Lịch Sử và Văn Minh

Bẫy Thucydides, phiên bản gốc

Một cường quốc vươn lên sẽ ảnh hưởng địa vị của một cường quốc khác. Đôi bên tất sẽ rơi vào Bẫy Thucydides, tức là không tránh khỏi đụng độ.

tranh kham Thucydides the ky thu 3
Đăng ngày:

(Hình: Tranh khảm Thucydides. Ông là sử gia mô tả chi tiết cuộc chiến giữa Sparta, một thàng bang giữ địa vị thống trị ở Hy Lạp cổ đại, và Athens, một thế lực mới nổi. Đôi bên xung đột do tranh chấp địa vị thủ lĩnh.)

Định mệnh chiến tranh là một cuốn sách xuất bản vào tháng 5 năm 2017, được viết bởi Graham Allison, một sử gia người Mĩ và là giáo sư chính trị Đại học Harvard. Cuốn sách có nhan đề ấn tượng này viết về mối quan hệ Mỹ-Trung gần đây và một khái niệm đang dần được quan tâm: bẫy Thucydides. Cụm từ bẫy Thucydides được đặt theo tên của sử gia Thucydides thời Hy Lạp cổ đại, người đã có những quan sát tinh tế và cực kì giá trị về cuộc chiến nổi tiếng giữa Sparta và Athens những năm 431BC-404BC. Không chỉ tường thuật một cách sống động và chi tiết cuộc chiến tranh bi hùng của những người Hi Lạp, Thucydides trong tác phẩm sử học kinh điển Chiến tranh Peloponnese của mình đã lần đầu tiên trong lịch sử loài người chỉ ra được một nguyên nhân làm bùng nổ chiến tranh mà không cần viện dẫn đến các vị thần. Ta sẽ cùng nhau tìm hiểu bẫy Thucydides, phiên bản gốc, để xem những mâu thuẫn và xung đột nào đã dẫn đến cuộc chiến giữa Sparta và Athens, hai cựu đồng minh từng sát cánh bên nhau chiến đấu chống lại đế chế Ba Tư…

1. Minh hữu bất hoà

Chiến bại thảm hại tại hải chiến Salamis trước các chiến thuyền Hi Lạp đã khiến cho giấc mộng bá chủ hai lục địa của hoàng đế Xerxes tan thành mây khói. Thế nhưng, một khi ngoại địch đã bị đánh bại, thì giữa các thành quốc Hi Lạp lại nảy sinh nhiều bất đồng nội bộ.

Ngày hôm sau trận Salamis, tướng Themistocles tung ra dao ngôn là sẽ cho thuyền đi phá hủy cây cầu qua eo Hellespont. Quá hoảng sợ trước viễn cảnh bị mắc kẹt lại Âu châu, hoàng đế Xerxes đã hèn nhát tháo chạy sau khi để lại một đạo quân cho tướng Mardonius chặn hậu. Mùa hè năm sau, với một chiến thắng áp đảo mang tính hủy diệt tại Plataea, người Hy Lạp đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng bá quyền của đế chế Ba Tư tại Tây Phương. Trong trận chiến hôm đó, người Athens đã nhất quyết đòi cho bằng được vị trí danh dự thứ hai trong hàng ngũ Hi Lạp, chỉ sau mỗi Sparta, với lý lẽ là họ đã có công lớn nhất trong trận đại thắng Salamis. Người Sparta cuối cùng cũng đã chấp nhận yêu sách đó, nhưng với những cái chau mày.

2. Athens hãnh tiến

Nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong chiến thắng chung của người Hi Lạp, Athens mong muốn trở thành một trong những quyền lực hàng đầu của bán đảo. Đối lại, Sparta vừa tìm cách khuyến dụ vừa ngấm ngầm chèn ép kẻ mới nổi này. Thế nhưng Athens, với nền dân chủ linh hoạt và những nhân tài của họ, đã chứng tỏ mình là một đối thủ không dễ đối phó. Trong hai năm 478BC-477BC, người Sparta đã cố gắng ngăn cản người Athens đang tái thiết thành phố của mình xây dựng một trường thành bao quanh thành chính, nhưng đã không thành công.

Không hài lòng với việc giải phóng quê nhà, nhiều người Hi Lạp nghe theo lời thúc giục của Athens đã đẩy xa hơn nữa cuộc phản công với ý định giải phóng cả các thuộc địa Hi Lạp ở Ionia khỏi ách đô hộ của Ba Tư. Sau các vụ bê bối của vị tướng được Sparta cử làm lãnh đạo Liên minh Hi Lạp là Pausanias, Sparta đã đơn phương từ bỏ quyền lãnh đạo Liên minh, và Athens nhanh chóng thế chân vào vị trí đó. Vào năm 477BC, người Athens đề xuất thành lập Liên minh Delos để theo đuổi cuộc chiến báo thù Ba Tư. Các chiến dịch phản công của người Hi Lạp, thường đăt dưới sự chỉ huy của tướng Cimon người Athens, cuối cùng đã khiến đế chế Ba Tư thoái chí nản lòng và chấp nhận kí kết Hoà ước Callias năm 449BC.

Thập niên 460BC, các cuộc nổi loạn của các helot ở Messenia nổ ra liên tiếp khiến Sparta phải tập trung quân lực vào đó và đã không thể ngăn chặn thế lực ngày càng lớn mạnh của Athens. Bởi lẽ, ban đầu Athens được xem là thành quốc đứng đầu Liên minh Delos và sẽ quyết định các thành viên đóng góp bao nhiêu chiến thuyền và ngân sách, nhưng theo năm tháng, Liên minh Delos gần như trở thành một đế chế riêng của Athens. Những đòi hỏi quá đáng về ngân sách, sự thống trị về chiến lược và thương mại cũng như những cuộc can thiệp chính trị hòng áp đặt nền dân chủ theo kiểu Athens lên các đồng minh, đã khiến cho trước hết là Corinth và sau là Thebai cùng nhiều thành quốc khác rời bỏ Liên minh Delos.

Trong các năm 461BC-457BC, người Athens đã xây dựng Trường thành bao quanh thành chính và cảng Piraeus. Với Trường thành mới được xây, người Athens nghĩ rằng nó đã giúp họ thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của lục quân Sparta và sẽ được tự do thi triển bản lãnh hải chiến của họ. Còn về phần người Sparta, họ lại đánh giá nó là một dấu hiệu quan ngại của tham vọng đế quốc ở Athens muốn đe doạ thay đổi trật tự quyền lực vốn có mà Sparta đã thiết lập. Người Sparta theo dõi tất cả những điều ấy, và bóp trán nghĩ ngợi.

3. Đòn nắn gân của người sparta

Bắt đầu từ khi tướng Cimon bị phe dân chủ Athens phát vãng, chính sách của Liên minh Delos chuyển từ giao hảo với Sparta sang liên kết với Argos, kình địch của Sparta. Thành quốc Megara cũng rời Liên minh Peloponnese để bắt tay với Athens, nhờ đó Athens có điều kiện xây hai hàng luỹ chắn ngang eo đất Corinth. Bức luỹ này, theo quan điểm của Athens, là nhằm chống những cuộc tấn công từ Peloponnese vào Attica, nhưng nhìn theo quan điểm của Sparta, thì đây là một ý đồ gây hấn nhắm vào họ.

Ở thời điểm đó, Sparta cùng với các lực lượng Liên minh Peloponnese có quân đội đông gấp đôi Liên minh Delos, thế nên hầu hết người Sparta vẫn tự tin vào vị thế bá chủ không thể tranh cãi của họ. Tuy nhiên, khi quyền lực người Athens ngày càng tăng, một tư tưởng hiển nhiên nảy ra trong một chính quyền đầy rẫy những cựu binh như Sparta là tổ chức một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Athens để nhắc cho Hi Lạp nhớ ai mới là minh chủ. Thoạt trông thì điều này là hợp lý, nhưng việc các để thành phần cựu binh trong chính quyền Sparta quyết định dùng tới sức mạnh phần cứng một cách vội vã trong giải quyết mâu thuẫn, về lâu về dài sẽ gây nên nhiều hậu quả tai hại cho chính họ.

Chiến tranh Peloponnese lần thứ nhất bùng nổ năm 460BC, nhưng không gây quá nhiều tổn thất cho hai bên tham chiến. Năm 451BC, Sparta và Athens kí kết hiệp định đình chiến năm năm và đến năm 446BC thì kéo dài thành Hoà ước Ba mươi năm. Hoà ước công nhận sự chính đáng của cả hai Liên minh, các thành viên của một liên minh bị cấm đổi phe, và hai bên thiết lập một cơ chế giải quyết xung đột bằng đàm phán song phương với sự tham gian phán quyết của một bên thứ ba trung lập, thường là dự ngôn giả đền Delphi. Trong khi Hoà ước công nhận vị thế mới của Athens, người Sparta cũng cảm thấy yên tâm phần nào khi các đồng minh thân cận của nó như Corinth, Thebai, Megara đều có vị trí rất gần đồng bằng Attica của Athens. Về phía Athens, nó vẫn tiếp tục tiến trình bành trướng đế chế của mình khiến cho cuộc tái chiến là khó lòng tránh khỏi.

4. Trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa

Tia lửa chiến tranh lại toé ra một lần nữa vào năm 435BC. Corinth, một đồng minh quan trọng của Sparta, đã có những hành vi khiêu khích một thuộc địa của nó là Corcyra, trung lập không theo liên minh nào, về khu định cư Epidamnus trên bờ biển Albania ngày nay. Quá hoảng sợ, Corcyra cầu cứu Athens. Mặc dù không thể so sánh với Athens, nhưng Corinth vẫn nắm trong tay hạm đội lớn thứ hai Hi Lạp, điều này khiến Athens đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan. Trực tiếp hỗ trợ Corcyra sẽ đẩy Athens vào thế đối đầu đối đầu với Corinth, dẫn tới nguy cơ Hoà ước Ba mươi năm tan vỡ. Thế nhưng nếu không hành động, sẽ có khả năng Corinth chiếm được toàn bộ hạm đội Corcyra, khiến cán cân sức mạnh hải quân nghiêng về phe Liên minh Peloponnese.

Ở phía ngược lại, Sparta cũng phải đối mặt với thế lưỡng nan chiến lược tương tự. Nếu Sparta ủng hộ Corinth tấn công Corcyra, Athens sẽ có lý khi cho rằng Sparta có ý cân bằng năng lực hải quân, một điều làm tổn hại tới vị thế của Athens. Mặt khác, nếu Sparta giữ thế trung lập, điều này sẽ cho phép Athens thành một bên có tiếng nói quyết định trong các cuộc xung đột giữa các thành quốc và làm xói mòn uy tín minh chủ Hi Lạp của Sparta trong con mắt của các đồng minh trên bán đảo Peloponnese. Điều này tới lượt nó sẽ kích động sự nổi loạn của khối dân Helot trong khu vực kiểm soát của Sparta. Đây rõ ràng một hệ quả chính trị vượt quá lằn ranh đỏ của Sparta. Thế nhưng bất chấp lời cảnh cáo đanh thép của Corinth rằng bất kì sự trợ giúp nào cho Corcyra cũng sẽ dẫn tới một cuộc chiến lớn hơn, vào năm 434BC, Athens đã kí một hiệp ước liên minh với Corcyra và chiến đấu với đồng minh mới trong cuộc hải chiến với Corinth.

Hai năm sau, đã xảy ra vụ việc thứ hai dẫn tới Chiến tranh Peloponnese: cuộc xung đột tại Potidaea, một thuộc địa của Corinth nhưng lại là thành viên Liên minh Delos. Sau trận chiến ở Corcyra, vào năm 432BC, Athens yêu cầu Pontidea san bằng một phần thành trì, giao nộp các kẻ phản bội Athens đang trú ngụ tại đó, và đuổi các quan chức do Corinth cử đến. Người Sparta yêu cầu Athens rút lại yêu sách của mình vì họ xem đó là một hành động không tôn trọng hệ thống quyền lục mà Sparta đã thiết lập. Thế nhưng Athens lại cho rằng yêu cầu của Sparta là một hành động thách thức, vì Pontidea nằm trong Liên minh Delos của họ, và họ cũng lo lắng rằng việc xuống nước sẽ khuyến khích Sparta mạnh dạn hơn trong các cuộc xung đột tương lai.

Trong một cuộc họp Liên minh Peloponnese, Corinth đe doạ sẽ rời bỏ Liên minh nếu Sparta không hành động cứng rắn hơn nữa, khiến cho Hội đồng Giám quốc của Sparta thực sự lo sợ và đã phải đưa vấn đề ra cho Đại hội Quốc dân quyết định. Biết thừa những cái đầu nóng của Sparta muốn gì, nhưng giám quốc Sthennelaidas đã khéo léo yêu cầu Đại hội Quốc dân biểu quyết bằng hình thức toàn đại hội đứng ra hai bên để đếm số người thuận hoặc chống, vì ông muốn các Homoioi tuyên bố ý kiến của họ cách công khai, và nhờ vậy mà nâng cao tinh thần quyết chiến của họ. Đại hội Quốc dân Sparta đã quyết định tuyên chiến với Athens!

Trận Marathon (490 Tr.CN) và vận mệnh nền dân chủ Hy Lạp
Đời Sống Của Người Athens và thành tựu của văn minh Hy Lạp
Quân lương qua các thời kỳ – binh lính được đãi ngộ ra sao

5. Kiêu căng và hoang tưởng

Homer và Herodotus thường viện những lý do huyền thoại và mông lung khi nói về nguyên nhân những cuộc chiến của người Hi Lạp. Nhưng khi sử gia Thucydides cắt nghĩa nguyên nhân cuộc chiến giữa hai liên minh do Sparta và Athens dẫn đầu, ông đã có một quan điểm thực tế hơn hẳn, và đã được lịch sử chứng minh là sáng suốt và đúng đắn. Đến độ các sử gia sau này đã dùng chính tên ông để gọi tên tình thế địa chính trị đặc thù thường dẫn đến chiến tranh, như đã xảy ra giữa Sparta và Athens, là “bẫy Thucydides”. Theo Thucydides, dù rằng hai sự kiện liên quan đến Corcyra và Potidaea đã trực tiếp dẫn đến cuộc chiến thảm khốc sẽ kéo dài tới gần ba mươi năm này, nhưng ông cho rằng, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến, là do “quyền lực Athens ngày càng lớn mạnh, và nỗi lo sợ mà quyền lực này khơi gợi ra với Sparta đã khiến chiến tranh là điều không thể tránh được”.

Trong những năm tháng sau khi chiến thắng đế chế Ba Tư, Athens đã trở nên quá quyền lực còn Sparta trở nên quá nhạy cảm. Hoà ước Ba mươi năm giữa Sparta và Athens, bằng cách ngăm cấm sự can thiệp vào vùng ảnh hưởng của mỗi bên, đã vô tình kích động một sự cạnh tranh giữa hai bên trong việc giành lấy ảnh hưởng trên các thành bang trung lập còn lại. Khi rủi ro từ những xung đột nhỏ ngày càng gia tăng, sự cương quyết của Athens đã khiến họ trở nên kiêu căng, và sự bất an của Sparta dần trở thành hoang tưởng. Sự tự tin về thế lực đang trỗi dậy của mình đã tạo ra cho người Athens những tham vọng phi thực tế về những gì họ có thể làm đồng thời khuyến khích họ chấp nhận rủi ro. Còn ở hướng ngược lại, nỗi âu lo của kẻ đang đứng ở vị thế thống trị khiến người Sparta thường hiểu lầm các dấu hiệu và trầm trọng hoá các mối nguy hiểm.

Người Sparta đã để mình bị cuốn vào một mối quan hệ ngày càng tồi tệ với kẻ mới nổi Athens, để rồi cuối cùng mọi chuyện kết thúc trong một cuộc chiến dữ dội, mà nơi nó, lần đầu tiên các khía cạnh đen tối nhất của con người được phơi bày trên các trang sử: tham lam, huyễn tưởng, cuồng nộ, bạo tàn… Chiến tranh Peloponnese lần thứ hai giữa các thành quốc trên bán đảo Hi Lạp bùng nổ năm 431BC. Nó sẽ kéo dài hàng thập niên, và làm suy kiệt vĩnh viễn hệ thống các thành quốc Hi Lạp.

6. Tương lai nào cho chúng ta

Như vậy, Graham Allison đã sử dụng lập luận của Thucydides về mối quan hệ tồi tệ đã dẫn đến chiến tranh Peloponnese để làm chủ đề chính xuyên suốt cuốn sách Định mệnh chiến tranh của ông. Theo đó, một cường quốc đang trỗi dậy biểu dương một sức mạnh quá lớn khiến cho cường quốc thống trị truyền thống trở nên lo ngại. Khi đó, nỗi sợ hãi do sự chênh lệch cán cân quyền lực, sức mạnh kinh tế-quân sự và vị thế giữa hai cường quốc sẽ ngày càng gia tăng. Nỗi sợ đó có thể khiến cho cả cường quốc đang trỗi dậy và cường quốc thống trị đều sẽ hối hả khởi động một quá trình khiến cho cả hai dường như sẽ đi đến một kết cục thảm họa. Luận điểm này được Graham Allison minh hoạ bằng cách nêu ra 16 ví dụ cụ thể trong 500 năm trở lại đây của lịch sử thế giới, hầu hết đều xảy ra ở châu Âu, và trong 16 trường hợp đó, chỉ có 4 trường hợp là không xảy ra chiến tranh.

Tuy nhiên, ngay trong chính tác phẩm thường được mệnh danh là Lang yên đài của mình, Graham Allison muốn lưu ý các độc giả hai điểm quan trọng. Thứ nhất, ông cho rằng chiến tranh không phải là điều tất yếu, và hoàn toàn có thể tránh nó được. Thứ hai, ôn cố nhi tri tân, ông nhấn mạnh rằng nhận thức đầy đủ về những bài học từ lịch sử là một điều cực kì quan trọng để có thể phân định thực tại và định hình tương lai.

Huế, 9-2022

Tài liệu tham khảo

  • ALLISON Graham, Định mệnh chiến tranh, Nguyễn Thế Phương dịch, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2019.
  • CHAMBERS Mortimer, Lịch sử văn minh Phương Tây, không đề người dịch, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004.
  • CROSS Robin, Bách khoa toàn thư về chiến tranh, Thế Anh dịch, Nxb Văn hoá thông tin, TP.HCM, 2011.
  • DK và viện Smithsonian, Lịch sử thế giới, Lê Thị Oanh dịch, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2017.
  • GADDIS John Lewis, Luận về đại chiến lược, Quang Triệu dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020.
  • HERODOTUS, Lịch Sử, Lê Đình Chi dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.
  • KEEGAN John, Lịch sử chiến tranh, Thiếu Khanh dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018.
  • PLUTARCH, Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens, Bùi Thanh Châu dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.
  • THUCYDIDES, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Takya Đỗ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017.
  • TURCHIN Peter, Sự thăng trầm của các đế chế, Nguyễn Kim Dân dịch, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.
5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN