Phim Ảnh

Avatar: The Last Airbender: bản remake tẻ nhạt của Netflix

Những bản phim remake thường thua xa bản gốc, điều đó cũng đúng với bộ phim Avata: The Last Airbender do Netflix cầm trịch.

review phim Avata The Last Airbender netflix
Đăng ngày:

Gần đây, một loạt phim hoạt hình live-action (người đóng) của Disney dường như chỉ muốn chứng minh một điều: những tác phẩm kinh điển của họ không hề được tạo ra để trông thật đến từng chi tiết. So sánh bản gốc “Vua Sư Tử” với phiên bản 2019 sẽ khiến bạn thấy rõ điều này. Trong phim cũ, các nhân vật nhảy nhót tưng bừng giữa các cảnh nhạc kịch sôi động, còn trong bản mới, chúng chỉ đơn giản bước đi theo một hàng như thể ai đó đang lồng tiếng cho phim tài liệu của David Attenborough vậy. Cảm giác xem thật chán ngắt, và khi chẳng có thay đổi nào đáng kể so với cốt truyện gốc (dù thời gian phim luôn dài hơn), ta lại càng thấy rõ bản remake này thật vô nghĩa. Đúng, nó sẽ kiếm bộn tiền, nhưng tại sao trẻ em phải xem thứ này khi chúng có thể xem bản gốc hấp dẫn hơn nhiều về mặt hình ảnh?

Netflix làm lại “Avatar: The Last Airbender” chỉ để làm hài lòng “trẻ to xác”

Hồi nhỏ, tôi không có truyền hình cáp nên chưa từng xem hoạt hình nổi tiếng “Avatar: The Last Airbender” của Nickelodeon. Ngay cả khi là một người mới, tôi thấy bản remake tám tập này chẳng khác gì một nỗ lực cứng nhắc để bắt chước thứ gì đó đã quá hoàn hảo từ đầu. Câu hỏi không phải là tại sao đứa trẻ nào lại chọn phim này thay vì bản gốc (cũng đang có trên Netflix). Thay vào đó, tôi có cảm giác rằng series này được làm ra hoàn toàn dành cho người hâm mộ lớn tuổi, những người cứng đầu không muốn buông bỏ một bộ phim hoạt hình thời thơ ấu. (Tất nhiên) Những “fan cứng” này chắc hẳn đã ca thán đủ thứ về bản remake dựa trên vài đoạn clip rời rạc. Đây rõ ràng là phim hoạt hình nhưng lại chỉ nhằm làm hài lòng một đám khán giả “trẻ to xác”, và cặp kính hoài niệm màu hồng của họ chỉ khiến cho các lỗi của phim càng thêm lộ liễu. Trong phần lớn thời gian phim, tôi chỉ ước gì nó làm hẳn thành phim cho trẻ em, thay vì cố nhét thêm yếu tố gân guốc để nịnh bợ một đám người lẽ ra nên thôi chơi đồ hàng từ lâu rồi.

đánh giá phim review phim Avata The Last Airbender netflix

“Avatar: The Last Airbender” phiên bản Netflix: Bài học đạo đức hời hợt

“Avatar: The Last Airbender” bản gốc từng mang đến những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống được lồng ghép khéo léo qua từng tập phim. Đó là thiên truyện kỳ ảo hấp dẫn, là lời giới thiệu tuyệt vời về thể loại này, và quan trọng hơn, là cách trẻ em có thể học về quá trình trưởng thành và gánh vác trách nhiệm. Phiên bản gốc được khen ngợi vì dám đề cập đến các vấn đề “nặng đô” như diệt chủng hay chính quyền độc tài trong một bộ phim hoạt hình – nhưng trong phiên bản mới, thế giới được tái hiện khá trung thành thì bài học đạo đức lại đơn giản hóa thành “tìm sức mạnh nội tại” hay “không cần phải đấu tranh một mình”. Điều này thực ra không hẳn là xấu với một bộ phim thiếu nhi, nhưng “Avatar” Netflix lại hướng đến đối tượng là những người “hoài niệm”, và điều đó khiến trải nghiệm xem phim trở nên khá kỳ lạ cho những người không biết gì về phiên bản gốc.

Ngay cả khi tôi không xem các video so sánh tràn lan trên mạng, hoặc không biết các nhà làm phim đã chủ động thay đổi tính cách nhân vật để phù hợp với đạo đức hiện đại (dù rằng chính những tính cách tiêu cực đó mới là điểm mấu chốt cho sự phát triển của họ), thì vẫn có nhiều khoảnh khắc gượng gạo như thể đang cố “chiều fan”. Ví dụ, chẳng hiểu sao cứ vài cảnh lại có một ông bán hàng hét lên “Bắp cải của tôiii!” khi hàng hóa bị phá hủy? Đây là một tình tiết trong phần hoạt hình để tạo meme, nhưng meme bắp cải xưa rồi Diễm ơi! Không thể bỏ qua bất cứ chi tiết văn hóa cũ nào thì phải? Thay vì tạo ra một tác phẩm “Avatar” ấn tượng để thu hút khán giả mới, có vẻ như đội ngũ sản xuất chỉ đang cố tạo lại một sản phẩm đã có sẵn, và kết quả là chẳng ai hài lòng – cả fan cũ lẫn người xem mới.

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN