Well-Being

Lễ và tu thân

Trong việc dạy lễ, shitsuke (tu thân) là quan trọng. Gia đình và học đường đương nhiên, xí nghiệp cũng cần phải quan tâm nhiều shitsuke (tu thân)

3 views

Matsushita Kônosuke (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Trong việc dạy lễ, shitsuke (tu thân) là quan trọng. Gia đình và học đường đương nhiên, xí nghiệp cũng cần phải quan tâm nhiều shitsuke (tu thân). 

Shitsuke (tu thân) đúng nghĩa là phát huy thiên phận và đem con người đến hạnh phúc, không được cố chấp, gò bó vào hình thức.

Lễ là nền tảng của đức. Shitsuke (tu thân) là tạo ra đức này. Xã hội sống tốt đẹp sẽ hình thành khi mọi người cùng nhau shitsuke (tu thân) thuần thục,và điều hành cuộc sống mình sinh động. 

*** 

Trước hết tu thân từ người lớn

Trong mục “Ý nghĩa cội nguồn của lễ là gì?” trong lần trước, tôi đã nói chuyện về 3 loại lễ làm người cần phải giữ theo. Nhưng chỉ hiểu biết thôi thì không được, cần phải thực hành lễ với ý nghĩa cội nguồn này. Nghĩa là trong thực tế cần phải tập luyện cho thành thục để trở thành thói quen, việc tập luyện này gọi là shitsuke (tu thân để làm người) (1). Từ xưa có câu “tri hành hợp nhất” (2). Để “tri” cần phải nghiên cứu, với “hành” thì shitsuke (tập luyện) (1) là quan trọng.

Khi nói đến shitsuke (dạy tập luyện lễ phép và các thói quen tốt) (1) người ta thường nghĩ ngay đến shitsuke cho trẻ em và tất cả mọi người đều cho đó là chuyện đương nhiên nhưng ở vào thời điểm hiện nay nói shitsuke chỉ cần cho trẻ em liệu có đúng không (3)? Tôi nghĩ rằng bản thân của người lớn trước hết cần phải shitsuke (tập luyện lễ phép và các thói quen tốt, tu thân) (1).

Kaibara Ekiken(4) nói rằng “Nếu cha mẹ mềm yếu dễ dãi, yêu thương con cái quá đáng, con cái sẽ lười biếng chểnh mảng, khinh lờn cha mẹ, không biết thận trọng, quen có cử chỉ cư xử xấu xa, ngang bướng làm theo ý mình, làm việc xấu, quay lưng với đạo nghĩa. Phận làm cha cần phải có uy, đáng kính nể, giữ cử chỉ cư xử lễ độ làm gương mẫu, nhờ đó con cái sẽ biết sợ uy, biết thận trọng, biết cư xử đúng đắn, biết học hiếu thảo nên cha con hòa thuận. Con giỏi dở, xấu tốt phần lớn do hành động, việc làm của cha mẹ”. Câu “Con giỏi dở, xấu tốt phần lớn do hành động, việc làm của cha mẹ” đối với chúng ta ngày nay nghe thật đau nhói tai. Để shitsuke (dạy và tập luyện lễ phép và các thói quen tốt) (1) cho trẻ em, bản thân người lớn chúng ta cần phải shitsuke (tu thân) (1) chính mình trước hết là điều tôi cảm thấy rất thấm thía hơn bao giờ hết trước hết. 

Mục đích shitsuke (tu thân) là để con người sống hạnh phúc

Từ ngữ shitsuke trong tiếng Hán không có, là từ ngữ riêng của Nhật Bản (5), do đó có thể nói từ ngữ này nói lên phong cách sinh hoạt cá biệt của Nhật Bản (5). Từ xưa võ gia có shitsuke (giáo huấn tu thân) (1) của võ gia, thợ có shitsuke (giáo huấn tu thân) (1) của thợ, thương gia có shitsuke (giáo huấn tu thân) (1) của thương gia, trường học có shitsuke (giáo huấn tu thân) (1) của trường học, xí nghiệp có shitsuke (giáo huấn tu thân) (1) của xí nghiệp, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực, mỗi tập thể đều thực hành nghiêm khắc shitsuke (giáo huấn tu thân)riêng của mình, nhờ vậy mà mọi người được đào tạo và tự nhiên hình thành nên nào là võ sĩ đạo (6), thương đạo (7), nào là hiệu phong (8), xã phong (9), và được kế thừa tiếp tục, nhờ đó mà xã hội có được trật tự. Không những vậy, trong phạm vi gia đình gia huấnđược đặt ra căn cứ theo nhân sinh quan của nhân vật chủ yếu trong gia đình hoặc trong dòng tộc, và shitsuke (giáo huấn tu thân) (1) căn cứ vào đó mà thực hành, cha truyền cho con, con truyền đến cháu, nhờ đó mà gia phong của mỗi nhà, mỗi dòng tộc được kế truyền (3).

Có nhiều ý kiến phê phán cách làm này (3), hay thấy các cách làm này có tính cách phong kiến, hoặc chủ nghĩa hình thức. Tuy nhiên, phải chăng có phê phán như vậy là do ở cả hai trường hợp, ý nghĩa vốn có ban đầu và cơ sở lý luận của shitsuke (tu thân) (1) đã bị đánh mất không còn nữa (3). Thí dụ điển hình nhất là trường hợp của quân đội Nhật Bản trước thế chiến thứ hai (10) (3)Shitsuke (giáo huấn) (1) mất tinh thần của lễ, chỉ cố chấp, gò bó theo khuôn khổ, đã bóp méo nhân tính và đem con người vào tình trạng bi thảm đến mức độ nào, nhìn vào mạt lộ của quân đội Nhật Bản sau thế chiến thứ hai (10) thì hiểu rõ.

Tệ hại này không những chỉ xảy ra cho trường hợp của quân đội mà ngay cả trong đời sống thường ngày của chúng ta ngày nay. Cái gọi là xung đột giữa các gia phong đã đem tới nhiều khó khăn trở ngại cho sinh hoạt hôn phối, tôi nghĩ quý vị biết rất rõ việc này. Tất cả các kết quả này là do shitsuke (giáo huấn) (1) được thực hiện trong tình trạng cố chấp và khuôn khổ mà quên mất tinh thần của việc này.Mục đích của shitsuke (dạy và thực tập tu thân làm người) (1) vốn dĩ không phải như vậy mà được thực hiện để con người sống hạnh phúc thật sự. Do đó, tôi nghĩ rằng shitsuke (dạy và thực tập tu thân làm người) (1) là cần phải được thực hiện với phương châm là tìm hiểu thiên phận (11) của từng cá nhân và phát huy chúng.

Cần dạy tập tu thân làm người trong phong cách thoải mái tự nhiên

Ở Mỹ người ta shitsuke (dạy tập tu thân làm người) (1) cho trẻ em rất nghiêm ngặt. Công việc này được thực hiện nghiêm khắc cho đến lúc trẻ em trưởng thành, đến tuổi 18 hoặc 19. Thí dụ, tôi nghe nói rằng trẻ em có té ngã cha mẹ nhất định không đỡ chúng đứng dậy dù chúng có la khóc đến mức nào. Cha mẹ chỉ yên lặng chờ đợi cho trẻ tự lực đứng lên. Làm như vậy trẻ em tự nhiên có được tinh thần độc lập tự chủ, không ỷ lại vào người khác và có được thói quen sẵn sàng tự mở ra con đường đi cho chính mình. Cuối cùng khi trẻ em trưởng thành, cha mẹ không cần phải can thiệp vào đời sống của con cái, có thể giao cho con cái tự phán đoán và hành động tự do. Bởi vì khi đó khả năng tự phán đoán đã được tập luyện và bồi dưỡng nên dù có để tự do hành động hành động cũng ít sai lầm.

Tôi nghĩ rằng việc nghiêm khắc shitsuke (dạy tập tu thân làm người) (1) cho trẻ em đến trưởng thành, và để cho hành động tự do sau khi đã trưởng thành thật là thích đáng và hợp đạo lý. Nói dạy tập nghiêm khắc dĩ nhiên không có nghĩa là trừng phạt bằng đánh đập như thường thấy ở các người mẹ Nhật Bản (5). Làm nhưvậy trẻ em sẽ trở nên nhút nhát, rụt rè, bản tính bẩm sinh sẽ bị bóp méo, cong quẹo đi. Shitsuke (dạy tập tu thân làm người ) (1) không phải là như vậy. Shitsuke (dạy tập tu thân làm người) (1) chân thật là phát huy thiên phận (11), là giúp trẻ tự giác trở lại với sinh mệnh lực (12) bẩm sinh của trẻ. Do đó, shitsuke (dạy tập tu thân làm người) (1) vốn không phải là việc gò bó cứng nhắc mà cần phải thực hiện trong phong cách thoải mái, thư giãn tự nhiên.

Trẻ em vốn rất thuần khiết, không bám một vết nhơ. Bởi vì trẻ em trong sạch như tấm gương cho nên người lớn cần phải tránh việc bóp méo, làm lệch lạc đi. Nếu gò bó, cố chấp vào hình thức mà ép buộc, cưỡng bách trẻ em vào một khuôn mẫu cố định một cách vô lý, ngược lại sẽ bị trẻ em phản kháng. Người xưa nói rất hay. Nakayama Shôrei (13) nói “ Xem thầy dạy người ngày nay, họ chỉ bắt người học lấy họ làm mẫu mực chớ không nuôi dưỡng sở trường, năng khiếu của người học. Tất cả đều bắt người làm như mình thì làm sao có nhân tài vượt trội hơn thầy đây? Nói tỉ dụ việc làm này giống như nuôi dưỡng bông hoa cây cỏ, cắt lá uốn cong thân cành để thành hình dạng vốn không hợp với bản tính của hoa của cây, nhìn trông rất đẹp mắt nhưng không thể nói đó là việc nuôi dưỡng chân thật, đúng nghĩa cho bông hoa cây cỏ. Việc dạy người cũng như vậy. Theo sở thích của mình mà đặt ra các điều lệ, dạy người những sở trường, đắc ý của bản thân, rồi ai không làm được thì trách rầy. Với cách dạy như vậy không thể nào có được nhân tài ưu tú”. Trường hợp thực hiện shitsuke (tập luyện tu thân làm người) để bồi dưỡng nhân tài, lời nói trên thật sự cho chúng ta nhiều điều để tham khảo học hỏi.  

Vai trò của tập luyện tu thân giống như cọc nâng đỡ cây con

Gần đây có người cho rằng shitsuke (tập luyện tu thân) là phản ngược với nhân tính cần phải bãi bỏ đi. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng phải chăng người này có nhận thức sai lầm đối với shitsuke (tập luyện tu thân). Như đã trình bày ở trên, chính shitsuke (tập luyện tu thân) phát huy, phát triển mà nhất định không phải bóp méo, bẻ cong nhân tính. Trồng cây con cần có cọc nương dẫn, nâng đỡ chúng. Để nuôi dưỡng cây con mọc nhanh và thẳng đứng cần phải có cọc để nương tựa hoặc chống đỡ. Nếu không, cây con không thể một mình mọc thẳng đứng. Không có cọc, mưa gió sẽ làm cây con cong quẹo hoặc gãy đi. Tuy nhiên, khi cây con có thể tự mình mọc thẳng đứng, tự nhiên cọc nâng đỡ không còn cần thiết nữa.

Shitsuke (tập luyện tu thân) giống như cọc nâng đỡ cây con. Cọc nâng đỡ cây con không phải để bẻ cong mà được dựng lên để giúp cây con tăng trưởng không bị mưa gió bẻ gãy và mọc thẳng đứng. Tôi nghĩ rằng cần phải nhận thức không sai lầm ý nghĩa cội nguồn của shitsuke (tập luyện tu thân).

Hiểu như trên, shitsuke (tập luyện tu thân) nhất định không phản ngược với nhân tính (3). Trái lại, để duy trì nhân tính, shitsuke (tập luyện tu thân) nhất định không thể thiếu (3).

Chúng ta cần phải biết ý nghĩa cội nguồn của lễ đồng thời cần phải thực hành shitsuke (tập luyện tu thân) đúng nghĩa thành thói quen. Trong bài “Ý nghĩa cội nguồn của lễ là gì?” tôi đã thưa với quý vị lễ là nền tảng của đức, và chính shitsuke (tập luyện tu thân) giúp chúng ta tạo dựng ra đức này.

Gia đình có shitsuke (giáo huấn tu thân) tốt thì nuôi dưỡng con cái có khả năng, giúp ích xã hội. Học đường có shitsuke (giáo huấn tu thân) không sai lầm thì đào tạo được nhân tài ưu tú. Xí nghiệp thực hiện shitsuke (giáo huấn tu thân) công nhân viên với trật tự đúng thì sản xuất được sản phẩm ưu việt.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải phản tỉnh và nhận thức đúng ý nghĩa của shitsuke (tập luyện tu thân) thêm một lần nữa, điều mà chúng ta có khuynh hướng xem thường sau thế chiến thứ hai, đồng thời cần phải xây dựng lên phong trào thực hành shitsuke (tập luyện tu thân) rộng rãi từ gia đình ra học đường rồi đến khắp mọi nơi trong xã hội. Tôi nghĩ rằng với việc làm này, ý nghĩa cội nguồn của lễ sẽ được thực tiễn vững chắc, và nhờ đó xã hội phồn vinh với nội dung phong phú cả 2 mặt thể xác và tinh thần sẽ được hình thành. 


(*) Nguồn: “Lễ và tu thân” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke” (tiếng Nhật), cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 167~173. Bài thứ 30 được đăng vào tháng 9 năm 1950 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP”, sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002. 

Ghi chú

(1)  Shitsuke nghĩa chính là “tu thân cho tốt đẹp” nhưng cách dùng từ ngữ này rất đa dạng, để dịch sát nghĩa và dễ hiểu, ở đây dịch giả dùng nguyên từ shitsuke và dịch nghĩa theo văn mạch trong ngoặc đơn để độc giả tiện theo dõi và kiểm tra xem dịch có đúng không.

(2)  Chính xác là chủ trương của Vương Dương Minh (1472-1528). Các chí sĩ Nhật Bản thời Minh Trị duy tân chịu ảnh hưởng lớn tư tưởng này.

(3)  Trong nguyên bản tác giả dùng rất nhiều câu “tôi nghĩ”, có thể với mục đích tỏ bày lòng khiêm tốn của tác giả và thích hợp với thính giả hoặc độc giả vào thời điểm đó nhưng gây ấn tượng tác giả thiếu tự tin đối với độc giả ngày nay và chiếm giấy nên ở đây dịch giả tích cực bỏ bớt và ghi chúvới ký hiệu (3).

(4)  Kaibara Ekiken (Bối Nguyên Ích Hiên, 1630~1714). Theo cha và anh học Y học và Hán học. Mới đầu rất thích Dương Minh học sau lại theo Chu tử học nhưng về già lại phê phán. Những tác phẩm đại biểu của ông có “Thận Tư Lục”, “Dưỡng Sinh Huấn”, “Ngũ Thường Huấn”, “Gia Đạo Huấn”, “Hòa Tục Đồng Tử Huấn”, “Tự Ngu Tập”. Đoạn văn trích từ “Hòa Tục Đồng Tử Huấn” (nghĩa là dạy trẻ theo phong tục Nhật Bản) gồm 5 quyển: Tổng luận (thượng, hạ), cách dạy theo tuổi và cách đọc sách, cách học tập viết chữ, cách dạy nữ tử.

(5)  Nguyên văn là “nước ta”.

(6)  Võ sĩ đạo: các đức tính, tinh thần cần phải có của võ sĩ hoặc kẻ sĩ.

(7)  Thương đạo: các đức tính, tinh thần cần phải có của doanh thương nhân.

(8)  Hiệu phong: phong cách riêng sau trở thành truyền thống riêng của trường học.

(9)  Xã phong: phong cách riêng sau trở thành truyền thống riêng của xí nghiệp.

(10) “Nhật Bản trước/sau thế chiến thứ hai” do dịch giả thêm vào để độc giả hiểu chính xác hơn.

(11) Thiên phận: tiếng Nhật có 2 nghĩa, (1) tính chất con người bao gồm tài năng (năng khiếu), tính tình do trời phú, (2) thân phận, sứ mệnh, vai trò do trời định, giao phó gần như số mệnh, vận mệnh. Trong bài này tác giả chỉ đề cập đến ý nghĩa (1) nhưng ở những tác phẩm khác như “Cách nhìn và xem xét sự vật”, 1963 tác giả có khuyên nên chấp nhận thân phận và cố gắng nỗ lực trong thân phận đó. Nói cụ thể hơn là phải thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh trước mắt để vượt lên chớ không phải theo đuổi năng khiếu mà bất chấp điều kiện trước mắt. Do đó ở đây dịch giả dùng “thiên phận” không dùng năng khiếu hay thiên tư để độc giả lưu ý ý này. Shibusawa Eiichi cũng khuyên nên xem xét điều kiện thân phận khi lập chí.

(12) Trong bài “Thành công của làm người là gì?”, tác giả giải thích sinh mệnh lực như sau. “Tất cả mỗi người đều được ban phú cho sinh mệnh lực khác nhau, không ai giống ai. Tôi nghĩ rằng sinh mệnh lực này là nền tảng của mạng sống chúng ta, nội dung gồm có 2 lực (sức mạnh, khả năng) kết hợp thành, một là sức mạnh muốn sống, hai là khả năng chỉ cho chúng ta sứ mệnh sống như thế nào. Sinh mệnh lực là lực (sức mạnh, khả năng) mà vũ trụ căn nguyên lực (có thể hiểu là trời hay tạo hóa) ban, phú cho tất cả mọi con người”.

(13) Nakayama Shôrei (Trung Sơn Xướng Lễ, 1762~1816): còn được gọi là Nakayama Mokusai (Trung Sơn Mặc Trai), nho gia từ giữa đến cuối  của thời đại Edo ở Nhật Bản, tinh thông lịch sử, quân sự, thiên văn, toán pháp, y học. Tác phẩm đại biểu là “Học Chánh Khảo”, “Đông Du Tạp Ký”.

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN