Well-Being

Kakeibo – Vận dụng thiền trong quản lý tiền bạc

Kakeibo là một phương pháp quản lý chi tiêu đến từ Nhật Bản, khuyến khích bạn lưu tâm việc tiêu bao nhiêu tiền và mục đích là gì.

nghe thuat kekeibo la gi
Theo Bigthink
10 views

Hãy sống chủ động với tài chính của bạn thay vì bị nó chi phối. Kakeibo là một phương pháp quản lý chi tiêu đến từ Nhật Bản, khuyến khích bạn lưu tâm đến từng khoản tiền mình dùng vào việc gì, vì sao lại chi tiêu như vậy. Một khi đã xác định được giá trị sống và các mục tiêu tài chính, bạn sẽ tự tin và có động lực hơn để đạt được chúng.

Thay đổi tư duy quản lý tài chính với Kakeibo

Chúng ta thường nghĩ quản lý tài chính chỉ đơn thuần là các phép tính cộng trừ: Thu nhập cố định trừ đi các hóa đơn, dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ, rồi phần còn lại cố sống sót qua tháng. Cách tiếp cận này có một thiếu sót lớn: Đặt tính toán lên trên sự tỉnh táo, trong khi chính yếu tố tâm lý mới là thứ khiến việc quản lý tài chính trở nên khó khăn.

Mỗi ngày, ta phải đối mặt với vô vàn cách để “tiêu xài” số tiền lương eo hẹp của mình cho những nhu cầu và mong muốn dường như chẳng bao giờ có điểm dừng. Cuối tuần này ăn nhà hàng sang chảnh hay ở nhà nấu cơm? Tủ quần áo đã quá lỗi thời? Bảo dưỡng xe hay để dành tiền khám sức khỏe (phòng khi cần)? Chưa kể còn phải lo tiền học cho con, tiết kiệm để mua nhà, hoặc về hưu. Đôi khi cảm giác như tiền chẳng bao giờ là đủ!

Nhiều người bị choáng ngợp bởi gánh nặng tâm lý này, dẫn đến hai thái cực: buông thả chi tiêu không suy nghĩ, hoặc kiểm soát tài chính quá chặt chẽ. Tốt hơn hết là tìm được sự cân bằng giữa hai thái cực này. Kakeibo chính là một phương pháp cực kỳ hữu ích của người Nhật để đạt được mục tiêu đó.

Kakeibo giúp bạn nhìn thấu những khoản chi tiêu không cần thiết để tiết lộ bản chất thực sự của tình hình tài chính, từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý giúp chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm tốt và từ đó nâng cao chất lượng sống.

Trước khi tính toán, hãy thực hành tư duy tỉnh táo

Kakeibo (phát âm là “ka-kê-bô”) được phát triển vào năm 1904 bởi Hani Motoko, nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản. Bà mong muốn giúp đỡ những người phụ nữ đương thời – đối tượng thường có thu nhập hạn hẹp – dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính. Motoko phát triển một hệ thống quản lý chi tiêu kết hợp tính hiệu quả, sự đơn giản và đặc biệt là tư duy tỉnh táo về tài chính. Cái tên “Kakeibo” trong tiếng Nhật cũng hàm chứa ý nghĩa này: đơn giản là “sổ sách quản lý chi tiêu gia đình”.

Kakeibo mời gọi bạn thực hành tư duy tỉnh táo ngay cả trước khi bạn mở trang đầu tiên của quyển sổ chi tiêu. Hãy bắt đầu với việc trả lời 4 câu hỏi quan trọng:

  • Thu nhập hàng tháng của bạn là bao nhiêu?
  • Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu?
  • Hiện tại bạn đang chi tiêu bao nhiêu?
  • Bạn muốn thay đổi những khoản chi tiêu nào?

Những câu hỏi này không chỉ giúp bạn xác định mục tiêu tài chính, mà còn định hướng bạn suy nghĩ thấu đáo về những giá trị cốt lõi trong cuộc sống: tiền bạc phải là CÔNG CỤ để cuộc sống thêm trọn vẹn, chứ không phải LÀ MỤC ĐÍCH tối thượng.

Hãy nhớ rằng: Bạn có thể đủ khả năng để chi trả cho hầu hết mọi thứ, miễn là lập kế hoạch và tiết kiệm, nhưng bạn không thể có tất cả mọi thứ. Bạn phải học cách lựa chọn!

4 Hạng Mục Chi Tiêu Cơ Bản Trong Kakeibo

Ngán ngẩm với mấy cái app tài chính rồi đúng không? Đôi khi, chỉ cần một cuốn sổ và cây bút là đủ. Sau đây là một phương pháp chi tiêu siêu đơn giản mà bạn cần biết!

Đầu tháng, tính xem mình sẽ kiếm được bao nhiêu, trừ hết mấy khoản cố định như tiền nhà, tiền điện nước,… Số tiền còn lại chính là thứ bạn có thể tiêu xài hay tiết kiệm trong tháng. Rồi mỗi lần tiêu tiền, hãy ghi lại ngay vào sổ rồi xếp nó vào 1 trong 4 mục:

  • Thiết yếu: Xăng xe, đồ dùng cá nhân, thực phẩm…
  • Giải trí: Xem phim, ăn tiệm, đi spa,…
  • Văn hóa: Mua sách, tham quan bảo tàng, học thêm, hoặc làm từ thiện.
  • Bất ngờ: Khám bệnh, sửa xe, hay quà sinh nhật bất thình lình chẳng hạn.

Tại sao lại phân chia như vậy? Nhiều hệ thống quản lý chi tiêu tạo ra các mục nho nhỏ với suy nghĩ chúng sẽ giúp theo dõi tốt hơn. Nào là mục ăn uống, mục sửa chữa, mục xăng xe, mục quần áo…nhưng rốt cuộc lại rối tinh rối mù.

Phân chia chi tiêu của bạn thành bốn danh mục đơn giản thế này giúp nhìn ra bức tranh toàn cảnh về thói quen tiền bạc. Ví dụ, đôi giày mới của bạn nếu mua cho vui thì vào mục giải trí. Nếu là đồng phục cho công việc thì vào mục thiết yếu. Theo cách này, bạn sẽ cẩn trọng hơn về cả lý do và cách mình tiêu tiền.

Chọn sổ tay hay bảng tính?

Nhiều người đề xuất ghi chép bằng tay vì tin rằng viết tay giúp ghi nhớ tốt hơn. Số khác lại dùng app bảng tính để dễ tra cứu và tạo biểu đồ nhanh chóng.

Dù chọn cách nào, hãy đảm bảo bạn sẽ dùng nó mỗi ngày. Tất cả chi phí trong tháng cùng thói quen cập nhật thường xuyên (mỗi tối hoặc cuối tuần chẳng hạn) là điều cần thiết.

Tóm lại…

Quản lý tiền tốt là đang tập cách quản lý cuộc sống tốt hơn!

Thực hành nào!

Cuối tháng, soát lại cuốn sổ của bạn. Tính xem đã tiêu bao nhiêu cho mỗi mục và tiết kiệm được bao nhiêu. Sau đó so sánh chúng với mục tiêu ban đầu.

  • Liệu bạn có tiết kiệm được như ý muốn?
  • Có khoản thiết yếu nào bạn lỡ quên lúc đầu?
  • Có khoản giải trí nào hóa ra lại-không-cần-thiết-đến-vậy?
  • Có món bất ngờ nào gây “đau ví” không tưởng?

Nếu đạt mục tiêu tiết kiệm, xin chúc mừng! Nếu chưa, cũng không sao cả. Tài chính đâu phải là một cuộc đua, không có thắng thua. Hãy xem cuốn sổ như một kho dữ liệu, và những nhầm lẫn là bài học để tháng sau ra quyết định tốt hơn. Biết đâu bạn cần cắt giảm giải trí để tiết kiệm nhiều hơn. Hoặc ngược lại, mục tiêu của bạn hơi quá sức nên bạn cần thư giãn một chút vào dịp cuối tuần chẳng hạn.

Dù cuốn sổ có cho thấy điều gì, hãy luôn tự vấn bản thân một cách chân thành. Nghiên cứu cho thấy theo dõi chi tiêu giúp tăng sự tự tin và giảm căng thẳng, từ đó thúc đẩy ta hoàn thành mục tiêu nữa đấy!

Tìm lại cân bằng tài chính của bạn: Bí quyết Kakeibo từ Nhật Bản

Triết lý cốt lõi của Kakeibo, phương pháp quản lý tiền bạc từ Nhật Bản, chính là “nagomi”. Tuy không có một bản dịch chính xác nào, “nagomi” hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững, khuyến khích ta đưa những giá trị này vào cuộc sống.

Trong cuốn sách về triết lý này, Ken Mogi viết rằng “[nagomi] không phải là tìm kiếm lối tắt đến hạnh phúc, thành công hay của cải; mà đó là việc thấu hiểu và phát huy những điều tốt đẹp, tích cực trong đời sống để cân bằng lại những khó khăn mà ai ai cũng không thể tránh khỏi”.

Kakeibo cũng hướng đến việc làm điều tương tự với tình hình tài chính của chúng ta. Vì vậy, phương pháp này bao gồm một danh mục đặc biệt dành cho văn hóa. Kakeibo công nhận rằng cuộc sống không nên bị tiền bạc chi phối. Thay vào đó, tiền chính là nguồn lực – một trong nhiều nguồn lực khác – giúp ta phát triển, học hỏi, và trải nghiệm cuộc sống với ý nghĩa riêng.

Mặc dù tôi nói về Kakeibo như một kỹ thuật riêng biệt, nó thực ra đã có nhiều phiên bản khác nhau kể từ khi Motoko tạo ra nó cách đây một thế kỷ. Kakeibo rất dễ để điều chỉnh cho phù hợp với mỗi người. Có thể bạn thấy cần thêm danh mục thứ năm, hay thiết lập các mục tiêu tiết kiệm của riêng mình, hoặc bạn chi tiêu quá nhiều cho sách vở đến mức phải tách chi phí đó riêng ra. Tất cả những điều chỉnh đó đều ổn, miễn là chúng hỗ trợ những nguyên tắc ban đầu của bản thân bạn.

Tuy nhiên, bằng việc dành thời gian gạt bỏ đi những thứ không cần thiết và tập trung vào bản chất của tài chính, bạn tránh được cái bẫy “tối ưu hóa quá mức”, đồng thời khiến ngân sách của mình trở nên dễ quản lý và khích lệ bản thân tiết kiệm. Điều này sẽ giúp bạn chi tiêu một cách cẩn trọng, hướng đến một cuộc sống có ý nghĩa ở hiện tại, trong khi vẫn có thể tiết kiệm cho tương lai của mình.

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN