu (勝海舟1823-1899):
Mạc thần sống vào thời cuối Mạc Phủ đầu Duy Tân. Tên thật là Rintarô, Kaishuu (Hải Chu) là biệt hiệu. Sinh ở Edo trong một gia đình hầu hạ cạnh nhà Chúa, đi lại thân thiết với Sakuma Shôzan, ngoài ra, em gái ông còn là vợ của Shôzan. Giỏi binh pháp và Lan học, từng mở trường dạy những môn này ở Edo.
Khi Đề Đốc Perry đưa pháo thuyền tới Nhật, triều đình bèn nghe theo điều trần của ông nên gửi ông xuống cơ sở của Hải Quân ở Nagasaki để luyện tập. Ông đã có thể điều khiển chiến hạm Kanrin-maru (do Hà Lan đóng) và đưa tàu đến tận Mỹ. Khi về, ông đã xây dựng Hải quân luyện tập sở ở Kobe và trở thành người đứng đầu việc điều hành các chiến hạm. Ông từng đại diện Mạc Phủ thương thuyết với Saigô Takamori để trao trả cho phía quan quân thành phố Edo mà không phải chém giết nhau. Dưới thời Duy Tân, ông giữ nhiều trách vụ quan trọng trong đó có chức Tổng Trưởng Hải Quân và cố vấn cho Xu Mật Viện. Được phong Bá tước. Ông đã đông bôn tây tẩu để cứu cựu chủ là Shôgun Yoshinobu, lúc đó mang thân phận kẻ địch của triều đình. Ông còn từ chức để đi làm kinh tế nhằm tạo kế sinh nhai cho các đồng đội cũ. Đã để lại nhiều tác phẩm về lịch sử Hải Quân và Lục quân cũng như cuốn tự truyện Hikawa Seiwa (Băng Xuyên Thanh Thoại). Tuy có người kết án ông thờ hai chủ nhưng ông giữ im lặng, không hề lên tiếng biện hộ.
Sau đây là bài thơ ông làm ra vào năm 1884 để ai điếu Nam Châu Ông tức Saigô Takamori:
Điếu Nam Châu.
Vong hữu Nam Châu thị,
Phong vân định đại thị.
Phất y cố sơn khứ,
Hung khâm đạm như thủy.
Duy nhiên sự cung canh,
Ô hô nhất cao sĩ.
Chỉ đạo tự cư chính,
Khởi ý vặn quốc kỷ
Bất đồ tao thế biến,
Cam thụ tặc danh tì.
Tiếu trịch thử tàn hài,
Dĩ phó sổ đệ tử.
Khí dự giai bì tướng,
Thùy năng sát vi chỉ.
Duy hữu tinh linh tại.
Thiên tải tồn tri kỷ.
弔南洲
亡友南洲氏
風雲定大是
払衣故山去
胸襟淡如水
悠然事躬耕
嗚呼一高士
只道自居正
豈意紊国紀
不図遭世変
甘受賊名訾
笑擲此残骨
以付数弟子
毀誉皆皮相
誰能察微旨
唯有精霊在
千載存知己
(Khóc anh Nam Châu.
Nam Châu, bạn quá cố
Thời loạn, giúp an bài.
Rủ áo về núi cũ,
Lòng trong veo không hai.
Lặng lẽ chuyên cày cuốc,
Ôi, cao khiết ai tày.
Chỉ muốn sống ngay thẳng,
Nào quấy rối nước nhà,
Chẳng ngờ đời biến đổi,
Cam chịu tiếng gian tà.
Tấm thân coi như bỏ,
Đi theo đám học trò.
Khen chê chuyện ngoài mặt.
Ai biết tấm lòng cho.
Duy hồn thiêng lưu dấu,
Tri kỷ tiếng nghìn thu. .
Sau đó, Katsu còn tranh đấu để hồi phục danh dự cho Saigô và lo lắng, chăm sóc con côi của một người từng ở chiến tuyến bên kia mà sau này ông kính trọng và xem như bạn.
Thơ Enomoto Takeaki (榎本武揚1838-1908):
Là mạc thần như Katsu Kaishuu, ông còn là quân nhân, chính trị gia. Sinh ra ở Edo nhưng theo học Hải quân ở Nagasaki. Dưới sự chỉ đạo của Kaishuu, ông đã nắm vững thuật hàng hải và có thể điều khiển chiến hạm. Sau khi du học Hà Lan về, ông trở thành chỉ huy phó lực lượng Hải quân của Mạc Phủ. Trong biến cố xảy ra trước cuộc Duy Tân, ông đưa hạm đội về cố thủ Goryôkaku (Ngũ Lăng Quách), pháo đài năm góc ở thành phố Hakodate trên Hokkaidô, kháng cự quân triều đình và đã ra tuyên ngôn xây dựng nước Cộng Hòa Ezo (Hà Di Cộng Hòa Quốc) trên đảo. Đến khi thua trận, tuy bị chính phủ mới cầm tù nhưng được đặc xá khỏi án cấm cố. Sau đó, ông phục vụ chính phủ Meiji và đảm nhiệm việc khai khẩn Hokkaidô kiêm chức Công sứ đặc mệnh để điều đình với người Nga về lãnh thổ phương Bắc. Lần lượt giữ nhiều chức tổng trưởng trong chính phủ Meiji.
Sau đây là bài thơ ông viết năm 34 tuổi (1869), khi được giải từ Hakodate về Edo trong cũi tù (lao lung). Áo Vũ (Ôu) là vùng Đông Bắc đảo Honshuu, tiếp giáp với Hokkaidô.
Áo Vũ đạo hành.
Tiên huyết ngân (ngấn) lưu cựu chiến bào,
Tráng đồ nhất quyết khí không hào.
Tùng âm lương động Vũ châu đạo,
Bạch tuyết huyền thiên Điểu Hải cao.
奥羽道行
鮮血痕留旧戦袍
壮図一蹶気空豪
松陰涼動羽州道
白雪懸天鳥海高
(Trên đường miền Áo Vũ (thuộc Đông Bắc)
Tả tơi áo chiến, máu còn tươi,
Công tuy chẳng toại, chí cao vời.
Gió tùng mát lạnh con đường núi,
Điểu Hải nhìn lên, tuyết trắng trời.
Điểu Hải Sơn (Chôkaisan) là tên một ngọn núi lửa nằm trên đường đi, được xem như ngọn Fuji của miền Bắc. Núi lửa, tuyết trắng và bóng tùng là hình ảnh nói lên chí khí hào hùng, cao khiết của ông.
Ngoài các nhà lãnh đạo đến từ những phương trời khác nhau như thế, còn phải kể đến những người đã sớm chọn binh nghiệp như hai tướng Yamagata và Nogi.
Thơ Yamagata Aritomo (山県有朋1838-1922):
Xuất thân phiên sĩ phiên Chôshuu, quân nhân và chính trị gia hai triều Meiji và Taishô. Thời trẻ từng theo học Yoshida Shôin ở Tùng Hạ thôn thục, sau trở thành chỉ huy trưởng đội Kiheitai tức nghĩa dũng quân do Takasugi Shinsaku sáng lập. Ông đã tổ chức việc trưng binh và thành lập quân đội Nhật Bản. Từng là Tham Mưu Trưởng, Tổng trưởng Nội vụ rồi Thủ tướng. Làm tư lệnh quân đoàn 1 trong chiến tranh Nhật Thanh (1894-95) và Tham Mưu Trưởng kiêm Thanh tra quân đội trong chiến tranh Nhật Nga (1904-05). Sau khi Itô Hirobumi bị ám sát, ông trở thành người nắm trọn quyền lực và chi phối chính trường. Giữ chức Nguyên soái, được phong Công tước.
Xin trích hai bài thơ nói lên tâm trạng hưng phấn của ông khi đối diện chiến tranh, một cuộc chiến mà Nhật Bản muốn nhân đó, xác định sức mạnh cường quốc tân hưng của mình:
Phụng sắc tương phát Mãn Châu, thị lưỡng sư đoàn trưởng
Mã cách lý thi nguyên sở kỳ,
Xuất sư vị bán khởi dung qui.
Như hà thiên tử triệu hoàn cấp,
Lâm biệt trận đầu lệ mãn y.
奉勅将発満州 示両師団長 馬革裏屍元所期 出師未半豈容帰 如何天子召還急 臨別陣頭涙満衣
(Nhắn với hai sư đoàn trưởng trước lúc giã từ để về lại căn cứ Mãn Châu:
Da ngựa bọc thây là chí nguyện,
Nên chưa thắng trận, khó quay lui.
Chỉ vì thiên tử gọi về gấp,
Giã biệt toàn quân, nước mắt rơi)
Trong trận Nhật Thanh (1894), Yamagata (lúc đó 57 tuổi) là Tư lệnh quân đoàn 1 ở Mãn Châu nhưng vì ông lâm bệnh nặng nên Thiên hoàng xuống chiếu bắt phải rời chiến trường trở về căn cứ Mãn Châu, nhường quyền chỉ huy cho trung tướng Nozu Michitsura và Katsura Tarô, hai sư đoàn trưởng.
Tạc dạ mộng hãm lạc Lữ Thuận thành hữu tác Dao ký Nãi Mộc tướng quân
Bách đạn kích lôi thiên diệc kinh,
Bao vi bán tuế vạn thi hoành.
Tinh thần đáo xứ kiên ư thiết,
Nhất cử trực đồ Lữ Thuận thành.
昨夜夢陥落旅順城有作遥寄乃木将軍 百弾激雷天亦驚 包囲半歳萬屍横 精神到処堅於鉄 一挙直屠旅順城
(Đêm qua nằm mộng thấy trận công phá thành Lữ Thuận. Từ nơi xa gửi đến Tướng Nogi.
Đạn pháo đùng đùng, trời đất lở,
Nửa năm công hãm, tử thi đầy.
Tinh thần đến thế, tày gang thép,
Một đấm tan hoang Lữ Thuận ngay).
Năm 1904, lúc 67 tuổi, Tham mưu trưởng Yamagata gửi bài thơ này bên dưới một tờ điện tín cho tướng Nogi Marasuke, lúc đó đang giao chiến với quân Nga ở Lữ Thuận, một cứ điểm quan trọng cho cả lục và hải quân.
“Đồ thành” có ngữ khí rất mạnh, không những muốn đoạt thành mà còn làm cho nó tan hoang, kể cả việc tiêu diệt hết những người sống trong đó.
Chiến công thì có hiển hách, vang dội hoàn cầu nhưng quả là quá tàn nhẫn cho cả đôi bên.
Thơ Nogi Maresuke (乃木希典1849-1912):
Quân nhân nhiều huân công nhất thời đại Meiji. Sinh ra ở Roppongi (Tôkyô) nhưng là phiên sĩ phiên Chôshuu (Trường Châu), một trong hai hùng phiên cuối đời Mạc Phủ. Năm 1866, ông gia nhập đội nghĩa dũng Kiheitai để đánh nhau với quân nhà Chúa. Lúc chính quyền Duy Tân thành lập, ông tham gia lục quân và bình định miền Tây Nam (1877) rồi sau khi du học ở Đức về đã chỉ huy với vai trò Lữ đoàn trưởng trong trận Nhật Thanh (1894-95) và Tư lệnh trong trận Nhật Nga (1904-05). Có nhiều chiến công nên được vinh thăng tới Đại tướng lục quân. Ở trận Lữ Thuận trên bán đảo Liêu Đông, tuy chiến thắng nhưng vì quyết định cá nhân sai lầm, mất nhiều quân sĩ, chính con trai trưởng là Katsunori cũng tử trận. Do đó, ông tự xem mình là kẻ có tội dù vua không hỏi tới. Sau ngày hòa bình, ông trở thành trách nhiệm Kunaichô (Cung Nội Sảnh) ở bên cạnh Thiên Hoàng và Viện trưởng trường Gakushuuin (Học Tập Viện), nơi dạy dỗ con nhà quí tộc. Đúng ngày đưa tang Thiên hoàng Meiji (1912), ông đã cùng phu nhân tuẫn tử để chuộc lỗi. Đã dể lại khoảng 240 bài Hán thi. Cái chết của ông đã gây một cơn bão dư luận, kẻ khen ngợi, người chê trách nhưng sao cũng là cái mốc chấm dứt một thời đại.
Là quân nhân, khắc kỷ và cực kỳ bảo hoàng như Yamagata nhưng chúng ta nhận thấy là thơ Nogi không phải là những lời cỗ vũ một cách vô tội vạ cho chiến tranh như người đồng sự nhưng có nhiều tình người và trách nhiệm hơn.
Xin đơn cử hai bài thơ sau đây:
Kim Châu thành hạ tác.
Sơn xuyên thảo mộc chuyển hoang lương,
Thập lý phong tinh tân chiến trường.
Chinh mã bất tiền, nhân bất ngữ,
Kim Châu thành ngoại lập tà dương.
金州城下作 山川草木転荒涼 十里風腥新戦場 征馬不前人不語 金州城外立斜陽
(Viết dưới chân thành Kim Châu
Núi sông cây cỏ nhuốm thê lương,
Mười dặm còn tanh gió chiến trường.
Ngựa chiến biếng đi, người biếng nói,
Bên thành, đứng lặng dưới tà dương)
Kim Châu là tên gọi thành phố Đại Liên, cứ điểm quan trọng trong trận Nhật Nga nơi xảy ra một trận đánh ác liệt nhất. Bài này được viết ra vào năm 1904, lúc Nogi 56 tuổi.
Khải hoàn hữu cảm.
Vương sư bách vạn chinh cường lỗ,
Dã chiến công thành thi tác sơn.
Quý ngã hà tu khan phụ lão,
Khải ca kim nhật kỷ nhân hoàn.
凱旋有感 王師百万征強虜 野戦攻城屍作山 愧我何顔看父老 凱歌今日幾人還
(Cảm tưởng trong ngày khải hoàn,
Trăm vạn quân ta truy giặc mạnh,
Ngoài bãi, trên thành, thây chất cao.
Thẹn nỗi không sao nhìn phụ lão,
Ngày vui, bóng trẻ thấy đâu nào!)
Hán thi văn nhân cận đại
Vào cuối thế kỷ thứ 19 bước sang đầu thế kỷ 20, ngoài Hán thi của các nhà lãnh dạo, chính trị gia, vũ tướng (như Thiên hoàng Taishô, hai thủ tướng Ôkubo và Itô, các tướng lãnh Yamagata Aritomo, Nogi Maresuke nói trên) ,ta còn thấy Hán thi của tầng lớp văn nhân, tiêu biểu bằng ba loại hình sau đây:
1- Lớp thi nhân cổ phong như cha con Mori Shuntô và Mori Kainan, các ông Narushima Ryuuhoku, Ônuma Chinzan. Thơ họ hãy còn dư hưởng Hán thi Edo..
2- Các nhà thơ kiêm nhà giáo dục, tư tưởng, văn hóa như Mishima Chuushuu, Fukuzawa Yukichi, Ôkuma Shigenobu, Kawakami Hajime, Tokutomi Sohô, Okakura Tenshin.
3- Các văn thi nhân như Mori Ôgai, Natsume Sôseki, Kôda Rohan, Yosano Tekkan, cha con Ngai Kagen và Nagai Kafuu, Akutagawa Ryuunosuke, Nakajima Atsushi.
Đặc điểm của văn nhân cận đại – nhưng người có hoạt động văn bút trước sau thời Meiji và kéo dài đến Taishô và đầu Shôwa – là họ đều chứng kiến sự suy tàn của Hán văn Hán thi và sự xâm nhập của các luồng tư tưởng Tây phương, nhưng đúng theo truyền thống, vẫn trân trọng dùng Hán thi như một phương tiện để bày tỏ chí hướng (thi ngôn chí) và tình cảm sâu lắng nhất của mình.
A) Lớp thi nhân cổ phong:
Thơ Mori Shuntô (森春濤1819-1889):
Thi nhân Hán thi buổi giao thời Mạc Phủ-Minh Trị, quê vùng Owari (nay gần Nagoya). Gia đình đời đời theo nghề thuốc. Năm 17 tuổi gia nhập Yuurinsha (Hữu Lân Xá) do nhà Nho Washizu Ekisai (Ích Trai) lập ra nên quen biết với hai thi nhân là Washizu Gidô (Nghị Đường, con trai Ích Trai) và Ônuma Chinzan (Chẩm Sơn). Sau lên Kyôto thụ giáo Yanagawa Seigan rồi đến Edo gia nhập hội thơ Shitaya Ginsha (Hạ Cốc ngâm xã) ở khu Shitaya. Từ đó ông đã mở nhiều hội thơ (ginsha, ngâm xã) khác và còn xuất bản tạp chí Hán thi Shinbunshi (Tân Văn Thi), giữ vai trò trung tâm của thi đàn thời ấy.
Du Hàm Quan
Trường thương đại mã loạn vân gian,
Tri thị hà hầu thuật chức hoàn.
Luân lạc thư sinh vô khí diễm,
Vũ sam phong lạp độ Hàm Quan.
踰函関 長槍大馬乱雲間 知是何候術職還 淪落書生無気焔 雨衫風笠度函関
(Vượt ải Hàm Cốc
Giáo dài ngựa mạnh khí tung mây.
Mới biết quân hầu về ngang đây.
Riêng tớ, thư sinh chửa danh phận,
Áo tơi, nón lá vượt đèo này)
Hàm Quan tiếng là tên ải Hàm Cốc nhưng chỉ là cách gọi bóng bẩy ngọn đèo Hakone ngăn chia hai miền Đông Tây của đảo Honshuu. Người mà nhà thơ gặp có lẽ là một lãnh chúa mới lên hầu việc Shôgun ở Edo (theo chế độ sankinkôtai) trở về phiên nên có đủ cả một đoàn hộ vệ oai phong lẫm liệt.
Bài thơ có khẩu khí nói lên tính cách “ngoại hướng” của nhà thơ, cho biết sẽ không quản gian khổ, áo tơi nón lá tìm cách vượt đèo cao lên Edo để có cơ hội vùng vẫy trong trường văn trận bút. Cách ví von này thường thấy trong thơ chữ Hán Nhật Bản các đời trước, chứng tỏ thơ Shuntô vẫn còn có dư hưởng của Hán thi truyền thống.
Thơ Mori Kainan (森槐南1863-1911):
Kainan (Hòe Nam) là con trai Mori Shuntô (Xuân Đào), được nuôi dưỡng trong bầu không khí thi thư. Theo học Washizu Gidô (Nghị Đường, bạn của cha) và Mishima Chuushuu (Trung Châu), nghiên cứu thi học và âm vận học. Phát hành “Tân Thi Tổng”, chủ soái Suiô Ginsha (Tùy âu ngâm xã). Được xem như một trong “Tam Đại Gia” đương thời. Sau bước vào hoạn lộ nhưng chuyên về văn hóa (làm bí thư cho các đại thần, có khi tháp tùng Thủ tướng Itô Hirobumi đi công cán). Ngoài sáng tác (kịch, truyền kỳ) còn nghiên cứu thi pháp thơ Đường, tuyển dịch, chú giải thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch và dạy văn ở Đại học Đế Quốc Đông Kinh. Như cha mình, Kainan cũng là một thi nhân cổ phong:
Xin trích đăng bài thất ngôn tuyệt cú “Vãn gian tụ vũ” của ông:
Vãn gian tụ vũ
Táp nhiên phi vũ sái hoành đường,
Bính tán hà hoa nhất trận hương.
Phong định thùy dương tỉ tiền bích,
Loạn thiền dao duệ vạn ti lương.
晩間驟雨
颯然飛雨灑横瑭
逬散荷花一陣香
風定乗楊比前碧
乱蝉揺曵萬糸涼
(Mưa rào buổi chiều.
Mưa dày gió mạnh cạnh bờ ao,
Đã tỏa hương sen thơm ngạt ngào.
Gió ngừng, chòm liễu xanh hơn trước,
Ve ran, hơi nước mát làm sao)
Thơ Narushima Ryuuhoku (成島柳北1837-1884):
Văn nhân và nhà báo thời cuối Mạc phủ đầu Meiji. Ryuuhoku (Liễu Bắc) là biệt hiệu. Từng làm nho quan dạy kinh điển cho nhà Chúa nhưng ngược lại cũng yêu mến cuộc sống của xóm cô đầu Yanagibashi. Về sau ý thức rằng thời thế đã thay đổi bèn chuyển sang Dương học (cái học Tây phương). Được Mạc phủ trao trách nhiệm huấn luyện quân đội theo kiểu Pháp.Lúc thay đổi chính quyền ông phải về vườn nhưng nhân đấy mà có dịp xuất dương quan sát Âu châu (1872). Khi về nước, ra tờ báo Chôya Shimbun (Triều Dã tân văn) và Kagetsu Zashi (Hoa Nguyệt tạp chí), viết văn (tùy bút) và làm thơ (Hán thi &Waka). Narushima Ryuuhoku là một người rất thông minh và tài hoa nhưng bảo thủ, trung thành với Mạc phủ, không ra phục vụ chính quyền Duy Tân như Katsu Kaishuu hay Enomoto Takeaki.
Trước tiên xin đọc bài thất ngôn cổ thi “Dạ quá Liễu Kiều” của ông. Địa danh Liễu Kiều (Yanagibashi), nằm giữa cây cầu cũ (cổ kiều) là cầu Ryôgoku và cây cầu mới (tân kiều) bắc qua sông Kandagawa, thuộc vùng đất nay nằm trong khu Taitô (bao gồm Shitaya và Asakusa), nội thành Tôkyô, vào thời ấy có xóm cô đầu (geisha) nổi tiếng:
Dạ quá Liễu Kiều
Cổ liễu kiều biên xuân thủy bích,
Tân liễu kiều thượng xuân nguyệt bạch.
Da thâm tửu lãnh đa thiểu lâu,
Tuệ tuệ tàn đăng cảnh liêm khích.
Kiều trảo hoán bát khúc điệu đê
Vi phong do truyền tuyến tuyến mạch.
Phảng phất thu giang thính tì bà,
Than thị phi phủ trích cư khách.
Đa sầu vị chiếm phong lưu trường,
Thanh xuân nhất mộng độc tự tích
Tá vấn nguyệt ảnh liễu sắc trung,
Bất tri hà xứ Tô Tiểu trạch?
夜過柳橋 古柳橋邊春水碧 新柳橋上春月白 夜深酒冷多少楼 穂穂残燭耿簾隙 嬌爪換撥曲低調 微風猶伝線線脈 彷彿秋江聴琵琶 身是非否謫居客 多愁未占風流場 青春一夢独自惜 借問月影柳色中 不知何処蘇小宅
(Đêm qua vùng Yanagibashi
Cầu cũ trên dòng xuân thắm xanh,
Còn bên cầu mới ánh trăng thanh.
Khuya về rượu lạnh dăm ba quán,
Mấy ánh đèn đêm tỏa dưới mành.
Ngón thon dạo khúc tiếng nhà ai,
Gió đưa giai điệu đàn ba giây,
Mà ngỡ tì bà trên bến vắng,
Đất trích sông thu, ai người đây?
Nỗi buồn chưa viếng chốn lầu trang
Chỉ tiếc ngày xanh giấc mộng tàn.
Ướm hỏi dưới trăng trong bóng liễu,
Đâu nhà Tô Tiểu để ta sang?)
Tô Tiểu Tiểu là một kỹ nữ vùng Tiền Đường đời Nam Tề (một trong Lục Triều) bên Trung quốc, một giai nhân vừa quốc sắc lại thiên tài. Từ ngày Mạc Phủ suy vong, Ryuuhoku tự ví mình như Bạch Lạc Thiên bị trích cư bên dòng sông Tầm Dương dù rằng chính ông đã chọn con đường xa lánh quan trường. Đây là bài thơ của một khách tài hoa ngoài việc tìm về những nét đẹp của một nền văn hóa sắp tan biến, còn nói lên tâm sự quạnh hiu của kẻ di thần.
Tiếp theo là bài thơ Ryuuhoku làm ra khi ông đáp tàu qua kênh đào Suez sang Âu châu năm 1872 khi ông 36 tuổi:
Tô Sĩ tân hàng cừ nhị thủ (kỳ nhị)
Tạc đắc hoàng sa kỷ vạn trùng,
Phong triều trạc nhiệt bích dung dung.
Thiên phàm trực hướng Âu châu khứ,
Nhàn khước nam dương Hỷ Vọng Phong [5].
[5] Hỷ Vọng Phong tức Mũi Hảo Vọng (Caho da Boa Esperanca do nhà hàng hải Bồ đào nha Bartolomeo Diaz khám phá năm 1448).
蘇士新航渠二首其二 : 鑿得黄沙幾万重 / 風潮濯熱碧溶溶 / 千帆直向欧州去 / 閑却南洋喜望峰
(Hai bài viết về kênh đào mới ở Suez (bài 2):
Đào giữa muôn trùng biển cát vàng,
Sóng to đuổi nắng, nước mênh mang.
Bao nhiều buồm hướng Âu châu hết,
Hảo Vọng đành chờ ở biển Nam).
Qua bài thơ này, Narushima, ca tụng sự tiện lợi của kênh Suez vừa được khai thông, chiếm mất vị trí của mũi Hảo Vọng (Hỷ Vọng trong tiếng Nhật).
Thêm vào đó là bài Thư Hoài, một tác phẩm bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông đối với các nước Âu châu (Thái Tây):
Thư Hoài
Bán sinh chí nghiệp nhất nan thành,
Nộ khí như binh dạ hữu thanh.
Hắc Hải phong đào, Hồng Hải nguyệt,
Biên chu hà nhật tải ngô hành.
書懐 半生志業一難成 怒気如兵夜有聲 黒海風濤紅海月 扁舟何日載吾行
(Viết ra điều nghĩ trong lòng
Nửa đời chí lớn vẫn chưa thành
Giận tựa quân gào trong đêm thanh
Kìa sóng Biển Đen, trăng Biển Đỏ,
Khi nao tàu chở tớ du hành).
Như thế, Hán thi thời này, đã có cảnh “bình cũ rượu mới”. “Cũ” là kỹ thuật truyền thống, “Mới” đây là những đề tài và tâm tình mà các thi nhân khai triển. Và cũng phải nói Ryuuhoku là một văn nhân dạt dào tâm sự.
Tìm hiểu Văn Hóa Nhật Bản:
Tuyển tập truyện ngắn đặc sắc Nhật Bản
Ngày Tết ở Nhật và Shichifukujin (Bảy vị phước thần)
Bashô và cõi thơ haiku Nhật Bản
B) Các nhà tư tưởng, giáo dục, văn hóa:
Thơ Mishima Chuushuu (三島中洲1830-1919):
Mishima tên thật là Tsuyoshi (Nghị), Chuushuu (Trung Châu) là biệt hiệu. Thời trẻ ông theo học ở Shôheikô (Xương Bình Huỳnh) tức ngôi trường Mạc phủ đã lập ra từ năm 1630 ở Edo với các bậc thầy danh tiếng trong đó có Satô Issai và Asaka Gonsai. Từ đó, ông lại về quê làm hiệu trưởng trường phiên, sau lại mở tư thục, dạy Đại học Sư Phạm, rồi trở thành giáo thụ Đại học Đế quốc Đông kinh và thị giảng cho Đông cung.
Bài thất ngôn tuyệt cú “Ki Tân Đăng Vọng Dương Lâu” dưới đây được làm ra vào năm 1873, lúc ông 44 tuổi, lúc đi thăm đền thần đạo Ôarai (Đại Tẩy) ở Isohama (Ki Tân) tỉnh Ibaraki.
Ki Tân Đăng Vọng Dương Lâu
Dạ đăng bách xích hải loan lâu,
Cực mục hà biên thị Mễ châu.
Khái nhiên hốt phát viễn chinh chí,
Nguyệt bạch Đông dương vạn lý thu.
磯浜登望洋楼 夜登百尺海湾楼 極目何邊是米州 慨然忽発遠征志 月百東洋万里秋
(Lên Vọng Dương Lâu bên bờ biển.
Đêm đến lên lầu cao cạnh biển,
Nhìn xem châu Mỹ hướng nào đâu?
Lòng chợt rộn ràng mơ vượt sóng,
Trăng soi Đông hải đã bao thu)
Trong bài này Mễ châu ý nói Châu Mỹ, viễn chinh là đi xa, còn Đông dương ám chỉ Thái Bình Dương.
Thơ Nakamura Keiu (1832-1891):
Tên thật là Nakamura Masanao (Trung Thôn Chính Trực), ông sinh năm 1932 trong gia đình mạc thần. Năm 17 tuổi đã học Nho với danh sư Satô Issai trong ngôi trường Shôheikô nổi tiếng do Mạc phủ lập ra. Sau đó, ông lại theo học Lan học với Katsuragawa Hoshuu. Trở thành hiệu trưởng trường phiên ở Kôfu (tỉnh Yamanashi) trước khi được bổ làm Nho quan. Năm 1866, Mạc phủ gửi ông đi sang Anh để coi sóc đám lưu học sinh Nhật Bản ở bên ấy. Khi về ông đã xuất bản cuốn Saigoku Risshihen (Tây Quốc lập chí biên) nói về tinh thần tự lập của người phương Tây (dựa trên tác phẩm Self Help của nhà văn Anh là Smiles) và trở thành cuốn bestseller đương thời. Ông còn lập tư thục Dôjinsha (Đồng Nhân Xã) và lo việc giáo dục. Cuối đời, ông trở thành nghị viên Quý Tộc Viện trong quốc hội Nhật Bản.
Trong Keiu shishuu (Kính Vũ thi tập), ông có viết hai bài Hữu Cảm, sau đây là bài thứ nhất.
Dương di xướng nam cương,
Chính tại phần mi ưu.
Quốc gia tối trọng trấn,
Phố Gia vi yết hầu.
Thử xứ cận Giang Hộ,
Hựu vô thành trì trở.
Cẩu hoặc nhất thất thủ,
Hoành hành cánh hà ngự.
Hà vi nhục thực nhân,
Bất lưu tâm phòng biên.
Đồ yếm khu khu phí.
Bị cụ bất năng kiên.
Duy hữu pháo đài thiết,
Nhi đồng hà túc thuyết.
Dung nhân cố án như,
Minh giả cửu vô nhiệt.
Bất văn cổ nhân ngôn,
Dũng phu do trùng bế.
Khố tàng bất thí quyết,
Giảo giả tư nhương thiết.
有感 洋夷唱南彊 正在焚眉憂 国家最重鎮 浦加為咽喉 此処近江戸 又無城池阻 苟或一失守 横行更何禦 何為肉食人 不留心防邊 徒厭区区費 備具不能堅 誰有礟台設 児童可足説 庸人固妟如 明者久内熱 不聞古人言 勇夫猶重閉 庫蔵不施鍥 狡者思攘窃
(Cảm hoài
Phương Nam, rợ Tây réo,
Khẩn cấp lo xiết bao.
Uraga đất hiểm,
Edo có xa đâu,
Phải coi như yết hầu.
Nay thành trì chửa dựng,
Ngộ nhỡ mất nó đi,
Lấy gì làm phên giậu.
Kẻ ăn ngon mặc đẹp,
Sao không chịu canh giữ
Chẳng muốn bỏ tiền bạc,
Thiết bị cho qui củ.
Pháo đài tiếng là đủ
Chẳng qua trò trẻ con.
Người thường dẫu hết lo
Kẻ sáng vẫn sốt vó.
Biết chăng thánh hiền dạy,
“Kẻ mạnh đóng kín cửa”.
Nhà kho không khóa kỹ,
Quân gian cướp sạch đồ!
Phố Gia là một cách viết khác để gọi cảng Uraga (Phố Hạ), nay gần Yokohama nghĩa là ở bên cạnh Tôkyô nơi vào năm 1853, đoàn pháo thuyền của Perry đã cắm neo. Còn chữ “pháo” ở đây có nghĩa là cái máy bắn đá, tác giả tỏ ý coi nhẹ hiệu quả của những pháo đài súng thần công do Mạc phủ dựng lên. Riêng câu “Kẻ mạnh còn phải đóng nhiều lớp cửa” (Dũng phu do trùng bế) vốn là chữ lấy từ sách Xuân Thu Tả Truyện: “Dũng phu trùng bế. Huống quốc” (Kẻ mạnh còn phải đóng chặt cửa, huống gì một nước).
Không thóa mạ chính quyền như Seigan, Keiu phê phán họ nhưng đưa ra những đề nghị cụ thể. Thái độ đó đã được tiếp nối bởi những nhà trí thức khác.
Thơ Fukuzawa Yukichi (福沢諭吉1834-1901):
Ông là nhà tư tưởng, nhà báo và nhà giáo dục nổi tiếng với những tác phẩm khuyến khích học vấn để mở mang dân trí. Người phiên Nakatsu tỉnh Oita trên đảo Kyuushuu. Một trong những cống hiến lớn lao của ông là thành lập Đại học Keiô (Khánh Ứng nghĩa thục, 1858 tức Ansei thứ 5). Các sự nghiệp giáo dục khác và ảnh hưởng trứ tác của ông đối với xã hội thì chắc không cần phải nói thêm nhiều.
Sau đây là bài ông viết ra để đọc lên trong một lần tái ngộ các các học trò cũ từng đeo đuổi Lan Học (tức cái học Tây phương) ở tỉnh nhà trên mười năm về trước và đã cùng nhau nếm mùi tân khổ, từng ngồi đọc sách giữa làn tên mũi đạn.
Xã hữu tiểu tập
Quang âm như thỉ thập dư xuân,
Thùy thức đương niên phong vũ tân.
Kim dạ tiểu đường kim hội hữu,
Đạn hoàn yên lý độc thư nhân.
社友小集 光陰如矢十余春 誰識当年風雨辛 今夜小堂相会友 弾丸煙裏読書人
(Họp bạn trường xưa.
Tháng ngày tên bắn đã mười năm,
Ai biết năm xưa mưa gió vần.
Tối nay bạn cũ về đây họp,
Đã từng đọc sách giữa giao tranh.)
Tên đạn giao tranh ở đây là chiến cuộc giữa các phe phái vào cuối thời Mạc Phủ đầu thời Duy Tân. Cảnh ngộ giống như câu “Bình thời giảng vũ. Loạn thế độc thư”.
Thơ Ôkuma Shigenobu (大隈重信1838-1922):
Chính trị gia trải hai triều Meiji và Taishô, xuất thân phiên sĩ phiên Saga ở Kyuushuu. Đã học ở trường phiên là Kôdôkan (Hoằng Đạo Quán, cùng tên với các trường phiên ở Mito và Hikone) trước khi đến Nagasaki học Anh học, sau cuộc gặp gỡ với một nhà truyền đạo người Mỹ bắt đầu có tầm nhìn quốc tế. Ông lập tư thục mang tên Anh học thục và sau đó quyết tâm trở thành chính trị gia. Giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Meiji (Tổng trưởng Tài Chánh, Ngoại trưởng rồi Thủ tướng). Năm Meiji 22 (1889) bị khủng bố ném tạc đạn nên mất một chân. Sáng lập Trường chuyên môn Đông Kinh (1882), tiền thân Đại Học Waseda (từ 1902). Sau đó ông đã trở thành Viện trưởng của nhà trường. Được phong Bá tước.
Sau đây là một bài thất ngôn tuyệt cú làm năm 19 tuổi lúc hãy còn ký tên cúng cơm là Yatarô (Bát Thái Lang) để tiễn chân một người bạn tên Muraoka, vừa nhận nhiệm vụ cảnh bị một hòn đảo trong phiên Saga, quê hương ông:
Thôn Cương thị tống biệt thi.
Kỷ tuế đồng du bạn thủy cung,
Li Giang nhất biệt thất Tây Đông.
Đắc xu biên tái kim thần phát,
Tha nhật kỳ quân đệ nhất công.
村岡氏送別詩 幾歳同遊伴水宮 厘江一別失西東 得趨辺塞今晨発 他日期君第一功
Li giang là tên thi văn của con sông đổ ra bến cảng Ringe (Li ngoại) ở phiên Saga, nơi hai người bạn đã đi chơi với nhau ngày còn trẻ. Điều làm ông vui là cả hai sau đều có cơ hội ra giúp nước.
(Tiễn đưa anh Muraoka.
Bao thuở cùng chơi bên sóng nước,
Sông Li từ đó bặt tin hồng.
Sáng nay thừa lệnh, anh ra ải,
Mong một ngày về, đệ nhất công.)
Thơ Okakura Tenshin (岡倉天心1862-1913):
Ông là nhà quản lý hành chính về mỹ thuật dưới đời Meiji, nhà tư tưởng và nhà giáo. Xuất thân vùng Yokohama. Ông học Anh văn ở tư thục của James Bara, Hán văn với hòa thượng Gendô (Huyền Đạo) ở Chôenji (Trường Diên Tự). Tốt nghiệp Đại học Tôkyô rồi vào làm việc ở Bộ Giáo Dục. Giúp đỡ thầy mình là Ernest Fenollosa nghiên cứu mỹ thuật Nhật Bản. Sau trở thành hiệu trưởng của Đại học Mỹ thuật Tôkyô. Đã làm việc ở Bảo tàng viện mỹ thuật Boston và đi đi lại lại giữa hai nước. Tác phẩm có Lịch sử mỹ thuật Nhật Bản, Lý tưởng của phương Đông, Phương Đông thức giấc, Trà thư (The book of tea) vv…
Xin hãy đọc bài thất ngôn tuyệt cú “Ngũ phố tức sự“ của ông. Ngũ phố (Izura, Itsu-ura) là một vùng bờ biển nằm ở Ibaraki, phía Đông Tôkyô. Nơi đây, Tenshin đã cất một ngôi tiểu đình gọi là Lục Giác Đường để khi rỗi rãnh về đây đọc sách và câu cá và suy ngẫm.
Thiền vũ lục triêm tùng nhất thôn,
Âu vân bạch lược thủy càn khôn.
Danh sơn kỳ xứ thác thi cốt,
Thương hải vi thùy chiêu nguyệt hồn.
五浦即事 蝉雨緑霑松一村 鴎雲白掠水乾坤 名山斯処托詩骨 滄海為誰招月魂
(Tức cảnh ở Izura.
Ve kêu rộn rã một thôn tùng,
Hải âu bay trắng biển mênh mông.
Núi thiêng là chỗ hồn thơ ngụ,
Bể biếc vì ai gọi ánh trăng)
Núi thiêng, bể biếc, trăng thanh có đủ nên Lục Giác Đường là nơi ông có thể gom lại tất cả thi tình của thiên nhiên để một mai định gửi nắm xương tàn ở đấy.
Thơ Nagai Kagen (永井禾原1852-1913):
Nagai Kagen (1852-1913) là một quan lại, nhà thực nghiệp và thi nhân thơ chữ Hán dưới hai thời Meiji và Taishô. Tên thật của ông là Masaharu (Khuông Ôn), còn Kagen (Hòa Nguyên) hay Raisei (Lai Thanh) chỉ là nhã hiệu. Trên thực tế thì mọi người gọi ông là Kyuuichirô (Cửu Nhất Lang). Ông sinh ra ở Owari (tỉnh Aichi bây giờ) thuộc trung bộ đảo Honshuu. Đã theo học Nho với học giả Washizu Gidô (sau là bố vợ) và Hán thi từ các thi nhân lừng danh buổi ấy như Mori Shuntô, Onuma Chinzan. Sau khi sang Mỹ du học trở về, ông về làm quan lại trong Bộ Giáo Dục, Bộ Nội Vụ và Đại Học Đế Quốc ở thủ đô (nay là Đại Học Tôkyô). Ông cũng góp phần trong việc xây dựng một ngôi trường chuyên dạy nghề cho phụ nữ có tên là Joshi Kyôritsu Shokugyô Gakkô (Nử tử cộng lập chức nghiệp học hiệu) và có thời đóng vai quyền hiệu trưởng và giám học của trường, Sau đó, rời lãnh vực giáo dục, ông trở thành chi cục trưởng Thượng Hải và Yokohama của hãng Nippon Yuusen (Nhật Bản Bưu Thuyền) chuyên chở hàng hóa đường biển cho cục Bưu chính. Vợ ông là bà Wahizu Tsune (Hằng) con gái thầy học và sau sẽ là mẹ của nhà văn Nagai Kafuu tức trưởng nam Nagai Shôkichi (Tráng Cát) và các em của ông như em thứ hai Teijirô (Trinh thứ lang) và em thứ ba Izaburô (Uy tam lang). Kagen có để lại các thi tập Saiyuushi (Tây du thi), Settsuen hyakunichi ginkô (Tuyết viêm bách nhật ngâm cảo) và Raisekaku-shuu (Lai Thanh Các Tập).
Từ mấy tập thơ này, xin tuyển lựa hai bài thất ngôn luật thi tiêu biểu sau đây:
Âu La khách trung bệnh trọng, phục chẩm cửu tuần, tiệm chí vật dược sơ hồi quốc.
Nhất bệnh thiên nhai, tử tác lân,
Hoảng nhiên ngã thị tái sinh thân.
Ấn nê hồng trảo không lưu tích,
Nhập mộng bình tung khinh cách trần.
Sự dữ chí vi liên lão đại,
Tâm như thủy lãnh tiếu thanh bần.
Qui lại tùng lệnh cư phi dị,
Vị trụcTrường An quyền quí nhân.
欧羅客中病重伏枕九旬 漸至勿葯初回国 一病天涯死作隣 恍然我是再生身 印泥鴻爪空留跡 入夢苹蹤軽隔塵 事与志違憐老大 心如水冷笑清貧 帰来縦令居非易 未逐長安権貴人
(Đang ở La Mã bên Âu châu thì lâm bệnh nặng nằm giường 9 tuần, chợt không uống thuốc mà bớt, bèn lo sửa soạn về nước.
Quê người lâm bệnh, chết bên mình,
Bỗng thấy hôm nay được tái sinh.
Đời tựa móng hồng in tuyết trắng,
Một bay, ai thấy dấu chân chim.
Chí lớn không thành thân dẫu cỗi,
Lòng như nước lã giữ cho thanh.
Về kinh nhận mệnh, nhưng đâu dễ,
Nếu sống không xu phụ thế tình).
Bài này tác giả đã viết ra vào năm Meiji 18 (1885), năm ông 34 tuổi. Năm trước đó, ở London có mở một cuộc triển lãm quốc tế về ngành vệ sinh và Kagen là đại biểu Nhật Bản. Ông có dịp đi viếng thăm và học hỏi ở Âu châu (Âu La Ba). Đến Roma (Ý) thì lâm bệnh thập tử nhất sinh, nằm suốt mấy tháng.Khi hồi phục và về nước, ông mới làm bài thơ này để vịnh chuyện đó.
Câu thứ ba “Ấn nê hồng trảo không lưu tích” vốn lấy ý từ một câu thất ngôn cổ thi của Tô Thức thời Bắc Tống họa thơ người em là Tô Triệt tức Tô tử Do:
Nhân sinh đáo xứ tri hà tự,
Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê,
Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo,
Hồng phi na phục kế đông tê (tây)
Ý nói đời người giống như vết chân chim hồng (bạch điểu) in trên tuyết trắng. Chim đã bay rồi thì không còn thấy đâu nữa, ngoài dấu chân của nó nhưng vì in trên tuyết nên cũng không thấy nốt.
Câu thứ bảy và tám mượn tích Bạch Cư Dị đời Đường, năm 16 tuổi lên Trường An, được thi nhân Cố Huống đánh giá cao. Ý nói lên tâm sự: ”Sau khi về nước, dù gặp khó khăn đến đâu, mình vẫn giữ tiết tháo chứ không chạy theo thời thế và những người sang trọng”
Theo lời giải thích của Kafuu thì lúc ấy cha ông đang bất mãn vì hoạn lộ không như ý nhưng bày tỏ chí hướng sống phong lưu đạm bạc.
Thu hải đường.
Kiều tự Hoa Thanh dục hậu ty (tư),
Đoạn trường nhân lập tịch dương thì
Tiền thân bạc mệnh bằng thùy tố,
Kim nhật hồng trang bất tự trì.
Bàng thiết, ỷ tường liên tịch mạc
Đề yên khấp lộ trích yên chi.
Đa tình bản thị thâm cung chủng,
Nãi hướng thu phong hệ sở ti (tư)
秋海棠 嬌似華清浴後姿 断腸人立夕陽時 前身薄命憑誰訴 今日紅妝不自持 傍砌依墻憐寂寞 啼煙泣露滴臙脂 多情本是深宮種 仍向秋風所思
(Vịnh hoa thu hải đường.
Dáng kiều tắm suối mới lên đây,
Trong ánh chiều buồn đứng tựa ngây,
Trắng như mệnh bạc xưa người ngọc,
Hồng phấn nên nay ngại vẽ bày.
Thềm đá, dựa tường buồn lặng lẽ,
Sương sa, giọt lệ đá Yên Chi.
Đa tình là giống nơi cung cấm,
Nên trước thu phong, chạnh nhớ ai)
Hoa thu hải đường là một thứ hoa cỏ ở miền Nam nước Tàu, nở từ tháng 8 đến tháng mười nghĩa là vào mùa thu. Được đưa vào Nhật khoảng thời Edo.Hoa thu hải đường có sắc hồng nhạt, thường được ví là giọt lệ tiết ra từ đá núi Yên Chi.Đá này lấy từ một ngọn núi biên giới Hung Nô, khi mài ra sẽ là một thứ phấn tốt cho phụ nữ trang điểm. Tương truyền khi nhà Hán lấy mất núi Yên Chi, phụ nữ Hung Nô không còn đẹp nữa.
Đây là bài thơ diễm tình ví von vẻ đẹp của hoa với mỹ nhân Dương Quí Phi vừa từ bể tắm ở suối ôn tuyền trong cung Hoa Thanh yểu điệu bước lên. Chúng ta nhớ những câu thơ nổi tiếng mà Bạch Cư Dị đã viết trong Trường Hận Ca như::
Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì,
Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi.
Thị nhi phù khởi kiều vô lực,
Thủy thị tân thừa ân trạch thì…
Tác giả ca tụng vẻ đẹp của hoa, của mỹ nhân nhưng đồng thời liên tưởng và than thở cho cuộc đời mình, một người có tài nhưng hẩm vận, như ý trong câu thứ ba và thứ tám.
Thơ Kawakami Hajime (河上肇1879-1946):
Ông là một nhà kinh tế, nhà tư tưởng sống vào cuối đời Meiji cho đến đầu thời Shôwa, chỉ bắt đầu làm thơ chữ Hán lúc đã 60 tuổi. Ông tốt nghiệp khoa chính trị Đại học Đông Kinh, sau trở thành Giáo sư Đại học Kyôto và là một khuôn mặt trí thức tiêu biểu, đã trải qua một cuộc đời đầy biến động, nhiều lần vào tù ra khám vì bảo vệ lối suy nghĩ tả khuynh “đi ngược thời cuộc” (nghịch lưu trạo thuyền) của mình.
Xin trích bài Vô Đề, một bài thơ viết trong tù năm 1933, chính ra đã gói ghém tất cả quá trình dấn thân cánh tả của ông, một bài thứ hai nói lên lòng mong ngóng hòa bình và bài thơ tuyệt mệnh (Nghỉ Từ Thế) viết vào năm 68 tuổi, lúc chiến tranh vừa chấm dứt:
Vô Đề
Niên thiếu túc khâm mộ Tùng Âm,
Hậu học Mã Khắc Tư Lễ Nhẫn.
Độc thư vạn quyển cánh hà sự,
Lão lai đồ vi ngục lý nhân.
無題 年少夙欽慕松陰 後学馬克斯礼忍 読書万卷竟何事 老来徒為獄裏人
(Không đề.
Hồi nhỏ thường hâm mộ Shôin,
Sau học Karl Marx với Lenin,
Đọc chi cho lắm bao nhiêu sách,
Để già vào ngục kiếp tù nhân)
Tùng Âm là Yoshida Shôin, còn Mã Khắc Tư và Lễ Nhẫn là phiên âm tên của Karl Marx và Lenin.
Binh họa hà thời chỉ nhị thủ, kỳ nhất
Bạc chúc đa nan đắc bão thường,
Chử trà liêu ủy ngã cơ trường.
Bất tri binh họa hà thời chỉ,
Phá ốc đồi lan ỷ tịch dương.
兵禍何時止二首其一 薄粥猶難得飽嘗 煮茶聊慰我飢腸 不知兵禍何時止 破屋頽欄倚夕陽
((Bao giờ cho hết chiến tranh.
Cháo loãng bao giờ no được bụng,
Nấu trà uống để ruột không kêu.
Ngồi chờ cho họa đao binh dứt,
Mái tốc rào xiêu dựa nắng chiều. )
Lúc đó cả nước Nhật xem cuộc chiến tranh Đại Đông Á là một cuộc “thánh chiến” nhưng đối với Kawakami, nó chỉ là một cái họa đao binh (binh họa) phải chấm dứt càng sớm càng tốt..
Nghỉ Từ Thế
Đa thiểu ba lan,
Lục thập bát niên.
Liêu tung sở tín,
Ngược lưu trạo thuyền.
Phù trầm đắt thất,
Nhiệm chúng mục liên.
Phủ bất sỉ địa,
Ngưỡng bất quý thiên.
Bệnh ngọa dĩ cập cửu,
Khí lực suy như yên.
Thử tịch phong đặc tĩnh,
Nguyện cao chẩm vĩnh miên.
擬辞世 多少波瀾 六十八年 聊縦所信 逆流掉船 浮沈得失 任衆目憐 俯不恥地 仰不愧天 病臥已及久 気力衰如煙 此夕風特静 願高枕永眠
(Thử làm thơ tuyệt mệnh
Sáu mươi tám tuổi,
Sóng gió đã nhiều.
Mãng tin lý tưởng,
Nên chèo ngược chiều.
Chìm nổi được thua
Mặc cho người định.
Chỉ sống không thẹn,
Với Đất với Trời.
Nằm bệnh lâu rồi,
Sức tàn khói mỏng.
Đêm nay trời lặng gió,
Cao gối ngủ muôn đời)
Ông mất chẳng bao lâu sau ngày hòa bình (1946).
Học tiếng Nhật với Lightway:
Khái quát về thể bị động trong tiếng Nhật
Đại từ danh xưng dùng xưng hô trong tiếng Nhật
Các quy tắc rút gọn (tỉnh lược) câu tiếng Nhật
Chủ đề của một câu tiếng Nhật
C) Các nhà văn trên văn đàn:
Thơ Mori Ôgai (森鴎外1862-1922):
Xin giới thiệu hai trong số hơn 200 bài Hán thi mà văn hào Mori Ôgai để lại.
Bài đầu tiên ông đã viết ra để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một vị hoàng đế, Ludwig II (1845-1886), được làm vào năm 1886, lúc Ôgai 25 tuổi và đang du học bên Đức:
Lộ Dịch nhị thế
Đương niên hướng bối hãi quần thần,
Mạt lộ thê thương khấp quỉ thần.
Công nghiệp thiên thu thả hưu vấn,
Đa tình thiên thị ái thi nhân.
路易二世 : 当年向背駭群臣 / 末路凄愴泣鬼神 / 功業千秋且休問 / 多情偏是愛詩人 /
(Vua Ludwig II
Xưa kia làm ngược ý bầy tôi,
Vận hẩm, đau thương tội bấy người.
Công nghiệp ngàn năm như đánh giá,
Đa tình một kiếp, thích thơ thôi).
Nhà vua trẻ Ludwig II (1845-1886) xứ Bayern được biết như là một người có chủ trương chính trị ngược ngạo, thường bất chấp lời khuyên của quần thần. Số phận đen đủi vì bị tai nạn trên hồ nên chết đuối nhưng ông lại được yêu mến và được nhớ đến như một khách đa tình, yêu thi ca, nghệ thuật, đã nâng đỡ những nghệ sĩ như nhà soạn nhạc Richard Wagner. Đây cũng là thơ vịnh sử nhưng với một nhân vật đứng ngoài truyền thống.
Bài thứ hai tuy nhan đề là Vô Đề nhưng để mô tả phong cảnh hải cảng Marseille của Pháp, nơi ông ghé qua trên đường sang Berlin du học năm 1884 lúc tác giả 23 tuổi:
Vô Đề
Hành nhân lạc dịch dục ma kiên,
Chiếu lộ ngõa tư đăng vạn thiên.
Kinh kiến thê phong lãnh vũ dạ,
Quang hoa bất giảm nguyệt minh thiên.
無題 行人絡釋欲摩肩 照路瓦斯燈萬千 驚見凄風冷雨夜 光華不減月明天
(Không đề.
Dòng người chen chúc vai bên vai,
Vạn ngọn đèn hơi chiếu khắp nơi.
Kinh ngạc nhìn đêm mưa gió lạnh,
Đất trời vẫn vẹn ánh trăng soi)
Thơ Natsume Sôseki (夏目漱石1876-1916):
Văn hào Natsume Sôseki đã làm thơ từ năm 16 tuổi, từng là bạn của nhà thơ lớn Masuoka Shiki, ông tổ của Haiku hiện đại. Ngoài Haiku và Tanka, ông còn để lại khoảng 250 bài Hán thi. Xin trích ở đây hai bài thơ ngắn, thuộc loại vô đề nhưng chứa chan tâm sự. Bài đầu viết năm 1894, lúc tác giả 28 tuổi, bài thứ hai viết năm1910, lúc đã 44 và bắt đầu có vấn đề sức khỏe.
Vô đề
Nhàn khước hoa hồng liễu lục xuân,
Giang lâu hà hạ túy phương thuần.
Do liên bệnh tử đa tình ý,
Độc ỷ Thiền sàng mộng mỹ nhân.
無題 : 閑却花紅柳緑春 / 江楼何暇酔芳醇 / 猶憐病子多情意 / 独倚禅床夢美人 /
(Không đề.
Xuân nhàn, liễu biếc với hoa hồng,
Nhấp chén lầu cao luống ngại ngùng.
Tuy mang thân bệnh, tình khôn dứt,
Tọa thiền vẫn mộng bóng giai nhân).
Vô đề
Thu phong minh vạn mộc,
Sơn vũ hám cao lâu.
Bệnh cốt lăng như kiếm,
Nhất đăng thanh dục sầu
無題 : 秋風鳴万木 / 山雨撼高楼 / 病骨稜如剣 / 一灯青欲愁 /
(Không đề
Gió thu động cây cối,
Mưa núi rung lầu cao.
Thân bệnh như dao cứa,
Đèn xanh giục khách sầu).
Xin giới thiệu thêm một bài Vô Đề khác nữa nhưng viết theo thể thất ngôn luật thi:
Vô Đề (thập nhất nguyệt thập cửu nhật)
Đại ngu nan đáo chí nan thành,
Ngũ thập xuân thu thuấn tức trình.
Quan đạo vô ngôn chỉ nhập tĩnh,
Niêm thi hữu cú độc cầu thanh.
Thiều thiều thiên ngoại khứ vân ảnh,
Lại lại phong trung lạc diệp thanh.
Hốt kiến nhàn song hư bạch thượng,
Đông sơn nguyệt xuất bán giang minh.
無題:大愚難到志難成 五十春秋瞬息程 観道無言只人静 拈詩有句読求清 迢迢店外去雲影 籟籟風中落葉聲 忽見閑窓虚白上 東山月出半江明
(Thơ không đề.
Đai ngu chưa đạt, chí chưa thành,
Năm chục năm trôi thoáng giật mình.
Hoạn lộ vô ngôn xin được tĩnh,
Làm thơ lựa chữ chỉ cầu thanh.
Bóng mây đã sạch chân trời cũ,
Trong gió còn nghe lá rụng cành.
Chợt thấy song Tây vừa xế nắng,
Núi Đông trăng mọc sáng sông xanh).
Nội dung bài thơ bày tỏ lòng mong muốn đi tìm sự thanh thản cho đời mình và đúng như thế, chỉ 20 hôm sau khi viết bài thơ này, Sôseki đã qua đời ở tuổi 50.
Thơ Kôda Rôhan (幸田露伴1867-1947):
Sau đây là thơ Kôda Rohan, một tiểu thuyết gia đã sống qua ba triều đại Meiji, Taishô và Shôwa. Biệt hiệu Rohan (Lộ Bạn) có nghĩa là “bạn của sương”. Bài thơ làm trong một đêm câu cá trên sông Tonegawa. [6]
[6] Sông quan trọng của Nhật, phát nguyên gần Niigata phía biển Nhật Bản và đổ ra Thái Bình Dương ở cửa Chôshi (Chiba)
Lợi Căn Xuyên tức sự nhị thủ (kỳ nhị)
Nhất canh, canh tận, đáo tam canh,
Điếu đáo tàn canh, dạ sắc khinh.
Lộ khứ viễn đinh, cô nguyệt lạc,
Phong vi hiểu vụ bán giang hoành.
利根川即事二首 : 一更更尽到三更 / 釣到残更夜色軽 / 鷺去遠汀孤月落 / 風微暁霧半江横
(Bài thứ hai tức sự cảnh sông Tonegawa
Canh một, sang canh rồi canh ba,
Câu đến tàn đêm, trời sáng ra.
Cò khuất bãi xa, trăng chiếc lặn,
Gió xua sương sớm trải sông xa).
Thơ Akutagawa Ryuunosuke (芥川龍之介1892-1927):
Một trong những văn hào Nhật Bản có thể xem như có tầm cỡ của Natsume Soseki và Mori Ôgai. Thường viết các truyện ngắn (short story) và truyện nhỡ (novella), hai thể văn làm nên tên tuổi ông. Tuy nhiên một chuyện ít ai để ý là Akutagawa làm rất nhiều thơ chữ Hán, nhiều đủ để có một tập thi tuyển dành cho ông nhan đề “Trừng Giang Đường Thi Tập”. Biệt hiệu của ông là Trừng Giang Đường, cảm hứng từ một cách đọc bằng âm Hán tên Sumidagawa, con sông chảy qua Tôkyô.một hình ảnh thân thiết với ông.
Chính ra nhà văn không có ý định in thơ ông thành sách (nhiều bài chỉ tìm thấy sau khi ông qua đời) và thường lồng vào trong những lá thư gửi cho bạn bè. Có thể tạm xem chúng là những bài thơ vô đề.Ngoài ra, thơ ông lại có rất nhiều dị bản, chúng tôi buộc phải chọn bản nào ít trúc trắc nhất.
Khi quan sát Hán thi Akutagawa, nhiều nhà nghiên cứu Trung Nhật chủ trương rằng Akutagawa chịu ảnh hưởng thơ Vương Duy, Đỗ Mục, Hàn Ốc (Đường), Lâm Bô (Tống), Cao Khải (Minh) và thơ các thiền sư. Cũng như bao văn nhân Nhật Bản, ông đã phải đọc Đường Thi Tuyển (Lý Phàn Long soạn vào đời Minh) và Tam Thể Thi ( Chu Bật soạn vào đời Tống), hai quyển sách gối đầu giường của trí thức Nhật Bản thời Edo. Sau đây xin trích dịch một số bài tiêu biểu của ông:
(1) Tùng Giang thu tịch
Lãnh hạng nhân hy mộ nguyệt minh,
Thu phong tiêu tác mãn không thành.
Quan sơn duy hữu hàn châm cấp,
Đảo phá tư hương vạn lý tình.
松江秋夕 冷巷人稀暮月明 秋風蕭索滿空城 關山唯有寒砧急 擣破思郷万里情
(Chiều thu ở Tùng Giang (thành phố Matsue)
Ngõ lạnh, người thưa, trăng chiều soi,
Gió thu tiêu sắt ngập thành côi.
Phương xa nhờ tiếng chày trên áo
Lòng nhớ quê nhà cũng thấy vơi.
(2) Vô đề 5:
Nhàn tình ẩm tửu bất tri sầu
Thế sự phao lai vô sở cầu.
Tiếu kiến đông ly hoàng cúc phát,
Nhất sinh tâm sự đạm ư thu
無題 閑情飲酒不知愁 世事抛來無所求 笑見東籬黄菊發 一生心事淡於秋
(Thân nhàn, chuốc chén, biết sầu đâu,
Chuyện thế buông trôi, lọ phải cầu.
Cười thấy dậu đông dăm nụ cúc,
Một đời tâm sự nhạt như thu).
(3) Ngẫu thành
Liêm ngoại tùng hoa lạc,
Kỷ tiền trà ái khinh.
Minh song vô nhất sự,
U khách ngọ miên thành.
偶成 簾外松花落 几前茶靄輕 明窓無一事 幽客午眠成
(Ý thơ đến tự nhiên.
Ngoài rèm, hoa tùng rụng,
Trước ghế, khói trà lay.
Song sáng, đời nhàn tản,
Trưa buồn, khách ngủ ngày).
(4) Đề Không Cốc cư sĩ mặc trúc
Thủy biên u thạch trúc tam can,
Tế diệp sơ chi đối nộn hàn.
Duy phạ thanh thu minh nguyệt dạ,
Vô đoan chỉ thượng lộ đoàn đoàn
題空谷居士墨竹 水邊幽石竹三竿 細葉疎枝帶嫩寒 唯怕淸秋明月夜 無端紙上露團團
(Đề tranh thủy mặc vẽ trúc của cư sĩ Không Cốc.
Đá bên bờ nước, trúc ba hàng,
Cành lá lơ thơ thấm nỗi hàn. /
Chỉ sợ đêm thu trăng sáng dõi,
Bỗng dưng trên giấy giọt sương chan).
Không Cốc cư sĩ tên thật là Shimojima Isao (1870-1947), một quân y trong trận Nhật Thanh và Nhật Nga, khi giải ngũ đã về mở phòng mạch trong khu phố Tabata và chăm sóc sức khỏe cho Akutagawa đến khi nhà văn mất.
(5) Bài Vô đề 14
Cùng hạng mại văn thiên tịch mịch,
Hàn trù khuyết tửu tự thanh tu.
Niêm hào song ngoại tây phong vãn,
Dục tả hung trung lạc mộc thu.
無題 窮巷賣文偏寂寞 寒厨缺酒自淸修 拈毫窓外西風晩 欲寫胸中落木秋
(Không đề.
Ngõ hẹp bán văn đời tịch mịch,
Rượu không, bếp lạnh, tựa nhà tu.
Cầm bút, ngoài song, chiều gió lạnh,
Muốn tả lòng thu trước lá thu).
