Các nhà khảo cổ học hàng hải ở Thụy Điển đã xác định rằng một chiếc rương trong xác tàu chiến thế kỷ 15 chứa các công cụ để chế tạo đạn chì cho những khẩu súng cầm tay sơ khai. Phát hiện này hé lộ những thay đổi quan trọng trong chiến thuật hải quân thời đó.
Chiếc rương nằm trong xác tàu Gribshunden (“Chó săn Griffin”), một “pháo đài nổi” hoàng gia của Đan Mạch bị chìm năm 1495 tại vùng neo đậu phía nam Thụy Điển, do một vụ hỏa hoạn được cho là gây ra bởi việc sử dụng thuốc súng bất cẩn.
Rương vũ khí
Theo Rolf Warming, nhà khảo cổ học hàng hải và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stockholm, khám phá này có thể làm sáng tỏ số phận của con tàu. Warming đồng tác giả một báo cáo mới về chiếc rương vũ khí và các phát hiện khác từ xác tàu Gribshunden cùng với Johan Rönnby, nhà khảo cổ học hàng hải và giáo sư tại Đại học Södertörn ở Thụy Điển. Xác tàu được các thợ lặn giải trí phát hiện vào những năm 1970 và Rönnby đã nghiên cứu nó từ năm 2013.
Khám phá này cũng hé mở một bước tiến triển ban đầu trong chiến tranh hải quân. Từ chiến thuật đâm tàu và cận chiến – được sử dụng từ thời cổ đại – sang tấn công tàu địch từ xa bằng hỏa lực. Tuy nhiên, Warming nhấn mạnh rằng phải mất hơn một thế kỷ để chiến thuật này trở nên phổ biến rộng rãi.
“Đây là giai đoạn khởi đầu rất sớm của cái mà chúng ta gọi là ‘cuộc cách mạng quân sự trên biển’,” Warming nói với Live Science. “Chiến thuật và công nghệ cho điều đó chỉ thực sự hoàn thiện vào nửa sau của thế kỷ 17.”
Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra một chiếc rương chứa dụng cụ chế tạo đạn dược từ thế kỷ 15, nằm trong một con tàu cổ bị đắm ngoài khơi bờ biển Thụy Điển. Warming và Rönnby đã sử dụng kỹ thuật đo ảnh, liên kết các bức ảnh kỹ thuật số lại với nhau, để tạo ra mô hình 3D ảo chính xác của chiếc rương. Chiếc rương vẫn nằm dưới đáy biển gần xác con tàu đắm tại vùng biển thuộc thị trấn Ronneby, Thụy Điển, tuy nhiên Warming hy vọng nó sẽ sớm được trục vớt. Ông cho biết việc bảo quản các cổ vật bên trong sẽ là một quá trình lâu dài.
Dựa trên những gì quan sát được từ lớp trên cùng của chiếc rương, nó chứa một số khuôn đúc kích cỡ khác nhau, được dùng để tạo ra những viên đạn chì hình tròn sử dụng trong các loại súng cầm tay thời kỳ đầu, các tấm chì để nấu chảy làm nguyên liệu cho khuôn, và những ống hình trụ có vẻ là hộp đựng thuốc súng.
Các nhà nghiên cứu xác định chiếc rương này là một “zeuglade”, một loại rương dụng cụ chuyên dụng để làm đạn dược. Hình ảnh minh họa thời bấy giờ cho thấy loại rương này thường có mặt trên các chiến trường.
Họ cho rằng chiếc rương này thuộc về lính đánh thuê nói tiếng Đức trên con tàu vào thời điểm nó bị đắm; ngoài ra còn có một chiếc áo giáp xích được làm bằng đồng thau tại thành phố Nuremberg của Bavaria vào đầu những năm 1400, cũng được phát hiện trên xác tàu, Warming cho biết.
Các ống trụ trong zeuglade tương tự như những ống đựng thuốc súng đã được biết đến vào thời điểm đó . Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng liệu loại thuốc súng trong các ống này cũng được sử dụng cho nhiều khẩu đại bác trên tàu hay không, cũng như việc sơ suất trong thao tác với thuốc súng có phải nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn và vụ nổ trên tàu hay không – đây là một giả thuyết từng được đưa ra sau đó.
Sứ mệnh ngoại giao
Gribshunden là hạm kỳ của vua Đan Mạch Hans (hoặc John), người đang trở về từ thị trấn Kalmar của Thụy Điển thì con tàu bị chìm. Hans và đoàn tùy tùng của ông không có mặt trên tàu vào thời điểm đó.
Kalmar từng là nơi diễn ra một hiệp ước vào thế kỷ 14 nhằm thống nhất Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển thành một vương triều duy nhất, được gọi là Liên minh Kalmar. Tuy nhiên, hiệp ước này đã mất hiệu lực; đến năm 1495, Hans cố gắng thuyết phục Thụy Điển gia nhập lại liên minh và đưa ông lên vị trí người cai trị.
Tìm hiểu thêm về vụ cháy khiến con tàu Gribshunden bị chìm sẽ giúp giải đáp những nghi vấn còn tồn tại, ví dụ như liệu đây có phải một vụ phá hoại hay không, Warming nói. Ông nhấn mạnh rằng với sứ mệnh ngoại giao của con tàu, có thể số lượng binh lính trên tàu ít hơn so với quân số thường trực vào thời chiến.
Warming và Rönnby cũng tìm thấy bằng chứng về các “nền chiến đấu trên cao” được xây dựng phía trên mũi tàu và đuôi tàu Gribshunden. Binh lính sử dụng những vị trí này trong các trận hải chiến, có thể từ đó bắn kẻ thù bằng nỏ và súng cầm tay.
Những bệ đỡ như vậy chính là nguồn gốc của thuật ngữ “fo’csle” (có nghĩa là “lâu đài đầu tàu”), Warming cho biết; và Gribshunden là con tàu được ghi nhận sớm nhất có những phần kiến trúc này được thiết kế sẵn trong thân tàu, thay vì được dựng lên tạm thời sau khi con tàu hoàn thành.