Kiến Thức

9 hình thức ngụy biện phổ biến

Ngụy biện là cách tranh luận cố dùng những lập luận tưởng như vững chắc, nhưng thật ra là không chính đáng. Ngụy biện là lý luận sai lầm, không đúng với bản tính khoa học.

nguy bien nghia la gi
59 views

Ngô Khôn Trí (Exryu Canada)

Ngụy biện là cách tranh luận cố dùng những lập luận tưởng như vững chắc, nhưng thật ra là không chính đáng. Ngụy biện là lý luận sai lầm, không đúng với bản tính khoa học.

Lý lẽ ngụy biện là lối suy diễn theo 1 hướng khác nhằm che chở bản chất sai lầm của vấn đề, dùng hướng có lợi để bẻ gãy các lý luận đúng với sự thật.

Người ngụy biện thường lập luận bằng cách thay đồi đề tài đang tranh luận, suy luận theo cảm tính, lý luận không có chứng cớ. Họ thường dùng 1 số cách ngụy biện như sau:

(1) Công kích cá nhân (nói trả đũa): Cách này thông dụng nhất ở mọi tầng lớp.Ví dụ :

– Anh nói tôi ồn ào làm phiền hàng xóm, vậy tối hôm kia anh nhậu khuya thì sao?.

– Chị chê trong nước có nhiều tham nhũng nhưng ở nước chị đang ở cũng có tham nhũng vậy?.

– Anh nói tôi là tay sai của thằng A chứ trước kia anh cũng là tay sai của thằng B vậy ?.

– Anh phê bình một số lãnh đạo ngày nay sống xa vời với quần chúng. Vậy anh có sống gần với quần chúng không ? hay xa cả ngàn cây số, hay anh chỉ biết trong cái biệt thự?.

(2) Đe dọa, thách thức: Gieo hoang mang sợ hãi nhằm ép đối phương nhượng bộ. Ví dụ:

-Ông giám đốc nói với cô thư ký; “Cô lên án tôi sờm sỡ vì đã sờ mó cô, nhưng cô có bao giờ nghĩ đến sự giúp đỡ kinh tế của tôi đối với gia đình cô không?”.

-Anh chê tôi bất lực để bon chúng cướp nhà mình, vậy anh thử ra đánh nhau với chúng xem.

-Anh chê chúng tôi không lịch sự với bạn của anh, để rồi anh xem bọn họ có lịch sự với anh không nhe.

(3) Dùng lý lẽ không có cơ sở : Đây là 1 loại suy luận không có khoa học nhưng rất phổ biến. Ví dụ như:

-Kem thoa mặt này rất tốt vì tôi thấy cô hoa hậu thế giới giới thiệu trên truyền hình.

-Chị A và anh B bị tinh nghi giết người, nhưng tôi tin chị A không phải là thủ phạm vì   chị A có lý lịch tốt hơn anh B, hơn nữa chị A là đàn bà.

– Ông ta không phải là người yêu nước thương dân vì ông ta ngũ với gái điếm.

– Nên mua chứng khoán của cty này vì giá nó đang thấp.

– Dân Nhật sống hạnh phúc hơn dân Úc vì dân Nhật có tiền để dành nhiều hơn dân Úc.

(4) Lợi dụng đám đông: Làm sao có nhiều người ủng hộ biện minh cho ý kiến của mình là đúng. Vị dụ : – Trong 1 quán bar, 1 anh ngụy biện nói: “Lâu lâu nhậu say 1 chút  thì không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, phải không các bạn?”

-Năm nay chính phủ quyết định giảm ngân sách cho nghiên cứu y khoa. Tôi  theo đám đông đồng nghiệp phản đối chính phủ.  Không phải vì chính sách này ảnh hưởng đến cá nhân tôi mà ảnh hưởng đến rất nhiều người và đồng nghiệp khác. Chính phủ muốn cắt ngân sách cho nghiên cứu y khoa, tức là họ muốn xóa bỏ thành tựu do nỗ lực của chúng tôi trong những năm vừa qua. Do đó chúng tôi phản đối chính sách ngu xuẩn này!

(5) Lạm dụng những từ ngữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Chẳng hạn như trong câu:

– Nếu anh lấy con nhỏ bán thuốc lá đó thì xem như gia đình mình vô phước.

– “Để bảo vệ tổ quốc chúng ta nên tẩy chay hàng Trung Quốc”. hay là “Nếu ai khen Trung Quốc thì người đó không có tinh thần yêu nước”.

 – Vì tổ quốc thân yêu, nếu anh không ủng hộ chúng tôi thì coi như anh là kẻ tiếp tay với bọn phản động.

(6) Viện dẫn uy tín của người nổi danh: Ví dụ như :

-X Box tốt hơn Playstation, nếu không thì làm sao Bill Gates chịu đầu tư để sản xuất ra X Box..

– Xe Mercedes của Đức tốt hơn xe Lexus của Nhật vì Warren Buffett lái xe Mercedes.

– Nước Mỹ người ta xây nhà máy phát điện nguyên tử thì tại sao mình không xây?.

(7) Lý lẽ vòng quanh: Loại ngụy biện này thường luẩn quẩn trong vài giả định và kết luận. Chẳng hạn như: “Những người đàn ông bị vợ bỏ là những người không có chung tình. Vì không chung tình nên họ không dám nói thật, họ luôn tìm cách nói dối, do đó mối quan hệ vợ chồng sẽ dần dần trở nên xấu ra, rồi cuối cùng sẽ đi đến ly dị”

(8) Luận điệu ngược ngạo: Tìm cách chuyển gánh nặng đó cho một người khác để phản đối, là một thủ đoạn của những người ngụy biện đáng trách. Chẳng hạn như:

-Anh nói rằng người già hay mắc bệnh loãng xương. Vậy anh có thể chứng minh được điều đó không?

-Anh nói rằng việc phát triển kinh tế phải song song với việc nâng cao trình độ giáo dục thì xã hội mới lành mạnh. Vậy, anh có thể chứng minh điều đó được không ?.

-Anh chị đòi được tự do mà anh chị không tuân theo những quy định của chúng tôi.

(9) Luận điệu lạc đề: Loại ngụy biện này thường được dùng để đưa vào những câu hỏi không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng. Ví dụ:

-Anh nói rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe. Thế nhưng gia đình của những người sống bằng nghề bán thuốc lá thì sao? Ai là người chi trả chi phí chữa bệnh cho những bệnh nhân ung thư phổi ? .

Còn có nhiều cách ngụy biện ngoài 9 cách nêu trên, nhưng tựu trung ngụy biên là cách lý luận không dựa vào lý lẽ có cơ sở khoa học. Bởi vì mục đích của ngụy biện là muốn hơn thua, tìm mọi cách để lôi cuốn người khác đồng tình với những điều mình phát biểu hơn là cố gắng tìm hiểu và học hỏi. Rất tiếc là có 1 số người do thiếu suy nghĩ chín chắn nên dễ tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận tai, suôn sẻ, hợp với tình cảm nhẹ nhàng hơn là lý luận khô khan. Những người tiếp nhân một cách thụ động này dễ trở thành những tín đồ cuồng tín. Còn những người ngụy biện có ý đồ lợi ích riêng tư bị cho là những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những kẻ dùng tri thức như là món hàng để bán. Thật đáng khinh thị.

Montreal ngày 25/04/2011

Ngô Khôn Trí

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN