Gần 2 thế kỷ, 4 Đế chế Á-Âu cổ tận hưởng một thời kỳ hòa bình và thạnh vượng, tự do giao thương trên Con đường Tơ lụa (Ti lộ), tạo ra giai đoạn đầu tiên cho thời kỳ toàn cầu hóa. Nhà Hán ở phương Đông xuất khẩu các loại xa xỉ phẩm (đặc biệt là lụa) dọc theo Ti lộ. Ở Ấn Độ, tầm ảnh hưởng của Đế chế Kushan lan khắp tiểu lục địa, đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho thương mại Ấn Độ Dương. Parthia, một cường quốc khác, cai quản một dải lãnh thổ bao la, trải dài từ Lưỡng Hà cho tới Cao nguyên Iran. Cuối cùng, ở phía Tây, Đế chế La Mã đạt tới thời kỳ đỉnh cao, với dải lãnh thổ trải dài qua 3 lục địa. “Kỷ nguyên của các Đế chế” này tạo ra thời kỳ đầu cho toàn cầu hóa. Con người, hàng hóa,ý tưởng, và thậm chí dịch bệnh và sự tàn phá tự do du hành dọc theo con đường này, với số lượng khổng lồ và nhanh gọn hơn bao giờ hết, trên khắp vùng Á-Âu rộng lớn.
Nhà Hán — đế chế ở điểm đầu ti lộ
Năm 207 BC, nhà Hán lật đổ nhà Tần, dành quyền kiểm soát lãnh thổ Trung Hoa. Các Hán Hoàng đế giữ lại phần lớn cấu trúc bộ máy quan liêu có từ thời nhà Tần, nhưng giảm bớt hà khắc và tô thuế. Họ coi Khổng giáo là quốc giáo, đề cao đạo đức và đức hạnh của một bậc quân vương, tránh xa hung tàn bạo ngược. Do đó, nhà Hán đã ổn định được nội bộ và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Sau khi củng cố quyền lực, các Hán Hoàng đế bắt đầu mở rộng lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, người Hung Nô — các chiến binh thảo nguyên đáng sợ — rắp tâm tiến hành thôn tính các khu vực phía Tây. Sau nhiều năm cống nạp hòa hoãn lẫn chinh chiến, quân đội triều đình, được hỗ trợ bởi “thiên mã” vùng Đại Uyển, đã đánh bại được người Hung Nô vào năm 119 BC.
Nhà Hán kiểm soát cửa ngõ vào Ti lộ và nhận được lợi ích từ thương mại với các Đế chế phương Tây. Tuy nhiên, do khoảng cách khá lớn giữa các quốc gia này, cho nên các thương gia dẫn đầu các đoàn lữ hành chủ yếu là người từ Trung Á, nhiều nhứt là người Khương-cư (Sogdia). Tuy nhiên, vào năm 90 AD, các Hán Hoàng đế mở rộng tầm ảnh hưởng về phía Tây, chinh phục lưu vực Sông Tarim cho tới biên giới với Parthia — một trong các đối tác chính trên Ti lộ. Để phá vỡ thế độc quyền của Parthia đối với thương mại xuyên lục địa, Tướng Ban Siêu dẫn đầu một chuyến viễn du tới La Mã. Không may là đoàn viễn du gặp thất bại khiến liên minh giữa 2 đế chế này không thành. Nhưng các phái viên đã mang lại thông tin có giá trị về các vùng đất ở phía Tây Trung Quốc, bao gồm nhiều thông tin hơn về Đế chế La Mã, vẫn là một trong các đối tác thương mại chính cho dù nhà Hán sụp đổ hàng thế kỷ sau.
Đế chế Kushan (Quý Sương) — một xã hội toàn cầu
Sau khi kỵ binh nhà Hán đánh bại và trục xuất người Hung Nô khỏi lãnh thổ, các chiến binh thảo nguyên này quay sang gây hấn với người Nguyệt Chi hàng xóm, đẩy họ về phía Tây đại thảo nguyên. Người Nguyệt Chi bắt đầu viễn du tìm ngôi nhà mới, và rồi cuối cùng họ định cư tại Vương quốc Bactria Hy Lạp hoá năm 128 BC. Gần 2 thế kỷ sanh sống, người Nguyệt Chi dần củng cố quyền lực của họ trong khu vực. Khoảng giữa thế kỷ 1 AD, họ dần dần lấn sang khu vực Kashmir rồi lãnh thổ phía Tây Bắc Ấn Độ.
Đế chế Kushan (là cái tên người Ấn gọi người Nguyệt Chi) sớm kiểm soát toàn bộ miền Bắc tiểu lục địa. Chế độ Kushan du nhập các yếu tố Hy Lạp, Ba Tư, và Ấn Độ vào nền văn hóa của họ. Họ dùng bảng chữ cái Hy Lạp có sửa đổi và đúc đồng xu theo kiểu Hy Lạp. Thêm nữa, người Kushan còn du nhập phong tục tôn giáo bản địa, hòa trộn văn hoá Hy Lạp, Bái Hỏa giáo, Phật giáo và Ấn giáo vào với nhau. Vào thời đỉnh cao, khoảng thế kỷ 2 AD, Đế chế Kushan có chung biên giới với nhà Hán và Parthia, đóng vai trò trung gian trên Ti lộ. Người Kushan còn đóng vai trò trung tâm trong giao thương trên Ấn Độ Dương. Thành Barbaricum, toạ lạc tại đồng bằng Châu thổ Sông Ấn, trở thành một cảng biển quan trọng và là trạm trung chuyển hàng hóa giữa Đế chế La Mã, Ấn Độ, và Trung Hoa cho tới tận thế kỷ 7.
Đọc thêm:
Tìm hiểu về người Lydia Và Người Phoenician
Một ngày của vua Louis XIV
Nước Mỹ mở rộng lãnh thổ về phía tây
Tìm hiểu về người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) – Họ là ai?
Parthia — giao lộ đông tây
Vương quốc lớn nhứt thời kỳ Hy Lạp hóa — Đế chế Seleucid — bao trùm một dải lãnh thổ rộng lớn, kéo dài từ Dãy Hy Mã Lạp Sơn cho tới bờ biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cuộc chiến với nhà Ptolemaic ở Ai Cập khiến Đế chế suy yếu dần rồi mất quyền kiểm soát lãnh thổ phía Đông. Khoảng năm 250 BC, tộc Parni, dẫn đầu là tộc trưởng Arsaces, chớp lấy thời cơ thiếu vắng lực lượng Seleucid trong khu vực mà dành quyền kiểm soát Tỉnh Parthia, tọa lạc giữa Sông Oxus (Amu Darya) và duyên hải phía Nam Biển Caspian. Năm 138 BC, Đế chế Parthia mở rộng lãnh thổ tới Sông Euphrates ở phía Tây và Bactria ở phía Đông.
Mặc dù có nguồn gốc ở khu vực Iran ngày nay, nhà Arsacid lại du nhập nhiều hình thái nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo, và các biểu tượng khác nhau, bao gồm Ba Tư, Hy Lạp, và văn hoá bản địa. Cuối thế kỷ 1 AD, Parthia trở thành một siêu cường trong khu vực.
Nguồn gốc thạnh vượng của người Parthia chủ yếu là từ đội kỵ binh hùng mạnh và khả năng vận tiêu hoàn hảo dọc theo Ti lộ. Trong khi ở phía Đông, người Arsacid để mất Bactria vào tay người Kushan, thì ở phía Tây họ kiềm chân người La Mã, thậm chí đập tan tành quân đội La Mã tại Trận Carrhae năm 53 BC, đồng thời tiêu diệt được chỉ huy Marcus Licinius Crassus. Bất chấp các cuộc chinh chiến liên miên và mối đe dọa ngày càng tăng từ phía La Mã, mà đỉnh điểm là cuộc chinh phục ngắn ngủi của Hoàng đế Trajan, Đế chế Parthia vẫn là siêu cường thống trị ở trung đoạn Ti lộ cho tới khi rơi vào tay người Sassanid vào thế kỷ 3 AD.