(6) Bài Vô đề 32
Mãi tửu cùng đồ khốc,
Thùy ngâm “Qui khứ lai”
Cố viên kim mẫn mẫn,
Phế hạng ám cung thôi.
無題: 買酒窮途哭 誰吟歸去來 故園今泯泯 廢巷暗蛩催
(Không đề.
Đường cùng, mua rượu khóc,
Mong chi “Về đi thôi!”.
Quê nhà tan nát cả,
Dế rúc ngõ hoang rồi).
Đây là bài thơ Akutagawa viết cho Takahashi Chikumei (1883-1951) một người bạn và văn nhân đi theo phái Tào Động, quê vùng Akita, mấy tháng sau trận động đất kinh hoàng năm Taishô thứ 12 (1923). Trong đó, đã thấy những tình cảm u uất, không lối thoát như “Qui khứ lai”, “cùng đồ”, “phế hạng”, “cung thôi”.
Bài thơ nằm trong một lá thư không gửi, tìm ra sau khi nhà văn qua đời (1927), được đăng trong phụ lục Toàn tập của ông ở mục thư tín.
Thơ Nagai Kafuu (永井荷風1879-1959):
Trưởng nam của nhà giáo dục, doanh nhân và thi nhân Hán thi Nagai Kagen,ông là tiểu thuyết gia trải qua 3 triều đại từ Meiji đến Taishô. Ngay trong văn chương của mình, Kafuu cũng thường trích dẫn thi ca chữ Hán. Biệt hiệu là Đoạn Trường Đình chủ nhân và Thạch nam cư sĩ. Hồi đầu thế kỷ 20 đã du học – du lịch ở Mỹ và Pháp trước khi trở lại Nhật, dạy học ở Đại Học Keiô và cầm đầu văn đàn Mita Bungaku xuất phát từ nhà trường.
Văn chương ông ngoài việc quan sát và phê phán văn minh Âu Mỹ cũng như Nhật Bản đương thời, còn chan chứa lòng hoài cựu đối với văn hóa Edo và tình tự của cuộc sống phong lưu trong các xóm yên hoa. Giữ im lặng suốt thời chiến vì không muốn tiếp tay cho chế độ quân phiệt, ông trở lại sáng tác và xuất bản sau ngày hòa bình.
Sau đây là một trong hai mươi bài thất ngôn tuyệt cú nói về phong cảnh sông Sumida (Mặc Thủy), vốn là tên một danh tác của ông (Sumidagawa).:
Mặc thượng xuân du nhị thập tuyệt tồn thập thư. Kỳ thất.
Anh hoa lung nguyệt dạ mông lung,
Nhất khắc thiên kim hứng bất không.
Xuân noãn Ngô Thê Kiều hạ thủy,
Dung dung bích trướng ngạn tây đông.
墨上春遊二十絶 存十首 其七 桜花籠月夜朦朧 一刻千金興不空 春暖吾妻橋下水 溶溶碧漲岸西東
(Đêm đến, anh đào dưới nguyệt mờ
Một khắc ngàn vàng, hứng chẳng ngờ.
Xuân ấm, bên cầu dòng nước biếc,
Dâng lên lai láng tận đôi bờ).
Đây là bài thứ bảy trong chùm thơ gồm hai mươi bài viết lúc đi chơi xuân trên dòng Sumida (chỉ còn lại mỗi 10 bài).Ngô Thê Kiều là âm Hán của tên cầu Azuma.
Thơ Nakajima Atsushi (中島敦1909-1942):
Nakajima Atsushi sinh trong một gia đình cựu Nho nên giỏi chữ Hán. Ông còn là giáo sư dạy Văn ở trường Nữ trung học Yokohama trước khi thuyên chuyển xuống vùng Nam đảo vì bệnh suyển nặng. Cuộc đời ông ngắn ngủi và tuy không để lại nhiều tác phẩm nhưng có một tập thơ nhan đề Shuutô (Chu tháp hay Cái tháp sơn đỏ), trong ấy đăng một số thơ chữ Hán chen lẫn thơ Nhật. “Cái tháp đỏ” là tên mượn từ câu thơ của Phạm Thành Đại (tức Thạch Hồ cư sĩ, 1126-1193), một nhà thơ sống vào thời Nam Tống. Hai câu ấy là: “Nam phố xuân lai lục nhất xuyên, Thạch kiều chu tháp lưỡng y nhiên).
Xin trích hai bài trong tập ấy, một bài vô đề nhưng rõ là qua việc vịnh cảnh mùa xuân để nói lên chí hướng của mình và một bài tự trào nhân ngày sinh nhật 31 tuổi:
Vô đề (2)
Thiều quang dĩ biến liễu ti trường,
Tứ nguyệt đình trừ khí chính sang (sảng)
Hồng tử hảo huân phong tín tử,
Chu hoàng đoạt mục uất kim hương.
Hoa anh tuẫn lạn như nùng mạt,
Nộn lục thương thương tự đạm trang.
Thùy vị thử gia vô nhất vật,
Vạn kim phân úc mãn mao đường.
無題: 迢光已遍柳糸長 四月庭除気正爽 紅紫好薫風信子 朱黄奪目鬱金香 花英絢爛如濃抹 嫩緑蒼蒼似淡妝 誰謂此家無一物 万金芬郁満茅堂
(Không đề.
Nắng xuân đã kéo liễu tơ mềm.
Tháng bốn trong vườn khí ấm lên
Phong tín đưa hương, hồng tím cả.
Uất kim xui ngắm, đỏ vàng thêm.
Hoa kia rờ rỡ bao cành thắm,
Lá mới xanh xanh nét dịu dàng.
Ai nói nhà nghèo không của báu,.
Chòi tranh mà tỏa vạn làn hương).
Phong tín tử là tên bí hiểm của hoa Hyacinthe hay Dạ hương lan, còn Uất kim hương không gì khác hơn là hoa Tulipe. “Không của báu” dùng để dịch Vô nhất vật, một thiền ngữ. Được biết Nakajima rất yêu hoa, điều này ông sẽ nhắc lại trong bài thơ tự trào sau đây nói về ngày sinh nhật của mình (mồng năm tháng năm):.
Ngũ nguyệt ngũ nhật tự sẩn hí tác.
Hành niên tam thập nhất,
Cuồng sinh nghênh đản thần.
Mộc cương xuy thế sự,
Quyến giới bất giao nhân,
Chủng hoa cùng thố đại,
Thư đố bệnh sấu thân.
Bất thức thiên công ý,
Hà thời miễn xích bần.
五月五日自哂戯作 行年三十一 狂生迎誕辰 木強嗤世事 絹介不交人 種花窮措大 書蠹病痩身 不識天公意 何時免赤貧
(Ngày mùng năm tháng năm, viết ra để tự diễu mình.
Tuổi đời tôi băm mốt,
Cuồng sĩ đón ngày sanh.
Sống không hay trau chuốt,
Chỉ thích vui một mình.
Trồng hoa tiêu cạn vốn,
Mọt sách phờ phạc thân.
Không biết ông xanh định,
Bao giờ xóa chữ bần.)
Mất năm 1942 khi mới vừa 33 tuổi, cái năm nước Nhật vừa mới nhảy vào Đại chiến Thứ Hai (1941), Nakajima Atsushi có lẽ là một trong những văn nhân Nhật Bản cuối cùng sáng tác Hán thi.
***
Những dòng chữ trên đây chỉ gói ghém được một phần cực nhỏ của 200 năm Hán thi Nhật Bản, giai đoạn từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20, qua một số gương mặt tiêu biểu nhưng hy vọng rằng nó có thể giúp cho quí độc giả có một cái nhìn sơ lược về những khuynh hướng Hán thi cận đại đã có mặt trên thi đàn Nhật Bản.
Tân xuân khai bút
Ngày 1 tháng 1 năm 2022
Thư mục tham khảo:
1- Uno Naoto, Kanshi wo yomu: Edo Koki (Đọc Hán thi Nhật Bản thời Edo hậu kỳ), NHK Culture Radio, NHK xuất bản, Tôkyô 4 / 2012.
2- Uno Naoto, Kanshi wo yomu: Bakumatsu-Shôwa (Đọc Hán thi Nhật Bản từ cuối Mạc phủ đến Chiêu Hòa), NHK Culture Radio, NHK xuất bản, Tôkyô 10 / 2012.
3- Ban biên tập Chikuma Shoten, Nakajima Atsushi Zenshuu (Toàn tập của Nakajima Atsushi), Tập I, Nxb Chikuma Shoten xuất bản lần đầu năm 1992.
4- Nhiều tác giả, Tuyển tập Akutagawa **, (Hán thi của văn nhân Nhật Bản cận đại. Hán thi của Akutagawa Ryuunosuke), Nhà xuất Bản Hội Nhà Văn, Hà Nội. 11/2021.
5- Ibi Takashi dịch chú, Edo Kanshisen (Giang Hộ Hán Thi Tuyển), quyển Hạ, Iwanami Bunko, Iwanami Tôkyô xuất bản lần thứ nhất 2021.
* Nguyễn Nam Trân :
Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com