Hiệp sĩ dòng Đền là tên gọi tắt của dòng tu Các Chiến hữu Nghèo của Chúa Kitô và Đền Solomon (tiếng Latinh: paupers commilitones Christi Templique Solomonici), một trong những dòng tu lớn nhất thời đó. Đây còn được coi là đội quân thiện chiến bậc nhứt trong lịch sử chiến tranh thế giới, đồng thời là đội quân chịu nhiều oan ức nhứt từng được biết tới.
Lược sử dòng Đền
Trước tiên, ta có cuộc Thập Tự Chinh thứ 1 (diễn ra từ 1095-1099, do Đức Giáo tông Urban II phát động nhằm chiếm lại Đất Thánh). Godfrey xứ Bouillon, làm lễ ở Nhà thờ Mộ Thánh. Baldwin trở thành vị vua đầu tiên của Jerusalem, trị vì năm 1100. Nhưng giữ Đất Thánh là 1 chuyện, chinh phục phần còn lại của Palestine lại là chuyện khác. Người Hồi suy yếu nhưng vẫn còn đó.
Và rồi năm 1118, dưới triều Baldwin II, 9 chàng trai trẻ do Hugues de Payns dẫn đầu tới đó dựng nên dòng Chiến Hữu Thanh Bần của Chúa Jesus: một dòng tu nhưng tay cầm kiếm và khiên. Ngoài 3 lời thề kinh điển (thanh bần, trong trắng, phục tùng), còn thêm điều 4: Bảo vệ đoàn người hành hương. Nhà vua, Đức Giám mục và người dân Jerusalem quyên góp tiền bạc, cung cấp chỗ ăn, ở, và cuối cùng cho họ cư ngụ tại nhà tu trong Đền thờ Solomon cũ. Từ đó trở đi, họ được gọi là Hiệp sỹ Dòng Đền.
Bản chất của hiệp sĩ dòng Đền
Hugues và 8 người đầu tiên có thể được coi là những người mộng mơ bị cuốn hút bởi cuộc Thập Tự Chinh. Nhưng những người gia nhập sau này thì hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn ở quê nhà, hoặc là muốn trốn chạy khỏi quá khứ. Tân Vương quốc ở Jerusalem như là Hoa Kỳ ngày nay, anh mong muốn tới đó để đổi đời. Tương tự như lính lê dương Pháp thời Hiện Đại, anh gia nhập hàng ngũ Hiệp sỹ Dòng Đền, tham gia các trận đánh. Anh có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thậm chí là món quà vô giá: được cứu rỗi linh hồn. Đổi lại, anh phải đâm đầu vào sa mạc, ngủ lều, cưỡi ngựa dưới ánh Mặt Trời, chết dần chết mòn vì khát trong khi phải moi gan kẻ thù.
Cho tới thời điểm dòng tu trở nên hùng mạnh. Anh có thể gia nhập Dòng Đền mà không cần phải tới Đất Thánh. Anh có thể gia nhập Dòng Đền để kiếm danh tiếng mặc dù ở quê nhà không thiếu thứ gì. Khi đó, mọi chuyện trở nên phức tạp. Họ nổi tiếng là những chiến binh sắt đá, họ chiến đấu với người Hồi, nhưng với tinh thần thượng võ và tôn trọng lẫn nhau.
Những Hiệp sỹ Dòng Đền thiếu nền giáo dục tu viện thông thường nên chậm nắm bắt những điểm tinh tế. Sau này, sự khoan hòa với kẻ thù Hồi giáo dẫn tới ngày tàn của họ: 1 trong những lời cáo buộc tại Tòa Dị giáo là họ có quan hệ với các phái Hồi giáo bí truyền. Họ bị các sử gia Cơ Đốc đương thời, chẳng hạn như William xứ Tyre tìm mọi cơ hội để phỉ báng.
Nhà kiến thiết
Các Hiệp sỹ Dòng Đền mạnh lên quá nhanh. Tất cả đều là nhờ 1 người, mà ngày nay người ta gọi là chuyên gia marketing, Thánh Bernard xứ Clairvaux, nhà cải cách Cơ Đốc giáo người Pháp. Là 1 nhà tổ chức kỳ tài, ông cải cách Dòng tu Biển Đức (Dòng Benedict), ủng hộ Thập Tự Chinh. Được Dante tôn vinh như là cánh tay phải của Đức Mẹ, ông nhận ra ý tưởng về Hiệp sỹ Dòng Đền có tiềm năng. Ông ủng hộ 9 kẻ phiêu lưu đầu tiên, biến họ thành lực lượng dân quân của Chúa.
Năm 1128, ông tổ chức 1 công đồng ở Troyes nhằm xác định vai trò quan trọng của Dòng Đền. Ông còn soạn thảo luật lệ cho dòng, gồm 72 điều, bao gồm: thánh lễ mỗi ngày, không giao du với các hiệp sỹ bị rút phép thông công, cấm đi giày mũi vễnh, khi ngủ chỉ mặc áo lót, nằm rơm với 1 tấm ga trải giường và 1 cái mền; 2 người ăn chung 1 chén, ăn trong yên lặng, tuần 3 bữa thịt; sám hối mỗi thứ Sáu; thức dậy lúc bình minh mỗi ngày…
Ông đề ra dòng có 1 thủ lãnh và một loạt các cấp thấp như thị vệ, cận vệ, trợ tá, và người hầu. Mỗi hiệp sỹ có 3 con ngựa và 1 cận vệ. Vũ khí đơn giản nhưng sắc bén. Tóm gọn lại là 1 cuộc đời hành xác với các giới luật, chiến đấu và không quên giữ mình. Anh buộc phải thần bí, khổ hạnh, không tiệc tùng, rượu chè hay gái gú, nhưng cùng lúc đó anh lang thang trong sa mạc cắt đầu kẻ thù.
Trong cuốn “Náu Mình” (Retraits) của Bertrand de Blanchefort, Đại Sư đời thứ 6 của các Hiệp sỹ Dòng Đền, ông đã mô tả các thứ bậc của Dòng, khi đó các hiệp sỹ có vị trí vai trò rõ ràng hơn. Ông cũng là người lập ra bộ phận kiểm soát nội bộ trong đội ngũ Dòng Đền, chấm dứt việc các Đại Sư đưa ra quyết định cho hướng đi của Dòng mà không có sự ủng hộ của các hiệp sỹ.
Sự trỗi dậy của dòng Đền
Ngay từ đầu, dòng tu đã nhận được các khoản quyên góp khổng lồ và dần dần lập nên các trang ấp khắp châu Âu. Alfonso xứ Aragon từng lập di chúc cho họ cả vương quốc nếu ông không có người nối dõi. Các Hiệp sỹ Dòng Đền không tin tưởng ông, nên đã thỏa thuận — cầm lấy tiền và tẩu vi thượng sách. Ngoại trừ việc thay tiền bằng các thành trì khắp Tây Ban Nha. Vua Bồ Đào Nha từng cho họ cả 1 khu rừng, tình cờ đó là vùng chiếm đóng của người Hồi. Các hiệp sĩ Dòng Đền tổ chức tấn công, đuổi cổ người Moor, chiếm khu rừng, lập ra Coimbra (hiện nay là một thành phố ở Bồ Đào Nha).
Mấu chốt nằm ở chỗ, một phần của dòng tu đang chiến đấu ở Palestine, nhưng phần lớn thì hoạt động ở nhà.
Rồi chuyện gì tiếp theo? Giả sử có ai đó cần đi Palestine. Họ cần tiền, nhưng đồng thời sợ mang theo châu báu trên đường, vậy nên họ để tài sản của mình cho các Hiệp sỹ Dòng Đền ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý…bất cứ nơi nào họ đang ở. Dòng đưa lại cho họ một tờ biên nhận và khi tới Trung Đông họ có thể đổi thành tiền. Giống như một dạng của thư tín dụng. Họ phát minh ra séc từ rất lâu trước các ngân hàng ở Florence.
Từ những khoản quyên góp, chiến lợi phẩm, và phần trăm từ hoạt động tài chánh của mình, dòng tu dần trở thành 1 công ty đa quốc gia. Họ thuyết phục Đức Giáo tông Innocent II ban cho các đặc quyền đặc lợi hiếm có. Dòng tu được phép giữ chiến lợi phẩm, không chịu trách nhiệm trước nhà vua, giám mục hoặc giáo trưởng ở Jerusalem, mà chỉ chịu trách nhiệm trước Đức Giáo tông. Họ được miễn mọi loại thuế thập phân nhưng họ có quyền áp thuế thập phân lên phần đất đai họ nắm giữ. Nói tóm lại, dòng tu này luôn ở trong bóng tối và không ai có quyền soi mói tới. Vì vậy giới giám mục và vua chúa rất không thích họ. Dòng Đền trở thành một tập đoàn bề thế mặc dù danh tiếng có được là dựa trên chiến trận.
Jacques de Vitry, nhà thần học và biên niên sử gia nổi tiếng, từng được bầu làm Đức Giám mục thành Acre, đã khen các Hiệp sỹ Dòng Đền là “Những con mãnh sư trong chiến trận, nhưng cũng là những con cừu non ngoan hiền trong thời bình. Quân Thập Tự Chinh cực kỳ lộn xộn, hành quân mà không biết mình đi đâu về đâu hay sẽ thấy những gì phía trước. Nhưng các Hiệp sỹ Dòng Đền lại khác, họ tỏ tường đường đi nước bước, biết cách đối phó kẻ địch, quen thuộc thủy thổ và hiểu binh pháp.
Gan góc ngoài chiến trường, sùng kính trong cầu nguyện; tàn bạo với kẻ thù nhưng tràn đầy từ tâm với anh em. Sắc trắng-đen trên lá cờ của họ đối nghịch nhau: với bằng hữu, họ trong trắng thánh thiện; với kẻ thù, họ dữ tợn và biến thành nỗi kinh hoàng. Những người bảo vệ đức tin, tia sáng le lói cuối cùng của buổi hoàng hôn tinh thần hiệp sỹ.
Thế rồi vào năm 1244, Jerusalem sụp đổ. Cơ Đốc nhân buông vũ khí. Thiên anh hùng ca của các Hiệp sỹ Dòng Đền tan thành mây khói. Để cứu vãn cuộc Thập Tự Chinh, Louis IX, cùng với các Hiệp sỹ Dòng Đền sẵn sàng tự nguyện tấn công Damietta, một bến cảng và thủ phủ ở Ai Cập, cách Cairo 200km về hướng Bắc. Cuộc đổ bộ thành công. Em trai nhà vua, Robert xứ Artois, thuyết phục Louis tiến công Cairo. Cuộc tiến công thất bại, Đại Sư Guillaume de Sonnac tử trận, vua Louis bị bắt sống và phải tốn 500 ngàn livre để chuộc về. Louis hành quân về thành Saint-Jean-d’Acre. Năm 1291, thành Saint-Jean-d’Acre bị người Hồi chiếm đóng. Jerusalem chánh thức diệt vong vĩnh viễn, tất cả cư dân bị tàn sát.
Hồi diệt vong của dòng Đền
Trong bản ghi lời khai của Aimery de Villiers-le-Duc vào ngày 13 tháng 5 năm 1310 có chi tiết như sau, “Anh ta tuyên bố rằng hôm trước anh ta trông thấy 504 sư huynh của dòng tu bị đưa lên dàn hỏa vì họ không thú nhận những tội lỗi được nhắc tới ở trên, và anh ta nghe nói họ bị thiêu sống. Nhưng anh ta sợ rằng bản thân mình sẽ không chống chọi nổi nếu bị đưa lên dàn thiêu, rằng anh ta sẽ nhận tội trước sự hiện diện của các quan tòa và bất kể ai, nếu được hỏi, và sẽ nói rằng tất cả tội lỗi người ta cáo buộc cho Dòng tu đều đúng hết; rằng anh ta, nếu được hỏi, cũng sẽ tự nhận luôn đã tự tay giết Chúa”
Với sự sụp đổ tại Đất Thánh, các Hiệp sỹ Dòng Đền đánh mất đi mục đích. Họ dành thời gian quản lý của cải khổng lồ của mình. Philip Tuấn Tú, còn có biệt danh Người công bằng hay Vua Sắt, trên con đường xây dựng một nhà nước tập quyền, đương nhiên là không ưa họ. Ông nói, “Họ là một dòng tu có chủ quyền, vượt qua ngoài bất cứ sự kiểm soát nào của vua chúa. Đại Sư ngang hàng với môt vương gia, đứng đầu một đội quân, cai quản những vùng rộng lớn và được bầu chọn như một Hoàng đế, có thẩm quyền tuyệt đối”.
Ngân khố nước Pháp đặt tại Ngôi Đền ở Paris, trung tâm đầu não của Dòng Đền. Các Hiệp sỹ Dòng Đền là những người được ủy thác, ủy nhiệm và là người quản lý một tài khoản mà nhà vua chỉ đứng tên trên danh nghĩa. Họ quản lý dòng tiền thu chi; họ hoạt động như môt ngân hàng tư nhân khổng lồ nhưng hưởng thụ gần như tất cả các đặc quyền đặc lợi và miễn trừ thuế khóa của một thiết chế nhà nước. Thủ quỹ của vua là một Hiệp sỹ Dòng Đền. Làm sao mà một nhà cầm quyền có thể thi hành quyền lực trong hoàn cảnh như vậy được?
Philip yêu cầu trở thành một hiệp sỹ danh dự của Dòng Đền. Đề nghị bị từ chối. Nuốt không trôi, nhà vua đề xuất với Đức Giáo tông sát nhập Dòng Đền với Dòng Cứu tế, còn được gọi là Hiệp sỹ Cứu Tế, thành lập bởi Gerald Được ban phước sau cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên, và đặt dưới sự kiểm soát của con ông. Jacques de Molay, Đại Sư Dòng Đền, trình thư lên Đức Giáo tông, lập luận rằng có nhiều bất cập khi sát nhập, do Dòng Đền giàu có hơn Dòng Cứu tế, và sát nhập có thể làm cho Dòng Cứu tế kiếm chác tiền bạc từ Dòng Đền, bởi vậy mà đặt linh hồn các chiến sỹ của ông vào thế nguy hiểm. Molay thắng vòng này, kế hoạch bị dẹp bỏ.
Phương cách còn lại chính là vu khống, và lần này nhà vua có lợi thế. Những lời đồn đại về Hiệp sỹ Dòng Đền đã lan truyền từ lâu. Trong mắt dân Pháp, các Hiệp sỹ Dòng Đền thu thuế thập phân khắp nơi mà không đem đến thứ gì bù lại, thậm chí không còn hy sinh xương máu với vai trò canh gác Đất Thánh. Đức Giáo tông Innocent III ban hành sắc lệnh “De insolentia Templariorum” (Về tánh ngạo mạn của Hiệp sỹ Dòng Đền). Các hiệp sỹ đã thề sống thanh bần nhưng thực tế thì sống với đủ sự phô trương của đám quý tộc, tham lam của đám thương gia. Chiến dịch “Lời đồn đại” còn bao gồm: Hiệp sỹ Dòng Đền là bọn đồng tính, theo dị giáo, sùng bái thờ phụng cái đầu “Baphomet”, có quan hệ với Rashid ad-Din Sinan, biệt hiệu Sơn nhân lão quái, đứng đầu phái Hồi giáo Shiite ở Syria, nổi tiếng trong thời kỳ Thập Tự Chinh.
- Tìm hiểu về người Lydia Và Người Phoenician
- Tìm hiểu chế độ quân sự Myanmar trong dòng lịch sử
- Thuật giả kim của người Ả Rập
Philip và các cố vấn đã lợi dụng triệt để các tin đồn này. Trong ban cố vấn của nhà vua, có 2 thiên tài nham hiểm: Enguerrand de Marigny, là quan thị vệ cho nhà vua và Guillaume de Noraget. Marigny là người cuối cùng dành quyền kiểm soát tài sản của Dòng Đền sau này. Noraget là Đại Pháp quan của nhà vua, người đứng sau sự kiện năm 1303 Sciarra Colonna tát vào mặt Đức Giáo tông Boniface VIII, khiến ngài từ trần vì nhục nhã 1 tháng sau đó. Sau đó xuất hiện Esquin de Floyran, một tên tử tù tình cờ gặp một Hiệp sỹ Dòng Đền phản đạo trong xà lim và nghe được lời thú tội của ông.
Để đổi lấy mạng sống và một khoản tiền, Floyran khai ra tất cả. Giờ thì tin đồn chánh thức thành lời khai trước tòa. Nhà vua chuyển lời vạch trần của Floyran tới Đức Giáo tông Clement V. Đức Giáo tông tin vào lời cáo buộc, nhưng biết rằng không dễ gì đụng tới Dòng Đền. Tuy vậy năm 1307, ngài vẫn đồng ý mở một cuộc thẩm tra chánh thức. Đại Sư Molay tuyên bố lương tâm trong sạch. Ngày 14 tháng 9 năm 1307, nhà vua gửi mật thư tới tất cả các nhân viên tòa án và các quan tòa trên toàn đế chế, ra lệnh bắt giữ tập thể các Hiệp sỹ Dòng Đền và tịch thu tài sản của họ, vỏn vẹn trong vòng 1 tháng chuẩn bị cho tới cái ngày định mệnh “thứ Sáu ngày 13 đen tối” (ngày 13 tháng 10 năm 1307), khi các Hiệp sỹ Dòng Đền chánh thức bị bắt giữ.
Khi biết chuyện, Đức Giáo tông phản đối nhưng quá muộn. Các điều tra viên của nhà vua sử dụng hình cụ và dây thừng, và nhiều hiệp sĩ dưới sức ép của cực hình đã bắt đầu thú tội, ngay cả Đại Sư Jaques de Molay. Sau khi thú tội, họ được chuyển qua các phán quan của tòa dị giáo để xác nhận lại lời thú tội. Năm 1311, Đức Giáo tông Clement triệu tập một hội đồng ở Viên nhưng không có mặt Molay. Việc giải tán dòng tu được thông qua và tài sản được chuyển sang Dòng Cứu tế và do nhà vua quản lý. Ngày 19 tháng 3 năm 1311, trước cổng Nhà thờ Đức Bà, Molay bị kết án chung thân.
Nhưng ông lại lên tiếng bản thân và các huynh đệ vô tội. Ông nói, Các Hiệp sỹ Dòng Đền chỉ phạm phải một tội lỗi duy nhứt: vì nhát gan mà phản bội lại Dòng Đền. Geoffroy xứ Charnay, trưởng nhánh Dòng Đền ở Normandy cũng theo gương Molay. Nhà vua ra quyết định ngay hôm đó một dàn thiêu được dựng lên ở mũi Đảo Ile de la Cité, một đảo nhỏ trên sông Seine, vào lúc hoàng hôn, Molay và Charnay bị thiêu sống.
Victor Emile Michelet viết trong cuốn “Le Secret de la Chevalerie” (Bí mật Tinh thần Hiệp sỹ) xuất bản năm 1930 rằng, “Và thế là những Hiệp sỹ Dòng Đền đã biến mất, và cùng với họ, cái bí mật mà dưới bóng nó phập phòng một niềm khát khao về cái thành phố trần tục. Nhưng cái trừu tượng mà những nỗ lực của họ thiết tha hướng tới vẫn tiếp tục sống, không thể chạm tới, ở những xứ sở không ai rõ…và nguồn cảm hứng của nó, hơn một lần, trong dòng chảy thời gian, đã đầy ắp những tâm hồn có thể tiếp nhận nó”.
Tuy thất bại trong cuộc chiến cuối cùng trên Đất Thánh, nhưng họ vẫn mơ tới vùng cao nguyên ở Ngôi đền Jerusalem, mơ về các chiến tích của mình, những xưởng rèn, yên cương, kho thóc, những dãy chuồng chứa 2000 con ngựa, đoàn cận vệ, trợ tá, những chữ thập đỏ trên nền áo trắng, áo tế sẫm màu của các trợ tá, những công sứ của vua Hồi, đoàn người hành hương, một ngã tư đầy lính tuần tra, niềm hoan hỉ trước những rương tiền, bến cảng mà từ đó những mệnh lệnh và kiện hàng được chuyển tới khắp các pháo đài nằm sau trong lục địa, trên đảo hay bên những bờ biển vùng Tiểu Á… Tất cả đã xa rồi, những Hiệp sỹ Dòng Đền khốn khổ./