Thiên Hùng – Thiên Minh
Vỏ quýt dày, móng tay nhọn
Loài rắn chuông là mối đe dọa lớn cho họ hàng nhà sóc sống tại vùng thảo nguyên California (Hoa Kỳ) bởi chúng thường bắt trộm các chú sóc non. Chính vì thế loài sóc này đã tiến hoá khả năng chống trả đặc biệt mà giáo sư Aaron Rundus (Đại học California) vừa mới phát hiện và trình bày tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội nghiên cứu hành vi động vật tại Oaxaca (Mexico). Theo đó, khi bị loài rắn chuông tấn công, loài sóc chỉ cần ngoe nguẩy cái đuôi của mình là đủ để cho kẻ thù bỏ chạy. Sao lại dễ dàng thế? Theo phân tích của các nhà khoa học, loài rắn chuông săn mồi bằng cách phát hiện nhiệt lượng do con mồi toả ra nhờ cơ quan cảm nhận rất nhạy cảm ở trên mặt. Tương kế tựu kế, thế là họ nhà sóc lợi dụng cơ quan đặc biệt nhạy cảm này của kẻ thù để “hư” kẻ săn mồi nguy hiểm. Một khi chúng ve vẩy cái đuôi sẽ phát ra nhiệt lượng lớn khiến con rắn mất khả năng tập trung chú ý vào đàn sóc con. Rundus cho biết đuôi của loài sóc này có khả năng toả nhiệt khi ve vẩy nhờ sự giãn nở của những mạch máu tại đây. Họ hàng nhà sóc nhờ thế có thể sống yên bình trên thảo nguyên mà không còn nơm nớp lo sợ lũ rắn chuông ngày đêm rình bắt.
Loài mực có chiếc đèn pha
Tiến sĩ Wendy Crookes thuộc Viện Hải dương học Kewalo (Đại học Hawaii ở Honolulu – Hoa Kỳ) cùng nhóm nghiên cứu của mình vừa phát hiện loài mực đuôi ngắn thường sống ở vùng biển Hawaii có cơ quan phát sáng tựa như chiếc đèn pha. Khi nhìn dưới kính hiển vi, các nhà khoa học nhận thấy “chiếc đèn pha” của loài mực Euprymma scolopes được cấu tạo bởi hàng vạn tiểu huyết cầu. Sở dĩ nó phát sáng được là nhờ “tập đoàn” vi khuẩn Vibrio fischeri sống cộng sinh. Với “chiếc đèn” kỳ diệu này, loài mực Euprymma scolopes có thể săn mồi và tìm kiếm bạn tình một cách hiệu quả trong vùng nước sâu đen ngòm của biển cả. Ngoài ra nó còn giúp con mực tránh khỏi nanh vuốt của những loài cá ăn thịt ngày đêm lùng sục dưới đáy đại dương vì các loài cá săn mồi tại những vùng nước sâu thường nằm dưới cát chức đớp những con mồi mỗi khi bóng chúng xuất hiện trên bề mặt đáy đại dương. Trong khi đó, chiếc đèn pha của loài mực này xoá hết dấu vết của cái bóng nó khi di chuyển. Chiếc đèn thật lợi hại! Các nhà nghiên cứu hy vọng “chiếc đèn pha” tự nhiên này sẽ gợi hứng cho con người tạo ra một thế hệ máy móc công nghệ cao có kích thước nano cho ngành phổ học và quang học trong nay mai.
Loài tôm có khả năng “chơi nhạc”
Âm thanh phát ra từ loài tôm hùm mình đầy gai ngạnh này được các nhà sinh vật học ví như tiếng đàn violon của một đứa trẻ trong tuần đầu tiên làm quen với cây đàn khiến cả nhà phải bưng tai. Ngoài khả năng phát ra âm thanh kỳ lạ như thế, loại tôm hùm này còn có một đặc điểm khác với họ hàng nhà tôm là chúng không có cảng. Giáo sư Sheila Patek thuộc Đại học Berkeley (Hoa Kỳ) đã cùng nghiên cứu sinh Peter Bouwma nghiên cứu kỹ lưỡng cơ chế phát ra tiếng nhạc kỳ thú ở loài tôm hùm này. Để tạo ra âm thanh chúng dùng một bộ phận mềm (mà các nhà khoa học gọi là miếng gảy) nằm bên dưới những chiếc râu để cọ xát vào một bộ phận khác ở gần đôi mắt. Tuy đã phát hiện cơ chế tạo ra âm thanh rất thú vị ở loài tôm lạ này nhưng họ vẫn chưa tìm ra lý do vì sao. Theo các nhà khoa học, âm thanh được tạo ra có thể nhằm mục đích tự vệ hoặc để giao tiếp với đồng loại.
Khi bố mẹ ăn bám con cái
Trên hành tinh này hầu hết bố mẹ đều phải đảm trách vai trò cung cấp thức ăn cho con cái khi chúng còn thơ dại. Thế nhưng ở loài ong Polistes dominulus, vai trò này lại hoàn toàn bị đảo ngược: con dại phải cung cấp thức ăn cho bố mẹ! Đây là kết luận nghiêm túc của tiến sĩ Bernard Brennan (Đại học Yale ở New Haven, Connecticut – Hoa Kỳ). Những con ong trưởng thành thuộc loài P.dominulus thường bắt sâu về cho ấu trùng ăn. Ấu trùng sẽ tiêu hoá số sâu này và tiết ra nước bọt chứa nhiều chất dinh dưỡng. Những con ong trưởng thành lại hút thứ nước bọt dinh dưỡng này từ ấu trùng để sống. Theo Brennan, những con ong trưởng thành có kiểu “ra lệnh” rất đặc biệt: Chúng cọ xát thành bụng vào tổ để tạo ra âm thanh thay cho lời nhắc nhở: hãy tiết nước bọt cho ta! Theo Brennan, khi ấu trùng được lấy ra khỏi tổ. thành biến mật. Nhưng khi ấu trùng được đưa trở lại vào tổ, những con ong trưởng thành lại tiếp tục tạo ra những âm thanh này. Âm thanh càng dữ dội hơn khi chúng đói. Brennan dự định sẽ nghiên cứu thêm để xem có sự phân biệt trong việc phân phối nước bọt cho những thành viên khác nhau trong đàn hay không.
Chuột cũng biết hót!
Cách đây vài thập niên các nhà khoa học biết rằng những chú chuột đực nuôi trong phòng thí nghiệm có thể phát ra siêu âm có tần số cao mà tai người không nghe được – khi chúng ngửi thấy mùi chuột cái. Mới đây chuyên viên khoa thần kinh Timothy E. Holy (Đại học y khoa y St. Louis, Washington, Hoa Kỳ) phân tích và nhận thấy những âm thanh này thú vị và phức tạp hơn các nhà khoa học từng nghĩ trước đó. Với máy móc tối tân, họ đã ghi âm vào băng từ và hạ những âm thanh này xuống 4 quãng tám. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: những âm thanh này không khác tiếng chim hót là mấy. Kỳ lạ hơn, mỗi chú chuột đực lại có những giai điệu riêng biệt. Với phát hiện mới này, loài chuột sẽ sớm được đưa vào danh sách những loài sinh vật biết hót để tán tỉnh như chim, cá voi lưng gù, cá heo và các loài côn trùng. Theo Holy và giáo sư Zhong Sheng Guo, đồng tác giả công trình nghiên cứu này, phát hiện mới này còn giúp con người sớm có những liệu pháp điều trị hiệu quả bệnh tự kỷ và các chứng rối loạn giao tiếp khác.
Học tiếng Anh với Dịch Thuật Lightway:
Hướng dẫn viết văn tả cảnh tiếng Anh
Phân biệt As, While, và Meanwhile
Từ That trong đàm thoại hàng ngày
Vài mẹo phân biệt Gerund và Infinitive
Đến hoa cũng biết đánh lừa
Các nhà khoa học Australia đang lo lắng cho tương lai của loài ong thynnine rất phổ biến ở đất nước này vì những con đực của loài ong này bị loài phong lan Chiloglottis đánh lừa. Theo tiến sĩ Bob Wong thuộc Đại học quốc gia Australia, loài phong lan này quyến rũ ong đực bằng cách bắt chước hình dáng, tính hương (pheromones) của ong cái khiến cho những chàng ong đực chỉ tìm đến những kẻ giả trang này mà không hề ngó ngàng gì đến chị em đồng loại. Điều đáng nói là những nàng ong cái của loài này không có cánh, vì thế chúng hoàn toàn phụ thuộc vào các đức lang quân đến đưa chúng tới nơi đẻ trứng và những khu vực có thức ăn. Do những hạn chế này của ong cái, sự bắt chước của loài hoa lan Chiloglottis nhằm mục đích thụ phấn có khả năng làm cho loài ong này tuyệt chủng trong tương lai không xa. Bob Wong đã cùng tiến sĩ Florian Schiestl thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm tại chân núi Black gần thủ đô Canberra và phát hiện một thực tế đáng buồn: ong đực không phân biệt được bông hoa và đồng loại khác giới của mình.
Loài ốc mang “áo giáp” sắt
Một loài ốc thuộc loại kỳ lạ nhất trên hành tinh chúng ta vừa được phát hiện. Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết phải đặt tên gì cho loài ốc mang “áo giáp sắt” cả trên lưng lẫn dưới bàn chân mà lẽ ra phải mềm mại mới phải. Những chiếc váy sắt này trông như chiếc áo giáp sắt của các tráng sĩ thời trung cổ. Anders Waren, nhà sinh vật học thuộc Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển tại Stockholm đã cho đăng kết quả nghiên cứu này trên chuyên san Science. Theo bài báo, đây là loài động vật đầu tiên sử dụng sulfide sắt để cấu thành cơ thể sống. Những chiếc vảy sắt có nét tương đồng với những chiếc vảy trên nhiều loài động vật thời tiền sử, đặc biệt là những loài sống trong kỷ Cambrian cách đây từ 500 đến 540 triệu năm. Tuy nhiên những xét nghiệm gene và giải phẫu lại cho thấy chúng có quan hệ gần gũi với những loài ốc hiện đại.
Đọc thêm:
Thảo dược – kho thuốc vĩ đại của thiên nhiên
Bên trong câu chuyện “Kim Cương Máu” của Charles Taylor và siêu mẫu Naomi Campbell
Kafiristan… vương quốc huyền thoại của những người châu Á da trắng
Công nghệ ám sát tuyệt mật của Mỹ
Môi trường nơi các nhà nghiên cứu tìm thấy loài sinh vật kỳ lạ này là vùng nước xung quanh miệng phun thủy nhiệt Kairei thuộc Ấn Độ Dương. Tại đó nhiệt độ có thể lên đến 400°C. Tuy nhiên nước ở đây không sôi sùng sục vì áp suất rất lớn, cao hơn khoảng 250 lần so với trên đất liền. Vùng nước mát hơn gần những “ống khói” này mang rất nhiều khoáng chất khiến cho chúng có màu đen ngòm. Người ta tìm thấy trong đó những khoáng chất cấu thành nên “chiếc áo giáp sắt” của loài ốc kỳ lạ này. Callum Roberts, chuyên gia về động vật thân mềm ở Đại học York (Anh Quốc), cho biết: “Miệng phun thủy nhiệt tạo ra một quần thể động vật đặc trưng hứa hẹn với chúng ta nhiều điều thú vị về sự tiến hoá, thích nghi và lịch sử xa xưa của sự sống trên trái đất. Những miệng phun này tạo nên hệ sinh thái tự nhiên đa dạng mà chúng ta nên có biện pháp bảo vệ như những vườn quốc gia trên cạn vậy”. Người ta hy vọng trong tương lai sẽ tìm thấy nhiều loài sinh vật kỳ lạ hơn tại vùng nước ít được con người khám phá này.
Giải mã điệu vũ bí ẩn của loài ong mật
Nhiều người nuôi ong từ lâu không hiểu vì sao mỗi khi bay về tổ, vài con ong lại trình diễn những điệu vũ quay cuồng kỳ lạ cho đồng loại trong tổ cùng xem. Theo giáo sư Joe Riley thuộc Hội nghiên cứu Rothamsted (Anh Quốc), thoạt nhìn đây là những cử động vô nghĩa và rối rắm từng gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Mãi cho tới gần đây, Riley cùng đồng nghiệp tiến hành gắn hệ thống thu – phát tín hiệu radar trên những “khán giả ong” khi chúng xem điệu vũ kỳ lạ này để tìm hiểu lộ trình kiếm mật của chúng như thế nào. Các nhà nghiên cứu rất bất ngờ khi phát hiện những chú ong sau khi xem xong vũ điệu của đồng loại liền bay thẳng một mạch đến nơi có nhiều mật hoa cách cổ đến 250m. Để kiểm chứng trước khi trình làng, họ làm lại thí nghiệm nhưng cho dời khóm hoa đến nơi khác. Những chú ong được xem điệu múa kỳ lạ nhưng chưa đến đó bao giờ vẫn bay thẳng đến nơi có những khóm hoa cho mật. Các nhà khoa học cũng thu được kết quả tương tự khi dùng nguồn cung cấp thức ăn nhân tạo không mùi. Điều này chứng tỏ rằng loài ong mật có khả năng giải mã những thông điệp thể hiện qua điệu múa kỳ lạ, chứ không hề theo những lối mòn quen thuộc hay dựa vào hướng của mùi hương.
Mánh khóe của “công chúa ong”
Những nàng ong cái thuộc loài Antistrophus rufus, một loài ong có kích thước chỉ bằng con bọ chét sống trên thảo nguyên, có khả năng mời gọi bạn tình hết sức độc đáo. Đây là phát hiện mới của hai nhà khoa học John F. Tooker và Lawrence M. Hanks (Đại học Illinois, Hoa Kỳ). Theo đó, những nàng ong cái A.rufus có khả năng báo cho những chú ong đực biết về sự hiện diện của mình bằng cách thay đổi mùi hương của loài cây nơi chúng sinh sống. Loài ong này được sinh ra trong gốc của một loài cỏ có tên Silphium. Trong suốt mùa đông, chúng vẫn còn là ấu trùng. Sang mùa xuân, những chú ong đực sẽ chui ra khỏi gốc cỏ trước. Còn những nàng ong cái không có khả năng tự thoát ra khỏi tổ cho đến khi được một chàng ong đực dùng răng mở đường để đến với nàng. Vòng đời của những “chàng hoàng tử ong” này rất ngắn ngủi, chỉ 9 ngày, và kích thước khiêm tốn của chúng khiến chúng khó tìm được bạn tình. Trong khi đó ong cái lại không thể sử dụng trực tiếp mùi hương của mình để mời gọi ong đực đến kết đôi vì chúng bị kẹt bên trong gốc cỏ, do đó tính hương (pheromone) không thể thoát ra ngoài. Các nhà nghiên cứu đã phân tích mùi hương của những cây cỏ có ong cái cư ngụ bên trong và so sánh với mùi hương của những cây cỏ bình thường. Kết quả thật bất ngờ, những cây cỏ có chứa ong cái sản xuất lượng hóa chất tạo mùi hương có tên pinenes nhiều gấp bội. Đây là dấu hiệu cần thiết giúp những chàng ong đực loài A.rufus dễ dàng định vị những “nàng công chúa ngủ trong rừng” của mình.
(Theo National Geographic, Nature, Science và BBC News)