Minh Thư
Năm 1968, sau khi thực hiện cuộc ghép tim đầu tiên tại châu Âu, GS. Cabrol đã trình bày cuộc phẫu thuật trong một cuộc họp báo
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi tối tháng 12 năm 1956 tại Bệnh viện đại học Minneapolis ở Mỹ. Màn đêm đã buông xuống trên khu nội trú phủ đầy tuyết và hoang vắng trải dọc bên bờ sông Mississippi. Dưới tầng hầm, trong phòng phẫu thuật, hai nhà phẫu thuật trẻ tuổi đang làm việc trong im lặng, chăm chú theo dõi cuộc thí nghiệm mà họ đang tiến hành trên một con chó. Đằng sau họ, một cỗ máy lạ lùng vừa mới được Walton Lillehei, một trong những người khai sinh ngành phẫu thuật tim mở, lắp đặt. Hai tĩnh mạch chủ của con vật vốn có nhiệm vụ đưa máu về tim, nay được nối vào cỗ máy này và đưa máu trực tiếp vào động mạch chủ ở lối ra của tim nhờ một hệ thống bơm tạo oxy tài tình. Cánh cửa ra vào xịch mở. Nhưng hai nhà phẫu thuật Christian Cabrol và Christian Barnard vẫn mải miết theo dõi cuộc thí nghiệm nên gần như không nghe thấy “Các anh đang làm gì vậy?” – giọng nói vui vẻ của một nhà phẫu thuật trẻ người Mỹ đột ngột cắt lên. Hai người thí nghiệm trả lời: “Ghép tim”, nhưng không ngẩng đầu lên. “Thế hả? Tốt lắm!”, người Mỹ đáp lại trước khi rời đi. Đó là Norman Shumway.
Lúc ban đầu, những nhân vật quan trọng luôn hoài nghi
Giáo sư Cabrol kể lại: “Cũng như chúng tôi, Norman Shumway đã đến Min neapolis để học ngành phẫu thuật tim”. 10 năm sau đó, Cabrol là tác giả của một cuộc ghép tim người đầu tiên tại châu Âu, nhưng vẫn không giấu sự thán phục của mình đối với con người mà 50 năm sau ông vẫn xem như thầy của mình. Đó chính là vì chính Norman Shumway là người đề xuất việc ghép tim. Vào năm 1958, Norman Shumway rời Minneapolis để tới Đại học Stanford ở California. Tại đây, ông không chỉ hoàn thiện máy tuần hoàn máu ngoài cơ thể, mà còn áp dụng hệ thống làm lạnh tim nữa. Từ một kỹ thuật cổ điển trong việc phẫu thuật tim, hệ thống này cho phép tăng thời gian phẫu thuật cơ tim mà cho tới thời kỳ đó chỉ giới hạn trong khoảng vài phút. Cùng với phụ tá của mình là Richard Lower, Norman Shumway đã thành công trong việc làm cho những quả tim chó ngừng đập rồi làm cho đập lại, đồng thời ông cũng thành công trong việc tách những quả tim đó ra rồi gắn lại như cũ.
Giáo sư Christian Cabrol giải thích: “Trái tim thường co bóp trung bình mỗi phút 100 lần, là bộ cơ bắp duy nhất của cơ thể có hệ kích thích riêng và có thể tự đập” Còn về kỹ thuật may (khâu) mạch máu, việc cần thiết để may các động mạch chủ, động mạch phổi và 6 tĩnh mạch vành (2 tĩnh mạch chủ và 4 tĩnh mạch phổi) vốn nối trái tim với cơ thể, thì đã được áp dụng thuần thục từ nhiều năm trước đó nhờ một kỹ thuật do bác sĩ người Lyon (Pháp) là Alexis Carrel nghĩ ra, và ông đã được trao giải Nobel y học vào năm 1912. Về sau, vào tháng 10 năm 1960, Richard Lower đã giới thiệu những kết quả đầu tiên của họ tại hội nghị thường niên của các nhà phẫu thuật Mỹ. Nhưng các nhà phẫu thuật nói chung vẫn thờ ơ, hoặc gần như thế. Giáo sư Cabrol thừa nhận: “Thật ra, đây không phải là một cuộc ghép tim thật sự, bởi vì chẳng có việc thay tim nào cả. Và đó chính là điều cần làm”. Hai nhà phẫu thuật lại bắt đầu công việc, nhưng lần này họ thay tim giữa những con chó, tuy nhiên chúng chỉ sống thêm được có vài ngày.
Những kinh nghiệm trong việc ghép tim đã giúp chúng tôi
Giáo sư Cabrol giải thích: “Những con chó trong cuộc thí nghiệm này là nạn nhân của hiện tượng đào thải. Các bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại mọi vật thể xâm nhập từ bên ngoài. Chúng phát hiện ra các tế bào lạ mặt và hủy diệt chúng, và chúng không thể phân biệt được vi khuẩn hoặc virus với các bộ phận ghép”. Và lối thoát đã đến từ việc ghép thận. Nhà phẫu thuật người Pháp nhớ lại: “Vào năm 1952 tại Paris, nhóm của giáo sư Jean Hamburger đã ghép cho cậu bé Marius Renard một quả thận của mẹ cậu, vì quả thận duy nhất của em đã bị hủy hoại vì một tai nạn. Cậu bé sống thêm được hơn 3 tuần lễ.”. Thành công đầu tiên này rất quan trọng vì nó gợi cho người ta nghĩ đến vai trò của một số yếu tố di truyền. Bác sĩ Jean Hamburger, rồi hai nhà phẫu thuật người Pháp khác là René Kuss và Marcell Legrain đã chứng minh rằng, những bộ phận ghép sẽ được cơ thể chấp nhận có cùng một nhóm máu. Đồng thời, các nhà nghiên cứu này cũng thí nghiệm nhiều phương pháp để làm yếu phản ứng đào thải của cơ thể: các loại thuốc corticoides (chất cortisone) vào năm 1950, tia X vào năm 1955, và nhất là các phương pháp điều trị chống đào thải (thuốc ức chế miễn dịch) vào năm 1960. Các loại thuốc ức chế miễn dịch đã được dùng cho cuộc ghép thận đầu tiên nơi con người. Thành công này đã thúc đẩy Lower và Shumway theo đuổi những thí nghiệm của mình, và cuối cùng, vào năm 1965, đã kéo dài được những ngày sống thêm của những con chó được ghép tim. Thành quả này đã gây chú ý cho các cựu đồng nghiệp của họ tại Minneapolis và những vị này đã lần lượt bắt đầu những cuộc ghép tim tại quê hương họ vào năm 1967. Trong năm này, Christian Cabrol đã trở thành nhà phẫu thuật tại bệnh viện Pitié Salpêtrière, và Christian Barnard, nhà phẫu thuật tại bệnh viện Groote Shur, tại Cap, ở Nam Phi.
Đọc thêm:
Bái Hỏa Giáo và văn hóa Ba Tư cổ đại
Khái quát văn minh và lịch sử Do Thái
Băm Lăm con dê – Con dê trong văn hóa và ẩm thực người Việt
Tôn giáo và văn hóa của người Do Thái
Cần phải phạm vào một điều cấm kỵ thiêng liêng
Giáo sư Cabrol kể lại: “Kỹ thuật áp dụng cho chó đã được sử dụng thành thạo, nhưng cần phải vượt qua một trở ngại để áp dụng cho con người. Hồi đó, không ai dám vi phạm một điều cấm kỵ là lấy tim người này để ghép cho người kia”. Và chính Christian Barnard là người đã quyết định lao vào cuộc mạo hiểm khi quay trở lại Nam Phi. Cơ hội đã đến với ông vào ngày 3.12.1967, khi Denise Darvall, một cô gái 25 tuổi, chết vì tai nạn. Thế là ông ghép tim của cô cho Louis – Washkansky, một người đàn ông 53 tuổi, và ông này sông thêm được 18 ngày, sau đó qua đời vì bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn. Giáo sư Cabrol nhớ lại: “Tin này có một tác động tức thời lên các nhóm ‘ phẫu thuật tim trên thế giới”. Vài tuần sau, Norman Shumway đã trở thành người Mỹ đầu tiên thực hiện một cuộc ghép tim cho người.
Vào ngày 27.4.1968, tại Paris, đến lượt Christian Cabrol đạt được thành tích này khi ghép tim cho Clovis Roblain, một người đàn ông 66 tuổi. Giáo sư Cabroi viết trong một cuốn sách hồi ký xuất bản vào năm 1999: “Tôi nhớ rất rõ những giai đoạn khác nhau của cuộc phẫu thuật này, nhưng nhớ nhất là khi lấy quả tim của Clovis Roblain ra. Đó là một quả tim to tướng, hầu như không còn đập nữa. Khi chúng tôi đặt quả tim mà tôi vừa tách ra, một quả tim bình thường chỉ to hơn hai nắm tay của tôi chập lại, vào trong khoang chứa tim quá rộng mà trước đó đã chứa quả tim của Clovis Roblain, chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ không thể thành công vì nó
quá mất cân đối”.
Cảm nghĩ là đã thực hiện một sự kiện lịch sử
Thế nhưng, khi tất cả đã yên vị, những mũi khâu đã hoàn tất, đã đến lúc làm cho trái tim đập trở lại. Chúng tôi dùng máy điều hòa nhịp tim để phóng một xung điện và nhịp tim đập trở lại. Khi đó, tôi nhớ lại phản xạ của Barnard sau cuộc ghép tim đầu tiên của ông: “Không thể tin được, tim đập rồi kìa!”. Clovis Roblain qua đời sau đó 2 ngày 5 giờ vì chứng nghẽn mạch phổi. Giáo sư Christian Cabrol tiếc nuối: “Chúng tôi đã không thể làm được gì cả”. Vào cái đêm đáng nhớ 27.4.1968 đó, ông đã đến bên bệnh nhân để báo cho ông ta biết rằng đã có một trái tim dành cho Cuộc ông – nhà phẫu thuật kể lại. Ông ta hỏi tôi: “Có rồi hả?”. “Vâng”. Thế là ông ta nói với tôi: “Hãy ghép cho tôi đi, vì dẫu sao tôi cũng chịu đau đớn quá nhiều rồi!” Cả hai chúng tôi đều có cảm nghĩ như đang làm một điều gì đó có tính cách lịch sử”. Thực tế là kể từ đó, các cuộc phẫu thuật cứ gia tăng: chỉ trong năm 1968 thôi đã có 102 cuộc ghép tim được thực hiện. Tuy kỹ thuật về phẫu thuật đang ở đỉnh cao, nhưng lòng nhiệt tình lại nhanh chóng suy sụp. Giáo sư Cabrol xót xa nói: “Đa số những người được ghép tim đều sớm qua đời. Những người may mắn nhất cũng chỉ sống thêm được 18 tháng”. Trong số những bệnh nhân được ghép tim vào năm 1968, chỉ có Emmanuelle Vitria là đạt kỷ lục sống lâu nhất khi mang quả tim mới trong mình được 18 năm. Trên hàng ghế bị cáo vẫn luôn luôn là: sự đào thải của cơ thể.
Phép lạ của các loại thuốc chống đào thải
Vào đầu những năm 80, khắp thế giới chỉ còn lại 3 nhóm tiếp tục theo đuổi cuộc phiêu lưu, đó là các nhóm của 3 nhà tiên phong: Christian Barnard, Norman Shumway và Christian Cabrol. “Phải làm sao đây để giúp đỡ những bệnh nhân mà niềm hy vọng sống sót duy nhất của họ là ghép tim”, đó là nhận định của nhà phẫu thuật người Pháp, người đã nhận thấy rằng, vào thời điểm đó, ông đã giúp cho người ta được chết nhiều hơn là được sống. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của ông đã được đền đáp. Ông nhớ lại: “Bác sĩ Shumway đã có được những kết quả xem ra tốt hơn những kết quả của chúng tôi. Khi quan sát kỹ những toa thuốc của ông, tôi đã khám phá ra một loại thuốc mà tôi chưa biết đến: thuốc ciclosporine”. Cabrol liền liên lạc với Norman, và người đồng nghiệp Mỹ này bảo phải thử nghiệm một loại thuốc chống đào thải mới. Ông phải mất gần 1 năm mới được phòng thí nghiệm nhượng lại cho ông phương pháp điều trị phi thường này, vì phòng thí nghiệm muốn đợi có những kết quả của nhóm nghiên cứu bên Mỹ đã rồi mới đồng ý cho ông sử dụng loại thuốc này. Giáo sư Cabrol kết luận: “Các kết quả rất ngoạn mục, bệnh nhân không còn chết nữa!”. Khi đó, các trung tâm phẫu thuật tim lớn mới bắt đầu lại việc ghép tim. Hiện tượng đào thải vốn làm cho biết bao nhà phẫu thuật nghi ngại và tưởng như đã bị bỏ cuộc, thì nay đã được chế ngự. Cuối cùng, việc ghép tim đã trở thành một thành tựu y khoa vĩ đại. y Từ khi 3 nhà tiên phong trong việc ghép tim gặp nhau, vào một buổi tối tháng 12.1956 tại Minneapolis đến nay, Christiaan Barnard là người được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất. Ông đã ngưng làm việc vào năm 1983 vì bệnh viêm khớp. Còn Norman Shumway thì trở thành trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực và tim tại Bệnh viện Stanford vào năm 1974, và ông đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 1992. Norman Shumway đã thực hiện cuộc ghép tim – phổi đầu tiên trên thế giới vào năm 1981.
Chỉ còn một trở ngại là thiếu tim để ghép
Còn về Christian Cabrol, ông thành lập khoa phẫu thuật tim tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière và điều hành từ năm 1972 đến năm 1990. Ông đã tích lũy nhiều sự kiện đầu tiên tại châu Âu (cuộc ghép tim đầu tiên vào năm 1968, cuộc ghép phổi đầu tiên vào năm 1982), trên thế giới (cuộc ghép thận đầu tiên vào năm 1984) và tại Pháp (cuộc ghép tim nhân tạo đầu tiên vào năm 1986). Hiện nay, nhà phẫu thuật này đang vận động cho việc hiến tặng bộ phận cơ thể. “Vấn đề chủ yếu của việc ghép tim không nằm ở kỹ thuật phẫu thuật, cũng không nằm ở sự kiểm soát việc đào thải, mà là ở việc thiếu tim để ghép”. Mỗi năm có từ 250 đến 300 quả tim được ghép tại Pháp, trong khi số người cần được ghép lại từ 500 đến 600. Đây là một thách thức mới…
Học tiếng Anh với Lightway:
Những lưu ý quan trọng khi viết writing task 1 thi IELTS
Tính tách rời và không thể tách rời của ngữ động từ (phrasal verbs)
Tính chất giống (giới-gender) của danh từ tiếng Anh
Sử dụng of, more và less với lượng từ tiếng Anh
Những hướng đi cho tương lai
Vấn đề số 1 của các trung tâm cấy ghép vẫn là việc thiếu tim để ghép. Vì vậy, điều thiết yếu là phải nghiên cứu những giải pháp mới. Và một trong những giải pháp đó là việc ghép tim thú vật cho người. Những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên lẽ ra đã được thực hiện bằng tim heo đã được biến đổi di truyền, nhưng đã bị chậm lại vì vấn đề bò điên và những nguy cơ tiềm ẩn của việc lây bệnh thú vật cho con người. Một giải pháp khác là chế tạo tim nhân tạo. Lúc ban đầu, tim nhân tạo được nghĩ ra để duy trì sự sống của bệnh nhân trong khi chờ đợi được ghép tim, nhưng hệ thống này có những mặt hạn chế làm chậm lại việc phát triển nó, đó là tuổi thọ của pin và sự hình thành những cục máu đông gây ra những tai biến ở não bộ. Cuối cùng là liệu pháp di truyền. Các tế bào tim không có một chút khả năng tái sinh nào. Do đó mà nảy sinh ý tưởng tách tế bào gốc của tủy xương hoặc của tế bào cơ bắp và cấy ghép chúng vào tim. Nhiều cuộc thử nghiệm đang được tiến hành, nhưng hiệu quả của chúng vẫn chưa được khẳng định.
Những năm đáng nhớ
* Năm 1912: Bác sĩ Alexis Carrel nhận giải Nobel y học cho kỹ thuật may mạch máu, giai đoạn đầu tiên của mọi cuộc cấy
ghép bộ phận cơ thể (Pháp).
* Năm 1953: Cuộc phẫu thuật tim đầu tiên thành công nhờ có máy tim phổi nhân tạo (Mỹ).
* Năm 1958: Xác định được những nhóm bạch cầu HLA, nguyên nhân gây ra hiện tượng đào thải (Pháp).
* Năm 1959: Cuộc ghép tim cho chó đầu tiên (Mỹ).
* Năm 1960: Bắt đầu sử dụng thuốc chống đào thải.
* Năm 1967: Cuộc ghép tim cho người đầu tiên (Nam Phi).
* Năm 1969: Cuộc ghép tim nhân tạo đầu tiên (Mỹ).
* Năm 1980: Bắt đầu sử dụng thuốc ciclosporine (Mỹ).
* Năm 1981: Cuộc ghép tim-phổi thành công đầu tiên (Mỹ).
* Năm 1984: Cuộc ghép tim-thận đầu tiên thành công (Pháp), cuộc ghép tim khỉ đầu chó cho một bé gái đầu tiên (Mỹ).
* Năm 1997: Cuộc ghép tim-phổi thận đầu tiên thành công (Pháp). * Năm 2001: Cuộc ghép tim nhân tạo tự hành đầu tiên (Mỹ).
(Theo Top Santé)