Ký Sự - Tản Văn

Malina, thành phố của những đứa trẻ lạc loài

Có hàng ngàn đứa trẻ từ 3 đến 18 tuổi đang sống trong những khu ổ chuột ở Manila. Hai cha cố người Pháp là Matthieu và Thomas đang cố cứu vớt giới trẻ lạc loài khỏi địa ngục.

thanh pho manila
6 views

Minh Luân

Jerry chỉ vừa kịp né sang một bên khi nghe thấy tiếng gầm rú của chiếc xe chở rác. Năm rồi, vì không chú ý khi một chiếc xe xúc đến gần nên em đã mất đi 2 ngón tay. Lúc ấy em mới 6 tuổi. Không màng đến những người chung quanh, anh tài xế xe chở rác lùi xe đến bãi đổ. Lập tức một đám trẻ con chạy đến bu quanh chiếc xe. Chỗ đứng rất đắt tại Vitas, bãi rác lộ thiên lớn nhất thế giới. Những đứa đến trễ sẽ chỉ có được phần thừa. Một lũ trẻ khoảng 50 em đang ngóng chờ anh tài xế vận hành khoang chứa rác. Từ xa nhìn cảnh tượng tựa như một đám đông đang chờ được phân phát thực phẩm cứu trợ. Chỉ có điều là ở đây lũ trẻ đang ngóng chờ rác đổ xuống. Rác chưa đổ xuống hết, một vài đứa trẻ đã leo lên đống rác để bởi tìm. Khi khoang chứa rác đã trống, lũ trẻ nháo nhào chạy lên đống rác để sục sạo tìm kiếm quơ nhặt một cách điên cuồng. Phải làm nhanh vì chiếc xe rác kế đó sắp tới. Quả là một vũ điệu bất tận không ngừng nghỉ, cả vào ngày chủ nhật lẫn ngày lễ.

Tại Phnom Penh hay Cairo cũng có các bãi rác, nơi trú ngụ của những kẻ nghèo hèn. Nhưng chẳng có nơi đâu sánh được với Vitas. Trên diện tích 7 hecta rộng đến hút tầm mắt là những đống rác khổng lồ, tại đấy có gần 10.000 người đang sống trong những cái chòi bẩn thỉu tồi tàn. Về vấn đề nhà cho thuê, chẳng nơi đâu tốt hơn Manila với 12 đến 18 triệu người sống trong khu ổ chuột: mỗi tháng 500 pe-sos, tức 8 euro. Với cái giá đó, người ta có 4 tấm ván, trên che tấm tôn nhựa để gọi là “nhà” cho một gia đình 8 hay 10 người, bên trong chẳng có gì cả, hay cùng lắm là một bức ảnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay Đức Giáo hoàng. Trong đất nước có 80 triệu dân theo Thiên Chúa giáo này, chỉ có Chúa chia sẻ nỗi khổ đau của họ, an ủi họ về thân phận “vốn dĩ đã là phần số” mà người ta không thể nào thay đổi, họ nghĩ thế.

Trên cánh đồng rác đó, 8.000 đứa trẻ như Jerry đào bới suốt ngày chỉ với một cái móc. Những đứa con trai, con gái, lớn có nhỏ có. Chúng rảo khắp nơi, siêng năng làm công việc của mình trong im lặng, chào khi có người đi ngang qua, tựa hồ như mọi việc đều bình thường. Rất nhiều em chào đời ở đây, và rất nhiều em đã chết ở đây. Bị chôn vùi dưới đống rác bất ngờ sụp xuống hoặc bị đè bẹp bởi những chiếc xe xúc đến dọn rác. Một số em chưa hề biết đến mùi gì khác ngoài mùi hôi thối bao trùm trên cái bãi bao la mà người ta đặt tên là “quả núi bốc khói” “Có những em chưa hề ngửi được mùi hương của một đóa hoa” – Gloria Recic cho biết; cô là nhân viên trong hội “Một chiếc cầu cho trẻ em”.

Hội được thành lập năm 1998 dưới sự quản lý của cha Thomas. Đây là hội đoàn duy nhất có gắng ươm mầm cho tuổi trễ bị chôn vùi dưới lớp bùn rác. Hội đã mở một lớp học tại đấy để giúp lũ trẻ có một cơ may đổi đời. Tình trạng của trẻ em tại Vitas chưa phải là tệ nhất vì ít ra các em cũng không đơn độc. Bởi vì với hàng chục ngàn trẻ em tại Manila, thủ đô không còn mang ý nghĩa gia đình nữa. Tại Vitas, chỗ của những kẻ nghèo hèn nhất trong số những người nghèo, và nếu không kể đến rác rưởi, vẫn còn có một cuộc sống. Có những gia đình, công việc làm, một tổ chức xã hội thô sơ. Trong nghĩa trang Sangadaan chẳng có gì cả nếu không phải là hàng trăm đứa trẻ bị bỏ mặc cho số phận và sự cùng cực u tối. “Những đứa trẻ bị hất hủi đến mức chỉ có người chết tiếp đón chúng” – cha Matthieu cho biết. Cha là trợ lý của cha Thomas. Ở tuổi 30, vị cha cố có gương mặt thiên thần và óc hài hước tinh nghịch đó cũng cống hiến cuộc đời cho các đứa trẻ lạc loài ở Manila. Cha nói thông thạo tiếng tagalog, ngôn ngữ chính thức của người Philippines, và trẻ em rất yêu mến cha.

Tại Sangadaan, trước tiên đó là một âm thanh. Âm thanh không ngừng của bao nilon phồng lên để tỏa ra mùi dung môi mà những đứa trẻ hít suốt ngày. Mỗi liều Rugby giá 30 peso. Khi cha Matthieu đi đến, vài em liền giấu ma túy trong áo thun. Những đứa khác không làm thế vì đã say thuốc. Sangadaan là đoạn cuối của chặng đường. Sau đó sẽ chẳng còn gì nếu không là cái chết đôi khi đến lấy đi những kẻ yếu nhất. Chẳng hạn như Jasmine. Cô đã 24 nhưng thân hình gầy đét khiến người ta khó đoán được tuổi. Cô đói meo, ngồi trên nấm mồ và cố lấy hơi sức để trả lời các câu hỏi của cha Matthieu. Không, cô không biết mình bị gì. Cô rất yếu và rất đói, nhưng cô không muốn rời bỏ nghĩa trang, chỉ muốn ở lại với người “chồng” ngồi câm lặng kế bên.

Chung quanh, những đứa trẻ khác âm thầm len lách giữa các nấm mồ như bầy chó hoang để đến gặp cha cố. Một vài em kêu lẫn vui mừng khi nhận ra cha: “Fadeur Matiou! Fadeur Matiou!” (Cha Matthieu! Cha Matthieu!). Số khác ôm lấy cha, nắm tay cha để chào theo kiểu Philippines bằng cách đặt bàn tay cha lên trán. Cha Matthieu vào nghĩa trang để tìm kiếm những đứa trẻ quen. Cha kéo ra khỏi địa ngục này bằng cách thuyết phục các em đến một trung tâm tiếp nhận và đi học. “Thế nhưng 99% trẻ em mà chúng tôi kéo ra khỏi đường phố lại trở về nơi cũ ít nhất 1 lần. Dù sao thì điều đó cũng bình thường. Thường khi các em chỉ biết có đường phố. Thật khó để các em ổn định và làm quen với một cuộc sống khác. Một số ở lại với chúng tôi 1 năm hay hơn rồi lại đi bụi đời. Có em ở lại luôn. Vài em ra đi mà chúng tôi không bao giờ gặp lại nữa” – cha Matthieu cho biết.

Trong khi tìm kiếm, cha kể lại nguồn gốc của từng em: “Em này thì mẹ đã mất còn cha đang ở tù. Em kia trốn đi bụi đời vì bị cha dượng cưỡng hiếp. Em này chào đời ngoài đường phổ và không biết cả tên thật. Em to lớn kia rất can đảm. Em bán thân để cho các em trai và em gái có thể đi học”. Tại Sangadaan, hầu như ở đâu cũng có mãi dâm. Giống như tại các khu ổ chuột ở Manila, việc lạm dụng trẻ em là một vết nhơ truyền nhiễm. Những bé gái mới 8 tuổi đã biết nháy mắt với khách, một số còn bế 1 em bé trên tay. Cha Matthieu cho biết: “Trong số trẻ đường phố, nếu bạn thấy em nào sạch sẽ, chắc chắn là em đó bán dâm. Nếu lớn tuổi hơn thì dẫn mối”. Cha chỉ một nhà mồ bên trên nóc có một thanh niên khoảng 20 tuổi đang lạnh lùng quan sát đám trẻ vây quanh cha.

Tại Cubao, trên một cầu vượt bắc qua xa lộ ồn ào ô nhiễm, có khoảng 10 đứa trẻ sinh sống. Đứa lớn nhất dường như 12 tuổi, thật ra em đã 17. Tại Manila, tất cả trẻ em đường phố đều có vẻ trẻ hơn tuổi. Đó là do lối sống mất vệ sinh và thiếu dinh dưỡng. Đêm đó cha Matthieu đi tìm một đứa trẻ tên Jomar mà người ta tưởng đã ổn định vì em sống trong một trung tâm tiếp nhận và đi học từ 1 năm qua. Thế nhưng một hôm Jomar lại bỏ đi. Tiếng gọi của đường phố quá mạnh đối với em. Cha Matthieu tình cờ gặp được cha của Jomar. Hai người nói chuyện với nhau rồi cha bỏ đi. “Ông ta bảo tôi lo tìm nó đi, nếu không ông ta sẽ đưa nó vào từ – cha Matthieu kể lại với nụ cười bực – tức. Cuối cùng, khi cha tìm được Jomar, em đang ngủ say như chết trên một mảnh bìa cứng, đã say thuốc Rugby.

Cha cố đánh thức em dậy và nói chuyện. Cuối cùng em đồng ý đi theo cha. Trong gần 1 giờ cha cố thuyết phục em trở về trung tâm nhưng không thành công: “Có lẽ phải mất 1, 2 tháng mới thuyết phục được. Phải để chính em tự ý, nếu không thì vô ích”. Lần thứ 3 cha đến tìm Jomar thì bạn bè cho biết em đã bị những barangay bắt đi. Đó là các cảnh sát khu vực có nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Thông thường thì họ giải tán lũ trẻ bằng gậy, hoặc là tống vào nhà giam chung với người lớn và cái vòng bạo lực lại tiếp diễn. Nhưng thường nhất là họ bắt chúng làm việc cho họ hay lạm dụng chúng, thậm chí “chơi đùa”. Như đứa trẻ được phát hiện đã chết vì bị kéo lê bằng xe hơi. Chỉ đế đùa vui thôi (!)

Cũ kỹ, bẩn thỉu, hạ tầng kiến trúc lỗi thời, thủ đô Manila có đủ cho một cơn ác mộng. Hiếm có một thành phố nào trưng ra một cảnh tượng đầy bất bình đẳng xã hội như thế. “Trong năm 2006, có 47% dân số Philippines sống dưới ngưỡng nghèo đói. Đến năm 2006, con số này đã lên đến 73%”. Cha Thomas bất mãn cho biết. Bàn về vấn đề số 1 gây hoại thư cho đất nước thì cha không tiếc lời: “Tham nhũng Lương hàng đầu và là lời giải thích là tại cho mọi cảnh nghèo đói mà bạn nhìn thấy ở đây. Cựu Tổng thống Estrada đã bỏ túi 80% trong số 480 triệu peso dành cho an sinh xã hội. Bạn sẽ bảo là còn lại 20% chứ gì? Không đâu, số đó chạy vào túi của những người mà ông ta phải lo lót để giữ kín việc làm của ông ta. Và ở mọi hệ cấp sự việc cũng đều như thế. Kết quả là một số ít người ngốn ngấu tất cả những gì có thể lấy được, bỏ mặc cho dân chúng chết đói. 99% ngân quỹ mà hội chúng tôi có là từ nước Pháp. Có lúc tôi ảo tưởng nghĩ rằng có thể quyên góp tiền từ giới thượng lưu Philippines, nhưng tôi nhận ra rằng điều đó là vô ích. Để họ bỏ tiền ra, ta phải hứa rằng sẽ dựng một bức tượng có tên của họ để mọi người biết đến lòng quảng đại của họ! Họ không cần biết đến số phận của những đứa trẻ kia”.

Mọi ngày như đã từng từ 8 năm qua, cha Thomas và Matthieu lại cầm cây gậy hành hương đi khắp hang cùng ngõ hẻm cùng với nhóm, không mệt mỏi, chỉ với hành trang là niềm tin trước một công việc tưởng chừng như không thể nào vượt qua. “Những gì chúng tôi đã làm chỉ là giọt nước. Chúng tôi sẽ làm nhiều, gấp hơn thế 10 lần để sẽ có thêm 1 giọt nước nữa. Thế nhưng, tất cả vẫn còn có thể, kể cả khi tình thế dường như tuyệt vọng” – cha Matthieu nhẫn mạnh. Cầu cho những người có lòng hảo tâm nghe được lời ông.

(Theo Paris Match)

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment