5 bí quyết vạch ra thành công của riêng bạn

Không có những công thức thành công "đóng hộp", thay vào đó, bất kỳ công thức thành công nào cũng cần được cá nhân hóa

5 bí quyet thanh cong
Theo Bigthink
10 views

Chúng ta luôn bị cuốn hút bởi những công thức thành công “đóng hộp” được lan truyền khắp nơi. Tuy nhiên, bất kỳ công thức thành công nào cũng cần được cá nhân hóa, bắt đầu từ những giá trị và mục tiêu sống của bạn. Dưới đây là 5 cách để chuẩn bị tốt hơn cho hành trình thành công mang đậm dấu ấn cá nhân.

1. Bắt đầu với giá trị, thay vì đặt mục tiêu

Cái bẫy đầu tiên bạn cần tránh, đó là niềm tin rằng thành công đòi hỏi bạn phải xuất sắc ở mọi thứ. Nếu cố gắng làm tất cả (nói gì tới làm xuất sắc!), bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy quá tải. Đó là con đường dẫn đến căng thẳng triền miên và cảm giác không bao giờ đủ thời gian.

Để tránh rơi vào tình trạng này, chuyên gia Nir Eyal khuyên bạn nên bắt đầu từ các giá trị của riêng mình và dùng chúng để khám phá những khía cạnh thành công thực sự phù hợp. Eyal viết trên Psychology Today:

“Đừng dành hàng giờ quý báu để cân đo đong đếm tầm quan trọng của từng mục tiêu và nhiệm vụ. Thay vì bắt đầu với những gì chúng ta sẽ làm, chúng ta nên bắt đầu với lý do tại sao chúng ta sẽ làm điều đó. Vì vậy, chúng ta nên bắt đầu với các giá trị của chính mình.”

Hãy bắt đầu bằng cách phân loại các giá trị của bạn thành ba phạm trù chính: bản thân, công việc và các mối quan hệ. Sau đó, sử dụng các giá trị này làm kim chỉ nam để xác định bạn nên tập trung vào điều gì, bạn muốn đạt được mục tiêu gì và thời gian bạn cần dành cho những mục tiêu đó.

Eyal cũng khuyên bạn nên áp dụng nguyên tắc 80/20. Nghĩa là, hãy gán các mục tiêu và thời gian vào “các giá trị sẽ mang lại lực kéo mạnh nhất, thúc đẩy bạn hướng tới hình ảnh lý tưởng của chính bạn.”

Ví dụ, hãy nghĩ về việc tập thể dục. Sức khỏe của bạn là điều quan trọng, đó là chuyện không bàn cãi. Nhưng mọi người thường cảm thấy thất bại khi những chương trình thể dục cường độ cao, không bền vững không mang lại kết quả như mong muốn trong vòng “6 tuần hoặc ngắn hơn” như quảng cáo. Họ rơi vào tình trạng lên xuống thất thường giữa các đợt ăn kiêng và tập luyện với các giai đoạn dài thụ động, bỏ bê rèn luyện.

Liệu sức khỏe, các mối quan hệ, công việc hoặc giá trị bản thân của bạn có thực sự đòi hỏi kết quả thể hình như một vận động viên? Nếu không, tại sao bạn lại dành thời gian để theo đuổi chúng? Thay vào đó, hãy đặt ra những mục tiêu thực tế, giúp bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và tập trung vào những hình thức rèn luyện, lối sống mà bạn coi trọng.

2. Học hỏi trước khi bắt đầu

Một cái bẫy tâm lý khác mà nhiều người mắc phải đó chính là tin rằng mình đã thấu hiểu được công thức thành công và lao đầu vào hành động ngay.

Michael Watkins, giáo sư về lãnh đạo và thay đổi tổ chức tại IMD, từng nhắn nhủ trong một cuộc phỏng vấn về bí quyết thành công trong vai trò lãnh đạo: “Có rất nhiều điều bạn chưa biết, và thực tế là đôi khi có cả những điều bạn không hề biết rằng mình chưa biết. Thời gian trước khi bắt đầu thực sự là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng để bạn chuẩn bị bản thân thật tốt.”

Thay vì nhảy bổ vào ngay để gầy dựng dấu ấn cá nhân, Watkins khuyên các nhà lãnh đạo mới nên tập trung vào việc tìm hiểu sâu những nội dung trọng yếu. Họ nên dành thời gian để hiểu về nhóm, mục tiêu của mình, cân nhắc cách thức tiếp cận, định hình tầm nhìn cho vai trò, nắm rõ văn hóa công ty, và học hỏi từ những người đi trước dày dặn kinh nghiệm.

Dù bạn chưa hẳn chuyển mình sang một vị trí lãnh đạo, lời khuyên này cũng rất hữu ích cho những mục tiêu khác nữa, chẳng hạn như học một ngôn ngữ mới, chơi nhạc cụ, hay thậm chí là làm vườn. Nhưng lưu ý nhé, đừng để việc chuẩn bị kỹ quá lại thành “ngại làm”, vì thế cả Eyal và Watkins đều liên hệ tư duy thành công với quản lý thời gian hiệu quả. Watkins lưu ý: “Thời gian biểu của bạn đâu phải lúc nào cũng kín mít. Hãy dành ra một chút thời gian để suy ngẫm và chuẩn bị tinh thần để tiến lên.”

Chuyển đổi công việc cần có động lực. Bạn phải tìm ra những nơi mình có thể nhanh chóng đạt được các thành quả đầu tiên.

– Michael Watkins

3. Tạo đà phát triển với những thành công nhỏ

Đôi khi, những thay đổi cần thiết trông quá lớn lao. Với quá nhiều bước chắn giữa bạn và đích đến, bạn thấy quá trình này thật khó khả thi, thậm chí nản lòng. Nhưng nên nhớ – thành công càng dẫn lối đến thành công mới, dù những chiến thắng nhỏ thôi cũng quý giá.

Watkins đề cao việc sử dụng những thành quả ban đầu, dù nhỏ, để tạo động lực tiến đến những thành tựu lớn hơn. “Khi thay đổi vai trò, động lực là yếu tố rất quan trọng. Bạn cần nhận ra đâu là cơ hội để đạt được thành công sớm, cho dù những thành công đó chỉ mang tính xây dựng uy tín cá nhân hay giúp bạn nhanh chóng hòa nhập vào tổ chức,” ông chia sẻ.

Một cách tiếp cận khác là chia nhỏ mục tiêu lớn thành những bước vừa miếng, rồi giải quyết từng bước một. Vì những bước đi nhỏ thì khả thi và ít làm bạn chùn bước hơn, bạn sẽ dễ dàng bắt đầu và hoàn thành chúng. Điều đó sẽ giúp xây dựng sự tự tin, và mỗi thành quả nhỏ lại trở thành nền tảng vững chãi đưa bạn tiến xa hơn nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn, Amy Herman, sáng lập viên của Art of Perception, kể lại cách tiếp cận này giúp bà vượt qua bệnh ung thư vào năm 2014. Ngay sau khi chẩn đoán, bà choáng ngợp trước những thử thách phía trước. Những buổi hóa trị, phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng…quá nhiều thứ phải lo!

Thay vì tập trung vào tất cả những điều đó, bà chia nhỏ từng bước trong quá trình, chỉ tập trung vào bước tiếp theo và không lo nghĩ về những bước xa hơn cho đến khi trực tiếp đối mặt.

“Rồi tôi cũng hoàn thành cả tám đợt hóa trị. Đợt thứ chín, rồi thứ mười, và cứ thế, bất ngờ tôi đã đến buổi hóa trị cuối cùng,” Herman nhớ lại, “Điều này nghe có vẻ đơn giản hóa, nhưng đâu còn thử thách nào lớn hơn việc nhận một kết quả chẩn đoán bệnh ung thư.”

4. Thành Công Không Bao Giờ Là Đơn Độc

Một cách khác để tạo đà phát triển chính là tận dụng các mối quan hệ của bạn, hoặc nếu chưa có, hãy bắt đầu xây dựng chúng như một phần trong kế hoạch của mình.

“Bạn cần suy tính đến các mối quan hệ chủ chốt để xây dựng, những liên minh để tạo dựng, vì đây là cách để bạn tiến những bước đầu tiên quan trọng và tạo đà phát triển”, Watkins chia sẻ.

Bất chấp huyền thoại về người đàn ông tự lực cánh sinh, bất cứ ai thành công cũng đều có sự trợ giúp từ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, cố vấn và nhiều người khác. Điều này đúng với cả Hoàng đế La Mã Caesar Augustus, Tướng quân Nhật Bản Tokugawa Ieyasu lẫn Bill Gates.

Một lợi thế khi làm việc cùng người khác là giải quyết vấn đề. Trên con đường đạt mục tiêu, bạn sẽ không tránh khỏi những trở ngại, và những cản trở này có thể tích tụ thành sự nghi ngờ bản thân. Khi đưa người khác vào quá trình giải quyết vấn đề, bạn không chỉ được hỗ trợ về tinh thần mà còn có thể nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, từ đó tìm được giải pháp hiệu quả.

Ví dụ, một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard năm 2018 cho thấy trí tuệ tập thể của một nhóm vượt trội các cá nhân tách biệt trong việc giải quyết bài toán người bán hàng. Mặc dù mỗi cá nhân có thể tạo ra nhiều giải pháp, chất lượng mỗi giải pháp lại rất khác nhau. Ngược lại, sự hợp tác ngắt quãng cho phép các bên giải quyết vấn đề phức tạp một cách hiệu quả và sáng tạo hơn.

Một lý do khác để làm việc với người khác: Nó làm cho thành công của bạn thêm ý nghĩa. Giúp đỡ hoặc nhận được sự giúp đỡ là cách để xây dựng và củng cố các mối quan hệ, tạo ra cảm giác gắn kết và cuối cùng là niềm vui chiến thắng được sẻ chia.

5. Học cách thành công từ những thất bại

Ai cũng hiểu thất bại là nền tảng của thành công, nhưng đôi khi ta vẫn liên tục bị “dội bom” bởi những câu chuyện hào nhoáng trên TV, báo chí hay mạng xã hội. Những chiến thắng đó khiến mình dễ mặc cảm về những thất bại của bản thân.

Điều này dẫn đến cái vòng luẩn quẩn của tự ti mà nhà tâm lý học Ethan Kross gọi là “những lời độc thoại nội tâm”. Ông ấy viết: “Những lời độc thoại này là một vòng tròn của suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, biến khả năng tự xem xét bản thân thành một lời nguyền chứ không còn là lợi thế”. Nó hủy hoại thành tích, ảnh hưởng đến các quyết định, mối quan hệ với mọi người, hạnh phúc, và cả sức khỏe nữa.

Nếu bạn nào hay bị như thế thì cần phải tập xem thất bại một cách khác đi. Mình có thể làm như sau:

Kross có hẳn một bộ bí kíp chống lại “những lời độc thoại” đó. Rất nhiều cách giúp bạn thoát khỏi cái vòng xoáy tiêu cực trong đầu để có “một góc nhìn rộng hơn, bình tĩnh hơn và khách quan hơn” về bản thân. Bạn có thể luyện tập để nói chuyện với chính mình với sự thông cảm và khách quan như thể đang động viên một người bạn thân. Hoặc tạo ra những thói quen nhỏ hàng ngày giúp bạn cảm thấy mình điều khiển được cuộc sống.

Một cách nữa để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn là tự nhắc bản thân rằng thành công và sự cầu toàn là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Thành công không phải là không có thất bại, mà chính là biết vượt qua thất bại và hoàn thiện mình hơn.

Giống như diễn viên Nick Offerman nói: “Tôi thường áp dụng triết lý theo đuổi một thói quen hoặc kỷ luật nào đó […] Nhưng không phải để đạt đến sự hoàn hảo, mà chỉ đơn giản là theo đuổi sự cải thiện liên tục”.

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN