Huỳnh Ngọc Chiến
Tôi xin ghi lại ở đây một số câu hát đối đáp ở vùng Quảng Nam, mang nội dung rất đặc trưng của cái xứ “chém to kho mặn”, mà tôi tình cờ đọc ở đâu đó, nhưng chủ yếu là do nghe má tôi kể lại khi còn nhỏ. Sư phản xạ cực kỳ bén nhạy trong một sinh hoạt “mang tính văn học” của những người không biết đến văn học đó, vẫn mãi làm chúng ta phải ngạc nhiên trước vẻ đẹp dân dã và hồn nhiên của ngôn ngữ và vẻ thông minh dí dỏm đến lạ lùng của ý tưởng.
• Trong một lần hát đối đáp, có một cô nọ tham gia, do quá vui nên lúc cười không kiềm chế được, lỡ đánh rắm một cái thật to. Cánh đàn ông của phe bên kia được dịp cười bò lăn bò càng ra khiến cô xấu hổ thiếu điều muốn chui xuống đất (độn thổ). Một cô bạn khác liền cất tiếng hát cứu nguy tình thế cho “phe ta”:
Cống đôi bỗng nổ cái đùng
Thiền quyên đã tái mặt
mà anh hùng còn cười ngửa ngang
Kẻ thì nói súng nổ ngoài Hàn
Người thì kêu Tây nó phá đá
ở núi vàng Bông Miêu
Mấy lời ngỏ lại bằng liêu
Thiền quyên đây dĩ lỡ chớ có phải
đứa liều mà cười cho hung
Hàn là tên gọi cũ của thành phố Đà Nẵng. Bông Miêu là tên một mỏ vàng cũ, nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Cái cống là nơi lưu thông của những thứ thừa thãi bẩn thỉu, nên cặp mông mà được gọi là “cống đôi” thì quả là “biện pháp tu từ” vừa dân dã lại vừa tài tình. Âm thanh “khiếm nhã” đó lại được biến thành tiếng súng nổ, tiếng Tây phá đá đào vàng, thi đến mấy ông Tây nghe được có lẽ cũng phải lắc đầu.
Tình thế được vãn hồi tức khắc do một câu hát quá mực tài tình. Chuyện này chỉ là sự cố ngoài ý muốn, do cô bạn tôi “dĩ lỡ”, chứ nào phải là đứa liều lĩnh làm bừa làm bậy ở đây đâu mà các bạn cười cho lắm vào! “Hung” là phương ngữ Quảng Nam có nghĩa là “nhiều”. Cầu hát vừa chữa thẹn cho bạn lại vừa có ý trách móc phe kia. Cái lỗi của mình bỗng nhiên biến thành cái lỗi của người. Đúng là nước cờ “Khổng Minh đi cầu cứu Giang Đông”!
Đọc thêm:
Danh chính ngôn thuận trong cái nhìn của Khổng Tử
Phép thử tội bằng lửa
Tìm hiểu nền văn minh Ấn Độ cổ đại
Trong ca dao Việt Nam, có hai câu ám chỉ công việc đan rổ rá, thúng mỏng rất quen thuộc với người dân quê:
Liệu bề đát được thì đan
Đừng gầy ra bỏ đó thế gian chê cười.
Đan và đát là hai từ chuyên môn chỉ hai trong nhiều công đoạn của việc đan thúng mủng như: vót nan, gầy, đan, đát, lận, nứt. Đan là gài chồng chéo các nan tre vót sẵn lại để cho chúng tự giữ chặt với nhau. Đát cũng là đan, nhưng với các nan nhỏ hơn và đan dày hơn, sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm, nghĩa là công việc “làm mịn” (refinement) sản phẩm. Đát bao giờ cũng lâu hơn đan nên dễ làm người ta nản lòng, bỏ dở công việc. Nghĩa bóng của hai câu này còn nhằm nhắc nhở người ta hãy nghĩ đến khả năng và trách nhiệm của mình khi muốn tham gia gánh vác một việc gì, còn trong tình yêu thì nhắc nhở liệu có tính bê gắn bó thuỷ chung với cô nào được thì hãy tỏ tình. Đừng có bỏ dở nửa chừng, khó coi lắm. Nhưng khi một cô gái hát trong cuộc hát đối đáp thì hai cậu này lại hàm ý chế đối phương, muốn đối phương hãy cân nhắc lại trình độ mình rồi hãy tham gia.
Một anh chàng đã đáp lại:
Bớ các cô ơi
Tui đây đâu phải trai hư
Tui đan được, tui đát đặng
tui lận chừ chừ cho cô coi
Lận rồi tui chận lột hẳn hoi
Lận thì ở trên tui ấn xuống,
nứt thì ở ngoài tui đun vô
Nói ra sợ lòng cô
Chứ vô trong mủng
chỗ mô tui cũng dùi!
Quả là tài ba và nghịch ngợm. Câu hát dùng toàn những từ chuyên môn trong công việc đan mỏng “đan, đát, lận, chận lột, nứt, dùi” để gợi lên cái cảnh sỗ sàng trong chuyện phòng the, nhằm áp đảo cho đối phương “biết thế nào là lễ độ”. Cô muốn đan thì tui đan, muốn đất thì tui đát, muốn dùi thì tui dùi, nhưng tui xin nói trước để cô khỏi mất lòng!
• Có lần một cô gái ra chiều là người đọc sách, đã hát đổ một câu rất đỗi oái oăm:
Nghe đồn chàng học kinh Thi
Cá nằm dưới cỏ, cá chi hỡi chàng?
Kinh Thi là một trong các cuốn kinh điển của Nho gia, trong đó có nói nhiều đến các loài cây cỏ, côn trùng, chim cá… trong các bài hát dân gian. “Cá nằm dưới cỏ” ý nói tên của một loài cá được nhắc đến trong kinh Thi, gồm chữ “ngư” là con cá nằm dưới bộ “thảo” là cỏ. Mới đầu thì nghe chừng như là hình ảnh “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, nhưng lại là cậu hỏi oái oăm, vì trong kinh Thi không hề có chữ này. Một anh chàng bí quá, đã đáp lại bằng câu khiến các cô phải chịu “bó tay chấm com để đầu hàng:
Anh đây chẳng học kinh Thi
Cá nằm dưới cỏ có khi con cá tràu!
Cá tràu là con cá lóc. Ở vùng thôn quê Quảng Nam, “của quí” của các ông thường được gọi đùa là “con cá tràu”. Dùng con cá tràu để tả hình ảnh con “cá nằm dưới cỏ” quả là nghịch ngợm mà cực thông minh, vì quá ư sinh động. Chữ “có khi” mới là “nhãn tự” của câu, mới đúng là hai chữ nhập thần. Tui không dám chắc, nghe cô nói thì chỉ đoán mò có khi đó là con cá tràu. Chỉ đoán vậy thôi, cô muốn biết chắc thì cứ vạch cỏ mà xem cho rõ! Đem “con cá tràu” đưa ra vừa gỡ được thế bí, lại vừa “cả vú lấp miệng em” để buộc đối phương phải “tắt đài” !
Vùng Quá Giáng có một cô tên là Thuý, đẹp người lại giỏi đối đáp, nổi tiếng khắp vùng. Ở nhiều địa phương ở Quảng Nam, âm “uy” thường bị phát âm thành “i”, phụ âm “g” ở cuối chữ lại không được phát âm, như “duyên dáng” đọc thành “diễn dán”, nên tên của cô này thường bị đọc là “Thí” có nghĩa là nhỏ, như chữ “nhỏ thí”. Trong một lần đi hát, có ông giáo Lương là tay nghịch ngợm, gặp được Cô Thuỷ. Nghe tiếng đã lâu nay mới gặp, ông Lương liền sỗ sàng buông lời chọc ghẹo:
Cô kia ăn nói không chừng,
Tui giận tui bắt rắn bỏ vô quần
là cô phải khai.
“Ăn nói không chừng” có nghĩa nói kháy rằng: cô đã lớn rồi sao cứ bị gọi là đồ con nít, là “thỉ”. Cô Thuý vẫn thản nhiên hát đáp lại:
Em đây bụng đàn bà dạ con nít
Em thấy rắn thì em la làng
Răng ngó đi ngó lại
nó vàng vàng giống con lươn!
Vâng, cái chui vô quần em là con lươn, là ông đó, ông Lương ạ! Ông giáo Lương bị một vô “gậy ông đập lưng ông” như trời giáng, còn đau hơn cả chiêu “đấu hoán tinh di” của nhà Cô Tô Mộ Dung trong Thiên Long Bát Bộ! Nghe nói về sau ông này không dám đi hát ở đâu nữa.
Bài viết được cung cấp bởi Dịch thuật Tiếng Anh Lightway. Chúng tôi chuyên dịch hợp đồng tiếng Anh tiếng Việt giá rẻ
• Lại một ông nữa tên Châu, giỏi hát đối đáp nhưng phải cái tội là con mắt bị kém, thấy cái gì cũng chập choạng nhập nhoè. Có một lần đi hát đối đáp, ông trêu một cô gái tên Kỳ bên phe kia bằng câu:
Giở cung anh xỉ con cò
Từ nay bỏ thói đi mò cá tôm
Gặp cô Kỳ mà đòi “xỉ con cò” thì chơi khăm đối phương một cách quái ác mà vẫn tránh được sự số sàng, thô tục. Đâu ngờ ông gặp phải ổ kiến lửa, cô Kỳ chanh chua “đốp” lại một câu:
Hữu nhãn vô châu
thấy đâu mà thầy bắn
Chừ có lên giường
thầy cũng trợn trắng con ngươi!
“Hữu nhãn vô châu”, có mắt không tròng, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đồ mắt kém như thầy, tui có cho lên giường để “xỉ con cò” thì thấy cũng không biết đằng nào mà lần! Thật quá ác và đau.
Học Tiếng Anh với Lightway:
Tìm hiểu về những khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Pháp
Nói cám ơn trong tiếng Anh như thế nào?
Miêu tả nhân vật yêu thích bằng tiếng Anh
• Nhưng cũng chưa ác và đau cho bằng một cô gái khác hát đáp ông Trần Hàn. Ông Trần Hàn là danh sĩ ở Quảng Nam, nổi tiếng văn hay chữ tốt. Bố ông là Trần Liệu. Một cô gái đã hát một câu rất nhẹ nhàng, mà theo lời đồn trong dân gian, khiến ông phải nuốt hận bỏ về, vì không sao đáp lại được mà về sau lâm bệnh.
Quần em rách dọc rách ngang
Thầy liệu thầy hàn em trả công cho!
Đem cả hai bố con ra để đánh chung bằng một chiêu “nhất tiễn hạ song điêu” quỷ khóc thần sầu. Tên hai bố con biến thành hai động từ rất tự nhiên trong một l câu hát. Nội dung câu hát lại nhẹ nhàng như lời tỏ tình của một cô gái nghèo Nhưng đây là cái nhẹ nhàng chết người, cái nhẹ nhàng của thủ pháp “Miên Lý Tàng Châm” của phái Hằng Sơn! Cây kim nhọn hoắc và cực kỳ nguy hiểm được giấu trong đám bông mềm mại. Có cái quần rách mà xin nhờ người ta “hàn” lại, (làm như cái quần là kim loại không bằng!) thì người được nhờ chỉ còn nước hộc máu mồm. Chưa chết đứng như Từ Hải là còn may. Ông đổ bệnh là phải.
Trên đây chỉ là một số câu tiêu biểu mà tôi còn nhớ được. Còn biết bao nhiêu câu hát tài hoa nửa còn tản mác trong dân gian, đang chờ các nhà sưu tầm văn hoá dân gian. Và các câu hát đối đáp như trên vẫn là kho tàng quý báu giúp chúng ta tìm hiểu thêm về tài ứng đối và ngôn ngữ của ông cha *