Sách Tục ngữ-Phong dao của Nguyễn Văn Ngọc[1] và sách Tục ngữ và Dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan[2] có một bài có nhiều từ đáng được chú ý tìm hiểu. Đó là bài Con chim ăn quả bồ nu:
Con chim ăn quả bồ nu,
Ai làm nên nỗi thầy tu đeo xiềng?
Thầy tu ăn nói cà riềng,
Em thưa quan cả đóng xiềng thầy tu
Bài thơ có từ cổ, từ mới, từ địa phương.
Mời các bạn cùng ngồi vào bàn… Bàn suông thôi.
***
Quả bồ nu
Quả bồ nu là quả gì? Có phải là quả bồ nâu hay củ nâu không?
Xin trả lời… vòng vo một chút.
Sách Đại Nam quốc tuý (1908) của Ngô Giáp Đậu có câu (số 181):
Đào thắm thì đào lại phai
Bồ nâu giãi nắng thì mài chẳng đi
Sách Tục ngữ Phong dao của Nguyễn Văn Ngọc chép khác:
Đào thắm thì đào lại phai
Đồ nâu giãi nắng thì mài cũng đi.
Có sách lại chép đổi thành:
Khăn chàm dãi nắng thời phai
Bồ nâu dãi nắng thời mài chẳng ra
Ca dao cũng có mấy câu đả động đến bồ nâu:
Số giàu trồng lau hoá mía
Số nghèo trồng củ tía hoá bồ nâu.
Người khôn ăn miếng thịt gà
Tuy rằng ăn ít nhưng mà ngon lâu
Người dại ăn trái bồ nâu
Ăn no bĩnh bầu chẳng biết mùi ngon.
Quả bồ nâu có vẻ là củ nâu. Cả hai đều được dùng để nhuộm.
Cho tới đầu thế kỉ thứ 20, củ nâu vẫn còn được gọi là quả nâu. Tranh Oger (1909) có ba tấm vẽ quả nâu (Bán quả nâu, Xách quả nâu, Đẽo quả nâu). Không có tranh nào có củ nâu.
Nhưng, quả bồ nâu của ca dao có phải là quả nâu trong tranh Oger không?
Muốn trả lời chính xác thì phải lùi về quá khứ xa hơn tranh Oger.
Từ điển Alexandre de Rhodes (1651) có Bồ nâu được giải thích là quả (fruita, fructus) dùng để nhuộm màu nâu.
Một bằng chứng để nói rằng quả bồ nâu của tiếng Việt có từ thế kỉ thứ 17.
Xưa kia, chiếc áo nâu sồng của sư tăng được nhuộm bằng quả bồ nâu (về sau được gọi tắt là quả nâu). Tên gọi củ nâu, quả đổi thành củ, mới được phổ biến từ sau năm 1909 (năm tranh Oger ra đời).
Có thể lấy năm 1909 làm mốc thời gian để tìm hiểu mấy câu tục ngữ, ca dao có quả bồ nâu hay củ nâu.
Màu nâu của miền Bắc là màu nu của miền Trung và miền Nam (từ đây xin gọi gồm cả hai miền là miền Nam).
Thà rằng ăn cơm củ nu
Còn hơn đi ở rèo tru lận bò.
Khăn thâm khéo nhuộm tốt màu
Khăn nu khéo chịt, bộ nhiễu Tàu xê ra.
Rốt cuộc, quả bồ nâu, quả bồ nu hay củ nâu, củ nu tất cả là một. Tên gọi được thay đổi tuỳ thời, tuỳ nơi.
Quả bồ nu cho biết rằng bài ca dao Con chim ăn quả bồ nu của miền Nam được sáng tác trước năm 1909.
Thầy tu
Miền Bắc thường gọi sư tăng là ông sư hay nhà sư. Tiếng thầy được dùng để chỉ thầy pháp, thầy cúng, thầy phù thuỷ, thầy giáo…
Thầy tu là tiếng gọi ông sư của miền Nam.
Đeo xiềng, đóng xiềng
Chaîne của tiếng Pháp được Việt hoá thành xiềng hay xích. Xiềng được dùng phổ biến trong Nam, ngoài Bắc thường dùng xích hơn.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng kể chuyện Tù trốn, có nói đến cái xiềng khoá hai chân (chaîne double) của thực dân Pháp dành cho tù chính trị người Việt.
Tranh Oger có giới thiệu cái chaîne double (xiềng hai chân) này.
Báo L´Illustration số ra ngày 29/11/1862 có bài tường thuật buổi lễ kí hoà ước của phái đoàn Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và Bonard. Bài báo có kèm theo nhiều tranh vẽ. Đặc biệt là tranh vẽ cảnh Trao trả tù binh (Renvoi des prisonniers de guerre). Tù binh Việt Nam được tháo chiếc xiềng chân[3].
Xiềng, xích của Pháp cũng cho thấy một Giai thoại làng Nho được tưởng tượng, thêu dệt:
– Cao Bá Quát bị bắt giam tại nhà ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải vào Huế.
Tới kinh, Quát bị bỏ ngục, chờ ngày hành quyết.
Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương![4].
(Cùm là cangue, xích là chaîne của tiếng Pháp. Cùm đối với xích… rất chỉnh).
Sự thực đã được sử nhà Nguyễn chép rõ: Cao Bá Quát bị chém tại trận, tại Sơn Tây. Đầu bị đem bêu. Xác bị vất xuống sông[5].
Trở lại chuyện Con chim ăn quả bồ nu.
Cái xiềng (chaîne) cũng cho biết bài ca dao được sáng tác vào thời Pháp cai trị nước ta.
Thầy tu ăn nói cà riềng
Cà riềng, hay ví von vui vẻ thành Cà riềng cà tỏi, được tất cả các từ điển định nghĩa tương tự nhau.
Cà riềng cà tỏi: Dứt mắng dai hơi, nói đi nói lại có một chuyện (Huỳnh Tịnh Của).
Cà riềng cà tỏi: Gây chuyện lôi thôi. Thầy tu ăn nói cà riềng. Ta thưa quan cảđóng xiềng thầy tu (Khai Trí Tiến Đức).
Cà riềng (phương ngữ): nói lai nhai để trách móc, đay nghiến. Cà riềng cà tỏi: nghĩa như cà riềng, hàm ý lặp đi lặp lại (Hoàng Phê).
Cà riềng, Cà riềng cà tỏi: Cằn nhằn nhây, nhắc đi nhắc lại một việc để trách móc luôn: Bị cà riềng tối ngày (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ).
Cà riềng: nói dài dòng, lôi thôi. Thầy tu ăn nói cà riềng. Em thưa quan lớn đóng kiềng thầy tu (Khai Trí).
Khai Trí nhầm lẫn kiềng với xiềng.
Tiếng Việt có hai cái kiềng. Kiềng được Khai Trí định nghĩa:
- Đồ dùng gồm một khoanh tròn bằng sắt có ba chân để bắc nồi, chảo lên trên mà nấu (miền Nam gọi là cà ròn).
Dù ai nói ngả nói nghiêng, Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.
- Vòng đeo ở chân hoặc ở cổ.
- Kiềng là vật trang sức hình vòng tròn, thường bằng vàng hay bạc, phụ nữ hoặc trẻ em dùng đeo ở cổ (Hoàng Phê).
Nước ta chưa có thời đại hoàng kim nào bắt người có tội đeo kiềng (bằng vàng hay bạc).
Khai Trí viết Đóng kiềng thầy tu là sai. Đóng xiềng mới đúng.
Các từ điển cho thấy Cà riềng là từ chính. Có riềng thì thêm mắm thêm muối, pha thêm chút tỏi cho khoái khẩu khách nhậu, vui tai người nghe. Không có Cà tỏi cũng chả sao.
Vè Xã Lãi đi gặt của Văn hoá truyền thống Liễu Đôi ngoài Bắc cũng có Cà riềng.
Xã Lãi đi gặt Hưng Yên
Chẳng có một tiền, cũng chẳng có nong
Cơm vàng nắm với cà rong,
Ba ngày thì đến xứ đồng Hưng Yên
Bà chủ có tiếng cà riềng,
Thợ gặt thì phải ăn “kiêng” muối vùi…[6].
Quan cả
Quan cả trong Nam tương đương với quan lớn ngoài Bắc.
Cả nghĩa là to, lớn, đứng đầu. Cả vú lấp miệng em. Đũa cả là đũa to và dẹp. Anh cả, chị cả là đứa con thứ nhất, con đầu lòng.
Trong Nam gọi người con thứ nhất là anh hai hay chị hai, không gọi là anh cả hay chị cả như ngoài Bắc. Một số học giả giải thích vì trong Nam chữ Cả được dành để gọi Hoàng tử Cảnh (Ông Hoàng Cả) và Giám mục Bá Đa Lộc (Cha Cả, mộ của ông được gọi là Lăng Cha Cả).
Thuyết Ông Hoàng Cả, Cha Cả không hoàn toàn đúng vì giáo dân gọi cha Cadière là ông Cố Cả. Dân đen hàng ngày vẫn còn sợ ông quan cả ngoài phố, ngán ông hương cả trong làng.
***
Con chim ăn quả bồ nu, cùng một số truyện thơ Nôm, từ Việt Nam bay lạc sang Pháp, đậu trong Thư viện quốc gia Paris, được học trò của giáo sư Nhan Bảo (Đại học Bắc Kinh) khám phá ra, sao chụp gửi về cho thầy.
Giáo sư Nhan Bảo chép, dịch các bản thơ Nôm sang chữ Hán, cho phép Ts Thích Đồng Văn (Đại học tp Hồ Chí Minh) xuất bản toàn bộ tại Việt Nam. Phần thơ Nôm được giáo sư Vũ Văn Kính hiệu đính. Con chim ăn quả bồ nu trở thành:
Con chim ăn quả bồ nâu
Ai làm nên nỗi thầy tu mang xiềng
Thầy tu ăn nói nhà riêng
Em thưa quan lớn đóng xiềng thầy tu[7].
Thầy tu bị lạc vận, không đúng vần với bồ nâu. Nhà riêng thay thế cho cà riềng. Quan lớn thay cho quan cả.
Quả bồ nâu được Nhan Bảo dịch là quả Nam mai, nghĩa là quả mai (Ô mai của trẻ con) hay quả mơ (Cô hái mơ của Nguyễn Bính) của Việt Nam. Quả mai hay quả mơ không liên quan gì với cái áo nâu sồng của thầy tu. Quả mai làm câu thơ mất ý nghĩa, trở thành… vô duyên.
Thầy tu được Nhan Bảo dịch là tăng nhân. Xiềng là toả (cái khoá). Ăn nói nhà riêng là ngôn ngữ sỉ hiêu (ăn nói khoe khoang, ngạo mạn).
Cà riềng bị đọc sai thành nhà riêng hay người chép chủ ý “sửa sai” như vậy?
Nhà riêng có thể dẫn dắt người đọc sang một tình huống khác.
- Kịch thơ Lý Chiêu Hoàng
- Câu chuyện chùa Kim Liên – Hà Nội
- Tục đốt vàng mã cho người quá cố từ đâu mà có
Xưa kia, nơi ở và làm việc của các giáo sĩ đạo Thiên Chúa được gọi là nhà chung. Chung có nghĩa là của chung của mọi người. Trái ngược với chung là riêng. Thầy tu (của đạo Phật) ăn nói nhà riêng nghĩa là nói những điều ngược với lời dạy của nhà chung (đạo Thiên Chúa) khiến cô gái nổi sùng, đi “méc” quan lớn Pháp chăng?
Nếu đúng như vậy thì ý nghĩa câu thơ quả là thâm sâu, kín đáo, vượt quá mục đích của văn chương bình dân. Đành phải chấp nhận rằng lối giải thích “vặn vẹo”, “cố đấm ăn xôi” như vậy là… không đúng!
Nói tóm lại, cà riềng đã bị chép sai thành nhà riêng. Bồ nu bị chép sai thành bồ nâu. Quan cả bị đổi thành quan lớn. Bài ca dao của giáo sư Nhan Bảo, được giáo sư Vũ Văn Kính hiệu đính đã bị tam sao thất bản.
***
Nguồn gốc Cà riềng ra sao, từ đâu đến? Không thấy sách vở nào cho biết. Nhân lúc nhàn rỗi, dư thì giờ, mời các bạn cùng đi tìm câu trả lời.
1) Chữ Hán không có vần R. Cà riềng chắc chắn không phải do chữ Hán mà ra.
2) Cà riềng cà tỏi có âm điệu lơ lớ như Cà rịch cà tang.
Theo Ts Lý Tùng Hiếu thì Cà rịch cà tang đến từ tiếng Chăm liti litia, nghĩa là rề / rà[8].
Xét theo nghĩa thì Cà riềng cà tỏi có thể giống Cà rịch cà tang. Cả hai đều có nghĩa rộng là rềrà. Nhưng xét theo âm thì liti litia rất xa lạ với Cà rịch cà tang và Cà riềng cà tỏi.
Cà riềng cũng không phải là đến từ tiếng Chăm hay tiếng Miên.
3) Hay là Cà riềng lai… tiếng Pháp chăng?
Tiếng Việt ngày nay đại khái có ba loại Cà:
- Cà nội, bình dân như cà cuống, cà bát, cà pháo…
- Cà nhập cảng mang nhãn hiệu ngoại quốc như cà phê, cà rốt, cà ri, cà vạt, cà nông, cà rá, cà kê…
- Cà được ghép giống (thường là ghép hai từ) như cà lăm, cà rỡn, cà riềng…
Nhóm Cà ghép này có nhiều từ chỉ hành động lặp đi lặp lại.
(Xin nhắc: Cà kê là từ kép (nên viết Cà-kê), có hai âm tiết, do Caquet (ca-kê) của tiếng Pháp mà ra. Cà-kê hay Caquet nghĩa là nói dai dẳng, lặp đi lặp lại, khiến người nghe phải bực mình. (Xem bài Con cà con kê, Chim Việt Cành Nam, 9/2004).
Trở lại Cà riềng…
Cà riềng (cà tỏi) được Génibrel dịch là Quereller (cãi nhau, sinh sự). Nhưng, Quereller không hàm chứa ý lặp đi lặp lại. Bởi vậy, Cà riềng không phải là âm của Quereller.
Cà riềng, giống Cà lăm, cả hai được ghép bằnghai từ đơn.
Cà lăm = cà + lăm.
Cà là: Áp một bộ phận thân thể vào vật khác và đưa đi đưa lại sát bề mặt (Hoàng Phê).
Lăm là biến âm của Lặp.
Cà lăm (Nam) hay Nói lắp (Bắc, Lắp cũng là biến âm của Lặp) là nói lắp bắp, nói lặp đi lặp lại.
Cà riềng = cà + riềng.
Riềng có thể là biến âm của động từ Railler hay Ricaner (tiếng Pháp, nghĩa là chọc ghẹo, chế giễu).
Ăn nói cà riềng là chế giễu lặp đi lặp lại, chọc ghẹo dai dẳng, khiến người nghe phải bực mình… Như trường hợp cô gái (thời Pháp) bị nhà sư Ăn nói cà riềng, đùa dai nham nhở hay Xã Lãi đi gặt, bị bà chủ hậm hoẹ, đối xử tệ bạc.
Con chim ăn quả bồ nu trước khi bay đi chỗ khác còn cố hót lên rằng bài vè Xã Lãi đi gặt của Văn hoá truyền thống Liễu Đôi được sáng tác dưới thời Pháp thuộc, vào khoảng cuối thế kỉ thứ 19 hay đầu thế kỉ thứ 20.
[1] Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ-Phong dao (1928), tập dưới,
Mặc Lâm, 1967, tr. 51.
[2] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ và Dân ca Việt Nam, Sử Học, 1961, tr. 247.
[3] Les grands dossiers de L´Illustration, L´Indochine, Le livre de Paris, 1987, tr. 26.
[4] Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi Tùng Thư, 1966, tr. 316.
[5] Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học, 2004, tr. 1053.
[6] Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Khảo sát Văn hoá truyền thống Liễu Đôi, KHXH, 1982, tr. 305.
[7] 6 Truyện-Thơ nôm đầu thế kỷ XX, Th Tp Hồ Chí Minh, 2006, tr. 73.
[8] Lý Tùng Hiếu, Ngôn ngữ-Văn hoá vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2012, tr. 66.