English Study

Bão và chuyện chữ nghĩa tiếng Anh

16 views
từ vựng tiếng Anh bão tố

Khác với những năm trước, kể từ trận bão Chanchu, báo chí trong nước đã bắt đầu quen dùng tên bão theo quy định của quốc tế chứ không gọi theo số nữa. Cơn bão mà văn bản chính thức, bản tin dự báo vẫn gọi là bão số 6 được tường thuật dưới tên Xangsane (theo tiếng Lào, có nghĩa là “Con voi”). Tuy nhiên, với cơ quan nhà nước thì khác. Không hiểu sao Việt Nam đã đóng góp 10 tên để Trung tâm Bão Tokyo lần lượt sử dụng để đặt tên bão (như Trà Mi, Hạ Long, Vàm Cỏ, Sông Đà, Sao La) mà cho đến bây giờ vẫn chưa áp dụng cách gọi theo quốc tế một cách chính thức. Gọi bằng tên riêng dễ nhớ và nhớ lâu hơn gọi bằng số chứ.

Từ tiếng Anh liên quan đến bão có khá nhiều và dễ gây lẫn lộn.

Đầu tiên là tropical depression (áp thấp nhiệt đới) khi gió dưới 63 ki lô mét/giờ. Trên mức này, ta có tropical storm (bão nhiệt đới nhỏ) và bắt đầu được đặt tên. Nếu gió mạnh hơn 118 ki lô mét/giờ, thì tùy vị trí địa lý mà có các tên gọi khác nhau. Ở vùng Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, nó được gọi là typhoon; ở Bắc Đại Tây Dương, Đông Bắc Thái Bình Dương, người ta gọi nó là hurricane và ở Tây Nam Ấn Độ Dương nó chuyển thành tropical cyclone. Khổ nỗi trong các văn bản tiếng Anh, tất cả các hiện tượng trên được gọi chung một từ là tropical cyclone hay storm nên dễ nhầm. Ví dụ câu miêu tả chung: “A tropical cyclone tends to develop an eye, a small, circular, cloud-free spot. Surrounding the eye is the eyewall, an area about 16-80km wide in which the strongest thunderstorms and winds circulate around the storm’s center”. Tuy nhiên, biết cách phân biệt này giúp chúng ta khỏi dịch sai typhoon thành cuồng phong, hay cyclone thành lốc, gió xoáy theo quán tính.

* * *

Tuần trước, quan hệ giữa Malaysia, Indonesia và Singapore trở nên căng thẳng vì một câu phát biểu của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Nguyên văn câu của ông là “…Malaysia and Indonesia have problems with the Chinese. They are successful, they are hardworking, and therefore, they are systematically marginalized”. Từ marginalize, được báo chí Việt Nam dịch chưa chính xác là “cách ly”, xuất phát từ từ margin có rất nhiều nghĩa. Margin nghĩa là lề (he jotted a note on the margin of the page), ngưỡng (he has crossed the margin of civilized behavior); cho nên marginalize là gạt ra ngoài lề, cho ra rìa (we must not marginalize the poor in our society). Ý ông Lý Quang Diệu muốn nói người Hoa ở Singapore được đối xử bình đẳng còn ở Malaysia hay Indonesia, họ bị gạt ra khỏi đời sống văn hóa, chính trị… một cách có hệ thống (tức là cố ý)! Chẳng lạ gì, cả hai nước Malaysia và Indonesia đã triệu tập đại sứ Singapore lên yêu cầu giải thích cho rõ chuyện.

Cách đây hai tuần, Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo những hiệp định thương mại song phương mà nhiều nước đang hăm hở ký có thể gây hại cho viễn cảnh phát triển của các nước đang phát triển. Một trong những lý do được đưa ra có dùng từ marginalize này “…bilateralism tends to marginalize weaker trading nations”.

Đọc thêm:
Cẩn thận với những từ vựng quen thuộc
Cách tìm từ chưa có trong từ điển
Học từ vựng với Quiz – Are you an Angel or a devil?
Tổng hợp một số mỹ từ tiếng Anh có thể bạn chưa biết

Ở đây, có lẽ sẽ có ích hơn nếu chúng ta chú ý đến các nghĩa có liên quan đến kinh tế của từ margin. Đầu tiên, margin thường được dùng trong cụm profit margin, gross profit margin để chỉ tỷ lệ lãi trên doanh thu, thường được dịch là biên lợi nhuận. Margin còn là chênh lệch giữa giá thị trường của một món thế chấp và trị giá khoản vay dựa vào thế chấp này. Trong quản trị có khái niệm marginal như trong cụm từ marginal cost: chi phí biên, tức là chi phí sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa.

Tuy nhiên, từ margin được dùng trong chứng khoán nhiều hơn. Ở các nước, nơi giá cổ phiếu đã tương đối ổn định, chỉ cần có một ít tiền là đã có thể mua bán cổ phiếu khối lượng lớn. Lấy ví dụ cổ phiếu X giá 1 đô la Mỹ, muốn mua bán 1 triệu cổ phiếu này, người chơi đâu cần có đến 1 triệu đô la. Vì giá hàng ngày lên xuống dưới 1%, hiếm khi biến động đến 5-10% nên người chơi chỉ cần bỏ 200.000 đô la Mỹ vào tài khoản của công ty môi giới rồi vay thêm 800.000 đô la Mỹ để mua bán. Vì số cổ phiếu này cầm cố ngay tại công ty môi giới này nên có rủi ro gì, công ty cứ bán cổ phiếu cộng thêm tiền bảo chứng là yên tâm. Mua kiểu này gọi là margin buying hay buying on margin, tài khoản loại đó gọi là margin account… Giả thử công ty đặt mức bảo chứng tối thiểu (minimum margin requirement) là 10% và giá 1 triệu cổ phiếu sụt còn 850.000 đô la Mỹ, tiền bảo chứng trong tài khoản chỉ còn 50.000 đô la Mỹ nên công ty yêu cầu người chơi đóng thêm tiền hay bán chứng khoán, động thái này gọi là margin call. Vì chỉ cần có một ít tiền mà vẫn mua bán gấp nhiều lần nên margin buying chính là một hình thức leverage (đòn bẩy) trong tài chính.

5/5 - (4 votes)

ĐỌC THÊM


BÀI LIÊN QUAN