Ngô Văn Phú
Một trong số các nhà thơ tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo chúng tôi, là nhà thơ Quang Dũng. Thơ của ông có sức lan tỏa rất lớn ngay thời kỳ đó. Ông là người viết không nhiều, nhưng lại là nhà thơ có nhiều bài thơ đi sâu vào lòng độc giả.
Quang Dũng viết về năm 1970, năm Hà Nội ở thời chống Mỹ bước vào ác liệt, thời kỳ của viên tổng thống hiếu chiến Nixon:
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao,
Góc phố phường.
Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời xa lạ
Qua một ngọn cột đèn…
Chiều tối lại bừng con mắt đỏ,
Cành bàng mái cũ khẳng khiuVườn đẹp khi mùa rụng lá
Cành bàng lại mở tán xanh
Mùa hạ về theo chim sẻ
Nhưng ta có gì
Tự thấy những ngày không tẻ?
Mây trắng lang thang
Gió đuổi bời bời phố chật
(Mây đầu ô)
Đây là một lời tâm sự… Quang Dũng là người thích có mặt ở những nơi xa, không thích cứ phải ngồi chết dí ở một nơi, một chỗ. Phải chăng cái máu giang hồ, là cái máu của các văn nhân, thi sĩ… Thơ cổ đã từng nói:
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài
(Văn không sông núi đâu hùng khí!
Tài lớn, ai không phải dãi dầu…)
nghĩa là văn chương hay tài cao phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều, mới có được…
Nhớ về Quang Dũng, bạn ông, nhà văn Thanh Châu viết: “Con người suốt đời ưa ngao du sơn thuỷ, luôn bực tức trong phố nhà chật hẹp, hễ có dịp rỗi rãi, công tác là rủ bạn đi bất cứ nơi đâu… “Ôi chật làm sao góc phố phường”… Đi chơi, với Quang Dũng là một cái thú, dù là đến một thắng cảnh như chùa Thầy hay Tây Phương, Yến Tử…, không đi xa được thì đi gần; đến Trấn Quốc, Hồ Tây, Chèm Vẽ, bãi giữa sông Hồng, Ba La Bông Đỏ, miễn là thoát ra ngoài thành phố…”.
Chẳng thể mà cuối mùa xuân năm 1947, Quang Dũng, nguyên phái viên Phòng quân vụ Bắc bộ và học viên lớp quân sự ở Tông (Sơn Tây), về quê ở Đan Phượng (Phùng) từ biệt gia đình để nhập vào đoàn quân Tây Tiến…, đi xa!
Ông Lê Vạn Thắng, nguyên Đại đội trưởng xung kích Trung đoàn Tây Tiến, nhớ lại: “Bình sinh Quang Dũng rất thích nói chuyện với anh em về Lương Sơn Bạc. Hiểu con người anh, tâm sự anh, chúng tôi – lớp cán bộ như anh rất thông cảm. Tôi thường đọc cho anh em nghe thơ Quang Dũng và anh em trong đơn vị rất thích…”.
Đọc thêm:
Mario Puzo và thế giới Mafia trong tác phẩm Bố Già
Cao Văn Lầu và cảm hứng khúc Dạ Cổ Hoài Lang
Sea dogs – Cướp biển Hải Cẩu thời nữ hoàng Elizabeth
Nhắc đến Quang Dũng là người ta nhớ đến bài Tây Tiến… Tây Tiến là bài thơ của bộ đội Hà Nội thời đầu kháng chiến, thời những anh bộ đội hào hoa. Lính Tây Tiến thời ấy đa phần là những thanh niên Hà Nội, lao động chân tay cũng lắm, trí thức cũng khá nhiều. Họ là học sinh cũ của các trường Sư phạm, Bưởi, Thăng Long, Văn Lang, có bác sĩ từng nổi tiếng, lại có cả những anh từng làm đồ tể, phu bồi vác, có y tá từng là hoa khôi Hà thành…
Quang Dũng thuộc loại lính hào hoa… vốn là con một gia đình khá giả ở làng Phương Trì, Đan Phượng, Hà Đông cũ, giáp giới với Sơn Tây. Học hết bản trung học ở trường Thăng Long, Quang Dũng đi dạy học, sau cách mạng vào bộ đội luôn, rồi lên Tây Tiến, làm đến chức Đại đội trưởng, Phó đoàn vũ trang tuyên truyền Việt – Lào… Bộ đội Tây Tiến thời ấy gian khổ nhưng cũng mơ mộng, hào hoa lắm… Trần Lê Văn ghi lại trong bài nói về Quang Dũng: “… Họ sống với nhau rất vui. Anh đồ tể có thể biểu diễn mổ bò trong chớp mắt để tổ chức liên hoan. Cô y tá xinh đẹp, súng lục đeo bên sườn, biểu diễn phi ngựa như bay. Ai thiếu áo thì đồng đội có thể cởi áo tặng ngay. Rồi vào đồn tẩy, đánh nó lấy áo nó mặc ngại gì!”…
Mặc áo chiến sĩ nhưng tâm hồn nhạc sĩ, như Đại đội trưởng Như Trang, đầy ắp hồn thơ hồn hoạ như Quang Dũng, Văn Đa. Đó là bộ đội Tây Tiến. Gian khổ thì đến nỗi, sốt rét đến nỗi tóc không mọc nổi, nhân đó, cạo trọc đầu luôn, để dễ giáp lá cà với giặc… Và họ đã từng làm cho giặc kinh hoàng ở Dốc Đạt, Mường Bi, cùng những trận tao ngộ chiến khác… Cái chất hào hoa ấy hiện lên rất rõ trong bài thơ Tây Tiến:
Sông Mã xa vời Tây Tiến ơi,
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi,
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi…
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch, cọp trêu ngươi
Nhớ ôi Tây Tiền cơm lên khói.
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…
Tâm hồn anh lính hào hoa này đã gửi vào vùng núi non xa lắc, nhưng đầy thơ mộng này. Anh như mê đắm vào vùng đất mới, đầy xa lạ, nhưng cũng đầy quyến rũ:
Doanh trại bùng lên hội đuốc, hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn say hồn thơNgười đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…
Đó là những người lính của cái thời “Ra đi không vướng thê nhi”, của thời “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…” lòng đầy tráng khí vì nước quên thân, nhưng cũng đầy lãng mạn, là những Văn Cao, Vũ Cao, Trần Mai Ninh, Chính Hữu, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Hoàng Cầm… Quang Dũng đã thể hiện cái chất lính hào hoa ấy rất đậm trong bài Tây Tiến, nhất là những dòng này:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm,
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm
Rải rác biên cương mùa viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy.
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Bài thơ viết ở thôn Phù Lưu Chanh, năm 1948, được đón nhận ngay từ lúc ra đời và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 nó đã vào sách giáo khoa… Bởi cũng như bài Ông Đỗ của Vũ Đình Liên, Tây Tiên đã là bài thơ chứng nhân của một thời, ghi lại rất điển hình về “Người của một thời”, và giá trị thơ đã qua được thử thách thời gian…
***
Học Tiếng Anh với Lightway:
Dùng phép liên tưởng khi viết văn tiếng Anh
50 kỹ thuật viết | #6: Tìm tình tiết đắt giá
Độc giả và mục đích khi viết Essay tiếng Anh
Quang Dũng còn có những bài thơ hay về xứ Đoài, hay nói cho rộng hơn, là những bài thơ về vùng đồi, núi… Phương Trì, Đan Phượng, quê Quang Dũng trước đây thuộc Hà Đông sau này sáp nhập với Sơn Tây, mới thành Hà Tây… Hà Đông xưa, vốn được coi là đồng bằng, chỉ Sơn Tây hoặc mà Vĩnh Phúc – Phú Thọ mới được gọi là xứ Đoài… Nhưng cái xã của Quang Dũng lại nằm ở cửa ngõ của Sơn Tây, nên hồn thơ Quang Dũng, lại dành cho xứ Đoài nhiều hơn cả. Có lẽ Quang Dũng cũng rất yêu vùng đất Sơn Tây, bởi từ con đê Hiệp, lên Sơn Tây, cũng chỉ chừng vài chục kilômét. Mà Quang Dũng lại là người thích lãng du, thích chơi xa, thích sông thích núi, thích những miền đất lạ… Sơn Tây xưa vốn là một trọng trấn, trong bốn trấn ngoại vi Thăng Long, nhiều danh thắng, núi non… Chùa Thầy, chùa Tây Phương, Ba Vì, núi Tản…, nên cũng dễ hút hồn Quang Dũng. Không những sông núi hút hồn thi sĩ, mà còn là Mắt người Sơn Tây nữa:
Em ở thành Sơn giặc chạy về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương,
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài, mây trắng lắm…
Em đã bao giờ, em nhớ thương…
Thế rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thế rồi xa cách, quê hương chìm trong máu lửa, trong bàn tay tàn bạo của quân xâm lược… Thi sĩ mường tượng đôi mắt người Sơn Tây kia, buồn lại càng thêm buồn:
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…
Và mối tình thoáng qua ấy, chỉ còn trong kỷ niệm:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ.
Còn có bao giờ em nhớ ta…
(Mắt người Sơn Tây – 1949)
Thế rồi mối tình với người Sơn Tây, trong đất giặc, đã mượn những nhớ thương sông núi, thành quách, làng xóm, đền đài, máy nước, mùa màng của miền Sơn Tây mà gửi gắm. Và có cái cảnh xứ Đoài ấy, bài thơ càng trầm lặng và xao xác hơn…
Lại đây, hình ảnh xứ Đoài nữa tìm thấy trong bài Những làng đi qua, cũng là một bài thơ hay của Quang Dũng:
… Những làng trung đoàn ta đóng lại,
Khẩu hiệu trên tường đá ong mới,
Thông tin đúng vẽ giặc Tây hàng
Trống ếch khua rền khắp ngõ ngang
Chiều đến loa vang tin chiến sự
Khêu bấc đèn con họp tiểu đoàn…
Cho đến tận năm 1976, đã về Hà Nội, cái đồng Bương Cấn, núi Sài Sơn, Phủ Quốc Oai, sông Đáy ấy, có xa Quang Dũng là bao đầu, mà Quang Dũng vẫn luôn luôn nhớ. Đó là bởi ông còn mải mê đi những nơi khác, nhất là những vùng đất ở phía Nam… nhớ lại kỷ niệm đầu kháng chiến chống Pháp, ở xứ Đoài, thơ ông lại xao xuyến hẳn lên:
… Ôi những xe bò ắp bánh chưng
Quân ta năm mới buổi lên đường
Dẫn đến liên hoan chiều lửa trại
Đôi mắt Sài Sơn sao vấn vương
Ba chục năm tròn, hai cuộc thắng
Trăng nay diều lại sáo lưng trời
Sài Sơn bóng núi soi mương sáng
Đồng ta Bương Cấn lại xanh tươi
(Nhớ một bóng núi)
Cho đến lúc về Bố Hạ – Bắc Giang, cũng một vùng đất đá ong như vùng Sơn Tây, cái vùng bụi đỏ, ruộng bậc thang…, khiến Quang
Dũng lại hơn một lần bịn rịn:
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ,
Tháng chạp mùa cam lửa đốm vườn
Bãi cỏ quanh co dòng nước chậm
Cheo leo cầu tạm – vắt sông Thương
Xưa ngựa bình yên leo dốc đỏ
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Đỉnh đồi quán sậy dụng phên lau
Ngựa dùng rũ bụi than tàu hoả
Đường ấp chia tay khách hỏi chào.
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ
Rừng núi mờ xa khói trẻ trâu
Tơi nón trung du em về đâu
(Bố Hạ)
Quang Dũng đã chép bài thơ này tặng tôi, trong những năm chiến tranh, chép trên trang vở giấy tập, màu ngà vàng, với một dòng chữ: “Tặng Phú”, Tiếc rằng, sau này mang theo đi chiến trận, tôi để thất lạc mất. Có lẽ ông thấy tôi cũng là người quê trung du, nên tặng chăng…! Lúc ấy tôi đang công tác ở báo Văn nghệ, 51 Trần Hưng Đạo, ngay cạnh Nhà xuất bản Văn học, số nhà 49.
Nhớ đến Quang Dũng là người ta nhớ đến bài thơ Tây Tiến, về những bài thơ về xứ Đoài Sơn Tây… Và xứ Đoài đã nhận ông như là thi sĩ của họ. Còn tôi, hậu sinh, được ông coi như là bạn vong niên, cũng có khi đi chơi với ông, uống nước trà, ăn khoai lang luộc,… Có chuyến đi cùng một chuyên xe từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội, lúc đó ông được một người trong nó, mến mộ, gửi ông đích thân cho một ông tài xế Sài Gòn, lên xe đãi quà, xuống xe đãi rượu, , hồi mới giải phóng, lấy được vé mà đi đã khó, mà Quang Dũng được quý đến như thế, quý về thơ, quý về người…, về một cách sống lặng lẽ, cô đơn thầm…
Còn tôi cứ mỗi lần ra ngoại ô, nhìn lên thấy những đám mây trắng bay về xa, lại nhớ đến Quang Dũng, đến bài thơ Mây đầu ô; bài thơ Quang Dũng ước mình trẻ như chàng lính tân binh, để đi đó đi đây, sống hết mình cho thiên nhiên đất nước:
Những lớp người hai mươi tuổi
Ca nước đập vỏ bình toong
Khăn mặt thấm mồ hôi
Bụi đỏ
Bụi vàng…
… Áo ngực xanh yếm biển
Bay bay giải mũ hải quân
Những gã hai mươi mùa xuân
Từ đâu thổi vào thành phố?
Mây mùa thu
Lọt qua trời ngõ hẹp
Lướt nhanh qua mái ngói ba tầng
Tiếng dương cầm
Ta theo tiếng nhạc
Bay khỏi mái nhà…
(Mây đầu ô, 1970)
Mây đầu ô! Mây đầu ô! Hình như hồn Quang Dũng đang trên ấy.
Ngày Ngọ, tháng Thân, Canh Ngọ, 2002
Bài viết được tổng hợp và giới thiệu bởi Nhóm dịch thuật tiếng Anh Lightway.
Chúng tôi cung cấp dịch vụ dịch thuật Việt – Anh giá rẻ, chất lượng