Các nhà nghiên cứu chưa chắc lắm liệu biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến cho mùa bão toàn cầu kéo dài hơn hay khốc liệt hơn như thế nào, nhưng họ chắc chắn về một điều: ấm lên toàn cầu đang làm thay đổi những cơn bão.
Giới khoa học nói rằng nhiều độ bề mặt Đại Tây Dương quá ấm sẽ khiến bão gia tăng cường độ. “Dường như biến đổi khí hậu góp phần làm đại dương ấm lên.” James P. Kossin, chuyên gia khí hậu của Viện Khí tượng Thủy văn Hoa Kỳ cho hay. “Biến đổi khí hậu đang điều khiển những cơn bão theo một số hướng cụ thể”.
Những hướng ấy là:
1. Gió mạnh hơn
Các nhà khoa học rất đồng thuận với nhau rằng bão đang mỗi lúc một mạnh hơn.
Bão là hiện tượng thời tiết phức tạp, nhưng một trong số các chỉ số quyết định cường độ bão đó là nhiệt đồ mặt biển. Nhiệt độ này đang ấm lên, cung cấp nhiều năng lượng hơn cho những cơn bão, khiến chúng mạnh hơn.
“Cường độ bão đang gia tăng,” Kerry Emanuel, giáo sư khí tượng tại Viện Công nghệ Massachusetts nói. “Chúng tôi đã dự báo điều này 30 năm trước, và giờ nó đang thành sự thật.”
Gió mạnh hơn thì sức công phá mạnh hơn, thổi bay đường dây điện, tốc mái, triều dâng, ngập lụt.
“Dù cho bão không thay đổi thì lốc xoáy cũng xuất hiện trên mực nước biển dâng cao,” Ts. Emanuel nói. Ông lấy thành phố New York làm dẫn chứng, nơi có mực nước biển đã dâng cao khoảng 1 foot trong một thế kỷ qua: “Nếu lốc xoáy Sandy xảy ra năm 1912 thay vì 20112 thì có lẽ nó sẽ không gây ngập lụt cả vùng Hạ Manhanttan.”
2. Mưa nhiều hơn
Sự ấm lên cũng làm tăng lượng hơi nước vào khí quyển. Ta biết rằng nhiệt độ cứ tăng 1OC thì khí quyển sẽ trữ thêm 7% lượng nước.
Tức là, những cơn bão trong tương lai sẽ giải phóng lượng nước lớn hơn.
3. Bão lâu hơn
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tại sao các cơn bão đang di chuyển chậm hơn, tức là kéo dài lâu hơn, nhưng quả thật là vậy. Một số cho rằng hiện tượng này một phần có thể là do luồng luân chuyển không khí toàn cầu bị chậm lại, hay nói cách khác, gió đang thổi chậm lại.
Trong một tài liệu năm 2018, Ts. Kossin viết rằng bão trên đất Mỹ đã chậm lại 17% so với năm 1947. Kết hợp với lượng mưa gia tăng, các cơn bão đã làm tăng 25% lượng mưa ở Mỹ.
Chậm hơn, ướt át hơn, các cơn bão đang gây ra những trận lũ tồi tệ hơn. Ts.Kossin ví von rằng hiện tượng này như kiểu bạn cầm một cái vòi nước đi xung quanh sân nhà bạn. Nếu bạn bước nhanh thì nước khó có cơ hội đọng lại, nhưng nếu bạn bước chậm thì chắc chắn lượng nước tưới lên sân sẽ cao hơn nhiều.
Tìm hiểu về Biến Đổi Khí Hậu với Lightway:
Nhiệt độ toàn cầu được đo đạc và xử lý thế nào?
Nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb) và điều kiện sống của con người
Hậu quả tương lai của Biến Đổi Khí Hậu là không thể tránh khỏi
4. Bão có độ phủ rộng hơn
Vì nước biển ấm lên cấp thêm năng lượng cho bão, nên ta có thể nói rằng biến đổi thời tiết đang làm phình to quy mô của mỗi cơn bão.
“Các cơn bão nhiệt đới đang đi ra khỏi vùng nhiệt đới, tiến về vùng hạ nhiệt đới và những vùng vĩ tuyến giữa.” Ts.kossin nhấn mạnh. Tức là bão đang tiến lên những vĩ độ cao hơn, như nước Mỹ và Nhật.
5. Khốc liệt hơn
Vì khí hậu ấm lên, bão sẽ tăng cường độ. Tuy chưa lý giải được tại sao, nhưng điều đó là hiển nhiên theo như quan sát thực tế.
Năm 2017, Ts.Emanuel viết rằng các cơn bão đang gia tăng cường độ mau chóng – có những cơn bão với tốc độ gió tăng một phát lên 113km/h khi chỉ còn cách đất liền 24 tiếng. Hiện tượng như vậy trước đây chỉ xảy ra 100 năm 1 lần, nhưng tỉ lệ này hiện này là 5 đến 10 năm 1 lần.
“Đó quả là ác mộng,” Ts.Emanuel nói. Nếu một cơn bão nhiệt đới, hay bão Cấp 1 phát triển thành bão cấp 4 chỉ trong một đêm, “thì ta không có thời gian di tản dân chúng.”
Phân loại cường độ bão
Bão được phân loại cường độ dựa theo sức gió của nó, theo thang đo Simpson Hurricane Scale. Thang đo này được phát triển bởi Herb Saffir, một kiến trúc sư, và Bob Simpson, một nhà khí tượng.
Theo đó thì bão chia làm 5 cấp như sau:
- Bão cấp 1: sức gió từ 74 dặm/giờ – 95 dặm/giờ (m.p.h) (119-153 km/h)
- Bão cấp 2: 96 – 110 m.p.h (154-177 km/h)
- Bão cấp 3: 111 – 129 m.p.h (178-208 km/h)
- Bão cấp 4: 130 – 156 m.p.h (209-251 km/h)
- Bão cấp 5: sức gió từ 157 m.p.h trở lên (từ 252 km/h trở lên)
Từ cấp 3 trở lên được coi là bão lớn.
Dựa vào cấp độ bão mà người ta sẽ dự kiến mức độ công phá và thiệt hại mà nó gây ra trên đường đi, và thông báo cho dân chúng biết.
Chẳng hạn bão cấp 2 có khả năng tốc mái, bật gốc cây nhỏ, và làm cúp điện diện rộng trong nhiều ngày.
Bão cấp 5 thì có thể “gây tàn phá khủng khiếp”. Gió của bão cấp 5 có thể phá hủy nhà cửa, quật đổ cây cối và đường dây điện, làm cúp điện diện rộng trong vài tuần đến vài tháng.
Những mối nguy hiểm của bão
Vì cấp bão chỉ dựa theo sức gió nên không tính tới các yếu tố khác.
“Gió chỉ là một trong bốn mối nguy hiểm của bão” Ts.Michel Brennan, giám đốc Trung Tâm Bão Quốc Gia, cho hay. “Ngoài ra còn có mưa lớn, ngập lụt, triều cường do bão, lốc xoáy, lũ quét.”
Các mối nguy hiểm khác có thể xảy ra sau khi bão càn qua một khu vực.
Chẳng hạn khi mất điện, người dân sẽ sử dụng máy phát để cấp điện. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì có thể dẫn đến ngộ độc carbon monoxide.
Nhớ rằng, ngay cả một cơn bão cấp 1, hay thậm chí là bão nhiệt đới yếu hơn, cũng có thể gây hại nghiêm trọng. Bão nhiệt đới có sức gió từ 39-73 m.p.h (62.76-117.48 km/h), nếu tăng thêm 1 dặm lên 74 m.p.h nó sẽ thành bão cấp 1.
“Khác biệt giữa một cơn bão nhiệt đới mạnh, với sức gió tối đa là 70 m.p.h, và bão cấp 1 là rất nhỏ,” Ts.Brennan nói. “Rất khó phân biệt khoảng cách 1 m.ph, hay thậm chí 5 m.p.h”
Kim Lưu dịch từ New York Times