David Cay Johnston
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:
David Cay Boyle Johnston (sinh năm 1948) là một phóng viên điều tra và tác-gia người Mỹ, chuyên gia về các vấn đề kinh tế và thuế, và là người đoạt giải Pulitzer năm 2001 cho Báo cáo có bình luận xuất sắc nhất (Beat reporting).
Từ tháng 7 năm 2011 cho đến tháng 9 năm 2012, ông đã là một người phụ trách chuyên mục của hãng thông tấn Reuters, viết và thực hiện video bình luận về các vấn đề toàn cầu về thuế, kế toán, kinh tế, tài chính và kinh doanh. Ông cũng viết bài cho hãng thông tấn Al Jazeera Anh và Mỹ trong những năm gần đây. Và là Giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Luật và Trường Quản trị Kinh doanh Whitman tại Đại học Syracuse.
Dưới đây là bản dịch phần Dẫn nhập – Introduction trong cuốn sách của David Cay Johnston, xuất bản năm 2014: “Divided: The Perils of Our Growing Inequality – Cách biệt giàu nghèo: Những nguy cơ của tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng của chúng ta”.
*
Năm 2001, ngay sau khi George W. Bush nhậm chức (Tổng thống), tôi đã gọi đến văn phòng báo chí của Nhà Trắng để xin lời bình luận của Sở Thuế IRS về số liệu thu nhập quốc dân mới nhất. Người phụ tá phát ngôn của IRS tỏ ra không mấy tin tưởng vào các số liệu chính thức mà tôi đọc lên, đến nỗi tôi phải hỏi: “Thế bà nghĩ số trung điểm của thu nhập quốc dân trên tờ khai thuế ở Mỹ hiện nay là bao nhiêu?” Câu trả lời của bà là: 250 ngàn USD. Và con số thực tế vào thời điểm đó là: 28 ngàn USD.
Những nhận thức sai lầm về mức giàu có hay nghèo đói, vẫn tiếp tục lây nhiễm trong nền chính trị ở Mỹ, ngay trong khi hố sâu ngăn cách giữa những người Mỹ giàu nhất với mọi người khác đã trở thành dấu ấn của thời đại chúng ta. Không có lực tự nhiên nào quyết định thu nhập, của cải và phẩm chất cuộc sống của con người cả. Chính chúng ta quyết định ai sẽ giàu lên và ai không — hoặc chúng ta để mặc người khác quyết định cho chúng ta. Trong các xã hội có chính phủ được bầu cử dân chủ, chính dân chúng là người quyết định số phận của mình, bởi vì khi chúng ta bầu lên các chính trị gia, chúng ta đã quyết định chọn các chính sách của họ, do tổng thống và các thống đốc thực hiện, cùng với Quốc hội và các cơ quan lập pháp, và những người mà họ bổ nhiệm làm thẩm phán và quản lý. Hiện tại, những gì người dân Mỹ chúng ta đã chọn là tình trạng bất bình đẳng cùng cực, tồi tệ nhất vượt xa bất kỳ quốc gia nào có nền kinh tế hiện đại.
Khi lựa chọn sự bất bình đẳng này, chúng ta đã chọn việc từ bỏ một tầng lớp trung lưu rộng lớn và mạnh mẽ với kỳ vọng ngày càng cao, thu nhập ngày càng tăng, tỏa rộng quyền sở hữu nhà ở, và tiếp cận với giáo dục đại học. Khi lựa chọn sự bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, chúng ta đã quyết định làm suy yếu hàng triệu tinh thần, từ khước cơ hội thành công của hàng triệu trẻ em, và biến bao nhiêu người nạp thuế chăm chỉ trở thành những người tàn phế vĩnh viễn và do đó trở thành gánh nặng cho xã hội, đơn giản chỉ vì họ không thể có được phẫu thuật hoặc thuốc men chữa trị để họ trở lại được cuộc sống hữu ích. Chúng ta đã tạo ra một xã hội trong đó tất cả các lợi nhuận kinh tế của quốc gia đều tuôn tràn vào tầng lớp trên cùng, trong khi đại đa số ở các tầng dưới phải chịu thu nhập bị đình trệ hoặc sút giảm. Chúng ta đã phải chấp nhận chuyện phá sản, nợ nần, thất nghiệp kéo dài, lương bổng không tăng thậm chí giảm sút, như một tình trạng bình thường mới. Đồng thời chúng ta đã hào phóng cung ứng tiền mặt, cắt giảm thuế, và trợ cấp kín đáo cho những người giàu nhất trong chúng ta, cho họ càng ngày càng giàu thêm.
Mà có phải luôn luôn như thế này đâu!
Từ cuối Thế chiến thứ hai cho đến đầu những năm 1970, thì đại đa số người Mỹ đã được hưởng thụ cuộc sống tăng tiến đều đặn. Tiền lương tăng và ngày càng có nhiều người lao động được hưởng lợi từ việc làm ổn định cùng với các lợi ích phụ trội như chăm sóc sức khỏe, kỳ nghỉ được trả lương, và hưu bổng tốt. Số lượng việc làm tăng trưởng đều đặn, đặc biệt là những việc làm đòi hỏi trình độ đại học hoặc bằng cấp cao; đồng thời đầu tư của dân chúng vào các nghiên cứu cơ sở đã tạo ra được các sản phẩm cụ thể và các dịch vụ kéo dài tuổi thọ. Thêm nhiều người trở thành chủ nhà, thường nhận thấy rằng số tiền chi trả hàng tháng lại ít hơn so với khi họ còn ở nhà thuê. Nghèo đói vẫn là một vấn đề, nhưng đã giảm dần đi, đặc biệt là đối với những người Mỹ lớn tuổi. Đối với hầu hết các gia đình có trẻ em, thì chỉ cần một người có thu nhập là đủ. Người Mỹ thời đó cũng có các khoản nợ, nhưng mức sống của họ đã phát triển song hành với nền kinh tế. Xe hơi thường được mua bằng các khoản vay 3 năm, chứ không phải các khoản vay 5, 6 hay 7 năm phổ biến hiện nay. Thu nhập thực tế do đại đa số 90% người Mỹ khai thuế liên bang đã tăng gấp đôi từ khi Thế chiến kết thúc cho đến năm 1973.
Thế mà sau đó, cuộc sống của đại đa số người Mỹ ngừng tăng tiến, và một vài năm sau, bắt đầu một thời gian dài trượt lùi đau đớn. Số nghiệp đoàn lao động giảm dần, chuyển quyền quyết định mức lương bổng từ các nhóm công nhân có tổ chức với tư vấn từ các chuyên gia thị trường, sang việc thương lượng riêng lẻ của từng công nhân viên, hoặc thường thì người lao động chỉ còn cách chấp nhận mức lương do chủ hãng quyết định.
Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao đã chuyển hướng từ bù đắp thêm vào tiền lương sang chi trả phí bảo hiểm. Các quy tắc (hiệp ước) thương mại thường có lợi cho các quốc gia khác, đã hủy diệt nhiều việc làm lương cao trong các ngành sản xuất của Mỹ, kể cả hơn 50 ngàn nhà máy và 2,8 triệu việc làm đã dời sang China.
Kết quả là, thu nhập trung bình của đại đa số người Mỹ chỉ tăng trên mức năm 1973 có bốn lần — vào các năm 1999, 2000, 2001 và 2007 — mà thậm chí dù có tăng đi nữa, cũng chỉ tăng tương đương với thu nhập trong một tuần lễ thêm vào mỗi năm mà thôi. Cho đến năm 2012 thì thu nhập trung bình của đại đa số người Mỹ đã giảm xuống chỉ còn tương đương với thu nhập trong 45 tuần lễ của năm 1973 – tức là giảm bớt 13%, xuống còn có 30.997 USD từ mức 35.584 USD năm 1973, tính theo trị giá USD năm 2012.
Rồi từ năm 1998 đến năm 2011, mức lương trung điểm hàng tuần – nghĩa là một nửa số người kiếm được nhiều hơn mức này, và nửa kia thì thấp hơn – lại trì trệ trong khoảng từ 533 USD đến 546 USD theo trị giá năm 2012, sau đó giảm xuống còn có chừng 529 USD vào năm 2012, tức là mức lương 27.519 USD trong trọn năm đó. Và gần một phần ba trong số 153,6 triệu người Mỹ có việc làm ở bất kỳ thời điểm nào trong năm 2012, đã kiếm được ít hơn 15 ngàn USD, mà trung bình thì chỉ được 6.100 USD.
Trong những năm gần đây, hầu như tất cả sự gia tăng thu nhập là từ những việc làm được trả lương trên 75 ngàn USD — tức là cho chỉ một phần tám số người làm việc mà thôi. Mà đặc biệt ở tầng lớp trên cùng thì thu nhập tăng vọt. Năm 2012, số người có việc làm trả lương bằng tiền mặt từ 5 triệu USD trở lên đã tăng 27% đến mức 8.982 người, và lương bổng toàn bộ của tầng lớp này điều chỉnh suất lạm phát thì đã tăng đến 40% so với năm 2011.
Lại nữa, loại việc làm được trả lương cao đã tăng mức lương nhiều đến nỗi vào năm 1994, Social Security Administration – Sở An sinh Xã hội đã phải nâng nấc thang lương bổng cao nhất từ “hơn 5 triệu USD” lên thành “hơn 20 triệu USD”. Rồi năm 1997, lại nâng lên thành “hơn 50 triệu USD”.
Trong khi đó, tiền lương tăng trưởng chậm lại rồi ngừng hẳn — hoặc thậm chí còn giảm xuống nữa — đối với hàng triệu công nhân, và tổng thu nhập trung bình của 90% toàn dân thì bị sút giảm, các khoản nợ đã tăng cao và số phá sản tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng dân số. Kể từ năm 1980, đã có 32 triệu hồ sơ phá sản cá nhân trong nước Mỹ có trung bình khoảng 100 triệu hộ gia đình, nghĩa là cứ khoảng ba hộ gia đình thì một hộ đã phải tìm nơi nấp trốn các chủ nợ.
Vậy mà ở tầng lớp trên cùng thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Ở tầng lớp này, chúng ta không thấy có được bao nhiêu những nhà lãnh đạo doanh nghiệp mạo hiểm bỏ vốn ra tạo thêm việc làm, mà thấy có rất nhiều những giám đốc điều hành, siêu sao giải trí (từ cầu thủ bóng chày cho đến ca sĩ nhạc pop), và những người giàu có khác, nhiều người được trả lương cao. Thu nhập trung bình của 1 phần trăm dân số Mỹ, thuộc tầng lớp trên cùng này đã tăng vững vàng từ cuối Thế chiến đến năm 1973 cùng với mọi người khác, nhưng trong khi thu nhập của đại đa số tăng gấp đôi, thì thu nhập của nhóm 1 phần trăm hàng đầu này chỉ tăng có một phần ba. Thế rồi ngược lại, từ năm 1973 cho đến năm 2012, là những năm mà đại đa số người làm việc chứng kiến thu nhập của mình giảm sút, thì nhóm 1 phần trăm hàng đầu ấy lại có thu nhập trung bình tăng hơn gấp đôi, tăng 153 phần trăm đến trên 1 triệu USD. Nhóm 1 phần trăm hàng đầu kiếm được gần gấp 13 lần mức trung bình của 90 phần trăm còn lại, vào năm 1973, nhưng đến năm 2012, tỷ lệ này đã là gấp 41 lần.
Trong khi thu nhập trung bình năm 2012 của đại đa số đã sụt trở lại chỉ còn ở mức năm 1966 (chính xác là thấp hơn 9 USD so với năm 1966), thì tình hình lại quá tốt cho nhóm 1 phần trăm hàng đầu. Thu nhập trung bình của nhóm này đã tăng gần 441 ngàn USD lên 1.264.000 USD, một mức tăng thực tế gần gấp ba lần thu nhập trước thuế của họ! Mà đối với những người ở tột đỉnh, thì còn phải nói là tuyệt vời mới đúng. 1 phần trăm tột đỉnh của nhóm 1 phần trăm hàng đầu, hay nói cách khác, cứ 10 ngàn hộ gia đình Mỹ thì lại có một hộ đã có thu nhập trung bình tăng vọt như hỏa tiễn từ 5,4 triệu USD năm 1966 lên đến gần 30,8 triệu USD vào năm 2012. Có nghĩa là cứ 1 USD thu nhập năm 1966, mỗi hộ gia đình ở tột đỉnh ấy đã báo cáo thu nhập tăng thành 5,67 USD vào năm 2012. Tất nhiên hầu hết chẳng cứ phải là những người cũ, nhưng các số liệu này cho thấy nước Mỹ đã thưởng thêm cho nhóm tột đỉnh giàu có này như thế nào, trong khi đại đa số (cũng không phải tất cả là những người cũ, 46 năm sau) đã phải chịu giảm sút thu nhập.
Hậu quả là tăng trưởng thu nhập đã tập trung thái quá ở nhóm tột đỉnh đến nỗi trong khoảng từ năm 2009 khi cuộc Đại Suy Thoái kết thúc cho đến năm 2012, chỉ 16 ngàn hộ gia đình trên đỉnh đã thâu tóm đến 31% tổng số tăng trưởng thu nhập trên toàn quốc Mỹ có 315 triệu dân. Số tiền khổng lồ đó đã vào tay chỉ 1 phần trăm của 1 phần trăm người Mỹ ở tột đỉnh mà thôi. Mà chỉ 1 phần trăm ở tột đỉnh ấy đã chiếm đến 94,8% tất cả khoản tăng trưởng thu nhập đó, phần nhỏ nhặt còn lại (5,2%) thì lọt vào tay của 10 phần trăm dân số ở hàng đầu về lương bổng.
Thế còn đại đa số người Mỹ, là tầng lớp 90% dưới cùng thì sao nào? Phân tích báo cáo thuế của các nhà kinh tế nổi tiếng Emmanuel Saez và Thomas Piketty cho thấy rằng trong cùng thời kỳ này, từ năm 2009 đến năm 2012, thu nhập trung bình của tầng lớp này đã giảm đến 15,7%.
Chúng ta lại cũng đã chọn để cho người giàu giữ lại được nhiều hơn phần thu nhập tăng thêm đó của họ. Các gánh nặng về thuế liên bang ở cấp cao nhất đã giảm mạnh, trong khi thuế đánh vào tầng lớp 90% phía dưới lại tăng nhẹ. Trong khoảng từ năm 1961 đến năm 2011, tỉ lệ đóng thuế thu nhập liên bang của nhóm 400 người ở tột đỉnh trong tổng số thuế thu nhập toàn quốc đã giảm bớt 60%. Trong khi cùng những năm đó, gánh nặng thuế đối với tầng lớp 90% dân số ở dưới thì chỉ giảm có 20%. Nếu tính thêm các khoản thuế An sinh Xã hội và Medicare cao lên vào nữa, thì nhóm 400 người hàng đầu giữ được nguyên mức thuế cũ, nhưng gánh nặng thuế của tầng lớp 90% dân số thực sự đã tăng lên một ít. Điều này có nghĩa là chính phủ đã đẩy gánh nặng ngân sách xuống vai tầng lớp người dân ở phía dưới trong bậc thang thu nhập.
Dấu hiệu của tình trạng bất bình đẳng hiện-đại bộc lộ ở mọi nơi. Tư nhân đua nhau dùng máy bay phản lực nhỏ thay cho máy bay động-cơ-piston của những năm 1960. Trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến ngày càng tăng những đội máy bay phản lực khổng lồ Boeing 767 và 747 của tư nhân. Chúng ta thấy ngày càng nhiều khung khán đài riêng tư tại các sân chơi thể thao (được xây dựng chủ yếu bằng tiền thuế từ dân chúng) có các đường dốc vào ra riêng biệt. Hơn 7 triệu người Mỹ sống trong các khu nhà ở có rào kín và trạm kiểm soát. Bằng cách này và vô số cách khác nữa, những người siêu giàu tự tách riêng ra khỏi xã hội về mặt thể xác, văn hóa và tâm lý. Những xu hướng này giúp giải thích làm thế nào mà người phụ tá phát ngôn với báo chí của Nhà Trắng thời Tổng thống Bush lại có thể tin rằng một nửa số dân Mỹ kiếm được hơn 250 ngàn USD (mỗi năm), trong khi thực tế thì chỉ ít hơn một trong năm mươi người mới kiếm được đến mức ấy.
Trong khi đó, tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng hơn. Trong số tất cả các nước phát triển thì chỉ có Romania là có tỷ lệ trẻ em nghèo cao hơn Mỹ mà thôi. Trong bất kỳ năm nào gần đây, hơn 1 phần 5 dân số trẻ em Mỹ sống trong những căn nhà có nhiều bữa không có đủ thức ăn cho mọi người trong gia đình. Trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha sống trong các hộ gia đình mà chính phủ ta gọi là “an ninh lương thực rất thấp” nhiều hơn gấp 5 lần so với trẻ em màu da khác nói chung. Các Food bank – kho thực phẩm từ thiện báo cáo rằng kệ hàng hóa của họ thường trống trơn trước khi trọn hàng người đang chờ được phục vụ cả, và hầu hết khách hàng mới của họ kể từ năm 2008 lại là các cặp vợ chồng có con, đã từng có hai việc làm mà giờ đây thất nghiệp. Đối với những người đã quen với tủ bếp đựng thức ăn đầy ắp và tủ lạnh không còn đủ chỗ cho mọi thứ mua từ cửa hàng tạp hóa về, thì điều này có thể khó mà hiểu cho được. Vậy mà theo thống kê thì ngày nay cứ năm mươi hai người Mỹ mà bạn gặp mặt lại có một người không có thu nhập gì ngoài phiếu thực phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể sống suốt đời mà hoàn toàn không biết bất kỳ ai trong số 6 triệu người Mỹ hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào phiếu thực phẩm để sống còn, bởi vì chúng ta đang quá tách biệt với nhau về kinh tế.
Vào cuối thế kỷ thứ mười tám, các vị vua nước Pháp cũng đã sống trong cảnh sung sướng không cần biết đến tình cảnh nghèo đói xung quanh họ. Một trong số các vua ấy thậm chí còn xây dựng một lâu đài riêng cho tình nhân của mình, trong đó ông ta dự định đặt một chiếc bàn ăn khổng lồ nhô cao lên khỏi nhà bếp bên dưới, để giới quý tộc không bao giờ phải nhìn thấy những người hầu hạ; dự án đó chưa kịp thực hiện thì con trai của ông, vị vua cuối cùng của nước Pháp, đã bị mất đầu. Tương tự như vậy, những người giàu có ở Mỹ rất dễ dàng làm ngơ trước mọi người nghèo khó mà chỉ giao tiếp với những người giàu có như họ vây quanh. Không có liên hệ sâu sắc và liên tục với toàn xã hội, những người giàu có nhất bắt đầu nhìn nhận về bản thân theo cách phủ nhận thực tế những gì đang diễn ra xung quanh họ. Cứ thế, các chính sách mà họ tìm kiếm từ chính phủ — được mua bằng tiền quyên góp trong các cuộc vận động chính trị, hay những lần di chuyển bằng máy bay tư nhân miễn phí, và những việc làm họ cấp riêng cho bạn bè và gia đình của các chính trị gia — đã bóp méo nền kinh tế Mỹ nhiều hơn nữa, nghiêng sân chơi về phía có lợi cho họ mà hại cho tất cả mọi người khác.
Nhưng không thể cứ như thế này mãi được! Vẫn có thể cải thiện được chứ. Chúng ta có thể chọn khôi phục sự thịnh vượng rộng khắp, thay vì thúc đẩy sự thịnh vượng tập trung cao độ đồng thời gia tăng nghèo đói, nhất là tình trạng nghèo đói ở lứa tuổi trẻ em. Chúng ta có thể xây dựng một nước Mỹ tốt đẹp hơn, một nước Mỹ giảm bớt đói nghèo và xung đột, đồng thời triệt hạ quyền lực của những kẻ phiến động mị dân. Tuy nhiên, việc thay đổi các chính sách của chúng ta, trước hết đòi hỏi kiến thức, chẳng hạn như dữ liệu thực tế về thu nhập quốc dân mà người nữ phát ngôn viên hàng đầu ấy của chính quyền Bush đã ngây thơ không biết đến. Thế nhưng ngay cả có được dữ liệu thật đi nữa cũng vô ích nếu không nhận thức được nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng cùng cực hiện tại và các đòn bẩy tác động cần thiết để thay đổi. Thay đổi lại cũng đòi hỏi hành động có tổ chức ở cấp cơ sở nữa, bởi vì ở Mỹ, cải cách luôn luôn thực hiện từ dưới lên.
Xã hội nào cũng được xác định bởi các quy luật của xã hội đó. Bất bình đẳng là sản phẩm của các quy luật được đặt ra bởi những người mà chúng ta đã bầu chọn, hoặc nếu chúng ta không bỏ phiếu, thì để mặc cho đồng bào của chúng ta bầu chọn. Các quy luật đó quyết định một cách kiên cố thành phần nào sẽ thịnh vượng và thành phần nào không, ai sẽ hưởng lợi từ hệ thống thuế của chúng ta và ai sẽ chịu gánh nặng thuế khóa. Nước Mỹ đã khởi đầu với một hiến pháp quy định thành luật rằng phải tôn trọng quyền sở hữu nô lệ, thế nhưng chúng ta đã xóa bỏ chế độ nô lệ, là hình thức bất bình đẳng cực đoan nhất. Và phụ nữ đã giành lại được quyền bầu cử nhờ nỗ lực kiên quyết trong nhiều thập kỷ của Susan B. Anthony, Elizabeth Cady Stanton và rất nhiều người khác nữa. Đạo luật về lao động trẻ em đầu tiên đã đòi hỏi nỗ lực đến nửa thế kỷ, và phải cần hơn một thế kỷ để có được quy luật về độ tuổi tối thiểu và số giờ tối đa cho lao động trẻ em thông qua Fair Labor Standards Act – Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công-bằng năm 1938. Thế mà hiện nay một số tiểu bang lại đã làm suy yếu các luật này, thậm chí một số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Liên bang còn bảo nên bãi bỏ chúng nữa.
Chúng ta có các luật cho phép các công đoàn tổ chức và thương lượng để cải thiện lương bổng và điều kiện làm việc, nhưng chúng cũng đã bị suy yếu rất nhiều trong ba thập kỷ qua. Chúng ta cũng có luật pháp mạnh mẽ về môi trường, nhưng chúng cũng đang bị tấn công dữ dội. Các chiến thắng ấy, các quy luật ấy đã đạt được với cái giá rất đắt, trước đây đã tạo ra được một xã hội tương đối lành mạnh hơn, giàu có hơn, gắn bó hơn, nói chung là tốt đẹp hơn về tổng thể. Theo cách tương tự, ngày nay chúng ta có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nhiều nếu chúng ta lựa chọn tích cực.
Công ăn việc làm đầy đủ cho mọi người là một trong hai nhiệm vụ song hành mà Quốc hội Mỹ theo luật đã quy định cho Federal Reserve – Cục Dự trữ Liên bang, tức là ngân hàng trung ương của quốc gia chúng ta. Nhiệm vụ kia, thường được báo chí và giới quan chức chú ý đến nhất, là kiềm chế lạm phát.
Tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên, đặc biệt là những người có bằng đại học và cao đẳng, sẽ là một lực trì kéo cản trở nghiêm trọng đối với nền kinh tế của chúng ta trong nhiều thập kỷ, trừ khi chúng ta thay đổi hướng đi mà tập trung vào tạo việc làm. Vào cuối năm 2013, nền kinh tế Mỹ chỉ hoạt động ở mức 93% tiềm năng của nó, có nghĩa là khoảng một nghìn tỷ USD (one trillion) hoạt động kinh tế phụ trội là hoàn toàn khả thi trong tầm tay, nhưng lại đã thất thu vì các chính sách sai lầm của chúng ta. Một phần lớn khoản thiếu hụt giữa thực-thu và tiềm-năng kinh tế đã tồn tại, bởi vì nước Mỹ đang thiếu hụt từ 9 triệu đến 11 triệu việc làm, dựa trên dữ liệu trong lịch sử về năng suất làm việc và mức gia tăng dân số. Chúng ta vẫn còn trôi dạt trong tình trạng ảm đạm về kinh tế bởi vì chính chúng ta lựa chọn như thế.
Giáo hoàng Francis I, khi tố cáo “nền kinh tế loại trừ“, đã chọn bất bình đẳng là trọng tâm chú mục và hành động trong triều đại của ngài:
“Cũng như điều răn “Ngươi không được giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói “Ngươi không được” đối với nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế giết mất sự sống. Làm sao đến nỗi khi một người già vô gia cư chết vì đói lạnh nắng gió thì không phải là mục tin tức gì, mà khi thị trường chứng khoán sụt hai điểm thì lại là tin tức náo động đối với mọi người?
Ngày nay, mọi thứ đều tuân theo quy luật cạnh tranh và chỉ kẻ nào mạnh nhất thì sống còn, cá lớn nuốt cá bé. Kết quả là, hàng loạt người thấy mình bị loại trừ hay bị gạt ra ngoài lề xã hội: không có việc làm, không có hy vọng, không có bất kỳ phương tiện thoát thân nào khỏi cảnh đói nghèo.
Chính bản thân con người được coi là hàng hóa tiêu thụ được sử dụng rồi loại bỏ. Chúng ta đã tạo ra một loại văn hóa “vứt bỏ” hiện đang lan rộng. Không còn chỉ đơn giản là bóc lột và áp bức, mà là một thứ gì mới kia. Sự loại trừ như thế cuối cùng phải liên quan đến ý nghĩa “thành phần của xã hội” mà chúng ta đang sống; bởi những người bị loại trừ không còn là ở “dưới đáy” hay “ngoài rìa” của xã hội hoặc “bị tước quyền”, mà họ thậm chí không còn là một thành phần của xã hội nữa. Những người bị loại trừ không phải là những người “bị bóc lột” mà là những người bị ruồng bỏ, những thứ phế thải.”
*
Tôi đã chọn các chương (cho cuốn sách này) từ một nguồn bao quát gồm các bài phát biểu, nghiên cứu học thuật, tiểu luận và sách của nhiều tác giả Mỹ quan tâm đến sự lâu bền của quốc gia chúng ta, và được đồng nghiệp của họ kính trọng về chuyên môn.
Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét vấn đề thu nhập và sự giàu có, xuyên qua các thế hệ, bởi đó là những thước đo bao trùm nhất và được ghi chép rõ ràng nhất, có cả bài phát biểu thuyết phục của Tổng thống Obama về lý do tại sao bất bình đẳng lại là vấn đề quan trọng. Tiếp theo là chăm sóc sức khỏe vì vấn đề này chiếm phần rất lớn – hiện đang ở mức 18% sắp tăng đến 20% – trong nền kinh tế của chúng ta, và giữ vai trò trung tâm đối với hạnh phúc, khả năng làm việc và là một nhân tố lớn tạo ra bất bình đẳng. Những bài viết đóng góp khác khảo sát vấn đề nợ nần và nghèo đói, kể cả các chính sách xem nợ nần là tội ác hình sự và làm trầm trọng thêm nạn nghèo đói, mà lâu nay lại ít được báo chí quan tâm, do đó vẫn còn là loại chuyện bê bối được giấu kín.
Các chính sách thúc đẩy cả bình đẳng lẫn bất bình đẳng là chủ đề của phần tiếp theo đó, cung cấp nhận thức về những phương cách mạnh mẽ mà tinh tế, dùng luật pháp và quy chế để thực hiện hạnh phúc kinh tế cho cá nhân. Và ở đây cũng thế, luật hình sự cũng đóng một vai trò quan trọng.
Tiếp đó là các bài viết về vai trò trung tâm của gia đình, sẽ cho thấy các chính sách của chính quyền tác động lên gia đình như thế nào, cùng với giáo dục, là chìa khóa cho nhiều người kể cả chính tôi, có thể đạt được một cuộc sống tốt đẹp hơn, và một thế giới giàu có hơn, an toàn hơn và hạnh phúc hơn, nhờ ở những kiếnthức mới.
Với sự chấp thuận của những tác giả có tác phẩm được trình bày ở đây, tôi đã bỏ bớt những từ ngữ, cước chú và các chi tiết có phần xưa cũ hoặc phức tạp, để người đọc nói chung có thể rút ra được ý nghĩa chính yếu từ mỗi bài viết.
Trong các năm qua, tôi đã nghe thường xuyên từ độc giả và khán giả tham dự các buổi diễn thuyết trước công chúng của tôi, về những gì khiến họ cảm nhận được là những hiểu biết mới hoặc hữu ích. Khi lựa chọn những bài viết đóng góp, tôi đã tập trung vào những điều mà các độc giả, khán giả này đã bảo tôi là họ khao khát được biết, những gì họ ngạc nhiên khi biết, và những gì họ lo là nhận được quá ít sự chú ý từ báo chí, từ các chính trị gia và thậm chí từ tôi.
Khi bạn đọc các bài viết này, xin nhớ rằng bất bình đẳng không chỉ là chuyện thu nhập hoặc giàu nghèo, mà tôi chỉ sử dụng như một lăng kính để tập trung vào các thước đo dễ nắm bắt nhất. Bất bình đẳng còn liên quan đến khả năng tiếp cận và cơ hội tiến thân, là những thứ khó đo lường hơn nhiều. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tiếp xúc với các hiểm họa môi trường đều có thể chi phối hình thái xã hội, ảnh hưởng đến việc ai có cơ may đạt được thành công; ai nhận được thành công dâng đến tận tay họ; ai có thể vượt qua chướng ngại và ai được thấy các chướng ngại vật đó dẹp bỏ sẵn cho họ rồi.
Điểm quan trọng nhất của cuốn sách này là: hãy ghi nhớ ai được lợi và ai không. Đó là sự lựa chọn của chính người dân Mỹ chúng ta. Chúng ta quyết định như thế. Và chúng ta có tự do để lựa chọn tốt hơn, nhằm củng cố xã hội của chúng ta để nước Mỹ và quyền tự do của người dân Mỹ được trường tồn.