Võ sĩ hoàng hôn – Fujisawa Shuhei

Ghi chú của  người dịch:

Truyện ngắn “Tasogare Seibee” của Fujisawa Shuhei, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ nhất trong tập truyện cùng tên ra mắt độc giả năm 1988, bản bỏ túi do nhà Shincho Bunko tái bản lần thứ 28 tháng 5 năm 1999.

Nội dung truyện ngắn này đã được đạo diễn Yamada Yoji (nổi tiếng với loạt phim “Otoko wa tsurai yo – Ðàn ông khổ lắm” 48 cuốn từ năm 1969 cho đến 1996) nhập chung với truyện ngắn “Hoito Sukehachi – Thằng ăn mày Sukehachi” trong cùng tập truyện (thêm vài chi tiết từ truyện ngắn “Takemitsu shimatsu” cũng của Fujisawa Shuhei) để quay thành phim “Tasogare Seibee – The Twilight Samurai  – Võ sĩ hoàng hôn” năm 2002 đoạt được 12 giải thưởng của Hội đồng Phim ảnh Nhật Bản. (Phạm Vũ Thịnh)

Đã quá 11 giờ đêm rồi mà phòng cuối tư dinh của quan Gia lão [1] Sugiyama ở xóm Koumi gần hào thành phía bắc, vẫn còn sáng ánh đèn. Có hai người khách là trưởng tổ Terauchi Gonbee và Chưởng quản địa phương Otsuka Shichijuro. Gia chủ Sugiyama Tanomo khoanh tay trầm mặc, chốc chốc lại thở dài, cuối cùng đưa tay vỗ đầu gối rồi nói:

“Thôi, dù sao đi nữa, cũng phải đợi Hanzawa cho biết thêm thông tin đã”.

“Nếu xác nhận là đúng thì phải xử trí như thế nào chứ?”. Terauchi nói.

Sugiyama nhìn khuôn mặt dày thịt hồng hào và đôi mắt tròn của Terauchi:

“Lúc đó, hẳn là không thể để mặc thế được”. Lần này, bàn tay ông nắm chặt lại, gõ xuống đầu gối như để khích lệ chính mình. “Đến phải đối đầu mà khai trừ Hori Shogen mới xong”.

Phiên trấn hiện giờ đang ôm một vấn đề nan giải có nguồn gốc sâu xa, là sự lộng hành của quan Gia lão cao nhất, Hori Shogen. Nhưng các quan nhiếp chính như bọn Sugiyama cũng có trách nhiệm về sự lộng hành của Hori nữa.

Bảy năm trước đây, phiên trấn đã lâm vào nạn mất mùa khốc liệt chưa từng có. Cũng do thiên tai, thời tiết quá tệ. Năm đó, đã không có một giọt mưa nào suốt trong thời kỳ trồng lúa và cả sau đó nữa, mặt trời gay gắt nung đốt khắp các ruộng đồng cứ như trong những ngày nóng nhất giữa mùa hè. Mọi người lo âu. Bọn nông dân cực nhọc dè xẻn từng giọt nước, chờ mong đến mùa mưa. Nhưng mùa mưa đến, chỉ mưa không tới mười ngày đầu tháng sáu, chưa kịp thấm xuống đất ruộng đã khô nẻ, thì dứt mất. Rồi đến cuối trung tuần tháng sáu thường năm vẫn là hết mùa mưa, lại có mưa, nhưng là thứ mưa lạnh cóng suốt năm ngày liền, qua ngày thứ sáu thì mưa lớn chưa từng thấy, suốt một ngày một đêm, mưa đổ ào ào tối tăm trời đất đến không phân biệt được là ban đêm hay ban ngày, tất cả sông ngòi, cống rãnh trong phiên trấn đều ngập lụt. Đến khi mưa tạnh thì tất cả ruộng đồng trên vùng đất bằng đều ngập sâu dưới nước lũ. Mà không chỉ ruộng đồng, cả con sông Gokengawa chảy trước mặt thành cũng tràn nước ra khiến các xóm quanh thành đều xâm xấp nước, đê vỡ phía hạ lưu cuốn trôi mấy nhà dân trong làng. Lúc nước rút đi thì vừa đến mùa nắng tháng bảy, đám lúa sống sót qua cơn lũ, lần này lại bị gió mạnh từ núi non nơi ranh giới phiên trấn thổi qua suốt ngày này sang ngày khác, đập tơi tả đám ruộng đồng xơ xác. Hạt lúa không nở thêm được. Thảm hoạ mất mùa chẳng thể nào tránh khỏi.

Lãnh địa này năm ngoái đã thu hoạch kém rồi, nhưng phiên trấn gặp lúc khó khăn về tài chính, đã ráo riết bắt dân đóng thuế để nạp niên cống cho Phủ Chúa Tokugawa, đến nỗi tất cả các thôn làng không còn mấy nhà không phải vét cả lúa cũ để đem nộp thuế. Đến năm nay lại bị đại hoạ mất mùa! Ai cũng lo phen này hẳn sẽ có người chết đói trong phiên trấn.

Phiên trấn phải bắt đầu áp dụng triệt để phương sách chống đói, một mặt cho người lên vùng kinh kỳ đặt mua lúa gạo, ngũ cốc, mặt khác ra lệnh cấm mang lúa gạo trong phiên trấn ra khỏi lãnh địa, và kêu gọi hạn chế khẩu phần. Nhưng chẳng cần phải đợi phiên trấn chỉ thị như thế, dân chúng đã tranh nhau lên núi đào cả củ dong (hoàng tinh), củ warabi (bracken fern). Củ cải trắng, củ cải tròn (turnip), khoai lang trắng, khoai lang đỏ,… thì hái lá phơi khô làm thức ăn, đến cả lá mã đề, rau nghề (polygonum), lá cây kế (thistle) cũng hái luộc cho đỡ đắng chát mà ăn độn.

Đúng như mọi người lo sợ, phiên trấn đã bị nạn đói hoành hành từ mùa thu cho đến hết mùa đông, dân chúng khổ cực vì đói và rét. Qua đến tháng ba, cuối cùng lúa gạo đặt mua ở vùng kinh kỳ mới được chở đến, phiên trấn thi hành chế độ cung cấp theo ưu tiên các nhà trong thành trước rồi đến các phố, các làng, lúc ấy mới có gạo, đậu nành, lúa mì được bán ra. Phiên trấn lại tổ chức cho vay cho những nhà không có tiền sẵn để mua gạo, còn dân nghèo mạt không vay nổi nữa thì các quan chức trong khu phố, trong làng xã ghi tên vào sổ rồi phát gạo cứu tế mỗi người mỗi ngày một hợp rưỡi (chừng 0,27 lít).

Các quan nhiếp chính đương thời đã gắng gượng giải quyết được, không để người dân nào phải chết đói, nhưng sau đó phải đau đầu vì tài chính kiệt quệ. Niên cống quy định nạp cho Phủ Chúa Tokugawa chỉ mới thu chưa tới một phần ba, phần thiếu hụt phải vay nợ mà bù vào. Mà chẳng dự đoán được đến lúc nào thì có thể trả được món nợ đó, và thu lại được phần công quỹ của phiên trấn đã xuất ra để chống nạn đói. Bởi sau một năm thu hoạch kém rồi một năm mất mùa thê thảm liên tiếp như thế, mọi thôn làng đều kiệt quệ cả rồi.

Mùa xuân lại đến mà nhiều nhà trong các làng đã cạn hết lúa giống để gieo. Trong số những nhà đó, nhiều người đã không thể vay nợ mà mua lúa giống, thêm vào các món nợ đã phải gánh vác suốt hai năm không trả được, đành phải bỏ ruộng đất lên phố tìm việc làm không trả công chỉ để có miếng ăn.

Đã bắt đầu có ruộng đồng bỏ hoang như phiên trấn đã lo ngại. Ruộng bỏ hoang không bán được thì phiên trấn có lệ cho các làng cùng nhau canh tác, nhưng lệ ấy trở thành gánh nặng thêm cho người dân. Bởi ai cũng phải lo làm ruộng của mình, đã hết sức rồi. Qua xuân rồi mà vẫn còn có nhiều đám ruộng chẳng ai làm rải rác khắp các thôn làng. Không khí chán nản rã rời bao trùm các làng xã đang nợ nần chồng chất.

Trong tình trạng như thế, phiên trấn vẫn phải liên tục xuất tiền công khố ra đều đều. Phiên trấn đã ban hành lệnh kiệm ước, nhưng chính sách nào cũng chỉ có tác dụng như giọt nước nhỏ xuống cục đá đã nung nóng mà thôi.

Dù vậy, vấn đề tiên quyết vẫn là phải lo liệu làm sao cho có tiền để cứu vãn nền nông chính đang bị thương tích trầm trọng. Sau Tết, các quan nhiếp chính cho gọi từng nhà phú thương quanh thành đến để thương lượng vay tiền, nhưng bọn thương nhân này cũng đã cho phiên trấn vay nhiều rồi, chưa lấy lại được, nay lại nghe chuyện vay thêm món tiền lớn, đừng nói đến tiền lời, ngay cả có thể thu vốn lại được không cũng chẳng biết, ai nấy đều lộ vẻ khó xử. Kết cuộc, sau một kỳ thương lượng kéo dài, số tiền phiên trấn vay được không đạt đến một phần năm của số cần vay.

Việc thương lượng đã thất bại. Ngay sau đó, ba quan Gia lão và một quan Trung lão đã phải từ chức. Chỉ còn lại hai quan nhiếp chính là Gia lão Naruse Chuzaemon và Trung lão Sugiyama Tanomo. Thay vào đấy, Hori Shogen từ trưởng tổ thăng lên chức Gia lão, và thêm một quan Gia lão mới là Nozawa Ichibee cũng là người của phe Hori. Đời cha Hori đã làm quan Gia lão thứ nhất lâu năm, là người đã để lại trong phiên trấn một phe đảng kín đáo và có thế lực mạnh là phe Hori. Nozawa cũng là nhân vật đã có thời làm quan Gia lão rồi. Thế là hai người cùng phe phái thế lực này đã trở lại nắm quyền nhiếp chính trong phiên trấn. Thêm vào quan Gia lão Naruse Chuzaemon còn bám lại được, và quan Trung lão Sugiyama Tanomo được thăng lên Gia lão, bốn người này giữ trọn bốn chức vị Gia lão của phiên trấn. Cấp Trung lão thì có hai người mới là Yoshimura Kizaemon và Kataoka Jinnojo. Hai người này cũng ngả về phe Hori.  

2

Từ thời làm trưởng tổ, Hori thỉnh thoảng vẫn phê phán chính sách của ban nhiếp chính cũ, và về đối sách sau vụ mất mùa, Hori đã khoe khoang rằng mình có phương sách khác hữu hiệu hơn, nên đến khi vào ban nhiếp chính, trở thành quan Gia lão thứ nhất, Hori lập tức đưa phương châm của mình vào việc cai trị phiên trấn.

Trong phiên trấn có một hãng chuyên chở tên là Notoya, chủ là Manzo, nghe đâu là một doanh nhân mới nổi, tài sản cự đại, sở hữu hai chiếc tàu trọng tải cỡ một ngàn hộc [2] và nhiều tàu 300 hộc, 500 hộc. Notoya có cơ ngơi ở xóm cảng Sugawa cách thành chừng 4 dặm (khoảng 16 km). Trước đây, phiên trấn đã có hai lần tiếp xúc với Notoya. Một lần khi Mạc Phủ bảo phiên trấn giúp việc trùng tu đền chùa, phiên trấn túng tiền phải hỏi vay Notoya 5 ngàn lạng vàng, và lần kia, chính Notoya đã xin thầu công trình khai khẩn vùng ruộng mới Ashino, là công trình khai hoang quy mô lớn nhất của phiên trấn. Nhưng cả hai lần thương lượng ấy đều thất bại. Lý do là Notoya khác hẳn với các thương gia gần thành, đã đưa ra điều kiện khắt khe nhắm việc cho vay kiếm lời lớn. Phiên trấn gặp hồi túng thiếu, vừa ý thức mức giàu có vượt bậc của Notoya Manzo, vừa ngán sợ nhà buôn nhiều thủ đoạn luôn luôn hăm hở kiếm lời này sẽ có thể chi phối chính sách cai trị của phiên trấn.

Quan Gia lão mới Hori thản nhiên dùng tiền bạc của Notoya trong các chính sách của phiên trấn. Trước hết, với danh nghĩa cứu tế bọn võ sĩ cấp thấp đã khốn cùng vì tiền vay mua gạo, Hori vay một vạn lạng vàng từ Notoya để sung vào kho, bù lại, giảm lãi suất trên tiền đã cho bọn võ sĩ vay. Tiếp đó, Hori mở đường cho các thôn làng vay tiền trực tiếp từ Notoya với lãi suất hạ bớt mà không cần phải qua chính quyền phiên trấn, từ đó Notoya có thể trực tiếp cho các thôn làng vay tiền chi dùng và mua lúa giống. Việc nhà buôn cho vay tiền được phiên trấn công nhận chính thức trong chính sách vận hành làng xã như thế, từ ngoài nhìn vào có thể xem đấy là một phương sách cứu tế của phiên trấn đối với các làng xã nghèo túng. Và về sau sẽ ra sao chưa biết, chứ sự thực là nhờ vào tiền cho vay của Notoya mà không khí bi quan nặng nề u ám trong các làng thôn đã bắt đầu có được chút sinh khí tươi tắn hẳn lên.

Các quan nhiếp chính cũ và bọn Naruse Chuzaemon, Sugiyama Tanomo nín thở trông chừng các chính sách cai trị mạnh dạn theo ý Hori, nhưng không ai có can đảm ra mặt dị nghị gì cả. Ngay cả trong đám nhiếp chính cũ, cũng đã có người có ý muốn dùng lực tiền bạc của Notoya để đưa sinh khí vào các chính sách của phiên trấn rồi. Đám nhiếp chính cũ kể cả Naruse và Sugiyama không khỏi lo ngại rằng với các chính sách của Hori, nhà buôn Notoya sẽ càng ngày càng dính chặt vào nền chính trị của phiên trấn, và cả nông thôn cũng sẽ bị trói chặt vào tiền bạc của Notoya, đến lúc nào đấy có thể sẽ nảy sinh nhiều tệ hại to lớn. Nhưng thấy Hori hùng hỗ thúc tiến việc nối kết Notoya vào các chính sách của phiên trấn với hậu thuẩn hùng hậu của phe Hori, họ chỉ có thể im lìm chờ xem sự việc sẽ tiến triễn như thế nào mà thôi.

Bây giờ thì bắt đầu đã thấy được tiến triễn như thế nào rồi. Notoya đã đầu tư vào các làng xã bằng cách thu mua các ruộng đất bỏ hoang, trở thành địa chủ. Trước đấy cũng đã có sự kiện một số quan chức Chưởng quản địa phương, Quản lý làng xã,… dạm bán ruộng đất bỏ hoang cho các nhà buôn giàu có, và đã bị phiên trấn xử phạt nghiêm khắc rồi. Nhưng bây giờ, Notoya công nhiên thu mua ruộng đất bỏ hoang, lại dùng tiền đã cho các làng xã vay để thu mua ruộng đất ấy dưới danh nghĩa cứu tế, nên chẳng bị xử phạt gì cả. Chính sách của phiên trấn xưa nay về việc khai khẩn ruộng đất mới, là để đào tạo những nhà nông tự canh tự túc vững mạnh, nhưng thực tế, chính sách được xem là căn bản về nông nghiệp ấy đã thất bại hoàn toàn, tạo ra đa số nông dân thuộc thành phần tiểu nông và sắp sửa xuất hiện một địa chủ khổng lồ chưa từng có trong phiên trấn. Notoya hào phóng cung cấp tiền bạc cho đủ loại chính sách của phiên trấn theo kiểu cho vay nhẹ lãi, thoạt nhìn chỉ thấy mặt nạ hợp tác nhiệt thành, nhưng tất nhiên thực chất vẫn là được ưu tiên cho phiên trấn vay nợ. Notoya đã bám chặt vào con nợ vững vàng nhất là phiên trấn, để khuếch trương thế lực tiền bạc một cách vững chắc. Notoya lại mở thêm chi nhánh ở gần thành, bây giờ thì chuyện bọn phiên sĩ làm việc trong thành lũ lượt theo nhau thậm thụt ra vào chi nhánh ấy để vay tiền, đã thành thứ bí mật mà ai cũng biết.

Notoya trở thành Chúa Cứu thế cứu phiên trấn khỏi nguy cơ tài chính, nhưng mặt khác, không ngừng bòn rút tiền lời từ thân thể bệnh hoạn của phiên trấn, không khác gì một loài ký-sinh-trùng khổng lồ. Đã có tiếng chỉ trích như thế, nhưng Hori Shogen vẫn thản nhiên. Ông ta chẳng tỏ vẻ gì là định nới tay bớt cấu kết chặt chẽ với Notoya, mà ngược lại, đã đàn áp thẳng tay những kẻ nào dám phản đối. Quan Quản lý làng xã Takayanagi Shohachi nghiêm khắc phê phán chính sách nông nghiệp đặt nền tảng trên tiền vay từ Notoya, ngay ngày hôm đó đã bị bãi chức, phạt đóng cửa, giam tại nhà 50 ngày. Quan Chưởng quản địa phương Mitsui Yanosuke điều tra cặn kẽ việc Notoya thu mua ruộng đất bỏ hoang, âm thầm ghi vào báo cáo trần tình, đã bị chuyển chức, đá bay ra làm Quản lý làng xã ở vùng biên cảnh hẻo lánh. Phụ tá quan Chưởng quản việc kế toán là Suwa Sanshichiro ghi chép tỉ mỉ tình trạng vay tiền từ Notoya kèm với đề nghị cải tổ trong bản điều trần định thưa lên Lãnh Chúa là Hầu tước Izumi-no-kami, lập tức mọi giấy tờ ghi chép báo cáo bị tịch thu, đương sự bị giảm bổng lộc chỉ còn một nửa, và bị đẩy ra làm việc ở đồn canh biên giới.

Nhưng sự chuyên quyền lộng hành của Hori không chỉ nhắm vào phe đối lập mà thôi. Suwa Sanshichiro là người thận trọng nên các hồ sơ điều tra và thư điều trần đều có bản sao phòng hờ cả. Các bản sao này đã được người bạn thân của Suwa phục vụ bên cạnh Lãnh Chúa lén trình lên. Nghe đâu người Hầu tước trẻ tuổi này đọc các bản ấy thì nổi giận đùng đùng. Hori nghe thế, dần dần rắp tâm thay đổi cả Lãnh Chúa nữa.

Hori nhắm đến chuyện phù lập người em thứ ba của Lãnh Chúa là Yogoro. Lãnh Chúa Masatomo tước Hầu Izumi-no-kami là người thông minh, có chí khí, nhưng cơ thể lại yếu đuối, hay bị bệnh. Vì thế, đã 32 tuổi rồi mà vẫn chưa có con. Hori chú tâm vào nhược điểm đó mà bắt đầu tính kế ép người Lãnh Chúa thông minh mà khẳng khái này về hưu sớm, nhường chức Lãnh Chúa lại cho người em thứ ba tính tình mềm mỏng dễ bảo.

Bức thư bí mật mà quan Gia lão trú đóng ở Edo [3] là Hanzawa Sakubee đã gửi cho Sugiyama, báo tin rằng nửa tháng trước đây, Hori đã đột ngột lên Edo với danh nghĩa viếng thăm Lãnh Chúa đang bị bệnh phải dời ngày về xứ [4], nhưng mục đích thật sự là gặp Lãnh Chúa để kề cận mà cưỡng ép Lãnh Chúa sớm quy ẩn. Hanzawa còn ghi thêm nhận xét riêng rằng Hori đã không chờ đến lúc Lãnh Chúa về xứ, là vì sợ gây náo động quá lớn tại phiên trấn nhà. Hanzawa đã viết đến mức như thế, hẳn là có nắm được bằng chứng gì đấy rồi.

Đâu từ hai năm trước, Hori đã bắt đầu lộ rõ những hành vi chuyên quyền, coi như dưới mắt hắn chẳng có ai. Hori nhận tiền hiến tặng của Notoya để xây biệt thự, là một trong những hành vi ấy. Mặc cho đám võ sĩ gia thần của Lãnh Chúa và dân chúng trong phiên trấn đang lâm cảnh khốn cùng, Hori cứ mỗi tháng một lần, đến biệt thự ấy ngang nhiên bày ra những trò ăn chơi hào phóng, phung phí đến nỗi người ta trầm trồ đồn ầm lên.

Những chuyện như thế và âm mưu thay đổi Lãnh Chúa của Hori đã bị một số trọng thần của Lãnh Chúa là bọn Sugiyama nắm được từ trước mà âm thầm suy tính cách đối phó, nhưng nay, theo những gì Hanzawa đã viết trong bức thư bí mật kia thì đã đến lúc không còn có thể để mặc như thế được nữa rồi.

Cha của Hori ngày trước làm quan Gia lão thứ nhất cũng đã chuyên quyền bạo ngược đến phải bị xử phạt, trục xuất ra khỏi ban nhiếp chính. Có vẻ chuyên quyền là bản tính gia truyền trong máu nhà Hori, đời con là Shogen lại bắt đầu lộ ra những hành vi chuyên quyền lộng hành còn hơn cha hắn nữa.

“Chuzaemon, với Tanomo, và Jinnojo……”.

Sugiyama Tanomo gập ngón tay đếm. Bọn Sugiyama là phe đối nghịch với phe Hori, không thể  ngậm miệng mà nhìn Hori lộng hành được nữa nên đã thuyết phục quan Trung lão Kataoka Jinnojo, bí mật kéo về phe mình.

“Ban nhiếp chính hiện giờ, hai phe cân sức nhau đấy. Nhưng nếu tính Hội nghị Trọng thần có ông và Kano Mataza tham gia nữa thì……”. Sugiyama nhìn Terauchi Gonbee chăm chú, vừa gập ngón tay đếm tiếp, vừa nói: “… trừ hai người đứng trung lập, phe chúng vẫn còn hơn được hai người”

“Thế dùng quan Kiểm sát Yano mà mở Hội nghị Giám sát thì sao nào?”

“Không, Yano không dám đâu. Tuy không thuộc phe Hori nhưng Yano sợ Hori lắm”.

“Thế thì đâu còn cách nào nữa nhỉ!”.

Terauchi bực bội bồn chồn, chộp lấy chén trà đặt trên chiếu đưa lên miệng, mới thấy chén trà đã cạn, nên bực dọc đặt chén trà trở lại trên đĩa hứng.

Thấy thế, Sugiyama nói:

“Hay là ta nghỉ một lát, gọi trà uống nhé?”

“Thôi, đêm cũng đã khuya rồi. Chúng ta tiếp tục đi”. 

“Thế à?”. Sugiyama nhìn lại Terauchi và Otsuka rồi nói tiếp. “Ta nghĩ là phải mở Hội nghị Trọng thần để công nhiên đàn hặc sự lộng hành của Hori một lần mới được. Việc này thì để ta lo. Trong hội nghị đó, vạch trần ra chuyện Hori đã ép Lãnh Chúa về hưu sớm, thì bọn Hayasaka đang đứng trung lập ấy hẳn sẽ phải ngả sang phía chúng ta”.

“Nếu không nắm được chứng cớ vững chắc thì hắn sẽ thành con rắn trốn vào bụi rậm, ngược lại sẽ có thể buông một mẻ lưới tóm trọn phe ta mà diệt đi đấy”.

“Tất nhiên là phải nắm vững chứng cớ rồi mới làm chứ!”.

“Dù sao, Hori Shogen là kẻ cương ngạnh lắm đấy”. Terauchi thận trọng nói tiếp. “Giả thử nhờ đấy mà nắm cổ được hắn đi nữa, Hori chẳng phải là kẻ vì thế mà sợ hãi, co rút lại đâu. Hắn thừa biết là nếu hắn co rút lại, thế nào cũng bị đuổi theo bắt tội mất”.

“Chính vì thế mà ta có chuyện muốn bàn đây”.

Sugiyama Tanomo nói, rồi cúi mặt xuống trầm ngâm như lắng nghe tiếng dầu cháy trong đèn lồng một hồi, xong ngẩng khuôn mặt dài có phẩm cách ấy lên. Khuôn mặt ấy lộ rõ vẻ căng thẳng, dù đang ở trong nhà mình vẫn nói với giọng thì thầm:

“Trong hội nghị, nếu tranh thủ được cho thế lực của phe ta cân bằng với phe kia, thì sau đó, có một phương sách xử trí…”.

“……”

“Đó là: phía chúng ta quyết liệt đòi hỏi Hori phải từ chức, nếu hắn thuận thì ta gọi quan Kiểm sát đến chấp hành ngay, còn nếu hắn khăng khăng không nghe thì ta phải xử trí hắn ngay tại chỗ mà thôi. Các ông nghĩ sao? Naruse Chuzaemon trước nay vẫn hay nhắc đến chuyện phải tru diệt Hori đi đấy”.

“……”

“Đã ra mặt đối lập quyết liệt như thế rồi, nếu Hori bước ra khỏi hội nghị được mà không bị thương tích gì thì phe ta thua mất. Sau đó, phe ta sẽ khốn đốn như thế nào, ai cũng thấy rõ rồi đấy”.

“Đúng thế!”. Terauchi nói, như bị nghẹt thở. Im lặng một hồi rồi nói tiếp: “Chắc chẳng còn cách nào khác nữa rồi. Nhưng mà, việc này cần được sự đồng thuận của các vị khác không có mặt ở đây nữa chứ”.

“Không, không còn thì giờ nữa đâu. Vả lại, nếu phe ta cứ hội họp mãi thì địch sẽ nghi ngờ”. Sugiyama lắc đầu. Lần đầu tiên ông dùng chữ “địch”. “Cũng tùy thông tin tiếp theo của Hanzawa, nếu quả thật Hori đã làm chuyện đúng như Hanzawa cho biết, thì chúng ta phải lập tức cho sứ giả lên Edo gấp mà xin Lãnh Chúa hạ sắc lệnh…”

“Nghĩa là lệnh chém Hori đấy?”

“Đúng thế. Phải chém chết theo lệnh Lãnh Chúa đấy”.

Sugiyama nói thẳng thừng. Ba người đưa mắt nhìn nhau.

Sau một hồi im lặng, Terauchi nói:

“Vậy thì, chỉ còn chuyện chọn kẻ nào làm sát thủ thôi”.

“Sát thủ?”. Sugiyama có vẻ vẫn còn bận tâm về sự trọng đại của quyết định ghê gớm vừa rồi, nên đưa mắt thờ thẫn nhìn Terauchi. “Sát thủ thì ai cũng được chứ gì. Cứ chọn trong đám võ sĩ trẻ ra người nào giỏi kiếm là xong”.

“Không, không, không được đâu!”. Terauchi ngạc nhiên về sự hồ đồ của quan Gia lão. “Hori luôn luôn có người hộ vệ bám sát theo. Là Kitazume Hanshiro thuộc tổ Cận vệ. Kitazume đã tập kiếm theo phái Itto (Nhất Đao) ở võ đường Ono trên Edo, nghe nói trong phiên trấn không có kiếm sĩ nào hơn hắn. Hội nghị Trọng thần thì hẳn là Hori sẽ ngang nhiên mang theo Kitazume Hanshiro để bảo vệ cho hắn rồi”.

“Thế cơ à? Thế thì khó tính nhỉ!”

“Vả lại, chính Hori thời trẻ cũng đã vang danh kiếm sĩ ở võ đường Hirata gần thành đấy. Thêm tấm thân to lớn của hắn nữa. Bảo là chém Hori theo lệnh Lãnh Chúa, nhưng nếu không thanh toán ngay được thì cả phòng hội nghị biến thành điạ ngục mất”.

“Hừm…”

“Trước nhất, sát thủ thì chí ít cũng phải chọn người ngang tài với Kitazume Hanshiro mới được”.  

Sugiyama đưa hai bàn tay lên ôm lấy mặt, ngón tay ấn bóp vào đôi mắt mệt mỏi. Những tưởng cuối cùng rồi cũng đã nghĩ ra được phương sách dẹp bỏ sự chuyên quyền của Hori ra khỏi nền chính trị của phiên trấn, ai ngờ ở bước cuối này, lại nảy ra vấn đề nan giải thế!

Sugiyama buông tay ra, nói với giọng mệt mỏi tột cùng:

“Không nghĩ ra được người nào     sao?”

“Xà…”

Terauchi khoanh đôi cánh tay to mập, nghiêng đầu suy nghĩ. Nhưng không nghĩ ngay ra được người nào, ông nghẹo cổ ngước nhìn lên trần nhà. Cả ba người im lặng mà bồn chồn như thế một hồi lâu, cuối cùng người nãy giờ chẳng nói gì là Otsuka Shichijuro rụt rè mở lời:

“Tôi nghĩ là ngài cân nhắc xem có thể giao việc ấy cho Iguchi Seibee được chăng?”

“Iguchi?”

Sugiyama và Terauchi cùng quay sang nhìn Otsuka.

Sugiyama nói tiếp:

“Tên nghe lạ quá. Người như thế nào chứ?”

“Thưa, anh ta làm việc trong tổ Kế toán, bổng lộc tôi nhớ có lẽ khoảng 50 hộc”. Otsuka đáp, khuôn mặt ngăm đen mỉm nụ cười khổ sở. “À, anh ta được một số người biết dưới biệt danh là võ sĩ hoàng hôn đấy ạ”.

Hoàng hôn à? Nghĩa là thế nào?”

“Thưa, nghe đâu lúc hoàng hôn xuống là anh ta mạnh mẽ năng động hẳn lên”.

“Ta hiểu rồi!”. Sugiyama vỗ đầu gối rồi nhăn mặt. “Anh ta là bợm rượu chứ gì?”

“Thưa không, không phải thế! Xin thứ lỗi đã nói vòng vo như thế”. Otsuka lộ vẻ sợ sệt. “Chỉ là Iguchi phải làm tất cả mọi việc trong nhà đấy ạ. Tôi không thấy tận mắt, nhưng nghe nói Iguchi từ thành về là phải chuẩn bị cơm nước, quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần, làm việc hùng hục như cái bánh xe lăn mãi không ngừng”.

“Thế anh ta không có người nhà sao?”

“Vợ thì có đấy, nhưng đã bị bệnh nằm một chỗ nhiều năm nay rồi, nên anh ta phải một mình lo liệu tất cả việc nhà đấy”.

“Hà hà…”. Sugiyama và Terauchi nhìn nhau. “Thế thì đáng khen lắm. Thương vợ bị bệnh mà gần gũi chăm sóc như thế là tốt lắm”.

“Nhưng có lẽ vì thế mà anh ta mệt mỏi, nghe nói có lúc đang làm việc ban ngày trong thành, anh ta  đã ôm bàn toán mà ngủ gật gì đấy, nên đám người làm cùng tổ Kế toán mới đặt cho danh hiệu là Seibee hoàng hôn đấy ạ”.

Sugiyama lộ vẻ bực dọc như đã khen không đúng chỗ.

“Thế Seibee ấy có tài kiếm à?”

“Thưa, theo lời Suwa Sanshichiro thì Iguchi Seibee là tay kiếm vang danh của phái Mukei (Vô hình) đấy”. Otsuka nhắc đến tên của Suwa Sanshichiro nguyên là Phụ tá quan Chưởng quản việc kế toán đã bị Hori Shogen đẩy ra làm việc ở đồn canh biên giới. “Thưa, ở xóm Samezaya có võ đường Matsumura của phái Mukei, từ xưa đến nay chỉ là một võ đường nhỏ ít ai biết đến. Iguchi đã học kiếm ở võ đường ấy, nghe đâu từ thời trẻ đã nổi tiếng tài ba vượt cả thầy dạy nữa”.

“Nói là thời trẻ, thế Iguchi không còn trẻ nữa à?”

“Thưa vâng, hẳn là đã giữa lứa tuổi 30 rồi”.

“Có vẻ chẳng nhờ làm được việc gì mấy nhỉ!”

Sugiyama lắc đầu quay sang ngầm hỏi ý kiến Terauchi. Terauchi Gonbee cũng nghiêng đầu suy nghĩ, nhưng chẳng nghĩ ra được người nào khác, nên đành nói:

“Hay là, ngài thử gọi anh ta đến xem sao?”.

3

Tiếng trống dứt việc trong thành vừa nổi lên, Iguchi Seibee đã nhanh nhẹn thu dọn hồ sơ dưới tay anh, rồi rời phòng việc sớm hơn bất kỳ người nào khác trong phòng. Anh ta lúng búng chào ra về ở ngưỡng cửa, nhưng chẳng ai đáp lại, mà cũng chẳng ai buồn đưa mắt nhìn anh ta. Mọi người đã quen với chuyện Seibee ra về sớm nhất rồi.

Ra khỏi thành, Seibee không bước vội mà cứ bước đều chân nhắm hướng xóm Kitsune. Nửa đường, khi đi qua xóm Hatsune náo nhiệt nhiều tiệm buôn, Seibee ghé vào hiên tiệm rau trái, mua hành củ. Ra khỏi tiệm ấy, đi một đỗi thì ghé mua đậu hũ. Mua sắm nhanh gọn, không chút lúng túng như thế bởi anh đã làm thế mỗi ngày nên quen quá rồi. Mà mua sắm chỉ có thế thôi, sau đó, Seibee hơi cúi mặt xuống, lại bước đều chân hướng về xóm nhà Kitsune.

Mặt Seibee dài như mặt ngựa, râu ria lởm chởm. Chỗ tóc đã cạo sau trán nay cũng đã lún phún tóc. Đến cả áo quần cũng dính cáu bẩn, tay buông thõng củ hành dính đất, người ta đi ngang qua thấy vậy nhăn mặt nhìn anh, nhưng Seibee vẫn thản nhiên bước đều về nhà.

“Ta về đến nhà rồi đây!”

Seibee nói vọng vào trong nhà, rồi đi thẳng vào bếp. Anh đặt hành củ xuống nền đất, lấy thau nhỏ múc nước, thả đậu hũ vào. Xong anh vào phòng uống trà, vẹt cánh cửa kéo ngăn với phòng bên cạnh đang dùng làm phòng ngủ. Nhìn khuôn mặt trắng nhợt của vợ anh bị bệnh nằm suốt ngày ở đấy, Seibee nói:

“Ở nhà không có gì lạ chứ?”

“Vâng, chỉ có hai người bán dạo ghé vào thôi”.

“Hừm”.

Seibee tháo kiếm ra, nhanh chóng thay quần áo. Mấy ngày nay có phần mát trời, nhiều mây trong mùa mưa dầm. Seibee thay sang áo chùng mỏng loại mặc đi tắm, rồi lấy dây buộc ống tay áo lên.

Seibee giở chăn, dịu nhẹ đỡ vợ dậy. Anh xốc nách vợ đứng lên, vòng tay qua ôm thân hình vợ, dìu chân bước loạng choạng của người vợ bệnh, đến nhà cầu. Xong, lại dìu vợ trở lại, đắp chăn cho nằm đấy, rồi anh vào bếp. Trong lúc cơm canh đang nấu trong nồi, anh quét dọn nhà cửa là việc lúc sáng đi vội đã không làm được. Rồi anh đi đóng các cửa ngoài chống mưa.

Hình dáng Seibee tất bật làm việc nhà lúc trời chạng vạng như thế đã bị bạn đồng liêu thấy được mà đặt cho cái hỗn danh có vẻ chê cười là võ sĩ hoàng hôn gì đấy, Seibee cũng biết, nhưng vợ anh ngã bệnh mấy năm nay, trong nhà chẳng có ai khác, nên anh phải làm lấy thôi.

Seibee mang mâm cơm đã làm xong vào phòng uống trà, vừa tiếp cho vợ ăn, vừa ăn phần mình.

“Anh nấu canh đậu hũ tối nay ngon quá!”.

“Ừm”.

“Anh càng ngày càng nấu giỏi ra…… Thật em có lỗi với anh quá”.

“……”

Sau khi dọn dẹp lau rửa chén bát xong, Seibee qua nhà đồng liêu Kodera Tatsuhei để lấy vật liệu đồ làm thêm từ vợ bạn, mang về nhà làm. Anh đan giỏ nuôi dế cho trẻ con chơi.

Seibee mang vật liệu đan giỏ đến khoảng giữa phòng uống trà và phòng ngủ, vừa làm bạn nói chuyện với vợ vừa luôn tay đan giỏ. Thật ra, phần nhiều là vợ anh nói, anh nghe và thỉnh thoảng trả lời vợ mà thôi. Vợ anh suốt ngày nằm trong nhà nghe ngóng chuyện bên ngoài, vậy mà rành chuyện thiên hạ hơn anh cả ngày làm việc ru rú trong thành.

Nói chuyện đủ mệt xong, vợ anh bảo muốn ngủ. Seibee lại đỡ vợ vào nhà cầu rồi đỡ trở lại phòng ngủ, đắp chăn cho vợ, xong đóng cửa phòng lại, sau đó mới chuyên tâm làm việc.

Đã mùa hè rồi! Thế nào khoảng đầu mùa thu cũng phải đưa Nami đến vùng suối nước nóng trên núi để tĩnh dưỡng mới được! Seibee nghĩ thế.

Nami là tên vợ anh, từ năm tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhờ người bà con đưa đến nhà Seibee. Nami nhỏ hơn Seibee 5 tuổi. Nhà Iguchi không có đứa con nào nữa nên nuôi nấng hai đứa bé như hai anh em ruột, chờ khi Nami đến tuổi sẽ gả đi lấy chồng, thế nhưng cha mẹ Seibee lại chết bệnh sớm, nên đã để di ngôn lại cho hai trẻ thành vợ chồng.

Vài năm trước đây, Nami đã nhuốm bệnh lao phổi. Tuy không ho nhiều, cũng không ho ra máu, nhưng mắt Seibee thấy vợ mình càng ngày càng gầy ốm đi. Nami không còn ăn uống được bao nhiêu.

Đồ lang băm! Seibee không khỏi hoài nghi tài chẩn bệnh của Kume Rokuan, y sĩ trong xóm đã đoán bệnh Nami là lao phổi, chẳng hiểu có đúng thật hay không. Chỉ có một điều ông ta nói mà Seibee thấy đúng là: nếu Nami đổi chỗ ở và có thức ăn tốt hơn, thì ít nhất bệnh cũng bớt được phân nửa.

Seibee có được chút hy vọng. Tuy thân phận một võ sĩ quèn lãnh lương 50 hộc như anh thì khó mà nghĩ đến chuyện cho vợ đi dưỡng bệnh ở vùng suối nước nóng trên núi, nhưng có một người chuyên bán vật dụng làm bếp thường ra vào phòng việc của tổ Kế toán, có lẽ đã nghe ai đó kể chuyện nhà anh, đem lòng ái ngại cho gia cảnh của Seibee, mới chịu khó tìm đến anh mà ân cần dặn là anh ta có kinh doanh hai quán trọ ở vùng suối nước nóng Tsurunoki, chỉ cần Seibee báo tin cho biết, là có thể giúp chỗ trọ cho vợ chồng anh ngay. Seibee nghĩ là sẽ nhờ vào lòng tử tế của nhà buôn vật dụng làm bếp ấy mà gắng sức đưa Nami đến dưỡng bệnh ở vùng suối nước nóng trong núi kia ít lâu.

Thầy lang Rokuan còn bảo rằng nếu Nami cứ phải ỷ lại vào chồng về cả thân thể lẫn tinh thần như thế này mãi thì sẽ không thể khoẻ mạnh lại được. Vì thế, Seibee muốn trước khi bệnh vợ mình trở nặng đến mức ấy, phải làm sao đưa Nami đến tĩnh dưỡng ở vùng suối nước nóng Tsurunoki không khí trong lành và thức ăn ngon miệng kia. Nhưng hiện giờ anh vẫn chưa để dành đủ để trả chi phí ấy.

Seibee chợt ngẩng mặt lên. Cửa ngoài vừa vang tiếng đập cửa khe khẽ. Seibee nhăn mày đứng lên, bước xuống nền đất, mở cửa ra thì thấy một người đàn ông trùm khăn đầu che cả mặt, đang đứng ở đấy.

“Otsuka, Chưởng quản địa phương đây”. Người đàn ông lên tiếng, rồi bước vào nền đất, vói tay ra sau đóng cánh cửa lại. “Đang đêm, xin lỗi đã đến quấy rầy anh…”.

Otsuka Shichijuro giở khăn đội đầu ra, nhướng cổ dòm vào phòng uống trà chẳng chút khách khí gì cả, rồi quay sang nhìn Seibee mà nói:

“Anh đi ngay với ta đến xóm Koumi nhé. Ngài Sugiyama bảo là muốn gặp anh đấy”.

“Thưa, ngay bây giờ sao?”. Seibee nhìn Otsuka, có vẻ bối rối. “Có việc gì gấp đấy ạ?”

“Tất nhiên là việc gấp đây. Quan Gia lão bảo thế nào cũng phải gặp anh nói chuyện đấy”.

“……”

“Nhằm lúc anh đang phải làm thêm thế này, thật ta có lỗi quá, nhưng anh đi ngay giúp cho…”

Otsuka nói như dỗ dành.

Seibee trở lại phòng uống trà. Anh cầm thanh kiếm lên đeo vào lưng, vô thức mà lấy tay kiểm chỗ đinh đóng lưỡi kiếm vào cán. Trước khi ra đi, anh kéo cửa phòng ngủ sang xem chừng vợ, thì thấy Nami đã thức dậy, đưa mắt lo lắng nhìn anh.

“Quan Gia lão gọi đến tư dinh ở xóm Koumi, nên ta phải đi đây”.

“Vâng…”

“Về ngay ấy mà. Em ngủ đi!”

Seibee để nguyên cửa phòng mở như thế, chỉ tắt đèn lồng, rồi cùng Otsuka ra khỏi nhà.

4

Sugiyama Tanomo bắt Seibee phải thề nhất thiết không hé môi với ai, rồi mới thổ lộ cho anh biết về chuyện muốn chém Hori theo lệnh Lãnh Chúa.

“Ta đã nghe Otsuka đây và Suwa Sanshichiro ở đồn canh biên giới cho biết về tài kiếm phái Mukei của anh. Anh gắng giúp đi nhé!”

“Xin ngài tha lỗi, nhưng mà…”. Seibee đang cúi đầu thi lễ, ngẩng ngay mặt lên. “Xin ngài giao việc ấy cho người khác…”

“Cái gì?!”. Sugiyama lộ vẻ dữ dằn, quắc mắt nhìn Seibee. “Anh từ chối đấy à?”

“Vâng, nếu được thì…”

“Đồ ngu! Không còn người khác, mới phải gọi anh đến đây chứ! Anh nghe chuyện, đâm hoảng sợ rồi à?”

“Thưa không”. Seibee lắc đầu. “Chỉ vì cuộc họp vào buổi tối…”

“Thì sao?”. Sugiyama nói. “Theo lệ xưa nay, hội nghị bất thường của các trọng thần phải bắt đầu sau khi mọi người từ thành ra về, khoảng 6 giờ tối. Mà ta cũng đã dàn xếp như thế rồi, không thay đổi được đâu”.

“Thưa, buổi tối thì tiện nhân có nhiều việc phải làm, không thể bỏ được…”

“Anh phải lo cơm nước cho vợ đấy chứ gì?”. Sugiyama nói, rồi nhếch môi cười. “Nghe nói anh có biệt danh là Seibee hoàng hôn gì đấy. Phải nấu cơm, quét dọn…”

“Ngoài ra, còn phải đỡ vợ vào nhà cầu, trời nóng thì nấu nước lau mình mẫy cho vợ nữa đấy ạ”.

Otsuka Shichijuro kể thêm những điều ông ta đã nghe người chung quanh cho biết.

“Hừm, thế thì cực nhọc quá nhỉ!”. Sugiyama nín cười, nghiêm nghị nhìn Seibee chăm chú. “Vợ anh phải nín nhịn chuyện vào nhà cầu, chờ cho đến khi anh về kia à?”

“Thưa vâng”.

“Thế thì không tốt! Hại cho thân thể lắm!”. Quan Gia lão lẩm bẩm như thế, rồi trở lại chuyện chính. “Nhưng mà, việc ta bảo anh làm là chuyện lớn của cả phiên trấn đấy. Không đánh đồng với chuyện đỡ vợ vào nhà cầu được. Ngày hôm ấy, hãy nhờ người nào đấy giúp việc ấy đi!”

 ”Thưa quan Gia lão, xin ngài tha cho”. Seibee dập đầu xuống chiếu. “Việc như thế, khó mà nhờ người khác giúp được”.

 ”Nói gì thế! Cứ khuyên bảo vợ, rồi nhờ vợ người hàng xóm nào đấy giúp cho là xong chứ gì!”

Sugiyama nói có vẻ hách dịch như thế xong, sửa giọng mềm mỏng mà dỗ dành:

“Seibee này, việc này mà đầu xuôi đuôi lọt, ta sẽ tăng lương bổng cho anh”.

“……”

“Nếu chức vụ hiện tại không xứng với anh, thì chuyển qua chỗ nào anh muốn cũng được nữa”.

Đến như thế mà thấy Seibee vẫn còn lộ vẻ tần ngần chưa chịu, Sugiyama Tanomo gắng tìm cách chiều chuộng thêm:

“Seibee! cứ nói ra đi. Anh có điều gì mong ước, cứ cho biết. Ta sẽ giúp anh mãn nguyện”.

“Thưa, cũng chẳng có gì…”

“Chẳng có gì là thế nào?! Nghe nói vợ anh bị bệnh lao phổi. Chẳng phải là hiện giờ anh mong ước cho vợ anh lành bệnh đấy sao?”

Lúc ấy, Seibee mới ngước mắt lên nhìn Sugiyama đăm đăm. Sugiyama gật đầu như hứa hẹn với anh.

“Thế, y sĩ nào đang chữa cho đấy?”

“Thưa, y sĩ trong xóm tên là Kume Rokuan đấy ạ”.

“Kume tiếng tăm ra sao nào?”. Quan Gia lão xoay người sang phía Otsuka Shichijuro ngồi bên cạnh, hỏi nhỏ.

“Thưa, chỉ là lang băm đó thôi!”

Nghe Otsuka đáp nhỏ như thế, Sugiyama đằng hắng rồi quay lại phía Seibee.

“Kume là lang băm đấy. Để tên ấy chữa thì không cứu được vợ anh đâu”

“……”

“Ta sẽ bảo Tsuji Dogen là y sĩ thường ra vào tư dinh này chẩn bệnh cho vợ anh xem sao. Dogen là danh y đấy nhé. Bệnh lao phổi gì đấy thì chữa được ngay thôi”.

Có vẻ điều này đã đánh đúng vào tâm nguyện của Seibee rồi. Có điều, chưa biết phải tính sao về buổi tối hôm đó? Seibee suy nghĩ lung lắm, mặt ngẩng lên nhìn trần nhà, miệng há hốc ra rồi khép lại không ngớt.

“Thưa quan Gia lão, ta làm như thế này thì sao ạ?”. Otsuka Shichijuro đề nghị. “Ngày hôm đó, Iguchi về nhà một lúc đã. Các trọng thần tề tựu đầy đủ, bắt đầu buổi họp chắc cũng khoảng 7 giờ tối. Trong khoảng thời gian đó, Iguchi thu xếp việc nhà cho xong, rồi gấp rút trở lại thành, như thế có được không ạ?”

“Nếu được thế thì…”. Seibee nói, có vẻ nhẹ người.

Sugiyama Tanomo tuy vẫn còn chút lo âu, nhưng cũng đành gật đầu.

“Vậy cũng được. Nhưng Seibee không được đến trễ đấy. Anh mà không đến kịp thì kế hoạch này tan thành bọt nước mất”.

5

Chuyện đã xảy ra đúng như Sugiyama Tanomo dự đoán. Hai người trong ban nhiếp chính cũ là Hayasaka Sebee và Seki Gorozaemon, cùng trưởng tổ Higashino Naiki không thay đổi lập trường, nên phe Hori vẫn có phần ưu thế hơn, khiến cuộc họp không tiến triễn gì mấy. Chỉ vạch ra chuyện cấu kết giữa Hori và nhà buôn Notoya mà thôi thì không thuyết phục được số đông ngả sang phía chống Hori được. Quả thật khi nghe chuyện Notoya thu tóm ruộng đất hay Hori ăn chơi xa xỉ, cũng có những người mới nghe lần đầu tỏ vẻ bất bình, hay trong khi Sugiyama Tanomo phát biểu phê phán Hori, trong cử toạ đã có tiếng phụ hoạ mạnh mẽ, nhưng rồi giọng nói hùng hồn của Hori phản luận từng điểm một dần dần lấn át được những tiếng chống đối ấy.

“Cứ phát ngôn như tuồng dùng nhà buôn Notoya là việc xấu, nhưng thử hỏi có phương cách nào khác để cứu vãn ngân sách phiên trấn sau vụ mất mùa đó không? Làm gì có! Quý vị quên điều này thì không được đâu. Chính tiền bạc của Notoya đã cứu được phiên trấn đấy”.

Hori đã thẳng thừng nói ra điều khó nói. Có người nghe mà nhăn mặt nhưng điều Hori nói là sự thực không thể chối cãi được.

“Notoya là nhà buôn đấy. Không có lời thì họ đâu có làm. Cho phép Notoya thu mua ruộng đất bỏ hoang là điều cần đến sự quyết đoán. Bởi xưa nay phiên trấn đã có lệ trên danh nghĩa là ruộng đất bỏ hoang phải được giao cho nông dân canh tác chung. Nhưng đó là sự cưỡng ép quá trớn của phiên trấn, khiến các làng xã bị phiền nhiễu vô cùng. Xử lý ruộng đất bỏ hoang được như thế, Notoya vui mừng, mà phía các làng xã cũng vui mừng, và vô hình trung, phiên trấn lại làm ơn cho Notoya nữa, thế thì đâu phải là một phương sách tồi tệ!”

“Thế nhưng…”. Terauchi Gonbee phản luận. “có rất nhiều nhà buôn trong phiên trấn, mà chỉ một mình nhà buôn Notoya là được ưu đãi mà giàu lên như thế thì nói gì đi nữa cũng không tránh được người ta bất mãn”.

“Có gì đâu mà phải lo!”. Hori nhếch mép cười. “Cứ nuôi Notoya cho béo thêm rồi phiên trấn hút tiền ra từ đấy là được. Gonbee này, chẳng lẽ có nhà buôn nào đấy ta thán chuyện gì sao?”

Sugiyama Tanomo nghĩ: đến lúc này hẳn phải đưa chuyện kia ra mới được. Chứ cứ tranh luận về chính sách kiểu này thì chẳng bao giờ kết thúc. Nếu vạch trần chuyện Hori đã cưỡng ép Lãnh Chúa nhận chịu quy ẩn, rồi về xứ lén lút chuẩn bị phù lập ngài Yogoro, thế nào đám cựu nhiếp chính đang giữ vẻ mặt dửng dưng của những người đứng bên lề kia hẳn không khỏi rúng động. Đám ấy sẽ thấy được ngay trước mắt thực tế của tin đồn Hori chuyên quyền là như thế nào. Lúc này đúng là lúc nên đánh ra đòn tấn công ấy rồi.

Thế nhưng, Iguchi Seibee lại chưa thấy đến. Đúng như mình đã lo ngại! Sugiyama ngao ngán thầm trong bụng. Đã quá 8 giờ tối rồi. Tất nhiên đã đến giờ ước định rồi, thế mà Seibee vẫn chưa trở lại, hẳn là vì còn mất thì giờ lo bợ đỡ vợ gì đấy rồi chứ gì? Đồ ngu! Cứ tối ngày lo hầu vợ thôi!

Đầu Sugiyama chợt nóng lên. Lúc này là cơ hội cuối cùng để vạch trần hành vi phạm thượng ngang ngược đối với Lãnh Chúa mà tuyệt diệt sự chuyên quyền bao lâu nay của Hori. Mà phút cuối cùng của trận tấn công này không thể nào thiếu Seibee được. Nếu chỉ bộc lộ chuyện đó ra mà thôi thì tên giảo quyệt Hori sẽ trốn thoát mất. Hắn mà thoát được thì sẽ phản công hạch tội phe mình. Nếu không có Iguchi Seibee chém hắn theo lệnh Lãnh Chúa cho hết hậu hoạn, thì ta không thể sơ xuất mà đưa chuyện này ra được. Thằng khốn Seibee! Không biết hắn cân nhắc nguy cơ của cả phiên trấn với chuyện vợ hắn bị bệnh, chuyện nào quan trọng hơn? Trong bụng Sugiyama đầy những lời thoá mạ muốn văng ngay vào mặt ngựa của Seibee. Cứ nghĩ ai thì không biết chứ thằng Seibee ấy hẳn là chẳng nhận ra được chuyện nào là quan trọng hơn. Sugiyama càng nghĩ càng bồn chồn tức bực.

“Còn chuyện yến tiệc thì đâu đã đến mức xa xỉ! Chỉ gọi các cô hầu rượu đến chuốc rượu đó thôi!”.

Hori nói, như đang chuyện trò thân mật với ông già Hosoi cùng phe hắn, lúc xưa đã từng làm quan Trung lão, tất nhiên là giọng điệu suồng sã giữa bạn bè với nhau. Hori nói đùa:

“Có điều các cô hầu rượu lại đẹp quá mới nên nỗi…”.

Trong cử toạ vang lên tiếng cười theo đuôi chùng lén. Tất nhiên là từ phe Hori rồi.

Không khí buổi họp chợt mất đi sự căng thẳng. Hori nắm được sự thay đổi ấy ngay, hắn trầm giọng nói:

“Thế thì, sự nghi hoặc đối với tôi hay với đường hướng chính trị trong phiên trấn, như thế coi như đã được giải toả rồi. Phần tôi cũng có chỗ đức độ còn thiếu, nên sẽ xin kiềm chế bớt đi. Nhưng là người phải ra đứng trước mà lãnh đạo về chính trị, thì thế nào cũng bị nghi ngờ này nọ. Lắm khi làm chuyện phải mà lại bị xem là quấy. Điều đó thì chư vị có mặt tại đây đêm nay đều hiểu rõ cả rồi, nên tôi chỉ mong trong tương lai, chư vị hãy mở lòng khoan dung mà phán đoán giùm cho”.

Hori đã khôn khéo dùng buổi họp để tuyên truyền giúp cho phe mình mạnh thêm. Nói ra vẻ đắc thắng như thế xong, Hori đưa mắt chăm chú nhìn mặt Sugiyama và Naruse, hai quan Gia lão đã triệu tập buổi họp trọng thần này. Tia nhìn lạnh lùng.

“Đêm đã khuya rồi đấy. Sao nào? Nhiều người già cả rồi, ta chấm dứt cuộc họp đi chứ?”.

“Xin chờ một chút! Có điều còn hoài nghi đây!”

Sugiyama lên tiếng. Ông đưa mắt trao đổi thật nhanh với Naruse Chuzaemon, rồi Terauchi Gonbee. Iguchi Seibee vẫn chưa thấy đến, nhưng nếu buổi họp chấm dứt lúc này thì phe chống Hori thua mất. Thế nào Hori cũng sẽ phát động nhân sự mà báo thù, khai trừ bọn Sugiyama ra khỏi ban nhiếp chính. Trong lúc tiếp tục đàn hặc Hori, có thể Seibee sẽ đến kịp. Sugiyama đánh cược tất cả vào điểm hy vọng ấy. Nếu Seibee không đến kịp thì đành chịu thua thôi.

Sugiyama rướn thẳng lưng lên. Cảm thấy toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Đêm nóng hầm hập mà sao mồ hôi toát ra lạnh quá đỗi.

“Bốn ngày trước đây, ngài Hori đã lên dinh phiên trấn ở Edo. Tiếng là đi thăm Lãnh Chúa đang bị bệnh đấy, nhưng sự thực lại khác hẳn…”.

Sugiyama lại bắt đầu hạch tội Hori Shogen với giọng đầy khí phách.

Hori ngồi ngay trước mặt Sugiyama, quay sang thì thầm gì đấy thật nhanh với Yoshimura Kizaemon, rồi đưa mắt hung hiểm trừng trừng nhìn Sugiyama. Sugiyama trừng mắt nhìn lại.

Lời Sugiyama kể tội Hori Shogen đã cưỡng ép Lãnh Chúa thoái vị nhân lúc Hầu tước Izumi-no-kami đang bệnh hoạn yếu đuối, đã khiến cho không chỉ những người thuộc phe chống Hori mới nghe đến việc ấy lần đầu, hay những cựu nhiếp chính trung lập, mà ngay cả những người được xem là thuộc phe Hori nữa, cũng bàng hoàng bất ngờ. Có vẻ bọn này chưa được thông tin gì về việc bí mật ấy cả. Tiếng thì thầm lao xao khắp cả phòng họp rộng lớn.

Sugiyama thấy tình thế có bề thuận lợi rồi. Ông nói mạnh hơn, lấn át tiếng lao xao trong phòng:

“Lời than phiền về nhiều hành vi chuyên quyền độc đoán của ngài Hori thì chư vị có mặt tại đây đêm nay đều đã nghe thấy cả rồi. Tất nhiên, kể cả đương sự nữa”. Sugiyama nhìn Hori đăm đăm. “Sự chuyên quyền ấy đã lộ rõ trong chính sách nông nghiệp dạo gần đây, và trong chuyện ưu đãi nhà buôn Notoya như đã nói lúc nãy, nhưng ngài Hori đã dùng những lời biện minh khôn khéo mà khoả lấp. Thế nhưng, đến tội cưỡng ép Lãnh Chúa thoái vị thì khó mà tránh thoát được. Thưa quý vị, chính chuyện này cho thấy rõ ràng là ngài Hori chuyên quyền ngang ngược đến mức như thế nào!”

“Có vẻ vì muốn hại ta mà có kẻ đã phao tin đồn quái dị đến thế đấy!”.

Hori ưỡn ngực, trừng mắt nhìn khắp mọi người trong phòng họp. Rồi quay lại Sugiyama, Hori đột ngột hét lớn:

“Tanomo! ngươi nói như thế phải có chứng cớ chứ! Nào, chứng cớ đâu, trình ra xem!”

“Chứng cớ à?…”

Đúng lúc ấy, Sugiyama Tanomo thấy dáng Iguchi Seibee mở cửa kéo cuối phòng, bước vào.

Thấy Seibee, vệ sĩ của Hori là Kitazume Hanshiro đứng bật dậy, bước đến phía Seibee, nhưng Seibee nhẹ nhàng đưa hai tay ra trước ngăn anh ta lại. Cử chỉ ấy có vẻ uy nghiêm lạ lùng. Seibee cứ thế ung dung bước đến phía trên phòng họp có các trọng thần, rồi ngồi xuống ngay sau lưng Terauchi Gonbee. Sugiyama an tâm.

Lúc đầu, cũng có người ngước mắt nhìn Seibee, không hiểu là có chuyện gì, nhưng thấy Seibee đến ngồi khuất sau tấm lưng to rộng của Terauchi, và Terauchi quay lại nói 2, 3 câu gì đấy với Seibee, thì họ không còn quan tâm nữa, quay lại nhìn về phía các trọng thần. Đúng lúc Hori Shogen giận dữ nói lớn:

“Hanzawa Sakubee là cánh tay phải của Sugiyama ngồi kia, là sự thực trong phiên trấn không ai không biết. Một lá thư của Hanzawa Sakubee thì sao nào? Thứ đó chẳng là chứng cớ gì cả. Chỉ là đồ rác rưởi vô dụng mà thôi”.

“Thế thì xin hỏi ngài Hori Shogen. Ngay đây có một bức thư tự tay Lãnh Chúa viết, do Lãnh Chúa trực tiếp gửi về xứ từ Edo…”.

Sugiyama lấy trong túi ra bức thư bọc trong giấy bao có ấn triện của Lãnh Chúa.

Thấy thế, mọi người lặng thinh như mất cả tiếng nói.

“Nội dung là chính tay Lãnh Chúa viết xác nhận những điều Hanzawa Sakubee đã thông báo trong thư trước”.

“……”

“Đọc thư này lên ngay tại đây cũng được chứ, thưa ngài Hori?”

“Cạm bẫy đấy!”. Hori gào lớn, gương mặt trắng xanh nhợt nhạt. “Đấy là âm mưu hiểm độc định đẩy ta vào cạm bẫy!”.

Hori đưa mắt nhìn khắp phòng họp, nhưng phe Hori phần đông cúi mặt xuống, còn mọi người khác đều hướng mắt lạnh lùng về phía Hori.

“Xin ngài Hori bình tĩnh”.

Từ đầu đến giờ lặng thinh ngồi nghe, cựu nhiếp chính Hayasaka Sebee lớn tuổi nhất trong đám trọng thần, chợt mở miệng nói. Cụ già thường ngày không tha thiết gì đến thế sự này bỗng trừng mắt nghiêm khắc nhìn Hori.

“Nếu việc mà quan Gia lão Sugiyama vừa nói là sự thực, thì là chuyện vô cùng trọng đại. Từ lúc này mới cần suy xét cặn kẽ. Trời đã sáng đâu nào? Xin khỏi phải lo cho người già cả. Sự thực ra sao, phải hỏi cho rõ ra mới được!”

“Thưa ngài cựu Gia lão…”. Hori nói, giọng nghèn nghẹn như bị khúc cây ngáng ngang mũi. “chuyện này có thể là thích thú cho các cụ già nhiều thì giờ nhàn rỗi, nhưng tôi thì không ưa gì lối hội họp như thế này. Xin tha lỗi cho, đến đây thì tôi xin từ tạ mà về nhà! Tuy nhiên…”. Hori ném tia mắt hung hiểm về phía Sugiyama. “Chuyện này, đến lúc nào đấy sẽ phải thanh toán cho xong!”.

“Ngài Hori!”. Sugiyama gằn giọng ngăn chặn Hori đang dợm đứng lên. “Hội nghị chưa chấm dứt. Xin ngài ngồi lại cho!”.

“Chớ có cản ta!”. Hori gầm lên, đứng ngay dậy đi ra cửa.

Lúc đó, Iguchi Seibee thấy Sugiyama đưa mắt ra hiệu, liền chạy như gió, lách qua mọi người, đuổi theo sau lưng Hori.

Seibee gọi Hori một tiếng. Hori quay lại, tay chộp cán kiếm thì Seibee đã rút kiếm chém xuống. Chỉ một nhát kiếm trông có vẻ nhẹ nhàng ấy đã chém Hori ngã gục xuống ngay đấy.

Mọi người đồng loạt đứng bật dậy. Kitazume Hanshiro đứng gần cửa, tay đè lên cán kiếm, chạy bay đến.

“Im lặng! Về chỗ đi!”

Sugiyama cũng đứng phắt dậy, quát lớn. Ông giương tay đưa cao lá thư của Lãnh Chúa lên, phe phẩy như phất cờ:

“Lệnh của Lãnh Chúa bảo chém Hori đây! Xin tuân đọc ngay: nếu không chịu nghe theo, cứ chém chết cho ta. Lãnh Chúa đã ra lệnh như thế. Mọi người khác, không ai được rút kiếm ra. Kẻ nào rút kiếm trái lệnh sẽ bị xem là đấu kiếm vì tư thù mà bị xử phạt đấy”.

6

Seibee ra đến bìa khu phố thì thấy bầu trời xanh trãi rộng bao la. Không có gió, ánh mặt trời chiếu sáng rực phía nam, phả tia nắng ấm mơn man trên da anh. Seibee buông thõng hai bao vải. Một bao đựng đầy trái lê Nhật, trái hồng, những trái cây đúng mùa mà anh đã mua sẵn hôm qua. Bao kia đựng áo quần anh đã giặt phơi hôm được nghỉ việc, cùng với thuốc men mà y sĩ Tsuji Dogen đã cắt cho vợ anh.

Đã bốn tháng trôi qua từ ngày vợ anh đến dưỡng bệnh ở quán trọ suối nước nóng vùng núi Tsurunoki cách thành gần một dặm (khoảng 4 km). Quan Gia lão Sugiyama Tanomo giúp cho đấy, mà thuốc của y sĩ Tsuji cũng có vẻ có hiệu quả, nên vợ anh đã có phần mạnh khoẻ hơn. Lần anh đi thăm khoảng một tháng trước đấy, Nami đã đứng dậy đi lại được trong phòng rồi.

Quan Gia lão đã giúp chỗ trú ngụ cho vợ anh dời đến ở, đổi y sĩ cho thuốc, cắt đặt một người vợ nhà nông thường ra vào làm việc trong tư dinh Gia lão đến chăm sóc cho vợ anh mỗi ngày chứ không làm phiền đến quán trọ. Mọi chuyện đó, Seibee không phải áy náy gì vì quan Gia lão đã hứa như thế rồi.

Sau khi Hori bị tru diệt, chính trị trong phiên trấn đã có nhiều thay đổi, phe Hori bị quét sạch khỏi các chức vụ quan trọng. Sugiyama thăng lên chức Gia lão thứ nhất, Terauchi Gonbee lên chức Gia lão. Những người đã bị Hori đày đi xa, nay được gọi về giữ những chức vụ trọng yếu. Chưởng quản địa phương Otsuka Shichijuro trở thành Trấn thủ bổ tá.

Điều lạ là nhà buôn Notoya Manzo không bị xử phạt gì, có vẻ vẫn tiếp tục giữ được quan hệ với phiên trấn, dù gì đi nữa, bù vào chuyện phe Hori sụp đổ mất điểm tựa cũ, Notoya được giàu thêm và giữ được danh dự.

Sugiyama Tanomo dù đang bận rộn về những cải cách chính trị, cũng không quên cho y sĩ Tsuji Dogen của mình đến chẩn bệnh cho vợ Seibee, còn bảo Seibee nếu có mong ước gì nữa thì nhân dịp này mà nói ra, nhưng Seibee một mực từ chối, chỉ nhận những giúp đỡ cho vợ anh dưỡng bệnh mà thôi. Thực sự, anh cũng chẳng có mong ước gì khác hơn.

Seibee thư thái bước qua cầu cuối phố. Khoảng đó, hai bên đường chỉ còn vài nóc nhà nông dân, rồi vào đường ruộng. Ruộng đã cày xong trãi rộng bao la đến tận dãy núi anh đang hướng đến, tắm đẫm ánh nắng.

Nhưng đi trên đường ruộng ấy không bao lâu, Seibee chợt dừng chân. Anh đứng yên một hồi, rồi đặt tay nải xuống đất, mở dây cột kiếm ra.

Bên đường có một am nhỏ, mái phủ bóng cây. Từ sau am ấy, có dáng người bước lên đường. Kitazume Hanshiro đấy. Trên đường không còn bóng người nào khác.

Seibee im lặng nhìn Kitazume đứng chắn phía trước. Anh nhớ lại lời quan Gia lão Sugiyama đã cảnh báo rằng: nghe đồn là Kitazume muốn giết anh đấy, nên đề phòng.

Kitazume tiến đến gần. Lúc chỉ còn cách khoảng 5 gian (chừng 9 mét), Kitazume rút kiếm ra.

Nhưng Seibee vẫn đứng yên, chân hơi xoạc ra.

Kitazume lướt tới. Hai người im lìm chém nhau chỉ một hiệp. Chỉ một nhát kiếm chém Kitazume ngã vật xuống đất.

Phải đi báo thôi. Seibee nghĩ thế rồi nhặt tay nải lên, quay lại bờ sông. Lúc rửa kiếm cho sạch vết máu, anh chợt nghĩ: nếu đi báo, thế nào cũng bị các viên chức giữ lại thẩm vấn, ngày nghỉ của anh thế là mất toi.

Seibee lau kiếm thật kỹ, tra vào vỏ, rồi xách tay nải bước về phía chòi canh nước sông anh vừa thấy ở phía hạ lưu. Người làm việc trong chòi canh này là một thuộc cấp trong tổ Xây dựng. Seibee định tặng anh ta một trái lê gì đấy, bảo anh ta báo tin cho quan Gia lão Sugiyama biết là có xác người chết trên đường ruộng ấy. Thấy xác của Kitazume, quan Gia lão hẳn hiểu ngay mà xử trí được liền.

Chừng nửa giờ sau, Iguchi Seibee đến bìa làng Tsurunoki vùng suối nước nóng. Dưới bóng cây tùng đầu làng có dáng một người đàn bà đang đứng. Nhìn kỹ thì thấy như không động đậy gì, Seibee nhận ra được ngay dáng người trắng toát ấy là Nami, vợ của anh.

“Em đi một mình được đấy à?”

“Vâng, cũng đến lúc phải cố gắng đi chứ”.

Người vợ khoe nét cười tươi tắn. Đã thấy vẻ hồng hào trở lại trên khuôn mặt ấy.

Seibee nói: “Ta đi nhé!”

Anh hòa theo bước chân vợ, chầm chậm bước trên đường trở lại quán trọ.

“Nhưng mà, chỉ còn ở đây được cho đến mùa tuyết rơi đấy nhỉ!”

“Vâng… em cũng nhớ nhà quá rồi. Vả lại…”

“Gì kia?”

“Nghĩ cũng uổng phí, nhưng em đã bắt đầu ớn các thức ăn đắt tiền ở đây rồi”.

“Thế thì chỉ còn cách về lại nhà thôi. Ta sẽ nấu mấy món thô vụng cho em vừa lòng”. Seibee đùa, vẻ mặt không hứng thú gì mấy. “Khi nào tuyết tan thì lại đến tĩnh dưỡng cũng được. Để ta bàn lại với y sĩ, ngài Tsuji xem sao”.

“Anh à, đến mùa tuyết rơi, có thể em mạnh khoẻ trở lại rồi không chừng. Em muốn sớm lo liệu được cơm nước cho anh”.

“Không có gì phải vội. Em cứ thư thả mà xem tình hình sức khoẻ như thế nào”. Seibee nói.

Trên đường có chỗ đọng nước lầy lội, Seibee cầm tay vợ, đỡ qua đấy.

Ánh nắng trắng xanh của một ngày đẹp trời đầu mùa xuân chiếu chan hoà trên ngôi làng nhỏ ở chân núi này.    

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 12/08-09/09

Chú thích:

Gia lão : Karo, cấp quan cao nhất, giúp Lãnh Chúa cai trị phiên trấn.

    Trung lão : Churo, cấp quan cao thứ nhì, ngay sau cấp Gia lão.

[2] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.

[3] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.

[4] Phủ Chúa Tokugawa đặt ra lệ Sankinkotai (Tham cần giao đại) bắt các Lãnh Chúa (Daimyo) mỗi năm phải đổi chỗ trú ngụ, năm này ở Edo, năm sau ở lãnh địa của mình, để tránh bớt âm mưu phản loạn.

5/5 - (1 vote)

Leave a Comment