Nếu tính từ ngày Galilê huớng kính thiên văn tự chế của mình vào không gian để quan sát cơ cấu vận hành của các hành tinh trong vũ trụ, cho đến ngày hôm nay thì tư duy và phương pháp luận của khoa học hiện đại chỉ ra đời non 400 năm. Khi cuộc cách mạng khoa học nổ ra ở đầu thế kỷ 20 mang đến cho nhân loại bộ môn cơ học lượng tử giải thích bản chất của những vật nhỏ nhất như hạt sơ cấp và Thuyết Tương Đối của Einstein giải thích những vật to nhất như vũ trụ, sự giao lưu giữa khoa học và tôn giáo nhất là Ki-Tô giáo liên quan đến việc hiện hữu của con người và vũ trụ đi đến một tình trạng gần như bế tắc.
Cuộc tranh luận của phe “Sáng Thế” (creationism) và phe “Tiến Hóa” (evolutionism) không đưa đến một kết luận nào có thể thỏa hiệp mà càng lúc lại càng gay gắt. Sự xuất hiện gần đây của lập luận “thiết kế thông minh” (intelligent design) chẳng qua là một chiêu thức sáo mòn “bình mới rượu cũ” để duy trì quan điểm rằng vì con người và thiên nhiên là các cấu tạo quá ư phức tạp cho nên phải có người thiết kế toàn năng để hình thành. Cụm từ “Thượng Đế của những kẽ hở” (God of the gaps) ám chỉ những điều chưa được khoa học giải thích thì ở đấy Thượng Đế xuất hiện. Nhưng trên thực tế thì những kẽ hở của tri thức con người về thiên nhiên không chứng tỏ có điều gì liên hệ đến Thượng Đế. Luận điểm “thiết kế thông minh” đã được một nhà khoa học phê bình một cách hài hước là “người thiết kế toàn năng” chẳng qua là “con nai biết bay” [1].
Trước những thành quả vượt bực trong khoa học nhất là trong vật lý và sinh học, một câu hỏi lớn được đặt ra là có một tôn giáo nào có thể dung hòa với khoa học trên khía cạnh phương pháp luận và nhận thức luận. Hay nói một cách đơn giản hơn là có một hệ thống triết học tâm linh nào cùng đứng trên một tiền đề với khoa học chấp nhận sự phi hiện hữu của một Đấng Sáng Tạo toàn năng. Phật Giáo như là một lựa chọn tất nhiên cho việc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo vì cả hai cùng chia sẻ một số điểm căn bản. Từ nền tảng chung nầy, sự giao lưu sẽ phá bỏ hàng rào phân biệt biểu kiến giữa hai lĩnh vực và xa hơn nữa là cho khoa học tính nhân bản và cho Phật Giáo một khuôn mặt khoa học ở thế kỷ 21. Sự dung hòa giữa Phật Giáo và khoa học xảy ra một cách tất nhiên bởi vì trong sự suy luận cả hai được đặt trên cơ sở tôn trọng thực tế khách quan và sự tự do diễn đạt tư tưởng không bị một áp đặt nào từ một thế lực bên ngoài hay bên trên chi phối. Nó cũng xảy một cách tự nhiên bởi sự lan tỏa rộng khắp của khoa học kỹ thuật đến các nước phương Đông nhất là tại Ấn Độ và Trung Quốc nơi đã từng là chiếc nôi của nền văn minh nhân loại, và cũng bởi nhu cầu mạnh mẽ tìm hiểu Phật Giáo tại các nước phương Tây.
Quyển “The quantum and the lotus” (Lượng tử và hoa sen) so sánh phương pháp suy luận và những tư tưởng cơ bản giữa Phật Giáo và khoa học. Quyển sách ghi lại cuộc đối thoại thú vị giữa tiến sĩ Matthieu Ricard và giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Tác giả Ricard là một thiền sư Phật Giáo Tây Tạng với học vị tiến sĩ về sinh học phân tử. Tác giả Trịnh Xuân Thuận là giáo sư vật lý thiên văn xuất thân từ một gia đình Phật Giáo. Trước quyển “The Quantum and the Lotus” cũng đã có những công trình tương tự so sánh khoa học và tư tưởng phương Đông. Ở giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, quyển sách nổi tiếng “The Tao of Physics” (Đạo của Vật Lý) của Fritjof Capra được dịch ra 23 ngôn ngữ đã tạo ra một phong trào tìm hiểu tư tưởng phương Đông qua lăng kính khoa học. Cách đây mười năm, tác giả Trịnh Nguyên Phước đã viết một bài tiểu luận so sánh Phật Giáo và khoa học [2]. Quyển “The Quantum and the Lotus” có lẽ là tác phẩm đầu tiên so sánh hai lĩnh vực một cách có hệ thống và mạch lạc. Trong tất cả 15 chương sách, tác giả Ricard – người đại diện Phật Giáo trong quyển sách, và tác giả Trịnh Xuân Thuận – người đại diện khoa học, khảo luận các điểm tương đồng của hai lĩnh vực để trả lời những vấn đề hóc búa từ vũ trụ đến con người, từ khoa học đến mỹ học.
Tôi đọc với một thái độ của người làm công tác khoa học nhưng vừa mới chập chững tìm hiểu Phật Giáo. Quyển sách không dễ đọc bởi nó đòi hỏi độc giả phải có khái niệm cơ bản về hai môn học: cơ học lượng tử và Phật Học. Tuy nhiên, trên bình diện nhận thức luận quyển sách cho tôi nhiều ngạc nhiên thú vị về lý luận Phật Giáo và những lời dạy của Đức Phật cách đây 2.500 năm trước. Trong toàn bộ cuộc đối thoại, tác giả Ricard dựa trên một số khái niệm cơ bản Phật Học để đối chiếu với cơ học lượng tử mà theo chỗ tôi hiểu là: luật Nhân Quả, tính Không, giác ngộ, duyên sinh, duyên khởi, vô ngã, vô thường. Những khái niệm này cho thấy Đức Phật tôn trọng tính khách quan và cảnh giác sự cuồng tín. Thật vậy, đối với các môn đệ Ngài đã nhiều lần dạy rằng, “Hãy thực chứng lời dạy của ta như các ngươi khảo nghiệm sự chân giả của vàng. Hãy chà xát vào đá, đập nó, nấu chảy nó. Đừng chấp nhận lời dạy của ta chỉ vì sự tôn kính đối với ta. Chỉ chấp nhận nó khi các ngươi thấy nó là sự thật” (trang 10). Lời dạy chứng tỏ Đức Phật đã đi trước khoa học hàng ngàn năm trong phương pháp luận và tư duy.
Từ bản chất và mục đích, Phật Giáo và khoa học mang những đặc tính khác nhau nhưng không phải vì thế mà không thể bổ sung cho nhau. “Ở ngã tư đường” (Chương 1) nơi gặp gỡ giữa Phật Giáo và khoa học, hai tác giả đặt vấn đề đạo đức trong khoa học, thái độ đạo đức của người làm khoa học, thảo luận những phương diện mà Phật Giáo có thể hỗ trợ cho khoa học. Mặt khác, Phật Giáo cũng có nhiều thắc mắc cơ bản khoa học. Liệu vật lý có thể giúp Phật Giáo lý giải sâu xa hơn về thực tại thiên nhiên. Triết học Phật Giáo mang tính chất định tính (qualitative) tổng kết những khái niệm cơ bản dựa trên kinh nghiệm để giáo huấn giác ngộ chúng sinh hiểu được những nguyên nhân của sự đau khổ nhằm thoát ra khỏi định luật tự nhiên “sinh lão bịnh tử” và vòng luân hồi của cõi ta bà dẫn đến cõi tịnh độ Niết Bàn. Ngược lại, khoa học là một hệ thống định lượng (quantitative) xác nhận sự vật hay sự kiện bằng con số hay phương trình toán học. Trong quá trình đưa đến kết quả định lượng nhà khoa học phải nhìn sự vật một cách khách quan lạnh lùng, truy tìm bản chất của sự vật bằng quan sát và các phương pháp thực nghiệm, cộng với sự suy luận mang tính phân tích và tổng hợp. Một kết quả khoa học phải có tính khách quan vượt thời gian và không gian. Nếu không giữ được giá trị này kết quả khoa học phải được tu chỉnh để thích hợp.
Mục đích của Phật Giáo là giáo dục và giác ngộ con người để nâng cao đạo đức, biết phân biệt thiện ác. Ngôn ngữ của Phật Giáo là một ngôn ngữ của hòa bình, vị tha và độ lượng. Mục đích của khoa học là sự tôn trọng tuyệt đối tính khách quan nhưng chung quy chỉ dừng ở chỗ tìm hiểu nguyên nhân của sự vật, quy luật tự nhiên mà không phân biệt thiện ác, không thương không ghét, không đề cập vấn đề đạo đức. Hệ quả là khoa học có thể trở thành công cụ của những tập đoàn chính trị sinh ra các khoa học gia cực ác như bác sĩ Ishii trong chiến tranh thế giới thứ 2 [3]; nhưng nhân loại cũng có những khoa học gia cực thiện như giáo sư Howard Florey người Úc chế tạo ra penicillin [4]. Giữa hai đối cực này là một loạt khoa học gia làm việc cho nhiều mục đích khác nhau đã được định sẵn bởi ông chủ của nguồn lương bổng. Einstein có lần hóm hỉnh phê bình, “Khoa học sẽ là một thứ tuyệt vời, nếu người ta không phải nhờ vào nó để mưu sinh”.
Sự khiếm khuyết đạo đức cũng được thấy qua thói ham danh, kiêu ngạo, ganh tị, ích kỷ, nhiều tham vọng của một số người làm khoa học. Lắm lúc cái “tham, sân, si” còn tệ hơn người bình thường. Và đây là nguyên nhân đưa đến những tệ nạn thường thấy trong các cơ quan nghiên cứu khoa học như tranh giành công lao của đồng nghiệp, dùng những thủ đoạn “chính trị” để chèn ép đồng nghiệp có khả năng, giấu nghề, chà đạp nguyên tắc khách quan của khoa học, bẻ cong hoặc ngụy tạo kết quả thí nghiệm. Tất cả chỉ vì sự thăng tiến và tiếng tăm của mình.
- Một thí nghiệm dùng ChatGPT
- Đọc The 5th miracle của Paul Davies
- Thảo dược – kho thuốc vĩ đại của thiên nhiên
“Vũ trụ có một khởi thủy ban đầu hay không? Có cần đến một Đấng Sáng tạo hay không?” là đề tài của Chương 2 và Chương 3. Vụ nổ lớn nguyên thủy (Big Bang) gần 15 tỷ năm trước là nguồn gốc phát sinh ra vũ trụ bao gồm vật chất, thời gian và không gian. Cơ học lượng tử đã chứng minh sự không cần thiết của một Đấng Sáng tạo. Theo tác giả Ricard, luật Nhân Quả và duyên sinh không chấp nhận một khởi điểm nguyên thủy với khái niệm nổ “đùng” một cái, vạn vật xuất hiện từ cái không có (ex nihilo). Vạn vật xuất hiện cần có một nguyên nhân và sự tương thuộc nhân quả. Khái điểm “nổ đùng” từ cái không có, tức là không có nguyên nhân. Điều này cũng phi lý giống như giả thuyết về sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo. Ngoài ra, thời gian và không gian được tạo nên bởi nhận thức của con người về thế giới xung quanh. Chúng không “thật”. Vì vậy, theo tư tưởng Phật Giáo quan niệm về sự khởi đầu của thời gian và không gian là sai lầm (trang 27). Do đó, theo luật Nhân Quả và duyên sinh, Big Bang chỉ là một giai đoạn của một chuỗi sự kiện vô thủy vô chung. Như vậy, Phật Giáo có luật Nhân Quả và Khoa Học có cơ học lượng tử cùng nói lên sự không cần thiết của Đấng Sáng tạo, nhưng dị biệt với nhau về sự tồn tại của “điểm khởi đầu”.
Theo tác giả Trịnh Xuân Thuận, Phật Giáo cho thấy sự bất cập của giả thuyết Big Bang. Big Bang có phải là điểm khởi đầu? Chưa ai có thể phỏng đoán được sự kiện gì đã xảy ra “trước” thời điểm zero của Big Bang. Khoa học không suy diễn mông lung những sự kiện chưa thể kiểm chứng. Tuy nhiên, hiện nay có một số nhà vật lý đang nỗ lực tạo dựng lý thuyết tiền Big Bang (pre-Big Bang theories) để tiên đoán cái gì “hiện hữu” trước đó. Nhưng khoa học đang đụng vào một “bức tường” không thể vượt qua trong việc tìm kiếm tiền Big Bang. Cơ học lượng tử chỉ cho ta biết vũ trụ ở thời điểm 10-43 giây sau Big Bang, rất gần thời điểm zero nhưng chưa phải là zero, lúc đó vũ trụ chỉ là một điểm cực nhỏ có kích thước cỡ 10-33 cm. Hai con số này là thời gian và chiều dài Planck. Chúng là “bức tường” sắt giới hạn sự đo lường cũng như khả năng của vật lý hiện đại.
Dù phủ nhận hiện diện của một Đấng Sáng tạo, tác giả Trịnh Xuân Thuận vẫn băn khoăn trước sự hình thành của vũ trụ dựa vào những điều kiện ban đầu được biểu hiện qua 15 hằng số (trang 39). Một hằng số điển hình là vận tốc ánh sáng (29.9792 km/s), sau đó là hằng số vạn vật hấp dẫn Newton, G (6.67 x 10-11 Nm2/kg2), hằng số Planck, h (6.625 x 10-34 Js), khối lượng của electron (9.1091 x 10-31 kg), của proton, điện tích electron, v.v… Đây là những hằng số bất biến đối với thời gian và không gian. Nếu có người ngoài hành tinh sống ở một thiên hà khác họ cũng sẽ đo được những hằng số này. Chúng đòi hỏi một sự chính xác kỳ diệu cho sự tồn tại của vũ trụ chúng ta đang có hiện tại. Chẳng hạn nếu G nhỏ hơn một chút thì vũ trụ chỉ là những đám khí hydro không tạo được vật chất và hành tinh, G lớn hơn một chút thì vũ trụ sẽ nhanh chóng co lại ngay từ lúc sơ sinh. Ở cả hai trường hợp vũ trụ sẽ hoàn toàn khác, động thực vật và con người sẽ không hiện hữu. Thậm chí, các con số cũng chi phối kích thước và khối lượng của mọi vật trên quả điạ cầu. Chiều cao con người không thể vượt quá 2 m, núi cao nhất không thể cao hơn 8 km, trái đất quay với vận tốc vừa phải sao cho đúng với kích thước của mình đưa đến một ngày địa cầu là 24 tiếng [5]. Với 15 con số kỳ diệu, vũ trụ được điều chỉnh một cách chính xác nên con người hiện hữu và từ đó ý thức (consciousness) được thành hình.
Sự điều chỉnh vô cùng chính xác ngay từ điểm khởi đầu của vũ trụ là một việc có chủ ý hay một việc thuần ngẫu nhiên? Tác giả Trịnh Xuân Thuận đề cập đến thuyết đa vũ trụ mà trong đó nhiều vũ trụ được thành hình với một loạt hằng số khác nhau nhưng chỉ có vũ trụ của chúng ta “thắng lớn” như trúng số độc đắc bằng 15 hằng số rất hài hòa. Tuy nhiên, cá nhân tác giả Trịnh Xuân Thuận không tin vào thuyết đa vũ trụ trong đó vũ trụ chúng ta ngẫu nhiên thành hình và sự sống ngẫu nhiên xuất hiện (trang 50). Sự ngẫu nhiên đó đầy kịch tính nhưng xác suất xảy ra rất mong manh, tỷ tỷ lần nhỏ hơn những “ngẫu nhiên” của phim ảnh Hollywood hay phim chưởng Hong Kong trong đó người hùng sẽ xuất hiện đúng lúc để cứu người đẹp ra khỏi những bàn tay thô bạo, hoặc như trong phim “Dr Zhivago” khi Zhivago nhìn qua cửa sổ xe bus “ngẫu nhiên” nhìn thấy Lara đang đi trên phố, chàng vội nhảy ra khỏi xe lao về hướng của nàng nhưng lại quá xúc động “ngẫu nhiên” đột quỵ trên đường để rồi mãi mãi không gặp được nàng… Theo ông sự ngẫu nhiên không thể nào cho chúng ta 15 hằng số trên (trang 50). Như vậy, nếu không phải ngẫu nhiên thì vũ trụ và sự sống xuất hiện với một chủ ý. Nhưng tác giả Trịnh Xuân Thuận lại biện luận rằng vì đã có nhiều bằng cớ phủ nhận sự hiện diện của một Đấng Sáng tạo, “chủ ý” ở đây có nghĩa là một “nguyên lý tổ chức” (principle of organization), không phải là Thượng Đế được nhân cách hóa trong ý nghĩa cổ điển mà là những định luật vật lý điều chỉnh vũ trụ một cách vi diệu ngay từ lúc ban đầu. Tác giả Trịnh Xuân Thuận không giải thích nguyên lý nào và cũng không đi vào chi tiết cơ chế điều chỉnh ra sao. Ông nói chung chung trừu tượng và vô tình khoác lên Đấng Sáng tạo một màu áo khác.
Theo cách nhìn của Phật Giáo, như đã đề cập, là không có điểm khởi đầu, vô thủy vô chung và bản chất vô thường chi phối mọi hiện tượng. Dựa trên luật Nhân Quả, tác giả Ricard cho rằng không có một điểm khởi đầu cũng có nghĩa là không cần “nguyên lý tổ chức”, bởi nếu “nguyên lý tổ chức” là nguyên nhân và là điều kiện ban đầu cho sự hình thành của vũ trụ thì Big Bang sẽ xảy ra liên tục không nghỉ. Điều này vô lý. Vì vậy đi tìm một “nguyên lý tổ chức” là việc không cần thiết (trang 57-58). Đây là một lập luận để tránh né vấn đề hay là một cách nhìn khác do bản chất định tính của Phật Giáo trong đó mọi hiện tượng được nhìn bằng sự tương thuộc duyên sinh?
Vũ trụ không có điểm khởi đầu vô thủy vô chung, có số tuổi vô hạn vĩnh hằng theo thời gian cũng là một lý thuyết của giáo sư thiên văn học nổi tiếng người Anh, Fred Hoyle, được gọi là lý thuyết “trạng thái dừng” (steady-state theory). Fred Hoyle bác bỏ vũ trụ có điểm khởi đầu “Big Bang”. Lý thuyết Hoyle rất được yêu mến trong thập niên 50 của thế kỷ trước. Nhưng ngày nay, đa số các nhà khoa học tin vào Big Bang vì có nhiều chứng cớ quan sát và thực nghiệm. Như vậy, tác giả Trịnh Xuân Thuận cũng như tác giả Ricard đều bế tắc như nhau trước sự hình thành vũ trụ, nhưng với lý do khác nhau.
Tất cả do duyên sinh nên vô ngã. Vì luật Nhân Quả nên “cái này thuộc vào cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Tác giả Ricard nói đến tính Không trong Phật Giáo qua sự liên hệ lôgic giữa vô ngã, vô thường và duyên sinh. Đó là cách nhìn Trung Đạo (Middle Way) trong Phật Giáo. Vô ngã và vô thường đưa đến một hệ luận là mọi sự vật và hiện tượng không mang bản chất độc lập, cố định, bất biến. Vì không có một bản chất cố định tất cả đều là ảo giác hay chỉ là một biểu hiện nhất thời. Cái nhìn Phật Giáo rất phù hợp với cơ học lượng tử của thế giới vi mô (microcosm). Nguyên lý bất định Heisenberg nói đến tính bất định trong thế giới vi mô. Trong thế giới vi mô của hạt cực nhỏ như phân tử, nguyên tử, neutron, proton, electron người ta không thể xác nhận vị trí và vận tốc của hạt cùng một lúc. Vị trí của hạt sơ cấp chỉ có thể tính bằng xác suất thống kê, chẳng hạn hạt xyz cùng một lúc xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau với xác suất ở điểm A là 50 %, điểm B 20 % v.v… Rất mờ ảo. Phật Giáo cho đây là ảo giác. Nhà vật lý Schrödinger khi đề cập đến bản chất của những hạt sơ cấp từng nói, “Không nên nhìn một hạt như là một thực thể cố định mà hãy xem nó như là sự kiện nhất thời. Đôi khi những sự kiện này liên kết với nhau cho ra một ảo giác của những thực thể cố định” (It is better not to view a particle as a permanent entity, but rather as an instantaneous event. Sometimes these events link together to create the illusion of permanent entities) (trang 85). Nói theo kiểu văn chương “miệt vườn” cho dễ hiểu là “thấy vậy mà không vậy” hoặc “không vậy mà vậy”. Sự chuyển hoán từ một dạng thức này sang một dạng thức khác đã được kiểm chứng từ các vật cực nhỏ như electron đến các vật cực lớn như vũ trụ. Lưỡng tính sóng hạt đã được phát hiện vào đầu thế kỷ 20. Sóng có thể là hạt (photon), và hạt (thí dụ: electron) cũng có thể là sóng. Bản chất sóng/hạt tùy thuộc vào cách thức đo đạt của người làm thí nghiệm. Điều này thực chứng bản chất không cố định vô ngã của sự vật. Sự chuyển hoán giữa các dạng năng lượng (như sự ma xát cơ năng biến thành nhiệt năng, khối lượng biến thành năng lượng) cũng là một biểu hiện của vô ngã vô thường.
Trong thế giới vĩ mô (macrocosm), nguyên lý bất định Heisenberg mất ý nghĩa. Khác với vật cực nhỏ mà vị trí của nó dựa vào tính xác suất ở nhiều nơi A, B, C… khác nhau, một vật to như cái bàn không thể lúc thì ở trong phòng học lúc thì tự động nhảy vào nhà bếp hoặc “rong chơi” ngoài sân. Cái bàn trong phòng học sẽ mãi mãi ở đúng vị trí của nó trừ khi ta phải xê dịch. Như vậy, trong thế giới vật lý vĩ mô khác vi mô. Nhưng đâu là lằn ranh phân biệt vi mô và vĩ mô, vật lý dường như không có câu trả lời định lượng dứt khoát [7]. Tác giả Ricard cho rằng Phật Giáo quan niệm thuộc tính vi mô lần lần phát triển thành thuộc tính vĩ mô mà không cần lằn ranh phân biệt. Tính Không hay vô ngã vô thường thành một định luật bao quát toàn diện không phân biệt vật lớn vật nhỏ, vi mô hay vĩ mô.
Khái niệm vô thường và khoa học được phân tích chi tiết hơn ở Chương 6. Vô thường hay là sự thay đổi liên tục được tác giả Ricard phân biệt là “vô thường thô” (gross impermanence), như sự thay đổi thời tiết, xâm thực của một ngọn núi, sự giãn nở của vũ trụ hay sự biến đổi tình cảm, và “vô thường tinh” (subtle impermanence) xảy ra trong một khoảnh khắc ngắn nhất (trang 101). Khi ta cảm nhận được sự biến đổi là việc không thể tránh được và mang tính rộng khắp thì ta có thể hiểu là vũ trụ không phải được tạo thành bằng những thực thể cố định, riêng biệt mà là một hệ thống của nhiều luồng tương tác liên tục không dứt của trùng trùng duyên khởi. Từ thế giới vĩ mô như vũ trụ ta thử đi vào thế giới vi mô của các hạt sơ cấp để tìm xem tính vô thường vẫn còn hiện hữu hay không. Nguyên tử là đơn vị chung nhỏ nhất của vật chất làm thành con người, hoa lá đến hạt bụi. Nguyên tử có hạt nhân. Nếu kích thước một nguyên tử là bằng một sân vận động thì hạt nhân có kích thước bằng hạt gạo nằm giữa sân. Hạt nhân được cấu tạo bởi proton và neutron. Hai loại hạt sơ cấp này lại được tạo thành bởi các hạt quark. Cứ 3 quarks tạo thành một proton hay neutron. Vật lý hiện đại cho ta biết quark là hạt sơ cấp nhỏ nhất của nguyên tử, nghĩa là cái nhỏ nhất trong cấu trúc vạn vật. Ở điều kiện thích nghi quark có thể biến thành dạng khác. Sự chuyển hoán đưa đến sự biến đổi từ proton thành neutron và ngược lại. Đây là một thí dụ của “vô thường tinh” đã được tác giả Ricard đề cập. Rõ ràng là bản chất vô thường quán xuyến từ quark cái nhỏ nhất trong vật chất đến cái to nhất là vũ trụ.
Vì là một người “vô thần ngoại đạo” vẫn thường quan niệm “chết là hết chuyện” tôi rất kinh ngạc khi đọc đến Chương 10 và 11 đề cập đến việc tái sinh nói về sự sống sau khi chết. Tôi truy cập những trang mạng Phật Giáo tìm hiểu xem đây có phải là tư tưởng chính thống hay chỉ là điều mê tín dị đoan. Trong việc truy tìm tôi phát hiện ra “Thuyết Tái Sinh” được xem như là một hệ luận của Luân Hồi và rất được trân trọng trong lý thuyết Phật Học. Suy nghĩ theo tư duy khoa học bỗng nhiên vô hiệu. Tôi bỗng nhiên lúng túng. Tác giả Ricard đưa ra một trường hợp tái sinh của một phụ nữ Ấn Độ tên là Shanti Devi và cũng chứng kiến việc tái sinh của người thầy của mình là Khyentse Rinpoche. Tiền kiếp của Shanti Devi qua đời vì bịnh hậu sản và sau đó tái sinh vào một gia đình khác. Khi đứa bé gái được tái sinh lớn lên, cô bé lúc nào cũng nằng nặc muốn gặp lại người chồng cũ. Người chồng quá sợ hãi không dám gặp trực tiếp nhưng muốn biết sự tình như thế nào bèn nhờ người anh họ đến dò la hư thực. Khi người anh họ vừa mới bước vào nhà thì cô bé la lên kêu đúng tên họ lại còn bảo, “Hồi xưa anh thường lợi dụng lúc chồng tôi đi vắng lân la đến nhà ve vãn tôi!!”. Ông anh họ nhà chồng nghe xong gần té xỉu vì sự thật không thể nào chối cãi…
Một trường hợp đúng thì cũng đủ chứng minh “Thuyết Tái Sinh” hiện hữu. Tôi lúng túng vì không biết phải lý giải thế nào cho thích hợp. Phật Giáo đưa ra khái niệm “thân trung ấm” [8] để diễn tả sự sống sau khi chết trước khi linh hồn [9] đi tái sinh. Có lẽ thân trung ấm không phải là đối tượng nghiên cứu của khoa học nên khoa học chưa có câu trả lời. Như vậy, sự tái sinh là sự truyền đạt (transmission) linh hồn hoặc ý thức trong quá trình “tái tạo” và sự truyền đạt có giống như việc truyền tín hiệu từ chiếc điện thoại di động này đến chiếc khác?! Có thể xem linh hồn như một loại sóng “điện từ” sinh học? Súc vật và con người có linh hồn, còn thực vật thì sao? Tôi dùng con số cho đơn giản, nếu vài thế kỷ trước đây tổng số loài người và những sinh linh khác chỉ có vài tỷ bây giờ sinh sôi nẩy nở ra vài chục tỷ thì số cung của linh hồn sẽ ít hơn số cầu. Có thực sự là linh hồn có thể phân chia như sự sinh sôi của tế bào để tiếp ứng đủ cho số cầu? Đó là chưa kể một số linh hồn được giác ngộ thoát khỏi cõi ta bà vãng sinh tịnh độ. Tác giả Trịnh Xuân Thuận cũng có một thắc mắc tương tự. Ông nghĩ phải có một nguồn ý thức vô hạn trong vũ trụ để cung ứng và “nhập” vào hình hài của hàng chục tỷ sinh linh. Tác giả Ricard trấn an với lời giải thích hơi nhập nhằng rằng là nguồn ý thức hay linh hồn biết “tùy cơ ứng biến” để gia giảm số lượng tương ứng với con số của hình hài (trang 199).
Mặt khác, câu chuyện “khó tin nhưng có thật” của Shanti Devi và việc tái sinh của các Đức Lama Tây Tạng hàm ý linh hồn tái sinh vẫn là thực thể của tiền kiếp. Hóa ra, linh hồn vừa là một “vật” bất biến y nguyên vừa là một “ngã” độc lập tự do trong quá trình tái sinh liên tục. Sự suy diễn này đưa đến một kết luận cực kỳ mâu thuẫn đối với bản chất vô thường vô ngã của Phật Giáo. Nói cách khác, phải chăng linh hồn tái sinh là ngoại lệ của tín điều “vô thường vô ngã”?
Trong toàn bộ cuộc đối thoại, tác giả Ricard và tác giả Trịnh Xuân Thuận nói đến những điểm tương đồng thú vị nhưng tôi không thấy hai tác giả đề cập đến những điểm tương phản. Dù có mang một tâm tình lạc quan nhất, tôi không nghĩ hai lĩnh vực lại có thể có những điểm tương đồng một cách hài hòa như hai bánh xe răng lúc nào cũng ăn khớp với nhau. Tác giả Ricard xoay quanh tính Không, duyên sinh, vô thường, vô ngã trong toàn quyển sách; nó cho một cách nhận thức mới ở các chương đầu nhưng sự trùng lập làm cách biện luận trở thành đơn điệu dễ làm cho người đọc cảm thấy nhàm chán ở những chương sau. Thỉnh thoảng tác giả Ricard chấp nhận hoặc phản bác có phần độc đoán giáo điều về một hiện tượng hay một luận điểm, không giải thích rành mạch hoặc chỉ trích dẫn một vài câu nói của các triết gia chưa bao giờ được thực chứng. Tác giả Trịnh Xuân Thuận đưa ra những vấn đề khoa học và đặt ra nhiều câu hỏi khúc mắc nhưng hầu như chấp nhận các ý kiến của tác giả Ricard mà ít khi phản luận theo tư duy khoa học.
Một câu hỏi thường được đặt ra “Phật Giáo là một tôn giáo, khoa học hay triết học?”. Sau khi đọc quyển sách nầy, tôi nhận thấy Phật Giáo mang đặc tính của cả ba. Tác giả Ricard xem Phật Giáo là một “khoa học thiền tu” (comtemplative science) thì cũng không phải là ngoa ngữ nếu nhìn từ mục đích của khoa học và Phật Giáo là cả hai cùng truy tìm bản chất mọi hiện tượng sự vật trong một tinh thần tôn trọng sự thật khách quan. Phật Giáo vượt hơn hẳn khoa học trên mặt đạo đức vì không những mang đến con người một tài sản tư duy quý báu với một vũ trụ quan và nhân sinh quan rõ rệt, lại còn dẫn dắt con người trong việc giác ngộ trên con đường hướng thiện vô ngã vị tha.
Einstein từng nói, “Khoa học không có tôn giáo thì què quặt, tôn giáo không có khoa học thì mù lòa”. Sự bổ sung giữa Phật Giáo và khoa học trở nên cần thiết cho việc nâng cao cùng lúc tư duy và đạo đức con người. Mặc dù đi trước khoa học hơn 2.000 năm Phật Giáo vẫn cần được phân tích bằng phương pháp khoa học hiện đại để hội nhập vào thời đại mới vốn dĩ đa dạng. Ngược lại, ngoài việc áp dụng của tư tưởng nhập thế của Phật Giáo khoa học cần nghiên cứu những vấn đề đã được Phật Giáo tiên đoán cũng như những khái niệm cốt lõi trong Phật Học. Vấn đề thành hình tâm linh và thuyết tái sinh có thể là đề tài nghiên cứu khoa học thú vị nếu không nó dễ trở nên những chuyện mê tín hoang đường được thêu dệt cho nhiều mục đích vụ lợi khác nhau.
Dù mang tính khoa học trong tư duy, nhưng Phật Giáo có bản chất định tính nên vẫn là tôn giáo và triết học. Phật Giáo có thể tương tác với khoa học trên một số khía cạnh nhưng không thể định lượng và giúp khoa học giải quyết những nghịch lý thiên nhiên. Phật Giáo và khoa học cùng bế tắc trước việc lý giải sự xuất hiện của vũ trụ và sự sống muôn loài. Thật ra, vấn đề lý giải vũ trụ và sự sống không phải là đối tượng của Phật Giáo mà của khoa học. Nhưng việc tái sinh liên quan đến tâm linh là một đối tượng hoàn toàn của Phật Giáo mà tôi cảm thấy không thuyết phục trong suy tư lôgic. Việc tái sinh liên tục cho thấy linh hồn “bất biến” và “hữu ngã”, theo thiển kiến của tôi, là mâu thuẫn tư tưởng nội tại của Phật Giáo trước nguyên tắc cốt lõi “vô thường vô ngã”.
Những lời phát biểu của tác giả Ricard về Phật Giáo trong quyển sách chỉ ở trình độ dẫn nhập. Tôi cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu sâu xa hơn về sự tương đồng và tương dị giữa Phật Giáo và khoa học. Đi tìm thư tịch về Phật Giáo ở một ngôi chùa địa phương làm tôi thất vọng. Những bài trên các trang mạng Phật Giáo mang nhiều tính tản mạn và ít tính thuyết phục. Sự thiếu sót thư tịch và tài liệu tham khảo dẫn đến việc khập khiễng trong kiến thức. Mặt khác, tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại những nơi có nhiều người Việt sinh sống, chùa chiền lớn nhỏ được xây cất tùy tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Sự phát triển không cân bằng giữa kiến thức tu tập và vật chất dễ đưa đến sự nhầm lẫn giữa “đạo pháp” và “mê tín” với một hệ quả là sự mê tín có nguy cơ tồn tại mãi mãi như một căn bệnh trầm kha di truyền.
Bản chất của vô thường là mọi vật đều biến đổi, với một tác nhân duyên khởi mọi vật có thể tiến hóa hay thoái hóa. Phật Giáo cũng không nằm ngoài những quy luật mà tự thân nó lập nên. Tác giả Ricard dù có lạc quan cho rằng cách nhìn Trung Đạo sẽ giúp các nhà khoa học lý giải được nhiều nghịch lý, nhưng cuộc đối thoại giữa Phật Giáo và khoa học chỉ có thể tiếp tục khi nào có sự phát triển song song của hai lĩnh vực. Khoa học là đứa con sanh sau đẻ muộn nhưng khoa học có tác động sâu rộng đến đời sống tinh thần và vật chất của loài người vì nó đã biết tìm và vận dụng một cách hiệu quả các quy luật tự nhiên vào cuộc sống đời thường.
Phật Giáo đi trước hơn 2.000 năm nhưng sẽ trở nên tụt hậu nếu không có những phát triển mới trên nền tảng cũ. Nền tảng cũ dù quý báu nhưng cũng sẽ mai một như một ao tù tư tưởng nếu vắng bóng những bước đột phá cho tương lai. Phật Giáo là một hệ thống tư tưởng duy lý. Đức Phật không phải là Thượng Đế toàn năng. Phật Giáo vì vậy cần phải được tiếp cận với một thái độ phê phán có khoa học như Đức Phật đã từng dạy, “Đừng chấp nhận lời dạy của ta chỉ vì sự tôn kính đối với ta. Chỉ chấp nhận nó khi các ngươi thấy nó là sự thật”. Ngoài những khóa tu tập đạo đức trong quan hệ thầy trò theo phương thức một chiều “thầy dạy, trò nghe”, Phật Giáo cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong, ngoài nước bao gồm mọi tông phái giống như các hội thảo khoa học, trong đó mọi người đều bình đẳng trình bày, thảo luận và phản biện từ nhiều góc nhìn để nâng cao trình độ hiểu biết Phật Học.
Steven Weinberg (Nobel Vật lý, 1979) từng phát ngôn chống tôn giáo có phần cực đoan, “Có hay không tôn giáo, người tốt vẫn cư xử tốt và người xấu vẫn làm chuyện ác; nhưng để người tốt làm chuyện ác – việc này cần tôn giáo …”. Ngược lại, khi Einstein đề xuất ý tưởng “tôn giáo vũ trụ” (cosmic religion), ông đã thốt lên những lời lẽ nhân hậu, “Tôn giáo của tương lai sẽ tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải bỏ qua Chúa bị nhân cách hóa (personal God) để tránh các giáo điều và thần học. Bao gồm cả thiên nhiên và tâm linh, nó phải được đặt trên ý thức tôn giáo xuất phát từ kinh nghiệm của mọi thứ, thiên nhiên và tâm linh, và được xem là một thể thống nhất đầy đủ mọi ý nghĩa”. Einstein hiểu rõ Đức Phật không phải thần linh bị nhân cách hóa, ông nói tiếp, “Phật Giáo trả lời được sự mô tả (về tôn giáo vũ trụ) …. Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, tôn giáo đó có thể là Phật Giáo”.
Khoa học có thể vận hành không cần đạo đức. Đạo đức có thể tồn tại không cần khoa học. Nhưng nhà khoa học chân chính cần cả hai. Phật Giáo là “khoa học của tâm hồn” và cũng là một kho tàng tri thức của nhân loại tích tụ hơn 2.500 năm nhưng cho đến bây giờ ở thế kỷ 21, tiếc thay, vẫn chưa được phát huy và triển khai đúng mức.
Tháng 3, 2006 ( Bổ sung: Tháng 3, 2019)
* Matthieu Ricard & Trinh Xuan Thuan, The quantum and the lotus, Three Rivers Press, New York 2001.
Ghi Chú
1. R. P. Crease, Physics World, 18 (October 2005) 19. Tác giả Crease kể lại một câu chuyện về một anh chàng say rượu đi săn nai. Con nai lẩn tránh rất hay nên anh này không tài nào săn được. Tức tối, anh ta leo đến tận đỉnh núi để chận đường chú nai nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Anh ta tiu nghĩu trở về quán rượu tuyên bố với các bạn nhậu rằng con nai không săn được vì con nai biết bay! Mọi người chế diễu cười ồ. Còn gì khác nữa, anh ta một mực cãi lại, nếu nó không biết bay thì làm sao nó lại biến mất. Câu chuyện làm tác giả liên tưởng đến lý luận của những người đề xướng “thiết kế thông minh”. Giống như anh say rượu săn nai, họ gán một nguyên nhân siêu hình cho một hiện tượng không giải thích được rồi quy trách nhiệm vào kẻ phản đối theo kiểu “tin hay không tin là vấn đề của các anh”. Nguyên nhân theo anh say rượu săn nai là “con nai biết bay”; theo những người đề xướng “thiết kế thông minh” là sự hiện hữu của “người thiết kế toàn năng”. Vì vậy, tác giả viết một câu kết luận như sau, “Argumentatively speaking, therefore, an intelligent designer is a flying moose” (Cho nên nói theo kiểu lý sự thì người thiết kế thông minh là con nai biết bay).
2. http://chimviet.free.fr/20/khc0050.htm
3. Trong thời gian Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc ở Thế chiến thứ 2, Ishii Shiro thừa lệnh Nhật Hoàng Hirohito thành lập Đơn Vị 731 tại Mãn Châu để làm thí nghiệm nhân thể trên các tù nhân Trung Quốc và Đồng Minh.
4. Howard Florey sinh trưởng tại Adelaide (tiểu bang South Australia, Australia). Ông tốt nghiệp y khoa tại Đại học Adelaide và đoạt giải Nobel Y học (1945) cùng với Alexander Fleming, Ernst Boris Chain cho công trình nghiên cứu penicillin.
5. Trịnh Xuân Thuận, chương VII trong “Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ” (người dịch Phạm Văn Thiều), nxb Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội 2000.
7. M. Arndt, K. Hornberger and A. Zeilinger, Physics World, 18 (March 2005) 35.
8. www.thuvienhoasen.org
9. Trong sách hai tác giả dùng từ “ý thức” (consciousness) để ám chỉ “linh hồn” (soul) có lẽ để làm giảm màu sắc huyền bí.