NASA thay đổi kế hoạch mang đá sao Hỏa về Trái Đất

NASA vừa công bố một thay đổi lớn trong sứ mệnh thu thập và mang khoảng 30 mẫu vật địa chất từ sao Hỏa về Trái Đất.

mau vat sao hoa
Theo Livescience
3 views

NASA vừa công bố một thay đổi lớn trong sứ mệnh thu thập và mang khoảng 30 mẫu vật địa chất từ sao Hỏa về Trái Đất. Kế hoạch ban đầu dự kiến kéo dài đến tận năm 2040 đã bị đánh giá là “quá tốn kém” và mất “quá nhiều thời gian”.

Thiết kế các phương tiện tham gia chiến dịch đưa mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.
Thiết kế các phương tiện tham gia chiến dịch đưa mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.

NASA đang gấp rút tìm kiếm phương án mới để sớm đưa những mẫu vật quý giá từ sao Hỏa về nghiên cứu. Các mẫu vật này hiện đang được robot tự hành Perseverance thu thập tại miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa – nơi từng có một hồ nước và đồng bằng sông hàng tỷ năm trước. Theo các quan chức của NASA, việc này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi nghiên cứu kỹ lưỡng các mẫu vật này trong các phòng thí nghiệm tối tân trên Trái Đất sẽ hé lộ nhiều bí mật về sao Hỏa, bao gồm câu hỏi lớn là liệu hành tinh đỏ có từng có sự sống hay không.

NASA thật ra đã đặt ra kế hoạch (MSR) đưa mẫu vật sao Hoả về Trái Đất từ khá lâu, tuy nhiên, những lần trì hoãn liên tục và chi phí tăng vọt đã khiến cho kế hoạch này trở nên không khả thi – NASA thừa nhận hôm thứ Hai (ngày 15 tháng 4).

Xem thêm: Xe tự hành Perseverance có thể đã tìm thấy dấu hiệu sự sống trên Sao Hỏa

“Kết luận cuối cùng là con số 11 tỷ đô la thì quá sức, và đợi đến tận 2040 mới có mẫu vật thì thật sự khó chấp nhận,” Giám đốc NASA Bill Nelson chia sẻ trong cuộc họp báo.

Con số 11 tỷ đô la này nằm ở mức cao nhất được ước tính bởi một hội đồng đánh giá độc lập vào tháng Chín năm ngoái. Để dễ hình dung thì hồi tháng 7/2020, có một nghiên cứu khác ước tính rằng tổng chi phí cho sứ mệnh MSR chỉ rơi vào khoảng 2,5 đến 3 tỷ đô la.

Sau khi tham khảo các kết quả vào tháng Chín năm ngoái, NASA kết luận rằng nếu cứ giữ nguyên kế hoạch hiện tại thì họ sẽ không thể đem các mẫu vật sao Hỏa về đến Trái Đất trước năm 2040. Lý do cho việc này bao gồm ngân sách hạn hẹp hiện tại và mong muốn không cắt giảm ưu tiên cho các dự án khoa học lớn khác, chẳng hạn như nhiệm vụ dùng máy bay không người lái Dragonfly để khám phá Titan, mặt trăng khổng lồ của sao Thổ.

Robot tự hành Perseverance chụp ảnh selfie với một trong 10 ống mẫu đặt tại "kho chứa mẫu vật"
Ảnh: Robot tự hành Perseverance chụp ảnh selfie với một trong 10 ống mẫu đặt tại “kho chứa mẫu vật” ở khu vực có biệt danh là Three Forks. Chụp bởi camera WATSON trên cánh tay robot vào ngày 20/01/2023 (ngày thứ 684 trong sứ mệnh)

NASA vốn dĩ định dùng một tàu đổ bộ, mang theo tên lửa gọi là Mars Ascent Vehicle (MAV), và có thể cả mấy chiếc trực thăng nhỏ đi thu nhặt mẫu vật nữa (tương tự như chiếc trực thăng Ingenuity). Ý tưởng là để Perseverance tự chở các mẫu vật đến vị trí của tàu đổ bộ, rồi bỏ vào MAV. Nếu Perseverance đến lúc đó mà bị “ốm” thì mấy chiếc trực thăng sẽ nhận nhiệm vụ này. Cuối cùng, MAV phóng các mẫu vật lên quỹ đạo sao Hỏa, và một tàu vũ trụ khác của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ đón bắt vật chứa mẫu vật và đưa nó về Trái Đất.

Tuy nhiên, NASA hiện đang gấp rút tìm kiếm phương hướng mới, tập trung vào việc giảm chi phí và rút ngắn thời gian. Tiết kiệm tiền bạc sẽ giúp hỗ trợ các dự án khoa học khác nữa, còn đẩy nhanh tiến độ sẽ giúp ích cho NASA trong việc lên kế hoạch đưa người lên sao Hỏa trong tương lai.

“Không thể để mọi người chờ lâu đến như vậy,” Nelson khẳng định hôm nay. “Trong thập niên 2040, chúng ta sẽ đưa được phi hành gia lên sao Hỏa rồi.”

Các bước đi cho kế hoạch mới (có thể vẫn sẽ giữ lại một số yếu tố từ kế hoạch cũ) đã được khởi động. Nelson cho biết NASA đang yêu cầu Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) ở Nam California – trung tâm hàng đầu về chế tạo robot cho sứ mệnh khám phá các hành tinh khác – cùng các cơ sở nghiên cứu khác đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo nhằm phục vụ dự án MSR.

NASA cũng hướng đến khu vực tư nhân: Cơ quan này dự định công bố lời kêu gọi ý tưởng từ các công ty vào ngày mai (16/04) – Trợ lý giám đốc Ban Quản lý Sứ mệnh Khoa học của NASA, Nicky Fox, phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay.

NASA sẽ tổ chức trao đổi với đại diện các doanh nghiệp vào ngày 22/04 và tiếp nhận các đề xuất đến ngày 17/05. Mục tiêu là có đủ thông tin vào cuối thu hoặc đầu đông để bắt đầu vạch ra lối đi tiếp theo cho dự án MSR. “Chúng tôi cởi mở với tất cả mọi người bởi chúng tôi muốn thu thập thật nhiều ý tưởng mới mẻ,” Nelson chia sẻ.

Hiện tại, hướng tiếp cận mới sẽ ra sao vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, Fox đã đưa ra gợi ý về một số khả năng, như là chế tạo một tên lửa MAV nhỏ hơn, rẻ hơn và giảm số lượng mẫu vật cần mang về (từ 30 ống đã được Perseverance niêm phong xuống một con số nhỏ hơn). Fox và Nelson đều nhấn mạnh rằng dự án MSR vẫn là một ưu tiên hàng đầu của NASA. Và cho dù dự án này đầy rẫy khó khăn – dù sao thì đây cũng sẽ là lần đầu tiên con người phóng tên lửa từ bề mặt một hành tinh khác, NASA vẫn quyết tâm đi đến cùng.

“Tôi nghĩ có thể nói rằng chúng tôi cam kết đem về ít nhất một vài trong số các mẫu vật đó,” Nelson nói. “Chúng tôi vận hành dựa trên tiền đề rằng đây là một mục tiêu quan trọng tầm quốc gia.”

5/5 - (1 vote)

BÀI LIÊN QUAN