Mắc kẹt trong lối mòn? Hướng dẫn cách tìm lại niềm vui

Mắc kẹt trong lối mòn? Ta cứ lặp lại mãi mỗi ngày những thứ giống nhau. Dưới đây là cách "tách ra khỏi thói quen" và tìm lại niềm vui

cach thuc pha vo thoi quen hang ngay
1 view

Mắc kẹt trong lối mòn? Dưới đây là cách “tách ra khỏi thói quen” và tìm lại niềm vui

Chuông báo thức lại reo lên báo hiệu một ngày dài với các thói quen lặp lại sắp bắt đầu! Đã đến lúc làm những việc tương tự theo cùng một thứ tự và theo cùng một cách: ăn sáng, đi làm bằng tuyến đường cũ, gặp những người quen thuộc, và cuối ngày, đi ngủ vào cùng một khung giờ. Từ từ, toàn bộ cuộc sống của bạn trở nên nhàm chán, và thế giới bên ngoài sự đơn điệu xám xịt này mờ dần. Bạn tự khép mình với thế giới.

Lối mòn trong suy nghĩ

Đây là điều mà nhà hiện sinh người Pháp Gabriel Marcel gọi là “sự căng cứng” (crispation), và ông đã nhìn thấy điều này thường xuyên trong xã hội. Đối với Marcel, căng cứng là khi mọi thứ bị mắc kẹt hoặc chôn vùi trong vòng xoáy dày đặc của thói quen và lối mòn. Đó là trạng thái tâm trí luôn đáp lại “Nhưng… tôi luôn làm theo cách này” khi được giới thiệu một cơ hội mới. Sự căng cứng này khiến chúng ta nói không với lời kêu gọi phiêu lưu, mà thay vào đó chọn ở nhà và xem TV. Chúng ta bị chôn vùi dưới một “loại vỏ bọc” dần dần cứng lại và giam cầm chúng ta.

Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đang sống trong thời đại tôn sùng thói quen. Cuốn sách “Atomic Habits” của James Clear đã bán được hơn 15 triệu bản trên toàn thế giới và các phương tiện truyền thông thường xuyên đăng tải các bài báo và video với tiêu đề như “Cách xây dựng thói quen thành công”. Nhưng, như Marcel đã biết, thói quen cũng có mặt tối của nó. Thay đổi góc nhìn và thói quen sẽ trông như những lối mòn. Sự lặp lại trở thành trạng thái căng cứng.

“Tách khỏi thói quen” – đã đến lúc thay đổi

Có lẽ đã đến lúc đón nhận việc “tách khỏi thói quen” này – dishabituation. Chúng ta nên thoát ra khỏi lối mòn của bản thân và thử những điều mới mẻ. Để khám phá ý nghĩa của “dishabituation” và lý do tại sao nó là thiết yếu cho sự phát triển của mỗi cá nhân, Big Think đã nói chuyện với tác giả sách bán chạy nhất kiêm nhà thần kinh học Tali Sharot về cuốn sách mới nhất của cô ấy – Look Again: The Power of Noticing What Was Always There (Nhìn lại: Sức mạnh của việc nhận ra những điều vốn luôn ở đó).

Thói quen được hình thành khi bạn thực hiện một hành động thường xuyên đến mức nó trở nên dễ dàng. Sức mạnh của việc hình thành thói quen là nó khiến những việc từng đòi hỏi nỗ lực có ý thức trở nên tự động. Như Sharot đã nói, “Việc tạo nên thói quen có nghĩa là chúng ta phản ứng ngày càng ít đối với những thứ lặp đi lặp lại hoặc luôn ở đó”. Thói quen cho phép bạn làm mọi việc một cách dễ dàng, và tập trung vào những việc khác.

Những mặt tối của thói quen

Vấn đề nằm ở chỗ nhiều thứ chúng ta gọi là “thói quen” đáng được chú ý hơn. Sharot đề cập đến những vấn đề như phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính, những điều dễ bị bình thường hóa và làm quen. Nhưng nó cũng có thể là “sự kém hiệu quả ở công sở hay những rạn nứt trong các mối quan hệ”. Một người có thể chịu đựng một mối quan hệ độc hại quá lâu đến mức nó trở thành chuẩn mực. Thói quen khiến họ thất bại trong việc nhìn nhận vấn đề cần được nhìn thấy: sự không phù hợp của đối phương.

Sự “làm ngơ” do thói quen này cũng hoạt động theo chiều ngược lại. Có những điều tuyệt vời và đáng trân trọng trong cuộc sống, và khi chúng ta xem những điều đó là hiển nhiên, nó sẽ làm giảm giá trị của chúng. Khi bạn gặp một người bạn mỗi tuần hoặc người bạn đời mỗi ngày, họ có thể bắt đầu mờ nhạt đi. Chúng ta bắt đầu nhìn nhận người khác không phải là những cá thể mà chỉ như các đạo cụ trên một phim trường. Ngay cả những người thân thiết nhất của chúng ta, chẳng hạn như con cái hay người yêu, cũng có thể bị cuốn vào guồng quay hằng ngày.

Vì vậy, thói quen có một cái bẫy lớn: Chúng khiến chúng ta bỏ qua những gì cần được chú ý.

Đôi lúc, phá vỡ thói quen là điều cần thiết

Đôi khi, chúng ta cần phá vỡ một thói quen thông qua việc “tái làm quen”. Nói cách khác, ta cần học cách nhìn lại những điều trước đây ta vẫn thường thấy. Nhà nghiên cứu Sharot cho rằng có hai cách chính để làm điều này: tạm dừng và thay đổi thói quen.

“Tạm dừng một thời gian rồi quay lại sẽ giúp chúng ta nhìn nhận mọi thứ khác đi,” Sharot nói. Chẳng hạn, có người quyết định đi công tác vài tuần. Sau khi họ trở về, họ lại thấy yêu ngôi nhà, cảnh quan hay gia đình của mình hơn. Sự biết ơn dường như lại dâng trào vì trước đó họ đã tạm xa mọi thứ thân quen.

Sharot chỉ ra rằng việc tạm dừng mang lại nhiều lợi ích tâm lý, áp dụng được trong nhiều trường hợp – từ cách chúng ta thưởng thức âm nhạc (thậm chí nghe một bài hát nhiều lần cũng sẽ thấy hay hơn) đến việc mát-xa cơ thể. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta thường thích xem các bộ phim truyền hình dài tập hơn là “cày” một mạch hết bộ phim trong vòng tám tiếng.

Thay đổi có thể bao gồm cả việc tạm dừng, nhưng nó thường liên quan đến việc điều chỉnh lâu dài. Một ví dụ đơn giản là bạn có thể thay đổi môi trường làm việc. Giả sử bạn luôn làm một công việc cụ thể vào một khung giờ nhất định trong ngày. Hãy thử đến quán cà phê để làm việc đó hoặc làm việc ngoài trời xem sao. Việc thay đổi thói quen theo cách này đặc biệt hữu ích cho việc kích thích sự sáng tạo, không chỉ cho các nghệ sĩ hay nhạc sĩ mà còn trong cả cuộc sống hàng ngày của bạn nữa.

Sharot nhận định: “Nếu bạn ở cùng một nhóm người hoặc ở cùng một nơi trong một thời gian dài, với các chính sách và thói quen lặp đi lặp lại, bạn sẽ khó nhận ra những điều có thể cải thiện hơn do chúng đã trở thành thói quen của bạn.”

Hãy thử thay đổi thói quen một cách sáng tạo nhé – kể cả những điều đơn giản như là nơi bạn làm việc hay người bạn làm việc cùng.

Khai thác vs. Khám phá

Không có gì ngạc nhiên khi mấy cuốn sách như “Atomic Habits” bán cả đống và làm ai cũng tò mò về mấy cái chiến lược hình thành thói quen. Thói quen thì hữu ích mà. Não của ta cần mấy lối tắt này để vận hành – và thường những người thành công nhất chính là những người có thói quen tốt. Vậy nên, cái chính là phải cân bằng mọi thứ.

“Người ta hay bàn về mấy khái niệm khám phá và khai thác,” Sharot nói. “Những người thích ‘khám phá’ thích thử nhiều thứ mới mẻ. Họ có thể đi đến những nơi khác nhau, nói chuyện với nhiều kiểu người. Trong khi người thích ‘khai thác’ có xu hướng làm đi làm lại cùng một thứ họ thích. Món nào cũng ăn món đó,… Để đạt kết quả tối ưu nhất thì bạn cần làm cả hai – biết khai thác những điều tốt mà bạn đã có nhưng cũng không ngại khám phá.”

Luận điểm trong cuốn sách mới của Sharot là nhiều người trong chúng ta đang sống một cuộc sống an phận quá mức. Ta cứ ở yên một chỗ và trung thành với mấy cái sở thích cũ rích. Điều này đặc biệt đúng với tuổi trung niên.

“Người ở độ tuổi trung niên có mức độ hạnh phúc thấp nhất trong tất cả các nhóm tuổi,” Sharot nói. “Ở lứa thiếu niên thì mức độ này lại cao, rồi cứ đi xuống đến khi chạm đáy ở trung niên. Nguyên nhân lớn là do ở độ tuổi này, trung bình mọi người sẽ ổn định gia đình. Điều đó khiến ta chủ yếu sống ở một nơi. Về công việc, thì bạn đã đạt đến đỉnh cao hoặc gần với nó, và chủ yếu chỉ việc duy trì chứ không phát triển hay thăng tiến nữa.”

Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên và sự bất mãn chán chường kia đều đến từ việc khai thác quá độ. Ta thường xuyên trở nên khổ sở vì thói quen của chính mình. Thế nên hãy cân nhắc tìm cách điều chỉnh và thay đổi một vài thói quen đó xem sao.

Khi dám bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hàng ngày, ta sẽ tự mở ra những trải nghiệm, góc nhìn và kết nối khác. Chờ đợi cuộc khủng hoảng đến để “đá” ta ra khỏi tình trạng tự mãn thì thật ngớ ngẩn; thay vào đó, hãy chủ động tìm cơ hội để khám phá. Mục tiêu của chúng ta là phát triển bản thân chứ không phải thụt lùi. Đón nhận sự thay đổi không chỉ là cách trốn khỏi sự đơn điệu, mà còn là một bước để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa và niềm vui.

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN