Lịch Sử và Văn Minh

Tổ chức quân sự thời nhà Đường

Nhà Đường được coi là thời thịnh trị về văn hóa và văn học của Trung Hoa. Nhưng về võ bị thì có nhiều vấn đề cần nói.

quan doi thoi nha duong
143 views

Nhà Đường, hay Đế quốc Đại Đường, là một hoàng triều cai trị Trung Quốc từ năm 618 đến năm 907. Thành lập bởi gia tộc họ Lý, nhà Đường là triều đại kế tục nhà Tùy (581–618) và là tiền thân của giai đoạn Ngũ đại Thập quốc. Thâu tóm quyền lực khi nhà Tùy bắt đầu suy tàn và sụp đổ, Lý Uyên cùng con trai Lý Thế Dân thành lập nhà Đường, mở ra nửa đầu triều đại tiến bộ và ổn định. Kinh đô Trường An (Tây An ngày nay) của nhà Đường là một trong số những thành phố đông dân nhất thế giới đương thời. Các cuộc điều tra dân số vào giữa thế kỷ 8 cho biết số lượng người đăng ký hộ tịch của toàn quốc là khoảng 50 triệu, và phát triển lên tới khoảng 80 triệu người vào thời kỳ đỉnh cao. Với nguồn nhân lực dồi dào, nhà Đường nuôi dưỡng các đội quân cả chuyên nghiệp lẫn nghĩa vụ có quân số hàng chục vạn. Chính nhà Đường mới là triều đại có số lần viễn chính nhiều nhất trong số các triều đại Trung Hoa, chứ không phải 2 triều đại có nguồn gốc du mục là Nhà Nguyên và Nhà Thanh.

Tổ chức quân sự

Ban đầu, Nhà Đường kế sử dụng chế độ Phủ binh. Phủ binh chế là cơ sở của quân đội Trung Quốc trong thời nhà Tùy và giai đoạn đầu thời nhà Đường. Nó được áp dụng đầu tiên bởi nhà Tây Ngụy, dưới sự quản lý của nhiếp chính Vũ Văn Thái. Các đơn vị dân quân này cũng đóng vai trò là lực lượng dự bị, và có thể được huy động nhanh chóng trong thời kỳ chiến tranh hoặc bất ổn chính trị. Nam giới từ 21 đến 60 tuổi sẽ gia nhập lực lượng quân sự địa phương, Các sĩ quan nhận mệnh lệnh thường trực, nhưng quân chính quy thì được báo cáo nhiệm vụ tại tỉnh lỵ. Không giống như chế độ nghĩa vụ quân sự thời Hán, binh lính thuộc chế độ Phủ binh và gia đình của họ nhận được trả công bằng việc miễn thuế và miễn lao dịch cho triều đình.

Sau đó, binh lính sẽ được vào các đơn vị phụ trách bảo vệ các khu vực nhất định, các khu vực này có ruộng đất để binh lính canh tác. Điều này bổ sung cho chế độ quân điền mà trong đó nhà nước giao cho tất cả các hộ gia đình một phần đất để làm trang trại. Các đơn vị quân đội này sau đó trở thành các quân hộ cha truyền con nối, mở ra các khu định cư và cộng đồng quân sự hóa rộng lớn. Nhà Tùy đặt các đơn vị dân quân dưới sự quản lý dân sự địa phương, nhà Đường sau đó lại hợp nhất chúng dưới sự quản lý ở mức đô thị, cụ thể là Bộ binh. Nhà Đường có 634 đơn vị quân đội như vậy, được gọi là Chiết xung phủ, mỗi đơn vị có từ 800 đến 1200 binh sỹ, mỗi đơn vị lại chia thành các đơn vị nhỏ hơn 200 người, tiếp theo là 50 người và cuối cùng là 10 người. Bình quân cứ 6 gia đình sẽ cung cấp một người đàn ông phục vụ cho một đơn vị đồn trú. Nhiều đơn vị dân quân tập trung ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là ở Quán Trung, với 261 đơn vị. Sơn Tây có 164 đơn vị.

Hà Nam và Sơn Đông có 74 đơn vị. Tất cả đóng góp khoảng 80% quân số của phủ binh chế. Phủ binh chế tiêu tốn ít tiền ngân khố quốc gia, vì quân đội có thể tự nuôi mình bằng cách làm nông. Bính lính thay nhau điều động làm nhiệm vụ và huấn luyện tùy theo khoảng cách nơi họ sinh sống đến Kinh thành. Những người lính sống cách kinh đô 500 lí sẽ phục vụ một tháng mỗi năm tháng còn những người sống xa hơn 2000 lí sẽ phục vụ hai tháng sau mỗi 18 tháng, những binh lính khác có thể được điều động trấn thủ biên giới trong 3 năm.

Theo David Graff – Do kết hợp nghĩa vụ quân sự với trồng trọt, binh lính thuộc phủ binh chế, thường bị các tác giả phương Tây coi là “dân quân”. Với ý nghĩa về chất lượng thấp và không hiệu quả (đặc biệt là do sự tương phản ngụ ý với lính “chuyên nghiệp”), thuật ngữ này khá dễ gây hiểu nhầm khi được sử dụng để miêu tả về Phủ binh chế. Với thực tế binh lính thuộc phủ binh chế là quân nhân suốt đời, được huấn luyện thường xuyên, và bản chất của họ là quân nhân tham gia sản xuất nông nghiệp, chứ ko phải ngược lại, sẽ chính xác hơn nếu coi họ là một loại quân nhân chuyên nghiệp đặc biệt….

Mặc dù Phủ binh chế rất phù hợp với các cuộc xung đột cục bộ và các chiến dịch thời gian ngắn, nhưng những vấn đề của chế độ này trở nên rõ ràng vào cuối thế kỷ thứ 7 khi các cuộc chiến tranh kéo dài và nhu cầu phòng thủ tĩnh trong thời gian dài đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những lợi ích ban đầu của việc gia nhập hệ thống đã biến mất khi ngày càng có nhiều người chết trong các cuộc chiến ở những chiến trường xa xôi, không bao giờ quay trở lại. Cơ cấu quân đội không phù hợp để khen thưởng xứng đáng những người lính đã lập công trong trận chiến, gia đình của những người lính tử trận cũng không được đền bù xứng đáng, dẫn đến tinh thần sa sút, tình trạng đào ngũ, lơ là nhiệm vụ diễn ra phổ biến. Sự phân bố địa lý của các đơn vị rất không đồng đều, với phần phía tây bắc của đế chế gánh vác phần lớn gánh nặng, trong khi hai phần ba đế chế thậm chí không có một đơn vị nào. Với quá nhiều đơn vị tập trung ở một vùng, chính phủ gặp khó khăn trong việc tìm đủ đất canh tác cho binh lính của họ, những người cũng cạnh tranh với nông dân bình thường trong hệ thống “Quân điền”.

Vì vậy, theo thời gian, Phủ binh chế bị thay thế bằng quân đội thường trực. Các đơn vị đồn trú bị thay thế đầu tiên từ năm 677, đến năm 711, các đơn vị thường trực tại biên giới đã đủ mạnh để một mình chống lại các cuộc tấn công từ người du mục. Những năm niên hiệu Khai Nguyên và Thiên Bảo, Đường Huyền Tông bổ nhiệm 10 tiết độ sứ và cho các vùng dọc biên giới: Thích Tây, Bắc Đình, Sóc Phương, Phạm Dương, Hà Tây, Hà Đông, Lũng Hữu, Bình Lô, Kiến Nam, Lĩnh Nam. Mỗi tiết độ sứ lúc này quản hạt phạm vị rất lớn, có thể đến hàng chục châu song chỉ quản quân sự. Năm 737, triều đình quyết định thay thế hoàn toàn quân đội không thường xuyên bằng quân đội thường trực, được tuyển chọn từ những người tình nguyện trong dân chúng nói chung, Phủ binh chế bị bãi bỏ vào năm 749. Việc chuyển sang quân đội thường trực dẫn đến ngân sách quốc phòng tăng gấp bảy lần, từ 2.000.000 quan tiền vào năm 712 lên 12.000.000 vào năm 742, và sau đó là 15.000.000.

Theo Abu Zayd al-Hasan al-Sirafi – Vua Ấn Độ có nhiều binh lính, nhưng họ không được trả lương như những người lính bình thường; thay vào đó, anh ta triệu tập họ để chiến đấu vì vua và đất nước, và họ tham chiến bằng chi phí của mình và nhà vua không phải tốn kém chi phí cho họ. Ngược lại, người Trung Quốc trả lương thường xuyên cho quân đội của họ, như người Ả Rập làm.

Lúc này, chế độ phủ binh bị bãi bỏ, triều đình thực hiện mộ binh chế nên quyền lực tiết độ sứ rất lớn, có quyền tuyển quân, bổ nhiệm thuộc hạ, có quyền thu thuế để duy trì quân đội. Ban đầu, chỉ có các vùng biên viễn mới có Tiết độ sứ; nhưng sau loạn An Sử, triều đình lo ngại tàn quân An-Sử nổi dậy trở lại và cũng để ban thưởng cho tướng lĩnh có công, an trí các hàng tướng hiện vẫn còn nắm trong tay nhiều binh lính thì nhiều vùng nội địa cũng bổ nhiệm Tiết độ sứ. Các tiết độ sứ lúc này bắt đầu thường kiêm luôn các chức Quan sát sứ (sau là Thái phóng sứ), Phòng ngự sứ, Đoàn luyện sứ, xưng là Lưu hậu nắm hết công việc hành chính, tài chính, bổ nhiệm quan chức trong khu vực cai quản, chuyên quyền ở địa phương, triều đình bất lực. Đặc biệt, 4 trấn sau là 3 trấn ở Hà Bắc từ thời Đường Túc Tông đã không phục tùng triều đình. Đến niên hiệu Nguyên Hoà thời Đường Hiến Tông toàn cõi đã có đến 48 tiết độ sứ cai trị 48 phiên trấn.

Quân đội thời Đường

Theo “Thông Điển”, mỗi đạo quân viễn chinh thời Đường có quân số là 20.000 người, chia thành 7 doanh, mỗi doanh 2600 – 4000 người. Trong số này 14.000 người là “lính chiến”, 6000 người sẽ lo vận chuyển lương thực; Trong số 14000 quân chiến đấu có 2000 cung thủ, 2000 nỏ thủ, 4000 kỵ binh, số còn lại là bộ binh. Khoảng 12.000 quân được trang bị giáp.

Đơn vị quân sự cơ bản là các đội 50 người, xếp thành đội hình với chiều sâu 5 hàng. Mỗi đội có 5 sỹ quan: chỉ huy, chỉ huy phó, người cầm cờ và 2 hạ sĩ quan. Cứ 6 đội thì 1 đội nhận nhiệm vụ bảo vệ lương thực. Khi đạo quân được triển khai trên chiến trường, đội hình thường được sử dụng là hàng ngang 2 lớp, với kỵ binh ở 2 bên cánh. Chỉ huy dùng cờ để ra lệnh, binh sĩ di chuyển theo hiệu lệnh bằng tiếng trống hoặc cồng, hướng di chuyển được thể hiện bằng 5 lá cờ với 5 màu khác nhau, mỗi màu tượng trưng cho 1 hướng di chuyển, khi 2 lá cờ đặt chéo nhau, 2 đội sẽ tập hợp thành 1 đội hình lớn hơn.

Quân đội nhà Đường thường dùng chinh sát quân sự, hoạt động theo nhóm 2 người, các nhóm chinh sát được tỏa ra khắp 4 hướng và phải giữ khoảng cách với đôi quân chính để do thám, phát hiện và thông báo tin tức bất thường.

Quân đội nhà Đường cũng biên chế một lượng lớn chiến binh du mục người Đột Quyết. Những người Đột quyết phục vụ dưới triều đại nhà Đường có nguồn gốc từ Đế quốc Đông Đột Quyết, sau khi Đường Thái Tông cử Lý Tĩnh đánh bại người Đông Quyết và bắt được thủ lĩnh của họ là Jiali Khan. Thái Tông thường xuyên tuyển dụng và thăng chức cho các sĩ quan quân đội có tổ tiên là người Đột quyết, những người có kinh nghiệm tác chiến trên thảo nguyên đã góp phần vào việc mở rộng về phía tây và phía bắc của đế chế Đường. Ví dụ như Tướng A Sử Na Xã Nhĩ (Ashina She’er) đã tham gia vào chiến dịch đánh chiếm các vương quốc Karakhoja, Karasahr và Kucha ở Tân Cương

Trang bị

Nhà Tùy

Từ thời nhà Tùy, chiến trường Trung Nguyên đã chứng kiến lượng lớn kỵ binh hạng nặng với những chiến binh được bọc giáp cả người lẫn ngựa. Trong cuốn “Tùy sử” từng nhắc đến 1 lực lượng kỵ binh tinh nhuệ được trang bị “Minh Quang giáp”. Loại áo giáp được tạo thành từ các mảnh thép rèn bằng phương pháp khử cacbon được nối với nhau bằng dây màu xanh đậm, ngựa của họ mặc áo giáp sắt có tua màu xanh đậm và cờ của lực lượng này được thêu hình sư tử. Các tiểu đoàn khác cũng được phân biệt bằng màu sắc, hoa văn và cờ riêng, nhưng không thấy nhắc đến Minh Quang Giáp

Giáp trụ

– Kỵ binh: Đến thời nhà Đường, áo giáp đã có khả năng bảo vệ toàn thân rất tốt. Kỵ binh hạng nặng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chiến của quân đội nhà Đường, một vài ghi chép có nói đến việc kỵ binh hạng nặng của nhà Đường xung phong thẳng vào hàng ngũ đối phương sau đó tập hợp đội hình, tiếp tục xung phong cho đến khi đội hình của đôi phương hoàn toàn tan rã. Trong 1 trận đánh giữa, Lý Thế Dân và Vương Thế Sung, Lý Thế Dân cùng đội thân binh 500 người của ông bị tấn công bởi lực lượng kỵ binh nhẹ do Thiện Hùng Tín chỉ huy. Thiện Hùng Tín định xông thẳng vào Lý Thế Dân nhưng bị Uất Trì Cung chặn lại và đánh ngã, sau đó Uất Trì Cung dẫn kỵ binh nặng đánh vào hàng ngũ của đối phương trong khi Lý Thế Dân tập hợp lại lực lượng và cắt qua đội hình kỵ binh nhẹ của Thiện Hùng Tín vài lần, ghi chép cho thấy cung tên và giáo của đối phương không có mấy tác dụng trước áo giáp của Thiết kỵ binh Đường. Đội quân tinh nhuệ của Đường Thái Tông được trang bị Giáp đen thường được gọi là Huyền Giáp binh. Nhưng càng về sau, vai trò của cung kỵ hạng nhẹ trong quân đội nhà Đường càng gia tăng, Trong những cuộc viễn chinh vào Trung Á sau này, nhà Đường thường sử dụng lực lượng cung kỵ hỗn hợp.

– Bộ binh: Giáp bộ binh rất phổ biến vào thời nhà Đường, như đã đề cập ở trên, trong số 14.000 lính chiến, khoảng 12.000 được trang bị giáp. Ngoài sản xuất, giáp trụ cũng có thể được cướp về sau chiến trận, Ví dụ như trong chiến tranh Đường – Cao Câu Ly, khoảng 10.000 bộ giáp được cướp về. Trong chế độ phủ binh, binh lính thường phải tự trang bị vũ khí và giáp trụ cho mình, nhưng sau khi nhà Đường thay thế chế độ phủ binh bằng quân thường trực, Triều đình bắt đầu trang bị cho quân đội bằng ngân sách. Sở hữu tư nhân đối với trang bị vũ khí bị cấm.

Các loại giáp phổ biến trong thời nhà Đường là Giáp Lamellar, được làm từ các mảnh thép dài từ 9,0 – 9,6cm, rộng 1,3 đến 2,6cm dày, 0,22 đến 0,28cm. Thời kỳ này giáp phục còn được bổ sung thêm 1 tấm che ngực có thể làm bằng da thuộc với 1 hoặc 2 miếng kim loại, để tăng khả năng bảo vệ

Người Trung Quốc đã biết đến giáp lưới từ năm 384 SCN, nhưng loại giáp này không được nhắc đến trong các văn bản cho tới tận năm 718 SCN, khi sứ thần từ Samarkand đến triều cống trong đó có 1 bộ giáp lưới. Nhưng loại giáp này không bao giờ được sử dụng với số lượng lớn do khả năng bảo vệ kém hơn Lamellar.

Một loại áo giáp dạng Lamellar nữa cũng bắt đầu được đề cập vào thời kỳ này là Sơn giáp, loại áo giáp được làm từ các mảnh thép hình chứ sơn “山” ghép lại với nhau. Loại giáp này thấy xuất hiện trong các tranh vẽ, tượng điêu khắc và tượng gốm, nhưng không còn ghi chép nào về cách chế tạo được lưu lại đến ngày nay và cũng không có ghi chép nào về việc loại giáp này được thực sự sử dụng trên chiến trường. Nhiều khả năng “Sơn giáp” chỉ là 1 loại cảnh phục dùng cho nghi lễ và các dịp trọng đại.

Vũ khí

Vũ khí cận chiến: Các loại vũ khí dài thời Đường đến thời điểm này vẫn là các vũ khí quen thuộc như giáo, thương, kích, câu liêm sử dụng bởi cả bộ binh và kỵ binh.

Đao thời Đường vẫn phổ biến loại đao thẳng, chia làm 4 loại trong đó thanh đai đao là phổ biến nhất. Thanh Trường Đao là đặc biệt nhất với lưỡi dài, cán dài. Một số cây còn sót lại có lưỡi dài 91 cm gắn vào cán đao dài 120 cm. Trường đao được sử dụng cho các đơn vị bộ binh tiên phong, trong một cánh quân, khoảng 2500 người được trang bị Trường Đao

Cung nỏ: Trong 1 cánh quân 20.000 người có 2000 lính nỏ, và 2000 cung thủ. Trong lực lượng của Lý Tĩnh, 20% binh lính được trang bị nỏ với tầm bắn hiệu quả 225m. Lính bộ binh cũng mang theo cung tên để tạo ra khả năng áp chế hỏa lực mạnh mẽ, nhưng không rõ đội hình này được sử dụng như thế nào trong thực tế. Các loại nỏ lớn phải đặt trên giá đỡ cũng được sử dụng. Thời Đường, những chiếc nỏ kiểu này được cho là có tầm bắn lên tới 1.160 thước Anh

Kẻ thù của nhà Đường

Là một triều đại có năng lực quân sự mạnh mẽ, thế nhưng những kẻ thù xung quan nhà Đường cũng là những vương quốc, đế chế không thể coi thường.

Người Du mục

Người du mục là những kẻ thù truyền kiếp đối với các triều đại Trung Hoa, từ trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc cho tới triều đại nhà Hán, nhà Tấn, các dân tộc du mục phương Bắc luôn là mối đe dọa đáng sợ, và vấn đề này vừa được khẳng định trong thời kỳ hỗn loạn Nam Bắc Triều ngay trước triều đại nhà Tùy. Đối với nhà Đường, vấn đề các bộ tộc du mục phương Bắc tiếp tục là vấn đề lớn. Cho đến năm 750, nhà Đường đã có 24 cuộc xung đột với các dân tộc du mục khác nhau, chủ yếu thuộc giống Đột Quyết và Khiết Đan. Lúc này người du mục đã học được rất nhiều từ cách tổ chức và trang bị của người Hoa Hạ, các đạo quân du mục trong giai đoạn này được trang bị rất tốt thậm chí có cả kỵ binh nặng. Kết hợp giữa phương pháp tác chiến, trang bị tốt và điều kiện tự nhiên vùng thảo nguyên khiến cho các cuộc viễn chinh của Nhà Đường nhằm khuất phục các bộ tộc du mục chưa bao giờ dễ dàng

Cao Câu Ly

Là một trong những vương quốc có nền văn minh sớm ở Đông Á và là vương Quốc đầu tiên ở khu vực triển khai lực lượng cataphract thực sự, người Cao Câu Ly là những chiến binh thiện chiến có nguồn gốc du mục đang chiếm giữ Liêu Đông khiên nhà Đường không thể ngồi yên. Tổng cộng nhà Đường và Cao Câu Ly xảy ra 4 lần chiến tranh và phải đến lần thứ tư, quân đội nhà Đường mới có thể khuất phục được vương quốc này, nhờ có Liên minh quân sự với Tân La

Tây Tạng

Trong thời nhà Đường, Tây Tạng là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất, lúc này là Đê chế Tây Tạng, với đất đai rộng lớn và quân đội hùng mạnh. Tây Tạng có lợi thế cực lớn khi có thể thoải mái tấn công các vùng lãnh thổ của Đường trong khi nhà Đường rất khó để triển khai các chiến dịch quân sự vào Tây Tạng do vấn đề khí hậu và địa hình. Quân đội Tây Tạng được miêu tả là có áo giáp cực tốt, thương của họ mảnh và sắc bén. Đế quốc Tây Tạng và nhà Đường có tổng cộng 20 cuộc chiến, phần lớn là Nhà Đường ở thế phòng thủ. Đặc biệt là quãng thời gian sau loạn An Sử, Tây Tạng tranh thủ lúc nhà Đường suy yếu để thôn tín một phần lãnh thổ khá lớn. Nhưng những cuộc chiến này chỉ làm cả 2 suy yếu vì không bên nào có đủ khả năng tiêu diệt kẻ thù của mình.

Nam Chiếu

Đường và Nam Chiếu có tổng cộng 7 cuộc chiến tranh.

Các vương quốc Hồi Giáo phía Tây

Nhà Đường luôn có tham vọng thống trị Trung Á, điều này khiến họ nhiều lần đem quân viễn chinh về phía Tây, tuy đạt được những thành công vào thời gian đầu nhưng thất bại trong trận Talas năm 751 cuối cùng đã chấm dứt tham vọng của nhà Đường với Trung Á

Trong nửa sau triều đại, Loạn An Sử làm rung chuyển đế quốc, khiến quyền lực trung ương suy yếu trầm trọng. Giống như nhà Tùy trước đó, nhà Đường duy trì hệ thống công vụ nhờ tuyển dụng các sĩ đại phu thông qua hình thức khoa cử và cơ chế tiến cử chức vụ. Trật tự dân sự này bị phá vỡ khi các tiết độ sứ trỗi dậy mãnh liệt trong thế kỷ thứ 9. Chính quyền trung ương bắt đầu suy tàn trong nửa sau thế kỷ thứ 9; dân số suy giảm, dân cư di trú hàng loạt, nghèo đói lan rộng và sự rối loạn chức năng chính phủ là kết quả của hàng tá cuộc khởi nghĩa nông dân, mà đỉnh điểm là Loạn Hoàng Sào. Năm 907, tiết độ sứ Chu Toàn Trung soán vị Đường Ai Đế, chính thức đặt dấu chấm hết cho nhà Đường sau gần 3 thế kỷ tồn tại. Tuy nhiên Nhà Đường vẫn đi vào lịch sử như một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Hoa cả về văn hóa, kinh tế và quân sự

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN