Phạm Vũ Thịnh
Green New Deal – Thỏa Thuận Mới Màu Xanh là một giải pháp đã được đề xuất và chú ý trên toàn thế giới, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế.
Ở Mỹ, Green New Deal (GND) trở thành tên gọi của một tập hợp những dự án cải cách kinh tế và xã hội đã được đưa lên Quốc hội để bàn thảo và biểu quyết. Danh xưng Green New Deal nhắc lại tên gọi New Deal – Thỏa Thuận Mới của tập hợp các dự án tài chính, kinh tế, và kiến thiết công cộng đã do Tổng thống Franklin D. Roosevelt thực hiện năm 1933 – 1939 để đối phó với cuộc Đại Khủng Hoảng thời bấy giờ. Ngày nay, Green New Deal kết hợp các phương sách New Deal với những ý tưởng hiện đại như năng lượng tái tạo và hiệu năng trong việc sử dụng tài nguyên, trong cố gắng tận lực đối phó với hiểm họa biến đổi khí hậu cùng lúc với bất bình đẳng kinh tế.
*
Hiểm họa biến đổi khí hậu
Ngay từ những năm 1820, nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu về biến đổi khí hậu. Joseph Fourier tin rằng ánh sáng mặt trời tuy có thể xuyên vào bầu khí quyển, nhưng lại không thể thoát ra dễ dàng. Ông đã cố gắng chứng minh rằng không khí có thể hấp thụ bức xạ hồng ngoại và đưa trở lại bề mặt Trái đất. Sau đó vào năm 1859, John Tyndall phát hiện ra rằng hơi nước và thán khí CO2 bẫy nhốt các sóng nhiệt do mặt trời cung cấp. Năm 1896, Svante Arrhenius đã cố gắng chứng minh rằng phải mất hàng nghìn năm để khí CO2 từ sản xuất công nghiệp có thể nâng nhiệt độ Trái đất lên 5-6 °C. Năm 1956, Gilbert N. Plass quả quyết rằng việc thải khí nhà kính sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ của Trái đất và cho rằng bỏ qua không nghĩ đến việc thải khí nhà kính sẽ là một sai lầm lớn. Kỹ thuật phát triển vào những năm 1980 đã cho bằng chứng về sự gia tăng mức CO2. Một lõi băng khoan lên được đã cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng mức độ CO2 đã tăng lên đáng kể.
Nung nóng toàn cầu phần lớn là do con người đốt những thứ như xăng dầu để chạy xe, và khí đốt thiên nhiên để sưởi ấm. Nhưng nhiệt từ việc đốt cháy chỉ làm cho thế giới ấm hơn một chút trong khi chính khí cacbonic từ quá trình đốt mới là phần tai hại lớn nhất. Trong số các khí nhà kính, sự gia tăng của carbon dioxide CO2 trong khí quyển là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nung nóng toàn cầu. Khi con người đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, việc này làm tăng thêm CO2 trong không khí. Bởi nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều carbon và quá trình đốt cháy có hậu quả là kết hợp hầu hết các nguyên tử trong nhiên liệu với oxy. Và con người chặt phá nhiều cây cối, phá rừng, khiến cho lượng khí CO2 được cây cối hấp thụ giảm đi.
Hiện tượng nung nóng toàn cầu khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất, đại dương và bầu khí quyển tăng lên. Nhiệt độ trung bình ngày nay cao hơn khoảng 1 °C (1,8 °F) so với trước khi con người bắt đầu đốt nhiều than vào khoảng năm 1750. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng vào năm 2100 nhiệt độ sẽ cao hơn từ 2 °C (3,6 °F) đến 4 °C (7,2 °F) so với trước năm 1750. Các dự án mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu – Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) của Liên hiệp quốc, cũng chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4 °C trong suốt thế kỷ 21.
Trái đất nóng lên, những thay đổi mà mọi người có thể thấy dễ dàng nhất là sự tan chảy của các vùng băng trên khắp thế giới. Và mực nước biển đang dâng cao vì hai lý do: Một là vì các tảng băng ở Nam Cực và băng trên đất liền như Greenland, tan chảy ra biển. Hai là do khối nước trương lớn hơn khi được nung nóng khiến các đại dương lan rộng ra. Biến đổi khí hậu gần đây sẽ làm mực nước biển dâng cao 6 mét (20 ft) ngay cả khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã giảm vào năm 2015, theo một bài báo khoa học trên tạp chí Science. Các khu vực trũng thấp như Bangladesh, Florida, Hà Lan và các khu vực khác phải đối mặt với lũ lụt lớn. Nhiều thành phố sẽ bị ngập một phần vào đại dương trong thế kỷ 21.
Thời tiết ở khắp các nơi, kể cả lượng mưa hoặc tuyết, đều đang thay đổi. Các sa mạc có thể sẽ tăng kích thước. Các vùng lạnh sẽ ấm lên nhanh hơn các vùng ấm nóng. Các cơn bão mạnh có thể xuất hiện nhiều hơn và việc trồng trọt có thể không thu hoạch được nhiều lương thực như trước nữa.
Biến đổi khí hậu là hiểm họa trên quy mô toàn cầu, đòi hỏi một giải pháp thích ứng hiện nay đã trở thành cấp bách.
*
Lịch sử sơ lược của Giải pháp Green New Deal
Trong những năm 1970 – 1990, các nhà hoạt động về lao động và môi trường đã tìm kiếm những phương sách kinh tế có thể đưa nền kinh tế Mỹ thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào các loại năng lượng không thể tái sinh.
Nhà báo Thomas Friedman đã sử dụng cụm từ “Green New Deal” khi lập luận ủng hộ ý tưởng đó trên báo The New York Times tháng 1 năm 2007, ông viết:
“Nếu bạn đã đặt một quạt gió trong sân nhà hoặc một số tấm pin mặt trời trên mái nhà, tôi xin chúc mừng tấm lòng của bạn. Tuy nhiên, chỉ có thể làm xanh thế giới được khi chúng ta thay đổi chính bản chất của lưới điện, nghĩa là chuyển đổi phát điện từ than bẩn hoặc dầu hỏa sang than sạch và năng lượng tái tạo. Và đó là một dự án công nghiệp khổng lồ, to lớn hơn nhiều những gì người ta đã nói với bạn. Rốt cuộc, giống như New Deal ngày trước, nếu chúng ta thực hiện được thì phiên bản xanh của New Deal sẽ có tiềm năng tạo ra được ngành công nghiệp điện sạch hoàn toàn mới để tạo ra bước nhảy vọt của nền kinh tế trong thế kỷ 21.”
Ý tưởng này sau đó đã được Green New Deal Group của nước Anh tán trợ trong báo cáo tháng 7 năm 2008.
Khái niệm Green New Deal này đã được quảng bá rộng rãi hơn nữa khi được United Nations Environment Programme (UNEP) – Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc bắt đầu cổ xúy.
Tháng 10 năm 2008, Giám đốc Điều hành của UNEP Achim Steiner đã công bố sáng kiến Global Green New Deal nhằm tạo ra việc làm trong các ngành công nghiệp “xanh”, từ đó thúc tiến phát triển kinh tế thế giới đồng thời giảm bớt nguy cơ biến đổi khí hậu.
Tìm hiểu về Biến Đổi Khí Hậu:
Biến Đổi Khí Hậu có đang thực sự xảy ra?
Hậu quả tương lai của Biến Đổi Khí Hậu là không thể tránh khỏi
Nhiệt độ toàn cầu được đo đạc và xử lý thế nào?
Tháng 8 năm 2018, Greta Thunberg, nữ sinh Thụy Điển 15 tuổi, bắt đầu đứng trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cầm bảng kêu gọi “Bãi khóa vì Biến đổi Khí hậu” suốt ngày, mỗi thứ Sáu trong tuần. Không lâu sau đó, học sinh khắp nơi đã hưởng ứng bằng những hoạt động tương tự, tạo nên phong trào toàn thế giới gọi là “Fridays for Future – Thứ Sáu cho Tương lai” tổ chức học sinh bỏ giờ học để biểu tình đòi hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau khi Greta Thunberg diễn thuyết ở United Nations Climate Change Conference – Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2018, mỗi tuần đều có bãi khóa biểu tình ở nơi này nơi kia trên thế giới. Trong năm 2019, đã có nhiều cuộc biểu tình đồng loạt ở nhiều đô thị tổng cộng hàng triệu học sinh tham gia.
Ở Mỹ, Green Party – Đảng Xanh đề xuất một Green New Deal bắt đầu từ năm 2012 (tuy đảng Xanh đã quan tâm nghiên cứu những phương sách Green New Deal từ năm 2006).
Một phái ủng hộ Green New Deal bắt đầu nổi lên trong Đảng Dân chủ Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm 2018, nhắm đến việc kết hợp các cải cách lao động với các biện pháp chống khủng hoảng khí hậu.
Một tuần sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, nhóm vận động công lý khí hậu Sunrise Movement – Phong trào Mặt trời Mọc, đã tổ chức một cuộc biểu tình tại văn phòng của bà Nancy Pelosi, kêu gọi bà ủng hộ Green New Deal. Cùng ngày, nữ Dân biểu tân cử Alexandria Ocasio-Cortez đã đưa ra nghị quyết thành lập một ủy ban về Green New Deal, được một số Dân biểu khác ủng hộ.
Cho đến cuối tháng 11, mười tám Dân biểu thuộc đảng Dân chủ của Quốc hội Mỹ đã thành lập Ủy ban Đặc biệt về Green New Deal để soạn thảo một kế hoạch chi tiết nhằm huy động kinh tế và công nghiệp toàn quốc, có khả năng làm cho nền kinh tế Mỹ trở thành “trung tính về carbon” đồng thời thúc tiến công bằng và bình đẳng về kinh tế và môi trường. Kế hoạch này dự định công bố vào đầu năm 2020, với dự thảo pháp luật để thực hiện ngay trong vòng 90 ngày sau đó.
Các tổ chức 350.org, Greenpeace, Sierra Club, Extinction Rebellion, Friends of the Earth, và một nhóm hơn 300 quan chức dân cử địa phương từ 40 tiểu bang tuyên bố hỗ trợ sáng kiến Green New Deal.
Một cuộc thăm dò từ Chương trình Truyền thông về Biến đổi Khí hậu của Đại học Yale cho biết mặc dù 82% cử tri đã đăng ký chưa nghe nói về Green New Deal, nhưng những mô tả phi-đảng-phái về các khái niệm chung đã có được ủng hộ mạnh mẽ từ 40% số người được hỏi, và 41% còn lại “phần nào ủng hộ” Green New Deal.
Tháng 1 năm 2019, hơn 600 tổ chức đã đệ trình lên Quốc hội một lá thư tuyên bố ủng hộ các chính sách giảm bớt thải khí nhà kính, bao gồm loại bỏ dần việc khai thác nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi sang năng lượng sạch tái tạo 100% vào năm 2035, phát triển giao thông công cộng và giảm thải khí thật nghiêm ngặt thay vì phụ thuộc vào thương lượng bù trừ về khí thải carbon (carbon emission trading).
Tại Quốc hội Mỹ lần thứ 116, tháng 2 năm 2019, Thượng nghị sĩ Edward Markey (D-MA) và Dân biểu Hạ viện Alexandria Ocasio-Cortez (D-NY) đã đề xuất một cặp nghị quyết Green New Deal, đề nghị thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng 100% tái tạo, không thải khí, kể cả đầu tư vào xe hơi chạy bằng điện và hệ thống đường sắt cao tốc, đồng thời thực thi chính sách”chi phí xã hội của carbon” vốn đã nằm trong kế hoạch của chính quyền Obama, nhằm giải quyết nguy cơ biến đổi khí hậu, cấp tốc trong vòng 10 năm. Bên cạnh việc gia tăng việc làm do chính quyền tài trợ, Green New Deal này còn nhằm giải quyết tình trạng nghèo khó bằng cách hướng đến nhiều cải thiện ở “các cộng đồng tiền tuyến và dễ bị tổn thương” bao gồm người nghèo và những người chịu thiệt thòi. Để có thêm người ủng hộ, nghị quyết này bao gồm cả kêu gọi chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng mức lương tối thiểu và ngăn chặn độc quyền kinh doanh.
Nghị quyết này bị bác bỏ ở Thượng viện với tỉ số 0–57, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện chỉ bỏ phiếu “có mặt” thay vì “ủng hộ”, để phản đối đảng Cộng hòa đòi hỏi bỏ phiếu sớm, không cho phép thảo luận hoặc lấy lời chứng của các chuyên gia. Hầu hết các đảng viên Cộng hòa đều phản đối Nghị quyết này.
Tại Liên minh Châu Âu, tháng 4 năm 2020, Nghị viện Châu Âu đã kêu gọi đưa Green New Deal của Châu Âu vào chương trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
*
Nội dung cơ bản của Nghị quyết Green New Deal
Theo báo Washington Post ngày 11 tháng 2 năm 2019, Nghị quyết Green New Deal kêu gọi một “cuộc tổng động viên toàn quốc trong 10 năm” với các mục tiêu chính là:
- Đảm bảo công ăn việc làm với mức lương duy trì được đời sống gia đình, ngày nghỉ phép cho gia đình và y tế đầy đủ, các kỳ nghỉ được trả lương, và hưu trí an định cho tất cả người dân Mỹ
- Cung cấp cho tất cả người dân Mỹ: (1) dịch vụ chăm sóc sức khỏe phẩm chất cao; (2) nhà ở giá cả phải chăng, an toàn và đầy đủ; (3) an ninh về kinh tế; và (4) có được nước sạch, không khí sạch, thực phẩm an toàn, hợp túi tiền và thiên nhiên
- Cung cấp tài nguyên, đào tạo và giáo dục phẩm chất cao, kể cả giáo dục cao đẳng và đại học, cho tất cả người dân Mỹ
- Đáp ứng 100% nhu cầu điện năng ở Mỹ bằng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo và hoàn toàn không thải khí
- Sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Mỹ, bằng cách loại trừ ô nhiễm và thải khí nhà kính càng nhiều càng tốt đến mức cao nhất mà công nghệ, kỹ thuật cho phép
- Xây dựng hoặc nâng cấp lưới điện “thông minh”, phân tán và tiết kiệm năng lượng, đồng thời nỗ lực đảm bảo cung cấp điện đến mọi người với giá cả phải chăng
- Nâng cấp kể cả điện khí hóa tất cả các tòa nhà hiện có ở Mỹ và xây dựng các tòa nhà mới đạt được hiệu quả tối đa về năng lượng, tiết kiệm nước, an toàn, hợp khả năng chi trả, tiện nghi và bền vững
- Đại tu hệ thống giao thông ở Mỹ để loại bỏ ô nhiễm và thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải càng nhiều càng tốt đến mức cao nhất mà công nghệ, kỹ thuật cho phép, kể cả đầu tư vào: (1) cơ sở hạ tầng và sản xuất xe hơi không thải khí; (2) giao thông công cộng sạch, giá cả phải chăng, và tiện lợi; và (3) đường sắt cao tốc
- Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất sạch không gây ô nhiễm ở Mỹ, đồng thời loại bỏ ô nhiễm và thải khí nhà kính khỏi kỹ nghệ sản xuất và các công nghiệp khác, càng nhiều càng tốt đến mức cao nhất mà công nghệ, kỹ thuật cho phép
- Hợp tác với nông dân và chủ trang trại ở Mỹ để loại bỏ ô nhiễm và thải khí nhà kính từ ngành nông nghiệp, càng nhiều càng tốt đến mức cao nhất mà công nghệ, kỹ thuật cho phép
*
Tháng 2 năm 2019, American Action Forum – Diễn đàn Hành động, thuộc phái trung khuynh hữu ở Mỹ, ước tính rằng kế hoạch Green New Deal có thể tiêu tốn từ 51 đến 93 nghìn tỷ đô la trong thập kỷ tới, khoảng 600.000 đô la cho mỗi gia đình. Trong đó, chi phí để loại bỏ khí thải carbon từ hệ thống giao thông là 1,3–2,7 nghìn tỷ USD; đảm bảo việc làm cho mọi người là 6,8–44,6 nghìn tỷ; chăm sóc sức khỏe toàn dân ước tính gần 36 nghìn tỷ. Theo báo Bloomberg Businessweek, Phố Wall sẵn sàng đầu tư nguồn lực đáng kể cho các chương trình Green New Deal, nhưng phải được Quốc hội cam kết thúc tiến.
*
Những người ủng hộ Green New Deal ở Mỹ
Tháng 9 năm 2019, tác gia, nhà hoạt động xã hội và môi trường Naomi Klein đã xuất bản cuốn “On Fire: The (Burning) Case for Green New Deal – Bùng cháy: Lý do nồng nhiệt ủng hộ Thỏa Thuận Mới Màu Xanh” tập hợp các bài tiểu luận tập trung vào hiểm họa biến đổi khí hậu và những hành động cấp bách cần thiết để cứu trái đất. Trong bài tiểu luận mở đầu, Naomi Klein kể lại cuộc gặp gỡ với Greta Thunberg và thảo luận về việc giới trẻ tham gia vào việc tích cực kêu gọi mọi người (kể cả người lớn) nhận thức và hành động về hiểm họa biến đổi khí hậu. Naomi Klein ủng hộ Nghị quyết Green New Deal trong suốt cuốn sách, và trong chương cuối sách, đã bình luận về cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 rằng: “Ảnh hưởng của cuộc bầu cử này hệ trọng đến mức gần như không sao lường hết được. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này và quyết định quảng bá ngay bây giờ; và tại sao tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm để giúp thúc đẩy mọi người bỏ phiếu cho những ứng cử viên nào có lập trường ủng hộ Green New Deal nhiệt thành nhất, để họ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và sau đó là cuộc bầu cử phổ thông.”
Tháng 8 năm 2020, siêu sao màn ảnh đã đoạt 2 giải Oscars và 1 Emmy, tác gia, nhà hoạt động xã hội và môi trường Jane Fonda đã xuất bản cuốn “What Can I Do? My Path from Climate Despair to Action – Tôi có thể làm được gì? Con đường dẫn tôi từ Tuyệt vọng đến Hành động vì Biến đổi Khí hậu” kể chuyện đã đọc cuốn sách “On Fire” của Naomi Klein sau một thời gian theo dõi và khâm phục hành động của Greta Thunberg, bà đã xung phong tổ chức và tham gia “Fire Drill Fridays – Diễn tập Chữa lửa mỗi Thứ sáu”, là các buổi tập họp và giảng diễn mỗi thứ sáu ngay tại thủ đô nước Mỹ, để ủng hộ Green New Deal, kêu gọi khẩn cấp đối phó với hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu. Cuốn sách có thêm nhan đề phụ là “The truth about climate change and how to fix it – Sự thật về Biến đổi khí hậu và Phương pháp đối phó”, giải thích hiểm họa cấp bách về biến đổi khí hậu từ nhiều góc nhìn, nhiều lãnh vực; mỗi lãnh vực được phân tích giải thích và đề xuất giải pháp đối ứng trong một chương sách; và ở cuối mỗi chương có phần hành động thực tế mỗi cá nhân có thể làm được hay tham gia vào.
Ngoài ra, còn có những nhân vật nổi tiếng ủng hộ Green New Deal, như sau:
- Al Gore, cựu Phó Tổng thống của Mỹ, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ từ Tennessee, nhà môi trường học, nhà làm phim
- Andrew Cuomo, Thống đốc New York
- Jay Inslee, Thống đốc Washington, cựu ứng cử viên Tổng thống năm 2020
- Michelle Lujan Grisham, Thống đốc New Mexico
- Janet Mills, Thống đốc Maine
etc.
*
Điều đáng chú ý là tính cách khẩn cấp của công cuộc phòng chống hiểm họa biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ, và thực tế cần phải có các phong trào kêu gọi và động viên quần chúng trên quy mô toàn cầu, để tạo áp lực đòi hỏi hành động khẩn cấp từ các nhà cầm quyền và các công-ty lớn đa-quốc-gia đang hưởng lợi từ nhiên liệu hóa thạch. Điển hình là phong trào “Fridays for Future – Thứ Sáu cho Tương lai” của Greta Thunberg trong giới học sinh toàn cầu, và phong trào “Fire Drill Fridays – Diễn tập Chữa lửa mỗi Thứ sáu” của Jane Fonda trong giới thành nhân.
Lãnh đạo các phong trào này là những phụ nữ thuộc nhiều thế hệ khác nhau, với trình độ nhận thức, dũng khí, hành động và hiệu năng cao, đã đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ, và đang tiếp tục sát cánh bên nhau trong công cuộc động viên toàn thế giới, điển hình là Greta Thunberg khi bắt đầu hoạt động về biến đổi khí hậu chỉ mới 15 tuổi, Alexandria Ocasio-Cortez 31 tuổi, Naomi Klein 52 tuổi, và Jane Fonda 84 tuổi.