Trần Phỏng Diều
Chùa Ông còn được gọi là Quảng Triệu Hội Quán – một di tích lịch sử, văn hoá được Bộ văn hoá thông tin liệt hạng cấp quốc gia – nằm trên đường Hai Bà Trưng, thuộc khu vực Bến Ninh Kiều, phường Tân An, TP Cần Thơ. Khách du lịch đến Cần Thơ, ngoài việc được chiêm ngưỡng cảnh sông nước hiền hoà, cây trái tốt tươi, công viên Ninh Kiều thơ mộng, còn được chiêm ngưỡng đường nét kiến trúc cổ của chùa Ông với những hoa văn, hoạ tiết hết sức độc đáo của một hội quán cổ kính. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể thưởng thức những lễ hội truyền thống mang tính văn hoá đặc trưng của cộng đồng người Hoa nói chung và người Hoa ở Cần Thơ nói riêng.
Đọc thêm:
Nguồn gốc một số địa danh Đa Kao, Đất Hộ, Kê Gà, Chân Mây…
Quỹ đạo các hành tinh trong hệ Mặt Trời
Nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb) và điều kiện sống của con người
Chùa Ông được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX khi giao thông Cần Thơ tương đối thuận tiện, buôn bán phát đạt. Lúc bấy giờ, một số người Hoa ở Cần Thơ cùng nhau lập Quảng Triệu Hội Quán để làm nơi sinh hoạt và làm cơ sở tín ngưỡng cho mình. Quảng Triệu Hội Quán thờ vị thần chính là Quan Công nên mới có tên gọi là chùa Ông. Chùa được xây dựng vào những năm 1894-1896 trên một sở đất rộng 532m. Toàn bộ kiến trúc ngôi chùa được bố cục theo hình chữ Quốc với các dãy nhà khép kín, vuông góc với nhau, ở giữa có chừa một khoảng không gian trống gọi là sân Thiên Tỉnh. Phía trước cổng chùa là một cổng tam quan với các cột tô đá rửa nối với nhau bằng những song sắt. Trên hai cột chính được trang trí đôi lần bằng sành, sứ nhiều màu. Ở những cột khác
là các hình nhân và cá hoá long. Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bỏ mái bằng xanh thẫm. Trên bờ nóc là vô số những hình nhân bằng gốm sứ đủ màu, với các đề tài lưỡng long tranh châu, cá hoá long… Ở hai đầu đao còn có hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng tượng trưng cho nhật, nguyệt, hoà hợp âm dương. Bên trong là các phù điêu bao bọc xung quanh, ngoài ra còn có các bao lam, hoành phi, câu đối bằng nghệ thuật chạm nổi với nội dung vô cùng phong phú rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc…
Chùa Ông có rất nhiều lễ hội trong năm nhưng tiêu biểu nhất là ngày vía Quan Thánh Đế Quân (tổ chức vào ngày 26 tháng 6 âm lịch) và ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (ngày 23 tháng 3 âm lịch). Trong các ngày vía đó, đông đảo bà con người Hoa và dân địa phương đến tham dự, thành kính dâng hương, thể hiện ước vọng bình an trong cuộc sống. Ngoài các nghi thức hành lễ, Ban trị sự chùa còn tổ chức bán đấu giá đèn lồng, múa lân, Sư, rồng, hội diễn văn nghệ… tạo được một nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho dân làng địa phương.
Đấu đèn là một trong những nét văn hoá đặc sắc của người Hoa có nguồn gốc từ rất lâu đời, được lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Vào thời Tam Quốc phân tranh (Công nguyên 222-265), nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) có vị quân sư tên Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, đã thả một ngọn đèn đỏ lên bầu trời gọi là Hồng Đăng để báo hiệu cho quân của Tư Mã Ý tướng nước Nguỵ (tỉnh Hà Bắc, Hà Nam ngày nay) biết là vị quân sư Gia Cát Lượng vẫn bình an, mạnh khoẻ; đèn này còn được gọi là Khổng Minh Đăng. Các triều đại sau, theo đó mà cải tiến, đến thế kỷ XVII, XVIII, được nhân dân Trung Hoa rất ưa chuộng và hình thành lễ hội đấu đèn.
Tục đấu giá đèn lồng thường không theo định kỳ, có khi năm ba năm không tổ chức, nhưng cũng có nơi tổ chức định kỳ hằng năm, thường ít khi tiến hành riêng biệt mà hay tổ chức theo một ngày kỷ niệm nào đó.
Mục đích của việc tổ chức đấu giá đèn lồng là nhằm tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng làm tăng thêm sinh khí cho ngày lễ hội. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa từ thiện: số tiền đấu giá được đều dùng vào việc công đức như xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi… Tục đấu giá đèn lồng thường được tổ chức vào các ngày thành lập chùa, thành lập trường, hội, các ngày vía Bà, vía Quan Thánh Đế Quân…
Đèn lồng được người Hoa làm rất đẹp, mỗi đèn đều có tên riêng: đèn Thiên Hậu Thánh Mẫu, đèn Quan Thánh Đế Quân, đèn Phước Đức Chính Thần… Đèn cao khoảng 60cm, chu vi khoảng 40cm, hình trụ có 6 mặt, mỗi mặt là một miếng kính, có vẽ hình phong cảnh, núi sông, mai, điểu, trúc, sen… kèm theo những câu chúc bằng chữ Hán như: “Sinh ý hưng long”, “Hiệp gia bình an”, “Tài lai lộc tấn”. Sáu gốc đèn là hình 6 con rồng thấp vàng lộng lẫy, đầu chầu vào nhau, 6 đuôi rồng hơi dang ra, tạo thế chân đèn, các cạnh xung quanh đều treo tòn ten các miếng ngọc bội màu xanh và nơ màu đỏ, phía dưới cùng treo lủng lẳng một miếng thẻ bằng nhựa màu vàng ghi chữ đỏ tên tùng loại đèn, phía trong gắn một bóng đèn tròn, khi đèn nóng thì lồng đèn tự động xoay từ từ. Trong ngày đấu đèn này, người Hoa ở các nơi trong cũng như ngoài tỉnh được mời về tham dự, thậm chí có cả người Hoa ở nước ngoài về thăm quê. Họ quan niệm đấu được đèn là vinh dự cho mình, cho gia đình và cả làng xóm. Và họ tin rằng khi đấu được đèn, rước đèn về nhà là một sự may mắn, bình an, sẽ làm ăn phát đạt…
Do tổ chức kèm theo các ngày lễ nên tục đấu giá đèn lồng luôn là sự kiện sau cùng. Khi các nghi thức của ngày lễ được cử hành xong là cuộc đấu giá đèn lồng bắt đầu. Mọi người tập trung ở chính diện của hội quán. Tất cả các đèn lồng đều được treo lên trần theo thứ tự giá khởi điểm từ thấp đến cao. Tuỳ theo địa phương thờ thần nào chính thì giá của đèn lồng mang tên vị thần đó sẽ cao. Ngoài ra, cũng tuỳ thuộc vào tâm lý của từng người. Người nào thích vị thần nào thì cho giả cao để quyết tâm đấu bằng được. Do đó, mặc dù cùng một loại đèn nhưng giá cả lại khác nhau. Đa phần các đèn mang tên Quan Thánh Đế Quân thường có giá cao nhất.
Giờ đấu đèn đã đến. Dẫn chương trình là người trong hội quán bước lên bục, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của việc đấu đèn, cách thức đấu đèn. Rồi người trong Ban trị sự hội quán đúng ra điều khiển buổi đấu giá. Người ta đọc tên từng loại đèn, nêu giá
khởi điểm. Một người nữa đứng kế bên, chờ đếm số lần định giá. Lúc này mọi người bàn tán xôn xao, xầm xì to nhỏ khi người điều khiển công bố giá. Cứ thế, giá mỗi chiếc đèn ngày càng được tăng cao cho đến khi không còn ai trả hơn thì chiếc đèn thuộc sở hữu của người đặt giá cao nhất.
Tham gia đấu đèn ít khi là những cá nhân mà thường là đại diện cho một tập thể: một tỉnh, một xóm, một phường… Người thắng cuộc sẽ được trang trọng mời lên phía trên để nhận đèn, được xướng tên họ, quê quán, đại diện cho địa phương nào, đơn vị nào…, và người trao đèn, phần nhiều là khách mời ở các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương… Cảnh trao đèn diễn ra rất long trọng trong tiếng hò reo, vỗ tay tán thưởng của mọi người. Cử thế, buổi lễ tiếp tục diễn ra cho đến khi chiếc đèn cuối cùng được đấu giá xong. Giữa các lần đấu giá có thể có xen kẽ một vài tiết mục văn nghệ để tăng thêm phần hào hứng cho buổi lễ. Và cũng để cho những cá nhân, đơn vị thua cuộc ở lần đấu trước củng cố lại niềm tin để có thể thắng cuộc ở lần sau.
Học Tiếng Anh với Lightway:
Vài cách diễn đạt với từ dream
A bolt from the blue nghĩa là gì?
Garden-variety và những thành ngữ liên quan tới việc làm vườn
Buổi lễ kết thúc cũng là lúc ban tổ chức phát biểu ý kiến, tổng kết số tiền đấu giá được và thông báo số tiền đó sẽ được sử dụng vào những mục đích gì, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân nào. Cuối cùng, mọi người quây quần bên bàn tiệc.
Người đấu được đèn không đem về nhà ngay, cũng không phải trả tiền liền, mà sẽ gởi lại ban tổ chức. Người ta ghi họ tên, địa chỉ của người thắng cuộc và cho xe đưa đèn đến tận nhà rồi mới thu tiền. Đèn sẽ được treo trang trọng giữa nhà hoặc một nơi tôn nghiêm nào đó, nhằm khuếch trương sự may mắn, thành đạt, vinh hoa…
Đặc biệt trong những ngày cuối năm, dân làng từ mọi nơi đến thắp hương, cúng bái tạ ơn trời phật, thánh thần đã cho họ được một năm an lành, làm ăn phát đạt và họ cũng xin lộc, cầu nguyện năm mới sẽ tốt hơn nằm cũ, mọi thứ may mắn sẽ đến với mình… Trong đêm giao thừa, người người từ mọi nơi đổ về chùa tấp nập để hái lộc, cầu xin phước lành. Ban trị sự chùa ước tính đêm giao thừa hằng năm có khoảng gần cả 1.000 lượt người đến khói hương, cúng bái.
Bài viết được cung cấp bởi Dịch thuật Tiếng Anh Lightway. Chúng tôi chuyên dịch hợp đồng tiếng Anh tiếng Việt giá rẻ
Ngoài phương diện tín ngưỡng, chùa Ông còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, góp phần làm cho bản sắc văn hoá Việt Nam càng thêm phong phú.