Lịch Sử và Văn Minh

Hành trình của Marco Polo

Bên trong hầm giam tối tăm ẩm ướt, dưới ánh nến leo lét, nhà văn vừa đặt bút xuống. Ông tên là Rusticello de Pise. Trong tận cùng hầm giam, ông vừa trải qua một chuyến phiêu lưu thật phi thường

MArco polo
39 views

Minh Luân

Bên trong hầm giam tối tăm ẩm ướt, dưới ánh nến leo lét, nhà văn vừa đặt bút xuống. Ông tên là Rusticello de Pise. Trong tận cùng hầm giam, ông vừa trải qua một chuyến phiêu lưu thật phi thường… Một cuộc phiêu lưu sẽ đưa ông đến danh tiếng, đến hậu thế và có lẽ cả sự giàu sang. Ông đã tưởng tượng đến quyển sách của ông, “Đàm luận về thế giới”, sẽ có mặt trong các thư viện sang trọng của những hoàng thân quốc thích. Nhưng ông khó ngờ được rằng tác phẩm của ông sẽ vượt mọi thời đại để trở thành một truyền thuyết.

Rusicello bị giam trong nhà tù Gênes từ năm 1284 sau trận hải chiến La Meloria, ở đây hạm đội của người Gênes đã bao vây người Pise. Trước khi vào nhà giam, Rusticello là một viên quan triều đình, một người kể chuyện duyên dáng, một nhà văn nhã nhặn, thân quen với vua nước Anh. Ông thích lui tới những câu lạc bộ để kể các câu chuyện thần thoại, truyện tình và chuyện khó tin. Ông rất thích điều kỳ diệu, những cuộc phiêu lưu xa xăm, các kỵ sĩ chinh phục và bảo vệ Đất Thánh. Những người hùng của ông là Alexandre Đại đế, Salomon, nữ hoàng Saba hay Ba Vua. Trong số các huyền thoại đó, nổi bật nhất là vương quốc của linh mục Jean, vùng đất lạ xa xôi và bí ẩn nhất.

Rusticello bị giam chung với một người xứ Venise cũng bị quân Gênes bắt giữ. Cao lớn, tóc dài đến vai, nghiêm nghị, quá nghiêm nghị để có thể là một nhà phiêu lưu. Ông ta tên là Marco Polo. Marco kể với Rusticello rằng suốt đời ông chỉ là phục vụ. Ông từng là sứ giả của Giáo hoàng, rồi đến chư hầu của một hoàng đế. Không phải là thương nhân, mà là một viên chức có trọng trách báo cáo lại với chủ về dân tình và tài nguyên của đế quốc. Nhưng vị hoàng đế đó là ai? Đế quốc đó là đâu? Không gì khác hơn là đế quốc Mông Cổ, nguồn cội của biết bao truyền thuyết đáng sợ… đối với một người Ý vào thời Trung cổ. Giữa Rusticello và Marco Polo đã có một điểm gặp gỡ: một nhà văn với chủ đề của mình. Chủ đề đó chính là thể giới. Rusticello chẳng có tham vọng gì hơn là thế giới. Quyển sách thể giới sẽ vĩ đại hơn cả quyển “Tiểu thuyết của hoa hồng”, huyền hoặc hơn cả đế quốc của linh mục Jean. Đó sẽ là quyển sách của mọi quyển sách, giống như Thánh Kinh. Chính vì thế Rusticello sẽ viết nó bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của triều đình được mọi người ưa thích, từ trẻ đến già, từ người trí thức đến kẻ vô học, tại cung đình Anh hay Ireland, người Thiên Chúa giáo ở Jérusalem, Chypre, Constantinople,….

Lịch sử của quyển sách bắt đầu tại Venise vào năm 1260. Thành phố có những mối liên hệ chặt chẽ với đế quốc Byzance. Có 2 anh em buôn bán với phương Đông, đó là Matteo và Niccolo Polo. Một ngày nọ, họ quyết định đi theo dấu của Guillaume de Rubrouck đã sang Mông Cổ vài năm trước đó. Khi đến Soldaia, họ tiếp tục đi xa hơn về phía Động. Con đường sẽ dẫn họ đến với Hốt Tất Liệt, hậu duệ của người đã gây khiếp hãi cho phương Tây khi bao vây thành phố Vienne: Thành Cát Tư Hãn. Sau 1 năm hành trình, họ được gặp vị chúa tể của Karakorum, thủ đô của đế quốc Mông Cổ. Việc kinh doanh rất khả quan. Hai anh em trở về nước với chức danh sứ giả và một trọng trách: thỉnh cầu Giáo hoàng gửi sang các linh mục. Vị Đại Hãn muốn tìm hiểu thêm về Thiên Chúa giáo, có lẽ với mục đích sẽ theo đạo và cho thần dân theo đạo.

Hai anh em trở về Venise sau nhiều năm vắng mặt. Lúc ấy vợ của Niccolo đã qua đời nhưng để lại 1 đứa con trai 15 tuổi: Marco Polo. Anh ta gặp lại cha sau 9 năm. Một người cha bí ẩn đi đến một đất nước bí ẩn, người cha mà suốt quãng đời thơ ấu Marco Polo thường tưởng tượng đến. Trong những giấc mơ, trong lúc đau khô, ông đã nguyện hứa rằng giống như cha, sau này ông sẽ đi đến các vùng đất xa lạ. Và sẽ trở về.

Tại Ý, Giáo hoàng đã qua đời. Matteo và Niccolo Polo phải chờ đợi 2 năm trước khi vị Giáo hoàng mới cho phép lên đường. Hai người không quên lời hứa với Hốt Tất Liệt, nhưng thay vì 100 vị linh mục, họ lại dẫn theo 2 anh em người hành khất và cả Marco Polo. Cả nhóm nhập vào 1 đoàn lữ hành đi đến Tabriz, từ đấy họ dự tính sẽ đến cảng Ormuz ở vịnh Ba Tư để lên tàu của người Trung Hoa. Nhưng khi nhìn thấy những con tàu cũ kỹ, họ bỏ ý định vượt biển và đi theo con đường tơ lụa. Lúc đến dãy núi Hindu Kuch, Marco Polo ngã bệnh. Cơn sốt phải mất 1 năm mới khỏi. Rồi cả nhóm lại hướng đến sa mạc Lob. Sau khi vượt qua chặng đường dài, những thành phố hiện ra. Tô Châu, thiên đàng tươi mát sau sa mạc nóng bỏng; Hàng Châu, thành phố trù phú.

Nhà Polo trao đổi đồ thủy tinh của Venise lấy vải vóc và tơ lụa. Họ quá bận rộn nên quên cả sứ mạng. Nhưng Hốt Tất Liệt không chờ đợi. Ông ta đến gặp những người khách lữ hành để hỏi thăm về Giáo hoàng. Đại Hãn không thấy các linh mục mà chỉ có 3 thành viên nhà Polo Chàng thanh niên lo sợ nhìn vị chúa tể đang giận dữ. Lúc ấy Niccolo cúi chào và giới thiệu người con trai với Hốt Tất Liệt. Ông bảo rằng đã dẫn theo con trai để nó hầu hạ người.

Thế là Marco Polo trở thành viện chức của đất nước Mông Cổ. Hốt Tất Liệt phái ông đến những tỉnh thành mà ông ta khó thấu hiểu và khó cai trị. Đế quốc Mông Cổ quá rộng lớn. Nó trải dài từ các đồng bằng Nga cho đến biển Đông. Nhờ có hòa bình nên những sản phẩm của miền Viễn Đông đến được vùng Địa Trung Hải. Dân du mục được tổ chức, được tập luyện binh khí, luôn sẵn sàng chiến đấu và thường chiến thắng. Họ cảnh giác với người Trung Hoa và thích áp đặt quyền uy với người lạ. Người phương Tây rất sợ vị Đại Hãn. Người ta đồn rằng ông ta chặt kẻ thù ra từng mảnh rồi vứt ra ngoài thành phố. Họ xem người Mông Cổ như là đạo quân của quỷ Satan, những con quái vật khát máu, những kẻ ăn thịt người và chó, các bộ tộc Gog và Magog lang bạt từ Israel và đã chối bỏ giáo luật của Moise. Chính vì thế cần phải cho họ nhập đạo, làm họ hiền hòa hơn bằng việc buôn bán, kết nối họ bằng các đại sứ quán. Hơn nữa, những sứ thần của Chúa đã đến vùng này. Đội cận vệ của Hốt Tất Liệt có 30.000 người Thiên Chúa giáo gốc Caucase. Người Nestorien rất đông và có thế lực tại Trung Á, trong các bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng Marco Polo không phải là thầy tu. Ông không tìm cách áp đặt tín ngưỡng cho mọi người. Ông là người thu thập thông tin, nhà quan sát và quản trị. Chuyến đi của ông để phục vụ Đại Hãn mang tính chất chính trị hơn là thương mại, chiến lược hơn là tín ngưỡng. Một phần tư thế kỷ lang bạt trên đất nước của người Tartare, từ năm 1272 đến 1295, trong đó ông nếm trải những trận bão tuyết, cái giá rét và nóng cháy. Hàng ngàn điều tuyệt vời đã hấp dẫn ông. Những sự phong phú của thiên nhiên, các hồ nước và đồng cỏ mênh mông. Hốt Tất Liệt với 4 hoàng hậu. Polo kế với Rusticello về những tập tục khác thường: mỗi năm dân chúng cống cho Đại Hãn 100 cô gái mà ông cho ngủ chung với những bà lão để kiểm tra xem hơi thở của họ có thơm tho không, còn trinh trắng và lành mạnh không. Đại Hãn sẽ chọn ra 6 cô để phục vụ cho ông. Ba ngày sau, ông lại chọn 6 cô khác, và cứ như thế…

Còn có những nhóm cướp biển với cách hành động lạ lùng. Khi chúng cướp được một chiếc tàu, chúng buộc các thương nhân trên tàu phải uống nước mẹ để nôn ra những thứ châu ngọc đã nuốt vào bụng. Còn có triều đình Barka Khan ở Kiptchak với các kiến trúc mạ vàng trên bờ sông Volga, cung điện ở Sarai với những tòa tháp đồ sộ. Có vương quốc Ba Tư, những thành thị của Trung Hoa, thủ đô Karakorum của Mông Cổ, và Khanbalik mà sau này là Bắc Kinh… Có biết bao điều để chiêm ngưỡng trong thế giới đó, biết bao điều lạ kỳ và tuyệt vời.

Marco Polo, đặc sứ của Hốt Tất Liệt, tiếp tục sứ mạng đến với các dân tộc, thu thập thông tin để báo cáo lại với Đại Hãn. Ông ta muốn biết tất cả về đất nước Trung Hoa mà ông vừa chinh phục. Ông cũng muốn biết về các thế lực Thiên Chúa giáo, về 2 vị vua ở Constantinople và Đức, về cách cai trị, về chiến lược, về quân đội của họ. Ông muốn biết về các vua chúa, vương tôn công hầu, Giáo hoàng và giáo hội. Marco Polo kể với ông ta tất cả những gì mình biết. Mười bảy năm trôi qua. Có nhiều người ganh ghét về thành công của Marco Polo. Mà Hốt Tất Liệt cũng già yếu dần. Đã đến lúc phải ra đi. Hai anh em nhà Polo buôn bán phát đạt và muốn trở về nước, nhưng Marco còn ngần ngừ: biết nói thế nào với Đại Hãn? Cơ hội đã đến: tháp tùng 1 công chúa sang kết hôn với con trai của vua Ba Tư. Lần cuối cùng Marco Polo phủ phục trước Đại Hãn, ông này ban cho Marco vô số châu báu. Một đoàn tàu 14 chiếc chờ họ ở Tshiouan-Tchéou. Năm 1291, đoàn tàu ra biển Ấn Độ. Gia đình Polo về đến Venise vào mùa đông 1295.

Câu chuyện này được Marco Polo kể lại với Rusticello trong nhà ngục tăm tối. Có những chi tiết khiến người ta suy nghĩ, nếu không nói là ngờ vực. Bởi vì Marco Polo kể rất chi tiết, rất phong phú, nhưng lại sơ lược ở một số giai đoạn quan trọng. Ông không nhắc đến Vạn Lý Trường Thành, và hình ảnh về Karakorum lại không đúng lắm. Phải chăng ông chỉ đi đến miền Nam Mông Cổ, ranh giới chinh phục của Hốt Tất Liệt? Ông không nhắc gì đến chữ viết, đến nghề in, đến tục bó chân của phụ nữ hay thói quen uống trà. Hay Marco Polo chưa hề đến Trung Hoa. Không hề có 1 văn bản, 1 chứng từ, 1 bản kiểm kê tài sản nào của ông cả. Tại sao thế? Có lẽ bởi vì công việc thực sự của ông là tình báo.

Còn gì hơn một người như thế để kể về 1 đất nước với các điều diệu kỳ bí ẩn? Rusticello là nhà văn. Ông ta không mô tả con đường của gia đình Polo đã qua, mà là một con đường lý tưởng, chưa từng có, ở đấy mọi thứ đều có thể, mọi chi tiết miễn là đẹp, phong phú, lạ lẫm, con đường của trí tưởng tượng.

Thế thì có sá gì nếu Marco Polo không biết tiếng Trung Hoa, nếu mô tả của ông về Hốt Tất Liệt không giống với lời kể của những người đương thời, nếu ông chưa đi đến tận Madagascar. Sá gì khoa học, lịch sử hay địa dư. Từ sự gặp gỡ giữa Marco Polo và Rusticello, đã ra đời 1 quyền sách tuyệt vời, kể lại một chuyện phiêu lưu thật nhất, điện rồ nhất, bất định nhất, đến vùng đất trù phú thực và phi thực, để cho mọi người có thể mơ mộng.

(Theo Ca m’intéresse 07.2002)

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN