Max Roser
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:
Ngoài lý do là giải pháp có hiệu quả nhất đối phó với hiểm họa biến đổi khí hậu, ngày nay còn có một lý do quan trọng nữa để ủng hộ Kế hoạch Green New Deal: đó là tình hình giá cả cho năng lượng tái tạo đã giảm cực nhanh trong vòng mười năm qua, và từ năm 2019 thì đã trở nên rẻ hơn giá của bất cứ loại năng lượng hóa thạch nào, hay hạch nhân. Có nghĩa là cả market force – lực thị trường cũng sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nữa, chứ không chỉ vì nhận thức và ý nguyện của dân chúng đòi hỏi phải cấp cứu nhân loại khỏi hiểm họa biến đổi khí hậu.
Dưới đây là phần lược dịch bài báo “Why did renewables become so cheap so fast? – Tại sao năng lượng tái tạo sớm trở nên rẻ đến như vậy? của Max Roger, December 01, 2020 https://ourworldindata.org/cheap-renewables-growth dựa trên báo cáo năm 2020 về giá năng lượng, của Lazard, ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, có trụ sở ở New York, Paris, London.
Max Roser (sinh năm 1983) là một nhà kinh tế, triết học, chuyên chú về những vấn đề lớn của toàn cầu như tình trạng nghèo đói, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh và bất bình đẳng. Là Giám đốc sáng lập tổ chức Our World in Data – Cơ sở Dữ liệu của Thế giới Chúng ta từ năm 2011, và cũng là chủ nhiệm chương trình Global Development – Phát triển Kinh tế Toàn cầu ở Đại học Oxford, Anh quốc.
Những điểm chính
Nhiên liệu hóa thạch chiếm ưu thế trong nguồn cung cấp điện toàn cầu cho đến gần đây, bởi vì điện từ nhiên liệu hóa thạch đã rẻ hơn nhiều so với điện từ năng lượng tái tạo. Thế nhưng, đã có thay đổi lớn trong vòng mười năm qua: Ở hầu hết các nơi trên thế giới, từ năm 2019 trở đi thì điện năng-lượng-tái-tạo từ cơ-sở-mới rẻ hơn điện nhiên-liệu-hóa-thạch từ cơ-sở-mới.
Động lực cơ bản của sự thay đổi này là các công nghệ năng lượng tái tạo cứ mỗi lần tăng gấp đôi công suất lắp đặt tích lũy (cumulative installed capacity), thì giá điện lại giảm đi một nửa. Trong khi giá điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch thì không thể giảm được theo kiểu đó. Vì thế, có thể kỳ vọng rằng sự chênh lệch giá cả giữa nhiên liệu hóa thạch đắt tiền và năng lượng tái tạo rẻ sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai.
Đây là một lý do càng ngày càng có nhiều khoản đầu tư lớn vào việc mở rộng quy mô công nghệ tái tạo hiện nay. Việc tăng công suất lắp đặt có tác động tích-cực cực kỳ quan trọng là làm giảm giá điện nhanh chóng và do đó làm cho các nguồn năng lượng tái tạo sớm trở nên hấp dẫn hơn. Trong những năm tới, hầu hết nhu cầu điện mới sẽ đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình; và từ đây có thể đảm bảo rằng phần lớn nguồn điện mới sẽ được cung cấp bởi các nguồn carbon thấp.
Giá năng lượng giảm cũng có nghĩa là thu nhập thực chất của người dân tăng lên. Do đó, đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất năng lượng với nguồn điện giá rẻ từ các nguồn tái tạo không chỉ là cơ hội để giảm lượng khí thải, mà còn để đạt được tăng trưởng kinh tế lớn hơn, phổ quát hơn, và công bằng hơn, là điều đặc biệt quan trọng đối với những nơi nghèo khó trên thế giới.
*
So sánh lợi hại giữa các loại năng lượng
Nguồn cung cấp năng lượng của thế giới ngày nay không an toàn và không bền vững. Hiện nay nhiên liệu hóa thạch – than, dầu và khí đốt – chiếm 79% sản lượng năng lượng của thế giới, và như biểu đồ bên dưới (hình 1)cho thấy, chúng có những tác dụng phụ rất tệ hại. Cột bên trái biểu thị tỉ-lệ người chết, và cột bên phải so sánh lượng khí thải nhà kính từ các nguồn năng lượng, cho thấy hai điều rõ rệt: (1) Vì việc đốt nhiên liệu hóa thạch chiếm 87% lượng khí thải CO2 của thế giới, một thế giới hoạt động bằng loại nhiên liệu hóa thạch sẽ không bền vững, chúng gây nguy hiểm cho cuộc sống, và sinh kế của các thế hệ tương lai. (2) Chính những nguồn năng lượng hóa thạch dẫn đến cái chết của nhiều người hiện nay: ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch đã giết chết 3,6 triệu người mỗi năm ở các nước trên thế giới; con số này cao gấp 6 lần tổng số người chết hàng năm vì tất cả các vụ giết người, cộng với số người chết vì chiến tranh và các vụ tấn công khủng bố.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là điện chỉ là một trong các dạng năng lượng mà nhân loại đang dùng. Do đó, quá trình chuyển đổi sang năng lượng các-bon thấp là một nhiệm vụ lớn hơn cả quá trình chuyển đổi sang điện các-bon thấp.
Biểu đồ 1 cho thấy rõ ràng rằng các nguồn năng lượng tái tạo là những thứ an toàn hơn và sạch hơn so với nhiên liệu hóa thạch.
Vậy thì tại sao thế giới lại phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch?
Nhiên liệu hóa thạch thống trị nguồn cung cấp năng lượng của thế giới vì trước đây chúng rẻ hơn tất cả các nguồn năng lượng khác. Nếu muốn thế giới được cung cấp năng lượng từ các nguồn thay thế an toàn hơn và sạch hơn, thì chúng ta cần phải đảm bảo rằng các nguồn thay thế đó rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch.
Giá điện từ các nguồn lâu đời: nhiên liệu hóa thạch và điện hạch nhân
Cho đến nay, nguồn cung cấp điện của thế giới chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch. Than là nguồn lớn nhất, cung cấp 37% điện năng; khí đốt đứng thứ hai và cung cấp 24%. Đốt các nhiên liệu hóa thạch này để lấy điện và nhiệt là nguồn khí nhà kính lớn nhất, gây ra 30% lượng khí thải toàn cầu.
Biểu đồ dưới đây (hình 2)cho thấy giá điện từ các nguồn năng lượng lâu đời đã thay đổi như thế nào trong mười năm qua.
Để so sánh một cách nhất quán, giá năng lượng được biểu thị bằng “chi phí năng lượng được bình đẳng hóa” (levelized costs of energy – LCOE). Có thể hiểu LCOE từ quan điểm của một người đang cân nhắc việc xây dựng một nhà máy điện. Trong tình huống đó, LCOE trả lời cho câu hỏi này: Giá tối thiểu mà khách hàng cần phải trả là bao nhiêu, để nhà máy điện sắp xây có thể hòa vốn trong suốt thời gian tồn tại?
LCOE bao gồm chi phí xây dựng nhà máy điện cùng với chi phí liên tục cho nhiên liệu và vận hành nhà máy điện trong suốt thời gian hoạt động của nó.
Biểu đồ 2 cho thấy trong vòng mười năm qua, giá điện hạch nhân trở nên đắt hơn, năng lượng khí đốt bớt đắt hơn, và giá điện than – nguồn điện lớn nhất thế giới – gần như giữ nguyên.
(Tất cả các mức giá này – năng lượng tái tạo cũng như nhiên liệu hóa thạch – đều không tính phần trợ cấp từ chính quyền.)
Sự sụt giảm giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo
Hãy nhìn xem trong biểu đồ 2, sự thay đổi của năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong những năm gần đây. Chỉ 10 năm trước đó thôi, xây dựng một nhà-máy-điện-mới đốt nhiên liệu hóa thạch rẻ hơn nhiều so với xây dựng một nhà máy quang điện mặt trời (solar photovoltaic) hoặc một nhà máy điện gió mới. Năng lượng gió đắt hơn 22%, và năng lượng mặt trời đắt hơn 223% so với than.
Thế mà chỉ trong vài năm gần đây, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.
Điện từ năng lượng mặt trời quy mô nhỏ tiện dụng đã là 359 USD cho mỗi MWh vào năm 2009. Vậy mà chỉ trong vòng một thập kỷ, giá đó đã giảm 89%, chỉ còn là 40 USD. Khiến giá cả đảo ngược: giá điện tối thiểu để hòa vốn cho nhà máy than mới hiện nay cao hơn rất nhiều so với nhà máy năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời.
Giá-cả-tương-đối chính là yếu tố quyết định loại nhà máy điện nào được xây dựng. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã được thu dụng rộng rãi nhanh chóng trong những năm gần đây; vào năm 2019, năng lượng tái tạo đã chiếm 72% tổng công suất mới được xây dựng trên toàn thế giới.
Chi phí cho nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạch nhân phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: giá nhiên liệu, và chi phí vận hành của nhà máy điện. Các nhà máy năng lượng tái tạo thì khác: chi phí vận hành tương đối thấp, và không phải chi trả cho bất kỳ nhiên liệu nào; nhiên liệu – gió và ánh sáng mặt trời – không cần phải đào lên khỏi mặt đất hay vận chuyển vào nhà máy, mà vẫn có sẵn ngay tại chỗ và miễn phí! Chi phí của năng lượng tái tạo chỉ còn là chi phí của chính công nghệ kỹ thuật mà thôi.
Hãy quay ngược thời gian để hiểu tại sao công nghệ kỹ thuật năng lượng mặt trời lại trở nên rẻ đến như vậy. Năm 1956, chi phí cho chỉ một watt công suất quang điện mặt trời là 1,865 USD (đã điều chỉnh theo lạm phát và theo giá năm 2019). Ngày nay, một tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà tạo ra khoảng 320 watt điện. Điều này có nghĩa là tính theo giá năm 1956, tấm pin năng lượng mặt trời này có giá là 596.800 USD. Ở mức giá này – hơn nửa triệu đô la cho một tấm pin – năng lượng mặt trời rõ ràng là không thể cạnh tranh được với nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, có hai lý do tại sao năng lượng mặt trời lại đã có thể phát triển để trở thành nguồn điện rẻ nhất thế giới hiện nay.
Lý do thứ nhất là ngay cả ở mức giá rất cao đó, công nghệ năng lượng mặt trời vẫn đã tìm thấy được một công dụng: trong chương trình không gian. Sử dụng thực tế đầu tiên của năng lượng mặt trời là để cung cấp điện cho vệ tinh Vanguard I vào năm 1958.
Lý do quan trọng thứ hai là giá của các tấm pin năng lượng mặt trời giảm mạnh khi có thật nhiều tấm pin được sản xuất hàng loạt. Sản xuất nhiều đã cho cơ hội học tập cải thiện quy trình sản xuất (learning-by-doing). Nhu cầu ban đầu trong lĩnh vực công nghệ cao trong không gian này đã bắt đầu một vòng tròn tăng trưởng tuần hoàn (virtuous cycle): nhu cầu tăng, giá thành giảm, nhu cầu tăng,… Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, càng nhiều tấm pin năng lượng mặt trời được khai phát chế tạo, dẫn đến giá giảm; rồi với mức giá thấp hơn, công nghệ trở nên hiệu quả hơn về mặt kinh phí trong các ứng dụng mới nữa, do đó nhu cầu tăng lên, và cứ thế mà lặp lại.
Trong những năm 1960, ứng dụng chính của năng lượng mặt trời vẫn còn là trong các vệ tinh. Đồng thời vòng tròn tăng trưởng tuần hoàn dần được thiết lập, và giá của pin năng lượng mặt trời giảm dần đều đặn. Với việc giá cả giảm xuống, công nghệ năng lượng mặt trời đã từ không gian đáp xuống hành tinh của chúng ta. Các ứng dụng trên mặt đất đầu tiên vào những năm 1970 là ở những địa điểm xa xôi nơi mà việc kết nối với lưới điện rộng lớn hơn đã rất là tốn kém, chẳng hạn như các ngọn hải đăng, các giao điểm đường xe đường sắt ở vùng hẻo lánh, hoặc việc giữ lạnh vắc-xin,…
Tìm hiểu về Biến Đổi Khí Hậu:
Nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb) và điều kiện sống của con người
Ấm lên toàn cầu là gì
Những vấn đề chính về biến đổi khí hậu
Biểu đồ (hình 3) ở góc trên cùng bên trái, cho thấy năm 1976, giá của một đơn-thể (module) năng lượng mặt trời, được điều chỉnh theo lạm phát (và giá năm 2019), đã là 106 USD cho mỗi watt. Và ở trục hoành, công suất điện mặt trời được lắp đặt trên toàn cầu thời đó chỉ là 0,3 megawatt. So với năm 1956 thì mức giá này đã giảm 94% rồi, nhưng trong toàn bộ nhu cầu năng lượng của thế giới thì năng lượng mặt trời vẫn còn rất đắt, do đó năm 1976 chỉ có công suất 0,3 megawatt, đủ để cung cấp điện cho khoảng 20 người mỗi năm.
Chuỗi thời gian (1976 đến 2019) trong biểu đồ 3 cho thấy giá của các đơn-thể năng lượng mặt trời đã thay đổi như thế nào từ đó đến nay. Khi công suất lắp đặt tăng theo cấp số nhân, giá của các đơn-thể năng lượng mặt trời đã giảm cũng theo cấp số nhân. Thực tế cả hai chỉ số đều thay đổi theo cấp số nhân, có thể được thấy rõ ràng trong biểu đồ này vì cả hai trục đều là logarit. Trên trục logarit, số đo giảm theo cấp số nhân được biểu thị thành đường thẳng.
Đây là một vòng tròn tăng trưởng tuần hoàn trong thực tế. Phát triển nhiều thêm đưa đến giá giảm, rồi giá giảm đưa đến phát triển nhiều thêm. Với công nghệ năng lượng mặt trời, trong một thời gian dài, việc tăng trưởng đó được thực hiện nhờ vào trợ cấp và kế hoạch của chính phủ; tác động tích cực nhất của các chính sách này là đã giúp năng lượng tái tạo được sử dụng khai phát ở mức giá cao từ sớm, để sau này mọi người được trả giá ít hơn.
Những tiến bộ giúp giảm giá này có thể kéo dài trong toàn bộ quá trình sản xuất đơn-thể năng lượng mặt trời: các nhà máy sản xuất có quy mô lớn hơn và hiệu suất cao hơn; nỗ lực R&D tăng lên; tiến bộ công nghệ làm tăng hiệu năng của các tấm pin; tiến bộ kỹ thuật cải tiến quy trình sản xuất các thỏi và bảng silicon; việc khai thác và chế biến nguyên liệu thô tăng quy mô và trở nên rẻ hơn; kinh nghiệm hoạt động tích lũy; các đơn-thể bền hơn và dùng được lâu hơn; cạnh tranh thị trường và chi phí vốn giảm đảm bảo giá thành thấp hơn. Vô số những cải tiến nhỏ trong một quy trình tập thể lớn đã thúc tiến nhanh chóng sự sụt giảm giá liên tục này.
Giá của các đơn-thể năng lượng mặt trời giảm từ $ 106 năm 1976 xuống còn có $ 0,38 năm 2019 cho mỗi watt. Mức giảm đến 99,6%.
Năng lượng gió – được hiển thị bằng màu xanh lam trong biểu đồ 3 – cũng giảm giá nhanh chóng tương tự. Mỗi lần công suất lắp đặt tăng gấp đôi đều kéo theo giá giảm gần một phần tư.
Có hai lý do cho phép các chuyên gia kỳ vọng năng lượng từ gió ngoài khơi sẽ trở nên rất rẻ trong những năm tới: kích thước tuabin gió lớn hơn, và thực tế là gió ổn định trên biển cho phép hệ-số-tải cao hơn.
Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo càng ngày càng rẻ hơn.
Tại sao điện từ than đá không rẻ hơn được đến thế?
Than, nguồn điện lớn nhất thế giới, thì trong biểu đồ 3 này, giá toàn cầu của điện từ than mới (LCOE) chỉ giảm từ $ 111 năm 1976 xuống còn $ 109 năm 2019. Trong khi năng lượng mặt trời rẻ hơn 89% và gió 70%, giá điện từ than chỉ giảm 2% mà thôi.
Giá điện từ than trì trệ trong thập kỷ qua không phải là điều bất thường. Sự phát triển lịch sử của giá điện than không giống với những gì chúng ta đã thấy đối với năng lượng tái tạo. Trong thời gian dài, điện từ than trước đây đã rẻ nhưng ngày nay vẫn vậy, không thể rẻ hơn được. Có hai lý do khiến không thể mong đợi điều này sẽ thay đổi nhiều trong tương lai:
Thứ nhất, rất khó nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện than đến như mức tăng của năng lượng tái tạo. Các nhà máy điện than điển hình có hiệu suất khoảng 33%, trong khi các nhà máy hiệu quả nhất hiện nay đạt 47%. Thậm chí, một sự cải tiến mạnh mẽ chưa từng có từ hiệu suất một phần ba đến hai phần ba, sẽ chỉ tương ứng với tiến độ mà các đơn-thể điện mặt trời thực hiện được mỗi 7,5 năm mà thôi.
Thứ hai, giá điện từ tất cả nhiên liệu hóa thạch không chỉ được xác định bởi công nghệ kỹ thuật, mà phần lớn bởi chi phí của chính nhiên liệu. Chi phí than mà nhà máy điện đốt, chiếm khoảng 40% tổng chi phí. Có nghĩa là tất cả các nhà máy điện dùng năng lượng không tái tạo phải chi phí nhiều cho nhiên liệu như vậy, thì không thể tiết giảm chi phí xuống quá một mức nhất định. Ngay cả khi giá xây dựng nhà máy điện giảm đi nữa, giá nhiên liệu vẫn có một mức thấp nhất không thể vượt quá.
Điện từ khí đốt: Có nên kỳ vọng giá tiếp tục giảm?
Điện từ khí đốt, nguồn nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai, đã trở nên rẻ hơn trong thập kỷ qua. Biểu đồ 3 cho thấy điện từ các nhà máy khí đốt tính chung đã giảm 32% xuống mức chi phí trung bình toàn cầu là 56 USD cho mỗi MWh.
Chi phí xây dựng một nhà máy khí đốt đã giảm qua một số giai đoạn trong 70 năm qua. Nhưng lý do chính khiến giá điện khí đốt giảm trong thập kỷ qua là do giá khí đốt đã giảm đi trong giai đoạn này. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2008, giá khí đốt đã giảm mạnh; một lý do chính là vì nguồn cung cấp đã tăng nhiều từ quá trình Fracking – Thủy lực cắt phá (*). Tuy nhiên, sự sụt giảm giá khí đốt này không phải là một phát triển lâu dài. Giá khí đốt ngày nay cao hơn so với hai, ba thập kỷ trước.
Vì những lý do tương tự như trường hợp than đá đã nói ở phần trên, chúng ta không thể kỳ vọng giá điện từ khí đốt sẽ giảm đáng kể trong những thập kỷ tới, và chắc chắn là không thể mong đợi một mức độ giảm giá như của năng lượng tái tạo.
Tại sao điện hạch nhân trở nên đắt hơn?
Biểu đồ 3 cho thấy điện từ năng lượng hạch nhân đã tăng giá dần từ năm 2009. Sự gia tăng này là một phần của xu hướng dài hạn. Ở nhiều nơi, việc xây dựng một nhà máy điện hạch nhân đã trở nên đắt đỏ hơn. Một lý do khiến giá điện hạch nhân tăng là do quy chế về điện hạch nhân gắt gao hơn, nhắm tăng-cường độ-an-toàn. Lý do thứ hai là thế giới đã không còn xây dựng nhiều nhà máy điện hạch nhân trong những năm gần đây, do đó các chuỗi cung ứng nhỏ lẻ không có tính cạnh tranh, và không có được hiệu suất từ quy mô lớn.
Cả hai lý do này giải thích tại sao giá LCOE trung bình toàn cầu lại tăng trong trường hợp điện hạch nhân, thêm vào đó, lại có sự khác biệt lớn về xu hướng giá cả khác nhau giữa các quốc gia: Giá cả và thời gian xây dựng nhà máy điện hạch nhân đã tăng đáng kể ở Mỹ và Anh, trong khi Pháp và Hàn Quốc thì ít nhất đã có thể giữ giá và thời gian xây dựng không thay đổi bao nhiêu, phần lớn là do họ tiêu-chuẩn-hóa việc xây dựng các lò phản ứng.
Điều này hoàn toàn trái ngược với trường hợp đặc biệt của năng lượng tái tạo. Trong khi công nghệ hạch nhân không được tiêu-chuẩn-hóa bao nhiêu và rất hiếm khi được xây dựng, thì hoàn toàn ngược lại, các đơn-thể (module) điện mặt trời và nhà máy điện gió được tiêu-chuẩn-hóa cao độ và được xây dựng thường xuyên hơn nhiều.
Pin và lưu trữ điện
Một trong những nhược điểm của các nguồn nhiên liệu tái tạo là chu kỳ cung cấp không liên tục. Không phải lúc nào mặt trời cũng tỏa sáng, và không phải lúc nào cũng có gió thổi. Các công nghệ như pin lưu trữ năng lượng điện là chìa khóa để làm thăng bằng nguồn cung cấp kém an định của các năng lượng tái tạo, với nhu cầu không linh động uyển chuyển được về điện lực. May mắn là các công nghệ lưu trữ điện cũng nằm trong số ít công nghệ cho phép học tập cải thiện quy trình sản xuất để có thể tăng trưởng theo cấp số nhân.
Cơ hội của chúng ta ngày nay
Nếu quả thật nghiêm túc về việc chuyển đổi sang hệ thống năng lượng toàn cầu carbon thấp, thì chúng ta có một cơ hội tuyệt vời ngay phía trước. Việc mở rộng quy mô các hệ thống năng lượng tái tạo không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp từ việc cung cấp nhiều năng lượng carbon thấp (để tránh hiểm họa biến đổi khí hậu), mà còn có tác dụng phụ gián tiếp còn quan trọng hơn nữa: đó là năng lượng rẻ hơn.
Năng lượng mặt trời và gió còn có một lợi thế lớn nữa: Mặc dù thường thường người ta rất ít khi thỏa thuận với nhau về cách thức làm sao để giảm thải khí nhà kính, thế nhưng việc khuếch trương năng lượng mặt trời và năng lượng gió là hai lựa chọn cực kỳ phổ biến và nhiệt thành trong dân chúng. Ngay cả ở Hoa Kỳ là nơi thường phân cực kịch liệt, năng lượng tái tạo cũng đã nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri cả Dân chủ lẫn Cộng hòa. Có đến 85% người Mỹ ủng hộ việc mở rộng năng lượng gió, và 92% ủng hộ việc mở rộng điện mặt trời. Ở các nước khác, sự ủng hộ thường thậm chí còn cao hơn thế nữa.
Ngày nay, vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu – và người lao động trên toàn thế giới – đang phải chịu nhiều ảnh hưởng tai hại từ cuộc suy thoái vì COVID-19, và trong khi lãi suất thấp (hoặc thậm chí âm nữa), việc mở rộng các hệ thống năng lượng tái tạo mang lại cho chúng ta một cơ hội lớn để tiến triễn. Hiếm khi có được một lựa chọn về chính sách lại đồng thời dẫn đến nhiều việc làm hơn, giá rẻ hơn cho người tiêu dùng, và trái đất xanh hơn, an toàn hơn.
Càng triển khai nhiều công nghệ năng lượng tái tạo thì càng giảm được chi phí cho năng lượng. Tăng trưởng nhiều hơn sẽ có nghĩa là tăng trưởng nhiều hơn nữa.
Tiến bộ công nghệ ở một nơi biến thành tiến bộ ở mọi nơi
Lập luận cuối cùng về lý do tại sao giá thấp hơn do thay đổi công nghệ là rất quan trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi sang thế giới hậu carbon, là: Nếu các nước giàu đầu tư vào công nghệ tái tạo để giảm giá nhanh chóng, thì họ không chỉ thực hiện được việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cho riêng mình, mà còn cho toàn thế giới nữa.
Giá-tương-đối của nhiên liệu hóa thạch so với năng lượng tái tạo là chìa khóa cho quyết định xây dựng nhà máy điện của bất kỳ ai. Làm cho công nghệ carbon thấp trở nên rẻ, là một mục tiêu chính sách không chỉ giảm lượng khí thải ở quốc gia của mình mà còn cho toàn thế giới, và có ảnh hưởng lâu dài mãi mãi.
Giảm giá năng lượng các-bon thấp cần được coi là một trong những mục tiêu (và thành tựu) quan trọng nhất của chính sách năng lượng sạch, vì tầm quan trọng vượt ra ngoài biên giới của quốc gia đang áp dụng chính sách đó nữa. Đây là điều tuyệt vời của công nghệ kỹ thuật: một khi được phát minh ở đâu đó, thì có thể ứng dụng giúp ích cho tất cả mọi nơi.
Tăng trưởng lớn nhất về nhu cầu điện năng trong những năm tới sẽ không đến từ các nước giàu. mà là từ rất nhiều các nước nghèo hơn, đang phát triển nhanh chóng ở Châu Phi và Châu Á. Sự suy giảm mạnh của điện mặt trời là một phát triển đặc biệt may mắn cho những vùng khí hậu nhiều nắng.
Các hệ thống năng lượng có tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, bởi xây dựng một nhà máy điện hoặc quyết định đóng cửa một nhà máy điện đều rất tốn kém. Do đó, các khoản đầu tư vào công nghệ tái tạo hiện nay sẽ mang lại lợi ích rất lâu dài. Mỗi trường hợp khi một quốc gia hoặc một công ty điện lực quyết định xây dựng một nhà máy điện carbon thấp, thay vì một nhà máy điện năng lượng hóa thạch, đều là một thắng lợi cho dân chúng toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Giá thấp là lý lẽ chính để thuyết phục thế giới – đặc biệt là những nơi có ít tiền nhất – xây dựng các hệ thống điện carbon thấp cho một tương lai bền vững.
Phạm Vũ Thịnh dịch
03 Mar 2021
(*) Chú thích theo Wikipedia:
Fracking: Thủy lực cắt phá (tiếng Anh: hydraulic fracturing, thường rút ngắn thành fracking) là kỹ thuật khai thác mỏ bằng cách dùng áp suất chất lỏng để làm nứt các tầng đá trong lòng đất. Đường nứt sẽ chạy theo mạch đất thiên nhiên, khai mở những khoáng chất vốn bị nén chặt trong lòng đất. Bằng cách bơm chất lỏng trộn với một số hóa chất và cát dưới áp suất cao vào giếng mỏ làm nứt vỡ tầng đá, một số địa chất như khí đốt và dầu mỏ có thể bơm lên được.