Tàu vũ trụ Gaia, với nhiệm vụ quan sát và lập bản đồ 3D của Dải Ngân hà, đã gặp phải một sự cố hi hữu khi bị một thiên thạch nhỏ hơn hạt cát va vào và làm hỏng lớp bảo vệ các thiết bị của nó. Ánh sáng mặt trời lọt qua khe nứt này đã gây nhiễu loạn các cảm biến của tàu. Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận điện tử khác của Gaia cũng bị hỏng, dẫn đến việc tàu ghi nhận hàng ngàn ngôi sao “ma”.
Ông Edmund Serpell, kỹ sư vận hành tàu Gaia tại Trung tâm Vận hành Vũ trụ Châu Âu, cho biết: “Thông thường, Gaia gửi về Trái Đất hơn 25 gigabyte dữ liệu mỗi ngày, nhưng con số này sẽ lớn hơn rất nhiều nếu phần mềm trên tàu không loại bỏ các phát hiện sai lệch về sao. Cả hai sự cố gần đây đều làm gián đoạn quá trình này. Kết quả là, tàu vũ trụ bắt đầu tạo ra một số lượng lớn các phát hiện sai, làm quá tải hệ thống của chúng tôi.”
Sự cố thứ hai có thể do một vụ nổ hạt năng lượng mặt trời, cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng cực quang trên toàn cầu vào tháng 5.
Gợi ý từ biên tập:
Mặc dù không thể khắc phục các vấn đề về phần cứng, nhóm vận hành Gaia đã vá lỗi phần mềm để duy trì hoạt động của tàu. Gaia, được phóng vào năm 2013 với dự kiến hoạt động 6 năm, đã vượt qua tuổi thọ ban đầu và vẫn hoạt động tốt sau hơn một thập kỷ.
Gaia đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành thiên văn học, bao gồm việc phát hiện ra những ngôi sao cổ nhất của Dải Ngân hà, những ngôi sao đồng hành mờ nhạt của các ngôi sao lớn và một hệ sao đôi mà đĩa của một ngôi sao che khuất ngôi sao kia. Dữ liệu từ Gaia thậm chí còn giúp các nhà khoa học ước tính thời điểm Dải Ngân hà sẽ sáp nhập với thiên hà Tiên Nữ, dự kiến xảy ra sau 4,5 tỷ năm nữa.
Dự kiến, Gaia sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu cho đến cuối năm 2025, khi hệ thống đẩy của tàu cạn kiệt nhiên liệu.