Dạo này có vẻ như các cặp anh chị em làm đạo diễn nổi tiếng đều có vẻ đang theo đuổi những dự án riêng lẻ. Chị em nhà Wachowski đã không hợp tác sau mùa đầu tiên của series “Sense8,” với Lana và Lily đi những hướng rất khác biệt. Anh em Safdie cũng không còn song hành sau dự án “Uncut Gems,” Benny giờ tự biên kịch và đóng vai chính trong series “The Curse” của đài Showtime, trong khi anh trai Josh không dính dáng gì. Và nổi tiếng nhất có lẽ là nhà Coen, cặp đạo diễn huyền thoại chưa có phim chung từ “The Ballad of Buster Scruggs” của năm 2018. Mặc dù có tin đồn họ có thể tái hợp với một dự án kinh dị, nhưng bây giờ thì cả hai cũng đều có sự nghiệp riêng rồi.
Joel và Ethan Coen: Khởi đầu solo không thể khác biệt hơn
Hai bộ phim solo đầu tay của Joel và Ethan Coen không thể khác nhau hơn: Joel chuyển thể kịch Shakespeare trong “The Tragedy of Macbeth” – một tác phẩm u tối và đầy chất thơ, còn Ethan thì ra mắt với bộ phim hài hành trình tội phạm về các cô gái đồng tính “Drive-Away Dolls” (dựa trên nội dung hai bộ phim, người ta có thể lầm tưởng rằng Joel là “anh nhà Coen” nghiêm túc của “No Country for Old Men”, còn Ethan là người thích mấy dự án lầy lội kiểu “Raising Arizona”). Nhưng sau khi coi cả hai phim thì nhiều người lại nghĩ ngược lại: Joel mới là anh có tài hơn, còn Ethan thì… hơi lạc lõng khi về làm phim một mình .
“Drive-Away Dolls” – Một phim hài hước không mấy… hài hước
Là một người luôn mong muốn có nhiều nhân vật chính LGBTQ+ trong các bộ phim giải trí, xin lỗi anh Ethan nhưng “Drive-Away Dolls” đối với tôi khá tệ. Dàn diễn viên tài năng với mấy cảnh quay đẹp thì có đấy, nhưng khi một bộ phim hài cố gắng “mắc cười” nhiều như vậy mà vẫn không làm tôi cười nổi một lần thì… chán thật. Nếu các bạn đang tìm một phim hài về gái đồng, có bạo lực và hơi retro, lại thật sự hài hước thì cứ xem lại phim “Bottoms” cho lành!
Hành trình đi đâu về đâu
Giống như nhiều phim khác của nhà Coen, “Drive-Away Dolls” có cách thể hiện rất riêng. Hai nhân vật chính – cô nàng Jamie (Margaret Qualley) mê trai và cô gái e dè Marian (Geraldine Viswanathan) – có cách hành xử như thể họ đang trong một phim hài nhảm rẻ tiền, không biết rằng mình đang bị cuốn vào một vụ án đầy bạo lực … để cuối cùng thì hoá ra nó lại trở thành phim hài nhảm, nhưng bạo lực hơn tí. Ý tưởng phim cũng thú vị đấy, nhưng không được khai thác nhiều cho lắm.
Động lực của cặp đôi Jamie và Marian cho chuyến đi từ Pennsylvania đến Florida cũng khá là sơ sài. Jamie muốn bỏ đi sau khi chia tay Sukie (Beanie Feldstein), một nữ cảnh sát cục súc, Marian gợi ý đi Florida vì cô ấy có người thân ở đó, và Jamie thì muốn giúp Marian “kiếm bồ” dọc đường (phim lấy bối cảnh năm 1999 nhé, lúc đó chuyện người đồng tính lái xe đi Florida chẳng hay ho gì đâu!). Phải tới hơn nửa phim họ mới nhận ra trong cốp xe có cái đầu người bị chặt và một vali đầy đồ quý giá. Thực ra đoạn trailer phim đã cố nhá hàng mấy cảnh hấp dẫn rồi, vì thật sự 2/3 đầu phim chả có gì xảy ra (trailer còn spoil nữa, nên nếu ai xem xong còn thắc mắc sao Pedro Pascal ít đất diễn quá… thì cũng hiểu rồi!).
Vậy phim này có những gì hay?
À thì, phim có nhiều màn đối thoại nhịp nhàng, cả giữa Jamie và Marian lẫn hai tên xã hội đen (C.J. Wilson và Joey Slotnick) được thuê bởi gã trùm “The Chief” (Colman Domingo) để đuổi theo hai cô gái . Diễn viên đã cố với những gì kịch bản cho phép, nhưng mấy câu thoại thực sự không hài hước. Có mấy cảnh chuyển cảnh nhìn rất ngớ ngẩn; tay đồng biên kịch Tricia Cooke vốn là dân dựng phim, chắc chị ấy cũng vui khi dựng bộ phim này, nhưng với tôi, do phim không làm tôi cười, mấy cảnh chuyển này làm tôi thấy phim hơi… lố quá. Còn có mấy cảnh ảo giác CGI nặng đô với Matt Damon và Miley Cyrus nữa… rốt cuộc thì mấy cảnh này cũng có liên quan tới cốt truyện, nhưng chắc chắn trong lúc xem phim nhiều người sẽ bối rối (hoặc khó chịu) lắm.
Đoạn cuối phim là đoạn mạnh nhất (một cách tương đối)
Đoạn cuối khi mấy tình huống tội phạm rối tung lên đến đỉnh điểm thì phim cũng có vài cảnh cười được, nhưng điểm sáng lớn nhất của đoạn cuối phim “Drive-Away Dolls” thực ra là ở tình bạn của hai nhân vật chính. Nói thật, ban đầu tôi không quan tâm nhiều đến Jamie hoặc Marian, cả hai đều chỉ có một kiểu tính cách, nhưng cách mà mối quan hệ của họ phát triển lại trở nên khá dễ thương. Nếu bộ phim cố tình không có nội dung này có thể “nói” về điều gì đó ý nghĩa, thì có lẽ nó sẽ hay nhất khi khai thác ranh giới mỏng manh giữa tình bạn và tình yêu trong cộng đồng LGBTQ+.
Câu thoại kết thúc của “Drive-Away Dolls” là một ví dụ điển hình cho thấy phim muốn làm gì và ở đâu thì nó không tới. Đây rõ ràng là một pha bắt chước câu thoại kết của phim “Some Like It Hot,” (một phim kinh điển) nhưng câu đó lại… quá vô lý trong ngữ cảnh năm 1999! Có vẻ biên kịch từng viết kịch bản này cho bối cảnh hiện đại khi mới bắt đầu dự án vào những năm 2000, nhưng khi đổi bối cảnh thành năm 1999 (để thêm thắt vụ Y2K và bầu cử), họ không thể nghĩ ra một cái kết khác, vậy nên hi vọng khán giả sẽ “não cá vàng” thôi cho xong!
Tôi phải thú nhận là gu hài của tôi về mấy phim nhà Coen không giống mọi người (“The Hudsucker Proxy”? Tuyệt vời. “The Big Lebowski”? Được đánh giá quá cao.) Cho nên review của tôi về “Drive-Away Dolls” cũng có thể… sai quá sai. Phim hài thì cực kỳ chủ quan, biết đâu bộ phim tìm đúng đối tượng khán giả và người ta sẽ thấy nó hay hơn tôi thì sao?
Lưu ý cuối: “Drive-Away Dolls” không phải là tựa phim xuất hiện ở phần credit cuối phim. Tên phim thật có hai sự khác biệt lớn so với tựa mà đoàn làm phim quảng cáo: một cái thì bạn có thể dễ dàng tìm thấy nếu tra xem kịch bản gốc tên gì, còn cái kia thì là một trong những trò đùa thông minh hơn của bộ phim.