Đế chế La Mã — siêu cường nơi Địa Trung Hải
Thành viên cuối cùng của Bộ Tứ, nằm ở trạm cuối phía Tây của Ti lộ, chính là Đế chế La Mã. Sau khi đánh bại Carthage và dành quyền kiểm soát toàn bộ Địa Trung Hải, người La Mã nhìn sang hướng Đông, tới các vương triều giàu có thời kỳ Hy Lạp hóa ở Ai Cập và Châu Á. Năm 63 BC, Pompey triệt tiêu toàn bộ tàn dư của Đế chế Seleucid bằng cách chinh phục Syria. Và rồi, năm 31 BC, Octavian, sau này sẽ là Hoàng đế Augustus, tiêu diệt hạm đội của nhà Ptolemaic ở Actium. Một năm sau, La Mã thôn tính Ai Cập, xoá sổ nhà Ptolemaic khỏi bản đồ. Giờ đây, Đế chế La Mã nắm giữ cửa ngõ vào Ti lộ. Bên cạnh sự thạnh vượng ở các tỉnh miền Đông mới này, Đế chế còn có nguồn thu từ các mỏ ở Bán đảo Iberia và sau này là vàng từ Dacia.
Mặc dù đã nỗ lực hết sức, La Mã vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn Parthia để thiết lập quan hệ trực tiếp với nhà Hán. Ngoài ra, các vương quốc ủy quyền giàu có và quyền lực, tỷ như Palmyra và Nabatean, tập trung ở khu vực Petra, càng hạn chế quyền kiểm soát của La Mã đối với thương mại trên bộ dọc theo Ti lộ. Năm 105 AD, Hoàng đế Trajan hợp nhứt lãnh thổ của người Nabatean vào Đế chế của mình, gia tăng quyền kiểm soát đoạn phía Tây của Ti lộ, trong khi Hoàng đế Aurelian sáp nhập Palmyra vào giữa thế kỷ 3. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Đế chế Parthia không còn nữa, thay vào đó là Đế chế Sassanid hùng mạnh và thù địch. Vì vậy, La Mã phải tập trung vào giao thương trên Ấn Độ Dương. Từ thế kỷ 1 và 2, hơn 100 con tàu đi tới Ấn Độ mỗi năm thông qua tuyến hàng hải này, chở hàng hóa từ Địa Trung Hải đi bán và mang về lại nhiều xa xỉ phẩm như lụa, gia vị và đá quý.
Khủng hoảng trên ti lộ
Năm 116, các Quân đoàn Lê dương dưới sự lãnh đạo của Trajan tiến tới Vịnh Ba Tư, nhưng do Hoàng đế đột ngột băng hà nên quân đội đành rút lui khỏi lãnh thổ Parthia. Tới năm 130, quân đội nhà Hán rút lui khỏi Trung Á về biên cương cũ. Ở phương Tây, quan hệ La Mã-Parthia trở nên tồi tệ. Vào năm 163, chiến tranh lại một lần nữa nổ ra và khốc liệt hơn bất kỳ lần trước nào. Trong khi chiến tranh liên miên thì một trận dịch đáng sợ nổ ra, nhanh chóng lây lan qua tất cả các đế chế thông qua mạng lưới Ti lộ, hủy hoại nền kinh tế và làm suy giảm dân số. Vào cuối thế kỷ 2, Đế chế La Mã, nhà Hán, Parthia và người Kushan, tất cả đều phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vào đầu thế kỷ 3, nhà Hán và nhà Arsacid bị lật đổ. Tuy nhiên, thương mại vẫn tiếp tục dọc theo Ti lộ, nhưng khó khăn hơn nhiều. Chỉ sau khi người Mông Cổ trỗi dậy vào thế kỷ 13, vùng đất rộng lớn nối Âu-Á mới được thống nhứt một lần nữa, cải tạo lại dải lụa nối giữa các lục địa.