Bài phát biểu của Greta Thunberg về Khủng hoảng khí hậu – COP26

bai phat bieu cua Greta Thunberg

Vẫn chưa có nhà lãnh đạo thực sự về khí hậu – Ai sẽ xung phong tại Hội nghị Cop26?

Lời người dịch:

Ý kiến của Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu 18 tuổi người Thụy Điển, đăng trên báo The Guardian của Anh quốc, Thu 21 Oct 2021, có nhiều chi tiết bổ sung cho diễn văn đã phát biểu tại Diễn đàn Youth4Climate tổ chức ở Milan, Italy ngày 28 tháng 9 năm 2021, hai ngày trước khi hàng chục Bộ trưởng trên thế giới họp Hội nghị Thượng đỉnh tiền-COP26 về khí hậu tại Milan, để chuẩn bị cho cuộc đàm phán toàn cầu về khí hậu COP26.

COP26, do Anh quốc tổ chức ở Glasgow, Scotland từ 31 Oct đến 12 Nov 2021, dự kiến sẽ có hơn 30.000 người tham dự, từ các lãnh đạo quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, đến các nhà báo, nhà vận động hành lang, nhà hoạt động và người biểu tình. Và nhiều gương mặt nổi tiếng khác như David Attenborough, Greta Thunberg, António Guterres,…

COP26 sẽ xác định phương hướng của cuộc chiến phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Quan trọng nhất là kiểm điểm xem các quốc gia đã thực hiện các cam kết của mình theo Thỏa thuận Paris 2015 như thế nào để hạn chế nung nóng toàn cầu dưới mức 2 ℃, và các mục tiêu cụ thể cho năm 2030 và 2050.

Greta Thunberg phát biểu tại hội nghị

Giống như các quốc gia giàu có khác, Vương quốc Anh nói nhiều hơn là làm về khủng hoảng khí hậu. Tình trạng này cần thay đổi ở Glasgow (tại Hội nghị Cop26)

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres gần đây đã gọi báo cáo mới của IPCC về khủng hoảng khí hậu là một “báo động đỏ” đối với nhân loại. Ông nói “Chúng ta đang ở ngay trên bờ vực thẳm”. (IPCC: Intergovernmental Panel on Climate Change – Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, của Liên hiệp quốc).

Có thể nghĩ rằng những lời đó đã gióng lên một hồi chuông báo động trong xã hội của chúng ta. Thế nhưng, vẫn giống như rất nhiều lần trước đây, điều này đã chẳng xảy ra. Thái độ phủ nhận khủng hoảng khí hậu và sinh thái đã bắt rễ sâu sắc đến mức chẳng có mấy ai thực sự để ý đến nguy cơ này nữa. Bởi chẳng ai coi khủng hoảng khí hậu như một cuộc khủng hoảng thực sự, cho nên những cảnh báo về chuyện sống còn này của loài người vẫn tiếp tục chìm đắm trong làn sóng tuyên truyền giả mạo thường xuyên xóa rửa cho có màu xanh, và dòng tin tức truyền thông thường ngày.

Dù vậy, chúng ta vẫn còn có hy vọng, nhưng hy vọng tất yếu phải bắt đầu bằng sự thành thực.

Bởi khoa học không nói dối. Sự thật rõ ràng trong như thủy tinh, nhưng chúng ta vẫn một mực không chấp nhận. Chúng ta từ chối, không thừa nhận rằng giờ đây chúng ta phải lựa chọn giữa việc cứu sự sống trên hành tinh, hay vẫn tiếp tục lối sống không bền của chúng ta. Bởi chúng ta muốn cả hai. Chúng ta đòi cả hai.

Nhưng sự thật không thể chối bỏ được, là chúng ta đã để mặc quá muộn để có được cả hai. Và cho dù thực tế có khó chịu cho chúng ta đến mức nào đi nữa, thì đấy vẫn chính xác là điều mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đã lựa chọn cho chúng ta qua nhiều thập niên không hành động gì ráo cả của họ. Hàng chục năm qua họ chỉ lảm nhảm những lời nói suông “blah, blah, blah”.

Khoa học không nói dối. Nếu chúng ta muốn giữ được dưới mức những mục tiêu đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 – và nhờ đó giảm thiểu rủi ro gây ra các phản ứng khí hậu dây chuyền không thể đảo ngược, ngoài tầm kiểm soát của con người – thì chúng ta cần phải giảm phát thải khí nhà kính hàng năm ngay lập tức, và quyết liệt đến mức chưa từng có trong lịch sử thế giới. Và bởi vì hiện nay không có giải pháp công nghệ kỹ thuật nào có thể đơn độc mà đạt được hiệu quả gần đến mức đó trong tương lai gần, cho nên cần phải thực hiện những thay đổi tận gốc trong xã hội của chúng ta.

Chúng ta hiện đang trên đường tiến đến một thế giới nóng thêm ít nhất là 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này – mà điều đó cũng chỉ xảy ra nếu các quốc gia đáp ứng đúng tất cả các cam kết mà họ đã chấp thuận. Hiện tại thì chẳng có quốc gia nào làm được như thế cả. Chúng ta “dường như còn cách vài năm ánh sáng nữa mới đạt được các mục tiêu hành động vì khí hậu mà chúng ta đã cam kết”, một lần nữa trích lời ông Guterres.

Mà thực tế là chúng ta đang tăng tốc theo hướng sai lầm. Năm 2021 hiện được dự báo sẽ đạt mức tăng phát thải cao thứ hai từ trước đến nay, và lượng phát thải toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 16% vào năm 2030 so với mức năm 2010. Theo International Energy Agency – Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chỉ có 2% chi tiêu phục hồi từ các chính quyền trên thế giới hứa hẹn “build back better – xây dựng lại tốt hơn”, đã được đầu tư vào năng lượng sạch, trong khi việc sản xuất và thiêu đốt than, dầu và khí đốt tiếp tục được trợ cấp đến 5,9 tỷ USD chỉ trong năm 2020. Sản lượng nhiên liệu hóa thạch toàn thế giới theo kế hoạch của các chính phủ cho đến năm 2030, sẽ gấp hơn hai lần sản lượng phù hợp cho mục tiêu 1,5 độ C. Đây là cách thức mà khoa học cho chúng ta biết rằng không còn có thể đạt được mục tiêu nữa, nếu không có sự thay đổi lớn trên toàn hệ thống. Bởi vì thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi phải xé bỏ các hợp đồng, từ bỏ các thỏa thuận trên một quy mô lớn không thể tưởng tượng được – điều này đơn giản là không thể thực hiện được trong hệ thống hiện tại.

Nói tóm lại, chúng ta hoàn toàn không đạt được các mục tiêu mà ngay từ đầu đã hoàn toàn không đủ. Mà đấy vẫn chưa phải là phần tồi tệ nhất. Tại đất nước của tôi là Thụy Điển, một cuộc điều tra tin tức gần đây đã kết luận rằng một khi tính gom tất cả lượng phát thải thực tế của Thụy Điển (gồm cả các số liệu địa phương, sinh học, tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, thiêu đốt sinh khối, đầu tư quỹ hưu trí, v.v.), thì hiện tại thực chất chỉ có một phần ba tổng số là được tính vào các mục tiêu khí hậu của đất nước. Và cũng dễ hiểu rằng đây không chỉ là hiện tượng riêng của Thụy Điển mà thôi.

Chắc chắn rằng bước đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là phải đưa tất cả số lượng phát thải thực tế của chúng ta vào số liệu thống kê để có được một cái nhìn tổng thể. Điều này cho phép chúng ta đánh giá chính xác được tình hình mà bắt đầu thực hiện những thay đổi cần thiết. Thế mà cách tiếp cận này đã không được chấp nhận, thậm chí không được đề xuất nữa, bởi bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Thay vào đó, tất cả đều chuyển sang các chiến thuật truyền thông và tuyên truyền để làm cho có vẻ như họ đang hành động (vì khí hậu)!

Một ví dụ kinh điển là Vương quốc Anh – quốc gia hiện đang sản xuất 570 triệu thùng dầu và khí đốt mỗi năm. Một quốc gia có thêm 4,4 tỷ thùng dầu và khí đốt dự trữ khai thác được từ thềm lục địa. Một quốc gia cũng nằm trong số 10 quốc gia phát thải nhiều nhất trong lịch sử. Khí thải của loài người lưu lại trong bầu khí quyển đến một nghìn năm, và chúng ta đã thải ra khoảng 89% trong tổng số CO2 cho chúng ta 66% cơ hội giữ được mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C. Đây là lý do tại sao lượng phát thải suốt trong lịch sử và khía cạnh công bằng về khí hậu là quan trọng – về cơ bản, đã chiếm 90% toàn bộ cuộc khủng hoảng này.

Từ năm 1990 đến năm 2016, Vương quốc Anh đã giảm 41% lượng khí thải trên lãnh thổ. Tuy nhiên, khi tính cả toàn bộ quy mô phát thải của Vương quốc Anh – kể cả khí thải do tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, hàng không và vận chuyển quốc tế, thì mức giảm thực sự chỉ là 15%. Đấy là chưa tính đến khí thải từ việc thiêu đốt sinh khối, như tại nhà máy Drax’s Selby – một nhà máy phát điện mệnh danh là “tái tạo” được chính phủ trợ cấp rất nhiều, mà theo phân tích, là đơn vị phát thải khí CO2 nhiều nhất của Vương quốc Anh, và nhiều thứ ba trên toàn châu Âu. Vậy mà chính phủ Anh vẫn cho rằng Vương quốc Anh là một quốc gia dẫn đầu về khí hậu toàn cầu.

Tất nhiên, Vương quốc Anh không phải là quốc gia duy nhất dựa vào việc tính toán carbon một cách “sáng tạo” như vậy. Mà đấy là tiêu chuẩn của các nước. Trung Quốc, hiện là quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, đang có kế hoạch xây dựng 43 nhà máy điện than mới thêm vào số 1.000 nhà máy đang hoạt động, trong khi đó vẫn tự xưng là “người tiên phong” về sinh thái, cam kết sẽ để lại “một thế giới sạch và tuyệt đẹp cho các thế hệ tương lai”! Hoặc chính quyền mới của Hoa Kỳ, đã tuyên bố “lắng nghe… khoa học” mặc dù thực tế – cùng với nhiều quyết định liều lĩnh khác nữa – gần đây lại công bố kế hoạch mở thêm hàng triệu mẫu đất cho việc khai thác dầu và khí đốt, cuối cùng có thể tạo ra sản lượng lên tới 1,1 tỷ thùng dầu thô và 4,4 nghìn tỷ feet-khối khí đốt hóa thạch. Việc trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lịch sử, đồng thời là nước sản xuất dầu hỏa số một thế giới, hơn xa mọi nước khác, dường như không làm nước Mỹ bối rối khi tuyên bố tự hào là quốc gia lãnh đạo thế giới về khí hậu!

Sự thật là không có nhà lãnh đạo khí hậu nào cả. Vẫn chưa có. Ít nhất là không có trong số các quốc gia có thu nhập cao. Mức độ nhận thức của công chúng và áp lực mạnh mẽ chưa từng có từ truyền thông đại chúng vốn là yếu tố cần thiết để có bất kỳ nhà lãnh đạo thực sự nào xuất hiện, thì về cơ bản vẫn chưa tồn tại.

Khoa học không nói dối, mà cũng không bảo chúng ta phải làm gì. Nhưng khoa học cho chúng ta hình dung được những gì cần phải làm. Tất nhiên chúng ta có thể tự do bỏ qua hình dung ấy mà vẫn tiếp tục phủ nhận. Hoặc cứ tiếp tục ẩn núp sau cách kế toán “thông minh”, các lỗ hổng pháp luật và các số liệu thống kê cố tình không đầy đủ. Như thể bầu khí quyển cũng phải quan tâm đến các khung hành động của chúng ta. Như thể chúng ta có thể kỳ kèo thương lượng với các quy luật vật lý.

Như Jim Skea, một nhà khoa học hàng đầu của IPCC, đã nói: “Giới hạn sự nung nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C là khả thi theo quy luật hóa học và vật lý, nhưng để làm được như vậy sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn lao chưa từng có”. Để Hội nghị Cop26 ở Glasgow thành công, sẽ cần nhiều thứ. Nhưng trên hết, sẽ cần đến sự thành thực, đoàn kết và lòng dũng cảm.

Tất nhiên, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái chỉ là triệu chứng của một cuộc khủng hoảng môi-trường-sống to lớn hơn nhiều. Một cuộc khủng hoảng xã hội. Một cuộc khủng hoảng về bất bình đẳng đã kéo dài từ thời chủ nghĩa thực dân và trước đó nữa. Một cuộc khủng hoảng dựa trên ý tưởng rằng một loại người nào đó có giá trị hơn những người khác do đó có quyền khai thác, bóc lột và cướp đoạt đất đai cùng tài nguyên của người khác. Tất cả kết nối với nhau. Đó là một cuộc khủng hoảng môi-trường-sống bền vững mà mọi người sẽ được hưởng lợi từ việc giải quyết nó. Nhưng thật là ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này mà không cần phải đối mặt với gốc rễ của nó.

Hiện nay, mọi chuyện có thể trông rất đen tối vô vọng, và với hàng loạt các báo cáo và biến cố khí hậu càng ngày càng leo thang, cảm giác tuyệt vọng là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng chúng ta vẫn còn có thể xoay chuyển được tình thế này. Hoàn toàn có thể xoay chuyển được nếu chúng ta sẵn sàng để thay đổi.

Hy vọng đang trổi dậy chung quanh chúng ta. Bởi tất cả những gì cần có thực sự chỉ là một – một nhà lãnh đạo thế giới, hoặc một quốc gia có thu nhập cao, hoặc một đài truyền hình lớn, hoặc một tờ báo hàng đầu, đứng ra quyết tâm sẽ thành thực, thực sự coi khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng đúng như bản chất của nó. Một nhà lãnh đạo cân nhắc toàn bộ tất cả các số liệu, và từ đó dũng cảm hành động để giảm lượng khí thải theo tốc độ và quy mô mà khoa học đòi hỏi. Từ đó, mọi việc có thể được khởi động theo hướng thực sự hành động, theo hy vọng, mục đích và ý nghĩa của chúng ta.

Đã đến thời điểm phải quyết định tối-hậu. Trong khi các hội nghị thượng đỉnh này nọ vẫn liên tục tiếp diễn, lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng lên.
Nhà lãnh đạo đó sẽ là ai?

Phạm Vũ Thịnh dịch
29 Oct 2021

5/5 - (2 votes)

ĐỌC TIẾP

A skeleton in the closet

Nếu bạn đang có một bí mật ghê ghớm muốn che giấu, thì đó chính là a skeleton in the closet.

Tàu vũ trụ Gaia va chạm thiên thạch và bão mặt trời

Tàu vũ trụ Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã trở lại hoạt động bình thường sau khi trải qua hai sự cố liên tiếp: va chạm

Chế độ nô lệ đã bắt đầu thế nào?

Chế độ nô lệ khởi nguồn như thế nào? Tại sao người châu Phi lại không phản kháng người châu Âu, hay đó là do người châu Âu quá hùng

Hướng dẫn viết văn tả cảnh tiếng Anh

Chào mọi người đến với chuyên mục học tiếng Anh online của Nhóm dịch thuật Lightway. Các bài viết trong chuyên mục này là độc quyền, duy nhất và được

Danh từ và cách chia số nhiều tiếng Nhật

Danh từ trong tiếng Nhật tự nó không phân biệt số ít hay số nhiều, mà phải dựa vào ngữ cảnh hoặc các từ đi theo.

Diễn đạt mục đích và nguyên nhân trong tiếng nhật

Diễn đạt mục đích và nguyên nhân là hai tình huống giao tiếp thường gặp. Bài này chỉ dẫn cách sử dụng tiếng Nhật cho việc này.

Hà Đồng, Xin chịu khó đọc là Kappa

Vì Kappa chỉ là con vật hoang tưởng, nên truyện này được coi như truyện Gulliver phiêu lưu ký của Jonathan Swift

Độc giả và mục đích khi viết Essay tiếng Anh

Đối tượng đọc và mục đích viết là hai yếu tố quan trọng hàng đầu bạn cần cân nhắc khi khởi sự viết bất kỳ cái gì đó.

Sự thật đau buồn đằng sau câu chuyện của hội Narzissenkruez

Các thông tin mình sắp đưa ra được trích suy từ các mảnh giấy ghi chép ở khu vực sa mạc 3.6, cây kiếm ống nước, 2 bộ thánh di

Series Gotham Knights, nguồn gốc truyện tranh các nhân vật

Tìm hiểu các nhân vật trong phim Gotham's Knight, series nối tiếp bộ phim Batman đình đám

Never mind và It doesn’t matter

Theo các bạn thì never mind và It doesn’t matter khác nhau hay giống nhau về ý nghĩa và cách dùng? Đôi lúc chúng ta sẽ thấy bối rối không

An arm and a leg – một cái giá cắt cổ

An arm and a leg là một cách nói bóng gió chỉ một cái giá đắt cắt cổ, hoặc một khoản tiền cực kỳ lớn. Nếu bạn nói cái gì