Viêm có thể đóng vai người hùng hoặc kẻ xấu, tùy vào từng trường hợp. Thay vì triệt tiêu viêm hoàn toàn, các phương pháp điều trị mới đang tìm cách điều hướng lại cơ chế này.
Viêm là một trong những siêu năng lực của cơ thể, giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng và chữa lành vết thương.
“Nếu bạn không có cơ chế viêm, bạn sẽ không thể sống sót,” Ed Rainger, giáo sư nghiên cứu về viêm mãn tính tại Đại học Birmingham ở Anh, chia sẻ. “Đơn giản là vậy.”
Nhưng nếu tình trạng viêm kéo dài từ phản ứng ngắn hạn sang dai dẳng hàng tháng hoặc hàng năm trời, viêm mãn tính có thể là khởi nguồn của các căn bệnh như xơ gan, viêm khớp dạng thấp (RA) và bệnh tim mạch.
Trước đây, các bác sĩ đã cố gắng điều trị những căn bệnh này bằng cách dập tắt hoàn toàn tình trạng viêm. Điều này đi kèm với tác dụng phụ khó chịu và không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học đang thiết kế các phương pháp điều trị không loại bỏ hoàn toàn cơ chế viêm, mà lập trình lại các tế bào thúc đẩy nó.
Trong các bệnh như ung thư, tế bào ung thư lợi dụng mặt “xây dựng” của cơ chế viêm để phát triển. Do đó, các phương pháp điều trị mới tập trung vào việc đẩy viêm trở lại trạng thái “chiến đấu”, giúp nó có thể tấn công các tế bào đột biến này tốt hơn.
Tùy vào từng trường hợp, viêm có thể được xem là có lợi hoặc có hại. Nhờ những nghiên cứu mới, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát cơ chế viêm, dù là ở dạng nào đi chăng nữa
“Nếu bạn có thể làm được điều đó, hệ miễn dịch và phản ứng viêm sẽ hoạt động một cách bình thường,” Rainger nói.
Điều trị trong quá khứ
Trước đây, các phương pháp điều trị tập trung chủ yếu vào việc giảm viêm hoàn toàn. Chẳng hạn, vào những năm 1950, các nhà khoa học đã phát hiện đặc tính kháng viêm của một nhóm hợp chất tự nhiên gọi là steroid, có khả năng ức chế hệ miễn dịch. Kể từ đó, steroid đã trở thành phương pháp điều trị chủ đạo cho các bệnh viêm mãn tính như viêm khớp dạng thấp (RA). Nhưng bên cạnh việc ức chế miễn dịch rộng rãi, steroid cũng gây ra các tác dụng phụ như huyết áp cao, loét dạ dày và thay đổi tâm trạng.
Sự thay đổi từ những năm 1990
Đến những năm 1990, các công ty dược phẩm bắt đầu tung ra các loại thuốc gọi là thuốc sinh học (biologics). Đa phần các thuốc này hoạt động bằng cách ức chế các cytokine – tín hiệu hóa học khuếch đại phản ứng viêm.
Tuy nhiên, giống như steroid, thuốc sinh học thường gây ức chế hệ thống miễn dịch đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ví dụ, tofacitinib, một loại thuốc điều trị RA, nhắm vào con đường truyền tín hiệu được sử dụng bởi nhiều cytokine, khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn bởi virus herpes zoster, viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu. Thêm vào đó, do nhiều yếu tố chưa được hiểu rõ, thuốc sinh học không đem lại hiệu quả cho tất cả bệnh nhân.
Tìm kiếm đột phá trong điều trị
Các nhà khoa học đang không ngừng nghiên cứu các phương pháp nhắm vào quá trình viêm một cách có chọn lọc hơn, thường thông qua việc tái lập trình (reprogramming) các tế bào miễn dịch liên quan.
Stuart Forbes, Giám đốc Trung tâm Y học Tái tạo và Viện Tái tạo và Sửa chữa tại Đại học Edinburgh ở Vương quốc Anh, đã và đang nghiên cứu về vai trò của đại thực bào (macrophage) trong việc hình thành mô sẹo do xơ gan. Ông và các cộng sự đã phát hiện ra rằng thực chất tế bào đại thực bào có hai dạng: M1 gây hại và M2 hỗ trợ tái tạo mô. Nghiên cứu của ông trên chuột chứng minh dạng đại thực bào M2 làm giảm viêm và thúc đẩy quá trình tái tạo mô.
Nhóm nghiên cứu của Forbes đã tiến hành lọc các tế bào tiền thân của đại thực bào (gọi là monocyte) từ máu của bệnh nhân bị xơ gan nặng. Trong phòng thí nghiệm, họ sử dụng các tín hiệu hóa học để thúc đẩy các monocyte này chuyển thành dạng M2 có tính tái tạo. Sau đó, nhóm nghiên cứu truyền lượng đại thực bào đã được cải biến này trở lại cơ thể bệnh nhân.
“Sử dụng phương pháp này, chúng tôi đang cố gắng kích thích sự tái tạo gan của các bệnh nhân, đồng nghĩa với việc phá vỡ các mô sẹo và chuyển trạng thái viêm từ gây tổn thương sang hỗ trợ phục hồi,” Forbes chia sẻ với Live Science.
Phương pháp này đã được chứng minh an toàn trong thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I trên chín bệnh nhân vào năm 2019, đồng thời đạt được kết quả khả quan trong thử nghiệm hiệu quả Giai đoạn II trên 50 bệnh nhân, được Forbes trình bày vào tháng 11 tại một cuộc họp của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh Gan Hoa Kỳ. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong suốt quá trình thử nghiệm kéo dài một năm, điều trị bằng đại thực bào giúp giảm số lượng biến chứng liên quan đến gan có khả năng gây tử vong, so với nhóm đối chứng không nhận điều trị.
Hướng điều trị bệnh mới đầy tiềm năng
Theo chia sẻ của tiến sĩ Chris Buckley, giáo sư về các bệnh thấp khớp tại đại học Oxford, muốn trị tận gốc các bệnh viêm, chúng ta cần xác định được chính xác loại tế bào đang gây rối trong từng mô cụ thể của cơ thể.
Lấy bệnh viêm khớp dạng thấp làm ví dụ. Các tế bào bạch cầu, một phần của hệ miễn dịch, khi hoạt động sai lệch sẽ tấn công các mô ở khớp. Chúng kích hoạt đại thực bào và các tế bào sợi – vốn giúp hình thành mô liên kết, dẫn đến tình trạng viêm nghiêm trọng.
Cách điều trị truyền thống là nhắm thẳng vào đám bạch cầu “phản chủ”. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% bệnh nhân thuyên giảm hoàn toàn. Thế nhưng, một nghiên cứu năm 2019 của tiến sĩ Buckley trên tạp chí Nature đã chỉ ra điều thú vị: có những tế bào sợi trong khớp trực tiếp thúc đẩy viêm, trong khi một loại khác lại phá hoại sụn và xương (như trong bệnh viêm xương khớp).
Phát hiện này mở ra hướng điều trị vô cùng hứa hẹn: can thiệp vào từng loại tế bào sợi để trị bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc viêm xương khớp. Có thể lấy viêm khớp dạng thấp làm ví dụ, nếu cùng lúc xử lý được cả bạch cầu và tế bào sợi, chúng ta hy vọng tỷ lệ thuyên giảm sẽ lên đến 100%!
Dù còn trong giai đoạn đầu, hướng đi này có tín hiệu khả quan. Năm 2021, thử nghiệm một loại thuốc tên là seliciclib trên 15 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho thấy thuốc an toàn, “dọn đường” cho những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong tương lai.
Biến tế bào viêm thành “chiến binh diệt ung thư”
Nghe có vẻ lạ, nhưng điều các nhà khoa học đang làm là cố tình… khuấy động phản ứng viêm trong một số bệnh mãn tính.
Chẳng hạn như ung thư, đại thực bào vốn có thể tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng các tế bào ung thư “ma mãnh” lại phát ra hóa chất khiến đại thực bào thay đổi “phe phái”, từ tấn công ung thư (kiểu M1) sang nuôi dưỡng khối u (kiểu M2).
Xuất phát từ điểm này, tiến sĩ Yara Abdou, giảng viên khoa ung bướu trường đại học Bắc Carolina, cùng các cộng sự đã dùng virus để kích thích đại thực bào trong cơ thể bệnh nhân trở về bản chất “chiến binh” của tế bào M1.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng năm 2022 trên 18 bệnh nhân mắc các dạng ung thư đặc (vú, buồng trứng, thực quản,…) cho thấy phương pháp này an toàn và hứa hẹn. Đại thực bào “tái lập trình” (tên là CT-0508) không chỉ tự tấn công mà còn huy động thêm nhiều loại tế bào miễn dịch khác cùng tiêu diệt ung thư.
Nhiều thử nghiệm lớn và kỹ lưỡng hơn sẽ tiếp tục hé lộ tiềm năng của những cách trị bệnh đầy sáng tạo này. Hy vọng, thành tựu của khoa học sẽ mang lại nhiều lựa chọn mới cho những căn bệnh khó điều trị, mang lại sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân.