Phong cảnh có bàn ủi

Murakami Haruki

1

“Chú gấu Masakichi lấy được mật ong nhiều đến nỗi không sao ăn cho hết, nên chú ấy cho mật ong vào cái thùng, mang xuống bán ở xóm làng dưới chân núi. Masakichi là tay lấy mật ong nổi tiếng nhất vùng”.

“Làm sao Masakichi có được cái thùng thế?” Sara hỏi.

Junpei giải thích: “Tình cờ mà có đấy. Nhặt được của ai đánh rơi trên đường ấy mà. Nó nghĩ là có khi dùng được sau nầy”.

“Thế là dùng được tốt quá rồi đấy nhỉ”.

“Đúng thế. Chú gấu Masakichi vào làng, tìm được chỗ của mình trên quảng trường, dựng lên tấm bảng “Mật ong thiên nhiên ngon lành đây. Mỗi cốc chỉ 200 Yen[1]thôi” rồi bắt đầu bán mật”.

“Gấu biết viết chữ sao chú?”

“Không, gấu có viết đâu”. Junpei nói. “Gấu nhờ một chú ở gần đấy viết hộ cho bằng bút chì đấy chứ”.

“Thế gấu biết tính tiền à?”

“Biết chứ. Tính tiền thì biết. Masakichi từ nhỏ đã được người ta nuôi dạy, nên dần dần biết nói tiếng người, biết tính toán tiền bạc. Nó ưa thích và làm giỏi việc nầy việc kia từ bé đấy”.

“Thế thì hơi khác với gấu thường đấy nhỉ?”

“Ừm, hơi khác với gấu thường. Masakichi có vẻ đôi chút là gấu đặc biệt. Thế nên hay bị tụi gấu thường tẩy chay đấy”.

“Tẩy chay là gì thế chú?”

“Tẩy chay là bảo: “Thằng ấy là cái quái gì mà làm bộ làm tịch” hay là nói “Hừ.” rồi không thèm chơi với nữa. Mà cũng không cho chơi chung. Nhất là gấu hung hăng như Tonkichi thì ghét Masakichi lắm”.

“Tội nghiệp Masakichi quá há”.

“Ừ, tội nghiệp thật. Mà cả người ta, thấy Masakichi có hình dạng gấu, cũng dè bỉu: “Có biết tính toán, biết nói tiếng người đi nữa, gấu cũng chỉ là gấu thôi”. Bên phía gấu hay bên phía người, chẳng bên nào chấp nhận Masakichi cả”.

“Thế thì càng tội nghiệp cho Masakichi quá. Nó không có bạn sao chú?”

“Không có bạn nào cả. Gấu không đi học ở trường nên không có chỗ để kết bạn”.

“Sara thì có bạn ở nhà trẻ đấy chú ạ”.

“Phải thế chứ. Sara có lắm bạn ở nhà trẻ mới đúng chứ”.

“Thế chú Jun có bạn không?”

Thay vì gọi “Chú Junpei” dài dòng, Sara thân mật gọi ngắn gọn là “chú Jun”.

“Bố của Sara là bạn thân nhất của chú từ ngày xửa ngày xưa. Và mẹ của Sara cũng là bạn thân nhất của chú từ ngày xa xưa như thế”.

“Chú Jun có bạn, thế là may mắn nhỉ”.

“May thật đấy chứ”. Junpei nói. “Có bạn là may mắn lắm, đúng như cháu nói đấy”.

Junpei hay nghĩ ra chuyện nầy chuyện kia ngay đấy để kể cho Sara nghe trước khi nó đi ngủ. Nửa chừng có gì không hiểu là nó hỏi ngay. Junpei gắng trả lời cặn kẽ những câu hỏi ấy, nhiều câu hỏi cũng rất sắc sảo và thú vị, mà suy nghĩ câu trả lời lại giúp nghĩ ra được phần tiếp của câu chuyện.

Sayoko mang cốc sữa nóng đến. Sara khoe với mẹ:

“Đang nói chuyện chú gấu Masakichi mẹ ạ. Masakichi lấy mật ong giỏi nhất vùng, thế mà lại không có ai làm bạn cả đấy”.

“Ừm. Masakichi là gấu thật to, phải không?” Sayoko hỏi Sara.

Sara có vẻ lúng túng quay sang hỏi Junpei:

“Masakichi to thế nào hả chú?”

“Không to mấy”. Junpei đáp. “So với gấu khác thì Masakichi nhỏ con hơn. Nhỏ cỡ như Sara đây thôi. Tính tình cũng hiền lành như thế. Mà âm nhạc thì cũng không thích nghe Punk hay Hard Rock, thỉnh thoảng chỉ nghe Schubert một mình thôi”.

Sayoko ậm ừ trong miệng điệu nhạc “Trout” của Schubert.

“Nghe được nhạc thế Masakichi có máy chơi đĩa CD phải không chú?” Sara hỏi.

“Masakichi nhặt được đâu đấy cái máy nghe đài và thâu băng, mang về nhà đấy”.

“Trong núi mà nhặt được lắm thứ thế sao?” Sara hỏi với giọng nghi ngờ.

“Chả là vùng núi ấy hiểm trở quá, người leo núi người nào rồi cũng lảo đảo đi không nổi, nên họ quẳng bớt hành lý trên đường đi cho nhẹ người. Họ bảo: ”Mang đi hết nổi rồi. Nặng trình trịch, gần chết đây. Thùng nầy chả cần nữa. Máy nghe đài, thâu băng chả cần nữa”. Vì thế mà những thứ Masakichi cần thì vẫn nhặt được trên đường đấy”. Junpei giải thích.

“Mẹ cũng có lúc nghĩ như họ. Muốn vất cả đi cho nhẹ người”. Sayoko nói.

“Sara không như thế đâu”.

“Con tham lam đấy mà”.

“Con không tham lam đâu”. Sara cãi.

“Sara còn trẻ, còn sức mạnh nên không vất thứ gì cả đâu”. Junpei vuốt ve. “Mà nầy, cháu uống sữa chóng xong đi, rồi chú kể tiếp chuyện Masakichi”.

“Vâng”. Sara nói, hai tay cẩn thận bưng cốc sữa ấm lên uống.

“Nhưng mà sao Masakichi không làm bánh mật ong mà bán nhỉ. Thay vì bán mật ong, Masakichi bán bánh mật ong thì người trong làng thích hơn chứ”.

Sayoko mỉm cười nói:

“Ý kiến hay đấy. Bán như thế thì lời to hơn nữa”.

“Tận dụng thị trường bằng giá trị gia tăng”. Junpei gật gù. “Cô bé nầy lớn lên sẽ là nhà kinh doanh thành công lắm đây”.

*

Sara trở vào giường, bắt đầu ngủ lại khoảng gần 2 giờ khuya. Junpei và Sayoko xem chừng cho Sara ngủ say rồi mới ngồi đối diện nhau ở bàn ăn trong phòng bếp, chia chung một lon bia. Sayoko không uống rượu được nhiều, mà Junpei lại phải lái xe về Yoyogi Uehara.

“Nửa đêm lại gọi anh đến, thật có lỗi”. Sayoko nói. “Em chẳng biết làm sao hơn. Vừa mệt đứt hơi, vừa bối rối, không nghĩ ra ai ngoài anh có thể dỗ yên được cháu. Điện thoại cho anh Kan thì không nên”.

Junpei gật đầu, uống một ngụm bia, nhặt một miếng bánh khô trong đĩa, ăn.

“Khỏi phải bận tâm, đêm nào anh cũng thức đến sáng, mà đường khuya thì vắng, dễ lái xe. Có khó khăn gì đâu”.

“Anh đang có việc làm?”

“Cũng từa tựa thế”.

“Viết tiểu thuyết hả anh?”

Junpei gật đầu.

“Công việc song suốt chứ anh?”

“Cũng như mọi khi thôi. Viết truyện ngắn, đăng lên các tạp chí văn nghệ. Chẳng ai xem”.

“Truyện anh viết, em đều đọc cả, không sót một truyện nào”.

“Cảm ơn em. Em vẫn tử tế với anh. Nhưng mà truyện ngắn, như một hình thức tiểu thuyết, thì giống như cây-thước-kéo đáng thương ngày trước, dần dần không thoát được số phận của một thứ đã hết thời. Mà thôi, chuyện ấy cứ để đấy, nói chuyện cháu Sara đi. Sự việc như tối nay đã xảy ra vài lần rồi sao?”

Sayoko gật đầu:

“Nói vài lần rồi thì nghe có vẻ không có gì quan trọng. Thật ra, dạo nầy gần như ngày nào cũng xảy ra. Cứ khoảng sau nửa đêm là kinh động lên rồi nhảy dựng dậy. Rồi run rẩy cả người không ngừng được. Dỗ dành cách mấy cũng không nín khóc. Em chịu thua”.

“Em có hiểu nguyên nhân tại sao không?”

Sayoko uống nốt chút bia còn lại, xong nhìn đăm đăm chiếc ly không.

“Em nghĩ có lẽ cháu xem tin động đất ở Kobe quá nhiều. Có lẽ những cảnh như thế kích thích quá mạnh thần kinh của một đứa bé gái 4 tuổi. Bởi vì cháu bắt đầu thức dậy giữa đêm như thế từ hôm có trận động đất. Sara bảo là có ông nào đấy không quen, đến đánh thức nó dậy. Cháu gọi là Ông động đất. Ông ấy đến đánh thức Sara, định nhốt nó vào trong một chiếc hòm nhỏ, nhỏ đến nỗi không thể nào nhốt người nào vào đó được. Sara bảo không muốn vào trong ấy, thế mà ông ta vẫn cứ bẻ quặt xương cốt Sara kêu lên răng rắc, cố nhét vào cho được. Sara sợ quá, hét tướng lên và mở mắt dậy”.

“Ông động đất à?”

“Vâng. Bảo là một ông già gầy, cao lênh khênh. Mộng thấy thế xong là Sara lại bật đèn tất cả các phòng lên rồi đi tìm khắp mọi nơi. Từ trong tủ chăn màn, tủ để giày dép ở cửa, ngăn kéo tủ áo, cho đến dưới gầm giường. Em nói mãi với cháu là mộng đấy, mà nó vẫn không tin. Phải tìm khắp nhà một vòng, chắc chắn là không có ông ấy trốn ở đâu cả, nó mới an tâm mà ngủ lại được. Đến được đấy thì đã mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, mà mắt em thì tỉnh queo, hết ngủ nghê gì được nữa. Thiếu ngủ thường trực khiến người cứ lao đao thế nào. Đến nỗi công việc cũng chẳng muốn động đến”.

Sayoko tỏ lộ tình cảm thẳng thừng đến như thế là chuyện lạ đối với Junpei.

“Nếu được thì đừng cho cháu xem tin tức nữa”. Junpei nói. “Ngay cả truyền hình cũng tạm thời đừng mở lên nữa thì hơn. Bây giờ, đài nào cũng trương lên toàn những hình ảnh động đất”.

“Truyền hình thì hầu như không xem nữa. Nhưng mà cũng không tránh khỏi. Ông Động Đất vẫn cứ đến. Đi bác sĩ thì cũng đã đi rồi, mà cũng chỉ cho thuốc gì như thuốc ngủ để an thần thôi”.

Junpei suy nghĩ chuyện ấy một lúc.

“Nếu được, hay là chủ nhật nầy ta đi Sở Thú xem sao. Sara hẳn cũng muốn xem tận mắt mấy con gấu thật đấy mà”.

Sayoko nheo mắt nhìn Junpei, tán đồng:

“Hay đấy, có khi thay đổi được tâm tình của nó. Ừ nhỉ, lâu lắm không đi, lần nầy cả bốn người mình cùng đi Sở Thú đi. Anh có thể liên lạc với anh Kan hộ em không?”

*

Junpei 36 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Nishimiya, huyện Hyogo, trong khu nhà-ở yên tĩnh Shukugawa. Thân phụ kinh doanh tiệm kim hoàn và đồng hồ ở Osaka và Kobe. Dưới anh 6 tuổi là một cô em gái. Từ một trường tư luyện thi ở Kobe, anh vào được đại học Waseda. Đậu vào cả hai khoa Thương mại và Văn chương, anh không ngần ngại gì khi chọn khoa Văn, nhưng lại báo tin cho bố mẹ là vào khoa Thương mại. Nói thật là vào khoa Văn thì chắc chắn là không được bố mẹ chi cấp học phí. Junpei không định bỏ phí 4 năm học về cơ cấu kinh tế, anh muốn học Văn để trở thành tiểu thuyết gia. Những năm đầu học cơ bản, anh có được hai người bạn thân. Một người là Takatsuki mà anh gọi thân mật là Kan, người kia là Sayoko. Takatsuki xuất thân từ Nagano, thời trung học đã là thủ quân đội bóng đá của trường. Cao lớn, vai rộng, đã học lại một năm luyện thi nên lớn hơn Junpei một tuổi. Tính người thực tế, quả quyết, khuôn mặt gây thiện cảm, vào nhóm nào cũng trở thành người lãnh đạo, chỉ có đọc sách là khó khăn. Takatsuki vào khoa Văn là vì đã rớt các khoa khác. Hắn nói, lạc quan: “Chẳng sao. Tớ định làm ký giả nhật báo nên vào đây học viết lách cũng tốt thôi”.

Junpei không hiểu tại sao Takatsuki lại để ý đến mình. Junpei là mẫu người cứ có giờ rảnh là đóng cửa phòng, một mình đọc sách, nghe nhạc hàng giờ không biết chán, mà chuyện vận động thân thể thì lại không rành. Bối rối trước người lạ, khó kết bạn. Vậy mà không hiểu sao Takatsuki mới nhìn thấy Junpei trong lớp học đầu tiên đã chọn anh làm bạn ngay. Hắn gọi Junpei, vỗ nhẹ vai anh và mời đi ăn chung. Thế là ngay ngày ấy, hai người đã trở thành đôi bạn thân có thể cởi mở tấm lòng cho nhau, rất hợp ý nhau. Rồi cũng với cung cách gọi bạn ấy, cùng với Junpei, Takatsuki đã kết bạn với Sayoko. Cũng vỗ nhẹ lên vai, mời nếu không có gì phiền thì đi ăn chung. Thế là Junpei, Takatsuki và Sayoko làm thành một nhóm nhỏ ba người thân thiết, lúc nào cũng hành động chung. Cho nhau xem vở ghi bài giảng, ăn trưa chung ở phòng ăn của đại học, trao đổi chuyện tương lai ở quán cà-phê giữa những giờ học, cùng làm thêm ở một chỗ, cùng đi xem chiếu bóng suốt đêm, cùng đi xem trình diễn nhạc Rock, cùng lang thang trên các đường phố Tokyo, hay cùng uống ở các quán bia cho đến lúc khó chịu trong người. Chuyện gì sinh viên đại học năm thứ nhất trên thế giới mà làm thì họ đều làm cả.

Sayoko sinh ra ở Asakusa, thân phụ kinh doanh một tiệm bán y phục Nhật Bản có tiếng tăm đã mấy đời, được giới tài tử nổi tiếng Kịch Cổ Kabuki yêu chuộng. Cô có hai người anh, một người sẽ nối nghiệp nhà, người kia đang làm việc thiết kế kiến trúc. Cô xong trung học ở Nữ học viện Anh Nhật Đông Dương, và vào khoa Văn của đại học Waseda. Tương lai sẽ vào Cao học ngành Văn và tiếp tục công việc nghiên cứu hậu đại học. Cô đọc sách nhiều, và thường trao đổi sách đã đọc với Junpei, nhiệt thành bàn luận với anh về tiểu thuyết. Cô có mái tóc đẹp và đôi mắt thông minh, nói chuyện thẳng thắn, ôn hoà nhưng là người cương quyết, biểu lộ trong vẻ miệng cười nói vẫn không dấu nét nghiêm trang. Lúc nào cũng ăn mặc không chưng diện, ít trang điểm, không phải là mẫu người đỏm dáng gợi chú ý một cách suồng sã. Cô có năng khiếu hài hước đặc biệt, khi nào nói đùa tế nhị thì thoáng hiện một vẻ mặt trêu ghẹo tinh anh. Junpei thích vẻ đẹp ấy, đoan quyết cô quả thật là người con gái mà mình tìm kiếm. Trước khi gặp Sayoko, anh chưa yêu ai. Học trường toàn con trai, anh ít khi có dịp gặp các cô.

Nhưng tình ý ấy Junpei chưa lần nào tỏ bày với cô. Chuyện ấy một khi nói ra thì không thể nào kéo lại được, rồi Sayoko có thể rời đi đến nơi nào tầm tay anh không với đến. Mà dù không thế đi nữa, thì cái quan hệ hiện thời rất thoải mái, rất quân bình, đã được lập nên giữa ba người, cũng sẽ bị tổn thương thế nào ấy. Junpei nghĩ tạm thời cứ như thế nầy thì tốt hơn, để từ từ xem sao.

Takatsuki đã hành động trước anh. “Chuyện nầy, đột ngột, đối mặt mà nói ra, thật tao khổ tâm lắm, nhưng mà tao đã yêu Sayoko mất rồi. Thế nào, mầy không sao chứ?”

Hắn ngỏ lời khoảng giữa tháng Chín. Takatsuki giải thích cho Junpei biết là trong khoảng Junpei về Kansai nghỉ hè thì do một duyên cớ ngẫu nhiên mà hai người đã chuyển qua quan hệ sâu đậm rồi. Junpei nhìn nét mặt bạn một hồi. Phải một lúc lâu anh mới lý giải được câu chuyện, và lý giải được xong thì lòng anh trĩu nặng như có khối chì buộc vào. Đã đến thế thì anh đâu còn gì để chọn lựa nữa? Junpei đáp:

“Có sao đâu”.

Takatsuki tươi cười mừng rỡ:

“Vậy thì tốt. Nghĩ đến mầy, tao hơi ngài ngại. Chẳng gì thì tụi mình cũng đã xây dựng được một quan hệ thân thiết, mà tao lại như xé lẻ ra. Nhưng mà nầy Junpei, chuyện nầy sớm muộn rồi cũng phải xảy ra, mầy hiểu cho tao như thế. Không xảy ra bây giờ, thì lúc nào khác, ở đâu đấy, lại cũng phải xảy ra thôi. Nhưng thôi chuyện đâu còn có đó, giữa chúng mình với nhau thì tao muốn cả ba vẫn cứ tiếp tục là bạn như cũ. Mầy đồng ý nhé?”

Mấy ngày sau, Junpei sống với cảm giác như người đang đi trên mây. Anh không đến lớp học, mà cũng chẳng đến chỗ làm thêm. Suốt ngày nằm lăn lóc trong căn phòng 6 chiếu[2], không ăn gì hơn chút thức ăn còn sót lại trong tủ lạnh, và khi nào nhớ đến thì lại lôi rượu ra uống. Junpei suy nghĩ nghiêm trọng chuyện bỏ học, dời đến một tỉnh lỵ nào thật xa, không ai quen biết, tìm một việc lao động chân tay nào đấy mà làm cho hết cuộc đời cô độc. Anh thấy như đấy là một đời thích hợp với anh trong hoàn cảnh nầy.

Ngày thứ năm từ khi anh không đến lớp, Sayoko tìm đến phòng trọ của Junpei. Cô mặc áo thun màu xanh biển, quần vải trắng, tóc cột cao lên phiá sau.

“Sao đã lâu không đi học thế? Ai cũng lo là nằm chết trong phòng hay sao chứ. Anh Kan mới bảo em đi thăm anh đây. Anh ấy sợ không dám nhìn người chết. Trông thế chứ có chỗ yếu bóng vía thế đấy”.

Junpei nói trong người không được khoẻ.

“Thảo nào trông anh gầy quá lắm”. Sayoko nhìn Junpei đăm đăm. “Em nấu chút gì cho anh ăn nhé?”

Junpei lắc đầu nói chẳng muốn ăn gì cả.

Sayoko mở tủ lạnh, nhìn vào bên trong rồi nhăn mặt. Trong tủ lạnh chỉ có hai lon bia, vài trái dưa leo đã héo, và bao-hút-hơi-ẩm, ngoài ra chẳng còn gì cả. Sayoko đến ngồi xuống bên cạnh Junpei.

“Nầy anh Junpei, nói sao nhỉ, chuyện anh Kan với em ấy mà, anh vì thế mà hờn giận chứ gì?”

Junpei nói không phải vì thế mà hờn giận gì đâu. Mà thật, anh đâu có nói dối. Anh không hờn ai mà cũng chẳng giận ai. Nếu có giận, thì anh chỉ giận chính mình thôi. Chuyện Takatsuki và Sayoko thành người yêu của nhau, là chuyện có phần đương nhiên phải thế. Cũng rất tự nhiên thôi. Takatsuki có tư cách ấy, anh không có.

“Nầy anh, chia đôi lon bia nhé?” Sayoko nói.

“Được thôi”.

Sayoko lấy lon bia từ tủ lạnh ra, rót vào hai ly, đưa một ly cho Junpei. Hai người im lặng uống bia. Sayoko nói:

“Chuyện nầy mà nói ra lời thì mắc cỡ lắm, nhưng mà em muốn từ nay về sau, vẫn mãi mãi là bạn tốt của Junpei. Không phải chỉ bây giờ thôi, mà cả khi lớn lên, già đi, cũng mãi mãi là bạn tốt. Em yêu Kan, nhưng mà ở phương diện khác, em cũng cần có Junpei. Nói thế nầy, anh có nghĩ là em ích kỷ quá không?”

Junpei không hiểu rõ lắm, nhưng anh vẫn lắc đầu. Sayoko nói tiếp:

“Hiểu một điều gì đấy, với chuyển được sang một hình thái mà mắt mình nhìn thấy được, là hai điều khác hẳn nhau. Nếu giỏi được cả hai việc ấy thì có lẽ sống dễ dàng hơn nhỉ”.

Junpei nhìn ngang thấy nửa khuôn mặt của Sayoko. Anh không hiểu Sayoko muốn truyền đạt đến anh điều gì. Tại sao mình chậm hiểu thế nhỉ? Anh ngẩng mặt nhìn lên trần nhà, lơ đãng ngắm vết loang trên trần một lúc rất lâu.

Giá mình nhanh hơn Takatsuki, tỏ tình trước với Sayoko thì sự thể không biết sẽ triển khai như thế nào nhỉ? Junpei hoàn toàn không tưởng tượng được; điều duy nhất anh hiểu được là chuyện anh tỏ tình trước ấy thì không thể nào xảy ra.

Hình như có tiếng nước mắt rơi xuống nền chiếu lót căn phòng, nghe có vẻ khoa trương thế nào ấy. Junpei chợt nghĩ không lẽ mình khóc lúc nào không hay chăng? Nhưng thật ra, người khóc là Sayoko, cô gục mặt vào giữa hai đầu gối, hai vai rung lên, khóc không ra tiếng. Trong vô thức, Junpei vươn tay ôm lấy vai Sayoko, kéo nhẹ cô về phía mình. Không có chút đề kháng nào. Anh vòng hai cánh tay ôm thân thể Sayoko, áp môi lên môi cô. Sayoko nhắm mắt lại, miệng mở nhẹ. Junpei ngửi thấy mùi nước mắt, anh hút hơi thở của cô từ giữa đôi môi. Ngực anh đón nhận cảm giác mềm mại của đôi vú Sayoko. Trong trí anh có cảm xúc của một biến chuyển lớn. Đến nỗi nghe có tiếng gì như bao nhiêu khớp xương trên đời nầy cùng kêu rắc.

Nhưng mà cũng chỉ có thế. Sayoko cúi mặt xuống, như lấy lại được ý thức, cô đẩy nhẹ thân thể anh ra.

“Không nên anh à”. Cô lắc đầu nhẹ, nói qua hơi thở. “Thế nầy không đúng đâu”.

Junpei xin lỗi. Sayoko không đáp. Hai người im lặng một hồi lâu. Theo gió vào cửa sổ mở rộng là tiếng máy nghe đài đang phát thanh một bản nhạc thịnh hành. Junpei nghĩ chắc là mình sẽ nhớ mãi bản nhạc nầy cho đến chết. Thật tế là ngay ngày hôm sau, dù có cố gắng cách mấy, anh cũng không thể nào nhớ lại được tên bản nhạc hay điệu nhạc ấy.

Sayoko nói:

“Anh không việc gì phải xin lỗi, có phải tại anh đâu”.

Junpei thành thật: “Có lẽ vì anh bấn loạn đấy”.

Sayoko vươn cánh tay, áp bàn tay lên bàn tay anh.

“Ngày mai đến trường hộ em nhé. Em chưa bao giờ có được người bạn như anh. Anh đã cho em nhiều thứ cần thiết. Anh hiểu cho em điều ấy nhé”.

“Nhưng mà, chỉ là thế thì không đủ”. Junpei nói.

“Không đâu”. Sayoko ôm mặt, nói như thất vọng. “Anh đừng nói thế”.

Junpei đến lớp trở lại từ ngày hôm sau. Bộ ba Junpei, Takatsuki và Sayoko lại tiếp tục duy trì quan hệ bạn thân trong suốt thời gian đại học. Lạ lùng thay, ý tưởng nhất thời của Junpei muốn trốn biệt đi nơi khác, đã tan biến đi nơi nào mất tiêu. Có lẽ do việc ôm hôn Sayoko trong phòng trọ, Junpei đã thu xếp thanh thoả được lòng mình, hay ít nhất thì cũng không còn phải băn khoăn nữa. Chuyện đã được quyết định rồi, cho dù người quyết định có là ai khác, không phải anh, cũng vậy thôi.

Có vài lần, Sayoko giới thiệu bạn cùng lớp thời trung học của cô cho Junpei, và 4 người hẹn hò từng cặp chung. Trong số đó có một cô, Junpei đã giao thiệp lâu dài và thể nghiệm giao hợp lần đầu tiên. Đó là khoảng gần sinh nhật 20 tuổi của anh. Nhưng mà lòng anh vẫn như ở nơi nào khác. Đối với bạn tình, Junpei luôn luôn tỏ ra nhã nhặn, tử tế, nhưng chưa lần nào nhiệt thành hay dâng hiến. Bạn tình của anh rồi cũng đành xa anh, đi tìm hơi ấm yêu đương ở nơi khác. Tình trạng ấy lặp lại vài lần như thế.

Tốt nghiệp đại học xong thì chuyện Junpei học khoa Văn chứ không phải khoa Thương mại không còn giấu được nữa, quan hệ giữa anh và bố mẹ trở nên tồi tệ. Bố anh bắt anh phải trở về Kansai nối nghiệp nhà, nhưng Junpei hoàn toàn không muốn thế, anh chỉ muốn ở lại Tokyo và tiếp tục viết tiểu thuyết. Không có khoảng nhân nhượng nào giữa hai bên, kết cuộc là một trận cãi vã kịch liệt. Những lời không nên nói đã vọt ra khỏi miệng. Từ đó, anh không gặp bố mẹ nữa. Anh nghĩ, tiếng là bố con, nhưng thật ra ngay từ đầu đã không hợp nhau rồi. Trái với em gái anh, giỏi thảo thuận với song thân, từ nhỏ Junpei khi có chuyện vẫn thường đối đầu với bố mẹ. Đoạn tuyệt rồi đây, anh cười chua chát. Cứ như là chuyện đời của các văn sĩ thời Đại Chính[3]ngày trước.

Junpei không xin việc ở các sở công tư, anh làm thêm chút đỉnh để sống sót mà viết tiểu thuyết. Dạo ấy, cứ mỗi lần viết xong tác phẩm nào, anh lại đưa cho Sayoko nhờ đọc và phê bình thẳng thắn, rồi theo lời cô mà sửa chữa lại. Thận trọng sửa chữa nhiều lần cho đến khi Sayoko bảo được rồi mới thôi. Trong chuyện viết tiểu thuyết, Junpei không có thầy mà cũng không có bạn, những ý kiến của Sayoko là đóm sáng soi đường duy nhất mà anh có được.

Truyện ngắn anh viết năm 24 tuổi đã được giải thưởng Tác giả Mới của một tạp chí văn nghệ và được đề cử tranh giải Akutagawa. Rồi trong vòng 5 năm, tổng cộng 4 lần anh được đề cử tranh giải Akutagawa. Đó là một thành tích khả quan, nhưng kết cuộc, anh không đoạt giải, chung quy vẫn là ứng viên sáng giá mà thôi. Lời bình tiêu biểu của các ban giám khảo là: “Một tác giả mới, ở tuổi nầy mà đã có chất lượng văn chương cao, diễn tả tình cảnh, diễn tả tâm lý có phần đặc sắc, rất tiếc là có khuynh hướng hay bị cuốn trôi theo cảm tính hoài niệm, thiếu tính mới mẻ tân kỳ, thiếu triển vọng trong lãnh vực tiểu thuyết”.

Takatsuki đọc các lời bình ấy thì bật cười: “Các bố nầy đầu óc lệch lạc cả rồi. Triển vọng trong lãnh vực tiểu thuyết là cái quái gì? Người trưởng thành bình thường không ai dùng lối nói như thế. Có bao giờ nghe ai nói: ”Món bò nhúng giấm hôm nay thiếu triển vọng trong lãnh vực thịt bò” đâu?”

Gần 30 tuổi, Junpei xuất bản được 2 tuyển tập truyện ngắn, tập đầu là “Bóng ngựa trong mưa” bán được 10 ngàn cuốn, tập thứ hai là “Quả nho”, 12 ngàn cuốn. Người đảm đương biên tập cho biết đó là những con số khả quan cho tuyển tập truyện ngắn của một tác giả mới về văn học thuần túy. Các bài phê bình sách của anh từ các nhật báo và tạp chí nói chung là có cảm tình, nhưng không tán thưởng nhiệt tình cho lắm.

Truyện ngắn anh viết chủ yếu là về diễn tiến của những mối tình không thành tựu giữa thanh niên nam nữ, kết cuộc thường bi thảm, có phần nào tình cảm sướt mướt. Ai cũng khen là viết hay, nhưng hiển thiên là đi lệch ra ngoài trào lưu văn học thời thượng. Văn phong của anh có vẻ trữ tình, cốt truyện thì cổ phong. Giới người đọc cùng thế hệ với anh thông thường thì lại thích phong cách và đề tài mới mẻ, cuồng bạo hơn. Dù gì cũng đã là thời đại của máy tính và nhạc Rap rồi.

Người biên tập khuyên anh viết thử truyện dài xem sao. Viết nhiều truyện ngắn quá thì không tránh khỏi lặp lại đề tài, mà thế giới tiểu thuyết cũng vì thế mà bị hạn hẹp. Lắm khi đổi sang tiểu thuyết trường thiên lại mở ra được thế giới mới hơn. Xét trên mặt thực tế thì truyện dài vẫn lôi cuốn người đọc hơn là truyện ngắn. Nếu đã định tâm chọn sáng tác văn chương làm nghề nghiệp lâu dài mà chỉ viết truyện ngắn không thôi thì rất khó sống.

Nhưng có vẻ Junpei bẩm sinh là người viết truyện ngắn. Tự nhốt mình trong phòng, bỏ mặc các thứ tạp dịch không động đến, dồn hết hơi sức mình viết một hơi trong cô độc khoảng 3 ngày thì xong bản sơ thảo. Rồi sửa chữa, tu bổ trong vòng 4 ngày để hoàn tất bản thảo. Sau đó, nhờ Sayoko hay người biên tập đọc và cho ý kiến, dựa theo đó mà sửa đi sửa lại nhiều lần. Nhưng mà cơ bản thì đối với truyện ngắn, thời gian một tuần đầu tiên vẫn là giai đoạn quyết định. Những điều quan trọng đều được thêm bớt, quyết định trong khoảng thời gian đó. Công việc và cách làm như thế thích hợp với tâm tính của Junpei. Tập trung triệt để trong một thời gian ngắn, hình ảnh và từ ngữ kết tinh trong thời gian đó. Còn viết truyện dài thì luôn luôn Junpei cảm thấy khổ sở hơn. Trong khoảng vài tháng hay suốt cả năm, làm thế nào để duy trì sự tập trung ý thức sáng tác ấy được? Anh vẫn chưa nắm được cái nhịp viết như thế. Cũng đã có vài lần viết thử truyện dài, nhưng lần nào cũng phải bỏ cuộc nửa chừng, anh đành thôi. Anh nghĩ dù muốn dù không, cũng phải tiếp tục viết truyện ngắn mà sống thôi. Mà đấy là phong cách của anh, có cố gắng cách mấy cũng không thành được một phong cách nào khác. Giống như trong thể thao, một chân thủ-bị giỏi bẩm sinh không thể trở thành một chân tấn công giỏi được.

Junpei quen với sinh hoạt độc thân đơn giản nên không cần nhiều chi phí sinh sống. Hễ giữ trước được đủ để sống thì anh không lấy thêm việc nữa. Anh nuôi một con mèo tam thể lặng lẽ, và chọn bạn gái ít đòi hỏi, đến lúc thấy gò bó quá thì gặp dịp là chia tay. Thỉnh thoảng, khoảng mỗi tháng một lần, anh đang ngủ bỗng mở mắt dậy vào những giờ giấc lạ thường và cảm thấy bất an vô cùng. Anh nhận thức rằng dù mình có vùng vẫy cách mấy đi nữa cũng chẳng đi đến đâu. Những lúc như thế, anh chỉ còn cách ngồi vào bàn, cắm cúi làm việc, hay uống rượu liên tu cho đến khi không còn đứng dậy được. Ngoài chuyện ấy ra, đời sống của anh không có gì phải thất vọng.

Takatsuki thì được nhận vào làm cho một nhật báo hàng đầu, đúng như sở nguyện. Không học hành gì mấy nên thành tích chẳng có gì đáng chú ý, nhưng lúc vào phỏng vấn đã tạo được ấn tượng tốt vượt bực, đến nỗi được nhận ngay tức khắc. Sayoko cũng vào được khoá trình Cao học như ý cô. Hai người kết hôn nửa năm sau khi tốt nghiệp đại học. Đám cưới vui nhộn, náo nhiệt thật đúng với tâm tính Takatsuki. Trăng mật là một chuyến du lịch Pháp. Đúng như người ta nói: mọi chuyện thuận buồm xuôi gió. Hai người mua một căn chung cư hai phòng ngủ rộng rãi ở Koenji. Junpei tuần hai ba lần đến đấy chơi, ăn cơm tối. Đôi vợ chồng son ấy thật lòng mừng đón Junpei đến chơi. Có khi thay vì chỉ hai vợ chồng với nhau, có thêm Junpei mà lại có vẻ thoải mái hơn.

Takatsuki vui thích công việc ký giả nhật báo. Ngay từ đầu được đưa vào làm ở bộ môn Sự kiện xã hội, bay nhảy từ hiện trường nầy đến hiện trường khác, thấy tận mắt rất nhiều xác chết. Hắn nói nhờ vậy mà bây giờ thấy xác người chết chẳng còn có cảm giác gì. Những xác người nát nhừ vì xe cán, những xác đen thui vì chết cháy, những xác lâu ngày thối rữa, những xác chết đuối chương sình, những xác văng đầu lòi óc vì đạn súng, những xác đầu tay bị cắt rời vì cưa máy. Hắn hay nói: “Lúc sống thì còn có ít nhiều khác biệt, chứ chết rồi thì xác nào cũng như xác nào, chỉ là mớ thịt xương xài xong vất đi thôi”. Lắm lần hắn vì quá bận công việc mà không về được trước khi mặt trời mọc. Những lần đó, Sayoko hay gọi điện thoại cho Junpei. Cô biết là Junpei luôn luôn thức đến sáng.

“Anh có bận không? Nói chuyện được không?”

“Được chứ. Có bận gì đâu”. Junpei luôn luôn trả lời như thế.

Hai người nói với nhau chuyện sách mới đọc, hay những chuyện xảy ra trong đời sống hàng ngày. Rồi những chuyện ngày xưa, thời mà cả ba người còn trẻ, bê tha, muốn gì làm nấy. Tương lai thế nào thì không nói đến. Mà lần nào cũng thế, chuyện trò một hồi, thế nào Junpei cũng hồi tưởng lại lúc anh ôm hôn Sayoko. Cảm giác trơn ướt của đôi môi, mùi vị nước mắt, đôi vú mềm mại áp vào ngực anh, vẫn còn vương lại quanh anh như vừa mới xảy ra ngay đây. Mắt anh như thấy lại được cả ánh nắng đầu thu trong vắt rọi lên tấm chiếu lót sàn phòng.

Không lâu sau tuổi 30, Sayoko mang thai. Lúc ấy, đang là trợ giảng ở đại học, cô xin nghỉ hộ sản, và sinh một bé gái. Ba người tìm tên đặt cho cháu bé, cuối cùng tên “Sara” do Junpei đề nghị đã được chọn. Sayoko thích tên Sara vì có âm hưởng rất hay. Đêm Sayoko sinh hạ an toàn xong, Takatsuki và Junpei trở về căn chung cư. Lâu lắm rồi mới vắng Sayoko để hai người bạn đối mặt uống rượu. Bên chiếc bàn ăn trong phòng bếp, hai người uống cạn chai rượu mạch-nha thuần chủng mà Junpei đã mang lại mừng.

“Sao mà thời gian qua nhanh như chớp thế nầy được nhỉ”. Takatsuki nói, có vẻ cảm khái sâu sắc, khác với thường ngày. “Cảm thấy như mới hôm nào đây thôi, tao bắt đầu vào đại học. Rồi gặp mầy, rồi gặp Sayoko. Vậy mà ngoảnh lại thì đã có con rồi, tao trở thành một ông bố. Cứ như là đang xem một cuốn phim quay thật nhanh, cảm thấy lạ lùng, không thực. Nhưng mà mầy thì không cảm thấy được như thế đâu nhỉ. Mầy vẫn sống đời sinh viên nối dài mà. Mầy làm tao ganh tỵ quá thể”.

“Có là thứ gì để mầy phải ganh tỵ đâu”.

Nhưng Junpei cũng hiểu được tâm trạng Takatsuki. Sayoko đã trở thành một người mẹ mất rồi. Ngay đối với Junpei cũng là một sự thực kinh hoàng. Anh xác nhận điều ấy như thể bánh xe răng cưa khổng lồ của đời sống đã nhích lên một bước khẳng định bằng tiếng kêu rắc khô khan, không thể nào lui lại chỗ cũ được nữa. Có điều Junpei chưa hiểu anh phải cảm khái như thế nào mới thích đáng với bước thay đổi dứt khoát ấy.

“Bây giờ thì tao nói được điều nầy với mầy. Tao nghĩ là từ đầu Sayoko đã hướng về mầy hơn”. Takatsuki nói, có vẻ đã say lắm, nhưng ánh mắt nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

“Mầy lại đùa đấy nhé”. Junpei cười, nói.

“Không đùa đâu, tao hiểu mà, dù mầy đã không hiểu được như thế. Mầy quả thật đã viết được những văn chương đẹp đẽ, cảm động lòng người, nhưng mà về tâm tình phụ nữ thì mầy không nhạy cảm chút nào, còn tệ hơn cái xác chết trôi nữa đấy. Mà có thế nào cũng mặc, tao đã yêu Sayoko và không ai thay thế được cô ấy, cho nên không thể không chiếm lấy cô ấy. Ngay cả bây giờ, tao cũng cho rằng Sayoko là người đàn bà tuyệt vời nhất trên thế gian nầy, và tao có quyền chiếm hữu người đàn bà ấy”.

“Có ai phản đối mầy đâu?” Junpei nói.

Takatsuki gật đầu:

“Nhưng mà, mầy đúng là vẫn chưa hiểu. Bởi vì mầy là thằng ngốc hết thuốc chữa. Ừ, mà mầy là thằng ngốc cũng chả sao. Chẳng tệ hại gì lắm. Nhất là mầy đã là bố đỡ đầu của con gái tao”.

“Dẫu thế đi nữa, đến chuyện quan trọng thì tao không hiểu gì ráo, có phải thế không?”

“Đúng phóc, đến chuyện quan trọng thì mầy không hiểu gì ráo. Hoàn toàn mù tịt. Thế mà mầy lại viết tiểu thuyết được thì lạ thật”.

“Chắc tiểu thuyết thì khác”.

“Có làm sao đi nữa, thì bây giờ bọn mình đã thành 4 người rồi”. Takatsuki nói như thở dài. “Mà thế nào đây, bốn người có phải là một con số đúng không đây?”

2

Junpei biết quan hệ giữa Takatsuki và Sayoko đã đi đến chỗ đổ vỡ vào khoảng gần sinh nhật hai tuổi của bé Sara. Sayoko đã thổ lộ với anh, có vẻ như hối lỗi. Ngay từ thời kỳ Sayoko có mang, Takatsuki đã có tình nhân, đến bây giờ thì hầu như Takatsuki không về nhà nữa. Tình nhân của Takatsuki là người làm cùng sở. Tuy nhiên, dù Sayoko có cố gắng giải thích cụ thể thế nào đi nữa, Junpei vẫn không thể lý giải được. Tại sao Takatsuki lại đến phải có nhân tình? Ngay cái đêm cháu Sara sinh ra, chẳng phải chính Takatsuki đã quả quyết rằng Sayoko là người đàn bà tuyệt vời nhất trên thế gian nầy, đấy sao? Những lời nói như phát ra từ đáy lòng ấy? Vả lại, Takatsuki thương con mình hết lòng kia mà. Thế sao đến nỗi Takatsuki bỏ phế gia đình như thế? Junpei nói:

“Anh vẫn đến nhà, dùng bữa chung với gia đình em hoài, có phải thế không nào? Anh hoàn toàn chẳng thấy có triệu chứng gì để đến nỗi thế. Trước mắt anh là một gia đình hạnh phúc đến hoàn toàn kia mà”.

“Thì đúng như anh thấy đấy chứ”. Sayoko nói, mỉm cười hiền hòa. “Không có gì là dối trá, đóng kịch cả đâu. Nhưng đấy là chuyện khác. Thực tế là bây giờ anh ấy có nhân tình, không thể trở lại như cũ được nữa. Cho nên tụi em định chia tay. Nhưng mà anh đừng quá lo lắng làm gì, em nghĩ thế là tốt nhất cho cả hai, về mọi mặt”.

Cô bảo: về mọi mặt! Junpei nghĩ thầm, thế giới nầy đầy cả những lời nói thật khó hiểu.

Vài tháng sau, Takatsuki và Sayoko chính thức ly hôn. Giữa hai người đã có những thoả thuận pháp lý, hoàn toàn không có gì trắc trở. Không có chuyện xâu xé nhau hay chủ trương nào đối nghịch nhau. Takatsuki dọn ra sống chung với nhân tình, bé Sara ở với mẹ. Mỗi tuần một lần, Takatsuki đến Koenji thăm con. Những lần như thế, mặc nhiên ai cũng muốn có mặt cả Junpei. Sayoko bảo Junpei như thế thì hai người được thoải mái hơn. Thoải mái hơn thật sao? Junpei thấy mình như già đi thật nhiều hơn tuổi thật 33 của anh.

Bé Sara gọi Takatsuki là bố và Junpei là “chú Jun”. Bốn người tạo thành một mô hình gia đình hơi khác thường. Gặp nhau thì Takatsuki vẫn như thường lệ, lúc nào cũng nói nhiều một cách vui thích, hứng thú, mà Sayoko cũng ứng xử tự nhiên như không có gì xảy ra. Trong mắt Junpei, cô ứng xử có vẻ còn tự nhiên hơn cả ngày trước nữa. Cháu Sara chưa hiểu được rằng bố mẹ cháu đã ly dị. Junpei thì vẫn chẳng có tư cách gì đặc biệt, anh chỉ đóng trọn vai trò được giao phó. Ba người lại nói đùa với nhau hay nhắc lại chuyện xưa, như trước. Junpei chỉ lý giải được sự thực rằng đây là sinh hoạt không có không được cho nhóm ba người.

“Nầy Junpei”. Takatsuki nói, trên đường về, một đêm tháng Giêng, trời lạnh, hơi thở thành khói trắng. “Mầy có đám nào định cưới chưa?”

“Chẳng có đám nào cả”. Junpei đáp.

“Có người yêu chắc chắn lâu dài nào không?”

“Có ai đâu”.

“Thế, mầy không muốn kết hợp với Sayoko sao?”

Junpei như lóa mắt trong ánh sáng choáng ngợp, anh nhìn mặt Takatsuki, hỏi:

“Sao mầy nói thế?”

“Sao là sao?” Chính Takatsuki lại tỏ vẻ ngạc nhiên. “Còn sao nữa, phải thế chứ khác được à? Trước nhất, tao không muốn ai ngoài mầy trở thành bố của Sara cả”.

“Chỉ vì thế mà mầy bảo tao kết hôn với Sayoko à?”

Takatsuki thở dài, vòng tay vạm vỡ ôm lấy vai Junpei.

“Bộ mầy không muốn kết hôn với Sayoko sao? Mầy không thích dùng nước nhì của tao, phải thế không?”

“Không phải thế. Tao chỉ thấy vướng mắc chuyện có vẻ như là đổi chác như thế có nên không, mà thôi. Vấn đề là như thế có đàng hoàng không?”

“Chuyện nầy không phải là đổi chác, mà cũng chẳng có gì là không đàng hoàng”. Takatsuki nói. “Mầy yêu Sayoko, phải thế không? Và mầy cũng thương Sara nữa. Đúng không? Đấy chẳng phải là điều quan trọng nhất thì là gì? Có thể là mầy có cái lề lối phức tạp của mầy. Điều đó tao hiểu. Nhưng mà tao thấy như mầy đang mặc nguyên quần dài mà cố cởi quần lót ra đấy”.

Junpei chẳng đáp lại lời nào. Takatsuki cũng lặng thinh. Takatsuki lặng thinh được lâu như thế là chuyện lạ. Hai người thở ra những khói trắng, sánh vai đi về phía nhà ga.

Cuối cùng Junpei nói:

“Nói thế nào đi nữa thì mầy cũng là thằng vô lại ngu xuẩn”.

“Ừ, nói thế mà đúng đấy”. Takatsuki gật đầu. “Thật không sai, không cãi vào đâu được. Chính tao đã tự tay vất bỏ đời tao. Nhưng mà Junpei nầy, tao không làm sao khác được. Mà cũng chẳng làm sao cản được chuyện đã xảy ra. Tao cũng không hiểu sao nó lại xảy ra như thế, và cũng không thể biện giải gì được. Chuyện phải xảy ra thì xảy ra, không bây giờ thì cũng xảy ra vào lúc khác thôi”.

Junpei nghĩ thầm: mình đã nghe bài bản ấy từ trước rồi.

“Đêm sinh cháu Sara, mầy đã nói với tao Sayoko là người đàn bà tuyệt vời nhất trên thế gian nầy, mầy có nhớ không? Những là, người đàn bà không ai thay thế được, kia đấy”.

“Thì bây giờ cũng vẫn thế. Tao nghĩ điều ấy thì không có gì thay đổi. Nhưng cũng chính vì thế mà không song suốt được, vẫn là chuyện thường có trên đời nầy đấy chứ”.

“Mầy có nói thế, tao cũng chẳng hiểu được”.

“Mầy thì vĩnh viễn không thể hiểu được đâu”. Takatsuki nói, lắc đầu. Bao giờ hắn cũng là người nói được lời cuối.

Hai người ly dị đã được hai năm. Sayoko không trở lại làm việc ở đại học nữa. Junpei nhờ người biên tập quen giới thiệu việc dịch sách cho Sayoko và cô làm rất được việc. Cô vốn có khiếu về ngôn ngữ và cũng giỏi viết văn. Công việc làm nhanh chóng, cẩn thận, thu nhận ý kiến rất giỏi. Người biên tập rất cảm phục khả năng làm việc của cô nên tháng sau đó, đã mang đến cho cô một lô công việc dịch thuật về văn nghệ. Tiền công dịch không cao, nhưng góp chung với chi cấp sinh hoạt Takatsuki gửi đến thì đủ cho cô và Sara sống thoải mái.

Ba người vẫn như trước, tuần một lần họp nhau dùng bữa tối với Sara. Khi nào Takatsuki bận việc khẩn cấp thì Junpei, Sayoko và Sara ăn tối với nhau. Mà thiếu Takatsuki thì lập tức bàn ăn yên lặng, có một vẻ bình thường kỳ lạ. Người không quen hẳn tin rằng đấy là một gia đình thật sự đúng nghĩa. Junpei tiếp tục công việc sáng tác truyện ngắn một cách âm thầm mà chắc chắn. Tuyển tập truyện ngắn thứ tư, năm anh 35 tuổi, là “Vầng trăng trầm mặc” đã được giải thưởng văn học dành cho tác giả thành danh, rồi được viết thành truyện phim. Khi không viết truyện ngắn thì anh viết bài bình luận âm nhạc, về trang trí vườn hoa, và dịch những tuyển tập truyện ngắn của John Updike. Tất cả đều được giới phê bình tán thưởng. Anh xác định được một văn phong độc đáo, viết thành văn giản dị mà có sức thuyết phục mạnh những vang vọng sâu thẳm của âm thanh, những hoà hợp vi diệu của màu sắc ánh sáng. Lớp độc giả yêu chuộng văn anh ngày càng dày thêm, thu nhập cũng an định hơn, anh dần dần đặt được những bước vững chắc trong sự nghiệp của một tác giả.

Junpei tiếp tục suy nghĩ nghiêm túc về việc kết hôn với Sayoko. Vài lần suy nghĩ suốt đêm, đến sáng vẫn không chợp mắt được. Có thời kỳ đã suy nghĩ đến nỗi hầu như không làm việc gì được. Thế mà vẫn không quyết tâm được. Anh nghĩ rằng quan hệ giữa anh và Sayoko, từ nguyên thủy đến nay vẫn nhất quán là do bàn tay người nào khác quyết định. Anh luôn luôn giữ vai trò thụ động. Kéo anh và Sayoko lại với nhau là Takatsuki. Takatsuki đã chọn hai người từ rất đông sinh viên cùng lớp, để lập thành nhóm ba người. Rồi cũng Takatsuki đã chiếm Sayoko, kết hôn với cô, sinh con, và ly dị với cô. Và bây giờ, lại khuyến khích anh kết hôn với Sayoko. Tất nhiên là Junpei yêu Sayoko, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Bây giờ là cơ hội tuyệt hảo để kết hợp với cô. Hẳn là Sayoko sẽ không từ chối lời cầu hôn của anh. Anh hiểu điều ấy. Nhưng có vẻ tuyệt hảo quá chăng? Anh không sao tránh được cảm giác ấy. Quá tuyệt hảo như thế thì còn có gì là quyết định của chính anh nữa?

Anh tiếp tục bối rối, không quyết tâm được. Đúng lúc ấy, trận động đất Kobe xảy ra. Ngay lúc động đất thì Junpei đang ở Spain. Anh đang tìm kiếm tài liệu ở Barcelona để viết bài cho tờ-báo-đọc-trên-máy-bay của hãng hàng không. Chiều tối về khách sạn bật máy truyền hình lên thì những hình ảnh đường sá trong thành phố bị băng lỡ, khói đen ngùn ngụt bốc lên, đã hiện ra trước mắt anh. Không khác gì cảnh thành phố bị dội bom. Tin tức bằng tiếng Tây Ban Nha nên lúc đầu Junpei không biết là động đất ở thành phố nào, nhưng anh đã đoán ra được là thành phố Kobe, vì những phong cảnh quen thuộc đập vào mắt anh. Đường cao tốc bị lỡ, rơi xuống kia có vẻ là khoảng Ashiya. Người phụ trách quay phim hỏi:

“Anh Junpei xuất thân ở vùng Kobe, phải không anh?”

“Đúng đấy”. Anh đáp.

Nhưng anh đã không điện thoại về nhà. Xung khắc giữa bố mẹ và anh đã quá sâu và kéo dài, có lẽ không còn khả năng hàn gắn lại được. Junpei lên máy bay trở về Tokyo, cứ thế trở lại sinh hoạt bình thường của anh. Truyền hình không mở, mà báo chí cũng ít đọc. Hễ nghe nói đến động đất là im bặt. Như thứ gì vang vọng trở lại từ một quá khứ đã chôn lấp đi từ thuở nào xa xưa lắm. Từ khi xong đại học, anh chưa đặt chân trở lại nơi ấy lần nào nữa. Mặc dù thế, phong cảnh hoang phế hiện lên trên khung hình đã làm bật máu tươi những vết thương tưởng đã chôn kín trong lòng anh. Có vẻ như trận thiên tai chết người khổng lồ ấy đã âm thầm chuyển đổi đời sống của anh, làm đảo lộn sinh hoạt của anh từ căn bản. Junpei cảm nhận một nỗi cô đơn sâu thẳm chưa từng có. Anh thấy mình bơ vơ không gốc rễ, không bám víu vào đâu cả.

Tảng sáng chủ nhật hẹn cùng đi xem gấu ở Sở Thú, Takatsuki gọi điện thoại đến bảo là có việc phải bay ngay xuống Okinawa. Tỉnh trưởng ở đấy đã chấp thuận cuộc phỏng vấn đặc biệt trong vòng một giờ, do đó không thể bỏ qua mà đi Sở Thú với Sara được. “Mà tớ không đi thì các cụ gấu ấy cũng chả buồn đâu.”

Junpei và Sayoko dắt Sara đi Sở Thú Ueno. Junpei bồng Sara lên cho cháu xem mấy con gấu.

“Đấy có phải là chú gấu Masakichi không?” Sara hỏi, tay chỉ vào con gấu to nhất, màu lông đen tuyền.

“Không phải đâu. Masakichi nhỏ hơn, và mặt mày khôn lanh hơn kia. Gấu nầy là con gấu hung dữ Tonkichi đấy”.

“Gấu Tonkichi ơi”. Sara hướng về phía con gấu, gọi tên nó vài lần. Con gấu không để ý. Sara nhìn Junpei.

“Chú Jun kể chuyện gấu Tonkichi đi”.

“Khó đấy. Nói thực chứ, gấu Tonkichi thì chẳng có chuyện gì hay ho để kể. Tonkichi là gấu thường như các gấu khác, không biết nói tiếng người mà cũng không biết tính tiền như gấu Masakichi đâu”.

“Nhưng mà Tonkichi thế nào cũng phải có chỗ giỏi chứ chú?”

“Ừ, cũng đúng thế thật”. Junpei nói. “Cháu nói đúng đấy. Gấu có tầm thường đến mấy đi nữa, thế nào cũng phải có chỗ giỏi chứ. À, chú nhớ ra rồi. Gấu Tonchiki nầy …”

“Tonchiki nào đâu, Tonkichi chứ”. Sara sửa ngay chỗ sai.

“Ấy, xin lỗi. Gấu Tonkichi nầy chỉ có bắt cá hồi là giỏi. Cứ nấp sau tảng đá giữa dòng sông, đánh tách một cái là bắt ngay được một con cá hồi. Trò nầy thì nếu thân mình không thật nhanh nhẹn thì không làm được đâu nhé. Tonkichi tuy đầu óc không được sáng sủa lắm mà vẫn bắt được nhiều cá hồi hơn bất cứ gấu nào khác trên núi nầy đấy. Nhưng gấu Tonkichi không biết tiếng người ta nên không mang cá hồi dư xuống làng mà bán cho ai được”.

“Có gì khó đâu”. Sara nói. “Có dư cá hồi thì cứ đổi cho Masakichi lấy mật ong là xong chứ gì. Masakichi dư mật ong ăn không hết đấy thôi”.

“Đúng đấy. Đúng thế đấy. Tonkichi cũng nghĩ như Sara. Hai chú gấu từ đấy cứ trao đổi cá hồi và mật ong cho nhau, nhờ thế mà càng ngày càng quen biết nhau thêm. Quen biết nhau rồi thì hiểu ra là Masakichi không phải là đứa làm bộ làm tịch đáng bị tẩy chay, mà Tonkichi cũng không phải chỉ là đứa hung dữ mà ai cũng phải sợ. Hai chú gấu ấy trở thành đôi bạn thân, gặp nhau là nói đủ thứ chuyện, trao đổi cho nhau những điều hiểu biết, và nói đùa với nhau thân thiết. Tonkichi gắng sức bắt cá hồi còn Masakichi gắng sức lấy mật ong. Nhưng rồi, một hôm, đất bằng nổi sóng, cá hồi biến mất khỏi dòng sông …”

“Đất bằng nổi cái gì hả chú?”

“Đất bằng nổi sóng. Nghĩa là thình lình xảy ra”. Sayoko giải thích.

“Thế nghĩa là thình lình mà sông hết cá hồi đấy nhỉ”. Sara có vẻ buồn tiếc. “Tại sao thế chú?”

“Là vì tất cả cá hồi trên thế giới đã họp nhau lại mà quyết định là sẽ thôi không về khoảng sông ấy nữa, bởi vì có gấu Tonkichi bắt được nhiều cá hồi ở đấy. Từ đấy, Tonkichi không còn bắt được con cá hồi nào cả. Thỉnh thoảng bắt được chú ếch gầy tong làm được một bữa ăn là đã sang lắm rồi. Nhưng mà trên đời nầy không có gì dở bằng thịt ếch gầy tong …”

“Tội nghiệp chú gấu Tonkichi quá há”. Sara than.

“Thế rồi người ta gửi chú gấu Tonkichi đến Sở thú nầy đấy nhỉ?” Sayoko hỏi.

“Chuyện đến đấy cũng còn dài lắm”. Junpei nói, hắng giọng. “Nhưng mà cơ bản là đúng thế đấy”.

“Thế Masakichi thấy Tonkichi khó khăn mà không giúp gì sao?” Sara hỏi.

“Masakichi cũng muốn giúp Tonkichi chứ. Phải thế chứ, bạn thân mà. Bạn thân là phải giúp nhau khi khó khăn. Masakichi chia phần mật cho Tonkichi mà không lấy một xu nào. Nhưng Tonkichi nói: “Tớ không thể nhận cậu giúp thế được, hóa ra tớ ỷ lại vào lòng tốt của cậu quá, không nên”. Masakichi nói: “Chỗ bạn thân, cậu không nên khách sáo như thế. Nếu tớ gặp khó khăn, thì cậu sẽ giúp tớ như thế chứ gì, phải thế không?”“

“Đúng thế đấy”. Sara gật đầu mạnh bạo.

“Nhưng mà, quan hệ như thế thì không kéo dài được”. Sayoko nói.

“Phải, quan hệ như thế thì không kéo dài được”. Junpei nói. “Tonkichi mới bảo rằng: “Tớ với cậu nên là bạn thôi. Một đằng chỉ cho thôi, một đằng chỉ nhận thôi, thì không phải là bạn thật đâu. Thôi, tớ sẽ xuống núi đây, Masakichi ạ. Tớ sẽ đi tìm một chỗ mới để thử thách mình một lần nữa. Sau nầy nếu gặp lại được cậu ở đâu đấy, thì mình sẽ lại là bạn thân của nhau”. Thế rồi hai chú gấu bắt tay nhau mà chia tay. Trên đường xuống núi, chú gấu ngây thơ Tonkichi ấy đã bị thợ săn giăng bẫy bắt được. Tonkichi mất tự do, bị gửi đến Sở Thú”.

“Tội nghiệp Tonkichi”. Sara than.

“Có cách nào hay hơn không?” Sayoko hỏi. “Làm sao cho tất cả sống hạnh phúc với nhau”.

Junpei nói:

“Cách nào đó thì chưa nghĩ ra được”.

Tối chủ nhật ấy, ba người trở về căn chung cư ở Koenji ăn tối như thường lệ. Sayoko vừa ậm ừ hát trong miệng điệu nhạc “Trout” vừa luộc mì ống Ý, và giải đông hộp nước xốt cà chua, trong lúc Junpei làm món xà lách đậu ve và hành tây. Hai người mở chai rượu vang trắng, mỗi người uống một ly, còn Sara uống nước cam. Dọn dẹp chén đĩa xong, Junpei lại đọc truyện tranh cho Sara nghe. Đọc xong thì đến giờ Sara phải đi ngủ nhưng cháu vẫn chưa chịu đi ngủ. Nó bảo mẹ:

“Mẹ ơi, mẹ làm trò tháo nịt ngực đi”.

Sayoko đỏ mặt:

“Con hay nhỉ. Có chú Jun là khách ở đây mà đòi thế à?”

“Trò gì thế?”. Junpei hỏi.

“Trò chơi nhảm của cháu ấy mà”. Sayoko trả lời.

Sara kể lể:

“Mặc áo nguyên thế, chỉ cần một tay mà tháo được nịt ngực ra để lên bàn, rồi mặc vào lại. Lúc nào cũng phải có một tay đặt lên bàn đấy. Và đo giờ xem mất bao lâu. Mẹ làm giỏi lắm kia đấy”.

“Cái cô bé nầy”. Sayoko nói, lắc đầu. “Trò nghịch ngợm trong nhà đấy mà. Thế mà cô bé nầy lại đem đi nói tung ra thế, thật khổ quá”.

“Nghe có vẻ thú vị đấy chứ”. Junpei nói.

“Con van mẹ đấy. Mẹ làm đi cho chú Jun xem. Một lần thôi cũng được. Mẹ làm chóng đi rồi Sara vào phòng ngủ ngay cho mà xem”.

“Khổ thật”. Sayoko nói. Cô tháo đồng hồ đeo tay bằng số ra đưa cho Sara. “Con đã nói thế thì xong là phải đi ngủ ngay đấy nhé. Rồi, một hai ba là bắt đầu làm, nhớ đo giờ đấy”.

Sayoko đang mặc một chiếc áo len cổ tròn khổ rộng màu đen. Cô đặt hai bàn tay lên bàn và đếm “Một, hai, ba”. Trước tiên, tay phải như cái đầu con rùa thụt lút vào trong ống tay áo len, vòng ra sau như gãi lưng, nghe có tiếng “tách” như khoá nịt ngực được mở. Xong tay phải lại thò ra, đặt lên bàn. Đến phiên tay trái thụt lút vào trong ống tay áo, cổ quay lại một chút, tay trái lại thò ra khỏi ống tay áo len, nơi bàn tay trái là chiếc nịt ngực nhỏ màu trắng. Nhanh thật nhanh. Chiếc nịt ngực nhỏ không có viền dây thép ấy lại biến mất trong ống tay áo len, tay trái lại thò ra, bàn tay đặt lên bàn. Lại đến phiên tay phải thụt vào trong áo, mò mẫm gì đấy phía sau lưng, rồi tay phải lại thò ra, bàn tay đặt lên bàn. Chấm dứt trò chơi.

“ 25 giây”. Sara tuyên bố. “Mẹ lập kỷ lục mới, nhanh khiếp. Lần trước nhanh nhất là 36 giây đấy”.

Junpei vỗ tay tán thưởng.

“Hay quá. Cứ như là xiếc ấy”.

Sara cũng vỗ tay theo. Sayoko đứng lên nói:

“Nào, hết giờ diễn trò rồi. Con đi ngủ đi. Đã hứa rồi đấy nhé”.

Sara ghé hôn lên má Junpei trước khi đi ngủ.

Chờ cho Sara ngủ say xong, Sayoko trở lại phòng khách ngồi, tự thú với Junpei:

“Thật ra, em ăn gian đấy”.

“Ăn gian gì kia?”

“Nịt ngực có mặc vào đâu. Vờ mặc vào thế thôi, chứ thật ra là buông rơi từ tay áo len xuống sàn rồi”.

Junpei bật cười: “Bà mẹ nầy hư quá”.

“Phải thế mới lập kỷ lục được chứ”. Sayoko nheo mắt cười.

Đã lâu lắm rồi, cô mới khoe vẻ mặt tươi cười hồn nhiên đến như thế. Như màn cửa sổ đang xao động theo gió, trục thời gian trong lòng Junpei cũng xao động theo. Junpei vươn cánh tay đặt bàn tay lên vai Sayoko. Cô bóp nhẹ bàn tay anh. Hai người ôm lấy nhau nằm xuống ghế dài. Vòng tay tự nhiên ôm lấy thân thể nhau, đôi môi quấn quít. Tưởng như từ cái đêm thuở 19 ấy đến nay vẫn không có gì thay đổi. Môi Sayoko vẫn có mùi hương ngọt ngào đêm ấy.

“Hai đứa mình đáng lẽ phải như thế nầy ngay từ đầu kia đấy”. Sayoko thầm thì bên tai anh khi hai người đã chuyển sang giường trong phòng ngủ. “Nhưng em không biết ý anh như thế nào. Hoàn toàn không biết. Cho đến khi cá hồi đã biến mất trên sông”.

Hai người trần truồng, ôm nhau dịu dàng. Vụng về sờ sẫm khắp những vùng thân thể của người yêu như đôi thiếu niên thiếu nữ trong lần giao hợp đầu tiên trong đời. Xác nhận nhau một hồi thật lâu xong, Junpei nhẹ nhàng vào trong Sayoko. Cô đón nhận anh như mời gọi vào sâu thêm. Junpei không nghĩ là chuyện thật đang xảy ra. Anh như đang bước đi trong ánh sáng mờ nhạt trên một chiếc cầu vắng không có bóng người, kéo dài miên man không dứt. Junpei chuyển động thân mình đến đâu, Sayoko đáp ứng đến đấy. Vài lần đã muốn xuất tinh nhưng Junpei gắng kềm lại được. Anh sợ rằng khi đã xuất tinh thì giấc mộng sẽ dứt, tất cả sẽ tan biến đi.

Lúc ấy, có tiếng động nhẹ phía sau lưng anh. Cửa phòng ngủ mở nhẹ ra. Ánh đèn ngoài hành lang men theo cạnh cửa chiếu lên tấm khăn trải giường xô lệch. Junpei nhướng người lên, quay nhìn phía sau thì thấy Sara đang đứng che khuất vùng ánh sáng. Sayoko nín thở, dời lưng, rút Junpei ra khỏi người cô. Cô kéo tấm khăn trải giường lên che ngực, đưa tay vuốt tóc xõa xuống mặt.

Sara không khóc mà cũng không la hét gì, chỉ đứng đấy, bàn tay phải nắm chặt tay nắm cửa, nhìn về phía hai người. Nhưng thực ra, nó không nhìn ai cả, mắt nhìn đâu đâu vào khoảng không nào đấy.

“Sara”. Sayoko gọi.

“Ông ấy bảo con đến đây đấy”. Sara nói, giọng uể oải như người vừa bị giật đứt ra khỏi cơn mộng mị.

“Ông nào?” Sayoko hỏi.

“Ông động đất ấy”. Sara đáp. “ Ông động đất đến đánh thức Sara dậy, bảo nói với mẹ đi. Nói ông ấy mở cửa hòm sẵn cho mọi người rồi đấy. Cứ nói thế là mẹ hiểu”.

Đêm ấy, Sara ngủ trên giường của Sayoko. Junpei mang mền gối ra nằm ở ghế dài phòng khách. Anh không ngủ được. Trước ghế dài là máy truyền hình. Anh nhìn khung hình chết ấy một hồi lâu. Trong sâu thẳm ấy có bọn chúng, anh hiểu được điều đó. Bọn chúng mở sẵn cửa hòm, chờ đợi. Anh nghe lạnh xương sống, cơn lạnh kéo dài suốt đêm không dứt.

Chịu, không ngủ được, anh vào bếp pha cà-phê. Khi ngồi vào bàn uống cà-phê, chân anh chạm vào vật gì cồm cộm rơi trên sàn. Chiếc nịt ngực của Sayoko. Vẫn nằm đấy từ lúc diễn trò. Anh nhặt lên, vắt vào lưng ghế. Món đồ lót màu trắng giản dị, không trang điểm, vô thức, kích thước chẳng là bao. Mắc vào lưng ghế phòng ăn như thế trong bóng đêm sắp tàn, nó có vẻ như người chứng không tên đi lạc vào đây từ một thời khắc quá khứ xa xưa.

Anh nhớ lại chuyện thời mới vào đại học. Tai anh văng vẳng tiếng gọi của Takatsuki khi mới gặp mặt nhau trong lớp học đầu tiên. “Nầy, đi ăn chung đi”. Giọng nói nồng ấm, trên mặt nở một nụ cười dễ thương quen thuộc như muốn nói: “Nào, thế giới từ nay sẽ tốt đẹp lên nhanh chóng đấy”. Ngày ấy, không biết chúng mình đã ăn gì ở đâu thế nhỉ? Anh không sao nhớ ra được tuy chắc chắn đấy là điều chẳng có gì quan trọng.

“Tại sao lại rủ tao đi ăn mà không rủ người khác?” Junpei lúc ấy đã hỏi thế. Takatsuki mỉm cười, ngón tay trỏ chỉ vào thái-dương của mình, nói với vẻ tự tín:

“Tao có tài riêng là ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cũng tìm ra được bạn thật sự đúng nghĩa của mình”.

Takatsuki đã không lầm, Junpei nghĩ thế. Anh đặt chiếc cốc cà-phê xuống trước mặt. Đúng là Takatsuki có tài tìm ra bạn thật sự đúng nghĩa. Nhưng mà chỉ thế thôi thì không đủ. Tìm được bạn thật sự đúng nghĩa là một chuyện, mà yêu thương được một người nào đó suốt chiều dài cuộc đời, lại là một chuyện khác. Anh nhắm mắt lại, suy nghĩ về khoảng thời gian thật dài đã trôi qua trong tâm hồn mình. Anh không muốn đấy chỉ là sự hao mòn không có ý nghĩa. Trời sáng ra, Sayoko thức dậy thì anh sẽ cầu hôn ngay. Anh quyết tâm như thế, không còn rối trí gì nữa, không thể bỏ phí một phút nào nữa.

Junpei rón rén mở cửa phòng ngủ không một tiếng động, ngắm hình dáng Sayoko và Sara cuộn mình ngủ ngon trong chăn đắp. Sara nằm ngủ quay lưng về phía mẹ, vòng tay Sayoko ôm nhẹ vai con. Junpei sờ lên mái tóc Sayoko đang buông dài trên gối, rồi chạm nhẹ đầu ngón tay lên chiếc má nhỏ hồng hào của Sara. Hai người vẫn ngủ yên không động đậy. Junpei ngồi trên tấm thảm lót sàn bên cạnh giường, tựa lưng vào tường, canh chừng cho hai người ngủ yên.

Junpei nhìn cây kim đồng hồ treo tường, vừa nghĩ đến phần tiếp của câu chuyện kể cho Sara. Chuyện hai con gấu Masakichi và Tonkichi. Trước tiên, phải tìm ra lối thoát cho câu chuyện, không thể để cho Tonkichi bị gửi đến Sở Thú một cách vô cớ như thế được. Phải có chút gì có hậu ở đấy mới được. Junpei dõi theo câu chuyện một lần nữa, ngay từ chỗ bắt đầu. Thế rồi, từ chỗ hỗn mang nảy ra một ý nở mầm trong trí anh, từng tí từng tí một, hình thành một hình dạng cụ thể.

Tonkichi nghĩ ra chuyện nướng bánh mật ong, dùng mật ong mà Masakichi đã lấy được. Tập làm bánh ấy một lúc, Tonkichi biết rằng mình có tài năng làm được thứ bánh mật ong nướng dòn, ngon ngọt. Masakichi đem bánh mật ong xuống thôn xóm bán cho người ta. Ai cũng thích bánh mật ong nên bán chạy như tôm tươi. Nhờ thế, Masakichi và Tonkichi không phải xa nhau nữa, hai bạn thân tiếp tục sống trong núi đời sống hạnh phúc, từ đấy mãi mãi về sau.”

Sara nhất định sẽ mừng với cái kết cuộc mới ấy. Có lẽ Sayoko cũng thế. Junpei nghĩ anh sẽ viết tiểu thuyết khác hẳn trước. Anh sẽ viết về con người khắc khoải trong giấc mơ được thấy người người yêu thương nhau, ôm chặt lấy những người mình yêu thương trong ánh sáng chan hòa khắp nơi của buổi bình minh. Còn bây giờ thì bắt đầu ngay từ đây, anh phải bảo vệ cho hai người nữ mà anh yêu thương. Dù bọn kia là ai đi nữa, anh cũng không để cho chúng nhốt ai vào hòm một cách tức tưởi vô lý thế. Cho dù trời có sập xuống. Cho dù đất có nổ tung mà nứt ra chăng nữa.

Phạm Vũ Thịnh dịch

Sydney 01/04

Chú thích:

[1] 200 Yen, khoảng 2 Mỹ kim.

[2] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.

[3] Đại Chính – Taisho 1912 – 1926: niên hiệu của Thiên Hoàng thứ 123 của Nhật, Yoshihito. Kế tiếp là Chiêu Hoà – Showa 1926 – 1989, Hirohito, và hiện nay là Bình Thành – Heisei, Akihito, từ 1989.

Truyện ngắn “Hachimitsu Pai”, là truyện thứ 6 và cuối cùng trong tập truyện “Sau Cơn Ðộng Ðất“ dịch từ nguyên tác của Murakami Haruki, từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 5 năm 2006.

Cầu mong sau thảm hoạ động đất & sóng thần & nguy cơ phóng xạ kinh hoàng tháng 3 năm 2011 ở vùng đông bắc, người Nhật và nước Nhật sớm hồi phục trong lạc quan và hạnh phúc.


[1] 200 Yen, khoảng 2 Mỹ kim.

[2] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.

[3] Đại Chính – Taisho 1912 – 1926: niên hiệu của Thiên Hoàng thứ 123 của Nhật, Yoshihito. Kế tiếp là Chiêu Hoà – Showa 1926 – 1989, Hirohito, và hiện nay là Bình Thành – Heisei, Akihito, từ 1989.

Đánh giá

Leave a Comment