Đơn giản mà hạnh phúc: minh chứng của người Melanesia

Nhiều tiền thì sẽ hạnh phục là quan niệm phổ biến của loài người xưa này. Nhưng có nhiều trường hợp chứng minh không nhất thiết phải vậy

song don gian se hanh phuc
6 views

Nhiều người trong chúng ta thường mặc định rằng giàu có là yếu tố quyết định hạnh phúc. Thế nhưng, có những cộng đồng dân cư trên thế giới chứng minh rằng cuộc sống viên mãn không chỉ đến từ tiền bạc. Một nghiên cứu gần đây trên 3.000 người sống tại những cộng đồng nhỏ, nghèo khó chỉ ra rằng mức độ hài lòng với cuộc sống của họ chẳng hề thua kém người dân của các nước giàu nhất thế giới.

Một trong những nguyên nhân khiến các niềm vui đơn giản như giao tiếp xã hội hay hòa mình vào thiên nhiên lại đóng vai trò quan trọng đến thế trong các cộng đồng này là do những xã hội đó vận hành ít dựa trên tiền bạc.

Trường hợp người Melanesia

Trường hợp người Melanesia
Người Melanesia

Bộ tộc người Melanesia ở vùng Roviana và Gizo thuộc quần đảo Solomon là một trong những nhóm dân cư nghèo nhất thế giới. Họ sống bằng nghề đánh bắt cá và canh tác, thỉnh thoảng đem hàng hóa ra chợ để đổi lấy thực phẩm chế biến sẵn hoặc tiền học cho con cái. Tiện nghi đời sống như điện thoại thông minh, internet, TV, hay nệm cao su gần như chẳng tồn tại ở đây. Nhưng bất chấp sự thiếu thốn về vật chất, người Melanesia lại có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn cả người dân Phần Lan và Đan Mạch – vốn nổi tiếng là đứng đầu thế giới về hạnh phúc.

Hạnh phúc và thu nhập – có phải lúc nào cũng đi cùng nhau?

Các nghiên cứu về hạnh phúc đã đưa ra một kết luận rất vững chắc: thu nhập, tài sản, và sự hài lòng với cuộc sống có mối liên hệ mật thiết. Bạn càng kiếm nhiều tiền, bạn càng thấy thỏa mãn. Một đất nước càng giàu, công dân của nó càng hạnh phúc. Nhưng khoa học cũng chỉ ra rằng vẫn có những trường hợp không đi theo xu hướng chung này. Các nhóm người – thường là người bản địa – sống trong những cộng đồng nhỏ, biệt lập thường hài lòng với cuộc sống như người dân ở các quốc gia giàu có nhất. Tìm hiểu lý do đằng sau hiện tượng này có thể cho chúng ta nhiều bài học đáng suy ngẫm.

Lý do nào giúp họ hạnh phúc?

Mục đích tìm kiếm lời giải cho câu hỏi này đã thu hút các nhà khoa học từ Đại học Universitat Autònoma de Barcelona (Tây Ban Nha) và Đại học McGill (Canada). Họ đã đi khắp thế giới để khảo sát gần 3.000 người thuộc 19 cộng đồng. Họ đã đặt chân đến những vùng đất xa xôi như Kumbungu ở Ghana, Laprak ở Nepal, Vavatenina ở Madagascar, hay Lonquimay tại Chilé. Ngoài việc chính là đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên cuộc sống của người dân, họ cũng dành thời gian tìm hiểu mức độ hài lòng với cuộc sống của những đối tượng này.

“Mức độ hài lòng với cuộc sống trung bình của 19 cộng đồng chúng tôi khảo sát là 6.8 trên 10, cho dù thu nhập tiền mặt hàng năm ước tính ở phần lớn các địa điểm này chưa đạt mức 1.000 USD/người,” các nhà khoa học cho biết. Mức độ hài lòng như vậy thường chỉ xuất hiện ở những nước có GDP đầu người trên 40.000 USD mỗi năm.

Thế làm sao giải thích được cú “nhảy vọt” về hạnh phúc này? Theo ghi nhận của các nhà nhân chủng học từng ghé thăm những cộng đồng như thế, người dân ở đây sống vui vẻ với những hoạt động rất đơn giản như nghe nhạc, đi dạo, hay đơn thuần là nghỉ ngơi thư giãn. Mối quan hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng cũng mang lại rất nhiều niềm vui. Thêm vào đó, họ đặc biệt trân trọng thời gian được hòa mình với thiên nhiên. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng khi được ở giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, trong lành, tâm trạng, sức khỏe và cảm giác hạnh phúc của con người sẽ tăng lên đáng kể.

Một lý do khá dễ hiểu cho tầm quan trọng của những hoạt động kết nối xã hội hay gắn với thiên nhiên đó là: nhiều cộng đồng này không quá bị chi phối bởi tiền bạc. Nghiên cứu trước đây của cùng nhóm các nhà khoa học Barcelona và McGill khi khảo sát các cộng đồng nhỏ khác cũng cho thấy rằng, ở những nơi tiền bạc đóng vai trò càng lớn, các yếu tố dẫn đến hạnh phúc cũng thay đổi: Người ta dần ít tận hưởng những hoạt động gần gũi với đời sống, với thiên nhiên, mà tập trung hơn vào các yếu tố mang tính xã hội và kinh tế. Nói cách khác, tiền bạc, thay vì những điều giản dị thường ngày, đã trở thành nguồn cơn cho hạnh phúc.

Điều rút ra, theo các nhà nghiên cứu, là một khi những nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, con người hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà không cần tiêu thụ quá mức. Chúng ta có thể tìm được hạnh phúc từ những con người và thế giới xung quanh.

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN