Lịch Sử và Văn Minh

Người kiến tạo Đế chế Tây La Mã: Charlemagne là ai?

Charlemagne là ai nhỉ? Ông không chỉ là Vua của người Frank mà còn là vị Hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã Thần Thánh.

Charlemagne là ai và vai tro lich su
Đăng ngày:

Lễ Giáng sinh năm 800 sau Công nguyên, Giáo hoàng Leo III tiến đến Vua của người Frank (và Lombard) trong lúc cả hội chúng quỳ gối cầu nguyện. Giáo hoàng bất ngờ đặt một chiếc vương miện lên đầu vị vua đang quỳ, tuyên bố ông là Hoàng đế của người La Mã. Hội chúng nhanh chóng hưởng ứng với lời hoan hô “cuộc sống và chiến thắng” dành cho tân Hoàng đế. Sau này, Charlemagne phủ nhận rằng mình biết trước chuyện này hay có tham vọng gì về sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên, với buổi lễ đăng quang, khoảng trống 324 năm không có hoàng đế phương Tây được lấp đầy, sự kế thừa truyền thống La Mã ở Tây Âu như được hồi sinh.

Vậy Charlemagne là ai? Làm thế nào mà ông có thể khôi phục lại một đế chế vốn đã bị chôn vùi trong lịch sử?

Charlemagne là ai? Người Frank và người La Mã

Lễ rửa tội của Vua Clovis I của người Frank ở Reims, bởi François-Louis Dejuinne, 1786-1844, qua Wikimedia Commons
Lễ rửa tội của Vua Clovis I của người Frank ở Reims, bởi François-Louis Dejuinne, 1786-1844, qua Wikimedia Commons

Trong những ngày cuối cùng của Đế chế Tây La Mã, một liên minh gồm các bộ tộc German được gọi là người Frank, sống dọc hạ lưu sông Rhine tràn vào định cư tại các tỉnh Gaul của La Mã. Những người Frank này quen thuộc với người La Mã trong gần hai thế kỷ. Dù đã từng gây chiến và cướp phá lãnh thổ La Mã, vào cuối thế kỷ thứ 5, Vua Frank Childeric I là đồng minh liên bang dưới quyền của chính quyền La Mã, chỉ huy lực lượng La Mã ở phía bắc Gaul. Khi trung ương ở Ý mất quyền kiểm soát các tỉnh, vị vua Frank đụng độ với các chỉ huy thực địa La Mã khác, chẳng hạn như Aegidius – người nổi loạn chống lại Rome.

Con trai của Childeric và Aegidius, Clovis và Syagrius, trực tiếp đối đầu nhau trong Trận chiến Soissons vào năm 486 sau Công nguyên. Người Frank chiến thắng và thiết lập quyền kiểm soát miền bắc Gaul. Đến lúc qua đời năm 511, Vua Clovis I mở rộng lãnh thổ gần như trọn vùng Gaul và vươn đến tận dãy núi Pyrenees. Các vị vua kế tục Clovis được gọi là vương triều Merovingian, đặt theo tên của Meroveus, tổ tiên nửa huyền thoại của Clovis và Childeric. Triều đại của họ trị vì gần hai thế kỷ rưỡi, nhưng nổi bật nhất với sự chia rẽ và nội chiến triền miên do truyền thống phân chia thừa kế cho các con. Vào cuối thời đại Merovingian, các vị vua chỉ còn là bù nhìn cho các Tể tướng cai trị ba vùng chính của vương quốc: Austrasia, Neustria và Burgundy.

Triều Merovingian & Triều Carolingian Charles Martel ở Tours

Trận chiến Poitiers, bởi Charles de Steuben, 1837, qua Wikimedia Commons
Trận chiến Poitiers, bởi Charles de Steuben, 1837, qua Wikimedia Commons

Một trong những Tể tướng quyền lực nhất của vùng Austrasia là Charles Martel, chính là ông của Charlemagne. Ông gây ảnh hưởng lớn đến cả vua Merovingian và tầng lớp quý tộc Frank, đến mức chiếm được chức vụ Tể tướng vùng Neustria, chọn người ủng hộ mình vào giới quý tộc Burgundy, và còn chinh phạt lại Công quốc Aquitaine. Nổi tiếng nhất chính là chiến thắng trước đội quân Hồi giáo trong Trận Tours năm 732, chặn đứng đà xâm lược của triều đại Umayyad sau khi họ chiếm bán đảo Iberia. Charles trở nên quyền lực đến mức khi Vua Merovingian Theuderic IV qua đời vào năm 737, ông cai trị đế chế Frank mà không cần chỉ định một vị vua mới. Khi mất năm 741, hai trong số ba người con trai của ông (không tính người con riêng Grifo), Carloman và Pepin chia nhau Frank, tương ứng với Austrasia và Neustria.

Carloman và Pepin hợp tác chặt chẽ, cùng quyết định đưa một vị vua Merovingian khác – Childeric III – lên ngôi vào năm 743. Họ tiếp tục cai trị với tư cách Tể tướng, hỗ trợ nhau quân sự và chính trị, đẩy mạnh quyền lực người Frank, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ đức tin Công giáo. Năm 747, Carloman tự nguyện từ bỏ đời sống chính trị để trở thành tu sĩ. Con trai của ông, Drogo, bị người chú Pepin khuất phục và cũng bị ép đi tu, mở đường cho Pepin thống trị toàn bộ lãnh thổ Frank.

Đến năm 751, Pepin chẳng còn thấy cần duy trì cái vẻ chính danh của các vị vua Merovingian. Ông lên ngôi vua sau khi trao đổi thư từ với Giáo hoàng La Mã để khẳng định sự ủng hộ dành cho Pepin. Giáo hoàng ở Rome hẳn rất vui khi giữ mối quan hệ tốt với nhà cai trị quyền lực nhất phương Tây, vào thời điểm ông cần tìm cách khéo léo giữa đế chế Byzantine và các vị vua Lombard ở Ý.

Byzantine, Lombard và nước Ý

Các vùng đất Byzantine và Lombard trên bán đảo Ý vào cuối thế kỷ thứ 6, 2011, qua Britannica
Các vùng đất Byzantine và Lombard trên bán đảo Ý vào cuối thế kỷ thứ 6, 2011, qua Britannica

Sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ 5, thành phố trường tồn – Rome – cũng mất đi ánh hào quang. Đầu tiên, thành phố bị cai trị bởi hàng loạt các vị vua người Goth, cho đến khi quân đội của Hoàng đế Đông La Mã Justinian chiếm lại thành phố (năm 537 sau CN). Sau đó, miền Bắc nước Ý trở thành chiến trường giữa người Goth và người Hy Lạp Byzantine trong nhiều thập kỷ, cho đến khi người Lombard tràn vào (năm 568 sau CN) và thiết lập một vương quốc cùng hai công quốc, bao quanh dải đất giữa Rome và Ravenna.

Các Giáo hoàng nối tiếp nhau tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương Byzantine ở Ravenna, các vùng đất do Byzantine nắm giữ ở miền Nam nước Ý và Sicily, đồng thời kích động các vị vua và công tước Lombard đấu đá lẫn nhau. Bằng cách này, họ có thể duy trì nền độc lập, đồng thời tiếp quản hầu hết các chức năng chính phủ của kinh đô cũ. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ thứ 8, tình hình này ngày càng khó duy trì.

Pepin và các Giáo hoàng

Vương miện sắt của người Lombard, qua medieval.eu
Vương miện sắt của người Lombard, qua medieval.eu

Mặc dù đã đồng ý với vương quyền của Pepin, nhưng vào năm 753 sau Công nguyên, Giáo hoàng Stephen II phải rời khỏi nước Ý do thế lực ngày càng lớn mạnh của Vua Lombard, Aistulf. Ông tìm nơi ẩn náu với Pepin và chính thức xức dầu phong vương cho Pepin, cũng như hai người con trai của ông là Carolus và Carloman với tư cách là những người thừa kế. Giáo hoàng cũng chính thức tuyên bố rằng Giáo triều sẽ không ủng hộ bất kỳ vị vua người Frank nào không phải là hậu duệ của Pepin. Đây là nền tảng của sự chính thống mà triều đại Merovingian chưa từng có được – sự chấp thuận của thần thánh. Tuy nhiên, đổi lại Pepin phải hỗ trợ Giáo hoàng chống lại sự bành trướng của người Lombard.

Kết quả là, vào năm 755 sau Công nguyên, Pepin tiến quân vào Ý, quét sạch lực lượng người Lombard và trao cho Giáo hoàng quyền kiểm soát các vùng đất được nêu trong bản Hiến tặng Constantine vốn bị làm giả mạo (Donation of Constantine), gồm vùng đất giữa Rome và Ravenna. Dù Pepin phải quay trở lại vào năm sau để dẹp loạn Lombard, nhưng mối quan hệ giữa Giáo hoàng và người Frank được thiết lập.

Carolus & Carloman

Vương quốc Frank bị chia cắt giữa Carolus (Charlemagne) và Carloman,
Vương quốc Frank bị chia cắt giữa Carolus (Charlemagne) và Carloman,

Pepin tiếp tục cai trị với tư cách là Vua của người Frank cho đến khi ông qua đời vào năm 768 sau Công nguyên. Giống như cha, Carolus và Carloman khi còn trẻ phải bắt đầu sự nghiệp cầm quyền của họ bằng cách chia sẻ lãnh thổ rộng lớn của người Frank. Mặc dù đất đai của mỗi người chiếm giữ đều có sự tiếp giáp nhau, Carolus sở hữu một dải đất dài trải dài từ Pyrenees dọc theo bờ biển Đại Tây Dương và đẩy qua sông Rhine vào miền Tây nước Đức. Trong khi đó, Carloman nắm giữ phần lớn Aquitaine, Burgundy và Provence, với quyền tiếp cận Ý và biển Địa Trung Hải.

Mặc dù anh em hợp tác trong việc dập tắt một cuộc nổi dậy ở Aquitaine, họ vẫn nghi ngờ lẫn nhau. Mẹ của họ, người thiên vị Carolus hơn, sắp xếp cuộc hôn nhân của ông (năm 770 sau Công nguyên) với con gái của Vua Lombard Desiderius. Điều này tạo ra một liên minh giữa Carolus và người Lombard, phe bao vây Carloman.

Cuộc hôn nhân này kéo dài chẳng được bao lâu do Carolus muốn khẳng định quyền tự chủ và ly hôn Desiderata trong chưa đầy một năm, tự chọn cô dâu cho mình thay thế. Điều này khiến mẹ anh không hài lòng và làm Vua của người Lombard tức giận, nhưng lại hợp ý Giáo hoàng vì ông vui mừng khi thấy mối liên minh tan vỡ. Không lâu sau, Carloman qua đời. Góa phụ của ông bỏ trốn cùng các con của họ đến dưới sự che chở của Desiderius ở kinh đô Pavia của Lombard. Hành động chọc giận Carolus này làm hài lòng Desiderius. Trong khi đó, các quý tộc trong lãnh thổ của Carloman nhanh chóng chuyển lòng trung thành sang Carolus, người giờ đây kiểm soát toàn bộ vương quốc Frank. Những sự kiện này cũng góp phần mở ra giai đoạn đầu tiên trong thời kỳ trị vì riêng của ông, một vương quốc Lombard đầy thù địch nhưng lại có quan hệ tốt hơn với Đức Giáo hoàng ở Rome.

Người Lombard và người Saxon

Phá hủy đền thờ Irminsul, bích họa tại Tòa thị chính Gothic Aachen, ảnh của Howi, 2015, qua Wikimedia Commons
Phá hủy đền thờ Irminsul, bích họa tại Tòa thị chính Gothic Aachen, ảnh của Howi, 2015, qua Wikimedia Commons

Giống như trước đây, Giáo hoàng và thành phố Rome ngày càng chịu áp lực từ người Lombard. Vua Desiderius tiến xuống từ Ravenna, chiếm hết thành phố này đến thành phố khác trên đường tiến về Rome. Giáo hoàng Hadrian I nài nỉ Carolus hành quân giúp đỡ ông và vào năm 773 sau Công nguyên, Carolus xuất quân tương trợ. Ông tập hợp các đội quân phong kiến ​​của người Frank, sử dụng cả kỵ binh và bộ binh, hành quân qua dãy Alps vào Ý.

Quân đội Frank quấy rối người Lombard và bao vây họ tại kinh đô. Pavia cuối cùng đầu hàng vào mùa xuân năm 774 sau Công nguyên và Carolus tự mình đăng quang với vương miện sắt của người Lombard, đày ải Desiderius cùng con trai ông này. Giờ đây là Vua của cả người Frank và người Lombard, Carolus cũng khuất phục các Công quốc Lombard của Spoleto (776 sau Công nguyên) và Benevento (787 sau Công nguyên). Ông trở thành người cai trị trên thực tế của hai vùng hành chính cũ của Đế chế Tây La Mã, Ý và xứ Gaul, đồng thời là đồng minh và người bảo vệ Nhà thờ Công giáo ở Rome, nơi ông cũng trả lại đất đai cho.

Trước khi bắt đầu các chiến dịch ở Ý, Carolus cũng dẫn đầu một đội quân chống lại người Saxon ngoại đạo. Trong khi người Frank cải sang Công giáo dưới thời Clovis I, những người anh em Đức của họ là Saxon vẫn theo đạo ngoại. Sự thờ cúng hung bạo này đã chọc giận Carolus, người được truyền cảm hứng từ Constantine Đại đế, ngày càng tìm cách tự phong cho mình là một người trị vì Cơ đốc giáo. Vào năm 772-773 sau Công nguyên, ông hành quân vào những khu rừng tối tăm của Saxon, cưỡng ép họ cải đạo và san bằng các ngôi làng của bộ tộc. Nhà vua đã phá hủy một ngôi đền ngoại giáo linh thiêng, Irminsul, một thân cây giống như cột trụ dựng trên bãi đất trống. Đây là những chiến thuật tàn bạo mà ông ấy sẽ quay lại sử dụng sau khi trở về từ chiến thắng trước người Lombard.

Chính trị và quân sự song hành

Paladin Roland trong trận chiến ở đèo Roncevaux, bởi Jean Fouquet, thế kỷ 15, qua Wikimedia Commons
Paladin Roland trong trận chiến ở đèo Roncevaux, bởi Jean Fouquet, thế kỷ 15, qua Wikimedia Commons

Sau khi khuất phục được người Lombard, giải phóng Giáo hoàng và chiến thắng người Saxon, Carolus tiếp tục củng cố đế chế, đồng thời mở rộng lãnh thổ. Ông đưa con trai Louis the Pious lên làm vua xứ Aquitaine (nổi tiếng là hay nổi loạn), tiếp tục gây ảnh hưởng ở xứ Gascony và Basque. Cũng vì thế mà ông chạm trán với người Hồi giáo ở bán đảo Iberia – vốn đang muốn liên minh với ông trong cuộc đối đầu với Vương triều Umayyad ở Cordoba.

Với tham vọng mở rộng Kitô giáo và tăng tầm ảnh hưởng, Carolus thân chinh thống lĩnh đại quân đi đánh xứ Al-Andalus (thuộc Tây Ban Nha bây giờ) vào năm 778. Chiến dịch này nổi tiếng nhất với trận Roncevaux Pass – nơi quân của Carolus đại bại trước người Basque.

Nỗ lực truyền đạo ở Saxony cũng gây ra nhiều cuộc nổi dậy bị ông thẳng tay đàn áp. Carolus cũng đẩy mạnh bành trướng về phía đông nước Đức, thôn tính Bavaria và giao chiến với người Avar, người Slav ở Trung và Đông Âu. Các cuộc chiến liên miên này giúp ông thu về của cải, củng cố sự uy tín. Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ thứ 8, Carolus trở thành người quyền lực nhất ở Tây Âu và là một thế lực mạnh của Kitô giáo. Ông duy trì mối quan hệ với các vị vua Anh, thủ lĩnh Hồi giáo, và tất nhiên là cả Giáo hoàng ở Rome. Chính mối quan hệ với Rome đã mở ra bước tiến tiếp theo đưa ông lên đỉnh cao quyền lực.

Hoàng đế của người La Mã

Lễ đăng quang của Charlemagne, bởi Friedrich Kaulbach 1903, qua Wikimedia Commons
Lễ đăng quang của Charlemagne, bởi Friedrich Kaulbach 1903, qua Wikimedia Commons

Giống như năm 753, một Giáo hoàng gặp nạn lại là dịp để vị vua người Frank can thiệp vào chính trường Ý. Giáo hoàng Leo III được bầu năm 795, mặc cho phe đối địch trong hàng giáo sĩ La Mã không vừa mắt. Vào năm 799, kẻ thù của Leo tấn công và cầm tù ông. Leo trốn khỏi thành phố và tìm đến Paderborn để xin sự giúp đỡ từ vị vua của người Frank và Lombard. Carolus cũng nhận được lời buộc tội Leo ngoại tình và bội giáo, nên khá lưỡng lự trong việc giúp đỡ.

Cố vấn Alcuin của York khuyên rằng ông không thể phán xét Giám mục Rome, vì thế Carolus đến Rome, phục vị cho Giáo hoàng, triệu tập một hội nghị tôn giáo để định đoạt số phận ông này. Leo cuối cùng tuyên thệ thanh minh để thoát khỏi cáo buộc. Không ai biết chi tiết về cuộc trao đổi giữa Leo và Carolus ở Paderborn, hay liệu họ có thỏa thuận bí mật nào không, nhưng diễn biến sau đó chứng tỏ ít nhất có một bên giật dây.

Vào ngày lễ Giáng sinh năm 800 sau Công Nguyên, Carolus quỳ gối trong thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Rome. Đức Giáo hoàng Leo tiến về phía ông, và trong lúc vị Vua của người Frank đứng dậy, Giáo hoàng đã trao vương miện cho ông, còn giáo dân tôn vinh ông là Hoàng đế La Mã cùng lời chúc trường thọ và thắng lợi. Từ đó, ông được gọi là Carolus Magnus, Charles Đại đế, hay Charlemagne.

Charlemagne khẳng định rằng nếu biết trước ý định của Giáo hoàng, ông sẽ không bao giờ tham dự thánh lễ Giáng sinh đó. Đây có thể là một lời tuyên bố khiêm tốn, nhưng nhiều khả năng đó là dấu hiệu cho thấy sự khó chịu của Charlemagne đối với việc Giáo hoàng tin rằng mình có quyền ban cho ông quyền lực như vậy – bởi tất cả tính chính danh mà Charlemagne sở hữu cho đến thời điểm đó đều đến từ chinh phạt hoặc thừa kế ngai vàng. Charlemagne triệt tiêu tiền lệ này bằng cách tự mình trao vương miện cho con trai ông làm hoàng đế vào năm 813 để chứng minh rằng quyền lực của ông không phụ thuộc vào Giáo hoàng.

Charlemagne là ai?

Napoleon Bonaparte ở Aachen, bởi Henri-Paul Motte 1804, qua Wikimedia Commons
Napoleon Bonaparte ở Aachen, bởi Henri-Paul Motte 1804, qua Wikimedia Commons

Lễ đăng quang của Charlemagne vào năm 800 sau Công nguyên là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Nó cũng tạo ra một chế độ chính trị tồn tại suốt thời Trung Cổ cho đến tận khi bị giải thể vào năm 1806 bởi Napoleon, vốn là một người vô cùng ngưỡng mộ Charlemagne. Đế chế La Mã Thần thánh do Charlemagne thành lập dần tan rã dưới thời các con và cháu của ông, nhưng sau đó được Otto Đại đế khôi phục vào năm 962. Trong phần lớn thời gian tồn tại, đế chế này đơn giản được gọi là “đế quốc” hoặc “đế quốc Đức” do đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề châu Âu cũng như vị trí địa lý của nó ở các vùng đất Đức. Thế nhưng đế quốc này luôn xem mình là sự kế thừa hợp pháp của các Hoàng đế La Mã xưa, với một Hoàng đế nắm giữ quyền lực thế tục trong thế giới Cơ đốc giáo.

Đế chế La Mã Thần thánh trải qua vô số biến cố, phục hưng, và phát triển trong suốt 1000 năm tồn tại – tất cả đều bắt nguồn từ những thành tựu của vị Hoàng đế đầu tiên, Charlemagne.

Kim Lưu dịch từ The Collector

5/5 - (1 vote)

BÀI LIÊN QUAN