Lịch Sử & Văn Hóa Anh Mỹ

Nhận xét về thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ theo Đại Cử tri Đoàn

bau cu tong thong my
Đăng ngày:

Đã hơn một tháng trôi qua sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, báo chí đã loan báo kết quả kiểm phiếu, lãnh đạo các nước đã công khai chúc mừng Tổng thống tân cử từ lâu rồi, vậy mà Tổng thống đương nhiệm Trump vẫn còn khăng khăng là mình thắng cử, không ngừng cho luật sư của mình kiện tụng gần 50 vụ tại nhiều tiểu bang, đe dọa kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện nữa, hòng lật ngược kết quả bầu cử, mặc dù kém đối thủ đến bảy triệu phiếu phổ thông từ Cử tri toàn quốc. Phải chờ đến ngày 06 tháng Giêng 2021 phiếu bầu của Đại Cử tri Đoàn mới được tổng kết và công bố. Bởi Tổng thống Mỹ được bầu theo thể thức Đại Cử tri Đoàn, chứ không phải phổ thông đầu phiếu từ Cử tri. Cứ bốn năm đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, mọi người ngoài nước Mỹ, mà có thể ngay cả dân Mỹ nữa, lại phải tìm hiểu đến nhức đầu về cung cách bầu cử đặc biệt Mỹ này. Thậm chí có thể nghi ngờ cả tính cách dân chủ của thể thức bầu cử Đại Cử tri Đoàn này nữa.

Dân chủ đòi hỏi bầu cử phải phổ thông, bình đẳng và trực tiếp. Chỉ thiếu một tiêu chí nào trong bộ ba này thì cũng không thể bảo là dân chủ được. Thử xét xem thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ theo Đại Cử tri Đoàn có dân chủ hay không, theo ba tiêu chí ấy.

(1) Trực tiếp: bầu cử theo Đại Cử tri Đoàn thì trước hết là bầu cử phổ thông ở 51 đơn vị bầu cử gồm 50 tiểu bang và Thủ đô Washington DC, để bầu chọn Đại Cử tri ở từng đơn vị bầu cử trong tổng số 51 địa phương này. Sau đó Đại cử tri mới bỏ phiếu bầu Tổng thống. Cử tri không trực tiếp bầu Tổng thống.

(2) Bình đẳng: Mỗi địa phương có được số Đại Cử tri bằng tổng số dân biểu nghị sĩ của địa phương mình, ví dụ California được 55 Đại Cử tri là tổng số 53 dân biểu Hạ viện với 2 Thượng Nghị sĩ. Riêng Thủ đô Washington DC được 3 Đại Cử tri dù không có dân biểu nghị sĩ nào, coi như có 1 dân biểu Hạ viện và 2 Thượng Nghị sĩ, giống như số Đại Cử tri của tiểu bang ít người nhất Wyoming. Số dân biểu trong Hạ viện, ví dụ 53 của California, hay 1 của Wyoming, thì đã được tính theo tỉ lệ dân số của từng Tiểu bang so với Tổng dân số quốc gia, dựa trên kết quả Kiểm tra Dân số mới nhất, hiện nay là Kết quả năm 2010, vì Kiểm tra Dân số Toàn quốc năm 2020 chưa có kết quả. Trong khi số nghị sĩ ở Thượng viện thì lại không tỷ lệ với dân số, tiểu bang nào cũng có được hai nghị sĩ. Hằng số 2 Thượng nghị sĩ này làm mất đi tính tỷ lệ với dân số trong số Đại Cử tri của các đơn vị bầu cử, như thể dân số ở tiểu bang Wyoming được tính tăng lên gấp ba! Bởi cách tính này mà cử tri ở các tiểu bang có ảnh hưởng bất bình đẳng trên kết quả bầu cử, ví dụ lá phiếu của một Cử tri ở Wyoming có giá trị hay ảnh hưởng gấp 3.6 lần lá phiếu của Cử tri ở California. Cử tri không bình đẳng.

(3) Phổ thông: Đầu phiếu phổ thông ở từng đơn vị bầu cử địa phương chỉ để bầu ra Đại cử tri của địa phương mà thôi. Đại cử tri thì lại do các đảng chọn, lập danh sách sẵn rồi được chọn theo danh sách của đảng nào thắng nhiều phiếu phổ thông nhất. Đại cử tri lại là những người có ảnh hưởng, có công, có tiền đóng góp nhiều trong đảng ở các địa phương, xưa nay vẫn là những người có vai vế, tai to mặt lớn, thân hào nhân sĩ,… chứ không phải là Cử tri thường. Đại cử tri không phổ thông.

Chỉ xét ba tiêu chí đó thôi cũng đủ thấy việc bầu cử Tổng thống Mỹ theo lối Đại Cử tri là không dân chủ, hay phản dân chủ. Ngoài ra, còn có những mâu thuẩn với cách bầu cử phổ thông, đưa đến những tệ hại bất công như sau:

(4) Hầu hết 51 đơn vị bầu cử Mỹ, chỉ trừ Maine và Nebraska, chọn nguyên tắc Winner takes all – Được ăn cả, ngã về không: bên được nhiều phiếu hơn sẽ lấy được toàn bộ số Đại Cử tri của đơn vị đó, chứ không chia theo suất phiếu đạt được của mỗi bên. Quy luật Winner takes all này có thể đưa đến tình trạng ứng viên được nhiều phiếu phổ thông hơn trên toàn quốc, lại phải thất cử vì kém phiếu Đại Cử tri Đoàn, mà thực tế chuyện này đã xảy ra 5 lần rồi, và cả năm lần đều có lợi cho đảng Cộng hòa, gần đây nhất là trường hợp năm 2016, Hillary Clinton thắng phiếu phổ thông toàn quốc nhiều hơn 3 triệu phiếu mà vẫn thua, vì tỷ số phiếu Đại Cử tri bầu cho Donald Trump 306 – 232.

(5) Khía cạnh cách biệt chủng tộc màu da hiện diện ở thực tế là Cử tri ở các đơn vị bầu cử vùng thôn quê ít dân có lá phiếu giá trị hơn Cử tri ở các vùng đông dân vì cách tính số Đại Cử tri, như đã nói trên đây, mà người da trắng lại chiếm đa số ở các vùng thôn quê này. Ví dụ lá phiếu của Cử tri ở Wyoming có giá trị gấp 3.6 lần Cử tri ở California, như đã nói trên đây, mà người da trắng ở Wyoming chiếm 92% trên số dân cư, trong khi chỉ chiếm có 36% ở California. Tình trạng ở các tiểu bang khác cũng tương tự như vậy: lá phiếu của người da trắng ở vùng thôn quê ít dân lại có sức mạnh gấp nhiều lần lá phiếu của người da màu ở vùng thành thị đông dân. Điều này cũng có nghĩa là đảng Cộng hòa bảo thủ hưởng lợi hơn đảng Dân chủ vì phần lớn người ủng hộ đảng Cộng hòa là người da trắng bảo thủ ở các vùng ít dân đó.

(6) Số Đại Cử tri tỷ lệ với số dân biểu Hạ viện được tính theo dân số của các tiểu bang trong kết quả Kiểm tra Dân số mới nhất, nghĩa là tính gồm tất cả dân cư trong tiểu bang, kể cả những người không có quyền bầu cử, kể cả trẻ em,… Trong khi đầu phiếu phổ thông hạn chế số người được quyền bầu cử, về tuổi tác phải trên 18 chẳng hạn, hay có phải là công dân Mỹ hay không, … Đây là điều không hợp lý vì bầu cử theo lối Đại Cử tri dựa trên cả những người không phải là Cử tri, không có quyền bầu cử.

(7) Còn có chuyện Đại cử tri có thể tự ý bỏ phiếu nghịch với kết quả đầu phiếu phổ thông cho đảng thắng phiếu trong tiểu bang đó nữa, gọi là faithless elector. Thông thường thì Đại cử tri bỏ phiếu cho bên thắng phiếu, đúng theo kết quả phổ thông ở đơn vị bầu cử mà Đại cử tri hứa sẽ tuân theo. Thế nhưng vẫn có chuyện Đại cử tri bỏ phiếu nghịch lại, vì phản đối kết quả bầu cử phổ thông. Từ trước đến nay, đã có 175 người bỏ phiếu nghịch như vậy rồi. Để đối phó với vấn đề này, hiện tại 33 tiểu bang và vùng thủ đô cấm không cho faithless elector bỏ phiếu nghịch lại; trong khi 14 tiểu bang khác cho phép nhưng sẽ vô hiệu hóa hoặc cho người khác bỏ phiếu thay thế (trong đó có 2 tiểu bang có luật trừng phạt faithless elector).

(8) Ở giai đoạn đầu phiếu phổ thông, tất cả cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống chung trong một liên danh, còn Đại cử tri thì lại bầu riêng Tổng thống trước rồi Phó Tổng thống. Khó mà hiểu tại sao lại phải bầu khác đi như vậy. Và vẫn có khả năng tính là Đại cử tri bỏ phiếu thuận theo kết quả đầu phiếu phổ thông về Tổng thống, mà nghịch về Phó Tổng thống, hay ngược lại.

(9) Theo một đạo luật năm 1887, một dân biểu Hạ viện cùng với một Thượng Nghị sĩ của liên bang có thể chống đối việc tổng kết phiếu Đại Cử tri Đoàn (lần này là ngày 06 tháng Giêng 2021) vì thấy có vấn đề trong phiếu bầu của Đại Cử tri từ các tiểu bang. Trong trường hợp này, hai Viện phải họp riêng trong vòng hai giờ để bàn thảo và biểu quyết, và nếu cả hai Viện đồng ý chống đối với đa số quá bán thì phải ngừng việc tổng kết phiếu bầu và hủy bỏ kết quả bầu cử. Trước nay đã có chống đối kiểu này hai lần rồi, năm 1969 về một faithless elector, và năm 2005 về sai hỏng trong việc Đại Cử tri bỏ phiếu ở tiểu bang Ohio, tuy cả hai lần đều không thành công. Năm nay, dân biểu Cộng hòa Mo Brooks từ bang Alabama đã tuyên bố sẽ chống việc tổng kết phiếu Đại Cử tri Đoàn. Chưa thấy có Thượng nghị sĩ nào lên tiếng sẽ đứng chung với dân biểu này.

Kết cuộc, trong hơn ba tháng sau ngày bầu cử, cho đến khi kết quả tổng kết tất cả phiếu của Đại Cử tri Đoàn được công bố chính thức ngày 06 tháng Giêng, vẫn không ai có thể quả quyết 100% được về kết quả bầu cử!

Vì những tệ hại kể trên mà bao lâu nay nước Mỹ đã có tranh luận bàn cãi kiếm cách bãi bỏ thể thức bầu cử theo Đại Cử tri Đoàn này. Tất nhiên là đảng Cộng hòa thì khăng khăng muốn giữ lại vì được lợi rõ ràng và thực tế đã lắm lần hưởng lợi từ bất công trong chuyện bầu cử kiểu này rồi. Để bãi bỏ hay sửa đổi thể thức bầu cử này, theo Hiến pháp thì phải có đa số hai phần ba của cả hai viện Quốc hội, và đa số ba phần tư tức là 38 trong số 50 tiểu bang đồng ý. Là điều khó khăn gần như không thể thực hiện được, luôn luôn gặp phải chống đối từ đảng Cộng hòa xưa nay vẫn hưởng lợi to lớn nhờ thể thức bầu cử này. Do đó phải tìm những cách khả thi hơn.

Cách đơn giản nhất để kết quả đầu phiếu của Đại Cử tri thực chất giống như kết quả đầu phiếu phổ thông của toàn thể Cử tri trong nước, là cả 51 đơn vị bầu cử cùng chấp thuận bãi bỏ quy tắc Winner takes all, mà chia số Đại Cử tri cho các bên theo đúng tỷ lệ phiếu nhận được trong lần đầu phiếu phổ thông ở mỗi đơn vị bầu cử. Nhưng cách này tất nhiên là bị các tiểu bang do đảng Cộng hòa nắm giữ chống đối ngay từ đầu.

Rốt cuộc, cách được xem là khả thi nhất hiện tại chỉ cần một số tiểu bang có nhiều phiếu Đại Cử tri nhất gia nhập vào một liên minh cùng chấp thuận rằng tất cả phiếu Đại Cử tri của tiểu bang sẽ bầu cho bên thắng phiếu phổ thông toàn quốc, bất chấp kết quả bầu cử Đại Cử tri trong tiểu bang mình, là có thể có đủ đa số phiếu Đại Cử tri toàn quốc. Liên minh này, gọi là National Popular Vote Interstate Compact, hiện nay có được 15 tiểu bang gia nhập, phần nhiều là các tiểu bang thiên về phía đảng Dân chủ, và thủ đô Washington DC, giữ được tổng cộng 196 phiếu, thiếu 74 phiếu nữa mới đủ số 270 trong năm nay 2020.

Bầu cử Tổng thống Mỹ theo lối Đại Cử tri Đoàn này là một tàn tích của thời sơ khai về chính trị liên bang và ý niệm dân chủ, nhất là hoài nghi về dân chủ trực tiếp. Nhìn từ Thế kỷ 21 hiện tại thì thật là một lề lối khó hiểu, mâu thuẩn, phi luận lý và phản dân chủ. Không chỉ làm hao tổn nhiều thì giờ, công sức và tiền bạc vào những thủ tục rườm rà vô ích, mà lại còn tạo ra ảo tưởng là có thể lật ngược cả kết quả bầu cử phổ thông cách biệt đến bảy triệu phiếu như hiện nay, và khiến cho người ta nghi ngờ về tính cách vững chắc của nền dân chủ Mỹ. Tệ hại của thể thức này thể hiện rõ ràng hiện nay ở những màn kiện tụng trì kéo chì chiết của đương kim Tổng thống Mỹ đang đặt hy vọng cuối cùng vào phép lạ faithless elector.

Về việc kiểm, tổng kết và công bố phiếu bầu của Đại Cử tri Đoàn vào ngày 06 tháng Giêng 2021, mà tôi đã đề cập ở mục (9) trong bài viết, tôi nghĩ Sempai/Chị Đào Tơ đã hỏi và trả lời rồi. Chị viết: “Nhưng, giả sử một đảng (CH hay DC) mà nắm đa số cả thượng lẫn hạ viện, thì nếu ứng viên tổng thống của họ thua, họ sẽ dùng thủ đoạn này để cướp cái ghế tổng thống về cho đảng mình”.

Xin đồng ý với Chị là điều này có thể xảy ra. Khả dĩ cả trên thực tế chứ không phải chỉ trên lý thuyết. Xác suất xảy ra không phải là số không. Không ai có thể quả quyết thuyết phục được là không thể xảy ra.

*

Thử khảo sát kịch bản sau đây, tạm gọi là kịch bản Hades, với thiết định là báo chí đã loan tin ứng viên Dân chủ thắng phiếu Đại Cử tri Đoàn, và cả hai viện đều do đảng Cộng hòa chiếm đa số:

Như Chị viết: “ngày Jan 6 này, sau khi kết quả số phiếu cử tri đoàn mà đương kim phó tổng thống vừa mở ra đọc và sau đó đưa cho cả thượng viện và hạ viện đọc, thì có ít nhất 1 dân biểu và 1 thượng nghị sĩ thách thức và phản đối kết quả đó. Lưỡng viện sẽ phải trở về vị trí riêng của mình thảo luận, phát biểu ý kiến, trong thời gian tối đa 2 tiếng đồng hồ. Sau đó thượng viện và hạ viện sẽ bỏ phiếu riêng, là chống hay thuận với kết quả của cử tri đoàn, bên nào có nhiều phiếu hơn (simple majority) thì bên đó thắng.

Cụ thể là Phó Tổng thống đương nhiệm mở, kiểm từng lá phiếu Đại Cử tri, của từng tiểu bang theo thứ tự A,B,C, và quyết định từng lá phiếu là hợp lệ hay không. Một dân biểu cùng một Thượng nghị sĩ đệ đơn chống việc tiếp tục tổng kết phiếu Đại Cử tri Đoàn vì lý do các phiếu bất hợp lệ, hoặc lý do các sai phạm trong việc đầu phiếu Đại Cử tri, từ các tiểu bang, chẳng hạn Wisconsin, Pennsylvania, Georgia, …

Hai Viện họp bàn và biểu quyết.
Thượng viện với đa số là Cộng hòa đồng ý chống.
Hạ viện thì cũng Cộng hòa chiếm đa số, do đó cũng bỏ phiếu chống.

Như Chị viết: “Đến đây, có nghĩa là kết quả phiếu cử tri đoàn qua quá trình bầu cử vừa diễn ra bởi toàn dân trong nước sẽ bị quăng vào sọt rác, nếu cả hai thượng và hạ viện đồng ý chống như nhau.

Theo Tu Chính Án 12 – Hiến pháp: sau đó, hai Viện sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống và/hoặc Phó Tổng thống theo cách thức sau đây:

* Nếu không có ứng viên Tổng thống nào đạt đủ số phiếu Đại Cử tri hợp lệ trên 270, thì Hạ viện sẽ bầu Tổng thống từ ba ứng viên đã được phiếu cao nhất từ Cử tri phổ thông toàn quốc. Mỗi tiểu bang chỉ được bỏ một phiếu mà thôi, bất luận đang có bao nhiêu dân biểu. Người được phiếu nhiều nhất (majority vote) sẽ là Tổng thống tân cử. (Hiện tại trong Hạ viện, đảng Cộng hòa nắm được số tiểu bang nhiều hơn đảng Dân chủ).

* Nếu không có ứng viên Phó Tổng thống nào đạt đủ số phiếu Đại Cử tri hợp lệ trên 270, thì Thượng viện sẽ bầu Phó Tổng thống từ hai ứng viên đã được phiếu cao nhất từ Cử tri phổ thông toàn quốc. Mỗi Thượng nghị sĩ được bỏ một phiếu. Người được phiếu nhiều nhất (majority vote) sẽ là Phó Tổng thống tân cử.

Rốt cuộc, kịch bản này đưa đến chuyện kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ bị xóa bỏ rồi Quốc hội liên bang bầu chọn và công bố kết quả ngược lại: ứng viên đảng Cộng hòa thắng cử.

Đúng như Chị đã viết: “giả sử một đảng (CH hay DC) mà nắm đa số cả thượng lẫn hạ viện, thì nếu ứng viên tổng thống của họ thua, họ sẽ dùng thủ đoạn này để cướp cái ghế tổng thống về cho đảng mình”.

Có thể quả quyết thuyết phục rằng kịch bản Hades này không thể xảy ra được không?

*

Và đó là mưu đồ cuối cùng của phe Trump. Trong lần bầu cử này.

Hiện tại có nhóm dân biểu liên bang Mo Brooks, Matt Gaetz, Jody Hice, Jim Jordan, Andy Biggs và dân biểu tân cử Marjorie Taylor Greene (được đám QAnon chuyên trị các thuyết âm mưu ủng hộ), tất cả đều thuộc đảng Cộng hòa, đã họp bàn kế hoạch thực hiện chống đối, sau khi Mo Brooks (từ bang Alabama) tuyên bố sẽ chống việc tổng kết phiếu Đại Cử tri Đoàn trong ngày 06 tháng Giêng 2021. Nhóm này dự định sẽ chống phiếu bầu Đại Cử tri của ít nhất là sáu (6) tiểu bang đã bầu cho đảng Dân chủ. Buổi họp này đã có cả Phó Tổng thống Mike Pence tham gia, tuy theo lời Mo Brooks thì chỉ để giải thích về thủ tục làm việc trong ngày đó mà thôi. Nhóm này bị báo chí đặt tên là GOP Doofus Caucus – Nhóm Dân biểu Ngốc của Đảng Cộng hòa (có lẽ là từ ký giả Joan Walsh của Tuần báo The Nation vốn không mấy mặn mà với phía bảo thủ).

Và mới đây, đã có Thượng nghị sĩ tân cử thuộc đảng Cộng hòa là Tommy Tuberville, cũng từ bang Alabama, tỏ ý có thể tham gia vào cuộc chống đối này. Tommy Tuberville sẽ tuyên thệ nhậm chức vào phiên họp Quốc Hội mới vào ngày 03 tháng Giêng 2021, vừa kịp để có thể tham gia chống đối.

Lại nữa, trong ngày tổng kết phiếu đó, Tu Chính Án 12 – Hiến pháp cho phép Phó Tổng thống Mike Pence thực thi việc mở đếm, kiểm phiếu và xác nhận hay phủ quyết từng lá phiếu Đại Cử tri. Hiến pháp lại không nói rõ chi tiết phiếu Đại Cử tri như thế nào là bất hợp lệ để có thể bị phủ quyết. Phó Tổng thống sẽ là người được hay bị chú mục đặc biệt trong ngày đó. Mike Pence đã cần mẫn phò trợ Tổng thống Trump từ hơn bốn năm nay, gần đây bị Trump phàn nàn, và bị áp lực nặng nề từ phe Trump lên tiền đồ thậm chí sinh mệnh chính trị của mình. Trump hẳn sẽ coi chuyện Mike Pence công bố Joe Biden thắng cử là hành vi phản bội ghê tởm nhất.

*

Dựa trên tình hình hiện nay, thử tiếp tục khảo sát kịch bản sau đây, tạm gọi là kịch bản Hell, chỉ khác kịch bản Hades ở chỗ thiết định: lần này đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện, đúng như hiện tình ở Mỹ:

Cũng bắt đầu từ Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence mở, kiểm từng lá phiếu Đại Cử tri, của từng tiểu bang theo thứ tự A,B,C, và quyết định từng lá phiếu là hợp lệ hay không. Dân biểu Mo Brooks và Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville đệ đơn chống việc tiếp tục tổng kết phiếu Đại Cử tri Đoàn vì lý do quá nhiều phiếu bất hợp lệ, và các lý do khác mà nhóm Doofus Caucus đã chuẩn bị sẵn về các sai phạm trong việc đầu phiếu Đại Cử tri, từ sáu tiểu bang Wisconsin, Pennsylvania, Georgia, Nevada, Arizona, Michigan.

Hai Viện họp bàn và biểu quyết.
Thượng viện với đa số là Cộng hòa đồng ý chống.
Phần Hạ viện mới bắt đầu nhiệm kỳ ở thời điểm 03 tháng Giêng 2021, số dân biểu thuộc đảng Dân chủ chỉ còn là 222 – 223, hơn ngưỡng đa số 218 có 4 – 5 người mà thôi. Như vậy chỉ cần một số dân biểu Dân chủ chừng 5 – 6 người, bị mua chuộc hay vì tính toán lợi hại cho cá nhân trong tình thế mới, trở cờ đồng ý chống, là đủ để cho cả Hạ viện cũng cho kết quả giống như Thượng viện.

Sau đó thì giống hệt như kịch bản Hades nói trên: hai Viện sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống và/hoặc Phó Tổng thống, rốt cuộc cả Tổng thống và Phó Tổng thống tân cử đều là ứng viên của đảng Cộng hòa!

Có thể quả quyết thuyết phục rằng kịch bản Hell này không thể xảy ra được không?

*

Mấu chốt của kịch bản Hell này là chuyện có thể có hay không “một số dân biểu Dân chủ chừng 5 – 6 người, bị mua chuộc hay vì tính toán lợi hại cho cá nhân trong tình thế mới, trở cờ đồng ý chống”.

Thực tế, thế nào mà chẳng có những dân biểu Dân chủ (Cộng hòa cũng thế thôi) đã hay đang bất mãn với đảng của mình, muốn tìm cơ hội tiến thân ngon lành hơn, dưới bóng cờ của đảng khác. Đảng Trump đang lên như diều gặp gió suốt bốn năm nay, và dù gặp cơn bão covid-19, vẫn còn biểu dương được lực lượng ghê gớm của 74 triệu Cử tri Mỹ ủng hộ Trump, mà đa số chính trị gia đảng Cộng hòa vẫn còn run sợ cho tiền đồ / sinh mệnh chính trị của mình. Tổng thống Trump đã tung hoành lũng đoạn không chỉ hành pháp, mà cả lập pháp, tư pháp, cả truyền thông nữa trong bốn năm qua, như vào chỗ không người, nào có ai cản được đâu. Đảng Trump còn đang mưu đồ cho kỳ bầu cử mid-term 2022 và bầu cử Tổng thống 2024 với Save America PAC. Tình thế mới trong ngày 06 tháng Giêng 2021 là một cơ hội bằng vàng cho các chính trị gia kiếm chức, kiếm thế lực và kiếm tiền.

Từ trước đến nay, không hiếm những chính trị gia từ đảng Dân chủ đã nhảy qua đảng Cộng hòa hay ngược lại. Chính Trump là một người như thế, từ đảng Dân chủ nhảy qua đảng Cộng hòa. Mà chuyện trở ngược 180 độ kiểu Lindsey Graham, Ted Cruz,… thuộc đảng Cộng hòa, từ chửi Trump kịch liệt qua phò Trump cuồng nhiệt, cũng không hiếm. Đều là vì thời cơ / cơ hội chính trị, chưa kể tài chính.

Chính trị gia, dù thuộc đảng nào đi nữa, cũng chuyên nghề thương lượng, mặc cả; họ cần tiền để làm việc, trước nhất là để thắng cử. Cứ nhìn vào con số tiền bạc ngân quỹ vận động bầu cử ở bất cứ cấp nào, cá nhân nào ở Mỹ, cũng biết tiền là điều kiện căn bản, bất khả khuyết, quan trọng nhất đối với các chính trị gia. Chuyện tiền bạc tranh cử viết bằng những con số thiên văn này là đặc điểm rất Mỹ, lại không thể nói là ưu điểm của nền dân chủ Mỹ. Và có thể đến 90% chính trị gia là có thể thay đổi lập trường, nếu được trả đúng giá. Tùy theo cấp giá mà dân biểu có thể nhảy qua đảng khác, hay bỏ phiếu ngược với lập trường của đảng.

Thử tính rộng lượng cho giá một phiếu bầu dân biểu Dân chủ hùa theo Đảng Trump trong ngày định mệnh đó, là chừng 1 đến 5 triệu Mỹ kim. Cần cỡ 6 phiếu Hạ viện, như vậy cần từ 6 đến 30 triệu Mỹ kim là đủ. Theo tin mới đây thì phe Trump đã thu gom được 250 triệu Mỹ kim, mà mới chi có 15 triệu cho hơn 50 vụ kiện tụng vừa rồi; còn giữ đến 235 triệu, dư sức để mua cỡ bốn chục chứ nói chi chỉ 6 phiếu Hạ viện!  

Hell ! Địa ngục có thể có thật lắm chứ.

*

Thực tế hiện nay thì việc chống đối này thật đúng ý Tổng thống đương nhiệm Trump. Bất chấp kết quả sẽ ra sao, khi có chống đối mà hai Viện phải họp lại để quyết định thì sẽ bộc lộ rõ ràng thế đứng của mỗi dân biểu hay nghị sĩ của đảng Cộng hòa: có tiếp tục phò Trump hay phản Trump, ngay trước mắt Trump và lực lượng Cử tri theo Trump đến cùng. Trump sẽ dựa vào đó mà tính chuyện xử trí và đặt kế hoạch về sau. Tình hình là đại đa số dân biểu nghị sĩ Cộng hòa vẫn còn sợ hãi thế lực của Trump, qua con số 74 triệu phiếu đã bầu cho Trump, và những hành vi chưa bao giờ có mà vẫn không bị ai lên án thậm chí còn được ngưỡng mộ hay cổ vũ, của Trump.

Chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ kỳ này không thể chấm dứt trước ngày 06 tháng Giêng năm 2021. Phần lớn nguyên nhân là vì thể thức bầu cử Tổng thống theo Đại Cử tri Đoàn. Nền dân chủ Mỹ còn đang bị thử thách, ngay trước mắt mọi người trên thế giới.

Và tôi đồng ý với những điều anh Nghiêm Nguyễn viết:

Hiến pháp Hoa Kỳ thật ra có nhiều kẽ hở. Một kẽ hở khác là thẩm phán TCPV thay vì được dân bầu lại do  TT đề cử và chuẩn thuận bởi Thượng Viện. Như vậy ngành tư pháp không còn được độc lập mà bị chi phối bởi hành pháp và lập pháp. Rồi chuyện một TT sắp mãn nhiệm được quyền ân xá một loạt những kẻ thân cận hay đồng minh của ông ta mà hình như không có một hạn chế nào. Những kẽ hở hay lỗ hổng này dần dần tạo thành những vết nứt to lớn, đủ để có thể giật sập bức tường dân chủ HK vào một ngày nào đó. Đây là điều mà người dân HK cần phải quan ngại.”
Nhưng đó là những vấn đề khác, cần nhiều thời gian và chi tiết.

Phạm Vũ Thịnh
27 Dec. 2020

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN