Lời người dịch:
Robert B. Reich là Giáo sư về Chính sách Công tại Đại học California ở Berkeley và là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Blum về Các nền kinh tế đang phát triển. Ông từng là Secretary of Labor – Bộ trưởng Bộ Lao động trong chính quyền Clinton, được Tạp chí Time xếp hạng là một trong mười Bộ trưởng có hiệu quả nhất thế kỷ 20. Ông đã viết 15 cuốn sách, bao gồm các cuốn bán chạy nhất “Aftershock”, “The Work of Nations”, “Beyond Outrage”, “The Common Good” và gần đây nhất là “The System: Who Rigged It, How We Fix It“. Ông còn là biên tập viên sáng lập của tạp chí American Prospect, chủ tịch của Common Cause, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, và là người đồng sáng tạo bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng “Inequality For All” và bộ phim tài liệu trên Netflix “Saving Capitalism“.
Dưới đây là bản dịch bài báo của Robert B. Reich “Make no mistake: the simultaneous crisis of inequality and climate is no fluke”, 27 tháng 4, 2020:
…
Cả nền kinh tế lẫn môi trường sống của chúng ta đều đang trong cơn khủng hoảng. Của cải tập trung vào tay chỉ một số ít, trong khi đa số người dân Mỹ phải vật lộn vất vả để sống sót. Khủng hoảng Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng Bất bình đẳng Kinh tế, vì những người dễ bị tổn thương nhất về kinh tế lại phải chịu thêm gánh nặng của lũ lụt, hỏa hoạn và sự gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm, nước và điện.
Đồng thời, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu lại chính là hậu quả của việc gia tăng bất bình đẳng. Quyền lực chính trị của các tập đoàn giàu có nhờ nhiên liệu hóa thạch đã ngăn cản hành động đối với biến đổi khí hậu trong nhiều thập niên rồi. Chỉ tập trung chăm chú vào việc tối-đa-hóa lợi nhuận ngắn hạn của họ, các tập đoàn này thậm chí càng ngày càng trở nên giàu có hơn và quyền thế hơn, cùng lúc gạt bỏ người lao động ra ngoài lề, ngăn cản hạn chế những cách-tân xanh, cản trở sự phát triển bền vững, và ngăn chặn các hành động trực tiếp đối với cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng của chúng ta.
Đừng nhầm lẫn điều này: cuộc khủng hoảng bất bình đẳng và khí hậu xảy ra đồng thời, không phải là chuyện tình cờ. Cả hai đều là kết quả của nhiều thập niên chọn lựa có chủ ý, cùng các chính sách được ban hành bởi các tập đoàn siêu giàu có và quyền lực.
* Chúng ta có thể giải quyết cả hai cuộc khủng hoảng bằng cách thực hiện bốn điều sau đây:
Đầu tiên, hãy tạo công ăn việc làm xanh. Đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể tạo ra hàng triệu công ăn việc làm bền vững cho gia đình, và xây dựng cơ sở hạ tầng mà chúng ta cần, giúp cho các cộng đồng bị thiệt thòi được tiếp cận nước sạch và không khí sạch. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo có thể tạo thêm 550.000 việc làm mỗi năm, đồng thời tiết kiệm cho nền kinh tế Mỹ 78 tỷ USD cho đến năm 2050. Nói cách khác, Green New Deal – Thỏa thuận Mới màu Xanh có thể chuyển cuộc khủng hoảng khí hậu thành cơ hội vừa giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu vừa tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.
Thứ hai, ngừng ngay năng lượng bẩn. Đầu tư lớn vào các việc làm trong ngành năng lượng tái tạo vẫn không đủ để đối phó với khủng hoảng khí hậu. Nếu chúng ta muốn tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thì chúng ta phải giải quyết vấn đề ngay tại nguồn gốc của nó: Phải ngừng việc đào và đốt thêm dầu, khí đốt và than đá.
Lượng khí thải carbon tiềm năng từ các nhiên liệu hóa thạch này trong các mỏ đang khai thác trên thế giới sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên vượt xa mức độ 1,5°C mà các nhà khoa học đoạt giải Nobel bảo là hành tinh này có thể chịu đựng được. Như thế, thật là vô lý khi chúng ta còn cho phép các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch khởi đầu các dự án năng lượng bẩn mới.
Ngay cả khi các công ty nhiên liệu hóa thạch tuyên bố đang chuyển sang năng lượng sạch, thì họ vẫn đang có kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào các dự án dầu hỏa khí đốt mới hoàn toàn không phù hợp với các cam kết toàn cầu về hạn chế biến đổi khí hậu. Mà hơn một nửa các dự án mở rộng đó dự kiến sẽ thực hiện ở Hoa Kỳ. Cho phép các dự án này triển khai đồng nghĩa với việc tự giam mình vào lượng khí thải carbon mà chúng ta không thể chịu đựng được ngay cả bây giờ, chứ đừng nói là trong những thập niên tới.
Cho dù nước Mỹ chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo ngay bây giờ đi nữa, thì việc tiếp tục đào các nhiên liệu hóa thạch lên trên mặt đất cũng sẽ khiến chúng ta rơi sâu vào khủng hoảng khí hậu trầm trọng hơn nữa. Nếu nước Mỹ không dừng lại ngay bây giờ, thì bất cứ thứ gì chúng ta đào lên sẽ đơn giản là được xuất khẩu và đốt dùng ở nước ngoài. Tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng, nhưng những người nghèo nhất và dễ bị thiệt hại nhất trong chúng ta sẽ phải gánh chịu những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.
Thứ ba, loại bỏ các công ty nhiên liệu hóa thạch ra khỏi chính trường của chúng ta. Trong nhiều thập niên, các công ty như Exxon, Chevron, Shell và BP đã làm ô nhiễm nền dân chủ của chúng ta bằng cách đổ hàng tỷ USD vào chính trường của chúng ta, và trả tiền cho các quan chức được bầu ra, chỉ để ban hành các chính sách bảo vệ lợi nhuận của chính họ. Chỉ riêng cho cuộc bầu cử liên bang năm 2016, ngành công nghiệp dầu khí đã chi trên 103 triệu USD rồi. Và đó chỉ là những gì họ phải báo cáo ra thôi, con số đó không bao gồm những khoản “tiền đen tối” không kể xiết mà họ đã sử dụng để mua chuộc các chính trị gia và lũng đoạn nền dân chủ của chúng ta. Các ước tính dù thận trọng nhất vẫn đã chỉ ra mức chi tiêu của họ cao gấp 10 lần chi phí của các nhóm hoạt động vì môi trường và ngành năng lượng tái tạo.
Kết quả là, những người dân đóng thuế ở Mỹ đang phải chi ra 20 tỷ USD mỗi năm để thực hiện các dự án dầu hỏa và khí đốt, đó chính là một sự chuyển giao tài sản khổng lồ vào tay đám người giàu có hàng đầu trong nước. Và điều đó thậm chí còn chưa kể đến hàng trăm tỷ USD trợ cấp gián tiếp khiến mỗi người dân Hoa Kỳ phải tiêu tốn khoảng 2.000 USD mỗi năm (cho ngành nhiên liệu hóa thạch). Việc này phải chấm dứt.
Và chúng ta phải ngừng cho không đất công để khoan/đào dầu khí. Năm 2018, dưới thời Trump, Bộ Nội vụ đã cấp phát các hợp đồng thuê đất công tổng giá trị đến 1,1 tỷ USD cho các công ty dầu khí, mức kỷ lục qua mọi thời đại, cao gấp ba lần kỷ lục năm 2008 trước đó; tổng cộng đã đến hơn 1,5 triệu mẫu đất, dù chỉ tính đất để khoan đào dầu khí, gây nguy cơ phá hoại nhiều địa điểm văn hóa và vô số động vật hoang dã. Gần đây nhất là vào tháng 9 năm ngoái (2020), chính quyền Trump đã cho mở 1,56 triệu mẫu đất trong Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia vùng Bắc Cực ở Alaska để khoan dầu, đe dọa di sản văn hóa bản địa và hàng trăm loài sinh vật sinh sống trong đó.
Mà như thế vẫn chưa đủ đâu. Lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cần được áp dụng trở lại và mở rộng sang các loại nhiên liệu hóa thạch khác nữa. Lệnh cấm ấy, vốn có hiệu lực trong 40 năm, đã bị dẹp bỏ vào năm 2015, chỉ vài ngày sau khi Hiệp định Khí hậu Paris được ký kết. Sau nhiều năm vận động của các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ, những người đứng đầu ngành kỹ nghệ, và đội quân vận động hành lang của họ, cuối cùng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã thành công như ý họ muốn.
Chúng ta không thể chờ đợi những thay đổi này sẽ được thực hiện 5 hoặc 10 năm sau nữa; chúng ta cần chúng ngay bây giờ.
Thứ tư, cần yêu cầu các công ty nhiên liệu hóa thạch đã hưởng lợi to lớn từ sự bất công về môi trường ấy phải bồi thường cho các cộng đồng dân chúng mà họ đã gây tổn hại.
Như thể việc mua chuộc nền dân chủ của chúng ta vẫn chưa đủ, các tập đoàn này còn cố tình đánh lừa công chúng trong bao nhiêu năm rồi về mức độ thiệt hại mà sản phẩm của họ đã gây ra.
Ví dụ, ngay từ năm 1977, các nhà khoa học của chính công ty dầu khí Exxon đã cảnh báo các nhà quản lý rằng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ làm hành tinh nóng lên và gây ra những thiệt hại không thể phục hồi được. Vào những năm 1980, Exxon đã dẹp bỏ chương trình nghiên cứu khí hậu trong công ty, và chuyển sang tài trợ cho một mạng lưới các nhóm ủng hộ, vận động hành lang và các tổ chức tư vấn với mục đích duy nhất là làm rối loạn lu mờ các cuộc thảo luận của công chúng, và ngăn chặn các hành động về khủng hoảng khí hậu. Năm công ty dầu mỏ lớn nhất hiện nay chi ra khoảng 197 triệu USD mỗi năm cho các chiến dịch quảng cáo tuyên truyền rằng họ quan tâm đến khí hậu, nhưng đồng thời vẫn tăng ồ ạt chi tiêu vào việc khai thác dầu hỏa và khí đốt.
Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ, nhất là các cộng đồng nghèo, người da đen, da nâu và bản địa, đã phải đấu tranh vất vả để được uống nước sạch và hít thở không khí trong lành, cùng lúc cộng đồng của họ bị tàn phá bởi các cơn bão, lũ lụt và hỏa hoạn do biến đổi khí hậu gây ra. Tính đến năm 2015, gần 21 triệu người sử dụng hệ thống nước cộng đồng đã vi phạm các tiêu chuẩn phẩm chất về sức khỏe dân chúng. Tính theo dân số thì cơ bản là giống như đã xảy ra cùng một lúc đến 200 vụ nước uống bị ô nhiễm như ở Flint, tiểu bang Michigan (từ năm 2014).
Nếu chúng ta cứ tiếp tục như hiện nay thì nhiều cộng đồng nữa có nguy cơ trở thành “khu vực bị hy sinh – sacrifice zone“, nơi dân chúng bị bỏ rơi, mặc cho họ tự làm bất cứ chuyện gì để sống sót khỏi hậu quả độc hại của hoạt động công nghiệp, với rất ít, nếu có, sự giúp đỡ từ các thực thể chịu trách nhiệm về những hoạt động độc hại đó.
Phủ nhận biến đổi khí hậu, và ô nhiễm tràn lan không phải là những tội ác không có nạn nhân. Các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch phải bị buộc chịu trách nhiệm, và buộc phải chi trả cho những thiệt hại mà họ đã gây ra.
Nếu những giải pháp ấy nghe có vẻ quyết liệt như thế, thì đấy là vì thật sự chúng đúng phải như thế. Chúng phải như thế, nếu chúng ta có chút nào hy vọng giữ được cho hành tinh của chúng ta có thể còn là nơi sinh sống được. Khủng hoảng khí hậu không phải là một cơn ác mộng tận thế nào xa vời, mà là tình hình hiện tại ngay bây giờ của chúng ta.
Các trận cháy rừng ở Úc gần đây đã quét sạch một tỷ loài động vật, mùa hỏa hoạn ở California càng năm càng tàn phá ghê gớm hơn, và những cơn bão kỷ lục tiếp tục hoành hành, xâu xé các cộng đồng của chúng ta nặng nề hơn bao giờ hết.
Các nhà khoa học cho biết chúng ta còn 10 năm để giảm kịch liệt lượng khí thải. Chúng ta không còn có chỗ cho những biện pháp nửa vời được bao bọc bên trong những gói quà khổng lồ biếu tặng cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Chúng ta xứng đáng có được một thế giới không cần nhiên liệu hóa thạch. Một thế giới trong đó người lao động và các cộng đồng phát triển mạnh mẽ, và môi trường cùng khí hậu chung của chúng ta được ưu tiên trước lợi nhuận của ngành công nghiệp. Tôi biết rằng hành động chung cùng nhau, chúng ta có thể làm cho điều đó thành hiện thực. Chúng ta không còn thời gian để lãng phí.