“Guồng quay hiệu suất” – tình trạng dồn hết năng lượng vào công việc nhưng kết quả chỉ dậm chân tại chỗ – có thể tàn phá nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Đừng nhầm tưởng rằng chăm chỉ sẽ luôn đem lại hiệu quả; đôi khi cách làm tưởng đúng lại gây ra rào cản cho thành công. Nghịch lý ở đây, được gọi là “hiện tượng hiệu suất”, là nếu muốn phát triển, đôi khi ta cần điều gì đó khác hơn là chỉ tập trung vào công việc đơn thuần.
Eduardo Briceño
Bài này trích dịch từ sách The Performance Paradox Turning the Power of Mindset into Action của tác giả Eduardo Briceño
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi là chuyên viên đầu tư trẻ tuổi nhất tại Sprout Group – khi đó là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm lâu đời và lớn nhất thế giới. Niềm đam mê của tôi là tìm hiểu về ban lãnh đạo của nhiều công ty cũng như tiếp cận các ngành nghề tiên phong trong đổi mới. Tôi có cơ hội tuyệt vời được tham gia hội đồng quản trị cùng với các nhà đầu tư và điều hành dày dặn kinh nghiệm.
Nhưng khi nhớ lại giai đoạn đó, điều mà tôi nhớ rõ nhất chính là áp lực khủng khiếp liên tục đè lên vai mình. Chúng tôi thường xuyên ngồi họp và lắng nghe các startup giới thiệu về dự án của họ. Các nhà sáng lập sẽ mô tả giải pháp của họ cho vấn đề trong chuỗi cung ứng của ngành, hoặc thuyết trình về quy trình sáng chế dược phẩm mới hay phát kiến thú vị trong mảng phần mềm doanh nghiệp. Sau khi họ trình bày xong, đến lượt mỗi chúng tôi trong phòng sẽ có thời gian nhận xét về ý tưởng đó. Là một lính mới, tôi thật sự không có đủ kiến thức để đưa ra đánh giá chắc chắn về tiềm năng dự án, nhưng tôi vẫn vờ như mình biết rất rõ.
Khi các đồng nghiệp cao cấp bắt đầu chia sẻ ý kiến, tôi cố gắng phân tích và quyết định xem nên ủng hộ quan điểm nào. Có thể tôi thích một startup vì thị trường tiềm năng, nhưng lại lo công nghệ của họ không thật sự nổi bật so với những ý tưởng tương tự chúng tôi đã nghe. Hoặc đôi khi tôi ấn tượng với thị trường, nhưng lại có nghi ngờ về khả năng của đội ngũ quản trị. Khi đến lượt mình, tôi nuốt mọi đắn đo và chỉ chia sẻ duy nhất một phía – theo đuổi hoặc từ bỏ dự án, đầu tư hoặc không – và thể hiện như mình hoàn toàn chắc chắn về quyết định đó.
Tôi nhận ra rằng khi không chia sẻ hết mọi suy nghĩ, tôi vô tình làm giảm khả năng ra quyết định thông minh của cả đội. Điều này khiến tôi lo lắng, vì bản thân tôi rất muốn giúp đỡ tập thể, nhưng tôi lại bị giới hạn bởi niềm tin rằng mình phải luôn tỏ ra hiểu biết, quyết đoán và tự tin vào ý kiến của mình.
Sau nhiều năm như vậy, tôi trở nên rất giỏi trong việc đóng kịch, được thăng chức, khen thưởng, nhận review tốt. Nhưng sâu bên trong, tôi cảm thấy mình giả tạo. Tôi đang liên tục diễn một vai không phải là mình.
Áp lực kéo dài từ những cảm giác tiêu cực này cuối cùng cũng gây tổn hại đến cơ thể tôi. Dưới áp lực triền miên đó, tôi liên tục giữ cơ bắp trong tình trạng co lại. Cứ như vậy lâu dần, chúng mất hẳn khả năng thư giãn. Cơ bắp thật sự rất linh hoạt, chúng có thể phát triển theo chiều tốt, nhưng cũng có thể chuyển biến xấu! Cơ bắp của tôi đã bị ngắn lại và cứng hơn, cản trở máu lưu thông, từ đó cũng làm mất đi nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể để hoạt động và hồi phục bình thường.
Tôi bắt đầu thấy đau khi sử dụng tay để làm những việc đơn giản—như đánh máy, dùng chuột vi tính, lái xe, mở cửa, thậm chí là đánh răng. Sau khi đi khám rất nhiều chuyên gia, cuối cùng tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn chức năng cơ gây đau mỏi cơ.
Thời gian trôi qua, tình trạng của tôi diễn biến ngày một nặng hơn. Những người cũng mắc bệnh như tôi thậm chí còn không thể nhúc nhích đôi tay quá mười phút mỗi ngày, viễn cảnh đó khiến tôi vô cùng sợ hãi. Tôi quyết tâm bằng mọi cách để chữa lành vấn đề này. Nhưng tôi linh cảm rằng, việc thay đổi tư thế thôi là chưa đủ.
Bạn có phải là kiểu người luôn vắt chân lên cổ để hoàn thành mọi việc? Bạn có dành hầu hết thời gian để cố gắng giảm thiểu sai sót? Hay bạn đè nén những nghi ngờ, suy nghĩ hay thắc mắc của bản thân để cố tỏ ra là bạn luôn biết mình đang làm gì?
Thà đi trên than hồng còn hơn là phải nhận góp ý? Đó chính là những dấu hiệu của việc bạn đang cố gắng một cách thái quá. Mặc dù cố không mắc sai lầm là một thói quen có vẻ hợp lý, hay tỏ ra quyết đoán trong công việc là một chiến lược khôn ngoan, thì cuối cùng những điều này sẽ lại tác động xấu đến kỹ năng, sự tự tin, công việc và cuộc sống cá nhân của bạn.
Bạn có đang làm việc nhiều giờ hơn hoặc nỗ lực nhiều hơn cho những việc mình làm, nhưng dường như chẳng bao giờ tiến bộ? Cuộc sống cứ như một trò chơi đuổi bắt vô tận. Đó chính là tình trạng “đạp xe tại chỗ” – cứ dồn sức cho công việc và các vấn đề bạn gặp phải, vậy mà kết quả thì vẫn giậm chân tại chỗ.
Hầu hết chúng ta ai cũng tin một điều rằng muốn thành công thì chỉ cần chăm chỉ làm việc. Đó là thứ ta được nghe suốt cả cuộc đời. Thế vấn đề ở đâu? Chẳng phải chăm chỉ sẽ giúp ta tiến bộ sao? Câu trả lời là một nghịch lý – thứ tôi gọi là nghịch lý năng suất.
Gợi ý từ biên tập:
Muốn nhanh thì…phải từ từ
Có thể bạn là một người bận rộn đang nỗ lực học một kỹ năng mới khó nhằn, chẳng hạn như thuyết trình đỉnh cao, truyền động lực cho đồng nghiệp hoặc giải quyết xung đột, ấy vậy mà dù cố gắng đến đâu, có vẻ bạn cũng chẳng khá hơn.
Tại sao nghịch lý này lại bẫy được nhiều người đến vậy? Đó là cách phản ứng có vẻ hợp lý khi ta cảm thấy áp lực, choáng ngợp và ngập trong công việc.
Cũng có thể bạn là một trưởng nhóm mà các thành viên cứ đạt kết quả tương tự tháng này qua tháng nọ dù bạn biết chắc mọi người đều đang cố gắng hết sức. Hay bạn muốn mối quan hệ với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp thêm sâu sắc, nhưng các cuộc trò chuyện thì mãi chỉ dừng lại ở mức hời hợt.
Nghịch lý năng suất chính là hiện tượng trái ngược trực giác: muốn cải thiện bản thân, chúng ta phải làm một việc khác, thay vì chỉ chăm chăm vào năng suất. Dù làm việc chăm chỉ ra sao, nếu chỉ biết mỗi cách làm hiện tại và cố gắng tránh sai lầm tối đa, ta sẽ bị kẹt ở mức hiểu biết, kỹ năng và năng lực hiện tại của mình.
Lắm khi, nghịch lý năng suất lừa chúng ta rơi vào vòng “đạp xe tại chỗ” kéo dài. Ta bị kẹt trong vòng luẩn quẩn ở công việc, các mối quan hệ, sức khỏe, sở thích và nhiều khía cạnh khác trong đời. Cảm giác như thể ta đã nỗ lực hết mình, nhưng thực ra, ta đang bỏ lỡ việc khám phá những phương cách tốt hơn để sáng tạo, kết nối, lãnh đạo và tận hưởng đời sống.
Tại sao nghịch lý này lại bẫy được nhiều người đến vậy? Đó là cách phản ứng có vẻ hợp lý khi ta cảm thấy áp lực, choáng ngợp và ngập trong công việc. Ta nghĩ giải pháp là làm việc chăm chỉ và nhanh hơn, nhưng cách cải thiện năng suất không phải là dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Thay vào đó, ta nên làm một điều khác có ích hơn và đem tới nhiều thành quả hơn về lâu dài.