Well-Being

Đừng để ghen tị thao túng cuộc sống của bạn

Con người luôn hướng đến cộng đồng. Việc quan sát và tìm hiểu về người khác dường như đã ngốn của chúng ta quá nhiều thời gian.

nguy hiem cua su ghen ti
Theo Bigthink
8 views

“Ghen tị là thói hư tật xấu ngu ngốc nhất, vì chẳng có gì vui khi ta tự làm khổ mình”

Charlie Munger

Bản chất của con người là luôn hướng đến cộng đồng. Việc quan sát và tìm hiểu về người khác dường như đã ngốn của chúng ta quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, não bộ của chúng ta hoạt động thiên về so sánh chứ không phải nhìn nhận sự việc một cách tổng thể. Vậy nên, để hiểu hơn về người khác, ta thường lấy chính mình làm chuẩn để đối chiếu. Và trong cái bóng mờ của sự so sánh, thói ghen tị xấu xí bắt đầu ngóc đầu dậy.

Ngày nay, với sự bùng nổ của của mạng xã hội, những thứ kích hoạt thói ghen tị của chúng ta xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Trên Facebook hay những nền tảng khác, ai mà chẳng phô ra phiên bản hào nhoáng nhất của mình? Trên thế giới ảo, mọi thứ trông đều “tuyệt”, “vi diệu”, và “vui hết nấc”. Như lời của Steven Furtick, một mục sư nổi tiếng: “Lý do chúng ta hay cảm thấy bất an là bởi ta cứ đem những thước phim hậu trường của mình ra so sánh với thước phim highlight của người khác” Tuy nhiên, cuộc đời đâu phải lúc nào cũng toàn màu hồng; đôi khi, trong loá mắt bởi ánh hào quang của mạng xã hội, ta lỡ quên mất điều đó.

Sự bùng nổ của mạng xã hội khiến chúng ta dễ ghen tị hơn bao giờ hết

Ngoài ra, mạng xã hội còn khiến chúng ta chú ý đến cả những người ở xa ngoài vòng kết nối của mình. Trong khi thường ngày ta sẽ chẳng bao giờ biết đến Tim, gã bạn thành đạt ngày cấp hai của anh hàng xóm Johnny, thì nay lối sống sang chảnh của hắn lại chình ình trên dòng thời gian Facebook của ta mỗi sáng. Rất nhiều người đã từng nghe đến chuyện đứa cháu họ của một bà cô nào đó vừa trúng hợp đồng bạc tỷ, hay một người bạn chung của vài người bạn lại nhận được học bổng Rhodes danh giá. Nhưng trước đây, những chiến thắng kiểu này thường không “đập vào mắt” ta trực tiếp mà chỉ tồn tại như những câu chuyện kể mơ hồ. Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng những thứ trừu tượng không có khả năng đánh động nhiều đến cảm xúc – trái lại, hình ảnh cụ thể lại dễ dàng khuấy đảo tinh thần của ta. Và ngày nay, với sự trợ giúp của mạng xã hội, ta được (hay bị) diện kiến bằng chứng hình ảnh rõ ràng cho những câu chuyện viễn vông đó.

Vậy, sao chuyện này lại thành vấn đề? Nó trở nên khó chịu bởi mức độ kết nối chặt chẽ giữa con người thời nay. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ biết đến một vài người đang tận hưởng cuộc sống giàu có, hạnh phúc. Về mặt nào đó, đây là điều tốt. Ai mà lại không muốn được vây quanh bởi những người thành công và hài lòng với cuộc đời? Thế nhưng, có một phần trong ta dường như lúc nào cũng dễ sinh lòng đố kỵ và bực bội khi tự hỏi: “Sao không phải là mình?”. Trong khi nhiều người vẫn giữ được tấm lòng biết ơn và trân trọng những gì người khác có, thì thói ghen ghét xem ra vẫn phổ biến hơn.

Không ai nói mạng xã hội là thứ tiêu cực trong đời ta. Chúng rõ ràng mang lại nhiều điều tốt đẹp, giúp ta có cơ hội gặp gỡ và xây dựng tình bạn với nhiều người hay ho, những người mà ta có khi sẽ chẳng bao giờ biết đến nếu không có Internet. Tuy nhiên, để xây dựng những nền tảng tốt hơn, ta cần nắm rõ bức tranh cảm xúc trong ngôi nhà số của mình. Biết đâu, với những thay đổi đúng chỗ cho các sản phẩm ấy, ta có thể sống trong một thế giới bớt đi chút ghen tị mà thêm nhiều phần biết ơn. Nghe có vẻ hơi mang tính thao túng, nhất là sau những lùm xùm về bài thử nghiệm Facebook. Nhưng thực tế là mọi sản phẩm đều ảnh hưởng và định hướng hành vi người dùng. Ta nên hiểu rõ điều đó và với một chút thử nghiệm cùng tinh thần đồng cảm, chúng ta hoàn toàn có thể “vẽ” nên một thế giới bớt đi màu xanh lá của ghen ghét, để những khung cảnh tươi sáng và dễ chịu hơn chiếm sóng.

5/5 - (1 vote)

BÀI LIÊN QUAN