Trong thần thoại Trung Hoa, vào thời Ngũ Đế, lũ lụt Hoàng Hà tràn ngập Trung Nguyên. Đế Nghiêu sai Cổn trị thuỷ. Cổn trị thuỷ bất thành, bị Đế Nghiêu xử tử. Về sau, Đế Thuấn lại dùng con của Cổn là Vũ trị thuỷ. Vũ dùng đất thần tức nhược để đắp bờ nắn dòng nước lũ, lại xẻ Thạch Môn, Long Môn, Thần Môn, Quỷ Môn, Nhân Môn để cho Hoàng Hà chảy ra Đông Hải. Nhờ trị thuỷ thành công, Vũ được Đế Thuấn truyền ngôi thiên tử. Đế Vũ lập nên nhà Hạ, vương triều đầu tiên trong Tam Đại Trung Hoa[1].
1. Sự lưu truyền của cửu đỉnh Trung Hoa
Theo sách Đông Chu Liệt Quốc, sau khi lập nên nhà Hạ, Đế Vũ đã chia thiên hạ thành cửu châu. Để xiển dương đế vị của mình, Đế Vũ đã lấy kim lượng triều cống của chư hầu cửu châu mà đúc thành Cửu Đỉnh. Cửu Đỉnh là biểu trưng cho quyền uy của thiên tử nhà Hạ trên cửu châu, tức là toàn thể thiên hạ. Thực thế, tại thành mỗi đỉnh đều có khắc tên của một trong cửu châu: Kinh, Lương, Ung, Dự, Từ, Dương, Thanh, Duyện, Ký. Tương truyền, mỗi đỉnh trong Cửu Đỉnh nặng không biết bao nhiêu mà kể. Trên thân mỗi đỉnh có khắc tinh hoa sơn hà điền thổ và nhân vật của cửu châu. Hai tai mỗi đỉnh đều có đúc nổi hình rồng, nên Cửu Đỉnh còn được gọi là Cửu Long Thần Đỉnh[2].
Ban đầu, Đế Vũ đặt Cửu Đỉnh ở kinh đô nhà Hạ. Vị trí kinh đô này cho đến nay người ta vẫn chưa xác định chính xác được. Khoảng thế kỉ 18 BC, Thành Thang diệt Kiệt để lập nên nhà Thương, đã đưa Cửu Đỉnh về kinh đô là Ân Khư. Về sau, khoảng thế kỉ 11 BC, Chu Vũ Vương diệt Trụ để lập nên nhà Tây Chu, cũng đưa Cửu Đỉnh về kinh đô Tây Chu là Cảo. Sau sự kiện Phong hoả Ly sơn, Chu Bình Vương (781-720BC) thiên đô về Lạc lập nên nhà Đông Chu, cũng cho chuyển Cửu Đỉnh về tân đô. Tại Lạc đô, Chu Bình Vương đặt Cửu Đỉnh thành một hàng ngang theo hình chữ nhất ngay trước Thái Miếu[3].
Thời Xuân Thu-Chiến Quốc, các chư hầu tiếm xưng vương vị, đồng thời bắt đầu nhòm ngó Cửu Đỉnh. Họ cho rằng một khi có được Cửu Đỉnh sẽ dễ bề “hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu”. Vậy nhưng, trong suốt mấy trăm năm chiến loạn đó, vẫn không có vị vương hầu nào nghĩ đến chuyện đoạt lấy Cửu Đỉnh, tức là chính thức chiếm lấy thiên hạ của nhà Đông Chu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào cuối thời Xuân Thu, khi nước Tần ở phía tây trở nên hùng mạnh hơn hẳn các nước ở Trung Nguyên.
Vào năm 256BC, thời Chu Noãn Vương (335-256BC), Tần Vũ Vương (329-307BC) đưa quân tiến vào kinh đô nhà Đông Chu, đòi xem cho bằng được Cửu Đỉnh. Tần Vũ Vương tuyên bố rằng sẽ mang cái đỉnh có khắc chữ Ung về Hàm Dương, vì nước Tần chính là Ung Châu của Đế Vũ ngày xưa. Tuy nhiên, khi Tần Vũ Vương vận hết sức nâng đỉnh lên cao được nửa thước và sắp bước đi thì bị đỉnh rơi xuống đè nát chân phải, đến đêm thì chết[4]. Năm 249BC, Tần Trang Tương Vương (281-247BC) tiến đánh Lạc Dương, phá huỷ tôn miếu nhà Chu. Tần Trang Tương Vương sai tướng Doanh Cù dời Cửu Đỉnh về kinh đô Hàm Dương[5]. Khi qua sông Tứ Thủy, cái đỉnh có chữ Dự không may bị rơi xuống sông. Quân Tần lặn xuống mò tìm thì thấy một con rồng xanh nhe răng giơ vuốt đe dọa, thế nên không dám tìm nữa. Cho nên về đến Hàm Dương thì Cửu Đỉnh chỉ còn tám cái[6].
Về sự thất truyền của Cửu Đỉnh, sử liệu Trung Hoa ghi nhận hai giả thuyết khác nhau. Một thuyết cho rằng khi thống nhất Trung Hoa vào năm 221BC, Tần Thủy Hoàng (259-210BC) đã cho người nung chảy tám Đỉnh còn lại ở Hàm Dương, rồi lấy vàng đó đúc mười hai tượng người vàng đặt trong sân triều[7]. Có thể suy đoán rằng Tần Thuỷ Hoàng huỷ Cửu Đỉnh là để triệt tiêu hoàn toàn mưu đồ dựng lại thiên hạ nhà Chu. Một thuyết khác lại cho rằng từ hơn một trăm năm trước Tần Thuỷ Hoàng, Chu Hiển Vương (368-320BC) do quá mệt mỏi vì phải bảo vệ Cửu Đinh trước sự lăm le chiếm đoạt của các vương hầu, đã quyết định cho ném hết chúng xuống hồ Động Đình[8]. Hai giả thuyết đều không thể kiểm chứng, nhưng dù sao đi nữa, sự thất truyền của Cửu Đỉnh là một điều chắc chắn. Tuy vậy, tầm quan trọng của chúng trong văn hoá Trung Hoa vẫn còn khá rõ nét cho đến tận hôm nay.
2. Cửu đỉnh trong văn hoá Trung Hoa
Thật ra, câu chuyện Đế Vũ đúc Cửu Đỉnh trong thần thoại Trung Hoa không hẳn chỉ là chuyện hư cấu. Theo một số nguồn sử liệu, nguồn gốc của Cửu Đỉnh bắt nguồn từ khu vực văn hóa Hà Nam (khoảng 6000BC). Những đỉnh ban đầu có kích thước nhỏ và chủ yếu dùng trong sinh hoạt hằng ngày, như để nấu thực phẩm và đựng nước. Tuy nhiên, dần dần chúng được nghi lễ hoá, trở thành vật dụng để nấu thịt tế và dâng rượu tế. Chúng xuất hiện trang nghiêm trong các lễ hội, lễ tế, thờ cúng. Công việc chế tác ra các đỉnh xứng hợp cho việc tế lễ cũng dần trở nên phức tạp hơn. Chúng được điêu khắc hoa văn tỉ mỉ và phức tạp, được đúc với nhiều kích thước và thậm chí được phân biệt đẳng cấp. Theo sách Xuân Thu Công Dương Truyện, hệ thống phân biệt các loại đỉnh cụ thể như sau: “Thiên tử Cửu Đỉnh, chư hầu thất đỉnh, khanh đại phu ngũ đỉnh”[9]…
Như vậy, Cửu Đỉnh của Đế Vũ thực sự đã từng là biểu tượng cho nguồn gốc thống nhất của nền văn minh Hoa Hạ, là biểu trưng cho quyền lực tối cao tại Trung nguyên. Thực thế, năm 606BC, Sở Trang Vương (613-591BC) xua quân lên phía bắc đến tận Hoàng Hà, khí thế ngút trời. Chu Định Vương phải phái sứ giả đến uý lạo đạo kiêu binh. Nhân dịp đó Sở Trang Vương đã hỏi thăm Cửu Đỉnh to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, tức là có ý đồ chiếm đoạt. Từ đó, trong dân gian Trung Hoa lưu truyền kỳ ngôn: “Thiên hạ vấn Đỉnh, Đỉnh định Trung Nguyên”, nghĩa là Người trong thiên hạ đi tìm những chiếc đỉnh, vì có chúng thì có thể thâu tóm giang sơn[10].
Không chỉ vậy, vai trò tinh thần trọng yếu của Cửu Đỉnh đã làm nảy sinh nhiều thành ngữ ý tại ngôn ngoại như “định đỉnh”, nghĩa là đặt đỉnh, được hiểu là “dựng triều đại mới”; còn “cách đỉnh”, nghĩa là chuyển đỉnh, suy rộng ra là “huỷ triều đại cũ”[11].Vậy nên, việc Tần Vũ Vương đòi “cách đỉnh”đem về Hàm Dương, tức là đã có ý tự lập làm thiên tử vậy. Còn việc Tần Chiêu Tương Vương sau đó cho dời Cửu Đỉnh về Hàm Dương là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đại cục thiên hạ khi đó thực chất đã nằm hoàn toàn trong tay nước Tần. Cũng thế, việc Tần Thuỷ Hoàng cho tiêu huỷ Cửu Đỉnh để đúc tượng người vàng cho thấy rằng ông muốn dứt khoát kết thúc thiên hạ cũ của nhà Chu để bắt đầu tạo dựng một thiên hạ mới của nhà Tần, mà ông chính là Thuỷ Hoàng Đế của tân triều.
Bên cạnh đó, còn có một số thành ngữ Trung Hoa quen thuộc khác có đề cập đến Cửu Đỉnh. Có thể kể đến câu “nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy”, trong đó, việc so sánh phát ngôn với Cửu Đỉnh đã cho thấy tầm mức tối quan trọng của phát ngôn được nói đến. Chi tiết “tứ mã” cũng minh chứng cho nguồn gốc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc của câu cách ngôn này, khi mà chiến xa đang còn là chiến cụ dũng mãnh nhất của người Trung Hoa, chứ chưa bắt đầu bị thay thế bởi các lực lượng kị mã kể từ thời nhà Hán. Về sau, người ta cũng nói về Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là người có sức “bạt sơn cử đỉnh”[12]. Thoạt nghe, câu này như muốn nói về sức mạnh thể chất vô địch của ông, nhưng kỳ thực chữ “cử đỉnh” biểu thị ý cảm khái về đại sự diệt Tần thay triều đổi đại của ông vậy.
Như vậy, có thể thấy rằng dường như trong truyền thuyết, lịch sử lẫn văn hoá Trung Hoa cổ đại, việc sở hữu Cửu Đỉnh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác nhận sự hợp pháp của ngôi vị thiên tử. Cũng cần biết rằng, do sự thất truyền của Cửu Đỉnh, trong lịch sử phong kiến Trung Hoa sau này, vai trò biểu trưng cho quyền uy thiên tử của Cửu Đỉnh đã được tiếp tục chuyển giao cho một bảo vật của Tần Thuỷ Hoàng là Ấn Tỷ Truyền Quốc. Thế nhưng, vai trò đó của Ấn Tỷ Truyền Quốc hoá ra đã mờ nhạt hơn Cửu Đỉnh rất nhiều. Tất cả chuyển biến trên xuất phát từ một sự biến đổi trong tâm thức Trung Hoa về vấn nạn trọng tâm của nền quân chủ phong kiến: Quyền lực thiên tử đến từ đâu?
Đọc thêm Lịch Sử
3. Hiện thể của thiên mệnh
Thiên Mệnh là một luận cứ trọng yếu nhằm biện minh cho quyền lực tối cao của các thiên tử Trung Hoa. Lần đầu tiên Thiên Mệnh được sử dụng trong lịch sử Trung Hoa có lẽ là để hợp pháp hóa việc Chu Vũ Vương đã lật đổ vị tôn chủ cũ của ông là Trụ Vương của nhà Thương. Khi đó, Cửu Đỉnh được giữ ở kinh đô nhà Thương như một biểu tượng cho vương quyền và quyền sở hữu toàn thể thiên hạ của nhà Thương. Tức là, người nào giữ được Cửu Đỉnh thì chính là thiên tử[13]. Như thế, Cửu Đỉnh lúc đó được xem như là một hiện thể hữu hình của Thiên Mệnh. Nếu hiểu như vậy, việc Chu Vũ Vương cho dời Cửu Đỉnh về tân đô Cảo nhằm công cáo cho toàn thể thiên hạ biết ai mới là thiên tử cai quản thiên hạ, là một chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, kể từ cuối thời Chiến Quốc, thuyết Thiên Mệnh mới của Nho gia đã dần dần xác lập vị thế nổi trội của mình, khiến cho Thiên Mệnh trong tâm thức Trung Hoa cũng dần biến đổi. Thiên Mệnh thay vì hiện thể trong những vật hữu hình như Cửu Đỉnh đã dần trở nên trừu tượng hơn, khó lường hơn.
Nho gia tin có Thiên Đế là một LÝ vô hình, linh diệu, cương kiện, chủ tể cả vũ trụ. Thiên Đế đã điều hoà mọi chuyện nhân gian ra sao thì không thể nào cưỡng lại được. Cái ý chí ấy của Thiên Đế gọi là Thiên Mệnh[14]. Theo đó, Thiên Mệnh sẽ ban sự ủy thác cho một nhà cai trị xứng đáng ở Trung Nguyên, người mang tước hiệu “Thiên tử”. Vậy nhưng, theo Nho gia, Thiên Mệnh không trao quyền cai trị cho người nào hay triều đại nào một cách vô điều kiện, mà Thiên Mệnh của một triều đại có thể duy trì bao lâu phụ thuộc vào tư cách và năng lực của vị quân vương[15].
✥ Văn Minh Aegean – tiền thân của thế giới Hy Lạp cổ đại
✥ Khởi đầu của văn minh La Mã cổ đại
✥ Bốn danh nhân đào mộ trong thời cổ đại Trung Quốc
Thực vậy, theo Nho gia, không còn chuyện một ai đó nhờ sở hữu một vài bảo vật quý giá nào đó, như Cửu Đỉnh chẳng hạn, mà lại có thể tự cho là mình đang nắm giữ Thiên Mệnh. Nền chính trị theo quan niệm của Nho gia là ý dân muốn thế nào thì Thiên Mệnh cũng là thế ấy, như một câu trong Kinh Thư: “Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi”, nghĩa là Trời thương dân, nên dân muốn gì thì Trời cũng theo[16]. Tức là, theo Nho gia, ý dân mới chính là hiện thể của Thiên Mệnh. Thế nên, vị quân vương phải biết rằng chỉ là vì họ có tài có đức mà được nâng lên vương vị tôn quý, nhằm giữ cho quốc gia được yên ổn. Nhưng hễ quân vương làm điều gì trái lòng dân, tức là đang làm trái Thiên Mệnh[17].
Không hài lòng với việc chỉ bàn luận về Thiên Mệnh cách vô thưởng vô phạt, Nho gia còn khẳng định quan điểm chính trị đầy tính chủ động của mình bằng một câu trong sách Đại Học: “Duy mạng bất vu thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi hỹ”[18], nghĩa là Mệnh trời không nhất định, thiện thì được, không thiện thì mất[19]. Không chỉ vậy, một câu khác trong sách Trung Dung còn có ý hướng mạnh bạo hơn: “Cố Thiên chi sanh vật, tất nhân kì tài đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi”[20], nghĩa là Trời sinh ra muôn vật, nhân cái tài lực của từng vật mà tác động thêm vào, cho nên vật nào có thể phát triển thì trời bồi đắp thêm vào cho tốt lên, còn vật nào đã nghiêng lệch thì trời làm cho nó đổ nát thêm đi[21]. Tức là nếu như quả thực nền chính trị trong đất nước đang ngày càng trở nên hà khắc và tàn bạo hơn, hoặc những thảm họa thiên nhiên trong đất nước như nạn đói và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, sẽ được Nho gia xem như là những điềm báo rằng Thiên Mệnh đang muốn đánh đổ vị thiên tử đương quyền. Thực thế, điểm chí mạng trong thuyết Thiên Mệnh mới của Nho gia là nó công nhận quyền được nổi loạn của người dân để chống lại một vị quân vương cai trị bất công.
Như vậy, từ cuối thời Chiến Quốc, trong tâm thức Trung Hoa, thuyết Thiên Mệnh mới của Nho gia đã dần xác lập được một vị thế nổi trội trên thuyết cũ vốn cho rằng Thiên Mệnh thực sự hiện thể nơi các bảo vật hữu hình như Cửu Đỉnh. Ngẫu nhiên thay, sau khi Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt lục quốc thống nhất Trung Hoa, Cửu Đỉnh cũng đột ngột thất truyền, khiến cho thuyết Thiên Mệnh cũ gắn liền với Cửu Đỉnh cũng hầu như tiêu trầm theo. Nhưng hơn 2000 năm sau, Cửu Đỉnh đã một lần nữa xuất hiện trong thiên hạ.
Lạc Vũ Thái Bình
Huế, 3-2023
[1] Cf. Trần Liên SƠN, Truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, Ngô Thị Soa dịch, Nxb. TPHCM., TPHCM., 2012, p. 110 sq..
[2] Cf. Phùng Mộng LONG, Đông Chu Liệt Quốc, Nguyễn Đỗ Mục dịch, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, TPHCM., 2009, p. 686.
[3] Cf. Phùng Mộng LONG, op. cit., p. 687.
[4] Cf. Ibid..
[5] Cf. Cát Kiếm HÙNG, Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập 1, Phong Đảo dịch, Nxb. VHTT., HN., 2004, p. 189.
[6] Cf. Phùng Mộng LONG, op. cit., p. 834.
[7] Cf. Phùng Mộng LONG, op. cit., p. 921.
[8] Cf. Leopold CADIERE, Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, tập 2, Đỗ Trinh Huệ dịch, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2015, p. 338.
[9] Cf. Hoàng LÊ, Bí mật “đệ nhất bảo vật” Trung Quốc, https://soha.vn/bi-mat-de-nhat-bao-vat-trung-quoc-ton-tai…, 22/3/2023.
[10] Cf. Cát Kiếm HÙNG, Ibid..
[11] Cf. Leopold CADIERE, Ibid..
[12] Cf. Chân VĨ, Hán sở tranh hùng, Mộng Bình Sơn dịch, Nxb. Văn hoá thông tin, HN., 2009, p. 34.
[13] Cf. Cát Kiếm HÙNG, Ibid..
[14] Cf. Trần Trọng KIM, Nho giáo, Nxb. VHTT., HN., 2012, p. 80.
[15] Cf. Trần Trọng KIM, op. cit., p. 156.
[16] Có hai câu trong Tin Mừng cũng có ý gần như tương tự: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến” (Ga 14, 21); “Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em”(Ga 15, 16).
[17] Cf. Trần Trọng KIM, op. cit., p. 157.
[18] Cf. Trần Trọng KIM, op. cit., p. 157.
[19] Có một câu trong sách ngôn sứ Jeremiah cũng có ý gần như tương tự: “Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đã có Đền Thờ của ĐỨC CHÚA!” (Gr 7, 3-4).
[20] Tứ thư, op. cit., p. 62.
[21] Có một câu trong Tin Mừng cũng có ý gần như tương tự: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13, 12).