Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị được thiết kế để tiêu diệt các tế bào khối u theo nhiều cách. Một trong số đó là khiến chúng tự hủy hoại hoặc co lại, kết thúc trong một quá trình yên lặng gọi là chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Ít phổ biến hơn, một số phương pháp điều trị có thể gây ra cái chết tế bào bùng nổ hơn được gọi là necroptosis.
Nhưng số phận của những tế bào ung thư đã “chết” này sẽ ra sao?
Khi các tế bào ung thư bị tiêu diệt, màng tế bào của chúng thường bị tổn hại, đặc biệt là trong quá trình apoptosis. Các công tắc kích hoạt apoptosis được bật “lên”, tế bào co lại và các phần của màng tế bào vỡ thành từng mảnh, làm lộ ra nội dung bên trong. Điều này thu hút một loại tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào – vốn có nhiệm vụ “nuốt chửng” các mảnh vỡ tế bào.
Các đại thực bào sẽ bao vây và phân hủy các tế bào ung thư chết thành các thành phần nhỏ hơn, chẳng hạn như đường và axit nucleic (nguyên liệu tạo nên DNA). Thông qua quá trình này, “xác” tế bào ung thư được tái chế để phục vụ các tế bào khác.
Điều đáng lưu ý là các tế bào ung thư chết không phải lúc nào cũng “ngoan ngoãn”. Nghiên cứu cho thấy rằng, mảnh vỡ tế bào ung thư gây viêm đôi khi có thể kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư còn “sống sót”. Điều này được gọi là hiệu ứng Révész, và có thể lý giải tại sao một số bệnh ung thư tái phát sau điều trị.
Các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn vai trò của cái chết tế bào ung thư trong quá trình phát triển và tái phát của khối u. Mục tiêu cuối cùng là tìm hướng phát triển các phương pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn.